Vào ngày 22 tháng 5 năm 2016, tại Chân Bảo Đường, thầy Hội trưởng đã chủ trì Lễ quy y và truyền giới cho một số Phật tử. Thượng tọa Bổn sư truyền giới đã có buổi thuyết giảng cặn kẽ với các giới tử về ý nghĩa của việc quy y, thọ giới, cũng như giảng rộng về ý nghĩa của năm giới dành cho người cư sĩ tại gia.
Buổi lễ diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm thanh tịnh của Chân Bảo Đường. Đặc biệt, những hình ảnh được ghi lại tại buổi lễ này có thể khiến cho chúng ta không khỏi nhớ đến ý niệm Phật hóa gia đình mà trước đây nhiều vị tôn túc trong Phật giáo đã từng nêu lên.
Nhìn hình ảnh cháu bé hồn nhiên đến với Phật pháp ngay từ khi còn thơ ấu, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có thể đặt niềm tin về một tương lai sáng ngời ánh đạo trong cuộc đời của cháu. Tất nhiên, theo lời Phật dạy thì tất cả mọi việc đều còn phải tùy thuộc vào vô số nhân duyên khác nhau, nhưng phải chăng việc cháu bé được đến với Phật pháp từ thơ ấu thì tự nó cũng đã là một nhân duyên lành từ nhiều kiếp trước?
Điều này gợi lên cho chúng ta một suy nghĩ lớn về sự hoằng truyền Chánh pháp hiện nay. Nếu như mỗi người Phật tử không ý thức đầy đủ về việc Phật hóa gia đình của chính mình, thì đại nguyện "chúng sinh vô biên thề nguyện độ" e rằng sẽ là điều quá xa vời không thể nhắc đến. Nên chăng mỗi người Phật tử trước hết cần nghĩ đến việc cảm hóa ngay chính những người thân của mình, mang Phật pháp đến với những cụ ông cụ bà, những cháu bé còn thơ dại, để tất cả mọi người trong gia đình đều được thấm nhuần những lời dạy lợi lạc từ Đức Thế Tôn?
Đại nguyện của người con Phật là cứu độ chúng sinh, trọn thành Phật đạo. Nhưng trước khi có thể cứu độ tất cả chúng sinh, chắc chắn chúng ta cần phải có khả năng cứu độ ngay chính những người thân thiết, gần gũi nhất của mình. Phật hóa gia đình có lẽ cần phải được nâng lên thành một phương hướng, một đường lối tu tập, thực hành cho mọi người Phật tử, một bổn phận phải cố gắng thực hiện, chứ không chỉ là một ý niệm tốt đẹp chỉ để suy ngẫm.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là, Phật giáo không chủ trương "phát triển tín đồ" theo cách càng nhiều càng tốt như một số tôn giáo khác, nhưng đạo Phật là đạo từ bi và chúng ta phải sẵn lòng chia sẻ những lợi lạc quý báu mà bản thân ta đang có được từ việc học hỏi và thực hành Phật pháp. Vì thế, ý nghĩa Phật hóa gia đình ở đây cần được hiểu trong tinh thần chia sẻ những điều tốt đẹp, cảm hóa và dẫn dắt người khác đi theo con đường tốt đẹp, lợi lạc. Phật hóa gia đình không phải là thúc ép những người thân của mình phải quy y hay tin Phật một cách khiên cưỡng, mà là khơi mở, chỉ bày để tự mỗi người đều thấy được con đường tốt đẹp và tự nguyện đi theo.
Hẳn có người sẽ hỏi rằng, nếu nói như thế thì những em bé còn thơ dại đã biết gì để tự nguyện quy y theo Phật? Xin thưa, điều đó lại nằm trong một phạm trù khác, đó là trách nhiệm giáo dục của những người nuôi dưỡng hoặc bảo hộ các em, khi các em còn chưa đến tuổi trưởng thành. Một mai lớn lên, nếu đồng tình với con đường theo Phật thì các em sẽ tiếp tục đi theo, nhưng nếu muốn tìm cho mình một con đường khác thì các em vẫn có thể quyết định việc ấy. Tương tự như các chương trình giáo dục trong nhà trường cũng thế, người lớn phải có trách nhiệm chọn lựa những điều tốt đẹp cần dạy cho trẻ con chứ không phải do cho trẻ con chọn lựa, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bắt ép hay khiên cưỡng. Khi có đủ trí khôn, các em sẽ tự có quyết định của riêng mình.
Khi được lớn lên trong một gia đình thấm nhuần Phật pháp thì tự thân mỗi người chắc chắn sẽ có được một vốn liếng tâm linh, một tài sản tinh thần đích thực vô cùng quý báu. Nếu tự thân chúng ta đã là một Phật tử mà không biết chia sẻ lợi lạc trong đời sống tâm linh cũng như nhận thức chân thật về đời sống mà ta đã học được từ Phật pháp, với những người thân của chính mình, thì làm sao có thể phù hợp với tinh thần vị tha như lời Phật dạy?
Sau buổi lễ quy y, một số bạn trẻ đã trao đổi với tôi – người viết bài này - qua điện thoại để nhờ tư vấn, giới thiệu những sách Phật học nào thích hợp cho người mới bước đầu học Phật. Nhân đây cũng xin giới thiệu với các bạn một vài tập sách căn bản nhất mà tôi đã xuất bản từ nhiều năm trước đây:
- Về mái chùa xưa: Tập sách trình bày những điều căn bản cần tìm hiểu về ý nghĩa của Ba quy y (Tam quy) và Năm giới (Ngũ giới).
- Hạnh phúc là điều có thật: Tập sách đề cập đến việc vận dụng tinh thần Phật pháp, những lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày để có thể tìm được sự an vui và hạnh phúc chân thật.
Xin lưu ý là các bạn có thể chọn nghe và tải về file MP3, sẽ rất thuận tiện để nghe vào những thời gian rãnh rỗi trong ngày khi không đủ điều kiện đọc sách.
Tất nhiên, khi đã hiểu biết nhiều hơn, các bạn sẽ có thể tìm đọc thêm nhiều sách khác. Liên Phật Học sẽ cố gắng cung cấp cho các bạn tất cả những sách Phật học cần tìm hiểu – và tất nhiên là trong tinh thần của Liên Phật Hội: hoàn toàn miễn phí.