Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền (3)
Vào lúc bấy giờ, Phổ hiền đại sĩ tán dương công đức siêu việt của đức Tỳ lô giá na như lai rồi, bảo chư vị Bồ tát qua Thiện tài đồng tử, rằng Thiện nam tử, công đức của đức Như lai, giả sử chính tất cả chư vị Như lai trong mười phương trải qua những thời kỳ (4) nhiều bằng số lượng cực vi (5) của những thế giới đến số lượng hai lần không thể nói (6) , diễn nói liên tục, cũng không thể cùng tận. Nếu muốn thành tựu công đức ấy thì phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là những gì? Một là lễ kính Phật đà, hai là tán dương Như lai, ba là hiến cúng rộng lớn, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỉ công đức, sáu là xin chuyển pháp luân, bảy là xin Phật ở đời, tám là thường học theo Phật, chín là hằng thuận chúng sanh, mười là hồi hướng tất cả.
Thiện tài đồng tử thưa, kính bạch Đại sĩ, thế nào là lễ kính Phật đà? cho đến thế nào là hồi hướng khắp cả ?
Phổ hiền đại sĩ bảo Thiện tài đồng tử, Thiện nam tử, [thứ nhất] lễ kính Phật đà là đối với chư vị Thế tôn nhiều bằng số lượng của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, tôi nhờ sức mạnh hạnh nguyện phổ hiền mà tin hiểu sâu xa như đối diện trước mắt, và toàn đem ba nghiệp thân miệng ý trong sạch mà thường xuyên lễ kính. Nơi mỗi đức Thế tôn, tôi biến thể thân hình nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, mỗi thân hình lạy khắp chư vị Thế tôn nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói. Hư không cùng tận, sự lễ kính của tôi mới cùng tận, nhưng hư không không thể cùng tận, nên sự lễ kính của tôi không có cùng tận; như vậy, chúng sanh cùng tận, nghiệp của chúng sanh cùng tận, phiền não của chúng sanh cùng tận, sự lễ kính của tôi mới cùng tận, nhưng chúng sanh, nghiệp của chúng sanh, phiền não của chúng sinh, không có cùng tận, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na (7) , không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ hai] tán dương Như lai là bao nhiêu cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi ấy có chư vị Thế tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, mỗi đức Thế tôn đều có hải hội (8) Bồ tát vây quanh. Tôi đem sự tin hiểu siêu việt, sâu xa, biết và thấy các Ngài như đối diện trước mắt. Tôi dùng những cái lưỡi nhiệm mầu hơn cả Đại biện tài thiên nữ, mỗi cái lưỡi xuất ra biển cả âm thanh vô tận, mỗi âm thanh xuất ra biển cả từ ngữ phong phú, ca tụng tán dương biển cả công đức của tất cả chư vị Như lai, cùng tận thì gian không có gián đoạn, cùng tận pháp giới không có thiếu sót. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sanh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tán dương của tôi mới cùng tận; nhưng hư không cho đến phiền não không có cùng tận, nên sự tán dương của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ ba] hiến cúng rộng lớn là bao nhiêu cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi có chư vị Thế tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, mỗi đức Thế tôn có hải hội Bồ tát vây quanh, tôi nhờ sức mạnh hạnh nguyện phổ hiền mà tin hiểu sâu xa, biết và thấy các Ngài như đối diện trước mắt. Tôi đem cúng phẩm thượng hạng và tinh tế mà hiến cúng. Mây hoa, mây vòng hoa, mây âm nhạc chư thiên, mây tàn lọng chư thiên, mây phục sức chư thiên, các loại hương liệu chư thiên, hương xoa, hương đốt, hương bột, những mây cúng phẩm như vậy hình lượng mỗi thứ bằng núi chứa Tu di. Tôi lại đốt các loại đèn, đèn bơ, đèn dầu, các loại đèn dầu thơm, tim của mỗi thứ đèn lớn như núi Tu di, dầu của mỗi thứ đèn nhiều như nước biển cả. Tôi đem những cúng phẩm như vậy mà hiến cúng thường xuyên. Thế nhưng, Thiện nam tử, trong mọi sự hiến cúng, hiến cúng chánh pháp là hơn hết: hiến cúng bằng cách làm đúng lời Phật, hiến cúng bằng cách lợi ích chúng sanh, hiến cúng bằng cách giáo hóa chúng sinh, hiến cúng bằng cách chịu khổ thay cho chúng sanh, hiến cúng bằng cách siêng tu thiện căn, hiến cúng bằng cách không bỏ bồ tát hạnh, hiến cúng bằng cách không rời bồ đề tâm. Thiện nam tử, công đức vô lượng của sự hiến cúng trước, đối chiếu với một thoáng công đức của sự hiến cúng chánh pháp, thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần ức, một phần triệu, một phần trăm của một cái lông, một phần của sự tính toán được, một phần của sự tính kể được, một phần của sự ví dụ được, một phần của cực vi, tất cả đều không bằng (9) . Tại sao? Vì chư vị Như lai tôn trọng chánh pháp, vì làm đúng lời Phật thì xuất sinh chư Phật. Nếu các vị Bồ tát làm theo sự hiến cúng chánh pháp thì thế là thành tựu sự hiến cúng Như lai, vì làm theo như vậy là hiến cúng chân thật. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự hiến cúng rộng lớn và hơn hết của tôi mới cùng tận, nhưng hư không cho đến phiền não không thể cùng tận, nên sự hiến cúng của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ tư] sám hối (10) nghiệp chướng là Bồ tát tự nghĩ, trong bao thời kỳ quá khứ vô thỉ, tôi do tham sân si mà phát động thân miệng ý, làm những nghiệp dữ vô lượng vô biên. Nếu nghiệp dữ ấy có hình tướng thì cùng tận không gian cũng không thể dung chứa. Nay tôi đem cả ba nghiệp thân miệng ý trong sạch, đối trước chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát trong những thế giới nhiều như cực vi và khắp cả pháp giới, thành tâm sám hối, sau không làm nữa, thường sống trong tịnh giới và các công đúc. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự sám hối của tôi mới cùng tận, nhưng hư không cho đến phiền não không thể cùng tận, nên sự sám hối của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ năm] tùy hỷ công đức là chư vị Như lai nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, từ lúc mới phát tâm, vì Nhất thế trí mà siêng tu các khối phước đức, không tiếc tính mạng; trải qua thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, trong mỗi thời kỳ, bỏ đầu mắt tay chân nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói; tất cả khổ hạnh khó làm như vậy viên mãn các ba la mật, chứng nhập các bồ tát trí, thành tựu vô thượng bồ đề, nhập vào niết bàn, phân bủa xá lợi, bao nhiêu thiện căn ấy tôi tùy hỷ tất cả. Tất cả sáu đường và bốn loài chúng sinh trong hết thảy thế giới khắp cả mười phương, có bao nhiêu công đức, dầu chỉ bằng một cực vi, tôi cũng đều tùy hỷ tất cả. Khắp mười phương, suốt ba đồi, tất cả các vị Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, có bao nhiêu công đức tôi cũng tùy hỷ tất cả. Vô lượng khổ hạnh khó làm, chí cầu vô thượng bồ đề, và công đức rộng lớn, của hết thảy Bồ tát tu hành, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tùy hỷ của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiên nam tử, [thứ sáu] xin chuyển pháp luân là bao nhiêu cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi có thế giới rộng lớn, nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói. Trong mỗi thế giới ấy, mỗi sát na có chư vị Phật đà nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, đều thành bậc Đẳng chánh giác, với hải hội Bồ tát vây quanh; nhưng tôi toàn đem ba nghiệp thân miệng ý, dùng mọi phương cách, mà thiết tha khuyên mời các Ngài chuyển đẩy diệu pháp luân. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự thường xuyên khuyên mời chư Phật chuyển đẩy chánh pháp luân của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ bảy] xin Phật ở đời là đối với bao nhiêu chư vị Như lai nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, ý muốn thị hiện nhập vào niết bàn, đối với chư vị Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, cho đến hết thảy các bậc Thiện tri thức, tôi đều khuyên mời đừng nhập niết bàn, hãy sống với những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, để lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự khuyên mời này của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ tám] thường học theo Phật là như đức Tỳ lô giá na như lai của thế giới Sa bà này, ngay khi mới phát tâm, đã tinh tiến không thoái chuyển, đem thân mạng nhiều đến hai lần không thể nói mà bố thí; lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích huyết làm mực, sao chép kinh điển chất bằng núi Tu di, vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng còn không tiếc, huống chi ngôi vua, hoàng thành, đô thị, thôn xóm, cung điện, hoa viên, lâm viên, và tất cả những vật sở hữu. Cọng với bao nhiêu khổ hạnh khó làm khác, cho đến ngồi dưới bồ đề thọ, thành tựu đại bồ đề, thị hiện các thứ thần thông, pháp khởi những sự biến hóa, biến thể các loại Phật thân, ở giữa các loại đại hội: hoặc ở giữa đạo tràng của chư vị đại bồ tát, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị Thanh văn, Duyên giác, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của luân vương, quốc vương, và hoàng gia của họ, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của sát đế lợi, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ, cho đến ở giữa đạo tràng đại hội của tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, ở giữa những đại hội như vậy mà đem tiếng nói viên mãn vang lên như sấm lớn, tùy ý thích của chúng sinh mà thành thục cho họ; cho đến thị hiện nhập vào niết bàn, tất cả [những việc Phật làm] như vậy tôi đều theo mà học tập. Y như đối với đức Thế tôn Tỳ lô giá na hiện nay, thì cũng như vậy mà đối hết thảy chư vị Như lai nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, trong từng sát na, tôi toàn theo mà học tập. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự thường học theo Phật của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ chín] hằng thuận chúng sinh là bao nhiêu chúng sinh trong biển cả thế giới khắp mười phương, cùng tận pháp giới và hư không giới, có những chủng loại khác nhau: có những loại sinh bằng trứng, bằng thai, bằng thấp khí, bằng tiến thể, có những loại dựa vào đất nước lửa gió mà sinh sống, có những loại dựa vào hư không hay các loại cây cỏ mà sinh sống; đủ loại cách sinh, đủ loại màu sắc, đủ loại hình dáng, đủ loại tướng mạo, tuổi loại tuổi thọ, đủ loại chủng tộc, đủ loại tên gọi, đủ loại tâm tính, đủ loại thấy biết, đủ loại ưa thích, đủ loại ý thức, đủ loại cử động, đủ loại phục sức, đủ loại ẩm thực: ở nơi đủ loại làng xóm, đô thị, kinh thành, cung điện; cho đến tát cả tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, không phải có tư tưởng, không phải không tư tưởng; tất cả chủng loại như vậy, đối với họ tôi đều tùy thuận cả: tôi phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La hán cho đến như thờ Như lai, đồng đẳng không có gì khác cả. Bằng cách ai bịnh khổ thì tôi làm thầy thuốc giỏi, ai lạc đường thì tôi chỉ cho đường chính, trong đêm tối thì tôi làm ánh sáng, nghèo khốn thì tôi làm cho được kho tàng giấu trong lòng đất. Bồ tát hãy bình đẳng lợi ích chúng sinh như vậy, tại sao, vì Bồ tát có thể tùy thuận chúng sanh thì thế là tùy thuận hiến cúng Phật đà, tôn trọng phụng sự chúng sinh là tôn trọng phụng sự Như lai, làm cho chúng sinh vui vẻ thì thế là làm cho Như lai vui vẻ. Tại sao? Vì chư vị Như lai thì lấy tâm đại bi làm bản thể, mà do chúng sinh mới có tâm đại bi, do tâm đại bi mới có tâm bồ đề, do tâm bồ đề mới thành Chánh giác. Tựa như đại thụ ở trong đồng nội hay sa mạc mênh mông, đại thụ ấy nếu rễ được nước thì nhánh lá hoa quả sum sê tươi tốt. Bồ đề đại thụ ở trong đồng nội sinh tử mênh mông cũng là như vậy, lấy chúng sinh làm rễ, lấy chư chư Phật Bồ tát làm hoa làm trái, đem nước đại bi lợi ích chúng sinh thì sinh ra hoa trái tuệ giác là chư Phật Bồ tát, tại sao, vì nếu Bồ tát đem nước đại bi lợi ích chúng sinh thì thế là thành tựu vô thượng bồ đề. Do vậy, bồ đề là thuộc về chúng sinh, không chúng sinh thì các vị Bồ tát không bao giờ có thể thành tựu vô thượng bồ đề. Thiện nam tử, đối với ý nghĩa ấy ông hãy lý giải như vầy: đối với chúng sinh mà tâm lý bình đẳng thì có thể thành tựu lòng đại bi viên mãn, đem lòng đại bi tùy thuận chúng sinh thì thế là thành tựu sự hiến cúng chư vị Như lai. Bồ tát tùy thuận chúng sinh như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tùy thuận ấy cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, [thứ mườ] hồi hướng khắp tất cả là từ sự lễ kính cho đến sự hồi hướng có bao công đức, tôi đều hồi hướng cho hết thảy chúng sinh cùng tận pháp giới và hư không giới, nguyện nhờ công đức ấy mà làm cho chúng sinh thường được yên vui, không mọi bệnh khổ, muốn làm việc ác thì bất thành tất cả, muốn tu điều thiện thì mau thành hết thảy, đóng chặt cửa ngõ của các nẻo ác, mở bày đường chính của nhân loại chư thiên và niết bàn. Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ, làm cho họ được giải thoát, cứu cánh thành đạt vô thượng bồ đề. Bồ tát tu tập sự hồi hướng như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự hồi hướng ấy cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.
Thiện nam tử, như vậy gọi là mười đại nguyện của bồ tát đại sĩ viên mãn đầy đủ. Nếu các vị Bồ tát tùy thuận mà đi mau vào mười đại nguyện ấy thì có thể thành thục tất cả chúng sinh, thì có thể tùy thuận vộ thượng bồ đề, thì có thể thành tựu đầy đủ biển cả hạnh nguyện của Phổ hiền đại sĩ. Do vậy, Thiện nam tử, đối với ý nghĩa ấy ông hãy nhận thức như vầy: Nếu có thiện nam hay thiện nữ nào đem bảy thứ quý báu loại thượng hạng và tinh tế, cùng với đồ dùng đem lại hạnh phúc hơn hết cho nhân loại và chư thiên, đầy những thế giới nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới khắp cả mười phương, vô lượng vô biên, hai lần không thể nói, bố thí cho chúng sinh trong những thế giới cũng nhiều như trên, hiến cúng chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát trong những thế giới cũng nhiều như trên, và trải qua những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới cũng nhiều như trên, liên tục không ngừng; nhưng công đức người ấy đạt được, đem đối chiếu với công đức đạt được của người nghe mười nguyện vương này một lần lướt qua thính giác, thì công đức người trước không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, cho đến một phần cực vi cũng không bằng. Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng dọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu (11) , cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián, bao nhiêu khổ não trong đời như thân bịnh tâm bịnh vân vân, cho đến tất cả nghiệp dữ nhiều bằng số lượng cực vi của thế giới cũng được tiêu cả; tất cả quân đội của ma vương, quỉ ăn thịt người, quỉ bạo ác, quỉ ăn tinh khí, quỉ điên cuồng, quỉ ăn thịt người loại tự hóa sinh (12) , những quỉ ác thần ác uống huyết ăn thịt như vậy đều tránh xa người ấy, hoặc có khi phá tâm thân gần hộ vệ. Thế nên người nào tụng được thuộc lòng mười nguyện vương thì đi trong đời này không có gì trở ngại. Người ấy như vầng trăng đã ra khỏi mây mù che khuất. Người ấy được chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát tán dương ca tụng. Người ấy, tất cả nhân loại và chư thiên nên lạy và tôn kính. Người ấy, tất cả chúng sinh cùng nên hiến cúng. Người ấy khéo làm thân người, đầy đủ công đức của Phổ hiền đại sỉ, không bao lâu sẽ như Phổ hiền đại sĩ, mau chóng được cái sắc thân nhiệm mầu, đủ cả ba mươi hai tướng của bậc đại trượng phu. Người ấy nếu sinh trong nhân loại hay chư thiên thì ở đâu cũng thuộc dòng họ hơn hết, phá hoại được tất cả đường ác, tránh xa được tất cả bạn dữ, chế ngự đựợc tất cả ngoại đạo, giải thoát được tất cả phiền não. Người ấy như sư tử chúa làm cho các loại thú vật phải khuất phục. Người ấy kham nhận sự hiến cúng của tất cả chúng sinh.
Lại nữa, người ấy khi sắp chết, sát na sau cùng thì tất cả giác quan đều hư hỏng, tất cả thân nhân đều rời bỏ, tất cả uy thế đều tan mất, [và dầu là vua đi nữa, lúc ấy] tể tướng, đại thần, nội cung, ngoại thành, voi ngựa, xe cộ, vàng ngọc, kho tàng trong lòng đất, tất cả không ai và không gì đi theo. Chỉ có mười nguyện vương này không hề rời bỏ người ấy, lúc nào cũng hướng dẫn trước mắt. Và trong một sát na, người ấy tức khắc được sinh thế giới Cực lạc. Sinh rồi tức khắc được thấy đức A Di Đà Phật, với các vị Văn thù sư lợi bồ tát, Phổ hiền bồ tát, Quan tự tại bồ tát, Di lặc bồ tát, và các vị bồ tát đồng đẳng, sắc tướng trang nghiêm, công đức toàn hảo, cùng nhau vây quanh Ngài. Người ấy lại tự thấy bản thân sinh trong hoa sen và được đức A di đà Phật thọ ký cho. Được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn vạn ức triệu thời kỳ, khắp trong thế giới nhiều đến hai lần không thể nói, đem sức mạnh trí tuệ, tùy tâm ý chúng sinh mà lợi ích cho họ, và không bao lâu sẽ ngồi nơi bồ đề tràng, chiến thắng quân đội của ma vương, thành bậc Đẳng chánh giác, chuyển đẩy diệu pháp luân, làm cho chúng sinh trong những thế giới nhiều bằng số lượng cực vi của thế giới phát bồ đề tâm, tùy trình độ của chúng sanh mà giáo hóa cho họ thành thục, cho đến cùng tận biển cả thời kỳ vị lai, lợi ích toàn diện cho tất cả chúng sinh. Thiện nam tử, những ai nghe và tin mười đại nguyện vương (13) này, tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, thì công đức người ấy có được, ngoại trừ chư vị Thế tôn không ai biết hết. Thế nên các người nghe mười đại nguyện vương này đừng có hoài nghi, mà nên tiếp nhận cho chắc chắn, tiếp nhận rồi có thể đọc xét văn nghĩa, xét văn nghĩa rồi có thể tụng được thuộc lòng, tụng được thuộc lòng rồi có thể ghi nhớ, cho đến sao chép, giảng nói cho người. Những người như vậy, ngay trong một sát na mà mọi hạnh nguyện đều viên thành, các khối phước đức mà họ thu hoạch thì vô lượng vô biên.Trong biển khổ phiền não to lớn, họ cứu vớt cho chúng sinh thoát khỏi và cùng được vãng sinh thế giới Cực lạc của đức A di đà phật.
Lúc bấy giờ Phổ hiền đại sĩ muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nhìn khắp tất cả khu vức mà nói những lời chỉnh cú sau đây. [^]
(1) Hết thảy chư Phật
trong ba thì gian
tại các thế giới
khắp cả mười phương
tôi vận dụng cả
ba nghiệp trong sạch
kính lạy khắp cả
không có thiếu sót.
(2) Năng lực uy thần
của hạnh phổ hiền
làm tôi hiện khắp
trước chư Như lai,
một thân lại hiện
thân như cực vi,
lạy khắp chư Phật
cũng như cực vi.
(3) Trong một cực vi
có chư Phật đà
nhiều bằng cực vi,
và đều ở trong
chúng hội bồ tát;
cực vi tất cả
pháp giới vô tận
cũng là như vậy,
tâm tôi tin Phật
thật sâu và đầy.
(4) Nên biển âm thanh
tôi vận dụng cả,
xuất ra vô tận
lời chữ nhiệm mầu,
cùng tận thời kỳ
của thì vị lai
tán dương biển cả
công đức của Phật.
(5) Tôi đem vòng hoa
tốt đẹp hơn hết,
âm nhạc, hương hoa,
tàn lọng, bảo cái,
những đồ trang hoàng,
hơn hết như vậy,
tôi đem hiến cúng
chư vị Như lai.
(6) Y phục hơn hết,
hương liệu hơn hết,
hương bột, hương đốt,
cùng với đèn đuốc,
tất cả đề như
Diệu cao núi lớn,
tôi đem hiến cúng
chư vị Như lai.
(7) Tôi đem cái biết
cao rộng hơn hết
tin tưởng sâu xa
tam thế chư Phật,
vận dụng sức mạnh
hạnh nguyện phổ hiền
mà khắp hiến cúng
chư vị Như lai.
(8) Bao nhiêu nghiệp dữ
xưa kia tôi làm,
đều bởi vô thỉ
những tham sân si,
động thân miệng ý
mà phát sinh ra,
ngày nay tôi nguyện
sám hối tất cả.
(9) Mười phương hết thảy
các loại chúng sinh,
cùng với các vị
Thanh văn, Duyên giác,
Tu học tiếp tục,
Tu học hoàn tất,
tất cả Như lai,
cùng với Bồ tát,
công đức có gì
tôi tùy hỷ cả.
(10) Mười phương đâu có
Ngọn đèn thế giới
khi mới thành tựu
tuệ giác vô thượng,
tôi xin thỉnh cầu
tất cả các Ngài
chuyển đẩy bánh xe
diệu pháp vô thượng.
(11) Chư vị Như lai
muốn hiện niết bàn,
thì tôi chí thành
thỉnh cầu các Ngài
sống với đời kiếp
nhiều như cực vi,
để làm lợi lạc
hết thảy chúng sinh.
(12) Lạy Phật, khen Phật,
và hiến cúng Phật (14) ,
Xin Phật ở đời
và chuyển [háp luân,
tùy hỷ sám hối
bao thiện căn ấy.
tôi đem hồi hướng
lợi ích chúng sinh
có nghĩa hồi hướng
nguyện thành trí Phật (15) .
(13) Tôi theo mà học
chư vị Như lai,
tu tập tất cả
hạnh nguyện phổ hiền,
phụng sự quá khứ
chư vị Như lai,
cùng với hiện tại
chư vị Phật đà,
(14) vị lai các bậc
Thầy của trời người,
bao nhiêu ý nguyện
đều viên mãn cả,
tôi nguyện học tập
tam thế chư Phật,
để mau hoàn thành
tuệ giác vô thượng (16) .
(15) Tất cả thế giới
khắp cả mười phương
rộng lớn trong sạch
nhiệm mầu trang nghiêm,
ở đâu cũng có
đại hội Bồ tát
bao quanh chư Phật,
trong khi chư Phật
cùng ngồi dưới cây
bồ đề đại thọ.
(16) Cầu nguyện chúng sinh
khắp cả mười phương
thoát hết lo sợ
thường hưởng yên vui,
thu hoạch lợi ích
của Pháp sâu xa,
diệt trừ phiền não
không còn thừa sót (17) .
(17) Khi tôi tu tập (18)
vì đại bồ đề
thì ở loài nào
cũng biết đời trước,
thường được xuất gia
nghiêm giữ tịnh giới,
không để giới thể
bị dơ bị vỡ
hay bị xuyên thủng
hoặc bị sơ suất (19) .
(18) Tất cả chư thiên
cùng với quỉ thần,
hết thảy nhân loại
và bao loài khác,
bao nhiêu chúng sinh
bao nhiêu tiếng nói,
tôi dùng tiếng ấy
mà thuyết pháp cho.
(19) Siêng tu các pháp
ba la mật đa
cực kỳ trong sáng,
thường xuyên chuyên chú
không để quên mất
tâm đại bồ đề,
diệt trừ dơ bẩn
không cho sót lại,
viên thành tất cả
hạnh nguyện nhiệm mầu.
(20) Đối với mê lầm
cùng với nghiệp dữ,
đối với cảnh ngộ
hiện thân ma vương,
trong cõi đời này
mà được siêu thoát,
tực như hoa sen
không hề dính nước,
cũng như nhật nguyệt
không vướng không gian.
(21) Tận trừ toàn bộ
nỗi khổ đường dữ,
bình đẳng cho vui
bao loại sinh linh,
trải qua thời kỳ
nhiều như cực vi,
lợi ích mười phương
không có cùng tận.
(22) Tôi hằng tùy thuận
các loại chúng sinh,
cùng tận thời kỳ
của thì vị lai,
thường xuyên tu tập
hạnh nguyện phổ hiền
cực kỳ rộng lớn
viên mãn thành tựu
tuệ giác bồ đề
cực kỳ tối thượng.
(23) Bao nhiêu những người
đồng hành với tôi,
nguyện ở chỗ nào
cũng thường gặp nhau,
thân miệng và ý
đều như nhau cả,
cùng nhau tu học
hết thảy hạnh nguyện.
(24) Những thiện trí thức
lợi ích cho tôi,
chỉ dẫn cho tôi
hạnh nguyện phổ hiền,
cũng nguyện thường xuyên
được gặp gỡ nhau,
lại nguyện thường xuyên
hoan hỷ cho tôi.
(25) Nguyện thường nhìn thấy
chư vị Như lai,
cùng chư Bồ tát
vây quanh các Ngài,
đối với các Ngài
nguyện hiến cúng lớn,
cùng tận vị lai
không biết chán mệt.
(26) Nguyện được duy trì
pháp mầu của Phật,
làm cho rực rỡ
hạnh nguyện bồ đề,
trong sạch rốt ráo
đường đi Phổ hiền,
cùng tận vị lai
thường xuyên tu tập.
(27) Ở trong tất cả
thế giới ba cõi,
tôi tu phước trí
thường xuyên vô tận,
định tuệ phương tiện
cùng với giải thoát,
được kho công đức
vô tận như vậy.
(28) Mỗi một cực vi
có số thế giới
nhiều bằng cực vi
mỗi một thế giới
có các đức Phật
khó thể nghĩ thấu,
mỗi một đức Phật
đều ở chính giữa
đại hội Bồ tát,
và tôi nhìn thấy
các Ngài thường nói
hạnh nguyện Bồ đề.
(29) Biển cả thế giới
khắp mười phương hướng,
biển cả thì gian
nhiều bằng đầu lông,
biển cả Phật đà,
biển cả quốc độ,
biển cả thời kỳ
mà tôi tu hành.
(30) Chư vị Như lai
lời tiếng trong sáng,
mỗi tiếng đủ hết
biển cả âm thanh,
những lời tiếng ấy
tùy ý chúng sinh,
mỗi tiếng xuất ra
biển cả hùng biện.
(31) Chư vị Như lai
trong ba thì gian,
vận dụng vô tận
biển cả lời tiếng,
thường chuyển pháp luân
lý thú nhiệm mầu,
nhưng trí tuệ lực
sâu xa của tôi
có thể hội nhập
một cách toàn diện.
(32) Tôi thấu hiểu được
toàn thể thời kỳ
của thì vị lai
là một sát na,
tôi cũng thấu hiểu
toàn thể thời kỳ
cả ba thì gian
là một sát na.
(33) Trong một sát na
mà tôi thấy hết
tất cả chư Phật
trong ba thì gian,
tôi thường thấu hiểu
lĩnh vực của Phật
thể chứng các pháp
toàn như ảo thuật,
giải thoát cao sâu,
uy lực hùng mãnh.
(34) Nơi mỗi cưc vi
trên đầu sợi lông,
xuất hiện thế giới
quá khứ hiện tại
cùng với vị lai
cực kỳ trang nghiêm.
Thế giới mười phương
nhiều như cực vi
trên đầu sợi lông,
tôi thâm nhập cả
mà làm toàn thể
trang nghiêm trong sạch.
(35) Cùng tận vị lai
có bao Phật đà
thành vô thượng giác
chuyển chánh pháp luân
mở mắt quần sinh
ở trong ba cõi,
việc Phật hoàn tất
thị hiện niết bàn,
tôi đều đi đến
thân gần phụng sự.
(36) Năng lực thần thông
đến mau khắp cả,
năng lực đại thừa
biến thể toàn diện,
năng lực công đức
tu hết trí hạnh,
năng lực đại từ
che hết chúng sinh,
(37) năng lực thắng phước
trang hoàng khắp nơi,
năng lực thắng trí
không hề vướng mắc,
năng lực uy thần
đủ mọi phương tiện (20) .
năng lực bồ đề
qui tụ hết thảy,
(38) năng lực thiện nghiệp
làm sạch tất cả,
nănglực diệt trừ
tất cả phiền não,
năng lực chiến thắng
tất cả ma quân,
năng lực viên mãn
hạnh nguyện phổ hiền (21) .
(39) Trang hoàng sạch sẽ
biển cả thế giới,
giải thoát hết thảy
biển cả chúng sinh,
khéo léo phân biệt
biển cả các pháp,
nhập vào sâu xa
biển cả trí tuệ,
(40) làm trong sáng hết
biển cả đại hạnh,
làm đầy đủ cả
biển cả đại nguyện,
thân gần hiến cúng
biển cả Phật đà,
tu không mệt mỏi
biển cả thời kỳ.
(41) Bao nhiêu hạnh nguyện
tuệ giác tối thượng
của chư Như lai
trong ba thì gian,
tôi tôn thờ cả
và tu đầy đủ:
Vận dụng tất cả
hạnh nguyện phổ hiền
tôi giác ngộ được
vô thượng bồ đề.
(42) Tất cả Như lai
đều có trưởng tử,
cùng một danh hiệu
danh hiệu Phổ hiền (22) ;
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn (23) ,
nguyện bao trí tuệ
đồng đẳng các vị.
(43) Cả thân miệng ý
thường xuyên trong sáng,
hạnh nguyện, quốc độ,
cũng đều như vậy:
trí tuệ đến thế
nên tên Phổ hiền,
nguyện tôi đồng đẳng
với các vị ấy.
(44) Tôi vì trong sáng
hạnh nguyện Phổ hiền,
nên bao hạnh nguyện
của ngài Văn thù,
tôi tu đủ cả
không có thiếu sót,
cùng tận vị lai
không hề mỏi mệt.
(45) Sự tu của tôi
không có hạn lượng,
công đức đạt được
cũng không số lượng;
đứng vững ở trong
vô lượng hạnh nguyện,
tôi thấu triệt hết
bao thần thông lực.
(46) Trí hạnh Văn thù
cực kỳ dũng mãnh,
tuệ hạnh Phổ hiền
cũng là như vậy;
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn,
để theo các ngài
thường xuyên tu học.
(47) Các đại nguyện vương
tối thắng như vầy
được sự ca tụng
của chư Như lai,
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn
để được hạnh nguyện
Phổ hiền tối thượng (24) .
(48) Nguyện tôi trong lúc
sinh mệnh sắp chết,
thì loại được cả
mọi sự trở ngại,
trực tiếp nhìn thấy
đức A di đà,
tức khắc được sinh
thế giới Cực lạc.
(49) Tôi đã sinh ra
thế giới ấy rồi,
trước mất thành tựu
đại nguyện vương này,
thành tựu đầy đủ
không có thiếu sót,
lợi lạc tất cả
thế giới chúng sinh.
(50) Bồ tát hải hội
của đức Di đà
ai cũng trong sạch,
còn tôi lúc ấy
hóa sinh ở trong
hoa sen tối thắng,
đích thân nhìn thấy
đức A di đà,
và Ngài đối diện
thọ ký cho tôi
thành tựu tuệ giác
vô thượng bồ đề.
(51) Nhờ ơn của Ngài
thọ ký cho rồi,
tôi liền biến thể
vô số thân hình,
với trí tuệ lực
cực kỳ rộng lớn,
tôi làm lợi lạc
tất cả chúng sinh.
(52) Hư không cho đến
phiền não cùng tận,
đại nguyện của tôi
mới có cùng tận,
nhưng bốn thứ ấy
không có cùng tận,
đại nguyện của tôi
cũng không cùng tận.
(53) Ai đem bảo vật
đầy cả thế giới
khắp mười phương hướng
mà hiến cúng Phật,
lại cho trời người
hạnh phúc tuyệt vời,
và làm như vậy
trải qua thời kỳ
bằng số cực vi
của mọi thế giới.
(54) Và ai đối với
đại nguyện vương này
một lần nghe đến
mà sinh tin tưởng,
với sự khao khát
vô thượng bồ đề,
thì được công đức
quá hơn người trước.
(55) Và rồi xa rời
bạn bè xấu ác,
với lại xa hẳn
các nẻo đường dữ
mau chóng nhìn thấy
đức A di đà,
và đủ hạnh nguyện
phổ hiền tối thượng.
(56) Người ấy khéo được
đời sống đặc thù.
người ấy khéo sinh
ở trong loài người,
người ấy không lâu
sẽ được hoàn thành
hạnh nguyện y như
Phổ hiền đại sĩ.
(57) Nếu mà xư kia
không có trí tuệ
nên tạo năm tội
địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay
tụng đại nguyện vương
của đức Phổ hiền,
thì một sát na
tiêu diệt tức thì
năm tội như vậy.
(58) Lại còn toàn hảo
dòng họ, thành phần,
sắc tướng, trí tuệ;
quân đội ma vương (25)
và những ngoại đạo
không thể đánh đổ,
kham được ba cõi
cùng nhau hiến cúng.
(59) Và mau đến ngồi
dưới bồ đề thọ,
chiến thắng các đạo
quân đội ma vương,
thành đẳng chánh giác
chuyển diệu pháp luân,
lợi lạc hết thảy
các loại chúng sinh.
(60) Thế nên những ai
đối với hạnh nguyện
của đức Phổ hiền
mà biết tiếp nhận,
ghi nhớ, đọc tụng,
và nói cho người,
thì được kết quả
chỉ Phật mới biết,
quyết định thực hiện
vô thượng bồ đề.
(61) Người nào trì tụng
hạnh nguyện Phổ hiền,
mà tôi nói về
chút ít thiện căn,
là một sá na
họ đủ tất cả
đại thanh tịnh nguyện
tác thành chúng sinh.
(62) Hạnh nguyện phổ hiền
tối thượng của tôi,
vô biên thắng phước
tôi hồi hướng cả,
nguyện bao chúng sinh
đang còn chìm đắm,
mau chóng được sinh
thế giới Cực lạc
của đức Thế tôn
A di đà Phật.
Bấy giờ, trước đức Tỳ lô giá na như lai, Phổ hiền đại sĩ nói những lời chỉnh cú trong sáng về đại nguyện vương phổ hiền rồi, Thiện tài đồng tử phấn chấn vô lượng, các vị Bồ tát cùng đại hoan hỷ, và đức Như lai tán dương, rằng lành thay, lành thay! (26) .
Khi đức Tỳ lô giá na như lai cùng các vị Bồ tát đại sĩ nói về pháp môn "Lĩnh vực giải thoát bất khả tư nghị" thì các đại bồ tát và sáu ngàn tỳ kheo đã được thành thục do Văn thù đại sĩ làm thượng thủ; các đại Bồ tát thuộc về Hiền kiếp do Di lạc đại sĩ làm thượng thủ; các đại bồ tát chỉ còn một đời nữa là bổ xứ lên ngôi Pháp vương, cùng với các đại bồ tát nhiều bằng số lượng cực vi của biển cả thế giới cùng đến pháp hội này, do Phổ hiền đại sĩ (27) làm thượng thủ; các đại thanh văn do các tôn giả Xá lợi phất và Mục kiền liên làm thượng thủ; cùng với hết thảy thế chúa, tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, toàn thể đại hội như vậy nghe những điều đức Như lai tuyên thuyết thì ai cũng đại hoan hỷ, tín thọ, phụng hành (28) .
Nam mô Hoa nghiêm giáo chủ Tỳ lô giá na như lai. Nam mô Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh. Nam mô Như lai trưởng tử Phổ hiền bồ tát ma ha tát. Chú thích:
(3) Hạnh nguyện, đúng ra là hành nguyện: chú nguyện và việc làm bất khả phân, gọi là hạnh nguyện. Phổ hiền: cát tường một cách toàn diện. Hạnh nguyện phổ hiền có 2 nghĩa: có nghĩa là hạnh nguyện của đức Phổ hiền, nhưng cũng có nghĩa là hạnh nguyện có đặc tính phổ hiền.
(4) Thời kỳ: dịch chữ kiếp. Đúng ra phải dịch là thời kỳ dài, và có 3 bậc: thời kỳ dài nhỏ (tiểu kiếp) thời kỳ dài vừa (trung kiếp) thời kỳ dài lớn (đại kiếp).
(5) Cực vi (hay vi trần, cực vi trần) là bụi rất nhỏ, tưởng tượng cũng không phân tích được nữa.
(6) Hai lần không thể nói, là 1 trong các cấp số nhiều.
(7) Sát na (niệm) là đơn vị ngắn nhất của thì gian, chỉ như ý nghì thoạt hiện hay thoạt biến.
(8) Hải hội: đại hội đông như biển.
(9) Dịch theo đại sư Thái hư.
(10) Đúng chính văn ở đây là sám trừ: sám hối trừ diệt.
(11) Không phải là 1 bài 4 câu chỉnh cú thuộc thểvăn chỉnh cú, mà bất cứ thể văn chỉnh cú hay thể văn trường hàng, hễ 32 chữ liên tiếp, thành 4 câu, mổi câu 8 chữ, thi gọi là một bài chỉnh cú 4 câu.
(12) Dịch theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo. Nguyên tên dịch âm thì thứ tự như sau: dạ xoa, la sát, cưu bàn trà, tì xá xà, bộ đa.
(13) Đại nguyện vương (hay nguyện vương), đại nguyện là hạnh nguyện vĩ đại, đại nguyện vương là đại nguyện chúa tể của đại nguyện. Cũng có trường hợp đại nguyện vương chỉ cho đức Phổ hiền: vị chúa tể của đại nguyện.
(14) Chính văn là "sở hữu lễ tán cúng dường Phật". Câu này nếu nói rõ là sở hữu lễ Phật, tán Phật, cúng dường Phật. Vậy chữ Phật chữa thành chữ Phước là rất sai.
(15) Mười hai bài chỉnh cú này nói về 8 đại nguyện: 1-2 là 1 lễ kính Phật đà; 3-4 là 2 tán dương Như lai; 5-7 là 3 hiến cúng rộng lớn; 8 là 4 sám hối nghiệp chướng; 9 là 5 tùy hỷ công đức; 10 là 6 xin chuyển pháp luân; 11 là 7 xin Phật ở đời; 12 là, theo ý đại sư Thái hư nói trước một cách tổng quát về đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả.
(16) Theo ý đại sư Thái hư, các chỉnh cú 13-14 này là đại nguyện 8 thưởng học theo Phật.
(17) Theo ý đại sư Thái hư, các chỉnh cú 15-16 này là đại nguyện 9 hằng thuận chúng sanh.
(18) Theo ý đại sư Thái hư, các chỉnh cú 17-47 sau đây là đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả, nói đầy đủ hơn. Tựu trung chia ra 2 đoạn lớn: đoạn một, các chỉnh cú 17-38 là phát thêm 10 nguyện nhỏ, đoạn 2, các chỉnh cú 39-47 là tổng kết hồi hướng về 10 đại nguyện.
(19) Lậu, dịch đúng là rỉ lọt, mà ở đây là sai sót, sơ hở, sơ suất.
(20) Dịch đủ: Thiền định, trí tuệ, phương tiện.
(21) Coi lại ghi chú 18 . Ở đó đã nói các chỉnh cú 17-38 là phát thêm 10 nguyện nhỏ, đó là:
1) 17-18 là nguyện hộ vệ chánh pháp.
2) 19-20 là nguyện tự lợi tha.
3) 21-22 là nguyện thành thục chúng sinh.
4) 23-24 là nguyện không rời đồng hành.
5) 25-26 là nguyện hiến cúng chánh pháp.
6) 27-28 là nguyện được lợi công đức.
7) 29-31 là nguyện chuyển đẩy pháp luân.
8) 32-33 là nguyện nhập cảnh giới Phật,
9) 34-35 là nguyện phụng sự chư Phật.
10) 36-38 là nguyện mau thành chánh giác.
(22) Coi lại ghi chú 3 . Tất cả chữ Phổ hiền, trong trường hàng cũng như chỉnh cú, có 3 nghĩa. Một, có khi chỉ cho đức Phổ hiền, thì viết hoa. Hai, đa số chỉ cho tính cách phổ hiền, thì viết thường. Ba, có khi chỉ cho các đức Phổ hiền khác, thì cũng viết hoa.
(23) Chữ này, ở đây và ở dưới, là chỉ cho 10 hạnh nguyện Phổ hiền.
(24) Coi lại ghi chú 18 . Ở đó đã nói, theo ý đại sư Thái hư, các chỉnh cú 39-47 là tổng kết hồi hướng về 10 đại nguyện. Gồm lại, các chỉnh cú 17-47 là nói về đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả.
(25) Có hai nghĩa, nghĩa chính là quân đội của ma vương thật; nghĩa nữa là dục vọng, cũng gọi là quân đội của ma vương. Chưa kể có nơi từ ngữ này còn nói đến cơ thể (ngũ ấm) sự chết và phiền não.
(26) Phẩm này đáng lẽ chấm hết ở đây mới phải.
(27) Đúng chính văn là Vô cấu phổ hiền đại sĩ.
(28) Đoạn này là lời kết của bộ kinh Hoa nghiêm.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.80.247 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.