Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bi Hoa Kinh [悲華經] »» Bản Việt dịch quyển số 9 »»

Bi Hoa Kinh [悲華經] »» Bản Việt dịch quyển số 9

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.66 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Bi Hoa

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

QUYỂN IX: PHẨM THỨ NĂM - PHẦN II - PHÁP BỐ THÍ
Thiện nam tử! Thế nào là những pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề của hàng Bồ Tát?
“Thiện nam tử! Bố thí là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì giáo hóa được chúng sinh.
“Trì giới là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được đầy đủ các nguyện lành.
“Nhẫn nhục là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
“Tinh tấn là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đối với chúng sinh luôn nỗ lực chuyên cần giáo hóa.
“Thiền định là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì khiến cho tâm đầy đủ và được điều phục.
“Trí huệ là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì có đủ khả năng rõ biết được các phiền não.
“Nghe nhiều học rộng là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đối với các pháp đầy đủ sự không ngăn ngại.
“Hết thảy công đức là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì tất cả chúng sinh đều được đầy đủ.
“Trí nghiệp là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đầy đủ trí huệ không ngăn ngại.
“Tu định là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được thành tựu tâm nhu hòa, hiền hậu.
“Huệ nghiệp là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì lìa xa hết thảy mọi sự nghi hoặc.
“Lòng từ là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đối với chúng sinh được tâm không ngăn ngại.
“Lòng bi là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì cứu vớt được mọi sự khổ đau của chúng sinh.
“Lòng hỷ là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì ưa thích chánh pháp.
“Lòng xả là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì dứt trừ mọi sự phân biệt yêu ghét.
“Lắng nghe thuyết pháp là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì phá trừ được năm sự ngăn che.
“Xuất thế là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì xả bỏ mọi thứ mình có.
“A-lan-nhã, là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì lìa hết những việc hối hả, gấp gáp.
“Chuyên tâm nhớ nghĩ là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được các pháp đà-la-ni.
“Nhớ tưởng chân chánh là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì phân biệt được ý thức.
“Tư duy là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đối với các pháp được thành tựu mọi ý nghĩa.
“Niệm xứ là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đối với thân, thọ, tâm, pháp đều nhận biết phân biệt rõ ràng.
“Chánh cần là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì dứt trừ các pháp bất thiện, tu tập các pháp lành.
“Như ý túc là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được thân tâm nhẹ nhàng, nhanh lẹ.
“Các căn là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì thành tựu đầy đủ các căn lành cho hết thảy chúng sinh.
“Các sức là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đầy đủ khả năng phá trừ các phiền não.
“Các giác ý là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì đối với các pháp được đầy đủ sự rõ biết tướng chân thật.
“Chánh đạo là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì lìa xa hết thảy các đường tà.
“Thánh đế là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì dứt trừ hết thảy mọi phiền não.
“Bốn biện tài là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì trừ dứt được mọi sự nghi hoặc của chúng sinh.
“Duyên niệm là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì không cần nghe nơi người khác mới được trí huệ.
“Bạn tốt là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì việc gìn giữ hết thảy công đức đều được thành tựu.
“Phát tâm là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì thành tựu được sự chân thật không lừa dối chúng sinh.
“Dụng ý là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì vượt ra khỏi hết thảy các pháp.
“Chuyên tâm là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì giúp tăng trưởng lợi ích cho các pháp lành.
“Tư duy thiện pháp là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì tùy theo chỗ được nghe chánh pháp mà được thành tựu.
“Nhiếp thủ là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì thành tựu việc giáo hóa chúng sinh.
“Hộ trì chánh pháp là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì khiến cho hạt giống Tam bảo truyền mãi không dứt.
“Nguyện lành là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì thành tựu được cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
“Phương tiện là pháp môn hỗ trợ Bồ-đề, vì được mau chóng thành tựu trí hiểu biết tất cả.
“Thiện nam tử! Như vậy gọi là các pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề của hàng Bồ Tát.’
“Thiện nam tử! Bấy giờ đức Như Lai Bảo Tạng quay nhìn khắp đại chúng Bồ Tát, rồi bảo Bồ Tát Đại Bi: ‘Này Đại Bi! Thế nào là Bồ Tát dùng sự không sợ sệt để trang nghiêm tốt đẹp, đầy đủ đức nhẫn?
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát thấy được ý nghĩa rốt ráo thì đạt được sự tinh tấn, không ngu si, không đắm chấp trong Ba cõi. Nếu không đắm chấp trong Ba cõi thì gọi đó là tam-muội, là pháp không sợ sệt của bậc sa-môn. Như đưa tay vào khoảng không chẳng có gì để nắm bắt, lại quán xét các pháp thấy không thật có tướng mạo.
“Đại Bi! Như vậy gọi là Đại Bồ Tát dùng sự không sợ sệt để trang nghiêm tốt đẹp.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đức nhẫn? Vị Bồ Tát như vậy trong lúc trụ nơi các pháp không thấy có vô số tướng mạo của các pháp nhiều như những hạt bụi nhỏ; thực hành quán xét theo cả hai chiều thuận nghịch, đối với các pháp, hiểu rõ được ý nghĩa không có quả báo; trong khi tu tập lòng từ hiểu rõ là không có ngã, trong khi tu tập lòng bi hiểu rõ là không có chúng sinh, trong khi tu tập lòng hỷ hiểu rõ là không có mạng sống, trong khi tu tập lòng xả hiểu rõ là không có người khác.
“Tuy thực hành bố thí nhưng không thấy có vật mang ra bố thí. Tuy thực hành trì giới nhưng không thấy có tâm thanh tịnh. Tuy thực hành nhẫn nhục nhưng không thấy có chúng sinh. Tuy thực hành tinh tấn nhưng không thấy có tâm xa lìa tham dục. Tuy thực hành thiền định nhưng không thấy có tâm ác phải trừ bỏ. Tuy thực hành trí huệ nhưng không thấy tâm có chỗ thực hành.
“Tuy thực hành Bốn niệm xứ nhưng không thấy có sự tư duy. Tuy thực hành Bốn chánh cần nhưng không thấy có sự sinh diệt của tâm. Tuy thực hành Bốn như ý túc nhưng không thấy có các tâm vô lượng.
“Tuy thực hành tín nhưng không thấy có tâm không chướng ngại. Tuy thực hành niệm nhưng không thấy có tâm được tùy ý tự tại. Tuy thực hành định nhưng không thấy có tâm nhập định. Tuy thực hành huệ nhưng không thấy có căn cơ trí huệ.
“Tuy thực hành Năm sức nhưng không thấy có chỗ phá trừ. Tuy thực hành Bảy giác ý nhưng tâm không có sự phân biệt.
“Tuy thực hành Tám chánh đạo nhưng không thấy có các pháp. Tuy thực hành định nghiệp nhưng không thấy có sự tịch tĩnh của tâm. Tuy thực hành huệ nghiệp nhưng không thấy có chỗ làm của tâm. Tuy thực hành Bốn thánh đế nhưng không thấy có sự thông đạt tướng của pháp.
“Tuy tu tập niệm Phật nhưng không thấy có vô lượng các tâm hành. Tuy tu tập niệm Pháp nhưng tâm bình đẳng đối với pháp giới. Tuy tu niệm Tăng nhưng tâm không có chỗ trụ, nhờ giáo hóa chúng sinh mà tâm được thanh tịnh.
“Tuy nắm giữ chánh pháp nhưng đối với các pháp giới tâm không có sự phân biệt. Tuy tu tập tịnh độ nhưng tâm bình đẳng như hư không. Tuy tu tập các tướng tốt đẹp nhưng trong tâm không có các tướng.
“Tuy đạt được sự nhẫn nhục nhưng tâm không có chỗ nắm giữ. Tuy trụ ở địa vị không còn thối chuyển nhưng thường tự mình chẳng thấy có sự thối chuyển hay không thối chuyển. Tuy thực hành dựng lập đạo tràng nhưng rõ biết trong Ba cõi không có tướng nào khác. Tuy phá hoại các ma nhưng chính là làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
“Tuy thực hành đạo Bồ-đề nhưng quán các pháp đều là không, không có tâm Bồ-đề. Tuy chuyển bánh xe pháp nhưng đối với hết thảy các pháp không có sự xoay chuyển hay trở về. Tuy cũng thị hiện nhập cảnh giới Niết-bàn rốt ráo nhưng trong tâm đối với chốn sinh tử luôn bình đẳng không thấy có khác biệt.
“Như vậy gọi là Bồ Tát được đầy đủ đức nhẫn.”
Khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết pháp như vậy, có sáu mươi bốn ức Đại Bồ Tát từ khắp mười phương hiện đến núi Kỳ-xà-quật, nơi Phật đang thuyết pháp, lắng nghe nhân duyên căn bản của các phép tam-muội và những pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề. Nghe pháp như vậy rồi liền được Vô sinh nhẫn.
Khi ấy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni bảo đại chúng: “Các ông nên biết, đức Như Lai Bảo Tạng vào thuở xa xưa ấy khi thuyết giảng pháp này có vô số Đại Bồ Tát nhiều như số cát của bốn mươi tám con sông Hằng đạt được Vô sinh nhẫn; có vô số Đại Bồ Tát nhiều như số hạt bụi nhỏ trong Bốn cõi thiên hạ được trụ yên nơi địa vị không còn thối chuyển; có vô số Đại Bồ Tát nhiều như số cát của một con sông Hằng đạt được nhân duyên căn bản của các phép tam-muội và các pháp môn thanh tịnh hỗ trợ Bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy, Bồ Tát Đại Bi nghe được pháp này rồi, tâm sinh hoan hỷ, liền được thay đổi hình thể như chàng thanh niên hai mươi tuổi. Từ đó luôn theo hầu kề cận bên đức Như Lai như bóng với hình.
“Thiện nam tử! Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương cùng với một ngàn người con, tám mươi bốn ngàn vị tiểu vương, chín mươi hai ức nhân dân thảy đều xuất gia, phụng trì cấm giới, nghe nhiều học rộng, tu tập phép tam-muội Nhẫn nhục, luôn chuyên cần tinh tấn.
“Thiện nam tử! Khi ấy Đại Bồ Tát Đại Bi dần dần theo Phật học hỏi, lãnh thọ đủ tám mươi bốn ngàn pháp môn của hàng Thanh văn, chín mươi ngàn pháp môn của hàng Duyên giác, hết thảy đều thọ trì, tụng đọc thông suốt, ứng đối nhanh nhạy.
“Đối với giáo pháp Đại thừa, trong thân niệm xứ gồm hết có mười vạn pháp môn, trong thọ niệm xứ gồm hết có mười vạn pháp môn, trong tâm niệm xứ gồm hết có mười vạn pháp môn, trong pháp niệm xứ gồm hết có mười vạn pháp môn, hết thảy đều thọ trì, tụng đọc thông suốt, ứng đối nhanh nhạy.
“Trong Mười tám giới gồm hết có mười vạn pháp môn, trong Mười hai nhập gồm hết có mười vạn pháp môn, trong việc dứt trừ tham dục gồm hết có mười vạn pháp môn, trong việc dứt trừ sân hận gồm hết có mười vạn pháp môn, trong việc dứt trừ ngu si gồm hết có mười vạn pháp môn, phép tam-muội giải thoát gồm hết có mười vạn pháp môn, Năm sức, Bốn pháp không sợ sệt, Mười tám pháp chẳng chung cùng gồm hết có mười vạn pháp môn. Tất cả các pháp như vậy, gồm hết có mười ức pháp môn, hết thảy đều thọ trì, tụng đọc thông suốt, ứng đối nhanh nhạy.
“Thiện nam tử! Về sau, đức Phật Bảo Tạng nhập Niết-bàn. Khi ấy, Đại Bồ Tát Đại Bi dùng vô số đủ mọi loại hoa, hương bột, hương phết, cờ lọng quý báu, trân bảo, âm nhạc dâng lên cúng dường. Lại dùng đủ mọi thứ gỗ thơm chất lại thành đống, hỏa táng thân Như Lai rồi thu nhặt xá-lợi, dựng tháp bằng bảy báu cao năm do-tuần, hai chiều ngang dọc đều rộng đủ một do-tuần, trong vòng bảy ngày dùng vô số đủ mọi thứ hương hoa, âm nhạc, cờ lọng quý báu dâng lên cúng dường.
“Vào lúc ấy, Bồ Tát Đại Bi lại khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa.
“Thiện nam tử! Bồ Tát Đại Bi trải qua bảy ngày như vậy rồi, cùng với tám mươi bốn ngàn người cùng lúc xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa thô xấu, trong thời gian sau khi đức Phật Bảo Tạng đã nhập Niết-bàn, tùy thuận tâm chúng sinh mà thổi bùng lên ngọn lửa chánh pháp trong suốt mười ngàn năm, lại khiến cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh đều được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa cùng với Ba quy y, Năm giới, Tám trai giới, Mười giới sa-di, cho đến tuần tự được Cụ túc giới của bậc đại tăng đủ hạnh thanh tịnh. Lại khuyên dạy vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh, giúp cho được trụ yên trong các phép thần thông phương tiện, Bốn hạnh vô lượng, dạy họ quán xét Năm ấm như bọn giặc thù, quán xét các nhập như xóm làng vắng vẻ không người ở, quán xét các pháp hữu vi đều do nhân duyên sinh.
“Bồ Tát Đại Bi khuyên dạy chúng sinh, khiến cho được chỗ thấy biết chân thật, quán xét hết thảy các pháp đều như hình trong gương, như hơi nắng nóng, như mặt trăng dưới nước; đối với các pháp đều rõ biết không có ngã, không có sinh, không có diệt, cảnh giới tịch tĩnh vi diệu bậc nhất là Niết-bàn.
“Bồ Tát Đại Bi lại khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh được trụ yên trong Tám thánh đạo. Làm được những việc lợi ích lớn lao như vậy rồi sau đó mạng chung. Ngay khi ấy lại có vô lượng vô biên trăm ngàn người dùng đủ mọi thứ dâng lên cúng dường xá-lợi của tỳ-kheo Đại Bi. Sự cúng dường ấy được thực hiện đúng theo nghi thức dành cho vị Chuyển luân Thánh vương. Cho đến mọi sự cúng dường của tất cả đại chúng đối với xá-lợi của ngài Đại Bi cũng được thực hiện giống như vậy.
“Vào ngày tỳ-kheo Đại Bi mạng chung, chánh pháp của đức Như Lai Bảo Tạng cũng cùng lúc diệt mất. Các vị Bồ Tát ở cõi ấy tùy theo bản nguyện mà sinh về cõi Phật, hoặc sinh cõi trời Đâu-suất, hoặc sinh làm người, làm các loài rồng, dạ-xoa, a-tu-la, hoặc sinh làm đủ mọi loài súc sinh.
“Thiện nam tử! Sau khi tỳ-kheo Đại Bi mạng chung, do bản nguyện nên sinh về thế giới Hoan Lạc ở phương nam, cách đây mười ngàn cõi Phật. Ở thế giới ấy, nhân dân có tuổi thọ là tám mươi tuổi, gồm đủ hết thảy mọi điều ác căn bản, ưa thích làm việc giết hại, trụ yên trong các điều ác, đối với chúng sinh không có lòng từ bi, bất hiếu với cha mẹ, cho đến chẳng hề sợ sệt quả báo đời sau.
“Tỳ-kheo Đại Bi do bản nguyện nên sinh vào một gia đình chiên-đà-la ở thế giới ấy, thân thể cao lớn đẹp đẽ, sức lực mạnh mẽ, oai dũng hơn người, biện tài nhanh nhạy, ứng đối lưu loát. Hết thảy mọi việc đều hơn người.
“Ngài dùng sức dũng mãnh để khống chế hết thảy mọi người rồi nói rằng: ‘Nếu như các người chịu thọ trì giới không trộm cắp, dứt bỏ lìa xa hết thảy mọi tà kiến, sống theo chánh kiến, thì ta sẽ tha mạng cho các người, lại cung cấp cho tài sản và đủ các thứ cần dùng, không để cho đói thiếu. Còn nếu các người không chịu thọ giới thì nay ta sẽ giết chết tất cả các người.’
“Khi ấy, mọi người đều quỳ xuống chắp tay thưa rằng: ‘Nhân giả! Nay đã vì chúng tôi mà điều phục, dạy bảo. Chúng tôi xin thọ trì đúng như lời dạy, nguyện suốt đời này không bao giờ trộm cắp nữa. Cho đến việc lìa bỏ tà kiến sống theo chánh kiến cũng vậy.’
“Bấy giờ, vị chiên-đà-la dũng mãnh hơn người ấy lại lần lượt đi đến chỗ vua và các đại thần, nói rằng: ‘Nay tôi thiếu thốn mọi thứ tài sản, như là món ăn thức uống, thuốc men, y phục, giường ghế, hương hoa, vàng bạc, tiền của, chân châu, lưu ly, các loại ngọc quý, san hô, hổ phách, các loại trân bảo. Nếu tôi có đủ những thứ như vậy, tôi sẽ mang ra bố thí cho chúng sinh.’
“Khi ấy, vua và các vị đại thần liền lấy hết thảy các thứ tài sản và vật cần dùng như vậy, ban cho đầy đủ.
“Vị chiên-đà-la nhân nơi việc bố thí ấy liền giáo hóa, khiến cho vua và các vị đại thần đều được trụ yên nơi Mười điều lành.
“Bấy giờ, tuổi thọ của nhân dân tăng dần lên cho đến đủ năm trăm tuổi. Đức vua ấy băng hà, các đại thần đồng lòng tôn vị chiên-đà-la ấy lên nối ngôi vua, nhân đó đổi tên gọi là Công Đức Lực.
“Thiện nam tử! Đức vua Công Đức Lực cai trị nước ấy không bao lâu liền dùng sức dũng mãnh mà thu phục cai trị hai nước, rồi mở rộng dần cho đến không bao lâu đã trở thành vị Chuyển luân Thánh vương, cai trị khắp cõi Diêm-phù-đề.
“Sau đó, ngài lại dạy dỗ hết thảy chúng sinh, khiến cho trụ yên trong giới không giết hại, cho đến trụ yên trong chánh kiến. Ngài tùy theo chỗ ưa thích trong tâm chúng sinh mà khuyên dạy, khiến cho đều được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa.
“Khi ấy, đức vua Công Đức Lực đã giáo hóa vô lượng chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề được trụ yên trong Mười điều lành cùng với giáo pháp Ba thừa rồi, liền truyền rao trong khắp cõi Diêm-phù-đề rằng: ‘Nếu ai muốn cầu xin những thứ cần dùng, món ăn thức uống, cho đến muốn có được đủ các thứ trân bảo, cứ tìm đến đây ta sẽ cung cấp, bố thí cho.’
“Bấy giờ, hết thảy những người ăn xin trong khắp cõi Diêm-phù-đề nghe như vậy liền cùng nhau tụ tập đến. Đức vua Công Đức Lực liền tùy theo ý muốn của mỗi người mà cung cấp, bố thí các thứ cần dùng, khiến cho tất cả đều được thỏa mãn.
“Bấy giờ có một ni-kiền-tử tên là Hôi Âm tìm đến chỗ vua nói rằng: ‘Nay nhà vua đã làm nhiều việc bố thí lớn lao để cầu đạo Vô thượng chân chánh. Những thứ tôi đang cần đến, nay đại vương nên bố thí cho tôi đầy đủ thì đời sau đại vương sẽ thắp sáng ngọn đèn chánh pháp.’
“Đức vua liền hỏi: ‘Ông cần những gì?’
“Người kia đáp: ‘Tôi trì tụng chú thuật, muốn đánh nhau với a-tu-la để giành phần thắng. Vì thế nên hôm nay mới đến cầu xin đại vương. Những thứ tôi cần là da và mắt của người còn sống.’
“Khi ấy, đức vua nghe lời ấy rồi liền suy nghĩ: ‘Nay ta đã có được thế lực vô lượng, đã được làm Chuyển luân Thánh vương, cũng đã khiến cho vô lượng chúng sinh được trụ yên trong Mười điều lành cùng với giáo pháp Ba thừa, lại cũng đã làm vô số việc bố thí lớn lao. Nay vị thiện tri thức này hẳn là muốn giúp ta dùng thân không bền chắc để đổi lấy thân bền chắc.’
“Bấy giờ, đức vua liền nói: ‘Nay ông hãy sinh tâm vui mừng, ta sẽ lấy con mắt thịt phàm phu này để bố thí cho ông. Do nhân duyên này sẽ khiến cho ta trong đời vị lai được mắt huệ thanh tịnh. Ta lại vui vẻ lột da mà bố thí cho ông, do nhân duyên này sẽ khiến cho ta sau khi thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi được thân thể có màu vàng ròng.’
“Thiện nam tử! Khi ấy, đức vua Công Đức Lực dùng tay phải móc cả hai mắt ra, bố thí cho ni-kiền-tử, máu chảy tràn khắp trên khuôn mặt. Vua nói: ‘Chư thiên, loài rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, loài người, loài phi nhân, hoặc đang ở trên không trung, hoặc đang ở trên mặt đất, xin tất cả hãy nghe lời ta nói. Việc bố thí của ta hôm nay đều là vì cầu đạo Bồ-đề Vô thượng, Niết-bàn thanh tịnh, vì cứu độ chúng sinh chìm ngập trong Bốn dòng nước xoáy, sẽ khiến cho được trụ yên nơi cảnh giới Niết-bàn.’
“Rồi vua nói tiếp: ‘Nếu như ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì nay tuy làm việc bố thí như thế này cũng không dứt mạng, không đánh mất chánh niệm, không sinh lòng hối tiếc, và khiến cho chú thuật của ni-kiền-tử đây liền được thành tựu.’
“Phát nguyện như vậy rồi, vua liền nói với ni-kiền-tử: ‘Bây giờ ông có thể đến đây lột da của ta mà lấy.’
“Thiện nam tử! Khi ấy, ni-kiền-tử liền cầm dao sắc đến lột lấy da của đức vua. Sau đó bảy ngày, việc luyện chú thuật của ni-kiền-tử ấy liền được thành tựu.
“Trong bảy ngày ấy, đức vua vẫn không chết, vẫn không để mất chánh niệm, tuy phải chịu khổ não đau đớn như vậy nhưng trong lòng tuyệt nhiên không một chút hối tiếc.
“Thiện nam tử! Các ông nên biết rằng, Bồ Tát Đại Bi kia nào phải ai xa lạ, chính là tiền thân của ta trong quá khứ, ở nơi đức Phật Bảo Tạng lần đầu tiên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Phát tâm như vậy rồi, khuyên dạy vô lượng vô biên chúng sinh hướng đến quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Đó chính là sự dũng mãnh tinh tấn trước nhất của ta.
“Bấy giờ, ta do nơi nguyện lực mà sau khi mạng chung liền sinh vào gia đình chiên-đà-la ở thế giới Hoan Lạc. Đó là sự dũng mãnh tinh tấn lần thứ hai của ta.
“Khi ta sinh ra trong gia đình chiên-đà-la, giáo hóa chúng sinh theo các pháp lành, dùng sức mạnh của mình mà dần dần đạt đến địa vị Chuyển luân Thánh vương, trừ hết mọi sự uế trược, đấu tranh giành giật trong cõi Diêm-phù-đề, khiến cho cõi này được sự tịch tĩnh, tăng thêm tuổi thọ. Đó là lần đầu tiên ta xả bỏ thân mạng, lột da, móc mắt bố thí cho chúng sinh.
“Thiện nam tử! Do nguyện lực nên khi ta mạng chung ở nơi ấy liền sinh vào một gia đình chiên-đà-la ở thế giới Hoan Hỷ, lại cũng dần dần đạt được địa vị Chuyển luân Thánh vương. Ta dùng thế lực lớn mạnh để khiến cho hết thảy chúng sinh đều trụ yên trong các pháp lành. Ở thế giới ấy, ta lại cũng trừ dứt mọi giặc thù, mọi sự đấu tranh giành giật, cho đến trừ dứt mọi sự uế trược, khiến cho chúng sinh được tăng thêm tuổi thọ. Đó là lần đầu tiên ta xả bỏ lưỡi và tai, ở nơi hết thảy những cõi thiên hạ trong Tam thiên Đại thiên thế giới ấy mà làm các việc lợi ích lớn lao.
“Do nơi nguyện lực nên ta lần lượt có những sự tu tập tinh tấn, vững chắc như vậy, lại ở nơi các cõi thế giới xấu ác có năm sự uế trược nhiều như số cát của một con sông Hằng mà làm những việc lợi ích lớn lao, giúp chúng sinh trụ yên trong các pháp lành cùng với giáo pháp Ba thừa, trừ dứt mọi giặc thù, mọi sự đấu tranh giành giật, cho đến trừ dứt mọi sự uế trược.
“Thiện nam tử! Ở tất cả những thế giới thanh tịnh phương khác, các đức Phật khi hành đạo A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề không nói lỗi của người khác, không nói những lời thô thiển, độc ác với người khác, không dùng sức mạnh làm những việc đe dọa, khiến người sợ sệt, không khuyên bảo chúng sinh theo Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Vì thế nên các vị Phật ấy khi thành tựu trọn vẹn quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền được cõi thế giới thanh tịnh mầu nhiệm, tốt đẹp; không có tên gọi các điều tội lỗi, không có việc thọ trì giới luật; tai không nghe thấy những lời thô thiển độc ác, không có những âm thanh bất thiện; thường được nghe những âm thanh pháp, âm thanh lìa xa hết thảy mọi sự không hài lòng; đối với chúng sinh đều được tùy ý tự tại; không có những tên gọi Thanh văn và Bích-chi Phật.
“Thiện nam tử! Ta trải qua số đại kiếp nhiều như số cát sông Hằng, ở nơi những cõi thế giới xấu ác nhiều như số cát sông Hằng, nơi không có Phật ra đời với đủ năm sự uế trược, dùng những lời thô ác, lấy sự đe dọa tính mạng để làm cho chúng sinh khiếp sợ, rồi sau mới nhân đó mà khuyên dạy cho họ trụ yên trong các pháp lành cùng với giáo pháp Ba thừa. Do nghiệp ấy còn lưu lại nên ta nhận lấy cõi thế giới xấu ác, hèn kém như thế này. Ta dùng âm thanh bất thiện truyền rao khắp cõi thế giới, vì thế nên nay nhận lấy những chúng sinh bất thiện đầy dẫy khắp thế giới.
“Theo như bản nguyện của ta thuyết giảng giáo pháp Ba thừa, nhận lấy cõi Phật, điều phục chúng sinh, mọi việc là như vậy. Ta đã theo đúng như lời dạy mà tinh cần tu tập, hành đạo Bồ-đề, cho nên nay được chủng tử tương tự như thế giới Phật. Do bản nguyện của ta nên ngày nay được mọi sự như vậy.
“Thiện nam tử! Nay ta sẽ nói sơ qua về chỗ thực hành Bố thí ba-la-mật của ta trong quá khứ.
“Khi ta thực hành Bố thí ba-la-mật, so với các vị Bồ Tát trong quá khứ khi hành đạo Bồ Tát không ai có thể làm được như vậy. Các vị Bồ Tát trong đời vị lai khi hành đạo Bồ Tát cũng không ai có thể làm được như vậy.
“Khi ta còn là Bồ Tát, thực hành pháp Bố thí ba-la-mật, chỉ có tám bậc thiện trượng phu trong quá khứ là có thể sánh bằng.
“Vị thứ nhất là Bồ Tát Nhất Địa Đắc, ở tại cõi nước Nhất Thiết Quá Hoạn thuộc về phương nam của cõi này, thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hiệu là Phá Phiền Não Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Khi ấy tuổi thọ con người là một trăm tuổi, ngài ở trong cõi ấy mà thuyết pháp, sau bảy ngày thì nhập Niết-bàn.
“Vị thứ hai là Bồ Tát Tinh Tấn Tịnh, ở tại cõi nước Viêm Sí thuộc về phương đông của cõi này, thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hiệu là Bách Công Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Khi ấy tuổi thọ con người là một trăm tuổi, ngài ở trong cõi ấy mà thuyết pháp. Sau khi làm xong các Phật sự, vị Phật ấy trải qua số đại kiếp nhiều như số cát của một con sông Hằng mới nhập Niết-bàn Vô thượng. Xá-lợi của đức Phật ấy cho đến ngày nay vẫn còn ở nơi những thế giới không có Phật mà làm các Phật sự, cũng như ta không khác.
“Vị thứ ba là Bồ Tát Kiên Cố Hoa, đối với các phép tam-muội luôn chuyên cần thực hành tinh tấn, dùng sức mạnh lớn lao để thực hành việc bố thí. Vị ấy trong đời vị lai trải qua số đại kiếp nhiều như số cát của mười con sông Hằng, sẽ ở tại thế giới Hoan Lạc thuộc về phương bắc của cõi này thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hiệu là Đoạn Ái Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
“Vị thứ tư là Bồ Tát Huệ Sí Nhiếp Thủ Hoan Hỷ, trải qua một đại kiếp nữa sẽ ở tại thế giới Khả Uý thuộc về phương tây của cõi này, khi tuổi thọ con người là một trăm tuổi, thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hiệu là Nhật Tạng Quang Minh Vô Cấu Tôn Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.
“Hiện nay ở trước mặt ta đây có hai vị Bồ Tát nữa, một vị tên là Nhật Quang, một vị tên là Hỷ Tý.
“Trong đời vị lai, trải qua vô lượng vô biên đại kiếp, về phương trên của cõi này có cõi nước Hôi Vụ, kiếp ấy tên là Đại Loạn, cõi đời xấu ác, nhiều phiền não với đủ năm sự uế trược, tuổi thọ con người là năm mươi tuổi. Do nơi bản nguyện nên Bồ Tát Nhật Quang sẽ ở nơi cõi ấy thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Bất Tư Nghị Nhật Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy trải qua mười năm làm đủ các việc Phật sự rồi nhập Niết-bàn. Ngay trong ngày Phật ấy nhập Niết-bàn, chánh pháp cũng diệt mất.
“Sau đó mười năm, thế giới ấy không có Phật, tuổi thọ con người giảm dần xuống chỉ còn ba mươi tuổi. Khi ấy, Bồ Tát Hỷ Tý do nơi bản nguyện nên ở nơi cõi ấy thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hiệu là Thắng Nhật Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật Thế Tôn ấy cũng trải qua mười năm làm đủ các việc Phật sự rồi nhập Niết-bàn. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, do bản nguyện của ngài nên chánh pháp trụ thế đủ bảy mươi năm.
“Bấy giờ, hai vị Bồ Tát ở trước Phật lần đầu tiên được nghe thọ ký quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên sinh tâm hoan hỷ, cúi đầu lễ kính. Do tâm hoan hỷ nên liền bay vọt lên giữa hư không, cao bằng bảy cây đa-la, cùng chắp tay hướng về đức Phật, đồng thanh đọc kệ xưng tán rằng:
Hào quang đức Như Lai,
Che mờ cả nhật nguyệt.
Thường ở trong đời ác,
Phô diễn trí huệ lớn,
Mắt Điều ngự thanh tịnh,
Không một chút bợn nhơ.
Dùng luận nghị nhiệm mầu,
Khuất phục hết ngoại đạo.
Con từ vô lượng kiếp,
Tu phép định Vô tướng,
Cầu được đạo Vô thượng,
Quả bồ-đề cao trổi.
Từng cúng dường chư Phật,
Số nhiều như cát sông,
Nhưng chư Phật quá khứ,
Chưa vì con thọ ký.
Đức Thế tôn lìa dục,
Tâm đạt được giải thoát,
Ở trong đời tối tăm,
Khéo làm các Phật sự,
Vì chúng sinh lạc đường,
Thuyết giảng pháp mầu nhiệm,
Khiến cho đều ra khỏi,
Dòng sinh tử nổi trôi.
Chúng con nay phát nguyện,
Trong pháp Phật thanh tịnh,
Đạt được tâm tự tại,
Xuất gia tu chánh đạo,
Thọ trì giới Giải thoát,
Theo lời dạy mà làm,
Tâm an định theo Phật,
Như bóng luôn theo hình.
Không vì được lợi dưỡng,
Chỉ mong cầu chánh pháp.
Đã được nghe chánh pháp,
Như uống nước cam lộ,
Vì thế nên Thế Tôn,
Thọ ký cho chúng con,
Ở trong đời vị lai,
Sẽ được đạo Vô thượng.
“Thiện nam tử! Còn hai người nữa vẫn chưa phát tâm. Những người đã phát tâm rồi, người thứ nhất tên là Nhật Quang, người thứ hai tên là Hỷ Tý. Trước đó ta đã kể bốn người, thứ nhất là Địa Đắc, thứ hai là Tinh Tấn Tịnh, thứ ba là Kiên Cố Hoa, thứ tư là Huệ Sí Nhiếp Thủ Hoan Hỷ. Như vậy cả thảy có tám người. Sáu vị Bồ Tát nói trên đều là do ta khuyên dạy ban đầu khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ nhân duyên trước đây trong đời quá khứ đã trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Vào lúc ấy, thế giới này có tên là Vô Cấu Tu-di, tuổi thọ con người là một trăm tuổi, có đức Phật ra đời hiệu là Hương Liên Hoa. Sau khi Phật ấy nhập Niết-bàn, vào thời tượng pháp, ta làm vị Chuyển luân Thánh vương có thế lực lớn lao ở cõi Diêm-phù-đề, hiệu là Nan Trở Hoại, có đủ một ngàn người con, ta đều khuyên dạy khiến cho phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Về sau, trong thời tượng pháp ấy, tất cả đều xuất gia tu đạo, thổi bùng lên mạnh mẽ ngọn lửa Phật pháp. Chỉ trừ có sáu người con không chịu xuất gia, phát tâm Bồ-đề.
“Khi ấy, ta nhiều lần theo hỏi sáu người con ấy: ‘Nay các con còn mong cầu điều gì mà không phát tâm Bồ-đề, xuất gia tu đạo?’
“Bấy giờ, sáu người con ấy đều nói: ‘Thật không nên xuất gia. Vì sao vậy? Nếu ở trong đời tượng pháp mạt thế mà xuất gia thì không thể thành tựu việc giữ theo giới luật, lại lìa xa bảy món tài bảo của bậc thánh. Do không giữ gìn giới luật nên phải ngập chìm trong bùn nhơ sinh tử, đọa vào ba đường ác, không thể được sinh lên các cõi trời, cõi người. Do nhân duyên ấy, chúng con không thể xuất gia tu đạo.’
“Thiện nam tử! Ta lại hỏi tiếp rằng: ‘Các con do đâu mà chẳng phát tâm Bồ-đề?’
“Sáu người con ấy đáp: ‘Nếu cha có thể ban cho chúng con cõi Diêm-phù-đề này, thì sau đó chúng con sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Thiện nam tử! Ta nghe các con nói như thế thì sinh tâm hoan hỷ, tự nghĩ rằng: ‘Nay ta đã giáo hóa cho người trong cõi Diêm-phù-đề, khiến cho thọ nhận Ba quy y, thọ nhận Tám trai giới, trụ yên trong giáo pháp Ba thừa. Nay ta sẽ phân chia cõi Diêm-phù-đề này thành sáu phần, ban cho sáu đứa con này, khiến cho chúng phát tâm cầu đạo Vô thượng. Sau đó ta sẽ xuất gia tu đạo.’
“Nghĩ như vậy rồi, ta liền phân chia cõi Diêm-phù-đề ra thành sáu phần, ban cho các con, sau đó ta liền xuất gia.
“Bấy giờ, sáu vị vua mới đều hung ác bạo ngược, chẳng ai chịu nhường ai, xâm lấn lẫn nhau, gây ra nạn đấu tranh giành giật, gông cùm trói buộc.
“Khi ấy, khắp nơi trong cõi Diêm-phù-đề, lúa thóc mất mùa chẳng có thu hoạch, nhân dân đói khổ, mưa gió nghịch mùa, cây cối khô héo không sinh hoa quả, cỏ thuốc cũng không mọc. Nhân dân, các loài chim chóc, thú vật thảy đều đói khổ, thân thể gầy khô nóng nảy, cháy phừng lên như ngọn lửa.
“Vào lúc ấy, ta tự nghĩ rằng: ‘Ta nay nên xả bỏ thân mình, dùng máu thịt để bố thí cho chúng sinh được no đủ.’
“Nghĩ như vậy rồi, ta liền từ bỏ nơi vắng vẻ đang tu tập mà tìm về chốn nhân gian, giữa đường gặp một hòn núi tên là Thủy Ái Hộ. Ta lên trên núi ấy phát lời đại nguyện bố thí, rồi đọc kệ rằng:
Nay ta tự bỏ,
Thân mạng hiện có,
Vì lòng đại bi,
Không cầu quả báo,
Chỉ vì lợi ích,
Chư thiên, loài người,
Nguyện làm núi thịt,
Thí cho chúng sinh.
Nay ta buông bỏ,
Thân tướng đẹp đẽ,
Chẳng cầu Đế-thích,
Thiên ma, Phạm vương,
Chỉ vì lợi ích,
Chúng sinh đời sau.
Lấy máu thịt này,
Bố thí chúng sinh.
Chư thiên, rồng, thần,
Người và phi nhân,
Ở nơi núi này,
Lắng nghe lời ta,
Vì các chúng sinh,
Phát lòng đại bi,
Tự dùng máu thịt,
Thí cho tất cả.
“Thiện nam tử! Khi ta phát lời nguyện như vậy rồi, chư thiên rúng động bất an, khắp mặt đất và các núi Tu-di, biển cả đều chấn động đủ sáu cách. Hết thảy đại chúng, chư thiên và loài người đều cảm động bật lên tiếng khóc.
“Lúc bấy giờ, ta từ trên núi Thủy Ái Hộ tự lao mình xuống. Do nguyện lực nên thân ta lập tức hóa thành ngọn núi thịt cao một do-tuần, ngang dọc hai chiều cũng một do-tuần. Nhân dân và các loài chim chóc, cầm thú đến khi ấy kéo đến ăn thịt, uống máu. Do bản nguyện nên đến nửa đêm hôm ấy thân thể ta liền phát triển cực kỳ cao lớn, cho đến cao một ngàn do-tuần, ngang dọc hai chiều cũng một ngàn do-tuần. Chung quanh lại tự nhiên sinh ra những đầu người, có đầy đủ lông, tóc, mắt, tai, mũi, miệng, môi, lưỡi. Từ trong các đầu người ấy thảy đều phát ra tiếng nói rằng: ‘Hỡi các chúng sinh, tất cả hãy tùy ý đến đây lấy dùng, hoặc uống máu, hoặc ăn thịt, hoặc lấy những đầu, mắt, tai, mũi, môi, lưỡi, răng... các thứ, tất cả đều sẽ được no đủ, sau đó sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hoặc phát tâm Thanh văn, tâm Bích-chi Phật.’
“Các ngươi nên biết rằng, những thứ mà chúng sinh lấy đi như vậy, thảy đều không thể hết. Khi ăn vào lại dễ tiêu, không bị chết yểu. Có những người thông minh sáng trí ăn thịt, uống máu, lấy những đầu, mắt, tai, mũi, lưỡi, rồi hoặc phát tâm theo Thanh văn thừa, Bích-chi Phật thừa, hoặc phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hoặc cầu sinh trong cõi trời, cõi người, được giàu có, vui vẻ.
“Do bản nguyện của ta nên thân ấy không hề tổn giảm, cho đến một vạn năm. Trong khắp cõi Diêm-phù-đề, loài người cho đến quỷ thần, chim chóc, cầm thú, hết thảy đều được đầy đủ, sung túc.
“Trong một vạn năm ấy, số mắt mà ta đã bố thí nhiều như số cát một con sông Hằng, lượng máu mà ta bố thí nhiều như nước trong bốn biển lớn, số thịt mà ta bố thí nhiều như cả ngàn núi Tu-di, số lưỡi mà ta bố thí nhiều như núi Thiết vi lớn, số tai mà ta bố thí nhiều như núi Thuần-đà-la, số mũi mà ta bố thí nhiều như núi Tỳ-phú-la, số răng mà ta bố thí nhiều như núi Kỳ-xà-quật, số da bọc thân mà ta bố thí nhiều như số đất trong Tam thiên Đại thiên thế giới.
“Thiện nam tử! Các ngươi nên biết, ta ở trong đời quá khứ ấy trải qua một vạn năm, xả bỏ vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thân thể. Trong tuổi thọ của một lần sinh đã tự dùng máu thịt của mình để cung cấp, bố thí cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh như vậy, thảy đều khiến cho được no đủ, nhưng chẳng bao giờ có chút hối tiếc.
“Vào lúc ấy ta lại nguyện rằng: ‘Nếu như ta chắc chắn sẽ được thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, sở nguyện thành tựu, được lợi ích bản thân, thì nay cũng giống như ta đã ở nơi một cõi Diêm-phù-đề này trong một vạn năm tự dùng máu thịt của mình để cấp thí cho hết thảy vô lượng chúng sinh, nguyện cũng sẽ làm như vậy trong vô số lần vạn năm, nhiều như số cát của một con sông Hằng, hiện thân đầy khắp Tam thiên Đại thiên thế giới Vô Cấu Tu-di, hóa làm núi máu thịt ở khắp mỗi một cõi thiên hạ, trong một vạn năm tự dùng máu thịt, đầu, mắt, tai... để cung cấp, bố thí cho chúng sinh, chư thiên, rồng, quỷ thần, người và loài phi nhân, cùng hết thảy các loài súc sinh, hoặc ở giữa hư không, hoặc ở trên mặt đất, cho đến loài ngạ quỷ, tất cả đều khiến cho được no đủ, sau đó sẽ khuyên dạy, giáo hóa cho được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa.
“Nếu như đã hóa hiện được khắp cõi Phật thế giới này, giúp cho hết thảy chúng sinh được đầy đủ rồi, lại sẽ hóa hiện đến các cõi thế giới xấu ác có đủ năm sự uế trược trong mười phương nhiều như số cát của một con sông Hằng, lại cũng cung cấp bố thí máu thịt, đầu, mắt, tai... cho hết thảy chúng sinh, khiến cho tất cả đều được đầy đủ. Bố thí như vậy trải qua số đại kiếp nhiều như số cát của một con sông Hằng, luôn vì chúng sinh mà tự xả bỏ thân mạng để bố thí.
“Nếu như sở nguyện của ta không thành tựu, không được lợi ích bản thân, như vậy tức là đã dối gạt vô lượng vô biên chư Phật Thế Tôn đang vì các chúng sinh mà chuyển bánh xe chánh pháp trong các thế giới mười phương. Như vậy chắc chắn không thể thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, phải ở trong sinh tử, mãi mãi không được nghe những âm thanh Phật, âm thanh Pháp, âm thanh tỳ-kheo, âm thanh ba-la-mật, âm thanh sức không sợ sệt, cho đến không được nghe âm thanh của hết thảy các căn lành. Nếu ta không thể thành tựu việc xả thân bố thí đầy đủ cho các chúng sinh, sẽ thường phải đọa vào địa ngục A-tỳ.
“Thiện nam tử! Ta vào đời quá khứ đã thành tựu được hết thảy sở nguyện như thế, ở nơi mỗi một cõi thiên hạ đều xả bỏ thân mạng, dùng máu thịt cung cấp bố thí chúng sinh, khiến cho tất cả đều được no đủ. Lần lượt như vậy, đi khắp các cõi Phật thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng, luôn xả bỏ thân mạng, dùng máu thịt cung cấp bố thí chúng sinh, khiến cho tất cả đều được no đủ.
“Thiện nam tử! Các ông nên biết, ta vào lúc ấy vì thực hành pháp Bố thí ba-la-mật mà xả thân bố thí như vậy, chỉ riêng số mắt mà ta đã lần lượt bố thí, nếu gom hết lại sẽ đầy khắp cõi Diêm-phù-đề này và cao lên đến tận cõi trời Đao-lợi.
“Thiện nam tử! Đó là Như Lai chỉ nói sơ qua về việc xả bỏ thân mạng để thực hành pháp Bố thí ba-la-mật.
“Lại nữa, thiện nam tử! Trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp như vậy, khi đó thế giới này đổi tên là Nguyệt Lôi, cũng là cõi thế giới xấu ác có năm sự uế trược. Vào lúc ấy ta làm vị Chuyển luân Thánh vương, cai trị cõi Diêm-phù-đề, hiệu là Đăng Quang Minh, lại cũng dạy bảo vô lượng vô biên a-tăng-kỳ nhân dân, khiến cho được trụ yên trong các pháp lành, làm đủ các việc lợi ích như vào thời tượng pháp của đức Phật Hương Liên Hoa đã nói ở trước.
“Làm xong các việc như vậy rồi, một hôm ta dạo chơi ở chốn rừng cây, xem xét đất đai, thấy có một người bị bắt trói, liền hỏi: ‘Người ấy phạm tội gì vậy?’
“Quan đại thần tâu lên rằng: ‘Tất cả những người làm ruộng khi thu hoạch lúa thóc đều phải chia làm sáu phần, lấy một phần nộp vào của công. Người này không tuân theo phép vua, không chịu nộp đủ nên bị bắt trói.’
“Khi ấy, ta truyền lệnh thả người ấy ra, dạy rằng: ‘Từ nay về sau không nên cưỡng ép lấy của người ta như thế.’
“Quan đại thần tâu rằng: ‘Trong những người dân đây, chẳng có ai sinh lòng vui vẻ theo đúng phép mà giao nộp lúa thóc. Nay hết thảy mọi thứ cần dùng như món ăn, thức uống... cho các vị vương tử, hậu cung, quyến thuộc... của vua, đều là do cưỡng ép người dân nộp lên mới có. Không một ai có lòng trong sạch tự giao nộp cả!’
“Ta nghe như vậy rồi, trong lòng hết sức buồn rầu, liền tự suy nghĩ rằng: ‘Cõi Diêm-phù-đề này ta nên giao lại cho ai?’
“Lúc ấy, ta có năm trăm người con trai, trước đó đều đã dạy bảo cho phát tâm cầu đạo Vô thượng. Ta lại nghĩ rằng: ‘Nên phân chia cõi này ra thành năm trăm phần, giao lại cho các con. Còn ta nên xuất gia tìm đến nơi thanh tịnh vắng vẻ, tu tập các phép tiên, học theo Phạm hạnh thanh tịnh.’
“Nghĩ như vậy rồi, ta liền phân chia cõi nước ra làm năm trăm phần, chia đều cho các con, rồi lập tức xuất gia, tìm đến bờ biển phía nam, trong khu rừng cây Uất-đầu-ma rậm rạp, ăn trái cây rừng mà sống, dần dần tu học, đạt được năm phép thần thông.
“Thiện nam tử! Khi ấy, trong cõi Diêm-phù-đề có năm trăm người thương nhân đi ra biển cả, muốn tìm lấy trân bảo. Người dẫn đầu đoàn thương nhân ấy tên là Mãn Nguyệt. Người ấy do đời trước đã tạo nhiều nhân duyên phước đức nên được thành tựu đúng như sở nguyện, tìm đến một bãi có đầy trân bảo. Bọn họ lấy rất nhiều đủ mọi thứ trân bảo rồi lập tức lên đường trở lại cõi Diêm-phù-đề.
“Khi ấy, vị thần biển lớn tiếng khóc lóc, lại có nhiều con rồng sinh lòng tức giận muốn làm hại các thương nhân ấy. Có một vị Long vương tên là Mã Kiên, vốn là một vị Đại Bồ Tát do bản nguyện nên sinh trong loài rồng. Vị ấy khởi tâm từ bi, cứu giúp bảo vệ cho các thương nhân, khiến cho được an ổn vượt qua biển lớn, vào được trong bờ. Khi ấy vị Long vương kia mới quay trở về chỗ ở.
“Bấy giờ lại có một quỷ la-sát rất ác độc, bám theo các thương nhân như bóng với hình, muốn làm hại họ. Quỷ la-sát ác độc này ngay trong ngày hôm ấy nổi lên một cơn gió độc rất hung bạo. Khi đó, các thương nhân đều tối tăm mù mịt, lạc mất đường đi, hết sức sợ hãi, cùng cất tiếng khóc lóc vang rền, kêu la khẩn cầu chư Thiên Ma-hê-thủ-la, thần nước, thần đất, thần lửa, thần gió; lại gọi tên cha mẹ, vợ con, quyến thuộc... cầu xin cứu nạn.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy ta dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được những âm thanh ấy, liền tìm đến nơi đó, dùng lời êm dịu mà an ủi, vỗ về: ‘Các ông chớ nên lo sợ, ta sẽ chỉ đường cho các ông, giúp cho các ông được an ổn trở về cõi Diêm-phù-đề.’
“Thiện nam tử! Khi ấy ta dùng vải trắng buộc quanh cánh tay, tẩm dầu vào rồi đốt lên làm đuốc, nói ra lời chân thật rằng: ‘Ta trước đã ở nơi rừng Uất-đầu-ma trong ba mươi năm, chuyên cần tinh tấn tu hành Bốn tâm vô lượng, vì các chúng sinh mà ăn trái cây rừng để sống, khuyên dạy giáo hóa cho tám mươi bốn ngàn các loài rồng, dạ-xoa, quỷ thần... đều được địa vị không còn thối chuyển đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do nơi nhân duyên căn lành ấy, nay đốt cánh tay này để dẫn đường cho các thương nhân được an ổn trở về trong cõi Diêm-phù-đề.’ Đốt cánh tay như vậy trong bảy ngày bảy đêm, các thương nhân ấy liền an ổn trở về được cõi Diêm-phù-đề.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy ta lại phát nguyện rằng: ‘Nếu như cõi Diêm-phù-đề này không có các thứ trân bảo, và nếu như ta chắc chắn sẽ thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được lợi ích bản thân, thì nay ta sẽ làm vị thương chủ, ở nơi mỗi cõi thiên hạ mưa xuống bảy lần châu báu. Ta lại vào biển cả lấy hạt châu như ý, rồi ở nơi mỗi cõi thiên hạ mưa xuống đủ mọi thứ của báu. Cứ như vậy, lần lượt mưa xuống các thứ trân bảo trong khắp cả thế giới này, cho đến trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới khắp mười phương cũng đều như vậy.’
“Thiện nam tử! Trong thời quá khứ ấy, những điều phát nguyện của ta thảy đều được thành tựu, trải qua số đại kiếp nhiều như số cát sông Hằng, ta thường làm vị Vô thượng Tát-bạc, trải qua số kiếp xấu ác với năm sự uế trược nhiều như số cát sông Hằng thường mưa xuống đủ mọi thứ trân bảo. Mỗi một ngày đều mưa xuống như thế bảy lần. Làm lợi ích như vậy cho vô lượng chúng sinh, khiến cho được sung túc, thỏa mãn với các thứ trân bảo rồi, sau đó mới khuyên dạy, giáo hóa cho trụ yên trong giáo pháp Ba thừa.
“Thiện nam tử! Các ông nên biết, đó là Như Lai xả bỏ các thứ trân bảo quý báu để được nhân duyên căn lành.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như vậy trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, cõi Phật này chuyển tên là Võng, kiếp ấy tên là Tri Cụ Túc. Thế giới khi ấy có đủ năm sự uế trược, tuổi thọ của nhân dân là năm vạn năm. Do bản nguyện nên ta sinh vào một gia đình bà-la-môn trong cõi Diêm-phù-đề, tên là Tu Hương, tụng đọc kinh sách xiển-đà của ngoại đạo.
“Vào thời ấy, chúng sinh phần nhiều đắm chấp thường kiến, đấu tranh giành giật lẫn nhau, xem nhau như giặc thù. Khi ấy ta dùng sức mạnh và thế lực, vì chúng sinh thuyết dạy rằng năm ấm như kẻ oán thù, rằng Mười hai nhập như xóm làng vắng vẻ không người, rằng tánh thật của Mười hai nhân duyên là sinh diệt không ngừng, chỉ bày phân biệt pháp a-na-ba-na cho chúng sinh tu học.
“Rồi ta lại dạy chúng sinh rằng: ‘Nay các ngươi nên phát tâm Bồ-đề Vô thượng, khi làm được những việc thiện nên hồi hướng cầu quả vị Bồ-đề.’
“Vào lúc ấy, ta tự nhiên có được năm phép thần thông như các thần tiên. Khi đó lại có vô số người theo học với ta nên cũng đều được năm phép thần thông.
“Lại có vô lượng vô biên chúng sinh lìa xa những sự đấu tranh giành giật, dứt bỏ mọi thù oán, xuất gia vào núi, ăn toàn các loại trái, hạt cây rừng mà sống, ngày đêm tu tập Bốn tâm vô lượng.
“Vào lúc kiếp ấy sắp dứt, những chúng sinh như vậy phân chia nhau đi khắp nơi trong cõi Diêm-phù-đề để giáo hóa chúng sinh, khiến cho đều lìa khỏi sự đấu tranh, dứt bỏ oán thù, đạt đến chỗ vắng lặng yên tĩnh. Hoặc có những nạn lụt, gió bão, mưa độc, thảy đều khiến cho dứt mất. Đất đai khi ấy trở nên bằng phẳng, mềm mại, mùa màng tươi tốt, thức ăn ngon lành, bổ dưỡng. Nhưng vì kiếp ấy sắp dứt, nên chúng sinh lại bị đủ mọi thứ bệnh khổ đeo bám hành hạ.
“Thiện nam tử! Khi ấy ta liền suy nghĩ rằng: ‘Nay nếu ta không thể dứt trừ mọi bệnh khổ của chúng sinh, ắt ta không thể thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không thể vì các chúng sinh dứt trừ phiền não. Nay ta phải dùng phương tiện gì để dứt trừ bệnh khổ của chúng sinh? Chỉ có cách là phải tập hợp toàn thể đại chúng, chư thiên, Phạm thiên, Bốn vị Thiên vương... cùng với các vị tiên ở cõi trời, tiên trong loài rồng, loài người, để hỏi về các phương thuốc trị bệnh, gom hết các loại cỏ thuốc và đủ mọi phép chú thuật để điều trị hết thảy các chứng bệnh.’
“Nghĩ như vậy rồi, ta liền dùng thần lực lên đến các cõi trời Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên vương thiên cùng đi đến chỗ các vị thần tiên trong loài rồng, loài người... đều nói như thế này: ‘Xin mời tất cả chư vị cùng đến hội họp nơi núi Tỳ-đà.’
“Bấy giờ, hết thảy đại chúng nghe lời ta mời thỉnh, thảy đều tập hợp đến. Khi đã tập hợp rồi, liền cùng nhau trì tụng chú thuật Tỳ-đà. Do oai lực ấy nên có thể đẩy lùi được hết thảy những quỷ thần hung ác, giúp đỡ, bảo vệ chúng sinh. Lại cùng nhau nghiên cứu các phương thuốc trị bệnh, có thể trị được hết thảy các thứ bệnh thời khí, nóng lạnh... Nhờ đó mà khiến cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh đều lìa khỏi mọi khổ não.
“Thiện nam tử! Khi ấy ta lại phát nguyện rằng: ‘Nếu ta đã vì vô lượng chúng sinh trong một cõi thiên hạ này mà chiếu soi ánh sáng trí huệ, khiến cho được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa, đóng chặt cửa vào ba đường ác, mở rộng đường lên hai cõi trời người, dứt trừ các bệnh khổ, khiến cho được yên vui. Vậy nay ta sẽ lần lượt vì vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh mà chiếu soi ánh sáng trí huệ, khiến cho được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa, đóng chặt cửa vào ba đường ác, mở rộng đường lên hai cõi trời người, dứt trừ các bệnh khổ, khiến cho được yên vui. Do quả báo nhân duyên của căn lành này, sẽ khiến cho sở nguyện của ta đều được thành tựu, được lợi ích bản thân.
“Cũng như ta đã vì vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh trong một cõi thiên hạ này mà đóng cửa các đường ác, mở đường lên hai cõi trời người, vì những người bệnh khổ mà mời thỉnh chư thiên, rồng, thần tiên... tập hợp về núi Tỳ-đà, dùng chú thuật Tỳ-đà khiến cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh thảy đều được dứt trừ bệnh khổ, thụ hưởng khoái lạc; nay ta cũng sẽ làm như vậy với chúng sinh trong khắp thế giới Võng này, mang lại lợi ích cho hết thảy vô lượng chúng sinh, khiến cho đều được trụ yên trong giáo pháp Ba thừa, đóng cửa ba đường ác, mở rộng đường lên hai cõi trời người. Lại cũng vì hết thảy những người bệnh trong cõi thế giới này, thỉnh chư thiên, rồng, thần tiên... tập hợp về núi Tỳ-đà, dùng chú thuật Tỳ-đà khiến cho vô lượng vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh trong cõi thế giới này thảy đều được dứt trừ bệnh khổ, thụ hưởng khoái lạc.
“Lại cũng như với cõi thế giới này, cho đến hết thảy các cõi thế giới xấu ác đủ năm sự uế trược nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương, ta cũng đều phát nguyện như vậy.
“Thiện nam tử! Khi ấy ta ở nơi thế giới Võng, cho đến hết thảy các cõi thế giới xấu ác đủ năm sự uế trược nhiều như số cát sông Hằng ở khắp mười phương, những lời phát nguyện như vậy thảy đều được thành tựu.
“Thiện nam tử! Các ông nên biết, đó là Như Lai trong khi còn là Bồ Tát đã làm tăng trưởng trí huệ, tu hành đạo Bồ Tát. Như vậy gọi là Như Lai giữ gìn hạt giống căn bản của ba nghiệp lành.
KINH BI HOA
HẾT QUYỂN IX


    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Ai vào địa ngục


Hạnh phúc là điều có thật


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.108.201 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập