Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Tì Kheo Tam Thiên Oai Nghi [大比丘三千威儀] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Đại Tì Kheo Tam Thiên Oai Nghi [大比丘三千威儀] »» Bản Việt dịch quyển số 2

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.62 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.8 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Ba Ngàn Oai Nghi Của Vị Đại Tỳ Kheo

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | Quyển cuối
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Có mười hai hạnh đầu-đà: Một, không nhận lời người thỉnh thụ thực, hằng ngày chỉ khất thực nuôi thân, cũng không nhận tiền tài đủ một bữa ăn của tì-kheo Tăng; hai, không ngủ nghỉ nơi nhà người khác hay trong thôn xóm, làng mạc; ba, không được xin y phục của người khác, nếu người có cúng dường thì cũng không nhận, chỉ lấy những loại vải, áo quần của người chết đã vất bỏ ở nghĩa địa rồi may vá lại mà đắp mặc; bốn, ngủ nơi cội cây nơi đồng vắng; năm, một ngày ăn một bữa gọi là tăng-già-tăng-nê; sáu, ngày đêm chẳng nằm, chỉ ngủ ngồi rồi đứng dậy kinh hành, còn gọi là tăng-nê-sa-kì-ủ; bảy chỉ cất giữ ba y chứ không thêm, cũng không nằm trên chiếu chăn; tám, chỉ ở trong nghĩa địa quán xương cốt người chết, tọa thiền cầu đạo chứ không ở trong chùa và làng mạc; chín, chỉ muốn ở một mình, không muốn gặp người khác, cũng không muốn người khác nằm, ngồi chung; mười, trước phải ăn rau dưa, sau mới dùng cơm, dùng cơm xong thì không được ăn quả nữa; mười một, chỉ muốn nằm ở đất trống, không nằm dưới bóng cây hay trong nhà; mười hai, không ăn thịt cũng không uống đề hồ, cũng không xoa dầu mè trên thân.
Tì-kheo cầm tích trượng, có hai mươi lăm pháp cần phải biết: Một, vì đất có các loài côn trùng; hai, vì già yếu; ba, vì khất thực; bốn, ra vào chiêm bái tượng Phật, không được khiến đầu trượng phát ra tiếng; năm, không được cầm trượng vào trong chúng; sáu, sau giờ Ngọ không được cầm trượng ra ngoài; bảy, không được vác trượng trên vai; tám, không được đặt ngang trượng lên hai vai, hai tay treo trên hai đầu; chín, không được cầm trượng đưa tới đưa lui; mười, không được cầm trượng ra sau nhà; mười một, tam sư đã cầm trượng đi trước thì không được cầm trượng theo sau; mười hai, bốn tì-kheo cùng đi, một người đã cầm trượng, thì các người không được cầm trượng theo sau; mười ba, đến nhà thí chủ, trượng không được lìa thân; mười bốn, chống tích trượng đến cửa nhà người nên tằng hắng ba cái, nếu không có người ra thì nên đến nhà người khác; mười lăm, nếu có người ra thì nên đặt trượng nơi cánh tay trái và kẹp lại; mười sáu, khi đặt trượng trong phòng nhà thì không được chạm đất; mười bảy, nên mang đến đặt gần giường nằm; mười tám, nên thường lấy ra lau chùi; mười chín, không được để đầu trượng bị rỉ sét; hai mươi, nếu muốn cầm trượng ra ngoài thì nên nhận từ tay sa-di hoặc cư sĩ; hai mốt, đến nhà người bệnh ốm ngủ qua đêm, nên có trượng đi đêm; hai mươi hai, tiễn người đi xa nên có trượng đi ban đêm; hai mươi ba, thỉnh người từ xa phải đi đêm mới đến thì nên có trượng dùng cho ban đêm; hai bốn, đón người từ xa đến phải có trượng dùng cho ban đêm; hai mươi lăm, luôn gần trượng, không được cầm trượng chỉ vào người khác và viết vẽ trên đất.
Có năm trường hợp tì-kheo mới được đến nhà ưu-bà-tắc: Tăng sai; khất thực; đón người từ xa; có người thỉnh thụ trai; có người bệnh hoạn hay qua đời. Ngoài ra thì không được đến.
Tì-kheo thuyết kinh cho ưu-bà-di nghe, cần phải biết năm điều: Một, ưu-bà-di bồng em bé đến hỏi nghĩa kinh, thì không nên khởi ý dâm mà thuyết kinh; hai, nếu ý dâm khởi thì không được tiến đến gần nựng nịu và đùa giỡn với em bé; ba, không được kéo ưu-bà-di đến ngồi một bên; bốn, ưu-bà-di nhờ tì-kheo thuyết kinh Ma du thuật, thì nên sai một người nam cầm cành dương trao cho tì-kheo, tì-kheo cầm cành dương từ trong tay người nam là biểu hiện từ chối, không nên thuyết; năm, ưu-bà-tắc và ưu-bà-di cùng đến hỏi nghĩa kinh, nếu ưu-bà-tắc đi trước thì tì-kheo cũng nên rời khỏi nơi ấy, nếu không, thì phạm lỗi phi pháp.
Có mười điều mà tì-kheo mới đến trụ xứ cần phải biết: Một, sau khi lễ Phật xong, phải đứng hỏi pháp hiệu của vị Tri sự, hỏi bao nhiêu tì-kheo Tăng và hàng ngày nghi nhớ tên họ; hai, đỉnh lễ Thượng tọa và thăm hỏi hạ tọa; ba, không được hỏi nơi ở; bốn, có người trao cho giường nằm, ngọa cụ không được chê trách tốt xấu; năm, nên cầu y chỉ một vị a-xà-lê; sáu, cũng nên cúng dường; bảy, không được chê trách kinh; tám, không được tự do ra vào; chín, muốn quét tháp, phải báo cho vị Điển tọa; mười, muốn ra ngoài, nếu có ngọa cụ thì nên gởi lại cho người quản lí việc này.
Lại có năm việc mà tì-kheo phải biết: Một, nên lo việc của Tăng; hai, không được tùy tiện dùng nước sạch của chùa; ba, không được tùy tiện đến phòng của người khác; bốn, không được đi ngược chiều; năm, không được nhảy vọt qua cây cối trong chùa.
Có mười việc cần sắp xếp cho tì-kheo mới đến: Một, sắp xếp phòng ốc; hai, cung cấp những món cần dùng; ba, sáng tối đến thăm hỏi; bốn, nên nói những tập tục của địa phương đang sống; năm, chỉ cho những điều cấm kị; sáu, chỉ những nơi khất thực; bảy, chỉ những giáo lịnh của Tăng; tám, nói những gì có thể ăn và không thể ăn; chín, nói những điều cấm kị của triều đình; mười, chỉ những nơi có trộm cướp, nơi nào có thể trốn tránh, nơi nào không thể trốn tránh.
