Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Nghe như vầy: Một thời đức Phật cùng với năm trăm Sa môn đồng du hóa đến nước Câu Lưu, đi đến nước Thâu La Âu Tra.
Bấy giờ các Bà la môn, đạo nhân, nhân dân trong nước (thôn) Thâu Lô Tra đều nghe tin đức Phật đang du hóa đến xứ này. Họ nghe công đức vi diệu của đức Phật không có tham, dâm, sân hận, ngu si. Ngài nói ra điều gì đều là trung chính, đã được Phật đạo, tự biết từ đâu sanh đến, dự biết việc quá khứ, vị lai, hiện tại. Mắt ngài có thể thấy suốt biết các loài sâu bọ, nhuyễn động và nhân dân thế gian lúc sanh lúc tử vào đường thiện ác, vị ấy có thể phi hành, có thể đi vào đất, lúc ra không cần khoảng cách, lúc vào không cần lổ hổng, việc làm biến hóa tự tại, biết nhân dân của thế gian và các loài sâu bọ nhuyễn động, khi chúng nghĩ điều gì ngài đều biết cả. Ðức Phật tự kiềm chế mắt, tự kiềm chế tai, tự kiềm chế mũi, tự kiềm chế miệng, tự kiềm chế thân và tự kiềm chế ý. Phàm chín mươi sáu thứ đạo của thế gian đều không thể theo kịp Phật đạo. Ðức Phật dạy nhân dân ở trên trời, dưới trời như cha mẹ dạy con, ngài có thể làm cho họ bỏ ác theo thiện. Ðức Phật là vị thầy của nhân dân ở trên trời và dưới trời. Ðức Phật đã dạy dỗ nhân dân của chư thiên làm cho họ đều được đạo Nê Hoàn, A la hán. Nhân dân cả nước đều nói:
–Ðức Phật là người tốt đẹp, ngài khéo nói giới kinh. Vậy chúng ta hãy cùng nhau đến chiêm ngưỡng con người đạo đức ấy.
Nhân dân trong nước ấy, hoặc năm mươi người làm một nhóm, hoặc một trăm người làm một nhóm, hoặc năm trăm người làm một nhóm, họ kết bạn cùng nhau đi đến chỗ đức Phật. Trong số đó có người đến quỳ trước đức Phật, có người đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng, có người đem đầu mặt lạy dưới chân đức Phật, có người thì vòngtay, có người chỉ nói lên tên họ của mình. Tất cả mọi người đồng ngồi xuống.
Ðức Phật nói giới kinh cho mọi người nghe, mọi người đều chấp tay hướng về đức Phật. Trong số những người đang ngồi đó có một người con của trưởng giả tên là Lại Tra Hòa La cũng đang ngồi trong đó nghe đức Phật nói kinh, nhờ để tâm lắng nghe Lại Tra Hòa La tự suy nghĩ: “Như giới kinh của Phật dạy thì không nên ở tại gia, vì ở tại gia thì tự mình không thể thanh tịnh để học Phật đạo được”. Lại nghĩ: “Ðâu bằng ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, làm Sa môn”.
Dân chúng nước Thâu La Âu Tra nghe giới kinh xong thảy đều hoan hỷ, nhiễu quanh đức Phật ba vòng rồi ai về nhà nấy. Nhưng Lại Tra Hòa La mới về nữa đường thì liền quay trở lại chỗ đức Phật, đến phía trước đảnh lễ đức Phật, chắp tay quỳ xuống bạch đức Phật: “Con nghĩ giới kinh của Phật dạy không nên ở tại gia, vì ở tại gia thì tự mình không thể thanh tịnh để học kinh đạo của Phật được. Ý con muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa làm Sa môn. Cúi mong đức Phật xót thương cho con được làm Sa môn”.
Ðức Phật hỏi: “Ngươi đã xin phép cha mẹ chưa?”. Lại Tra Hòa La thưa: “Con chưa xin phép cha mẹ”.
Ðức Phật dạy: “Ðối với Phật pháp, nếu cha mẹ không cho phép thì không thể làm Sa môn được. Ta cũng không thể truyền trao giới pháp cho ông được”.
Lại Tra Hòa La thưa: “Thưa vâng, cho phép con trở về xin cha mẹ, nếu cha mẹ cho phép làm Sa môn con sẽ trở lại”. Ðức Phật nói: “Lành thay! Hãy tự mình suy nghĩ kỹ”.
Lại Tra Hòa La liền đảnh lễ đức Phật về nhà đến trước cha mẹ thưa rằng: “Con được nghe giới kinh của Phật dạy là không nên ở nhà, vì ở nhà thì tự mình không thể thanh tịnh để học kinh đạo của Phật. Nay ý con muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa làm Sa môn”.
Cha mẹ nghe con nói như vậy đều nhìn nhau khóc lóc nói rằng: “Vợ chồng ta hiếm con, phải cầu đảo khấn vái chư thiên, mặt trời, mặt trăng, cúi lạy bốn phương cầu xin được đứa con yêu quý để kế thừa hương khói sau này. Cha mẹ thường sợ con bỗng nhiên chết đi thì nhà này sẽ không ai nối dõi. Nhờ trời đã cho ta một người con trai, cả nhà đều hết sức yêu mến, lòng quyến luyến không sao kể xiết. Giả sử mà con có chết đi, cha mẹ còn không muốn rời bỏ con, cha mẹ cùng ngồi giũ xác con cho đến già huống chi nay con còn sống lại muốn bỏ chúng ta mà đi sao?”.
Khi ấy Lại Tra Hòa La thưa với cha mẹ : “Như nay cha mẹ không cho con đến chỗ đức Phật để làm Sa môn vậy kể từ nay trở đi con sẽ không ăn, không uống, không tắm rửa nữa. Nếu nay cha mẹ cho phép con làm Sa môn thì tốt, còn không cho thì con sẽ chết mà thôi”.
Nói xong liền nằm dài dưới đất trống, không ăn một ngày, hai ngày, ba bốn cho đến năm ngày. Tôn thân chín tộc nội ngoại của Lại Tra Hòa La nghe nói Lại Tra Hòa La theo cha mẹ để cầu xin được làm Sa môn nhưng cha mẹ không cho nên đã nằm dài dưới đất, không ăn không uống đã năm ngày rồi. Cửu tộc tôn thân nội ngoại đều đến chỗ Lại Tra Hòa La khuyên bảo đứng dậy tắm rữa ăn uống, nói với Lại Tra Hòa La rằng: “Lúc cha mẹ con chưa có con đã cầu đảo chư thiên, mặt trời, mặt trăng, cúi lạy bốn phương để cầu xin được một đứa con, tức là con vậy. Con phải cúng dường cha mẹ, làm người thừa kế gia đình sau này. Giả sử con có chết đi, cha mẹ vẫn thường muốn ngồi bên xác con cho đến già, huống chi nay con còn sống mà muốn xa lìa”.
Lại Tra Hòa La cũng không trả lời. Cửu tộc tôn thân đều lại đến trước cha mẹ ngài khóc lóc nói rằng: “Cậu bé này rốt cuộc vẫn không nghe chúng tôi khuyên can”.
Lại Tra Hòa La lại có các người bạn tri thức thân hậu, nghe Lại Tra Hòa La muốn đến chỗ đức Phật làm Sa môn nhưng cha mẹ không cho nên nằm dài dưới đất trống không uống không ăn đã năm ngày rồi, nên các tri thức thân hậu đồng đến chỗ Lại Tra Hòa La khuyên can, bảo đứng dậy tắm rửa, ăn uống nói rằng: “Lúc cha mẹ bạn chưa có bạn, đã cầu đảo chư thiên, mặt trời, mặt trăng, cúi lạy bốn phương để cầu xin được một đứa con thì chính là bạn đó. Vậy bạn nên cúng dường cha mẹ, làm người thừa kế sau này. Ví dầu bạn có chết đi thì cha mẹ bạn vẫn thường muốn ngồi bên xác bạn cho đến tuổi già, huống chi nay bạn còn sống mà muốn xa lìa sao?”.
Lại Tra Hòa La cũng không trả lời. Tri thức thân hậu lại đến trước cha mẹ của Lại Tra Hòa La khóc lóc, họ đều gạt nước mắt nói rằng: “Hai bác nên cho cậu ấy được làm Sa môn. Vì sao vậy? Vì như cậu ấy thích đạo làm Sa môn sau đó còn sống để gặp nhau. Nếu như cậu ta không thích đạo thì sẽ bỏ đạo trở về nhà, ý hai bác thế nào? Nay nếu không cho cậu ấy đi, nhất định cậu ấy sẽ chết, thân thể hôi thối, bị trùng kiến ăn thịt xác người chết. Nay cậu ấy đang thở dồn dập có thể bị chết”.
Lúc ấy cha mẹ, vợ con, kỷ nữ, tông tộc, tri thức trong nhà thảy đều khóc lớn. Cha mẹ lau nước mắt nói với Lại Tra Hòa La: “Các tri thức thân hậu đã giao ước với con rằng sau khi con được làm Sa môn con phải trở về thăm cha mẹ chứ”.
