Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Khi Thế Tôn đã thành Đạo, Ngài tư duy như vầy:
"Xa rời ái dục để được tịch tĩnh là điều tối thắng."
Lúc trụ trong đại thiền định, Thế Tôn hàng phục chúng ma và ngoại đạo. Sau đó ở tại vườn Nai, Đức Phật chuyển Pháp luân Bốn Thánh Đế và độ nhóm năm người của Tôn giả Liễu Bổn Tế để khiến họ chứng Đạo Quả.
Lại có những vị Tỳ-kheo có điều nghi vấn, họ thỉnh cầu Đức Phật dạy bảo. Thế Tôn ban giáo sắc và ai nấy đều khai ngộ. Họ chắp tay cung kính và tùy thuận lời dạy của Thế Tôn.
CHƯƠNG 1: XUẤT GIA CHỨNG QUẢ
Đức Phật dạy:
"Những ai từ giã người thân để đi xuất gia, biết rõ nguồn tâm, và hiểu Pháp vô vi, họ được gọi là Sa-môn. Do luôn gìn giữ 250 giới, thanh tịnh trong mọi việc làm, và tu tập Bốn Thánh Đế, nên thành bậc Ứng Chân.
Bậc Ứng Chân có thể phi hành biến hóa, thọ mạng dài đến nhiều kiếp lâu xa, và có thể làm chấn động trời đất nơi họ ở.
Trước bậc Ứng Chân là Bất Hoàn. Khi thọ mạng chấm dứt, linh thần của những vị Bất Hoàn sẽ thăng ở bên trên cõi trời thứ 19, và ở nơi đây họ sẽ chứng Đạo Ứng Chân.
Trước Quả Bất Hoàn là Nhất Lai. Linh thần của những vị Nhất Lai sẽ thăng lên trời một lần và trở lại nhân gian một lần thì họ mới đắc Đạo Ứng Chân.
Trước Quả Nhất Lai là Nhập Lưu. Sau khi đã trải qua bảy lần sanh tử, những vị Nhập Lưu sẽ liền chứng Đạo Ứng Chân.
Một khi ai đó đã đoạn trừ ái dục thì cũng như cắt đứt tứ chi--chúng sẽ không còn sử dụng được nữa."
CHƯƠNG 2: ĐOẠN DỤC TUYỆT CẦU
Đức Phật dạy:
"Những vị xuất gia để trở thành Sa-môn, họ đoạn trừ ái dục, biết bổn tâm của mình. Thông đạt giáo lý của Phật thâm sâu, giác ngộ Pháp vô vi. Bên trong không có điều chứng đắc; ở ngoài chẳng có điều cầu mong. Tâm không bị Đạo bó buộc và cũng chẳng bị nghiệp bủa vây. Họ vô niệm vô tác, vô tu vô chứng, và không cần trải qua các quả vị theo thứ tự mà tự nhiên được tôn kính nhất. Đây gọi là Đạo."
CHƯƠNG 3: CẮT ÁI TRỪ THAM
Đức Phật dạy:
"Những ai đã cạo bỏ râu tóc để trở thành Sa-môn và thọ trì Đạo Pháp thì phải nên xả bỏ tiền tài của thế tục. Khi đi khất thực, họ chỉ thọ nhận vừa đủ. Ở giữa ngọ, họ chỉ ăn một bữa. Tối đến, họ ngủ qua đêm ở cùng dưới một gốc cây chỉ một lần và hãy thận trọng chớ cầu mong gì thêm. Cái mà làm người thế gian bị ngu si che mờ chính là ái tình và lòng tham muốn."
CHƯƠNG 4: PHÂN BIỆT THIỆN ÁC
Đức Phật dạy:
"Chúng sanh có thể thực hành Mười Nghiệp Lành, nhưng cũng có thể gây tạo mười nghiệp ác.
Những gì là mười? Thân có ba, ngữ có bốn, và ý có ba.
Ba nghiệp ác từ thân, đó là sát sanh, trộm cắp, và tà dâm.
Bốn nghiệp ác từ ngữ, đó là nói dối, nói đâm thọc, nói lời ác, và nói thêu dệt.
Ba nghiệp ác từ ý, đó là tham dục, sân hận, và si mê.
Mười điều ở trên không thuận theo thánh Đạo và chúng được gọi là mười nghiệp ác. Nhưng nếu có thể đình chỉ mười nghiệp ác này thì gọi là Mười Nghiệp Lành."