Tì-kheo muốn đến một Hiền giả để qui y cầu làm thầy nương tựa cho chính mình thì trước tiên nên thưa: “Hôm nay con pháp danh là... rời xa tam sư, mỗi vị đều cách con nghìn dặm. Chỉ một mình con đến nơi đây với tâm cầu học; lại gặp đất nước không an ổn nên đến nơi đây nương tựa Hiền giả. Cúi xin Hiền giả vì con làm y chỉ A-xà-lê! Hiền giả để con nương tựa, nhận con làm đệ tử; cho con cùng ở lại và làm việc. Đệ tử sẽ nương hiền giả cùng an trụ. Vì con, cũng vì pháp, Hiền giả nên làm thầy A-xà-lê của con”. Nói xong, tì-kheo đỉnh lễ sát đất và thưa tiếp: “Thưa A-xà-lê! Ngài đã vì Tam bảo mà nhận làm thầy của con, cúi xin ngài dạy cho con biết phép tắc ra vào phải tuân hành, hoặc có người nào cưỡng ép tranh luận với con việc nào đó, xin A-xà-lê vì đệ tử con đây. Nếu A-xà-lê và con muốn đi hay ở đều được tự tại. Nếu con có đi, thì sau đó cũng trở về, vì thế A-xà-lê hãy nhận con làm đệ tử!”. Thưa ba lần như vậy thì vị thầy nên đáp: “Tì-kheo, hãy lắng nghe ta nói, những điều này sẽ giúp cho thầy đắc đạo, nên thầy luôn phải thực hành! Như lời Phật dạy, tì-kheo phải giữ giới, nên nhẫn nhục và tinh tiến; nên nhất tâm niệm đạo, niệm tuệ; nên dừng các nghiệp của thân, miệng và ý diệt trừ ba độc; nên vì ba pháp sự. Đã làm đệ tử Phật thì không nên nghĩ và làm việc thế gian, nếu có thể thực hành đúng như pháp thì sẽ đắc đạo, cứu độ chúng sinh”. Nghe thầy nói xong, tì-kheo đứng dậy đỉnh lễ, đầu mặt chạm chân thầy rồi đi ra. Tì-kheo lại lấy y và bát đến dâng cho thầy, rồi từ thầy mà nhận lại. Nếu tì-kheo nhận bát, ba y từ A-xà-lê, thì tì-kheo nên nói các nhân duyên mất y như bị nước cuốn trôi, bị lửa cháy, bị giặc cướp, bị hư rách. Trước tiên tì-kheo nên kính lễ và thưa: “Thưa Hiền giả sáng suốt, bậc đầy đủ tuệ hạnh và tịnh giới, là tam sư của con, ngài đã vì con...”. Ba lần nói các nhân duyên như vậy xong thì dừng. Khi trao ba y và bát cho tì-kheo, a-xà-lê nên giáo giới: “Thầy hãy lắng nghe! Con người có sáu căn, thầy nên giữ gìn cho thanh tịnh. Tuy thế gian thanh tịnh, nhưng không thể đưa đến đạo thanh tịnh của người tu tuệ hạnh. Nên giữ gìn trong ngoài cho sạch sẽ, chẳng dơ uế, chẳng rỉ chảy, trong ngoài tương ưng. Những pháp này có thể đưa đến đạo thanh tịnh, cho nên cần phải nương tựa, cần phải nhiếp thụ, cần phải giữ gìn”. Đây là giáo giới về bát, nếu trao y thì nên dạy: “Thầy nên thường để ý đến, thường phải đắp mặc và giặt giũ đúng lúc. Tì-kheo! Giống như thầy vậy, thân sống ở thế gian cũng muốn tắm gội, xông ướp hương thơm, có đủ y phục, ngọa cụ, đâu muốn khiến thân bất an, tâm bất an. Tất cả những vật vừa ý mà có thể làm hư rách y phục thì không dùng; những ngọa cụ cứng chắc cũng không thể đưa đến đạo thanh tịnh của người tu tuệ; hoặc những loại ẩm ướt bị côn trùng cắn rỉa làm hư nát cũng không dùng. Giống như trên thân có một chỗ bị côn trùng cắn rỉa làm tổn thương thì bị ngứa ngáy hoặc đau đớn, từ đó thân tâm không an ổn, không đưa đến đạo của người tu tuệ. Từ trên đến đây là nói giữ gìn ba y trong ngoài sạch sẽ, để trừ tâm tham và cũng là hạnh thiểu dục, dẫn đến khiến cho thầy thanh tịnh”. Đây là việc của ba y.
Thầy y chỉ dạy đệ tử, cần phải biết mười lăm pháp: Một, khi tì-kheo nhóm họp, nên dạy nhìn trên dưới đúng như pháp; hai, tì-kheo Tăng có lời sai bảo gì thì dạy chớ sai phạm; ba, dạy tùy thuận thượng-hạ tọa; bốn, dạy cung kính thượng-hạ tọa; năm, dạy những điều cấm kị của phong tục địa phương, những thức ăn có thể dùng thì nên như thế... không nên như thế; sáu, chỉ những chỗ khất thực, nơi kia nên đến, nơi kia không nên đến; bảy, nếu giặc cướp đến thì nên chỉ nơi kia có thể chạy thoát, nơi kia không thể chạy thoát; tám, đệ tử có bệnh nên chăm sóc; chín, y phục, mền chiếu hư rách nên chu cấp; mười, nếu đi hay ở cũng không nên ngăn cản; mười một, nên xem xét ý đệ tử; mười hai, nên tùy phương tiện mà an trụ; mười ba, có hỏi thì nên trả lời; mười bốn, nếu đệ tử muốn rưới nước thấm ướt đất thì luôn nên khiêm nhường; mười lăm, nếu đệ tử có lỗi, thầy y chỉ không được nói: “Ta không nói với ngươi nữa!”. Đây là phép tắc của thầy y chỉ.
Đệ tử đối với thầy y chỉ cần phải biết năm điều : Một, luôn đến thăm hỏi; hai, đến trước cửa phòng nên búng ngón tay ba lần; ba, khi vào rồi thì nên đỉnh lễ; bốn, quì xuống thăm hỏi vấn an; năm, nên hướng về cửa mà bước ra. Lại có năm pháp cho tì-kheo đối với thầy y chỉ: Một, sáng tối đều đến thăm hỏi; hai, khi thầy gọi thì liền đắp y đến, không được mặc áo thường và mang giày dép xông vào phòng; ba, thường quét dọn, châm đầy đủ nước rửa và lau giường, giũ mùng chiếu, chăn màn cho thầy; bốn, nếu bản thân có việc làm, hoặc đi đứng ra vào cần phải trình báo; năm, khi học kinh, thầy có hỏi hiểu hay không thì không nên lộ vẻ sợ hãi.
Tì-kheo không nên cất giữ bảy loại thuốc: Một, thuốc dùng để nhịn ăn ngũ cốc; hai, thuốc tiêu ngũ cốc; ba, thuốc đại tiện và nôn mửa; bốn, cường dương; năm, đơn dược của Đạo gia; sáu, thuốc độc; bảy, thuốc trị vết thương do đao kiếm gây ra. Nếu không có bệnh, tất cả tì-kheo nhất định không được dùng thuốc, cũng không được cho người khác uống, nếu trái thì phạm tội Đọa.
Tì-kheo muốn dạy pháp sa-di phải có đủ mười điều: Một, biết bốn bộ A-hàm; hai, biết giới; ba, biết kinh; bốn, có tuệ; năm, có đức; sáu, trì giới; bảy, không phạm giới; tám, hiểu nghĩa kinh; chín, nhẫn nhục; mười, tự giữ mình trước tất cả cảnh. Đầy đủ các hạnh như vậy mới dạy pháp sa-di. Nếu không biết đầy đủ thì không được dạy sa-di.
Tì-kheo nuôi sa-di cần phải biết năm pháp: Một, sa-di làm việc của Tăng chưa xong, thì không được sai bảo; hai, không được sai sa-di tìm chỗ hay dở của tì-kheo khác; ba, không được tin sa-di; bốn, không được lớn tiếng mắng sa-di giữa đại chúng; năm, không được chỉ riêng sai sa-di làm việc của chúng tăng.
Có ba điều mà tì-kheo không nên ở cùng với sa-di: Một, vì sẽ thích dáng vẻ đoan chính xinh đẹp của sa-di, hai, hoặc là vừa nhìn là muốn nổi sân; ba, vì bệnh tật.
Có ba trường hợp nên trục xuất sa-di: Một, nói phạm giới không có tội; hai, nói không có Phật, Pháp, Tăng; ba, đi nói với người khác những việc tốt xấu của Hòa thượng a-xà-lê.
Sắp đi xa gởi sa-di cho người khác, có năm việc mà thầy tì-kheo cần phải dạy: Một, trước nên hỏi sa-di là người kia có hợp ý con không; hai, hỏi người chủ mà con phụng sự có được lòng người không; ba, nếu người kia có trách mắng, con không được nói: “Thầy chẳng phải a-xà-lê của con mà lại mắng con là không đúng”; bốn, hầu hạ người ấy cũng giống như hầu hạ ta; năm, vị thầy kia như pháp dạy con, con không được bỏ đi.
Khi đưa sa-di đến người nhận, vị thầy cần phải nói năm điều: Một, dạy sa-di đỉnh lễ sát đất; hai, dạy tự qui kính; ba, nên nói: “Thầy xem sa-di của tôi như sa-di của thầy”; bốn, nói: “Khi trở về, tôi sẽ đưa sa-di về bên tôi”; năm, nói: “Nếu tôi qua đời thì vĩnh viễn giao sa-di cho thầy”.
Tì-kheo nhận sa-di của người gởi gắm cần phải biết năm pháp: Một, dạy sa-di đọc kinh; hai, dạy không phạm giới; ba, dạy theo chúng tu tập và sinh hoạt; bốn, dạy phép tắc oai nghi; năm, dạy cung kính mọi người.
Khi dùng cơm, tì-kheo Tăng cần phải biết năm việc: Một, Thượng tọa chưa ngồi thì không được ngồi trước; hai, Thượng tọa chưa nhận mâm khay hoặc bàn nhỏ thì không được nhận trước; ba, Thượng tọa chưa dùng cơm thì không được dùng trước; bốn, Thượng tọa dùng cơm chưa xong thì không được dừng trước; năm, Thượng tọa chưa đứng dậy thì không được đứng trước.
Khi nhận bàn[14], tì-kheo cần phải biết mười pháp: Một, nên cầm khăn tay mà nhận; hai, mở hai tay rộng khoảng một thước sáu (khoảng gần năm tấc tây); ba, nên cầm khăn tay liền với bàn; bốn, cong hai đầu gối; năm, hai khủy tay không rời hai đầu gối; sáu, đã nhận bàn ăn thì không được rời; bảy, không được vọng nhìn hai bên; tám, đã rời bàn thì phải từ Thượng tọa mà nhận lại; chín, nếu người không thuận thì không nên ăn; mười, nếu người trao vốn đã đã có hiềm khích, thì có thể tìm cách, như tự gọi người khác giúp.
Khi thụ thực, tì-kheo phải biết mười điều: Một, hai tay không được cầm bất cứ vật gì; hai, không được lớn tiếng gọi người đòi hỏi; ba, trao bát cho người nên nhìn xem tướng trên dưới của người nhận; bốn, khi trao bát nên dùng tay phải đậy bát; năm, nên giữ gìn những gì đã nhận; sáu, người đến trao thức ăn, vì gần tay mình cho nên phải lại rửa tay; bảy, không được cầm thức ăn đặt vào bát; tám, nếu thấy món không vừa ý thì không nên ăn, nhưng không để cho người bên cạnh biết; chín, trong lúc thụ thực, không được phun ra phía trước Thượng tọa; mười, ăn món không nên ăn thì phạm tội Đọa.
Về thụ thực lại có mười lăm điều mà tì-kheo cần phải biết: Một, không được lấy tay xoa mặt mũi; hai, tay trái đã dơ thì không chạm tay phải; ba, nếu tay đã dơ, thì không được cầm nắm bên ngoài bát; bốn, không được dùng tay dơ chỉnh sửa ca-sa; năm, không được dùng khăn tay lau bàn tay đã dính dầu mỡ; sáu, ly tách đặt trước mặt không ngay ngắn thì nên chỉnh lại cho ngay, nếu không thì không được dùng cơm; bảy, đồ chứa thức ăn đã bị rơi thì không được tiếp tục ăn; tám, người đến, như có muốn cần thêm gì thì dùng ngón tay chỉ xuống bát; chín, không thấy có người đến thì không nên ăn nữa; mười, trước khi ăn thì không nên nếm vị; mười một, khi ăn không được ở ngồi trên gió mà hạ phong; mười hai, dùng cơm chưa xong, không được phun nhổ ra đất phía trước; mười ba, nếu phải phun nhổ gấp thì phun dưới giày dép; mười bốn, tay đã rửa thì không được cầm giày dép; mười lăm, đã cầm giày dép, biết tay bị dơ mà không lau chùi thì không được cầm ca-sa.
Bên trên là bốn mươi điều về phép thụ thực.
Sau khi dùng cơm xong có mười lăm điều tì-kheo cần phải biết: Một, không được chà xát tay trên chén bát; hai, không được dùng ngón tay xỉa móc trong miệng; ba, không được khạc nhổ trong bát; bốn, súc miệng không được nhả cơm vào bát; năm, không được vung tay quá mức làm vấy bẩn người bên cạnh; sáu, người mang khăn tay đến, không được bảo họ làm cho mềm, trước tiên nên dùng tay vò cho kĩ; bảy, không được giũ khăn ướt cho khô; tám, không được dùng khăn tay lau mặt mày, mũi, miệng; chín, khi người mang khăn tay đến, không được nói: “Ta đã có, không cần. Hãy mang đi!”; mười, nên sử dụng đúng như pháp; mười một, khi đã lau tay khô thì nên ủ hai bàn tay vào khăn nơi đầu gối; mười hai, sau đó chỉnh sửa ca-sa, nhưng không được tung chạm người hai bên; mười ba, hạ tọa lau chưa khô thì không được quát mắng bảo mang đến; mười bốn, đúng ngọ cúng dường không được nói xằng bậy; năm, cúng dường chưa xong không được vội vàng đứng dậy.
Lại có năm việc mà tì-kheo nên biết: Một, khi Thượng tọa thuyết kinh cho đàn việt nghe, thì tì-kheo cũng ngồi ngay ngắn lắng nghe; hai, nếu muốn đi gấp làm việc cho Tăng thì nên thưa với vị Điển tọa; ba, muốn gấp sai làm việc thì nên nói với hạ tọa; bốn, nếu được cúng dường tiền thì nên kiểm tra rồi cất; năm, nếu có vật muốn trả hoặc gởi lại cho người thì không được dùng chân đẩy, cũng không được từ xa ném qua.
Khi dùng cơm lại có mười việc mà tì-kheo cần phải chú ý: Một, nên nhìn Thượng tọa nhận bàn ăn chưa; hai, nên nhìn phía trước Thượng tọa đủ thức ăn chưa; ba, nhìn xem hạ tọa cũng như vậy; bốn, thấy mọi người đều dùng cơm, thì lại nhìn xem trước Thượng tọa thiếu gì, món gì hết thì gọi người mang lên; năm, nhìn hạ tọa cũng như vậy; sáu, dùng cơm chưa xong, nên dừng lại nhìn xem Thượng tọa muốn cần gì; bảy, nhìn hạ tọa cũng thế; tám, nhìn xem Thượng tọa đã có vật ấy chưa, nếu mình có trước thì nên mang vật ấy đến Thượng tọa, không được ngồi nhìn; chín, nhìn hạ tọa cũng như vậy; mười, không được nhận bàn ăn trước, nên đẩy lại và từ từ đợi mọi người.
Khi bưng thau chậu dùng rửa tay chân, tì-kheo nên chú ý hai mươi lăm việc: Một, tay không sạch, không được cầm nắm vào bàn tay được trang trí trên thau; hai, tay không sạch, không được cầm nắm nắp thau; ba, tay không sạch không được cầm vào miệng thau; bốn, tay không sạch không được đổ thêm nước; năm, tay không sạch không được nắm vào cổ trước của thau; sáu, nên bưng từ dưới bụng; bảy, ít nước thì sử dụng ít để rửa sạch tay mà thôi; tám, nên bưng ra ngoài châm thêm nước rồi mang vào rửa tay chân; chín, muốn lấy thêm nước, trước tiên nên rửa tay ba lần cho sạch; mười, muốn rót nước vào thau, trước tiên nên ba lần nghiêng tráng thay nước, rồi mới cho nước đầy nước sạch mà mang vào; mười một, khi mang vào không được dừng trên đường đi; mười hai, đặt vào chỗ kín; mười ba, bên dưới thường lót cành cây; mười bốn, đậy nắp cho ngay ngắn; mười lăm, ban đêm nên châm đầy nước; mười sáu, không được kéo thau phát ra tiếng; mười bảy, không được làm vấy bẩn phía trên; mười tám, không được để hạt cơm rơi vào trong đó; mười chín, thường đổ nước dơ; hai mươi, khi đổ nước không được đưa tay quá xa hắt nước mà phải từ từ đổ xuống đất; hai mươi mốt, trước tiên nên rửa sạch sẽ trong ngoài thau bồn; hai mươi hai, tay bưng thau bồn đã dơ bẩn, không được giữa chừng lấy nước súc miệng; hai mươi ba, tay bưng thau bồn đã vấy bẩn, không cầm nắm vào phía trên hoặc lau vào miệng thau bồn; hai mươi bốn, không được dùng nước trên bếp lò để rửa thau bồn; hai mươi lăm, trong ngoài mỗi mỗi nên rửa thay nước ba lần rồi mới mang vào, khi đặt thau bồn vào khay thì không được đặt mạnh để phát ra tiếng.
Khi dùng khăn tay, tì-kheo phải biết năm việc: Một, sử dụng hai đầu; hai, một đầu lau tay, một đầu lau mặt và mắt; bốn, không được lau mũi; bốn, nếu lau mồ hôi thì phải giặt ngay; năm, không được lau thân thể, nếu tắm thì có khăn riêng.
Cầm khăn tay, khi đắp tăng-già-lê, cần phải biết năm điều: Một, không được để đầu khăn rủ xuống nhìn thấy được; không được cầm khăn tay trắng; ba, nhuộm thành màu đen; bốn, không được lau mặt; năm, khi thụ thực thì phủ trên đầu gối, thụ thực xong thì bỏ, nếu chưa lấy xuống mà có người đến đỉnh lễ, hoặc đứng dậy đi thì trước tiên nên xếp khăn lại rồi bỏ.
Có bảy hạng tì-kheo không được làm Điển tọa và trị nhật: Một, tuổi cao không đủ sức đảm nhiệm công việc; hai, bệnh ung nhọt không sạch sẽ; ba, bệnh hoạn lâu ngày thên thể ốm gầy; bốn, đại chúng cùng bảo đi dưỡng bệnh; năm, hằng ngày thăng tòa; sáu, là Tri sự; bảy, đảm đương công việc trong một năm (trực tuế). Bảy hạng người trên đều không nên làm Điển tọa và trị nhật, nếu có ép làm mà họ phản đối, không muốn làm thì cũng không được trách; từ đó những người đảm trách nhiệm vụ này là kho báu của hậu thế.
Điển tòa cần có một trăm sáu mươi đức, làm trực nguyệt có sáu mươi đức, làm trực nhật nên có mười đức, làm Tri sự nên có ba mươi đức, làm trực tuế có mười đức. Năm hạng người này nên y như thế mà làm việc, lâu ngày sẽ hợp với đạo vô vi, độ thế.
Ở đây chỉ nêu mười lăm đức của Điển tòa cần có: Một, vì Phật, hai, vì pháp; ba, vì tì-kheo Tăng; bốn, nên quí tiếc vật dụng của đại chúng; năm, nên tiếc vật dụng của Tăng bốn phương; sáu, nên quí tiếc vật dụng của tì-kheo Tăng; bảy, nên biết việc của Phật; tám, nên biết việc của Tăng bốn phương; chín, nên biết việc của Tăng; mười không được lấy vật dụng của tháp đặt vào vật của Tăng bốn phương; mười một, không được lấy vật dụng của tháp đặt vào vật của tì-kheo Tăng; mười hai, không được lấy vật của Tăng bốn phương đặt vào vật dụng của tháp; mười ba, không được lấy vật của Tăng bốn phương đặt vào vật dụng của tì-kheo Tăng thường trụ; mười bốn, không được lấy vật của tì-kheo Tăng thường trụ đặt vào vật của tháp; mười lăm, không được lấy vật của tì-kheo Tăng thường trụ đặt vào vật của Tăng bốn phương.
Lại có mười lăm đức khác: Một, muốn làm việc gì, trước nên thưa với đại chúng; hai, không được cắt xén vật của chúng cất giấu cho riêng mình; ba, không được tự ý lấy vật dụng của chúng đem cho người thân quen; bốn, không được lấy bớt vật dụng của đại chúng để lén dùng riêng và tạo tiếng tăm; năm, luôn luôn quản lí và giữ gìn ngọa cụ của đại chúng; sáu, nếu có người bệnh hoạn thì chăm sóc, mang đến những vật dụng mà người bệnh cần; bảy, nên cung kính quan tâm đến tì-kheo Tăng; tám, làm thức ăn cho tì-kheo Tăng nên bảo làm cho sạch sẽ; chín, nên thuận theo ý bà-la-môn; mười, thuận ý họ giống như thờ quỉ thần chứ không có gì khác; mười một, không được nổi giận; mười hai, muốn dọn dẹp sạch sẽ thì không được cởi trần đứng dưới bếp lò mà làm việc; mười ba, buổi chiều nên đi xem xét các phòng, xem thử phòng các tì-kheo đã đóng chưa, nếu thấy người lạ thì không được vội trách mà phải hỏi: “Thầy là sa-môn, có gì nên đợi đến sáng”; mười bốn, không được quét tro lạnh lấp trên tro nóng; mười lăm, không được quét tro nóng lấp lên tro lạnh.
Khi đại chúng thụ thực trên trai đường, Duy-na quản lí sự vụ nên thực hành hai mươi lăm việc: Một, khi đã sắp bày bàn trống không, thì nên đi khắp xem thử những bàn đã đặt xuống đếu đã sạch sẽ chưa; hai, không được sắp bày bàn trống không trước; ba, xem Thượng tọa đã có cơm đúng phần chưa; bốn, tất cả đều đã sắp bày thì nên xem đến sa-di, người thụ năm giới, nhưng nếu có tam sư trong hội thì không được mang thêm cơm; sáu, phân chia thượng-hạ tọa đều bình đẳng; bảy, chia cơm nên thay đổi tay để cho bằng nhau; tám, chia canh nên khuấy đều ba lần rồi mới múc; chín, cân bằng nước và cái; mười, không được múc canh trực tiếp từ nồi để chia mà phải múc vào bát trước; mười một, không được cười nói khi phân chia tất cả thức ăn và cơm; mười hai, không được từ xa lớn tiếng bảo: “Lấy cái đó đến đây!”; mười ba, trong chúng có người không dùng canh thì mang đổi cho món ăn thích hợp; mười bốn, nếu trong chúng có người không vừa ý mình thì không được trách ngay tại chỗ ngồi; mười lăm, nên gấp nghĩ nhớ đến người dưỡng bệnh; mười sáu, khi thụ thực có người mang phẩm vật đến, thì nên phân chia cho hết, không được nói để sang ngày hôm sau; mười bảy, gấp châm thêm canh trước; mười tám, nên gấp thêm cơm trưa cho đến khi hết; mười chín, không được giữa chừng dừng lại trơ mắt đứng nhìn Tăng; hai mươi, không được rời Tăng mà bỏ đi; hai mốt, đều đã dùng cơm, thì tự xem xét những gì không đủ, lại xem thử Tăng thêm bao nhiêu; hai mươi hai, không được đứng một chỗ lớn tiếng gọi người đi theo kiểm tra cơm đủ hay chưa; hai mươi ba, cất giữ đồ vật không để phát ra tiếng và ném bỏ trên đất; hai bốn, nên bảo người chuẩn bị nước rửa, khăn tay và chổi quét; hai mươi lăm, đứng đợi đến lúc Tăng nhận phẩm vật xong thì tự thưa đại chúng: “Đã xong!” thì mới lui ra.
Điển tòa làm việc tại bếp lò có hai mươi lăm pháp cần phải biết: Một, hết sức nhẫn nhục; hai, nên vì Phật pháp mà cung kính bình đẳng đối xử với bậc thượng và hạ tọa; ba, ai cần gì thì trao cho, không được bảo là không có; bốn, dậy sớm đi xem tất cả đồ dùng cho việc ăn uống; năm, tất cả việc đều sai người đi, nếu có gì cần mua thì không được xin; sáu, không được từ xa lớn tiếng gọi người sai sử; bảy, hễ làm tất cả việc gì đều không được để đồ vật phát ra tiếng; tám, làm tất cả mọi việc đều nên vừa ý đại chúng, không được tự do, ngang nhiên làm càn; chín, có người mang thức ăn đến, nếu có dư bao nhiêu thì thưa với chúng rồi phân chia, không được một mình nhận lấy rồi bảo người ấy đi về; mười, phân chia cho đủ khắp, nếu quá thời thì nên cất giữ, không được tùy tiện nếm trước; mười một, có đàn việt đến thưa muốn trai phạn, nếu chưa thấy gì cũng không được nói với ai, nếu đàn việt mang tiền đến làm Phật sự thì nên cùng đàn việt ấy, hoặc thưa với Thượng tọa cùng bàn bạc để hai bên cùng làm, không được một mình tự ý hứa khả; mười hai, khi múc nước, không được ném gàu mạnh xuống giếng làm cho nước vẩn đục; mười ba, không được tự chọn gạo thóc; mười bốn, khi rửa nồi, phải ba lần thay nước mới sạch; mười lăm, không được đổ nước nóng trong nồi xuống ao hồ...; mười sáu, không được tự đốt lò; mười bảy, không được quét cỏ tươi làm đứt cả gốc rễ; mười tám, không được bỏ rễ cọng và lá rau xanh vào bếp lò; mười chín, không được bỏ cơm xuống ao hồ; hai mươi, nên đậy kĩ tất cả những đồ dùng cơm, không được để bụi bay bám vào; hai mươi mốt, không được bảo người phân chia mãi một món, nếu Tăng không ăn sẽ tự vất bỏ; hai mươi hai, không được dùng vật của chúng để nương thân và tạo ân huệ; hai mươi ba, nên thường đi xem xét kho tàng, làm cho những vật đã cất giữ được bền chắc; hai mươi bốn, không được phân thức ăn cả ngày hôm nay cho ngày mai; hai mươi lăm, không được phân thức ăn của ngày mai cho hôm nay.
Dùng bảy việc sau để tiếp đón vị tì-kheo mới đến: Một, tì-kheo vừa đến liền, bản tự liền hỏi thăm tin tức; hai, hỏi là thượng hay hạ tọa; ba, cấp phòng xá; bốn, cấp ngọa cụ, gối chăn, mùng màn; năm, cấp đèn dầu; sáu, bảo tì-kheo Tăng chỉ dẫn phép tắc; bảy, chỉ dạy tập tục của địa phương.
Có năm điều cần biết khi bảo người đi chợ mua vật dụng: Một, bảo không được tranh giành với người; hai, nên bảo mua những vật thanh tịnh; ba, không được xâm phạm đến người; bốn, không được chạy nhanh thúc đẩy người; năm, nên thuận ý người.
Bảo người múc nước, có năm việc cần phải biết: Một, nên bảo trước tiên rửa sạch đồ đựng nước; hai, bảo đặt vào chỗ kín; ba, bảo đậy lại cho sạch sẽ; bốn, không được chạm vào dầu mỡ dính dơ; nếu người dơ dáy thì không được dùng.
Bảo người bửa củi, có năm việc: Một, không bửa ngay trên đường đi; hai, trước tiên nên xem cán búa có chắc chắn không; ba, không được bửa củi có bám cỏ xanh; bốn, không được chặt phá cây trong tháp; năm, chất củi nơi khô ráo.
Bảo người chọn gạo, cũng có năm việc: Một, tự lượng gạo nhiều hay ít; hai, không được có cỏ; ba, chọn bỏ phân chuột; bốn, không được có tấm cám; năm, ở nơi sạch sẽ.
Bảo người vo gạo có năm pháp: Một, dùng vật dụng thật cứng chắc; hai, dùng nước sạch; ba, vo năm lần nước cho sạch; bốn, đặt ở chỗ kín; năm, đậy kín.
Rửa nồi cũng có năm pháp: Một, không được dội nước mạnh xuống đáy nồi; hai, rửa sạch nước dơ dính trên nắp và nồi; ba, nên thêm đầy nước; bốn, rửa sạch nắp chính và đậy lên trên; năm, chiều tối nên đậy kín và xem thử chắc chưa.
Đốt lò có năm việc: Một, không được gác ngang thanh củi; hai, không được đốt củi tươi; ba, không được cho ngược đầu củi vào lò; bốn, không được dùng miệng thổi lửa; năm, không được dùng nước nóng dập tắt lửa.
Nấu cơm có năm việc: Một, đợi hơi bốc lên thì để chõ vào; hai, hơi bốc lên thì gạo cũng dần dần được ráo; ba, sửa chõ cho thật ngay ngắn, không để thoát hơi ra ngoài; bốn, cho gạo vào chõ rồi đậy lại; năm, khi cơm đã chín, nhắc xuống nhưng cũng nên đậy kín, không được để trống.
Lặt rau có năm việc: Một, bỏ gốc; hai, cắt cho bằng; ba, không để lẩn lộn rau xanh và rau úa vàng; bốn, rửa sạch; năm, nên báo cho nhà bếp biết mới được phân chia mà dùng.
Nấu canh cũng có năm việc: Một, nên dạy phải theo thứ tự cho nguyên liệu vào nồi; hai, nấu chín; ba, nêm nếm vừa ăn; bốn, tự kiểm tra có sạch sẽ hay không; năm, khi đã chín thì tắt lửa và đậy kín.
Dạy người rửa bàn, các đồ dùng cho việc ăn uống cũng có năm việc: Một, rửa ba lần; hai, lau sạch; ba, xếp bàn mỗi chiếc cách nhau hai thước; bốn, ngay bàn đặt một ghế nhỏ cho chắc chắn; năm, không để vấy bẩn ca-sa của tì-kheo.
Trong Thiền môn, có năm trường hợp gõ kiền chùy: Một, Tăng nhóm họp thường kì; hai, thời cơm cháo buổi sáng; ba, thời cơm trưa; bốn, buổi chiều, lúc đặt thau bồn rửa tay vào khay; năm, thông báo tất cả những việc bất thường. Lại có bảy trường hợp khác: Một, huyện quan đến; hai, hỏa hoạn; ba, nước dâng; bốn, giặc cướp; năm, tập hợp sa-di; sáu, tập hợp ưu-bà-tắc; bảy, gọi tịnh nhân.
Trong mười hai thời gõ kiền chùy như sau: Một, khi Tăng nhóm họp thường kì thì trước tiên nhịp mấy tiếng nhỏ sau đó gõ hai mươi tiếng lớn, kế đến gõ nhỏ dần hai mươi mốt tiếng, lại đến mười tiếng nhỏ rồi dứt với ba tiếng lớn; vào thời cơm cháo buổi sáng thì gõ tám tiếng lớn; thời cơm trưa gõ một hồi; lúc đặt thau bồn gõ một hồi; tập hợp sa-di gõ ba tiếng, ưu-bà-tắc thì gõ hai tiếng; thông báo bất thường thì tùy thời; gặp huyện quan, hỏa hoạn, nước dâng, giặc cướp cũng tùy thời mà gõ nhiều hay ít; gọi tịnh nhân thì gõ một tiếng.
Có một trăm sáu mươi điều khi tập hội, là việc mà Điển tòa phải làm. Khi có tập hội, lược có năm việc: Một, lễ Phật; hai, lễ Tăng; ba, ngồi theo thứ tự; bốn, không được ngồi xổm trên giường khiến giường phát ra tiếng; năm, tránh chỗ của vị Thượng tọa. Lại có năm việc nữa: Một, không được tranh ngồi trên ngồi dưới; hai, nên cung kính bậc Thượng tọa; ba, nghe thuận theo pháp lịnh chúng chúng; năm, nếu Điển tọa và người trực nhật kế tiếp bảo làm thì nên như pháp mà nhận; năm, họp xong, nên đến thưa với Hòa thượng a-xà-lê là đã xong.
Khi nhận trực nhật, tì-kheo nên biết năm pháp: Một, trước tiên nhận chìa khóa phòng; hai, đếm số tượng Phật bằng đồng; ba, tính số lư hương bằng đồng; bốn, tính số đèn bằng đồng; năm, tính số lượng tòa tịch và nhận lãnh số lượng này.
Quét trên tháp có năm việc cần phải biết: Một, không được mang giày dép lên tháp; hai, không được quay lưng về Phật mà quét tháp; ba, không được lấy đất trắng sạch trên tháp ném xuống dưới; bốn, nên lấy hoa cũ cúng Phật xuống; năm, buổi sáng rửa tay rồi dùng khăn tay sạch lau tượng Phật.
Lại phải biết năm việc khác: Một, nên kiên trì; hai, luôn lau sạch tượng Phật; ba, không được dùng tay sờ vào mặt mũi và huơ tay chỉ vào Phật; bốn, nên tự xuất tiền mua hoa; năm, nên phân chia hoa cho người tung hoa cúng Phật.
Quét dưới tháp có năm pháp: Một, rưới nước ướt đất; hai, rưới thấm đều; ba đợi ráo nước; bốn, không được quét ngược chiều; năm, không được quét ngược gió.
Quét đất phải chú ý năm việc: Một, không quét bỏ đất trắng sạch; hai, tự tay nhặt cỏ; ba, nên san đất chỗ cao xuống chỗ thấp; bốn, không được quét chừa bốn góc; năm, quét sạch phạm vi sáu bước trước tháp.
Quét dọn giảng đường để lập hội đại tì-kheo Tăng, có bảy việc cần phải biết: Một, nên dậy sớm đi xem cửa đã mở chưa; hai, nên thu dọn những chiếc đèn hết dầu đã tắt; ba, lau sạch tượng Phật, dẹp bỏ hoa cũ; bốn, thắp hương trước Phật; năm, đốt một ngọn đèn lớn tại trung tâm giảng đường, chỉnh sửa tòa ngồi của tì-kheo Tăng; sáu, việc của tì-kheo Tăng đã xong thì nên từ từ rưới nước thấm ướt đất; bảy, quét sạch mặt đất.
Rưới nước thấm đất có năm việc: Một, nên đi lùi; hai, nhẹ tay; ba, đều khắp; bốn, đợi nước ráo; năm, không cho bắn tung tóe làm ướt áo của người khác.
Quét đất trên tháp lại có năm việc: Một, không được quay lưng về Phật; hai, không được lắc mạnh tay làm vấy bẩn chân người khác; ba, không được quét luôn đất trắng sạch; tự tay hốt đất vất bỏ; năm, không được đổ trên đường đi cũng không ném xuống nước và bỏ vào nhà xí.
Kiểm tra đèn có năm việc: Một, không được tắt đèn; hai, nên rót dầu còn lại để làm một cây đèn lớn thắp trước Phật; ba, lấy những cây đèn không dầu đặt vào chỗ cũ; bốn, không được làm vỡ đèn; năm, nếu làm vỡ phải mua đền lại và đặt vào chỗ cũ.
Thắp nhang trước Phật có ba việc cần phải biết: Một, thay tro than cũ trong lư; hai, nên tự mua hương; ba, phân phát cho mọi người.
Chỉnh sửa giường tòa của tì-kheo Tăng có ba việc: Một, đặt cho ngay bằng, xem bốn chân giường tòa có vững chắc chưa; hai, nên chú tâm lau phủi sạch sẽ; ba, lau phủi khắp, không để làm bẩn ca-sa của tì-kheo.
Đốt lò hương có ba việc: Lấy than lửa cũ ra ngoài, dồn hương cũ vào một phía; hai, lau sạch sẽ rồi mới cho than lửa mới vào; ba, không được cho lửa cháy quá mạnh cũng không được quá yếu sẽ chóng tắt.
Đốt đèn có năm việc: Một, dùng khăn sạch lau trong ngoài đèn; hai, làm sạch tim đèn; ba, tự mua dầu thắp; bốn, không được châm dầu quá đầy, cũng không được quá ít; năm, đặt để cho vững chắc, không được treo ở nơi làm trở ngại đường đi và vấy bẩn người.
Trên đây là sáu mươi điều mà người trực nhật nên biết, nếu làm đúng như vậy sẽ được phúc lớn.
Vị Tri sự phải có mười lăm đức tính: Một, vì Phật; hai, vì pháp; ba, vì tì-kheo Tăng; bốn, vì Hòa thượng a-xà-lê; năm, vì ta lìa gia đình mà làm sa-môn; sáu, vì làm chủ mà nhẫn nại người từ khắp nơi đến; bảy, nên tiếp đãi người khắp nơi đến; tám, nếu có người trong chúng phạm lỗi thì không được quở trách; chín, một người trong chúng phạm lỗi, đại chúng muốn trách phạt thì Tri sự nên xuống tòa thỉnh, không được một mình che giấu; mười, nên đủ đức; mười một, hết lòng vì đàn việt; mười hai, chiếu chăn của tì-kheo từ xa đến bị hư rách, thì nên đi xin về chu cấp; mười ba, thụ dụng chung tất cả các vật như thức ăn thức uống...; mười bốn, bình đẳng chăm sóc người bệnh hoạn, ốm gầy; mười lăm, nghe tì-kheo bên ngoài bị bệnh thì cũng nên đến thăm.
Lại có chín điều mà vị Tri sự phải biết: Một, không được đem vật của Tăng chiêu-đề đặt vào vật của tháp; hai, không được đem vật của Tăng chiêu-đề đặt vào vật của tì-kheo Tăng; ba, không được đem vật của tháp đặt vào vật của Tăng chiêu-đề; bốn, không được đem vật của tháp đặt vào vật của tì-kheo Tăng; năm, không được đem vật của tì-kheo Tăng đặt vào vật của tháp; sáu, không được đem vật của tì-kheo Tăng đặt vào vật của Tăng chiêu-đề; bảy, không được giấu giếm dù chỉ may may cho đến vô số vật; tám, từ sa-di trở lên cho đến bậc Thượng tọa, nếu mền mùng chiếu chăn của người bệnh bị hư rách thì nên mua mới để thay thế, không được mang đến gọi là ban cho để mong được tiếng tăm và nên bình đẳng chu cấp; chín, đối với tất cả vật dụng của tháp, của Tăng chiêu-đề, không được nói với người đến đi, ra vào rằng là “Những người như thế thì không đáng nhận được phúc kia trước”.
Người nào có những đức tính như vậy mới xứng đáng làm Tri sự.
Lại có bốn việc của Tri sự: Một, từ ngày rằm tháng tư đến ngày rằm tháng bảy, Tri sự nên cùng với Tăng đối chiếu tính toán xem xét mọi việc, sau đó thưa: “Đã tính toán, xem xét như vậy, đại chúng đều biết những việc cần thiết”, đối với những khác cũng nên xem xét rõ ràng; hai, cùng với Bát-nê-tăng từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, hoặc cùng với Điển tọa, hoặc cùng với Tăng cùng nhau tính toán xem xét công việc, lại nghĩ đến vô thường, khổ, không, vô ngã; ba, nếu có tì-kheo muốn đến một nơi khác tá túc, thì nên hỏi ba việc: Hỏi về tháp, tượng Phật, số Tăng và các vật linh tinh, hoặc hỏi về tì-kheo Tăng, về ngày giờ, tên họ của đàn việt, rồi báo cho tì-kheo kia biết rõ; bốn, nếu có hoàng thân quốc thích, tự chủ, đàn việt mang phẩm vật đến thì liền thưa với Tăng biết. Nghe biết rõ bốn việc như vậy, nếu các Hiền giả gặp thì không phải hối tiếc. Đó là công đức của Tri sự để tự đạt được đạo độ thế.
Vị Trực tuế phải có mười đức: Một, vì Tam bảo nên dốc sức; hai, nếu có tì-kheo Tăng từ xa đến thì nên đón tiếp và thăm hỏi; ba, nên cấp cho giường tòa, hoặc dầu đèn từ ba ngày đến bảy ngày; bốn, nếu hết phòng ốc thì có thể nhường chỗ của mình; năm, nên siêng đến xem và thăm hỏi; sáu, nên nói tập tục của địa phương; bảy, nên lo lắng đến những điều mà tì-kheo còn thiếu thốn; tám, nếu trong chúng có tranh cãi, thì không được bênh vực ai, chỉ nên hòa giải giúp được an ổn; chín, nếu trước không vừa ý với ai thì nay không được trách mắng người đó giữa chúng, cũng không được bảo người ấy cùng làm một việc nào đó khiến người chủ không vừa ý; mười, không được tranh tìm chỗ hay dở, hơn thua, được mất với Tri sự, ở trong chúng thể hiện đức tính lời nói đi đôi với việc làm, cũng không lấy những vật của Tam bảo để ban ân cho người khác. Như pháp mà thực hành thì mới có thể làm Trực tuế.
Lại nữa, Trực tuế có năm điều cần biết: Biết bốn mùa và ngũ hành, biết chủng tính, biết thiên nhiên, biết chu cấp, biết công đức. Nhờ năm việc này mà Trực tuế sẽ được Bồ-đề.
Điển tọa gõ kiền chùy có năm việc: Một, sắp nhóm họp; hai, nhóm họp thông thường để tụng kinh; ba, bố-tát; bốn, cấp phát vật dụng; năm, tất cả những trường hợp tập họp bất thường.
Lại có năm điều khác mà Điển tọa phải biết khi gõ kiền chùy: Một, khi gõ kiền chùy, trước tiên nên xem là sớm hay muộn; hai, nên báo với Thượng tọa; ba, nên đợi xem đàn việt đã đủ chưa; bốn, nên làm vừa ý mọi người; năm, nên ngồi sau chỗ của Tăng, không được nhiều lần đứng dậy trước Tăng.
Lại có hai mươi việc của Điển tọa: Một, không được ngồi đối diện với Tăng; hai, không được tự ý mắng người; ba, nói năng phải thuận ý người khác; bốn, khi thưa việc, không được nói thêm bớt lời của người khác; năm, nếu có phân chia gì thì nên phân bằng nhau và mọi người đều có phần; sáu, nếu trong chúng có người làm không đúng pháp thì không được tùy tiện trách mắng trước chúng; bảy, không được là trái chính lịnh của Tăng; tám, không được nhiều lần vô cớ lìa Tăng đi ra ngoài; chín, xong việc nên sám hối trước Tăng, nếu lời nói không thuận, phân chia không bình đẳng, thì xin Tăng tha tội; mười, thưa xong không được đứng dậy đi ra trước; mười một, sáng tối nên đến thăm những tì-kheo bệnh yếu; mười hai, hằng ngày nên đến thăm hỏi Thượng tọa và các vị niên cao lạp trưởng; mười ba, nên thường đến nhà đàn việt để an ủi thăm hỏi; mười bốn, nếu có tì-kheo từ xa đến thì phải sắp xếp cho an ổn; mười lăm, nếu có tì-kheo đồng học thị tịch, thì nên lo liệu an táng; mười sáu, hàng hậu học bị bệnh nặng tại quê nhà thì nên mang thuốc tốt đến chữa trị và thăm hỏi; mười bảy, hàng hậu học gặp chỗ hiểm nạn mà không ai hay, thì nên tự tiện đến gọi về; mười tám, hàng hậu học đang ở nơi không có gạo thóc, nước uống thì nên tự mang nước ngọt, thức ăn ngon đến cấp cho; mười chín, hàng hậu học đang ở những nơi không an ổn, bị đói khát thì nên tự nhiên mang nước ngọt đến ban cho; hai mươi, đã được phước này, đời sau sẽ được đạo thần túc.
Đó là ba mươi đức của Điển tọa.
Khi gõ kiền chùy nhóm họp Tăng, trước tiên phải gõ thật nhỏ, kế đến gõ ba mươi tiếng lớn, nhỏ dần hai mươi tiếng, đến mười tiếng, rồi năm tiếng, ba tiếng nhỏ hơn nữa, cuối cùng dứt ba tiếng lớn.
Khi tập họp tì-kheo Tăng, đầu tiên gõ bốn mươi tiếng lớn, kế đến ba mươi tiếng, hai mươi tiếng, mười tiếng rồi năm tiếng, ba tiếng nhỏ, ba hồi như vậy xong cuối cùng dứt ba tiếng lớn.
Khi bố-tát, trước tiên nhịp bảy tiếng nhỏ, kế đến gõ năm mươi tiếng lớn, đến bốn mươi, ba mươi, hai mươi đến mười tiếng nhỏ dần, ba hồi như thế và cuối cùng dứt ba tiếng lớn.
Khi Tăng thụ trai, trước tiên gõ bốn tiếng lớn, kế đến gõ hai mươi tiếng lớn và thưa, kế đến mười tiếng lớn, rồi nhỏ và nhặt dần mười tiếng, năm tiếng, sau đó gõ thêm hai hồi như thế. Gõ có số lượng tiếng thì tùy thời, gõ ba hồi thì phải xem nhân duyên. Như khi có việc bất thường thì gõ không có số lượng tiếng nhất định, hoặc là trước nhanh sau chậm, hoặc là trước chậm sau nhanh. Đó là cách gõ kiền chùy của Điển tọa.
Sắp tập hợp, tì-kheo phải biết năm điều: Một, khi nghe tiếng kiền chùy, tì-kheo nên đắp ca-sa rời phòng như pháp đến nơi nhóm họp; hai, vừa đến trước cửa giảng đường thì đứng lại chỉnh sửa ca-sa, cởi mũ rồi mới vào; ba, nếu trong đó có tượng Phật thì trước nên đỉnh lễ, sau đó mới lễ Tăng; bốn, nên ngồi theo thứ tự hướng về Thượng tọa; năm, tránh chỗ ngồi của Thượng tọa, hễ Thượng tọa ngồi thì mới ngồi.
Khi ngồi xổm có năm pháp cần phải biết: Một, không được ngồi tréo hai chân; hai, không được đưa hai chân ra phía trước; ba, không được hai tay nhịp trên hai chân; bốn, không được một chân chống, một chân duỗi thẳng; năm, không được đưa lên hạ xuống hai chân.
Ngồi ngay ngắn có năm pháp: Một, không được tựa vách; hai, hai tay không được tựa phía trước; ba, hai khủy tay không được tựa vào tòa; bốn, không được nằm gục xuống, hai tay ôm đầu; năm, không được dùng ngón tay chống vào má. Lại có năm việc: Một, khi ngồi không được tựa vào vai của người ngồi hai bên; hai, không được vô cớ đứng dậy đến trước Thượng tọa mà ngồi; ba, không được vô cớ quở trách Điển tọa hoặc tì-kheo hạ tọa; bốn, không được cởi ca-sa bỏ ở phòng Thượng tọa mà ra ngoài; năm, khi ngồi không được lắc người khiến giường phát ra tiếng.
Lại có mười điều mà tì-kheo cần phải biết: Một, muốn rời pháp hội, nên chỉnh sửa ca-sa, không được để so le; hai, muốn chỉnh ca-sa, phải nhìn hai bên, không được để ca-sa phất vào mặt người bên cạnh; ba, khi đứng dậy, phải nhìn xuống đất, cách chân không quá sáu bước; bốn, khi đi ra, không được để ca-sa phủ trên đất; năm, khi đi ra, nên nhìn thẳng về phía trước, không được quay nhìn hai bên; sáu, khi Thượng tọa thuyết kinh, ngồi ở dưới không được chỉnh sửa; bảy, nếu có người cùng Thượng tọa tranh luận, thì không được ngồi ở dưới trợ giúp; tám, Thượng tọa cùng người khác tranh luận, nếu có thưa gì thì không được cưỡng bảo hai bên hãy dừng; chín, Điển tòa đến trước mặt, thưa có việc phải làm gì, thì Thượng tọa liền đứng dậy và bước xuống tòa nói: “Vâng!”; mười, không được nói: “Thượng tọa kia kế đến nên đi làm. Hạ tọa nọ trước kia thường đến vì tôi tự làm việc ấy…”.
Lại có mười việc mà tì-kheo nên biết: Một, đã thưa rồi thì sau không được nói: “Hôm nay người ấy bị ép làm việc”; hai, không được nói: “Hôm nay tôi muốn gạn hỏi vị ấy sao chỉ muốn dùng người kia, nên đặt để như vậy”; ba, nếu Hòa thượng a-xà-lê có đi đâu thì nên theo hầu, nếu trước khi đi có bảo lấy gì thì nên vâng theo; bốn, nếu cùng trở về thì không được đi trước và vào nhà trước, nên theo sau đỡ bên phải Hòa thượng, nếu đi dưới nắng thì không được đạp lên bóng của thầy; năm, nếu có người muốn giữ lại để mời cơm, thì nên báo là thầy đã đi, không nên giữ lại để cúng dường cơm; sáu, nếu có người kiên quyết giữ lại để mời cơm mà không thể báo với thầy, thì khi thụ thực xong, lập tức xin trở về, không được ngồi đến tối; bảy, nếu đến tối mới trở về, thì nên tỏ bày sám hối; tám, không được ngồi chỗ kín tự khen: “Hôm nay người kia giữ ta lại dùng cơm, thật không thiếu món gì”; chín, không được nói với người khác: “Hôm nay tôi định trở về dùng cơm, nhưng người kia ép giữ tôi ở lại dùng cơm khiến trong lòng tôi không an ổn”; năm, khi trở về nên kinh hành, vào thất tư duy niệm đạo, không được vô cớ đến phòng người khác nói chuyện đời.
Khi bố-tát, vào trong chúng tì-kheo phải biết mười điều: Một, không được mang dép da mềm vào trong chúng; hai, không được chống tích trượng vào trong chúng; ba, không được cầm quạt tre xếp, khăn tay trắng vào trong chúng; bốn, không được mang giày trắng vào trong chúng; năm, không được mang guốc vào trong chúng; sáu, khi tì-kheo Tăng tập hội không được gút ca-sa vào chúng; bảy, không được đứng ngay cửa giảng đường nhìn chúng Tăng; tám, không được ngồi xổm ngoài giảng đường nghe lời luận đàm của Tăng; chín, không được đứng trong cửa lớn tiếng gọi người ngồi phía trên; mười, nếu cửa giảng đường đã đóng, muốn vào gấp thì búng ngón tay ba lần, không được tự ý đẩy cửa xông vào.
Lại có mười việc tì-kheo cần phải biết: Một, khi đã đọc kinh giới thì không nên đỉnh lễ; hai, nên cuối đầu đi từ trên xuống dưới và đến chỗ ngồi; ba, không được đẩy người để đoạt chỗ ngồi; bốn, không được nói nhân duyên bên ngoài; năm, đã ngồi rồi, thì không được nói với tì-kheo Tăng: “Sao pháp hội hôm nay bắt đầu sớm thế?”; sáu, chúng tăng đang nghị sự, không được nói đùa; bảy, không được khạc nhổ bậy xuống đất trước mặt; tám, hai tay không được ôm đầu gối; chín, không được dùng hai tay ôm đầu nằm ngủ; mười, không được mở miệng ngáp lớn.
Ra sau nhà có hai mươi lăm việc cần phải biết: Một, muốn đại tiểu tiện, khi đi trên đường không được lễ Thượng tọa; hai, cũng không được nhận lễ của người; ba, khi đến nên cuối đầu nhìn xuống đất; bốn, khi đến nên búng ngón tay ba lần; năm, nếu trong đó có người búng ngón tay đáp thì không được hối thúc; sáu, đã vào thì nên đứng búng ngón tay ba lần mới được ngồi xuống; bảy, ngồi ngay chính giữa lỗ cầu; tám, không được ngồi một chân trước một chân sau; chín, thân ngồi ngay ngắn không được tựa; mười, vén y cho gọn, không được để chạm bàn cầu; mười một, không được rặn mạnh khiến cho mặt phải đỏ; mười hai, nhìn thẳng về phía trước, không được chú ý lắng nghe; mười ba, không được khạc nhổ dính dơ bốn vách nhà cầu; mười bốn, không được cúi đầu nhìn lỗ cầu; mười lăm, không được nhìn vào cơ quan sinh dục; mười sáu, không được cầm nắm cơ quan sinh dục; mười bảy, không được lấy cỏ cây viết chữ trên đất; mười tám, không được dùng cỏ cây viết vẽ trên vách; mười chín, không được dùng phung phí nước; hai mươi, không được để nước bắn tung tóe dính dơ; hai mươi mốt, khi rửa không được để tay trước chạm vào tay sau; hai mươi hai, nếu dùng đất thì nên dùng ba lần; hai mươi ba, nên dùng xà phòng; hai mươi bốn, được rửa ba lần bằng nước; hai mươi lăm, nếu thấy nước, cỏ và đất hết nên báo với trực nhật, nếu tự tay bổ sung thì rất tốt.
Có mười trường hợp không được dùng nước rửa khi đại tiểu tiện: Một, làm những việc của tháp; hai, làm những việc của tì-kheo Tăng; ba, quá lạnh; bốn, hành đạo; năm, khi không dùng chung nhà vệ sinh với người nữ; sáu, sắp tụng kinh; bảy, khi chép kinh; tám, khi may pháp y; chín, khi nhuộm y; mười, khi nhận lời mời đi xa. Nhưng nếu có cỏ thơm thì được dùng nước rửa.
Có mười trường hợp mà bộ phận âm khởi, trong đó năm trường hợp khởi thì có tội và năm trường hợp khởi mà không có tội. Năm trường hợp âm khởi có tội: Một, nhân vì nữ sắc; hai, do nghe nhân duyên dục; ba, nghĩ đến người nữ xinh đẹp; bốn, nghĩ đến nhân duyên ngày trước; năm tay xúc chạm âm vật. Năm trường hợp âm vật khởi mà không có tội: Một, ngủ mộng; hai, thói quen; ba, nằm duỗi; bốn, thân thể có bệnh ghẻ ngứa, tay gãi ở chỗ gần với âm vật; năm, tiểu tiện bức bách, không kềm chế được.
Từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 15 tháng chạp là một mùa gồm 120 ngày thuộc Đông. Từ ngày 16 tháng chạp đến ngày 15 tháng 4 là một mùa gồm 120 ngày thuộc Xuân. Từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 15 tháng 8 là một mùa gồm 120 thuộc Hạ. Đến đây là hết một năm dài. Từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 15 tháng chạp là thuộc mùa Đông, làm sa-môn mà không trọn vẹn trải qua mùa an cư thì tuy được tự tứ nhưng không được tuổi hạ; hoặc có người đến ngày mười lăm thì được tuổi hạ, có người đến ngày 16 mới được tuổi hạ, mới là sa-môn.
Tát-hòa-đa bộ, là bộ phái gồm những Tăng sĩ có trí tuệ mẫn tiệp, thông đạt các môn, giáo hóa làm lợi ích mọi người, đắp ca-sa màu đỏ thẩm. Đàm-vô-đức bộ chủ trương giữ gìn giới trọng, nghị bàn lượng định pháp và luật, Tăng sĩ đắp ca-sa màu đen. Ca-diếp-duy bộ chủ trương siêng năng dũng mãnh cứu độ chúng sinh, Tăng sĩ đắp ca-sa màu vỏ cây Mộc lan. Sa-di-tắc bộ chủ trương tư duy nhập thiền định, tham cứu đạt đến chỗ sâu mầu, Tăng sĩ đắp ca-sa màu xanh. Ma-ha Tăng-kì bộ siêng năng học các kinh, diễn giảng nghĩa lí, Tăng sĩ đắp ca-sa màu vàng.
Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, chúng tăng chỉ đắp ca-sa được may từ vải thô xấu và y phục của người đã chết bỏ ngoài nghĩa địa. Về sau có tì-kheo La-tuần-du mỗi khi khất thực luôn mang bát không trở về. Đức Phật biết rõ tội nghiệp quá khứ của tì-kheo này, muốn khiến mọi người thấy rõ họa phước, nên Ngài mới dạy minh giới cho người đời sau. Cho nên chúng tăng phân làm năm bộ, mỗi bộ đắp mỗi màu ca-sa khác nhau. Từ đó nối tiếp truyền thừa chế định. Sau khi Phật nhập diệt, thì việc lập hiệu hay đặt tên đều lấy theo sở trường của mỗi bộ, gọi là đắp ca-sa hoại sắc, đại chúng tập hội cùng chấp nhận. Ngày nay tì-kheo hoạch định ranh giới bốn phía, có các điềm lành ứng hiện. Đại chúng ở trong đó thực hiện các pháp sự. Khi tập hội chúng tăng đều hòa hợp chấp nhận, đồng tu hành bình đẳng, giữ gìn giới pháp. Những người tu học ngày nay kết giới đều chấp nhận những ngôn giáo này, cùng với việc hoạch định ranh giới bốn phương để thuyết cấm giới, kết giới tinh xá, Tăng đều chấp nhận, đều im lặng. Nếu chấp nhận thì liền thuyết, không chấp nhận thì khi chúng tăng nhóm họp sẽ bình đẳng kết giới, đã thuyết cấm giới, Tăng chấp nhận thì im lặng mà thụ trì.


Chú thích:
[14] Bàn: Một loại bàn nhỏ dùng để dọn thức ăn cho mỗi người.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 2 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cẩm nang phóng sinh


Pháp bảo Đàn kinh


Thắp ngọn đuốc hồng


Gió Bấc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.221.171 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập