[03]
251- Chia Người (Puggala-bheda).
V- Thế nào là Người?
Ð- Người là chúng sanh, loài hữu tình, loại có Tâm thức. Người có 12
hạng:
1) Người Khổ. 2) Người Lạc. 3) Người Nhị Nhân. 4) Người Tam Nhân.
5) Người Sơ Ðạo. 6) Người Nhị Ðạo. 7) Người Tam Ðạo. 8) Người Tứ Ðạo.
9) Người Sơ Quả. 10) Người Nhị Quả.11) Người Tam Quả. 12) Người Tứ Quả.
252- Người Khổ.
V- Thế nào là Người Khổ?
Ð- Người Khổ là những chúng sanh thiếu sự hạnh phúc, thường bị khổ đau.
Người khổ có 4:
Ðịa Ngục: Người ở cõi Ðịa Ngục là hạng người hằng bị mọi thống
khổ, chẳng có sự an vui.
Ngạ Quỷ: Chúng sanh hằng bị sự đói khát chẳng đặng thọ hưởng các
thực phẩm của Nhơn Thiên; do căn bỏn xẻn, hủy bán Tam Bảo, khinh dễ các
bậc tu hành...
Bàng sanh: Loại chúng sanh đầu và đuôi ngang nhau; có loại sanh
trứng, có loại sanh con; cũng có loại sanh nơi ẩm thấp (hình như không
có hóa sanh).
A Tu La: Là hạng người hung dữ, tục thường gọi là Thần, có đôi
lúc vì quá sợ sệt người ta còn gọi là Thánh như Quan Công v.v... những
chúng sanh hung ác ở trên cõi trời Ðạo Lợi đối thủ của Ðức Ðế Thích thì
gọi là A Tu La Chư Thiên; có tục truyền rằng: A Tu La vương ở dưới biển
có một loại A Tu La khác căn duyên tương tự như Ngạ Quỷ thường ở nơi cồn
bãi, rừng núi hoặc những chỗ hiểm hóc, ăn uống những vật nhơ nhớp hạng
nầy gọi là A Tu La sa đọa.
253- Người Lạc.
V- Thế nào là người Lạc?
Ð- Người Lạc là những chúng sanh có hạnh phúc không đến đổi khổ đau như
người Khổ. Người Lạc có 3:
- Người Lạc ở cõi Người.
- Người Lạc ở cõi Tứ Thiên Vương.
- Người Vô Tưởng.
Người Lạc do Tục Sinh bằng Tâm Quan Sát thọ xả của Quả Thiện vô nhân
nên có bệnh tật từ trong bụng mẹ như câm, điếc, đui v.v... hạng người nầy
không thể đắc Thiền hay Ðạo Quả được. Người Lạc ở cõi người phần lớn là
Thai sanh còn ở cõi Tứ Thiên Vương và Vô Tưởng thì hoàn toàn là Hóa sanh.
Người vô tưởng tục sinh bằng Sắc pháp chớ không có tâm.
254- Người Nhị Nhân.
V- Thế nào là Người Nhị Nhân?
Ð- Người Nhị Nhân là người thiếu trí trong lúc tái sanh, Tâm Tục sinh
của người Nhị Nhân là 1 trong 4 Tâm Ðại Quả ly trí. Người Nhị Nhân cũng
không thể đắc Thiền và Ðạo Quả. Người Nhị Nhân sanh được trong 7 cõi là
cõi người và 6 cõi Trời Dục Giới. Gọi Nhị Nhân vì 3 Nhân Thiện là Vô Tham,
Vô sân và Vô Si; nhưng Tâm Tục Sinh của người nầy chỉ có Vô Tham và Vô sân
chứ không có Vô Si. Vì vậy nên gọi là Nhị Nhân.
255- Người Tam Nhân.
V- Thế nào là Người Tam Nhân?
Ð- Người Tam Nhân là người có Trí Tuệ trong lúc tái sanh, Tâm Tục Sinh
của người Tam Nhân là 4 Tâm Ðại Quả hợp trí và 9 Tâm Quả Ðáo Ðại. Bởi Tâm
Tục Sinh của những người nầy có đầy đủ 3 Nhân Thiện là Vô Tham, Vô Sân, Vô
Si. Nên gọi là người Tam Nhân. Người Tam Nhân có thể đắc được Thiền và Ðạo
Quả. Trong 31 cõi, người Tam Nhân tái sanh được 21 cõi (trừ cõi Vô Tưởng
và 4 cõi Ác Thú, 5 cõi Tịnh cư).
256- Người Sơ Ðạo.
V- Thế nào là Người Sơ Ðạo?
Ð- Người Sơ Ðạo là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết Bàn lần
đầu tiên. Người Sơ Ðạo sát trừ được 3 thứ phiền não đầu là Thân Kiến, Hoài
Nghi và Giới Cấm Thủ. Người Sơ Ðạo có thể có mặt trong 17 cõi là cõi Nhân
loại, 6 cõi Trời Dục Giới, 3 cõi Sơ Thiền, 3 cõi Nhị Thiền, 3 cõi Tam
Thiền và cõi Tứ Thiền Quảng Quả.
257- Người Nhị Ðạo.
V- Thế nào là người Nhị Ðạo?
Ð- Người Nhị Ðạo là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết Bàn lần
thứ hai. Người Nhị Ðạo làm giảm nhẹ thêm hai thứ phiền não kế là Tham Dục
và sân. Người Nhị Ðạo có thể có mặt trong 21 cõi là 4 cõi Vô Sắc và 17 cõi
Sơ Ðạo có thể tái sanh như đã nói trên.
258- Người Tam Ðạo.
V- Thế nào là người tam Ðạo?
Ð- Người Tam Ðạo là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết Bàn lần
thứ ba. Người Tam Ðạo dứt tuyệt hai thứ phiền não mà Nhị Ðạo đã làm giãm
nhẹ tức là Tham Dục và Sân. Người Tam Ðạo có thể có mặt trong 21 cõi như
Nhị Ðạo.
259- Người Tứ Ðạo.
V- Thế nào là người Tứ Ðạo?
Ð- Người Tứ Ðạo là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết Bàn lần
thứ tư mà cũng là lần cuối cùng. Người Tứ Ðạo sát tuyệt năm phiền não còn
lại là Sắc Ái, Vô Sắc Ái, Ngã Mạn, Phóng Dật và Vô Minh: như vậy, 10 thứ
phiền não phải chứng đến Tứ Ðạo mới sát tuyệt hoàn toàn. Người Tứ Ðạo có
thể có mặt trong 26 cõi là trừ ra cõi Vô Tưởng và 4 cõi khổ.
260- Người Sơ Quả, Nhị, Tam, Tứ Quả.
V- Thế nào là người Sơ Quả Nhị Tam Tứ Quả?
Ð- Người Sơ Quả là người đã đắc Sơ Ðạo. Người Sơ Quả nếu không chứng
Ðạo Quả khác thì cũng không quá 7 kiếp sanh trở lại làm người nên gọi là
Quả Thất Lai; người Sơ Quả không bao giờ sa đọa vào 4 cõi khổ và chắc chắn
sẽ được Niết Bàn nên gọi là Dự Lưu hay Nhập Lưu. Trong 31 cõi, người Sơ
Quả có thể Tục Sinh được 21 cõi là 4 cõi Vô Sắc, cõi Nhân loại, 6 cõi trời
Dục Giới, 3 cõi Sơ Thiền, 3 cõi Nhị Thiền, 3 cõi Tam Thiền và cõi Tứ Thiền
Quảng Quả.
Người Nhị Quả là người đã đắc Nhị Ðạo. Người Nhị Quả nếu không chứng
Ðạo Quả khác thì chỉ tái sanh lại cõi Dục Giới một lần nên gọi là Nhất
Lai. Số cõi tái sanh Nhị Quả cũng giống như Sơ Quả.
Tam Quả là người đã đắc Tam Ðạo. Người tam Quả nếu không đắc A La Hán
Ðạo thì sẽ sanh về cõi Ngũ Tịnh Cư Thiên chứ không sanh tại cõi Dục giới
nên gọi là Bất Lai. Người Tam Quả sanh về cõi Ngũ Tịnh Cư do căn duyên
khác biệt nên cõi tái sanh không đồng: Nếu Vị Tam Quả có Tín căn mạnh thì
sanh cõi Vô Phiền; nếu Tấn căn mạnh thì sanh về cõi Thiện Kiến; nếu Ðịnh
căn mạnh thì sanh về cõi Thiện Hiện; nếu Tuệ căn mạnh thì sanh về cõi Sắc
Cứu cánh. Trong 31 cõi Vô Tưởng và 4 cõi Ác Thú. Vị Tam Quả dù không đắc
thiền cũng sanh về cõi Sơ Thiền. (chú ý: Vị Tam Quả được sanh vào cõi Ngũ
Tịnh cư phải là người đã chứng đắc Ngũ Thiền).
Người Tứ Quả là người đã đắc Tứ Ðạo. Người Tứ Quả ở cõi nào thì khi Ngũ
uẩn tiêu hoại sẽ Niết Bàn nơi ấy, chứ không còn tái sanh, nên gọi là Vô
Sanh; vì dứt tuyệt tất cả phiền não nên còn được gọi là Sát tặc; vì hoàn
toàn trong sạch, xứng đáng cho Người, Trời cúng dường nên gọi là Ưng Cúng.
Những cõi có mặt Vị A La Hán Quả cũng đồng một số cõi như Tam Quả.
261- Cõi (Bhūmi)
(*).
V- Thế nào là cõi?
Ð- Cõi là nơi chúng sanh nương, loài hữu tình ở Cõi có 3: 1) Cõi Dục
Giới. 2) Cõi Sắc Giới. 3) Cõi Vô Sắc Giới.
(*) Chỗ nương để sinh và trú gọi là Cõi (Bhavanti sattā cithāti:
Bhūmi).
262- Cõi Dục Giới (Kāmāvacabhūmi)
(*).
V- Thế nào là Cõi Dục Giới?
Ð- Cõi Dục Giới là nơi chúng sanh phần lớn là hưởng cảnh ngũ dục (Sắc
dục, Thinh dục, Hương dục, Vị dục và Xúc dục). Cõi Dục Giới chia ra có 11:
1) Cõi Ðịa Ngục là cảnh giới bất hạnh, những chúng sanh ở trong cõi
nầy hoàn toàn không có hạnh phúc.
2) Cõi Ngạ Quỷ là cảnh giới của những chúng sanh hằng chịu sự đói
khát.
3) Cõi A Tu La là cảnh giới của những người Tâm tánh hung dữ.
4) Cõi Bàng Sanh là cảnh giới của những chúng sanh có thân hình đầu
đuôi ngang nhau.
5) Cõi Nhân Loại là cảnh giới của loài người có trí tuệ thông minh
được gọi bằng danh từ Manussānaṃ có nghĩa:
- Giòng dõi hay những người phát xuất từ nhóm người Ðạo sĩ
Manussānaṃ tức theo truyền thuyết của Ấn Ðộ thời xa xưa xem vị Ðạo Sĩ
Manussānaṃ như là Thủy Tổ của loài người.
- Manussānaṃ có nghĩa là loài chúng sanh thông minh có sự tiến hoá.
6) Cõi Tứ Thiên Vương là cảnh giới của Chủ Thiên dưới quyền chủ trị
của 4 vị Thiên Vương.
7) Cõi Ðạo Lợi là cảnh giới của Chư Thiên có 33 vị Trời làm chủ nên
cõi nầy còn được gọi là cõi Tam Thập tam Thiên; theo tục truyền thì
thờiquá khứ có chàng thanh niên Magha hướng dẫn 32 vị thanh niên khác
làm những công tác từ thiện, phục vụ cho người nên sau khi chết được
sanh về cõi nầy.
8) Cõi Dạ Ma là cảnh giới của Chư Thiên được nhiều sự an vui tiêu
diệt những sự khổ (thông thường).
9) Cõi Ðâu Suất là cảnh giới của các vị Trời thọ hưởng Quả phước nhất
là Quả phước của Ba La Mật, các vị Bồ Tát trước khi thành Phật sanh lên
đây để chờ cơ hội đầy đủ căn duyên liền tái sanh lần chót chứng Quả Phật
Toàn Giác.
10) Cõi Hóa Lạc Thiên là cảnh giới của các vị Trời khi nào muốn hưởng
Dục lạc thì tự hóa hiện ra mà dùng.
11) Cõi Tha Hóa Tự tại là cảnh giới của các vị Trời khi nào muốn
hưởng năm món Dục Lạc thì có kẻ khác đem đến dâng. Cõi nầy là trú xứ của
Ma Vương.
(*) Cõi nào là nơi phát sinh phiền não và vật dục, cõi ấy gọi là Cõi
Dục giới (Kamassabhavoti: Kamavacara).
263- Cõi Sắc Giới (Rūpāvacarabūmi)
(*).
V- Thế nào là cõi Sắc Giới?
Ð- Cõi Sắc Giới là cõi còn có hình sắc nhưng không phải là Sắc Thô như
ở cõi Dục và chúng sanh trong cõi nầy nuôi sống bằng pháp hỷ của Thiền
Ðịnh chứ không thọ hưởng ngũ dục. Cõi Sắc giới phân ra có 16, nằm trong 4
từng:
(I) Từng thứ nhất là từng Sơ Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc
Sơ Thiền; vì căn cơ và Quả báu khác nhau nên cõi Sơ Thiền chia ra thành
3 cõi.
1) Cõi Phạm Chúng Thiên là cảnh giới của những người Ðắc Sơ Thiền
bực thấp nên sanh vào cõi nầy làm đồ chúng cho Ðại Phạm Thiên.
2) Cõi Phạm Phụ Thiên là cảnh giới của những vị đắc Sơ Thiền bực
Trung nên sanh vào cõi nầy; các vị Phạm Phụ Thiên được xem như những
vị Tổng Trưởng của Ðại Phạm Thiên.
3) Cõi Ðại Phạm Thiên là cảnh giới của những vị đắc Sơ Thiền bậc
thượng.
(II) Từng thứ nhì là từng Nhị Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc
Nhị và Tam Thiền; cũng do căn cơ và Quả báu khác nhau nên cũng chia
thành 3 cõi:
4) Cõi Thiểu Quang Thiên là cõi của những vị chứng Nhị và Tam Thiền
bậc thấp; những vị Trời cõi nầy có hào quang ít.
5) Cõi Vô Lượng Quang Thiên là cõi của những người đắc Nhị và Tam
Thiền bậc Trung thì sanh về cõi nầy và Chư Thiên cõi nầy có hào quang
chiếu sáng không thể đo lường được.
6) Cõi Quang Âm Thiên là cảnh giới của những vị đắc Nhị và Tam
Thiền bậc Thượng và những vị Chư Thiên ở cõi nầy mỗi khi nói hào quang
túa ra rực rỡ.
(III) Từng thứ ba là từng Tam Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc
Tứ Thiền; cũng có 3 cõi:
7) Cõi Thiểu Tịnh Thiên là cõi của các vị đắc Tứ Thiền bực Hạ, cõi
nầy Chư Thiên có hào quang sáng nhưng chưa phải trong sáng hoàn toàn.
8) Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên là cảnh giới của những người đắc Tứ
Thiền bực Trung sanh về đây và Chư Thiên cõi nầy có hào quang trong
sáng không thể lường được.
9) Cõi Biến Tịnh Thiên là cảnh giới của những vị đắc Tứ Thiền bậc
Thượng. Chư Thiên cõi nầy có hào quang trong sáng biến mãn khắp nơi.
(IV) Từng thứ tư là từng Tứ Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc
Ngũ Thiền; cũng có 3 cõi:
10) Cõi Quảng Quả là cảnh giới của những vị đắc Ngũ Thiền hưởng Quả
báu to lớn.
11) Cõi Vô Tưởng là cảnh giới của các vị đắc Ngũ Thiền nhưng vì
chán nản Tâm Thức nên nguyện chuyển sang Thiền không Tâm. Người ở cõi
nầy giống như hình tượng nghĩa là chỉ có thể xác nhưng không có Tâm
thức.
Cõi Ngũ Tịnh Cư là cảnh giới của những vị chứng Quả A Na Hàm nhưng
vì căn tánh khác nhau nên mới có phân ra năm cõi:
12) Cõi Vô Phiền là cảnh giới của những vị chứng Quả A Na Hàm
có Tín quyền mạnh (không có sự phiền muộn).
13) Cõi Vô Nhiệt là cõi không có sự nóng nãy là cảnh giới của
vị chứng A Na Hàm mà có Tấn quyền mạnh.
14) Cõi Thiện Kiến là cõi mà các vị Chư Thiên ở cõi nầy những
chúng sanh khác trông thấy sẽ được an lành và cõi nầy là cảnh giới
của vị chứng Quả A Na Hàm mà Niệm quyền mạnh.
15) Cõi Thiện Hiện là cõi của các vị Chư Thiên nhìn vạn vật
trong vũ trụ hoàn toàn xinh đẹp là cảnh giới của vị chứng Quả A Na
Hàm có Ðịnh quyền mạnh.
16) Cõi Sắc cứu cánh là cảnh giới cuối cùng của cõi Sắc giới là
cảnh giới của vị chứng Quả A Na Hàm có Tuệ quyền mạnh.
(*) Cõi nào phát sinh sắc phiền não và sắc vật chất, cõi ấy gọi là
Cõi Sắc giới (Rūpassabhavoti: Rūpavacara).
264- Cõi Vô Sắc Giới (Arūpavacarabhūmi)
(*).
V- Thế nào là cõi Vô Sắc Giới?
Ð- Cõi Vô Sắc giới là cõi chúng sanh không có hình sắc chỉ có Tâm thức
mà thôi. Cõi Vô Sắc có 4 bậc:
1) Cõi Không Vô Biên là cảnh giới của những vị đắc Thiền Vô Sắc bằng
đề mục Không Vô Biên.
2) Cõi Thức Vô Biên là cảnh giới của những vị đắc Thiền Vô Sắc bằng
đề mục Thức Vô Biên.
3) Cõi Vô Sở Hữu là cảnh giới của những vị đắc Thiền Vô Sắc bằng đề
mục Vô Sở Hữu.
4) Cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là cảnh giới của những vị đắc Thiền Vô
sắc bằng đề mục Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.
(*) Cõi nào không có hình sắc gọi là Cõi Vô Sắc (Arūpassabhavoti:
Arūpanacava).
265- Nghiệp (Kamma).
V- Thế nào là Nghiệp?
Ð- Nghiệp là hành vi tạo tác, hành động, dù Thiện hay Bất Thiện. Nghiệp
được chia ra thành 3 phần:
- Thời gian thành tựu của Nghiệp.
- Mãnh lực của Nghiệp.
- Công năng của Nghiệp.
266- Thời Gian Thành Tựu Của Nghiệp.
V- Thế nào là thờigian thành tựu của Nghiệp?
Ð- Thời gian thành tựu của Nghiệp là phân biệt theo sự kết quả của thời
gian, có 4 loại:
Hiện Báo Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Ác có kết quả ngay
trong kiếp sống hiện tại như trường hợp sát nhơn phải bị đền mạng hoặc
như tích người hàng bò cắt lưỡi bò nướng ăn liền bị đứt lưỡi và chết một
cách rất đau khổ ngay trong kiếp hiện tại.
Sanh Báo Nghiệp: là những hành động Thiện hoặc Ác có kết quả nơi
đời sau. Như làm chuyện tội lỗi sau khi chết bị đọa vào khổ thú; hoặc
làm việc Thiện sau khi chết sẽ thọ sanh trong nhàn cảnh.
Hậu Báo Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Ác sẽ có kết quả từ
2 đời trở về sau cho đến khi nào Niết Bàn. Như trường hợp Ðại Ðức Mục
Kiền Liên bị bọn cướp giết hoặc Ðức Thế Tôn phải mang bệnh kiết lỵ
v.v...
Vô Hậu Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Ác không còn khả
năng để cho quả tức là Hậu Báo Nghiệp nếu trong đời hiện tại không có cơ
hội thành tựu thì những kiếp về sau sẽ không còn thành tựu. Hiện Báo
Nghiệp tức là sở hữu Tư Hiệp với các Tâm Thiện hoặc Bất Thiện trong Sát
na Tâm Ðổng Tốc thứ nhất; hoặc Sanh Báo Nghiệp mà trong kiếp sau chẳng
gặp duyên thành tựu thì những kiếp về sau sẽ không còn thành tựu; hoặc
Hậu Báo Nghiệp đến khi chứng Vô Dư Niết Bàn thì sẽ không còn cơ hội cho
quả nữa. Hậu Báo Nghiệp tức là sở hữu Tư hợp với các tâm Ðổng Tốc Thiện
và Bất Thiện trong 5 Sát na Tâm Ðổng Tốc ở giữa tức là sát na Tâm Ðổng
Tốc thứ 2 cho đến thứ 6 còn sát na thứ 7 thuộc về loại Sanh Báo Nghiệp.
267- Sức Mạnh Của Nghiệp.
V- Thế nào là sức mạnh của Nghiệp?
Ð- Sức mạnh của Nghiệp là những việc làm lành hoặc dữ tùy theo mỗi hành
động sẽ có phản ứng mạnh hoặc yếu. Sức mạnh của Nghiệp có 4:
Trọng Nghiệp: Là những hành động rất Thiện hoặc rất Ác. Nếu Thiện
thì thuộc về các loại Thiền Sắc Giới, Vô Sắc Giới; hoặc khi hành Thập
Hạnh Phúc, tu Thập Ðộ v.v... bằng những Tâm Thiện Dục Giới thọ hỷ hợp
trí vô trợ v.v... nếu là Bất Thiện thì Trọng Nghiệp là Ngũ Nghiệp Vô
Gián (giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, đả thương Phật và chia rẽ Tăng).
Cận Tử Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện khởi theo
Thân, Khẩu, Ý trong giờ phút lâm chung. Nghiệp nầy cũng có sức mạnh gần
như Trọng Nghiệp và Trọng Nghiệp cũng phải diễn tiến qua tình hình Cận
Tử Nghiệp trong khi sắp chết.
Thường Nghiệp: Là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện mà ta đã
làm quen trở thành tập quán nên trong khi sắp từ giã cuộc đời người ta
có thể nhớ lại những việc Thiện hoặc Bất Thiện mà mình đã quen làm. Như
trường hợp vị Vua xứ Tích Lan thường ngày hằng để bát chư Tăng nên khi
sắp chết Ngài nhớ lại việc làm hằng ngày của mình liền phát tâm hoan hỷ
do tâm hoan hỷ vớiviệc lành nên nhà vua tái sanh vào cõi trời Ðâu
Suất...
Khinh Tiểu Nghiệp: Tức là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện
trong khi làm không trực tiếp với đối tượng bị làm. Nghiệp nầy rất nhẹ
và rất ít có cơ hội thành tựu trừ phi không có 3 loại trên (Trọng
Nghiệp, Cận Tử Nghiệp, Thường Nghiệp) không kết Quả thì nghiệp mới kết
Quả. Như trường hợp Ðức Bồ Tát trong quá khứ có kiếp làm một vị Hoàng Tử
trong lúc bắn chơi một phát vào một đóa hoa, vô tình trong đóa hoa ấy có
một con sâu bị trúng tên chết với tâm cột oan trái của con sâu ấy nên về
sau con sâu trở thành vua Yakkha, nhân khi săn bắn lỡ tay bắn trúng Bồ
Tát Sovanna.
268- Công Năng Của Nghiệp.
V- Thế nào là Công Năng Của Nghiệp?
Ð- Công Năng của Nghiệp là những việc làm, được phân ra 4 loại tùy theo
trường hợp:
Sanh Nghiệp: Là những việc Thiện hoặc Ác có khả năng Tục Sinh tức
là những hành động Thiện hoặc Bất Thiện làm cho trở thành hay chuyển
sanh Ngũ uẩn mới trong khi Ngũ uẩn cũ bị diệt (chết).
Trì Nghiệp: Là những hành động nối sau sanh nghiệp: đồng một loại
với sanh nghiệp. Trì Nghiệp là Nghiệp nuôi dưỡng sanh nghiệp. Sanh
Nghiệp có bổn phận tạo ra thì Trì Nghiệp có trách nhiệm nuôi dưỡng, Trì
Nghiệp thuộc về Thiện nếu sanh nghiệp là Thiện và nếu sanh nghiệp thuộc
về ác thì Trì Nghiệp cũng là Ác.
Chướng Nghiệp: Là những hành động trái với Sanh Nghiệp, nếu Sanh
Nghiệp Thiện thì Chướng Nghiệp Bất Thiện và ngược lại, Trì Nghiệp thì
nuôi dưỡng Sanh Nghiệp; còn Chướng Nghiệp thì che ngăn làm cho Sanh
Nghiệp bị trở ngại.
Ðoạn Nghiệp: Là những hành động đối lập với Sanh Nghiệp và mạnh
hơn Chướng Nghiệp. Chướng Nghiệp chỉ làm cho Sanh Nghiệp bị trở ngại,
còn Ðoạn Nghiệp thì tiêu diệt hẳn Sanh Nghiệp.
269- Sắc Pháp (Rūpa).
V- Thế nào là Sắc Pháp?
Ð- Sắc Pháp là thể chất Vô tri giác, hằng tiêu hoại đổi thay. Sắc Pháp
được chia thành 2 phần:
1) Sắc Tứ Ðại: 2) Sắc Y Ðại Sinh.
270- Sắc Tứ Ðại (Mahābhūtāni).
V- Thế nào là Sắc Tứ Ðại?
Ð- Sắc Tứ Ðại là Sắc Pháp căn bản, là nguyên lý của các Sắc khác; gọi
là Sắc Tứ Ðại, bởi các Sắc nầy biến mãn cùng khắp cõi Dục Giới và Sắc
Giới, không thể có một loại Sắc nào có thể thiếu 4 sắc căn bản ấy; và gọi
là Sắc Tứ Ðại, bởi 4 Sắc nầy hằng biến đổi khác nhau, tương phản nhau,
nhưng vẫn đồng một thể chất. Sắc Tứ Ðại có 4:
Ðất: là vật chứa đựng, là vật làm nền tảng cho các sắc khác nhau
được tồn tại. Ðất là vật có trạng thái cứng hoặc mềm.
Nước: là vật có đặc tánh giúp cho các sắc khác được phát triển
thêm lên. Nước là vật có trạng thái thắm, rịn, tươm, ướt tức là tư cách
hòa tan hay nhiếp bùng; cũng gọi là chảy ra và quến lại.
Lửa: là vật làm cho các Sắc khác được nhu nhuyển, mềm dịu. Tướng
trạng của lửa là nóng và lạnh, có đặc tánh làm cho các sắc đồng sanh sẽ
khô chín, không bị hư hoại.
Gió: là vật lay động, rung chuyển, có đặc tánh giúp cho các sắc
pháp đồng sanh được căng thẳng ra, hoặc di chuyển được.
271- Sắc Y Ðại Sinh (Upādāyarūpaṃ).
V- Thế nào là Sắc Y Ðại Sinh?
Ð- Sắc Y Ðại Sinh là những sắc sanh ra đặng là do nhờ nương theo Sắc Tứ
Ðại. Sắc Y Sinh được phân ra 10 loại:
1) Sắc Thần Kinh. 2) Sắc Cảnh Giới. 3) Sắc Trạng Thái. 4) Sắc Ý
Quyền. 5) Sắc Mạng Quyền.
6) Sắc Vật Thực. 7) Sắc Hư Không. 8) Sắc Biểu Tri. 9) Sắc Ðặc Biệt. 10)
Sắc Tứ Tướng.
272- Sắc Thần Kinh (Pasāda Rūpam).
V- Thế nào là Sắc Thần Kinh?
Ð- Sắc Thần Kinh là tính chất của Tứ Ðại, làm cơ quan cho năm giác quan
thâu bắt cảnh Ngũ. Sắc Thần Kinh có 5:
Sắc Thần Kinh Nhãn: là tính chất của Tứ Ðại nằm trong mống mắt,
có hình thức như đầu con chí đực; là chỗ nương nhờ của Nhãn Thức; có khả
năng thâu nhận được cảnh Sắc; nguyên nhân căn bản của Sắc Thần Kinh Nhãn
là Sắc Tứ Ðại phát sanh từ nghiệp Tham ái cảnh sắc, trong đời trước.
Sắc Thần Kinh Nhĩ: là tính chất của Tứ Ðại, là chỗ nương nhờ của
Nhĩ Thức, có khả năng thâu nhận đặng cảnh Thinh. Thần Kinh Nhĩ có hình
thức như lông con cừu, nằm trong lỗ tai. Nguyên nhân căn bản của Sắc
Thần Kinh Nhĩ là Sắc Tứ Ðại phát sanh từ Nghiệp Tham Ái cảnh Thinh,
trong đời trước.
Sắc Thần Kinh Tỷ: là tính chất Tứ Ðại; là chỗ nương nhờ của Tỷ
Thức, có khả năng thu nhận được cảnh Khí, Thần Kinh Tỷ có hình thức như
móng chân con Dê nằm trong lỗ mũi. Nhân cần thiết của Sắc Thần Kinh Tỷ
là Sắc Tứ Ðại sanh từ Nghiệp Tham Ái Cảnh Khí trong đời trước.
Sắc Thần Kinh Thiệt: là tính chất của Tứ Ðại có hình thức như đầu
lông con Nhím nằm trong lưỡi. Thần Kinh Thiệt là chỗ nương của Thiệt
Thức, có khả năng thâu nhận cảnh Vị. Nguyên nhân căn bản của Sắc Thần
Kinh Thiệt là Sắc Tứ Ðại phát sanh từ Nghiệp Tham Ái cảnh Vị, trong đời
trước.
Sắc Thần Kinh Thân: là tính chất của Tứ Ðại không có hình thức
riêng biệt và cũng không có vị trí nhất định. Thần Kinh Thân là chỗ
nương của Thân Thức; có khả năng thâu nhận cảnh Xúc. Nguyên nhân căn bản
của Sắc Thần Kinh Thân là Sắc Tứ Ðại phát sanh từ Nghiệp Tham Ái cảnh
Xúc trong đời trước
273- Sắc Cảnh Giới (Gocararūpaṃ).
V- Thế nào là Sắc Cảnh Giới?
Ð- Sắc Cảnh Giới là đối tượng của Sắc Thần Kinh là sở tri của Tâm Ngũ
song thức. Sắc Cảnh Giới có 5 nhưng có 4 thứ được kể riêng biệt là Cảnh
Sắc, Cảnh Thinh, Cảnh Khí, Cảnh Vị, còn Cảnh Xúc là Ðất, Lửa, Gió nên nói
riêng.
Sắc Cảnh Sắc: là đối tượng của Thần Kinh Nhãn, là sở tri của Nhãn
Thức; cảnh Sắc là tất cả hình Sắc, vật gì mắt thấy được thì vật đó là
Cảnh Sắc.
Sắc Cảnh Thinh: là đối tượng của Thần Kinh Nhĩ, là sở tri của Nhĩ
Thức. Cảnh Thinh là tất cả tiếng, vật nào mà Tâm Nhĩ Thức biết đặng thì
Vật ấy là Cảnh Thinh
Sắc Cảnh Khí: là đối tượng của Thần Kinh Tỷ, là sở tri của Tỷ
Thức, Cảnh khí là tất cả hơi mùi, vật nào bị Tâm Tỷ Thức biết đặng thì
vật ấy là Cảnh Khí.Sắc Cảnh Vị: là đối tượng của Thần Kinh Thiệt,
là tất cả vị cay, đắng v.v... vật nào Tâm Thiệt Thức biết đặng thì vật
ấy là Cảnh Vị.
Còn Cảnh Xúc là đối tượng của Thần Kinh Thân là Sở Tri của
Thân Thức. Cảnh Xúc là vật bị đụng chạm, tức là Ðất, Lửa, Gió. Vật nào
bị Thân Thức biết đặng thì vật ấy là Cảnh Xúc.
274- Sắc Tính (Bhāvarūpaṃ).
V- thế nào là Sắc Tính?
Ð- Sắc Tính là biểu hiện tướng Nam hoặc tướng Nữ. Sắc Tính có 2 loại:
a) Nam Tính; b) Nữ Tính.
Sắc Nam tính là sắc hiện bày ra tư cách của Nam Nhân, giống đực, có
trạng thái như tánh hùng dũng, tướng thô kệch, dáng cứng cõi.
Sắc Nữ tính là trạng thái hiện bày của Nữ nhân, giống cái có tư cách
như: tánh ôn hòa, tướng dịu dàng, yểu điệu, dáng yếu ớt...
275- Sắc Ý Vật (Hadayavatthu).
V- Thế nào là Sắc Ý Vật?
Ð- Sắc Ý Vật là Sắc Nghiệp nương trong trái tim làm trung yếu điểm cho
Ý Thức nương tựa, theo truyền thuyết thì một số máu trong tim là Sắc Ý
Vật.
276- Sắc Mạng Quyền (Jīvitindriyaṃ).
V- Thế nào là Sắc Mạng Quyền?
Ð- Sắc Mạng Quyền là sắc có khả năng bảo tồn các Sắc Nghiệp đồng sanh
được tồn tại.
277- Sắc Vật Thực (Āhārarūpaṃ).
V- Thế nào là Sắc Vật Thực?
Ð- Sắc Vật Thực là chất dinh dưỡng có đặc tính nuôi dưỡng Sắc pháp được
phát triển thêm, lớn mạnh thêm.
278- Sắc Hư Không (Paricchedarūpaṃ).
V- Thế nào là Sắc Hư Không?
Ð- Sắc Hư Không là khoảng giữa của các Sắc pháp. Chẳng phải có một thứ
Sắc Hư Không riêng biệt mà chính vì khoảng giữa, tức là ranh giới phân
chia giữa các bọn sắc nên gọi là Sắc Hư Không (Sắc Hư Không còn được gọi
là Sắc Giao Giới)
279- Sắc Biểu Tri (Viññattirūpaṃ).
V- Thế nào là Sắc Biểu Tri?
Ð- Sắc Biểu Tri là Sắc hiện bày nơi Thân hoặc Khẩu để trong khi thấy
hoặc nghe v.v...mà hiểu biết đặng, Sắc Biểu Tri có 2 thứ:
1) Sắc Thân Biểu tri là cảnh hiện bày Thân để tỏ lộ ý mình muốn nói
và kẻ khác trông thấy biết được. Tướng trạng của Sắc Thân Biểu Tri là
cách bày tỏ bằng Thân cử động như múa tay ra dấu v.v...
2) Sắc Khẩu Biểu Tri là cách bày tỏ bằng miệng, tiếng nói, tiếng cười
v.v...
280- Sắc Ðặc Biệt (Vikārarūpaṃ).
V- Thế nào là sắc Ðặc Biệt?
Ð- Sắc Ðặc Biệt là những sắc có tánh cách thù thắng, dễ sử dụng. Sắc
Ðặc Biệt có 3:
1) Sắc Khinh là Sắc có trạng thái nhẹ nhàng không có sự nặng nề.
2) Sắc Nhu là Sắc mềm dịu, không thô cứng.
3) Sắc Thích Nghiệp là Sắc vừa làm việc, không dư cũng không thiếu.
281- Sắc Tứ Tướng (Lakkhaṇarūpaṃ).
V- Thế nào là Sắc Tứ Tướng?
Ð- Sắc Tứ Tướng là sắc có tướng trạng riêng biệt theo thời gian tức là
Sắc từ lúc sanh khởi đến tồn tại và cuối cùng là hoại diệt. Vì mỗi thời
gian có tướng trạng khác nhau nên phân biệt 4 thứ:
1) Sắc Sinh tức là Sắc Pháp vừa sanh khởi tức là sắc sơ sanh mới sanh
(từ chỗ không mà có gọi là Sinh).
2) Sắc Tiến là Sắc Sinh được phát triển tăng thêm lên.
3) Sắc Dị tức là sắc sinh được tồn tại lần theo Sắc Tiến (Sắc Tiến và
sắc Dị có thể gồm lại kêu chung một tên là sắc trụ, vì sắc nầy tồn tại
đến 49 sát na tiểu: còn sát na sinh chỉ có một sát na tiểu và Sắc Diệt
cũng chỉ có một sát na tiểu).
4) Sắc Diệt là cách tiêu diệt hoại của sắc Pháp (từ chỗ có trở thành
không là diệt).
282- Sắc Nghiệp (Kammajā).
V- Thế nào là Sắc Nghiệp?
Ð- Sắc Nghiệp là Sắc do sở hữu tư tạo thành, có thể là Sắc Nghiệp Thiện
hoặc Sắc Nghiệp Bất Thiện, Sắc Nghiệp tức là sắc do Nghiệp tạo có 18 thứ:
8 Sắc Bất Ly, 5 Sắc Thần Kinh, 2 Sắc Tính, Sắc Ý Vật, Sắc Mạng Quyền và
Sắc Hư Không.
Sắc Nghiệp chia thành từng đoàn thì có 9:
1) Ðoàn Nhãn tức là bọn sắc Nhãn vật, có 10 thứ sắc đồng sanh: Sắc
Nhãn Vật, Sắc Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly (Ðất, Nước, Lửa, Gió, Cảnh Sắc,
Cảnh Khí, Cảnh Vị và sắc Vật Thực).
2) Ðoàn Nhĩ tức là bọn sắc Nhĩ Vật có 10 thứ: Sắc Thần Kinh Nhĩ, Sắc
Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly.
3) Ðoàn Tỷ tức là bọn sắc Tỷ Vật có 10 thứ: Sắc Thần Kinh Tỷ, Sắc
Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly.
4) Ðoàn Thiệt tức là bọn sắc Thiệt Vật có 10 thứ: Sắc Thần Kinh,
Thiệt Sắc Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly.
5) Ðoàn Thân tức là bọn Sắc Thân vật có 10 thứ: Sắc Thần Kinh Thân,
Sắc Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly.
6) Ðoàn Tâm tức là bọn sắc Ý Vật có 10 thứ: Sắc Mạng Quyền và 8 Sắc
Bất Ly
7) Ðoàn Nam Tính tức là bọn sắc trạng thái Nam có 10 thứ: Trạng thái
Nam, Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly.
8) Ðoàn Nữ Tính tức là bọn sắc trạng thái Nữ có 10 thứ: Sắc trạng
thái Nữ, Mạng Quyền và 8 Sắc Bất Ly.
9) Ðoàn Mạng Quyền tức là bọn Sắc Mạng Quyền có 8 thứ: Sắc Mạng Quyền
và 8 Sắc Bất Ly.
283- Sắc Tâm (Cittajā).
V- Thế nào là Sắc Tâm?
Ð- Sắc Tâm là sắc do Tâm tạo có 6 đoàn:
1) Ðoàn Bát Thuần tức là 8 Sắc Bất Ly (Ðất, Nước, Lửa, Gió, Sắc, Vị,
Khí và Vật Thực).
2) Ðoàn Thân Biểu tri có 9 sắc là Sắc Thân Biểu Tri và 8 Sắc Bất Ly.
3) Ðoàn Khẩu Thinh Biểu Tri có 10 sắc là Sắc Cảnh Thinh, Sắc Khẩu
Biểu Tri và 8 Sắc Bất Ly.
4) Ðoàn Ðặc Biệt có 11 sắc là 3 Sắc Ðặc Biệt và 8 Sắc Bất Ly.
5) Ðoàn Thân Ðặc Biệt có 12 sắc là Sắc Thân Biểu Tri, 3 Sắc Ðặc Biệt
và 8 Sắc Bất Ly.
6) Ðoàn Khẩu Thinh Ðặc Biệt có 13: Sắc Cảnh Thinh, Sắc Khẩu Biểu Tri,
3 sắc Ðặc Biệt và 8 Sắc Bất Ly.
284- Sắc Âm Dương (Utusamutthāna).
V- Thế nào là Sắc Âm Dương?
Ð- Sắc Âm Dương (hay Sắc Quí Tiết) là sắc do thời tiết nóng lạnh tạo ra
có 4 Ðoàn:
1) Ðoàn Bát Thuần.
2) Đoàn Thinh có 9 sắc là Sắc Cảnh Thinh và 8 sắc Bất Ly.
3) Ðoàn Ðặc Biệt có 11 sắc là 3 Sắc Ðặc Biệt và 8 Bất Ly.
4) Ðoàn thinh Ðặc Biệt có 12 sắc là Sắc Cảnh Thinh, 3 Sắc Ðặc Biệt và 8
Sắc Bất Ly.
285- Sắc Vật Thực (Ojāsankhāto).
V- Thế nào là Sắc Vật Thực?
Ð- Sắc Vật Thực là chất dinh dưỡng có 2 Ðoàn:
1) Ðoàn Bát Thuần.
2) Ðoàn Ðặc Biệt có 11 sắc, 3 Sắc Ðặc Biệt và 8 sắc Bất Ly.
286- Ðoàn Sắc Tục Sinh.
V- Thế nào là Sắc Tục Sinh?
Ð- Sắc Tục Sinh là Sắc Pháp sinh ra trong lúc tái sinh.
a) Cõi dục Giới Hóa Sanh và Thấp sanh. Tục Sinh gồm 7 đoàn: 1) Ðoàn
Nhãn. 2) Ðoàn Nhĩ. 3) Ðoàn Tỷ. 4) Ðoàn Thiệt. 5) Ðoàn Thân. 6) Ðoàn Tâm.
7) Ðoàn sắc tính.
b) Cõi Dục Giới Thai Sanh và Noãn Sanh. Tục Sinh đặng 3 đoàn: 1) Ðoàn
Thân 2) Ðoàn Tâm 3) Ðoàn sắc Tính
c) Cõi Sắc Giới Vô Tưởng Tục Sinh chỉ có 1 đoàn là Ðoàn Mạng Quyền.
287- Sắc Bình Nhật.
V- Thế nào là Sắc Bình Nhật?
Ð- Sắc Bình Nhật là sắc pháp hằng ngày trong đời sống tức là không phải
lúc Tục sinh và Tử.
1) Cõi Dục Giới lúc bình nhật có đủ 28 Sắc Pháp (*).
2) Cõi Sắc Giới lúc bình nhật có 23 thứ sắc pháp (trừ Tỷ, Thiệt, Thân
và Sắc Trạng Thái).
3) Cõi Sắc Giới Vô Tưởng lúc bình nhật có 17 sắc Pháp (trừ 5 Sắc Thần
Kinh, Sắc Ý Quyền, 2 Sắc Trạng Thái, Sắc Biểu Tri và sắc Thinh).
(*) Ðúng ra chỉ có 27 Sắc Pháp vì một người không thể có 2 Sắc Gới
Tính.
288- Sắc Tâm Hành Ðộng.
V- Thế nào là Sắc Tâm Hành Ðộng?
Ð- Sắc Tâm Hành Ðộng là Sắc pháp được hiện bày hay chuyển động do Tâm
sai khiến.
Trong 28 Sắc Pháp, Tâm tạo được 15 thứ sắc là 8 Sắc Bất Ly, Sắc thinh,
Sắc Hư Không, 2 Sắc Tiêu Biểu và 3 Sắc Ðặc Biệt.
Trong 121 thứ Tâm có 107 tâm tạo đặng sắc Pháp, còn 14 Tâm không tạo
đặng là Ngũ Song Thức và 4 Quả Vô Sắc.
Sắc Tâm Hành Ðộng có 7 cách:
1) Cách bình thường. 2) Cách cười. 3) Cách khóc. 4) Cách nói.
5) Cách tiểu oai nghi. 6) Cách đại oai nghi. 7) Cách kềm vững 3 đại oai
nghi (trừ đi).
Cách cười, khóc, nói có 14 thứ sắc: 8 Sắc Bất Ly, Sắc Thinh, Sắc Hư
Không, Sắc Khẩu Biểu Tri và 3 Sắc Ðặc Biệt.
Cách tiểu oai nghi và kềm vững 3 oai nghi cũng có 14 sắc nhưng trừ ra
sắc Khẩu Biểu Tri và thế vào Sắc Thân Biểu Tri.
Cách bình thường chỉ có 15 thứ sắc là trừ 5 sắc Biểu Tri.
Tâm sai khiến việc khóc có 2 thứ Tâm là 2 thứ Tâm Sân, 2 Tâm Sân có thể
sai khiến được 6 cách trừ cách cười.
Tâm sai khiến cách nói có 32 thứ: 12 Tâm Bất Thiện, Tâm Khai Ý Môn, Tâm
Vi Tiếu, 2 tâm Diệu Trí và 16 Tâm Ðổng Tốc dục giới tịnh Hảo. 32 Tâm nầy
cũng sai khiến được 2 cách Tiểu oai nghi và Ðại oai nghi.
88 Tâm kềm vững 3 oai nghi (trừ đi), 87 Tâm Ðổng Tốc và Tâm Khai Ý Môn.
Tâm sai khiến cách bình thường có 19 thứ là 3 tâm Ý Giới, 3 Tâm Quan
Sát, 8 Tâm Quả dục giới hữu nhân và Tâm Quả sắc giới.
26 hoặc 58 Tâm Thiền Ðổng Tốc sai khiến cách bình thường và kềm vững 3
đại oai nghi.
12 Tâm Ðổng Tốc dục giới thọ xả, Khai Ý Môn và 2 Tâm Diệu Trí sai khiến
5 cách (trừ khóc và Cười).
13 Tâm Ðổng Tốc Dục giới thọ hỷ sai khiến 6 cách (trừ Khóc).
289- Lộ Sắc.
V- Thế nào là Lộ Sắc?
Ð- Lộ Sắc là dòng tiến trình của Sắc Pháp luôn luôn sanh diệt như Tâm
Pháp, nhưng chậm hơn Tâm Pháp 17 lần. Tùy theo trường hợp nên dòng tiến
trình của Sắc pháp được phân loại như sau:
1) Lúc Tục Sinh chỉ có 3 bọn sắc đồng sanh:
- là bọn Thần kinh Thân.
- là bọn Sắc tính (Nữ hoặc Nam).
- là bọn Ý Vật.
3 bọn sắc nầy đồng sanh 1 lượt trong lúc tái sanh, khởi đầu sắc Tục
Sinh mỗi thứ có 1 bọn, đồng sanh ba thứ, nên khởi đầu đã có 3 bọn (Thần
Kinh, Sắc Tính, Ý Vật) và trải qua mỗi Sát na tiểu mỗi thứ tăng thêm 1
bọn, như vậy, 1 Sát na đại mỗi thứ tăng thêm 3 bọn và trải qua 17 sát na
mỗi thứ tăng đến 51 bọn mới bình số cộng chung ba thứ có đến 153 bọn.
Sắc Tục Sinh khởi lên sẽ có Sắc Âm dương phụ trợ và sắc Tâm cũng sanh
khởi theo. Nhưng sắc Nghiệp sanh trước còn Sắc Âm dương sanh sau Sắc
Nghiệp và Sắc Tâm lại sanh sau Sắc Âm Dương. Chúng ta nên biết sắc nào
sanh trước thì bình số trước, sắc nào sanh sau thì bình số sau.
2) Sau khi thụ thai 1 tuần lễ thì Sắc Mạng Quyền (Sắc Mạng Quyền
thuộc về sắc Nghiệp) bắt đầu sanh khởi.
Cũng mỗi sát na tiểu tăng thêm 1 bọn nên khi giòng tiến trình của Sắc
pháp trải qua 17 sát na đại, sắc Mạng Quyền sanh được 51 bọn mới bình
số. Như vậy, sau khi thụ thai 1 tuần thì sắc Nghiệp đã có 4 thứ (Sắc
Thần Kinh Thân, sắc Trạng Thái, sắc Ý Vật và sắc Mạng Quyền) và được 204
bọn.
3) Sau khi thụ thai 2 tuần (nguyên bản nói tuần lễ thứ hai, tức là từ
ngày thứ bảy đến ngày thứ 14) thì sắc vật thực cũng tăng theo thời gian
tức là mỗi sát na tiểu sanh thêm 1 bọn nên sau tiến trình của Tâm pháp
(17 sát na đại, 51 sát na tiểu, được 51 bọn mới bình số).
4) Tính từ lúc thụ thai đến tuần lễ thứ mười một thì Sắc Nghiệp tăng
thêm 4 thứ sắc Thần Kinh: Nhãn, Nhĩ, Tỷ và Thiệt. 4 thứ sắc này cộng
chung 4 thứ thì được 204 bọn và cộng với 4 sắc Nghiệp đã sanh nên có đến
408 bọn.
5) Từ khi có đủ 5 sắc Thần Kinh thì Ngũ song Thức có thể sanh bất cứ
lúc nào, nhưng Ngũ Song thức phát sanh thì sắc Tâm bớt đi một bọn; Bởi
Ngũ Song Thức không sanh đặng sắc Tâm.
6) Nói về người nhập Thiền Diệt, sau 2 sát na Thiền Phi Tưởng Phi Phi
Tưởng, sắc Tâm bắt đầu giảm bớt từ bọn, trải qua 17 sát na Tâm hoàn toàn
dứt tuyệt không còn dư sót bọn nào.
7) Nói về Sắc Tâm bắt đầu sanh trưởng khi xả Thiền Diệt. Lúc xả Thiền
Diệt thì Tâm Quả khởi lên; nếu A La Hán thì tâm Quả A La Hán khởi lên.
Ngay từ Tâm Quả trở đi mỗi sát na đại Sắc Tâm tăng thêm 1 bọn nên trải
qua 17 sát na Sắc Tâm có đủ 17 bọn.
8) Nói về người Tử Ngũ Môn thì Sắc Tâm bắt đầu thiếu 1 bọn khi Ngũ
Song Thức phát sanh đó là niêm luật thường lệ, còn sắc tâm diệt vì sự
chết thì bắt đầu diệt từ lúc hết Sắc Nghiệp; tức là sau khi Sắc Nghiệp
chấm dứt phải trải qua 16 sát na đại, Sắc Tâm mới diệt hoàn toàn.
Sắc Nghiệp bắt đầu diệt mỗi 1 sát na đại 8 thứ sắc Nghiệp mỗi thứ
giảm bớt 1 bọn, nên sau 17 sát na đại thì 408 bọn của 8 thứ Sắc Nghiệp
đều chấm dứt.
9) Nói về sự diệt của Sắc Tâm đối với người Tử Ý Môn. Người Tử Ý Môn
sắc Nghiệp cũng diệt giống như trường hợp người Tử Ngũ Môn. Nhưng chỉ
khác là người Tử bằng Ý Môn, Sắc Tâm không bị giảm trước 1 bọn mà chỉ
bắt đầu diệt từ lúc Sắc Nghiệp chấm dứt trở về sau 17 sát na thì Sắc tâm
cũng chấm dứt hoàn toàn.
290- Niết Bàn (Nibbāna).
V- Thế nào là Niết Bàn?
Ð- Niết Bàn là trạng thái an vui tuyệt đối, chấm dứt sanh tử luân hồi
đoạn tuyệt tất cả Thụy Miên Phiền Não; nói tóm tắt lại Niết Bàn là cái gì
không còn sanh diệt, chính vì trạng thái không có sanh diệt mà chư Phật
gọi là Niết Bàn.
- Trạng thái vắng lặng là tướng mạo của Niết Bàn.
- Không thay đổi là phận sự của Niết Bàn.
- Không có hiện tượng chi cả là thành Quả của Niết Bàn.
Niết Bàn nếu nói có hai là Hữu dư Niết Bàn và Vô dư Niết Bàn.
Hữu Dư Niết Bàn tức là vị A La Hán đã sát tuyệt phiền não nhưng Ngũ Uẩn
còn dư sót (vị A La Hán còn sống).
Vô dư Niết Bàn chỉ là trạng thái sau khi chết của vị A La Hán tức là cả
Phiền não và Ngũ Uẩn đều diệt tận.
Có chỗ gọi là Niết Bàn có 3 thứ:
Chơn Không Niết Bàn.
Vô Tướng Niết Bàn.
Vô Trước Niết Bàn.
Chơn Không Niết Bàn là do hành giả quán pháp Vô Ngã mà đắc chứng Niết
Bàn. Khi chứng ngộ Niết Bàn không còn thấy về quan niệm Vô Ngã mà thật sự
là vắng lặng hoàn toàn nên gọi là Chơn Không Niết Bàn.
Vô Tướng Niết Bàn là do hành giả quán về pháp Vô Thường. Khi chứng ngộ
Niết Bàn rồi thì không còn thấy sự Vô Thường thay đổi nữa nên gọi Vô Tướng
Niết Bàn.
Vô Trước Niết Bàn là đối với hành giả quán về pháp Khổ não mà đắc chứng
Niết Bàn. Nhưng khi chứng ngộ Niết Bàn không còn thấy trạng thái khổ đau
nữa; do không còn thấy sự khổ đau nên không còn lòng tham ái mong muốn,
tìm cầu một cảnh giới khác do đó nên gọi là Vô Trước Niết Bàn (vắng lặng
lòng Tham Ái).
Niết Bàn còn phân làm 3 thứ nữa:
Phiền não Niết Bàn (diệt tận phiền não).
Ngũ Uẩn Niết Bàn (diệt tận 5 Uẩn).
Xá Lợi Niết Bàn (Xá Lợi tiêu mất).
Ðức Phật Thích Ca khi chứng Quả Phật Toàn Giác dưới cội Bồ Ðề khi ấy
gọi là Phiền não Niết Bàn. 45 năm sau, Ngài viên tịch giữa hai cội cây
Sala song long thọ gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn và đến khi đủ 5000 (năm ngàn)
năm (kể từ Phật tịch) thì tất cả Xá Lợi dù ở trên cõi Trời hay ở dưới Thủy
điện Long Vương và tất cả Xá Lợi rải rác trên thế giới đều gom lại tại Bồ
Ðề đạo tràng, sau 7 ngày hóa thân thuyết pháp thì những Xá Lợi ấy tự nhiên
tiêu mất thì gọi là Xá Lợi Niết Bàn.
Nói tóm lại Niết Bàn dù có phân ra nhiều thứ, giải nhiều cách nhưng tựu
trung vẫn một ý nghĩa hoàn toàn vắng lặng nên Tàu dịch là Viên tịch.
291- Pháp Chơn Ðế Có Bảy Mươi Hai.
V- Thế nào là Pháp Chơn Ðế có Bảy mươi hai?
Ð- Pháp Chơn Ðế có bảy mươi hai là tất cả Tâm kể 1 (vì tâm dù có đến
121 thứ vẫn đồng một ý nghĩa là biết cảnh nên kể là 1).
Sở hữu Tâm tính đủ 52 thứ (vì sở hữu tâm mỗi thứ có đặc tánh đặc biệt).
Sắc Pháp chỉ kể có 18 là 18 thứ sắc rõ.
Và Niết Bàn có 1 (tức là trạng thái tịch tịnh).
Tất cả Pháp Chơn Ðế được chia ra 4 thành phần Tập Yếu:
Bất Thiện Tập Yếu.
Tạp Loại Tập Yếu.
Giác Phần Tập Yếu.
Hàm Tân Tập Yếu.
292- Bất Thiện Tập Yếu (Akusalasaṅgaho).
V- Thế nào là Bất Thiện Tập Yếu?
Ð- Bất Thiện Tập Yếu là gom tất cả Pháp Bất Thiện trọng yếu kể ra. Pháp
Bất Thiện Tập Yếu có 9 phần:
1) Tứ Trầm. 2) Tứ Bộc. 3) Tứ Kết.4) Tứ Phược. 5) Tứ Thủ. 6) Lục Cái.
7) Thất Tiềm Thùy. 8) Thập Triền. 9) Thập Phiền Não.
293- Tứ Trầm (Cattāro Āsavā).
V- Thế nào là Tứ Trầm?
Ð- Tứ Trầm là 4 pháp trầm luân, làm cho chúng sanh mãi đắm chìm trong
Tam giới
1) Dục Trầm là lòng luyến ái Ngũ trần quá sâu đậm.
2) Hữu Trầm là lòng tham ái những cảnh giới tương lai như là vọng muốn
đời sau được hưởng ngũ dục đầy đủ hoặc mong muốn được sanh vào các cõi
Thiền sắc và Vô sắc.
3) Kiến Trầm là quan kiến sai lầm tức là sự hiểu biết trái vớisự thật.
4) Vô Minh Trầm là lòng mê muội thiếu sáng suốt, không thấy rõ các nhân
quá khứ tạo quả hiện tại; và không biết rõ các nhân hiện tại tạo quả
tương lai tức là duyên khởi (Thập Nhị Nhân Duyên).
Bốn pháp này luôn luôn ướp nhuộm chúng sanh hay là ngâm ẩm chúng sanh
mãi tiêm nhiễm theo thói quen trong đời nên chẳng được giải thoát cũng như
gỗ ngâm trong ao nước do đó nên gọi là Tứ Trầm (4 pháp chìm đắm).
294- Tứ Bộc (Cattāro Oghā).
V- Thế nào là Tứ Bộc?
Ð- Tứ Bộc là 4 pháp lôi cuốn chúng sanh mãi nổi trôi trong bể khổ Tam
giới. Chi pháp của Bộc cũng giống như Trầm, nhưng nói về phương diện chìm
đắm thì gọi là Trầm; còn nói về phương diện lôi cuốn trôi đi thì
gọi là Bộc. Chi Pháp của Tứ Bộc là Dục Bộc, Hữu Bộc, Kiến Bộc là Vô Minh
Bộc.
295- Tứ Kết (Cattāro Yogā).
V- Thế nào là Tứ Kết?
Ð- Tứ Kết là 4 pháp trói buộc chúng sanh dính mắc trong vòng
sanh tử. Về phương diện dính mắc gọi là kết chớ chi pháp vẫn giống như
Trầm và Bộc. Nên gọi là Dục Kết, Hữu Kết, Tà Kiến Kết và Vô Minh Kết.
296- Tứ Phược (Cattāro Ganthā).
V- Thế nào là Tứ Phược?
Ð- Tứ Phược là 4 pháp trói buộc Thân không thể rời ra
hoặc không thể dứt bỏ được. Chi pháp của Tứ Phược là:
1) Tham ái Thân Phược: lòng Tham muốn thái quá nên không thể rời ra
hay dứt bỏ được những đối tượng khả ái.
2) Sân Ðộc Thân Phược: lòng Sân độc ác quá nặng nên trói chặt Thân
Tâm không thể xa lìa hay giải thoát được; như câu "Chữ phụ thù bất cộng
đái thiên"; hay tích nhà vua A Dục vì oán hận vị Ðại thần ngăn cản việc
bố thí của Ngài nên sau khi chết sanh làm rắn dữ với ý muốn cắn chết vị
quan đại thần v.v...
3) Giới Thủ Thân Phược: chấp giữ theo tục lệ cúng tế hoặc giữ gìn
theo những giới ngoại đạo tức là những pháp nghịch không có mục đích
giải thoát: không làm Thân, Khẩu, Ý trong sạch được như các hình thức
khổ hạnh v.v...
4) Ngã Kiến Thân Phược: chấp giữ bản ngã quá nặng nên trói cột cả
Thân Tâm, không thể tiến hóa được tức là những thành kiến cố hữu quá sâu
đậm, những người bị ngã Kiến Thân Phược rồi thì không bao giờ chịu cầu
tiến!
Bản thể pháp của Tứ Phược là Tham, Sân và Tà Kiến (Giới Thủ Thân Phược,
Ngã Kiến Thân Phược).
297- Tứ Thủ (Cattāro Upādānā).
V- Thế nào là Tứ Thủ?
Ð- Tứ Thủ là 4 pháp chấp giữ, quá cố chấp, quá luyến ái gọi
là Thủ. Thủ có 4:
1) Dục Thủ là lòng Tham muốn Ngũ trần quá khắn khít, quá thiết tha.
Thí dụ: như chất keo làm cho 2 mãnh ván dính liền nhau.
2) Kiến Thủ là chấp cứng theo quan niệm sai lầm.
3) Giới Cấm Thủ (như giới thủ thân phược).
4) Ngã Chấp Thủ là ôm ấp trong Thân Tâm là có linh hồn, có tự ngã
trường tồn bất biến. Ngã Chấp Thủ có 20 thứ:
Sắc Uẩn và Tự Ngã là một.
Sắc Uẩn là sở hữu của Tự ngã.
Trong Sắc Uẩn có Tự ngã.
Trong Tự ngã có Sắc Uẩn.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng tính theo 4 cách. Như vậy nên Ngã Chấp
Thủ có đến 20.
298- Lục cái (Chanivaranāni).
V- Thế nào là Lục Cái?
Ð- Lục Cái là sáu pháp Bất Thiện ngăn che các Thiện Pháp, nhất
là thiền không được phát triển. Pháp Cái có 6:
1) Tham Dục Cái là lòng đắm nhiễm tham muốn Ngũ trần; Tham Dục cái
ngăn chặn chi định của Thiền.
2) Sân Ðộc Cái là trạng thái nóng nảy, sôi nổi, bực bội, giận dữ; Sân
Ðộc Cái đè ép chi hỷ của Thiền.
3) Hôn Thụy Cái là dã dượi, buồn ngũ; Hôn Thụy Cái ngăn chận chi Tầm
của Thiền.
4) Trạo Hối Cái là trạng thái giao động và hối tiếc; Trạo Hối Cái đối
nghịch với chi Lạc của Thiền.
5) Hoài Nghi Cái là sự nghi hoặc không tin; Hoài Nghi Cái đối lập với
chi Tứ cuả Thiền.
6) Vô Minh Cái là sự mê muội, không sáng suốt; Vô Minh Cái che đậy
trí tuệ của chi Ðạo.
Bản thể pháp của Lục Cái: Tham Dục cái là sở hữu của Tham; Sân Ðộc Cái
là sở hữu của Sân; Hôn Thụy Cái là sở hữu Hôn Trầm và Thụy Miên; Trạo Hối
Cái là sở hữu phóng dật và sở hữu Hối; Hoài Nghi Cái là sở hữu Hoài Nghi;
Vô Minh Cái là sở hữu Si.
299- Thất Tiềm Miên (Sattānusaya).
V- Thế nào là Thất Tiềm Miên?
Ð- Thất Tiềm Miên là bảy pháp ngủ ngầm, gọi là pháp ngủ ngầm
phải được hiểu là những pháp này đối với phàm nhân nếu có cơ hội thích ứng
thì những pháp này sẽ phát sanh chứ không phải những pháp này có sẵn và
còn hoài để ẩn nấp trong tâm như cặn trà trong ly nước; Bởi các pháp đều
Vô Ngã, nên không có một pháp nào thường hằng và bất biến. Bảy pháp ngủ
ngầm là:
1) Ái Dục Tiềm Miên là sự tham ái ngũ dục được xem như một cố tật của
mỗi người, nếu gặp ngũ dục thích hợp thì lòng luyến ái khởi lên.
2) Ái Hữu Tiềm Miên là sự vọng mống các loại Thiền sắc và Vô Sắc:
cũng được xem là một cố tật của những vị đã từng tu Thiền Chỉ.
3) Phần Uất Tiềm Miên là tánh sân hận, nóng nảy cũng là một thói quen
của phàm nhơn và các vị Thánh hữu học bật thấp mỗi khi gặp nghịch cảnh.
4) Ngã Mạn Tiềm Miên là tánh cống cao, kiêu hảnh: cũng là một cố tật
của những người hay tự đắc tự cao.
5) Tà Kiến Tiềm Miên là nết quen theo tri kiến tà vạy.
6) Hoài Nghi Tiềm Miên là tánh phân vân, không quyết tin Tam Bảo:
cũng là một cố tật của những người thích giao du với kẻ nhiều Tà kiến.
7) Vô Minh Tiềm Miên là cá tánh ngu si, mê dại nhiều đời. Bảy pháp
Bất Thiện này được xem là cố tật, thói quen hay là những thành kiến cố
hữu nên hễ cơ duyên thích hợp thì chúng phát sanh lên, do đó mà gọi
chúng là pháp ngũ ngầm.
Bản thể pháp của Thất Tiềm Miên: Ái dục Tiềm Miên và ái Hữu Tiềm Miên
là sở hữu Tham Phần. Phần Uất Tiềm Miên là sở hữu Sân. Ngã Mạn Tiềm Miên
là sở hữu Ngã Mạn. Tà Kiến Tiềm Miên là sở hữu Tà Kiến. Hoài Nghi Tiềm
Miên là sở hữu Hoài Nghi. Vô Minh Tiềm Miên là sở hữu Si.
300- Thập Triền (Samyojāna).
V- Thế nào là Thập Triền?
Ð- Thập Triền là mười pháp trói buộc chúng sanh. Triền khác
hơn kết, Phược ở chỗ kết là thắt cứng; Phược là cột chặt; Triền như cột
quấn thường mà thôi. Triền có 10:
1) Ái Dục Triền là bị buộc do đắm say Ngũ dục.
2) Ái Sắc Triền là bị trói buộc do tâm luyến ái cảnh và cõi Thiền sắc
giới.
3) Phẩn Uất Triền là bị trói buộc là vì Tâm Sân hận.
4) Ngã Mạn Triền là bị trói buộc do sự kiêu căng.
5) Kiến Triền là bị Tà Kiến trói buộc.
6) Giới Cấm Triền là bị buộc chặt trong giới luật tà đạo tức là vâng
giữ theo những giáo điều phi lý không lợi ích.
7) Hoài Nghi Triền là bị sự nghi hoặc ràng buộc.
8) Tật Triền là Tâm Tâm bị cột trói bởi tánh ganh gổ, ghen ghét tức
là trạng thái tránh phần hơn của kẻ khác.
9) Lận Triền là Thân Tâm bị cột trói Bởi lòng keo kiệt bỏ xẻn.
10) Vô Minh Triền là bị sự si mê trói buộc.
Bản thể pháp của Thập Triền: Ái Dục Triền và Ái Sắc Triền là sở hữu
Tham, Phẩn Uất Triền là sở hữu Sân, Ngã Mạn Triền là sở hữu Ngã Mạn, Tà
Kiến Triền và Giới cấm Thủ Triền là sở hữu Tà Kiến, Hoài Nghi Triền là sở
hữu Hoài Nghi, Tật Triền là sở hữu Tật, Lận Triền là sở hữu Lận, Vô Minh
Triền là sở hữu Si.
301- Thập Phiền Não (Kilesa).
V- Thế nào là Thập Phiền Não?
Ð- Thập Phiền Não là mười pháp làm cho Tâm nhơ đục. Thập Phiền Não này
là:
1) Tham Phiền Não là lòng ham muốn Ngũ trần làm cho Tâm vẫn đục.
2) Sân Phiền Não là lòng Sân hận làm mờ ám tâm trí.
3) Si Phiền Não là trạng thái mê muội bao phủ tâm trí.
4) Ngã Mạn Phiền Não là kiêu mạn là vật làm cho tâm trí bợn nhơ.
5) Tà Kiến Phiền Não là Kiến chấp sai lầm làm mờ tâm trí.
6) Hoài Nghi Phiền Não là trạng thái phân vân lưỡng lự, không quyết
tin Tam Bảo, trở thành vật chướng ngại cho tâm trí.
7) Hôn Trầm Phiền Não là sự buồn ngủ, dả dượi khởi lên ngăn che trí
sáng suốt.
8) Phóng Dật Phiền Não là trạng thái loạn động làm cho tâm trí bị chi
phối theo cảnh trần cũng là vật nhơ bẩn của Tâm.
9) Vô Tàm Phiền Não làm cho tâm nhơ nhớp do trạng thái không hổ thẹn
tội lỗi.
10) Vô Úy Phiền Não là sự nhơ bợn của tâm do không ghê sợ tội lỗi.
Bản thể pháp của Phiền Não: Tham Phiền Não là sở hữu Tham. Sân Phiền
Não là sở hữu sân. Si Phiền Não là sở hữu Si. Ngã Mạn Phiền Não là sở hữu
Ngã Mạn. Tà Kiến Phiền Não là sở hữu Tà Kiến. Hoài Nghi Phiền Não là sở
hữu Hoài Nghi. Hôn Trầm Phiền Não là sở hữu Hôn Trầm. Phóng dật Phiền Não
là sở hữu Phóng Dật. Vô Tàm Phiền Não là sở hữu Vô Tàm. Vô Úy Phiền Não là
sở hữu Vô Úy.
302- Tạp Loại Tập Yếu (Missaka Saṅgaho).
V- Thế nào là Tạp Loại Tập Yếu?
Ð- Tạp Loại Tập Yếu là những cương yếu tính chung có cả Thiện và Bất
Thiện gồm có 7 phần:
1) Lục Nhân. 2) Bảy Chi Thiền. 3-Mười Sáu Chi Ðạo. 4) Hai Mươi Hai
Căn. 5) Chín Lực. 6) Bốn Trưởng. 7) Bốn Thực.
303- Sáu Nhân (Hetu).
V- Thế nào là Sáu Nhân?
Ð- Sáu Nhân là:
1) Tham là lòng ham muốn, luyến ái, dính mắc theo đối tượng khả ái,
là nguyên nhân sai khiến làm những việc ác như trộm cắp, tà dâm v.v...
2) Sân là tánh nóng nảy, có trạng thái hủy diệt đối tượng, bất toại
nguyện, Sân là nguyên nhân khiến làm những việc ác như sát sanh, ác khẩu
v.v...
3) Si là trạng thái mê mờ của tâm trí, do Si là nguyên nhân làm cho
Tham, Sân v.v... sanh khởi.
4) Vô Tham là lòng không nhiễm đắm các trần cảnh, trạng thái Vô Tham
đối với ngũ trần cũng như lá sen đựng nước. Vô Tham là nguyên nhân sai
khiến tâm làm những việc lành như Bố thí, Trì giới v.v...
5) Vô Sân là lòng không nóng nảy tức là trạng thái mát mẻ của tâm. Vô
Sân đồng nghĩa với Tâm Từ. Do Vô Sân là nguyên nhân sai khiến làm những
việc Thiện như Bố Thí, Trì giới v.v...
6) Vô Si là Tâm trí không mê mờ tức là sáng suốt. Vô Si đồng nghĩa
với Trí Tuệ. Vô Si là nguyên nhân thấy rõ chân lý, nhất là thấy rõ Tứ
Diệu Ðế.
Sáu nhân này gồm cả Thiện và Bất Thiện: Tham, Sân, Si là nhân Bất
Thiện. Vô Tham, Vô Sân, Vô Si là nhân Thiện.
304- Bảy Chi Thiền (Jhānanga).
V- Thế nào là Bảy Chi Thiền?
Ð- Bảy Chi Thiền là Bảy Pháp thiêu đốt pháp đối nghịch.
1) Tầm là trạng thái đưa tâm đến cảnh.
2) Tứ là Quan Sát đối tượng mà Tầm đã đưa Tâm đến.
3) Hỷ là thích thú với đối tượng.
4) Ðịnh là gom tâm trên đối tượng.
5) Lạc là hưởng thọ đối tượng.
6) Ưu là buồn chán đối tượng.
7) Xả là thản nhiên, vô tư với đối tượng. Bảy chi Thiền trên đây thật
sự trong bảy bản thể pháp chỉ có 5 thứ sở hữu: Tầm, Tứ, Hỷ, Ðịnh và Thọ
(sở hữu Thọ gồm cả 3 thọ: Ưu, Lạc, Xả).
Vì đối trị với phiền não nên gọi là Thiền .
Chi Tầm đối trị Hôn Trầm, Thụy Miên.
Chi Tứ đối trị Hoài Nghi.
Chi Hỷ đối trị Sân Ưu.
Chi Ðịnh đối trị Tham Dục.
Chi Lạc và Xả đối trị Phóng Dật và Hối.
305- Mười Sáu Chi Ðạo (Maggangāni).
V- Thế nào là Mười Sáu Chi Ðạo?
Ð- Mười Sáu Chi Ðạo là 16 chi nhánh của Ðạo. Ðạo có nghĩa là đường đi
thông suốt, đưa đến cảnh khổ, chỗ vui và Niết Bàn, đều gọi là Ðạo. Bởi thế
Ðạo gồm có cả Chánh Ðạo và Tà Ðạo. Mười sáu chi Ðạo:
1) Chánh Kiến là sự hiểu biết đúng với sự thật tức là thấy rõ Tứ Diệu
Ðế.
2) Chánh Tư Duy là suy nghĩ chánh đáng tức là sự suy nghĩ có tánh
cách xa lìa ngũ dục, xa lìa sân hận, xa lìa sự sát hại.
3) Chánh Ngữ lời nói chơn chánh tức là không nói dối, không nói lời
đâm thọc, không nói hung dữ, không nói nhảm nhí.
4) Chánh Nghiệp là hành động của Thân chơn chánh tức là không sát
sanh, không trộm cướp, không tà dâm.
5) Chánh Mạng là nuôi mạng sống chơn chánh, tức là không nuôi mạng
sống bằng Thân Khẩu ác.
6) Chánh Tinh Tấn là sự siêng năng chơn chánh, tức là ngăn ngừa những
điều ác chưa sanh khởi không cho sanh khởi; ngăn ngừa những điều ác đã
sanh khởi không cho tái phát; tinh tấn trau dồi những Thiện pháp chưa
sanh khởi được sanh khởi; tinh tấn giữ những Thiện pháp đã sanh khởi
không bị băng hoại.
7) Chánh Niệm là sự niệm chơn chánh tức niệm Thân, niệm Thọ, niệm
Tâm, niệm Pháp.
8) Chánh Ðịnh là định tâm chơn chánh tức là định tâm trong Sơ Thiền,
Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền; Ðịnh Tâm chơn chánh trong 4 loại Thiền
phải có những chi Thiền như Tầm, Tứ, Hỷ v.v... làm căn bản.
9) Tà Kiến là sự hiểu biết sai lầm trái với sự thật phản nghĩa với
Chánh Kiến.
10) Tà Tư Duy là sự suy nghĩ tà vạy, trái với Chánh Tư Duy.
11) Tà Ngữ là lời nói Tà vạy, trái với Chánh Ngữ.
12) Tà Nghiệp là hành động của Thân tà vạy, trái với Chánh Nghiệp.
13) Tà Mạng là nuôi mạng sống bằng Thân Khẩu ác trái với Chánh Mạng.
14) Tà Tinh Tấn là siêng năng làm việc ác trái với Chánh Tinh Tấn.
15) Tà Niệm là vọng niệm tạp tưởng, quên mình, trái với Chánh Niệm.
16) Tà Ðịnh là định tâm không chơn chánh, tức là cách tụ tập gom tâm
ngoài 4 bậc Thiền, không có những chi Thiền như Tầm, Tứ v.v... làm căn
bản.
Chi pháp bản thể của các chi Ðạo: Chánh Kiến là sở hữu Trí tuệ, Chánh
Tư Duy là sở hữu Tầm, Chánh Ngữ là sở hữu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp là sở
hữu Chánh Nghiệp, Chánh Mạng là sở hữu Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn là sở
hữu Cần, Chánh Niệm là sở hữu Niệm, Chánh Ðịnh là sở hữu Ðịnh, Tà Niệm là
sở hữu Tà Kiến.
Bảy pháp Tà Ðạo còn lại chỉ tương phản với Chánh Ðạo chớ không có sở
hữu riêng biệt [Trừ Tà Kiến ra, các điều tà đạo còn lại là do Tâm Tham
và Sân chủ sử.]
306- Hai Mươi Hai Quyền (Indriya).
V- Thế nào là Hai Mươi Hai Quyền?
Ð- Hai mươi hai Quyền là 22 pháp có đặc tánh tự trị riêng biệt. 22
Quyền là:
1) Nhãn Quyền là con mắt, có đặc tánh hướng dẫn các pháp đồng sanh
cùng làm chung một việc Thấy.
2) Nhĩ Quyền là lỗ tai, có đặc tánh hướng dẫn các pháp đồng sanh cùng
làm chung một việc Nghe.
3) Tỷ Quyền là lỗ mũi, có đặc tánh hướng dẫn các pháp đồng sanh cùng
làm chung một việc Ngửi.
4) Thiệt Quyền là lưỡi, có đặc tánh hướng dẫn pháp đồng sanh cùng làm
chung một việc Nếm.
5) Thân Quyền là Thần Kinh Thân có đặc tánh hướng dẫn các pháp đồng
sanh cùng chung một việc Cảm xúc.
6) Nữ Quyền là trạng thái Nữ, có đặc tánh hướng dẫn các pháp đồng
sanh cùng làm chung một việc hiện bày tư cách phần Nữ.
7) Nam Quyền là trạng thái nam, có đặc tánh hướng dẫn các pháp đồng
sanh cùng làm chung một việc hiện bày tư cách Nam nhân.
8) Mạng Quyền là sắc Mạng Quyền, có đặc tánh làm cho sắc pháp đồng
sanh được sống còn.
9) Ý Quyền là Tâm có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp cùng làm chung
một việc biết cảnh.
10) Lạc Quyền là Thọ Lạc có đặc tánh hướng dẫn Danh pháp cùng làm
chung một việc hưởng thụ sự khoái lạc của xác thân.
11) Khổ Quyền là Thọ Khổ có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp cùng làm
chung một việc cảm thọ sự đau đớn của xác thân.
12) Hỷ Quyền là Thọ Hỷ có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp cùng làm
chung một việc thích thú đối tượng.
13) Ưu Quyền là thọ Ưu có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp cùng làm
chung một việc buồn chán đối tượng.
14) Xả Quyền là Thọ Xả có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp cùng làm
chung một việc tiếp nhận ngoại cảnh với tư cách vô tư.
15) Tín Quyền là sở hữu Tín có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp cùng
làm chung một việc tín ngưỡng Tam Bảo.
16) Tấn Quyền là sở hữu Cần có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp đồng
sanh cùng chung một việc cố gắng diệt trừ ác pháp và chuyên cần phát
triển Thiện pháp.
17) Niệm Quyền là sở hữu Niệm có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp
đồng sanh cùng làm chung một việc chăm chú theo các hành động của Thân.
18) Ðịnh Quyền là sở hữu Ðịnh có đặc tánh hướng dẫn các Danh pháp
đồng sanh cùng làm chung một việc gom Tâm vào một đề mục.
19) Tuệ Quyền là sở hữu Trí tuệ có đặc tánh hướng dần các Danh pháp
đồng sanh cùng làm chung một việc hiểu biết sự vật đúng với sự thật.
20) Vị Tri Quyền là Trí tuệ của Tu Ðà Hườn Ðạo có đặc tánh hướng dẫn
các Danh pháp đồng sanh cùng chung một việc biết cái chưa từng biết, tức
là thấy rõ Niết Bàn lần đầu.
21) Dĩ Tri Quyền là Trí tuệ của các vị Tư Ðà Hườn Quả, Tư Ðà Hườn
Ðạo, Tư Ðà Hàm Quả, A Na Hàm Ðạo, A Na Hàm Quả và A La Hán Ðạo. Có đặc
tánh hướng dẫn các Danh pháp đồng sanh cùng làm chung một việc biết cái
đã từng biết: tức là thấy rõ Niết Bàn những lần sau cũng giống như Tu Ðà
Hườn Ðạo.
22) Cụ Tri Quyền là Trí tuệ của vị A La Hán Quả có đặc tánh hướng dẫn
các Danh pháp đồng sanh cùng làm chung một việc giác ngộ hoàn toàn.
307- Chín Lực (Bala).
V- Thế nào là Chín Lực?
Ð- Chín Lực là những pháp có sức mạnh: có thể áp đảo được nghịch pháp.
Lực có 9:
1) Tín Lực là sức mạnh của Ðức tin, nhất là Ðức Tin Tam Bảo của vị Tu
Ðà Hườn.
2) Tấn Lực là sức mạnh của Tinh tấn nhất là Tứ Chánh Cần.
3) Niệm Lực là sức mạnh của Chánh Niệm nhất là tứ Niệm Xứ.
4) Ðịnh Lực là sức mạnh của Tâm Ðịnh nhất là Ngũ Thiền.
5) Tuệ Lực là sức mạnh của Trí tuệ nhất là Chánh Kiến.
6) Tàm Lực là sức mạnh của sự hổ thẹn với điều Ác xấu.
7) Úy Lực là sức mạnh của sự ghê sợ các điều Ác xấu.
8) Vô Tàm Lực là sức mạnh của sự không biết hổ thẹn.
9) Vô Úy Lực là sức mạnh của sự không ghê sợ (Chi pháp của 9 Lực nêu
tên quá rõ ràng nên khỏi chỉ thêm về bản thể pháp).
308- Bốn Trưởng (Adhipati).
V- Thế nào là Bốn Trưởng?
Ð- Trưởng là pháp có năng lực lớn mạnh hơn pháp đồng sanh. Bốn pháp
Trưởng chẳng phải đồng thời cả bốn điều lớn mà chỉ 1 trong 4, pháp nào
trội hơn thì pháp ấy là Trưởng.
1) Dục Trưởng là sự mong muốn lớn hơn pháp khác.
2) Cần Trưởng là sự Tinh Tấn lớn trội hơn các pháp khác.
3) Tâm Trưởng là sự biết cảnh lớn trội hơn các pháp khác.
4) Thẩm Trưởng là sự sáng suốt lớn trội hơn các pháp khác.
Dục Trưởng là sở hữu Dục, Cần Trưởng là sở hữu Cần, Tâm Trưởng là các
tâm Ðổng Tốc, Thẩm Trưởng là sở hữu Trí Tuệ.
309- Bốn Thực (Ahārā).
V- Thế nào là Bốn Thực?
Ð- Thực là ăn tức là đem thêm chất dinh dưỡng để giúp Thân hoặc Tâm
phát triển thêm. Pháp Thực có 4:
1) Ðoàn Thực là miếng ăn như cơm, bánh v.v...giúp cho thân thể được
lớn mạnh.
2) Xúc Thực là sự gặp gỡ giữa các căn, cảnh và Thức là nguyên nhân
sanh ra thọ.
3) Tư Thực là sự cố ý làm việc Thiện hoặc Ác là nhân sanh Tâm Quả Tục
Sinh.
4) Thức Thực là các Tâm, vì Tâm có khả năng hưởng cảnh là nhân trợ
sanh Danh Sắc.
Bản thể pháp của Tứ Thực: Ðoàn Thực là sắc Vật Thực ngoại. Xúc Thực là
sở hữu Xúc. Tư Thực là sở hữu Tư. Thức Thực là tất cả Tâm.
310- Giác Phần Tập Yếu (Bodhipakkhiya).
V- Thế nào là Giác Phần Tập Yếu?
Ð- Giác Phần Tập Yếu là những pháp giúp cho sự Giác Ngộ, như Pāli chú
giải: "Hành giả tỏ ngộ Tứ Ðế do nhân nào thì nhân đó gọi là Giác Phần",
Giác Phần có 7:
1) Tứ Niệm Xứ. 2) Tứ Chánh Cần. 3) Tứ như Ý Túc. 4) Ngũ Quyền. 5) Ngũ
Lực. 6) Thất Giác Chi.7) Bát Chánh Ðạo.
311- Tứ Niệm Xứ (Satipatthanā).
V- Thế nào là Tứ Niệm Xứ?
Ð- Tứ Niệm Xứ là 4 đề mục tu Tuệ:
1) Niệm Thân là cách chú Tâm quan sát hành động của Thân cho thấy rõ
sắc uẩn. Niệm Thân đây là quan sát hơi thở, quan sát 4 oai nghi, quan
sát về tử thi v.v...
2) Niệm Thọ là chú Tâm ghi nhận hay là quan sát theo các cảm Thọ:
Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ và Xả. Niệm Thọ để thấy rõ Thọ Uẩn.
3) Niệm Tâm là quan sát theo sự sanh diệt của Tâm để thấy rõ Thức
Uẩn.
4) Niệm Pháp là quan sát những tư tưởng (Tư là suy tính việc tương
lai; Tưởng là nhớ lại những việc quá khứ) để thấy rõ Hành Uẩn và Tưởng
Uẩn.
Hay nói một cách khác: Lấy sắc Uẩn làm cảnh để Niệm, gọi là Niệm Thân;
lấy Thọ Uẩn làm cảnh để Niệm gọi là Niệm Thọ; lấy Thức Uẩn làm cảnh để
Niệm gọi là Niệm Tâm; lấy Hành Uẩn và Tưởng Uẩn làm cảnh để Niệm gọi là
Niệm Pháp.
Pháp bản thể của Tứ Niệm Xứ là Sở hữu Niệm.
312- Tứ Chánh Cần (Sammappadhānā).
V- Thế nào là Tứ Chánh Cần?
Ð- Tứ Chánh Cần là 4 pháp siêng năng chơn chánh:
1) Thận Cần là tinh tấn ngăn ngừa những ác pháp chưa sanh khởi, không
cho sanh khởi.
2) Trừ Cần là tinh tấn dứt bỏ những ác pháp đã sanh không cho tái
phát.
3) Tu Cần là trau giồi những Thiện pháp chưa sanh được sanh.
4) Bảo Cần là tinh tấn hộ trì những Thiện pháp đã sanh càng được tăng
trưởng thêm không để hư hoại.
Bản thể pháp Tứ Chánh Cần là sở hữu Cần.
313- Tứ Như Ý Túc (Iddhipāda).
V- Thế nào là Tứ Như Ý Túc?
Ð- Tứ Như Ý Túc là 4 pháp nền tảng giúp cho thành tựu các loại Ðạo,
Quả, Thiền và Diệu Trí (Tâm Thông).
1) Dục Như Ý Túc là sự mong muốn làm nhân đưa đến đắc chứng các loại
Ðạo, Quả, thiền và Diệu Trí.
2) Cần Như Ý Túc là sự tinh tấn làm nhân đưa đến chứng đến các loại
Ðạo, Quả v.v...
3) Tâm Như Ý Túc là Tâm làm nhân đưa đến đắc chứng các loại Ðạo, Quả
v.v...
4) Thẩm Như Ý Túc là Trí tuệ làm nhân đưa đến đắc chứng các loại Ðạo,
Quả v.v...
Bản thể pháp Tứ Như Ý Túc là: Dục Như Ý Túc là sở hữu Dục, Cần Như Ý
Túc là sở hữu Cần; Tâm Như Ý Túc là Tâm Ðổng Tốc Dục giới Tịnh Hảo hợp trí
(tức là 4 tâm Thiện dục giới và 4 tâm Duy tác Dục giới tương ưng) Thẩm Như
Ý Túc là Sở hữu Trí tuệ.
314- Ngũ Quyền (Indriya).
V- Thế nào là Ngũ Quyền?
Ð- Ngũ Quyền là những pháp có tư cách tự trị vững mạnh, có khả năng
chịu đựng nỗi sự lấn áp của pháp nghịch. Quyền trong Giác Phần có 5:
1) Tín Quyền. 2) Tấn Quyền. 3) Niệm Quyền. 4) Ðịnh Quyền. 5) Tuệ
Quyền.
Quyền trong "Giác phần" chúng vừa đồng sanh, vừa quân bình. (xem lại
chi pháp Ngũ Quyền trong 22 Quyền).
315- Ngũ Lực (Bala).
V- Thế nào là Ngũ Lực?
Ð- Ngũ Lực là sức mạnh vững chắc, không bị lay động đối với nghịch
pháp: có năng lực công và thủ đối vớinghịch pháp. Lực trong "Giác phần" có
5:
1) Tín Lực. 2) Tấn Lực. 3) Niệm Lực. 4) Ðịnh Lực. 5) Tuệ Lực.
Ngũ Lực trong "Giác phần" cũng phải đồng sanh và đồng đẳng (xem lại
phần Cửu Lực).
316- Thất Giác chi (Bojjhango).
V- Thế nào là Thất Giác Chi?
Ð- Thất Giác Chi là bảy pháp trợ giúp cho Giác ngộ lý Tứ Diệu Ðế: hay
nói một cách khác pháp nào giúp cho tỏ ngộ Niết Bàn thì pháp ấy gọi là
Giác Chi. Pháp trợ giúp cho sự Giác Ngộ có 7:
1) Niệm Giác Chi là Chánh Niệm là nhân trợ giúp cho tỏ ngộ Ðạo Quả
Niết Bàn.
2) Trạch Giác Chi là Trí tuệ quan sát phân biệt rõ pháp Thiện và Bất
Thiện là nhân trợ giúp cho tỏ ngộ Ðạo Quả Niết Bàn.
3) Cần Giác Chi là sự tinh tấn trợ giúp cho tỏ ngộ Ðạo Quả Niết Bàn.
4) Hỷ Giác Chi là pháp Hỷ giúp cho tỏ ngộ Ðạo Quả Niết Bàn.
5) Tịnh Giác Chi là trạng thái vắng lặng của Tâm Pháp giúp cho tỏ ngộ
Ðạo Quả Niết Bàn.
6) Ðịnh Giác Chi là trạng thái Tâm an trụ là nhân trợ giúp cho tỏ ngộ
Ðạo Quả Niết Bàn.
7) Xả Giác Chi là trạng thái Tâm định đến tư cách quân bình không
thiên lệch, giúp cho tỏ ngộ Ðạo Quả Niết Bàn.
Bảy pháp Giác Chi nói trên là pháp trợ Ðạo, cũng phải đồng sanh không
thể thiếu một chi pháp nào cả. Nhưng pháp nào làm nhân chánh thức giúp cho
Ðạo Quả phát sanh và thấu rỏ Niết Bàn thì pháp ấy gọi là Giác Chi vậy, và
tùy theo căn duyên đặc biệt của mỗi người.
Pháp bản thể của Thất Giác Chi: Niệm Giác Chi là sở hữu Niệm; Trạch
Pháp Giác Chi là sở hữu Trí tuệ; Cần Giác Chi là sở hữu Cần; Hỷ Giác Chi
là sở hữu Hỷ; Tịnh Giác Chi là sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm; Ðịnh Giác Chi
là sở hữu Ðịnh; Xả Giác Chi là sở hữu Hành Xả.
317- Bát Chánh Ðạo (Magga).
V- Thế nào là Bát Chánh Ðạo?
Ð- Bát Chánh Ðạo là con đường chơn chánh, 8 nẽo đường giúp cho chúng
sanh tỏ ngộ Niết Bàn và sát trừ Phiền Não. Bát Chánh Ðạo có 8 chi chia ra
thành 3 phần:
- Giới Phần có 3: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh
Mạng.
- Ðịnh Phần có 3 phần: Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn và
Chánh Ðịnh.
- Tuệ Phần có 2: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy (xem lại
phần 16 chi Ðạo).