Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Thiểm Tử Kinh [佛說睒子經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Thiểm Tử Kinh [佛說睒子經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Bồ Tát Thiểm Tử

Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại nước Tỳ-la-lặc, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và chư Bồ-tát, quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, thiện nam, tín nữ... đông không xiết kể, đều đến hội họp.
Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:
-Các ông hãy im lặng, chú ý lắng nghe. Ta nhớ thuở xưa, khi mới đắc đạo Bồ-tát, giữ gìn giới hạnh, thương yêu muôn loài, tinh tấn, nhất tâm, tu tập trí tuệ, thực hành phương tiện, tích chứa công đức không thể kể xiết mà hàng Trời, Rồng, Thần, Thánh, vua, quan, nhân dân không thể thực hành được.
Tôn giả A-nan nghe Đức Phật dạy, sửa y, quỳ gối, chắp tay bạch Phật:
-Chúng con xin được nghe việc này.
Đức Phật dạy A-nan:
-Từ vô lượng kiếp xa xưa, có Bồ-tát tên Nhất Thiết Diệu Hạnh, lòng từ bi trải khắp, cứu giúp quần sinh, thường hành Tứ vô lượng tâm, cứu giúp ách nạn cho đời, nuôi dưỡng người khốn khổ. Vị Bồ-tát này ở cung trời Đâu-suất, thường giáo hóa trời, người, ngày đêm trong sáu thời luôn tu chánh định. Ngài nghĩ nhớ đến ba cõi, quán chiếu con đường thiện ác của trời, người trong khắp mười phương. Bồ-tát biết có cha con, hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ Tam bảo, nghe theo Sư trưởng, tu tập mọi công đức, thường dùng Thiên nhãn soi suốt năm đường.
Lúc ấy trong nước Ca-di có một gia đình trưởng giả, hai vợ chồng bị mù lòa không có con cái. Hai người tâm nguyện vào núi cầu trí vô thượng, ưa thích chỗ thanh vắng, tu ý thanh tịnh.
Bồ-tát suy nghĩ: “Những người này phát tâm muốn học đạo vi diệu mà hai mắt lại không thấy, nếu vào núi họ sẽ bị rơi xuống hầm hố hoặc gặp độc trùng nguy hại. Nếu ta chết đi và làm con của họ, ta sẽ cung phụng cha mẹ trọn đời”.
Ngay khi ấy Bồ-tát liền đầu thai vào gia đình vợ chồng người mù làm con của họ, cha mẹ vui sướng và yêu thương con vô cùng. Trước kia hai vợ chồng đã phát tâm muốn vào núi, vì sinh được con nên muốn ở lại thế gian.
Người con lên mười tuổi, được đặt tên là Thiểm. Thiểm nhân từ chí hiếu và thực hành Thập thiện: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu, không vọng ngữ, không thêu dệt, không ganh ghét. Ngày đêm tinh tấn tin sâu vào đạo, hầu hạ cha mẹ như người thờ trời, nói lời vui vẻ, không phật ý người, sống theo phép tắc, không theo tà hạnh, do đó cha mẹ Thiểm rất vui mừng không phải ưu tư lo lắng.
Đến năm hơn mười tuổi, một hôm Thiểm quỳ xuống thưa cha mẹ:
-Trước kia cha mẹ phát nguyện lớn muốn vào núi sâu để cầu đạo Vô thượng tịch tĩnh, không lẽ nay vì con mà quên đi bản nguyện năm xưa? Người sống trong đời trămchiều biến đổi, mạng sống mong manh, thời gian đâu hẹn trước. Xin cha mẹ hãy nhớ ý chí ban đầu của mình, con nguyện theo cha mẹ vào núi hầu hạ cha mẹ mọi thứ cần dùng, thích hợp thời tiết.
Cha mẹ Thiểm đáp:
-Lòng hiếu thuận của con có trời chứng giám cho. Chúng ta không trái với nguyện ước xưa kia, nên cùng nhau vào núi.
Thiểm đem tất cả tài sản trong nhà bố thí cho những người nghèo trong nước, rồi cùng cha mẹ đi vào núi. Khi đến núi rừng, Thiểm dùng cây cỏ làm nhà, trải cỏ làm giường chiếu cho cha mẹ, luôn luôn điều hòa, không lạnh không nóng. Ba người vào núi được một năm thì hoa quả sum suê, hương vị thơm ngon dùng làm thức ăn, nước suối chảy trong veo mát lạnh, trong ao hoa sen năm màu đua nhau nở, Chiên-đàn ngào ngạt, cây cối xanh tốt hơn thường. Mưa thuận gió hòa, không lạnh không nóng, cây lá giao nhau để che sương, che mưa và che ánh nắng mặt trời, ở bên dưới mát mẻ. Những loài chim quý bay liệng, âm thanh ríu rít như nhạc trổi để làm vui lòng cha mẹ mù. Sư tử, gấu, beo, hổ, lang, thú dữ đều hướng đến những người này với tâm từ ái, không hề có ý làm hại. Chúng thản nhiên uống nước, ăn cỏ; những chú nai rừng, gấu, beo và những loài thú khác thường đến kề cận bên Thiểm cùng Thiểm hòa âm để làm vui lòng cha mẹ.
Thiểm chí hiếu, nhân từ không ai hơn được, giẫm lên đất còn sợ đất đau. Thiên thần, Sơn thần đều hiện hình người, ngày đêm thường đến thăm viếng ba đạo nhân. Họ luôn nhất tâm chánh niệm không vướng bận lo buồn. Thiểm thường hái đủ thứ trái cây dâng cha mẹ làm thức ăn. Khi cha mẹ khát muốn uống thì dùng nước suối để uống, không bị thiếu thốn gì cả.
Một hôm cha mẹ khát nước, Thiểm khoác áo da nai, cầm bình đi lấy nước. Bầy chim và hươu nai cũng đến đó uống nước, không sợ sẽ có tai nạn.
Khi ấy vua nước Ca-di vào núi săn bắn. Vua thấy bên bờ suối có hươu nai, giương cung bắn, mũi tên trúng nhầm ngực Thiểm. Bị mũi tên độc thấm vào toàn thân đau đớn, Thiểm kêu lớn:
-Ai đã đem một mũi tên giết cả ba đạo nhân?
Vua nghe tiếng kêu liền xuống ngựa, đến bên Thiểm. Thiểm nói với vua:
-Voi chết vì ngà, tê ngưu chết vì sừng, chim thúy chết vì lông, hươu nai chết vì thịt. Tôi không có ngà, sừng, không có lông, da thịt không thể ăn được. Nay tôi có tội gì mà ông nỡ giết tôi?
Vua nói:
-Khanh là người gì mà mặc áo da nai, không khác gì loài cầm thú?
Thiểm thưa:
-Tôi là người trong nước của vua, cùng cha mẹ mù đến đây học đạo hơn hai mươi năm, chưa từng bị hổ, beo, trùng độc làm hại, nay lại bị mũi tên độc của nhà vua giết.
Ngay lúc ấy gió trong núi thổi mạnh làm gãy ngã cây cối, muôn chim cầm thú, sư tử, hổ, beo, thú dữ kêu rống vang động khắp núi rừng. Mặt trời không chiếu sáng, dòng suối khô cạn, hoa lá héo khô, sấm sét vang rền, mặt đất rúng động.
Khi đó cha mẹ mù kinh sợ nói với nhau:
-Điềm gì quái lạ thế này? Thiểm đi lấy nước đã lâu không thấy về, hay là nó bị độc trùng làm hại? cầm thú kêu la, âm thanh không như thường ngày. Gió thổi bốn phía, cây cối gãy ngã, ắt là có tai nạn bất thường đây!
Lúc ấy nhà vua rất lo sợ, tự trách: “Ta muốn bắn nai nhưng mũi tên lại trúng nhầm giết bậc đạo nhân, tội của ta thật nặng, vì tham chút thịt mà bị tai họa này. Bây giờ ta đem của cải, châu báu, cung điện, kỹ nữ, binh lính, thành quách, xóm làng của cả nước để cứu lấy mạng người”.
Nhà vua đưa tay kéo mũi tên ra khỏi ngực Thiểm nhưng mũi tên rất sâu không thể rút ra được. Chim chóc, thú rừng bốn phương quây quần kêu la thống thiết, vang động cả núi rừng. Vua càng sợ hãi, toàn thân đều run rẩy.
Thiểm nói với vua:
-Không phải lỗi của ngài, tại tội nghiệp kiếp trước của tôi mới đến nỗi này. Tôi không tiếc thân mạng, chỉ nghĩ thương cha mẹ mù của tôi tuổi đã già suy mà hai mắt không thấy đường. Mai này không có tôi, cũng sẽ chết. Vì lý do này mà tôi buồn rầu đau xót mà thôi.
Ngay lúc ấy, chư Thiên, Long thần, đều xúc động cúi đầu cung kính. Nhà vua lại nói:
-Thà ta vào địa ngục trăm kiếp để chịu tội này để làm cho Thiểm được sống.
Nhà vua quỳ xuống trước Thiểm nói lời ăn năn:
-Nếu khanh chết đi, ta sẽ không trở về nước nữa. Ta sẽ ở lại núi cung phụng cha mẹ của khanh như lúc khanh còn sống, khanh chớ lo nghĩ. Xin Thiên, Long, Quỷ thần chứng tri, tôi không phụ lời thề này.
Thiểm tuy đang bị tên độc, nghe vua nói lời thề này, trong lòng rất hoan hỷ. Tuy chết nhưng không ân hận.
-Vì cha mẹ tôi mà phải phiền lụy đến vua cung dưỡng, ngài sẽ được vô lượng phước đức, tội nghiệp tiêu trừ.
Vua nói:
-Khanh hãy cho ta biết chỗ cha mẹ khanh ở? Ta muốn biết trước khi khanh nhắm mắt.
Thiểm liền chỉ cho vua lối đi:
-Theo con đường tất này, cách đây không xa, sẽ thấy căn nhà lá, là nơi cha mẹ tôi đang ở đó. Xin ngài hãy nhẹ bước, chớ làm cho cha mẹ tôi kinh động hoảng sợ, khéo dùng lời giải thích với song thân tôi, vua vì tôi thưa với cha mẹ tôi rằng: Vô thường đang đến, tôi sắp chết. Tôi không tiếc thân mạng, chỉ nghĩ tới cha mẹ đã già yếu lại mù lòa. Mai này không có tôi, cha mẹ biết nương tựa vào ai? Do đó tôi buồn rầu đau đớn. Tôi chết là tự mình, vì tội báo ngày trước đến nỗi không thoát khỏi. Nay tôi xin sám hối: Từ vô lượng kiếp, từ khi có thân đến nay đã tạo bao nghiệp ác, tội này xin tiêu diệt. Nguyện đời đời cùng cha mẹ không chia lìa. Xin cho cha mẹ được an khang trường thọ và chớ có lo buồn. Trời, Rồng, Quỷ, Thần thường theo giúp đỡ cha mẹ tai nạn tiêu tan, sở cầu như ý, thong dong tự tại.
Vua dẫn vài người đến chỗ cha mẹ Thiểm. Sau khi nhà vua đi, Thiểm từ từ tắt thở. Muôn chim, cầm thú bốn phương tụ tập về, chúng liếm máu trên ngực Thiểm và kêu gào thảm thiết chung quanh thi hài. Cha mẹ Thiểm nghe những âm thanh này lòng càng thêm bàng hoàng. Nhà vua đi vội vã chạm vào cây cỏ gây ra tiếng động. Cha mẹ Thiểm sợ sệt hỏi:
-Ai đó? Đây không phải là bước chân của con ta.
Vua nói:
-Ta là vua nước Ca-di, nghe đạo nhân ở núi này học đạo, nên ta đến cúng dường.
Cha mẹ Thiểm thưa:
-Đại vương hạ cố từ xa xôi đến thăm thảo am vắng vẻ này. Tâu đại vương, ngài có được bình an chăng? Phu nhân, thái tử, quan quân trong cung có được an lành không? Thời tiết có điều hòa, lương thực được dồi dào không? Có bị nước láng giềng xâm lấn không?
Vua đáp:
-Nhờ ân đạo nhân, tất cả đều bình an.
Nhà vua hỏi thăm cha mẹ Thiểm:
-Trong chốn núi non nhọc nhằn, kham khổ, giữa nơi rừng rậm rất khó ở này, quý vị được an ổn chăng?
Đôi vợ chồng mù tâu:
-Muôn tâu, nhờ ân đại vương, chúng tôi vẫn được an ổn. Chúng tôi có người con hiếu thảo tên Thiểm, nó thường đi hái trái cây và lấy nước suối đầy đủ. Nhà tôi chỉ có chiếc chiếu cỏ, mời đại vương tạm ngồi nghỉ và dùng trái cây. Thiểm đi lấy nước cũng sắp về.
Vua nghe cha mẹ Thiểm nói, quá đỗi thương tâm, rơi lệ nói:
-Ta có tội thật nặng. Vào núi săn bắn, nhìn xa thấy bên bờ suối có bầy nai, ta giương cung bắn nhằm con của đạo nhân. Thiểm bị mũi tên độc vô cùng đau đớn, vì thế ta đến đây nói cho hai đạo nhân biết.
Cha mẹ Thiểm nghe nói xong, toàn thân ngã xuống như núi Thái sơn sụp đổ, như bị động đất. Họ ngước mặt lên trời than khóc và kêu rằng:
-Thiểm con của ta, chí hiếu, thiên hạ không ai bằng, chân giẫm lên đất thường sợ đất bị đau. Nay có tội gì mà bị bắn chết? Vừa rồi gió bão làm gãy ngã cây cối, muôn chim kêu thương vang dội khắp núi rừng. Ta ở trong núi đã hơn hai mươi năm chưa từng có hiện tượng kỳ lạ này. Con ta đi lấy nước rất lâu không về, ắt phải có sự cố gì đây?
Chư thần đều kinh sợ, xúc động cúi đầu, người mẹ khóc mãi không thôi. Người cha bảo thôi nín khóc đi và nói:
-Người đời không có ai là không chết. Một khi vô thường đến thì không thể thoát khỏi.
Rồi hỏi vua:
-Tâu đại vương, lúc còn sống Thiểm có dặn chi không?
Nhà vua kể lại đầy đủ lời Thiểm dặn dò cho cha mẹ Thiểm nghe. Nghe lời vua kể, cha mẹ Thiểm thương cảm khôn nguôi, nói:
-Mai này không có con, chúng ta cũng sẽ chết! Nay xin đại vương hãy dắt chúng tôi đến chỗ thi hài của Thiểm.
Vua liền dẫn cha mẹ Thiểm đi. Đến nơi, người cha ôm lấy đầu con, bà mẹ ôm hai chân ấp lên gối mình và dùng hai tay sờ mò mũi tên trên ngực con, bà ngước lên trời than thở:
-Chư Thiên, Long thần, Sơn thần, Thọ thần, Thủy thần! Con tôi là Thiểm, một người con chí hiếu trong thiên hạ. Xin chư Thiên, Long thần chứng tri! Tôi nay đã già, hai mắt lại không thấy, tôi xin được chết thay cho con tôi sống lại, tôi không hối hận.
Hai ông bà đều thề nguyền:
-Nếu Thiểm chí hiếu thì xin đất trời chứng tri mũi tên tự rớt ra, chất độc tiêu tan, cho Thiểm sống lại!
Lúc đó trên tầng trời thứ hai Đao-lợi, ngai của Thiên chủ Đế Thích đang ngồi bị chấn động, ngài dùng Thiên nhãn thấy hai đạo nhân ôm con kêu khóc, tiếng vang đến tầng trời thứ tư là Đâu-suất, Thích, Phạm, Tứ thiên vương liền từ cõi trời đến, nhanh như người duỗi cánh tay, xuống ngay chỗ Thiểm nằm, dùng thần dược nhỏ vào miệng Thiểm. Thuốc vào trong miệng, mũi tên độc rơi xuống và Thiểm được sống lại. Cha mẹ Thiểm ngạc nhiên, vui mừng thấy Thiểm đã chết được sống lại như trước. Cha mẹ nghe Thiểm sống lại hai mắt đều sáng. Muôn chim cầm thú đều phát ra tiếng kêu vui mừng, gió ngừng mây tạnh, mặt trời sáng lại, nước suối lại chảy trong veo mát mẻ, hoa sen năm sắc nở rộ trong ao, hương Chiên-đàn tỏa ngát, cây cối tươi tốt hơn ngày thường.
Nhà vua vui mừng không kể xiết, đảnh lễ trời Đế Thích, quay sang lễ tạ cha mẹ Thiểm và Thiểm, xin dâng tài sản cả nước cho đạo nhân và tự thân cúng dường, mong cho tội chướng tiêu diệt, vĩnh viễn dứt trừ.
Thiểm tâu vua:
-Muốn tăng thêm phước đức vua nên trở về nước chăm lo săn sóc nhân dân, nên khiến cho mọi người phụng trì giới, vua chớ có săn bắn giết hại loài vô tội. Nếu không, thân không an ổn, lúc chết thì sẽ vào trong địa ngục. Người sống ở đời, ái ân phút chốc, ly biệt lâu dài, đâu có gì thường mãi. Ngài nhờ có công đức đời trước nay được làm vua, chớ kiêu căng buông lung, vì buông lung nên tạo vô lượng tội ác, sau đọa vào đường ác hối hận cũng chẳng ích gì!
Vua vâng lời Thiểm dạy. Những người theo vua đi săn, vì thấy Thiểm đã chết lại được Thiên thần cho uống thuốc được sống lại, cha mẹ mù mắt được sáng lại toàn là những điều kỳ diệu nên họ xin thọ trì năm giới, tu hành Thập thiện để khi chết không đọa vào đường ác, được sinh lên cõi trời.
Đức Phật bảo A-nan:
-Những người hội họp nơi đây, kiếp xưa Thiểm chính là thân Ta. Người cha mù tức là vua Duyệt-đầu-đàn, người mẹ mù nay là
vương phu nhân Ma-da. Vua nước Ca-di là A-nan, Thiên đế Thích là Phật Di-lặc.
Đức Phật bảo A-nan.
-Trong các đời trước, Ta đã từng làm người con nhân hiếu, làm vua từ mẫn, làm người dân phụng kính. Từ đó Ta đắc thành Bậc Tôn Quý trong ba cõi.
Đức Phật nói kinh này xong, chư Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di thảy đều hoan hỷ đảnh lễ lui ra.


« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đức Phật và chúng đệ tử


Công đức phóng sinh


Rộng mở tâm hồn


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.198.127 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập