Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Thứ Mười Lăm: Cứ Đà Thí Thân
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ, tại núi Kỳ Xà Quật.
Đức Thế Tôn khi đó bị cảm chứng phong, các đệ tử đi triệu ông Kỳ Vực Y Vương vào điều trị, ông hòa ba mươi hai vị dược tô dâng lên và bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Thời khí năm nay bất hòa, biến nhiều thứ bệnh lạ, con thành kính luyện thứ thuốc này, cúi xin mỗi ngày dùng ba mươi hai lạng.
Đức Thế Tôn hoan hỷ nạp thụ và chú nguyện cho ông.
Thuở đó ông Đề Bà Đạt Đa thường đem lòng ghen ghét với Phật, tự cao tự đại, ý muốn ngang hàng với Phật, nghe biết Phật uống dược tô cũng gọi ông Kỳ Vực luyện thuốc cho uống.
Khi ông luyện xong dâng Ngài và thưa rằng:
- Thưa Ngài! Thuốc này mạnh lắm, mỗi ngày chỉ dùng được bốn lạng!
Ông Đề Bà Đạt Đa hỏi: - Phật uống ngày mấy lạng?
- Thưa Ngài! Phật uống mỗi ngày ba mươi hai lạng!
Ông Đề Bà Đạt Đa hỏi:
- Vì lẽ gì Phật uống nổi ba mươi hai lạng mỗi ngày? Ta chỉ uống được bốn lạng thôi?
- Thưa Ngài! Phật khác! Ngài khác! Nếu Ngài uống như Phật, tất bị tổn thương đến thân thể!
- Ta uống cũng có đủ lực tiêu hóa, thân ta, thân Phật khác chi, để ta uống coi, có hiệu lực như Phật không!
- Thưa Ngài! Việc đó xin tùy ý, nhưng xảy ra chúng tôi không chịu trách nhiệm!
- Dĩ nhiên! Ông khỏi lo.
Ông Đề Bà Đạt Đa cân đủ ba mươi hai lạng uống luôn một lúc, uống xong ông ngã quay lơ, sùi bọt mép như đống xà bông, vật giường trên, lăn xuống giường dưới, kêu lên rầm rĩ.
Đức Thế Tôn thương ông đau đớn, nên Ngài từ xa duỗi cánh tay vàng, bằng lực thần thông tới xoa đầu cho ông, thuốc ấy nhờ sức từ bi được tiêu hóa, bệnh hoạn tan không, thân tâm an lạc! Nhìn lên thấy tay Phật, ông tự nói rằng:
- Tất Đạt có nhiều phép lạ, với đời vô dụng, giờ lại học nghề thuốc đều cầu danh lợi.
Tôi (A Nan) nghe thấy ông thốt ra lời vô nhân nghĩa quá nên quỳ xuống bạch Phật:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Ông Đề Bà Đạt Đa vô ân bất nghĩa quá! Ngài cứu cho khỏi, không cảm ơn thì thôi, lai thốt ra những lời tệ bạc, sao lại có những lòng dạ như vậy? Luôn luôn chỉ một niềm ghen ghét với Thế Tôn?
Phật bảo tôi rằng:
- A Nan! Đề Bà Đạt Đa, chẳng những ngày nay mang lòng nham hiểm hại ta đâu, đời quá khứ đã dùng mưu này kế khác hại ta.
Tôi lại thưa rằng: - Kính lạy Ngài, không hay đời quá khứ ông ấy làm hại thế nào, cúi xin chỉ giáo cho chúng con được rõ?
Phật dạy: - Ông hãy nghe kỹ, tôi vì ông mà nói!
- Dạ! Con xin đón nghe.
Phật dạy: - A Nan! Ông nên biết, đời quá khứ cách đã rất lâu kiếp A Tăng Kỳ tới số không thể tính xuể, cũng ở Châu Diêm Phù Đề này, có một nước lớn tên là Ba La Nại, ông vua nước ấy tên là Phạm Ma Đạt tính nết hung tàn không có từ tâm, lại ham mê sắc dục làm tổn thương cho muôn loài, nọc độc nằm chặt trong đáy lòng.
Một hôm ông nằm mộng thấy con thú lông vàng, trên những đầu lông tía ánh sáng sắc vàng tỏa ra hai bên tả hữu. Khi tỉnh giấc ông tự nghĩ con thú ta vừa mộng thấy trên đời này ắt phải có. Nghĩ rồi cho triệu tập các người đi săn lại phán rằng:
- Các khanh! Hôm nay mời các khanh vào đây, muốn nói một câu chuyện trong mộng của ta cho các khanh rõ: Đêm qua vào lúc canh ba đương ngon giấc, ta thấy một con thú, lông trên mình toàn sắc vàng, trên những đầu lông phóng ra những tia sáng, ta chắc rằng trên rừng cũng có loài thú như vậy các khanh tìm bắt lấy nó, rồi lột lấy da cho ta, ta sẽ trọng thưởng cho con cháu các khanh bảy đời được đầy đủ vật dụng ăn uống, nếu không để tâm tìm bắt cho ta, ta sẽ tiêu diệt hết họ hàng nhà các khanh.
Các người sợ toát mồ hôi! Nhưng không biết trình bày làm sao! Đều lạy tạ lui ra.
Trở về họ hội họp lại một nơi để giải quyết công việc nhà vua vừa giao phó như sau:
- Thưa các bạn, việc này rất khó cho bọn mình: Nhận thấy từ thuở biết cầm cái súng đi săn đến nay, tôi chưa từng nhìn thấy con thú như nhà vua nằm mộng! Nếu bọn ta không bắt được con thú lông vàng, họ hàng chúng ta sẽ bị hạ sát dưới tay cường quyền áp bức của nhà vua. Chi bằng tụi mình đưa vợ con trốn sang nước ngoài làm ăn cho thoát!
Một thanh niên tiếp rằng:
- Thưa quý bạn! Nhận thấy trong núi này độc trùng ác thú rất nhiều, đường sá nguy hiểm, có ngày đi không hẹn ngày về, ngụ ý của tôi chỉ mượn người hộ là hơn!
Mọi người đều tán thành! Sau mượn được một người đến, họ sẽ làm lời cam đoan rằng: - Anh hãy tận tâm vào rừng săn hộ tôi con thú lông vàng, trên đầu lông có ánh sáng, nếu anh được tốt lành trở về, chúng tôi sẽ trọng thưởng cho anh một số vàng bạc; nếu anh bị hại nơi rừng xanh, chúng tôi sẽ đem số vàng bạc đó cho vợ con anh ăn dùng.
Người ấy tự nghĩ như vầy: - Ta vì sự cứu người, dầu mất mạng cũng cam lòng.
Nghĩ xong nói: - Thưa quý bạn, tôi xin bảo lãnh việc đó giúp quý bạn và tôi nguyện rằng nếu được thành công mới trở về.
Họ đều vui mừng! Sắm sửa lương thực tiền bạc để anh đi ăn đường.
Khi bắt đầu ra đi, mọi người đều chúc anh được mọi sự tốt lành trở về, anh từ giã ra đi, đi lâu ngày trải bao những sự gian hiểm, lương thực gần hết, bị đói khát, thân thể gầy còm, sức lực mỏi mệt, qua bãi sa mạc trời nắng làm cho bãi cát như rang, như nấu, khí nóng bức lên ngùn ngụt, mồm khát, cổ khô, chỉ còn chờ tắt hơi là qua đời. Đương lúc cùng cực đau khổ, thốt ra lời nói:
- Ai là người có lòng từ bi, thương đến tôi, cứu được thân mạng tôi giờ?
Trong núi ấy có loài dã thú tên là Cứ Đà, lông vàng vì trên đầu lông có ánh sáng, nó nghe thấy đằng xa có tiếng người kêu cứu; động lòng thương dấn thân đi tìm qua những dòng suối nước lạnh, tới nơi thấy một người nằm phơi trên mặt đất hình như sắp chết, nó ủ ấp bằng thân của nó, hồi lâu tỉnh táo, nó bế tới một khe nước, tắm gội cho mát, rồi đi lấy các thứ quả ngon về cho ăn, ăn xong thân thể được khỏe mạnh.
Người đó khi tỉnh dậy tự nghĩ như vầy:
- Con thú lông vàng này! Chính ta đương đi săn bắt nó đem nộp cho nhà vua, song lúc ta gặp cơn nguy biến, được nó cứu thoát, ơn ấy ta chưa đền đáp nỡ đâu lại còn hại nó. Nhưng nếu không bắt nó nộp cho nhà vua thì tất cả nhà những người đi săn kia đều bị giết chết.
Nghĩ thế rồi trong lòng rầu rĩ khó giải quyết.
Cứ Đà hỏi: - Tại sao anh không vui?
Anh rơi lệ đáp: - Tôi đương nghĩ một việc riêng!
Cứ Đà hỏi tiếp: - Việc gì xin nói cho tôi rõ!
- Việc này khó giải quyết và cũng không dám nói.
Cứ Đà hỏi luôn: - Anh hãy nói ra, nếu tôi có thể giúp được thì tôi xin giúp.
Anh chàng này ngẫm nghĩ hồi lâu rồi thực tình nói mục đích bắt thú lông vàng cho Cứ Đà nghe.
Cứ Đà hoan hỷ nói: - Việc không khó, da của tôi có thể đem biếu anh được! Anh nên biết rằng: Nếu cứ tính cái thân chết của tôi từ quá khứ tới nay, vô lượng vô số, không thể đếm được. Nhưng xét rằng những thân ấy chưa từng làm được việt gì hữu ích, hôm nay tôi được đem cái da vàng mạng sống của tôi để cứu người thì còn gì vui thú hơn. Vậy anh cứ việc lột lấy, tôi vui lòng nhưng chớ làm tuyệt mạng tôi vội, với sự cho anh đây tôi rất hoan hỷ, không hối hận chút nào!
Anh chàng đi săn nghe Cứ Đà nói trong lòng vẫn băn khoăn hối hận bất đắc dĩ phải rút dao lột da của Cừ Đà.
Đầu tiên anh đặt dao vào mũi, rạch mạnh, máu tươi chảy ra như rót rồi kéo qua đầu xuống tận đuôi, bắt tay vào kép xả ra hai bên.
Nhìn Cứ Đà vẫn thản nhiên không hề dãy dụa, rồi nguyện rằng: - Tôi thành thực hy sinh da tôi để cứu sống mọi người, nguyện đem công đức này, hướng về tất cả chúng sinh, qua thoát khỏi biển khổ sinh tử luân hồi về nơi Niết Bàn an lạc.
Lời của Cứ Đà phát nguyện vừa xong, ba ngàn thế giới tự nhiên chấn động sáu lần, các cung điện cõi Trời nghiêng ngửa, những Thiên Tử đều kinh ngạc! Ngó nhìn xem chuyện chi, thấy Bồ Tát lột da bố thí cứu sinh, họ bay xuống tận nơi, tung hoa cúng dàng ai nấy đều sa nước mắt.
Lột da xong, thân thể Cứ Đà đỏ như gấc chín, huyết chảy lênh láng, nhìn rất rùng rợn không dám ngó lâu, ruồi kiến bâu xúm xít đầy mình, rỉa thịt uống huyết. Đau quá! Định trở mình, nhưng sợ tổn thương loài ruồi kiến, đành phải nhẫn khổ không dám động đậy.
Những loài ruồi kiến ấy nhân được ăn thịt của Bồ Tát sau khi mệnh chết được sinh Thiên.
Người được da mang về dâng vua, nhà vua rất hài lòng, khen ngợi kẻ đã tử công phu vì ta; ban thưởng cho tước lộc ngôi cao, vàng bạc rất nhiều.
Nhà vua dùng nó để trải nằm, khi nằm cảm thấy tâm an vui khoái lạc.
Tới đây đức Phật nhắc lại cho tôi biết rằng:
- A Nan! Ông nên biết: Cứ Đà có phải ai đâu? Chính tiền thân của ta đấy, vua Phạm Ma Đạt nay là ông Đề Bà Đạt Đa, những ruồi kiến ăn thịt uống huyết của Cứ Đà thuở đó, khi ta mới thành Phật chuyển Pháp Luân đều được đắc đạo sinh lên các cõi Trời, ông Đề Bà Đạt Đa thời đó làm tổn thương tánh mạng ta cho đến ngày nay không có một chút thiện tâm gì đối với ta, suốt ngày chỉ muốn tìm cách để hại ta thôi!
Lúc đó tôi và tất cả đại chúng, nghe Phật nói thế, ai nấy cũng buồn và cảm động! Nhiều người thấy vậy gắng công cầu phép yếu, nên có người được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm cho đến quả A La Hán, cũng có người gây nhân Bích Chi Phật, cũng có người phát tâm Vô Thượng Đạo; có người trụ ngôi bất thoái, ai nấy đều vui vẻ kính tin phụng hành tạ lễ mà lui. Phẩm Ba Mươi Hai: Tỷ Khưu Ni Vi Diệu
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại tinh xá Kỳ Hoàn, sau khi vua Ba Tư Nặc đã băng hà, Thái Tử Lưu Ly chấp chính, bạo ngược tham tàn, thả voi đạp chết nhân dân vô kể.
Bấy giờ các con gái trong nhà quý phái, thấy thế chán đời, rủ nhau đi xuất gia tu đạo để cầu giải tháot rất đông.
Nhân dân họ thấy các cô hoặc họ Thích, hoặc các nhà Hầu Tước, là những dòng họ tôn sang bỏ sự vinh hoa sung sướng, xuất gia tu đạo, cả thảy năm trăm người, nên họ rất tôn kính, tranh nhau cúng dàng.
Một hôm các cô ấy bàn nhau như vầy:
- Chúng ta tuy được xuất gia, mang danh là Tỷ Khưu Ni, song đối với Phật Pháp chưa hiểu biết gì; chưa được uống Pháp Dược, để tiêu những tập chướng Dâm, Nộ, Si từ đời vô thuỷ. Bây giờ phải đến bà Thâu Lan Nan Đà Tỷ Khưu Ni xin học hỏi, và để bà truyền pháp Bát kính cho. Các cô cùng nhau đến làm lễ và thưa rằng:
- Kính thưa bà, chúng con không biết có phúc duyên gì, được hạnh phùng Tam Bảo xuất gia tu đạo, làm Tỷ Khưu Ni, song đối với giáo lý cao siêu của đức Phật chưa hiểu biết gì, hôm nay chúng con cả thảy năm trăm người, đến đây cầu xin bà từ bi thí Pháp Nhũ, cho chúng con được ân triêm công đức!
Bà Thâu Lan Nan Đà nói:
- Các cô sinh trưởng nơi tôn sang, tôn vinh phú quý, vinh hoa thiếu chi, đương tầm tuổi trẻ, xuất gia học đạo làm gì cho khổ một đời tươi trẻ! Thôi đem áo bát cho tôi, trở về lấy chồng, hưởng cuộc đời êm ấm nơi khuê các, cho khoái lạc, tội chi làm Tỷ Khưu Ni ở nơi chốn chùa chiền khô quạnh, chôn dìm cuộc đời như đống tro tàn lạnh lẽo!
Các cô nghe bà nói xong, lòng dạ hoang mang, sa nước mắt tạ lễ lui ra. Trong khi đi bảo nhau rằng:
- Chúng ta muốn thoát khỏi con đường tình ái, ngu si, mê muội của thế gian, đến đây bà đã không khuyên bảo lũ ta được gì, lại đem những lời lẽ lôi kéo chúng ta vào nơi hang hầm miệng sói, trụy lạc đời đời. Vậy chị em ta đến bà Tỷ Khưu Ni Vi Diệu, cầu bà tế độ.
Năm trăm cô đến chỗ bà Tỷ Khưu Ni Vi Diệu, cúi đầu lễ sát đất thưa rằng:
- Kính thưa bà, chúng con ở tại tập tục mê muội, tuy đã đi xuất gia, nhưng tâm ý vẫn còn tham ái, lòng dục vẫn thường phát khởi như lửa đốt, không cách gì ngăn cản nổi, xin bà thuyết pháp để giải thoát cái tội căn ấy cho lũ chúng con!
Bà Tỷ Khưu Ni Vi Diệu đáp rằng:
- Trong ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai, các cô muốn hỏi gì?
- Dạ! Kính thưa bà, đời quá khứ, và đời vị lai, còn viễn vọng, chúng con không dám hỏi, xin hỏi bà: Cái tội thắt chặt của sự dâm dục đời hiện tại, nó xấu hay tốt, nó hay hay nó dở, có kết quả gì cho mình không? Có lợi ích hay không có lợi cho tương lai, xin bà giải thích!
- Các cô muốn biết rõ hãy để ý nghe!
- Dạ chúng con xin chú ý nghe!
- Các cô nên biết! Tất cả trời người, cho đến vạn vật có hình thức trên vũ trụ này, loài nào cũng do nghiệp ái dục mà sinh ra; Dâm dục ví một dám lửa cháy dữ dội nó có thể đốt tiêu hủy núi rừng, cây, cỏ, gỗ, đá cho đến vũ trụ bao la, kẻ mắc phải dâm dục, cũng như bị giặc vào phá nhà; kẻ đó sẽ đọa xuống tam đồ ác đạo, không có kỳ hẹn được ra.
Những ai luyến gia nghiệp, đó là tham sự sum họp ân yêu vui vầy! Vì nhân duyên ấy nên sanh già bệnh chết, biệt ly, huyễn quan xúc não! Đương yêu nhau bị ly biệt, thương tiếc khóc than! Luyến ái tổn hại đến tâm can ngất đi sống lại, tâm ý trói buộc như lao ngục. Tôi vốn là một con nhà dòng Phạm Chí, cha tôi là một người được tôn quý nhất trong nước. Buổi đó ông Trưởng giả dòng Phạm Chí, có người con trai xinh đẹp trí óc thông minh. Thấy ta xinh đẹp lại dòng quý phái, nên ông nói với cha mẹ ta, cưới ta về cho con trai ông. Sau khi đã thành gia thất, vợ chồng ăn ở với nhau được một đứa con trai, đã lâu ngày xa cha cách mẹ, lòng nhớ mong không tả xiết? Giữa lúc ta đang có mang, sợ sinh tử vô thường nên ta, xin phép chồng về nhà thăm cha mẹ; chồng ta ưng thuận cho đi. Buổi sáng ấy, hai vợ chồng ẵm con và mang đồ hành lý ra đi, đi chừng được nữa đường trời vừa sẩm tối, vợ chồng nằm nghỉ dưới gốc cây to, không may lúc canh khuya ta đau bụng sinh, huyết chảy ra lênh láng, các loài rắn độc, thấy mùi tanh tìm lại, cắn chết chồng ta! Đương lúc ngủ say! Ta gọi mãi không thấy trả lời. Trời vừa tảng sáng, cầm tay kéo dậy, thấy lạnh buốt ngay đờ như cục gỗ, không còn tri giác, xem kỹ biết rằng rắn cắn, thương quá! Tời ơi! Khổ chi đến nỗi thế này! Khi đó hồn phách ta không biết bay đâu? Ngất đi mê mết! Thằng nhỏ ngồi bên vừa gọi vừa khóc! Dần dần tỉnh dậy. Rồi ta cõng thằng nhỏ trên vai, tay ẵm đứa con mới nở, vừa đi vừa khóc! Qua quãng đường vắng, tới một con sông lớn, nước không sâu lắm, không có thuyền qua, ta phải để thằng nhỏ trên bờ, ẵm đứa bé bơi qua sông, sang tới bờ đễ đứa bé bên này, lại ngồi sang đón thằng nhỏ, không may, thằng nhỏ té xuống sông lúc nào mất, ta lại bơi sang bờ sông bên này, thì đứa bé mới sinh đã bị hổ tha, chỉ thấy những giọt máu chảy ròng ròng trên mặt đất, ta buồn khổ quá! Chết ngất đi hồi mới tỉnh lại. Thơ thẩn một mình bước trên đường đi, vừa được vài dặm, gặp một người bạn thân của cha ta, ông hỏi rằng:
- Con đi đâu về? Sao bác coi con nhem nhuốc tiều tụy như vậy?
- Thưa bác! Hôm qua vợ chồng nhà con ẵm cháu về thăm cha mẹ, đêm qua không may chồng con bị rắn cắn chết, sáng hôm nay mất hai đứa cháu: Một đứa lăn xuống sông, một đứa bị hổ tha, thực là đau khổ cho con quá!
- Ôi thế ư! Hôm qua nhà con bị phát hỏa, cha mẹ con, và cả nhà con đều bị chết hết rồi, còn gì đau khổ hơn cho con nữa!
Nghe xong như sét đánh bên tai, ta ngã lăn ra đất, chết ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại! Hết khóc lại than, thực là một sự vô cùng thảm khốc! Ông ấy thương ta đau khổ! Đưa ta về nhà nuôi nấng coi ta như con đẻ.
Qua thời gian lâu, ta dần dần nguôi cơn đau khổ, nơi đó có người con trai, cũng dòng Phạm Chí, thấy ta xinh đẹp, cậy người mối lái, muốn cùng ta kết bạn trăm năm. Thôi cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem cuộc thế xoay vần đến đâu? Ta cùng người ấy kết duyên với nhau, thấm thoát đã có mang mãn tháng nọ ngày tới kỳ hoa nở, hôm đó giữa lúc canh khuya, ta đau bụng sanh, thì chồng của ta đi ăn uống nhậu nhẹt, hay cờ bạc ở đâu về, gõ cửa gọi, giữa giờ phút sanh cháu nhỏ, nên không ra mở cửa được, anh chàng tức giận phá cửa vào, đánh đập liên hồi, ta kêu van và nói:
- Thưa anh, em đương đau bụnh sanh, chứ không phải lười hay khinh mà không ra mở cửa cho anh! Kẻ vũ phu nổi giận giết tươi đứa con của ta mới sanh, rồi bắt ta phải ăn sống đứa con ấy. Ta không chịu ăn, vì đánh đau quá! Nên ta nhắm mắt ăn liều, ăn xong tự hối hận trong lòng: "Đời mình bạc phúc, gặp kẻ bất nhân". Sáng ngày hôm sau, bỏ nhà ấy đi đến nước Ba La Nại, ngồi ở ngoài thành, con trai ông Trưởng giả tại đây mới chết vợ, hàng ngày ra viếng mộ ở ngoài thành, thấy ta anh hỏi:
- Cô ở đâu tới, tại sao ngồi một mình ở đây?
Khi đó ta nói thật những chuyện như trên cho anh nghe, anh bảo ta rằng:
- Cô cùng tôi vào nơi quán uống nước!
Khi ngồi chơi uống nước chuyện trò vui vẻ, anh hỏi:
- Bây giờ có người muốn kết duyên cùng cô, vậy cô có đồng ý không?
- Thưa anh, em thấy ngán lắm! Vui không được bao nhiêu, mà sự khổ đưa lại dồn dập, kẻ hiền lương không gặp, gặp kẻ bất nhân, lại gây thêm phần đau khổ.
- Đời ở một mình sao?
- Em không ở một mình, nhưng nếu gặp hiền nhân, có đạo đức có học vấn.
- Thôi cô ơi! Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, chính tôi con trai ông Trưởng giả thành này vừa mới chế vợ, thấy cô là người hiền đức, muốn làm bạn trăm năm cô nghĩ sao?
Ta thấy có vẻ tướng hiền hòa, lại dòng quý phái, nên đồng ý kết duyên cùng anh. Nhưng cũng không may cho ta, vợ chồng ăn ở với nhau chưa được ba năm, anh mắc bệnh chết.