CHƯƠNG 5: CHUYỂN NẶNG THÀNH NHẸ
Đức Phật dạy:
"Nếu ai có nhiều lỗi lầm mà không tự giác sám hối và cũng chẳng chịu dừng ngay lòng ác, thì tội sẽ vây bủa thân, như nước chảy trở lại vào biển và dần dần sẽ càng rộng càng sâu. Nếu ai có lỗi lầm mà biết rằng mình sai, rồi bỏ ác làm lành, thì tội sẽ tự tiêu trừ, như người đang bệnh mà toát ra mồ hôi, bệnh sẽ từ từ thuyên giảm."
CHƯƠNG 6: NHẪN ÁC KHÔNG SÂN
Đức Phật dạy:
"Khi kẻ xấu nghe việc thiện của bạn rồi cố ý đến nhiễu loạn. Lúc đó, bạn hãy nên tự kiềm chế mình và đừng nổi sân hay trách mắng gì. Hễ ai đến làm ác thì sẽ tự chuốc lấy quả ác."
CHƯƠNG 7: ÁC VỀ KẺ GÂY
Đức Phật dạy:
"Có người nghe Ta gìn giữ Đạo và thực hành đại nhân từ thì cố ý đến mắng chửi Ta. Ta im lặng và không trả lời.
Khi họ chửi xong, Ta hỏi rằng:
'Nếu ông đem quà cho người khác nhưng họ chẳng nhận, vậy phần quà đó có về lại với ông không?'
Đáp rằng:
'Về chứ!'
Ta bảo:
'Nay ông nhục mạ Ta nhưng Ta không nhận. Ông đích thân mang họa đến thì nó tự về lại với ông thôi. Nó như âm vang theo tiếng, như bóng hiện theo hình, và sẽ không bao giờ lìa xa. Vì vậy, hãy thận trọng chớ làm ác.'"
CHƯƠNG 8: HẠI NGƯỜI HẠI MÌNH
Đức Phật dạy:
"Kẻ ác hại người hiền thì cũng như tự ngửa mặt phun nước miếng lên trời. Nước miếng không đến trời mà rơi ngược vào chính mình. Đây cũng như có người cầm nắm bụi ném ngược gió. Bụi không đến người mà thổi vào chính họ. Người hiền thì không thể hại; gieo họa cho người tức sẽ tự diệt mình."
CHƯƠNG 9: PHẢN BỔN THẤY ĐẠO
Đức Phật dạy:
"Học rộng mến Đạo, Đạo tất khó gặp. Giữ chí phụng Đạo, Đạo sẽ rất lớn."
CHƯƠNG 10: VUI CHO ĐƯỢC PHƯỚC
Đức Phật dạy:
"Khi thấy có người bố thí mà mình cũng hoan hỷ trợ giúp thì sẽ được phước rất lớn."
Có vị Sa-môn hỏi Phật:
"Có khi nào phước đó hết không?"
Đức Phật bảo:
"Ví như ngọn lửa của một bó đuốc, dẫu có vài trăm ngàn người đến mồi cho bó đuốc của họ để về nấu cơm và xua tan bóng tối, thì ngọn lửa của bó đuốc kia cũng vẫn thế. Phước thì cũng như vậy."
CHƯƠNG 11: THÍ CƠM TĂNG PHƯỚC
Đức Phật dạy:
"Mang thức ăn cho 100 người ác, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một người thiện.
Mang thức ăn cho 1.000 người thiện, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một người trì Năm Giới.
Mang thức ăn cho 10.000 người trì Năm Giới, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Nhập Lưu.
Mang thức ăn cho 1 triệu vị Nhập Lưu, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Nhất Lai.
Mang thức ăn cho 10 triệu vị Nhất Lai, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Bất Hoàn.
Mang thức ăn cho 100 triệu vị Bất Hoàn, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Ứng Chân.
Mang thức ăn cho 1 tỷ vị Ứng Chân, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị Độc Giác.
Mang thức ăn cho 10 tỷ vị Độc Giác, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho bất kỳ một vị Phật nào ở ba đời.
Thế nhưng, mang thức ăn cho 100 tỷ vị Phật ở ba đời, thì vẫn không bằng lấy thức ăn cho một vị vô niệm, vô trụ, vô tu, vô chứng."
CHƯƠNG 12: KỂ KHÓ KHUYẾN TU
Đức Phật dạy:
"Con người có 20 điều khó:
[1] Bần cùng bố thí là khó. [2] Giàu sang học Đạo là khó. [3] Xả mạng để chết là khó. [4] Gặp được Kinh Phật là khó. [5] Sanh thời có Phật là khó. [6] Nhịn sắc nhịn dục là khó. [7] Thấy tốt chẳng mong là khó. [8] Bị nhục chẳng giận là khó. [9] Có quyền không lạm là khó. [10] Tiếp xúc vô tâm là khó. [11] Học rộng uyên bác là khó. [12] Trừ diệt ngã mạn là khó. [13] Chẳng khinh hậu học là khó. [14] Tâm hành bình đẳng là khó. [15] Không nói thị phi là khó. [16] Gặp Thiện Tri Thức là khó. [17] Học Đạo thấy tánh là khó. [18] Tùy duyên hóa độ là khó. [19] Thấy cảnh chẳng động là khó. [20] Khéo hiểu phương tiện là khó."
CHƯƠNG 13: HỎI ĐẠO TÚC MẠNG
Có vị Sa-môn hỏi Phật:
"Do nhân duyên gì mà biết được việc đời trước và hiểu Đạo đến tột cùng?"
Đức Phật bảo:
"Bởi tâm thanh tịnh và gìn giữ chí nguyện nên mới có thể hiểu Đạo đến tột cùng. Ví như khi lau gương thì bụi bay đi và chỉ còn lại ánh sáng. Cũng tương tự như vậy, đoạn trừ ái dục và không có mong cầu thì sẽ biết được việc đời trước."
CHƯƠNG 14: THƯA HỎI THIỆN ĐẠI
Có vị Sa-môn hỏi Phật:
"Điều gì là thiện? Điều gì là tối đại?"
Đức Phật bảo:
"Thực hành Đạo và gìn giữ điều chân thật là thiện. Chí nguyện và Đạo hợp nhất là đại."
CHƯƠNG 15: THƯA HỎI LỰC MINH
Có vị Sa-môn hỏi Phật:
"Cái gì mạnh nhất? Cái gì sáng nhất?"
Đức Phật bảo:
"Nhẫn nhục mạnh nhất, bởi vì ai có tánh kiên nhẫn sẽ không ôm lòng ác, lại còn tăng thêm sức khỏe và được bình an. Người biết nhẫn nhục sẽ không làm việc xấu và chắc chắn rằng họ sẽ được người tôn trọng. Khi tâm nhiễm ô đã trừ sạch, thanh tịnh không vết dơ, thì đó là sáng nhất. Từ lúc còn chưa có trời đất và cho đến tận bây giờ, không một điều gì ở mười phương mà người đắc Nhất Thiết Trí chẳng thấy, chẳng biết, chẳng nghe. Đây có thể gọi là sáng vậy."
CHƯƠNG 16: XẢ ÁI ĐẮC ĐẠO
Đức Phật dạy:
"Những ai chỉ nhớ tưởng đến ái dục thời sẽ không thấy Đạo. Ví như nước đang lắng trong mà lấy tay khuấy lên, khiến cho những người ở xung quanh đều không thấy bóng dáng của họ. Những ai vướng mắc với ái dục thì bẩn đục trong lòng sẽ dấy khởi, cho nên họ không thấy Đạo. Sa-môn các ông phải nên xả bỏ ái dục. Khi nhiễm ô của ái dục đã trừ sạch thời sẽ có thể thấy Đạo."
CHƯƠNG 17: SÁNG ĐẾN TỐI TAN
Đức Phật dạy:
"Những ai thấy Đạo thì như người cầm bó đuốc đi vào trong căn phòng tối, bóng tối sẽ liền tan biến và chỉ còn sót lại ánh sáng. Cũng tương tự như vậy, người học Đạo mà thấy được Chân Đế thì vô minh liền diệt và ánh sáng của trí tuệ sẽ luôn hiện hữu."
CHƯƠNG 18: MỌI NIỆM VỐN KHÔNG
Đức Phật dạy:
"Pháp của Ta là niệm mà chẳng niệm, hành mà chẳng hành, nói mà chẳng nói, tu mà chẳng tu. Những ai hiểu thì cạnh bên; những ai mê thì xa thẳm. Đường ngôn ngữ đoạn tuyệt, không gì có thể chướng ngại. Nếu đi lệch chỉ một đường tơ thời sẽ liền mất ngay."
CHƯƠNG 19: QUÁN GIẢ QUÁN CHÂN
Đức Phật dạy:
"Khi quán trời đất thì hãy nhớ vô thường. Khi quán thế giới thì hãy nhớ vô thường. Khi quán tánh linh thì tức là tuệ giác. Nhận biết như vậy thời sẽ mau đắc Đạo."
CHƯƠNG 20: THẤY NGÃ BỔN KHÔNG
Đức Phật dạy:
"Hãy nhớ rằng bốn đại ở trong thân này. Tuy mỗi yếu tố có tên gọi khác nhau, nhưng không một cái nào có ngã. Bởi chúng đều không có ngã, nên chúng như huyễn."
CHƯƠNG 21: DANH TIẾNG HẠI MẠNG
Đức Phật dạy:
"Có người chạy theo ái tình và dục vọng để cầu danh tiếng. Nhưng một mai tiếng tăm vang dội thì thân này chết mất. Những ai tham danh lợi của thế gian mà không học Đạo thì chỉ nhọc nhằn uổng công. Ví như khi thắp hương, tuy ta ngửi có mùi hương nhưng hương đã tàn và chỉ còn lại phần thân của cây hương vẫn đang cháy âm ỉ."
CHƯƠNG 22: TÀI SẮC CHIÊU KHỔ
Đức Phật dạy:
"Con người đối với tiền tài và sắc dục thì chẳng nỡ xả bỏ. Họ ví như đứa trẻ nít không thể kiềm nổi sự cám dỗ của mật ong trên lưỡi dao. Mặc dầu nó chẳng đủ cho một bữa ăn ngon nhưng chúng sẽ liếm và tức sẽ chuốc cái họa cắt lưỡi."
CHƯƠNG 23: GIA ĐÌNH THẬM NGỤC
Đức Phật dạy:
"Con người bị gia đình ràng buộc còn thậm tệ hơn cả lao ngục. Lao ngục thì còn có kỳ hạn được thả chứ vợ chồng con cái thì không một ý niệm xa lìa. Bị tình ái và sắc dục truy đuổi há chẳng phải đáng sợ lắm sao? Dẫu bị rơi vào miệng hùm nhưng họ vẫn cam tâm tình nguyện và tự quăng mình xuống bùn lầy để cho lún chìm. Thế nên họ mới được gọi là phàm phu. Ai qua được cửa ải này là bậc Ứng Chân xuất trần."
CHƯƠNG 24: SẮC DỤC CHƯỚNG ĐẠO
Đức Phật dạy:
"Trong các thứ ái dục, không gì lớn bằng sự ham muốn sắc dục. Nó quảng đại và chẳng gì ở ngoài nó. May thay chỉ có một mình nó. Giả sử có hai cái đồng như vậy thì khắp thiên hạ sẽ chẳng một ai có thể tu Đạo."
CHƯƠNG 25: LỬA DỤC ĐỐT THÂN
Đức Phật dạy:
"Người với ái dục nặng nề thì cũng như kẻ cầm bó đuốc đi ngược gió--ắt sẽ chuốc cái họa đốt tay."
CHƯƠNG 26: THIÊN MA NHIỄU PHẬT
Thiên thần hiến ngọc nữ cho Phật, toan muốn phá hoại ý chí của Phật.
Đức Phật bảo:
"Mấy cái túi da chứa đồ ô uế, các ngươi tới đây làm gì? Hãy đi đi, Ta không dùng!"
Khi ấy thiên thần càng thêm kính nể và nhân tiện hỏi về ý nghĩa của Đạo. Đức Phật giảng giải và thiên thần liền đắc Quả Nhập Lưu.
CHƯƠNG 27: KHÔNG CHẤP ĐẮC ĐẠO
Đức Phật dạy:
"Người tu Đạo thì như khúc gỗ chảy trôi theo dòng nước. Nếu nó không tấp vào hai bên bờ, không bị người kéo lấy, không bị quỷ thần bắt chận, không bị mắc kẹt ở dòng nước xoáy, và cũng không bị mục nát, thì Ta bảo đảm khúc gỗ này nhất định sẽ trôi đến biển.
Người học Đạo nếu chẳng bị ái tình với dục vọng làm mê muội, chẳng bị tà kiến bủa vây, và tinh tấn tu hành Pháp Vô Vi, thì Ta bảo đảm người này chắc chắn sẽ đắc Đạo."
CHƯƠNG 28: Ý NGỰA CHỚ THEO
Đức Phật dạy:
"Hãy thận trọng chớ tin nơi ý của mình; ý của mình không thể tin. Hãy thận trọng chớ vướng vào sắc dục; vướng vào sắc dục ắt liền sanh họa. Chỉ khi nào đắc Đạo Ứng Chân rồi, thì mới có thể tin nơi ý của mình."
CHƯƠNG 29: CHÁNH QUÁN ĐỊCH SẮC
Đức Phật dạy:
"Hãy thận trọng chớ nhìn nữ sắc, và cũng đừng nói chuyện với họ.
Nếu phải nói chuyện với họ thì hãy giữ chánh niệm mà nghĩ rằng:
'Ta là một Sa-môn sống ở đời ô trược. Ta sẽ như hoa sen không bị lấm bùn.'
Hãy nên nghĩ tưởng người phụ nữ lớn tuổi như mẹ, những ai lớn hơn mình như chị, những ai nhỏ hơn mình như em, và các bé gái nhỏ như con mình. Hãy sanh tâm độ thoát họ và diệt tan ý niệm xấu."
CHƯƠNG 30: XA LÁNH LỬA DỤC
Đức Phật dạy:
"Người tu Đạo ví như đang ôm cỏ khô: lửa đến thì phải lánh. Người tu Đạo thấy ái dục thì tất phải lánh xa."
CHƯƠNG 31: TÂM TỊCH DỤC TRỪ
Đức Phật dạy:
"Có một người cứ khởi lòng dâm dật không ngừng và anh ta muốn tự thiến."
Đức Phật dạy:
"Dẫu có cắt bỏ nam căn thì vẫn không tốt bằng là đoạn tâm của ông. Tâm như vị giám sát viên. Nếu vị giám sát viên thôi việc thì những người làm cũng đều nghỉ. Nếu tà tâm không dừng thì đoạn âm có ích gì?"
Đức Phật nói kệ rằng:
"Ham muốn sanh từ ý Ý do tư tưởng sanh Hai tâm mà vắng lặng Không sắc cũng không hành"
Đức Phật dạy:
"Bài kệ này là của Đức Phật Ẩm Quang đã nói."
CHƯƠNG 32: NGÃ KHÔNG, SỢ DIỆT
Đức Phật dạy:
"Do bởi ái dục mà con người sanh âu lo, và từ âu lo mà sanh ra sợ hãi. Nếu lìa khỏi ái dục, có gì phải âu lo? Có gì phải sợ hãi?"
CHƯƠNG 33: TRÍ MINH PHÁ MA
Đức Phật dạy:
"Người tu Đạo thì như một mình mà chiến đấu với hàng vạn kẻ địch. Họ mặc áo giáp ra cửa, ý chí có thể khiếp nhược, hoặc nửa đường thoái lui, hoặc giao đấu mà chết, hoặc chiến thắng trở về.
Khi Sa-môn học Đạo, họ phải nên kiên trì quyết tâm, tinh tấn dũng mãnh, không sợ thử thách ở phía trước, và phá diệt chúng ma thì sẽ đắc Đạo Quả."
CHƯƠNG 34: TRUNG ĐẠO ĐẮC ĐẠO
Có vị Sa-môn ban đêm tụng Kinh Di Giáo của Đức Phật Ẩm Quang. Giọng tụng thê lương và cảm thấy hối tiếc vì đã muốn thoái lùi.
Đức Phật hỏi rằng:
"Lúc xưa còn tại gia, ông đã từng làm việc gì?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, con rất thích khảy đàn cầm."
Đức Phật hỏi rằng:
"Nếu dây đàn quá chùng thì sao?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, âm thanh không vang."
"Nếu dây đàn quá căng thì sao?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, âm thanh đứt quãng."
"Vậy nếu không quá căng và cũng không quá chùng thì sao?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, âm thanh vang khắp."
Đức Phật bảo:
"Sa-môn học Đạo cũng lại như vậy. Nếu tâm nhu hòa thì họ sẽ có thể đắc Đạo. Nếu tu Đạo mà mạnh bạo, mạnh bạo liền làm thân mệt mỏi. Nếu thân đã mệt mỏi, ý liền sanh phiền não. Nếu ý đã sanh phiền não, hạnh liền thoái lùi. Khi hạnh đã thoái lùi, tội tất sẽ gia tăng. Vì thế người tu Đạo hãy sống thanh tịnh và an vui thì sẽ không quên mất Đạo tâm."
CHƯƠNG 35: TRỪ BẨN SÁNG HIỆN
Đức Phật dạy:
"Như người thế gian rèn luyện sắt, họ nung nấu và loại bỏ cặn bã để làm thành đồ dùng với phẩm chất tốt nhất. Người học Đạo cũng thế: nếu trừ đi tâm cấu nhiễm thì hạnh liền thanh tịnh."
CHƯƠNG 36: TRIỂN CHUYỂN THĂNG CAO
Đức Phật dạy:
"- Chúng sanh thoát khỏi đường ác để được thân người là khó. - Dẫu được thân người, làm thân nam mà không phải thân nữ là khó. - Dẫu được thân nam, có sáu căn hoàn chỉnh là khó. - Dẫu đã có sáu căn hoàn chỉnh, sanh ở trung tâm đất nước là khó. - Dẫu đã sanh ở trung tâm đất nước, sanh vào thời có Phật là khó. - Dẫu đã sanh vào thời có Phật, gặp Đạo là khó. - Dẫu đã gặp Đạo, khởi tín tâm là khó. - Dẫu đã khởi tín tâm, phát khởi Đạo tâm là khó. - Dẫu đã phát khởi Đạo tâm, đắc vô tu vô chứng là khó."
CHƯƠNG 37: NIỆM GIỚI GẦN ĐẠO
Đức Phật dạy:
"Đệ tử của Ta dẫu xa cách Ta vài ngài dặm, nhưng nếu nhớ nghĩ đến giới luật của Ta, họ chắc chắn sẽ đắc Đạo Quả. Dẫu có ở bên cạnh Ta và luôn trông thấy Ta, nhưng nếu không hành theo giới luật của Ta, thì suốt đời họ cũng không đắc Đạo."
CHƯƠNG 38: CÓ SANH PHẢI CHẾT
Đức Phật hỏi một vị Sa-môn:
"Con người sống bao lâu?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, khoảng vài ngày."
Đức Phật bảo:
"Ông chưa hiểu Đạo."
Đức Phật lại hỏi một vị Sa-môn khác:
"Con người sống bao lâu?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, khoảng thời gian của một bữa ăn."
Đức Phật bảo:
"Ông chưa hiểu Đạo."
Đức Phật lại hỏi một vị Sa-môn khác:
"Con người sống bao lâu?"
Đáp rằng:
"Dạ thưa, chỉ bằng thời gian của một hơi thở."
Đức Phật bảo:
"Lành thay! Ông đã hiểu Đạo rồi!"
CHƯƠNG 39: LỜI PHẬT CHẲNG HƯ
Đức Phật dạy:
"Người học Phật thì phải tin theo lời dạy của Phật. Ví như khi nếm mật ong, ở giữa hay ở xung quanh thảy đều ngọt cả; Kinh của Ta cũng lại như vậy."
CHƯƠNG 40: HÀNH ĐẠO TẠI TÂM
Đức Phật dạy:
"Sa-môn tu Đạo thì đừng có như con bò kéo cối xay. Tuy thân hành Đạo nhưng tâm chẳng với Đạo. Nếu tâm với Đạo thì cần gì phải hành Đạo?"
CHƯƠNG 41: TRỰC TÂM LÌA DỤC
Đức Phật dạy:
"Người tu Đạo thì cũng như con bò kéo đồ nặng qua vũng bùn lầy lội. Tuy vô cùng mệt mỏi nhưng nó không dám liếc trái nhìn phải. Chỉ khi nào ra khỏi bùn lầy thì nó mới có thể nghỉ ngơi. Sa-môn nên quán ái tình và dục vọng còn thậm tệ hơn cả bùn lầy. Thế nên hãy trực tâm tu Đạo thì sẽ có thể thoát miễn khổ ách."
CHƯƠNG 42: HIỂU ĐỜI NHƯ HUYỄN
Đức Phật dạy:
"- Ta xem quyền cao chức trọng như bụi thổi qua kẽ hổng. - Ta xem vàng bạc ngọc báu như mấy miếng ngói vụn. - Ta xem tơ lụa trắng mịn như tấm giẻ rách nát. - Ta xem Đại Thiên Thế Giới như một hạt của trái harītakī. - Ta xem nước trong hồ Vô Nhiệt Não như dầu chỉ đủ thoa chân. - Ta xem môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện. - Ta xem Vô Thượng Thừa như giấc mộng vàng lụa. - Ta xem Phật Đạo như hoa đốm trước mắt. - Ta xem thiền định như trụ núi Diệu Cao. - Ta xem tịch diệt như ngày đêm đều thức. - Ta xem điên đảo thẳng ngay như sáu con rồng bay lượn. - Ta xem bình đẳng như cảnh giới Nhất Chân. - Ta xem giáo Pháp hưng thịnh như cây cối trong bốn mùa."
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.16.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.