Tờ mờ sương, ngày 10/10/2015 chuyến xe bốn mươi người đã đủ các thành viên. Xe chuyển bánh làm một cuộc hành hương về Cái Tàu Hạ Châu Thành Đồng Tháp, theo chương trình Một Trăm Ngàn- Vạn Mái Ấm.
Từ sự phát hiện của Tỳ kheo ni Thích Nữ Tâm Thường chùa Quán Thế Âm, Châu Thành, Đồng Tháp, kết nối năm trường hợp khó khăn đến với chương trình. Năm trường hợp là năm câu chuyện đời bi thương tràn nước mắt. Nhưng họ đều có chung một hoàn cảnh, là ước mơ có được một ngôi nhà che được nắng, đỡ được mưa. Bởi, mái nhà của họ đã xiêu vẹo, dột nát từ lâu. Chỉ là một cái chái tạm, không đủ chở che những phận đời khi mưa nắng, trái gió trở trời.
100 ngàn- Vạn Mái Ấm là một chương trình được tạo trên trang Facebook mà người cưu mang là MC Lâm Ánh Ngọc và đạo diễn Nguyễn Điệp Văn - Hãng phim Sen Việt. Cùng với nhóm tình nguyện viên là những sinh viên, ngoài giờ đi học và đi làm về sinh hoạt chung, dưới mái nhà thiện nguyện 100 ngàn Vạn Mái Ấm, nằm khiêm tốn trên con đường Bùi Thị Xuân, Sài Gòn (HCM).
Hành trình như được rút ngắn, anh Điệp Văn như một hoạt náo viên luôn giới thiệu về những hoạt động thiện nguyện với cái tâm trong sáng. Những câu chuyện cảm động về tình người được sẻ chia . Những bài hát, được thể hiện bởi các thành viên đi trong đoàn . Họ là những nhà báo, nhà sư phạm, kỹ sư, là những doanh nhân trở về từ Úc, Nhật, người dân lao động chân chất, các cháu sinh viên tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần... Chưa ai biết ai , nhưng tất cả đều vui vẻ cười tươi, rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Từng tràng vỗ tay sôi động, sau những lời ca tiếng hát do chính những người tham dự chuyến đi vang lên.
Những câu chuyện cảm động từ những phận đời.
Xe vượt qua cầu Mỹ Thuận, dừng lại tại Mái ấm mang số 37. Vợ chồng ông già mù sinh năm 1935, nuôi giữ những đứa cháu có cha mẹ trẻ của chúng đi làm. Tám con người trước đây sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Giọt nước mắt khô khốc, chực chờ lăn đổ trên đôi mắt già nua. Những nếp nhăn tháng ngày kham khổ như lắng lại, để nghe rõ từng lời của Mc Lâm Ánh Ngọc: Ông bà hôm nay chính thức được nhận ngôi nhà, che được mưa nắng, từ 100 ngàn của những trăm ngàn con tim hồng khắp nơi gởi về trợ giúp…
Trước những người đại diện chính quyền, từng món quà được trao tận tay do những thành viên đi cùng. Đơn giản là những chồng chén bát mới, những cuốn tập, chiếc cặp , thùng sữa cộng thêm vài trăm ngàn. Nhưng sao nghe trĩu nặng nghĩa tình, phía góc nhà đã có những giọt nước mắt ai đó lặng lẽ rơi.
Con đường hẹp, quanh co không đủ lối cho chiếc xe to đùng của chúng tôi vào được Mái ấm mang số 39. Những vườn nhãn nhà ai sai trái, đung đưa vươn cành tỏa bóng mát cho chúng tôi, những quãng đường đi bộ. Ông bà Huỳnh Văn Năm trú tại khóm Phú Hưng. Hai vợ chồng già nua, cũng vất vả không kém hoàn cảnh trên. Hai đứa cháu có khuôn mặt sáng, cha mẹ đã mất trong một lần đi lao động. Gánh nặng lưu lại đè nặng trên đôi vai ông bà ngoại già. Đoàn thanh niên tại đây đã từng phải che cho ông bà một cái “chái”, che tạm mưa nắng qua ngày. Và hôm nay, ông bà ngỡ ngàng mừng vui nhận ngôi nhà, như giấc mơ trên đời có thật, bởi đâu đó còn những tấm lòng san sẻ yêu thương, chỉ bằng Một Trăm Ngàn Đồng.
Hành trình trao tặng nhà, như một cuộc du lịch trải nghiệm sự yêu thương về lòng nhân ái. Tự thân trái tim của mỗi người , xúc chạm vào những hoàn cảnh nơi đây. Những mảnh đời gieo neo rất thật. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà bà Lê Thị Hồng, hai bà mẹ tuổi đã cao sống trong mái tranh cũng đã đến kì dột nát. Mẹ ngồi đó, đan những cọng lục bình khô. Đôi bàn tay chai sạm, mẹ nói : Ngày nào mà bán thu được tám ngàn tiền công là ngày đó tuyệt vời hạnh phúc. Các chị trong đoàn cũng không quên tặng mẹ số tiền nhỏ đỡ đần. Các mẹ vui lắm.
Thọ bữa cơm chay.
Trời đã về trưa, chúng tôi tạm nghỉ và dừng chân bên hiên chùa Quán Thế Âm. Tượng Mẹ hiền Quán Thế Âm được tôn trí trang nghiêm trước sân. Vào chánh điện chúng tôi lễ Phật Bổn Sư. Ngôi chùa không lớn, nhưng tấm lòng của các sư, tín hữu và môn đồ pháp quyến nơi đây thật cao cả. Những nụ cười hiền luôn trên môi lúc chúng tôi thọ nhận bữa trưa vi diệu. Khu vườn trồng chính là ổi. Có cây khế thật ấn tượng, quả bầu nhỏ nhắn không có năm cạnh như thường thấy. Tại một góc sân chùa,tiếng hát cất lên để xua cơn buồn ngủ. Và như những lời trần tình ưu tư, câu chuyện về những ngôi nhà của gần 50 ngôi nhà trong 2 năm hoạt động được sẻ chia. Vợ chồng anh Đức Thảo, Việt kiều Úc, tình nguyện đóng góp và hứa sẽ luôn đồng hành cùng chương trình.
Quanh co qua những cung đường, có lúc phải xuôi ngược bằng thuyền mới đến được những ngôi nhà tại Phú Bình, Cái Tàu Hạ. Hai căn nhà chúng tôi sẽ đến là hai câu chuyện về những cháu học sinh thật cảm động. Mái ấm mang số 42 được dành cho gia đình anh Nguyễn Văn Cường, trú tại Phú Bình, Phú Hữu, Châu Thành. Anh và vợ dẫu cố gắng làm thế nào vẫn chưa dành dụm đủ để có một ngôi nhà mơ ước. Bốn đứa con ngày càng lớn. Đứa lớn nhất năm nay 15 tuổi, là học sinh giỏi nhiều năm, vì gia cảnh cơ hàn em đã từng nghỉ học. Thấu được nỗi buồn của gia đình anh Cường, chồng chở nhãn, vợ làm thuê sấy nhãn cho một vựa nhãn, con nghỉ học nhằm phụ giúp gia đình. Cô Tâm Thường đã từ bi giáo hóa, em Hải đã trở lại trường, nỗi lo nhà ở cũng được cô kết nối với chương trình. Ngôi nhà của cháu được xây dựng nên bởi nguồn tiền Phúng Điếu của một cụ ông, có thành viên trong chương trình. Con gái cụ ông đã quyết định chung tay trao tặng. Gặp đoàn hôm nay, không khí như ấm lại, những đôi mắt ánh lên niềm hy vọng. Ngôi nhà được chính thức trao cho bằng thủ tục trao giấy chứng nhận sở hữu và tấm biển nhỏ được gắn bên nhà: "100 ngàn Vạn Mái ấm". Các cháu cảm ơn chương trình và hứa sẽ có gắng học tập. Vâng, chúng tôi chỉ mong muốn các cháu được đến trường. Kết quả học tập của các cháu sẽ là niềm vui của gia đình và xã hội.
Rời ngôi nhà anh Cường, chúng tôi đến với ngôi nhà “Chuyện đôi dép”, tôi gọi vậy. Bởi khi nghe anh Điệp Văn kể khi xuống khảo sát ngôi nhà cũ của anh Nguyễn Văn Quý, trú tổ 9 ấp Hòa Thuận, An Phú Thuận. Ngày ấy, bé Nguyễn Thị Mỹ Linh đi học về. Ngoài trời có cơn mưa nhỏ lấm tấm rơi. Cháu gầy guộc kẹp đôi dép trên tay, đôi chân trần lội bùn về đến nhà. Ngạc nhiên anh Điệp Văn hỏi vì sao? Cháu lễ phép thưa, dạ cháu chỉ có đôi dép này, vì muốn mang được nó lâu hơn, chỉ khi gần đến trường cháu mới mang vào, và tan trường đi một quãng là cháu gói lại… Con đường đến trường đâu phải gần, vậy mà … ! Chương trình đã gởi tặng cháu chiếc xe đạp màu hồng, sau thời gian khảo sát không lâu, để cháu đến trường. Tại buổi lễ trao Mái Ấm hôm nay, tôi bắt gặp cái nếp văn hóa của gia đình. Người anh đon đả tay bắt mặt mừng luôn lời chào hỏi. Người cha và người mẹ cũng có mặt để sẻ chia niềm vui của con. Anh Quý là một thợ nề giỏi, thế nhưng công việc lại không suôn sẻ nên gia cảnh cũng thật đáng thương. Năm mươi triệu, mà căn nhà của anh lại là căn đẹp nhất trong năm căn. Vì sao ? Vì công anh bỏ sức ra làm, phụ hồ là anh trai và cả cháu Mỹ Linh. Câu chuyện từ miệng người cha kể về đứa con gái của mình, trong hơn một tháng giúp cha xây nhà, làm nhiều người bật khóc. Cháu gầy gò là vậy mà mấy bận sốt cao vì cái mưa cái nắng, và cũng vì quá gắng sức. Anh Quý xin được nói lời cảm ơn chương trình mà trên hốc mắt kia giọt nước mắt cứ lăn dài hạnh phúc. Người cha cũng vậy, điều gì khuấy động vào lương tâm mỗi con người chúng ta đến vậy? Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng trường quốc tế Úc, có mặt trong đoàn, đã nhận hỗ trợ học bỗng cho cháu Mỹ Linh suốt quá trình học tập xong đại học. Chúng tôi kỳ vọng về sự học của cháu ấy. Nhìn những tấm giấy khen được dán trân trọng bên góc nhà, chúng tôi lại ánh lên niềm vui. Niềm vui, của những nghĩa tình được đặt đúng chỗ đúng nơi.
Niềm vui vỡ òa khi anh Phúc, thành viên trong đoàn, báo có người điện thoại muốn gặp người đại diện chương trình. Vì thích quá hoạt động, thắm đượm tình nghĩa 100 ngàn muốn được cùng sẻ chia. Chiều dần buông, con đường như ngắn lại. Bước chân lại dập dồn trên con đường nhỏ xíu vừa được trải đá trước đó vài hôm. Một ngày trải nghiệm cảm xúc cho và nhận. Bà ngoại của ca sỹ Minh Đức gần tám mươi tuổi xúc động nói: “Tôi già ngần nầy rồi mà có một ngày sẻ chia, chứng kiến tận mắt hoạt động, tôi vui lắm, tôi cũng muốn được mạnh khỏe, để còn đồng hành với chương trình” (cười tươi).
Đến được những nơi xa xôi, xoa dịu những mảnh đời nhọc nhằn bất hạnh. Một ngày trải nỗi yêu thương, chúng tôi nghiệm ra một điều. Tất cả đều do một chữ Duyên.
Bài và ảnh: Trí Ánh Lê Quang Minh