Luật ấy, "nếu vợ chết thì chồng được phép lấy vợ khác, nhưng nếu chồng chết thì chôn theo cả vợ". Như thế, ta cũng bị chôn luôn với chồng một huyệt! Nhưng ta chưa chết hẳn, tối hôm đó tụi cướp đến đào mả để lấy những trang vật vàng bạc của ta, anh tướng cướp thấy ta xinh đẹp bắt về làm vợ, anh giặc này chưa được bao ngày, bị họ bắt được chém mất đầu, bọn bộ hạ của anh cướp lấy xác mang về bắt ta đem chôn sống cùng anh giặc một thể. Vừa được ba ngày các con hổ bới mả định ăn thịt, trời tang tảng sáng chúng thấy người đi chợ đông, bỏ chạy, nhân thế ta dùn mả lên, ngồi than một mình rằng:
- Chẳng biết kiếp trước ta làm tội gì, mà nay gặp nhiều tai nạn như vậy? Chết đi sống lại mấy lần, làm thân nữ nhi thực là tội nghiệp. Xét rằng: Muôn vàn các bạn gái khác, chồng con cũng chẳng qua dưới ách nô lệ, của tâm hồn mê muội ngu si, không biết nhận thức một hạnh trong sáng thanh cao, bước lên con đường chân chính, tìm hiểu chân lý, tu hành cho thoát khỏi nơi phàm tục! Đó cũng chỉ vì nghiệp tham ái vô minh che tối, khi mới biế nhận thức con người, đã ngăm ngăm trong đáy lòng toan tính những đường duyên nợ, chịu chết nơi sào huyệt của dục vọng cám dỗ, vì thế mới chìm đắm nơi biển cả sinh tử luân hồi, ta sực nhớ rằng: Trước đây có người họ Thích xuất gai tu đạo, nay đã thành Phật, vậy đến đó để nương thân cho thoát khổ. Đứng dậy bước đi, dạ đói thân đau, đường xa nhiều hiểm trở, vừa đi vừa hỏi thăm, đến nơi rừng Kỳ Hoàn trời vừasẩm tối, xa xa nhìn thấy đức Như Lai sáng rực như quả núi vàng, oai phong lẫm liệt, đầy vẻ từ bi, sung sướng quá! Ta quỳ xuống một lòng thành kính hướng về Ngài, tha thiết ân cần cầu tế độ. Ngài đến tận nơi, khi đó hình thể ta lõa lồ ngồi dưới đất, thẹn hổ phải lấy tay che vú, Phật sai Ngài A Nan đem cho ta tấm áo, ta tới trước đức Thế Tôn cúi đầu lễ dưới chân, và trình bày những thống khổ vừa qua và xin xuất gia tu đạo.
Ngài sai ông A Nan đem ta giao cho bà Đại Ái Đạo dạy bảo, theo lời dạy bà thọ giới Tỷ Khưu, rồi bảo ta pháp "Tứ Đế" là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Vô Thường, Vô Ngã.
Ta chăm chỉ tu hành chẳng bao lâu đã chúng được đạo quả, hiểu biết đời quá khứ, và đời vị lai, coi thấy những tội ta đã tạo từ đời quá khứ, nên phải chịu ác báo không sai một tí nào!
- Kính thưa bà, đời quá khứ bà phạm tội gì, đời này bị quả báo như vậy? Xin bà nói cho chúng con được rõ?
- Muốn biết các cô hãy để ý nghe!
- Dạ, chúng con xin chú ý nghe!
- Đời ấy cách đây đã quá lâu, thuở đó có ông Trưởng giả nhà giàu, nhưng không có con, sau ông lấy một người vợ lẽ; vì có sắc đẹp nên ông mến lắm! Hai người với tình yêu khắng khít, chẳng bao lâu sinh được đứa con trai; từ đó ông lại càng đằm thắm hơn xưa, thấy thế người vợ cả thầm nghĩ như vầy:
- Công ta khó nhọc, làm ăn chắt bóp nên được giàu có, sau này đứa con vợ lẽ nó hưởng tất, thật là luống công vô ích cho ta, chi bằng ta giết quách nó đi là xong!
Định kế như vậy rồi lấy một cái kim dài, chờ lúc vắng người, cấm ngập vào giữa đỉnh đầu đứa bé. Cách ít ngày đứa trẻ ấy chết, vợ nhỏ thương con khóc suốt ngày đêm không ngớt tiếng! Rồi tự nghĩ rằng:
- Con ta không ốm không đau, tự nhiên mà chết, chắc rằng chị cả giết nó đây!
- Hỏi: - Con tôi có tội gì, mà chị nỡ giết nó?
Vợ lớn đáp: - Ô hay! Cô nói quàng nói điên như vậy? Tôi thề rằng nếu tôi giết con cô, thì đời đời chồng tôi bị rắn cắn chết, có con thì bị nước ngập hổ tha, lang bắt, còn thân tôi sẽ bị chôn sống, và tôi tự ăn thịt con tôi, cha mẹ và cả nhà tôi sẽ vị chết cháy trong đống lửa. Các cô nên biết người vợ lớn của ông Trưởng giả thuở đó chính là tiền thân của ta; vì ta không biết tin tội phúc báo ứng, ác tâm giết đứa con trai của người vợ bé ngày đó, rồi lại tự thề như vậy, cho nên kiếp này chịu lấy quả báo đau khổ, cũng đúng như lời thề ngày xưa không khác.
- Kính thưa bà! Bà tu công đức gì, kiếp này được gặp Phật và đắc đạo giải thoát, xin bà nói cho chúng con được biết?
- Các cô để ý nghe: Đời quá khứ đã xa xưa, ở nước Ba La Nại có một quả núi lớn gọi là Tiên Sơn, trong núi có nhiều những vị Bích Chi Phật, Thanh Văn và ngoại đạo thần tiên. Khi đó có vị Duyên Giác vào thành khất thực bà Trưởng giả thành ấy hoan hỷ cúng dàng, Ngài dùng cơm xong bay lên hư không hiện ra các phép thần biến. Thấy thế bà Trưởng giả chắp tay cung kính, hướng lên Ngài mà khấn rằng:
- Kính lạy Đức Tôn Giả! Xin cho con đời sau cũng được đắc đạo như Ngài!
- Các cô nên biết: Bà Trưởng Giả ngày đó, chính là tiền thân của ta, vì sự thành kính cúng dàng vị Thánh Tăng, và phát nguyện nên đời nay được gặp Phật, đắc quả La Hán! Thân ta bây giờ tuy đắc quả La Hán nhưng thường thường bị đau nhói một cái từ đầu xuống chân không khác chi cái kim đâm đau thấu tận xương! Như thế đó, tội báo mặc dầu cho lâu kiếp đến đâu cũng không thể xóa nhòa được.
Năm trăm Ni Cô nghe bà kể lại lịch kiếp tiền sinh như vậy, ai nấy trong lòng run sợ, tự quan sát cái căn bản của dâm dục, cũng như một đám lửa cháy hừng, tâm tham dục mất hẳn. Coi những nỗi đau khổ của thế gian, khác chi lao ngục, trần cấu tự nhiên tiêu hết, tâm ý sáng tỏ, hiểu thấu đạo mầu. Bình tĩnh thâm tâm, nhập định Diệt Tận, thành ngôi La Hán, khi xuất định thưa với bà Vi Diệu rằng:
- Thưa bà, chúng con bị triền miên với lòng dâm dục không gỡ nổi, hôm nay nhờ ơn bà đã được giải thoát.
Phật khen bà Vi Diệu rằng:
- Quý hóa, bà Vi Diệu thuyết pháp lợi mình lợi người, chính là đệ tử của Tam thế chư Phật!
Các cô, và đại chúng dự thính ai nấy đều hoan hỷ tạ lễ mà lui. Phẩm Thứ Ba Mươi Lăm: A Du Ca
Chính tôi được nghe: Một thời đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc cây của Kỳ Đà.
Một buổi sớm ấy đức Phật và tôi vào thành khất thực, gặp lũ trẻ con, đương nô nghịch đất giữa đường, nó đắp một cái thành, có đủ nhà cửa kho tàng thóc lúa bằng đất. Một đứa nó nhìn thấy Phật có hào quang sáng, tự phát tâm cung kính, vui mừng! Khi Phật đi tới nơi, nó chắp tay vái, và dâng một mẩu đất cúng dàng.
Phật cầm lấy giao cho tôi, và dặn tôi mang về bôi trên thềm nhà chỗ Ngài ngủ. Khi trở về rừng Kỳ Hoàn, tôi đem đất làm theo lời Ngài dạy. Ngài bảo rằng:
- A Nan vừa rồi đứa nhỏ hoan hỷ cúng đất công đức ấy sau khi ta vào Niết Bàn, khoảng độ trăm năm; nó sẽ được làm vua tên là A Du Ca còn các trẻ nhỏ đồng bạn, được làm quan đại thần cai trị tất cả các nước Châu Diêm Phù Đề; làm hưng long cho ngôi Tam Bảo phân phát Xá Lợi, xây tám vạn bốn ngàn ngọn tháp, khắp Châu Diêm Phù Đề cúng dàng ta.
Tôi vui mừng bạch Phật rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Đời quá khứ Ngài tu công đức gì, mà được phú báu nhiều tháp như thế? Cúi xin chỉ bảo cho chúng con được rõ?
- Phật dạy: - A Nan ông muốn biết hãy nghe cho kỹ ta sẽ nói cho hay!
- Dạ, lạy đức Thế Tôn con xin chú ý nghe!
- A Nan, thuở đời quá khứ đã xa xưa, có một ông vua nước lớn tên là Ba Tắc Kỳ, cai trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, thời đó có đức Phật tên là Phất Sa ra đời. Nhà vua và nhân dân tôn sùng đạo Phật, thường ngày dâng lên bốn món cúng dàng thức ăn uống, áo mặc, giường tòa, thuốc thang rất trịnh trọng. Nhà vua nghĩ thầm như vầy:
- Đức Phật là phúc điền cõi nhân gian thiên thượng, ai trồng nhân lành gì được kết quả ấy, nhân dân nước ta thường được thấy Phật lễ Phật; cúng dàng Phật, còn các nước nhỏ ở xa xôi, nhân dân không biết nương đâu tu phúc, vậy ta hãy thuê người vẽ hình tượng Phật, ban phát cho các nước để cúng dàng cầu phước.
Nghĩ thế rồi gọi họa sĩ đến chốn Phật, nhìn vẽ cho đúng tướng của Ngài. Song họ vẽ mãi không thành. Sau đức Phật Phất Sa, Ngài sẽ tự vẽ lấy một kiểu để cho họ họa lại.
Các họa sĩ cứ thế phóng ra được tám vạn bốn ngàn bức rất đẹp, cũng giống như bức tranh Ngài vẽ.
Vua Ba Tắc Kỳ đem tranh ấy ban cho mỗi nước một bức, và truyền lệnh cho nhân dân các nước đem hương hoa âm nhạc nghinh thỉnh rước về.
Vua quan nhân dân các nước, tuy được bức tranh, nhưng lòng tôn kính cúng dàng như thấy đức Phật hiện tại không khác.
- A Nan ông nên biết: Vua Ba Tắc Kỳ thuở đó chính là tiền thân của ta đấy, do thời đó thuê một thợ vẽ tám vạn bốn ngàn hình tượng đức Phật Phất Sa, ban phát cho nhân dân các nước cúng dàng lễ lạy. Bởi công đức ấy đời đời được làm Đế Chúa trong cõi nhân thiên, sinh xứ nào thân thể cũng được đẹp đẽ tốt tươi, đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, đến nay thành Phật cũng do một trong công đức ấy; và sau khi vào Niết Bàn được quả báo tám vạn bốn ngàn tháp.
Tôi và tất cả mọi người nghe Phật nói xong, ai nấy đều vui vẻ phát tâm tu phúc cúng dàng, cúi đầu tạ lễ lui ra. Phẩm Thứ Ba Mươi Sáu: Bảy Lọ Vàng
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn Cấp Cô Độc, cây của Thái Tử Kỳ Đà.
Khóa an cư năm ấy, đức Phật cho các vị Tỳ Khưu được tùy ý đi các nơi kết tập.
Khi hết hạn, các vị đều về thăm Phật và nhận chịu lời dạy bảo của Ngài. Phật và các vị trong chín tuần xa cách, hôm nay về nơi Ngài đông đảo Ngài vui vẻ! Với lòng từ bi cất cánh tay ngàn vòng xoáy, xoa đầu các vị rồi hỏi:
- Các người ở xa, sự an cư có được yên không? Ăn uống có đầy đủ không? Ít bệnh ít não không?
- Dạ, lạy đức Thế Tôn! Nhờ công đức Thế Tôn, năm nay được an cư yên ổn! Mọi điều kiện đều được đầy đủ. Sự giáo hóa dễ dàng, chúng sinh vui vẻ!
Công đức của Phật như trời cao! Như biển cả! Khắp nhân gian thiên thượng ai bì kịp, hôm nay thấy Ngài tuy hỏi han các vị, nhưng có một vẻ khiêm kính, khác mọi lúc, chắc có một thâm ý gì khác, nên tôi tới trước quỳ thẳng chắp tay bạch rằng:
- Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài xuất thế là một việc rất hiếm có, công đức và trí tuệ, rộng như hư không, lớn như pháp giới. Hôm nay Ngài hạ ý hỏi han các vị Tỳ Khưu một cách khiêm kính. Không rõ lời nói khiêm kính ấy là gần hay xa, cúi đầu chỉ bảo cho chúng con được rõ?
Phật dạy: - A Nan, muốn biết hãy để ý nghe, tôi sẽ vì ông mà nói!
- Dạ lạy đức Thế Tôn! Con xin chú ý nghe!
- A Nan, câu chuyện này từ đời quá khứ, đã lâu lắm, không thể tính được, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một nước lớn tên là Ba La Nại, có một người chăm làm giàu, được đồng nào chỉ mua vàng cất kỹ, không dám ăn uống may sắm dần dần được một lọ vàng đem chôn, cứ như thế chăm chỉ làm ăn cực khổ đã lâu năm không dám tiêu xài, và giúp đỡ cha mẹ anh em, sau được sáu lọ nữa cũng đem chôn giấu hết.
Qua thời gian chẳng may bị bệnh chết mất, vì tiếc vàng nên phải đọa làm thân con rắn độc, ở ngay nhà mình, để coi bảy lọ vàng. Trải qua lâu năm nhà ấy bị mục nát hư hỏng, con rắn ấy cũng chết: Bởi linh hồn rắn còn tham tiếc vàng, nên bị đọa làm thân rắn một lần nữa, chừng vài muôn năm, quanh quẩn coi giữ, trên đống đất chôn vàng; coi giữ mãi, thấy không có ích gì, sinh lòng chán ghét, thầm nghĩ như vầy:
- Ta vì tham tiếc vàng nên phải chịu thân thể xấu ác, vậy đem số vàng này cúng dàng, để cầu cho ta đời đời được nhiều phước tốt lành trên cõi nhân, thiên.
Nghĩ xong bò tới bên lề đường lẩn thân trong đám cỏ, chợt thấy một người đi qua, lớn tiếng gọi: Người ấy nghe tiếng gọi đứng lại nhìn xung quanh không thấy ai, lại bắt đầu đi, con rắn liền bò ra giữa đường gọi rằng:
- Này bác kia ơi! Bác lại gần đây tôi nhờ bác việc này!
Đáp: - Ngươi độc ác như vậy! Gọi ta làm chi, lại gần để hại ta hay sao?
- Phải, tôi ác như thế này, nếu không lại tôi sẽ tác hại đấy!
Người đó tuy sợ nhưng cũng phải đến gần.
Rắn nói: - Nhà tôi có lọ vàng, muốn nhờ bác đem đi cúng dàng cầu phước, bác có thể hộ tôi được không? Nếu không hộ, tôi sẽ cắn chết!
- Vâng, tôi xin giúp, không sao!
Rắn dẫn ông này về đống đất chôn vàng, bảo ông bới lên một lọ rồi nói rằng:
- Bác mang vàng này đến chùa cúng dàng, và lấy ra một ít, nhờ bác bán lấy tiền, mua gạo và các món ăn, hoa quả làm cơm chay cúng sư Tăng, định ngày nào cúng thì mang một cái gậy đến đây khiêng tôi đến chùa!
Người ấy mang vàng đến chùa đưa cho ông Tăng Duy Na, và nói lý do như trên cho ông nghe.
Ông Duy Na cười nói: - Rắn độc sao lại biết cúng dàng như vậy? Muốn cúng tôi sẽ định ngày cho!
- Thưa Ngài hôm nào ngài cho biết trước để sửa soạn?
- Ngày mười rằm tới, là ngày trai, cũng là ngày sám hối, cúng ngày đó công đức vô lượng!
- Dạ, xin phép Ngài tôi về để thu xếp công việc!
Tới ngày nói trên, ông mang một cái gậy đến, rắn thấy ông vui vẻ hỏi han? Rồi quấn mình vào cây gậy phủ cái chăn chiên lên trên cho người ta khỏi nhìn thấy, đi đường gặp người hỏi:
- Ông khiêng cái gì đẹp thế?
