Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Hai chữ Kim Cang, nhiều người giải nghĩa dựa trên tính bền chắc sắc bén có thể cắt đứt. Đây là nói phiếm. Nhưng ở Tây Vức có của báu Kim Cang, báu này rất bền chắc chẳng thể hư hoại, lại phá hoại được tất cả vật. Nếu lấy báu này để dụ cho Bát Nhã đoạn trừ được phiền não, thì tuy gần với lý, nhưng đều chẳng phải ý Phật, chỉ là tri kiến theo thói xưa tầm thường.
Bởi vì Bát Nhã là trí tuệ, chính là tâm của Phật, tức là trí huệ Phật; Ba La Mật nghĩa là đến bờ bên kia. Là chỉ chỗ cùng cực của tâm.
Nay để Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là biểu thị ý nghĩa của kinh này, đặc biệt hiển lộ một mảnh tâm Kim Cang của Phật.
Ngoài ra tâm Kim Cang là bổn tâm tu nhơn chứng quả của Phật. Nay đức Phật ra đời giáo hóa chúng sanh toàn dùng tâm này. Ngài dạy Bồ Tát dùng tâm Kim Cang làm gốc tu nhơn, làm cửa đầu tiên để vào Đại thừa. Vì thế nên đặc biệt chỉ ra tâm Kim Cang để dứt nghi. Vì tâm này chẳng phải là thường tình của chúng sanh ở thế gian, nên cả thế gian chẳng thể biết Phật. Lại nữa Phật vốn chẳng phải là người thế gian, mà nay bỗng nhiên đến nhân gian thì người người thấy sanh nghi. Và những việc làm hằng ngày của Phật, việc việc đều chẳng đồng, nói năng chẳng đồng, quy củ chẳng đồng với thế gian, mọi sự cùng thế gian trái nhau. Nên làm động khiến người thấy sanh nghi. Vì thế các vị Thiên, Ma vương muốn hại Phật; Điều Đạt, A Xà Thế muốn giết Phật. Rồi tất cả mọi người đều phỉ báng Phật. Nên Phật nói: “Ta ra đời tất cả Trời, Người, A Tu La, ngoại đạo, Ma vương đều phải kinh sợ, nghi hoặc”. Đúng thế! Chẳng những Trời, Người sanh nghi, mà các bậc Thượng thủ trong hàng đệ tử như Ca Diếp v.v… cũng đều nghi Phật. Vì pháp nói ra chợt không, chợt có, chợt phải, chợt trái, hoặc khen hoặc chê, hoặc khuyến khích hoặc la rầy, toàn không có lời nhất định. Nên các đệ tử nghe pháp đều nghi và không tin. Vì thế họ nói rằng “Chẳng phải ma giả làm Phật, làm não loạn tâm ta ư?”. Bậc Thượng thủ còn như thế, thì có thể biết kẻ tân học ra sao!
Vì pháp của Phật thuyết khó tin khó hiểu, nên Phật ra đời từ lúc thuyết pháp đầu tiên đến ba mươi năm sau mà đệ tử còn hoài nghi chẳng tin. Như thế nỗi hàm oan của Phật rất lâu vậy. Hôm nay may mắn có được ngài Không Sanh rõ biết được chút ít, thấy biết được Thế Tôn chút ít liền tán thán. Nên Thế Tôn nhơn mối nghi của ngài Không Sanh mà quyết phá, để phơi bày mảnh chơn tâm Kim Cang của mình, bày tỏ minh bạch cho ngài, khiến ngài liễu ngộ chẳng nghi, và khiến mối nghi của những người nghe chóng dứt. Nên kinh này chính thật Phật dạy tự tâm để đoạn đứt mối nghi của đệ tử học Phật, chẳng phải nói Bát Nhã hay đoạn trừ phiền não của chúng sanh. Như vậy chẳng đúng. Chỉ thấy trong kinh mỗi chỗ đều là mối nghi của ngài Không Sanh, nghi tâm của Phật. Phật biểu hiện tâm này để phá nghi kia. Đâu hề nói dùng trí tuệ đoạn trừ phiền não của chúng sanh? Cho nên đề kinh này chỉ là pháp, không phải là dụ. Chỉ cần đoạn trừ mối nghi của đệ tử, thì đoạn trừ được phiền não của chúng sanh. Kinh này chỉ có một vị là đoạn nghi, sanh lòng tin làm chủ yếu. Vì người học đạo lấy tin làm gốc, lấy nghi làm chướng. Nghi có ba loại:
Nghi người,
Nghi pháp,
Nghi mình.
Nghi người, nghĩa là cho người chẳng chân thật. Chẳng hạn như đệ tử nghe Phật thuyết: sắc thân, pháp thân, thân lớn, thân nhỏ thì chẳng biết cái nào là Phật thật. Đây là nghi người (nghi Phật).
Lại nữa, Phật thuyết pháp vừa mới nói có rồi lại không, rồi lại nói chẳng không. Vì lời nói bất nhất nên rất đáng nghi. Đây là nghi Pháp.
Hoặc có người nghe mà có thể tin được, chẳng nghi ở Pháp, nhưng lại thấy Pháp rộng lớn, bèn nghi tự mình căn cơ thấp kém, chẳng thể gánh vác nổi, chẳng thể tu hành được. Đây là nghi mình.
Nay trong kinh này, ba cái nghi đều có. Phật tùy chỗ nghi của ngài Không Sanh liền đuổi phá, dứt hết mối nghi. Nên nói: “Nghi hối đã hết hẳn thì an trụ trong thực trí”. Ấy là ý chỉ của kinh này.
Phương này, rất nhiều người giải kinh Kim Cang, nhưng đều chẳng hợp ý Phật. Riêng ở Tây Vức, Bồ Tát Thiên Thân dùng 27 mối nghi phân chia kinh rất đúng. Tuy ý xuất ra từ thánh nhân, nhưng luận truyền đến phương này đã trải qua phiên dịch. Người phiên dịch khéo vụng chẳng đồng, lời không đạt ý, ngược lại còn sanh trệ ngại khiến người học khó xét. Ý chỉ vi diệu sâu xa này chẳng phải miệng nói. Một khi rơi vào nói năng liền thành cặn bã, huống là dính mắc văn tự cạn cợt thì làm sao đạt được chỗ vi diệu. Cái khó của sự chú thuật là ở chỗ miêu tả tâm Phật, không chỗ nào chẳng sửa cái xấu của sự nhăn mày, giống như người đời viết lại hành trạng, chỉ có thể thuật lại sự việc, chẳng thể truyền hết tinh thần. Đây là cái khó vậy.
Nay giải quyết nghi, cái hay là ở chỗ thấy trước được mối nghi của ngài Không Sanh làm chủ yếu. Nếu nghi tình toàn lộ, lời phá nghi của Phật chẳng đợi giải thích mà tự rõ sáng. Nên giải nghi này, trước hết đưa ra điều nghi ở trước bản văn, rồi mỗi đoạn đều theo đó mà phá. Nếu quên lời mà lãnh ngộ thì được tông này vậy.
Chánh Văn:
Tôi Nghe Như Vậy, Một Thời Phật ở Vườn Cấp Cô Độc, Trong Rừng Kỳ Đà, Nước Xá Vệ, Cùng Chúng Đại Tỳ Kheo 1250 Người Câu Hội.
Giải:
Đây là nghi thức thuyết pháp khi Phật ở đời. Các thuyết đều giải thích đầy đủ. Đây chẳng diễn nhiều.
Chánh Văn:
Bấy Giờ Đức Thế Tôn Đến Giờ Ăn, Đắp Y Ôm Bát Vào Thành Lớn Xá Vệ Khất Thực. Ở Trong Thành Này Thứ Lớp Khất Thực Xong, Trở Về Chỗ Mình, Thọ Thực Xong, Cất Y Bát, Rửa Chân, Trải Tòa Mà Ngồi.
Giải:
Đây là sanh hoạt bình thường của Phật ở tại thế gian, chỗ hằng ngày hoạt động cùng mọi người không khác. Lại không có gì kỳ đặc. Trong đó chỉ có một điểm cùng người chẳng đồng. Điều đó rất hiếm người biết được.
Chánh Văn:
Lúc Đó Trưởng Lão Tu Bồ Đề ở Trong Đại Chúng Từ Tòa Đứng Dậy, Vạch Áo Vai Phải, Gối Phải Sát Đất, Chấp Tay Cung Kính Mà Bạch Phật Rằng: “Hi Hữu Thay! Thế Tôn!”.
Giải:
Như Lai ở đời nhật dụng tầm thường như mọi người, mà trong đó có một điểm chẳng đồng. Người người giáp mặt với Phật đều chẳng biết. Ngày hôm nay ngài Không Sanh chợt khám phá ra. Vì thế Ngài khen rằng: “Ít có!” Than ôi! Như Lai cùng các đệ tử chu toàn trong 30 năm mà các đệ tử một bề chẳng biết chỗ bước chân của Phật. Vì thế chẳng biết nên họ cứ lờ lững bỏ qua, chỉ nói cũng như mọi người. Do đó, phàm chỗ nói của Phật họ đa nghi mà chẳng tin. Nếu chẳng phải ngài Không Sanh nhìn thấu thì trọn không có người biết Phật ư!
Chánh Văn:
Như Lai Kéo Hộ Niệm Các Bồ Tát, Khéo Phó Chúc Các Bồ Tát.
Giải:
Đây là ngài Không Sanh khen chỗ “hi hữu” của Phật. Chính vì Ngài đích thân thấy được nỗi khổ tâm của Như Lai. Bồ Tát là đệ tử học Phật, tức là người xưa ở Tiểu thừa vừa mới phát tâm đại thừa, là Bồ Tát bị tán loạn bởi “không”, Phật một lòng hộ niệm cho hạng này, không có ý nào khác, chỉ muốn dặn dò giao phó tâm này cho họ. Hộ niệm là bổn nguyện của Phật ra đời, chỉ muốn cho tất cả chúng sanh không khác với Phật. Người người đều thành Phật mới thỏa lòng. Nhưng vì chúng sanh đức mỏng, cấu dày, tâm chí khiếp nhược, chẳng thể gánh vác, giống như đứa trẻ con, Phật như mẹ hiền hộ niệm trẻ không một chút lơi lỏng bỏ qua, mọi thứ đều chu tất. Phật chăm lo nhớ thương như là bảo bọc đứa con mới sinh, nên nói là “hộ niệm”. Chỉ muốn tất cả chúng sanh thẳng đến thành Phật mới thôi, nên nói là phó chúc. Nhưng chẳng dám nói rõ, chỉ thầm dùng phương tiện để thành tựu, nên nói là “khéo”. Kinh nói: “Ta lấy vô lượng vô số phương tiện dẫn đường cho chúng sanh để mọi người đều đến được chỗ nhất thiết trí”. Đó là nghĩa hộ niệm phó chúc.
Chánh Văn:
Thế Tôn! Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, Làm Thế Nào An Trụ, Thế Nào Hàng Phục Tâm Kia?
Giải:
Đây là ngài Không Sanh đặc biệt hỏi phương pháp an tâm. Vì lúc đầu ở Tiểu thừa, chỉ riêng tự độ, chẳng chịu độ sanh, nên gọi là tâm nhỏ. Nay nhờ ơn Như Lai hơn hai mươi năm dùng nhiều cách gạn lọc, kích khởi tâm độ sanh, nên gọi chúng sanh có tâm lớn là Bồ Tát, cốt khiến cho họ dưới giáo hóa chúng sanh, trên cầu Phật quả. Hạng này tự nhận lợi sanh, nên nói phát tâm Bồ Đề. Đây là Không Sanh đã tin tâm Phật. Nhưng thấy Bồ Tát mới phát đại tâm, chưa ngộ thật tướng “chân không”, cùng với “thiên không” đã chấp giữ trước kia, hai cái khó biện rõ. Vì Niết bàn của Tiểu thừa lúc trước có thể bám lấy để an trụ tâm này. Nay đã xả bỏ cái “không” trước mà chưa được “chân không”. Nghĩa là: “Tiến tới không có chỗ chứng mới, thối lui thì mất chỗ cũ”; gọi là loạn ý “không”, vì một bề chấp trước vào danh ngôn chưa quên tập khí, muốn có chỗ bám vào, lại chấp trước là nhất định có quả Phật có thể cầu, nên nói cầu đến quả Phật, và cho đó là chỗ trụ. Nếu muốn trên cầu quả Phật, ắt dưới giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh độ hết mới được thành Phật. Mà nay đầy mắt trông thấy ba ngàn đại thiên thế giới, chúng sanh vô lượng vô biên, bao giờ mới có thể được hết? Chúng sanh chẳng hết, làm sao được thành quả Phật? Vì tâm cầu trụ gấp gáp, nên tâm này chẳng an, không thể hàng phục. Vì thế Không Sanh đặc biệt thỉnh phương pháp an trụ tâm này. Nhưng Không Sanh đã thấy Phật tâm và tán thán là hi hữu, mà lại mở miệng riêng hỏi hai lời như thế là thế nào? Vì tâm của mỗi người đều nghĩ: “Thế Tôn hôm nay đã thành chánh quả, nên chúng ta thấy Thế Tôn tâm an ổn tự tại trong chỗ dùng hằng ngày. Còn người mới phát tâm cầu quả Phật thì tâm bất định, làm thế nào để an trụ, thế nào để hàng phục tâm?” Ý ở đây là hỏi như vậy.
An tâm, tức là Nhị Tổ hầu Tổ Đạt Ma xin phép an tâm. Đạt Ma trả lời: “Đem tâm đến đây ta sẽ an cho ông”. Nhị Tổ thưa: “Con tìm tâm trọn không thể được". Tổ nói: “Đã an tâm cho ông rồi”. Nhưng ở dưới cửa Tổ sư một lời liền xong, do đó là Tông. Nay Thế tôn thuyết khá nhiều pháp an tâm, tâm lão bà lận đận, do đó là Giáo. Cuối cùng chỉ là cái “tìm tâm trọn chẳng thể được". Từ Tứ Tổ về trước đều lấy kinh Lăng Già để ấn tâm. Đến Hoàng Mai, Lục Tổ đều lấy kinh Kim Cang để ấn tâm. Nên kinh này chẳng phải tướng văn tự, chẳng thể dùng ngôn ngữ văn tự để xem. Vi diệu là ở chỗ lìa lời. Trong kinh này, phàm nói “ý ông nghĩ sao?” đều là hỏi ngược lại cái nghi đó. Vì tâm của mọi người theo lời mà khởi nghi. Tuy chưa thổ lộ mà tâm đã động niệm, nghĩa là ý lời phân biệt, đó gọi là tập khí danh ngôn.
Chánh Văn:
Phật Nói: “Lành Thay! Lành Thay! Tu Bồ Đề! Như Lời Ông Nói, Như Lai Khéo Hộ Niệm Các Bồ Tát, Khéo Phó Chúc Các Bồ Tát. Ông Nay Lắng Nghe, Ta Sẽ Vì Ông Mà Nói.
Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, Nên Như Thế Mà Trụ, Như Thế Mà Hàng Phục Tâm”.
Giải:
Chỗ hỏi của Không Sanh, ý nói Bồ Tát phát tâm chẳng được an tâm an nhàn tự tại bằng Phật. Vậy muốn cầu bằng Phật ắt phải giống như hành vi hằng ngày của Phật, mới làm Phật được. Ta xem tâm Phật an nhàn như thế mà tâm Bồ Tát chẳng được an trụ. Làm sao hàng phục khiến tâm an? Ý Phật đáp rằng: “Bồ Tát muốn cầu tâm an làm Phật chẳng cần cầu gì khác, chỉ như ông hội được tâm hộ niệm phó chúc của ta, tâm này tự an. Cũng chẳng cần hàng phục kiểu nào khác. Nên nói: “Như chỗ ông đã nói”. Chỉ cần tâm được an là đủ, đâu cần hàng phục gì nữa, chỉ nên như thế mà thôi. Nên nói: “Như thị”.
Chánh Văn:
Đúng Vậy Thế Tôn! Nguyện Xin Muốn Nghe.
Giải:
“Đúng vậy” tức là Không Sanh tin thẳng tâm Phật vô ngại. Đã thấy tâm Phật dường như chẳng cần nói, chỉ vì các Bồ Tát chưa lãnh ý này nên muốn thích nghe.
Chánh Văn:
Phật Bảo Tu Bồ Đề: “Các Vị Đại Bồ Tát Nên Như Thế Mà Hàng Phục Tâm”.
Giải:
Đây là Phật chỉ dạy phương pháp an tâm. Nghĩa ở văn sau. Trước hỏi Phật hai việc an trụ và hàng phục. Nay chỉ chịu nói hàng phục, chẳng nói an trụ. Hàng phàm phu nhị thừa thường một bề chấp trước chỗ trụ. Đây là tập khí danh ngôn. Người thú hướng tiến đến Đại thừa, trước cần đuổi tập khí danh ngôn này, bởi vì chúng sanh và Niết bàn đều chẳng phải là pháp thực, trọn chẳng thể được. Đó là vì lấy danh ngôn làm thể. Danh ngôn đã xả bỏ, tập khí chóng không thì tâm này chẳng đợi hàng phục mà tự yên tĩnh lặng lẽ. Do đó chỉ dạy hàng phục tâm, chẳng nói trụ tâm sợ dẫn đến tập khí. Chỗ nói “tâm cuồng chẳng dứt, dứt tức Bồ Đề”, nghĩa là chỉ cần sạch hết phàm tình, chớ không có thánh giải nào khác. Phật chẳng lấy một pháp thực nào mà buộc người. Cho nên chẳng nói trụ.
Chánh Văn:
Có Tất Cả Các Loại Chúng Sanh Hoặc Noãn Sanh, Thai Sanh, Thấp Sanh, Hóa Sanh; Hoặc Có Sắc, Hoặc Không Sắc; Hoặc Có Tướng, Hoặc Không Tưởng, Hoặc Chẳng Phải Có Tưởng, Chẳng Phải Không Tưởng… Ta Đều Khiến Vào Vô Dư Niết Bàn Mà Diệt Độ. Như Thế Diệt Độ Vô Lượng, Vô Số, Vô Biên Chúng Sanh Mà Thực Không Có Chúng Sanh Được Diệt Độ, Vì Sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát Có Tướng Ngã, Tướng Nhơn, Tướng Chúng Sanh, Tướng Thọ Giả Tức Chẳng Phải Bồ Tát.
Giải:
Đây là Thế Tôn chỉ dạy thẳng pháp quán để an tâm. Nhưng Bồ Tát phát tâm, chỗ cầu là quả Phật, chỗ giáo hóa là chúng sanh.Chỉ có hai việc mà thôi. Sở dĩ tâm chẳng yên vì chưa thấy chúng sanh như như. Đầy mắt đều là chúng sanh thì khi nào mới được độ hết?
Chúng sanh chẳng hết thì quả Phật khó cầu. Vì thấy quá xa vời tâm chẳng an mà miệt mài chẳng dừng, do đó phải cầu hàng phục tâm. Nay Phật dạy phương pháp độ sanh, chủ yếu là quán sát vô ngã. Bồ Tát thấy chúng sanh nhiều, khó độ hết, vì có tướng ngã thì thấy tướng người. Người người đối đãi nhau thì trong ba ngàn thế giới chúng sanh đâu có giới hạn, sanh sôi nảy nở chẳng giảm nên Bồ Tát sợ khó độ tận. Thật sự Bồ Tát chưa thấy chúng sanh vốn tự như như. Chúng sanh tuy nhiều nhưng chỉ gồm trong 12 loại, dù có vô lượng cũng chỉ có 12. Quán sát 12 loại từng thứ một, tóm lại cũng chỉ gồm trong bốn thứ sinh: thai, trứng, thấp, hóa mà thôi. Và trong bốn loại sinh chẳng qua chỉ có hai pháp sắc và tâm mà thôi. Tại sắc, chẳng qua có sắc và không sắc. Luận về tâm chẳng qua có tướng và không tướng. Dù đến tột cùng thì cũng dừng ở chỗ “chẳng phải có” “chẳng phải không”. Trong 12 loại này đã gồm hết pháp giới chúng sanh. Lại nhiều gì ư? Huống 12 loại gọi là chúng sanh, thì sắc, tâm của chúng sanh vốn là giả hợp. Đã giả hợp thì chúng sanh vốn không, chỉ vì vọng mà thấy có. Nếu lấy “vốn không” mà quán chúng sanh thì chúng sanh vốn tự như như. Chúng sanh đã như, tức đều thành tịch diệt. Đây là độ tận khiến tất cả vào Vô Dư Niết Bàn, lại khó sao?
Tịnh Danh nói: “Tất cả chúng sanh rốt ráo vắng lặng, chẳng cần phải diệt nữa”. Như thế diệt độ vô số vô lượng vô biên chúng sanh, kỳ thực không có một chúng sanh nào được diệt độ. Vì sao? Vì vốn vô ngã. Vì có ngã thì có nhơn, có nhơn thì có chúng sanh, thọ giả. Nếu có bốn tướng này thì chẳng gọi là Bồ Tát, còn nói gì đến độ sanh? Vì thế Bồ Tát độ sanh nên quán vô ngã. Vô ngã thì vô nhơn; đã vô ngã, vô nhơn thì cõi chúng sanh tự nhiên vắng lặng. Chúng sanh vắng lặng thì quả Phật chẳng xa. Còn sợ gì lâu xa? Vì thế Bồ Tát nên quán vô ngã.
Văn dưới đây nói rằng: “Biết tất cả pháp vô ngã, nhẫn được thành tựu, đó là chân Bồ Tát”.
Nghi rằng:
Phật dạy Bồ Tát độ sanh, lấy bố thí làm gốc. Người nhận bố thí đều là chúng sanh. Nay chúng sanh đều không thì trong sự bố thí ai là người nhận.
Cho nên văn dưới đáp rằng “Bồ Tát bố thí chẳng nên dính mắc tướng chúng sanh”.
Chánh Văn:
Lại Nữa, Tu Bồ Đề, Bồ Tát Đối Với Pháp Nên Không Chỗ Trụ Mà Làm Việc Bố Thí. Nghĩa Là Chẳng Trụ Sắc Bố Thí, Chẳng Trụ Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp Bố Thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát Nên Bố Thí Như Thế, Chẳng Trụ Vào Tướng.
Giải:
Đây là phá cái nghi dính mắc vào tướng. Không Sanh nhơn nghe chúng sanh đều không, thì nghi rằng:
“Chúng sanh đã không thì Bồ Tát bố thí không có người nhận, vì lục trần chẳng có, chúng sanh vốn không”. Vì thế nói “nên không chỗ trụ”. Đây là dạy chẳng nên dính mắc tướng trần của chúng sanh. Lại thầm nghi rằng “nếu chẳng trụ tướng thì làm sao có phước?” Nên văn dưới đáp “Lấy phước lìa tướng thì phước lớn hơn”.
Chánh Văn:
Vì Sao? Nếu Bồ Tát Chẳng Trụ Tướng Bố Thí Thì Phước Đức Chẳng Thể Nghi Lường, Tu Bồ Đề: Ý Ông Nghĩ Sao? Hư Không ở Phương Đông Có Thể Suy Lường Chăng?
- Chẳng Được, Bạch Thế Tôn.
- Tu Bồ Đề! Phương Nam, Phương Tây, Phương Bắc, Bốn Hướng, Trên Dưới Có Thể Nghĩ Lường Chăng?
- Chẳng Được, Bạch Thế Tôn.
- Tu Bồ Đề! Bồ Tát Không Trụ Tướng Bố Thí, Phước Đức Cũng Lại Như Thế, Chẳng Thể Nghĩ Lường.
Giải:
Đây là phá cái nghi chấp tướng để chỉ bày diệu hạnh của sự lìa tướng. Nhưng Bồ Tát bố thí chuyên vì cầu phước, nếu tâm cầu phước dính mắc ở tướng thì phước chẳng lớn. Cho nên Thế Tôn tạm chỉ phước lìa tướng lớn hơn, khiến họ an tâm. Dính mắc tướng bố thí thì giới hạn nơi có tướng, mà tướng chúng sanh như hạt bụi nhỏ, dù gặt được phước thì phước đó có là bao? Nếu ngay lúc bố thí cho chúng sanh chẳng thấy có người cho người nhận, cũng chẳng thấy có vật bị cho, như thế tam luân đều không, không tướng có thể trụ. Phước chẳng trụ tướng thì chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế lấy hư không mà dụ.
Chánh Văn:
Tu Bồ Đề! Bồ Tát Chỉ Nên Như Chỗ Dạy Mà Trụ.
Giải:
Đây là kết thúc lời dạy pháp an tâm. Trước hỏi tâm không thể an trụ, nên phải hàng phục. Thế Tôn dạy cho phương pháp hàng phục là dùng pháp quán vô ngã làm chủ yếu. Vô ngã thì vô nhơn. Nhơn ngã đều quên thì tự tâm vắng lặng thì tất cả chúng sanh đều vắng lặng. Chúng sanh đã vắng lặng thì Phật chẳng cần cầu. Thế thì tâm theo đuổi tìm cầu dừng, tình thủ xả mất, trong ngoài đều không, nhất tâm chẳng động. Đó gọi là pháp an tâm. Do đó kết luận là Như.
Nghi:
Trước lấy bố thí làm phước để dưới giáo hóa chúng sanh, chỉ vì trên cầu Phật quả. Nay tướng chúng sanh là không, thể tam luân vắng lặng. Ắt đó là cái nhân bày đặt rỗng. Lấy cái nhân vô tướng mà cầu quả hữu tướng được ư? Huống là hiện thấy thân tướng Như Lai rõ ràng, chẳng phải nhân vô tướng mà có thể đạt được. Đây là dùng tướng mà thấy Như Lai nên Phật phá rằng:
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Có Thể Dùng Thân Tướng Thấy Như Lai Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn. Chẳng Thể Dùng Thân Tướng Thấy Được Như Lai. Vì Sao? Như Lai Nói Thân Tướng Tức Chẳng Phải Thân Tướng.
Phật Bảo:
- Tu Bồ Đề, Phàm Cái Gì Có Tướng Đều Là Hư Vọng. Nếu Thấy Các Tướng Chẳng Phải Tướng Tức Thấy Như Lai.
Giải:
Đây chỉ thẳng diệu hạnh vô tướng. Ngài Không Sanh vì nghe nhân vô tướng bèn nghi nhân này chẳng thể cầu quả Phật có tướng. Đó là dùng tướng mà thấy Như Lai. Đây là chấp vào tướng ứng hóa của Phật, chưa thấy chân thể của Pháp thân. Thế Tôn bèn phá kiến chấp về tướng. Không Sanh lãnh ý chỉ nên Phật bảo thẳng chẳng thể dùng tướng mà thấy được Như Lai. Như Lai thuyết về thân, là nói pháp thân, nên nói chẳng phải thân. Nhưng pháp thân cũng chẳng có tướng, tức là nơi tướng của các pháp thấy cái không tướng của Như Lai, chẳng phải là bỏ các pháp ra ngoài mà có một tướng trạng riêng. Đây là nhân vô tướng khế hợp với quả vô tướng đã rõ ràng.
Nghi:
Lấy nhân vô tướng khế hợp với quả vô tướng, nghĩa này rất sâu, khó tin, khó hiểu. Bèn nghi.
Chánh Văn:
Tu Bồ Đề Bạch Phật Rằng:
- Bạch Thế Tôn, Có Chúng Sanh Nào Được Nghe Chương Cú Ngôn Thuyết Như Thế Sanh Lòng Tin Chơn Thật Chăng?
Phật Bảo:
- Tu Bồ Đề, Chớ Nói Như Thế. Khi Như Lai Diệt Độ. Sau Năm Trăm Năm Có Người Trì Giới, Tu Phước, Ở Chương Cú Này Sanh Lòng Tin, Cho Đây Là Thực. Nên Biết Người Này Chẳng Phải ở Một Đức Phật, Hai Đức Phật, Ba, Bốn, Năm Đức Phật Trồng Căn Lành, Mà Đã Ở Vô Lượng Trăm Ngàn Vạn Phật Trồng Căn Lành. Người Nghe Chương Cú Này Chỉ Cần Một Niệm Sanh Lòng Tin Thanh Tịnh. Tu Bồ Đề, Như Lai Ắt Biết, Ắt Thấy Những Chúng Sanh Này Được Vô Lượng Phước Đức Như Thế. Vì Sao? Vì Những Chúng Sanh Này Nếu Tâm Chấp Giữ Tướng Thì Dính Mắc Ngã, Nhơn, Chúng Sanh Nầy Nếu Tâm Chấp Giữ Tướng Thì Dính Mắc Ngã, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ Giả. Nếu Chấp Giữ Tướng Pháp Tức Dính Mắc Ngã, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ Giả. Vì Sao? Vì Nếu Chấp Giữ Tướng Phi Pháp Tức Dính Mắc Ngã, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ Giả. Vậy Chẳng Nên Chấp Giữ Phi Pháp. Như Lai Thường Nói “Tỳ Kheo Các Ông Nên Biết, Ta Thuyết Pháp Thí Như Chiếc Bè, Pháp Còn Nên Xả Huống Là Phi Pháp”.
Giải:
Đây chỉ thẳng tri kiến của Phật. Do ban đầu Không Sanh chấp nhân có tướng nên Phật dùng bố thí không trụ nơi tướng để phá. Lại nghi nhân vô tướng chẳng thể khế hợp với quả hữu tướng, vì chấp Phật có tướng trạng. Do đó Phật lấy pháp thân chẳng có tướng để phá. Thế thì, nhân vô tướng khế hợp với quả vô tướng đã rõ ràng. Như thế thì nhân quả đều không, người và pháp đều mất. Nghĩa này rất sâu, khó tin khó hiểu. Nên nghi hỏi Phật “Không biết có thể có người tin được pháp này chăng? “Phả” tức là “có thể”, ngôn thuyết chương cú” tức chỉ thuyết nhân quả vô tướng ở trước. Phật đáp: “Há không có người này sao!”. Người tin pháp này chẳng phải là người tầm thường, mà là người trì giới tu phước mới có thể tin được. Người này cũng chẳng ở một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật trồng căn lành, mà từ chỗ vô lượng ngàn vạn đức Phật đã trồng căn lành, rễ đã ăn sâu rất lâu, mới có thể tin được. Chúng sanh căn lớn loại này chỉ một niệm tin tâm, Ta ắt biết, ắt thấy, họ đã được phước vô lượng. Phước vô tướng này vượt hẳn cầu phước có tướng đã rõ ràng. Vì sao người khế hợp vô tướng có thể được nhiều phước? Vì chúng sanh này, không có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Chẳng những bốn tướng này không, mà tất cả các tướng có không cũng đều không. Nên nói không có tướng pháp, cũng không có tướng phi pháp. Vì tâm của chúng sanh này chẳng chấp giữ tướng nên tất cả đều lìa. Nếu một niệm dính mắc vào bốn tướng của pháp, phi pháp, tức là dính mắc bốn tướng. Do chẳng chấp giữ tướng nên tâm, cảnh đều không, được phước thù thắng như thế. Đây là sức Chân Tri Kiến của Như Lai. Vì thế ta dạy Bồ Tát chẳng nên chấp giữ tướng của pháp, phi pháp. Vì cớ sao? Vì một phen nhập vào pháp này thì người và pháp đều không, chóng lìa các sự chấp giữ (thủ) mà khiến từ đó khởi các “hữu”. Há đó là việc nhỏ nhít ư? Vì thế Ta thường dạy đệ tử nên xả bỏ pháp, tức xả bỏ tình. Tình mất thì trí tròn đủ. Do đó nói: “Pháp còn phải xả, hà huống phi pháp”.
Nghi:
Ngài Không Sanh nhân nghe Phật nói Phật không có sắc tướng và pháp chẳng thể giữ, bèn nghi rằng “nếu Phật và Pháp cả hai đều không tướng thì không Phật, không Pháp. Nhưng hiện thấy thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác; hiện nay Phật thuyết pháp, sao lại nói không?”. Đây là nghi Phật nói lời trái nghịch, cho nên văn dưới vạch ra để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác Chăng? Như Lai Có Chỗ Thuyết Pháp Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Như Con Hiểu Nghĩa Phật Nói Là Không Có Pháp Nhất Định Gọi Là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Cũng Không Có Pháp Nhất Định Như Lai Có Thể Thuyết. Vì Sao? Pháp Do Như Lai Thuyết Đều Chẳng Thể Nắm Giữ, Chẳng Thể Thuyết, Chẳng Phải Pháp, Chẳng Phải Phi Pháp. Vì Sao Như Thế? Vì Tất Cả Hiền Thánh Đều Do Pháp Vô Vi Mà Có Sai Khác.
Giải:
Điều này là trừ cả hai tri kiến về Phật và về Pháp. Trong tâm Không Sanh vừa manh nha niệm có Phật, có pháp, gọi là ý ngôn phân biệt, ngài ôm ấp mà chưa thố lộ. Phật phá ngược lại nên gọi Ngài mà gạn rằng: “Ý ông nghĩ sao?”. Nghĩa là “Ý ông phân biệt thế nào? Bồ Đề của Phật thật có sở đắc ư? Như Lai thật có thuyết pháp ư?”. Đây là gạn hỏi để thăm dò ý này. Không Sanh lãnh ý chỉ nên trình bày chỗ ngộ, nói rằng đã hiểu Phật thuyết, nguyên không có pháp nhất định gọi là Bồ Đề, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể thuyết. Đây là Không Sanh lãnh hội sâu xa ý chỉ không chấp thủ của Như Lai. Chẳng những Như Lai mà tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt nên không thể chấp thủ. Đây là ý khai quyền hiển thực, đã bày ra một phần.
Nghi:
Không Sanh đã lãnh ý chỉ không Phật, không Pháp, nhưng không biết khế hợp vô vi làm sao mà được phước thù thắng? Cho nên dưới đây Như Lai đem lìa tướng để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề Ý Ông Nghĩ Sao? Nếu Người Đem Bảy Báu Khắp Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới Bố Thí. Người Này Được Nhiều Phước Đức Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Rất Nhiều, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Vì Phước Đức Này Chẳng Phải Tánh Phước Đức Nên Như Lai Nói Phước Đức Nhiều.
Phật Bảo:
- Nếu Lại Có Người ở Trong Kinh Này Thọ Trì, Cho Đến Bốn Câu Kệ… Vì Người Khác Thuyết, Phước Của Người Này Hơn Người Kia, Sao Thế? Tu Bồ Đề, Tất Cả Chư Phật Và Pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác Của Chư Phật Đều Từ Kinh Này Mà Ra. Tu Bồ Đề, Chỗ Gọi Phật Pháp Tức Chẳng Phải Phật Pháp.
Giải:
Đây là dùng phước vô tướng để hiển pháp vô tướng là hơn hết. Không Sanh đã ngộ lý vô tướng nhưng không biết khế hợp lý vô tướng sẽ được phước vô tướng. Phước này là sao hơn phước hữu tướng kia? Nên Phật trước lấy bố thí hữu tướng và so sánh phước đó chẳng bằng phước thù thắng của việc trì bốn câu kệ. Bởi vì tất cả chư Phật đều từ Bát Nhã này mà sanh ra, nên nói “Bát Nhã là mẹ của chư Phật”, do đó phước lớn. Như người đời nói: “Mẹ nhơn con mà quý” vậy. Cho nên Bát Nhã hay sanh Phật pháp, mà Bát Nhã vốn chẳng phải Phật pháp. Do đó nói “Chỗ gọi Phật pháp tức chẳng phải Phật pháp”.
Nghi:
Pháp đã chẳng thể thuyết, Phật chẳng thể thành, cả hai đều chẳng thể được. Vả lại, đức Thế Tôn ngày xưa vì Thinh văn chúng con thuyết pháp Tứ Đế, đó là pháp. Chúng con y theo đó mà tu thì đắc quả. Chúng con nương theo Niết Bàn mà trụ, đây là có chỗ trụ. Tại sao Thế Tôn nói tất cả đều không? Đây là ý ngôn phân biệt của đại chúng, nên Thế Tôn lại nêu trở lại quả Tiểu thừa, hỏi ngược Không Sanh để thay cho lời phá nghi.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Tu Đà Hoàn Có Nghĩ Là “Ta Được Quả Tu Đà Hoàn Chăng?”.
Tu Bồ Đề Thưa:
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Vì Tu Đà Hoàn Gọi Là Nhập Lưu, Mà Không Có Chỗ Nhập. Chẳng Nhập Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp Thì Gọi Là Tu Đà Hoàn.
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Tư Đà Hàm Có Hay Nghĩ Thế Này “Ta Được Quả Tư Đà Hàm Chăng?”.
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Vì Tư Đà Hàm Nghĩa Là “Nhất Vãng Lai” Mà Thực Không Trở Lại Thì Gọi Là Tư Đà Hàm.
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? A Na Hàm Có Hay Nghĩ Thế Này “Ta Được Quả A Na Hàm Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Vì A Na Hàm Gọi Là Bất Lai, Mà Thực Không Có Bất Lai, Gọi Là A Na Hàm.
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? A La Hán Có Hay Nghĩ Thế Này “Ta Được Quả A La Hán Chăng?”.
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Thực Không Có Pháp Gọi Là A La Hán, Bạch Thế Tôn, Nếu A La Hán Nghĩ Như Vầy “Ta Được Đạo A La Hán” Tức Là Dính Mắc Ngã, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ Giả, Thế Tôn, Phật Nói Con Được Vô Tránh Tam Muội, Bậc Nhất Trong Loài Người. Thế Tôn, Con Chẳng Nghĩ Rằng Con Là A La Hán Ly Dục. Thế Tôn, Con Nếu Nghĩ Như Vầy “Con Được Đạo A La Hán”, Thế Tôn Ắt Chẳng Nói Tu Bồ Đề Là Người Hành Hạnh A Lan Nhã, Vì Tu Bồ Đề Thực Không Có Chỗ Hành Nên Gọi Tu Bồ Đề Là Ưa Hạnh A Lan Nhã”.
Giải:
Đây chính là Chân Tông Vô Trụ, đại chúng nhân nghe Phật chẳng thể cầu, pháp chẳng thể giữ, đó là tiến đến “chẳng thể trụ”. Nhưng mà ngày xưa Thế Tôn dạy Thanh Văn chúng con khiến lìa sanh tử, an trụ Niết Bàn thì không phải là không quả, không pháp có thể trụ. Nay vì sao Thế Tôn lại nói Phật, pháp đều không? Đây là Tiểu thừa chưa quên tập khí danh ngôn nên chấp có pháp thực, khó nhập vào Bát Nhã, do đó khởi nghi nhiều lần. Thế Tôn mượn cái ngộ của Không Sanh làm cho đại chúng thông suốt. Nên nêu quả xưa mà hỏi ngược lại “Ý ông nghĩ sao?”. Tiếng Phạn Tu Đà Hoàn, Trung Hoa dịch là Nhập Lưu, tức vào dòng. Nhập có nghĩa là nghịch. Nghĩa là ngược dòng sanh tử, nhưng nói nghịch lưu chỉ là theo cái chẳng vào 6 trần gọi là nghịch. Nghĩa là chẳng có “đây” có thể nghịch, có “kia” có thể vào trụ ở đó.
Tư Đà Hàm, Trung Hoa gọi là Nhất Vãng Lai. Nghĩa là còn có một chút tư hoặc sót lại ở cõi dục, nên chỉ cần trở lại một lần ở cõi dục rồi đoạn dứt, từ đây qua luôn. Đây cũng chẳng phải có chỗ vãng lai thực để trụ.
A Na Hàm, Trung Hoa nói là Bất Lai. Nghĩa là chẳng đến thọ sanh ở cõi dục nữa. Như thế mà thôi, cũng chẳng phải có chỗ Bất Lai có thể trụ.
A La Hán, Trung Hoa nói là Bất Sanh. Vì thấy các pháp kia tất cả đều không, thực không có các pháp. Một tâm chẳng sanh, như thế mà thôi. Cũng chưa từng nghĩ “Ta là A La Hán”, cũng chẳng có cõi A La Hán có thể trụ. Nếu A La Hán tự mình nghĩ rằng ta là A La Hán, thì đồng tri kiến với chúng sanh, tức dính mắc bốn tướng. Không Sanh lấy mình mà nghiệm. Như Thế Tôn luôn luôn khen con đã được Vô Tránh Tam Muội, lại khen con là bậc tối thượng trong loài người. Lại nói con là bậc A La Hán ly dục bậc nhất. Nhờ ơn Thế Tôn hết lời khen ngợi như thế. Nhưng con từng xét tâm mình, thật chưa hề có một niệm sanh tâm chấp trước con là bậc A La Hán ly dục. Nếu con có niệm này. Thế Tôn đã chẳng nói con là người ưa hạnh tịch tĩnh. Lấy con mà quán thì biết ngày xưa Niết Bàn nguyên không có chỗ trụ, đủ biết Bồ Đề của Như Lai chắc chắn không có thể trụ, còn nghi gì nữa?”. Văn dưới giải quyết cái nghi “Phật nhất định có thành”.
Nghi:
Nghe sự khai thị ở trên, quả Phật không trụ, đã rõ rồi. Quả đã không thể thành tại sao hiện thấy Như Lai từ Phật Nhiên Đăng được thọ ký, ắt là Phật nhất định có thành. Há không có quả có thể trụ ư? Dưới đây đáp là vô sở đắc.
Chánh Văn:
Phật Bảo:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Xưa Như Lai ở Chỗ Phật Nhiên Đăng Đối Với Pháp Có Chỗ Được Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Như Lai Ở Chỗ Phật Nhiên Đăng Đối Với Pháp Thật Không Có Chỗ Được.
Giải:
Đây là dạy ý chỉ rốt ráo vô sở đắc. Vì nghe nói vô trụ đã ngộ Bồ Đề không trụ. Bèn nghi Bồ Đề tuy không trụ mà quả Phật quyết định có thành. Nếu quả Phật chẳng thành làm sao truyền thọ? Nên Thế Tôn hỏi ngược lại Không Sanh để giải quyết. Vì Phật Nhiên Đăng tuy nói thọ ký chỉ là ấn khế tâm này mà thôi. Thực không có chỗ được. Nếu có chỗ được thì Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta.
Nghi:
Bồ Đề không trụ, quả Phật chẳng được. Như thế thì chẳng cần trang nghiêm đất Phật, thế tại sao Thế Tôn dạy ta hành Bồ Tát trang nghiêm cõi Phật?
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Bồ Tát Trang Nghiêm Cõi Phật Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Vì Trang Nghiêm Cõi Phật Tức Chẳng Trang Nghiêm, Ấy Gọi Là Trang Nghiêm.
- Thế Nên, Tu Bồ Đề, Các Vị Đại Bồ Tát Nên Như Thế Mà Sanh Tâm Thanh Tịnh, Chẳng Nên Trụ Sắc Sanh Tâm, Chẳng Nên Trụ Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp Sanh Tâm, Nên Không Chỗ Trụ Mà Sanh Tâm.
Giải:
Đây là chỉ thằng pháp an tâm. Mối nghi của Không Sanh là Phật đã không thành, Niết Bàn chẳng trụ, nếu như thế thì cần gì trang nghiêm cõi Phật? Người chấp cái nghi này cho rằng hạnh độ sanh thực ra cần phải trang nghiêm cõi Phật giống như sửa chùa chiền. Đây là người ngu chấp tướng. Do đó Thế Tôn đặt nghi vấn với ngài Không Sanh “Bồ Tát quả có trang nghiêm cõi Phật chăng?”. Không Sanh lãnh hội ý chỉ, đáp rằng “Trang nghiêm chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm”. Lấy gì để rõ được? Bởi vì cõi Phật là cõi Tịnh, mà tịnh độ này há có thể dùng bảy báu chất đống để trang nghiêm sao? Chỗ thấy của chúng sanh là uế độ, do ác nghiệp làm thành các loại khổ, trong khi chỗ của chư Phật là tịnh độ, chỉ do giác tâm thanh tịnh làm sạch các uế nhiễm: Nghiệp nhiễm đã không thì cõi đất tự trong sạch, tức là lấy tâm thanh tịnh để trang nghiêm. Nhưng sự trang nghiêm này chẳng đồng với sự trang nghiêm kia, nên nói “chẳng phải là trang nghiêm mới gọi là trang nghiêm”. Như thế xem lại, Bồ Tát trang nghiêm cõi Phật chẳng mượn ở ngoài đến, chỉ là tự mình làm sạch tâm mình, tâm tịnh thì cõi đất tịnh. Nên nói chỉ nên như thế sanh tâm tịnh mà thôi, chẳng cần kiểu trang nghiêm nào khác.
Ngài Tu Bồ Đề lại nghi “Đã nói thanh tịnh, làm sao sanh tâm?” Phật nói “Thanh tịnh như thế mà sanh tâm” chỉ là chẳng nên sanh tâm nhiễm sáu trần mà thôi, không phải có cái “thanh tịnh” có thể trụ mà sanh tâm. Chỗ nói “Chấp hết, tình quên, tâm thanh tịnh tự hiện”, vì thế “nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Tam Tổ nói “Chẳng theo hữu duyên, chẳng trụ không nhẫn” (mạc trục hữu duyên, chẳng trụ không nhẫn). Đây là lấy vô trụ sanh tâm làm pháp an tâm. Khéo léo nhiệm mầu của pháp an tâm chẳng qua khỏi chỗ này. Nên Lục Tổ một lần được nghe ngay đó đốn ngộ.
Nghi:
Đã chẳng trang nghiêm cõi Phật là không có cõi Phật. Vậy Phật thân lớn ngàn trượng ở chỗ nào? Đây là nghi báo thân ắt ở một cõi nước thật nào đó.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ví Như Có Người Thân Như Núi Chúa Tu Di, Ý Ông Nghĩ Sao? Thân Này Là Lớn Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Rất Lớn, Bạch Thế Tôn! Vì Sao? Phật Nói Không Phải Thân, Đây Gọi Là Thân Lớn.
Giải:
Đây là chỉ cõi nước chơn thật của Pháp thân. Nhân nghe cõi Phật không có thể trang nghiêm bèn nghi báo thân ắt có chỗ thật. Nếu chẳng trang nghiêm thì đến chỗ nào mà ở, mà trụ? Phật lấy Pháp thân chẳng phải thân để phá. Ý nói cõi đất không phải là cõi đất, chính đó là Thường Tịch Quang (ánh sáng thường lặng lẽ) vậy. Thân không phải là thân tức là Pháp thân. Pháp thân không có tướng thì cõi Phật chẳng có hình. Nhưng thân đã chẳng thể dùng tướng mà thấy thì cõi đất lại làm sao có thể trang nghiêm? Đây là từ chỗ lìa tướng lục trần, lìa tướng tâm duyên, đến chỗ này là phá các nghi, thẳng đến “thân và cõi nước đều không”. Tâm và cảnh cả hai đều dứt mới là cực tắc của Bát Nhã để hiển lý Pháp Thân Vô Trụ. Do đó, từ khi chỉ dạy (khai đạo) đến đây, lý đã rốt ráo, lời nói không đến được (cực lý quên lời). Nếu có người tin được pháp này thì phước vô lượng. Nên dưới đây so sánh phước đức.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Như Số Cát Trong Sông Hằng, Số Sông Hằng Bằng Số Cát Như Thế, Ý Ông Nghĩ Sao? Cát Của Các Sông Hằng Này Có Nhiều Không?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Rất Nhiều, Bạch Thế Tôn! Chỉ Sông Hằng Mà Thôi Còn Nhiều Vô Số, Huống Là Cát Của Chúng.
- Tu Bồ Đề, Ta Nói Thực Cho Ông Hay. Nếu Có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn, Lấy Bảy Báu Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới Nhiều Như Cát Của Số Sông Hằng Này Đem Bố Thí, Sẽ Được Phước Nhiều Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Rất Nhiều, Bạch Thế Tôn!
Phật Bảo Tu Bồ Đề:
- Nếu Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Trong Kinh Này Chí Đến Thọ Trì 4 Câu Kệ v.v… Vì Người Khác Nói Thì Phước Đức Này Vẫn Hơn Phước Đức Trước. Lại Nữa, Tu Bồ Đề, Tùy Thuyết Kinh Này, Chỉ Cần Thọ Trì 4 Câu Kệ v.v… Nên Biết Nơi Này Tất Cả Trời, Người, A Tu La Trong Thế Gian Đều Nên Cúng Dường, Xem Như Tháp Miếu Của Phật, Huống Là Có Người Có Thể Thọ Trì Đọc Tụng Hết. Tu Bồ Đề, Nên Biết Người Này Thành Tựu Pháp Tối Thượng Ít Có Đệ Nhất. Chỗ Nào Có Kinh Điển Này Thì Có Phật Hoặc Đệ Tử Lớn Đáng Tôn Trọng Của Phật.
Giải:
Đây là dùng ví dụ để hiển pháp thù thắng, nói phước của bốn câu hơn bảy báu nhiều như số cát sông Hằng. Vì pháp này là pháp tối thượng hy hữu bậc nhất. Bốn câu kệ này là toàn thể pháp thân, không khác gì Phật trụ thế thuyết cho đệ tử.
Trước đã hiển pháp thân xong, các nghi chóng phá, lời quên lý cực, Không Sanh lãnh được ý chỉ bèn xin tên kinh để kết thúc.
Chánh Văn:
Lúc Bấy Giờ Tu Bồ Đề Bạch Rằng:
- Thế Tôn! Nên Gọi Kinh Này Là Gì? Chúng Con Làm Sao Phụng Trì?
Phật Bảo:
- Tu Bồ Đề, Kinh Này Gọi Là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Đó Là Danh Tự, Ông Nên Phụng Trì. Vì Sao Như Thế? Tu Bồ Đề! Phật Nói Bát Nhã Ba La Mật, Tức Chẳng Phải Bát Nhã Ba La Mật, Mới Đúng Là Bát Nhã Ba La Mật.
Giải:
Đây là chỉ chỗ trở về mé thật Bát Nhã. Không Sanh lãnh ngộ, toàn thể Bát Nhã đã lộ bày, lại không pháp khác. Nên hỏi tên kinh để kết thúc. Thế Tôn chỉ bảo rằng: Kinh này tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Ý nói pháp này không tên, chỉ là tâm. Lại hỏi làm sao phụng trì. Phật bảo rằng: Tức đem tâm này phụng trì pháp này. Vì tâm vốn không tâm thì pháp cũng không pháp. Nên nói: Bát Nhã tức không phải Bát Nhã Ba La Mật. Ngài Không Sanh khi chưa nghe pháp này tâm không an, nên lúc đầu thỉnh Phật chỉ bày cách hàng phục tâm. Vì chỗ thấy đầy mắt đều là trần cảnh, chúng sanh và Phật cách xa, dơ sạch khác đường, thủ xả khác hướng, nên tâm chẳng an, khó hàng phục, do đó Ngài Không Sanh khởi lên các thứ nghi tình. Ban đầu nghi chúng sanh khó độ thì Phật bảo rằng chúng sanh vốn không. Lại nghi quả Phật khó cầu thì Phật bảo quả Phật chẳng cần cầu. Tiếp đó nghi bố thí khó chu tất, Phật lại bảo dùng tam luân không tịch. Nghi cõi Phật khó trang nghiêm thì Phật bảo để tâm thanh tịnh ắt được trang nghiêm. Lại nghi báo thân không có chỗ nương, thì Phật bảo pháp luân không cần chỗ nương, thì Phật bảo pháp thân không cần chỗ nương. Đến đây sự kỹ lưỡng khéo léo của Không Sanh đã cùng tột, các nghi như băng tan. Tâm Phật đã lộ bày hết, chẳng còn dư sót. Do đó người nghe tâm an mà tự hàng phục, nên hỏi tên kinh để kết thúc. Thế Tôn chẳng lấy Pháp thực làm phiền người, chỉ gọi tâm này mà thôi, nên lấy đây để kết thúc. Văn dưới là riêng dạy cực tắc của Pháp thân. Chỗ nói đầu sào trăm thước, lại tiến một bước chỉ cần đủ con mắt Kim Cang thì mới được tương ưng cùng tột. Vì thế Không Sanh lãnh ngộ rơi nước mắt, tán thán là khó lường, giống như người khách đi lâu trở về nhà, thấy mẹ hiền liền khóc thương vậy. Thẳng đến chỗ không thể suy nghĩ mới thôi.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Chỗ Thuyết Pháp Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Bạch Thế Tôn, Như Lai Không Chỗ Thuyết Pháp.
Giải:
Đây Không Sanh đã ngộ lý Pháp thân bèn nghi Pháp thân không tướng thì ai đang thuyết pháp đây? Đây là nghi pháp có chỗ thuyết nên Phật mới gạn hỏi lại, Tu Bồ Đề bèn ngộ thân đã không thân, pháp cũng không thể thuyết.
Nghi:
Pháp thân không tướng, nhưng không tướng tức đọa vào đoạn diệt. Đoạn diệt không tướng thì ở chỗ nào mà thấy pháp thân? Chúng có nghi này nên Phật bèn phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới Chỗ Có Vi Trần, Đó Là Nhiều Không?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Rất Nhiều, Bạch Thế Tôn!
- Tu Bồ Đề, Các Vi Trần Như Lai Nói Chẳng Phải Vi Trần Nên Gọi Là Vi Trần. Như Lai Nói Thế Giới Chẳng Phải Thế Giới, Đó Là Thế Giới.
Giải:
Đây là chỉ các pháp tuy không, nhưng chẳng rơi vào đoạn diệt. Nghe nói pháp thân không tướng, lại nghi rơi vào đoạn diệt. Đoạn diệt thì không có chỗ tìm pháp thân. Thế Tôn dạy trần trần cõi cõi đều là pháp thân. Nên gạn hỏi rằng “Vi trần trong Tam thiên, đại thiên thế giới có nhiều chăng?” Đáp: “Rất nhiều”. Nếu lấy vi trần thế giới mà quán thì đầy mắt trần cảnh, vạn tượng rộn ràng. Nếu lấy không phải vi trần thế giới mà quán thì một đường rỗng rang, chân không minh tịch, đó là “Tịch diệt linh hư nương nơi sum la mà hiển bày hình tượng. Ngang dọc trong cảnh huyễn, tại một tánh mà dung chân”. Do đó “Trúc biếc xanh xanh đều là chân như, hoa vàng mịt mịt thảy là Bát Nhã”, “Núi sông và đại địa toàn lộ thân Pháp vương”. Muốn thấy pháp thân phải có đủ con mắt chánh Kim Cang mới được. Nên nói thế giới chẳng phải thế giới, gọi là thế giới.
Nghi:
Nghe pháp thân không tướng mới gọi là Phật. Nếu không tướng là Phật, nay hiện tiền Phật 32 tướng há không phải là Phật sao?
Đây là nhận hóa thân làm Chân Phật. Dưới đây lấy Pháp thân – Hóa thân một thể để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Có Thể Lấy 32 Tướng Để Thấy Như Lai Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Chẳng Thể Lấy 32 Tướng Thấy Được Như Lai, Vì Sao? Vì Như Lai Thuyết 32 Tướng Tức Là Chẳng Phải Tướng, Nên Gọi 32 Tướng.
Giải:
Đây là dạy pháp thân và hóa thân thầm là một vậy. Chớ bảo có tướng chẳng phải Phật. Phật ngay nơi 32 tướng mà vốn không tướng. Tướng tức không tướng thì ứng thân tức pháp thân. Đến đây ba thân là một thể. Thân và cõi đất đều không, lý cực tình quên, ngôn từ đều lặng nên mới tán thán: Người có thể khế hợp lý này, lần lượt chỉ dạy cho người khác thì phước vô lượng.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Nếu Có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Lấy Thân Mạng Bằng Số Cát Sông Hằng Đem Bố Thí. Nếu Lại Có Người Trong Kinh Này Chí Đến Thọ Trì 4 Câu Kệ v.v… Vì Người Khác Nói, Phước Đó Rất Nhiều.
Giải:
Đây là giải bày cái thắng ích của pháp không. Thế Tôn hiển lý đã cùng cực, các nghi đã phá, bốn tướng chóng không, ngã chấp đã mất, phân thân riêng lộ. Thế Tôn so sánh cái nhiều của sự bố thí thân mạng như cát sông hằng chẳng bằng thân tâm thọ trì 4 câu kệ, vì người khác nói, phước vô tướng này thật chẳng thể lường. Không Sanh toàn lãnh ý chỉ này, cảm kích vì chưa hề nghe, nên rơi nước mắt thương khóc tán thán cho là ít có. Trước nói: “Khéo hộ niệm, khéo phó chúc” là đây vậy.
+ Trước đã lãnh ngộ.
+ Sau lại trần tình.
Chánh Văn:
Lúc Đó Tu Bồ Đề Nghe Thuyết Kinh Này Hiểu Sâu Nghĩa Thú Rơi Lệ Khóc Thương Mà Bạch Phật Rằng:
- Hy Hữu Thay Thế Tôn! Phật Thuyết Kinh Điển Thậm Thâm Như Thế, Con Từ Trước Đến Nay Đã Được Huệ Nhãn Mà Chưa Từng Được Nghe Kinh Như Thế, Thế Tôn, Nếu Lại Có Người Được Nghe Kinh Này, Lòng Tin Thanh Tịnh Tức Sanh Thực Tướng. Nên Biết Người Này Thành Tựu Được Công Đức Hiếm Có Đệ Nhất. Thế Tôn! Thực Tướng Này Tức Chẳng Phải Tướng Nên Như Lai Gọi Là Thực Tướng. Thế Tôn! Con Nay Được Nghe Kinh Điển Như Thế, Tin Hiểu Thọ Trì Không Đủ Là Khó. Nếu Đời Sắp Tới, Sau 500 Năm, Có Chúng Sanh Được Nghe Kinh Này, Tin Hiểu Thọ Trì Thì Người Này Là Hy Hữu Đệ Nhất. Vì Sao? Vì Người Này Chẳng Có Tướng Ngã, Tướng Nhân, Tướng Chúng Sanh, Tướng Thọ Giả. Vì Sao Như Thế? Tướng Ngã Tức Không Tướng, Tướng Nhân, Tướng Chúng Sanh, Tướng Thọ Giả Tức Không Phải Tướng. Vì Sao? Vì Lìa Tất Cả Tướng Tức Gọi Chư Phật.
Phật Bảo Tu Bồ Đề:
- Đúng Thế! Đúng Thế! Nếu Lại Có Người Nghe Được Kinh Này, Chẳng Kinh Chẳng Sợ, Chẳng Hãi. Nên Biết Người Này Rất Là Hiếm Có. Vì Sao? Tu Bồ Đề! Như Lai Thuyết Đệ Nhất Ba La Mật Tức Chẳng Phải Đệ Nhất Ba La Mật Mới Gọi Là Đệ Nhất Ba La Mật.
Giải:
Đây là ấn khế tâm Phật nhập vào tri kiến Phật. Nhưng nhóm Ngài Không Sanh, các vị Tiểu Thừa cùng chúng sanh đều là hạng chấp tướng, tức là Phật ra đời đến nay, đã hơn hai mươi năm, thuyết các pháp chưa từng lìa tướng, sợ họ sanh nghi nên để hở mà dạy, nhiều cách đào thải đến nay mới lộ ra bổn tâm. Vì sao? Vì bổn nguyện của Phật là muốn khiến tất cả đều thú hướng đến đất Đại thừa rốt ráo. Nay sẽ dẫn người Tiểu thừa xưa phát tâm Đại thừa, đặc biệt lấy tâm địa Kim Cang này làm gốc tu nhân. Do đó trước dùng tâm này đoạn các nghi kia khiến sanh chánh tín. Bát Nhã này là cửa ban đầu bước vào Đại thừa, là sơ tâm để Bồ Tát phát sanh giác ngộ. Chỗ nói hộ niệm phó chúc là tâm này vậy. Vì đệ tử Tiểu thừa chưa hề nghe mà nay mới nghe, từ xưa chưa hiểu mà nay mới ngộ, giống như đứa con mất sữa chợt gặp mẹ hiền. Do đó Không Sanh vừa nghe, cảm kích rơi lệ cũng là đích đáng. Vì thế tán thán là hy hữu. Trước ngài Không Sanh khen Thế Tôn hy hữu vì mới lóe thấy được tâm này của Thế Tôn nhưng vẫn chưa nghe nói đầy đủ. Nay được Thế Tôn lộ hết, lớp lớp đuổi phá tiêu hết mối nghi. Đây mới thật là tâm hiếm có. Bởi từ xưa đến nay chưa được nghe, thật là pháp hiếm có. Không Sanh tự trình bày chỗ ngộ của mình, lại kích phát đồng bạn, ý nói tôi nghe mà ngộ, tự nói hiếm có. Nếu lại có một người nghe có thể tin tự tâm thanh tịnh như thế, thì thực tướng hiện tiền, các vọng tiêu diệt. Người này cũng tự là người hiếm có. Vì sao? Vì pháp lìa tướng rất khó tin hiểu vậy.
Vả lại chúng ta thân thấy Như Lai tuy là khó tin nhưng nghe diệu âm của Phật thì tin hiểu cũng chẳng khó. Khi Phật diệt độ cách đời thánh đã xa, sau 500 năm, năm ác trược nặng, thời ma thạnh pháp yếu. Người có thể tin được pháp này rất là khó. Nếu có người có thể tin thì đó là người hiếm có đệ nhất. Sao thế? Vì người này có thể lìa bốn tướng. Nhưng bốn tướng là như như. Rõ được điều này tức thấy được pháp thân. Nên nói “Hay lìa tất cả tướng tức gọi là Phật”. Đây thật là hiếm có. Thế Tôn nghe nói bèn ấn hứa “Đúng thế! Đúng thế! Thật như lời ông nói”. Vì pháp này lớn mà căn cơ nhỏ, người nghe đều sanh kinh nghi, sợ hãi. Nghe mà không sanh kinh nghi sợ hãi quả là người hiếm có, vì chỗ ta nói chẳng ở nơi lời. Nên nói “Tức chẳng phải đệ nhất mới gọi là đệ nhất”.
Nghi:
Trước nói bố thí là vật thọ dụng sáu trần, tức là bố thí bên ngoài (ngoại thí). Một bề khó xả đã xả, tức xả cũng mong cầu phước. Thế Tôn đã dạy chẳng cho trụ tướng, nói rằng phước vô tướng lớn hơn, đã vậy lại nói chẳng những đem bảy báu bố thí không bằng phước vô tướng, mà ngay cả đem phước bố thí thân mạng như hằng sa cũng khó so bằng. Lấy thân mạng là thí bên trong (nội thí). Nên Không Sanh lại nghi rằng ngoại thí có thể quên, còn thân mạng khó xả, làm sao có thể xả được? Thế Tôn biết được ý này nên rộng thuyết hạnh nhẫn nhục để phá. Cắt đứt thân thể mà chẳng sân hận thì ngã không. Đây là ý nghi của đương cơ. Mật ý trong kinh này là Thế Tôn muốn ngầm phá hai chấp ngã và pháp của Bồ Tát. Nhưng ngã chấp là thân tâm ngũ uẩn. Lại, thân ngũ uẩn này có giả danh, có thực pháp. Trước phá giả danh, nay lấy cắt đứt thân thể để nghiệm phá thực pháp của ngũ uẩn.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Nhẫn Nhục Ba La Mật, Như Lai Nói Chẳng Phải Nhẫn Nhục Ba La Mật Gọi Là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Vì Sao? Tu Bồ Đề! Như Ta Xưa Bị Ca Lợi Vương Cắt Đứt Thân Thể, Lúc Đó Ta Không Có Ngã Tướng, Không Nhân Tướng, Không Chúng Sanh Tướng, Không Thọ Giả Tướng. Sao Thế? Lúc Xưa, Khi Mỗi Phần Thân Bị Cắt Ra, Nếu Ta Có Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng, Lẽ Ra Phải Sanh Sân Hận. Tu Bồ Đề, Lại Nhớ Quá Khứ, Ở Năm Trăm Đời Ta Làm Tiên Nhân Nhẫn Nhục, Ở Các Đời Đó, Ta Không Có Tướng Ngã, Tướng Nhân, Tướng Chúng Sanh, Tướng Thọ Giả. Vì Thế, Tu Bồ Đề Bồ Tát Nên Lìa Tất Cả Tướng, Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, Chẳng Nên Trụ Sắc Sanh Tâm, Chẳng Nên Trụ Thinh Hương Vị Xúc Pháp Sanh Tâm. Nên Sanh Tâm Không Chỗ Trụ. Nếu Tâm Có Trụ Tức Chẳng Phải Trụ. Cho Nên Phật Nói Tâm Bồ Tát Chẳng Nên Trụ Sắc Bố Thí. Tu Bồ Đề, Bồ Tát Vì Lợi Ích Tất Cả Chúng Sanh Nên Bố Thí Như Thế. Như Lai Thuyết Tất Cả Tướng Tức Chẳng Phải Tướng. Lại Nói Tất Cả Chúng Sanh Tức Chẳng Phải Chúng Sanh.
Giải:
Đây là phá thực pháp của ngủ uẩn. Để kết thúc, đáp lại câu hỏi “nên trụ thế nào?” Không Sanh vừa nghe thân mạng bố thí, chẳng đạt được năm ấm vốn không, bèn nghi mà chẳng tin, cho là rất khó. Nói bố thí 7 báu bên ngoài chẳng trụ ở tướng thì còn có thể làm được. Nhưng xả thân mạng thì chẳng thể được. Không xả thân mạng thì ngã tướng chưa không. Rõ ràng là dính mắc nơi tướng thì khó khế hợp với chân không. Nên Thế Tôn đặc biệt nêu ra hạnh nhẫn nhục, lúc bị Ca Lợi Vương cắt đứt thân thể, nếu ta chưa quên bốn tướng thì sanh sân hận. Do đó không sân là đạt bổn tánh của năm ấm vốn không. Chỗ nói cắt nước, thổi ánh sáng, trạm nhiên chẳng động, vì lìa tất cả tướng. Cho nên Ta dạy Bồ Tát nên lìa tất cả tướng phát tâm Bồ Đề, chẳng nên trụ ở lục trần mà sanh tâm. Nên sanh tâm không chỗ trụ. Đây là kết thúc văn trước gồm hội ý chỉ lìa tướng để đáp câu hỏi “làm sao trụ”. Lại dạy rằng “Nếu tâm có chỗ trụ thì tâm cảnh đều là hư vọng, ắt là không phải trụ”. Cho nên Phật thuyết Bồ Tát chẳng nên trụ ở tướng sắc mà hành bố thí là đây vậy. Nhưng Bồ Tát đã vì lợi ích tất cả chúng sanh, đáng nên bố thí như thế mới là diệu hạnh. Chẳng thể chấp trước mà sanh cái thấy ức đoán riêng. Như Lai thuyết tất cả tướng đều là chân như, tất cả chúng sanh tức là chân như. Do đó trước nói “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai". Nên trong phần kết thúc Phật dạy rằng: “Các tướng tức là chẳng phải tướng, chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh”.
Nghi:
Đã nói chẳng trụ ở tướng thì tất cả đều không, tức trí năng chứng cũng không, vì không có Thể. Pháp không thể thì đâu có thể gây nhân lãnh quả? Ý đáp thật ra là khiến chỉ nên tin chắc lời Phật dạy rằng cảnh giới tự chứng của Như Lai quyết không hư dối.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Như Lai Là Chân Ngữ, Thật Ngữ, Như Ngữ, Bất Cuống Ngữ, Bất Dị Ngữ (nói chân, nói thật, nói như, nói chẳng dối, nói chẳng khác). Tu Bồ Đề! Như Lai Đắc Pháp, Pháp Này Chẳng Thực, Chẳng Hư.
Giải:
Kết thúc này khiến tin chắc thật. Không Sanh nghe Phật nói nhân quả đều không, liền nghi rằng quả không thì chẳng cần dùng nhân. Nhân không thì chẳng thể được quả. Nay trong nhân hành bố thí lại thêm sanh tâm chẳng trụ thì không quả thật có thể chứng. Thế Tôn chỉ dạy chỉ cần thật tin chắc lời Phật, chẳng cần khởi nhiều niệm nghi. Vì pháp Như Lai đắc được chẳng thực chẳng hư, chẳng thể đem tình thức chấp trước mà cầu được. Dùng đây để phá.
Nghi:
Chẳng trụ tướng bố thí mà sanh tâm, tức đây là sanh tâm chẳng trụ, thì lấy gì hợp được Bát Nhã? Dưới đáp phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Nếu Tâm Bồ Tát Trụ Ở Pháp Mà Hành Bố Thí Giống Như Người Vào Bóng Tối Thì Không Thấy Gì. Nếu Tâm Bồ Tát Chẳng Trụ Pháp Mà Hành Bố Thí Thì Như Người Có Mắt, Ánh Mặt Trời Chiếu Sáng, Thấy Các Thứ Sắc.
Giải:
Đây dạy sự lợi ích của Vô Trụ. Tâm có chỗ trụ thuộc về vô minh, vì tâm bị cảnh chướng. Như người vào tối chẳng thấy một vật. Tâm không trụ, các chướng được trừ hết. Nhân ngã cả hai đều mất. Như mặt trời lên cao chiếu khắp vạn tượng. Do đó tâm không chỗ trụ này là Bát Nhã chân thật. Chỗ chứng của Phật chỉ là tâm này mà thôi.
Nghi:
Lại, tâm vô trụ này, nếu là Bát Nhã làm sao có thể khế hợp với tâm Phật? Dưới đáp phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ở Đời Vị Lại Nếu Có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Có Thể Nơi Kinh Này Thọ Trì, Đọc Tụng Thì Như Lai Dùng Trí Huệ Phật Ắt Biết Người Nầy Đều Được Thành Tựu Vô Lượng Vô Biên Công Đức. Tu Bồ Đề! Nếu Có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Buổi Sáng Sớm Lấy Thân Mạng Bằng Số Cát Sông Hằng Bố Thí, Buổi Trưa Lấy Thân Mạng Bằng Số Cát Sông Hằng Bố Thí, Buổi Chiều Lấy Thân Mạng Bằng Số Cát Sông Hằng Bố Thí, Như Thế Vô Lượng Trăm Ngàn Vạn ức Kiếp Dùng Thân Bố Thí. Nếu Lại Có Người Chỉ Nghe Kinh Điển Này, Tín Tâm Chẳng Trái Nghịch, Phước Đó Hơn Người Kia, Huống Gì Ghi Chép Thọ Trì, Đọc Tụng, Vì Người Giải Nói.
Giải:
Đây dạy tâm và Phật bình đẳng vậy. Cái nghi của Không Sanh toan bảo trí mình chẳng khế hợp với trí Phật. Ý của Phật là Bát Nhã không văn tự, văn tự tức Bát Nhã; nhưng Ta thuyết kinh này tức toàn bộ Bát Nhã. Nếu có người có thể tin nhận, ắt là diệu khế với trí Phật. Phật dùng bổn trí rõ biết người này công đức vô lượng. Đây là công đức của một niệm chóng khế hợp với tâm Phật. Giả sử, một ngày ba thời dùng thân mạng như cát sông Hằng bố thí, công đức của người này hẳn nhiều, nhưng chẳng bằng người có một niệm tín tâm tùy thuận Bát Nhã chẳng trái nghịch. Có thể nói khéo nhập trí huệ Phật, phước này càng lớn hơn. Huống là lại biên chép thọ trì đọc tụng, vì người khác giảng nói ư!
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Tóm Lại, Kinh Này Có Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn, Chẳng Thể Cân Lường, Chẳng Có Bờ Mé. Như Lai Vì Người Phát Tâm Đại Thừa Mà Nói, Vì Người Phát Tâm Tối Thượng Thừa Mà Nói. Nếu Có Người Có Thể Thọ Trì Đọc Tụng, Rộng Vì Người Khác Nói, Như Lai Tất Biết Người Này, Tất Thấy Người Này Đều Thành Tựu Công Đức Chẳng Thể So Lường, Chẳng Thể Cân Nhắc, Không Có Giới Hạn, Chẳng Thể Nghĩ Đến. Hạng Người Như Thế Tức Là Gánh Vác Vô Thượng Bồ Đề Của Như Lai. Sao Vậy? Tu Bồ Đề! Nếu Người Vui Pháp Nhỏ Thì Dính Mắc Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến. Tức Nơi Kinh Này Chẳng Thể Nghe, Thọ Trì, Đọc Tụng, Vì Người Khác Giảng Nói.
Giải:
Đây là tán thán Bát Nhã chỉ dành riêng cho người căn cơ thượng thượng. Trước thường nói chấp vào 4 tướng, đó là thô. Nay nói chấp vào 4 kiến, đó là tế.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Chỗ Chỗ Nơi Nơi Nếu Có Kinh Này Thì Tất Cả Thế Gian Trời, Người, A Tu La Đều Phải Cúng Dường. Nên Biết Đây Là Tháp Đều Nên Cung Kính, Làm Lễ Vây Quanh, Dùng Hoa Hương Mà Rải.
Giải:
Đây là tán thán Bát Nhã Pháp thân thường trụ.
Chánh Văn:
Lại Nữa Tu Bồ Đề! Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Thọ Trì, Đọc Tụng Kinh Này, Nếu Bị Người Khinh Rẻ Người Này Tội Nghiệp Đời Trước, Đáng Lẽ Rơi Vào Đường Ác. Vì Đời Này Bị Người Khinh Rẻ, Thì Tội Nghiệp Đời Trước Ắt Là Tiêu Diệt, Sẽ Được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Giải:
Đây là tán thán Bát Nhã có lợi ích lìa chướng, ra khỏi sự ràng buộc, chẳng những diệt tội mà còn được quả thù thắng.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ta Nhớ Vô Thượng A Tăng Kỳ Kiếp Quá Khứ Ở Trước Phật Nhiên Đăng, Được Gặp 8 Trăm 4 Ngàn Vạn ức Na Do Tha Chư Phật Thảy Đều Cúng Dường, Thừa Sự, Chẳng Hề Lơi Lỏng. Nếu Lại Có Người Ở Đời Sau Có Thể Thọ Trì, Đọc Tụng Kinh Này, Công Đức Có Được Đối Với Công Đức Cúng Dường Chư Phật Của Ta Nhiều Gấp Trăm Phần, Ngàn Vạn ức Phần, Cho Đến Toán Số Ví Dụ Đều Chẳng Thể Đến. Tu Bồ Đề! Nếu Thiện Nam Tử Thiện Nữ Nhơn Ở Đời Sau Có Thọ Trì, Đọc Tụng Kinh Này, Công Đức Có Được, Nếu Ta Nói Đầy Đủ Sẽ Có Người Nghe Sanh Tâm Cuồng Loạn, Hồ Nghi Chẳng Tin, Này Tu Bồ Đề! Nên Biết, Ý Nghĩa Kinh Này Chẳng Thể Suy Nghĩ, Quả Báo Cũng Chẳng Thể Suy Nghĩ.
Giải:
Đây là tán thán người ngộ Bát Nhã một niệm chóng sanh vào nhà Phật, đời đời kiếp kiếp trọng chẳng rời Phật, nên công đức này rất là thù thắng. Đời sau, trong thời mạt pháp nếu có người có thể tin, công đức còn lớn hơn. Vì công đức Bát Nhã này không thể suy nghĩ nên quả báo cũng chẳng thể nghĩ lường.
Từ ban đầu đã hỏi “Làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm?”. Đến đây phá suốt nghi chấp của chúng sanh phàm phu phát đại tâm tu hạnh Bồ Tát. Nhưng hai cái chấp về ngã và pháp có thô, có tế. Trước đã phá hai chấp thô, tức là chấp thân tâm năm ấm là ngã và chấp việc làm của ta là hành lục độ duyên theo trần muốn cầu Bồ Đề, đó là chấp pháp. Hai chấp này đều là chấp tướng. Đây là phá cái nghi của Bồ Tát mới phát tâm chưa ngộ được Bát Nhã để hiển ý: “dưới chẳng thấy chúng sanh có thể độ”. Sau đây bèn phá hai chấp ngã vi tế. Bồ Tát đã ngộ Bát Nhã nhưng còn chấp:
- Có trí năng chứng làm ngã.
- Có chân như sở chứng làm nhân
- Năng chứng năng ngộ là chúng sanh
- Chứng ngộ chưa quên, thầm thầm liên tục như mạng số là thọ giả.
Bốn tướng này hết sức vi tế. Hai chấp vi tế này còn cái ngã giác ngã, cho nên văn dưới phát huy chỉ nêu chữ “ngã”. Nếu phá chấp ngã này thì “Trên chẳng có quả Phật có thể cầu”. Đoạn kinh này cùng với phần ở trước câu thì đồng mà ý thì khác . Người đọc nên biết.
Chánh Văn:
Lúc Đó Tu Bồ Đề Bạch Phật Rằng:
- Thưa Thế Tôn! Thiện Nam Tử Thiện Nữ Nhơn Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề Làm Sao An Trụ, Làm Sao Hàng Phục Tâm?
Phật Bảo Tu Bồ Đề:
- Nếu Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề Nên Sanh Tâm Thế Này! Ta Nên Diệt Độ Tất Cả Chúng Sanh, Diệt Độ Tất Cả Chúng Sanh Rồi Mà Không Có Một Chúng Sanh Được Diệt Độ. Vì Sao? Tu Bồ Đề, Nếu Bồ Tát Có Tướng Ngã, Tướng Nhân, Tướng Chúng Sanh, Tướng Thọ Giả Tức Chẳng Phải Bồ Tát, Vì Sao Như Thế? Vì Thực Không Có Pháp Phật Tâm Vô Thượng Bồ Đề.
Giải:
Từ đây trở xuống là phá hai chấp vi tế về ngã và về pháp. Phần đầu kinh nêu câu hỏi “Làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm”, vì đối với Bồ Tát mới phát tâm còn ở trong phàm phu, tức là những chúng sanh tâm lớn mới phát tâm độ sanh. Do đó có các thứ chấp tướng:
- Nương dính vào sắc thân năm uẩn của chính mình mà tu hành.
- Hành bố thí còn chấp trước vật thô sáu trần mà cầu quả phước.
- Cầu Bồ Đề là chấp trước thân sắc tướng của Hóa Phật.
- Cõi nước là cõi nước có vật báu trang nghiêm.
Các thứ hành đều không lìa tướng nên cách Bát Nhã rất xa.
Không Sanh khởi nghi tới đâu bị Phật lớp lớp phá trừ tới đó, thẳng đến tất cả các tướng đều lìa mới khế hợp được thực trí Bát Nhã chân như mà Không Sanh đã ngộ. Từ đây mối nghi của đại chúng mới tiêu tan. Kinh văn này chẳng thể nghĩ nghì. Nửa quyển về trước đều là ý này. Chỗ phá ngã này đều y nơi cái thấy của phàm phu khởi lên, tức cái ngã của sắc tướng năm ấm, bốn tướng đều thô. Từ đoạn kinh này về sau là phá cái chấp của Bồ Tát đã ngộ Bát Nhã, chỉ ra trí năng chứng chưa quên và lấy đây chấp trước làm ngã: Đây là còn ngã giác ngã, là hai chấp vi tế về ngã và pháp, bốn tướng đều tế. Vì thế đoạn kinh này nêu ra một chữ “ngã” làm đầu. Chỉ nói “Ta nên diệt độ chúng sanh” mà không nói về bố thí, tức là công đức đã tròn, chỉ còn cái thấy chúng sanh và Phật chưa mất. Do đó trước thô sau tế. Hỏi “Trí tế này là ngã, sao lại hỏi “thế nào an trụ, thế nào hàng phục tâm” giống với câu hỏi trước?”. Đáp: “Hỏi an trụ vì Bồ Tát này đã lìa ngũ uẩn nhưng vẫn còn tập khí nên ở trong trí Chân như cũng cần cầu an trú. Vả lại vì gấp gáp muốn cầu Bồ Đề, chấp rằng Bồ Đề có chỗ trụ, cầu mà chẳng được nên tâm này chẳng an, cho nên nói “hàng phục”. Tâm cầu Phật này chưa an vì còn cái thấy phân biệt giữa chúng sanh và Phật, do đó chẳng đạt được bình đẳng nhất như. Câu hỏi tuy đồng mà ý khác. Nên Thế Tôn phá rằng: Người phát Bồ Đề nên quán thế này “Ta diệt độ tất cả chúng sanh xong, thực không có một chúng sanh được diệt độ”, vì chúng sanh vốn tự như như chẳng đợi diệt nữa. Nếu chấp có diệt độ thì dính mắc bốn tướng, chẳng phải Bồ Tát. Đây là chẳng thấy chúng sanh có thể độ. Nhưng chúng sanh và Phật xưa nay bình đẳng. Chúng sanh đã không thể diệt thì thực không có pháp để có Bồ Tát phát tâm cầu Bồ Đề. Vì sao? Vì chúng sanh vốn tự tịch diệt, tức là Bồ Đề rồi, như vậy làm sao còn phải cầu nữa? Đây không thấy quả Phật có thể cầu.
Nghi:
Đã thực không pháp có thể được Bồ Đề, thì chỗ ngộ Bát Nhã của tôi há không phải là pháp sao? Và Thế Tôn ở chỗ Phật Nhiên Đăng nhân được pháp này mới thành Phật, há chẳng phải được Bồ Đề ư? Sao nói không pháp có thể được? Nên dưới phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Như Lai ở Chỗ Phật Nhiên Đăng Có Pháp Được Vô Thượng Bồ Đề Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Như Con Hiểu Nghĩa Phật Nói, Phật ở Chỗ Phật Nhiên Đăng Không Có Pháp Được Vô Thượng Bồ Đề.
Phật Nói:
- Đúng Thế! Đúng Thế! Tu Bồ Đề, Thực Không Có Pháp Như Lai Được Vô Thượng Bồ Đề. Tu Bồ Đề, Nếu Có Pháp Như Lai Được Vô Thượng Bồ Đề Thì Phật Nhiên Đăng Đã Chẳng Thọ Ký Cho Ta ở Đời Sau Này Sẽ Được Làm Phật, Hiệu Thích Ca Mâu Ni. Vì Thực Không Có Pháp Được Vô Thượng Bồ Đề Nên Phật Nhiên Đăng Thọ Ký Cho Ta Nói Rằng “Ông Ở Đời Sau Sẽ Được Thành Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni”.
Giải:
Đây dạy Bồ Đề không có đắc, để phá nghi chấp về Phật, Không Sanh nghi Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng thực có pháp có thể được. Thế Tôn lần lượt theo phá cái nghĩ hư vọng, chính để hiển thực không có một pháp có thể được.
Nghi:
Pháp Bát Nhã là nhân chân thật để thành Phật. Nay nói không pháp thì không nhân thì làm sao được quả Bồ Đề? Dưới đây lấy Pháp thân không thuộc nhân quả để phá.
Chánh Văn:
- Vì Sao? Như Lai Là Nghĩa Như Của Các Pháp. Nếu Có Người Nói Như Lai Được Vô Thượng Bồ Đề, Này Tu Bồ Đề, Thực Không Có Pháp Phật Được Vô Thượng Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Như Lai Được Vô Thượng Bồ Đề Ở Trong Đó Không Thực Không Hư. Thế Nên Như Lai Nói: “Tất Cả Pháp Đều Là Phật Pháp” Tu Bồ Đề! Nói Tất Cả Pháp Tức Chẳng Phải Pháp, Ấy Gọi Là Tất Cả Pháp. Tu Bồ Đề! Ví Như Thân Người To Lớn.
Tu Bồ Đề Nói:
- Bạch Thế Tôn! Như Lai Nói Thân Người To Lớn Tức Là Không Phải Thân Lớn, Đó Gọi Là Thân Lớn.
Giải:
Đây hiển bày Pháp thân chẳng thuộc nhân quả. Không Sanh chẳng đạt chân thể của Pháp thân nên không biết đó chẳng thuộc nhân quả, vì thế mới chấp rằng Như Lai có tu có đắc. Do đó Phật lấy vô sở đắc để phá. Còn e chẳng ngộ nên phải dạy thẳng rằng: Sở dĩ nói Bồ Đề không chỗ được là vì Như Lai là không sắc tướng, là nghĩa đương thể như như của các pháp. Lại nữa, các pháp vốn tự như như, há mượn tu rồi chứng đắc ư? Nên Ta nói Bồ Đề thật không có pháp cho Phật có thể đắc. Trong Tông môn có nói “Một đường hướng thượng, chư Phật ba đời chẳng cho dòm đến, dòm đến thì mắt phải mù”, vì trong đây không chỗ để nắm bắt kiếm tìm. Bồ Đề thật ra không một chút kỳ đặc gì, chỉ là ở các pháp chẳng khởi cái thấy đoạn thường, điên đảo. Do đó nói không thực, không hư. Tất cả pháp đều chẳng phải pháp. Nếu biết thân lớn chẳng phải thân, tất biết các pháp chẳng phải pháp.
Nghi:
Vì nghe thực không có pháp để cho phát tâm nên nghi rằng “Vì ta có pháp độ sanh mới gọi là Bồ Tát, đã không có pháp sao gọi là Bồ Tát?” Dưới lấy vô pháp vô ngã để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Bồ Tát Cũng Thế. Nếu Nói Như Vầy: “Ta Sẽ Diệt Độ Vô Lượng Chúng Sanh” Thì Chẳng Được Gọi Là Bồ Tát. Vì Sao? Tu Bồ Đề! Thực Không Có Pháp Gọi Là Bồ Tát Nên Phật Nói Tất Cả Pháp Không Ngã, Không Nhân, Không Chúng Sanh, Không Thọ Giả. Nếu Bồ Tát Nói: “Ta Sẽ Trang Nghiêm Cõi Phật” Thì Chẳng Gọi Là Bồ Tát. Vì Sao? Như Lai Nói Trang Nghiêm Cõi Phật Tức Chẳng Phải Trang Nghiêm, Ấy Mới Gọi Là Trang Nghiêm. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát Thông Đạt Pháp Vô Ngã, Như Lai Nói Đó Thật Là Bồ Tát.
Giải:
Đây dạy Pháp thân vô ngã để phá hai chấp vi tế của Bồ Tát. Không Sanh chấp có pháp độ sanh mới gọi là Bồ tát. Thế Tôn bảo pháp thật chẳng có để trừ chấp pháp. Sợ nghi rằng “Không pháp độ sanh thì làm sao trang nghiêm cõi Phật”, nên Thế Tôn dạy rằng cõi Thường Tịch Quang chẳng mượn trang nghiêm, để trừ tâm trụ, phá ngã chấp. Hai cái này vô ngã. Nếu chẳng đạt lý thì chẳng phải Bồ Tát thật. Do đó phải thông đạt pháp vô ngã, Như Lai mới nói là thật Bồ Tát.
Nghi:
Nếu Bồ Tát chẳng thấy chúng sanh có thể độ, không thấy cõi nước có thể tịnh, thì Như Lai cần ngũ nhãn làm gì? Để phá mối nghi này Phật bảo đoán biết được tâm chúng sanh là mắt, chẳng phải thật có ngũ nhãn.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Nhục Nhãn Chăng?
- Đúng Vậy, Bạch Thế Tôn! Như Lai Có Nhục Nhãn.
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Thiên Nhãn Chăng?
- Đúng Vậy, Bạch Thế Tôn! Như Lai Có Thiên Nhãn.
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Huệ Nhãn Chăng?
- Đúng Vậy, Bạch Thế Tôn! Như Lai Có Huệ Nhãn.
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Pháp Nhãn Chăng?
- Đúng Vậy, Bạch Thế Tôn! Như Lai Có Pháp Nhãn.
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Phật Nhãn Chăng?
- Đúng Vậy, Bạch Thế Tôn! Như Lai Có Phật Nhãn.
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Số Cát Trong Sông Hằng, Phật Nói Là Cát Chăng?
- Đúng Vậy, Bạch Thế Tôn! Như Lai Nói Là Cát.
- Tu Bồ Đề Ý Ông Nghĩ Sao? Ví Như Có Số Cát Trong Một Sông Hằng Và Có Số Sông Hằng Bằng Số Cát Đó, Và Có Số Cát Của Các Sông Hằng Đó, Thế Giới Của Phật Như Thế Có Nhiều Không?
- Rất Nhiều, Bạch Thế Tôn!
Phật Bảo Tu Bồ Đề:
- Chúng Sanh ở Trong Những Quốc Độ Có Ngần Ấy Thứ Tâm, Như Lai Đều Biết. Vì Cớ Sao? Như Lai Nói Các Tâm Đều Chẳng Phải Là Tâm. Vì Sao Như Thế? Tu Bồ Đề! Tâm Quá Khứ Chẳng Thể Được, Tâm Hiện Tại Chẳng Thể Được, Tâm Vị Lai Chẳng Thể Được.
Giải:
Đây dạy tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không sai khác. Ngài Không Sanh nghi Phật có đủ ngũ nhãn nên nói có pháp có thể thấy, và có thế giới, chúng sanh tương xứng. Thế Tôn bảo đủ ngũ nhãn chẳng phải là mắt, mà thấy biết tâm chúng sanh mới gọi là mắt. Lại như hằng sa thế giới vô lượng chúng sanh, với chừng ấy loại tâm, Như Lai đều biết thấy. Vì chúng sanh là chúng sanh trong tự tâm Như Lai, nên chúng sanh hễ động một niệm tức tự tâm Như Lai động. Như thế làm sao chẳng biết chẳng thấy? Lại nghi tâm chúng sanh có sanh diệt, vậy tâm Như Lai cũng sanh diệt sao? Do đó Thế Tôn nói chúng sanh trong đây, tâm vốn tự như như, trọng không sanh diệt, cùng với tâm Như Lai tịch diệt bình đẳng, tuyệt không có tướng sanh tử, đến đi. Tâm, Phật và chúng sanh cả ba không sai khác, nên ba thời cầu tâm trọn không thể được.
Nghi:
Thế Tôn một lần phá chấp, nói không có cõi đất có thể trang nghiêm, không có chúng sanh có thể độ. Và sợ Không Sanh nghe mà suy nghĩ loang quanh, cho rằng nếu bảo chúng sanh và cõi đất đều không, thì bố thí chẳng có phước, cũng chẳng cần tu. Do đó Thế Tôn phá nghi, nói cái phước của không phước rất lớn.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Nếu Có Người Đem Bảy Báu Đầy Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới Dùng Để Bố Thí, Người Này Do Nhân Duyên Này Được Phước Nhiều Chăng?
- Đúng Thế, Bạch Thế Tôn! Người Này Do Nhân Duyên Này, Được Phước Nhiều. Tuy Nhiên Vì Phước Đức Là Không, Như Lai Nói Được Nhiều Phước Đức.
Giải:
Đây dạy cái phước của vô tướng. Không Sanh vì chấp trước bố thí có tướng nên nói thật không có phước đức. Riêng chẳng biết sáu trần “năng thí” vốn không thì phước đức “sở đắc” không có. Do đó Thế Tôn lấy “phước đức không, nên phước đức nhiều” để phá. Chỗ nói là không, chẳng phải tuyệt không, vì tâm lượng như hư không, nên được phước đức càng lớn.
Nghi:
Không Sanh nhân nghe chẳng cho trụ tướng độ sanh và trang nghiêm cõi Phật bèn khởi nghi rằng: Độ sanh và trang nghiêm cõi Phật là cái nhân thành Phật, cảm cái quả của sự trang nghiêm nên vạn đức đầy đủ. Nay lại nói không chúng sanh để độ, không cõi Phật có thể trang nghiêm thì dứt hết không có nhân. Lại nói không Bồ Đề có thể chứng thì không có quả. Nhân quả đều dứt tuyệt thì không có Phật. Nhưng hiện thấy Như Lai đầy đủ sắc tướng thì từ đâu mà có? Nên Phật dùng “Chẳng nên lấy sắc tướng đầy đủ mà thấy Như Lai” để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Phật Có Thể Lấy Thân Sắc Tướng Mà Thấy Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Như Lai Chẳng Nên Dùng Sắc Thân Đầy Đủ Để Thấy. Vì Sao? Như Lai Nói Sắc Thân Đầy Đủ Tức Chẳng Phải Sắc Thân Đầy Đủ, Ấy Gọi Là Sắc Thân Đầy Đủ.
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Như Lai Có Thể Dùng Các Tướng Đầy Đủ Để Thấy Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Như Lai Chẳng Nên Lấy Các Tướng Đầy Đủ Để Thấy. Vì Sao? Như Lai Nói Các Tướng Đầy Đủ Tức Chẳng Phải Đầy Đủ, Ấy Gọi Là Các Tướng Đầy Đủ.
Giải:
Đây là phá cái chấp về sắc tướng của báo thân để hiển bày pháp, báo thân ngầm là một.
* Sắc thân đầy đủ là báo thân Phật vạn đức trang nghiêm. Vì nhiều kiếp độ sanh trang nghiêm cõi Phật cảm thành quả báo này để xứng với nhân vậy. Do đó Như Lai nói sắc thân đầy đủ.
* Vả lại báo thân này vốn là pháp thân, nên nói tức chẳng phải sắc thân đầy đủ.
Đây là phá tướng “được thấy”. Dưới đây phá cái thấy “năng kiến”. Vì báo thân tức pháp thân nên không tướng có thể thấy. Trí và thể như như nên bệnh thấy tiêu mất. Cảnh và trí thầm là một nên pháp thân tự hiển lộ. Phàm nói phải, nói trái đều là lời ngăn chặn sợ rơi vào hang ổ thị phi, nên hai bên ngăn đó, đuổi đó. Vì thế Như Lai nói pháp vốn không thể thuyết, chỉ ngăn ngừa tâm bệnh của chúng sanh khiến chẳng khởi kiến chấp, đuổi trừ tình chấp khiến chẳng trụ trước. Chỉ có như vậy mà thôi, người học nên biết.
Nghi:
Không Sanh nghe nói Phật vốn không tướng có thể thấy bèn nghi: Đã không có tướng thân thì ai đang thuyết pháp đây? Nên Phật lấy “không thể thuyết” để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ông Chớ Nói Như Lai Nghĩ Rằng: Ta Nên Có Chỗ Thuyết Pháp. Chớ Nghĩ Như Thế. Vì Sao? Nếu Có Người Nói Như Lai Có Chỗ Thuyết Pháp Thì Người Đó Hủy Báng Phật, Chẳng Hiểu Chỗ Ta Nói. Tu Bồ Đề! Thuyết Pháp Là Không Pháp Có Thể Thuyết Ấy Gọi Là Thuyết Pháp.
Giải:
Đây phá cái nghi báo thân của Như Lai có thể thuyết pháp. Như Lai ra đời vốn không pháp có thể thuyết, chỉ vì tùy theo tình chấp của chúng sanh mà đánh phá, chỉ một chữ mà thôi. Phàm nói “phi”, nói “không” là cốt dùng lời ngăn che để ngăn chặn vọng tưởng của chúng sanh, chính là ý hộ niệm. Cho nên gọi là thuyết pháp.
Nghi:
Không Sanh đã ngộ lý pháp thân, không nói không dạy, vì pháp này rất sâu, do đó chúng sanh đời sau chẳng biết có thể tin nhận được chăng. Cho nên mới khởi cái nghi này. Dưới sẽ lấy “không chúng sanh” để phá.
Chánh Văn:
Lúc Bấy Giờ Huệ Mạng Tu Bồ Đề Bạch Phật Rằng:
- Thế Tôn! Không Biết Chúng Sanh Ở Đời Vị Lai Khi Nghe Thuyết Pháp Có Sanh Lòng Tin Chăng? Phật Bảo Tu Bồ Đề:
- Đó Chẳng Phải Chúng Sanh, Chẳng Phải Chẳng Chúng Sanh, Sao Vậy? Tu Bồ Đề! Chúng Sanh Chúng Sanh Đó, Như Lai Nói Chẳng Phải Chúng Sanh, Ấy Gọi Là Chúng Sanh.
Giải:
Đây là dạy chúng sanh và pháp nhất như, để phá cái thấy chấp về chúng sanh. Không Sanh đã ngộ pháp thân, đã có thể tin, có thể thọ. Tuy nhiên pháp này rất sâu, chẳng biết ở đời vị lai có thể tin pháp này chăng? Cái thấy sanh diệt của Không Sanh chưa mất, nên Ngài khởi cái thấy chúng sanh đời vị lai. Thế Tôn đáp:
- Vì chúng sanh vốn như như, cùng với pháp bình đẳng, thì sao có tướng vị lai được? Chúng sanh như như, ba thời bình đẳng. Đây thực là cực tắc cứu cánh của Bát Nhã. Sáu câu “Đó chẳng phải chúng sanh v.v…”, nghĩa là:
- Chúng sanh vốn tự như như, nên nói: đó chẳng phải chúng sanh.
- Vì chân như tùy duyên mà thành các việc, nên nói chẳng phải chẳng chúng sanh
- Rồi lại giải thích rằng: chúng sanh tức là chân như tùy duyên, các pháp hòa hợp cùng sanh, nên nói “chúng sanh giả”.
- Vì tạm gọi là chúng sanh, nên Như Lai nói chẳng phải thực là chúng sanh.
- Vì chẳng phải thực có sanh nên gọi là chúng sanh.
Nghi:
Pháp thân không tướng, không pháp có thể được. Tại sao nói tu tất cả pháp lành thì chứng được Bồ Đề? Dưới đây lấy “vô đắc bình đẳng” để phá.
Chánh Văn:
Tu Bồ Đề Bạch Phật Rằng:
- Thế Tôn! Phật Được Vô Thượng Bồ Đề Là Vô Sở Đắc Ư?
Phật Nói:
- Đúng Thế! Đúng Thế! Tu Bồ Đề, Ta Đối Với Vô Thượng Bồ Đề Cho Đến Không Có Pháp Nhỏ Nào Có Thể Được, Nên Gọi Là Vô Thượng Bồ Đề. Lại Nữa, Tu Bồ Đề! Pháp Này Bình Đẳng, Không Có Cao Thấp, Ấy Gọi Là Vô Thượng Bồ Đề. Vì Không Ngã, Không Nhân, Không Chúng Sanh, Không Thọ Giả. Tu Tất Cả Pháp Lành Tức Được Vô Thượng Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Chỗ Nói Là Pháp Lành, Như Lai Nói Tức Chẳng Phải Pháp Lành, Ấy Gọi Là Pháp Lành.
Giải:
Đây là phá cái thấy về Phật Pháp. Không Sanh đã ngộ pháp thân thanh tịnh, không pháp có thể được. Tuy nhiên lại nghi Phật nói tu tất cả phá lành được Bồ Đề là có đắc. Há Bồ Đề của Như Lai thật là không sở đắc ư? Phật nói: Thật không có chỗ đắc vì chúng sanh và Phật bình đẳng, không hai, không khác, tức là Bồ Đề. Như thế mà thôi. Há thực có chỗ chứng đắc ư? Chỗ nói tu pháp lành được Bồ Đề chỉ là do lìa bốn tướng mà tu. Vì tu tức không tu, nên đắc cũng không đắc. Vì không chỗ đắc ấy gọi là pháp lành chân thật.
Nghi:
Pháp lành đã không thì pháp nào là hơn? Dưới đây cho “người đạt Bát Nhã là thù thắng hơn hết”.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Nếu Trong Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới, Có Các Núi Chúa Tu Di, Các Bảy Báu Tụ Nhóm Bằng Như Thế, Có Người Lấy Đem Bố Thí, Và So Với Người Thọ Trì, Đọc Tụng Bốn Câu Kệ Trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Này, Vì Người Khác Nói, Thì Phước Đức Của Người Trước Trăm Phần Chẳng Kịp Một, Trăm Ngàn Vạn ức Phần Cho Đến Toán Số Thí Dụ Đều Không Bì Kịp.
Giải:
Đây là khen ngợi công đức lìa tướng của Bát Nhã là thù thắng bậc nhất. Lại nữa, nếu tu pháp lành chẳng được Bồ Đề, nếu pháp lành chẳng thù thắng, thì lấy pháp gì làm thù thắng? Phật nói: Đại Bát Nhã rất là thù thắng. Trong ba ngàn thế giới có trăm ức núi Tu Di, dùng bảy báu bằng như thế đem bố thí, phước đức tuy nhiều nhưng chẳng bằng phước đức đạt bốn câu Bát Nhã. Vì bố thí ấy chấp tướng, tham cầu lợi ích, còn Bát Nhã lìa tướng nên vượt hơn vô lượng, chẳng có ví dụ nào có thể bì kịp.
Nghi:
Không Sanh nghe nói chúng sanh và Phật bình đẳng, nhưng đã bình đẳng thì không có chúng sanh, sao lại nói Như Lai đang độ chúng sanh, tức là có tướng ngã nhân. Dưới lấy “ngã nhân đều mất” để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Các Ông Chớ Nói Như Lai Nghĩ Như Thế Này: “Ta Nên Độ Chúng Sanh” Tu Bồ Đề! Chớ Nghĩ Như Thế. Vì Cớ Sao? Thật Không Có Chúng Sanh Như Lai Độ. Nếu Có Chúng Sanh Như Lai Độ Thì Như Lai Có Ngã, Nhơn, Chúng Sanh, Thọ Giả, Tu Bồ Đề! Như Lai Nói Có Ngã, Tức Chẳng Phải Có Ngã, Mà Phàm Phu Cho Là Có Ngã. Tu Bồ Đề! Như Lai Nói Phàm Phu Tức Chẳng Phải Phàm Phu Ấy Gọi Là Phàm Phu.
Giải:
Đây phá cái nghi Phật có nhân ngã, hiển bày cái ngã chân thật của Pháp thân. Nói chúng sanh và Phật bình đẳng, đã bình đẳng thì không Phật và không chúng sanh. Sao lại nói ta đang độ chúng sanh? Chúng sanh là nhân, ta độ chúng sanh thì có ngã vậy. Nhân, ngã rõ ràng thì bốn tướng chẳng mất. Đây chính trong tông môn nói: “Đến được bên pháp thân nhưng chưa thấu được pháp thân hướng thượng”. Nên Thế Tôn dùng lời khiển trừ đó. Chớ nói Như Lai cho rằng: “Ta có niệm độ sanh”. Vì ta có niệm này tức là phàm phu. Nhưng Như Lai nói phàm phu còn chẳng phải là phàm phu, há Như Lai còn giữ ngã kiến ư? Đây là thánh phàm đều hết, một đường bằng phẳng, huyền chỉ Bát Nhã tới đây là cùng cực.
Nghi:
Pháp thân đã không có ngã, báo thân chẳng thể dùng tướng thấy, vậy 32 tướng há chẳng phải Phật ư?
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Ý Ông Nghĩ Sao? Có Thể Dùng 32 Tướng Thấy Như Lai Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Đúng Thế! Đúng Thế! Dùng 32 Tướng Thấy Như Lai.
Phật Nói:
- Tu Bồ Đề! Nếu Lấy Tướng Thấy Như Lai Thì Chuyển Luân Thánh Vương Là Như Lai.
Tu Bồ Đề Bạch Phật Rằng:
- Thế Tôn! Như Con Hiểu Nghĩa Phật Nói, Chẳng Nên Dùng 32 Tướng Thấy Như Lai.
Lúc Đó Thế Tôn Thuyết Kệ Rằng:
Nếu Lấy Sắc Thấy Ta
Lấy Âm Thanh Cầu Ta
Người Nào Hành Đạo Tà
Chẳng Thể Thấy Như Lai.
Giải:
Đây là dạy ứng hóa thân chẳng phải là chân thật, để hiển bày pháp thân lìa tướng. Không Sanh đã ngộ Pháp thân vô ngã, báo thân vô tướng, đó là chân Phật. Bèn nghi hiện thấy 32 tướng là Phật nào? Là có cái thấy về Phật. Thế Tôn gạn hỏi: Quả có thể lấy 32 tướng thấy Như Lai sao? Không Sanh chấp 32 tướng nhất định là Phật. Thế Tôn lấy Chuyển Luân Thánh Vương để phá, lúc đó Không Sanh bèn ngộ rằng chẳng thể dùng 32 tướng mà thấy Như Lai. Thế Tôn liền dạy bài kệ lìa tướng:
Nếu lấy sắc thấy Ta
Lấy âm thanh cầu Ta
Người này hành đạo tà
Chẳng thể thấy Như Lai.
Nghi
Không Sanh nghe nói Pháp thân và báo thân không tướng, ứng hóa thân chẳng phải chân, nên khởi cái thấy Pháp thân đoạn diệt, vì chẳng đạt chân ngã của Pháp thân, nên Phật lấy “không đoạn diệt” để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Ông Nếu Nghĩ Như Vầy: Như Lai Chẳng Do Tướng Đầy Đủ Mà Được Vô Thượng Bồ Đề. Tu Bồ Đề, Chớ Nghĩ Rằng Như Lai Chẳng Do Tướng Mà Được Vô Thượng Bồ Đề. Tu Bồ Đề! Nếu Ông Nghĩ Người Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề Nói Các Pháp Đoạn Diệt, Chớ Nghĩ Như Thế. Vì Sao? Người Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề Đối Với Pháp Chẳng Nói Tướng Đoạn Diệt. Tu Bồ Đề, Nếu Bồ Tát Lấy Bảy Báu Trong Thế Giới Bằng Số Cát Sông Hằng Đem Bố Thí, Và Nếu Lại Có Người Biết Tất Cả Pháp Vô Ngã, Được Thành Tựu Vô Sanh Pháp Nhẫn Thì Bồ Tát Này Hơn Công Đức Đã Được Của Bồ Tát Trước. Vì Sao? Tu Bồ Đề, Vì Các Bồ Tát Chẳng Thọ Phước Đức.
Tu Bồ Đề Bạch Phật Rằng:
- Bạch Thế Tôn! Vì Sao Bồ Tát Chẳng Thọ Phước Đức.
- Tu Bồ Đề, Bồ Tát Tạo Phước Đức Chẳng Nên Tham Đắm. Thế Nên Nói Chẳng Thọ Phước Đức.
Giải:
Đây là phá cái thấy đoạn diệt. Không Sanh nghe nói nên lìa tướng mà thấy Phật bèn khởi cái thấy đoạn diệt và nói Như Lai chẳng do tướng đầy đủ mà đắc Bồ Đề. Phật dạy rằng: Chớ có nghĩ thế. Nếu nghĩ như thế tức là nói các pháp đoạn diệt. Nhưng người phát tâm Bồ Đề đối với pháp chẳng nói tướng đoạn diệt, chỉ nói các pháp vô ngã mà thôi. Nếu lại có người biết tất cả pháp vô ngã được thành tựu vô sanh pháp nhẫn, thì Bồ Tát này công đức vượt hẳn công đức bố thí bảy báu đầy khắp các cõi nước như số cát sông Hằng, vì chẳng thọ phước đức. Nói chẳng thọ phước đức chẳng phải là không hẳn, chỉ là không tham đắm phước đức mà thôi. Nói không làm, không tạo, không thọ mà thực sự nghiệp thiện ác chẳng mất. Thế Tôn ra đời nói pháp 49 năm, chỉ nói một chữ “không” mà thôi. Vì chúng sanh trong chín cõi đều chấp tất cả pháp có ngã, Như Lai chỉ nói chữ “không” để phá. Đây là chánh nhãn kim cang, quán thẳng một đường hướng thượng. Cho nên “truyền riêng chỉ thẳng” của tông môn chỉ từ chỗ này mà vào.
Nghi:
Đã nói vô ngã, không nhận phước đức, mà hiện thấy Như Lai đi, đứng, nằm, ngồi, há chẳng phải là cái Ngã của Như Lai ư? Đây là cái thấy ba thân là một, hay là khác vẫn chưa mất nên chưa ngộ pháp thân bình đẳng vậy.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Nếu Có Người Nói Như Lai Hoặc Đến Hoặc Đi Hoặc Ngồi Hoặc Nằm, Người Này Chẳng Hiểu Nghĩa Ta Nói. Vì Sao? Vì Như Lai Là Không Từ Đâu Đến, Cũng Không Đi Về Đâu, Nên Gọi Là Như Lai.
Giải:
Đây là hội về mé chân thật của pháp thân. Không Sanh thấy oai nghi động tĩnh, cho đó là Như Lai. Đây là đặc biệt thấy có đến, đi. Như Lai há có đến đi ư? Đến đây chấp hết tình quên, động tĩnh chẳng hai, thật tế như như, đến đó là cực diệu. Nếu cái thấy một và khác chưa mất thì nghĩa “ba thân một thể” chưa khế hợp. Nên dưới đây lấy thế giới vi trần để phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Nếu Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Lấy Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới Nghiền Nát Thành Bụi, Ý Ông Nghĩ Sao? Những Hạt Bụi Này Có Nhiều Chăng?
Tu Bồ Đề Thưa:
- Rất Nhiều, Thưa Thế Tôn! Vì Sao Vì Nếu Những Hạt Bụi Này Thực Có, Phật Ắt Chẳng Nói Là Những Hạt Bụi. Vì Sao? Phật Nói Những Hạt Bụi Tức Chẳng Phải Những Hạt Bụi, Đó Gọi Là Những Hạt Bụi. Thế Nên Như Lai Nói Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới Tức Chẳng Phải Thế Giới Ấy Gọi Là Thế Giới. Vì Sao? Nếu Thế Giới Thực Có. Tức Là Một Hợp Tướng. Như Lai Nói Một Hợp Tướng Tức Chẳng Phải Một Hợp Tướng ấy Gọi Là Một Hợp Tướng. Tu Bồ Đề, Một Hợp Tướng Tức Chẳng Thể Nói, Chỉ Vì Phàm Phu Tham Đắm Việc Này.
Giải:
Đây là phá cái thấy một và khác. Không Sanh chưa khế hợp ba thân một thể, nên Thế Tôn lấy vi trần thế giới chẳng phải một, chẳng phải khác để chỉ dạy. Nói hạt bụi thì chẳng phải một, thế giới tức chẳng phải khác. Hạt bụi mà nhóm lại thì thành thế giới, tức khác mà chẳng khác. Thế giới tan ra thì thành hạt bụi, tức một mà chẳng phải một. Do đây mà quán thì tướng một và khác trọn chẳng thể được. Vì chẳng thể được nên chẳng thực có. Nếu thực có tướng một và khác, tức là một hợp tướng. Nhất hợp là cái thấy một bên, vì hợp với một thì chẳng phải khác, hợp với khác tức chẳng thể là một. Nếu hạt bụi thật có, tức chẳng thể nhóm tụ mà làm thế giới. Nếu thế giới thực có thù chẳng thể tán ra mà làm hạt bụi. Người ngu cho đây là một hợp tướng. Như Lai nói: Một hợp tướng thì chẳng đúng, vì lìa hai bên nên gọi là một hợp. Hai bên đã lìa tức là chẳng thể nói. Phàm phu không thể xa lìa hai bên có không, một khác, tham đắm việc này, nên chẳng thể đạt ba thân một thể và lý pháp thân bình đẳng vậy.
Nghi:
Pháp thân đã bình đẳng thì tất cả đều không, tức không thể thấy. Tại sao Phật lại nói có cái thấy về bốn tướng? Nên dưới lại phá.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề, Nếu Người Nói Phật Nói Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến. Tu Bồ Đề, Ý Ông Nghĩ Sao? Người Này Hiểu Nghĩa Ta Nói Chăng?
- Thưa Không, Bạch Thế Tôn! Người Này Chẳng Hiểu Nghĩa Như Lai Nói. Vì Sao? Thế Tôn Nói Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến Tức Là “Không” (Vì Cốt Đuổi Trừ Cái Kiến Của Chúng Sanh) Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến Ấy Gọi Là Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến. Tu Bồ Đề, Người Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề Đối Với Tất Cả Pháp Nên Biết Như Thế, Chẳng Sanh Pháp Tướng, Tu Bồ Đề, Như Lai Nói Pháp Tướng Chẳng Phải Là Pháp Tướng, Đó Gọi Là Pháp Tướng.
Giải:
Đây phá cái chấp có cái thấy lìa tướng. Không Sanh đã ngộ lý pháp thân bình đẳng như như, bèn nghi thể của pháp thân đã không thể dùng tướng thấy, vì sao Thế Tôn lại nói lìa cái thấy bốn tướng. Phật sợ Không Sanh thầm ôm mối nghi này nên gạn hỏi rằng: Giả như có người bảo Thế Tôn nói có kiến chấp bốn tướng, ông nói người hiểu ý ta chăng? Không Sanh bèn ngộ ý Phật, đáp rằng: Người này chẳng hiểu nghĩa Như Lai nói. Vì sao? Vì Thế Tôn nói có cái thấy bốn tướng chẳng phải là thực có tướng thấy có thể chỉ ra, mà chỉ vì muốn đuổi trừ tình chấp của người thấy có tướng nên nói “không”. Chữ “không” này cùng với những chữ “không” khác chẳng đồng. Những chữ trước nói không đều là nghĩa chẳng phải. Còn chữ không này là lời dẹp dứt. Nghĩa là đuổi trừ cái thấy tướng trong tâm chúng sanh. Chẳng phải Phật nói có cái thấy tướng này mà chính là cái thấy tướng của chúng sanh. Nên nói “đó gọi là”. Hai chữ “thị danh” tức “gọi là” này cũng cùng với những cái nói trước chẳng đồng, cần phải xem kỹ. Bởi vì tất cả chúng sanh mê lầm điên đảo trong cái thấy về tướng. Chỗ chấp bền chặt khó phá nên Phật phải dùng tâm trí Kim Cang để đuổi phá, khiến cho thấy được bổn trí pháp thân chơn thể. Ban đầu chấp thấy có thân tâm năm ấm và tướng sáu trần, nên dính mắc nơi tướng, hành bố thí để cầu phước đức của Phật. Thế Tôn lấy vô trụ để phá. Kế đó là chấp có tướng Bồ Đề, Phật lấy “vô sở đắc” để phá. Sau là chấp bố thí có tướng để trang nghiêm cõi Phật, Phật lấy “không cõi nước có thể trang nghiêm” để phá. Rồi lại chấp tướng phước đức để cảm tướng quả báo, Phật lấy “không sắc thân đầy đủ” để phá. Kế chấp Như Lai nhất định có tướng ba thân, Phật lấy “ứng hóa chẳng phải thật”, “báo thân lìa tướng” để phá. Rồi chấp nhất định có tướng pháp thân. Phật lấy, “pháp thân chẳng phải tướng” để phá. Xong chấp pháp thân nhất định có tướng ngã thật, Phật lấy “tất cả vô ngã” để phá. Cuối cùng chấp Như Lai nhất định có tướng ba thân, Phật lấy “chẳng phải một, chẳng phải khác” để phá. Lớp lớp đuổi phá, tất cả tướng đều không, các tướng tiêu mất. Lúc đó một tâm không nương gá, lý cực tình quên, chỉ thẳng mé thật của pháp thân. Vì cái tướng hư vọng của sở kiến đã không thì cái thấy hư vọng của năng kiến cũng mất. Đây là cực tắc của cứu cánh Bát Nhã chân thật. Thấu thẳng một đường pháp thân hướng thượng. Do đó Phật răn chắc rằng: Người phát tâm Bồ Đề đối với tất cả pháp nên biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng. Đến đây mới thật biết, thật thấy, thật tin, thật hiểu thì mãi mãi chẳng khởi tri kiến về pháp tướng. Đến đây nhân pháp đều quên, thánh phàm đều mất, đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt. Dấy tâm tức lầm, động niệm tức trái. Do đó lại dẹp trừ và nói: Chỗ nói pháp tướng cũng chẳng phải là pháp tướng mới là pháp tướng chân thật, chẳng phải cái thấy hư vọng có thể sánh được. Huyền chỉ của Bát Nhã cực diệu ở đó.
Nghi:
Không Sanh đã ngộ toàn thể pháp thân, lại nghi pháp thân chẳng biết thuyết pháp, người thuyết pháp là hóa thân. Pháp do hóa thân thuyết chẳng thể đạt cảnh giới pháp thân thì làm sao trì pháp này được phước đức? Dưới cho rằng “chỗ thuyết của hóa thân tức là pháp thân chân thật”, vì ba thân mà một thể.
Chánh Văn:
- Tu Bồ Đề! Nếu Có Người Lấy Bảy Báu Đầy Khắp Vô Lượng A Tăng Kỳ Thế Giới Đem Bố Thí Và Nếu Có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn Phát Tâm Bồ Đề Trì Kinh Này Cho Đến Bốn Câu Kệ v.v… Thọ Trì Đọc Tụng, Vì Người Khác Diễn Nói Thì Phước Đức Này Hơn Phước Đức Của Người Kia. Vì Sao? Người Vì Người Khác Diễn Nói Thì Chẳng Chấp Giữ Tướng, Như Như Bất Động.
Giải:
Đây dạy hóa thân Phật thuyết pháp như như. Không Sanh nghi hóa thân Phật nói chẳng đến được cảnh giới pháp thân thì làm sao được phước. Phật nói: Hóa thân thuyết tức pháp thân thuyết, vì ba thân chẳng khác. Tức người ở nơi pháp này có thể thọ trì đọc tụng bốn câu, vì người khác diễn nói thì phước này hơn hết, bởi lẽ chẳng chấp giữ nơi tướng, như như bất động. Đến đây hạt bụi thuyết, cõi nước thuyết, mạnh mẽ thuyết vậy.
Nghi:
Pháp thân vắng lặng, tại sao có thể thuyết. Dưới dạy chánh quán, dùng Bát Nhã không tịch, từ “giả quán” để vào. Từ “giả” vào “không” nên gọi chân không, vì giả tức chân vậy.
Chánh Văn:
- Vì Sao?
Tất Cả Pháp Hữu Vi
Như Mộng Huyễn Bọt Bóng
Như Sương Cũng Như Điện
Nên Quán Như Thế ấy.
Giải:
Đây là diệu quán nhập vào Chân Không Bát Nhã, vì chân không tịch mịch, mượn giả mà quán. Nếu theo sáu thí dụ mà quán thành thì chân không tự hiện. Một lần lý và thể đều hiển. Đây chính là dạy pháp quán. Người tu hành nên từ đây mà vào, cảnh giới chân thật của pháp thân ở đây thật cùng cực.
Chánh Văn:
Phật Thuyết Kinh Này Xong, Trưởng Lão Tu Bồ Đề Và Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ, Cả Thế Gian, Trời, Người A Tu La Nghe Phật Thuyết Pháp Đều Rất Hoan Hỷ Tin Nhận Vâng Làm.
Giải:
Đây là quy tắc thông thường để kết thúc kinh. Phàm người nghe hoan hỷ tất diệu khế nơi tâm, khế hợp được thì thật tin, tha thiết nhận và vâng làm chẳng dối.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.50.124 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.