Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page
Ký Sự : Phái-đoàn Phật-giáo Việt-Nam đi Ấn-Ðộ và Tích-Lan
Hội-Nghị Phật Giáo Thế-Giới tại COLOMBO - 1950

 
 
Ngài Thủ Hiến Bengale hỏi về Phật-Giáo và Chính-trị Việt-Nam

Lễ chiêm bái xá-lợi xong, Ngài Tổng Thư-ký lại cho biết rằng: "Thủ-hiến xứ Bengale (Băng-gan) hẹn 4 giờ chiều hôm nay sẽ tiếp chúng tôi". Ðúng 4 giờ, ông Tổng thư-ký cùng đi với chúng tôi vào Phủ Thủ-hiến. Ðến nơi lính gác cửa vào trình, Ngài Thủ-hiến ra cửa đón chào và mời chúng tôi vào công-đường nói chuyện. Ngài Thủ-hiến nói: "Tôi tuy không chính-thức quy Phật, nhưng tôi rất tin Phật và rất mộ giáo-lý của Phật, vì Phật dạy: Hạng người nào cũng theo được." Ngài hỏi: "Bên Việt-Nam cuộc chiến tranh Việt-Pháp đã yên chưa ?"

- Thưa Ngài, chưa yên !

Ngài nói : "Tôi đọc các báo có nói nhiều về sự đau khổ của dân Việt-Nam, nên tối nào tôi cũng cầu nguyện cho nền độc-lập của nước Việt-Nam sớm thực-hiện cho dân-tình đỡ khổ".

Những câu nói của Ngài Thủ-hiến Bengale vừa nói xong, khiến cho tôi thêm để ý xem dung-mạo như thế nào, mà nói những câu thiết tha đối với dân Việt-Nam như vậy. Quả nhiên tai to, trán cao, mắt sáng, tiếng nói dõng-dạc, tầm người cao lớn, cả tướng-mạo đáng kính, vận bộ quần áo vải gai phơn-phớt trắng, biểu lộ một tư-cách con người có vẻ trầm-tiềm, cương-nghị và nhân-từ, khiêm-tốn. Lúc mới tới, Ngài tiếp chúng tôi bằng cách vồn-vã và thân-mật như tình khế-hữu. Tôi nghĩ luôn, Ngài đã kính mộ giáo-lý của Phật, lại thân-mật với chư Tăng, cố nhiên có tư-tưởng mong cho thế-giới hòa-bình bằng cách không bạo-động. Như vậy, những câu mà Ngài tiếp chúng tôi thành-thực tự đáy lòng thốt ra.

Khi từ biệt, Ngài còn gọi lính hầu thân dẫn chúng tôi đi xem mọi nơi trong dinh Phủ. Nguyên đây là dinh của Phó-vương Anh hồi trước, cho nên sự rộng-rãi trang-nghiêm của nó có thể ngoài trí tưởng-tượng; có những báu vật cổ kim nhiều không kể xiết mà phần nhiều là các báu vật của Vương-triều ngày xưa để lại.

Tiếp kiến Ngài Thủ-hiến xong, chúng tôi lại đến thăm Hội Phật-giáo Bengale tức là Hội Nghiên cứu Phật-học của địa-phương này. Vì không báo trước nên chúng tôi không được gặp Hòa-thượng trụ-trì. Nhưng có Ngài Hội-trưởng và nhân-viên thường-trực tiếp đãi chúng tôi theo lễ nhà Phật. Tôi có chuyển giao phong thư và hòm kinh của Hội Việt-Nam Phật-giáo gửi biếu. Ông Chánh hội-trưởng thu nhận với những lời hết sức cảm động. Ông còn phàn-nàn là tại chúng tôi không cho biết trước để có sự tiếp đón xứng đáng.

Sự tổ-chức ở chùa Hội-quán này, tuy không được bằng chùa Ðại-Bồ-Ðề, nhưng ở đây có trường Tăng-học, hiện có hơn 30 vị Tăng-học đều do Hội này cung cấp.
 
 

Cư sĩ Barua cho biết về tình hình Phật-giáo Ấn-Ðộ

Tôi muốn biết về tình hình Phật-giáo hiện-tại ở Ấn-Ðộ, nên ở Hội Nghiên-cứu Phật-học ra, liền nhờ Ông Phạm-Chữ thuê ô-tô, lấy cớ là mời Cư-sĩ Barua đưa đi thăm phố để cho có cơ-hội hỏi được nhiều chuyện. Lên xe xong, với mấy câu chuyện phố phường chiếu lệ, ký giả hỏi:"Tôi nhận thấy ở ông có một lực-lượng học-vấn uyên-thâm, cả về thế-gian lẫn Phật pháp, với tư-tưởng thanh-tịnh thuần-túy như vậy, sao ông không xuất-gia ?"

- Tôi không lập gia-đình là cốt để xuất-gia lúc nào cũng được dễ dàng. Tôi chưa xuất-gia mà vẫn ở chùa với Chư Tăng, là cốt để tập luyện tính-tình và lễ-độ thuyền-gia cho am-hiểu đã. Nhất là tôi còn làm Cư-sỹ để được dễ-dàng đột-nhập vào đám quần-chúng mà tùy-duyên phương-tiện cảm-hóa họ, như mấy năm gần đây, tôi đã làm một số đông dân Ấn-Ðộ theo Phật-giáo.

Ông xem Phật-giáo ở Ấn-Ðộ có thể phục-hưng được không ?

- Ấn-Ðộ là đệ nhất Tổ-quốc của Phật-giáo, hết vận-hội suy tất phải thịnh. Nhưng thịnh hay suy còn tùy ở Phật-Tử có trách nhiệm truyền giáo ở Ấn-Ðộ. Riêng tôi, tôi nhận thấy quốc hội Ấn-Ðộ lấy tượng-hình Pháp-luân (bánh xe Pháp) của Phật-giáo làm nhãn hiệu chính giữa quốc-kỳ Ấn-Ðộ và người Anh-Cát-Lợi đã trao trả xá-lợi của hai vị Thánh Tăng cho chính phủ Ấn. Hôm Bác Sĩ Nehru Thủ-tướng Ấn quỳ xuống đón hai bảo-vật thiêng-liêng ấy, có tới tám triệu người đến chiêm-bái. Ðấy là tượng trưng Phật-giáo có thể phục-hưng được ở Ấn-Ðộ.

Giữa Phật-giáo với Ấn-Ðộ-giáo có thể dung hòa được không ?

- Những nỗi yếu-hèn đau-khổ của Ấn-Ðộ từ xưa đến nay, phần nhiều vì Ấn-Ðộ nhiều Tôn giáo tranh-chấp nhau, để sinh ra vạ chia-rẽ dân-tộc, làm cho hao-mòn lực-lượng hùng-hậu đi. Ngày nay, nhờ vào sự cách-mệnh thành-công của Thánh Cam-Ðịa với phần lớn các nhà trí-thức Ấn-Ðộ đã tỉnh ngộ, đã nhận chân là phải làm cho Phật-Giáo và Ấn-Ðộ giáo dung hòa với nhau. Lại còn có một cớ, có thể là cớ chính của Ấn-Ðộ, phải dung hòa Tôn-Giáo để thực-hiện chủ-nghĩa bình-đẳng của Phật-Giáo mà phá cái chế độ giai cấp của Ấn-Ðộ giáo mới hòng giải thoát được cho 18 triệu dân nô-lệ.

Hiện giờ Ấn-Ðộ có bao nhiêu chư Tăng Ni ?

- Chắc Thượng Tọa thừa hiểu rằng nhà chép sử Phật-giáo ở Ấn-Ðộ đã phải gác bút từ đầu thế kỷ thứ 19, vì thế mà số Tăng Ni ở Ấn-Ðộ riêng chỗ tôi biết thì chưa có mấy. Trái lại, ở Ấn-Ðộ có tới 1000 vị Tăng ở Tích-Lan sang đây để phục hưng Phật-giáo.

Dân số tín-ngưỡng duy-nhất về Phật-Giáo của Ấn-Ðộ được độ bao nhiêu ?

- Ước độ 15 triệu người.

Người theo Ấn-Ðộ giáo có hay đến chùa lễ không ?

- Nhiều lắm, ngay Ngài Hội-Trưởng Hội Ðại Bồ Ðề của chúng tôi đây chính là người theo Ấn-Ðộ giáo.

Theo chỗ tôi hiểu thì Ấn-Ðộ giáo là một danh từ tổng quát, nếu phân tách ra thì nó sẽ có 96 thứ Tôn phái. Những tôn phái tương-tự như Không-giáo, Lão-giáo ở Tầu thì còn có thể dung-hòa được với Phật-giáo. Nếu đem Phật-giáo mà dung-hòa với các Tôn phái do thần đạo thoát-thai từ Thái-cổ, đầy những sự mê-tín dị-đoan mà dung-hòa vào Phật-giáo có còn được chân tướng không? Và Phật-giáo còn đào-tạo làm sao được tín-đồ thuần-túy nữa ?

- Chân tướng Phật-giáo là ở lý sắc không, không sắc. Lý đó đã vì chúng-sinh xuất hiện ra là "từ bi cứu thế". Muốn cứu thế phải thực hành phương tiện. Chắc Thượng-Tọa còn nhớ Phật dạy: "Theo lòng mong cầu của chúng sinh mà làm lợi ích cho họ" trước nhất ta hãy dùng phép phương-tiện để làm cho lợi-ích chúng-sinh đi đã, rồi sau ta sẽ đưa họ tới chỗ thuần-túy tín ngưỡng. Nếu ta có cỗ ngon mà không cho người ta ăn, thì ai biết đến mỹ-vị của nó mà thèm-thuồng muốn ăn. Vả lại, số thuần túy tín-ngưỡng ở nước nào cũng vậy, chỉ được một số ít người có căn cơ lại có học-thức thôi. Còn hạng bình-thường sẽ tập quen mê-tín lâu đời nhất đán thay đổi ngay, khó-khăn lắm, nhưng họ có tín-ngưỡng còn hơn không !...

Cuộc nói chuyện này đã lâu tới 2 tiếng đồng-hồ. Bấy giờ cũng đã hơn 8 giờ tối. Tôi bảo xe quay về để ÔngPhạm-Chữ còn đi ăn cơm tối.
 
 

Một vị Ðại-Ðức hỏi về Phật-giáo Việt-Nam

Một hôm về buổi tối, một vị Ðại-Ðức nguyên là Tiến-Sĩ xuất gia đến phòng của tôi nói là sẽ hướng dẫn phái đoàn Phật-giáo chúng tôi đi chiêm-bái các nơi Phật tích. Theo chương-trình thì phải đi tới mười ngày mới về. Tôi cám ơn và mời Ðại-Ðức ngồi nói chuyện.

Ðại-Ðức bắt đầu hỏi: Việt-Nam theo Phật-Giáo Nam-phương hay Bắc-phương ?

Tôi đoán là Ðại-Ðức muốn biết về lịch sử Phật-giáo Việt-Nam mình, để khi đi hướng-đạo sẽ tiện việc nói chuyện với các Phật-tử các nơi Phật-tích. Thôi ta cứ việc theo lời hỏi mà trả lời.

- Bạch Ðại-Ðức, nếu theo về địa-lý thì Việt-Nam chúng tôi theo Phật-Giáo Bắc-phương, là vì kinh Phạm-tự truyền sang Bắc-phương, mà các kinh Phật ở Việt-Nam là theo kinh Tàu, mà kinh của Tàu đều dịch ở kinh Phạm-tự ra cả. Xem thế đủ thấy Phật-giáo Việt-Nam thuộc về Bắc-phương Phật-giáo. Theo chỗ tôi nhận xét, thì đem chia Phật-giáo Nam-phương ra làm tiểu thừa, Phật-giáo Bắc-phương là đại thừa chưa chắc đã là đúng. Vì Phật giáo vốn có đủ Ðại thừa và Tiểu thừa. Một chứng cớ rõ ràng, là những người mới vào đạo phải tu hành về phần tự giác, tự-lợi đó là Tiểu-thừa, rồi sẽ đem phần tự-giác tự-lợi của mình ra làm mọi việc lợi-tha, giác-tha, thì là tôn-chỉ của Ðại-thừa. Còn như Phật-giáo ở xứ nào thiên quá về một mặt là tại quan-niệm của người theo Phật-giáo ở địa-phương đó.

- Nếu vậy Phật-giáo Việt-Nam là do Tàu truyền sang chứ không phải là do Ấn-Ðộ truyền sang ?

- Cuối thế-kỷ thứ 2 có Mậu-Bác Cư-Sỹ, vì tránh nạn mà sang Việt-Nam rồi truyền-bá  Phật-giáo ở xứ chúng tôi, nhưng lúc đó mới chỉ có ảnh-hưởng một phần nào, chứ chưa có sự tổ chức cụ thể. Ðến năm 225, Ngài Khăng-Tăng-Hội là Cao-Tăng của Quý quốc sang Việt-Nam, bấy giờ Việt-Nam mới có Tăng chúng, Phật-giáo Việt-Nam mới có hệ-thống, tổ-chức do tăng-già lãnh đạo trách nhiệm truyền giáo. Thế nên sau Ngài Khang-Tăng-Hội còn có nhiều các Cao Tăng quý Quốc và Việt-Nam đi lại mật thiết với nhau về việc tu hành và truyền bá. Phật-giáo Việt-Nam lấy hệ thống Tăng-già truyền giáo, nên từ xưa vẫn tôn thờ Ngài Khang-Tăng-Hội là Sơ-Tổ truyền Phật-Giáo sang Việt-Nam.

- Số Tăng, Ni ở Việt-Nam có được bao nhiêu ?

- Ðích số thì tôi chưa biết rõ, nhưng ở Việt-Nam rất ít làng không có chùa, có làng lại có đến hai ba chùa. Mỗi chùa cả thày lẫn tiểu, ít nhất cũng tới ba người. Nhiều chùa có tới vài ba chục vị. Xem thế thì biết số Tăng, Ni ở Việt-Nam không phải là ít.

- Thượng-Tọa bao nhiêu tuổi mới xuất-gia, tu ở chùa nào, thuộc về pháp phái nào ?

- Tôi xuất gia giữa năm 1903, tức là năm lên 13 tuổi, thụ nghiệp Hòa-thượng tôi tại chùa Hương-Tích ở tỉnh Hà-Ðông thuộc về pháp phái Lâm-Tế.

- Thượng tọa theo công-cuộc chấn-hưng Phật-giáo đã được bao nhiêu năm ?

- Ðầu năm 1935, tôi đang tu-niệm ở chùa La-sơn, bỗng bị nghiệp sư bắt ra giúp hội V.N.P.G. vì có một số các yếu nhân của Hội đó vào tận chùa Hương-Tích thỉnh cầu, nên Hòa-Thượng tôi bắt phải ra chùa Quán-Sứ để theo đuổi mục-đích chấn-hưng Phật-giáo, chẳng may tôi bị bệnh phải xin tạm nghỉ về chùa Côn-Sơn thuộc tỉnh Hải-dương điều trị, nhưng cũng không khỏi, sau lại phải ra bệnh-viện Hà-nội mổ giữa năm 1945 chính là năm nước chúng tôi bùng nổ cuộc cách-mệnh do Cụ Hồ-Chí-Minh lãnh đạo.
Quốc gia đã biến cố thì Tôn-giáo cũng bị ảnh-hưởng, giới xuất-gia chúng tôi lúc đó cũng đã phần nhiều lâm vào tình thế hết sức lộn-xộn rối-ren. Giữa lúc đó tôi mới mổ bao tử được 13 ngày. Nhận thấy tình-thế nguy ngập đến thuyền môn, không thể ngồi yên được, đành phải khăn đai chét bụng ra khỏi bệnh-viện cùng với các bậc tu hành đồng-chí tìm phương bổ cứu. Một ban lâm thời tổ chức Phật-giáo thống nhất được thành-lập, liền cử ra 7 phái đoàn chư Tăng theo một chương-trình cấp tốc trong 10 ngày đi khắp 13 tỉnh để chiêu tập Tăng-già để cùng thảo về vấn-đề thống nhất Phật-giáo đoàn kết Tăng-già, hết thảy đều hưởng ứng nhiệt-liệt, đã đi đến kết quả một kỳ Ðại hội-đồng toàn-thể Tăng-già và các hội Phật ở Bắc-Việt. Hội nghị này đã duyệt y bản quyết-nghị nhằm vào mục-đích điều hòa các Hội Phật giáo, thực-hiện tinh-thần thống nhất Phật-giáo với một ủy ban Tăng-già Bắc-Bộ được cử ra lãnh trách nhiệm đó. Tôi được cử làm phó chủ tịch ủy ban này.
Công cuộc của Ủy-ban Tăng-già Bắc-Bộ đó đang tiến-triển thì cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, dân chúng và các Phật-tử ở Hà-nội chạy loạn hầu hết còn mấy vị chúng tôi, tử, sinh phó mặc cho định-nghiệp, liều chết ở lại chùa Quán-Sứ. lẽ cố nhiên phải đương đầu với đầy thảm trạng đau thương, cũng đều trông cậy có Phật lực che chở cho qua cơn sóng gió hết sức nguy-nan khủng khiếp mới còn đến ngày nay, lại hân hạnh được sang nước Phật đây để được gặp gỡ các Phật-tử thế-giới.

- Tình hình hoạt-động hiện-tại Phật-giáo Việt-Nam ra sao ?

- Về giới xuất-gia thì ở Bắc-Việt và Trung-Việt đã có tổ-chức thành Tăng-Già giáo-hội, đều theo một mục-đích chỉnh-lý nội-bộ tu hành. Còn những hội Phật-giáo có đủ cả tăng lẫn tục như Hội Ðại-Bồ-Ðề đây thì hiện thời có ba hội có ảnh hưởng lớn và cùng chung một tôn-chỉ phụng sự Tam-bảo, chấn hưng Phật giáo, ngoài ra còn thực hiện tôn chỉ cứu-thế, làm các việc cứu-tế xã-hội nữa".

***

Sáng ngày mùng 9, ông Tổng thư-ký cho mời tôi và ông Phạm Chữ đến tư phòng, tôi nhân danh Hội-Trưởng Hội Tăng-Ni Bắc-Việt kính biếu ông một tập báo Phương-Tiện và yêu cầu ông giúp đỡ bài vở cho báo Phương-Tiện. Ông rất vui vẻ nhận lời còn nói thêm rằng: "Nếu tôi vì bận mà chưa kịp viết bài gửi sang, thì Thượng-tọa được tự-do trích dịch những bài vở trong tạp chí Maha Boddhi của hội chúng tôi để đăng vào Phương Tiện." Tôi tỏ lời cảm ơn. Ngài nói : "Ðây là số sách báo của Hội chúng tôi biếu phái đoàn Phật-giáo." Ngài nói tiếp: "Thượng-tọa muốn chụp ảnh Phật hoặc các pháp-bảo trên chùa đây, cứ việc gọi thợ ảnh đến cho họ làm. Còn như muốn mua phim thì thư-thả tôi sẽ giúp, hiện bây giờ chưa tiện có."

Ngay lúc đó tôi liền gửi Ngài 1000 đồng roupies (theo tiền Ðông-dương linh 4000$) để Ngài mua giúp các kinh sách báo-chí về Phật-giáo, nhận tiền xong, Ngài lại nói: "Tôi đã bàn định với Ngài Hội-trưởng Hội chúng tôi để mời các Phật-tử địa-phương này đến 6 giờ chiều ngày 22 tháng 5 này đến tiếp Thượng-tọa và Phái-đoàn, xin Thượng-tọa sẽ diễn-giảng vào kỳ đó. Ngày mai, Thượng-tọa đi chiêm-bái, tôi đã cử một vị Ðại-đức đi hướng-dẫn và đã báo cho các nơi biết, nhưng không nói sẽ đến đích vào ngày nào, vì đường tự nơi này đến nơi khác, hàng mấy trăm cây số một, mà lại đương mùa nắng-nực, e đến không đúng để nhỡ việc cho người ta, chắc điều đó Thượng-tọa cũng đồng ý."

- "Ngài nghĩ thế thực chu đáo". Tôi trả lời và hỏi thêm : "Ngày nào chúng tôi đi Colombo dự Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới ?"

- Tôi đã biên thư đến ban Trị-sự của chi-hội chúng tôi ở đó và có gửi thư riêng cho ông Raja Hewavitarne là Phó Hội-trưởng Hội Maha Boddhi Tích-Lan để đón tiếp và sắp đặt nơi ăn nghỉ, cả bản đề-nghị lên Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới của Thượng-tọa, tôi cũng đã gửi đi rồi.
 
 



[Trở Về ]                         [Trang sau ]                        [Trang trước ]
 
 
A - Chuẩn bị
1 - Duyên khởi - Từ Bắc vào Nam để vạch rõ nhiệm-vụ
B - Thời gian tại Ấn Ðộ
2 - Hội Phật-giáo Ấn Ðộ đối với Phái-Ðoàn Phật-giáo Việt-Nam
3 - Trao đổi về tình hình Phật giáo tại Ấn-Ðộ và tại Việt Nam
C - Thời gian tại Tích Lan
4 - Lễ Tuyên thệ
5 - Lễ Khai Mạc 
6 - Kết quả và tình hình tổng quát của Hội-nghị Phật-giáo Thế-giới
D - Hành trình chiêm bái Phật tích tại Ấn Ðộ 
7 - Chiêm bái Xá Lợi hai vị Thánh Tăng
8 - Chiêm bái Song Lâm - Thứu Lĩnh
(còn tiếp)