Ông lặng yên không trả lời, họ lại hỏi:
- Ông khiêng gì đẹp thế?
Họ hỏi đến ba lần, ông vẫn làm thinh không trả lời. Rằn thấy ông không trả lời, giận quá! Nghĩ như vầy:
- Anh này dở quá, người ta trịnh trọng hỏi đến ba lần, mà không nói, thực là ngu si quá!
Nghĩ như thế thì độc tâm lại càng bộc phát, định nhả độc phun chết ông. Xong lại thầm nghĩ:
- Người này vì ta làm phước, ơn đó chưa trả, vậy ta nên nhẫn đi.
Một lát đi tới chỗ đất không đồng vắng, rắn tự nói rằng:
- Bác để tôi xuống đây!
Vừa để xuống, rắn mắng rằng:
- Con người ta có mồm để nói để ăn, anh có mồm để làm gì? Mà người ta hỏi đến ba lần không nói? Anh ngu si quá!
Ông nghe rắn mắng, nhưng tâm không có giận, tự hối hận một vẻ khiêm tốn và xin lỗi. Rắn lại dặn rằng:
- Từ đây trở đi, anh không được thế nữa, ai hỏi phải nói đàng hoàng.
- Dạ từ nay tôi xin thọ giáo, không dám như trước nữa!
Khi đến chùa để rắn trước giảng đường, vừa đúng thời trai chư Tăng, ông đứng ở lối kinh hành.
Rắn sai ông dâng hương cúng sư Tăng; rắn nhìn ông dâng hương, bằng cặp mắt thành kính tín ngưỡng, không hề chớp. Khi Tăng chúng đi nhiễu quanh tháp. Rắn sai ông dâng nước, và giương đôi mắt cung kính quan sát!
Chư Tăng dùng cơm xong thuyết pháp cho nghe như sau:
- Bố thí cúng dàng được phước báu giàu sang, thân hình khỏe mạnh.
Giữ giới được sinh nhân, thiên, hưởng phúc tốt lành. Thấy Phật và sư Tăng hoan hỷ chiêm bái thì được thân tướng đoan nghiêm tươi đẹp. Keo sẻn tích trữ, không chịu bố thí, thì đọa làm loài quỷ đói. Tâm tham độc sân si, bị loài thú ác độc trùng, trăn, rắn.
Rắn nghe xong vui vẻ thưa rằng:
- Kính thưa Đại Đức! Mời Ngài đến chỗ con ở, hãy còn sáu lọ đem về chùa dâng lên Tam Bảo, làm lễ cầu nguyện, hướng phúc cho rắn, nhân sự cầu nguyện ấy và phước cúng dàng, rắn chết được lên cõi trời Đao Lợi.
Tới đây Phật thuật lại rằng:
- A Nan, ông nên biết: Người khiêng rắn ấy há phải ai đâu; chính là tiền thân của ta đấy! Rắn độc thuở đó; nay là ông Xá Lợi Phất.
Ngày ấy ta bị rắn mắng trách còn tự thẹn hổ, và sinh lòng khiêm hạ, kông những thế, ta đối với tất cả muôn loài, đều coi bình đẳng, cho đến nay không thoái chuyển.
Khi đó tôi và các vị Tỳ Khưu, nghe Phật nói xong, ai nấy đều kính phục, tâm bình đẳng khiêm nhượng của người, một lòng lễ kính, bái tạ lui ra. Phẩm Thứ Ba Mươi Bảy: Sai Ma
Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ tại Tinh Xá rừng Trúc, với vô số đệ tử ở đó.
Bấy giờ có một người dòng Bà La Môn, nhà nghèo, tuy có chăm làm nhưng cũng không đủ ăn, đủ mặc, anh nghèo ấy hỏi người ta rằng:
- Ở thế gian làm những hạnh gì được phúc báu hiện tại?
Có người mách bảo rằng:
- Anh không biết ư? Hiện nay Đức Phật xuất thế độ sinh, làm lợi ích cho tất cả muôn loài. Ngài có bốn vị tôn đệ tử là: MA HA CA DIẾP, MỤC KIỀN LIÊN, XÁ LỢI PHẬT, A NA LUẬT. Bốn vị Hiền Sĩ này, hay thương những người nghèo đói, và tác phúc cho những chúng sinh đau khổ.
Nếu ai chí tâm tin kính cúng dàng những vị ấy, thì đời hiện tại này, muốn cầu gì cũng được toại nguyện.
Anh chàng Bà La Môn nghe mọi người đều nói như vậy, rất vui mừng! Tự đi làm thuê được món tiền nhỏ đem về mua sắm các món ăn, sửa soạn trai nghi trịnh trọng mời các vị Hiền Thánh Tăng đến nhà cúng dàng với lòng thành kính, thiết tha cầu phúc báu hiện tại. Vợ anh tên là Sai Ma (Tàu dịch: An Ôn).
Các vị tôn đệ tử tới nhà dùng cơm xong, thuyết pháp cho vợ chồng anh nghe như sau:
- Tội phúc, như bóng theo hình, như vang ứng tiếng, trồng nhân gì sẽ kết quả ấy. Muốn cho tội chướng tiêu trừ, phúc đức lớn lao, phải biết tôn kính ngôi Tam Bảo, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới; Bát Quan Trai giới, bố thí, cúng dàng, thì đời hiện tại, hay tương lai muốn cầu gì cũng được toại nguyện.
Vợ chồng cúi đầu lễ kính, xin thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới và Bát Quan Trai giới, truyền giới xong các vị trở về Tinh Xá.
Bấy giờ vua Bình Sa vào rừng trở về, gặp một người phạm tội bị trói treo trên đầu cột dựng bên đường.
Người có tội ấy xin vua món ăn, nhà vua nhận lời cho, nhưng về thành quên mất, chợt nhớ ra thì trời đã tối; nhà vua sai người hầu hạ trong Hoàng cung mang cơm cho tội nhân, nhưng không ai dám đi, họ thưa với vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ, giờ đã tối khuya, mãnh thú; ác quỷ rất nhiều, chúng tôi thà chết ở đây chứ không dám đi.
Nhà vua hết sức thương người đó đói khổ, sai người ra ngoài thành báo cáo rằng:
- Đêm nay nếu ai đem món ăn cho người có tội ở nơi mổ, thì nhà vua thưởng cho ngàn lạng vàng!
Không ai dám đi, Sai Ma thường nghe họ nói rằng:
- Nếu ai thọ phép Bát Quan Trai giới, thì ma quỷ, ác thú không dám làm hại!
Mạnh dạn với một lòng tin vững chắc, đến xin vua đi. Khi đi, nhà vua dặn: - Nếu được hoàn toàn trở về, ta sẽ cho ngàn lạng vàng.
Ra đi, Sai Ma chí thành, chí kính trì phép Bát Quan Trai, ra khỏi thành đã xa xa gặp một con quỷ La Sát tên là Lam Bà, vừa lúc ấy nó mới sinh được năm trăm quỷ con, đương lúc đói thấy Sai Ma muốn bắt ăn. Nhưng Sai Ma trì trai, quỷ trông thấy sợ hãi không dám ăn, quỷ hỏi Sai Ma rằng:
- Chị đi đâu? Có món ăn cho tôi một chút!
- Sai Ma trao cho một chút món ăn, tuy ít nhưng vì lực của quỷ nên cũng được no đủ.
Quỷ La Sát hỏi: - Chị tên chi?
- Tôi tên là Sai Ma!
Quỷ vui vẻ nói: - Hôm nay tôi sinh cháu được lành mạnh, cũng do phúc của chị, mà tôi được sống, lại được nghe danh hiệu tốt, nhà tôi có cái búa vàng, xin đền đáp ơn chị, lúc về qua đây, chị nhớ vào lấy.
- Dạ, chị có lòng tốt em xin nhớ lời dặn.
Quỷ lại hỏi: - Bây giờ chị đi đâu?
- Thưa chị, em mang thức ăn cho người có tội ở nơi mổ!
- Tôi có một em gái cũng ở gần đấy, tên là A Lam Bà, tôi gởi lời thăm và bảo cho biết: Tôi mới sanh được năm trăm cháu, thân thể lành mạnh.
Sai Ma đi tới chỗ quỷ A Lam Bà cũng nói như trên cho quỷ nghe.
A Lam Bà nghe xong vui vẻ hỏi:
- Chị tên chi?
- Em tên là Sai Ma!
Cô quỷ vui vẻ nói: - Chị tôi sinh được lành mạnh, tên cô cũng tốt lành lắm, nhà tôi có cái búa vàng, xin biếu cô, lúc về nhớ vào qua mà lấy.
- Dạ, quý hóa! Chị có lòng tốt tôi xin nhận!
Cô quỷ lại hỏi: - Bây giờ cô đi đâu?
- Thưa chị, theo lệnh nhà vua em mang món ăn, cho tội nhân nơi mổ!
Cô quỷ A Lam Bà nói: - Tôi cũng có một người em tên là Phân Na Kỳ ở gần đấy, tôi gởi lời hỏi thăm.
Sai Ma từ giã cô quỷ, đi đến chỗ quỷ Phân Na Kỳ, cũng đem lời hỏi thăm của hai bà chị nói cho nghe, và nói thêm bà chị cả sinh được năm trăm cháu đều vô sự. Được tin hai bà chị bình an rất vui vẻ và hỏi:
- Cô tên chi?
- Tôi tên là Sai Ma!
- Tên cô tốt lành, và được tin hai chị tôi mạnh khỏe, thực là quý hóa! Nhà tôi có cái búa vàng xin biếu cô, lúc về qua nhớ vào lấy.
- Quý hóa, có lòng cho, tôi xin nhận.
Sai Ma đi một lát tới nơi chỗ tội nhân, đưa món ăn và nói rằng:
- Nhà vua cho món ăn này, anh lấy mà dùng cho khỏi đói!
Anh vui mừng! Nhận cơm, và cảm tạ một cách rất tha thiết. Sai Ma trở về lấy ba cái búa vàng, và đến nhà vua lấy thưởng một ngàn lạng vàng.
Từ đó vợ chồng Sai Ma được giàu sang sung sướng, làm nhà cửa mua ruộng nương, nuôi đầy tớ, nhân dân đến làm thuê rất đông.
Vua Bình Sa thấy Sai Ma là người có đức, triệu vào cung cho làm quan đại thần, được lộc nước ơn vua, nhà lại giàu thêm, từ đó lòng tín kính Phật Pháp của Sai Ma càng tiến tới.
Một hôm Sai Ma sửa soạn trai nghi, mời Phật và Sư Tăng về nhà cúng dàng.
Khi Phật dùng cơm xong Ngài lên tòa thuyết pháp nói về phúc bố thí và phép trì giới, phép sinh thiên.
Sai Ma nghe xong tâm ý sáng tỏ, dắc quả Tu Đà Hoàn.
Bấy giờ tất cả mọi người dự cuộc thuyết pháp này, ai nấy đều hoan hỷ, phát tâm cúng dàng bố thí, giữ giới tu đức, cúi đầu lễ tạ mà lui. Phẩm Thứ Mười Sáu: Vua Đại Quang Minh
Người có trí lanh lợi, thì sự nhận xét minh mẫn, gặp việc gì trở ngại cũng giải quyết mau lẹ, gặp một duyên nhỏ có thể làm đại nghiệp. Kẻ biến nhác ngoan độn, dẫu có gặp thắng duyên cũng không thể phát tâm cao cả.
Bởi thế con người luôn luôn phải có sự tiến hóa làm lòng, lập chí tạo tác những thiện duyên gây thành đại nguyện thì mai này sẽ kết quả rực rỡ tôn nghiêm.
Khi đó đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.
Bấy giờ có bốn bộ đệ tử vua quan dân chúng đương vây quanh đức Thế Tôn để cúng dàng. Trong đại hội có nhiều người nghĩ như vậy:
- Không rõ đức Thế Tôn bởi nhân duyên gì phát tâm vô thượng Bồ Đề lúc ban đầu? Tới nay thành Phật làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh, vậy chúng ta cũng nên phát tâm cầu thành Phật đạo để nối chí của Ngài mà làm lợi ích chúng sinh.
Tôi (A Nan) biết họ nghĩ như vậy đi lấy áo mặc chỉnh tề tới trước Phật quỳ gối chắp tay bạch rằng:
Kính lạy đức Thế Tôn! Đại chúng đây đều muốn biết rõ xưa kia Ngài từ nhân duyên gì phát Bồ Đề tâm, kính xin chỉ giáo để cho tất cả mọi người đều được lợi ích!
Phật dạy rằng: - Này ông A Nan! Hay lắm! Hay lắm! Ông hỏi như vậy có rất nhiều sự lợi ích, ông hãy nghe cho kỹ và suy nghĩ cho rành, tôi sẽ vì ông mà nói.
Bấy giờ trong đại hội đều im lặng, tất cả núi sông gió nước chim bay thú chạy cũng đều chiêm ngưỡng, không một tiếng động, đại chúng, trời, rồng, quỉ thần đều dốc lòng trông Phật, ai nấy vừa sợ vừa ham nghe.
Phật dạy rằng: A Nan ông nên biết, thời quá khứ đã quá lâu xa kiếp, A Tăng Kỳ vô lượng vô biên không tính xuể, cũng Châu Diêm Phù Đề này có một ông vua nước lớn tên là Đại Quang Minh, trí tuệ thông minh phúc đức cao dày, nhân tướng oai nghiêm thuần hậu, có chơi thân với ông vua nước láng giềng, hai ông giúp đỡ nhau từ tinh thần đến vật chất, nhất là có vật gì quý cũng tặng lẫn cho nhau.
Một hôm ông vua nước láng giềng đi săn được hai con voi còn nhỏ, mình trắng như pha lê rất là quý đẹp, nhà vua mừng thầm và tự nghĩ như vầy:
- Ta đem voi này tặng vua Quang Minh.
Đưa về trang sức cho voi rất đẹp rồi sai người dắt sang hiến vua Quang Minh.
Vua Quang Minh coi thấy con voi lạ cũng cho là một bảo vật đáng quý, nên trao cho người quản tượng tên là Tán Xà dặn rằng: - Trông coi cho cẩn thận, dạy bảo cho thuần thực, cho ăn uống ngon lành.
Quản tượng đưa về dạy bảo một thời gian được thuần thục, rồi đến tâu vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Hạ thần vâng mệnh nuôi voi đã lớn, sự điều voi của hạ thần nhất mực bảo sao nghe vậy, cúi xin Bệ Hạ cho voi ra thí trường để dân chúng coi sự điều khiển của hạ thần.
Nhà vua vui vẻ đáp rằng: - Hãy khoan ít ngày để ta truyền cho quan quân, dân chúng hay tin trước.
Sau khi được chiếu chỉ của nhà vua, từ thành thị cho đến thôn quê kéo nhau đi xem rất đông đảo, nhà vua cỡi voi ra thí tràng, trông rất oai nghiêm, đi sau có các quan văn võ. Con voi trai trẻ này, khí lực đương cường tráng, dục vọng nồng nàn, đi sắp tới thì trường nó nhìn thấy mấy chị voi cái đang ăn ngó sen bên mé hồ, tự nhiên lửa dâm dục bốc khởi, túm cẳng chạy thẳng đến mấy chị voi cái kia, voi cái hoảng chạy! Đuổi mãi, đuổi mãi! Cho đến rừng xanh cũng không thôi. Làm cho nhà vua áo rách mũ rơi, gai góc đâm xiên vào mình, máu huyết chảy đẫm áo, nhà vua tối mắt chẳng biết đông tây, sợ quá tự nghĩ rằng:
- Bây giờ làm cách nào để xuống được?
Quản tượng thưa: - Xin Bệ Hạ hãy níu lấy cành cây để sa xuống đất.
Nghe lời quản tượng, nhà vua níu lấy cành cây xuống đất được vô sự, nhưng sờ lên đầu thấy mất mũ áo, trên mình rách ngang rách dọc và đẫm máu, thân thể đau đớn! Đương lúc đau khổ lại không biết lối ra.
Quản tượng cũng níu lấy cành cây nhảy theo rồi đi tìm vua. Một lát thấy nhà vua đương ngồi dưới gốc cây coi vẻ âu sầu buồn bã, quản tượng quỳ xuống thưa:
- Cúi xin Bệ Hạ xá tội cho, và đừng buồn phiền nữa! Con voi này khi hạ cơn dâm dục nó sẽ nhớ cỏ ngon nước sạch thì lại trở về.
Nhà vua nói: - Thôi nhà ngươi còn nói chi nữa, từ nay ta sẽ không nhận ngươi và con voi ấy nữa.
Quản tượng không biết nói sao! Đành phải ngồi yên chờ vua nguôi cơn giận.
Khi đó các ông quan chạy theo sau, có ông nhặt được cái mũ, cái áo, cái hia, hoặc thấy máu me rải rắc từng giọt, đột nhiên thấy nhà vua cởi con voi khác trở về. Khi đó có các bà Hoàng Hậu, Hoàng Phi, Hoàng Tử, Công Chúa nhân dân đều lo xanh mặt, vì sợ nhà vua bị chết ai nấy đều rơi lệ như mưa.
Khi thấy nhà vua đã trở về, mọi người vui vẻ!
Qua thời gian ngắn con voi đã thỏa mãn lòng dâm, bị ăn cỏ hôi, uống nước bẩn nơi rừng xanh, lại trở về kinh thành.
Quản tượng thấy voi về, vội vào triều tâu vua rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Con voi hôm nay đã trở về, xin Bệ hạ ra coi.
- Thôi, từ nay ta không muốn nhìn thấy ngươi và con voi ấy nữa.
Quản tượng lại thưa: - Tâu Bệ Hạ, nếu Bệ Hạ không muốn thấy hạ thần và con voi ấy nữa, nhưng xin Bệ Hạ hãy xem cách điều phục voi của hạ thần một lần nữa.
Nhà vua nói: - Khanh đã nói thế ta cũng cho!
Quản tượng bái tạ ra về, sửa soạn nơi thí tràng và định ngày cáo thị cho dân chúng đến xem.
Tới ngày đó, vua quan ra thí tràng, nhân dân đến xem rất đông. Quản tượng dắt voi ra và đem theo bảy viên sắt lớn thầm nghĩ như vầy:
- Giờ đây ta bắt voi nuốt sắt, voi chết cũng hoài, vậy ta hãy tâu vua may ra ngài có hối tâm chăng.
- Tâu Bệ Hạ! Con voi trắng này, chỉ vua Chuyển Luân mới có, nó phạm chút lỗi nhỏ xin Bệ hạ tha thứ, không nên hủy bỏ.
Nhà vua nói: - Nếu ngươi không điều phục được nó, thì mời ta ra đây làm chi? Dầu ngươi có điều phục được, ta cũng không dùng nó và ngươi nữa.
Quản tượng thưa: Tâu Bệ Hạ! Bệ Hạ không dùng hạ thần thì thôi, nhưng rất tiếc không dùng voi.
Nhà vua giận nói: - Khanh đi ngay, bước ngay lập tức bây giờ!
Quản tượng đứng dậy vừa khóc vừa nói: - Bệ Hạ không có thân sơ, chỉ ưa những lời nói khéo, nói ngọt, nịnh hót!
Tất cả mọi người nghe đều sa đôi hàng lệ, và chăm chú nhìn voi, vì họ nhìn thấy bảy viên sắt đương nung đỏ tại lò, quản tượng sẽ bắt voi nuốt.
Quản tượng thị oai lớn tiếng nói:
- Voi mày nuốt viên sắt này đi, nếu không nuốt ta sẽ lấy móc sắt móc óc mày ra.
Voi thấyquản tượng nói, sợ hãi run rầy, quỳ hai gối xuống đất, chầu về nơi nhà vua ngự nước mắt chảy ròng! Có ý xin vua xá tội, nhưng nhà vua vẫn chưa nguôi cơn giận, lại càng bực tức thêm, rồi ngoảnh mặt đi. Quản tượng lớn tiếng nói:
- Mày không chịu nuốt à, còn chờ tao móc ư!
Voi liếc mắt nhìn xung quanh xem có ai can gián để cứu mình không! Nhưng không! Tự biết mình phải chết, vì không còn một thế lực gì nữa có thể trông cậy, bất đắc dĩ nằm ngửa há mồm.
Quản tượng bỏ bảy viên sắt nóng vào mồm bắt phải nuốt hết, nuốt xong nổ ruột chết liền.
Tất cả mọi người thấy thế cảm động thương voi. Ai nấy đều phải sa lệ.
Nhà vua cũng phải kinh sợ và ngạc nhiên, kêu Quản tượng lại hỏi:
- Quản tượng, khanh có tài điều phục voi như vậy, tại sao lúc ở rừng không ngăn được nó.
Lúc ấy ông Tịnh Cư Thiên biết vua Quang Minh đã phát tâm Bồ Đề, dùng thần lực khiến Quản tượng quỳ xuống thưa rằng:
- Tâu Bệ Hạ! Kẻ hạ thần này chỉ có thể điều phục được thân nó chứ không thể điều phục được tâm của nó.
Nhà vua hỏi: - Vậy có người nào đều phục được cả thân lẫn tâm nó không!
Đáp: - Tâu Bệ Hạ, chỉ có Phật điều phục được cả thân lẫn tâm của nó.
Nhà vua hỏi tiếp: - Khanh nói Phật, thì lấy chủng tính gì sinh ra Phật?
Đáp: - Tâu Bệ Hạ! Có hai chủng tính sinh ra Phật: Một là trí tuệ, hai từ bi! Chăm làm sáu việc: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thuyền định, trí huệ cũng gọi là sáu Ba La Mật, công đức và trí tuệ của sáu việc đầy tròn nên gọi là Phật! Như vậy có thể điều phục được mình và tất cả chúng sinh.
Nhà vua nghe quản tượng tâu xong, có vẻ vui sướng! Đứng dậy vào hậu cung tắm rửa sạch sẽ, mặc áo đội mũ tề chỉnh, lên lầu cao một mình, đốt trầm hướng về bốn phương thề nguyện rằng:
- Từ đây tôi sẽ đối với tất cả chúng sinh, phải có một tâm "Đại Từ Đại Bi", rồi đọc bài kệ khấn rằng:
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng về Phật đạo,
Sau này được thành Phật,
Tự điều phục tâm mình,
Và tất cả chúng sinh.
Nếu một chúng sinh nào.
Ở địa ngục A Tỳ.
Trải qua đến một kiếp.
Có thể làm lợi ích,
Và cứu khổ họ được,
Tôi sẽ vào ngục ấy,
Không bỏ tâm Bồ Đề.
Nhà vua thệ nguyện dứt lời, thì sáu phương chấn động, trời đất rung chuyển, trên hư không văng vẳng, có tiếng âm nhạc, các ông thiên tử đánh đàn ngợi khen rằng:
- Ngài phát nguyện cao cả ấy, chẳng bao lâu nữa được thành Phật, xin độ cho lũ chúng tôi trứơc ở pháp hội thanh tịnh này.
Tới đây Phật nhắc lại cho các vị Tỷ Khưu biết rằng:
- Tỷ Khưu các ông nên biết! Con voi trắng bị quản tượng bắt nuốt viên sắt nóng thuở đó nay là ông Nan Đà. Quản tượng nay là ông Xá Lợi Phất, vua Đại Quang Minh chính tiền thân của ta. Nhân lúc thấy quản tượng điều phục voi ta phát khởi tâm cầu đạo Phật bắt đầu.
Trong đại hội khi nghe Phật nói sự phát khởi tu đạo của Ngài xong, ai nấy vui mừng, rồi có người được chứng quả thứ tư, có người phát đại đạo tâm, mỗi người đều kính tin cúi đầu tạ lễ mà lui.
Vua Quang Minh gặp một tiểu duyên, mà giải quyết được đại sự, là do trí dũng mãnh tinh tiến. Còn như kẻ lười biếng, dầu có gặp được duyên lớn cũng chẳng thành sự nghiệp gì. Chúng ta phải nên mạnh dạn bớt bỏ lòng tham dục si mê, chuyển theo con đường sáng của đức Phật đã vạch ra, thì một ngày kia ta sẽ ngồi trên đài liên hoa, bay đi khắp thế giới nhiếp phục chúng sinh cũng như Ngài không khác, mục đích cứu họ ra khỏi vòng phiền não ô trọc, xấu xa, được trí tuệ thần thông cao sáng, qua thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.10.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.