Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page
Ký Sự : Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam đi Ấn-Ðộ và Tích-Lan
Hội-Nghị Phật Giáo Thế-Giới tại COLOMBO - 1950
Quang cảnh buổi lễ khai mạc

Buổi lễ khai-mạc Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới này do một vị lão Hòa-thượng chủ-tọa về bên Tăng-già và Thủ-tướng Tích-Lan nhận chủ-tịch do lời mời của ban Chiêu-tập, cốt để Ngài có dịp hoan-nghênh các đại - biểu Phật-giáo trên thế-giới và để tỏ lòng sốt sắng của Ngài đối với tôn-chỉ lập Phật-giáo Thế-giới. Hồi 5 giờ chiều lễ mới cử hành, mà mới có 4 giờ chúng tôi đã ra đi. Còn một phần ba (1/3) cây số nữa mới tới, thế mà chúng tôi đã phải xuống ô tô để đi bộ. Phần thì đông quá và chính tôi cũng muốn nhận ở lòng dân-tộc Tích-Lan hưởng ứng với Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới này ra sao.

Thực là quang-cảnh "xe hơi như nước, bóng người như mây".

Tôi hỏi ông chủ nhà: "Thành phố đây sao lắm xe ô tô thể nhỉ ?"
Ông cho biết : - "Thành phố chúng tôi này, nhà có hai ba chiếc bù với nhà không có chiếc nào, tính trung bình thì mỗi nhà có một chiếc".

Thảo nào mà nhìn quang-cảnh của các con đường đi tới khán-đài tựa như những làn sóng ngũ-sắc từ bốn phương tràn lại, vì rằng riêng cờ Phật-giáo theo mầu ngũ-sắc nổi bật lên trên các ô-tô. Ðấy là mỗi xe ô-tô người ta chỉ cắm có một cây hoặc ba cây.

Hai bên vỉa đường thực là quang cảnh chẩy hội, nhưng đám chẩy hội này nó có một đặc điểm là đủ tất cả các mầu da của các giống người trên thế-giới. Người nào người ấy đều lộ đầy vẻ mặt phong-nhã và hoan-hỷ với bộ quốc-phục của họ, hết thảy đề hăm hở tiến tới nơi hội-nghị, thực không khác gì quần-tiên tới hội bàn-đào.

Tòa nhà dùng để cử hành lễ khai hội-nghị này nó chính là tòa khán-đài mà người ta bảo rằng nó to tát nhất, rộng rãi nhất của Thủ-đô Tích-Lan. Tòa khán-đài này, lối kiến-trúc làm rất ít cột mà chạy dài, nếu quy vuông lại có thể hơn mẫu ruộng. Trước khán đài tôn một pho tượng Phật to lắm mà mầu sơn son thiếp vàng đã có vẻ cổ. Chung quanh bệ tượng Phật bầy rải hoa sen không biết bao nhiêu mà kể. Dưới chân bệ đều chôn bốn ngọn đèn điện lớn ở dưới đất cho ánh sáng của nó chiếu ngược lên tượng Phật thành ra ánh đèn chiếu với hào-quang sắc vàng của tượng Phật lộ ra một vẻ thiêng liêng huyền bí, khiến cho người ta đứng bên ngoài chiêm-ngưỡng vào thấy đầy chân tướng uy nghiêm vô hạn.

Còn một đám lớn mây cờ ngũ-sắc treo khắp trên nóc khán đài nó chiếu ánh với đèn điện rồi theo luồng gió thổi mà phất múa chào các Phật-tử thế-giới. Lối để cho các diễn-giả đi vào diễn-đàn còn bầy những chậu lúa vàng để tượng-trưng những cảnh thái-bình sẽ đưa lại cho nhân loại.

Bên ngoài khán-đài là bãi đua, nó có một bề thế rộng rãi thênh thang cho người ta đứng xem. Người ta ước lượng ngoài sân đua có linh vạn người đến xem, đấy là chưa kể số bao nhiêu người có thiếp mời đến dự lễ với hơn một trăm Ðại-biểu của các Phái-đoàn các nước ngồi trong khán đài. Ðối với chư Tăng đến dự hội-nghị, hình như ban  chiêu tập có mật ý để cho thập phương chiêm ngưỡng oai nghi của các nhà đạo-đức thì phải. Vì ký giả thấy sắp đặt để chỗ chư Tăng ngồi làm nhiều nơi, mà mỗi chỗ chỉ có độ vài ba chục vị, chư Tăng đều mặc áo cà-sa sắc vàng cả, thành ra những lớp sóng áo vàng của chư Tăng nổi bật lên giữa những làn sóng y phục ngũ-sắc của thiện-tín. Cuộc hội-nghị này ban chiêu tập sắp cũng lắm công phu và mỹ-thuật. Ðúng 5 giờ, tiếng chuông trống với vận điệu âm nhạc nổi lên ba hồi vừa dứt thì Bác-sỹ Malalasekera nhân danh trưởng-ban chiêu-tập ra cảm ơn Hội-nghị, làm lễ khai mạc, Bác-sỹ vừa dứt tiếng thì giời bỗng đổ mưa gió, nhưng không vì mưa gió, nhưng không vì mưa gió mà trì hoãn lại để nhỡ mất cái giờ phút thiêng-liêng độc nhất của lịch sử Phật-giáo thế-giới, nghĩa là lễ khai mạc cứ việc cử hành.

Chư Tang Tích-Lan đồng thanh tụng bài kinh Phạm-tự vào 4 cái loa, tiếng thiêng liêng oai hùng truyền ra vang dội trời đất. Thực là đạo mầu thiêng liêng cảm ứng mà lòng người ta không thể nghĩ bàn xiết được. Tất cả hội-nghị đều chứng kiến đạo thiêng liêng thực hiện đó là vì vừa dứt tiếng tụng kinh thì mây quang mưa tạnh. Ðương lúc hàng hơn vạn người đều yên lặng chăm chú hướng vào tượng Phật để nghe kinh một cách hoan hỷ cảm động, thì diễn văn bằng tiếng Phạm của Hòa thượng Phirivattaduwe Pallassa Vayasca Thera, diễn văn của Thủ-tướng Tích-lan D.S. Sananayaka v.v... đều tiếp tục đọc. Lại đọc đến những bức điện tín của mấy vị Tổng-thống và Thủ-tướng ở các nước gửi đến cầu chúc hội-nghị Phật-giáo thế-giới thành-công.

Dưới đây xin dịch hai bức thư của một vị Hòa-thượng và một vị Công-chúa Thái-Lan (Xiêm). Bức thư của Hòa-thượng Somdich Phara Vajirananaisam là Pháp-chủ của Giáo-hội Tăng-Già Thái-Lan:

"Nhân dịp Hội-nghị Phật-giáo thế-giới nhóm họp, nhân danh Pháp-chủ Tăng-già Phật-giáo Thái-Lan, tôi mong được tiến những lời chúc tụng thành thực và những lời cầu-nguyện cho sự thành công của Hội-nghị để đưa đến chỗ tiến-hành thực sự về giáo lý của đức Phật-Tổ để đem lại hạnh-phúc hòa-bình cho thế-giới.
Ðức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường chính và sự hòa-bình vĩnh-viễn. Tôi cầu xin cho Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới sớm đạt mục-đích để tiến tới ngày kết quả hết sức mỹ-mãn".

Thư của Công-chúa Ponn Diskul :

"Thưa các quý vị giáo-hữu, Tích-lan và nước Thái-Lan chúng tôi không xa lạ gì nhau, từ bao thế-kỷ đến nay đã có biết bao nhiêu phái-đoàn Phật-giáo của hai nước chúng tôi đã trao đổi mà lần này là lần thứ 16 của phái-đoàn Phật-giáo Thái-Lan tới xứ này.
Ước mong tình thân-ái của chúng ta được lâu bền mãi mãi. Nhân danh Hội Phật-giáo Thái-Lan và các Phật-tử Thái-Lan, tôi cầu xin chúc các Ngài đều được hạnh-phúc và Hội-nghị thành công rực rỡ".



[Trở Về ]                         [Trang sau ]                        [Trang trước ]
 
 
A - Chuẩn bị
1 - Duyên khởi - Từ Bắc vào Nam để vạch rõ nhiệm-vụ
B - Thời gian tại Ấn Ðộ
2 - Hội Phật-giáo Ấn Ðộ đối với Phái-Ðoàn Phật-giáo Việt-Nam
3 - Trao đổi về tình hình Phật giáo tại Ấn-Ðộ và tại Việt Nam
C - Thời gian tại Tích Lan
4 - Lễ Tuyên thệ
5 - Lễ Khai Mạc 
6 - Kết quả và tình hình tổng quát của Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới
D - Hành trình chiêm bái Phật tích tại Ấn Ðộ 
7 - Chiêm bái Xá Lợi hai vị Thánh Tăng
8 - Chiêm bái Song Lâm - Thứu Lĩnh 
(còn tiếp)