Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh [大方便佛報恩經] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.61 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.74 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân

Kinh này có 7 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Việt dịch: Thích Chính Tiến - Thích Quảng Độ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Quyển Thứ Hai
03. PHẨM ĐỐI TRỊ THỨ BA

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở trong đại chúng, cũng như vầng mặt trời, chiếu ánh sáng rực rỡ, che khuất cả các tinh cầu khác; cũng như con đại long, uốn khúc, quanh liệng ở nơi cõi thanh hư, huy hoàng xám lạn, uy quang chói lọi, sắc tướng khó ví dụ, trông đó thì mắt lóa; nghĩ đó thì ý loạn, và cũng khác nào như lửa con đom đóm, khi mặt trời mọc, liền ẩn khuất chẳng hiện; mặt trời, mặt trăng tuy có trăm nghìn ánh sáng, so với ánh sáng của Vua Đế Thích, cũng ví như một điểm mực đến; Vua Đế Thích tuy có ánh sáng thanh tịnh nhiệm mầu, sáng với ánh sáng vua Đại Phạm Vương, cũng như sành sỏi sánh với dạ quang Ma ni bảo châu; Đại Phạm Vương, tuy có trăm nghìn ánh sáng thanh tịnh nhiệm mầu, sánh với ánh sáng của Như Lai, cũng khác nào như một điểm mực đen. Vì cớ sao? –Vì ánh sáng thường quang của Đức Như Lai, soi chiếu khắp cả mười phương thế giới, tất cả chúng sinh ở trong đó, người nào gặp được ánh sáng ấy của Phật: Người mù thì được trông thấy; người gù thì được ngay thẳng lại; người què quặt, thì được tay chân lành lặn; người tà mê thì được thấy rõ con đường chân chính sáng suốt.
Tóm lại mà nói: Mọi sự bất như ý, đều được như ý.
Bấy giờ trong hội, có bảy mươi vị Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, liền từ tòa ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ sát chân Phật, nhiễu quanh trăm nghìn vòng, rồi lui về ở một phía, đồng thanh nói ra trăm nghìn bài kệ, tán thánh Đức Như Lai. Các vị Bồ Tát ấy tên là: Bất Tư Nghị Bồ Tát, Ly Giác Âm Bồ Tát, Duy Niệm An Bồ Tát, Ly Cấu Xưng Bồ Tát, Vô Lượng Âm Bồ Tát, Đại Danh Văn Bồ Tát, Minh Đỏa Kế Bồ Tát, Liên Sư Tử Bồ Tát, Độc Du Bộ Bồ Tát, Xả Sở Niệm Bồ Tát, Trí Tích Bồ Tát, Ý Thiện Trụ Bồ Tát, Vô Cực Tướng Bồ Tát, Tuệ quang Diệu Bồ Tát, Tiêu Cường Ý Bồ Tát, Năng Ủng Hộ Bồ Tát, Chí Thành Anh Bồ Tát, Liên Hoa Giới Bồ Tát, Chúng Chư An Bồ Tát,Thánh Tuệ Nghiệp Bồ Tát, Tướng Công Huân Bồ Tát, Vô Tư Nghị Bồ Tát, Tịnh Phạm Thí Bồ Tát, Bảo Sự Nghiệp Bồ Tát, Xứ Thiên Hoa Bồ Tát, Thiện Tư Duy Bồ Tát, Vô Hạn Pháp Bồ Tát, Danh văn Ý Bồ Tát, Dĩ Biện Tích Bồ Tát, Tự Tại Môn Bồ Tát, Thập Chủng Lực Bồ Tát, Hữu Thập Lực Bồ Tát, Đại Thánh Mẫn Bồ Tát, Vô Sở Việt Bồ Tát, Du Tịch Nhiên Bồ Tát, Tại Ư Bỉ Bồ Tát, Vô Số Thiên Bồ Tát, Tu Di Quang Bồ Tát, Cực Trọng Tạng Bồ Tát, Nhân Siêu Việt Bồ Tát, Nhi Độc Bộ Bồ Tát, Uy Thần Thắng Bồ Tát, Đại Bộ Giới Bồ Tát, Di Sơn Hộ Bồ Tát, Trì Tam Thế Bồ Tát, Hữu Công Huân Bồ Tát, Tuyên Danh Xưng Bồ Tát, Nhật Quang Minh Bồ Tát, Sư Tử Anh Bồ Tát, Thời Tiết Vương Bồ Tát, Thị Hiện Hữu Bồ Tát, Quang Viên Chiếu Bồ Tát, Sơn Sư Tử Bồ Tát, Hữu Thủ Thí Bồ Tát, Mạc Năng Thắng Bồ Tát, Vi Tối Tràng Bồ Tát, Hỷ Duyệt Xưng Bồ Tát, Kiên Tinh Tiến Bồ Tát, Vô Tổn Dảm Bồ Tát, Hữu Danh Xưng Bồ Tát, Vô Khủng Bố Bồ Tát, Vô Trước Thiên Bồ Tát, Đại Minh Đăng Bồ Tát, Thế Quang Diệu Bồ Tát, Vi Diệu Âm Bồ Tát, Báo Công Huân Bồ Tát, Trừ Ám Minh Bồ Tát, Vô Đẳng Luân Bồ Tát v.v… đều ở trước Phật phát thệ nguyện rằng:
-Lũ chúng con, sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, hộ trì Chính pháp, lưu truyền ở khắp trong mười phương thế giới, khiến không đoạn tuyệt. Vì cớ sao? Lũ chúng con ngày nay, được coi thấy sắc tướng ánh sáng nhiệm mầu của Đức Như Lai, không thể lấy tâm nghĩ miệng bàn được, ở trong ánh sáng ấy, đều được nghe Phật pháp, không thể lấy tâm nghĩ miệng bàn được, sau khi nghe pháp ấy rồi vĩnh viễn xa lìa được những phiền não chướng trong nhiều kiếp, thân tâm trong sáng, rực rỡ như thiên kim, và tất cả muôn loài cũng được nhờ ánh sáng soi chiếu ấy. Lũ chúng con tự suy nghĩ những công đức lợi lạc như vậy, nên đối với Đức Như Lai sinh tưởng như bật Đại sư, sinh tưởng như bậc Đại từ phụ, thường nhớ nghĩ đến ân đức của Phật. Vì cớ sao? Chúng con được nghe Chính pháp, không bao lâu sẽ được thành Phật, ngồi nơi đạo tràng, vận chuyển bánh xe chính pháp, độ thoát cho tất cả chúng sinh, đều khiến cho chúng sanh được nghe chính pháp, giải thoát sinh tử, chứng được ngôi Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Bấy giờ Đức Thích Ca Như Lai, bảo tất cả đại chúng rằng:
Bảy mươi hai vị Bồ Tát Ma Ha Tát ấy, ở đời quá khứ lâu xa trong số vô lượng trăm nghìn vạn ức vi trần a tăng kỳ kiếp, đã từng cúng dàng vô lượng trăm nghìn vạn ức vi trần số chư Phật, nhiều như cát sông Hằng, ở chỗ chư Phật, thường tu phạm hạnh, cúng dàng chư Phật, tâm không biết mỏi mệt, từ tâm tu thân, khéo hộ trì Phật Pháp, không bỏ tâm đại bi, thường ở trong mười phương, làm những việc lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nếu có chúng sinh nào, tới khi mệnh chung, được nghe tên hiệu của một vị Bồ Tát ấy, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, cho đến bảy mươi hai vị, xưng danh quy mệnh, người ấy sau khi mệnh chung sẽ được vãnh sinh về cõi nước của Phật, hóa sinh trong hoa sen, xa lìa dâm dục, không phải ở trong bào thai, nhơ uế bất tịnh, thân thể của người ấy, rất là trong sạch thơm tho mầu nhiệm, được mọi người đều cung kính yêu mến, vì được mọi người cung kính yêu mến, mà lòng sinh ra những sự hoan hỷ, vì hoan hỷ, liền hay phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, hay đối với tất cả chúng sinh, khởi đại bi tâm; sau khi đã phát tâm từ bi rồi, kế sinh tâm làm những việc lợi ích cho chúng sinh, sinh tâm làm lợi ích cho chúng sinh rồi, lại phát tâm không bao giờ bỏ chúng sinh. Nhân tâm làm lợi ích cho chúng sinh, tâm tự lợi lợi tha, mà diệt trừ được tâm chướng ngại, được tâm tịnh tĩnh, hay gần gũi Thiện hữu, thường sinh tâm cung kính, tâm chuyên ý nghe pháp, nhớ giữ không quên, tâm suy nghĩ nghĩa lý nhiệm mầu, tâm nghe ít mà hiểu nhiều, tâm không nguyện nghe nhiều, mà không hiểu nghĩa. Kế tin tự tâm là chân như thực tướng; tin tự tâm như thực tướng nghĩa. Khi đã tin tự tâm là như thực tướng nghĩa rồi, kế sinh tâm như thuyết tu hành; do sinh tâm như thuyết tu hành rồi, kế sinh tâm không thoái chuyển, do sinh tâm không thoái chuyển rồi, nên đối với chúng sinh, liền sinh những tâm đối trị:
-Như tôi không muốn chết, tất cả ba cõi, hai mươi lăm cõi, loài có hình, không hình, loài bốn chân, nhiều chân, mãi đến loài bé nhỏ như loài kiến v.v… phàm loài nào có tính mạng đều không muốn chết như tôi. Cho nên Bồ Tát, cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không cướp đoạt thân mạng của kẻ khác.
-Như tôi có tiền của, lụa là, y phục, chăn đệm, thức ăn, uống, voi, ngựa, xe cộ, quốc thành, thê tử, thân thể tay chân, tôi thường cúng dàng ủng hộ, nhưng tôi không muốn người khác xâm chiếm của tôi, tất cả chúng sinh cũng lại như thế. Cho nên Bồ Tát cho đến phải táng thân thất mạng, đối với y phục, của cải, thức ăn uống của chúng sinh, trọn không sinh tâm cướp đoạt.
-Như tôi không muốn người khác dụ dỗ cướp đoạt chị em, thê thiếp có nhan sắc của tôi, tất cả chúng sinh cũng lại như thế, cho nên Bồ Tát, cho đến phải táng thân thất mạng, quyết không sinh ý nghĩ tà vậy, khởi tâm nhiễm ô, đối với sắc đẹp của kẻ khác, phương chi còn làm những sự phạm dâm gian ác.
-Như tôi không đối trước mặt thì khen ngợi, sau lưng thì chê bai, nói lưỡi đôi chiều, nói ác khẩu, để gia hại tôi, tất cả chúng sinh cũng lại như thế, cho nên Bồ Tát, cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, gây sự rối loạn giữa kẻ kia người này.
-Như tôi không muốn bị roi gậy đánh đập tra khảo, tất cả chúng sinh cũng lại như thế, cho nên Bồ Tát cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không dùng roi gậy đánh đập chúng sinh.
-Như tôi không muốn bị những cảnh khổ não: Gông cùm, xiền xích, trói buột, tất cả chúng sinh cũng lại như thế, cho nên Bồ Tát, cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không gông cùm, xiềng xích, trói buột chúng sinh.
-Như tôi không muốn người khác dùng cường lực uy thế, bức hiếp đèn nén, không cho tôi được tự do trình bày sự thanh bạch của tôi, tất cả chúng sinh cũng lại như thế, cho nên Bồ Tát, cho đến phải táng thân thất mạng, trọn không đem những sự phi lý, để gia hại chúng sinh.
-Như tôi được người cúng dàng tôn trọng tán thán, khiến cho tôi vui mừng, tôi sẽ thường bố thí chúng sanh: Y phục, thức ăn, uống, đồ nằm, ngồi, thuốc thang, và tất cả những thứ làm cho chúng sinh được an vui, nếu tôi làm đại sự, hoặc Phật sự, Pháp sự, Tăng sự, nếu vì trí lực co hạn, không làm thế nào khiến cho thành tựu được, sinh ra lo buồn khổ não, nếu người có trí thấy tôi như vậy, biết rằng vì tôi kém phúc đức, nên không thể làm khiến cho thành tựu việc ấy được, liền bảo tôi rằng:
“Nếu ông cần dùng điều gì, tôi sẽ xin cung cấp, khiến cho ông được vừa lòng, để hoàn thành công việc ấy.”
Tôi nghe lời nói ấy lòng sinh vui mừng, cho nên tôi cũng sẽ thường khuyến hóa giúp đỡ mọi người làm việc thiện, lợi ích chúng sinh.
-Như tôi bị nhà vua, giặc cướp, nước, lửa, huyện quan bức bách, trói buộc giam cầm, lòng sinh sầu não. Người có trí tuệ, coi thấy tôi gặp phải những sự khổ nạn như vậy, liền đến chỗ tôi, khéo léo khuyên nhủ tôi:
“Ông không nên sầu khổ, tôi sẽ vì ông, xin với nhà vua, hay các quan đại thần hoặc cung cấp của cải, hoặc dùng các phương tiện khác khiến cho ông được giải thoát, không phải những sự khổ nạn, suy não ấy nữa”.
Tôi nghe lời nói ấy, lòng sinh vui mừng, cho nên Bồ Tát, thường siêng năng học hỏi về kỹ nghệ, đủ các tài năng xuất chúng như: Âm nhạc, xướng kỹ, thiên văn, địa lý, toán kế, chú thuật, học thuốc, lái xe, cưỡi voi, cưỡi ngựa, biết sử dụng áo giáp, gươm giáo; cung tên, xuất trận, nhập trận, võ công hiển hách. Vì tôi có những kỹ nghệ mầu nhiệm như vậy, nên tất cả mọi người: Hoặc vua, hoặc đại thần v.v…không dám trái nghịch ý tôi, và tôi lại có đủ mọi thứ của cải giàu sang như: Y phục, thức ăn uống, vàng ngọc, vòng xuyến, ngọc lưu ly, san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, châu báu, mai khôi, ma ni bảo châu, voi, ngựa, xe cộ, kiệu cáng, đứa ở, tôi đòi, cung nhân mỹ nữ, suối chảy ao tắm, đài quán làm bằng thất bảo, thứ thứ vi diệu như vậy vô lượng trăm nghìn.
Bồ Tát tuy có mọi thứ uy vũ, kỹ nghệ, trăm nghìn bảo tạng, voi ngựa, xe cộ, vô lượng mỹ nữ, thắng diệu đài quán, suối chảy ao tắm, tất cả ngũ dục, xưng ý như vậy, nhưng tâm không hề tham đắm, mà thường ít dục biết đủ, ưa thích những chỗ vắng lặng ở nơi núi rừng, tu tập thiền định, tuy ở trong đại chúng, nói năng bàn bạc, mà tâm thường nhập pháp môn đối trị, tuy cùng với chúng sinh, hòa quang đồng trần có những tài sản, xuất nhập, sinh kế lợi tức, nhưng trọn không làm điều ác, chỉ làm những việc lợi ích cho chúng sinh.
Nếu có người nghèo cùng khổ não, tới xin Bồ Tát những thứ cần dùng, Bồ Tát đều cung cấp khiến cho được thỏa mãn như ý muốn của họ.
-Nếu Bồ Tát thấy có chúng sinh, ưa muốn cầu Phật pháp, lại tới chỗ Bồ Tát, thân cận cúng dàng thừa sự, cung phụng hầu hạ, rửa chân, xoa bóp, giặt giũ, hong phơi, đưa càng dương, nước rửa, phất thức bao sái, trải giường tòa, cuốn gấp chăn gối, mỗi đêm ba thời, chập tối, giữa đêm, gần sáng, cung cấp đèn nến, bữa ăn sáng, trưa, chiều, dâng các món ăn như: Đát bát na, bồ xà ni, khư đà ni, và các thứ nước uống như: Nước hưng lợi sư, nước trái phức lặc ca, bồ đào, hắc thạch mật. Thừa sự như vậy, từ bảy ngày cho đến sáu mươi ba ngày, vì muốn cầu thỉnh Bồ Tát xin nghe Phật pháp.
Bồ Tát bấy giờ, tuy thấy người ấy, cung cấp như vậy, nhưng tâm vẫn không vui mừng. Vì cớ sao? –Vì Bồ Tát ở trong thời gian lâu xa, vô lượng A tăng kỳ kiếp, cần cầu Phật pháp, là vì tất cả chúng sinh, với một bản hoài tối thượng: Tâm không tăng giảm, tâm từ bi, tâm trụ bình đẳng. Hoặc khi Bồ Tát làm Chuyển luân thánh vương, thường đem pháp thập thiện, dạy bảo tất cả chúng sinh, ai nấy đều theo ý của Bồ Tát, hoan hỷ phụng hành, sau khi mệnh chung, được sinh lên cõi trời, hưởng thụ những khoái lạc nhiệm mầu của ngũ dục, tôn nghiêm hào quý, vừa tâm thích ý, đứng ngồi ở nơi thiên cung, ngựa xe dạo chơi ở thượng uyển, kỹ nhạc hoan lạc, ăn uống vui vẻ. Nhưng vô thường chợt tới, già bệnh chết chóc, già trẻ trai gái, sầu khổ áo não, cất tiếng kêu gào, đạp ngực, bứt tóc, ăn uống không biết ngon, tâm ý cuồng loạn, vất vả. Người chết được đưa chở trên xe, họ hàng khóc lóc tiễn đưa, đến khi mai táng xong rồi, già trẻ trai gái dìu dắt nhau trở về nhà, vì quá đau xót sầu khổ, nên có người hoặc bị mang bệnh, hoặc sinh ra điên cuồng, hoặc có khi bị chết. Người sống đã bị tổn hại lớn như thế, mà người chết cũng không lợi ích gì.
Bấy giờ vua Chuyển luân Thánh vương, cùng với những người tháp tùng đi tuần hành khắp trong quốc giới, coi thấy các chúng sinh, phải chịu những sự khổ não như vậy, trong lòng rất thương xót, thốt ra lời nói rằng:
-Ta nay làm Vua, cai trị quốc giới, tuy rằng đem pháp Thập thiện để nhiếp hóa cho tất cả chúng sinh, nên được hưởng quả báo nhiệm mầu của ngũ dục như vậy, nhưng vẫn không thoát khỏi được cái cảnh thống khổ sinh, lão, bệnh, tử, vô thường bại hoại, nên biết ta tuy dùng chính pháp trị quốc, cũng thành ra vô ích đối với mọi người, nếu như đã vô ích đối với mọi người như vậy , thì làm sao được gọi là Chuyển luân Thánh vương? Làm sao được gọi là Đại từ phụ? Làm sao được gọi là Đại y Vương? Làm sao được gọi là Đại đạo sư, dẫn dắt chúng sinh đi theo con đường chân chính, chỉ bày lối Niết Bàn, khiến cho chúng sinh chứng được đạo Vô vi, thường được yên vui. Lũ chúng ta ngày nay thực là danh chẳng xứng với hành.
Ví như có người bị khác nước gần chết, chạy khắp đông tây, tìm cầu nước uống, xa xa trông thấy một cái giếng khô, lòng sinh ra vui mừng, rồi tự nghĩ rằng: “Thân ta ngày nay tưởng chừng chết, mà lại được sống lại. Vì Cớ sao?- Nếu như không gặp được nước, thì quyết không lâu sẽ bị chết khát, nay gặp được một cái giếng tốt như thế này, ắt sẽ có kỳ vọng, được nước trong mát để uống khỏi phải chết khát.”
Nghĩ như vậy rồi, liền chạy đến bờ giếng, cởi bỏ áo, treo ở một chỗ, rồi xuống giếng lấy nước, nhưng không được nước lại chỉ thấy những loài rắn độc, thạch sùng, bò cạp, cuốn chiếu, sành sỏi, gai góc và các thứ cỏ uế.
Bấy giờ người khát nước kia, trở nên thất vọng, đã không được nước uống, lại gặp nhằm những loài độc trùng phun nọc độc, toan thoát ra khỏi giếng, nhưng vì giếng lở mục, nên rớt xuống tới đáy, không khác nào ở trên núi cao té xuống dưới đất. Giếng ấy sâu bằng một đường tên bắn, đã không có thang bực, lại không có cả giây rợ gậy gộc, dầu cho có muốn cố sức nhảy lên, cũng không thể lên nổi, kiệt cả hơi sức, rồi lại hoàn rớt xuống đáy giếng, nên bị các loài rắn độc rỉa ăn, trong lúc tính mệnh chưa đoạn tuyệt hẳn, liền nói rằng:
-Nếu ta biết trước, giếng này không có nước, mắt còn không muốn nhìn thấy, huống là tới đây để lấy nước, ngày nay mắc phải khổ độc như thế, là tại cái giếng này làm ta bị lầm vậy.
Bấy giờ, Chuyển Luân Thánh Vương, thấy các nhân dân, nhà cửa trai gái, ân ái chia ly, phải chịu khổ não, liền nói rằng:
-Thân ta ngày nay, ví như cái giếng không có nước, tuy có cái tên gọi là giếng, nhưng không có nước, ta tuy dùng, Chính pháp trị quốc, khiến cho nhân dân có chỗ xu hướng, nhưng rốt cuộc cũng chẳng lợi ích cho ai, đến nỗi dân chúng phải táng thân thất mạng, khổ não như thế, ta nay tuy ở vào ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, bảy báu đầy đủ, dùng pháp thập thiện dạy bảo. Chính pháp trị quốc, khiến cho các chúng sinh, được sinh cõi người, cõi trời, hưởng thụ cảnh ngũ dục, khoái lạc nhiệm mầu, nhưng vẫn không thoát khỏi được những cảnh sinh, già, ốm, chết, ân ái, phân ly, oán ghét gặp gỡ, đau thương khổ não, khóc lóc thảm thiết, là lỗi tại ta, chứ đâu phải là lỗi tại chúng sinh! Vì sao- Chính vì ta không có pháp xuất thế gian, để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Tuy chúng sinh theo ta hỏi han lĩnh thụ thiện pháp, mong được yên vui, mà thực không thể vượt qua được bể khổ sinh tử.
Bấy giờ Chuyển Luân Thánh Vương lại tự nghĩ rằng: “Thân của ta đây, ngày nay ví như người không có trí tuệ, là người thí chủ đại ngu si. Khi ấy người thí chủ, gặp lúc trời làm đại hạn, bảy năm không mưa, cây cối bị khô héo hết, thời buổi đói kém, lúa gạo mắc mỏ, nhân dân đói khát, chỉ ăn rau thay cơm, uống máu ăn thịt, tàn hại lẫn nhau, nhưng sự thực thì đối với nhau họ tội tình gì đâu! Hoặc đến nỗi cha ăn thịt con, hoặc con ăn thịt cha mẹ anh em, vợ chồng con cái, ăn nuốt lẫn nhau.
Lúc ấy, người đại thí chủ, dạo đi xem xét, coi thấy chúng sinh, đói khát tiều tụy, gầy còm run rẩy, thân thể đen xấu, ở trên vai của các người đó, hoặc thấy mang gánh thuần là xác người chết, hoặc là đầu, tay, lóng tay, bắp tay, xương sống, xương sườn, chả vai, đầu gối, ngón chân, hoặc gan, mật, ruột non, ruột già.
Lúc ấy đại thí chủ hỏi nhỏ rằng:
-Những vật mà ngươi mang gánh đó là vật gì vậy?
Người ấy đáp rằng:
-Những vật mà tôi gánh thuần là đầu, tay, cánh tay, lóng đốt v.v…của người chết vậy.
Đại thí chủ hỏi:
-Ngươi gánh cánh tay, lóng đốt v.v…của người chết ấy để làm gì?
Người ấy đáp lại rằng:
-Ông không biết sao? Trời làm đại hạn, thời buổi đói kém, thóc gạo mắc mỏ, nhân dân đói khát, ăn nuốt lẫn nhau, những vật mà tôi gánh đó, chính là thức ăn của tôi vậy.
Bấy giờ thí chủ, nghe lời nói ấy rồi, trong lòng rất kinh hãi, dựng cả chân lông, ngã ngất ra đất, phải dùng nước lạnh rảy lên mặt, hồi lâu mới tỉnh. Rồi lại hỏi rằng:
-Tuy nhiên, đó là thức ăn của ngươi, nhưng là thịt của ai vậy?
