Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 16: KIM SÍ ĐIỂU (CHIM CÁNH VÀNG)
Bấy giờ, có các vua rồng, một tên Hấp Khí, hai tên là Đại Hấp Khí, ba tên là Hùng Bi, bốn tên là Vô Lượng Sắc, bạch Đức Thế Tôn rằng:
-Vô số loài rồng ở trong biển này, với ngần ấy chủng loại do quả báo của nhân duyên hành động mà lại sinh đến đây. Hoặc có loài lớn, hoặc có loài nhỏ, hoặc có loài ốm yếu... nhìn thấy đã khinh nhờn. Có bốn giống chim cánh vàng thường ăn thịt loài rồng ấy và vợ con của loài rồng. Các chủng loại rồng trong biển sợ sệt, nguyện xin Đức Phật ủng hộ, khiến cho các rồng biển được yên ổn, chẳng sợ sệt.
Đến đây, Đức Thế Tôn cởi y trên người và bảo vua rồng biển rằng:
-Ông hãy lấy y của Như Lai phân chia cho các vua rồng, làm sao cho đều cùng khắp. Vì sao? Vì ở trong biển lớn này chỉ đặt một sợi của y này thì vua chim cánh vàng cũng chẳng thể xúc phạm. Vì sở nguyện của người trì cấm giới thì nhất định phải được.
Lúc ấy, các vua rồng lớn đều ôm lòng lo sợ. Họ đều nghĩ rằng: “Y của Đức Phật rất nhỏ nhoi mà chia khắp hết các rồng trong biển lớn thì đâu có được”?.
Đức Phật biết được sự hoài nghi lo sợ của các vua rồng nên bảo vua rồng biển rằng:
-Giả sử nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới đều được chia phần y của Như Lai thì nhất định y ấy chẳng giảm, chẳng hết. Họ muốn lấy y thì ví như hư không, tùy theo ước muốn của họ mà tự nhiên sinh ra. Sự kiến lập của Phật chẳng thể nghĩ bàn! Công đức lồng lộng, y ấy như việc này vậy.
Vua rồng biển liền nhận lấy y của Đức Phật mà tự chia làm vô lượng số trăm ngàn mảnh. Mỗi một phần đều chia cho các vua rồng. Cung vua rồng tùy theo nơi ấy rộng hẹp, lớn nhỏ tự nhiên cấp cho mà y ấy vẫn như cũ, nhất định chẳng hết. Đến đây, vua rồng biển bảo các vua rồng rằng:
-Các ông phải kính y này như kính Đức Thế Tôn, như kính tháp, chùa. Vì sao? Vì hôm nay, y này là đồ mặc của Đức Như Lai. Do đó, nên nói là như kính tháp chùa vậy. Giả sử, tất cả cúng dường Đức Như Lai so với việc phụng thờ y này thì ngang bằng, không sai khác.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo vua rồng biển rằng:
-Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời nói của ông! Người phụng thờ y này tức là cúng dường Như Lai! Ông hãy xem các rồng và vợ con loài rồng, tất cả đều có được phần y của Như Lai không?
Đáp lại rằng:
-Thưa vâng, con đã thấy!
Đức Phật dạy rằng:
-Ta đều thọ ký thì họ liền thoát khỏi thân rồng, ở kiếp Hiền này, trừ người có chí Đại thừa, còn các rồng khác đều không vướng mắc sẽ vào Niết bàn. Như vậy, này Long Vương! Như Lai còn tại thế thì tất cả chúng sinh phát một tâm thiện, nhân duyên sẽ đạt đến quả Phật, chưa từng có mất đi.
Bấy giờ, các rồng và vợ con loài rồng ở trong biển hớn hở vui mừng, kính lễ trước Đức Phật đồng thanh nói rằng:
-Lời nói của Đức Như Lai không có hai, rất thành thật, chẳng hư dối! Ngài đã thọ ký cho chúng con, đạt đến giải thoát vô vi. Chúng con hôm nay ở biển lớn, quy y Phật, Pháp và các Thánh chúng, thọ trì cấm giới, kính thuận Đức Như Lai, là ý nghĩa của sự quay về.
Đức Như Lai còn ở đời, chúng con luôn luôn đi đến yết kiến Đức Phật, cúi đầu, lắng nghe, thâu nhận nghĩa pháp. Sau khi Đức Phật vào Niết-bàn thì chúng con cúng dường xá-lợi. Chúng con đem tất cả mọi thứ để phụng sự xá-lợi của Đức Thế Tôn!
Đến đây, vua bốn loài chim cánh vàng nghe sự kiến lập của Đức Phật, sợ hãi mau chóng đi đến trước chỗ Đức Phật, cúi đầu dưới chân kêu rằng:
-Tại sao Đức Thế Tôn đoạt mất phần ăn của chúng con?
Đức Phật dạy rằng:
-Tóm lại có bốn thứ ăn buộc phải đến ba nơi. Những gì là bốn?
1. Chăng lưới săn cầm thú, tàn hại bầy vật nuôi, sát sinh hại mạng dùng làm đồ ăn thức uống thì đó là đến chỗ ác.
2. Cầm đeo gậy gộc, dao, xà mâu... chặt đâm, bức bách, xô xát bắn giết để cướp đoạt của cải người khác mà ăn uống thì đó là đến chỗ ác.
3. Tham tiếc, dua nịnh, tối loạn, phạm cấm giới, tà kiến, khéo lừa dối để được ăn thì đó là đến chỗ ác.
4. Chẳng phải thầy xưng là thầy, chẳng phải Thế Tôn xưng là Thế Tôn, rơi vào tà xưng là chánh, chẳng phải tịch tĩnh xưng là tịch tĩnh, chẳng phải thanh tịnh xưng là thanh tịnh, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh... Tự xưng dối trá để cầu mà được ăn.
Đó là bốn thứ ăn buộc phải đến ba chỗ ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Lời nói pháp của ta là trừ diệt bốn thứ ăn này. Chẳng phải vì nuôi dưỡng tấm thân này mà hại mạng của chúng sinh. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều tự yêu thân mạng, không ai tự ghét. Cho nên, muốn tự hộ trì thân thì phải hộ trì người khác, làm yên ổn chúng sinh. Như vậy, người thông minh chẳng dùng nguy hại bức bách người, điều chẳng nên làm, thận trọng chớ làm vậy.
Bấy giờ, vua của bốn loài chim cánh vàng đều cùng với hàng ngàn quyến thuộc, bạch Đức Phật rằng:
-Hôm nay chúng con tự quy y Phật, Pháp và Tăng chúng. Bắt đầu từ đây, chúng con sám hối tội lỗi đã phạm từ trước và phụng trì cấm giới. Bắt đầu từ hôm nay, chúng con thường dùng vô úy bố thí cho tất cả rồng, ủng hộ chánh pháp đến chừng nào Phật pháp còn trụ, tương thuận đạo pháp cho đến diệt tận, chẳng trái lời dạy của Đức Phật.
Đức Phật bảo bốn vua chim cánh vàng rằng:
-Thân các ông, thời Đức Phật Kim Nhân là bốn Tỳ-kheo tên là Hân Lạc, Đại Hân Lạc, Thượng Thắng, Thượng Hữu. Bốn vị Tỳ- kheo đó trái phạm giới pháp, tham đồ cúng dường, chí say mê hoặc, theo thân hữu trục lợi giàu sang, ý loạn ngã, ngã sở, rơi vào tà kiến, khinh các Tỳ-kheo, bức bách não hại họ, chẳng hộ trì thân, miệng, ý, làm nhiều việc ác. Nhưng các ông cúng dường Đức Phật Kim Nhân cũng nhiều chẳng thể kể. Do đó, nên các ông chẳng bị đọa vào địa ngục mà đọa vào loài cầm thú này. Trước sau, các ông sát sinh nhiều chẳng thể kể xiết, bị nhiều sự sợ hãi vì chẳng tự hộ trì.
Ngay tức thời, Đức Thế Tôn liền như hình dáng ấy mà hiện thần túc khiến cho bốn vua chim cánh vàng biết được đời trước mà họ đã cúng dường Đức Phật Kim Nhân và các đệ tử, việc làm phước tội đều nhớ ra được hết, mắt nhìn đều thấy việc làm của đời trước, họ bạch Đức Thế Tôn rằng:
-Tâm ấy cứng cỏi khó có thể điều phục, buộc lòng tham lam ghen ghét tạo nhiều điều nguy hại trái lời dạy tôn quý của Đức Phật Kim Nhân. Chúng con hôm nay bắt đầu nguyện, thà mất thân mạng chẳng dám phạm điều ác!
Đức Phật vì họ nói Kinh và thọ ký cho họ rằng:
-Thời Đức Phật Di-lặc, các ông đều sẽ được độ tại pháp hội thứ nhất. Phẩm 17: XÁ-LỢI
Bấy giờ, vua rồng biển và tất cả rồng bạch Đức Phật rằng:
-Bạch Thế Tôn, thật chưa từng có! Những điều thuyết giảng của Đức Như Lai làm yên ổn khắp tất cả, Ngài đã thọ ký cho các rồng và khai hóa quyến thuộc đều phát ý đạo. Ngài lại gia ân bố thí y cho các rồng. Các rồng đều đem đồ cúng dường cúi đầu phụng sự. Nhờ đó được hộ trì, rồi nhân đó phát ý đạo, thương xót chúng sinh, tu theo bốn Đẳng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, hưng long bốn ân, bố thí, nhân ái, lợi người lợi cho tất cả, cứu tế tụ hợp. Do hạnh đức này mà cát chẳng trút xuống thân, lìa khỏi mọi hoạn nạn.
Lại khi ý tịch tĩnh chẳng mất thân trời, biến làm loài rắn, đến bữa ăn sau cùng, chẳng gặp được ễnh ương, vua chim cánh vàng chẳng bắt ăn thịt. Đức Phật giáo hóa bốn loài chim đều hiểu biết đời trước.
Thời Đức Phật Kim Nhân làm bốn Tỳ-kheo, hành động hung bạo, chẳng thuận chánh pháp, bức bách người đồng học, nên đọa làm chim cánh vàng, tự bắt đầu hối lỗi, đổi lòng, thay hạnh, phát ý đạo lớn, hành bốn Đẳng tâm, chẳng hại quần sinh. Do được hộ trì tốt nên chúng con mãi được yên ổn, chẳng bị ăn thịt nữa, chí chẳng mang lo sợ, đêm dài không nạn đều là nhờ ân Đức Phật.
Hôm nay Đức Như Lai nhận lời mời của vua rồng, đã diễn bày sự che chở rộng rãi. Ví như hư không, không đâu chẳng che. Đến đây, Đức Thế Tôn trở lại cõi Diêm-phù-lợi thì các rồng ở trong biển không nơi quy ngưỡng. Kính xin Ngài gia thêm đại Bi, sau khi Đức Phật diệt độ, xin Ngài lưu lại toàn thân xá-lợi ở tại biển này để cho tất cả mọi loài đều được cúng dường hoa hương, âm nhạc, quần áo, cờ phướn... mà chuyển thêm công đức, mau thoát khỏi thân rồng, chóng được đạo Vô thượng chánh chân, tiếp tục được cứu tế.
Xin Đức Phật rủ lòng ban ân, tăng thêm uy đức để ước nguyện chúng con được kết quả!
Đức Phật dạy rằng:
-Hay thay! Ta theo chí nguyện của các ngươi!
Lúc ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với các con của rồng:
-Này các ông! Các ông chớ kiến lập tấm lòng này! Nó làm phương hại, phế bỏ tất cả mọi đức! Vì sao? Vì sau khi Đức Phật vào Niết-bàn thì xá-lợi được phân bố cho tám phương và phương trên phương dưới. Trời, rồng, quỷ, thần, tất cả nhân dân… những loài người, vật đi, bò, hít thở đều sẽ cúng dường hương hoa, âm nhạc, cúi đầu tự quy y. Xá-lợi ấy biến hóa hiện ánh hào quang người nhìn thấy vui mừng, biết được uy thần Đức Phật lồng lộng vô cực. Nhờ lòng tin đó, họ đều phát ý đạo Vô thượng chánh chân. Rồi hoặc thành Duyên giác, hoặc thành Thanh văn, hoặc sinh lên cõi trời hay trở lại được làm thân người, họ cùng với pháp gặp nhau, đời đời được độ. Xét như vậy thì khắp nơi nhờ được cứu tế.
Hôm nay, các ông đều tự cầu nguyện khiến Đức Thế Tôn ở tại biển cả mà diệt độ, cung cấp cho các ông toàn thân xá-lợi để độc quyền phụng hầu, thỏa lòng mong muốn, còn tất cả chúng sinh thì nhờ vào đâu mà được độ? Họ vĩnh viễn bị khôn cùng ách nạn, không một lần cứu hộ. Vì vậy ta nói rằng, chớ phát tấm lòng này, khiến Đức Phật Thế Tôn ở trong biển diệt độ để độc quyền phụng sự toàn thân xá-lợi mà cúng dường ư?
Các rồng đáp rằng:
-Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề! Tôn giả chớ nói lên lời nói ấy! Không lấy cái trí giới hạn ngăn ngại của thân mình để giới hạn trí vô cực của Như Lai. Đạo Thánh công đức Như Lai tự tại, không gì chẳng biến hiện, không xa, không gần, không đó, không đây, đi khắp mười phương.
Đạo thánh ấy như hư không. Trong khoảnh khắc phát ý có thể khiến cho cung điện của các rồng thần trong biển, khu vực, quận nước, huyện ấp, gò đống, trong loài người, đồng trống, trên trời, thế gian của tam thiên đại thiên thế giới, mỗi mỗi đều hóa hiện ra toàn thân xá-lợi của Đức Phật cho tất cả được cúng dường mà ở thân thể Đức Phật chẳng tăng chẳng giảm. Đức Phật phân thân ở vô số cõi Phật trong mười phương mà cũng không phân thân, hiện khắp tất cả mà chẳng đi chẳng lại. Ví như bóng mặt trời hiện ở trong nước, Đức Phật cũng chẳng sinh ra, cũng chẳng diệt độ thì làm sao muốn giới hạn tuệ của Như Lai ư? Muốn giới hạn tuệ của Như Lai là giới hạn hư không?
Tôn giả Tu-bồ-đề nghe các Long tử khen ngợi đức của Như Lai vô cùng vô cực, chẳng thể ví dụ, lặng thinh không nói.
Các rồng trong biển, chư Thiên trên hư không và các quỷ thần rất đỗi vui mừng đều phát ý đạo Vô thượng chánh chân.
Đức Phật khen ngợi các rồng con rằng:
-Hay thay, hay thay! Các ông là gương soi sáng! Thật đúng như lời nói không có khác vậy. Phật đạo cao diệu không bờ không cõi, không vuông không tròn, không rộng không hẹp, không xa không gần... ví như hư không không thể làm ví dụ. Phẩm 18: PHÁP CÚNG DƯỜNG
Đến đây, Đức Thế Tôn bảo vua rồng biển rằng:
-Việc giáo hóa ở biển lớn của ta đều đã chu tất, ta muốn trở về tinh xá.
Đức Phật liền đứng dậy cùng với đại chúng, theo thềm báu ra khỏi biển lớn. Ngài dùng trang nghiêm vô cực, uy thần rộng khắp trụ ở bờ biển. Lúc ấy, thần biển lớn tên là Quang Diệu liền dùng kệ khen ngợi rằng:
Thân ba mươi hai tướng
Được trời người cung kính
Thần Vô Thiện phụng kính
Cúi đầu Đấng Nhân Tôn.
Sáng như hoa trăm cánh
Giống như vầng trăng tròn
Đức thanh tịnh siêu tuyệt
Cúi đầu xin ban an.
Dung nhan đẹp thù diệu
Tướng trăm phước công đức
Tuệ đức Độ vô cực
Cúi đầu Thầy dẫn đường
Bố thí cho điều thuận
Tích lũy giới sạch trong
Sức nhãn nhục tối thắng
Cúi đầu Đấng Thế Tôn!
Vượt khỏi sức tinh tấn
Thiền định nghĩ thanh tịnh
Trí tuệ như hư không,
Cúi đầu xin về nương
Hành Từ tâm bình đẳng
Tu Bi nhiếp chúng sinh
Tâm Hỷ, thầy dẫn đường
Hộ trì qua bờ kia!
Tiếng hay như ai loan
Lời nói hơn tiếng Phạm
Âm vang ấy nhu nhuyến
Nguyện cui đầu kính lễ
Hàng phục được ma oán
Sức ấy không ai bằng
Tuân tu nguyên đạo pháp
Ba cõi thờ cúng dường
Tịnh trừ được ba cấu
Giảng ba pháp giải thoát
Danh vang ba ngàn cõi
Nên cúi đầu kính lễ
Thiện nguyện rất thành thật
Các pháp vượt lên trên
Hơn hẳn vua các nước
Của cải thường ban phát
Đã lìa bụi dua nịnh
Uy thần cao lồng lộng
Mặt sáng rất thù diệu
Nên con cúi lễ mừng
Tâm bền như kim cang
Ví như núi Tu-di
Ý chí giống như đất
Cúi đầu Đức như biển!
Vì người nói nghĩa Không
Thường tịnh Độ vô cực
Lòng bình đẳng sáng rực
Con nguyện tự về nương!
Khai diễn như cam lộ
Không đường đoạn dứt đường
Được người trời tôn kính
Cúi đầu Tối Thắng Tôn
Nghe trên trời, nhân gian
Danh xưng không thể sánh
Đức khắp chẳng thể lường
Cúi đầu Đấng Biển Đức
Lời nói như việc làm
Vì người nói bản hạnh
Vì mọi người giảng nói
Cúi đầu Đấng Điều Ngự
Vượt khỏi già bệnh chết
Chúng Hiền thánh cúng dường,
Diễn nói câu giải thoát
Cúi đầu nương theo Phật
Phân biệt tội phước ứng
Trừ tăm tối tà kiến
Vì hiện hạnh chánh đạo
Nương theo Đấng Tối Thắng
Đem kinh báu bố thí
Pháp lạc xét suốt thông
Lòng bình đẳng bạn, oán
Xin quy y Thế Tôn
Đạo sư Con ngợi khen
Với đức Độ vô cực,
Sở dĩ khen ngợi phước
Nguyện sau như Thế Tôn!
Đến đây, thần biển Quang Diệu nói bài kệ khen Phật này xong, hiển dương biển lớn, Đức Như Lai ra khỏi biển. Thần biển Vô Uy nguyện Đức Phật rủ lòng ra ân ban lời pháp giáo, khiến cho trong biển này, nhờ sự trang nghiêm ấy mà được độ thoát.
Đức Phật bảo thần biển rằng:
-Có mười pháp hạnh được đến trang nghiêm. Những gì là mười?
1. Hộ trì các căn được mười điều thiện thanh tịnh.
2. Chí ở tâm Từ chẳng hại chúng sinh.
3. Ý kiến lập đại Bi, phát khởi đạo Vô thượng chánh chân.
4. Tất cả bố thí dùng ngàn ấy hạnh trang nghiêm nguyện của mình.
5. Dùng đại tinh tấn đầy đủ thiện pháp, lòng thường tịch nhiên.
6. Chẳng trái gốc đức, ưa thích kinh pháp.
7. Trí tuệ thanh tịnh, dùng hạnh từ mẫn.
8. Khai hóa chúng sinh, kiến lập ở đức chân chánh.
9. Vào đến thù thắng đạt được an lạc.
10. Chứng được ý Phật, dẫn đường bằng lời Phật dạy.
Đó là mười pháp đạt đến trang nghiêm.
Thần biển lớn Quang Diệu cùng với hai vạn thiên thần phát ý đạo Vô thượng chánh chân đều cùng khen rằng:
-Hôm nay, Đức Phật đã đem trang nghiêm đến biển lớn này! Vì sao? Vì nếu phát khởi ý đạo tức là trang nghiêm ba ngàn thế giới, huống gì là biển ư? Chúng con đã phát những tâm thông tuệ, tất cả công đức trang nghiêm. Chúng con ở tại biển này, Đức Như Lai hiện tại hoặc sau khi diệt độ, chúng con cũng ủng hộ Phật pháp khiến cho pháp ấy được lưu truyền.
Đức Như Lai vào thành, thị hiện mọi trang nghiêm, dùng ân pháp hóa làm giảng đường.
Đức Phật bảo thần biển Quang Diệu rằng:
-Ông trước sau đã cúng dường hàng vạn Đức Phật và lập đại điện khắp nơi, lại còn ủng hộ chánh pháp. Ông, tiếp theo sẽ cúng dường các Đức Phật ra đời ở kiếp Hiền, sẽ dẫn đường Chánh pháp. Cuối kiếp Hiền rồi, ông sẽ sinh ra ở thế giới Diệu lạc, nước của Đức Phật Vô Nộ, chuyển thân nữ nhân được làm thân nam. Đức Như Lai Vô Nộ sẽ thọ ký cho ông thành đạo Vô thượng chánh chân.
Thần biển Quang Diệu nghe Đức Phật thọ ký, rất vui mừng, liền lấy chuỗi ngọc giá trị hơn cả báu của biển, tung lên trên Đức Phật mà khen rằng:
Phật dùng tiếng Thánh đế
Năng Nhân thọ ký con
Con do dự chẳng màng
Sau sẽ thành Phật chăng?
Dù khiến ba ngàn cõi
Kia dù có nát tan
Khiến trăng rơi xuống đất
Lời Phật nói chẳng quên.
Quẩn cảnh giới từ chí
Tinh tấn, lòng sạch trong,
Nay xét ta trang nghiêm
Cung kính nghĩa tuệ pháp.
Nhìn các hạnh an trụ
Giải quyết nghi bằng tuệ
Rõ lòng như sóng nắng
Lời nói rất thành thật
Trừ mọi khổ ban an
Mất mạng cứu lo sợ
Trị liệu không khó thêm
Cúi đầu Tối chánh giác
Độ thoát các đường ác
Quy mạng chiếu Thế Gian
Đạo sư sáng vô cùng
Cúi đầu đạo Phật nói
Nếu có nghe tiếng Phật
Các trời, người lợi ích.
Phật Pháp, hạnh sạch trong
Chí ở tại Phật đạo
Đường ác chẳng nương theo
Liền bỏ được tám nạn.
Sinh lên trời, nhân gian
Sau được dấu Tịch Nhiên.
Đến đây, con vua rồng tên là Thọ Hiện bạch Đức Phật rằng:
-Vô số trời, rồng, quỷ, thần, thần Hương Âm, thần Vô Thiện, thần Phượng Hoàng, thần Núi, thần Điềm Nhu cúng dường Đức Phật, đích thân con cũng sẽ cúng dường chút ít Đức Như Lai Chánh giác! Giả sử Đức Thế Tôn thương xót cho phép thì con sẽ hóa làm đại điện ví như cung điện tối thượng của trời Đao-lợi để Đức Phật và đệ tử đều ở trên điện ấy mà tiễn đưa đến núi Linh thứu.
Đức Thế Tôn nói rằng:
-Ông nên biết! Nguyện của ông thật đúng lúc!
Rồng con Thọ Hiện tự dùng thần lực, nương Thánh chỉ Phật hóa làm đại điện như cung điện của trời Đao-lợi.
Đức Phật và chúng hội đều ở trên điện ấy, ở giữa hư không, cùng với tám muôn bốn ngàn vua rồng, các hoàng hậu, tấu lên đàn cầm sắt, mưa xuống mọi loại hoa và tất cả các hương thơm, tiễn đưa Đức Thế Tôn đi đến núi Linh thứu. Con vua rồng biển cùng với mọi người trong cung, ở trước Đức Thế Tôn, cúi đầu quy y nguyện chu cấp chẳng sánh kịp. Vì sao? Vì sự hưng khởi cúng dường phải như báu ấy. Đức Phật là ruộng phước vô thượng của tất cả, Đức Thế Tôn là báu lớn. Giả sử A-la-hán đầy trong tam thiên đại thiên thế giới đều cúng dường họ đến trăm ngàn kiếp thì chẳng bằng phụng sự hầu hạ Đức Như Lai Thế Tôn. Con vua rồng biển lại hỏi Đức Thế Tôn:
-Sao gọi là Bồ-tát cúng dường Như Lai?
Đức Phật dạy rằng:
-Hãy lắng nghe! Hạnh Bồ-tát cúng dường Như Lai là lòng họ thanh tịnh, trừ diệt các lầm lỗi mà không dua nịnh, bản tánh tự nhiên, chẳng chấp trước tất cả các gốc thiện, không có lòng tổn hại, bình đẳng quan sát chúng sinh, trừ diệt lòng yêu tà, hành động tinh khiết, lời nói hành động tương ứng, chẳng lấn lướt, lừa dối đời, đủ trí Hiền thánh, uy nghi đức độ, bình đẳng với tất cả mà chẳng trái bỏ, đại nguyện Hiền thánh, ưa thích nơi thanh vắng, xả bỏ mọi não, tự điều phục lòng mình, nghe pháp tư duy, hiểu rõ chân lý.
Không ngã, không nhân không thọ, không mạng, thể nhập nghĩa không, vào khắp tịch diệt, quán không, không tướng, không nguyện, đạt đến ba pháp giải thoát. Pháp như vậy điều phục các tà, bỏ thường, vô thường, chẳng khởi chẳng diệt, chứng được pháp nhẫn, vốn thanh tịnh không nhân, không thân miệng ý, chí hành nhân duyên. Đó là đúng pháp cúng dường Như Lai.
Tạo tác thân, miệng, ý thì chẳng cúng dường, không có tạo tác, chẳng tiến chẳng lùi, thanh tịnh ba đạo tràng, bình đẳng với ba đời, trừ khử ba cấu, chẳng đắm trước ba cõi, vào ba cửa giải thoát, được ba đạt trí thì đó gọi là cúng dường Như Lai.
Vua rồng biển hỏi Đức Như Lai rằng:
-Nếu có người dùng hương hoa, hương trộn lẫn, hương bột, lọng báu, cờ phướn bằng lụa ngũ sắc, âm nhạc, y phục, các thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh... để cúng dường Như Lai thì có đúng pháp cúng dường không?
Đức Phật dạy rằng:
-Này Long vương! Tùy theo sự gieo trồng nào thì đều được những loại ấy. Sự cúng dường này chẳng làm cứu cánh! Lìa khỏi phiền não, gieo trồng gốc đức, đạt đến sự giải thoát của tâm Hiền thánh, chẳng làm điều không có đức thì chẳng đến được vô thượng. Bồ-tát có bốn việc đúng pháp cúng dường Như Lai. Những gì là bốn?
1. Chẳng bỏ tâm đạo, gieo trồng các gốc đức.
2. Tâm kiến lập đại Bi, tập hợp tuệ phẩm.
3. Kiến lập đại tinh tấn, nghiêm tịnh cõi Phật.
4. Vào pháp thâm diệu, tâm được pháp nhẫn.
Đó là bốn việc tôn kính Như Lai làm sự cúng dường vậy.
Bấy giờ, trong thành Vương-xá, từ Phạm chí, Trưởng giả và vô số nhân dân, Tôn giả, đại thần... lên đến vua A-xà-thế của nước Ma-kiệt nghe Đức Phật ở cung vua rồng biển lớn, được thỉnh trở lại núi Linh thứu thì bảy vạn hai ngàn người đều đi đến chỗ Đức Phật.
Vua A-xà-thế cùng với quan lại, quyến thuộc gồm ba vạn hai ngàn người ra khỏi thành Vương-xá, đi đến núi Linh thứu, cúi đầu dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh Ngài ba vòng, rồi lui về đứng một bên, bạch trước Đức Phật rằng:
-Đức Phật vào biển lớn thì nước đi đến đâu?
Đức Phật dạy rằng:
-Này đại vương! Nếu có uy quang của tâm Tỳ-kheo định ý chánh thọ thì dù khắp nơi thấy đầy lửa thì nước chỗ ấy vẫn an trụ!
Nhà vua thưa:
-Là sự đạt đến của Tam-muội tự tại! Thưa Đấng Thiên Trung Thiên! Là sự tạo tác của tâm chí vậy!
Đức Phật nói rằng:
-Chắc nhà vua được sự hưng khởi Tam-muội tự tại của Thanh văn rồi sao? Vận hành của tâm ư? Như Lai luôn định, bình đẳng với tất cả pháp, hiểu rõ ngồi, đứng dậy mà được tự tại, đối với pháp vẫn tôn trọng mà tâm không gì ngăn ngại. Phật vào biển lớn mà những loài sống ở nước biển ấy tiếp tục thấy như cũ. Người sống trên đất nhìn đến biển lớn thấy nước biển ấy khô ráo, chỉ thấy mọi thứ báu trang nghiêm ở đó ví như cung điện được trang nghiêm của chư Thiên ở cõi trời thứ sáu Tha hóa tự tại vậy. Ánh sáng của Phật soi khắp cung điện của các rồng, cung điện của thần Hương Âm, cung điện của thần Vô thiện, những loài có máu sống trong biển lớn ấy đều tu hành lòng từ, ý nhân, hòa hướng đến nhau không ôm lòng độc hại.
Vua A-xà-thế bạch Đức Phật rằng:
-Vua rồng biển ấy đã phát ý đạo Vô thượng chánh chân bao lâu rồi? Phụng sự bao nhiêu Đức Phật? Khi nào sẽ chứng được Tối chánh giác? Hiệu của ngài là gì?
Đức Phật bảo nhà vua rằng:
-Thuở xa xưa, vô số kiếp nhiều chẳng thể nghĩ bàn, lúc đó có Đức Phật hiệu là Quang Tịnh Chiếu Diệu Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư hiệu Phật Thế Tôn. Ở phương Đông có thế giới gọi là Thiện tịnh hiện, kiếp tên là Khả ý tịch. Thế giới Thiện tịnh hiện bằng phẳng, thảy đều trang nghiêm. Giả sử dùng cả một kiếp để khen ngợi công đức của thế giới ấy cũng chẳng thể rốt ráo. Có vị Chuyển luân thánh vương hiệu là Hộ Thiên thường cúng dường Đức Như Lai Quang Tịnh Chiếu Diệu, suốt bốn trăm hai mươi vạn năm đều bố thí tất cả.
Cuối số năm này, ông nằm ngủ, trong mơ tự nhiên ứng điềm nghe bài kệ này:
Vua đã cúng dường bậc Đại Thánh
Rất nhiều vô lượng khó nghĩ bàn.
Thường khởi Từ bi với chúng sinh,
Sẽ phát tâm tối thượng Bồ đề.
Cúng dường đó tôn diệu đệ nhất
Đây là cung kính các Thế Tôn.
Nếu có thể phát chí Bồ-tát
Tức là đức uy thần độ thế.
Đức Phật bảo vua A-xà-thế rằng:
-Chuyển luân thánh vương Hộ Thiên ấy nằm mơ nghe bài kệ này rồi, thức dậy tự lấy làm kinh sợ quái lạ: “Ta cúng dường Đức Phật suốt bốn trăm hai mươi vạn năm, Đức Phật nói kinh pháp, chương cú đều khác mà ta chưa từng nghe như bài kệ kinh này. Là lời nói của Phật hay lời tà ma”?.
Vua liền chú giải văn kệ mà đọc tụng. Đức Như Lai Quang Tịnh Chiếu Diệu du hành đến các nước. Vị Thánh vương cùng với tám muôn bôn ngàn vị vua và tám muôn bôn ngàn hoàng hậu, thần dân trong nước, những vị vua đến ấy đều có tám muôn bốn ngàn người đi theo... tất cả đều đi theo Đức Phật, muốn ngài giải thích sự nghi ngờ ấy. Họ liền theo kịp Đức Phật, cúi đầu dưới chân Ngài, kính hỏi không lường, bạch Đức Phật rằng:
-Con cúng dường Đức Phật suốt bốn trăm hai mươi vạn năm, nghe Đức Phật nói kinh pháp ngần ấy nghĩa. Đêm qua con nằm mơ, trong mơ thấy Đức Phật nói hai bài kệ này. Thức dậy con kinh hoàng quái lạ vì con chưa nghe bài kệ này từ Đức Như Lai nên chẳng biết là lời khen của Đức Phật hay là lời nói của ma? Hôm nay, từ xa đến muốn Đức Phật giải thích sự nghi ngờ này! Nguyện xin Đức Thế Tôn phân biệt giải nói cho.
Đức Phật bảo vua Hộ Thiên rằng:
-Đó là lời khen ngợi của ta, chẳng phải là lời nói của ma.
Nhà vua lại bạch Đức Phật rằng:
-Con phụng sự Đức Thế Tôn ngần ấy ức năm, cúng dường y phục, vật thực không hề thiếu thốn, Ngài vì con nói kinh, chương cú đều khác. Lúc ấy, sao Ngài chẳng khen nghĩa này?
Đức Phật dùng kệ đáp:
Tâm người hèn yếu chưa thể biết
Chưa thấy sâu việc phước mới quen
Chẳng thể vì nói pháp vi diệu
Trong lòng nghi sợ hoặc từ chối.
Đã hiểu tội phước, tin Phật pháp
Chẳng lay động, lòng chắc ý bền
Mới nên vì nói việc Bồ-tất
Mới hiểu đến Vô cực tuệ thông.
Lúc ấy, nhà vua và quần thần, phi hậu, nhân dân... trong lòng rất mừng đều phát ý đạo Vô thượng chánh chân và an trụ nơi địa không thoái chuyển.
Họ liền dùng kệ khen ngợi Đức Thế Tôn rằng:
Chẳng do tham các sắc
Cũng chẳng dựa âm thanh
Hương xông, vật dụng đẹp...
Đó chẳng thể được quả Phật
Lìa giải đãi, khiếp nhược
Lánh phạm pháp, ghét ghen
Trừ sân hận rối loạn
Mới được thành Chánh giác.
Xả thân vì yên ổn
Chịu khổ thay chúng sinh
Tinh tấn muốn ưa pháp
Như vậy mới thành Phật.
Con nay nguyện đạo lớn
Phật, trời chứng cho con
Xin Đạo Sư tạo hạnh
Khiến lời không thể khác.
Trong mơ nghe tâm đạo
Chí Đại thừa học xong
Tạo tác tuệ vô ngại
Được đến Phật Pháp Vương.
Đức Phật Thích-ca bảo vua A-xà-thế rằng:
-Ông muốn biết Chuyển luân thánh vương Hộ Thiên lúc ấy là ai không?
-Ông ấy nay là vua rồng biển đó! Lúc đó, ông mới bắt đầu phát ý đạo Vô thượng chánh chân. Lại còn câu hỏi của nhà vua, khi nào thành Phật? Thì vua hãy lắng nghe!
Qua hai trăm lần vô số kiếp thì sẽ thành Phật hiệu là Vô Cấu Tịnh Vô Lượng Đức Siêu Sở Hữu Vương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thế giới tên là Pháp âm thanh, kiếp tên là Thủ hoa.
Thế giới Pháp âm thanh ấy do mọi thứ báu hợp thành ngần ấy chủng loại sắc hình. Đất bằng phẳng như bàn tay. Đất cõi ấy mềm mại như dải lụa trời, có hàng vạn ức núi An minh rộng lớn khó lường, yên ổn, giàu có, thuần thục, ngũ cốc dư thừa, người trời đông đúc, áo quần ăn uống như cuộc sống của người trên cõi trời thứ sáu.
Ở thế giới Pháp âm thanh, những cây, rễ, lá, thân, đốt, hoa, quả đều bằng bảy báu đều phát ra vô số ngần ấy trăm ngàn âm thanh đạo pháp. Nhân dân cõi ấy giống như chư Thiên. Lời nói biến hóa, âm thanh nhu nhuyến đều nương theo pháp âm tịch nhiên đạm bạc và lời dạy bốn ân, trí độ vô cực của Phật pháp, phương tiện thiện xảo, diệt định, ly dục, Không, Vô tướng, Vô nguyện, vô vi, vô số... Vì vậy nên cõi ấy có tên là Pháp âm thanh. Như có người trời ở cõi ấy ưa pháp hoan hỷ thì đều sẽ vào hàng Đại thánh, phân biệt các tuệ, xét biết chân thật rốt ráo, phát ý đạo Vô thượng chánh chân.
Khi Đức Phật ấy muốn nói pháp thì thân Ngài phóng ra ánh sáng lớn soi khắp cõi Phật. Trong ánh sáng ấy phát ra hàng ức tiếng giảng nói pháp của Phật. Các trời, người thấy ánh sáng nghe lời pháp đều rất hớn hở vui mừng đi đến tự quy y, cúng dường Đức Như Lai.
Vô số người ấy dùng sức thần túc bay đi trên hư không, hóa làm hoa sen báu mà ngồi lên. Đức Như Lai ngay lúc đó cũng ngồi trên tòa Sư tử ở trong hư không vì các Bồ-tát giảng nói kinh đạo. Vô số trăm ngàn những Bồ-tát ở khắp mười phương đều sẽ đến trong hội, nghe nhận kinh pháp. Nhân dân nước ấy đều ưa kinh pháp, cũng không có sự nhiễu hại của các ma, cũng không theo những đạo khác, cũng không bị chết oan uổng.
Đức Phật ấy sồng lâu mười hai kiếp. Các hạnh Bồ-tát vượt qua khỏi hư không. Nước ấy trang nghiêm không lường như vậy. Đức Phật nói pháp không giới hạn, Bồ-tát nhiều vô số. Phẩm 19: KHÔNG TỊNH
Vua A-xà-thế bạch Đức Phật rằng:
-Kính thưa Đức Thế Tôn! Ngài thường đối với các pháp có lòng xót thương lớn! Nhưng các pháp dối trá mê hoặc, khởi lên tưởng, rồi tùy theo tham dục ấy đắp đổi mê hoặc nhau. Hạnh Bồ-tát chẳng thể kể lường. Đó là vì Bồ-tát phải tu đạo hạnh để đến cõi Phật trang nghiêm đầy đủ kia. Hạnh tu của các Bồ-tát đều phải học hỏi hộ trì cõi Phật, như đất nước nghiêm tịnh của vua rồng biển.
Đức Phật dạy rằng:
-Đúng vậy, đúng vậy! Này đại vương! Tất cả các pháp đều từ ý niệm dấy khởi, rồi tùy theo tạo tác ấy mà đều thành tựu. Các pháp không trụ cũng không có xứ sở.
Lúc ấy, vua A-xà-thế nói với vua rồng biển rằng:
-Hay thay! Vì ông được lợi ích nên mới khiến cho Đức Như Lai thọ ký cho ông. Ông sẽ thành Phật, có đất nước thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn.
Vua rồng đáp rằng:
-Pháp không có thọ ký! Vì sao? Vì các pháp đều tịnh, do gieo trồng “ấm”, “nhập” mà giả danh gọi “người”. Sự thọ ký ấy không ấm, không nhập. Do có danh sắc mà giả danh gọi là người. Người thọ ký ấy không danh không sắc. Nhân duyên báo ứng nên thấy, nghĩ, tưởng niệm mà giả danh gọi là người. Người thọ ký ấy không có báo ứng, không thấy, không nghĩ, không tưởng, không niệm. Giả sử Bồ-tát bình đẳng tu hành gốc đức thì gốc đức đó cũng không thọ ký vậy. Tướng của các pháp rỗng không, không thọ ký. Tất cả các pháp vô tướng, vô nguyện, vô vi, vô số nên chẳng thọ ký vô tướng, vô nguyện, vô vi, vô số vậy.
Vua rồng lại nói với vua A-xà-thế rằng:
-Đại bi của chư Phật thật chẳng thể nghĩ bàn! Các kinh không tên, không có tư tưởng mà nói có tên có tư tưởng! Các Đức Phật Thế Tôn không tên, tướng, thức mà nhân theo thế gian thị hiện có thọ ký vậy. Sự thọ ký đó cũng không có pháp nhận thọ ký, cũng không có trong ngoài sẽ nhận thọ ký!
Vua A-xà-thế lại hỏi vua rồng rằng:
-Đã được Pháp nhẫn, chứng hạnh bình đẳng, Bồ-tát như vậy mới được thọ ký ư?
Vua rồng biển đáp rằng:
-Nhẫn ấy đều không, tưởng chẳng thể tận, hiểu rõ rốt ráo đến với bản tế, bản tế của bình đẳng, bản tế của vô tận, bản tế của vô ngã, bản tế của ngã, ngã sở, bản tế của chân lý, đến với rốt ráo, không thành tựu bản tế.
Bản tế ấy đã rỗng không đến với bản tế giải thoát, bản tế của tham sân si. Có rõ bản tế đó thì không chỗ tựa. Không chỗ tựa thì giả sử đối với âm thanh không hội hợp. Không hội hợp thì chẳng chấp trước, không giải thoát. Không giải thoát, không hạnh thì hành không chỗ hành, cũng không gì chẳng hành, cũng không chỗ lo. Đã không chỗ lo thì đối với Bồ-tát ấy nhìn tất cả các hạnh tạo tác, đối tượng thấy đều không thấy. Giả sử không có đối tượng thấy, chẳng tạo tác chân lý mà đã vào bình đẳng, đã có chỗ trụ, đã vượt bình đẳng thì chẳng tàn, chẳng loạn, chẳng mất đi, chẳng bộc lộ ra. Do bình đẳng với các pháp, sau đạt được nhẫn. Cái gọi là nhẫn và sự thọ ký đó là nếu thọ ký rồi và người được thọ ký thì đó là tất cả pháp đều là pháp bình đẳng. Các pháp giới rốt ráo không pháp giới, chẳng dùng thọ ký để quyết định, cũng không có cái để thành.
Quan sát pháp này rồi, xem xét nghĩa lý ấy thì các pháp không thể kể xiết. Ví như hư không chẳng thể kể số lượng, vượt qua các số lượng. Các pháp là như vậy!
Khi vua rồng biển nói lời nói đó, thì hai vạn vị Bồ-tát được pháp Nhẫn bất khởi, hàng trăm vị Tỳ-kheo hết, lậu hoặc, được giác ngộ.
Bấy giờ, vua A-xà-thế bạch Đức Phật rằng:
-Bạch Thế Tôn! Biện tài của Long vương thật chưa từng có.
Đức Phật nói rằng:
-Chưa thật kỳ lạ, chẳng lấy làm khó! Người mới phát ý nghe pháp đó mà chẳng lo, chẳng khó, chẳng sợ thì đó mới là khó. Vì sao? Vì đó là đạo pháp gốc của các Đức Phật Thế Tôn. Khó bì kịp như vậy nên ít có người tin. Trên trời, người thế gian chẳng thể nhận, chẳng vào, chẳng tin, chẳng ưa thích. Vì vậy, ông nên biết, nếu có người nghe kinh pháp thâm diệu đó chẳng sợ sệt thì đây mới là điều khó. Đời trước cúng dường vô số Đức Phật đâu có gì khó. Ví như có người, hư không không có hình mà họ hiện ra hình tượng thì đó là khó chăng?
Đáp rằng:
-Rất khó, thưa Đấng Thiên Trung Thiên!
Đức Phật dạy rằng:
-Nếu có người nghe nghĩa thâm áo của kinh này, tin ưa tất cả đều biết là không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, có người đã tin, có người sẽ tin, thì những người này chính là hạng người bình đẳng sáng suốt thuận theo Như Lai, là bạn thân, thầy tốt. Họ có thể đủ sức tin ưa, diệt trừ phiền não, vì tất cả mọi người giảng nói kinh pháp, có thể đi đến đạo tràng dùng tâm Từ hàng phục trăm ngàn ức ma và vua quan khác. Vì đối với các pháp được tự tại nên lòng họ thanh tịnh, các tuệ thông đạt gần ở trước mắt. Trong khoảnh khắc phát ý, họ thành tựu trí tuệ sáng suốt, chứng Tối chánh giác, khuyên bảo chúng sinh, biết tất cả tâm và các căn của mà chuyển bánh xe Vô thượng đại pháp, trị liệu tất cả bệnh, khai hóa ngoại đạo, phá tan thù oán, thổi loa Đại pháp.
Đến đây, vua rồng biển đạt hết ước nguyện, chẳng mất chí hướng, nghe được sự thọ ký hớn hở vui mừng, lòng thiện phát sinh. Vua rồng vọt lên hư không dùng kệ khen Đức Phật rằng:
Vốn thanh tịnh như hư không
Không sắc không thọ không sở
Như vậy nói pháp an trụ
Hư không tự nhiên trùm khắp.
Danh chẳng có mà chẳng không
Tạo nhân duyên và báo ứng
An trụ giảng nói chẳng tranh
Không nhân, mạng, không thọ, thức.
Tất cả pháp rất sạch trong
Ngã, ngã sở tịnh, bình đẳng
Ngã, ngã sở, pháp thanh tịnh
Hiểu vậy tức được thọ ký.
Xét pháp giới vốn sạch trong
Cõi người tịnh cũng như vậy
Như cõi chúng sinh lặng yên
Phật pháp lặng cũng như vậy.
Nếu pháp của Phật thanh tịnh
Cũng bằng các cõi Phật tịnh
Giả sử cõi Phật sạch trong
Các tuệ tịnh không sai khác.
Các pháp tịnh do số, tên
Vì kể số, tên chẳng được
Do tưởng số tên vốn không
Các danh số ấy không ngại.
Ý niệm của các chúng sinh
Không kiến, không sắc, không thanh
Như không thành tâm ý thức
Các pháp rỗng ấy không tâm.
Hoặc tạo tác, không tạo tác
Có tội duyên, không người nhận
Không kẻ lầm lỗi xưa nay
Gọi Vô tịch nhiên, Niết-bàn.
Vào nguồn bản tế không ngại
Vô ngã tế vốn hư không
Chọn các tế, được bình đẳng
Biết chúng sinh vốn chân thật.
Bản tế khứ, lai, hiện tại
Trí thông đạt các tế ấy
Tuệ ngang bằng vô tế môn
Xét pháp giới chủng tánh Phật
Chẳng khởi diệt Tối Thắng Tràng
Không, vô tướng, nguyện vốn tịnh
Không tiếng nói pháp chân thật
Là Địa tịch tĩnh các Thánh.
Các pháp tịch tĩnh nếu thông
Tự vui như nắm hư không
Không ngã, ngã sở tịch tĩnh
Giả như đây ưa pháp Thánh
Pháp, Phật mười phương đã nói
Phật vị lai sẽ tuyên dương
Tiếng vị lai bình đẳng cả
Theo tiếng hiện vào vô thanh.
Tiêng rỗng tự nhiên như vang
Các pháp không, như niệm rỗng
Vô pháp, phi pháp dạy răn
Thật vốn không, chẳng thể được.
Tất cả pháp, vô chủ tên
Ngần ấy tưởng niệm chẳng sáng
Chẳng thể được người thanh tịnh
Các pháp vốn tịnh như vậy. Phẩm 20: CHÚC LỤY THỌ TRÌ
Đến đây, Đức Thế Tôn bảo các vị Đại sĩ rằng:
-Các ông phải giữ gìn đạo Vô thượng chánh chân của Như Lai nói này, khiến được tồn tại lâu dài. Ai có thể đủ sức thọ trì đọc tụng, giảng nói đúng như kinh này?
Tức thời, hai vạn Bồ-tát, một vạn Thiên tử đứng dậy ở trước Đức Phật, đồng thanh bạch Đức Thế Tôn rằng:
-Chúng con sẽ thọ trì đúng như kinh này! Sẽ khiến lưu bố cùng khắp xa gần!
Đức Phật lại hỏi rằng:
-Các ông làm sao mà ngự trị pháp, giữ gìn đạo Vô thượng chánh chân của Như Lai?
Trong số đó có một vị Bồ-tát tên là Tuệ Anh Tràng, bạch Đức Phật rằng:
-Kính thưa Đức Thế Tôn! Xét kỹ các pháp đều không có cái để giữ gìn. Đâu có thể gìn giữ Phật đạo một cách mơ hồ được ư?
Đức Thế Tôn đáp rằng:
-Này Thiện nam! Như thế là phù hợp gìn giữ Phật đạo!
Bồ-tát Đẳng Kiến bạch Đức Phật rằng:
-Đo lường xem xét Phật đạo thì bằng với tội năm nghịch, hiểu chút ít lờ mờ giữ gìn Phật đạo được ư?
Đức Thế Tôn dạy rằng:
-Này Thiện nam! Vậy nên ông là người ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai.
Bồ-tát Vô Kiến thưa rằng:
-Kính thưa Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy pháp phàm phu, cũng chẳng thấy pháp học và chẳng học, chẳng thấy pháp Duyên giác và Bồ-tát, cũng chẳng thấy pháp Phật. Con có thọ trì được pháp của Như Lai ư?
Đức Thế Tôn dạy rằng:
-Này Thiện nam! Do sự tịch tĩnh đó nên ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai vậy.
Bồ-tát Chư Pháp Vô Sở Nguyện thưa rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con vĩnh viễn chẳng biết cái phải giữ gìn của tất cả các pháp, chắc có thể được giữ gìn pháp của Như Lai ư?
Đức Thế Tôn dạy rằng:
-Này Thiện nam! Do sự tịch tĩnh đó nên ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai!
Bồ-tát Bất Tuần thưa rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con tự chẳng làm, cũng chẳng điều khiển tâm, cũng chẳng phát ý. Con chắc được trì pháp của Đức Như Lai ư?
Đức Thế Tôn dạy rằng:
-Này Thiện nam! Do sự tịch tĩnh đó nên ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai!
Bồ-tát Vô Đắc bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nói pháp và phi pháp, chẳng diễn nói pháp trừ các tưởng về pháp thì hành giả như vậy là hộ trì tất cả pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Vô Tại bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe nhận pháp ứng hợp chẳng ứng hợp là hộ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Hư Không Tạng bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu quan sát các pháp bình đẳng như hư không, chẳng thấy pháp đó có sự giữ gìn là hộ trì tất cả pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Độ Kim Cương Tác bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Chẳng hoại pháp giới, vào với cõi người và cùng pháp giới là trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Độ Bất Động Tích bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu đối với pháp không gì động chuyển, chẳng dựa pháp và phi pháp là hộ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Trào Ma bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu đến cõi ma, cõi Phật thì đối với cõi Phật và cùng đi cõi ma đều cho là vào cảnh giới các pháp. Đó là hộ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Vô Trước bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu đôi với các pháp đều không nắm giữ mà tất cả lỗ chân lông đều phát ra âm thanh pháp là hộ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Phổ Tịch bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Chẳng ủng hộ các ma, tu hành đạo Bồ-tát là hộ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bồ-tát Hải Ý bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu dùng hải ấn bình đẳng với tất cả pháp, tu tất cả vị giải thoát mà biết tự nhiên là hộ trì pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên tử Tu Thâm bạch rằng:
Bạch Thế Tôn! Nêu có chỗ sinh, chẳng khởi chẳng sinh các ấm, chủng, nhập, không tâm ý thức là hộ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên tử Vô cấu Quang bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu thấy các pháp không phiền não, không tỳ vết, giải thoát các thọ là hộ trì pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên tử Độ Nhân bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu độ chúng sinh chẳng biết có chúng sinh, độ không chỗ độ, đã có chỗ độ thì thị hiện quay trở lại, chẳng trụ đó, đây. Đó là thọ trì pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên tử Hiền Vương bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu đối với chúng sinh mà bình đẳng tất cả, các pháp đã bình đẳng, bình đẳng các cõi nước, bình đẳng các Phật đạo là thọ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên tử Tự Tại bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Nếu đốivới các pháp mà được tự tại, đối với khắp các pháp chẳng khởi chẳng diệt là thọ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên tử Thiện Niệm bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con chẳng nghĩ pháp cũng không nắm bắt, cũng chẳng có tưởng là thọ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên nữ Liên Hoa bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Biết tất cả pháp đều là Phật pháp, chẳng thành Chánh giác mà không gì chẳng giác là thọ trì chánh pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nữ! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiên nữ Ma Du Thượng bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con chẳng chấp nữ, cũng chẳng chấp nam. Như tưởng Phật pháp và pháp tưởng giới nữ cũng lại đồng đẳng. Các pháp tưởng này tức là chẳng phải pháp, cũng chẳng phải không pháp, không hai không một cũng không chỗ đến. Con được thọ trì pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nữ! Đó là ứng với tịch nhiên.
Bảo nữ bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Con chẳng thấy Phật đạo của Đức Phật, nhìn thấy hạnh Bồ-tát, được mặc áo giáp tất cả chí đức, chẳng xét đến gốc ngọn là thọ trì pháp ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nữ! Đó là ứng với tịch nhiên.
Thiện nữ Vô Cấu Quang bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Đối với tất cả pháp chẳng khởi tưởng về pháp, đối với tất cả người chẳng khởi tưởng về nhân, cũng chẳng tưởng nghĩ đến pháp nhân pháp Phật, nhìn thấy các Phật pháp nhập vào tất cả pháp, chẳng thấy gốc ngọn. Con được thọ trì chánh pháp của Đức Phật ư?
Đáp rằng:
-Này Thiện nữ! Đó là ứng với tịch nhiên. Kiến lập hạnh như vậy chính là thọ trì Phật pháp.
Đến đây, trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng:
-Thật chưa từng có, thưa Đức Thế Tôn! Lời nói biện tài của những thiện nữ này chẳng thể nghĩ bàn! Họ dùng phương tiện phân biệt, tổng hợp ngần ấy âm thanh, lời nói văn tự giảng về pháp giới chẳng rối loạn các pháp, các pháp bình đẳng, như diễn nói đạo bình đẳng chẳng sai khác.
Đức Phật dạy rằng:
-Đúng vậy, này Câu-dực! Những thiện nữ đó phân biệt vô lượng pháp, chẳng thể nghĩ bàn, cúng dường phụng sự Phật nhiều chẳng thể kể, đã được pháp nhẫn. Lại, này Câu-dực! Kinh này hiệu là Bất Khởi Nhẫn Trì Vô Sở Ngự, ta sẽ vì chúng hội giảng nói rộng rãi ý nghĩa ấy. Sau khi Như Lai diệt độ, người thọ trì pháp này là bậc hộ trì thành lũy của pháp, tức là đã cúng dường Phật Thế Tôn!
Trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng:
-Con đã phụng trì bản kinh này! Sự kiến lập của Đức Phật sẽ khiến cho rộng khắp. Con sẽ vì các Đại sĩ vị lai mà phân biệt giảng nói pháp này. Con nhất định chẳng mê lầm sai sót lời dạy của Đức Phật. Sở dĩ vì sao? Vì Đức Như Lai ủng hộ và thọ ký pháp nhẫn cho con. Đức Phật sẽ kiến lập kinh điển này khiến cho chúng ma bị hàng phục! Chí hạnh của con là ở chỗ ấy.
Đức Phật dạy rằng:
-Này Câu-dực! Có thần chú tên là Già Chư Phương Ngại. Ông hãy lắng nghe. Nay ta sẽ vì ông nói lời cốt yếu của thần chú khiến cho tất cả ma, các ngoại đạo và các quyến thuộc của chúng tự nhiên hàng phục, khiến cho ánh sáng pháp của Như Lai đứng vững lâu dài.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói thần chú rằng:
Vô úy ly úy - Tịnh chư khủng cụ - Thí vô úy - Độ ư diệt độ - Vô sở loạn - Tịnh sở loạn - Vô sở tranh - Bất đấu tụng - Vô hoài sân - Vô dĩ một - Tịnh uy thần - Uy thần tích - Đại uy thần tịch diệt - Thú từ tâm - Trừ ư hà - Thị hiện đế - Vô sai thố - Kỳ đồng nghĩa - Cát tường nghĩa - Cam lộ cú- Kiến ư yếu - Dĩ đạo ngự - Vô sở hoài - Hành thứ đệ - Vô sở tận - Quang vô sinh - Thanh tịnh sinh - Tiên khiết quang chiếu cú - Đẳng thuận ư đẳng tâm - Chí vô thượng - Phật sở kiến lập giới thanh tịnh - Vô sở phạm - Vô sở đảm - Chế ma trường - Hàng ngoại kính - Quang diệu pháp minh - Nhiếp dĩ pháp thí - Khai pháp tạng.
Các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đã nói thần chú này để ủng hộ pháp mà thuận nghĩa lý. Dùng thần chú này tổng nhiếp, hàng phục dấu vết trần lao của tất cả các ma vậy. -Con sẽ nhận lấy chỗ trọng yếu của kinh điển này, tinh tấn phúng tụng và sẽ phổ biến rộng rãi. Vì sao? Vì đối với pháp của Đức Như Lai thì có sự quay trở lại, thêm lớn pháp luật, tuyên bố giáo điển thanh tịnh. Còn tu hành quay trở lại ủng hộ hành trang mắt pháp của Đức Như Lai.
Có vị Thiên tử tên là Đức Siêu bạch Đức Phật rằng:
-Nếu có người thọ trì pháp của Đức Như Lai này thì phước ấy ra sao?
Đức Thế Tôn liền nói kệ tụng rằng:
Nay ta thấy cõi nước
Mắt Phật nhìn mười phương
Bên trong đầy trân bảo
Đều dùng đem bố thí
Phước người ấy thu được
Sẽ hơn phước thí trên
Chí tâm giữ kinh pháp
Như lời dạy Thế Tôn
Tập hợp các thí dụ
Giảng nói mọi lời khen
Trọn chẳng thể rốt ráo
Nắm giữ đức chánh pháp.
Khi Đức Phật nói kinh này thì bảy mươi sáu ức người đều phát ý đạo Vô thượng chánh chân, sáu vạn Bồ-tát được pháp Nhẫn bất khởi, tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách ánh sáng lớn chiếu soi khắp thế gian, trời mưa xuống hoa trời, trăm ngàn nhạc cụ chẳng tấu mà tự nhiên vang. Các nhạc cụ phát ra những âm thanh như vầy: “Đấng Như Lai kiến lập kinh này, hàng phục chúng ma, giáo hóa các ngoại đạo. Đức Như Lai dùng ấn ấn chứng kinh này rồi thì thuận mà chẳng quên”.
Bấy giờ, vua rồng biển mưa xuống chuỗi ngọc lớn để cúng dường kinh này, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới.
Đức Phật bảo Hiền giả A-nan rằng:
-Ta đem kinh này giao phó cho ông. Ông hãy thọ trì đọc tụng khiến cho kinh này lưu bố khắp nơi! Ông hãy vì người mà giảng nói kinh này!
Tôn giả A-nan bạch rằng:
-Thưa vâng, thưa Đức Thế Tôn! Con đã kính nhận kinh này! Thưa kinh tên là gì? Phụng trì ra sao?
Đức Phật dạy rằng:
-Kinh này tên là Hải Long Vương Vấn Long Tổng Trì Phẩm, lại còn tên là Tập Chư Pháp Bảo Tịnh Pháp Môn Phẩm. Ông hãy khéo léo phụng trì!
Đức Phật nói như vậy rồi, vua rồng biển và các con vua rồng, chư Thiên, nhân dân, các vị Bồ-tát ở mười phương đến trong hội, các đại Thanh văn, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, Hiền giả A-nan, tất cả chúng ma, trời, rồng, thần, thần Hương Âm, thần Vô Thiện, thần Phượng Hoàng, thần Núi, thần Điềm Nhu và người thế gian... không ai chẳng vui mừng làm lễ phụng hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.210.226 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.