BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Giới Thiệu Văn Học Kinh Điển Pàli

Nguyên tác Anh ngữ: "An Introduction to Pàli Literature",
Dr. S. C. Banerji
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt


 -[03]-

VII. TẠP TẠNG (CÁC TẬP SỚ CỔ)

Nói chung các tập sớ cổ được biên soạn vào thời kỳ chư vị A-xà-lê hoàn chỉnh hóa dòng Kinh điển Tam Tạng thành văn. Điển hình là các Ngài Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla. Giai đoạn ra đời của các tập cổ sớ từ đó có thể xác định là vào khoảng những năm đầu Tây lịch cho đến cuối thế kỷ thứ tư sau đó.

Các tác phẩm loại này (các tập cổ sớ) chiếm một số lượng rất lớn. Điều đó xuất phát từ tầm vóc quá ư đồ sộ của Chánh Tạng.

Tạp Tạng hay Tục Tạng có thể được phân loại như sau:

- Các tác phẩm mang tính Kinh viện.
- Các tập sớ giải danh tiếng.
- Các tài liệu sử học.
- Các tập trích yếu nội dung Tam Tạng.
- Các tác phẩm thi ca Pàli.
- Các sách văn phạm Pàli.
- Các sách về ngữ âm học và tu từ học Pàli.
- Từ vựng học Pàli.

*Các tác phẩm mang tính Kinh viện:

Ở đây có thể kể (theo niên đại đã nêu) ba tác phẩm được ra đời vào thời điểm này: Nettipakarana, Petakopadesa và Milindapanha.

- Nettipakarana:

Cũng còn gọi là Nettighandha hoặc Netti. Tác phẩm cũng gán cho Ngài Ca Chiên Diên (Mahàkaccàna), một vị cao đồ của Đức Phật mà theo Trung Bộ Kinh của Tam Tạng nguyên thủy thì Ngài là một vị thù thắng về khả năng giải thích rộng rãi những lời dạy ngắn gọn của Bậc Đạo Sư. Tuy nhiên theo một vài tài liệu nghiên cứu thì tác giả của bộ sách này là của một người khác, tên là Kaccàna, không phải vị thanh văn cao đồ vừa nhắc và cũng theo các tài liệu này thì bộ Nettipakaran.a được ra đời vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Có lẽ bộ sách này được biên soạn sớm hơn hai bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp nếu căn cứ theo nội dung buổi đầu của nó. Điểm tương quan giữa bộ Nettipakaran.a với Tam Tạng nguyên thủy xem ra cũng giống như các tập Sam.hità của dòng kinh văn Phệ Đà với tác phẩm Nirukta của Yàska.

- Petakosadesa (Tạng Chú)

Bộ này cũng được cho là của Ngài Mahàkaccàna. Nội dung của bộ sách là giải quyết một số vấn đề giáo lý chưa được giải quyết sáng tỏ trước đó. Sách được giải thích sâu sắc về vấn đề giáo lý cơ bản nhất, mà đại biểu là Lý Tứ Đế. Ta có thể gặp ở đây những vấn đề đã được nhắc đến trong Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh.

- Milindapanhà (Những vấn nạn của vua Milanda)

Milinda là tên của vua Hy Lạp Menandros, một nhân vật nổi tiếng của triều đại Hy Lạp tại Ấn Độ. Ông mang trong mình cùng lúc cả hai dòng máu chiến sĩ và học giả. Ông đã từng có một cuộc đối thoại gay cấn với Trưởng Lão Nàgasena của Phật giáo. Chính những câu vấn đáp của hai người đã được ghép lại thành nội dung bộ sách. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một tư liệu đích xác nào về Ngài Nàgasena.

Bộ sách có lẽ được biên soạn ở Tây Bắc Ấn Độ, vì đây chính là một địa bàn quan trọng của người Hy Lạp. Đồng thời, có thể đây cũng là lý do tại sao một ông vua Hy Lạp được nâng lên thành nhân vật chính của bộ sách.

Vua Milinda được coi là người của thế kỷ đầu tiên trước Tây lịch nên đây cũng là dấu mốc để xác định thời điểm ra đời của bộ Milindapanha. Đến nay ta vẫn chưa rõ là bộ sách được biên soạn trong lúc sinh thời hay sau khi ông đã mất. Thậm chí nội dung của bộ sách, từng câu vấn đáp giữa vua Milinda với Ngài Nàgasena vẫn cứ là một vấn đề nghiên cứu của giới học Phật và theo các nghiên cứu khoa học thì tác giả của bộ sách cũng là một nhân vật khuyết danh.

Bộ Milindapanha đang được phổ biến rộng rãi hiện nay chính là một phiên bản bằng chữ Pàli vốn được xem là một tài liệu cổ điển của Phật giáo Tích Lan. Nguyên tác nay không còn nữa và theo các nhà nghiên cứu thì có thể nó đã được viết bằng tiếng Sanskrit hoặc là Pràkrit.