Lại Tra Hòa La đáp rằng: “Hãy cho con đi đến chỗ đức Phật để làm Sa môn thì con sẽ sống, không chết, tương lai con sẽ trở về thăm lại cha mẹ”.
Cha mẹ Lại Tra Hòa La nghe lời ấy rồi lại khóc rống liền cho phép Lại Tra Hòa La làm Sa môn. Lại Tra Hòa La rất vui mừng tự nghĩ: “Ta đã không ăn năm ngày rồi thân thể rất ốm yếu. Bấy giờ đức Phật từ Thâu La Âu Tra đi đến nước Xá Vệ, đã cách năm trăm dậm, vậy ta hãy tự bồi dưỡng, chờ thân thể khỏe mạnh rồi sẽ đi”.
Lại Tra Hòa La tự bồi dưỡng cơ thể vài ngày thấy đã có sức lực, đến trước thưa với cha mẹ: “Cha mẹ hãy tự an lòng. Con sẽ đến chỗ đức Phật xin làm Sa môn”.Cha mẹ Lại Tra Hòa La lại khóc rống, gạt lệ nói rằng: “Hãy đi đi con thân yêu”.
Lại Tra Hòa La lại lấy đầu mặt lạy dưới chân cha mẹ, đứng dậy nhiễu quanh cha mẹ ba lần rồi đi đến tịnh xá Kỳ Hoàn, nước Xá vệ trình diện đức Phật đảnh lễ đức Phật xong thưa rằng: “Cha mẹ con đã cho phép rồi, cúi mong đức Phật cho con làm Sa môn”.
Ðức Phật liền cho tôn giả làm Sa môn, mặc áo cà sa, thọ kinh giới của Sa môn. Ðức Phật bảo các A la hán mỗi ngày thay nhau dạy dỗ, không được làm hủy thương kinh giới. Tôn giả tự tư duy về kinh đạo liền đắc tứ thiền, đắc quả Tu đà hoàn, thứ nhất; Tư đà hàm, thứ hai; A na hàm, thứ ba; A la hán, thứ tư; liền đắc bốn thần túc phi hành, có thể dùng thiên nhãn thấy xa, thiên nhĩ nghe xa. Nhân dân ở trên trời, dưới trời và loài sâu bọ côn trùng đều nghe biết điều chúng nói và ý chúng nghĩ, tự biết túc mạng từ đâu sanh đến. Tôn giả theo Phật mười năm như bóng theo hình. Sau mười năm tôn giả suy nghĩ: “Lúc xưa ta lìa nhà, giã từ cha mẹ, nay phải trở về để thăm hỏi”. Lại Tra Hòa La bạch đức Phật: “Lúc xưa con lìa nhà, nay phải trở về để thăm cha mẹ. Xin đức Phật cho phép được về thăm cha mẹ”.
Bấy giờ đức Phật nghĩ: “Lại Tra Hòa La này không thể trở lại đời sống ái dục như lúc ở nhà được, vì đã từ ái dục mà giải thoát”. Ðức Phật nói: “Rất tốt”.
Tôn giả liền đảnh lễ đức Phật rồi đi ra, lần lượt đi đến nước Thâu La Âu Tra. Vào lúc sáng sớm tôn giả mang y cầm bát vào xóm của cha mẹ mình, hướng đến trước cửa nhà mình để khất thực làm đạo Sa môn phải sanh tâm vong ngã (quên mình đi) mới là người trượng phu. Cả nhà đều chẳng thèm nhìn ngài. Vì sao vậy? Vì cả nhà có ác kiến với Sa môn cho nên không thèm nhìn ngài. Lại Tra Hòa La đi đến trước cửa nhà mình, chẳng ai cho gì, cũng chẳng ai thèm nhìn, chẳng ai hỏi han, chỉ bị mắng nhiếc. Tôn giả vẫn không buồn, không sầu muộn. Vừa muốn ra khỏi nhà, lúc đó có người nô tỳ vừa ra khỏi cửa để đổ đồ ăn thừa, tôn giả Lại Tra Hòa La thấy nô tỳ liền nói: “Này cô em, cô dùng đồ ăn hôi thối này để làm gì?”.
Khi ấy nô tỳ đáp: “Ðồ ăn hôi thối này không thể dùng được nữa, cho nên tôi muốn đem đổ đi”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Nếu cô em muốn đổ đi thì hãy cho ta”.
Nô tỳ liền đổ vào bình bát của tôn giả. Cô ta ngầm nhận ra Lại Tra Hòa La qua tay chân và lời nói, cô ta nghĩ: “Ðây là người con trai của chủ mình”. Cô ta liền chạy vào nhà báo cho mẹ của tôn giả biết là con trai của bà đã đến, đang ở bên ngoài.
Mẹ của tôn giả hết sức vui mừng nói với nô tỳ: “Nếu đúng như lời ngươi nói thì ngay ngày hôm nay ta sẽ cho ngươi được tự do trở thành người lương dân. Bà liền lấy y phục và châu ngọc đang trang điểm thân thể đem cho mẹ của nô tỳ. Bà liền chạy đến chỗ chồng, lúc ấy ông đang đứng trong nhà chải tóc, bà nói: “Con nô tỳ thấy đứa con của chúng ta về đứng ở trước cửa nhà mình, tôi liền nói với nô tỳ nếu quả thật người thấy Lại Tra Hòa La ta sẽ cỡi bỏ y phục và châu báu đang trang điểm trên thân cho ngươi và cho ngươi được tự do trở thành lương dân”.
Mẹ của tôn giả nói với chồng: “Thưa ông, hãy đứng dậy nhanh để bố thí cho người khất thực”. Cha của tôn giả liền sửa lại đầu, chạy ra các ngã tư đường làng để tìm người hành khất, thấy tôn giả Lại Tra Hòa La ở chỗ vắng, ngẩng đầu nhìn trời, vừa đúng giờ ăn liền đứng lại để ăn đồ ăn đã thiu thối ấy. Cha của tôn giả liền đến phía trước nói với Lại Tra Hòa La: “Sao con không vào nhà? Ngồi chỗ đẹp, ăn cơm canh ngon, sao lại đứng ở đây ăn đồ ăn thiu thối?”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La thưa với cha: “Tôi đã bỏ nhà học đạo, làm Sa môn không nhà, vậy tôi làm gì có nhà mà cha nói cùng về nhà”. Tôn giả không chịu đi, cha tôn giả lại mời: “Xin mời tôn giả sáng mai đến nhà này để thọ thực và gặp mẹ ngài”. Tôn giả Lại Tra Hòa La thưa: “Rất tốt!”.
Cha của tôn giả trở về nói với vợ: “Lại Tra Hòa La quả thật có đến đây. Tôi đã mời con sáng mai đến nhà để dùng cơm. Con của chúng ta đã nhận lời mời, vậy bà phải chuẩn bị cơm nước đầy đủ”.
Mẹ của tôn giả liền gọi những nô tỳ ở trong nhà đến trước bảo rằng: “Lúc mới làm lễ nhập môn, cha mẹ ta có cho ta vàng bạc, bạch châu, trân bảo. Các ngươi đem tất cả chúng để giữa sân đất, lấy đồ che lên trên”. Nô tỳ liền theo lời mẹ của tôn giả dạy đem tất cả vàng bạc, bạch châu, trân bảo chất hết giữa sân, lấy đồ che lên trên cao hơn đầu người.
Tôn giả Lại Tra Hòa La đến giờ ăn, mang y cầm bát đi đến nhà cha mẹ. Cha mẹ tôn giả từ xa trông thấy con đi vào ngõ, mẹ tôn giả liền lấy vật che trên đống vàng bạc, đi đến trước tôn giả hai tay bà hốt vàng bạc tung lên, nói với tôn giả Lại Tra Hòa La rằng: “Con hãy nhìn vàng bạc châu báu này, chính là vật sở hữu của mẹ lúc nhập môn. Còn kim ngân, vàng bạc của cha con thì nhiều vô số. Con hãy dùng nó để bố thí, ăn tiêu, vui chơi thỏa thích. Con làm Sa môn sao bằng làm người bạch y, ở nhà được tự tại”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La thưa với cha mẹ: “Nếu như cha mẹ chấp nhận lời đề nghị của con, con muốn xin cha mẹ một chuyện”. Cha mẹ tôn giả nói: “Tốt lắm! Chúng ta chấp nhận”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La thưa rằng: “Xin lấy tất cả báu vật che trên đó, dùng một cái đãy bỏ chúng vào trong, đặt lên trên xe, đem đến bờ sông Hằng coi chỗ nào thật sâu rồi bỏ xuống đó. Vì sao vậy? Vì người nào cất chứa tài bảo thì nó làm cho kẻ ấy nhiều sầu muộn, hoặc họ sợ huyện quan chiếm đoạt, trộm cướp lấy đi, hoặc sợ nước trôi, lửa cháy, hoặc sợ oan gia phá hủy.
Cha mẹ tôn giả liền sanh ý nghĩ: “Không thể dùng tiền tài để cảm hóa Lại Tra Hòa La được. Vậy chúng ta thử đem các mỹ nhơn, kỷ nữ để dụ dỗ xem sao”. Bà mẹ tôn giả liền đến chỗ các mỹ nhơn, kỷ nữ, ra lệnh tất cả phải tắm rửa, trang điểm mang châu ngọc để phục sức, thứ y phục mà Lại Tra Hòa La ngày xưa yêu thích nhất. Mẹ của tôn giả bảo các mỹ nhơn kỷ nữ rằng: “Các ngươi đến gặp tôn giả Lại Tra Hòa La, chỉ nói rằng: “Hỡi người con của đại gia! Có ngọc nữ nào đẹp hơn chúng tôi mà khiến cho chàng bỏ chúng tôi để học đạo vì nàng?”.
Các mỹ nhơn kỷ nữ liền vâng lời mẹ của tôn giả dạy, trang điểm xong đi ra. Các mỹ nhơn kỷ nữ nói với tôn giả Lại Tra Hòa La: “Này người con của đại gia! Có ngọc nữ nào đẹp hơn chúng tôi mà khiến cho chàng bỏ chúng tôi đi học đạo để tìm nàng ta?”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói với các cô ấy rằng: “Ta chẳng tìm ngọc nữ nào mà bỏ các cô em cả”. Các mỹ nhơn kỷ nữ nghe tôn giả nói như vậy liền thẹn thùng, quỳ xuống cúi đầu, lấy tay che mặt nói rằng: “Chúng tôi là vợ của chàng, sao chàng lại gọi chúng tôi là em gái!”.
Lúc ấy tôn giả Lại Tra Hòa La nói với cha mẹ rằng: “Tại sao làm phiền nhau. Nếu muốn thí cơm thì đó là tốt, không muốn cúng thì thôi”. Cha mẹ tôn giả liền dâng đầy đủ các món ngon để tôn giả dùng. Cha mẹ tôn giả muốn nhìn con thật lâu, họ sợ con ăn xong rồi đi liền, họ bảo nô tỳ đóng các cửa ngõ dùng khóa khóa lại.
Tôn giả ăn xong nói kinh cho cha mẹ nghe rằng: “Ðối với các dã nhơn, đạo nhơn, họ như thú rừng không nên bắt nhốt, làm cho chúng không được tự tại. Hãy thả tôi ra, tôi ăn rồi đi. Tôi ví như thú rừng được thoát, liền vào núi sâu. Chải đầu, thoa phấn, kẻ mi trắng đen đủ loại, thứ ấy chỉ làm mê hoặc kẻ ngu si, chứ đối với người đã thoát khỏi thế gian làm sao mê hoặc. Hãy nhìn cái bộ xương này với da thịt bao phủ, trang điểm bằng vàng bạc, châu ngọc, vòng đeo tai với ngọc ngà lộng lẫy, ai đam mê kẻ ấy như đi vào trong nước sôi, lửa đỏ, lửa đâu có ưa. Với hương liệu bôi xoa thân thể, nó chỉ gạt được người si dại, nhưng làm sao gạt được người đã thoát khỏi cuộc đời. Vì không thể tự biết phải làm gì nên mới làm vậy. Cũng không thể phân biệt cha mẹ, cũng không thể phân biệt anh em, khi lòng người có điều ái dục thì không thể tự mình đoạn tuyệt được. Phụ nữ giống như các dòng nước đều chảy vào biển cả. Người ngu chạy theo nữ nhơn nên mới trôi lăn vào trong địa ngục, súc sanh và quỷ đói. Nếu muốn thoát khỏi sự ưu sầu khổ não trong đường sanh tử, muốn được đạo Niết bàn cần phải xa lìa phụ nữ”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La thuyết kinh cho cha mẹ nghe xong liền bay lên trời qua đường cửa sổ rồi đi thẳng giống như con sư tử chạy thoát.
Bấy giờ quốc vương Câu Liệp vốn có thân tình với tôn giả Lại Tra Hòa La từ thuở nhỏ. Nhà vua có một viên quán ở ngoài thành. Lúc tôn giả Lại Tra Hòa La phi hành đến phía trước, vào trong viên quán ngồi dưới gốc cây Duy Hê Lặc. Khi ấy vua Câu Liệp bỗng nhiên đến lầu quán để vui chơi, liền ra lệnh người coi khu vườn chuẩn bị quét dọn. Viên coi vườn vâng lệnh đi quét dọn, thấy tôn giả Lại Tra Hòa La đang ngồi ở dưới gốc cây Duy Hê Lặc. Viên coi vườn thấy rồi liền đến tâu với vua: “Thần đã quét dọn sạch sẽ xong rồi. Ðức vua thường nói có bạn tri thức thân hậu là Lại Tra Hòa La, nay tôn giả ấy đang ngồi dưới gốc cây trong lâu quán. Nếu đức vua muốn gặp tôn giả vậy hãy đến đó”.
Nhà vua nghe vậy hết sức vui mừng, sửa soạn xe cộ xong liền đến phía ngoài lâu quán, xuống xe đi bộ đến chỗ tôn giả Lại Tra Hòa La, tới phía trước đảnh lễ rồi ngồi xuống. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Nhà vua đến đây thật hết sức tốt”.
Vua nói: “Tuy ta tự đến nhưng tôn giả là tri thức của ta lúc nhỏ. Nếu muốn dùng tài vật thì ta sẽ tặng như ý muốn”. Tôn giả Lại Tra Hòa La trả lời vua rằng: “Không nên đem tiền của ban tặng cho tôi. Nay tôi đã vứt bỏ được gánh nặng, giải thoát khỏi lao ngục ấy. Nhà vua lại muốn đem cái gánh nặng lao ngục ấy đặt lên thân tôi sao. Vậy đừng đem các thứ ấy đến cho tôi”.
Vua nói : “Vậy ta nên đem vật gì để tặng tôn giả?”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Vua chỉ nên nói nay nước của ta giàu có, ngũ cốc dồi dào, dân chúng đông đúc, khất thực dễ được,ngài có thể ở lại trong nước ta, ta ra lệnh các quan dân không dược xâm phạm ngài”. Nhà vua nói: “Xin thọ giáo lời dạy ấy, tôi sẽ làm như Lại Tra Hòa La mong ước và điều ngài nói”.
Vua nói: “Tôi có điều muốn hỏi, xin ngài lắng nghe tôi sẽ nói”. Lại Tra Hòa La nói: “Rất tốt”. Vua liền nói: “Phàm người làm Sa môn phải có bốn việc khổ, sau đó mới làm Sa môn. Những gì là bốn? Một là tuổi già, hai là bệnh hoạn, ba là cô độc, bốn là bần cùng. Con người vì bốn sự khổ này nên mới làm Sa môn. Nay tôi thấy tôn giả hoàn toàn không có bốn điều này vì sao lại làm Sa môn?”.
Vua nói: “Sở dĩ người tuổi già mới làm Sa môn là vì người già tự nghĩ khí lực yếu kém, đứng ngồi khổ sở, không thể đi xa làm ăn để kiếm tiền của, nếu có tiền của cũng không thể giữ vững, do đó cho nên mới cạo bỏ râu tóc là Sa môn. Tôi thấy tôn giả không có trường hợp này. Tôn giả đầu tóc đen nhánh, thân thể tròn đầy, vừa đang độ tuổi thanh niên, đang tự vui chơi, nhưng tôn giả lại làm Sa môn để cho cha mẹ của tôn giả khóc lóc rơi lệ buồn bã.
Hai là hoặc có người thân thể bị bệnh nặng, ốm yếu tự nghĩ rằng: “Ta không thể mưu sinh để có tiền tài, nếu có tiền tài cũng không thể giữ vững được”. Do đó cạo bỏ râu tóc làm Sa môn. Tôi thấy tôn giả hoàn toàn không có trường hợp bị bệnh nặng, thân thể lại cường tráng.
Ba là có người cô độc một thân, không thể mưu sinh để có tiền tài, hoặc nếu có tiền tài cũng không giữ vững được vì vậy làm Sa môn. Tôi thấy tôn giả hoàn toàn không có như vậy, trừ vua tông tộc ra thì trong nước của ta không ai hơn tôn giả về mặt này.
Bốn là người bần cùng đói lạnh, không thể tự nuôi sống được, kẻ ấy tự nghĩ: “Mình bần cùng không thể mưu sống được. Do đó nên cạo bỏ râu tóc làm Sa môn để được bố thí mà sống còn. Tôi thấy tôn giả hoàn toàn không có trường hợp này. Tôi thấy những kẻ giàu có trong nước không ai hơn tôn giả về mặt này. Người ta vì bốn sự khổ này nên mới làm Sa môn. Vua hỏi tôn giả: “Thưa tôn giả, vậy lại có trường hợp nào ngoài bốn trường hợp này mà khiến cho người ta làm Sa môn chăng?”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La đáp: “Ðức Thế tôn thường dạy cho tôi bốn việc đều phải biết rõ, đem dạy cho người. Trong tâm tôi hiểu biết như lời Phật dạy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, làm Sa môn. Những gì là bốn?
* Một là con người không ai tránh khỏi già, không ai có thể làm cho thân mình không già.
* Hai là không ai có thể tránh khỏi bệnh, thân mình không thể chết thay cho người khác được.
* Ba là người chết ra đi một mình, không ai có thể mang tài sản theo.
* Bốn là con người cho đến chết vẫn không thể nhàm chán ái dục và của cải. Con người làm nô lệ cho tài sản và ái dục.
Ðức Phật đã dạy cho tôi bốn việc này, trong tâm tôi chỉ tin điều ấy cho nên làm Sa môn. Vua nói: “Tôn giả nói bốn việc này quá cô đọng, ý tôi không hiểu, xin tôn giả nói rộng cho tôi hiểu”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Nay tôi hỏi vua, xin vua cứ thành thật trả lời tôi. Nhà vua lúc hai mươi tuổi, ba mươi tuổi cho đến lúc bốn mươi tuổi, khí lực, có tài bắn tên, cỡi voi, phi ngựa, chạy nhanh, mà lúc đó ngài tự cho là vô song, nay có còn không?”. Nhà vua nói: “Ðúng như lời Lại Tra Hòa La nói, lúc hai mươi tuổi, ba mươi tuổi cho đến lúc bốn mươi tuổi, tôi tự thấy mình là vô song như nghề bắn tên, cỡi voi, phi ngựa, chạy đua. Nay tôi tuổi đã già nua, khí lực suy yếu đứng ngồi khổ sở, ý muốn thoát khỏi sự khổ ấy nhưng không thể thoát được”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Ðức Phật nói một việc này, do đó mà tôi cạo bỏ râu tóc làm Sa môn”. Nhà vua nói: “Ðức Phật nói việc này thật kỳ diệu, thật thiện xảo đã thâm nhập vào tim tôi”. Tôn giả Lại Tra Hòa La hỏi nhà vua: “Ở trong nước có những người cận thần, bá quan nhờ vua mà được sanh sống chăng?”. Nhà vua nói: “Ðúng vậy”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Nhà vua có từng bị bệnh khổ nằm liệt giường chăng?”. Nhà vua nói: “Quả có như vậy”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Lúc bị bệnh nằm liệt giường, nhà vua gọi kẻ cận thần, bá quan đã nhờ vua mà được sinh sống dạy rằng: “Nay ta bị bệnh nguy khốn kịch liệt, các ngươi hãy cùng nhau chia bệnh của ta ra, mỗi người lãnh một ít”. Dù vua có nói như vậy thì họ có thể chia nhau lãnh cơn bệnh của vua được chăng?”. Nhà vua nói: “Không thể được. Nếu thân ta bị bệnh thì phải tự chịu lấy chứ cận thần không thể thay thế được”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Ðức Phật dạy như vậy, đó là việc thứ hai vì vậy mà tôi làm Sa môn”.
Nhà vua nói: “Thật là kỳ đặc, thật là khéo léo! Ðiều ấy đã thâm nhập vào tâm tôi”. Tôn giả Lại Tra Hòa La hỏi nhà vua: “Khi con người thọ mạng sắp hết thì phải chết, trong tâm con người rất buồn. Tuy rất buồn nhưng không thể thoát khỏi cái chết - tôn giả Lại Tra Hòa La nói - con người tự biết sẽ chết, tại sao không trù tính việc đem các châu báu đến chỗ tái sanh?”. Nhà vua nói: “Không thể mang theo châu báu đến chỗ mình sẽ tái sanh được. Tất cả đều phải vất bỏ ra đi một mình mà thôi”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Ðức Phật nói như vậy. Ðó là việc thứ ba cho nên tôi mới làm Sa môn”. Nhà vua nói: “Ðức Phật dạy việc này thật là kỳ lạ đặc biệt, thật là khéo léo đã thâm nhập vào tâm tôi”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La hỏi vua: “Ðại vương, có phải trong nước ngài được bình yên, nhân dân đông đúc, ngũ cốc dồi dào chăng?” Nhà vua đáp: “Quả đúng như vậy”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói rằng: “Nếu có người từ phương Ðông đến chí thành nói với vua thì vua cũng sẽ tin lời người ấy rằng tôi từ phương Ðông đến, thấy có một nước lớn, trong nước ấy giàu có, nhân dân đông đúc, tôi biết con đường tắt xuyên qua nước đó. Ngài có thể đem binh của vua đến chinh phạt để lấy nước ấy”. Nếu nhà vua nghe lời nói ấy, có muốn bảo người qua chiếm nước ấy chăng?”. Nhà vua nói: “Có chứ, vì tham lợi của nước ấy mới vào muốn chiếm nước ấy”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Nếu lại có người từ phương Nam, phương tây và phương Bắc đến nói: “Có một nước.... “ như người phương Ðông vậy, nhà vua có muốn chiếm nước ấy không?”. Nhà vua đáp: “Có chứ, vì tham cái lợi của nước ấy mà vào chiếm lấy nước ấy”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói rằng: “Nếu lại có một người ở bên biển đi đến nói lời chí thành với vua thì vua cũng tin lời của người ấy rằng: “Ở bên biển có một nước lớn, trong nước ấy ngũ cốc dồi dào, nhân dân đông đúc. Tôi biết con đường tắt xuyên qua nước đó, ngài có thể đem binh của nhà vua đến để công phạt nước ấy”. Nhà vua nghe lời ấy rồi có muốn bảo người đến chiếm nước ấy chăng? Nhà vua đáp: “Có chứ, vì tham cái lợi của nước ấy cho nên muốn chiếm”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Ðức Phật thấy việc này biết con người khổ là do tham, do không biết đủ. Ðó là việc thứ tư do vậy mà tôi làm Sa môn”. Ðức Phật thấy bốn việc này nên mới dạy con người phải biết ngăn chặn.
Nhà vua nói: “Ðức Phật nói việc này hết sức kỳ lạ đặc biệt, hết sức khéo léo, đã thâm nhập vào tâm tôi”. Nhà vua nói: “Ðức Phật dự biết việc quá khứ, vị lai và hiện tại giỏi tới như vậy sao?”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Nhà vua đã có nước của mình và nước bốn phương mà vẫn chưa biết đủ, lại còn hy vọng muốn chiếm nước ở hải ngoại nữa. Ðức Phật thấy con người thế gian có của báu đều lo cất kỷ, không chịu bố thí cho người khác, xan tham cất giấu, lại còn mong cầu thêm. Từ vua chúa đến nhân dân đều không biết nhàm chán, biết đủ cho đến lúc chết vẫn không bỏ ái dục. Hãy bỏ lòng tham, vì lúc chết của cải, châu báu đều để lại thế gian, phải theo con đường thiện hay ác do chính người ấy tạo ra. Sự thiện hay ác đi theo con người như bóng theo hình. Con người sau khi chết, gia thất tôn thân khóc lóc bi ai, khâm liệm chôn cất, con người khi sinh ra một mình thì lúc chết cũng một mình. Tự thân tạo ra điều thiện ác thì chính thân phải lãnh chịu, không có ai có thể thay thế được. Ðồ ẩm thực, kim ngân, châu báu không thể làm cho người ta đắc đạo, tiền của không thể cứu mạng người thoát khỏi già chết. Sự suy nghĩ của con người đa đoan, đó chính là sự ái lạc của con người. Tâm ý con người luôn luôn thay đổi, không thể chuyên nhất”.
Ðức Phật dạy: “Vì con người buông lung tâm ý cho nên phải gặp sự hung biến, tai họa, sợ hãi. Thí như ý nghĩ khoét tường để ăn trộm, sau đó lấy được của. Thân đã làm điều ác, tự sập vào bẫy chết. Như người thế gian làm ác, sau khi chết phải đọa vào địa ngục, súc sanh hay ngạ quỹ. Thí như cây cối sanh hoa lá, kết thành trái, có khi có hoa thì rụng, có khi có trái thì rụng, có khi trái lớn thì rụng, có khi trái chín thì rụng. Con người cũng như vậy, có lúc mới thọ thai liền chết, có lúc mới sanh liền chết, có khi tuổi thành niên bị chết, có khi tuổi già bị chết. Mạng người không thể biết được”. Tôn giả Lại Tra Hòa La nói: “Do vậy mà tôi làm Sa môn. Kẻ phàm phu gọi tôi là người không thể lo nổi việc nhà cho nên làm Sa môn. Tuy có luận nghị đủ thứ cũng không bằng học đạo”.
Tôn giả Lại Tra Hòa La nói kinh pháp xong, nhà vua liền được đạo Tu đà hoàn thứ nhất, liền thọ năm giới: 1/ không sát sanh, 2/ không trộm cắp, 3/ không xâm phạm phụ nữ khác, 4/ không nói giới, 5/ không uống rượu. Nhà vua thọ giới xong liền đảnh lễ lui ra. PHẬT NÓI KINH LẠI TRA HÒA LA
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.91.196 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.