Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Rõ rằng! Lý lẽ dứt đường ngôn ngữ, hàng Tam thừa sao có thể lãnh hội được; trí tuệ bao trùm muôn đức, nên chẳng phải điều mà hàng Thập địa có thể quán biết được. Rải mây lành để che hết tứ sinh; rưới mưa pháp để thấm nhuần chín cõi.
Do đó, Đức Thế Tôn từ nơi cung trời Đâu-suất sinh xuống thành Ca-duy, chán đời sống dục lạc ở vương cung, thành tựu đạo chơn thường dưới cội cây. Vì nghiệp lực của chúng sinh, bởi quần ma cường thịnh, nên Ngài vượt biển khổ để khai mở ba đường; dong thuyền từ để làm vạn thiện. Vì thế, Ngài mới rộng tuyên chính pháp, chỉ thẳng cõi Tây phương. Đây là cửa mầu nhiệm để vào bậc thánh, là phương pháp vi diệu để thóat khỏi phàm phu. Mười lớp tịnh độ căn cứ vào địa vị vì có nhiều sự sai khác; đài sen chín phẩm ứng với mức độ tịnh uế mà có cấp bực thứ lớp. Vĩ đại thay! đã vượt ra ngoài có, không; dứt tuyệt thường, đoạn.
Phật là người đã thành tựu trọn vẹn bồ-đề. Thuyết là vận dụng lòng từ mà diễn nói pháp. A-di-đà, Trung Quốc dịch là Vô Lượng Thọ. Chữ kinh có nghĩa là Thường pháp nhiếp quán. Thường tức trăm vua không đổi. Pháp chính là quy luật chung của nghìn đời. Nhiếp tức bao hàm tất cả văn tự. Quán nghĩa là thấu suốt mọi ý nghĩa thâm diệu. Cho nên mới nói Phật thuyết kinh A-di-đà.
Đầu mỗi kinh thường dẫn: “Như thị ngã văn v.v…”
Lời tán: Trước khi đi vào giải thích tên bộ kinh, trình bày sơ lược sáu điều:
1. Trình bày khái quát về nguyên nhân Phật nói kinh.
2. Phân biệt kỹ về tông chỉ.
3. Trình bày thể và dụng của bộ kinh.
4. Người dịch và thời gian dịch.
5. Bàn về đốn, tiệm.
6. Chính thức đi vào giải thích văn kinh.
1. Trình bày khái quát về nhân duyên Phật nói kinh
Đức Phật khi còn ở địa vị tu nhân có phát đại nguyện “nguyện cứu độ tất cả chúng sinh”. Nay theo lời nguyện trước mà nói kinh này. Trong phẩm Phương tiện của kinh Pháp hoa ghi: “Xá-lợi-phất! Nên biết Ta vốn có lập nguyện sẽ độ cho tất cả chúng sinh đều chứng bồ-đề giống như ta vậy”. Phẩm Thọ lượng ghi: “Ta thường nghĩ rằng bằng cách nào để làm cho chúng sinh được vào đạo vô thượng và chóng thành tựu Phật thân. Hoặc là trong giai đoạn tu nhân thuở trước, hoặc nay đã thành tựu đạo quả, Ta luôn luôn phát nguyện: ‘nguyện tiếp dẫn chúng sinh được vào Phật đạo giống như Ta.’” Vì thế để đáp lại lời nguyện khi xưa, nên nay nói các kinh.
Như trong luận ghi: “Khi bồ-tát mới sinh toàn thân phát ra ánh sáng, chiếu khắp mười phương, bước đi bảy bước, xem xét bốn phương và phát ra tiếng sư tử hống mà nói kệ rằng:
Lần cuối sinh bào thai,
Đây là thân sau cùng,
Ta đã được giải thóat,
Sẽ độ cho chúng sinh
Vì đáp lại nguyện này nên nói các kinh.
Hỏi: Đức Thế Tôn thuyết pháp ở nhiều nơi, nhiều hội khác nhau, vì sao lại chọn Kỳ Viên để nói kinh A-di-đà?
Đáp: Mỗi lần Đức Phật nói pháp đều có ý nghĩa khác nhau. Như nói kinh Duy-ma để phá trừ những chấp trước sai lệch. Nói kinh Pháp hoa để dẫn dắt chúng sinh vào nhất thừa. Còn nguyên nhân nói kinh này là để phá Tam luân. Ba luân đó là:
Một, vì phá vô thường luân: nghĩa là các loài hữu tình, vô tình đều vô thường, nói vô thường để chúng giác ngộ mà xả bỏ vô thường.
Hai, vì phá bất tịnh luân: các loài hữu tình, vô tình đều bất tịnh, nói bất tịnh để chúng phát khởi tâm cầu sinh về cõi tịnh, hóa sinh trong hoa sen, xả bỏ thân bào thai, máu thịt. Đây là phá bất tịnh của hữu tình. Nói ở cõi tịnh không có những thứ nhơ uế, là phá cái bất tịnh của thế gian. Đây là phá bất tịnh luân.
Ba, vì phá khổ luân: chúng sinh luôn bị các khổ bức bách, cho nên dẫn dắt họ quay về Tịnh độ để phá trừ những sự khổ nạn ấy. Vì phá ba luân nói trên mà nói kinh này.
Mặt khác, vì muốn dẫn dắt hai hạng chúng sinh sau nên nói kinh này.
Một là những chúng sinh lười biếng, không biết cầu tiến và sợ tu niệm Phật gặp nhiều trắc trở. Vì pháp môn niệm Phật nhân thì nhỏ nhưng quả rất lớn. Kinh ghi: “Nếu người nào niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày thì liền được vãng sinh v.v…”.
Hai là vì những chúng sinh tán loạn chạy theo trần cảnh và bị đắm chìm trong đường ác cho nên nói kinh này; chỉ thẳng Tây phương để tâm họ chuyên chú.
Hỏi: Mỗi khi Đức Phật thuyết pháp đều vì phá Tam luân, thế tại sao chỉ có kinh này nói lên lòng từ của Đức Phật ?
Đáp: Tuy trong các kinh khác cũng có nói phá Tam luân nhưng thời gian đoạn xả dài hơn, vì thế không giống với kinh này, nên nói vì phá Tam luân.
2. Trình bày về tông chỉ
Các bậc cổ đức Trung Quốc chia tất cả kinh, luận thành bốn tôn.
2.1. Lập tính tôn: như bộ Tạp-a-tỳ-đàm tâm luận[3] v.v… lập ngũ tụ pháp đều có thể tính.
2.2. Phá tính tôn: như những bộ Thành thật luận[4] v.v… phá hữu tính của pháp thể, vì cho các pháp đều có sắc tướng.
2.3. Phá tướng tôn: như các kinh Bát-nhã v.v... chủ trương phá tướng trạng các pháp để quy về không.
2.4. Hiển thật tôn: như các kinh Niết-bàn, Hoa nghiêm, Pháp noa v.v… trình bày ý nghĩa trung đạo chân thật, cho nên trong kinh nói bỏ hóa thành để quay về bảo sở v.v…
Kinh A-di-đà này thuộc chủ trương thứ tư.
Căn cứ vào văn kinh mà chia toàn bộ giáo tướng một thời giáo hóa của đức Thích-ca. Giáo chỉ có ba thứ,[5] rồi căn cứ vào từng loại phán giáo này mà lập tông, vì thế nên chia ra làm tám tông.[6] Ba giáo đó là:
- Đa thuyết hữu tông: đó là nói các kinh A-hàm v.v… thuộc Tiểu thừa giáo.
- Đa thuyết không tông: đó là những bộ như Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận, Bát-nhã v.v…
- Phi hữu tông: đó là các kinh như Hoa nghiêm, Giải thâm mật, Pháp hoa, A-di-đà v.v… nghĩa là những pháp thuộc về hữu vi, vô vi gọi là “Hữu”. Những pháp nằm trong vòng ngã và ngã sở đều gọi là “Không”. Ba giáo này trong tất cả các kinh luận đều có nói rất tỉ mỉ, rõ ràng.
Tám tông là:
- Ngã pháp không hữu tông: đó là quan điểm của các bộ Độc Tử v.v…
- Ngã hữu pháp không ngã tông: đó là quan điểm của những bộ Tát-bà-đa v.v…
- Pháp vô khứ lai tông: đó là quan điểm của những bộ Đại chúng v.v…
- Hiển thông giả thật tông: đó là quan điểm của những bộ Thuyết giả v.v…
- Tục vọng chân thật tông: đó là quan điểm của các bộ Thuyết xuất thế v.v…
- Chư pháp đản danh tông: đó là quan điểm của các bộ Nhất Thuyết v.v…
- Thắng nghĩa giai không tông: đó là quan điểm của các kinh luận Bát-nhã v.v… các thuyết Trung luận, Bách luận v.v… của ngài Long Thọ.
- Ứng lý viên thật tông: đó là quan điểm của kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa v.v…, các luận thuyết của Ngài Vô Trước v.v…, giáo nghĩa Trung đạo giáo v.v… Kinh A-di-đà này thuộc chủ trương Ứng lý viên thật, tức là lấy Tịnh độ làm tông. Ngoài ra còn có hai tông khác nữa: Bất thuyết pháp tông và Thuyết pháp tông.
Chủ trương không nói pháp: như các ngài Long Quân[7]v.v… các ngài cho rằng Phật chỉ có ba pháp. Đó là đại định, đại trí và đại bi. Ngài hoàn toàn không còn hí luận và cũng chưa bao giờ nói pháp. Nhưng vì lòng từ bi, vì bản nguyện và vì duyên lực của Phật nên trong tâm thức chúng sinh cứ nghĩ Phật có nói pháp. Mặt dù chúng sinh nhờ vào chính thiện căn của mình mà có những nhận thức, ý nghĩ nhưng rồi họ lại cho các duyên tác động cho sự hiểu biết kia là Phật nói. Tỳ-kheo Vô Tánh nói: “Suốt tám thời[8] trong ý nghĩ của chúng sinh luôn luôn cho các thuyết chơn, phi chơn, các sự tích nhóm, hiển hiện là giáo thể” . Cho nên kinh ghi: “Từ khi thành đạo cho đến lúc nhập niết-bàn, trong khoảng thời gian đó Đức Thế Tôn chưa nói một lời. Giống như người mẹ cắn ngón tay người con kêu cứu”.
Các học giả như Thân Quang[9] v.v… cho rằng: thân Phật cũng có đầy đủ các thứ uẩn, xứ và giới nhưng vì Ngài không còn phân biệt nên nói là không hí luận, chứ chẳng phải vì không nói pháp mà cho là không hí luận. Nghĩa là để ứng với thiện căn của người nghe và do bản nguyện, duyên lực mà trong ý nghĩ của Như Lai sinh ra tướng văn nghĩa. Sở dĩ có tướng văn nghĩa ấy là vì Đức Phật muốn làm lợi cho những chúng sinh có thiện căn mà hiện ra, do đó nên nói Phật thuyết pháp. Tuy trong tâm thức của chúng sinh không sao biết được, nhưng dường như tướng phần của Phật vẫn hiện rõ mồn một, vì thế gọi là Ngã văn v.v…
Ngài Thế Thân[10] nói: đó là các thức tương tục khác có sai biệt nên khiến cho các thức tương tục sai biệt khác phát sinh. Chính hai cái này hỗ trợ cho nhau để làm tăng thượng duyên. Vì thế các ngài Hộ Pháp[11] v.v.. tuỳ theo căn cơ và phương pháp tu hành mà chia giáo pháp làm ba thừa. Kinh này thuộc Đại thừa giáo. Còn trong ba tạng thì kinh này thuộc bồ-tát tạng; trong mười hai phần giáo[12] kinh này thuộc thể loại “Vô vấn tự thuyết”.
Hỏi: Kinh Pháp hoa phải đợi có người thỉnh cầu Phật mới nói, còn kinh A-di-đà này vì sao Phật lại tự nói?
Đáp: Sở dĩ kinh Pháp hoa đợi có người thỉnh cầu Phật mới nói là vì sợ chúng sinh xem thường, còn nói kinh A-di-đà Đức Phật tự nói là vì muốn đề cao lòng từ bi của Phật.
Chỉ: nghĩa là mục đích. Nghĩa là ý muốn làm cho chúng sinh bỏ cõi nhơ uế cầu sinh về Tịnh độ.
3. Trình bày thể và dụng của bộ kinh
Thể chính là giáo thể. Thông thường để phân biệt giáo thể của một bộ kinh các nhà làm kinh thường căn cứ vào năm môn.
- Môn nhiếp tướng quy tính: chủ trương của môn này đều lấy chơn như làm thể.
- Môn nhiếp cảnh tùng tâm: môn này chủ trương tất cả các pháp chỉ do thức mà có.
- Môn nhiếp giả tùng thật: môn này chủ tương tâm bất tương ưng thuộc về sắc, tâm và tâm sở.
- Môn thể dụng biệt luận: môn này chủ trương năng duyên, bốn uẩn đều gồm thâu trong bản chất tướng phần, mỗi pháp thuộc về tự, tha riêng biệt và đều có sự sai khác.
- Môn tụ tập hiển hiện: như nghe nói bốn chữ “chư hành vô thường” rồi cho là các pháp có tích tụ, hiển lộ và lấy làm giáo thể. Nhưng thực chất chỉ lấy bốn pháp thuộc về bản chất của Phật như Thanh, Danh, Cú, Văn làm thể. Nếu lấy ảnh tượng làm giáo thể thì chính là pháp hữu lậu. Nếu chỉ lấy pháp hữu lậu, ảnh tượng làm thể tức ứng với chân thật. Vậy thì Tam bảo chỉ ứng với hữu lậu, vô ký. Nếu không phải như vậy thì vì sao lấy ảnh tượng làm giáo thể? Nên biết chỉ lấy vô lậu Thanh, Danh, Cú, Văn làm thể. Thanh tức là thật. Danh, Cú, Văn là giả. Ngoài ra còn có những nhà làm kinh khác chia giáo thể bằng cách khác như ở các luận cũng có nói.
Dụng là đưa ra cái nhơ uế để làm nổi bật cái thanh tịnh gọi là dụng. Lại còn có ý nghĩa khác, là đưa ra cái thật để chứng chân cũng gọi là dụng.
4. Thời gian và người dịch
Kinh Vô lượng thọ này có tổng cộng bốn bản dịch.
Bản thứ nhất tên là kinh Tiểu vô lượng thọ được ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào ngày mùng 08 tháng 02 năm thứ tư đời Tần Hoằng Thỉ.
Bản thứ hai được ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào khoảng niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, 04 trang.
Bản thứ ba tên là kinh Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thọ do ngài tam tạng Huyền Tráng dịch vào niên hiệu Vĩnh huy thứ sáu, đời nhà Đường, 10 trang.
Bản thứ tư tên là kinh Xuất A-di-đà kệ tụng, được dịch vào đời hậu Tần, 01 trang. Bản này đã bị mất tên người dịch.
Bản kinh đang dùng để làm bản sớ giải này là bản dịch đời Tần của ngài Cưu-ma-la-thập.
Hỏi: Trong ba thời giáo kinh này thuộc thời nào?
Đáp: Nhân có người hỏi như vậy nên ở đây trình bày khái quát về các nhà phán giáo.[13] Nhưng trước khi trình bày những về nhà phán giáo cũng cần nói rõ rằng về việc phán giáo có hai thuyết chính. Thứ nhất là phán giáo theo các nhà làm kinh Trung Quốc. Thứ hai phán giáo theo các nhà làm kinh Ấn độ.
- Thứ nhất phán giáo theo Trung Quốc: ở Trung Quốc có tổng cộng năm nhà phán giáo.
4.1. Ngài Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi,[14] Trung Quốc dịch là Giác Hiền, sống vào đời Nguỵ, ngài lấy tất cả giáo pháp trong một đời giáo hóa của Đức Phật kết chung làm một thời. Nhưng trong quá trình chia như vậy có hai điểm không khế hợp nhau, vì thế khiến cho mọi người tưởng chừng dường như có nhiều thời giáo.
Thứ nhất: Giáo pháp giống nhau nhưng căn tính thì sai khác. Ví như chỉ một cơn mưa mà có ba loại cỏ, hai loại[15] cây hấp thụ khác nhau. Giáo pháp của Đức Phật chỉ có một vị nhưng vì chúng sinh cảm nhận khác nhau chứ thực chất giáo pháp hoàn toàn đồng nhất. Cũng giáo pháp đó nhưng đối với hàng Thanh văn, Duyên giác thì chỉ hiểu tứ đế, mười hai nhân duyên; hàng Bồ-tát thì hiểu là lục độ; cho nên chiếu theo căn cơ của từng loại chúng sinh mà giáo pháp của Phật có sự khác biệt.
Thứ hai: nghĩa lý như nhau nhưng sự tu chứng lại bất đồng. Điển hình là hàng tam thừa chứng quả không đồng nhau. Giống như ba con thú cùng lội qua một dòng sông nhưng mỗi con có cảm nhận sâu cạn khác nhau.
Vì thế ngài Bồ-đề-lưu-chi chỉ chia giáo pháp một đời giáo hóa của Đức Phật thành một thời.
4.2. Ngài Tam tạng Đàm-vô-sấm,[16] sống vào đời Tống chia toàn bộ giáo pháp Đức Phật dạy trong một đời làm hai thời Đốn giáo và Tiệm giáo.
Về Đốn giáo: ngài Đàm-vô-sấm chia giáo pháp Đức Phật thành các giáo như: nhị không, tam tính, tam vô tính, bát thức, nhị vô ngã v.v…, tất cả những giáo pháp này đều thuộc về đốn giáo. Chính vì thế mà trong hội Hoa nghiêm Đức Phật thuyết pháp chúng Thanh văn ngồi ngớ ngẩn như đuôi như điếc là vậy.
Về Tiệm giáo: ngài chia giáo pháp Đức Phật ra thành các giáo như: tứ đế, duyên sinh, năm giới, tám giới v.v… tất cả những pháp này gọi chung là Tiệm giáo.
4.3. Ngài tam tạng Chân-đế,[17] sống vào đời Lương chia tất cả giáo pháp Đức Phật nói trong một đời làm ba thời giáo. Ba thời giáo đó là: hữu giáo, không giáo, phi không phi hữu giáo.
- Hữu giáo: ngài cho rằng từ khi Đức Phật mới thành đạo đến năm thứ bảy, Ngài chỉ nói hữu giáo. Năm thứ năm Ngài độ năm anh em tôn giả Kiều-trần-như. Năm thứ sáu độ tôn giả Xá-lợi-phất. Năm thứ bảy độ ba anh em tôn giả Ca-diếp.[18] Những gì Phật làm trong suốt thời gian đó gọi chung là hữu giáo.
- Không giáo: trong vòng từ năm thứ tám đến năm thứ ba mươi tám, Đức Phật nói tám bộ Bát-nhã [19] v.v…
- Phi không phi hữu giáo: kể từ năm thứ ba mươi chín đến lúc sắp vào niết-bàn nói giáo pháp phi không phi hữu, như nói các kinh: Pháp hoa, Lăng-già, Tư ích v.v…
4.4. Tam tạng Xà-na-quật-đa[20] và Đạt-ma-cấp-đa, [21]sống vào đời Tuỳ chia toàn bộ giáo pháp của Phật làm bốn thời. Bốn thời đó là: sinh không giáo, pháp không giáo, pháp tướng giáo, quán hạnh giáo.
- Về sinh không giáo: hai vị cho rằng trong mười hai năm đầu sau khi thành đạo Đức Phật nói các kinh A-hàm v.v…
- Pháp không giáo: mười sáu năm tiếp theo Phật nói tám bộ Bát-nhã.
- Pháp tướng giáo: trong khoảng thời gian từ năm thứ ba mươi tám đến bốn mươi chín, Phật nói các kinh Lăng-già, Tư ích, Pháp hoa v.v…, đặc biệt nói kỉ về Bách pháp, Tam tính, Tam vô tính, Bát thức, Nhị vô ngã v.v…
- Quán hạnh giáo: vào giai đoạn này Đức Phật nói các kinh Hoa nghiêm, Pháp giới tính v.v…
4.5. Lưu cư sĩ [22] là một người sống ẩn trong núi, đời Tấn bằng hiểu biết của mình ông ta chia giáo pháp trọn đời giáo hóa của Phật làm năm thời. Năm thời giáo đó là: nhân thiên giáo, sinh không giáo, pháp không giáo, câu không giáo và phi không phi hữu giáo.
- Nhân thiên giáo: ông cho rằng Đức Phật thành đạo được hai mươi mốt ngày, Ngài nói tam quy, ngũ giới và thập thiện cho trưởng giả Đề-vị [23] nghe và hóa độ ông ta. Theo cư sĩ họ Lưu thì trong thời gian đó Phật chưa gặp được bậc thiện căn xuất thế nên Ngài độ cho hàng cư sĩ trước. Ngài Giác Thọ (Bồ-đề-lưu-chi) hỏi: theo như trong kinh Đề-vị nói: “Khi năm trăm thương gia chuẩn bị thụ năm giới thì trước đó họ đã sám hối các tội ngũ nghịch, thập ác, huỷ báng pháp, Đức Thế Tôn nói: tứ đại vốn thanh tịnh, thân Ta vốn thanh tịnh. Ngay lúc ấy Đề-vị chứng được “bất khởi pháp nhẫn” (hay còn gọi là: vô sinh pháp nhẫn). Như vậy, năm trăm thương nhân đều đắc “Nhu thuận nhẫn”, tức họ đều chứng thánh quả. Vậy sao gọi pháp đó là nhân thiên giáo?
- Sinh không giáo: tức mười hai năm đầu Phật chỉ nói giáo pháp nhị thừa.
- Pháp không giáo: mười tám năm tiếp theo Phật nói giáo pháp này.
- Câu không giáo: tám năm tiếp theo Phật nói tám bộ Bát-nhã.
- Phi không phi hữu giáo: từ năm thứ bốn mươi về sau Phật nói kinh Pháp hoa, Lăng-già v.v…
4.6. Phán giáo theo Tây Thiên (Ấn độ): có hai cách phán giáo đó là: phán giáo của tông Thắng nghĩa câu không, và phán giáo của tông Ứng lý viên thật.
- Phán giáo theo tông Thắng nghĩa câu không: gồm có các sư ở chùa Na-lan-đa[24] như Tử Giác, Trí Quang v.v… nương theo ngài Văn Thù làm tông chủ và chia giáo pháp của Phật làm ba thời. Ba thời đó là: sinh không, phi không phi hữu, câu không.
- Sinh không: Nghĩa là Phật nói tất cả giáo pháp nhị thừa v.v…
- Phi không phi hữu: bao gồm các kinh như Pháp hoa v.v..
- Câu không: nghĩa là tám bộ Bát-nhã.
Phán giáo theo tông Ứng lý viên thật như luận sư Giới Hiền[25] ở chùa Na-lan-đà nương theo bồ-tát Di-lặc làm tông chủ chia giáo pháp của Đức Phật làm ba thời.
- Hữu giáo: một đời giáo hóa của Đức Phật chỉ nói pháp hữu.
- Không giáo: Phật chỉ nói không giáo.
- Phi không phi hữu giáo: Phật chỉ nói pháp phi không phi hữu. Nghĩa là nếu căn cứ theo viên thành thật tính thì tất cả pháp đều có (hữu); còn xét theo biến kế v.v… tất cả các pháp đều không (vô). Đây là quan điểm của ngài Chơn-đế. Nghĩa là ngài Chân-đế lấy pháp đối chiếu với thời gian cho nên mới cho các pháp là không. Ngài Giới Hiền lấy giáo pháp đối chiếu thời gian làm chính.
Có người hỏi ngài Chân-đế: Phật thành đạo được mười bốn ngày Ngài chỉ nói kinh Hoa nghiêm, vậy đó có phải là thời giáo thứ nhất không? Lại nói bốn mươi năm sau Đức Phật nói pháp phi không phi hữu là thời giáo thứ hai. Vậy nghĩa là khi Phật sắp nhập niết-bàn có nói kinh Di giáo, đó là thời thứ ba phải không? Ngài Giới Hiền lấy thời gian đối chiếu với giáo pháp và chia là chính giáo. Kinh này nói về Tịnh độ, căn cứ vào viên thành thật trí thì có, còn căn cứ theo biến kế v.v… thì không. Như vậy kinh này chính là phi không phi hữu giáo.
5. Bàn về Đốn, Tiệm
Người đã chứng quả nhị thừa tiếp tục phát tâm hướng đến đại thừa gọi là tiệm ngộ. Vì hạng người này số lần tái sinh ít hoặc không còn tái sinh. Nếu người nào từ hàng nhị phàm[26] phát tâm quay về đại thừa thì thuộc về đốn ngộ. Người chưa chứng ngộ lý nhị thừa vì còn tái sinh nhiều lần nên không thể gọi là tiệm ngộ. Kinh Niết-bàn chỉ nói: “ Người chứng được sơ quả mà hồi tâm thì phải trải qua tám vạn kiếp mới thành tựu Vô thượng bồ-đề, hàng Bích-chi-ca phải trải qua mười kiếp mới đạt được chính đẳng chính giác. Trong kinh hoàn toàn không nói đến kiếp số nhiều ít của hai vị, tư lương vị và gia hành vị. Cho nên cần phải biết chỉ có hạng chứng được ngũ quả mà hồi tâm mới được gọi là tiệm ngộ. Nếu người chứng được thất phương tiện mà hồi tâm thì hạng đó thuộc đốn ngộ. Người từng phát tâm nhị thừa, từng thực hành hạnh nhị thừa hồi tâm hướng về Đại thừa thì đều gọi là tiệm ngộ. Bởi vì có tính Thanh văn, tu hạnh Thanh văn, do nghe pháp, tư duy rồi hiểu được cũng gọi là ngộ, vậy cần gì phải chứng ngộ? Huống gì còn có vài lần tái sinh. Nghĩa là tất cả những người còn tái sinh như năm hạng người chứng quả đã nói ở trên và tất cả những người còn ở địa vị thuận, quyết, trạch, phần đều là tiệm ngộ.
Người chứng được ngũ quả hồi tâm và luận về kiếp số cũng không trái với thuyết nói về hàng thất phương tiện hồi tâm và cũng gọi là tiệm ngộ. Nên biết hai địa vị tư lương và gia hành vẫn còn có vài lần tái sinh. Vì vậy phải biết chắc rằng hễ còn hồi tâm thì đều thuộc về tiệm ngộ
Sau đây là ý kiến của hai vị thầy: Vị thứ nhất cho rằng có giáo thì có lý. Vị thứ hai cho rằng không có giáo nhưng có lý. Còn kinh này nói người nào nhứt tâm bất loạn mười niệm chuyên tinh thì liền được sinh về Tịnh độ thoát khỏi cõi ô trược, như vậy thì thuộc về đốn giáo. Cho nên trong kinh có lời: “Nếu trong vòng một ngày đến bảy ngày nhất tâm bất loạn v.v…”.
Lời kinh: “Phật nói kinh A-di-đà”.
6. Giải thích kinh văn
Lời tán:
Tiếp theo đây là phần thứ sáu. Phần này chính thức đi vào giải thích văn kinh. Trong phần giải thích văn kinh này chia làm hai phần. Thứ nhất giải thích tên kinh. Thứ hai giải thích văn kinh.
6.1.Giải thích tên kinh
Hai chữ “Phật thuyết” tức chỉ Đức Phật là người nói pháp. Bốn chữ “A-di-đà”, vào đời Đường dịch là “Vô lượng thọ”.
Chữ “kinh” bao gồm cả bốn nghĩa “thường, pháp, nhiếp, quán” như trên đã nói. Lấy điều thắng diệu để chỉ ra chỗ thấp kém là giải thích theo cách “Y chủ thích”.[27] Hoặc lấy điều nhỏ nhặt để mô tả cho cái tổng thể cũng là giải thích theo cách “y chủ thích”. Hoặc lấy tên người đặt tên kinh.
6.2. Giải thích văn kinh
Lời kinh: “Như thị ngã văn”.
Lời tán:
6.2.1.Phần tựa
Bộ kinh này được chia làm ba đoạn. Đoạn đầu từ “Như thị ngã văn” cho đến “cập Thích-đề-hoàn-nhân đẳng vô lượng chư thiên đại chúng câu” gọi là phần tự. Đoạn thứ hai từ “Nhĩ thời phật cáo trưởng lão Xá-lợi-phất tùng thị Tây phương” cho đến “thị vi thậm nan” là phần chính tông. Đoạn thứ ba từ “Phật thuyết thử kinh” cho đến hết, là phần lưu thông.
Chữ “Tự” đồng nghĩa với chữ “do”, chữ “thỉ”. Nghĩa là trình bày rõ nguyên nhân nói pháp và là lời mở đầu của thời pháp, vì thế cho nên gọi là “Phần tự”.
Mỗi khi Đức Phật nói pháp đều có mục đích, cho nên Ngài trình bày rõ cõi Tịnh để phân biệt sự sai khác giữa các cảnh giới, khuyến khích chúng sinh sinh lòng ưa thích cho nên gọi là phần chính tông.
Kể từ khi Đức Phật nói pháp xong đến mãi mãi về sau chúng sinh đều được lợi ích. Nhưng vì muốn trình bày rõ pháp môn để không bị thất lạc và mong được lưu truyền nhiều đời, cho nên gọi là phần lưu thông.
Nếu theo cách phân chia của các nhà làm kinh xưa thì phần tự có sáu phần. Nay theo luận Phật địa phần tự được chia làm năm phần.
- Vì muốn cho chúng sinh phát khởi lòng tin mà trình bày rõ tất cả những gì đã nghe, nên mới nói “như thị ngã văn (Tôi nghe như thế!)
- Người nói và người nghe cùng có mặt nên gọi là “nhất thời”.
- Nói thì nhất định phải có người nói, nhưng vì muốn nói người chủ tôn pháp nhất định là người thù thắng nên gọi chung là “Phật”.
- Nói pháp phải có địa điểm, kinh này được nói ở vườn của ông Cấp-cô-độc, cây của thái tử Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Đây là chỗ cư ngụ của báo thân Phật chứ chẳng phải báo độ.
- Đối tượng được nói pháp cho nghe pháp gồm có các tôn giả Xá-lợi-phất v.v… Bốn chữ “như thị ngã văn” là phần đầu. Vì muốn làm cho chúng sinh phát khởi lòng tin nên nói chung là “đã nghe”. Chính vì thế mà chia làm ba môn khác nhau. Thứ nhất nói về nguyên nhân nói pháp. Thứ hai nói về mục đích nói pháp. Thứ ba chính thức giải thích văn kinh.
- Nguyên nhân nói pháp: như các kinh Đại thuật v.v… có nói về nhân duyên Phật thuyết kinh này. Khi Phật sắp vào niết-bàn, Phật bảo các thầy tỳ-kheo nếu còn điều gì nghi ngờ thì ngay đây nên hỏi. Bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-li, tôn giả A-nậu-lâu-đà nhờ tôn giả A-nan hỏi bốn việc.
Tôn giả A-nan hỏi:
Thứ nhất, sau khi Phật diệt rồi chúng tỳ-kheo nên chọn ai làm thầy? Thứ hai, nên lấy gì làm điểm để nương tựa? Thứ ba, nếu có tỳ-kheo ác tính phải xử trị bằng cách nào? Thứ tư, tất cả các kinh mà Phật đã nói đầu đề nên đặt chữ gì?
Phật dạy:
Thứ nhất, sau khi Ta diệt độ hàng tỳ-kheo nên lấy Ba-la-đề-mộc-xoa là làm bậc đại sư của mình.
Thứ hai, hàng tỳ-kheo nên nương vào bốn niệm xứ để lắng đọng tâm tư của mình.
Thứ ba, nếu có tỳ-kheo ác tính thì nên dùng pháp phạm-đàn xử trị. Hai chữ “phạm-đàn” Trung Quốc dịch là mặc nhiên, có nghĩa là im lặng. Cho nên không được đánh đập, mắng chửi mà chỉ im lặng làm ngơ.
Thứ tư, khi thuật lại kinh nên đặt các chữ “như thị ngã văn” vào đầu mỗi kinh.
Vì thế ngày sau, khi kết tập kinh tôn giả A-nan làm đúng như lời phó chúc của Phật, đặt bốn chữ “Như thị ngã văn” vào đầu kinh này và những kinh khác cũng vậy.
- Mục đích nói pháp: vì muốn làm cho chúng sinh phát sinh lòng tin theo. Cho nên luận Đại trí độ ghi: “sở dĩ đầu mỗi kinh đều thuật: ‘như thị ngã văn’ là vì để phát khởi lòng tin. Tin rồi vâng theo đó thực hành sẽ phát sinh trí tuệ. Người có trí thì có thể vào đạo được và có khả năng đạt được giải thóat. Tín là nền tảng cơ bản để vào pháp. Trí là phương tiện thiện xảo để đạt đến cứu cánh. Tín thì ý nghĩa của kinh văn thuận hợp nhau. Thuận thì lời của thầy trò thành tựu. Bởi vì có lòng tin cho nên hoàn toàn tin vào giáo pháp. Vì khế hợp nên kẻ nói người nghe, thầy và trò có mặt Về đức tin có mười cách giải thích.
- Nói đến nhân đầu tiên để đạt đến quả vị cùng tột. Thực hành theo các kinh Nhân vương v.v… là nhân cơ bản để đạt được thánh vị, là pháp đốn tiệm để chứng đế lý. Vì thế trong bốn mươi tâm lấy tín làm đầu. Lần đầu tiên phát tâm bồ-đề thì cần có đủ mười đức và khởi ba diệu quán. Đại bồ-đề tâm lấy thiện căn làm tự thể, lấy bạn tốt làm duyên lành, lấy sự không thoái lui làm đà thăng tiến .…
- Tiệm tu là pháp cơ bản để vào đế lý. Các luận sư đều nói: “Sắp vào thánh vị cần phải có tín căn, tín lực. Có tín căn cho nên vạn thiện nhân đó mà phát sinh. Có tín lực cho nên bốn ma không thể quấy phá Vì thế kinh A-di-đà mở đầu đã khuyến hóa làm phát khởi lòng tin.
- Thông diệu chơn, chứng tịnh, là nhân có thể vượt ra khỏi đường ác, thoát ly sự bần cùng hèn hạ. Nhập thánh rồi chứng tứ bất hoại tín. Tin Tam bảo nên có thể thoát khỏi đường ác. Do tin giới cho nên có nhân thoát ly nghèo hèn. Vì thế nên trong luận nói có tín hiện quán.
- Cái cánh tay khóe léo để mang vác chí đức. Theo luận Tỳ-bà-sa ghi: “Người tin nếm được vị pháp như có bàn tay đẹp. Người học Phật pháp như bậc đại long tượng. Lấy tín làm tay, lấy tấn làm răng, lấy niệm làm cổ, lấy tuệ làm đầu, hai vai gánh vác, tích chứa pháp lành. Như loài voi dùng vòi đưa thức ăn vào miệng. Cho nên người học Phật pháp đầu tiên nhất phải phát khởi lòng tin
- Đứng đầu trong thánh thất tài là pháp tài. Tuy người học rộng, hiểu nhiều nhưng không có quy tắc; còn pháp bảo thì dạy người đạt được gia tài của bậc thánh. Vì thế đầu tiên cần phải tin. Luận Hiển dương ghi: “Thất thánh tài đó là: tín, giới, văn, xả, tuệ, tàm và quý. Tín là một trong bảy thứ ấy
- Tín đứng đầu trong tám nhân thiện. Thiện pháp là gốc. Luận Du-già ghi: “Để đạt được các pháp thiện thì dục là cội rễ, tác ý là chỗ phát sinh, xúc là chỗ dấy khởi, thụ là chỗ lôi kéo, định là tăng thượng, tuệ là tối thắng, giải thoát là kiên cố, xa lìa là bờ mé cuối cùng
Dục là là cội gốc vì dục chính là hi vọng. Tác ý là chỗ phát sinh vì luôn luôn cảnh giác. Xúc là chỗ dấy khởi vì cùng với tâm, tâm hợp với thắng duyên. Thụ là chỗ lôi kéo vì nhận lấy ở nơi tâm. Định là tăng thượng vì tâm vắng lặng. Tuệ là tối thắng vì phân biệt được pháp thiện pháp ác. Giải thoát là kiên cố vì dứt hết mọi trói buộc. Xa lìa là bờ mé sau cùng vì hoàn toàn tỏ ngộ. Tín đã là chỗ nương tựa của lòng ham muốn, cho nên trước tiên phải làm cho phát khởi lòng tin.
- Bàn tay kỳ diệu mở cánh cửa chính. Ở đây ý nói bàn tay nắm giữ giáo pháp vậy. Luận Câu-xá ghi: “Vớt chúng sinh ra khỏi vũng bùn sin htử, trình bày chủ trương chính là bàn tay của Phật pháp, vì thế đầu tiên để phát khởi lòng tin nên làm cánh tay cho chúng sinh; hai cánh tay hợp nhau bơi ra khỏi vũng bùn sinh tử Luận Đại trí độ ghi: “Như người có tay đi vào trong núi châu báu tùy ý lấy gì cũng được; nếu người không có tay thì không lấy được gì Tương tự như vậy người có lòng tin vào trong núi báu Phật pháp thì nhất định sẽ đắc được đạo. Nếu không có lòng tin thì dù có hiểu hết nghĩa lý cũng không chứng đắc được gì. Những nghĩa vừa nêu cũng giống như ý đoạn này muốn nói.
- Hạt thanh châu làm trong dòng nước tâm, khiến cho tâm được thanh tịnh. Luận Thành duy thức ghi: “Tín như hạt minh châu thuỷ tinh có thể làm trong dòng nước đục, cũng có thể sửa đổi tính không tin vẫn đục
- Chuẩn bị hành trang cho con đường công danh. Tuyên Ni nói: “Quân đội, lương thực, lòng tín, ba thứ ấy không thể bỏ đi. Từ xưa đến nay đều có cái chết, cho nên người không có lòng tin thì không lập làm vua. Giống như xe lớn không có đòn xe, xe nhỏ không có trục thì làm sao có thể chuyên chở được? Cho nên trước hết phải làm phát sinh lòng tin
- Bữa tiệc trịnh trọng thể hiện lòng chân thành. Kinh Xuân thu ghi: “Ví như người có lòng tin trong sáng thì dù một con sò con hến ở khe, suối, gò, nổng; một cộng rau tần, một cộng cỏ phiền, một cộng rêu cũng có thể cúng cho quỷ thần, cũng có thể dâng cho vua. Huống chi bậc quân tử kết lòng tin cho hai nước
Mười nghĩa trên đây, tám nghĩa đầu giải thích theo nghĩa lý chân đế, hai nghĩa sau giải thích theo nghĩa của tục đế. Vì thế mà đầu đề mỗi bài kinh đều đặt bốn chữ “Như thị ngã văn”. Nghĩa của hai chữ “như thị” mà trong kinh nói, ý chỉ đích thân được nghe Phật nói như thế. Nói như vậy để tránh cái lỗi thêm bớt. Cũng vì muốn làm cho chúng sinh sinh lòng ham thích mà tu học theo.
Sau đây chính thức giải thích hai chữ “như thị”. Luận Phật địa ghi: hai chữ “như thị” được giải thích theo bốn cách khác nhau.
- Giải thích bằng cách nêu thí dụ. Có người nói: “Giàu sang như thế giống như Tỳ-sa-môn”. Những pháp được lưu truyền, được nghe như thế giống như những gì Phật đã nói, nhất định không có sai khác, nhất định là vì lợi lạc mà bày ra cách như vậy. Hoặc những điều sẽ nói đây, tất cả văn như thế hoàn toàn giống với những gì thuở xưa ta từng nghe.
- Giải thích bằng cách dạy bảo. Như có thuyết nói: “Ông nên đọc tụng kinh luận như thế”. Trong trường hợp này hai chữ “như thị”, xa là chỉ lời Phật dạy, gần là chỉ lời khuyên của người truyền pháp.
- Căn cứ vào lời giải đáp mà lập “như thị”. Nghĩa là vì có người hỏi: “Có phải những điều ông sắp nói đây chắc xưa kia ông đã từng nghe rồi”? Ngay lúc ấy, người kia đáp rằng: “Vâng! Tôi đã nghe như thế”.
- Căn cứ vào lời hứa mà lập “như thị”: Nghĩa là có người hỏi: “Tôi sẽ vì anh nghĩ như thế, làm như thế và nói như thế. Nghĩa là lúc kết tập các vị bồ-tát cùng thỉnh. Ông nghe thế nào nên nói thế ấy. Lúc ấy, bồ-tát truyền pháp liền nhận lời thỉnh cầu ấy. Vâng! Tôi sẽ nói đúng như vậy. Tôi sẽ nói như những gì tôi đã nghe. Hoặc xác nhận: “Việc ấy như thế!”. Nghĩa là pháp như thế tôi đã từng nghe. Việc ấy như thế, ở đây sẽ nói. Nhất định không có sai khác. Vì bốn nghĩa như vừa nêu nên đầu đề mỗi bộ kinh đều có bốn chữ “Như thị ngã văn”.
Ngài tam tạng Chân Đế có dẫn lời: “Trong luật Vi tế ghi: Lúc tôn giả A-nan lên tòa kết tập pháp tạng, thân tôn giả như chân thân của Phật, cũng có đầy đủ các hảo tướng. Khi xuống toà thân tôn giả trở lại như cũ. Xem truyện kết tập tạng pháp cũng thấy có nhắc đến việc này”. Cũng chính vì chuyện này mà đã khiến cho nhiều người đưa ra giả thiết rằng:
Thứ nhất, họ cho rằng: Đức Phật là bậc đại bi, Ngài đã từ niết-bàn trở dậy và nói lại diệu pháp.
Thứ hai, họ ngờ rằng, có một Đức Phật từ một thế giới khác đến cõi này thuyết pháp.
Thứ ba, họ ngờ rằng, tôn giả A-nan chuyển thân thành Phật vì chúng nói pháp.
Nay trình bày giáo pháp được Đức Phật nói như thế, mà khi xưa tôn giả A-nan hầu Phật đích thân nghe được; chứ chẳng phải Đức Phật từ trong niết-bàn trở lại nói, chẳng phải có Đức Phật nào từ thế giới khác đến nói, cũng chẳng phải do tôn giả A-nan chuyển thân thành Phật nói. Vì để phá trừ những nghi ngờ như trên nên đầu đề mỗi kinh đều nói “Như thị ngã văn”. Hơn nữa, diễn tiến các lần kết tập pháp, đều có chép lại trong tạng, như trên đã giải thích nhiều lần. Hai chữ “ngã văn” là bồ-tát truyền pháp tự nói về mình. Pháp như thế đích thân ta nghe từ Phật. Cho nên gọi là “ngã văn”. Chứ chẳng phải nói ngã là chỉ cho một người cố định. Ngã nói ở đây chính là chỉ cho các uẩn. Ngã là cách nói thông thường ở thế tục. Ngoài ra còn có ba quan niệm khác nhau về ngã.
Thứ nhất, chấp ngã một cách hư vọng: đó là các học thuyết v.v… vọng chấp có ngã.
Thứ hai, tạm bày ra cái ngã: đó là một trong bốn đức “thường, lạc, ngã, tịnh” trong kinh Niết-bàn tạm đưa ra để phá trừ cái tâm điên đảo của hàng Nhị thừa.
Thứ ba, ngã do người đời thường nói: đó là người đời tuyên truyền nhau rằng Thiên thọ, Tư thọ v.v…
Nay người truyền pháp thuận theo quan niệm thế gian mà tự chỉ mình gọi là ngã.
Hỏi: Nếu như thế tại sao không xưng tên “A-nan tôi” mà nói là “ngã văn”?
Đáp: Vấn đề này có ba nghĩa:
- Thứ nhất, trình bày chủ trương không trái với đời. Dù trình bày chân tông nhưng vẫn không trái với lý thế tục. Dù trình bày ngôn ngữ diệu dụng nhưng vẫn không trái với uớc muốn bình thường. Dù trình bày chân đế nhưng vẫn không trái với tục đế.
- Thứ hai, ngã có nghĩa là chủ tể tự tại. Trong truyện kết tập pháp tạng kể lại có ba vị cùng tên là A-nan. Ngài thứ nhất là A-nan-đà, Trung Quốc dịch là Khánh Hỉ; ngài này giữ tạng Thanh văn. Ngài thứ hai tên là A-nan-bạt-đà, Trung Quốc dịch là Hỉ Hiền, ngài này giữ tạng Độc giác. Ngài thứ ba tên là A-nan-già-la, Trung Quốc dịch là Hỉ Hải, ngài này giữ tạng bồ-tát. Tuy nói là có ba người đồng tên là A-nan, thật chất chỉ là một người nhưng tùy theo công năng giữ gìn tạng pháp mà mỗi người gọi mỗi tên khác. Do đó, gọi tôn giả A-nan là người nghe nhiều; nghe và giữ được điều mình nghe. Những gì tôn giả A-nan nghe và tích tập được đều có đầy đủ ba tuệ (văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ). Tôn giả giữ cả văn lẫn nghĩa. Đối với ba tạng giáo tôn giả có năng lực gìn giữ tự tại. Cho nên, nếu xưng tên tuy là thuận với chính lý nhưng đối với các pháp không đạt được nghĩa tự tại. Do đó, nói “Ngã” mà không nói A-nan.
- Thứ ba, chữ “ngã” có nghĩa là đích thân. Như người thế gian thường hay nói với nhau: “Tôi thấy, tôi nghe”. Ở đây ý nói đích thân chứng kiến. Cho nên, nếu nói A-nan nghe, thì sẽ có sự ngộ nhận, vì có thể có người cho rằng: Hoặc chẳng phải do đích thân A-nan nghe mà có thể do người khác truyền lại. Nay nhấn mạnh đích thân tôn giả A-nan nghe Thế Tôn nói pháp chứ chẳng phải nghe lại từ người khác, là để phá lưới nghi của mọi người; vì thế không xưng tên (không nói A-nan nghe) mà chỉ nói “ngã văn”.
Nghe nghĩa là nhĩ căn phát sinh thức và tiếp nhận âm thanh. Nay người sớ giải bỏ chữ “nhĩ” chỉ nêu chữ “ngã”, đây là nói một cách tổng quát, cho nên gọi “ngã văn”.
Mặc dù theo tư tưởng của Đại thừa cho rằng căn, thức tâm, cảnh sở đối hòa hợp với nhau mới gọi là văn. Nhưng căn có năm đặc điểm vượt trội hơn thức v.v… nên căn gọi là Văn. Nếu chỉ nghe âm thanh thì nhất định là nghe bằng tai. Nhưng nếu đã nương vào văn nghĩa thì chủ yếu là do ý. Cho nên luận Du-già ghi: Văn (nghe) có nghĩa là so sánh. Sở dĩ gọi tai nghe là vì đích thân nghe được âm thanh và kết hợp với ý làm cửa. Nhờ đó ý mới nghe được, vì thế cho rằng tai và ý là văn. Tai và ý huân tập chung tại ngã, do đó hình thành sự nghe và vì vậy gọi chung là văn. Vì không nói “nhĩ” riêng hoặc “ý” riêng mà nói chung cả hai lại thành một, nên gọi là “ngã văn”.
Hỏi: Khi ấy, tôn giả Khánh Hỉ không những chỉ nghe Thế Tôn thuyết pháp mà tôn giả còn đích thân thấy, biết, hay Thế Tôn thuyết pháp; vì sao chỉ nói “ngã văn” mà không nói “ngã kiến, ngã giác, ngã tri”?
Đáp:Việc này có ba lý do. Thứ nhất, muốn chứng được nghĩa lý thâm sâu thì điều quan trọng là trước tiên phải nghe pháp. Vì chỉ có danh, cú, văn mới trình bày nghĩa lý của giáo pháp, cho nên chỉ nói ngã văn mà không nói ngã kiến, ngã giác, ngã tri. Nếu nói kiến, giác, tri thì phải đề cập đến sắc, thanh, hương.
Thứ hai, ở cõi Ta-bà này lấy âm thanh làm Phật sự. Mà giáo pháp là chỗ y cứ nên cần phải có danh, cú và văn.
Thứ ba, muốn chứng vào địa vị bồ-tát thì điều quan trọng là cần phải nghe và huân tập. Nhờ nghe và huân tập mà thành tựu quả vị xuất thế. Chính vì ba lý do vừa nêu mà đầu các bộ kinh đều không ghi ngã kiến, ngã giác, ngã tri mà đồng nhất ghi “ngã văn”. Nhưng căn cứ vào sự thật thì lúc ấy tôn giả A-nan thật có thấy, hay, biết đức Thế Tôn thuyết pháp. Ngoài ra, chư Phật ở các cõi nước khác dùng ánh sáng v.v… để làm phật sự. Do vậy cũng tuỳ theo phương tiện giáo hóa của từng đức Thế Tôn, từng cõi nước mà cũng có thể nói là ngã kiến, ngã giác, ngã tri. Nhưng chỉ riêng các thời pháp Thế Tôn nói ở cõi Ta-bà này khi thuật lại chỉ nói “ngã văn”.
Lời kinh: “Nhất thời. Nghĩa là một thời”.
Lời tán :
6.2.1.1.Thời gian thuyết pháp
Phần này chia làm hai thời thuyết giáo. Thứ nhất, nói về thời đạo lý. Trong thời này người nói và người nghe dù cùng ở vào thời điểm hiện tại nhưng kỳ thật năm uẩn và các hành luôn luôn sinh diệt trong từng sát-na. Nay nói pháp hiện tại với mục đích giải thích những điều trước đã nêu và trình bày tiếp những gì ở sau sẽ nói. Nghĩa là lấy cái đáp lại đó tạm gọi là quá khứ. Lấy cái tiếp dẫn đó tạm gọi là vị lai. Trái với hai cái này gọi là hiện tại. Nhưng đời quá khứ và vị lai đều căn cứ vào pháp hiện tại mà giả lập nên. Tức ngũ uẩn và các hành của người nói, người nghe đều sinh diệt trong từng sát-na. Trước sau nối tiếp nhau và khi sự việc đạt đến chỗ cùng tột thì giả lập có ba đời mà gọi chung là nhất thời. Chứ đâu phải nhất thời của một lần sinh diệt.
Thứ hai, nói về thời duy thức. Trong thức tâm người nói, người nghe biến làm ba thời, vì thế mà tướng trạng phát sinh. Thực chất tướng trạng đó thuộc hiện tại nhưng tuỳ theo giới hạn của tâm mà cho là dài ngắn khác nhau, khi mọi việc kết thúc thì gọi chung là nhứt thời. Giống như những điều nằm mộng thấy tuy cũng sinh ra nhiều cảm giác nhưng chỉ do tâm biến hiện chứ hoàn toàn không phải cảnh thật. Trong tâm người nghe cho có ba thời cũng giống như vậy; cũng chỉ do tâm sở duyên. Những điều đó thuộc về bất tương ưng, hành uẩn, pháp xứ, pháp giới, cho nên không thể tách riêng ra, cũng không thể gồm chung lại trong bốn thời, tám thời. Nhưng vì căn tính của người nghe thuần thục cảm đến Phật, Phật mới vì họ mà nói pháp. Còn người nói vì lòng từ bi ứng với căn cơ mà nói. Khi việc nói nghe chấm dứt thì gọi chung là nhứt thời.
Lời kinh: “Phật”.
Lời tán:
6.2.1.2. Chủ thuyết giáo
Tiếng Phạn gọi là Phật-đà, Trung Quốc gọi tắt là Phật. Là đấng giáo chủ có đầy đủ trí tuệ. Đời Đường dịch là Giác giả. Chữ “giác” có ba nghĩa. Thứ nhất, tự giác, có nghĩa là vượt trội hơn hàng phàm phu. Vì hàng phàm phu không thể tự giác ngộ được. Thứ hai, giác tha, có nghĩa là vượt trội hơn hàng Nhị thừa. Vì hàng Nhị thừa không làm cho người khác giác ngộ. Thứ ba, giác hạnh viên mãn, có nghĩa vượt trội hơn các Bồ-tát. Vì hàng Bồ-tát dù cũng tu hai hạnh tự giác và giác tha nhưng chưa được viên mãn.
Luận Phật địa ghi: “Người có đầy đủ nhất thiết trí và nhất thiết chủng trí thì không những có thể tự giác mà còn có thể làm cho tất cả hữu tình được giác ngộ như mình. Giống như đang mộng bỗng tỉnh giấc, như hoa sen nở, cho nên gọi là Phật”.
Theo các kinh tiếng Phạn phần nhiều đều gọi đức Bổn Sư là Bạt-già-phạm. Đức Phật dạy đặt chữ Phật lên đầu mỗi bộ kinh vì mỗi một chữ Phật này không thôi cũng đã hàm chứa tất cả các đức rồi. Còn chủ ý của người phiên dịch thì muốn giữ lại sự ngắn gọn. Nhưng cũng tuỳ lòng kính ngưỡng của từng địa phương mà cũng có nơi gọi nguyên tên của Đức Phật .
Hỏi: Đức Phật có ba thân,[28] ở đây gọi là Phật. Vậy Phật được nói trong kinh này thuộc thân nào?
Đáp: Thứ nhất, theo quốc độ, căn cơ, như đối với hàng Thanh văn cho đó là Hóa thân Phật. Thứ hai, theo văn, theo lý mà dạy hàng Bồ-tát thì đó là Báo thân Phật. Thứ ba, đối với những trường hợp căn tính không đồng nhau thì Phật tuỳ đó hiện cả Báo thân lẫn Hóa thân. Ví dụ như, khi Đức Phật nói câu: “Thành Vương-xá, đỉnh Linh Thứu, đến kiếp Tận lửa sẽ đốt cháy hết”. Lúc nghe Phật nói câu này tôn giả Xá-lợi-phất thấy thân Phật là Hóa thân. Còn khi nghe câu: “Cõi nước của ta an ổn tồn tại vĩnh viễn”, ngay lúc ấy bồ-tát Văn Thù thấy thân Phật là Báo thân. Ngoài ra trưởng giả Cù-sư-la thấy thân Phật cao ba thước mà phát tâm tin Phật. Năm trăm người bà-la-môn chỉ thấy tro thân của Phật mà phát lòng tín ngưỡng. Vô lượng chư bồ-tát trong thế giới mà còn thấy Phật có thân. Hàng nhị thừa thấy thân Phật cao một trượng sáu nhưng vẫn còn có hạn lượng.
Nay nói sự tôn quý của đấng giáo chủ đã như vậy thì nhất định giáo pháp cũng rất thù thắng. Sở dĩ phải nói giáo chủ trước là vì muốn làm cho lòng tin chúng sinh phấn khởi.
Lời kinh: “Trong vườn của ông Cấp-cô-độc, cây của thái tử Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ”.
Lời tán:
6.2.1.3. Địa điểm giáo hóa
Tiếng Phạn đọc là “Thất-lợi-la-phiệt-tất-để”. Nói “Xá-vệ” là người Trung Quốc phiên âm sai hoặc là cách nói tóm gọn. Đây chính là tên của một kinh đô nước Kiều-tát-la thuộc nước Ấn độ. Vì để phân biệt với “Bố-kiều-tát-la” nên lấy kinh đô là tên nước.
Kinh Kim cương Bát-nhã ghi: “Có hai anh em nọ ở thành Xá-ba-đề, họ ở đó tu tập tiên đạo sau đắc quả, vì việc này mà thành ấy có tên là thành Xá-bà-đề”. Theo cách chú giải mới thì nên gọi là thành Phong Đức. Có bốn nguyên nhân mà gọi là thành Phong Đức.
Thứ nhất, vì thành này có tài vật phong phú. Thứ hai, là một nơi có phong cảnh đẹp. Thứ ba, nhiều người đa văn (tài giỏi). Thứ tư, là nơi có nhiều bậc tu hành giải thoát. Vì một nước có đầy đủ bốn đặc tính như vậy nên lấy hiện tượng đó làm tên nước.
Hai chữ “Kỳ thụ” nên gọi là “Thệ-đa-lâm Nếu nói “Kỳ thụ” là sai. Nguyên chữ “Thệ-đa-lâm” có nghĩa là “Chiến thắng Đây chính là tên của thái tử. Nguyên là khi thái tử ra đời, thì cũng vừa lúc ấy có nước oán giặc láng giềng kéo đến xâm lược, và vì nước chủ nhà đánh thắng nên nhân đó lấy sự kiện ấy đặt tên cho thái tử là “Chiến Thắng
Cấp-cô-độc chính là trưởng giả Tô-đạt-đa, Trung Quốc dịch là Thiện Thí. Thiện Thí là người nhân từ và thông minh, ông hay tích chứa tài sản nhưng cũng thường bố-thí. Ông giúp đỡ cho những người nghèo thiếu và cưu mang những người neo đơn. Người thời bấy giờ đều khen ngợi đức độ của ông và gọi là Cấp-cô-độc.
Vua Bát-thứ-tê-na-đặc-đặc, mà theo cách dịch xưa gọi đó là vua Ba-tư-nặc. Trung Quốc dịch là Thắng Quân. Tô-đạt-đa là đại thần của vua Thắng Quân.
Khi Phật còn ở Ma-kiệt-đà chưa đến Xá-vệ, có lần trưởng giả Cấp-cô-độc đến thành Vương-xá cưới vợ cho con. Bấy giờ, có một ông trưởng giả chuẩn bị thiết trai thỉnh Phật đến nhà để cúng dường. Trưởng giả Thiện Thí hỏi nguyên nhân vì sao thỉnh Phật. Trưởng giả kia trình bày tận tường việc thỉnh Phật. Lúc ấy, trưởng giả Thiện Thí nghe nói Phật có đức độ sâu dày ông sinh tâm vui mừng. Khi đó Đức Phật đang cư ngụ tại núi Linh Thứu, cách chỗ trưởng giả Thiện Thí hơn năm mươi dặm, từ xa Ngài phóng hào quang chiếu lên người Thiện Thí. Thiện Thí lần theo ánh sáng ấy, đi tìm Đức Phật. Từ xa ông nhìn thấy đức Thế Tôn. Khi trông thấy Thế Tôn lòng ông vừa mừng vừa tủi như con gặp được cha. Rồi trưởng giả Thiện Thí lần theo ánh sáng tiến gần đến chỗ Phật hơn, nhưng trên đường đi ông gặp một cái miếu thờ trời[29], ông vào miếu lễ bái, thì liền khi ấy ánh hào quang của Phật tự nhiên biến mất. Thiện Thí lấy làm hối tiệc thì ngay lập tức ánh hào quang sáng chiếu trở lại. Rồi ông lại tiếp tục theo ánh sáng tìm đến chỗ Phật và thỉnh Phật. Ông thưa: “Xin Đức Phật sang nước con để giáo hóa những người có duyên, sao Ngài chỉ giáo hóa ở nước này?” Nghe vậy, Phật liền nhận lời đến nước Ma-kiệt-đà giáo hóa. Ngài liền sai tôn giả Xá-lợi-tử đến trước để chọn địa điểm. Phật nói người xuất gia phải ở nơi vắng vẻ. Ở Phong Đức người đông đúc, ồn náo, trong thành thì nhỏ hẹp; chỉ có vườn của thái tử Thệ-đa cách phía nam thành vuông vứt mười dặm hơn năm, sáu dặm là nơi thích hợp nhất. Ở đó vắng vẻ, cảnh trí thoáng đãng, cây cối, hoa cỏ sum sê, có thể xây dựng già-lam ở đó. Thiện Thí nghe Phật nói, ông liền hỏi mua khu vườn ấy. Thái tử không chịu bán vườn, nhưng thái tử lại nói đùa: “Nếu ông có thể rải vàng hết đất, cao năm tấc thì tôi sẽ bán vườn ấy cho ông”. Trưởng giả Thiện Thí liền chấp nhận điều kiện của thái tử, nhưng thái tử cho đó là lời nói đùa nên thái tử một mực từ chối không chịu bán. Vì thế Thiện Thí phải nhờ người phân xử. Bấy giờ, trời Tịnh Cư sợ có người làm trở ngại trưởng giả Thiện Thí, ông liền hóa thân làm người phán quyết và phán xử cho trưởng giả Thiện Thí thắng. Thiện Thí thắng kiện liền cho người lát vàng lấy đất. Người của trưởng giả lát còn thiếu năm trăm bộ nữa mới đủ mười dặm thì đã hết một kho vàng, sứ giả đến báo với ông. Trưởng giả Thiện Thí suy nghĩ nên lấy vàng ở kho nào để lát tiếp. Thái tử thấy vậy cho là trưởng giả đã hối tiếc. Thái tử khuyên trưởng giả Thiện Thí có thể rút vàng lại và trả đất cho thái tử. Nhưng trưởng giả Thiện Thí nói: “Lòng tôi chưa hề hối tiếc Thái tử biết lòng thành khẩn của trưởng giả, vì thế ông cũng phát tâm thù thắng. Thái tử suy nghĩ: “Cái mà con người quý trọng nhất là vàng bạc, châu báu; vậy mà ông trưởng giả này lại trút hết kho vàng ra mua đất để tạo lập tăng phòng, còn ta thì không thiếu thốn thứ gì, sao lại không kiến lập tăng xá Nghĩ vậy rồi ông xin lại phần đất mà trưởng giả đã lát vàng trước để lập tăng xá, nhưng Thiện Thí vẫn không bằng lòng. Thái tử nói với trưởng giả: “Trước kia ta chỉ hứa đổi đất lấy vàng chứ không nói đến cây cối trong vườn; vậy thì, đất là của ông còn cây của tôi. Từ đó hai người cùng nhau xây dựng hoàn thành tinh xá Kỳ-viên và đồng cúng dường Phật và chúng tăng làm nơi sinh hoạt. Hàng ngoại đạo ganh tị tâu với vua việc làm của thái tử.
Bởi vì tiếng tăm của Phật vang dội nên làm phần tài lợi của sáu phái triết học[30] bị tổn giảm. Và từ đó cả nước đều kính trọng đạo Phật.
Về sau, Đức Phật đến tinh xá Kỳ-viên Ngài dạy tôn giả A-nan: “Đất ở tinh xá Kỳ-viên này do trưởng giả Thiện Thí mua, còn cây trong vườn này do thái tử Kỳ-đà cúng; hai người đồng lòng làm phúc”. Từ nay trở về sau phải gọi nơi đây là: “Vườn của Cấp-cô-độc và rừng của thái tử Thệ-đa”. Vì thế việc lát vàng mua đất phát sinh từ đó.
Lời kinh: “Cùng với chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị cùng có mặt”.
Lời tán:
6.2.1.4. Đối tượng làm căn cơ
Phần nói về căn cơ này chia ra làm bốn thành phần riêng biệt.
Thứ nhất, hiển như lai ý. (Trình bày nguyên nhân).
Thứ hai, chương quyền thật. (Phân chia Quyền và Thật).
Thứ ba, định đa thiểu. (Xác định số chúng nhiều hay ít).
Thứ tư, minh thứ đệ. (Phân định cấp bậc).
- Thứ nhất, về phần nguyên nhân nói pháp lại có hai ý nhỏ khác nữa. Một, để củng cố lòng tin, nên trước tiên nói về người nghe pháp. Từ đó giúp cho việc tôn giả Khánh Hỉ được nghe pháp do chính Đức Phật nói ra là điều đáng tin. Vì như đoạn trên đã nói, khi nói chính đích thân tôn giả A-nan nghe Đức Phật nói Pháp thì trong chúng có ba điều nghi ngờ. Nay xác định có nhiều người cùng nghe để minh chứng cho lời thuật của tôn giả A-nan rất là đáng tin.
Hai, chứng minh đặt tính của kinh. Giống như trời Đế-thích thì có các trời quây quanh. Đại-phạm-thiên vương thì có phạm chúng quây quanh v.v... Nay nói bậc pháp vương thì có thánh chúng quây quanh.
- Thứ hai, phân chia quyền và thật. Như trong luận Phật địa có ghi: “Khi Phật hiện hóa thân thuyết pháp ở cõi uế thì lấy hàng Thanh văn v.v… là Thật, hàng Bồ-tát là Quyền. Nhưng khi Phật hiện Báo thân thuyết pháp ở cõi tịnh thì hàng Bồ-tát là Thật, hàng Thanh văn v.v… là Quyền. Nay kinh này được nói ở cõi uế thì nhất định hàng Bồ-tát là Quyền, hàng Thanh Văn là Thật
- Thứ ba, xác định số chúng nhiều hay ít. Đầu tiên nói có năm chúng. Một là chúng có đạo hạnh tôn quý cao tột. Hai là chúng có lòng thương rộng lớn. Ba là chúng chư thiên thích pháp. Bốn là loài người ở cõi Dục. Năm là chúng A-tu-la. Trong đó ba chúng đầu sẽ được nêu ra ở đây, còn hai chúng sau sẽ nói rõ ở sau.
Hỏi: Tại sao ở các kinh khác có nêu đủ tám bộ chúng[31] còn kinh này chỉ nói có năm chúng?
Đáp: Vì kinh này khuyên người cầu sinhvề Tịnh độ. Ở đó cảnh trí thù thắng, đất đai tuyệt diệu, ngoài bậc thượng đức, thượng hiền, các chúng khác không thể tin biết và ghi nhận được. Vì thế chỉ nêu năm chúng mà không nói đến các chúng khác.
- Thứ tư, nói về cấp bậc. Đầu tiên nêu hai chúng Thanh văn và Bồ-tát. Đây là hai chúng nội hộ. Tiếp theo là nói chúng Đế-thích. Là chúng ngoại hộ. Mặt khác trong chúng nội hộ lại nói chúng Thanh văn trước, chúng Bồ-tát sau.
Luận Phật địa có bốn cách giải thích:
Một, hình tướng không giống nhau. Như hàng Thanh văn xuất gia thì hình tướng giống như chư Phật, còn hàng Bồ-tát không giống như vậy.
Hai, chỗ ở có gần, xa khác nhau. Như hàng Thanh văn thì sống gần Phật, còn hàng Bồ-tát ở xa Phật.
Ba, giới đức sai biệt. Như hàng Thanh văn thì giữ giới của người xuất gia, còn hàng Bồ-tát giữ giới khác, vì hàng Bồ-tát tuỳ mỗi loài chúng sinh mà sinh chung với họ để giáo hóa.
Tư, vì muốn cho hàng Bồ-tát không còn xem thường Thanh văn.
Mặt khác, trong phần nói về đạo hạnh tôn quý, cao thâm lại chia làm ba. Đầu tiên nêu ra thành phần và số lượng; kế đến là khen ngợi đức độ và cuối cùng nêu tên. Đây là đoạn đầu của bộ kinh. Tức là đoạn “Dữ đại Tỳ-kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu”.
Chữ “dữ” đồng nghĩa với các chữ “kiêm, cộng, tịnh, cập”, đều có nghĩa là cùng với.
Ngài Long Thọ giải thích chữ “đại” gồm có năm nghĩa:
Một, số đại: vì có đến một nghìn hai trăm năm mươi vị nên gọi là đại.
Hai, ly đại: nghĩa là cái chướng lớn đã đoạn trừ.
Ba, vị đại: vì quả vị A-lan-hán là quả vị lớn nhất của hàng Thanh văn.
Bốn, danh đại: tiếng tăm của các vị này vang xa.
Năm, thức đại: bậc đại nhân được nhiều người biết đến.
Hai chữ “bí-sô” là phiên âm từ tiếng Phạn. Trung Quốc dịch “tỳ-kheo”, là sai. Vì nguyên chữ “bí-sô” có tới năm nghĩa. Vì thế nếu chỉ dịch là “tỳ-kheo” thôi thì không hết nghĩa của chữ “bí-sô”, do đó không nên dịch.
Năm nghĩa đó là:
Một, gọi là bố ma: vì lúc mới xuất gia thì cung điện của ma chấn động.
Hai, gọi là khất sĩ: vì từ khi đã xuất gia rồi chỉ lấy việc xin ăn để tự nuôi sống bản thân.
Ba, gọi là giữ giới thanh tịnh: vì khi gia nhập vào số tăng thì phải giữ giới.
Bốn, gọi là tịnh mạng: nghĩa là khi đã thụ được giới pháp thì đối với hành động ba nghiệp phải lấy vô tham làm nền tảng, không được nương theo tham tà mà nuôi sống.
Năm, gọi là phá ác: dần dần nương theo thánh đạo mà diệt trừ những phiền nào tà ác.
Hoặc gọi trùng với tên một loài cỏ, vì có ý ví các đức của Tỳ-kheo như năm đức của loại cỏ, cho nên gọi là “Tỳ-kheo”.
Chữ “chúng” chỉ cho tăng chúng. Lý và sự hòa hợp gọi là chúng. Nhưng từ ba người trở lên mới được gọi là Tăng. Vì lúc ấy có mặt đầy đủ một nghìn hai trăm năm mươi vị cùng đi đến Kỳ-viên, nên gọi là Chúng.
Lời kinh: “Đều là các bậc đại A-la-hán, mà mọi người quen biết”.
Lời tán:
6.2.1.5. Khen ngợi tài đức
Theo cách dịch mới của Đại Bát-nhã và theo cách dịch cũ trong luận thì phần khen ngợi tài đức này có tổng cộng mười sáu câu. Nhưng ở đây chỉ nêu ra có bốn câu: “Đều là A-la-hán đã dứt trừ hết tất cả lậu hoặc. Không còn phiền não. Đạt được tự tại chân thật v.v…”. Trong kinh này thì đây là câu đầu tiên.
A-la-hán là cách nói trong luận duy thức, Trung Quốc dịch là “ứng”. Chữ “ứng” này có tất cả ba nghĩa. Một, xứng đáng là bậc đã vĩnh viễn đoạn trừ giặc phiền não. Hai, xứng đáng lãnh thụ nhận sự cúng dường của tất cả trời và người. Ba, xứng đáng là bậc không còn chịu sự chi phối của phần đoạn sinh tử.
Chúng sở tri thức giả: có nghĩa là được nhiều người biết đến. Vì các ngài là những người tiếng tâm lẫy lừng, tài đức siêu quần nên mọi người ai cũng biết.
Lời kinh: “Trưởng lão Xá-lợi-phất, Ma-ha-mục-kiền-liên”.
Lời tán:
6.2.1.6. Nêu tên
Trong phần này lại chia làm hai mục. Thứ nhất là nêu tên; thứ hai là tổng kết. Câu “các vị đệ tử lớn như thế v.v…” là câu tổng kết.
Trong phần nêu tên chia làm tám đôi. Mỗi đôi gồm có hai vị, tiêu biểu cho hai đức tính đôi khi gần như trái nghịch nhau.
- Thứ nhất, hai vị nội trí, ngoại thông
Phàm là đệ tử Phật mà có đủ hai điều kiện sau đều gọi là trưởng lão. Một, là người có tuổi đời cao, tuổi hạ lớn. Hai, là người học rộng, hiểu sâu.
Tiếng Phạn gọi là “Xá-lợi-phất-đát-la”, Trung Quốc dịch là “Xuân Anh” hay còn gọi là “Thu Điểu Nguyên chữ “Phất-đát-la”, Trung Quốc dịch là “tử”. Nhưng chắc có lẽ do dịch sai, hoặc vì nói gọn nên chỉ gọi là “Xá-lợi-phất
Tương truyền rằng, khi mẹ tôn giả chưa có mang thì bà nói năng vụng vờ, biện luận hời hợt; lần nào biện luận với người anh là Câu-hi-la bà cũng thua cuộc. Nhưng từ khi có mang tôn giả bà tự nhiên nói năng hoạt bác, biện luận sắc bén, luôn chiếm phần thắng trước người anh. Vì bà biện biệt tài ba nên gọi là “Xuân Anh Xuân Anh ngày nay gọi là con chim có trăm cái lưỡi.
Vì tôn giả được mẹ sinh nên gọi là con. Do đó, tôn giả còn có tên khác là “Thu Tử Nghĩa là con của bà Thu.
Tôn giả thuộc dòng dõi đại bà-la-môn. Cha tôn giả là người tài ba lão luyện, học rộng hiểu nhiều, nghiên cứu tinh tường. Tất cả những kinh điển, sách vở thời đó đều nghiên cứu hết.
Tương truyền, một hôm mẹ tôn giả nằm mộng và kể lại với cha tôn giả rằng: “Đêm qua thiếp nằm mộng, thiếp mộng gặp một dị nhân, mình mặt áo giáp, đầu đội mũ sắt, tay cầm chày kim cang, đập nát các ngọn núi rồi chạy đến đứng dưới một ngọn núi”.
Cha tôn giả nghe xong, nói với vợ: “Đó là mộng lành! Sau này nàng nhất định sẽ sinh được một nam tử, trí tuệ hơn người, đánh đổ tất cả các luận sư, phá vỡ luận thuyết của họ; trí tuệ của nó chỉ thua một người và nó sẽ làm đệ tử của Phật”.
Quả nhiên không lâu sau bà có mang. Và cũng từ đó bỗng nhiên bà thông minh lạ thường. Bà ứng đối nhanh nhẹn, sắt bén không một chút do dự.
Lúc tôn giả mới lên tám tuổi mà tiếng tăm đã vang khắp bốn phương, bản chất thật thà, tấm lòng rộng mở, bao dung. Tôn giả là người sớm dứt trừ phiền não, thành tựu trí tuệ. Vì thế gọi tôn giả Xá-lợi-phất là bậc “Nội trí
Hỏi: Có hơn một nghìn vị A-la-hán cùng có mặt ở Kỳ-viên thuở đó, tất cả đều đã chứng ba minh và quả A-la-hán, nhưng tại sao lại để tên tôn giả Thu Tử trước nhất?
Đáp: Bởi vì tôn giả Thu Tử là người biện tài hơn cả hàng tiểu thánh, trí tuệ hơn người thường; trong hội Linh Sơn tôn giả là người đầu tiên thỉnh Phật nói pháp; ở thành Xá-vệ tôn giả là người lãnh hội giáo pháp trước nhất. Vì lẽ ấy nếu để tên tôn giả trên hết thì có gì không phải?
Tiếng Phạn gọi là “Ma-ha-một-đặc-già-la”, dịch “Đại-mục-kiền-liên” là không đúng. Vì nguyên chữ “Ma-ha-một-đặc-già-la” Trung Quốc dịch là “Đại Thải Thúc Thị
Truyện kể lại rằng: Vào thời thượng cổ có vị tiên nhân sống trên một ngọn núi, vị ấy thường hái những loại đậu để làm thức ăn. Vì việc này mà mọi người cho tiên nhân họ là “Thải Thúc” (hái đậu). Mặt khác, vì mẹ tôn giả cũng họ Thái Thúc, do đó lấy họ mẹ mà đặt tên cho tôn giả. Tôn giả đã đạt được đại thần thông, vì để phân biệt với những người thấp kém cùng họ khác nên mới thêm vào họ của tôn giả chữ “Đại”, cho nên gọi là “Đại Thải Thúc
Tôn giả Thải Thúc và tôn giả Thu Tử kết bạn với nhau từ thuở nhỏ. Cả hai đều rất chán ghét đời sống thế tục, nhưng chưa có người để nương tựa tu tập. Vì thế, cả hai tôn giả tạm thờ ngoại đạo San-xà-da để học pháp. Hai tôn giả cho rằng, đây không phải là giáo lý rốt ráo; mỗi người chúng ta phải đi khắp nơi để tìm học pháp thù thắng hơn. Sau đó Thu Tử gặp được tôn giả Ma-đằng vào thành giáo hóa. Trông thấy tôn giả Ma-đằng phong thái thong dong tự tại, Thu Tử bèn tìm đến hỏi bằng cách nào để đạt được.
Thu Tử hỏi:
- Bậc đạo sư của Tôn giả là ai?
Ma-đằng đáp:
- Thích-ca Thế Tôn là thầy của tôi.
Thu Tử lại hỏi:
- Bậc đạo sư của tôn giả nói pháp gì, có thể nói cho tôi nghe được không?
Tôn giả Ma-đằng nhân đó nói lại bài kệ:
Các pháp từ duyên sinh
Các pháp từ duyên diệt
Phật Thích-ca thầy tôi
Thường dạy tôi như thế.
Thu Tử nghe rồi liền chứng sơ quả. Ngài tức tốc tìm gặp tôn giả Mục-liên nói lại bài pháp mới vừa nghe được; tôn giả Mục-kiền-liên sau khi nghe xong cũng chứng được sơ quả. Hai tôn giả cùng với hai trăm năm mươi người đồng tu đi đến chỗ Phật. Đến rồi tất cả đều xin theo Phật nghe pháp.
Thế Tôn bảo rằng: Bí-sô khéo đến đây! Hai trăm năm mươi người nghe Thế Tôn nói lời ấy rồi giới phẩm tự nhiên đầy đủ và dần dần tu tập chứng được quả vị A-la-hán.
Tôn giả này là người có thần thông bậc nhất, hiếu thảo không ai bằng. Ngài đã cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ đau ở địa ngục và giúp mẹ sinh lên trời. Cho nên gọi Tôn giả Mục-kiền-liên là bậc “Ngoại thông”.
Lời kinh: “Ma-ha-ca-diếp, Ma-ha-ca-chiên-diên”.
Lời tán:
- Thứ hai, hai vị khổ hạnh và biện tài
Hai chữ “Ma-ha” như trước đã trình bày. Hai chữ “ Ca-diếp” là họ của tôn giả. Tiếng Phạn đọc đủ là “Ca-diếp-ba”, Trung Quốc gọi tắt là “Ca-diếp Tôn giả là một tiên nhân phái Ẩm Quang, dòng dõi bà-la-môn.
Truyện kể lại rằng: xưa có một vị bà-la-môn tu chứng được quả tiên, thân thể phát ra ánh sáng vàng rồng lấn át cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Vì tôn giả thuộc dòng phái ấy nên lấy họ làm tên. Mặt khác, vì ánh sáng vàng rồng trên thân Ca-diếp lấn át cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng nên lấy đó làm hiệu.
Truyện phó Pháp tạng ghi: Vào thời quá khứ, sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi nhập niết-bàn hơn chín mươi mốt kiếp, bốn chúng đệ tử xây dựng ngôi tháp bằng bảy báu. Trong tháp ấy an trí một tôn tượng Phật bằng vàng, trên mặt tượng Phật bị xước một chấm nhỏ. Bấy giờ, có một người phụ nữ nghèo khổ sống bằng nghề xin ăn, nàng ta xin được mấy phân vàng, thấy mặt pho tượng bị xước nàng muốn tu bổ lại. Khi ấy, tôn giả Ca-diếp làm thợ bạc. Người nữ kia mang mấy phân vàng đến chỗ người làm tượng nhờ ông ta tu sữa lại vết trầy trên mặt tượng. Người làm tượng nghe chuyện phúc thiện này lấy làm hoan hỉ và bảo người nữ kia hãy nguyện điều gì đi! Người nữ kia nguyện rằng: mong sao đời đời kiếp chúng ta thường làm vợ chồng với nhau, thân thể có màu vàng rồng, luôn luôn được an lạc vui vẻ và thường tu phạm hạnh. Từ đó trở về sau suốt chín mươi mốt kiếp dù sinh vào cõi người hay cõi trời bà đều được thân sắc vàng rồng, sung sướng vô cùng. Thân sau cùng trước khi sinh xuống nhân gian, bà là Phạm thiên cõi trời thứ bảy. Bấy giờ, ở nước Ma-kiệt-đà có bà-la-môn tên là Ni-câu-luật-đà, vào thời quá khứ đã tu tập phúc thiện, nên đời nay sinh lại làm người trong dòng bà-la-môn thông minh, phúc lớn vô lượng, vàng bạc, thất bảo, trâu dê, ruộng vườn, tôi tớ, xe cộ, nhiều hơn vua Bình-sa gấp trăm nghìn lần. Nhà vua có một nghìn cái cày vàng; người bà-la-môn kia tự nghĩ nếu mình có số cày vàng bằng với vua e sẽ phải chuốt lấy tội vào thân, cho nên gia đình nhà bà-la-môn kia chỉ làm chín trăm chín mươi chín cái cày vàng. Nhà bà-la-môn có một nghìn tấm lụa vàng; tấm xấu nhất giá trị đến trăm nghìn lượng vàng. Ông còn có sáu mươi bồ hạt lật vàng, mỗi bồ bằng ba trăm bốn mươi đấu. Gia đình bà-la-môn ấy tuy giàu có nhưng lại không có con. Ở bên cạnh nhà họ có một cây thần, cây ấy rất linh, hai vợ chồng bà-la-môn khổ công cầu con cái nhưng cầu mãi không linh ứng gì. Bực mình họ thề rằng, từ nay đến bảy ngày sau chúng tôi tận tâm cầu cúng, nếu không có linh nghiệm gì thì nhất định thiêu đốt cây này! Thần cây nghe nói như vậy rầu lo và tâu với Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương nói với Đế thích, Đế thích xem xét khắp cõi Diêm-phù nhưng không thấy người nào có thể làm con của họ được. Bất lực, Đế thích đến chỗ Phạm Vương trình bày hết việc. Phạm Vương dùng thiên nhãn xem khắp nơi thì thấy có một Phạm thiên sắp qua đời. Phạm Vương đến khuyên Phạm thiên nên sinh xuống làm con của gia đình bà-la-môn kia. Phạm thiên nhận lời đến gá thai vào vợ người bà-la-môn kia. Đủ mười tháng bà ta sinh được một bé nam, mặt mày rạng rỡ, thân thể có sắc vàng thật, ánh sáng rừng rực chiếu sáng tới bốn mươi dặm. Bấy giờ, có vị thầy tướng đón rằng, đứa trẻ này có phúc nhiều đời trước, kiếp này nhất định sẽ xuất gia! Hai vợ chồng người bà-la-môn nghe thầy tướng nói vậy thì vô cùng buồn lo; họ nói chúng ta cầu con cốt để có người nối dõi dòng tộc, nếu nó xuất gia thì nhất định dòng họ sẽ bị tuyệt tự. Hai vợ chồng mới bàn với nhau: nên bằng cách gì để ngăn cản ý định xuất gia của nó. Họ lại tự nghĩ: cái mà người thế gian say đắm chính là sắc đẹp; vậy chúng ta hãy cưới vợ cho nó. Năm Ca-diếp lên mười lăm tuổi, cha mẹ định cưới vợ cho tôn giả nhưng tôn giả thưa cha mẹ: “Ý chí của con trong sạch không muốn cưới vợ Nhưng cha mẹ tôn giả không đồng ý. Tôn giả biết khó có thể tránh được việc kết hôn, nên ngài đã bày ra một kế. Tôn giả thưa với cha mẹ rằng: “Nếu cha mẹ có thể tìm được cho con một người nữ thân hình đoan chính và có ánh sáng vàng rực rỡ hơn người đời thì con sẽ cưới người đó làm vợ Nghe con mình nói, hai vợ chồng nhà bà-la-môn vui mừng khôn xiết, họ cho mời tất cả các vị tu sĩ bà-la-môn đi khắp nơi tìm người con gái giống như vậy. Các vị tu sĩ bà-la-môn đúc một pho tượng thần bằng vàng, tinh xảo vô cùng, họ mang tượng ấy đi khắp thôn làng và rao lớn rằng: “Nếu người nào ở trong nhà thấy tượng thần bằng vàng mà lễ bái thì sau xuất giá nhất định sẽ được chồng tốt. Bấy giờ, có một cô gái toàn thân có sắc vàng rồng, nết hạnh không ai bằng, nghe những vị tu sĩ bà-la-môn tuyên cáo như thế nàng ta liền đến lễ tượng thần. Khi ấy trưởng giả trông thấy cô gái ấy ông vui mừng không xiết kể. Ông liền cho đặt lễ và xin cưới cô gái ấy cho con mình như lời hứa. Nhưng khi đôi tân lang tân nương gặp nhau cả hai đều không ai khởi lòng ái dục. Cả hai giao ước với nhau, mỗi người ở một phòng riêng. Cha mẹ chàng biết được việc ấy liền cho người phá một phòng và buộc hai con phải ở chung một phòng. Ca-diếp nói với vợ: “Nếu ta ngủ thì nàng kinh hành và ngược lại Một hôm, đến lượt người vợ ngủ, nàng nằm duỗi cánh tay ra khỏi giường, khi ấy có con rắn độc vào phòng sắp cắn cánh tay của nàng. Ca-diếp thấy vậy lấy vải quấn tay và kéo tay vợ để lại chỗ cũ. Người vợ liền tỉnh giấc và trách chồng rằng: “Chúng ta đã nguyện cùng tu phạm hạnh, sao nay chàng lại đụng vào tay thiếp Ca-diếp hết lời phân trần nhưng người vợ không chịu nghe. Nàng nói: “Dù rắn độc cắn thân thiếp thì cũng chỉ làm cho thân thiếp khô một nữa thôi; còn nay chàng chạm vào tay thiếp sẽ làm cho chúng ta rơi vào ba đường
Hai vợ chồng rất nhàm chán cuộc sống ở thế gian. Một hôm hai vợ chồng thưa với cha mẹ xin xuất gia. Cha mẹ biết không thể làm thay đổi ý chí của con, cho nên họ bằng lòng cho cả hai đi xuất gia. Hai vợ chồng cùng đi đến chỗ Phật cầu xin xuất gia. Phật liền tiếp nhận cho hai người xuất gia và dần dần cả hai đều tu tập chứng quả. Tôn giả này có tấm lòng kiên quyết, trong sạch như ngọc và thân thể lóng lánh sắc vàng. Ngài là người tu hạnh đầu đà và thiểu dục tri túc không ai bằng. Tôn giả vẫn chưa nhập diệt, ngài nhận lời phó chúc của Phật giữ thân lại và đang nhập vào định Tam muội ở núi Kê-túc, để đợi khi khai hội Long Hoa ngài sẽ dâng y ca-sa lên cho Đức Phật Di-lặc. Cho nên gọi tôn giả là người Khổ hạnh bậc nhất.
Ca-chiên-diên, tiếng Phạn gọi là “Ma-ha-ca-da-diễn-na”, nếu chỉ nói “Ca-chiên-diên” là không đúng. Trong kinh Đại Bát-nhã gọi là: “Đại-ca-đa-diễn-na”. Trung Quốc dịch là: “Tiễn Thế Chủng Nam”. Tiễn Thế Chủng Nam là một họ của bà-la-môn.
Truyện kể rằng: “Vào thời thượng cổ có các tiên nhân, đã nhiều năm tu hành thanh tịnh ở trong núi, râu tóc quá dài nhưng không có người cắt. Theo pháp của bà-la-môn thì không cho phép tu sĩ tự cắt râu tóc. Trong số những vị tiên nhân đồng tu đó có một vị có con. Một ngày kia hai người con vị tiên nhân nọ đến thăm cha; người em đã cắt tóc cho các vị tiên nhân, vì vậy những vị tiên ấy đều hứa bảo hộ cho người em. Sau đó các vị tiên nhân kia thành tựu đạo tiên và người con của vị tiên nhân lại đến; các vị tiên nhân nhân đó đồng gọi là “Tiễn Thế Chủng Tôn giả là một người nam có oai đức và tôn quý. Vì để phân biệt với những dòng họ thấp hèn khác nên thêm vào trước họ của tôn giả chữ “Đại” thành “Đại Tiễn Thế Chủng Nam Ngoài ra người Ấn độ có tục lấy họ mẹ. Vì tôn giả lấy theo họ cha nên mới thêm chữ “Nam” vào tên gọi của tôn giả. Người xưa gọi là “Phiến Thằng Ý nói người mẹ thương mến đứa con này giống như sợi dây buộc cánh quạt.
Có thuyết kể rằng: “Thuở xưa tôn giả từng giới quét dọn chùa giúp cho hàng ngũ giới, cho nên nay mới có quả báo được thân đoan chính như thế
Một hôm tôn giả đi giáo hóa thì gặp vua Bát-tuất-đa, sững sờ trước vẻ đẹp đoan chính của tôn giả, nhà vua hỏi Thế Tôn nguyên nhân vì sao tôn giả có vóc dáng đẹp lạ như thế.
Thế Tôn trả lời: Tôn giả từng giúp hàng ngũ giới quét dọn nhơ uế nên nay mới được thân hình đoan chính như vậy. Vua nghe Thế Tôn nói liền phát tâm thù thắng. Tôn giả là người biện luận có một không hai. Cho nên gọi tôn giả là người luận nghị bậc nhất. Tôn giả này là người biện luận tan tác như sóng vỗ bờ, dáng vẻ sáng lạng như băng ngọc, có thể đem đuốc tuệ phá tan đêm dài tăm tối; lý luận, văn chương sắc bén bẻ gẫy chủ trương cả đạo sư của sáu phái. Cho nên gọi Tôn giả là người có tài biện luận.
Lời kinh: “Ma-ha-Câu-hi-la, Li-bà-đa”.
Lời tán:
- Thứ ba, hai vị ngộ không, tri huyễn
Ma-ha-cầm-sỉ-la, Trung Quốc dịch là Đại Tất. Nghĩa là cái đầu gối lớn. Nếu dịch “Câu-hi-la” là sai. Người này là cậu của tôn giả Xá-lợi-phất. Ông đã nhiều lần biện luận với mẹ tôn giả và đều bị thua; ông bực tức mới đi khắp nơi học đạo và cách biện luận. Khi học xong ông trở về nước thì người em đã già và đứa cháu của ông đã theo Phật xuất gia. Ông từ giả người em vào chùa tìm Phật để đàm luận. Đầu ông đội bồn lửa, thân mang lá sắt, tóc lông dài chấm đất, móng tay dài hơn một thước; ông kêu trăng gọi gió, đường đột đi vào pháp hội của Phật với lòng đầy kiêu ngạo; ông coi bên mình như không có ai. Vừa trông thấy Thế Tôn ông liền hỏi:
- Ông thâu nhận và dạy cháu tôi bằng pháp gì? Và ông yêu cầu Thế Tôn luận nghị với ông.
Thế Tôn hỏi:
- Ông lấy pháp gì làm tông?
Ông đáp:
- Tôi lấy “bất thụ nhất thiết pháp” làm tông.
Thế Tôn nói:
- Khi ông nói “bất thụ nhất thiết pháp” thì chính lúc ấy ông đã thụ rồi.
Dù ông đã bị thua nhưng tâm kiêu mạn vẫn còn. Biết vậy, Thế Tôn hiện sức thần thông, Ngài làm cho lá sắt đang mang trên người xiết chặt lấy thân ông ta và cái bồn lửa thiêu đốt đầu ông ta. Thất vọng ông cuối đầu chịu thua, hết lòng hối lỗi và xin theo Phật xuất gia. Đức Thế Tôn nói! Này Đại Tất khéo đến đây!
Sau khi cạo bỏ râu tóc, cắt móng tay, ông trở thành một vị tăng oai nghiêm, thung dung và chứng A-la-hán quả. Do tôn giả ngộ lý không mà chứng quả nên gọi tôn giả là Ngộ Không. Tôn giả này học thông tất cả các đạo thuật, xem hết kinh sách. Tôn giả biện luận như khuynh không, lời lẽ như quán ngọc. Chỉ một lời liền ngộ đạo, nhờ quán năm uẩn mà thấu được pháp không, nhưng vì thích cõi tịnh mà sinh trở lại, đến Kỳ-viên để nghe pháp. Vì thế mà gọi là Ngộ Không.
Tiếng Phạn “Ly-bà-đa”, Trung Quốc phiên âm là “Huyệt-lệ-đại-đa Dịch nghĩa là: “Thất Tinh”, có nghĩa là “Ngôi sao ở phương Bắc”. Vì cầu cúng ngôi sao này mà được con nên lấy tên ngôi sao đặt tên con. Hoặc gọi là Tuệ Tinh (sao chổi). Tuệ tinh là một ngôi sao xấu. Khi ngôi sao này xuất hiện thì cũng lúc ấy sinh được tôn giả nên lấy tên ngôi sao ấy đặt tên. Cho nên nếu phiên âm “Ly-bà-đa” là sai lầm. Hoặc còn gọi là “Giả Hòa Hợp”.
Luận Đại Trí độ ghi: “Có một người đi đường gặp mưa nên nghỉ lại qua đêm trong một miếu thần, đến khuya thì thấy có một con quỷ mang một xác chết vào và định ăn. Nhưng vừa lúc ấy lại có một con quỷ lớn hơn đến giành ăn với con quỷ kia. Con nào cũng cho mình mang xác đến. Nhưng con quỉ lớn có sức mạnh hơn, nó dựt lấy thay chết và ăn. Lúc ấy con quỷ nhỏ nói rằng, có người trên xà nhà thấy hết việc này, người ấy có thể làm chứng. Vì chứng kiến cảnh tượng lạ thường và vì hợ hãi người kia không dám nói sai; người kia xác nhận: ‘Xác chết này do con quỷ nhỏ mang đến’. Con quỷ lớn nghe lời nói ấy nó phát điên, chụp lấy người kia và tóm lấy một chân ăn hết cái chân ấy rồi bỏ đi. Con quỷ nhỏ cảm động trước lời làm chứng chân thật của người kia, nó đem một chân của xác chết ráp vào chỗ cái chân đã bị mất của người kia, thì ngay lập tức thân người kia hoàn phục như cũ”.
Chứng kiến việc ấy, người trú mưa kia tự nghĩ rằng: “Thân này thật là giả tạm”. Vì lý do đó, ông liền đi đến gặp Phật và hỏi:
- Sinh và tử là hai đường khác nhau; thân này và thân kia cũng khác nhau, tại sao có thể hợp hai thân lại thành một được
Thế Tôn đáp:
- Do tứ đại giả hợp mà có thân ngũ uẩn hoàn chỉnh này, vậy ngộ và hiểu điều gì?
Người kia vì thế mà tỉnh ngộ, xin theo Phật xuất gia và tu tập dần dần chứng được thánh quả. Tôn giả là người có tâm ngay thẳng, lời nói chân thật. Tôn giả khi ở trong miếu thờ thần vì chứng kiến cảnh ráp chân, đến khi gia nhập vào pháp hội của Phật ngộ được pháp vô thường; cho nên gọi là “Tri huyễn”.
Lời kinh: “Châu-lợi-bàn-già, Nan-đà”.
Lời tán:
- Thứ tư, hai vị xả ngu, ly tục
Châu-lợi-bàn-già, Trung Quốc dịch là: “Lộ Biên Sinh”. Dịch nghĩa tiếng Việt là: “Sinh Bên Đường”.
Truyệ kể lại rằng: “Thuở xưa, có người nữ con của một trưởng giả nọ lấy chồng phương xa, nàng ta có mang, theo tục lệ nàng phải về cố hương để sinh nở. Nhưng nàng đã sinh con trên đường trở về quê mẹ. Nhân đó đặt tên cho người con mình là ‘Lộ Biên Sinh’. (Sinh Bên Đường). Bà có hai người, người anh tên là Bàn-đã-già, người em tên là Châu-lợi- bàn-đà-già”.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: “Hai tôn giả này cha mẹ đều mất sớm, người anh theo Phật xuất gia và thành tựu thánh quả trước, sau đó người em mới xuất gia. Vì bẩm tính ngu muội, cho nên dù vào đạo đã lâu nhưng người em hoàn toàn không hiểu được gì cả.
Vì thế người anh mắng người em: ‘Em là đứa học trò già ngu dốt!’. Mắng rồi tôn giả đuổi em về nhà không cho tiếp tục đời sống xuất gia nữa. Người em bị anh mắng và đuổi về thì buồn tủi ra đứng trước cổng tinh xá khóc sướt mướt. Đức Phật thấy vậy mới cho người em ở lại trong tinh xá và dạy phải học thuộc hai chữ ‘Trửu Tảo’. Nhưng hễ tôn giả nhớ chữ ‘Trửu’ thì lại quên chữ ‘Tảo’. Sau đó bỗng nhiên tôn giả tỉnh ngộ và nói: ‘Trửu Tảo có nghĩa là trừ khử nhơ uế làm cho trong sạch’. Như vậy Thế Tôn dạy ta quét dọn sạch cấu uế phiền não trong thân Tôn giả do tư duy mãi hai chữ ấy mà chứng được thánh quả”.
Còn kinh Bách đệ tử bổn khởi ghi: “Thuở xưa Tôn giả này cỡi trên một con heo qua sông. Tôn giả đã dùng dây buộc miệng heo lại làm cho nó bị nghẹt thở, cho nên mới qua được giữa dòng thì con heo bị chết. Vì nhân ấy nay tôn giả mắc quả báo ngu muội. Nhưng nhờ có Thế Tôn chỉ dạy mới có thể dứt bỏ cái ngu muội, đạt được trí tuệ. Tôn giả này đời trước đã tạo nghiệp ác, đời nay mới trừ diệt được. Do Tôn giả biết được quét dọn có công năng làm cho phòng ốc sạch sẽ, và nhờ thấu hiểu được nguyên nhân có thân mà phát sinh trí tuệ đoạn trừ được ngu muội, nên gọi là ‘Xả ác’”.
Tiếng Phạn gọi là “Tôn-đạt-la-nan-đà”, Trung Quốc dịch là “Diễm Hỉ”. Cho nên nếu chỉ nói “Tôn-nan-đà” là sai.
Nguyên chữ “Diễm” là tên của người vợ. Chỉ cho người con gái có sắc đẹp và thân hình đoan chính không ai bằng, nên gọi là “Diễm”. Còn chữ “Hỉ” chính là tên của tôn giả, được dịch nghĩa từ chữ “Trạch-mục-ngư-nan-đa”. Sở dĩ gọi là “Diễm Hỉ” là vì ghép cả tên vợ và tên chồng lại với nhau.
Tôn giả là một đệ tử thân cận của Đức Phật, thân cao một trượng năm thước hai tấc. Đức Phật giáo hóa Nan-đà, làm cho ông ta từ bỏ sự quyến luyến trước sắc đẹp của người vợ. Phật đã dùng mọi cách để chỉ cho ông ta phân biệt thế nào là khổ, thế nào là vui. Nhờ thế ông mới chịu rời xa người vợ xuất gia và chứng thánh quả.
Tôn giả này khi trông thấy đức Thế Tôn ngồi trên đài hoa có tôn giả A-nan đứng ngay ngắn hầu hạ thì sinh tâm luyến tiếc đời sống sắc đẹp ở cung vua. Nhưng khi Đức Phật chỉ ra cái nhân ác ở địa ngục, từ đó ông hoảng sợ mới chịu hồi tâm; biết rõ tham dục là nguyên nhân đưa đến khổ đau; hiểu được háo sắc là đầu mối chuốc lấy tai hoạ; vứt bỏ vinh hoa, rủ sạch trần tục, cạo tóc, mặc y ca-sa, cho nên gọi là “Ly dục”.
Lời Kinh: “A-nan-đà, La-hầu-la”.
Lời tán:
- Thứ năm, hai vị đa văn, mật hạnh
Tiếng Phạn gọi là “A-nan-đà”, Trung Quốc dịch là “Khánh Hỉ”. Nếu chỉ nói “A-nan” mà dịch là “Hoan Hỉ” thì sai lầm vậy. Khi đức Thế Tôn thành đạo thì trong thành, ngoài thành đều vui mừng. Trong lúc mọi người đang vui vẻ như vậy thì tôn giả được sinh ra, cho nên gọi là “Hoan Hỉ”. Về sau tôn giả xuất gia tu hành và chứng thánh quả.
Trong luận thuật: “Thuở xưa, Tôn giả từng là một Trưởng giả rất giàu có, nhân cúng nước uống cho một sa-di đang tụng kinh và phát nguyện rằng: “Nguyện cầu cho khi sa-di này thành Phật và ta nguyện làm đệ tử đa văn của Đức Phật ấy, những pháp Đức Phật nói tôi đều có khả năng ghi nhớ, gìn giữ Vì thế, nay tôn giả trở thành người học rộng nghe nhiều (đa văn) là phù hợp với nguyện xưa.
Thân hình tôn giả này có ánh sáng vằng vặc như trăng mùa thu, tâm thể trong sáng như ánh sáng mặt trời. Tôn giả là người đọc lại toàn bộ Tam tạng trong kỳ kiết tập ở hang núi. Là người phân thân trên nước nhận lời thỉnh cầu của Tứ vương. Cho nên gọi tôn giả là người đa văn bậc nhất”.
Tiếng Phạn “La-hỗ-la”, Trung Quốc dịch là “Chấp Nhựt”. Gọi “La-hầu-la” là không đúng.
“Chấp Nhật” có nghĩa là “Che Đậy”.
Truyện kể lại rằng: “Thuở xưa tôn giả từng là thái tử của một vị quốc vương nọ. Nhà vua có hai người con, người anh tên là Nhật, người em tên là Nguyệt.
Sau khi vua cha băng hà, người anh kế thừa ngôi vua. Nhưng không bao lâu sau, người anh nhàm chán đời sống vinh hoa phú quý, mới nhường ngôi lại cho em mình là thái tử “Nguyệt”. Rồi ông theo Phật xuất gia tu học, giữ gìn giới cấm rất kĩ không phạm, dù một lỗi nhỏ. Một ngày kia trong đêm tối ông dùng nhầm bình nước của một thầy tỳ-kheo khác. Ông liền đánh chung tụ tập chúng tăng để cầu xin sám hối lỗi ấy. Chúng tăng biết đây là một lỗi nhỏ nên không làm pháp sám hối cho ông. Vì thế ông càng buồn lo hơn. Hết cách, ông mới trở về vương cung nói hết mọi chuyện với Nguyệt vương và xin sám hối tội trộm. Nguyệt vương không dám làm trái lời anh, ông liền sai tả hữu bắt giam người anh riêng một phòng. Nhưng vì mãi mê chạy theo thú vui ngũ dục nên đã giam anh mình suốt sáu ngày mà không nhớ. Cho nên nay chuốt lấy quả báo xấu phải ở trong bào thai sáu năm”.
Có chỗ lại kể: “Khi xưa vì tôn giả đã từng bít hang chuột sáu ngày, nên nay chịu quả báo sáu năm nằm trong thai mẹ”.
Những việc như vừa nêu hoàn toàn không có căn cứ. Cũng có thuyết kể, ngày vượt thành xuất gia, thái tử đã dùng roi đánh ngựa chỉ vào bụng công chúa Da-luân (Gia-du-đà-la); nay Gia-du có thai là biểu thị cho sự khác lạ đối với mọi người bình thường; đặc biệt biểu thị cho sự linh dị. Thai nhi ở trong bụng mẹ sáu năm mới sinh. Đây là một hiện tượng lạ chưa từng có. Thấy vậy vua và quần thần sinh nghi cho là điều kỳ hoặc nên mới đem thiêu sống hai mẹ con. Nhưng khi cho lên hỏa đài thì lửa dữ biến thành hoa sen, cả hai mẹ con đều bình an vô sự. Từ đó quần thần và vua cha đều không còn nghi ngờ gì nữa. Vua cũng biết đức Thích-ca đã lìa bỏ tình ái từ lâu.
Những điều đã nêu trên không chỉ nói lên sự khác biệt giữa La-hầu với những người bình thường khác; mà việc La-hầu đem ngọc châu dâng cúng Phật, cộng với sự trinh tuyết của công chúa Da-luân chính là muốn nói sự kỳ bí của tôn giả này.
Sau đó, La-hầu được tôn giả Thu-tử dẫn về tinh xá và theo lời chỉ dạy của Phật, tôn giả Thu-tử nhận làm đệ tử, cho xuất gia làm sa-di. La-hầu là người ít muốn biết đủ, ngầm tu hạnh lớn, về sau chứng quả A-la-hán.
Tôn giả này dù thánh hay phàm không ai phân biệt được; việc nhân quả của tôn giả cũng khó mà biết; bên trong tâm tu hạnh bồ-tát, bên ngoài hiện tướng Thanh văn. Cho nên gọi tôn giả là mật hạnh bậc nhất.
Lời kinh: “Kiều-phạm-ba-đề, Tân-đầu-lô-ba-la-đoạ”.
Lời tán:
- Thứ Sáu, hai vị lưu thủy, ứng cúng
Tiếng Phạn gọi là Cấp-phòng-bát-để, Trung Quốc dịch là Ngưu Tướng. Cho nên nếu phiên âm là Kiều-phạm-ba-đề là sai.
Tương truyền rằng vào đời quá khứ, tôn giả vì gắt một bông lúa làm rơi vài hạt xuống đất, vậy mà mắc quả báo năm trăm đời làm thân trâu để đền nợ cũ. Tuy nay tôn giả được làm thân người nhưng tướng nhơi như trâu vẫn còn. Vì thế mà có tên là tỳ-kheo Ngưu Tướng. Đức Phật sợ người đời thấy vậy chê bai, khinh thường mà mắc tội phải rơi vào các đường khổ, nên Ngài mới bảo tôn giả lên cư ngụ ở vườn Thi-lợi-sa, trên trời Đao-lợi để tu tập thiền định.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, trong kỳ kiết tập pháp tạng lần thứ nhất, tôn giả Đại Ca-diếp cho người lên thỉnh tôn giả xuống trần để tham gia hội kiết tập.
Khi sứ giả đến thỉnh, tôn giả hỏi:
- Thế Tôn an lạc không?
Người kia thưa:
- Thế Tôn đã nhập diệt rồi.
Tôn giả hỏi tiếp:
- Thầy của ta còn không?
Người kia đáp:
- Xá-lợi-phất không nỡ chứng kiến cảnh Thế Tôn vào niết-bàn và thấy ba cõi không còn ai để nương tựa nên tôn giả ấy đã nhập diệt trước Thế Tôn rồi.
Tôn giả nghe người kia nói rồi thở dài vài ba lần, rồi hóa thành nước chảy thẳng xuống nhân gian; trong dòng nước nói kệ rằng:
Kiều-phạm-ba-đề đầu mặt lễ
Đẹp lạ đoan nghiêm tượng bậc nhất
Voi chúa đi rồi voi con theo
Thầy tôi nhập diệt tôi cũng diệt.
Nói kệ rồi, tôn giả hóa lửa thiêu đốt thân đi vào tịch diệt.
Tôn giả này vì tránh sự chê bai và nghi ngờ của người đời mà phải ở trên đỉnh Diệu cao tu tập thiền định. Ở trong vườn Diệu lợi nghe đức Thế Tôn nhập diệt; lại nghe bổn sư Thu Tử không còn; ở trong hang núi hóa thành dòng nước nói kệ; ở giữa không trung hóa lửa thiêu thân. Cho nên gọi tôn giả là Lưu Thuỷ.
Tân-đầu-lô-phả-la-đoạ, theo kinh Thỉnh Tân-đầu-lô ghi: “Tân-đầu-lô là tên tự của tôn giả. Nhưng không thấy kinh này nói nghĩa là gì. Phả-la-đoạ là họ của tôn giả. Trung Quốc dịch là Lợi Căn”.
Trong luật Tỳ-nại-da thuật: “Bấy giờ có trưởng giả Thọ-đề đem một cái bát bằng gỗ chiên-đàn đặt trên một cây cột cao và bảo với mọi người, nếu ai có thần thông có thể lấy được bát thì ông cho người đó. Bấy giờ, tôn giả ở trong núi đang vá y, dùng thiên nhãn từ xa trông thấy, tôn giả vội găm cây kim vào vách núi rồi bay nhanh đến chỗ đó. Sợi chỉ vẫn còn mắc trong y, vì thế khi tôn giả bay đi vô tình đã kéo cả ngọn núi theo vào trong thành. Nó che khuất mặt trời, trùm cả không trung, do đó quan dân trong thành vô cùng hoảng sợ. Những người nữ có mang đều bị xảy thai, và họ đã đến tinh xá thưa với Phật. Nhân đó Đức Phật quở trách và dạy rằng: ‘Từ nay trở về sau ông không được theo Ta, cũng không được nhập diệt; ông phải giữ thân ở lại thế gian nhận lời thỉnh cầu cúng dường của người đời, làm nơi cho người đời gieo trồng phước đức’. Hiện giờ tôn giả còn đang ở trong núi Ma-lợi-chi ở phía nam Thiên Trúc (Ấn độ), mỗi khi có người thỉnh tôn giả đều đến và thường hay hiện thân trong pháp hội cúng dường”. Nghi thức thỉnh cầu có nói đủ trong kinh Thỉnh Tân-đầu-lô. Trong phần sớ giải này không chép nhiều. Tôn giả này nhận lời di huấn của Phật không nhập niết-bàn. Tôn giả mãi mãi ở trong núi Ma-lợi-chi và nhận lời thỉnh thường thường hiện thân trong pháp hội cúng dường ở cõi Diêm-phù-đề. Cho nên gọi Tôn giả là ứng cúng bậc nhất.
Lời kinh: “Ca-lưu-đà-di, Ma-ha-kiếp-tân-na”.
Lời tán:
- Thứ Bảy, hai vị hóa tham và trừ mạn
Trong kinh Chính pháp niệm tên Ca-lưu-đà-di được phiên âm là “Hắc Diệu”. Nghĩa là toàn thân tôn giả màu đen, có thể chiếu sáng.
Kinh Tăng nhất thuật chuyện Ca-lưu-đà-di ban đêm đi khất thực gặp lúc trời nhá nhem tối, lại có sấm chớp lóe sáng; trong ánh chớp những người nữ có mang trông thấy bóng dáng Ca-lưu-đà-di họ vô cùng hoảng sợ, cho là quỷ thần. Họ sợ đến nỗi xảy thai, do đó họ đến gặp Phật, trình bày hết sự việc. Nhân đó, Đức Phật quở trách Ca-lưu-đà-di và chế ra học xứ Ban đêm không được đi khất thực.
Mặt khác, tôn giả còn là người giáo hóa được một người nữ có tính keo kiệt làm cho người kia bỏ tính tham lam, bủn xỉn. Việc này có trình bày đầy đủ ở các bản kinh luận khác.
Tôn giả này là người làm kinh hãi những người nữ có mang dẫn đến xảy thai; là tỳ-kheo giáo hóa cho một người nữ có tánh keo kiệt, bủn xỉn; cũng là người một thời làm tổn hại chính pháp. Đặc biệt là nhân vật gây ra những nguyên nhân khiến Phật chế học xứ thuở xưa. Cho nên tôn giả còn có biệt danh là Hóa Tham.
Ma-ha-kiếp-tân-na, Trung Quốc dịch là Phòng Túc. Vì một lần nọ trên đường giáo hóa Đức Phật ngủ cùng phòng với người này và Phật đã hóa thân làm một tỳ-kheo già thuyết pháp cho người này nghe. Người ấy nghe xong liền đắc đạo, cho nên gọi là Phòng Túc. Nhờ Phật giảng đạo mà tâm ngạo mạn được trừ diệt.
Tôn giả này được Đức Phật dùng cách ẩn tướng của bậc thánh, hiện ra dáng một vị tăng, cầm tích trượng và làm bạn đồng hành. Thậm chí Ngài ngủ chung với người này trong một ngôi nhà cỏ. Khi Đức Phật biết người này căn tính thuần thục Ngài mới hiện thân Phật như cũ. Người kia trông thấy dung nghi oai hùng đẹp lạ của Phật liền phát tâm theo Phật, nghe Phật thuyết pháp, diệt được lòng kiêu mạn. Cho nên tôn giả này còn có tên là Trừ Mạn.
Lời kinh: “Bạc-câu-la, A-nậu-lâu-đà”.
Lời tán:
- Thứ tám, hai vị cung cấp thuốc và thỉnh tăng
Bạc-củ-la là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Thiện Dung. Cho nên nếu phiên âm Bạc-câu-la là sai.
Tương truyền rằng: “Sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi nhập diệt, bấy giờ có một tỳ-kheo bị chứng đau đầu rất nặng. Khi ấy Thiện Dung là một người nghèo dùng cây Ha-lê-lặc[32] làm thuốc chữa bệnh cho tỳ-kheo kia. Tỳ-kheo kia uống thuốc xong thì bệnh liền bớt. Nhờ việc cho thuốc mà trong chín mươi mốt kiếp Thiện Dung dù được sinh lên trời hay sinh ở cõi người đều hưởng phúc báu vui sướng”.
Lại nữa, vào thời quá khứ Thiện Dung từng làm một tỳ-kheo và phát nguyện không nhìn mặt người nữ; không nhận y do người nữ cúng; không nhận thức ăn trong tay người nữ. Khi ông ở chùa người mẹ thương nhớ con da diết mới vào chùa thăm con. Nhưng Thiện Dung không vui và lựa lúc đuổi mẹ ra khỏi phòng. Vì vậy người mẹ có một chút oán hận trong lòng, bà cho đứa con này ngũ nghịch và đã phát nguyện ác. Bà thề đời sau tiếp tục làm mẹ đứa con này để trừng trị nó. Quả nhiên đúng với lời thề xưa, sau đó vào một kiếp khác bà lại làm mẹ tôn giả và đã năm lần giết người con nhưng không được. Về sau tôn giả theo Phật xuất gia và chứng thánh quả.
Tôn giả tu hạnh thiểu dục tri túc cho nên tháp của tôn giả xuất hiện một đồng tiền. Tôn giả này trong tâm tu hạnh thiểu dục, ngoài thân chỉ mặc y một lớp. Do tôn giả tạo nhân cấp thuốc hay cho người bệnh mà được quả báo không bị bệnh. Cho nên tôn giả còn có biệt danh là Thí Dược.
A-nậu-lâu-đà tiếng Phạn dọc là A-nê-luật-đà, Trung Quốc dịch là Vô Diệt. Tôn giả là em bà con của Phật. Cho nên nếu nói A-nậu-đà là sai.
Vào thời quá khứ tôn giả từng cúng dường cho một vị Duyên giác Phật một bữa ăn. Vì thế mà luôn trong năm mươi kiếp hưởng phúc không dứt. Lại nữa, cũng vào thời quá khứ, tôn giả từng làm một người thợ săn vì muốn trộm một hạt hào châu[33], ông đã dùng mũi tên khêu đèn, khi đèn sáng ông trông thấy hảo tướng của Phật, ý trộm tan biến, ông hồi tâm bỏ hết cung tên, thề không giết hại sinh mạng nữa. Nhờ có chút nhân thiện ấy mà nay được xuất gia. Nhưng khi xuất gia rồi tôn giả lúc nào cũng ngủ, vì thế làm trở ngại việc tu tập thiền định. Đó là lý do tại sao tôn giả bị Đức Phật quở trách. Tôn giả lấy làm xấu hổ không dám gặp mọi người, cho nên kể từ đó tôn giả thức luôn. Nhưng chính vì vậy mà không lâu sau tôn giả đạt được thiên nhãn thông. Tôn giả này vì dùng mũi tên khêu sáng đèn và có chút căn lành mà về sau đạt được thiên nhãn. Mặt khác, tôn giả này do nhân duyên cúng dường một bữa ăn mà được quả hưởng phước không dứt. Vì Thế Tôn giả còn có tên là Diên Tăng.
Lời kinh: “Đó là những vị để tử lớn .v.v.”.
Lời tán:
Thứ hai, phần tổng kết. Đây là một ý nhỏ trong phần kể tên thứ ba như đã nêu ở trên .
Ở trên nói có một nghìn hai trăm năm mươi vị tỳ-kheo, nhưng ở đây chỉ kể tên có mười sáu vị; vì không thể kể hết tên các vị nên nói là “đẳng”, có nghĩa là còn nhiều vị nữa.
Các vị đệ tử lớn: học sau Ta (Phật) gọi là đệ; nhờ Ta mà được hiểu biết nên gọi là tử. Đến đây là hết phần nói về “chúng có đạo hạnh tôn cao”.
Lời kinh: “ Và các vị Bồ-tát lớn”.
Lời tán:
Phần thứ hai nói về chúng có tâm bi rộng lớn. Đây là mục thứ hai trong phần nói về năm chúng. Mục thứ nhất nói về chúng chúng đạo hạnh cao tôn vừa kết thúc. Trong mục nầy lại chia làm ba ý nhỏ nữa. Thứ nhất, nói về phẩm loại; thứ hai nói về tên gọi và thứ ba là tổng kết.
- Ý thứ nhất
Phiên âm tiếng Phạn là Bồ-đề-tát-đoả-ma-ha-tát-đoả, gọi tắt là Bồ-tát-ma-ha-tát. Hạnh nguyện tu hành của bồ-tát nói chung có hai môn. Một, về tự lợi thì lấy đại trí làm đầu. Hai, về lợi tha lấy đại bi làm trên hết.
Bồ-đề có nghĩa là giác. Là trí tuệ mong được kết quả. Tát-đoả có nghĩa là hữu tình. Là lòng từ bi nguyện độ sinh. Vì căn cứ vào lời nguyện rộng lớn mà gọi là bồ-tát. Lấy hai trường hợp trên gọi chung là bồ-tát. Đây là giải thích theo phương pháp “hữu tài thích”.
Nói cách khác, giác là chỉ cho kết quả mong cầu. Hữu tình là chỉ cho tự thân. Hữu tình cầu tam bồ-đề thì gọi là bồ-tát. Đây là giải thích theo cách “Y chủ thích”.
Nói Ma-ha-tát: những vị bồ-tát này danh tiếng vang khắp mười phương và đã đạt đến địa vị thứ tám trong mười vị. Mặt khác, để phân biệt với hàng tiểu bồ-tát và càng không giống với hàng Nhị thừa nên gọi là Ma-ha-tát.
Lời kinh: “Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A-dật-đa-bồ-tát”.
Lời tán:
- Ý thứ hai: Kể tên các vị
Trong ý này lại chia làm hai ý nhỏ. Một, hai vị hiện mười điều lành và có mặt ở tam hội. Hai, hai vị thương chúng sinh và khuyến khích tu hành.
Một, nói về vị hiện mười điềm lành. Phiên âm tiếng Phạn là Mạn-thù-thất-lợi, Trung Quốc dịch là Diệu Cát Tường. Tương truyền khi ngài sinh ra thì có mười điềm lành:
1. Ánh sáng đầy phòng.
2. Cam lộ rơi đầy sân.
3. Mặt đất nổi bảy báu.
4. Thần khai phục tạng.
5. Gà sinh chim phượng.
6. Heo con mọc vẩy rồng.
7. Ngựa sinh Kỳ lân.
8. Trâu sinh bạch Dịch.
9. Kho lúa biến thành lúa vàng.
10. Voi mọc đủ sáu ngà.
Vì thế nên gọi là Diệu Cát Tường.
Vào thời quá khứ ở phương Bắc có một thế giới tên là Thường Hỉ, có Đức Phật Hoan Hỉ Tạng Ma Ni Bảo Tích làm giáo chủ. Chúng sinh nghe được danh hiệu của Đức Phật ấy thì có thể diệt được bốn tội nặng. Đức Phật đó không ai khác hơn chính là Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi.
Lại có thuyết cho rằng, vào thời quá khứ Bồ-tát từng là vị Phật hiệu Long Chủng Thượng Tôn Vương.
Kinh Hoa nghiêm ghi: “Ở Trung Quốc trong núi Thanh Lương Ngũ Đài, bồ-tát này và một vạn ồ-tát khác cùng ở đây”.
Pháp vương tử có nghĩa là: “Theo luận Phật địa ghi: ‘Chính pháp được nói ra từ kim khẩu của Đức Phật; nối tiếp thân Phật không cho gián đoạn, cho nên gọi là Pháp Vương Tử (con của vua Pháp)’”.
Hỏi: Ngài Văn Thù từ ba A-tăng-kỳ kiếp trước đã thành tựu Phật thân, các hạnh viên mãn và mười hiệu cũng đủ đầy, sao có thể có mặt ở cõi này giáo hóa chúng sinh và hiện thân ở các cõi phương khác xiểng dương chính Pháp?
Đáp: Tôn giả này có lòng từ bi rộng lớn, ý nguyện làm lợi cho chúng sinh rất sâu rộng. Đây là trình bày sự ngộ lý của ngài Tịnh Danh. (Đây là nói tịnh hạnh và sự chứng ngộ của tôn giả này). Mặt khác, bồ-tát này vì giúp Phật Thích-ca giáo hóa mà hiện thân thuyết pháp. Như vậy, dù là nhân ở hiện tại hay quả tương lai thì có gì khác mà nghi ngờ?
Ba chữ A-dật-đa, Trung Quốc dịch là Từ Thị. Nếu căn cứ theo nguyên bản tiếng Phạn phải đọc là Mai-đát-lợi-duệ-na mới đúng. Vì năm chữ “Mai-đát-lợi-duệ-na” này, Trung Quốc phiên âm là Từ. Còn theo cách dịch xưa hoặc gọi là Di-đế-lệ hoặc Di-lặc, cả hai cách dịch này đều không đúng. Tôn giả này sẽ hạ sinh vào đời đương lai. Khi mới sinh ra sẵn có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, toàn thân có màu vàng tía và rắn rỏi.
Khi chưa mang thai, mẹ Ngài tính tình rất khắt khe. Nhưng kể từ khi có mang ngài bà trở nên hiền hòa, từ ái cứu giúp người khốn khổ, khó khăn, túng quẫn.
Thầy tướng đoán: “Đây là tính của sư Tử con”. Cha mẹ Ngài lấy lời tiên đoán của thầy tướng mà đặt tên cho Ngài, cho nên gọi là Mai-đát-lợi-duệ-na. Nếu dịch tên này thì phải gọi là Mai-đát-lợi-duệ-ni.
Chữ “Ni” là tiếng chỉ cho người nữ. Vì lúc mang thai ngài tính tình mẹ Ngài tự nhiên trở nên hiền từ, cho nên gọi Ngài là Từ Thị.
Tôn giả này về nhân thì đã thành tựu ở đời hiện tại nhưng quả đến đời sau mới chín. Ngài thích ở cõi nước thanh tịnh nhưng cũng thường có mặt trong pháp hội của Phật Thích-ca ở cõi Ta-bà này.
Lời kinh: “Bồ-tát Kiền-đà-ha-đề, bồ-tát Thường-tinh-tấn”.
Lời tán:
Hai, hai vị yêu thương chúng sinh và khuyến khích tu tập.
Bốn chữ “Kiền-đà-ha-đề” chưa thấy chỗ nào dịch. Trong kinh Xưng tán tịnh độ thì bồ-tát được nêu tên thứ ba là bồ-tát Bất Hưu Tức. Nghĩa là bồ-tát này giáo hóa, làm lợi ích cho chúng sinh không ngừng nghỉ, không biết mỏi mệt.
Thường Tinh Tấn: bồ-tát này lúc nào cũng muốn vượt hơn những gì trước đã đạt được, luôn cố gắng cho kì được những gì chưa được và sự ra công này không bao giờ biếng trở. (niệm niệm thúc dục tiến lên.)
Lời kinh: “Và các vị bồ-tát lớn như thế .v.v…”.
Lời tán:
- Ý thứ ba
Tổng kết lại phần chúng có lòng từ bi rộng lớn. Phần vừa trình bày là phần nói về chúng bồ-tát. Phần này đến đây đã hết.
Lời kinh: “Vô số các vị trời, đại chúng và Thích-đề-hoàn-nhân .v.v... đều có mặt”.
Lời tán:
Mục thứ ba, đây là một trong năm mục nói về năm chúng. Phần này nói về “chúng chư thiên ưa thích nghe pháp”.
Tiếng Phạn gọi là “Thích-ca-đề-bà-nhân-đạt-la”. Thích-ca là họ. Chữ “Thích” này Trung Quốc dịch nghĩa là Năng. Đề-bà có nghĩa là Thiên. Nhân-đạt-la có nghĩa là Đế. Cho nên nếu nói Thích-đề-hoàn-nhân hay Thiên Đế thích, cả hai cách này không những không đúng mà còn xáo trộn thứ tự.
Vị này là vua của tầng trời ba mươi ba, cư ngụ trên đỉnh núi Diệu Cao. Tương truyền, vào thời quá khứ vị trời này có tên là Kiều-thi, Trung Quốc dịch là Kiển Nhi; có nghĩa là Tổ Kén. Còn cái tên A-ma-kiệt-đà, Trung Quốc dịch là Vô Độc Hại. Vào thời quá khứ, chính nước Ma-kiệt-đà này, là nơi Đế thích tu tập. Cho nên lấy tên nước làm tên người. Về phần nhân duyên tu hành giống như trong Tôn luận sớ trình bày.
Câu “Như Đế thích đẳng đẳng”, ý nói các vị trời khác và đại chúng đều đến Kỳ-viên.
Vừa rồi đã trình bày sơ lược về sự khác biệt giữa ba chúng. Phần tổng kết chính là phần thứ năm nói đối tượng để Phật nói pháp đến đây là kết thúc. Năm đoạn đã trình bày trên tuy không giống nhau nhưng tất cả đều nằm trong phần mở đầu. Phần mở đầu của kinh đến đây đã hết. Và tiếp sau đây là phần chính tông. Chú thích:
[1] Ngài Khuy Cơ (632-682): còn gọi là Linh Cơ, Đại Thừa Cơ, Cơ Pháp sư, Cơ Từ Ân Đại sư v.v… Sư là sơ tổ Tông Pháp Tướng ở Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Uất Trì, tự Hồng Đạo, người Trường An.
[2] Chùa Từ Ân: còn gọi là Đại Từ Ân tự. Chùa ở phía nam thành Tây An, tỉnh Thiểm Tây, được sáng lập vào đời Tùy, Trung Quốc, với tên là Vô Lậu tự. Năm 648 đời Đường, khi vua Cao Tông mới lên làm Hoàng Thái Tử đã sữa chữa và xây dựng thêm để cầu phúc cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức, nên đặt tên là chùa Từ Ân.
[3] Tạp-a-tỳ-đàm tâm luận 雜 阿毗談心論: còn gọi tắt là Tạp tâm luận. Bộ luận này là một bộ luận sớ , 11 quyển, do ngài Pháp Cứu soạn, ngài Tăng-già-bạt-ma dịch. Nội dung của bộ luận này là chú thích A-tỳ-đàm tâm luận của ngài Pháp Thắng.
[4] Thành thật luận 成實論 : bộ luận này do ngài Ha-lê-bạt-ma soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào khoảng năm 411-412 đời Dao Tần, được xếp vào Đại Chính Tạng tập 32. Bộ luận này có 16 quyển hoặc 20 quyển.
[5] Tam giáo 三教: tức ba giáo pháp. Từ thời nam bắc triều (420-588) trở về sau, các nhà pháp giáo Trung Quốc chia thánh giáo một thời của Đức Phật thành Tam giáo không đồng nhau.
[6] Bát tông 八宗: tám tông phái này có hai thuyết: 1.Tám tông phái lưu truyền ở Trung Quốc là: Luật tông, Tam Luận tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Hoa tông và Mật tông. 2. Tám tông truyền thừa ở Nhật Bản là: Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông, Tam Luận tông, Thành Thật tông, Câu-xá tông, Luật tông, Thiên Thai tông và Chân Ngôn tông.
[7] Long Quân 龍軍: là dịch nghĩa sang tiếng Hán, nguyên gốc tiếng Phạn là:Nàgasena; còn gọi là Na-già-tư-na, Na-già-tê-na. Ngài này không rõ năm sinh năm tịch. Ngoài ra ngài còn có tên là Na Tiên nhưng không phái Na-tiên sống thời vua Di-lan-đa.
[8] Bát thời 八時: có nghĩa là ở Ấn Độ người ta chia thời gian một ngày một đêm thành tám thời, thay vì ở Trung Quốc chia làm sáu thời.
[9] Thân Quang 親光: là mộ họ giả duy thứ người Ấn độ, sốg vào thế kỷ thứ sáu sau tây lịch.
[10] Thế Thân 世親: còn gọi là Thiên Thân, ngài là một đại sư người Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỉ thứ tư, người ở thành Phú-lâu-sa, nước Kiện-đà-la thuộc Bắc Ấn độ. Ngài là con thứ hai của quốc sư bà-la-môn Kiều-thi-la. Ngài là em của ngài Vô Trước.
[11] Hộ Pháp 護ì法: tiếng S:Dharmapala, là một cao tăng người Ấn độ, sống vào khoảng thế kỉ sáu, người thành Kiến-chỉ-bổ-la, là con của Quan đại thần nước Đạt-la-tì-đồ, thuộc miền nam Ấn độ, là một trong 10 vị đại luận sư Duy thức. Sư tịch vào năm 32 tuổi.
[12] Thập nhị bộ kinh: còn gọi là: Thập nhị phần giáo, Thập nhị phần thánh giáo, Thập nhị phần kinh. Là mười hai thể loại kinh được phân biệt theo hình thức trình bày và nội dung giáo pháp. Gồm có: Khế kinh (Trường hàng), Trùng tụng, Thọ kí, Phúng tụng (Cô khởi), Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu, Luận nghị.
[13] Phán giáo 判教: là phê phán phân tích giáo tướng một đời của đức Thích-ca, như năm thời tám giáo của tông Thiên Thai, năm giáo của tông Hoa nghiêm. Ngoài ra các tông phái Đại thừa đều có sự phân tích phê phán riêng của tông phái mình.
[14] Bồ-đề-lưu-chi 菩ì提?流支 (S: Bodhiruci): là một cao tăng thời Bắc Ngụy, người Thiên Trúc, là học giả hệ Du-già của Đại thừa, bẩm tính thông minh, thông cả Tam tạng, tinh thông chú thuật, sớm có chí hoằng pháp. Năm 508, đời vua Tuyên Vũ Đế thời Bắc Nguỵ, sư đến Lạc Dương, rất được nhà vua kính trọng, vua thỉnh sư trụ ở chùa Vĩnh Ninh, để lo việc dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Hán. Sư dịch được tất cả 39 bộ, 127 quyển.
[15] Ba loại cỏ: như trong phẩm Dược thảo du, kinh Pháp hoa nói có ba loại cỏ thuốc: cỏ thuốc thân nhỏ, thân vừa và thân lớn. Hai loại cây cũng vậy: loại cây lớn và cây nhỏ.
[16] Đàm-vô-sấm 曇無讖 (S:Dharma-raksa) (385-433): còn gọ là Đàm-vô-sám, Đàm-mâu-sám v.v… ngài là mộ danh tăng người Ấn độ, sang Trung Quố dịch kinh vào đời Bắc Lương, xuất thân từ dòng dõi Bà-la-môn.
[17] Chân-đế 真諦 (S: Paramàratha) (499-569): sư là một danh tăng Ấn độ, dịch kinh luận nổi tiếng. Sư họ Bharat (Phả-la-đoạ), dòng Bà-la-môn, thuộc miền Tây Bắc Ấn độ. Năm 546, sư mang kinh điển vượt biển sang Trung Quốc.
[18] Tam Ca-diếp 三迦Þ葉: chúng ta đừng nhầm lẫn với tôn giả Đại Ca-diếp. Ba anh em Ca-diếp gồm các vị: Ưu-lâu-tần-loa-Ca-diếp, Na-đề- Ca-diếp, Già-da Ca-diếp. Ba vị vốn theo đạo thờ lửa, mỗi vị theo thứ lớp có 500, 300, 200 đồ chúng, sau khi Phật thành đạo ba người đem hết đồ chúng đến quy y theo Phật.
[19] Bát bộ Bát-nhã 八部般若 : Đại Minh Tam tạg pháp số 31 ghi bát bộ bát- nhã gồm có: Đại phẩm bát-nhã, Tiểu phẩm bát-nhã, Phóng quang bát-nhã, Quang tán bát-nhã, Đạo hành bát-nhã, Kim cương bát-nhã,Thắng thiên vương bát-nhã và Văn thù vấn bát-nhã.
[20] Xà-na-quật-đa 蛇那崛多 (523-600): Trung Quốc dịch là Đức chí, Chí đức, Phật đức, sống đời nhà Trần Tuỳ sư người nước Kiệt-đa-la miền bắc Ấn độ, xuất gia từ thuở nhỏ ở chùa Đại Lâm. Vào năn Vũ Thành (559-650) đời vua Minh đế nhà Bắc Chu, sư đến Trường An, trụt rì chùa Thảo Đường, sau đó sư đến chùa Tứ Thiên Vương dịch kinh.
[21] Đạt-ma-cấp-đa 達摩笈多:(?-619), còn gọi là: Đạt-ma-quật-đa, Cấp-đa, Pháp mật, Pháp tạng. Ngài là một cao tăng Ấn độ, người nước La-la, thuộc dòng Sát-đế-lợi. Ngài tính tình nhu hòa, dung mạo đoan chính, trang nghiêm, thiểu dục. Vào năm 590 ngài đến kinh đô Trường An Trung Quốc, phụng sắc trụ ở chùa Đại Hưng Thiện. Năm 606, ngài cùng ngài Xà-na-quật-đa sáng lập viện dịch kinh ở Lạc Dương, dịch được chín bộ, 46 quyển.
[22] Lưu cư sĩ: có thể là Lưu Di Dân (352-410), là một cư sĩ Phật giáo người Trung Quốc, theo Tông Tịnh Độ, sống vào đời Đông Tấn, người Bành Thành, huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô, tên Trình Chi, tự Trọng Ân. Lúc đầu ông làm quan sau đó từ quan ở ẩn vào Lô Sơn thờ ngài Huệ Viễn làm thầy.
[23] Đề-vị trưởng giả 提謂長•者: là nói tắt đúng ra có tớí hai người. Chính là hai thương gia được Phật nhận làm đệ tử cư sĩ đầu tiên. Đó là Đề-vị và Ba-lợ. Hai ông này là hai anh em, người Bắc Thiên Trúc.
[24] Na-lan-đà tự 那蘭陀寺 (Nàlandà): là một đại tự viện ở phía Bắc thành Vương Xá, thủ đô nước Ma-yết-đà, Trung Ấn độ cổ đại, tức vùng Baragaon (Bạ-đạt-gia-âu) cách Rajgir (Lạp-tra-cơ-nhĩ) khoảng 11 km về phía Bắc hiện nay. Vào đầu thế kỉ thứ năm, vua Đại Nhật (S: Sakràditya) thuộc vương triều Gupta (Cấp-đa) xây dựng cho tỳ-kheo Rajavamasa (Hạt-la-xã-bàn-xã) trụ trì, trải qua các đời, nhiều lần được xây dựng thêm, trở thành ngôi tự viện và trường học của Phật giáo có quy mô rộng lớn ở Ấn độ thời cổ. Nhưng đến cuối thế kỉ thứ mười hai bị quân đội Y-lan-tư phá huỷ.
[25] Giới Hiền 戒賢: sư là một đại luận sư người Ấn độ, thuộc phái Du-già của Phật giáo Đại thừa, sống vào khoảng thế kỉ thứ sáu, thứ bảy . Sư thuộc dòng dõi Bà-la-môn, sư nhờ nghe ngài Hộ Pháp thuyết pháp mà ngộ đạo và xin xuất gia. Sư trụ trì chùa Na-lan-đà hoằng truyền giáo nghĩa duy thức. Khi sư hơn trăm tuổi ngài Huyền Tráng đến học ở Na-lan-đà và được sư truyền pháp. Bấy giờ chúng tăng xưng sư bằng pháp hiệu là Chính Pháp Tạng.
[26] Nhị phàm 二凡: là hai hạng phàm, tức ngoại phàm và nội phàm. Người tu tam thừa trước khi kiến đế (chứng ngộ chân lý nhà Phật) thì là phàm vị. Phàm vị chia làm hai hạng. Chỉ nghe giáo pháp và tin tưởng giáo pháp đó là Ngoại phàm. Chính hành giáo pháp đó và gần với thánh vị đó là nội phàm. Tam hiền của tiểu thừa và thập tín vị của đại thừa là ngoại phạm. Tứ thiện căn của tiểu thừa và thập trụ trở lên của Đại thừa đó là nội phàm.
[27] Lục hợp thích 六合釋: còn gọi là Lục li hợp thích, Lục hợp. Đây là sáu phương pháp giải thích các từ tiếng Phạn phức hợp (những từ ngữ được hợp thành từ hai chữ trở lên). Về cách thực hiện, đầu tiên chia chẻ ra để giải thích (li thích), sau đó tổng hợp lại cũng để giải thích, nên gọi là Lục li hợp thích. Phương pháp này bắt nguồn từ các kinh sách tiếng Phạn, sau khi được truyền vào Trung Quốc thì nội dung có thay đổi ít nhiều. Lục hợp là: 1. Y chủ thích. 2. Tương vi thích. 3. Trì nghiệp thích. 4. Đối số thích. 5. Lân cận thích. 6. Hữu tài thích.
[28] Tam thân là ba thân thường nói trong các kinh: hóa thân, báo thân và pháp thân.
[29] Thiên từ 天祠 (S: Deva-kula): là đền thờ Trời; tức nơi cúng tế các vị trời thuộc Thiên bộ như trời Đại Tự Tại ở Ấn độ.
[30] Sáu phái triết học: Triết thuyết mimamsa (Di-man-tác); Số luận, Du già, Thắng luận, Chính lý, Phệ-đàn-đa.
[31] Bát bộ chúng: gồm có, Thiên chúng, Long chúng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già.
[32] Ha-lê-lặc 呵梨勒: theo Tì-nại-da tạp sự, q.1 thì đây là một trong năm loại thuốc: Dư cam tử, Ha-lê-lặc, Tì-hải-lặc, Tất-bát-lê, Hồ-tiêu. Năm loại thuốc này. Có bệnh hay không có bệnh, đúng lúc hay không đúng lúc, ăn theo ý thích.
[33] Hào châu là hạt châu được gắng giữa tướng bạch hào của tượng Phật. Nghĩa là nói nằm giữa hai chân chặn mày.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.242.9 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.