Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm Thứ Mười Ba: Vô Tránh Hạnh
Đức Thế Tôn lại bảo Hiền Hộ Bồ tát:
Nầy Hiền Hộ! Nếu tỳ kheo nào ưa muốn tu tập môn tam muội nầy, trước tiên hết phải quán tưởng, đã quán sát rồi nhờ đó không sanh ngã mạn trừ được kiêu căng tâm ý nhẹ nhàng xa lìa các tướng, bấy giờ mới vì kẻ khác nói về tam muội, không nên sanh phiền não. Nghĩa của phiền não trong đây tức là vọng tưởng dựa vào rỗng không gọi là phiền não.
Nầy Hiền Hộ! Thế nên các tỳ kheo nhờ vô tranh (không sanh phiền não tham, sân, si) nên có khả năng tu học và dạy dỗ môn tam muội nầy cho kẻ khác.
Hiền Hộ! Có các thiện nam thiện nữ muốn tu học và giải thích cho kẻ khác về môn tam muội nầy cần phải thành tựu đầy đủ mười pháp sau đó mới giải thích môn tam muội nầy cho người khác được: Một là thiện nam thiện nữ nầy trước tiên chế phục ngã mạn sanh tâm cung kính. Hai là nhớ ân không quên lòng thường tìm cách đáp trả. Ba là tâm không ỷ lại cũng không ganh tỵ. Bốn là dứt trừ nghi hoặc và các sự ngăn ngại. Năm là đức tin sâu dày khó hư hoại, nhiếp niệm nội quán. Sáu là siêng năng tinh chuyên kinh hành không mỏi mệt. Bảy là luôn luôn khất thực không nhận thỉnh riêng. Tám là ít muốn biết đủ, thu thúc sáu căn. Chín là tin chơn chánh nơi pháp nhẫn vô sanh sâu xa. Mười là thường nghĩ đắc tam muội nầy, và đối với bậc thầy đã đắc tam muội nầy rồi tưởng như chư Phật, tùy thuận theo thầy tu tập môn tam muội nầy.
Nầy Hiền Hộ! Thiện nam thiện nữ nầy đã hoàn mãn mười pháp trên nên cần tu tập tam muội nầy và cũng khuyến khích kẻ khác thọ trì đọc tụng. Hành giả nầy sẽ được tám việc: một là hoàn toàn trong sạch vì không hủy phạm các cấm giới, hai là tri kiến thanh tịnh hòa hợp với trí huệ không tương xứng với gì khác, ba là trí huệ thanh tịnh vì không còn lưu phiền não, bốn là bố thí thanh tịnh vì không mong cầu quả báo, năm là đa văn thanh tịnh vì đã nghe pháp rồi không bao giờ quên mất, sáu là tinh tấn thanh tịnh vì hằng thời lúc nào cũng mong cầu Phật Bồ đề, bảy là hạnh viễn ly thanh tịnh vì không nhiễm trước nơi danh lợi, tám là hạnh bất thối thanh tịnh sẽ đắc trí giác vô thượng vì tâm ban sơ không xao động. Đó là tám việc mà thiện nam thiện nữ nầy thu hoạch được.
Khi đó Phật muốn lập lại lời trên nên nói bài kệ:
Kẻ trí không khởi tưởng hữu tướng
Cũng trừ kiêu mạn và ngã tâm
Trong môn nhẫn sau không nắm giữ
Vị nầy giảng giải được tam muội.
Trong không xưa nay, diệt phiền não
Niết bàn không tướng đại tịch tịnh
Đối Phật không hiềm, không báng pháp
Kẻ nầy xứng đáng nói tam muội.
Người trí không nổi lòng ganh tỵ
Nhớ Phật ân đức cùng pháp, tăng
Giáng sanh hàng phục không đổi đời
Một lòng phẳng lặng trì tam muội,
Không có ganh tỵ cũng không nghi
Suy tư pháp sâu tin chơn thật
Tinh tấn không lười lìa dục vọng
Ai được thế nầy đắc tam muội
Thường hành tỳ kheo pháp khất thực
Xả bỏ thỉnh riêng huống chi tài
Dứt trừ cấu nhiễm chứng chơn như
Ai được thế nầy đắc tam muội
Ai có được tam ma đề nầy
Nghe lời họ dạy, rộng phổ biến,
Xem họ khác gì đức Thế Tôn
Kẻ hành động thế đắc tam muội,
Nếu người tu hành tam muội nầy
Đầy đủ công đức siêu thế gian
Họ sẽ thu hoạch tám thứ pháp
Xứng hợp tâm Phật, sạch bụi trần
Giữ giới thanh tịnh tuyệt bờ mé
Tam muội, bồ đề và thắng kiến
Kẻ nầy thành tựu trong các hữu,
An trụ tối hậu diệu công đức.
Trí huệ thanh tịnh hết phiền não
Bố thí không nghĩ nhập vô vi
Đắc được đa văn không hề quên
Đó là kho đức của kẻ trí,
Dõng mãnh tinh tấn đắc bồ đề
Không tham danh lợi ở cõi đời
Nếu các kẻ trí khéo thực hành
Họ sẽ nhập diệu thiền vô thượng. Phẩm Thứ Mười Bốn: Pháp Bất Cộng
Đức Thế Tôn lại bảo Bồ tát Hiền Hộ:
Nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát lại còn thành tựu mười tám pháp bất cộng. Những gì là bất cộng? Đó là: Như lai lúc vừa thành đạo đến khi vào Niết Bàn trong khoảng thời gian đó ba nghiệp của Như Lai được trí huệ lãnh đạo: 1. là tất cả thân nghiệp hành động theo trí huệ. 2. là tất cả khẩu nghiệp động tác theo trí huệ. 3. là tất cả ý nghiệp vận hành theo trí huệ. Lại nữa các đức Như Lai: 1 là thấy biết việc quá khứ không chướng ngại, 2 là thấy biết việc hiện tại không chướng ngại, 3 là thấy biết việc vị lai không chướng ngại. Lại nữa 1 là hành động Như Lai không lỗi lầm, 2 là lời lẽ không sơ sót, 3 là không vọng niệm, 4 là không dị tưởng riêng biệt, 5 là thường an trụ trong tam muội, 6 là Phật thông đạt hết tất cả pháp rồi mới xả bỏ, không có pháp biết rồi lại không xả, 7 là mong muốn độ chúng sanh tâm không nhàm chán, 8 là tinh tấn không giảm, 9 là Thiền định không giảm, 10 là Trí huệ không giảm, 11 là giải thoát không giảm, 12 là giải thoát tri kiến không giảm. Đây là 18 pháp bất cộng của Như Lai, các đại Bồ tát cần nên tu tập cho hoàn mãn.
Lại nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát thành tựu sức giữ vững chánh pháp sâu xa khó thấy tức muốn tuyên nói tam muội nầy nên cần phải nhận mười pháp. Mười pháp nầy chính là mười năng lực trí huệ của Như Lai. Thế nào là mười năng lực? Nầy Hiền Hộ! Trong đó Như Lai xứ phi lực nghĩa là Như Lai đối với các việc trái hay phải đều dụng chánh trí biết được như thật. Như lai được năng lực nầy nên đứng giữa đại chúng cất lời như tiếng rống của sư tử chuyển bánh xe pháp cao cả vĩ đại từ xưa nay chưa từng chuyển ngay cả Sa môn, Bà la môn, Trời, Phạm thiên, ma, người... trong tất cả thế gian chưa ai chuyển được. Hiền Hộ đây là trí lực thứ nhứt của Như lai, đại Bồ tát cần nên tu học hoàn mãn.
Nầy Hiền Hộ! Trí lực thứ hai là Năng lực trí huệ Như lai biết tất cả nơi chí xứ. Như lai dụng chánh trí biết như thật tất cả đường lối nguyên nhơn đưa đến kết quả. Như lai được năng lực nầy nên biết được sự chơn thật.
Nầy Hiền Hộ! Trí lực thứ ba: Năng lực trí huệ Như Lai biết các cảnh giới sai biệt của chúng sanh nơi thế gian đều dùng chánh trí biết như thật. Như lai có năng lực nầy nên biết sự thật.
Trí lực thứ tư: Năng lực trí huệ Như lai biết tất cả tâm hành. Như lai đối với các sự vận hành trong tâm của chúng sanh vô lượng sai biệt đều dùng chánh trí biết được như thật.
Trí lực thứ năm: Năng lực trí huệ như lai biết căn tánh sai biệt của chúng sanh. Như lai đối với căn tánh sai biệt của chúng sanh hoặc đặc thù hay yếu kém đều dùng chánh trí biết như thật.
Trí lực thứ sáu: Năng lực trí huệ như lai biết về thiền định. Như lai đối với các tam muội thiền định giải thoát, nguyên nhơn sanh khởi phiền não vào cách diệt trừ đều biết như thật bằng chánh trí.
Trí lực thứ bảy: Năng lực trí huệ như lai biết về nghiệp báo. Như lai đối với tất cả sự sai biệt về nghiệp và sự tương ưng thọ quả ở đời tương lai dù vô lượng sai biệt nhưng Như lai đều thấy biết như thật bằng chánh trí.
Trí lực thứ tám: năng lực trí huệ Như Lai biết bằng thiên nhãn. Đức Như lai thường dùng thiên nhãn thanh tịnh siêu việt nhục nhãn, thấy xa ở đời vị lai các chúng sanh chết ở đây sanh ra nơi kia, bọn họ thọ thân hoặc tốt xấu, lành dữ, vật chất thọ dụng hoặc đẹp, xấu, tốt, thô, hoặc sanh cõi lành hay sa đường ác, lại thấy chúng sanh tạo nghiệp lành hay dữ, có chúng sanh dẫy đầy ác nghiệp về hành động, lời lẽ, ý chí, hoặc chửi mắng thánh nhân, bài báng chánh pháp, phá hòa hiệp tăng.... đủ các ác nghiệp như thế sau khi chết phải đọa vào đường ác. Lại ngài cùng thấy chúng sanh gây các thiện nghiệp như thế sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời cõi người, các việc như thế đều biết như thật.
Trí lực thứ chín: Năng lực trí huệ biết túc mạng. Như lai dụng trí túc mạng biết về các việc đời trước, ngài biết chúng sanh đây chết kia, hoặc thọ sanh tại một chỗ một lần, hai lần, ba lần, năm hay mười lần, trăm ngàn lần cho đến vô lượng trăm ngàn lần, như thế cho đến vô lượng chuyển kiếp, vô lượng định kiếp, vô lượng chuyển bất chuyển kiếp.... Như Lai đều biết như thật. Lại nữa với nơi họ sanh ra: Chỗ như thế nào, nhà, dòng giống, tên họ tướng mạo, đời sống, ăn mặc, hành động, lành dữ, vui buồn khổ sướng như thế nào chí đến mạng sống bao lâu ngài đều biết hết như thật. Lại nữa sau khi chúng sanh bỏ thân cõi nầy lại sanh nơi khác thân tướng thế nào, lời nói kinh nghiệm, sức sống lâu như thế nào, các việc quá khứ như lai đều thấy biết như thật.
Trí lực thứ mười: Năng lực trí huệ vô lậu. Như lai trí huệ vô lậu. Như lai đã sạch hết các phiền não không còn lậu thất, tâm huệ giải thoát tự đã giác ngộ được các pháp rồi nên cất tiếng tự nói rằng: Đời nay ta đã xong, Phạm hạnh thành tựu, việc nên làm đã làm rồi, không còn thừa sót phiền não để tái sanh. Nầy Hiền Hộ! Như lai đã dứt sạch các lậu tâm huệ giải thoát tự giác các pháp nên mới nói như vậy.
Nầy Hiền Hộ! Như lai đầy đủ cả mười năng lực trí huệ như thế nên ở giữa đại chúng cất tiếng như sư tử rống xoay chuyển bánh xe pháp cao cả vĩ đại mà tất cả thế gian sa môn, bà la môn, thiên phạm thiên, ma, người... không ai có thể chuyển được. Bồ tát cần nên tu học hoàn mãn mười thứ trí lực như vậy.
Nầy Hiền Hộ! Nếu các đại Bồ tát thọ trì, đọc tụng suy gẫm, quán tưởng, tu tập môn tam muội nầy chắc chắn sẽ thu gồm được mười năng lực trí huệ của Như lai.
Đức Thế Tôn mới nói thêm bài kệ để lập lại nghĩa trên cho rõ:
Mười tám pháp giác ngộ bất động
Mười trí huệ lực Phật Phật đồng
Bồ tát tu tập diệu thiền nầy
Tự nhiên thành tựu cả hai món. Phẩm Thứ Mười Lăm: Công Ðức Tùy Hỷ
Khi đó Thế Tôn lại bảo Bồ tát Hiền Hộ:
Nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát nào thành tựu đủ bốn môn tùy hỷ tức sẽ đắc tam muội Hiện tiền nầy, mau hoàn mãn trí giác vô thượng. Những gì là bốn môn tùy hỷ? Đại Bồ tát nên nghĩ như vầy như tất cả các đấng Như lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác đời quá khứ, khi xưa lúc ngài hành đạo Bồ tát đều nhơn nơi sự tùy hỷ nên đắc tam muội. Do đắc tam muội nên được đa văn, do đa văn nên chóng thành tựu trí giác vô thượng. Giờ đây ta cũng nên theo như vậy, nhơn nơi tùy hỷ đắc tam muội để được đa văn nhờ đó mau thành tựu trí giác vô thượng. Đó là tụ công đức tùy hỷ thứ nhứt của Bồ tát.
Nầy Hiền Hộ! Đại bồ tát lại nghĩ như tất cả đấng Như lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác đời vị lai lúc hành đạo Bồ tát đều nhơn tùy hỷ đắc tam muội. Do đắc tam muội nên được đa văn, do đa văn nên chóng thành tựu trí giác vô thượng. Giờ đây ta cũng nên hành động như thế sẽ nhơn sự tùy hỷ nầy đắc tam muội được đa văn nhờ đó mau thành tựu trí giác vô thượng bồ đề. Đây là tụ công đức tùy hỷ thứ hai của đại Bồ tát.
Nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát nên nghĩ hiện tại trong vô lượng vô biên vô số thế giới tất cả các đức Như lai, Ứng Cúng, Chánh đẳng giác lúc xưa hành đạo Bồ tát cũng nhờ tùy hỷ đắc tam muội, do đắc tam muội nên được đa văn, do đa văn nên hiện đều thành tựu trí giác vô thượng bồ đề. Như ta ngày nay cũng nên tùy hỷ vì để mau chứng bồ đề. Đây là tụ công đức tùy hỷ thứ ba của đại Bồ tát.
Nầy Hiền Hộ! Đại Bồ tát nên nghĩ ta đã ngưỡng học theo tất cả ba đời các đức Như lai, các ngài trong thuở xa xưa lúc hành đạo Bồ tát đều nhơn tùy hỷ đắc tam muội, đều nhơn tam muội đắc đa văn, đều nhơn đa văn mà được thành Phật. Giờ đây ta đem công đức tùy hỷ nầy nguyện hướng về tất cả chúng sanh đồng sanh tùy hỷ, đồng đắc tam muội, đồng được đa văn, đồng thành chánh giác. Đây là tụ công đức tùy hỷ thứ tư của đại Bồ tát.
Nầy Hiền Hộ! Lại nữa Bồ tát đã thành tựu tùy hỷ, tam muội, đa văn chóng thành chánh giác như thế, đem cả công đức nầy đều ban cho chúng sanh đồng hồi hướng về vô thượng bồ đề. Công đức như thế thật khó mà đo lường nổi. Giờ đây ta nói, một phần ít cho các ông nghe, ông nên nghe kỹ và khéo nhớ.
Nầy Hiền Hộ! Thí dụ như có kẻ nghĩ mình sống được trăm tuổi, thân hắn nhẹ nhàng khí lực mạnh mẽ đi thon thót khác gì chim bay, kẻ nầy có đủ khả năng đi cùng khắp hết cả một thế giới. Trước tiên hắn đi hết phương Đông, kế đến Nam, Tây, Bắc, bốn gốc, phương trên phương dưới hết cả mười phương không sót nơi nào. Hiền Hộ! Ông nghĩ sao? Giả sử có kẻ hết sức thông minh ra đời giỏi toán số có thể tính được kẻ nầy đi qua những đường xá đất đai xa gần dài ngắn không?
Thưa không thể được!
Có thể so sánh được không?
Thưa không!
Có thể quán sát không?
Thưa không!
Có thể suy nghĩ được không?
Thưa không!
Chỉ mới vừa đi mà đã thế rồi, nếu như kẻ nầy đi trọn trăm năm nhanh chân qua lại khắp cả vô tận thế giới ở mười phương, thì kẻ thông minh có thể dùng toán số để tính ra được không?
Thưa Thế Tôn! Lại còn không thể được vì rằng mới đi một thế giới đã tính không ra đường xá đi qua vắn dài thế nào, thì làm sao tính được kẻ kia đã tận lực đi khắp mười phương vô số thế giới! Những đường sá do tuần trải qua số đó nhiều ít nếu biết được họa may chỉ có một mình Thế Tôn và đại đệ tử Xá Lợi Phất cùng các bậc bất thối đại Bồ tát.
Đúng như thế! Đúng như thế! Hôm nay ta nói cho ông nghe: Nếu có thiện nam thiện nữ nào kính tin đem của cải châu báu chất đầy cả thế giới mà kẻ kia đã đi qua để dùng hiến dâng lên mười phương chư Phật họ sẽ được phước nhiều hay ít?
Hết sức nhiều.
Nhưng thật cũng không bằng một phần ít công đức tùy hỷ tam muội. Tại sao? Nầy Hiền Hộ! Là vì đại Bồ tát tu tập tam muội nầy đã đủ bốn môn tùy hỷ như trên, hồi hướng trí giác vô thượng chỉ vì đa văn thành chánh giác. Do nhơn duyên nầy nên công đức bố thí to tát kia sánh với công đức tùy hỷ trên thật không bằng một phần trăm một phần ngàn, một phần trăm ngàn muôn, một phần ức trăm ngàn cho đến dùng toán số thí dụ cũng không thể được.
Hiền Hộ! Ta nhớ thuở xưa cách đây vô lượng vô biên vô số kiếp về quá khứ, lúc đó có Phật hiệu là Sư Tử Ý Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn hiện ra ở đời. Nầy Hiền Hộ! Vào khi ấy thế giới Diêm phù đề nầy nhân dân đông đúc giàu có sung sướng an ổn thật đáng thích ưa. Diện tích Diêm phù đề rất rộng được một muôn tám ngàn do tuần trong đó số thành phố đô thị làng xóm cũng được một muôn tám ngàn đều làm bằng bảy món báu, chiều ngang chiều dài của thành đều mười hai do tuần. Trong mỗi thành đều có chín mươi ức nóc gia. Tên của thành lớn là Hiền Tác. Trong thành dân số được sáu mươi ức, đây vốn là nơi đức Sư Tử Ý Như Lai sanh ra. Đức Sư Tử Ý Như Lai thuyết pháp trong pháp hội đầu tiên độ được chín mươi ức người chứng quả A la hán. Chín ngày sau lại mở pháp hội thứ hai độ được chín mươi ức người nữa cũng chứng A la hán. Mãn pháp hội thứ hai kế đến pháp hội thứ ba lại độ được chín mươi ức người đắc quả A la hán nữa. Qua ba pháp hội nầy lại có chín mươi ức người đều từ phương khác đến tập hợp hạng người nầy đều là các Bồ tát thanh tịnh. Từ đây về sau đức Phật nầy luôn luôn có vô lượng vô số chúng Thinh văn.
Nầy Hiền Hộ! Khi ấy nhân dân đều thực hành mười nghiệp lành không khác gì đời vị lai đức Phật Di Lặc giáng thế độ cho chúng sanh thành tựu được mười thiện nghiệp. Nhân dân lúc đó đều sống lâu tám muôn bốn ngàn tuổi không khác gì tuổi thọ của nhân dân trong thời Phật Di Lặc. Trong đại thành có một vị Chuyển luân thánh vương tên là Thắng Du trị dân như pháp, ngài có bảy món báu: Báu xe vàng, voi báu, ngựa báu, ngọc ma ni, nữ báu, trưởng giả báu, chúa binh báu. Ngài có đến một ngàn người con thân tướng trang nghiêm oai phong hùng dũng đủ năng lực hàng phục kẻ oán địch. Vua cai trị cả thế giới không dùng đao binh cũng không oai vũ không thu thuế, vật phẩm tự nhiên đầy đủ dồi dào. Vào lúc vua Thắng Du vừa đến chỗ Sư Tử Ý Như lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác ngự làm lễ đầu sát chân ngài rồi lui qua ngồi một bên. Phật Sư Tử Ý biết tấm lòng khát ngưỡng chánh pháp của vua Thắng Du nên lập tức giảng rộng về tam muội Hiện tiền. Vua vừa nghe môn tam muội hết sức vui mừng sanh tâm tùy hỷ đem một nắm ngọc báu cung kính dâng lên Phật. Do nhơn duyên thiện căn tùy hỷ, sau khi vua mất được sanh trở lại cõi Diêm phù đề nầy làm vị vương tử tên là Phạm Đức nối ngôi vua cai tri theo chánh pháp. Sau khi Phật nhập diệt, trong thời chánh pháp có vị tỳ kheo tên là Bảo, vừa thông minh lại siêng năng lúc nào cũng nói kinh điển như thế cho bổn chúng nghe. Vua Phạm Đức được nghe về môn tam muội từ vị tỳ kheo nầy được đức tin sâu dầy sanh lòng tùy hỷ đem chiếc áo cực quý giá trị trăm ngàn trùm lên vị tỳ kheo. Hiền Hộ! Lại nữa vua Phạm Đức nghe vị tỳ kheo nói về tam muội liền phát tâm vô thượng bồ đề, vì quá mến yêu chánh pháp nên lìa bỏ gia đình xuất gia cạo bỏ hết râu tóc mặc áo cà sa. Khi đó cũng có trăm ngàn người đức tin kiên cố theo vua mặc áo pháp để xuất gia, họ cũng chỉ vì kinh tam muội nầy. Tỳ kheo Phạm Đức và trăm ngàn chúng tỳ kheo Bảo, không bao giờ mệt mỏi nhưng không bao giờ đắc được tam muội như thế chỉ trừ nghe được một lần, nghe rồi tùy hỷ, đủ cả bốn công đức tùy hỷ mới hồi hướng về vô thượng bồ đề giống tấm lòng tùy hỷ ban sơ thực hành rộng rãi như thế. Tỳ kheo Phạm Đức và chúng tỳ kheo trăm ngàn người nhờ công đức thiện căn nầy liền được gặp hơn sáu muôn tám ngàn đức Phật, sanh ra chỗ nào cũng được thừa năng lực vì chúng sanh giảng nói tam muội nầy. Lại nhơn thiện căn trên Phạm Đức tỳ kheo gắp thêm sáu muôn tám ngàn đức Phật lần lượt vun trồng các căn lành, đắc tam muội nầy, hoàn mãn các pháp trợ đạo Bồ đề xong liền thành chánh giác dưới danh hiệu là Kiên Cố Dõng Mãnh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu. Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn mà rồi trăm ngàn tỳ kheo đắc tam muội nầy cũng thành tựu pháp trợ đạo sau đó chứng bồ đề hiệu là Kiên Dõng Như lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác lại còn làm cho vô lượng trăm ngàn chúng sanh an trụ nơi vô thượng Bồ đề.
Nầy Hiền Hộ! Chỉ nghe mà được công đức như thế còn nói gì Bồ tát nghe nhận tam muội đọc tụng nhớ giữ, nói cho kẻ khác nghe lại siêng năng suy gẫm thực hành không đắc quả sao? Hiền Hộ! Vì lý do đó nên các Bồ tát nghe được tam muội nầy không ai là không tùy hỷ đọc tụng thọ trì, tu tập giảng thuyết. Tại sao? Vì Bồ tát nghe tam muội nầy tức thành thục pháp trợ đạo mau chứng chánh giác.
Nầy Hiền Hộ! Do nhơn duyên nầy nên ta bảo ngươi: nếu ai có đức tin chơn chánh, tâm trong sạch mong cầu trí giác vô thượng, trước tiên cần phải chí tâm cầu môn tam muội nầy Bồ tát nếu được nghe trong vòng một trăm do tuần có kinh tam muội sâu xa nầy lập tức khép nép đích thân đi đến nghe kinh nầy, nghe rồi phải liền đọc tụng thọ trì tu tập suy gẫm đem nói ra cho người.
Nầy Hiền Hộ! Nào phải chỉ trong vòng trăm do tuần mới đến nghe thôi, Bồ tát nếu nghe trong vòng hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm cho đến ngàn do tuần có kinh tam muội nầy hoặc ở trong thành phố thôn xóm lập tức đều cung kính đến nghe, nghe rồi tu tập, thọ trì. Tại sao? Nầy Hiền Hộ! Là vì Bồ tát nầy đức tin trong sạch mong cầu thành tựu vô thượng bồ đề. Thế nên Bồ tát không nên sanh tâm biếng trễ, ỷ lại, tán loạn, nhưng phải phát tâm hăng hái tha thiết môn tam muội nầy mau nhanh chân qua đến nơi cách xa ngàn do tuần dù chỉ để nghe tam muội thôi, còn nói gì đọc tụng, thọ trì, suy gẫm, giảng giải. Tại sao? Nầy Hiền Hộ! Là vì tam muội nầy có khả năng hàm chứa tất cả pháp trợ đạo.
Lại nầy Hiền Hộ! Nếu có Bồ tát tâm thuần tịnh chỉ vì Bồ đề qua đến nơi cách xa ngàn do tuần để nghe pháp tam muội nầy. Lúc đó Bồ tát cũng nên hầu hạ cúng dường vị pháp sư nói pháp, cung phụng đủ hết mọi vật dụng luôn luôn nên đi theo vị pháp sư học tập trong vòng một năm hai năm, mười, hai chục, trăm năm cho đến trọn đời theo vị pháp sư không xa lìa người, thậm chí chỉ vì mong cầu được nghe về môn tam muội nầy, huống chi là đọc tụng, thọ trì, suy gẫm nghĩa lý, đem nói cho kẻ khác. Lúc Bồ tát theo vị pháp sư nên bỏ hết những dự định trong tự tâm, khi hành động chỉ theo ý vị pháp sư, thận trọng hầu hạ ngài không được trái lời, sanh tâm tôn kính và tâm mến trọng thậm chí coi như là Phật.
Lại nầy Hiền Hộ! Giả sử Bồ tát nầy cần xa vị pháp sư, khi xa nên phải thường thường nhớ đến ơn ngài luôn nghĩ cách đáp trả. Tại sao? Nầy Hiền Hộ! Vì nhơn nơi sự tuyên giảng của vị pháp sư nầy kinh điển mới được tồn tại lâu dài không bị mất mát.
Nầy Hiền Hộ! Nếu có Bồ tát nào thiết tha đến môn tam muội nầy còn nên phải đi qua ngàn do tuần để nghe, nói chi khi có pháp hội giảng về tam muội ở trong vòng đô thành, phố xá, thôn xóm, nơi thanh vắng hoặc trong núi rừng lại không đến để nghe, thọ trì, đọc tụng, suy gẫm nghĩa lý đem nói lại cho kẻ khác nghe sao?
Lại nầy Hiền Hộ! Ta nay nói cho ông nghe nếu có Bồ tát này vì mong cầu môn tam muội có thể lập tức đi qua trăm do tuần dù không may không được nghe, nhưng nhờ tấc lòng tha thiết cầu bồ đề trong pháp nầy vẫn siêng năng hăng hái không có biếng trễ. Hiền Hộ! Ông nên biết hạng người như thế chắc sẽ được không thối chuyển nơi vô thượng bồ đề, nói chi nếu được nghe thọ trì, đọc tụng, suy gẫm tu tập đem ra nói cho kẻ khác.
Hiền Hộ! Ông nên quan sát hàng Bồ tát nầy nghe tam muội rồi lại đủ sức thọ trì, suy gẫm, tu hành tức được công đức vĩ đại như trên, thậm chí đã mong cầu nhưng không nghe được cũng thu hoạch đầy đủ thiện căn vĩ đại, nếu đă nghe hoặc không được nghe đều đã trụ nơi địa vị bất thối chuyển, cuối cùng thành tựu vô thượng bồ đề, còn nói chi đã nghe lại đọc tụng, thọ trì suy gẫm, tu tập, nói lại cho kẻ khác, và cũng làm cho kẻ khác nghe rồi, đọc tụng thọ trì suy gẫm đem truyền bá rộng rãi ra.
Khi đó Thế Tôn muốn lập lại lời trên mới nói kệ rằng:
Ta nhớ thuở xưa có Như lai
Hiệu Sư Tử Ý thầy trời người
Lúc đó có vua lãnh đạo dân
Đích thân đến Phật cầu tam muội
Đức vua thông minh đã nghe rồi
Hớn hở khắp thân tả không xiết
Hai tay dâng báu cúng dường Phật
Thành kính dân lên Sư Tử Ý
Nội tâm suy gẫm cất lời rằng:
Con nay quy y vô thượng tôn
Vì cả thế gian làm việc lợi
Cúi xin ngài nói tam ma đề.
Khi vua gây tạo nghiệp lành xong
Xả thân sanh lại trong cung nầy
Được gặp tỳ kheo tên là Bảo
Đại đức tiếng vang khắp mười phương.
Khi nghe tỳ kheo khéo nói pháp
Tâm sanh vui mừng khó thể tả,
Liền đem y phục rất quý giá
Trùm lên tỳ kheo vì Bồ đề,
Rồi cùng trăm ngàn chúng xuất gia
Cúng dường hầu hạ tỳ kheo nầy
Trải qua đầy đủ tám ngàn năm
Vì cầu môn tam muộn như thế
Ngài nói một lần không lập lại,
Nghe nhận sâu xa như biển cả
Khi ấy tâm trí không mỏi mệt
Cầu mong như thật thắng tịch thiền
Cả bọn tu hành như thế rồi
Gặp được chư Phật đấng uy hùng
Số đến sáu muôn tám ngàn vị
Khoảng đó cũng nghe tam muội nầy.
Đời kế cúng dường và hầu hạ.
Cũng số sáu muôn tám ngàn Phật
Nghe định sâu xa đều vui mừng
Vì nhờ Như lai Sư Tử Ý
Vua nầy tu hành đầy đủ thế
Cuối cùng thành Phật hiệu Kiên Dõng.
Giáo hóa chúng sanh vô số lượng
Dù ở sinh tử lại ly trần.
Ngàn chúng xuất gia theo đức vua.
Cũng đồng thành Phật hiệu Kiên Dõng.
Tiếng đức vang xa cả mười phương
Nghe tên tam muội chứng chánh giác
Huống gì nói lại cho người nghe
Không còn đắm say thế giới nầy.
Lại gắng công suy gẫm kỹ lưỡng
Tam muội Phật dạy như thế nầy.
Nếu có tam muội cách trăm dặm
Mong cầu Bồ đề qua đó nghe
Ở trong ngôn giáo đừng mỏi mê.
Kẻ nghe công đức không xiết kể.
Dù đã đến nơi lại không nghe
Còn được phước đức đồng như thế
Huống gì nghe rồi nghĩ theo lời
Chỉ gấp mong cầu tam muội nầy.
Nên nhớ đến việc ngài Phạm đức
Gần gũi hầu hạ không nhàm chán
Vị tỳ kheo nào có kinh nầy
Lập tức đến nơi kính cúng dường. Phẩm Mười Sáu: Phụng Sự Pháp Sư
Đức Thế Tôn lại bảo Hiền Hộ:
Nầy Hiền Hộ! Ta nhớ thuở xưa cách đây đã quá vô lượng vô số kiếp về quá khứ có vị Phật ra đời tên là Tất Dà Na Ma Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri đủ cả mười hiệu. Trong thời gian nầy có một vị tỳ kheo tên là Hòa luân sau khi Phật diệt độ ca ngợi diễn giảng kinh tam muội nầy, còn ta lúc đó làm một vị Đại quốc vương dốc lòng chuyên cầu diệu pháp, trong giấc ngủ mơ thấy có tiếng bảo: "Đây là chỗ tam muội" liền tỉnh dậy và đích thân theo chỗ chỉ đi qua đến nơi vị tỳ khoe Hoà luân cầu kinh tam muội, do đó mới xin pháp sư làm lễ xuống tóc xuất gia. Lòng ta tha thiết muốn được nghe về tam muội nên đã đích thân phụng sự Pháp sư Hòa luân trải qua thời gian là ba muôn sáu ngàn năm, nhưng bị chướng thiên ma che lấp nên cũng không nghe được.
Ngay khi đó Phật bảo các tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ:
Nay ta lại nói cho các ông nghe, các ông phải nên mau nghe lănh tam muội vương nầy đừng để chậm trễ cũng như đừng để quên mất, phải hầu hạ pháp sư khéo léo đừng để mất dịp cầu nghe tam muội nầy, kỳ hạn hoặc trong một kiếp hay là thậm chí trăm ngàn kiếp quyết không bao giờ biếng trễ, thì không thế nào là không đắc được tam muội nầy.
Hiền Hộ! Nếu có người dốc lòng cầu tam muội thường theo Pháp sư không xa lìa ngài, những vật cúng dường như thuốc thang, món uống ăn, y phục, giường nệm các vật dụng cho đến tất dả vàng bạc châu báu hể là những gì cần dùng đều hết lòng dâng lên pháp sư không luyến tiếc, như không có thì đi xin để hiến cho ngài, vì đắc tam muội không nên sanh tâm nhàm chán.
Hiền Hộ! Trên đây chỉ là mới cúng dường những vật dụng thông thường, hể nói cầu pháp lúc thầy có cần gì thậm chí phải tự cắt thịt da cơ thể để cúng dường theo như cầu của thầy còn không luyến tiếc huống gì những ngoại vật lại không cung phụng sao? Nầy Hiền Hộ! Phụng sự pháp sư gìn giữ trọn niềm thuận thảo việc đó như trên. Lại nữa khi phụng sự pháp sư không khác gì người ở theo lệnh chủ, quan thờ vua.... hạng người như thế sẽ mau đắc tam muội, đắc rồi nên siêng năng ghi nhớ giữ gìn, lại thường nhớ đến ơn thầy lòng hằng nghĩ cách đáp trả.
Nầy Hiền Hộ! Báu tam muội nầy không phải được nghe dễ dàng giả sử có người bỏ ra hơn trăm ngàn kiếp chỉ cầu nghe tên thôi còn nghe chưa được, nói chi đến việc nghe rồi biên chép đọc tụng, thọ trì, rồi trở lại phân tách giảng giải cho người khác hiểu. Hiền Hộ! Giả sử đem của cải chất đầy các thế giới chư Phật số nhiều như cát sông Hằng để hành hạnh bố thí, phước người nầy hết sức to tát nhưng không bằng công đức chỉ được nghe qua tên kinh thôi.
Rồi đức Thế Tôn nói lên bài kệ lập lại nghĩa trên:
Ta nhớ quá khứ vô lượng đời
Hằng theo pháp sư không tạm lìa
Trải qua thời gian sáu muôn năm
Ban sơ chưa nghe tên tam muội,
Lúc đó có Phật hiệu Chí Thành
Tỳ kheo theo ngài hiệu Hoà Luân
Đến khi Thế Tôn nhập diệt rồi
Tỳ kheo Hòa Luân giảng tam muội
Khi ấy ta là vua thiên hạ
Trong mộng mơ nghe chỗ tam muội
Tỳ kheo Hoà Luân thường giảng nói
Vua nghe nên nhận kinh báu nầy,
Từ mộng tỉnh dậy liền tìm cầu
Khép mình thỉnh ngài giảng tam muội
Xả bỏ ngôi vua để xuất gia,
Cung kính cúng dường không tạm nghỉ,
Qua hết ba muôn sáu ngàn năm
Chỉ nguyện được nghe tam muội nầy
Luôn bị thiên ma đến khuấy nhiễu
Rốt cuộc không sao nghe một lần
Thế nên tỳ kheo tỳ kheo ni
Các cư sĩ nam cư sĩ nữ
Nghe ta lời dạy thành thật nầy:
Các ông hết lòng trì tam muội,
Ai có mong muốn hầu pháp sư
Trải qua một kiếp hay nhiều kiếp
Cúng dường thang thuốc món ăn ngon
Mong cầu nghe được tam muội kinh.
Lại lo rất nhiều y phục tốt
Giường nệm đèn đuốc, các châu báu
Siêng năng như thế không biết mỏi
Chỉ vì mong nghe tam muội nầy,
Tỳ kheo không cần phải xin cúng
Ngay đến thân mạng không tiếc gì
Huống chi ngoại vật lại luyến sao?
Kẻ cầu như vậy đắc tam muội.
Mang ân thường nhớ để đáp ân
Kẻ trí nghe rồi nên phổ biến
Ức Na do tha kiếp ròng rã cầu
Diệu tam muội này giờ mới nghe
Giả sử thế giới như Hằng sa
Chất đầy của cải hành bố thí,
Kẻ nói được kinh chỉ một kệ
Phước họ còn hơn kẻ trên kia
Kẻ nói ra được một bài kệ
Hơn cả phước na do tha kiếp
Huống gì nghe rồi lại truyền bá
Công đức người nầy tả không xiết
Nếu ai thích hành đạo Bồ đề
Nên vì chúng sanh cầu pháp nầy
Nghe rồi an trụ trong tam muội
Chắc thành chánh giác vô thượng đạo. Phẩm Thứ Mười Bảy: Chúc Lụy
Thế Tôn lại bảo Bồ tát Hiền Hộ:
Nầy Hiền Hộ! Thế nên các thiện nam thiện nữ có đức tin trong sạch nên siêng năng tinh chuyên nghe tam muội nầy, đã nghe rồi nên lãnh thọ đọc tụng, suy gẫm nghĩa lý vì cả thế gian phân tách giảng giải cho họ, nên biên chép kỹ lưỡng để trong kho tàng. Tại sao vậy? Nầy Hiền Hộ! Sau khi ta diệt độ, trong đời tương lai sẽ có hàng đại Bồ tát đức tin trong sạch vì các chúng sanh nên cầu sự học rộng nghe nhiều, vì sự mong cầu nầy nên đi khắp các nơi để nghe nhận chánh pháp.
Nầy Hiền Hộ! Thế nên các thiện nam thiện nữ như có kẻ có lòng ưa thích, kẻ đầy đủ đức tin kẻ gìn giữ chánh pháp, kẻ mến yêu chánh pháp, kẻ tổng trì kinh điển... nên vì các kẻ ấy giảng nói cho họ. Nương theo thần lực của Như lai biên chép kinh đại thừa như vậy rồi dùng Như lai ấn phong nó lại sau đó đem an trí trong hộp để vào kho. Nầy Hiền Hộ! Thế nào là Như lai ấn? Đó là: Tất cả các hành không tạo tác, không tướng, không tưởng, không y, không nhiếp, không thủ không trụ, tất cả hành hết, khổ nhơn hết, hữu hết, tất cả phiền não hết... không sanh, không diệt, không đạo, không đạo quả, tất cả các thánh không bao giờ che giấu, kẻ trí ca ngợi, người khôn ngoan thọ nhận được.
Lúc Như lai nói kinh nầy có vô lượng chúng sanh đều vun trồng căn lành nơi vô thượng bồ đề có vô lượng vô số đại Bồ tát ở các thế giới Phật số nhiều như cát sông Hằng, các vị nầy đều từ thế giới mình qua đây cũng vì để được nghe kinh tam muội, các ngài đắc bất thối chuyển nơi vô thượng bồ đề cả ba ngàn đại thiên thế giới khắp mặt đất đều chấn động sáu cách: động, đại động, đẳng biến động, dũng, đại dũng, đẳng biến dũng, khởi, đại khởi, đẳng biến khởi, chấn, đại chấn, đẳng biến chấn, hống, đại hống, đẳng biến hống, giác, đại giác, đẳng biến giác, thậm chí hết tưng nhảy bên kia lại tưng nhảy bên đây, cả thế giới đều chấn động như vậy.
Khi ấy Thế Tôn mới bảo tôn giả Ca Diếp, Tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả A Nan, Bồ tát Hiền Hộ, chánh Ly Xa Bảo Đức, phú hộ Đại Thiện, con ông phú hộ chàng Tinh Đức, phú hộ Vi Đức Ma Nạp, phú hộ Thủy Tiên v.v... năm trăm người và các vị trời, người đời, bốn bộ chúng v.v... rằng:
Nầy Ca Diếp! Giờ đây ta đem pháp ba đại vô số kiếp tu thành vô thượng chánh đẳng chánh giác giao phó cho các ông, các nghĩa lý như thế cả thế gian không có khả năng tin nhận được. Tại sao? Vì kinh điển do đức Như Lai nói ra hết sức vi diệu sâu xa đệ nhứt trong đời, đương lai sẽ đem lại cho chúng sanh vô thượng Bồ đề. Vì vậy ta ân cần phó chúc cho ông, ông nên nghe và nhận lãnh, ông nên đọc tụng suy gẫm, tu hành, đem ra truyền bá, giảng giải, giải thích, phổ biến rộng rãi đừng để mất mát.
Lại nầy A Nan! Nếu có thiện nam thiện nữ nào mong muốn tu tập kinh tam muội nầy, muốn đọc tụng, thọ trì, suy gẫm, khai thị, giảng nói, rồi lại làm cho kẻ khác sanh đức tin chơn chánh phát tâm đọc tụng, thọ trì, suy gẫm, khai thị, giảng nói, ta nay vì họ an trụ đại thừa cho thiện nam thiện nữ đã được khai thị rồi nên học như thế, thường phải ghi nhớ ta có lời dạy bảo như vậy.
Khi đức Thế tôn nói xong kinh nầy, tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, đại Mục Kiền Liên, A Nan và tất cả đại thinh văn khác cùng Hiền Hộ, Bảo đức, phú hộ Tinh Đức, Vi Đức, Thủy Tiên v.v...năm trăm cư sĩ nam và các đại Bồ tát từ mười phương thế giới Phật khác đến đây, cho đến tất cả trời, rồng, quỷ thần, nhân, phi nhân v.v... nghe Như Lai dạy đều hết sức vui mừng theo lời dạy tu hành.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.135.201 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.