Về nội dung thì bộ Milindapanha hôm nay gồm có bảy chương thay vì ở bản gốc thì bố cục không dàn trải như vậy, mà tất cả được thu gọn vào ba chương mà thôi. Đặc biệt ở chương bốn bây giờ có thêm một phần tăng bổ mà ở bản dịch Trung Văn (thế kỷ thứ IV Tây lịch)đã bị lược bỏ.

Có thể nói hình thức song thoại và những ví dụ được vận dụng một cách sắc bén đã làm cho những đề tài giáo lý trở nên sinh động hơn và đồng thời cũng giúp cho người đọc hôm nay dễ dàng bắt gặp qua đó những tình cảm rất gần gũi.

Trước các công trình chú giải của ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla, ta có thể tìm thấy các tập chú giải khác mà mà tác giả là tập thể chư vị A-xà-lê, gọi theo tập Gandhavamsa là các vị Chú Giải Sư (Atthakathà –Càriya). Chính Ngài Buddhaghosa cũng đã từng nhắc tới những tập sớ giải này:

Mahà Atthakathà, Mahàpaccariya, Kurundì, Andha Atthakathà, Samkhepa Atthakathà, Àgamatthakathà, Àcariyànam. Samànatthakathà.

Ngoài ra, còn một tập sớ cổ khác mà Ngài Buddhaghosa đã tìm thấy ở Tích Lan và bổ sung vào đó đôi điều. Đó chính là tập Sớ của Bổn Sanh Kinh. Bên cạnh đó, từ Viniccaya ở một vài chỗ trong bộ Sớ Thiện Kiến (Samantapàsàdikà) cho ta thấy rằng có lẽ nó đã được vay mượn từ tác phẩm Vinayavinicchaya của Buddhasìha.

VIII. CÁC TẬP CHÁNH SỚ

Trong các nàh chú giải Phật Ngôn, lừng danh nhất có lẽ là ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla.

* Ngài Buddhadatta được xem là cùng thời với Ngài Buddhaghosa và là một danh Tăng của đại tự Mahàvihàra. Bản quán của Ngài vốn ở Cola, vùng giang ngạn Kàverì. Ngài Buddhadatta đã trước tác các tập sách sau đây:

- Abhidhammàvatàra.
- Vinàyavinicchaya
- Uttaravinicchaya
- Rùpàrùpa-vibhàga
- Madhuratthavilàsinì

Theo bộ Vinàyavinicchaya, chúng ta được biết là Ngài Buddhadatta đã gặp Ngài Buddhaghosa khi vị này đang trên đường từ Ấn Độ sang Tích Lan để phiên dịch các tập chú giải Tam Tạng từ tiếng Tích Lan sang chữ Pàli theo đề nghị của chư Tăng Ấn Độ mà đặc biệt là Thầy Hoà Thượng Bổn Sư. Tương truyền rằng Ngài Buddhadatta trong lần tương ngộ đó đã yêu cầu Ngài Buddhaghosa hãy gửi cho mình các tập sớ bằng chữ Pàli mà bản thân ngài chưa thực hiện được. Hai tác phẩm đầu trong danh mục các phẩm vừa kể trên của Ngài Buddhadatta chủ yếu là dựa vào các công trình trước đó mà triển khai.

Tập Abhidhammàvatàra được viết trong cả hai thể văn xuôi và kệ ngôn. Nội dung đề cập đến các vấn đề được coi là căn bản nhất của giáo lý A-tỳ-đàm: Tâm pháp, Niết-bàn, Sở hữu tâm, Sáu cảnh sở tri, Vấn đề nghiệp lý , Sắc pháp, Chế định, ...

Hai tập Vinàyavinicchaya và Uttaravinicchaya chính là nội dung đại lược của Luật Tạng. Vinàyavinicchaya gồm 31 chương, Uttaravinicchaya gồm 23 chương. Tập Vinàyavinicchaya được Ngài Buddhadatta biên soạn ở một nơi giáp cận thành phố Bhùtamangala (trên bờ sông Kàverì) dưới triều vua Acyutavibrahma của bộ tộc Kalamba.

Tập Rùpàrùpa-vibhàga được viết theo thể văn xuôi, nội dung cũng tiếp tục đề cập trở lại các vấn đề của Tạng A-tỳ-đàm.

Tập Madhurattharilàsinì là cuốn chú giải cho tập Buddhavamsa (Phật Tông) của Tiểu Bộ Kinh trong Chánh Tạng.

* Ngài Buddhaghosa đã ghi lại đôi điều về thân thế của mình trong các tập sớ giải Pàli do Ngài thức hiện. Và có thể nói chương 37 của bộ Biên Niên Sử Tích Lan Mahàvamsa là phần tự truyện tương đối đầy đủ về Ngài, nhưng riêng chương 37 là phần hậu bổ của một vị trưởng lão người Tích Lan tên Dhammakitti, người của thế kỷ XIII Tây Lịch.

Từ tài liệu trên, chúng ta mới biết rằng ngài Buddhaghosa vốn sinh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha. Chuyện xưa kể là Ngài chẳng những tinh thông Tam Phệ Đà mà còn sở hữu được hầu hết các ngành học thuật đương thời. Sau khi được một trưởng lão của Phật Giáo nhiếp phục về sở học, Ngài đã bỏ đạo Bà-la-môn và quay về với Phật Giáo. Sau khi xuất gia, Ngài mới có cái tên Buddhaghosa (người có tiếng nói của Phật), một phần cũng dựa vào thế danh cũ vốn đã có chữ Ghosa. Với lòng thiết tha những mong biên soạn Sớ Giải Tam Tạng, Ngài Buddhaghosa đã tìm sang Tích Lan để nghiên cứu các tập cổ sớ Phật ngôn bằng ngôn ngữ nước này cùng các giáo lý được xem là Nguyên Thủy tại ngôi đại tự Mahàvihàra ở Thủ đô Anuràdhapura của Tích Lan. Lúc bấy giờ nhằm vào triều đại của vua Mahànàma (tiền bán thế kỷ thứ V Tây lịch). Theo thời gian, Ngài đã chuyển ngữ toàn bộ các tập Sớ giải từ tiếng Tích Lan sang Pàli. Sứ mệnh hoàn tất, Ngài trở về Ấn Độ, bản quán Magadha, để lễ bái cội Bồ đề trước khi nhắm mắt.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có thêm một vài thông tin khác nữa về Ngài Buddhaghosa từ các tài liệu Buddha – Ghosuppatti tức Mahà Buddhaghosassavidànavatthu, Gandhavamsa, Sàsànavamsa và Saddhammasam.gaha. Các vấn đề là làm thế nào để có thể hệ thống hoá một cách liền lạc các mẫu thông tin vụn vặt, rời rạc ấy. Đọc lại cuộc đời Ngài Buddhaghosa chúng ta bắt gặp được một sự kiện khá thú vị là phụ thân của Ngài, một giáo sĩ Bà-la-môn tên Kesì, một người từng dạy giáo lý Phệ đà cho Vua, đã nhờ chính Ngài cảm hóa mà trở thành một Phật tử.

Theo một vài học giả thì sau khi rời khỏi đảo Tích Lan, Ngài Buddhaghosa đã đi sang Miến Điện để hoằng pháp, đồng thời dịch cuốn văn phạm Pàli Kaccayana sang tiếng Miến Điện rồi viết luôn một cuốn Chú giải về bộ sách văn phạm này. Chuyện vẫn chưa hết, ngày nay vẫn còn một số văn bản cứ được gán cho Ngài. Thậm chí đến cuốn Manu-sm.rti hiện đang lưu hành ở Miến Điện cũng được tương truyền là do Ngài đem từ Tích Lan qua.

Chúng ta phải nhận rằng bản thân Ngài Buddhaghosa là một người cực kỳ uyên bác. Những trước tác của Ngài đã chuyên chở một lượng kiến thức đồ sộ về hầu hết các ngành học thuật quan trọng của thế học như các lãnh vực về Siêu Hình Học, Thiên Văn Học, Địa lý học, ... Qua những gì Ngài đã để lại, chúng ta có thể biết thêm nhiều điều quan trọng về cả địa dư lẫn sử ký của Ấn Độ và Tích Lan đương thời. Các công trình của Ngài có thể phân thành hai loại: Chú giải và Sáng tác.

Về Luật Tạng, Ngài có hai cuốn chú giải là Samantapàsàdikà và Kankhàvitarani. Cuốn trước thì giải thích đại lược nội dung Luật tạng, còn cuốn sau thì giải thích chuyên biệt về giới bổn của hai cuốn đầu tiên trong Luật Tạng (vốn gồm 5 bộ trong tám cuốn).

Về Kinh Tạng (năm Nikàya), chú giải của Trường Bộ Kinh là Bộ Sumangalavilàsinì. Chú giải của Trung Bộ Kinh là bộ Papancasùdanì, chú giải của Tương Ưng Bộ Kinh là bộ Sàratthapakàsinì, chú giải của Tăng Chi Bộ Kinh là bộ Manorathapùrani và chú giải của Tiểu Bộ Kinh là bộ Patamattha-Jotikà.

Về Tạng Thắng Pháp, chú giải của bộ đầu tiên (Dhammasamganì) là bộ Atthasàlinì, chú giải của bộ Thắng Pháp thứ hai (Vibhanga) là Bộ Sam.mohavinodanì và chú giải của năm bộ Thắng Pháp còn lại (Dhàtukathà, Puggalapannatti, Kathàvatthu, Yamaka và Patthàna) là bộ Pancappakaranatthakathà. Các bộ chú giải này còn được gọi chung là Paramatthakathà.

Còn một số tập sớ giải khác như của Kinh Bổn Sanh, Kinh Pháp Cú và Kinh Bổn Sự cũng được gán cho Ngài Buddhaghosa.

Tương truyền rằng trước khi đi sang Tích Lan, Ngài đã viết một cuốn sách mang tên Atthasàlinì mà có lẽ đó chính là cựu bản của cuốn sớ giải cùng tên mà sau này Ngài đã thực hiện tại Tích Lan để chú thích bộ Thắng Pháp đầu tiên. Có người nói rằng lúc còn ở Ấn Độ, Ngài cũng đã biên soạn một bộ sách có tựa đề là Nànodaya.

Nhưng nói chung, tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài Buddhaghosa chính là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà nội dung là xoay quanh ba pháp Vô Lậu Học (Giới-Định-Tuệ). Bộ Thanh Tịnh Đạo còn giải quyết một cách khái quát khía cạnh triết học của Phật Giáo dựa trên những tinh hoa được chắt lọc từ Tam Tạng cùng các tập Cổ Sớ. Theo chính Ngài cũng đã ghi nhận thì nội dung của bộ Thanh Tịnh Đạo được viết theo góc độ kiến giải của Chư Tăng nhóm Mahàvihàra, nơi Ngài tá túc trong thời gian lưu trú tại Tích Lan. Chung quanh việc ra đời của Thanh Tịnh Đạo có một vài giai thoại xem ra vẻ huyền hoặc (như chuyện chư Thiên giấu đi những trang bối diệp mà Ngài đã viết). Nhưng dù sao thì bản thân của bộ sách vẫn cứ là một tác phẩm giá trị, dễ hiểu và sinh động. Thật khó mà nói được hết những đóng góp của Ngài Buddhaghosa về những vấn đề giáo lý hết sức phức tạp và rối ren lúc bấy giờ.

* Ngài Dhammapàla vốn sinh ra ở miền duyên hải Padaratittha, miến Nam Ấn. Nếu dựa theo các tác phẩm của Ngài mà nói thì có lẽ Ngài đã từng tham cứu Phật Học tại đại tự Mahàvihàra. Về kiến giải giáo lý, giữa Ngài và Ngài Buddhaghosa luôn được xem là có một mối tương đồng nhất định. Và tính theo thời gian thì thời điểm ra đời của Ngài so với Ngài Buddhaghosa chẳng muộn hơn bao nhiêu. Cho đến nay ta vẫn chưa rõ Ngài Dhammapàla vừa nhắc ở đây có phải là Bổn Sư của Thầy Hòa Thượng Tế Độ Pháp Sư Huyền Trang (thế kỷ thứ tư Tây lịch) ở học viện Nàlandà (Ấn Độ) hay không. Bởi theo tập du ký của Huyền Trang thì còn có vị Trưởng Lão cũng tên Dhammapàla vốn sanh trưởng ở Kancà, thủ đô của xứ Tamil.

Tác phẩm quan trọng nhất của Ngài Dhammapàla là bộ Paravàraramatthadìpanì, nội dung giải thích những điểm khúc mắc của Tiểu Bộ Kinh mà trước đó Ngài Buddhaghosa không nhắc tới. Trong bộ sách này bao gồm những vấn đề tồn nghi của các tập Cảm Hứng Ngữ, Như Thị Thuyết, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ và Hạnh Tạng.

Sau đây là một số tập sớ giải khác cũng được coi là của Ngài:

- Paramatthamanjusàmahatìkà chú thích bộ Thanh Tịnh Đạo
- Nettipakaran.assa atthasamvannanà, Linatthavan.n.ana (chú giải trên)
- Sìnatthapakàsinì chú thích các tập Chánh Sớ của bốn Nikàya đầu.
- Chú giải Bổn Sanh Kinh
- Chú giải của tập Chánh Sớ Madhuratthavilàsinì (Sớ Phật Tông)

Cùng một tập Hậu Sớ về Tạng Thắng Pháp. Đáng tiếc là bốn tác phẩm sau này bị thất bản. Bộ Paramatthadìpanì bao gồm một số giai thoại và chú thích về bộ Bổn Sự. Trong số đó, những điểm hay, dở đan xen nhau như một tác phẩm văn học dân gian. Ở đó ta có thể bắt gặp những câu chuyện đầy kịch tính và rất đỗi đời thường như giai thoại về nàng Bhaddà tóc quăn chẳng hạn.

Nàng là con gái của vị quan thủ khố và đã đem lòng yêu mến một tên tướng cướp mang án tử hình. Vì quá thương con gái, vị quan thủ khố đã tìm cách chuộc mạng tên tử tù này và rồi gả con cho hắn. Bị mờ mắt trước các món châu báu trang sức của vợ, tên cướp đã tìm cách giết nàng để cướp của. Nhưng không may cho hắn, nàng Bhaddà đã kịp thời nhận ra mọi việc và kẻ bị chết không phải là nàng mà chính là hắn. Sau đó, Bhaddà không về nhà nữa mà lại âm thầm bỏ đi xuất gia theo giáo phái Ni Kiền Tử (gọi theo bây giờ là đạo Jain hay Kỳ Na Giáo). Nhưng giáo lý của các Ni Kiền Tử đã chẳng thể nào làm thỏa lòng một người như Bhaddà. Nàng bỏ hết thầy, bạn để lên đường cầu pháp với các danh sư khác. Cuối cùng thì nàng cũng tới được Sàvatthi và chính tại đây nàng đã được Trưởng Lão Xá-lợi-phất tiếp độ để trở thành một Tỳ Kheo Ni và sau đó được xếp vào hàng ngũ các bậc cao đồ của Đức Phật.

Các tác phẩm của Ngài Dhammapàla luôn có một nội dung phản ảnh sâu sắc các khía cạnh xã hội, tôn giáo và triết học của Ấn Độ thời đó.

Ngoài ba nhà chú giải vừa kể, chúng ta hôm nay còn được biết đến một số vị viết Sớ thời danh khác:

- Trưởng lão Culla-Dhammapàla (học trò của Ngài Ànanda) mà các tác phẩm sẽ được nhắc tới ở chương X.

- Ngài Upasena, tác giả của bộ Saddhammappajotika (chú thích hai tập Xiển Minh thuộc Tiểu Bộ Kinh).

- Ngài Kassapa, tác giả của bộ Mohavicchedanì (còn gọi là Vimaticchedanì)

- Ngài Mahànàma, tác giả của cuốn Saddhammappakàsinì (chú giải bộ Vô Ngại Giải Đạo, Tam Tạng cuốn 31)

- Ngài Vajirabuddhi, tác giả cuốn Vajirabuddhi (chú thích bộ Chánh Sớ Luật Tạng – Samantapàsàdikà)

- Ngài Khema, tác giả cuốn Khemappakaran.a

- Ngài Anuruddha, tác giả tập Abhidhammatthakathà

IX. CÁC SỬ LIỆU PÀLI

- Dìpavamsa: Về thể loại này, bộ Dìpavamsa được xem là bộ sử liệu xưa nhất bằng chữ Pàli. Sách ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ thứ tư và thứ năm Tây lịch, và được viết trong thể văn kệ với vài chỗ bằng thể văn xuôi. Về nội dung của sách, ta có thể tóm tắt như sau:

Lúc còn tại thế, Đức Phật đã ba lần ngự sang đảo Tích Lan. Tương truyền rằng trong chuyến đi đầu tiên, Ngài đã biết trước công cuộc hoằng dương của Trưởng lão Mihinda (con vua A Dục) tại đảo sau này nên Ngài đã dùng thần thông dời chổ ở của các Dạ Xoa hung bạo có khả năng phương hại đến đại sự đó. Sau khi nhắc lại sự kiện Đức Phật viếng thăm Tích Lan, bộ Dìpavamsa có nhắc sơ qua phả hệ của Đức Phật, rồi tiếp theo đó là việc ra đời của các bộ phái Phật Giáo sau kỳ kiết tập thứ nhất và thứ hai. Kế đến sách kể lại những giai thoại về Phật lực, về chuyến đi của Ngài Mihinda sang Tích Lan và cả kỳ kiết tập thứ ba dưới triều vua A Dục. Bộ Dìpavamsa còn nhắc đến cuộc xâm lược của hoàng tử Vijaya (con vua Sihabàhu xứ Bengal) vào đảo Tích Lan.

Sau thời Vijaya, còn rất nhiều triều đại khác nhưng bộ Dìpavamsa đã đặc biệt kể lại một các tỉ mỉ Vương triều Devanampiyatissa. Vị vua này được xem là cùng thời với vua A Dục và dưới triều đại của ông, Phật Giáo đã có được vị trí vững chắc tại Tích Lan. Sau khi ông băng hà, Phật Giáo Tích Lan lại rơi vào những tháng ngày đen tối nhất. Mọi sự bắt đầu từ cuộc đột nhập của giống mọi Tamil (Damila) từ miền Nam Ấn Độ tràn sang. Nhưng rồi vua Tích Lan Dutthagàmanì đã đánh đuổi họ ra khỏi lãnh thổ để tái lập hòa bình cho đất nước. Ông đưọơc xem là vị vua vĩ đại nhất của Tích Lan. Phật giáo trong thời đại của ông đã được hùng trưng mạnh mẽ. Người kế thừa của Ông là vua Vattagàmanì, một ông vua Phật tử nổi tiếng bởi dưới thời ông, toàn bộ Tam TẠng và Sớ giải đã được sao chép đầy đủ tại Tích Lan. Vị vua cuối cùng mà bộ Dìpavamsa nhắc đến là vua Mahàsena, thời gian trị vì kéo dài từ năm 325 đến 352 sau Tây lịch.

Bản thân bộ Dìpavamsa có lắm điều rắc rối cần lưu ý cả về mặt từ vựng lẫn ngữ âm. Đã vậy, bố cục nội dung đôi chỗ có vẻ lỏng lẻo và các vấn đề được giải quyết không cân đối, đôi khi chi li một cách không cần thiết để rồi lại có chổ sơ sài đến mức khó chấp nhận. Đại khái, nội dung và kết cấu của bộ Dìpavamsa là những mô phỏng thiếu hoàn chỉnh và các dữ kiện dường như được vay mượn từ các sử liệu góp nhặt từ tập sớ theo truyền thống Tích Lan.

Bên cạnh Dìpavamsa, Phật Giáo Tích Lan còn có một bộ Sử nữa là bộ Mahàvamsa của tác giả Mahànàma, một người có lẽ ra đời dưới triều vua Dhàtusena, nhằm vào thế kỷ thứ sáu sau Tây Lịch.

Nhìn chung, cả hai bộ Dìpavamsa và Mahàvamsa đều vận dụng một nguồn sử liệu nhưng dường như bộ Mahàvamsa có vẻ mạch lạc, chặt chẽ và đầy đủ hơn bộ Dìpavamsa. Theo một số học giả Ấn Dộ thì Mahàvamsa như là phần bổ túc và chú giải cho Dìpavamsa. Trên nội dung tổng lược thì cả hai bộ tương đối giống nhau mặc dù vẫn có những điểm dị biệt nhất định. Chẳng hạn như Bộ Mahàvamsa đã kể lại khá rõ từng chi tiết về sự kiện Ngài Mahinda sang truyền đạo ở Tích Lan xong rồi mới nhắc đến những sự kiện xảy ra dưới triều vua Mahàsena.

Nói sao thì nói, chúng ta vẫn không thể phủ nhận giá trị thông tin lịch sử từ các giai thoại truyền kỳ, thậm chí siêu thực, trong cả hai bộ sử nói trên nếu ta có được cái nhìn từ góc độ nghiên cứu của một người làm công tác khoa học hôm nay. Cả hai sử liệu đó đã soi rọi cho chúng ta những góc tối của lịch sử cổ đại, không những của Tích Lan mà còn của Ấn Độ nữa. Chúng ta còn có thể rút ra được không ít những thông tin giá trị khác về lịch sử Phật Giáo nói chung. Đó là chưa kể đến những chất liệu địa ký hết sức quý giá của cả Tích Lan lẫn Ấn Độ được tìm thấy trong hai bộ biên niên sử. Đã thế, Dìpavamsa và Mahàvamsa còn tự có giá trị của những tập thư tịch Pàli. Từ đó, cả hai đương nhiên có được vị trí quan trọng trong dòng văn học Nam Phạn.

Tiếp theo hai sử liệu trên, các tác phẩm sử ký Pàli vẫn hãy còn khá nhiều mà sau đây sẽ lần lượt được kể ra:

- Culavamsa: Một tập sử ký có nội dung bổ túc cho bộ Mahàvamsa. Đây là một công trình đựơc thực hiện bởi nhiều người qua nhiều thời đoạn không liên tục. Các tài liệu truyền thống của Tích Lan đều cho chúng ta biết rằng người khởi soạn Culavamsa là Trưởng lão Dhammakitti. Tương truyền Ngài đã từ Miến Điện đi sang Tích Lan vào thời vua Parakkamabàhu đệ nhị (thế kỷ XIII Tây lịch). Ở bộ Mahàvamsa, ta thấy một loạt lịch đại của các triều vua, từ Vijaya đến Mahàsena, còn ở Culavamsa thì mốc lịch sử được bắt đầu từ vua Sirimeghavan.n.a (con vua Mahàsena) cho đến thời Sirivikkamaràsìha.

- Buddhaghosuppatti: nội dung chủ yếu là tự truyện của Ngài Buddhaghosa. Nói là tự truyện nhưng kỳ thực đây chỉ là một tác phẩm văn học nhiều hơn là một tài liệu sử học để ta có thể tin cậy hoàn toàn. Tác giả của tập sách này là Ngài Mahàmangala và nếu đây là một tên gọi khác của Ngài Mangala, một văn phạm gia Pàli, thì Ngài phải là người của thế kỷ XIV Tây lịch. Điều đáng ghi nhận là có một số sự kiện được kể lại trong bộ Milindapanha và Mahàvamsa xem ra rất tương đồng, trong khi tập Buddhaghosuppatti cũng kể những sự kiện đó theo cùng một khuôn mẫu. Từ đó ta có thể suy ra là bộ Buddhaghosuppatti đã mô phỏng theo hai tác phẩm kia.

- Saddhammasangaha: của Ngài Dhammakitti có nội dung kể lại lịch sử Phật giáo bằng cách nhắc lại các kỳ kiết tập Tam Tạng cùng các dữ kiện lịch sử khác từ buổi đầu cho đến thế kỷ thứ XIV. Sách được viết trong cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ và được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ XIV.

- Sandesakattha: chủ yếu được viết bằng văn xuôi. Nội dung là những bàn soạn khá chi tiết về các tập chú giải Thắng Pháp như Abhidhammatthasangaha của Ngài Anuruddha, Abhidhammatthavibhàvanì của Ngài Sumangalasàmì,... Đặc biệt tập này đã nhắc tới các vương quốc như Suvan.n.abhùmi, Kamboja, Cìna,... Đồng thời từ tác phẩm này ta cũng biết thêm đôi điều về mối quan hệ giữa Tích Lan và Miến Điện lúc bấy giờ.

- Mahàboddhivamsa của tác giả Upatissa, được viết bằng văn xuôi, về niên đại ra đời thì rất mơ hồ. có người thì nói là thế kỷ thứ IV, có ý kiến cho là khoảng thế kỷ thứ X, thậm chí thế kỷ thứ XI. Tập sách nói về tiểu sử của cây bồ đề ở Anurathapura (Tích Lan), cây bồ đề của Ngài Ànanda, kể về sự kiện Đức Phật viên tịch, ba kỳ kiết tập đầu tiên và cả chuyến đi của Ngài Mahinda sang Tích Lan. Tác giả hầu như đã vay mượn tài liệu từ bộ Mahàvamsa.

- Tập Thùpavamsa: của tác giả Vàcissara, được viết bằng văn xuôi, ra đời vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ thứ XIII. Sách gồm ba chương. Chương đầu kể lại các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Chương hai kể lại cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh đến khi Niết-bàn, rồi chuyện phân chia Xá lợi của Bà-la-môn Dona, việc vua A-xà-thế lập tháp phụng thờ,... Chương ba nói về lịch sử Xá lợi Phật. Trong bộ Thùpavamsa còn bao gồm một số sự kiện vay mượn từ các tài liệu như Vidànakatha, Samantapàsadika, Mahàvamsa cùng các tập chú giải khác. Thùpavamsa còn nhắc đến tên tuổi những vị Trưởng lão được Ngài Mục Liên Đế Tu (Moggalliputtatissa) cử đi hoằng pháp ở một số địa bàn tại Ấn Độ. Đồng thời sách còn để lại cho ta một số thông tin rất giá trị về địa dư của các địa phương đương thời như Tàmalitti (Tàmralipti), Gandhàra, Kasmir (Kashmir), Suvan.n.abhùma, Pàvà,...

- Tập Hatthavanagallavihàravamsa: gồm có 11 chương. Tám chương đầu kể chuyện về vua Sirisanghabodhi. Ba chương cuối nói về những hoạt động tôn giáo cũng như cúng dường Tam Bảo bằng cách hộ độ chư tăng và xây dựng đền miếu mà ông đã một lòng thực hiện trong suốt những ngày tháng sau cùng của đời mình.

- Tập Dàthavamsa của Ngài Dhammàkitti, là một thi phẩm được chia thành 5 trường đoạn, được thực hiện vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Tác giả cho ta biết rằng D.àthavamsa nguyên thủy được viết bằng chữ Tích Lan, sau đó được Ngài Dhammàkitti bổ túc rồi dịch sang tiếng Pàli. Theo học giả Keru thì nguyên tác D.àthavamsa được thực hiện vào đầu thế kỷ thứ IV với nhan đề là Dal.adàvamsa. Nội dung chủ yếu của tập thơ này là kể về hành trình của Chiếc Răng Nhọn của Đức Phật. Trong đó, ta bắt gặp lại cách kể chuyện của bộ Mahàvamsa. Ngoài giá trị lịch sử kể về một bảo vật trấn quốc của Tích Lan, bản thân D.àthavamsa còn là một thi phẩm tuyệt vời. Xét về thi pháp, chỉ riêng mặt ngữ điệu đã tạo cho D.àthavamsa một nét duyên dáng riêng biệt, độc đáo.

- Chakesadhàtuvamsa: một tác phẩm của Miến Điện, được viết bằng cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ, kể về công trình xây dựng ngôi đại tháp tôn thờ một nhúm tóc của Đức Phật do vua Miến Điện Anuruddha thực hiện với sự giúp sức của các Thiên Nhân và Phi nhân như vua Trời Đế Thích, Thần Mưa Pajjuna, Tiên nữ Manimekhalà, Long Vương Varun.a và một số khách thương hồ.

- Tập Gandhavamsa: được biên soạn tại Miến Điện, gần như là một tập biền văn, có nội dung như một tập thư tịch, kể rõ các tác phẩm và tác giả Pàli, cách san định Tam Tạng và đằng sau đó là danh tánh các vị A-xà-lê tiền bối trong ba thời kỳ kiết tập đầu tiên. Các vị còn được gọi là những Chú Giải Sư, tác giả các tập sớ Phật ngôn, như Ngài Mahàkaccàyana (một nhà văn phạm Pàli lừng danh) cùng các luận sư (Gandhakàcariya), cũng như các tác phẩm của họ và các tác phẩm khuyết danh. Trong Gandhavamsa, các tác giả viết kinh được chia làm hai nhóm: những vị ở Tích Lan và những vị ở Ấn Độ. Sách còn kể rõ từng hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Từ đó, phải nói rằng Gandhavamsa là một tác phẩm rất có giá trị trong lịch sử văn học Pàli.

- Tập Sàsanavamsa: gồm mười chương, được biên soạn vào năm 1861. Nội dung là lịch sử Phật Giáo Ấn Độ từ khởi thủy đến sau kỳ kiết tập thứ ba. Sau đó là lịch sử Phật Giáo ở Tích Lan cùng các xứ Phật giáo Nam phương khác, đặc biệt là Miến Điện (mà gọi theo địa danh trong nguyên tác là xứ Aparantarattha). Để thực hiện tác phẩm, tác giả đã vận dụng triệt để các nguồn sử liệu trích lục từ bộ Samantapasadikà (Chánh Sớ Luật Tạng), Dìpavamsa, Mahàvamsa cùng các sử liệu khác của Miến Điện.

X. SÁCH GIẢN LỤC

Cứ như là quy luật, khi một dòng văn học nào đó đã trở nên đồ sộ về lượng lẫn về phẩm thì tự nhiên thiên hạ lại có một nhu cầu về nội dung tóm lược của nó. Đó là do không ít người thiếu đi cái kiên nhẫn đọc thẳng nguyên tác hoặc ít ra cũng là vì không có đủ thời gian. Nói một cách nghiêm túc thì trường hợp của dòng văn học Pàli không nằm trong cái khuynh hướng chung đó, nhưng dù sao nó vẫn cứ là một dòng văn học có tầm vóc nên từ lâu, việc thu ngắn các tác phẩm Pàli nổi tiếng đã trở thành một nhu cầu.Kết quả là một số tác phẩm Kinh Văn Pàli có nội dung giản lược các công trình lớn đã được ra đời, hoặc trong thể văn xuôi, hoặc trong thể văn vần. Sau đây là một số tác phẩm kiểu đó.

- Tập Saccasam.khepa: được xem là của Ngài Dhammapàla. Theo tập Saddhammasangaha thì tác giả của Saccasam.khepa là Ngài Ànanda.

Nội dung của tập sách này được chia thành năm phần và xoay quanh những vấn đề giáo lý được xem là thuộc "lãnh vực chân đế". Chương một trình bày về vấn đề sắc pháp hay sắc uẩn. Chương hai bàn về ba thọ của thọ uẩn. Thọ ở đây được phân tích kỹ lưỡng như một đề tài thiền quán, cứ một lần vô thường của cảm thọ là một lần chúng sanh đau khổ. Ở chương ba, nội dung đề cập về vấn đề tâm pháp, nói cụ thể hơn thì là phép tu tâm. Ở đây, tác giả nhấn mạnh với chúng ta rằng lý tưởng của sự tu là tập trung ở công giải trừ tham ái, thứ tập khí sanh tử. Hoàn tất công phu này chính là giai đoạn giải thoát. Chương bốn có một nhan đề khá dài là Pakin.n.akasangahavibhàga, chủ yếu đề cập đến những phiền não và hậu quả của chúng. Chủ đề của chương cuối cùng là nói về cứu cánh giải thoát thông qua việc chấm dứt toàn bộ tham ái và sự đình chỉ tất cả đau khổ sanh tử.

- Cuốn Abhidhammatthasangaha: vẫn được gán cho Ngài Anuruddha, một người mà niên đại ra đời chưa được xác định, có thể là giữa thế kỷ thứ tám hoặc là vào thế kỷ thứ mười. Nội dung của sách rất phong phú, đề cập đủ tiêu đề, gần giống như bộ Visuddhimagga. Bố cục của sách khá chặt chẽ, phần này làm hoàn chỉnh phần kia. Có thể nói về số lượng chương mục thì Abhidhammatthasangaha còn nhiều hơn cả Visuddhimagga. Nội dung của sách bao gồm các tiêu đề quan trọng như sau:

Nói một cách khái quát thì trước hết sách phân tích những thành tố cấu tạo nên cái gọi là đời sống tâm lý của một chúng sanh. Đó là Thọ uẩn (tất cả mọi cảm giác của tâm sinh lý); Tưởng uẩn (tất cả mọi kinh nghiệm của ý thức); