[05] Chương 5 Tập khí 155.- Tập khí (carita) và tánh tình con người. Trong bốn Chương vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu về bản thể của tâm thức (citta) và các tâm sở (cetasikas) phụ hợp với tâm thức đồng khởi lên trong tâm. Tâm thức thiện hay bất thiện chẳng phải chỉ do ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của các khuynh hướng và cá tánh tích tụ từ ngàn xưa trong các kiếp trước. Những người hiện nay có nhiều đức tánh tốt là do sự tích luỹ các công đức trong quá khứ. Và rất khó mà chuyển hoá cho được tâm thức của những kẻ đã đa mang các tật xấu từ nhiều đời qua. Thật ra, chúng ta có thể đối trị các khuynh hướng của tật xấu bằng cách khép mình sống luôn bên cạnh các bực hiền giả, nhưng đến khi xa vắng thầy và được tự do hành động tuỳ thích, thì lại ngã theo chứng nào tật nấy đã vướng sẵn tự bao đời. Chúng ta mất cả đức hạnh khi rời xa các bực hiền giả cũng tựa như chất kim khí nấu chảy lỏng để nguội thì đặc cứng trở lại vậy. Nếu bạn cố thử đem một ống đồng hình trụ tra vào đuôi con chó, rồi thoa dầu mỡ lên, luôn trong mười hai năm, bạn sẽ thấy khi rút ống đồng ra khỏi, đuôi chó vẫn cong lại như xưa, thật phí công uốn thẳng lại. Tập khí (hay nói theo cách thông thường là thói quen hoặc tập quán) đã, cứng rắn và mạnh mẽ, un đúc nên tánh tình. Thí dụ như bạn vừa mới cho con chó ăn no nê, thế mà khi thấy chiếc giày cũ, nó cũng tới gặm nhấm, hay ít ra cũng chúi mõm vào ngửi ngửi. Cùng thế ấy, một người đầy tật xấu vẫn giữ thói thấp hèn và đê tiện trong ngôn ngữ hay cử chỉ. Ngay cả khi được các bực trưởng thượng giúp cho vượt lên điạ vị cao hơn, đôi khi họ cũng vẫn để lộ ra tập khí (carita, vasana) chẳng tốt. Họ chẳng thể diệt sạch được gốc rễ của thói quen. Vì thế, ta cần phải tự mình quán sát lấy mình cho cẩn thận để nhận ra được các tập khí (carita) của chính mình, cùng các tâm sở phụ hợp với tập khí đó. Chúng ta thường có những tập khí nào? 156.- Sáu loại tập khí (caritas). Tập khí (carita) chiếm điạ vị ưu thế trong tánh tình con người. Có sáu loại tập khí: (1) tham tập khi (raga carita) của kẻ tham lam; (2) sân tập khí (dosa carita) của kẻ hay giận dữ; (3) si tập khí (moha carita) của kẻ si mê; (4) tín tập khí (saddha carita) của người có lòng tin; (5) minh tập khí (buddhi carita) của người thông minh và (6) tác ý tập khí (vitakka carita) của người quá đắn đo suy nghĩ. Ba loại tập khí trước là những tập khí xấu, còn ba tập khí sau là những thói quen tốt. Một cá nhơn có thể có một tập khí, hay hai, hoặc ba tập khí phối hợp lại. 157.- Phán đoán tập khí (carita) của một người như thế nào? Ta có thể nhận chân được tập khí của một người bằng cách quan sát cẩn thận các hành vi, cử động, lề lối sanh hoạt, cách thức ăn mặc và thái độ cư xử của người ấy. Hạng người có tham tập khí (raga carita) cùng với những người có tín tập khí (saddha carita) thường có vài đặc điểm giống nhau. Điều đó cũng xảy ra giữa hai hạng người có sân tập khí (dosa carita) và minh tập khí (buddhi carita). Còn nơi các người có si tập khí (moha carita), tánh tình cũng lại chẳng khác nhau nhiều với những người có tác ý tập khí (vitakka carita). 158.- Hai hạng người có tham tập khí (raga carita) và tín tập khí (saddha carita). Cả hai hạng người có tham tập khí và có tín tập khí đều tỏ ra khả ái và lễ độ. Thông thường, họ là những người có ngăn nắp, sạch sẽ và đàng hoàng. Họ thích các món ăn ngọt ngào, hương vị thơm tho và mềm dịu. Tuy nhiên giữa hai hạng đó, có nhiều sự khác biệt sâu rộng về tánh tình: người có tham tập khí (raga carita) thường tỏ ra quá quyến luyến vào các thú vui thể chất, nhục dục; hắn trở nên đê tiện, dối trá, kiêu mạn và tham lam. Trái lại, những bực có tín tập khí (saddha carita) tâm tánh chơn chất, ngay thẳng, có lòng quảng đại biết bố thí rộng rãi. Các người nầy lại có tín tâm mộ đạo, tin tưởng vào Ngôi Tam Bảo và thường thích nghe giảng Chánh Pháp (Dhamma). Ghi nhớ: Cả hai hạng người có tham tập khí (raga carita)và tín tập khí (saddha carita) đều là người lễ độ, phong nhã và thích sự hào nhoáng. Nhưng hạng người có tham tập khí lại tham lam, hay châm biếm và dối gạt, trong khi đó hạng người có tín tập khí tỏ ra rộng rãi, hào phóng, chơn thật và mộ đạo. 159.- Hai hạng người có sân tập khí (dosa carita) và minh tập khí (buddhi carita). Cả hai hạng người có sân tập khí và minh tập khí đều tỏ ra ít nhiều thô cộc và thiếu lễ độ trong cách cư xử. Họ đều thích món ăn chua, mặn, mùi vị cay nồng. Họ thường phục sức cẩu thả và ít chú trọng đến sự sạch sẽ, ngăn nắp. Họ cảm thấy khó chịu lắm, khi phải nhìn đến sự vật thô xấu, hay phải nghe những âm thanh chẳng dịu dàng. Họ thường phản ứng nặng lời, bạo động, oán hận và bực tức. Đấy là những đặc điểm chung cho cả những người mà sân tập khí và minh tập khí chiếm phần ưu thế trong tánh tình họ, xem đó như là bản thể thứ hai của họ (cho đến khi họ bắt đầu chịu sửa đổi lại tâm tánh.) Tuy nhiên, giữa họ cũng còn có nhiều điểm khác biệt khá sâu rộng. Người có sân tập khí (dosa carita) thường biểu lộ sự hờn giận, muốn báo thù, ganh tị, đố kỵ, phỉ báng, cao ngạo và cứng đầu cứng cổ. Trái lại, người có minh tập khí (buddhi carita) ít hờn ghen, oán hận hay tị hiềm và dễ nghe theo lời khuyên nhũ tốt. Hành động một cách cẩn thận, chín chắn, người ấy hiểu thấu luật nhơn quả, biết lo nghĩ đến các đời tái sanh trong tương lai, nên thích làm nhiều hành vi thiện để tu tập theo các hạnh Ba-la-mật (Paramis). Ghi nhớ: Kẻ có sân tập khí (dosa carita) hay thô cộc trong dáng điệu, cẩu thả trong cách ăn mặc, ít tuân kỷ luật, thích món ăn cay nồng và phản ứng bạo động trước các hình dạng thô xấu hay các âm thanh chẳng êm dịu. Người có minh tập khí (buddhi carita) tránh được các hành vi xấu ác của tập khí sân, sẵn sàng học hỏi nơi người hiền đức và thường tỏ ra cẩn thận, chín chắn. Người ấy biết nhìn xa về cuộc đời và thích làm điều thiện. 160.- Hai hạng ngưới có si tập khí (moha carita) và tác ý tập khí (vitakka carita). Một kẻ có si tập khí (moha carita) thuờng tỏ ra dốt nát, mê lầm và hay lãng quên. Người ấy lắm khi trở nên bối rối và mù mờ. Anh ta chẳng thể phân biện rõ ràng điều phải với lẽ quấy, sự tốt với việc xấu. Anh ta lại chẳng thể tự mình phán đoán, chỉ biết hùa theo kẻ khác để khen hay chê ai. Vì khiếm khuyết sự tỉnh giác (sati) và trí huệ (panna), anh ta cứ để thời giờ trôi qua trong sự lười nhác, lờ đờ và nghi kỵ. Anh là nạn nhơn của sự giải đãi và hôn trầm. Cũng giống như kẻ có si tập khí (moha carita), người có tác ý tập khí (vitakka carita) thường sống trong sự lưỡng lự và nghi ngờ. Anh ta thường thẫn thờ và ít khi đủ hăng hái để làm xong một việc thiện. Anh thường nhập bọn với những người có tánh giống anh. Cả ngày chỉ biết ấp úng các câu khó hiểu, đắm chìm trong tưởng tượng và đoán mò, anh lãng phí thời giờ chẳng được việc gì có ích cả. Ghi nhớ: Kẻ có si tập khí (moha carita) thường là người lười nhác, hay bối rối và mê lầm. Anh chẳng thể phân biện giữa điều lành và việc ác. Anh thiếu sự tự mình phán đoán, khiếm khuyết sự tỉnh giác (sati) và trí huệ (panna). Còn người có tác ý tập khí (vitakka carita), anh cũng chẳng đủ khả năng để làm đìều thiện vì quá lười nhác. Anh để thời giờ quí báu trôi qua mà chẳng làm được việc gì khả quan cả. 161.- Nguồn gốc của tập khí (carita). Do tập khí (carita) mà có sự phân biệt giữa các hạng người. Con người khác nhau ở hình dong, thái độ, thói quen và khuynh hướng. Tại sao vậy? Trong các đời sống đã qua, nếu một người chịu nhiều ảnh hưởng của sự tham lam, thì nghiệp lực (kamma) và quả báo (vipaka) sẽ khiến cho anh ta trở nên người có tham tập khí (raga carita). Nếu sự sân hận (dosa) chiếm ưu thế trong các hành động của anh trong các kiếp trước, thì khuynh hướng của anh trong đời nầy sẽ nghiêng về sân tập khí (dosa carita). Nếu sự si mê bao trùm nghiệp lực của anh trong các kiếp trước, thì kết quả trong kiếp nầy sẽ đẩy anh vào hàng những người có si tập khí (moha carita). Nếu một người biết trân quý trí huệ (panna) và thực hiện được nhiều công đức trong các đời trước, anh sẽ tái sanh làm người có minh tập khí (buddhi carita). Cùng thế ấy, các hành vi do niềm tin (saddha) hoặc sự tác ý (vitakka) thúc đẩy sẽ mang đến hậu quả là tín tập khí (sadha carita) hoặc tác ý tập khí (vitakka carita). Do đấy, chúng ta thấy rõ, nghiệp lực (kamma) trong quá khứ chính là gốc rễ của tập khí (carita) ngày nay. Vì vậy, chúng ta phải nên thực hành các việc thiện do niềm tin (saddha) và trí huệ (panna) hướng dẫn, để mong có được các tập khí (caritas) tốt trong các đời sau. 162.- Khuynh hướng (Vasana) tiếp tục từ đời nầy sang đời khác. Khuynh hướng (vasana) liên quan đến viêc xấu ác là một sức mạnh của các lậu hoặc (kilesas) (tức là các sự nhơ bẩn của tâm thức) (lậu hoặc = lậu= rỉ chảy + hoặc= mê lầm; lậu hoặc là danh từ thường dùng trong kinh sách Bắc tông để chỉ các phiền não như tham, sân, si,mạn, nghi,...làm ô uế tinh thần và rỉ chảy ra để thúc đẩy các hành vi bất thiện). Nhưng nếu khuynh hướng có liên quan đến các việc tốt lành thì được gọi là samma chanda, thiện ý chí (ý muốn làm điều thiện). Khuynh hướng (vasana) là phần bẩm sinh có sẵn nơi tâm thức của mọi chúng sanh. Như thế, trong các hành nghiệp (kamma) (hành nghiệp = hành động tạo nên nghiệp) của đời qua, nếu ta đã vun bồi sự tham lam, thì khuynh hướng ngày nay của ta sẽ là tham lam nơi bản thể. Nếu ta chẳng chịu cải thiện khuynh hướng xấu đó, thì tham tập khí (raga carita) sẽ đeo đuổi mãi trong các đời sau của chúng ta. Sự sân hận (dosa), sự si mê (moha) lại cũng có ảnh hưởng dai dẳng như thế. Nếu bạn được phú bẩm với panna carita, trí huệ tập khí, trong đời nầy và bạn cố gắng vun bồi thêm sự sáng suốt, thì tập khí ấy sẽ theo với bạn mãi và kết quả là trong các cuộc tái sanh sau nầy, bạn sẽ là người có thiên tư trí huệ (panna). Các vị phát nguyện tu chứng Phật quả đã đắc được quả vị tối cao cũng nhờ nơi trí huệ (panna) làm yếu tố căn bản cho sự thành công; các vị khác lên ngôi vị tối thắng (etadagga) trong hàng đệ tử, như Ngài Xá-lợi-phất (Sariputta), vị đại đệ tử của Đức Phật Thích-ca, được tôn vinh là bực đệ nhứt trí huệ, cũng là do khuynh hướng trí huệ nuôi dưỡng qua nhiều đời. Bởi thế cho nên, điều quan trọng bực nhứt cho chúng ta là ngay trong đời nầy phải nỗ lực từ bỏ các tập khí xấu, các tà hạnh, (duccarita) và gắng sức phát triển các tập khí cao quí. Những ai đang có tham tập khí (raga carita) muốn đối trị với lòng tham, cần tập quán tưởng về mọi vật xem đó như là vật bất tịnh (=dơ bẩn) và đáng gớm ghiếc. Rồi nhờ đó mà khuynh hướng tham lam mới nhạt dần để biến mất đi. Với kẻ có sân tập khí (dosa carita), thì nên thực hành từ quán (metta bhavana) luôn luôn; tâm từ là yếu tố thanh lương dập tắt được ngọn lửa sân hận. Những người đa mang si tập khí (moha carita) cần thân cận các bực thiện trí thức để thưa hỏi, hầu làm giảm bớt sự si mê (moha). Và họ cũng nên thực tập thường xuyên phép quán tưởng hơi thở (Anapana) (hít vào và thở ra). Nếu họ phát triển được thói quen đặt câu hỏi để học thêm, kiến thức họ sẽ gia tăng và khuynh hướng si mê sẽ bị diệt. Với những người sẵn có những thói quen tốt như niềm tin (saddha) và trí huệ (panna), cũng nên tiếp tục phát huy các đức tánh tốt đó, ngày càng tốt hơn lên, để thọ hưởng trong sự toại ý các thành quả tốt đẹp. Tạm kết về Chương 5 Đến đây, tôi xin kết thúc phần tham luận về Tập khí . Nguyện cầu tất cả mọi người đều thủ đắc được các tập khí (caritas) tốt, xuyên qua phần trình bày của tôi. Nguyện cầu các cộng tác viên của tôi trục xuất hết được các tập khí xấu và vun bồi các tập khí tốt, ngay trong đời nầy và cả các đời sau nữa.Nguyện cầu tập khí vô giá về trí huệ (panna carita) sẽ luôn luôn hiện diện nơi thân tâm tôi mãi mãi và mãi mãi, và tín tâm tập khí (saddha carita) giúp tôi biết tận tụy chỉ với điều lành mà thôi. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 |
Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện
Nhựt đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 04-2004)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 14-04-2004