Bấy giờ người bị đói kia nghe lời ấy rồi, cất tiếng òa khóc, đau đớn như đứt ruột, bảo với người thí chủ rằng:
-Thực là đau đớn thay! Quái lạ thay! Quái lạ thay! Không biết nói làm sao cho xiết được! Đại thí chủ! Tôi nay tình thực bảo cho ông được rõ: Những thứ thịt người mà tôi gánh đó, có thể nói hoặc là cha, mẹ, hoặc là vợ con, anh em hay là họ hàng cốt nhục.
Lúc đó các người bị đói khát, ai nấy đều đem lòng thành thực tự nói nguyên nhân của những sự việc với Đại thí chủ, mà không co việc gì khác hơn là ngoài việc vì bị đói khát, cho nên họ mới phải ăn nuốt lẫn nhau như vậy.
Bấy giờ Đại thí chủ nghe nói như thế, bùi ngùi than thở, bảo với mọi người rằng:
-Các ngươi ngày nay, không nên ăn thịt lẫn nhau nữa, nếu cần dùng quần áo, thức ăn uống, thuốc thang v.v… bảy ngày nữa, các ngươi sẽ tụ tập tất cả ở tại nhà ta, ta sẽ tùy theo sự cần dùng của các ngươi mà cấp cho tất cả mọi thứ như: Quần áo, thức ăn uống, thuốc thang khi bệnh hoạn, thỏa mãn với ý muốn của các ngươi.
Mọi người nghe rồi, lòng sinh vui mừng, khen rằng:
-Tốt lắm! Tốt lắm! Thực là một sự việc chưa từng có vậy!
Bấy giờ thí chủ, trở về tới nhà, gọi vợ con, và tôi tớ, tất cả đều hội họp, rồi vị thí chủ ở trước đại chúng, nét mặt vui vẻ, nói lời dịu dàng, bảo ban vợ con, và các tôi tớ, nên phải để lòng nghe tôi nói:
-Các nguơi có biết chăng! Hiện nay gặp lúc trời làm đại hạn, thời buổi đói kém, nhân dân chết chóc vô số, các ngươi ở tại nhà này, kho tàng đầy rẫy, thóc gạo chứa chan, cần phải cùng nhau kịp thời gieo trồng ruộng phúc.
Vợ con nghe rồi, khen ngợi rằng:
-Tốt lắm! Tốt lắm! Chúng tôi rất làm sung sướng và xin vâng theo lời của thí chủ, thân mạng của chúng tôi đây còn chẳng tiếc, huống chi là kho tàng của cải, thức ăn uống.
Bấy giờ, thí chủ, lòng sinh vui mừng, nói rằng:
-Tốt lắm! Tốt lắm! Các ngươi thực là những người bạn đạo Vô thượng của ta! Các ngươi, mỗi người nên tự phân chia công việc tùy theo đó mà làm, nên làm ngay và làm mau, bảy ngày nữa quyết phải làm cho xong.
Bấy giờ thí chủ phân chia các công việc đã xong xuôi, liền đi ra ngoài, chốn chốn xem xét, với ý định sẽ tìm một khoảng đất nào bằng phẳng rộng rãi, để làm nơi lập hội đàn bố thí.
Sau khi đã tìm được một chỗ đất thanh tịnh như ý muốn, ở đây các thứ cát sỏi, gốc cây, gai góc, đã được trừ sạch, các thứ giường tòa, chăn đệm trải bày là liệt, để làm chỗ cho đại ngồi tươm tất. Năm trăm thớt voi, vận tải các thứ đồ ăn uống tới hội đàm bố thí, các thứ đồ ăn uống ấy chất lên cao như núi, các thứ sữa, dầu mỡ, bánh thịt nhiều như nước ao, các thứ cỗ bàn yến tiệc, trăm vị đầy đủ, và cả các thứ y phục, vòng ngọc, trâm xuyến, voi ngựa, bảy báu, không thiếu một thứ gì, đều được xếp đặt hết sức trang nghiêm hoàn bị.
Sau bảy ngày, khi mặt trời vừa mọc, cùng suốt thời gian ấy, khua chuông đánh trống, thổi tù và, cao tiếng xướng rằng:
-Tất cả đại chúng, đều lại hội họp ở nơi hội đàn của Đại thí chủ đây.
Bấy giờ mọi người, nghe tiếng xướng ấy, lòng sinh vui mừng, khác nào như ngưỡng mộ hiền thánh.
Sau khi nghe tiếng xướng ấy rồi, liền tìm đến đại hội đàn bố thí, tùy ý mà lấy: Nào là y phục, chăn đệm, thức ăn uống, vòng ngọc trân, xuyến, trăm thứ thuốc thang, voi ngựa, thất bảo, tùy theo sở thích, ai muốn lấy thứ gì đều được tùy ý lựa chọn.
Bấy giờ thí chủ, thấy mọi người đều đã lãnh hết các thứ của cải đem đi rồi, lòng ông rất vui mừng, liền trở về nhà, để cùng với vợ con, hưởng thụ những sự sung sướng thỏa thích của cảnh ngũ dục.
Sau thời gian bố thí bảy ngày bỗng nghe thấy người ngoài nói rằng:
-Những người mà trước đây nhận các thứ y phục, chăn đệm thức ăn uống của thí chủ ấy, đều bị trúng độc mà chết, hoặc giả có người nào chưa chết, họ đều nói rằng: “Lạ thay! Lạ thay! Đại thí chủ ấy có lòng thương xót, cung cấp những thứ cần dùng cho mọi người, nào y phục, chăn đệm, thức ăn uống, tuy nhiên hiện thời, đã được qua khỏi sự đói khát, tính mạng được toàn vẹn, nhưng sau đó vài ngày, đều bị trúng độc mà chết hết cả.”
Bấy giờ Đại thí chủ nghe thấy nói như vậy, sinh ra buồn bực áo não, hỏi vợ con rằng:
-Tại sao các người, khi nấu nướng thức ăn uống, lại để cho thuốc độc nhiễm vào trong thức ăn, làm cho mọi người ăn nhằm mà bị chết như thế?
Vợ con và các tôi tớ trong nhà đều nói rằng:
-Thưa không phải như vậy đâu?
-Nếu không như vậy, thì thuốc độc từ đâu mà có đây?
Tất cả đều đáp lại rằng:
-Thưa chúng tôi không được rõ.
Bấy giờ, thí chủ liền vào trong nhà, đi lần lượt kiển khảo lại thì thấy có một cái giếng nước đậy nắp, liền hỏi mọi người rằng:
-Đây là cái giếng gì đây?
Gia nhân đáp rằng:
-Đây là cái giếng nước, mà trước đây khi thí chủ còn bé, thí chủ có nuôi ba con rắn độc ở trong cái giếng này, chính đây là chỗ ở của ba con rắn độc ấy, mà nước cũng cũng là nước độc nếu có người uống lầm phải, đều bị chết mất mạng
Thí chủ thấy rồi, liền hỏi các người tôi tớ rằng:
-Trước đây các ngươi có dùng nước ở nơi này để nấu thức ăn uống không?
Các người tôi tớ đáp rằng:
Thưa vì công việc trước đây quá gấp rút, cho nên chúng tôi có gánh nước ở trong giếng này để dùng làm thức ăn.
Đại thí chủ nói rằng:
-Lạ thay! Lạ thay! Ta thực là kẻ ngu si không có trí tuệ, tại sao ta lại nuôi những loài rắn độc ở trong cái giếng này để gây thành họa như thế?
Rồi ông bảo cùng vợ con: Phải lấp ngay cái giếng này đi, và ba con rắn độc ở trong đó, các ngươi sẽ vì ta, lấy lửa đốt nó cho chết hết đi, để tránh những tai họa về sau này.
Bấy giờ thí chủ đã diệt trừ hết những thứ độc hại ở nơi giếng xong rồi, ông liền ra ngoài xem xét, thấy những người lĩnh nhận sự bố thí của ông, đồng thanh nói rằng:
-Ông thí chủ này, cho chúng tôi thuốc độc, khiến cho chúng tôi có người đến nỗi phải táng thân thất mạng, nếu như chúng tôi biết trước trong những món ăn có chất độc như thế, quyết sẽ không bao giờ dám ăn cả.
Bấy giờ vị thí chủ kia, nghe mọi người nói như thế rồi, trong lòng sinh ra vô cùng áo não; cũng như Chuyển Luân Thánh Vương, tuy rằng dùng mười điều thiện dạy bảo khiến cho chúng sinh, được sinh ở nơi cõi người, cõi trời, dẫu được hưởng thụ năm món dục lạc, sung sướng nhiệm mầu, nhưng vẫn chưa thoát khỏi được cảnh sinh, già, ốm chết.
Bấy giờ Chuyển Luân Thánh Vương, liền phát nguyện rằng:
-Ta nay quyết phải cầu Vô thượng Phật pháp, là pháp xuất thế gian, khiến cho các chúng sinh, tán thán đọc tụng tu tập, để được xa lìa sinh tử, đạt đến cảnh Niết Bàn, giải thoát yên vui.
Bấy giờ Chuyển Luân Thánh Vương, vì cầu Phật pháp liền cho truyền lịnh khắp cả trong cõi Diêm phù đề: Ai hiểu biết Phật pháp Đại Chuyển Luân Thánh Vương, muốn cầu được học tập.
Nhưng tất cả những nơi được lệnh của Vua truyền đó đều là nói không có ai cả.
Cuối cùng đến ở một nước nhỏ kia, có một người Bà la môn, là người hiểu biết Phật pháp. Lúc đó sứ giả liền đi ngay tới chỗ người đó, hỏi rằng:
-Đại đức có hiểu biết gì về Phật pháp chăng?
Đáp rằng: -Hiểu!
Bấy giờ sứ giả, đầu mặt lễ xuống chân, thưa cùng với Đại sư rằng:
-Đại Chuyển Luân Thánh Vương muốn thỉnh Đại sư chỉ dạy về Phật pháp cho Ngài. Kính xin Đại sư thương xót nhận lời, tới chỗ Chuyển Luân Thánh Vương kia, để chỉ dạy cho người.
Lúc đó Chuyển Luân Thánh Vương liền ra ngoài hoành thành để nghinh đón, đầu mặt lễ xuống chân, hỏi han Đại sư đi đường có khỏi mệt nhọc lắm không? Rồi mới mời vào trong cung, ở trên chính điện, Vua mời Đại sư ngồi trên ngự tòa của Người.
Người Bà la môn liền lên trên ngự tòa, ngồi kết già phu.
Khi Đại vương thấy Đại sư ngồi tươm tất, và những thứ cần dùng đã được cung cấp đâu vào đấy rồi, Vua chấp tay hướng về người Bà la nôn thưa rằng:
-Thưa Đại sư! Ngài có hiểu biết Phật pháp không?
Người Bà la môn đáp rằng:
-Ta hiểu biết Phật pháp.
Đại vương thưa rằng:
-Thưa Đại sư! Xin người hãy vì tôi giải nói Phật pháp.
Người Bà la môn nói:
-Vua là người rất ngu si, trước đây ta cầu học Phật pháp, ta đã phải chịu không biết bao nhiêu là sự cần khổ mới thành được. Nay Đại vương đâu có thể nào lại muốn nghe một cách dễ dàng như thế được?
Đại vương thưa cùng Đại sư rằng:
-Vậy Ngài muốn cần dùng vật gì?
Người Bà la môn nói:
-Đại vương phải cúng dàng cho ta.
Vua nói: Chẳng hay những thứ cúng dàng ấy là những thứ vật gì? Y phục, chăn đệm, thức ăn uống hay vàng bạc châu báu ư?
Người Bà la môn nói:
-Ta không dùng những thứ cúng dàng ấy.
Vua nói:
-Nếu Ngài không dùng những thứ cúng dàng như thế, hay Ngài cần dùng voi, ngựa, xe cộ ư? Nước thành, vợ con ư? Hay âm nhạc, ca hát ư?
Người Bà la môn nói:
-Ta cũng không dùng những thứ cúng dàng như vậy, mà ta chỉ muốn nhà Vua khoét trên thân thể của mình thành một ngàn cái lỗ, rồi đổ dầu đốt làm đèn đuốc, cúng dàng cho ta, thì ta sẽ giải nói Phật pháp cho, nếu không làm được như thế, ta sẽ bỏ đi ngay.
Vua chưa kịp trả lời, thì người Bà la môn đã bước xuống khỏi tòa ngồi, toan bỏ đi.
Bấy giờ Đại vương liền ôm giữ lại, và thưa rằng:
-Xin Đại sư hãy vui lòng ở lại đây trong chốc lát, nay tôi vì trí tuệ nông cạn, công đúc mỏng manh, xin Ngài cho tôi được suy nghĩ trong giây lát, tôi sẽ phụng giáo chúng dàng như lời Ngài đã chỉ dạy.
Chuyển Luân Thánh Vương liền tự suy nghĩ rằng:
-Ta từ đời vô thủy lại đây, đã bỏ vô số thân mạng, nhưng chưa từng có lần nào vì pháp bỏ mình, thân này của ta đây rồi một ngày kia cũng sẽ phải hoại diệt, đâu có thể còn mãi được, ngày nay chính là lúc mà ta cần phải đem thân mạng này cúng dàng để cầu pháp vậy.
Suy nghĩ như thế rồi, Vua liền thưa cùng Đại sư rằng:
-Thưa Đại sư! Tôi sẽ xin làm ngay việc cúng dàng như lời Ngài đã dạy bảo.
Bấy giờ Đại vương liền vào trong cung, bảo với các phu nhân rằng:
-Kể từ đây tôi sẽ vĩnh biệt các phu nhân!
Lúc ấy, các phu nhân, nghe thấy Vua nói như thế, trong lòng rất kinh hãi dựng cả chân lông, mà chẳng biết nguyên do tại làm sao lại có sự tình như thế! Các phu nhân nhỏ nhẹ hỏi Vua:
-Vua định sẽ đi đâu?
Vua nói:
-Thân ta ngày nay, ta muốn sẽ khoét làm một ngàn ngọn đèn để cúng dàng Đại sư.
Bấy giờ các phu nhân, nghe Vua nói liền vật vã ra đất, cất tiếng kêu gào, mê mẩn hồi lâu mới tỉnh, rồi tâu với Vua rằng:
-Tâu Đại vương, ở đời không gì quý trọng, bằng thân mạng, người ta cung kính nuông chiều nó, tùy thời phụng dưỡng, mà còn e chưa được hài lòng, nay vì lẽ gì, mà Vua lại hủy hoại ngọc thể như vậy? Vua là người có trí tuệ, mà in tuồng như kẻ điên rồ, và như có ma quỉ gì ám hại?
Vua nói:
-Không phải như vậy đâu!
-Nếu không phải như vậy, thì tại sao Vua lại tự chuốc lấy những sự khổ não như thế, để cúng dàng người Bà la môn?
Vua bảo các phu nhân rằng:
-Nay ta sở dĩ làm như thế, là ta muốn vì tất cả chúng sinh mà cầu Phật pháp vậy.
Các phu nhân nói:
-Nếu Vua nói là vì tất cả chúng sinh, ngày nay tại sao, lại chỉ thấy có một mình Ngài?
Vua bảo các phu nhân:
-Thiên hạ ân ái, đều sẽ phải biệt ly, vì thế ta nay, đem thân mạng này để cúng dàng, là ta muốn vì lũ ngươi và tất cả chúng sinh ở trong nhà tối, đốt lên một ngọn đèn lớn trí tuệ, soi sáng giữa đêm trường sinh tử, vô minh tối tăm cho các ngươi, khiến cho các ngươi dứt trừ được cái họa hoạn sinh tử trong nhiều đời kiếp nhiều kiếp, vượt qua mọi chướng nạn đến được cảnh Niết Bàn an lạc. Lũ ngươi tại sao ngày nay, lại làm trái ngược với ý định của ta?
Lúc ấy, các phu nhân nghe Vua nói rồi, lặng thinh không dám đối đáp nữa, mà trong lòng thì rất là sầu não, cất tiếng gào khóc, nức nở, tự bứt tóc, cào mặt, lại nói rằng:
-Lũ chúng ta vì ít phúc, cho nên nay mất chỗ sở cậy.
Vua có năm trăm Thái tử, thảy đều đoan chính, tốt đẹp, thông minh, trí tuệ, nhân tướng đầy đủ, nên được Vua rất yêu quý, chẳng khác nào con ngươi mắt vậy.
Bấy giờ Đại vương bảo các con rằng:
-Ngày nay ta muốn làm việc cúng dàng, ta e thân mạng này của ta, không biết có qua được không, hay sẽ phải cách biệt lũ các ngươi, thì cõi nước này, theo vương pháp, việc trị chính sẽ do người con lớn nhất của ta.
Bấy giờ, các Thái tử nghe Vua cha nói như thế, rất đau đớn nghẹn ngào tâu Vua rằng:
-Vua cha ngày nay sao lại nỡ bỏ chúng con bị côi cút?
Lúc bấy giờ, các Thái tử người thì ôm lấy cổ của Vua cha, hoặc cầm tay, chân của Vua cha, cất tiếng khóc lóc rất bi thảm:
Lạ thay! Lạ thay! Làm sao ngày nay chúng tôi lại bị mất sự che chở vĩnh viễn như thế này!
Bấy giờ Đại vương liền khuyên bảo các con rằng;
-Thiên hạ ân ái, đều phải có lúc ly biệt.
Các con tâu rằng:
-Thưa cha! Tuy cha dạy bảo như vậy, nhưng vì tâm tình luyến mộ cha, chúng con làm sao có thể bỏ được, Đại vương ngày nay xin ban cho chúng con một điều sở nguyện là: Chúng con xin đem thân mạng này dâng cho Đại vương, để Đại vương cúng dàng cho người Bà la môn.
Vua nói:
-Các con còn bé, chưa thể biết được, chưa thể làm được những sự cúng dàng ấy, như ta ngày nay đã thỉnh Đại sư từ nơi phương xa tới đây, ta đã hứa cúng dàng Người, các con không làm được làm trái lời của ta đã hứa. Vả lại người con có hiếu, tất nhiên không được làm trái ý của cha mẹ, tại sao ngày nay, các con lại trái ý ta?
Lúc ấy, các Thái tử, nghe lời ấy rồi, cất tiếng kêu gào, kinh động cả đến các thần kỳ, và gieo mình xuống đất cũng như núi Thái đổ.
Bấy giờ Đại vương lại từ biệt tất cả các Vua ở nơi các tiểu quốc, rồi trở lại cung điện, đến trước chỗ Đại sư, cởi bỏ các thứ chuỗi ngọc và y phục trang sức trên mình, để ở một chỗ, ngồi ngay ngắn xong xuôi, rồi bảo các đại thần, các tiểu quốc vương, năm trăm Thái tử, hai vạn phu nhân rằng:
-Lũ ngươi ngày nay, ai sẽ vì ta mà khoét một ngàn lỗ ở nơi thân thể của ta?
Phu nhân, Thái tử và các quần thần, đều cùng đồng tâm nói rằng:
-Thà lấy dao sắc, tự khoét hai mắt mình, trọn không thể lấy tay mình, khoét thân thể của Vua được.
Bấy giờ Đại vương, tâm sinh sầu não, tự nghĩ mình ngày nay thực là cô độc, trong đại chúng này, không có một người nào có thể giúp đỡ cho mình được sao?
Bấy giờ Đại vương, có một người Chiên đà la, tính tình rất hung ác, ai cũng sợ hãi, nhân nghe thấy tiếng, liền đi tới chỗ Vua, bảo với Thái tử:
-Vả đừng nên lo buồn làm chi, tôi nay có cách, làm cho việc ấy của Vua không thể thành tựu được. Việc ấy khi đã không thành tựu được, tất nhiên Vua sẽ lại cai trị đất nước như trước đây không khác.
Các Thái tử nghe nói như thế rồi, lòng sinh vui mừng.
Lúc đó, người Chiên đà la đi đến trước chỗ Vua, tâu với Đại vương rằng:
-Đại vương ngày nay, Ngài định làm gì vậy?
Vua nói:
-Ta định khoét mình làm một ngàn ngọn đèn, để cúng dàng Đại sư.
Người Chiên đà la tâu rằng:
-Ngài muốn khoét mình, tôi có thể vì Ngài mà làm được.
Vua nghe nói, lòng rất vui mừng, bảo người Chiên đà la rằng:
-Nhà ngươi thực là bạn đạo Vô thượng của ta.
Lúc ấy, người Chiên đà la liền sấn đến trước chỗ Vua, với dáng điệu quát tháo dữ tợn, nói lớn:
-Đại vương nên biết, cái phép giết người, phải chém đầu, cắt cổ, chặt tay, chặt chân, cắt gân, đau đớn như thế, Đại vương có thể kham chịu được không?
Vua nghe lời nói ấy, mang lòng vui mừng.
Người Chiên đà la, tây cầm con dao lưỡi trâu, tới trên thân thể của Vua, trong khoảng chớp mắt đã khoét thành một ngàn lỗ.
Lúc đó, người Chiên đà la tưởng Vua thoái tâm, nhưng thực ra thì Vua rất bình tĩnh.
Người Chiên đà la thi hành xong, liền quăng con dao xuống đất mà bỏ chạy đi nơi khác.
Bấy giờ Đại vương, các lỗ bị khoét đã đổ dầu, dùng lụa làm bất để đốt đèn.
Khi người Bà la môn Đại sư, coi thấy Đại vương làm việc ấy rồi, liền tự nghĩ rằng: “Ta nay phải nên, trước vì Đại vương, tuyên nói Phật pháp, sỡ dĩ vì sao? -Đại vương ngày nay, đốt mình làm đèn, e tính mạng khó qua được, nếu như tính mạng không qua được, thì ai sẽ nghe pháp?”
Suy nghĩ như vậy rồi, liền tâu Đại vương rằng:
-Tinh tiến dũng mãnh làm được những việc khó làm, tu hành khổ hạnh như thế, là vì muốn được nghe Phật pháp, giờ đây nhà Vua hãy nghe cho kỹ, nhớ nghĩ cho khéo, nay tôi sẽ vì nhà Vua, tuyên nói Phật pháp cho Ngài nghe?
Vua nghe lời nói ấy rồi, lòng rất vui mừng, ví như người hiếu tử vừa mới mất cha mẹ trong lòng rất sầu não, không biết nói sao cho xiết được, nhưng bỗng thấy cha mẹ sống lại, nên lòng rất vui mừng. Vua nghe lời nói ấy, cũng lại như thế.
Lúc ấy người Bà la môn liền vì nhà Vua mà nói một nửa bài kệ rằng:
“Mọi pháp hưng, suy ấy,
Có sinh phải có diệt.
Tịnh diệt là yên vui”.
Vua nghe pháp ấy rồi, trong lòng sinh vui mừng, Vua bảo các Thái tử, và các Đại thần rằng:
-Các ngươi đối với ta, nếu ai có lòng thương ta, nên phải vì ta, nhớ giữ gìn pháp ấy, ở khắp tất cả thành ấp tụ lạc, đến hang cùng ngõ hẻm, truyền nói ưa mệnh của Vua: “mọi người nên biết, Vua Đại Chuyển Luân Vương, thấy các nhân dân, và tất cả chúng sinh phải chìm đắm trong bể khổ, chưa được giải thoát, nên Ngài sinh tâm thương xót, khoét mình làm một nghìn ngọn đèn, để cầu một nửa bài kệ, các ngươi ngày nay, nếu ai cảm ân đức đại bi của Đại vương, nên hãy viết chép bài kệ ấy, hoặc đọc tụng tu tập suy nghĩ nghĩa lý, theo như lời nói tu hành”.
Mọi người nghe lời nói ấy rồi, tâm sinh vui mừng, đồng thanh khen ngợi Đại vương rằng:
-Lành thay! Lành thay! Thực là bậc Đại từ bi phụ, vì các chúng sinh, tu khổ hạnh như thế, lũ chúng ta phải nên, chóng tới biên chép, hoặc trên giấy, hoặc trên vải, hoặc khắc trên đá, hoặc trên cây cối, sành đá, cỏ cây, khe suối, đường lối, và những chỗ nhiều người qua lại, cũng đều viết chép, khiến cho người nào được trông thấy, nghe thấy, đều phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác.
Bấy giờ Đại vương liền đốt một nghìn ngọn đèn, cúng dàng Đại sư, ánh sáng chiếu xa khắp mười phương thế giới, trong ánh sáng của những ngọn đèn ấy, cùng phát ra tiếng truyền nói nửa bài kệ ấy. Những người nghe pháp, đều phát tâm Vô thượng chính đẳng chính giác. Ánh sáng của một nghìn ngọn đèn ấy, còn chiếu sáng lên mãi tới cung trời Đao Lợi, làm át cả ánh sáng hòa quang của chư Thiên.
Bấy giờ Vua cõi trời Đao Lợi, thấy ánh sáng chiếu sáng thiên cung, liền nghĩ rằng: Không biết vì nhân duyên gì mà lại có ánh sáng ấy? Nghĩ vậy rồi, liền dùng thiên nhãn, xem xét ở nơi nhân gian, thì thấy Vua Đại Chuyển Luân, vì thương xót tất cả chúng sinh, mà khoét mình thành một ngàn ngọn đèn, cúng dàng Đại sư, để cầu Phật pháp, cứu độ cho tất cả chúng sinh. Vì thế lũ chúng ta ngày nay phải đến ở nơi nhân gian để khuyến khích giúp đỡ, khiến cho nhà Vua sinh tâm vui mừng.
Khi đó Vua ở cõi trời Đao Lợi liền xuống nhân gian, hóa làm người phàm phu, đi đến chỗ Vua Đại Chuyển Luân, hỏi nhà Vua rằng:
-Ngài khoét mình thành một ngàn ngọn đèn, tu khổ hạnh như thế, mong cầu một nửa bài kệ để làm gì vậy?
Vua đáp rằng:
-Thiện nam tử! Ta vì tất cả chúng sinh, cho nên nay ta phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Bấy giờ người biến hóa kia, liền trở lại thân của Thiên Đế Thích, bảo Đại vương rằng:
-Ngài cúng dàng như vậy, để cầu làm Thiên vương, Ma vương hay Phạm vương ư?
Khi ấy Chuyển Luân Thánh Vương liền bảo Thiên Đế Thích rằng:
-Tôi không cầu sự tôn quý ở cõi trời, hay cõi người, mà tôi chỉ muốn cầu đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, để cứu độ cho tất cả chúng sinh. Người chưa được yên ổn, sẽ khiến cho được yên ổn; người chưa được giải thoát, sẽ khiến cho được giải thoát; người chưa được độ sẽ khiến cho được độ; người chưa đắc đạo, muốn khiến cho được đắc đạo.
Thiên Đế Thích nói:
-Đại vương ngày nay, thật là ngu si, cầu đạo Vô Thượng Chính đẳng Chính giác, phải lâu chịu cần khổ, mới thành được, như vậy làm sao mà Ngài có thể muốn cầu đạo Vô Thượng được?
Vua bảo Thiên Đế Thích rằng:
-Giả sử vòng sắt nóng, quấn chặt lấy đầu tôi, tôi trọn không vì thế mà thoái tâm Bồ Đề.
Thiên Đế Thích nói rằng:
-Ngài dẫu nói như vậy, nhưng tôi vẫn chưa có thể tin được.
Bấy giờ Chuyển Luân Thánh Vương, liền ở trước Thiên Đế Thích lập thệ nguyện rằng:
-Nếu tôi không thực lòng cầu đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác để cứu độ chúng sinh, mà tôi nói dối với Thiên Đế Thích, thì một ngàn lỗ mụn khoét trên thân thể này của tôi, trọn không bao giờ lành, trái lại, nếu không như vậy, máu sẽ thành sữa, và một ngàn lỗ mụn nầy sẽ bình phục như cũ.
Khi Vua nói lời ấy rồi, tức thì một ngàn lỗ mụn trên thân thể của Vua liền được bình phục như cũ.
Thiên Đế Thích nói:
-Lành thay Đại vương! Quả thực là người có lòng đại bi và thực hành đại bi, cần khổ như vậy, quyết không bao lâu, sẽ chứng đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, khi thành Chính Giác rồi, xin Ngài độ cho tôi trước.
Lúc ấy, Thiên Đế Thích, phóng ánh sáng hòa quang, chiếu khắp cả toàn thân của Vua, đồng thời trăm ngàn Chư thiên, đều phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Năm trăm Thái tử, thấy thân thể của Vua cha, được bình phục như cũ, trong lòng rất vui mừng, liền ra trước Vua, đầu mặt lễ sát xuống chân, rồi lui ngồi về một phía chấp tay hướng về Vua cha, đồng thanh nói rằng:
-Thực chưa từng có vậy, Vua cha ngày nay thực là người có lòng từ bi, thương xót tất cả.
Vua bảo các Thái tử:
-Nếu các con là người có hiếu, các con phải nên phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Các Thái tử, nghe lời nói ấy rồi, lòng sinh vui mừng, vì cảm ân đức trọng đại của Vua cha, nên đều phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Hai vạn phu nhân, trăm ngàn thể nữ, cũng lại như thế.
Bấy giờ ở trong dân chúng, có những chúng sinh nhiều bằng số hạt cát của bảy mươi sông Hằng, đều phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, lại có Vô lượng Chư thiên, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Ma hầu la già, Nhân và Phi nhân v.v… được trông thấy, và nghe thấy việc ấy rồi, đều phát đạo tâm, hoan hỷ mà lui ra.
04. PHẨM PHÁT TÂM BỒ ĐỀ THỨ TƯ
Bấy giờ ở trong hội, có một vị Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tên là Hỷ Vương, liền từ tòa ngồi đứng dậy, để hở vai áo bên phải, gối bên phải quỳ xuống đất, chấp tay ngưỡng bạch đức Như Lai rằng:
-Bồ Tát phải tri ân báo ân như thế nào?
Phật bảo Bồ Tát HỷVương:
-Thiện nam tử! Ông hãy nghe cho kỹ: Bồ Tát muốn tri ân báo ân nên phải phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, và dạy bảo tất cả chúng sinh phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Bồ Tát Hỷ Vương hỏi:
-Nếu phát tâm Bồ Đề, sẽ phải phát như thế nào? Và nhân đâu mà có thể phát được?
Phật nói:
-Thiện nam tử! Bồ Tát Ma Ha Tát, khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề phải lập đại nguyện, và nói như thế này: “Nếu tôi chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh được an trụ trong cảnh đại Niết Bàn, lại sẽ giáo hóa tất cả chúng sinh, thảy đều được đầy đủ bát nhã ba la mật”. Như thế gọi là tự lợi cũng gọi là lợi tha.
Cho nên Bồ Tát khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề, thời được gọi là Bồ Đề nhân duyên, chúng sinh nhân duyên, chính nghĩa nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp nhân duyên, thâu nhiếp tất cả cỗi gốc thiện pháp.
Cho nên Bồ Tát được gọi là bậc Đại Thiện, cũng gọi là cỗi gốc lành của tất cả chúng sinh, vì vậy mà Bồ Tát có thể phá trừ ba nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý v.v… cho tất cả chúng sinh. Tất cả những thệ nguyện của thế gian, tất cả thệ nguyện của xuất thế gian, không có thệ nguyện nào bằng được thệ nguyện Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Thệ nguyện như thế, thực không gì hơn được, không gì trên được nữa.
Bồ Tát khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề, có năm việc:
Một là tính,
Hai là hạnh,
Ba là cảnh giới,
Bốn là công đức,
Năm là tăng tưởng.
Bồ Tát nếu hay phát được tâm Bồ Đề, thì được gọi là Ma Ha Tát, quyết định sẽ chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, trọn Đại thừa hạnh.
Cho nên khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề, tức hay thâu nhiếp được tất cả thiện pháp. Bồ Tát Ma Ha Tát phát tâm Bồ Đề, tu hành mong được quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác, nếu không phát tâm quyết không thể nào thành được, cho nên phát tâm, là cỗi gốc của quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Bồ Tát Ma Ha Tát coi thấy chúng sinh phải chịu những sự khổ não, thì lòng sinh thương xót, nên Bồ Tát, nhân tâm từ bi, mà phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, nhân phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, mà hay tu tập ba mươi bảy trợ đạo pháp, nhân tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp, mà chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, cho nên phát tâm là cỗi gốc của đạo Vô thượng Bồ Đề, do phát tâm Bồ Đề, mới hay hành trì được Bồ Tát giới.
Cho nên phát tâm gọi là gốc, gọi là nhân, gọi là nhành, gọi là lá, cũng gọi là hoa, lần lượt gọi là quả, cũng gọi là hạt. Bồ Tát phát tâm, cũng có người thì được rốt ráo, có người thì không được rốt ráo, người được rốt ráo thì mãi mãi cho đến khi chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, trọn không bao giờ thoái chuyển. Còn người không được rốt ráo, là trong tâm đã có sự thoái chuyển. Thoái chuyển có hai thứ: Một là thoái chuyển rốt ráo, hai là thoái chuyển không rốt ráo.
Người thoái chuyển rốt ráo, là người trọn không thể phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, không thể suy tìm, tu tập pháp đó được.
Người thoái chuyển không rốt ráo, là người thường cầu phát tâm Bồ Đề, thường tu tập pháp đó.
Phát tâm Bồ Đề có bốn thứ:
-Một là, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, hoặc được coi thấy, nghe thấy những việc bất khả tư nghị của chư Phật, Bồ Tát, liền sinh tâm cung kính, và nghĩ rằng: “Những sự của Phật, Bồ Tát là bất khả tư nghị, nếu Phật, Bồ Tát chứng được sự bất khả tư nghị ấy, thì ta đây cũng quyết sẽ chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, cho nên ta dốc lòng, nhớ nghĩ đạo Bồ Đề, và phát tâm Vô thượng Bồ Đề.
-Hai là, lại có người không được coi thấy những sự bất tư nghị của chư Phật, Bồ Tát mà chỉ nghe thấy cái tạng bí mật của chư Phật, Bồ Tát liền sinh tâm cung kính tin tưởng, cầu đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, và Ma Ha Bát Nhã, cho nên phát tâm Bồ Đề.
-Ba là, lại có người không được coi thấy những việc bất tư nghị của chư Phật, Bồ Tát cũng không được nghe pháp, mà do vì khi coi thấy pháp diệt, rồi trong lòng nghĩ rằng: “Vô thượng Phật pháp, hay diệt trừ được vô lượng khổ não cho chúng sinh, làm ích lợi lớn lao cho chúng sinh, chỉ có chư Phật, Bồ Tát, mới hay làm cho Phật pháp được trường tồn bất diệt, ta ngày nay cũng nên phải phát tâm Bồ Đề, khiến cho các chúng sinh, xa lìa phiền não, thệ nguyện thân này của ta, dầu cho phải chịu mọi sự đại khổ não đi chăng nữa, ta quyết giữ gìn Phật pháp, khiến cho Phật pháp được trường tồn mãi mãi ở thế gian, cho nên ta phát tâm Bồ Đề.
-Bốn là, lại có người không được coi thấy chư Phật, Bồ Tát, không được nghe pháp, khi pháp diệt cũng không được thấy, mà chỉ thấy tất cả chúng sinh ở trong đời ác trược, đủ mọi thứ phiền não, tham dục, giận tức, ngu si, không thẹn, không hổ, bỏn xẻn, tật đố, ganh ghét, nghi ngờ, lười biến v.v… thấy như thế rồi, liền nghĩ rằng: “Trong đời ác trược này, chúng sinh chẳng chịu tu thiện, tâm Nhị thừa còn không phát, nữa là tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, ta nay phải nên phát tâm Bồ Đề, phát tâm Bồ Đề rồi, liền dạy bảo tất cả chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác”.
Bấy giờ Ngài Hỷ Vương Bồ Tát, lại bạch Phật rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Bồ Tát tri ân báo ân bằng cách tự phát tâm Bồ Đề và dạy bảo tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ Đề. Song Đức Như Lai thuở xưa khi còn phải sinh tử, thoạt mới phát tâm Bồ Đề, là do nhân duyên gì?
Phật dạy:
-Thiện nam tử! Về đời quá khứ lâu xa, kiếp số nhiều không thể kể tính được, khi ta còn ở trong vòng sinh tử, do phiền não trọng chướng, tạo nên những nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý, nên phải đọa lạc vào các địa ngục như: Địa ngục A ha ha, địa ngục A ba ba, địa ngục A đạt đa, địa ngục Đồng phủ, địa ngục Đại đồng phủ, địa ngục Hắc thạch, địa ngục Đại hắc thạch, cho đến địa ngục Hỏa xa. Ta nhớ khi ta phải đọa vào địa ngục Hỏa xa, ta cùng với hai người bạn phải kéo một cái xe lửa, bốc cháy ngùn ngụt, quỷ đầu trâu tên là A Bàng, ngồi ở trên xe, mắm miệng, nghiến răng, trợn mắt, miệng, mắt, tai, mũi đều phun ra khói lửa, thân thể to lớn, tay chân gân guốc, hình sắc tía đen, tay cầm gậy sắt, đánh đập luôn luôn, mặc dầu ta bị đánh đập đau đớn, nhưng vẫn cố sức kéo, lúc đó hai người bạn của ta, vì hơi sức yếu đuối, kéo không nổi, nên bị quỷ đầu trâu A Bàng, lấy đinh ba bằng sắt, đâm vào bụng, lấy gậy bằng sắt đập vào lưng, máu phun ra như suối chảy, đau đớn khó nhẫn, những người ấy cất tiếng kêu gào rất thảm thiết, người thì kêu cha mẹ, người thì kêu vợ con. Nhưng dầu có kêu gào như thế, cũng chẳng ích lợi gì đối với mình. Lúc ấy, ta thấy những người bạn của ta chịu sự khổ não như vậy, lòng ta sinh ra thương xót. Nhân lòng sinh tưởng thương xót ấy, cho nên ta phát tâm Bồ Đề, vì những người chịu tội ấy, mà khuyên bảo quỷ đầu trâu A Bàng rằng:
-Những người phải chịu tội đây, thực đáng thương xót, xin ông hãy rũ lòng nới tay, đừng nên đánh đập họ tội nghiệp.
Lúc ấy quỷ đầu trâu A Bàng, nghe ta nói như thế, lòng sinh giận tức, dùng đinh ba bằng sắt đâm vào cổ ta, chết liền tại chỗ, ta liền được thoát khỏi cái tội trăm kiếp phải đọa lạc ở nơi địa ngục Hỏa xa, chính vì lúc đó ta phát được tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác vậy.
Phật bảo Ngài Bồ Tát Hỷ Vương:
-Người kéo xe lửa tức là thân ta ngày nay, nhân phát tâm Bồ Đề, mà chóng được thành Phật. Thế nên biết: Tất cả chúng sinh phát tâm Bồ Đề, sự đó chẳng phải một, hoặc nhân lòng từ bi, hoặc nhân lòng giận tức, hoặc nhân lòng bố thí, hoặc nhân lòng bỏn xẻn, hoặc nhân lòng vui mừng, hoặc nhân phiền não, hoặc nhân ân ái ly biệt, hoặc nhân sự oán ghét gặp gỡ, hoặc nhân gần gũi bạn lành, hoặc nhân bạn ác, hoặc nhân được coi thấy Phật, hoặc nhân được nghe pháp… cho nên biết: Tất cả chúng sinh, phát tâm Bồ Đề, mỗi mỗi chẳng phải đồng nhất.
Hỷ Vương nên biết! Bồ Tát Ma Ha Tát, tri ân báo ân, sự đó như thế.
Khi Phật nói pháp ấy rồi, có một vạn tám trăm ngàn người đều phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Trong tất cả đại chúng, có người được chứng quả Tu đà hoàn, cho đến A la hán, Thiên địa quỷ thần, Nhân và Phi nhân cũng phát tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật. Sau khi được nghe Phật nói pháp, ai nấy đều vui mừng, đầu mặt làm lễ Phật, rồi quanh về phía bên phải mà lui trở ra.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 7 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan về Nghiệp


Phật giáo và Con người


Kinh Bi Hoa


Ai vào địa ngục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.59.138 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập