Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 400 »»

Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh [大般若波羅蜜多經] »» Bản Việt dịch quyển số 400

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.63 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa

Kinh này có 600 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 389 | 390 | 391 | 392 | 393 | 394 | 395 | 396 | 397 | 398 | 399 | 400 | 401 | 402 | 403 | 404 | 405 | 406 | 407 | 408 | 409 | 410 | 411 |
Việt dịch: Thích Trí Nghiêm

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

02
- Lại nữa, thiện nam tử! Thí như các loại hình tướng bóng sáng, thấy có dao động chuyển biến sai khác. Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Bóng sáng như thế là từ đâu đến, đi về đâu?
Thường Đề đáp:
- Bóng sáng chẳng thật, thì sao có thể nói có chỗ đến đi!
Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, nếu ai chấp bóng sáng có đến đi, thì nên biết người ấy ngu si vô trí. Nếu bảo Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi thì cũng như thế, nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể nương vào sắc thân mà thấy. Như Lai tức là pháp thân.
Này thiện nam tử! Pháp thân Như Lai tức là chơn như pháp giới của các pháp. Chơn như của pháp giới đã chẳng thể nói có đến có đi, thì pháp thân Như Lai cũng như thế, không đến, không đi.
Lại nữa, thiện nam tử! Như ảo thành hiện có các thứ vật loại, vật loại ấy tạm có rồi hoàn không.
Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Ảo thành ấy có vật loại, thì vật loại ấy từ đâu đến, rồi đi về đâu?
Thường Đề đáp:
- Vật loại của ảo thành ấy đều chẳng phải thật có thì sao có thể nói có chỗ đến, có chỗ đi?
Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói; nếu người chấp các vật loại ảo thành có đến đi, nên biết kẻ ấy ngu si vô trí. Nếu bảo Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi, cũng giống như thế, nên biết kẻ ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể nương vào sắc thân mà thấy. Như Lai tức là pháp thân.
Này thiện nam tử! Pháp thân Như Lai tức là chơn như pháp giới của các pháp. Chơn như pháp giới đã chẳng thể nói có đến có đi, thì pháp thân Như Lai cũng giống như thế, không đến, không đi.
Lại nữa, thiện nam tử! Như việc biến hóa của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tạm có rồi không.
Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Các sự biến hóa ấy từ đâu đến, đi về đâu.
Thường Đề đáp:
- Các sự biến hóa đều chẳng phải thật có, thì sao có thể nói có chỗ từ đó đến và có chỗ đi.
Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, người nào chấp sự biến hóa có đến có đi, thì nên biết kẻ ấy ngu si vô trí. Nếu gọi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi thì cũng giống như thế, nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể nương vào sắc thân mà thấy. Như Lai tức là pháp thân.
Này thiện nam tử! Pháp thân Như Lai tức là chơn như pháp giới của các pháp. Chơn như pháp giới đã chẳng thể nói có đến có đi thì pháp thân Như Lai cũng giống như vậy, không đến, không đi.
Lại nữa, thiện nam tử! Như người trong mộng thấy có chư Phật, hoặc một vị, hoặc mười vị, hoặc trăm vị, hoặc ngàn vị cho đến vô số. Người ấy khi tỉnh mộng rồi, điều đã thấy đều không.
Này thiện nam tử! Theo ý ông thì sao? Phật đã thấy trong mộng là từ đâu đến và đi về đâu?
Thường Đề đáp:
- Điều thấy trong mộng đều là hư vọng, hoàn toàn chẳng thật có thì sao có thể nói có chỗ đến đi.
Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, người chấp điều mộng thấy có đến có đi thì nên biết người ấy ngu si vô trí. Nếu gọi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có đến có đi thì cũng giống như thế, nên biết người ấy ngu si vô trí. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể nương vào sắc thân mà thấy. Như Lai ấy tức pháp thân.
Này thiện nam tử! Pháp thân Như Lai tức là chơn như pháp giới của các pháp. Chơn như pháp giới đã chẳng thể nói có đến có đi thì pháp thân Như Lai cũng giống như thế, không đến, không đi.
Lại nữa, thiện nam tử! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói tất cả pháp như mộng thấy, như sự biến hóa, như ảo thành, như bóng sáng, như tiếng vang, như ảnh tượng, như trò huyễn, như bóng nắng đều chẳng phải thật có. Nếu đối với pháp nghĩa sâu xa mà chư Phật đã nói như thế chẳng biết như thật, chấp thân Như Lai là danh là sắc, có đến có đi, thì nên biết kẻ ấy mê muội pháp tánh, ngu si vô trí, lưu chuyển các thú, chịu khổ sanh tử, xa lìa Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cũng lại xa lìa tất cả Phật pháp. Nếu đối với pháp nghĩa sâu xa mà chư Phật đã dạy như thế, có khả năng biết như thật, chẳng chấp thân Phật là danh là sắc, cũng chẳng gọi Phật có đến có đi, thì nên biết kẻ ấy đối với pháp nghĩa sâu xa mà Phật đã dạy rõ biết như thật, chẳng chấp các pháp có đến có đi, có sanh có diệt, có nhiễm có tịnh. Do chẳng chấp nên có thể hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cũng có thể siêng tu tất cả Phật pháp, như thế là gần gủi sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột, cũng gọi là đệ tử chơn tịnh của Như Lai. Chẳng bao giờ hư thọ vật cúng dường của quốc dân mà có thể làm ruộng phước tốt cho tất cả, xứng đáng nhận đồ cúng dường của người, trời trong thế gian.
Lại nữa, thiện nam tử! Như trong biển lớn có các trân bảo, trân bảo chẳng phải từ mười phương đến, cũng chẳng phải hữu tình ở trong đó tạo ra, cũng chẳng phải các báu này không có nhân duyên sanh. Nhưng vì sức thiện căn của các hữu tình, nên khiến trong biển có các báu sanh; khi báu ấy sanh nương vào sức nhân duyên hòa hợp mà có, chứ không từ đâu đến; khi báu ấy diệt cũng không đi về đâu trong mười phương, chỉ vì sức thiện căn của hữu tình hết, khiến báu kia diệt mất. Vì sao? Vì các pháp hữu vi, duyên hiệp thì sanh, duyên lìa thì diệt, trong đó hoàn toàn không có ai sanh, ai diệt. Vì vậy, các pháp không đến, không đi; thân của chư Như Lai cũng như thế, ở trong mười phương, không từ đâu đến, cũng chẳng phải ở trong đó có người tạo tác, cũng chẳng thể nói không có nhân duyên sanh, nhưng vì nương vào sự tu hành tịnh hạnh viên mãn sẵn có làm nhân duyên và vì nương vào nghiệp tu thấy Phật trước kia của hữu tình đã thành thục cho nên có thân Như Lai xuất hiện ở đời. Khi thân Phật diệt, cũng không đi về đâu trong mười phương, chỉ do sức nhân duyên hòa hợp đã hết liền diệt. Vì vậy, chư Phật không đến, không đi.
Lại nữa, thiện nam tử! Thí như cây đàn không hầu nương vào các loại nhân duyên hòa hợp mà có tiếng sanh, nhân duyên của tiếng ấy là cái cần, cái ống, khe hở, cái trục, sợi dây v.v... tác ý của nhạc công. Như vậy, từng yếu tố một chẳng có thể sanh tiếng, khi hòa hợp lại, tiếng nó mới phát; tiếng ấy phát sanh không từ đâu đến, khi diệt đi, không đi về đâu.
Này thiện nam tử! Thân của chư Như Lai cũng giống như thế, nương vào các thứ nhân duyên mà sanh, nhân duyên của thân ấy là vô lượng phước đức, trí tuệ và thiện căn tu thấy Phật của các hữu tình đã thành thục. Như vậy, từng yếu tố một chẳng có thể sanh thân, khi hòa hợp lại, thân ấy mới sanh; thân đã sanh ấy không từ đâu đến, khi diệt chẳng đi về đâu.
Này thiện nam tử! Đối với tướng không đến đi của Như Lai Ứng chánh Đẳng Giác, ngươi nên biết như thế. Theo đạo lý này, thì đối với tướng không đến không đi của tất cả pháp cũng biết như thế.
Này thiện nam tử! Nếu đối với Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và tất cả pháp có thể như thật biết không đến, không đi, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh thì nhất định có khả năng tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện thiện xảo, quyết chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Khi Đại Bồ-tát Pháp Dũng vì Đại Bồ-tát Thường Đề nói tướng vô lai, vô khứ của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc-già-phạm, khiến cho thế giới Tam thiên đại thiên kia, tất cả đại địa, các núi, biển lớn và các thiên cung, sáu thứ biến động, các cung điện của ma đều mất ánh sáng, cây cỏ núi rừng sanh hoa trái mùa đều hướng về chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng; trên không cũng mưa xuống các loại hương hoa.
Khi ấy, trời Đế Thích, Tứ đại thiên vương và các chúng trời ở trên không trung, liền dùng các loại hương hoa vi diệu cõi trời rải cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Dũng, xong rồi lại cầm các thứ hương hoa vi diệu cõi trời rải cúng dường Bồ-tát Thường Đề và thưa:
- Chúng con nhờ Đại sĩ được nghe giáo pháp thắng nghĩa như thế. Tất cả người chấp thân kiến ở thế gian nghe pháp ấy rồi, có thể xả chấp trước thảy đều trụ ở ngôi vị nan phục.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề thưa với Đại Bồ-tát Pháp Dũng:
- Do nhân duyên gì khiến cho tất cả đại địa, các núi, biển lớn ở thế giới này, sáu loại biến động và hiện các loại tướng hi hữu?
Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:
- Do tôi trả lời câu hỏi của Ngài về tướng vô khứ, vô lai của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác mà ở trong hội này có tám ngàn chúng sanh đều chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn. Lại có tám mươi triệu chúng sanh đều phát tâm cầu quả vị giác ngộ cao tột. Lại có tám vạn bốn ngàn chúng sanh xa lìa trần cấu, đối với các pháp, sanh pháp nhãn thanh tịnh. Do nhân duyên ấy, khiến cho tất cả đại địa, các núi, biển lớn ở trong thế giới này sáu thứ biến động và hiện ra các tướng hi hữu.
Bồ-tát Thường Đề nghe vậy rồi, mừng vui nhảy nhót, nghĩ thế này: Ta nay đã được thiện lợi lớn, đó là do ta hỏi Bồ-tát Pháp Dũng mà làm cho các hữu tình được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, nói về tướng vô khứ, vô lai của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thế, khiến số đông như vậy đạt lợi ích lớn. Ta nhờ thiện căn thù thắng như thế, có thể đủ để thành tựu sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột. Đối với quả vị giác ngộ cao tột, ta không còn nghi ngại và lo lắng gì nữa. Ở đời vị lai, ta nhất định thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình. Nghĩ như thế rồi vui mừng nhảy nhót, vọt lên hư không cao bằng bảy cây đa la. Lại nghĩ thế này: Ta nên lấy gì để cúng dường Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng để đền cái ơn đã vì ta nói pháp?
Khi ấy, trời Đế Thích biết tâm niệm ấy, hóa làm vô lượng hương hoa vi diệu, muốn dâng cho Bồ-tát Thường Đề thưa:
- Thưa Đại sĩ bấy giờ xin Ngài thương xót con để nhận những hoa này để đem cúng dường Bồ-tát Pháp Dũng. Đại sĩ nên thọ nhận đồ cúng dường của chúng con, chúng con nay hỗ trợ cho Đại sĩ thành tựu công đức. Vì sao? Vì nhờ Đại sĩ mà vô lượng trăm ngàn hữu tình chúng con đạt được lợi ích lớn, đó là chắc chắn sẽ chứng sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột. Đại sĩ nên biết, có các người luôn vì tất cả hữu tình, trải qua vô lượng, vô số đại kiếp chịu các khổ nhọc như Đại sĩ rất là khó gặp. Vì vậy, nay xin nhận đồ cúng dường của con.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề nhận hương hoa vi diệu của trời Đế Thích, rải cúng dường Đại Bồ-tát Pháp Dũng rồi, từ trên không xuống, đảnh lễ sát chân, chấp tay cung kính bạch:
- Bạch Đại sư! Từ ngày hôm nay, tôi nguyện đem thân mạng phụng sự Đại sư để hầu Ngài sai bảo. Nói như thế rồi, chấp tay đứng trước Đại Bồ-tát Pháp Dũng.
Khi ấy, nữ trưởng giả và các quyến thuộc cung kính chấp tay bạch với Thường Đề:
- Từ nay chúng con cũng đem thân mạng phụng sự hầu Ngài, xin Ngài thương xót chấp thuận, nhờ thiện căn này nguyện sẽ đạt được pháp thù thắng đồng với sở chứng của Ngài như thế, nguyện đời tương lai thường thân cận Ngài, thường theo hầu Ngài, cúng dường chư Phật và chư Bồ-tát đồng tu phạm hạnh.
Bồ-tát Thường Đề liền đáp lời họ:
- Các ngươi chí thành theo ta thì phải tuân theo sự dạy bảo của ta, ta sẽ chấp thuận.
Nữ trưởng giả thưa với Thường Đề:
- Chúng con thành tâm theo Ngài, tuân theo sự dạy bảo của Ngài.
Khi ấy, Bồ-tát Thường Đề liền khiến nữ trưởng giả và các quyến thuộc đều dùng các thứ trang nghiêm vi diệu mà tự trang sức và mang năm trăm xe đẹp bằng bảy báu và các đồ cúng dường cùng lúc dâng lên Bồ-tát Pháp Dũng, thưa:
- Thưa Đại sư! Tôi đem nữ trưởng giả, các thứ như thế dâng cúng Đại sư, xin Ngài từ bi vì tôi nạp thọ.
Khi ấy, trời Đế Thích khen Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Đại sĩ mới có thể xả thí như thế, pháp của Đại Bồ-tát là nên xả thí tất cả sở hữu. Nếu Đại Bồ-tát có thể học xả thí tất cả như thế thì mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Nếu đối với Pháp sư có thể thực hiện việc cung kính cúng dường như thế, không chút nuối tiếc thì quyết định được nghe phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ khi tinh cần tu học đạo Bồ-tát, cũng vì thỉnh vấn phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa mà xả các sở hữu; do đó đã chứng sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột.
Khi ấy, Bồ-tát Pháp Dũng muốn khiến cho thiện căn đã gieo trồng của Bồ-tát Thường Đề được viên mãn, nên nhận nữ trưởng giả và các quyến thuộc, năm trăm cỗ xe báu cùng các đồ cúng dường; nhận xong hoàn thí cho Bồ-tát Thường Đề.
Bồ-tát Pháp Dũng thuyết pháp đã lâu, mặt trời sắp lặn, biết chúng mệt mỏi, rời tòa Sư tử vào lại trong cung.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề đã thấy Đại Bồ-tát Pháp Dũng trở lại cung rồi, bèn nghĩ thế này: Ta vì pháp cho nên đến đây, chưa nghe chánh pháp thì chẳng nên ngồi, nằm, ta chỉ nên đứng, đi đúng oai nghi để đợi Đại sư Bồ-tát Pháp Dũng ra khỏi cung, sẽ tuyên thuyết pháp yếu.
Bồ-tát Pháp Dũng đã vào cung rồi, trải qua thời gian bảy năm, nhất tâm bất loạn, du hý vô lượng, vô số pháp môn Tam-ma-địa của Bồ-tát, an trụ vô lượng, vô số phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Bồ-tát Thường Đề suốt trong bảy năm, chẳng ngồi, chẳng nằm, chỉ đi, chỉ đứng, chẳng màng ngủ nghĩ, chẳng nhớ ngày đêm, chẳng quản mệt mỏi, chẳng nghĩ ăn uống, chẳng ngại lạnh nóng, chẳng duyên trong ngoài, chẳng từng phát khởi dục nhuế hại v.v... và tất cả phiền não triền cấu khác, chỉ nghĩ thế này: Khi nào Bồ-tát Pháp Dũng từ Tam-ma-địa xuất, ta và quyến thuộc phải trải pháp tòa, rưới quét mặt đất, rải các hương hoa. Bồ-tát Pháp Dũng sẽ lên tòa này tuyên thuyết phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa và pháp yếu khác. Trong khi đó, nữ trưởng giả và các quyến thuộc cũng suốt bảy năm, chỉ đi, chỉ đứng, chẳng rời sở niệm, đều noi theo Thường Đề, tới lui theo Ngài chưa từng rời bỏ.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề tinh cần như thế trải qua bảy năm rồi, bỗng nhiên nghe có tiếng trên không bảo:
- Này thiện nam tử! Sau bảy ngày nữa, Bồ-tát Pháp Dũng sẽ ra khỏi định, ở trong thành này tuyên thuyết Chánh pháp. Bồ-tát Thường Đề nghe tiếng trên không rồi, mừng vui nhảy nhót, nghĩ thế này: Nay ta sẽ vì Bồ-tát Pháp Dũng trải bày trang nghiêm pháp tòa sư tử, rưới quét mặt đất, rải hương hoa vi diệu thỉnh Đại sư của ta, lên tòa này, vì chúng tuyên thuyết phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp yếu khác.
Bồ-tát Thường Đề nghĩ như thế rồi cùng với nữ trưởng giả và các quyến thuộc bày trải tòa sư tử bằng bảy báu. Khi ấy, nữ trưởng giả và các quyến thuộc mỗi người cởi một chiếc áo đẹp nhất nơi thân, vì pháp sư nói pháp trải chồng lên tòa. Bồ-tát Thường Đề đã trải tòa xong, tìm nước rưới mặt đất nhưng chẳng có. Vì sao? Vì ác ma đã che giấu nước trong ngoài thành, khiến chẳng hiện. Ma nghĩ thế này: Bồ-tát Thường Đề tìm nước chẳng được, thì sầu khổ não mệt nhọc, mòn mỏi, tâm mê muội chuyển đổi thì đối với quả vị giác ngộ cao tột, thiện căn chẳng tăng, trí tuệ chẳng chiếu; đối với trí nhất thiết mà có sự trì trệ, thì chẳng có thể làm trống cảnh của ta được.
Bồ-tát Thường Đề dùng đủ các thứ phương tiện để tìm nước mà không được, nghĩ thế này: Ta nên chích thân ra máu để rưới đất chớ để bụi bay lên làm bẩn Đại sư ta. Nay thân này của ta nhất định sẽ hư rả, thì dùng cái thân hư ngụy như thế để làm gì. Ta từ vô thỉ đến nay, lưu chuyển sanh tử thường vì ngũ dục làm tan mất thân mạng nhưng chưa từng vì chánh pháp mà xả thân. Vì vậy, nay phải chích thân ra máu. Nghĩ như thế rồi, liền cầm dao bén chích khắp thân mình ra máu để rưới đất.
Khi ấy, nữ trưởng giả và các quyến thuộc cũng noi theo Thường Đề chích máu rưới đất.
Bồ-tát Thường Đề, nữ trưởng giả v.v... mọi người vì pháp nên chích thân mình ra máu mà thậm chí chẳng khởi một tâm niệm nào khác.
Khi ấy, các ác ma chẳng còn cơ hội, cũng chẳng có thể làm trở ngại việc tu thiện phẩm, vì tâm của Thường Đề v.v... dõng mãnh kiên quyết.
Khi ấy, trời Đế Thích chứng kiến sự việc này rồi, nghĩ thế này: Bồ-tát Thường Đề, nữ trưởng giả v.v... rất là hi hữu! Do nhân duyên thương pháp, trọng pháp đến nổi chích khắp toàn thân ra máu, vì pháp sư nói pháp mà rưới khắp mặt đất, chẳng hề phát khởi một tâm niệm khác, khiến lũ ác ma rình tìm chẳng có cơ hội, cũng chẳng có thể làm trở ngại việc tu thiện phẩm. Lạ thay, Đại sĩ! Chỉ Ngài mới có thể mang áo giáp thề nguyện rộng lớn kiên cố như thế, vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, đem tâm thuần tịnh, chẳng đoái thân mạng, cầu quả vị giác ngộ cao tột, thường phát thệ nguyện: Ta vì cứu giúp tất cả hữu tình trầm luân sanh tử chịu vô lượng, vô biên nổi khổ to lớn về thân và tâm mà cầu quả vị giác ngộ cao tột, sự việc nếu chưa thành thì quyết không lười bỏ.
Khi ấy, trời Đế Thích nghĩ như thế rồi, liền biến máu chảy ra từ thân của Thường Đề v.v... tất cả đều thành nước thơm chiên đàn, làm cho chỗ đất đã rưới, bốn phía quanh pháp tòa mỗi bên rộng ngót một trăm do tuần, đều có mùi thơm chiên đàn cõi trời rất kỳ lạ, tối thắng chẳng thể nghĩ bàn.
Khi ấy, trời Đế Thích làm việc ấy rồi, khen ngợi Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Chí nguyện của Đại sĩ kiên cố khó chuyển, tinh tấn dõng mãnh, chẳng thể nghĩ bàn, sự ái trọng cầu pháp rất là cao cả. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ cũng do chí nguyện kiên cố, dõng mãnh tinh tấn, ái trọng cầu pháp tu hành phạm hạnh thanh tịnh của Bồ-tát mà chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột. Nay đây, chí nguyện của Đại sĩ tinh tấn ái trọng cầu pháp như thế cũng nhất định sẽ chứng đắc sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Thường Đề lại nghĩ thế này: Ta nay đã vì Bồ-tát Pháp Dũng trải bày pháp tòa sư tử bằng bảy báu, quét rưới mặt đất, làm cho vô cùng thơm tho thanh khiết, làm thế nào để có các hương hoa vi diệu để rải quanh bốn bên pháp tòa, trang nghiêm khu đất và để khi Đại sư thăng tòa thuyết pháp, ta có để mang rải cúng dường.
Khi ấy, trời Đế Thích biết ý nghĩ đó, liền biến hóa ra hương hoa vi diệu, số lượng bằng ngàn hộc của nước Ma-kiệt-đà, cung kính dâng lên Bồ-tát Thường Đề, và sai quyến thuộc cùng mang cúng dường.
Khi ấy, Thường Đề nhận hoa do trời Đế Thích hiến tặng rồi, phân làm hai phần: Trước tiên mang một phần cùng các quyến thuộc rải quanh bốn phía pháp tòa để trang nghiêm khu đất; phần còn lại để khi Đại sư thăng tòa thuyết pháp thì sẽ đem rải cúng.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Pháp Dũng sau bảy ngày, du hý môn Tam-ma-địa rồi, an tường xuất định, vì thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh nên ra khỏi cung lên tòa sư tử, nghiễm nhiên ngồi giữa đại chúng.
Bồ-tát Thường Đề khi được chiêm ngưỡng Đại Bồ-tát Pháp Dũng lần nữa, mừng vui nhảy nhót, thân tâm khoái lạc, giống như Bí-sô gắn chặt tâm niệm vào một cảnh bỗng nhiên được nhập tầng thiền thứ ba, liền cùng với quyến thuộc mang phần hương hoa vi diệu còn dành lại trước đây, rải dâng cúng dường; đã cúng dường rồi, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên mặt ba vòng lui ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Pháp Dũng nói với Đại Bồ-tát Thường Đề:
- Này thiện nam tử! Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Và suy nghĩ chín chắn. Ta sẽ vì ông mà tuyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Thường Đề thưa:
- Dạ xin Ngài giảng nói, chúng tôi muốn nghe.
Bồ-tát Pháp Dũng nói với Thường Đề:
- Này thiện nam tử! Vì tất cả pháp bình đẳng cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng bình đẳng. Vì tất cả pháp viễn ly cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng viễn ly. Vì tất cả pháp bất động cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng bất động. Vì tất cả pháp vô niệm, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô niệm. Vì tất cả pháp vô úy cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô úy. Vì tất cả pháp không lo sợ cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không lo sợ. Vì tất cả pháp nhất vị cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng nhất vị. Vì tất cả pháp không giới hạn cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không giới hạn. Vì tất cả pháp vô sanh cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô sanh. Vì tất cả pháp vô diệt cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô diệt. Vì thái hư không vô biên cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nước biển lớn vô biên cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì Diệu Cao sơn vô biên cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì núi Diệu Cao hùng vĩ cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng hùng vĩ. Vì thái hư không vô phân biệt cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô phân biệt.
Này thiện nam tử! Vì sắc vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nhãn xứ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì sắc xứ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nhãn giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì sắc giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì thanh, hương, vị, xúc, pháp giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nhãn thức giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nhãn xúc vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì địa giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì thủy, hỏa, phong, không, thức giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì nhân duyên vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì các pháp từ duyên sanh ra vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì vô minh vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; Vì hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên.
Này thiện nam tử! Vì bố thí Ba-la-mật-đa vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba-la-mật-đa vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì pháp không nội vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì chơn như vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì bốn niệm trụ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì Thánh đế khổ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì Thánh đế tập, diệt, đạo vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì đạo nghiệp mười điều thiện vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì tu thí giới vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì bốn tịnh lự vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì bốn vô lượng, bốn định vô sắc vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì tám giải thoát vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì pháp môn giải thoát không vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì pháp môn Đà-la-ni vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì pháp môn Tam-ma-địa vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì mười địa Bồ-tát vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên.
Này thiện nam tử! Vì năm loại mắt vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì sáu phép thần thông vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì mười lực Phật vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì pháp không quên mất vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì tánh luôn luôn xả vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì trí nhất thiết vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì ba mươi hai tướng đại sĩ vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì quả Dự lưu vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, quả vị Độc giác vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì tất cả hạnh Đại Bồ-tát vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì tất cả pháp hữu lậu vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì tất cả pháp vô lậu vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì tất cả pháp hữu vi vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên; vì tất cả pháp vô vi vô biên, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng vô biên. Vì Kim cương dụ bình đẳng, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng bình đẳng. Vì tất cả pháp không hoại, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không hoại. Vì tất cả pháp không tạp nhiễm, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không tạp nhiễm. Vì tất cả pháp không sai biệt, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không sai biệt. Vì tự tánh các pháp chẳng thể nắm bắt được, cho nên nên biết tự tánh Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng chẳng thể nắm bắt được; vì các pháp không có sở hữu bình đẳng, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa không có sở hữu cũng bình đẳng; vì các pháp không có sự tạo tác, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng không có sự tạo tác; vì các pháp chẳng thể nghĩ bàn, cho nên nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề nghe nói cú nghĩa sai biệt của Bát-nhã Ba-la-mật-đa, liền ngay trước pháp tòa đắc sáu mươi ức pháp môn Tam-ma-địa, đó là Tam-ma-địa chư pháp bình đẳng, Tam-ma-địa chư pháp viễn ly, Tam-ma-địa chư pháp bất động, Tam-ma-địa chư pháp vô niệm, Tam-ma-địa chư pháp vô úy, Tam-ma-địa chư pháp vô cụ, Tam-ma-địa chư pháp nhất vị, Tam-ma-địa chư pháp vô tế, Tam-ma-địa chư pháp vô sanh, Tam-ma-địa chư pháp vô diệt, Tam-ma-địa hư không vô biên, Tam-ma-địa đại hải vô biên, Tam-ma-địa Diệu Cao sơn vô biên, Tam-ma-địa Diệu Cao sơn nghiêm hảo, Tam-ma-địa như hư không vô phân biệt, Tam-ma-địa các uẩn sắc v.v... vô biên, Tam-ma-địa các xứ nhãn v.v... vô biên, Tam-ma-địa các xứ sắc v.v... vô biên, Tam-ma-địa các giới nhãn v.v... vô biên, Tam-ma-địa các giới sắc v.v... vô biên, Tam-ma-địa các giới nhãn thức v.v... vô biên, Tam-ma-địa các nhãn xúc v.v... vô biên, Tam-ma-địa các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra v.v... vô biên, Tam-ma-địa địa giới v.v... vô biên, Tam-ma-địa nhân duyên v.v... vô biên, Tam-ma-địa các pháp từ duyên sanh ra v.v... vô biên, Tam-ma-địa các chi duyên khởi vô biên, Tam-ma-địa các Ba-la-mật-đa vô biên, Tam-ma-địa nhất thiết không vô biên, Tam-ma-địa chơn như các pháp v.v... vô biên, Tam-ma-địa Pháp phần Bồ-đề vô biên, Tam-ma-địa các Thánh đế vô biên, Tam-ma-địa các đạo nghiệp thiện vô biên, Tam-ma-địa thí giới tu vô biên, Tam-ma-địa tịnh lự, vô lượng, vô sắc vô biên, Tam-ma-địa giải thoát thắng xứ v.v... đến biến xứ vô biên, Tam-ma-địa môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện vô biên, Tam-ma-địa môn tổng trì, đẳng trì vô biên, Tam-ma-địa các địa Bồ-tát vô biên, Tam-ma-địa năm loại mắt, sáu phép thần thông vô biên, Tam-ma-địa các lực, vô úy, vô ngại giải, đại từ, bi, hỷ, xả, pháp Phật bất cộng vô biên, Tam-ma-địa pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả vô biên, Tam-ma-địa trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng vô biên, Tam-ma-địa các tướng vẻ đẹp phụ thuộc vô biên, Tam-ma-địa Thanh văn thừa vô biên, Tam-ma-địa Độc giác thừa vô biên, Tam-ma-địa Vô thượng thừa vô biên, Tam-ma-địa pháp hữu lậu, vô lậu vô biên, Tam-ma-địa pháp hữu vi, vô vi vô biên, Tam-ma-địa Kim cương dụ bình đẳng vô biên, Tam-ma-địa các pháp không hoại, Tam-ma-địa các pháp không tạp nhiễm, Tam-ma-địa các pháp không sai biệt, Tam-ma-địa tự tánh các pháp chẳng thể nắm bắt được, Tam-ma-địa các pháp không sở hữu, bình đẳng, Tam-ma-địa các pháp không sở tác, Tam-ma-địa các pháp chẳng thể nghĩ bàn; đắc sáu mươi trăm ngàn môn Tam-ma-địa như thế.
Bồ-tát Thường Đề đã đắc sáu mươi trăm ngàn pháp môn Tam-ma-địa như thế tức thời hiện thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại có đại chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh trong hằng hà sa số thế giới Tam thiên đại thiên ở Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía trên dưới nhiều như cát sông Hằng, dùng danh như thế, câu như thế, chữ như thế, lý thú như thế, vì các Đại Bồ-tát tuyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa, như nay ta ở thế giới tam thiên đại thiên này, có đại chúng Thanh văn, Bồ-tát vây quanh, dùng danh như thế, câu như thế, chữ như thế, lý thú như thế, vì các chúng Đại Bồ-tát tuyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa v.v... như nhau không sai khác. Bồ-tát Thường Đề từ đó về sau đa văn trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn, giống như biển cả, tùy nơi thọ sanh, thường gặp chư Phật, thường sanh vào quốc độ diệu tịnh của chư Phật, cho đến trong mộng cũng thường thấy Phật vì mình thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thân cận cúng dường chưa từng lơi lỏng, lìa sự bận rộn, đầy đủ nhàn hạ.
LXXIX. PHẨM KẾT KHUYẾN
- Này Thiện Hiện! Nên biết, do lý thú như thế oai đức Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thù thắng, khiến các Bồ-tát có thể mau dẫn phát được trí nhất thiết trí. Vì vậy, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát muốn học sáu phép Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, muốn thông đạt đầy đủ cảnh giới chư Phật, muốn đắc thần thông tự tại của chư Phật, muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, muốn có thể lợi ích an lạc tất cả hữu tình một cách rốt ráo thì nên học Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nên đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, rốt ráo thông suốt, như thuyết tu hành, như lý tư duy nghĩa thú sâu xa, biên chép truyền bá, vì người giải nói; nên dùng các loại tràng hoa, các thứ hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc thượng diệu và các vật quí hiếm khác cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen. Vì sao? Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa đã thuyết này là mẹ chính sanh thành dưỡng dục, là thầy mô phạm chơn chánh; tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng tôn trọng cung kính khen ngợi. Tất cả chúng Đại Bồ-tát đều cúng dường, tinh cần tu học; đó là giáo huấn chơn thật của Như Lai.
Bấy giờ, Phật bảo A-nan-đà:
- Đối với Như Lai, ông có ái kính chăng?
A-nan-đà thưa:
- Bạch Thế Tôn! Dạ có! Bạch Thiện Thệ! Dạ có! Con thật có ái kính Phật, Như Lai tự biết.
Phật bảo Khánh Hỷ:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Ông đối với Ta, thật có ái kính. Từ trước đến nay ông thường dùng nghiệp thân, ngữ, ý từ hòa, tốt đẹp, cung kính cúng dường, theo hầu bên ta, chưa từng trái ý.
Này Khánh Hỷ! Ông nên dùng sự chân thật cung kính cúng dường thân Ta khi ta còn ở đời. Sau khi Ta Niết-bàn ông cũng nên dùng sự ái kính như thế mà cúng dường tôn trọng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật đem Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa giáo huấn Khánh Hỷ như thế, khiến cho vô cùng ái kính tôn trọng cúng dường hơn là cúng dường thân Như Lai.
Lại bảo:
- Này Khánh Hỷ! Ta đem Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, trước đại chúng hôm nay phó chúc cho ông, ông nên thọ trì. Sau khi Ta Niết-bàn cho đến một chữ chớ để quên mất. Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế, tùy theo thời gian, nơi chốn mà nó lưu bố ở thế gian, nên biết tức là có chư Phật Thế Tôn hiện trụ thế gian, vì chúng thuyết pháp.
Khánh Hỷ nên biết: Nếu có ai đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa này, cung kính lắng nghe, thọ trì, đọc tụng rốt ráo thông suốt, như thuyết tu hành, như lý tư duy, nghĩa thú sâu xa, biên chép truyền bá, vì người giải nói; lại dùng các loại tràng hoa, hương xoa, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc thượng diệu và các vật quý hiếm khác cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, thì nên biết người ấy thường gặp chư Phật, lắng nghe chánh pháp, tu các phạm hạnh.
Khi ấy, đức Bạc-già-phạm nói kinh này xong, vô lượng chúng đại Bồ-tát, Bồ-tát Từ Thị là thượng thủ, Đại Ca-diếp-ba, Xá-lợi-phất, A-nan-đà v.v... các đại Thanh văn và trời, rồng, người chẳng phải người, phi nhơn khác v.v... tất cả đại chúng, nghe Phật nói rồi, đều rất hoan hỷ, tin thọ phụng hành.
Quyển Thứ 400
HẾT

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 600 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Các tông phái đạo Phật


Em Là Vì Sao Sáng


Đường Không Biên Giới

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.31.82 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập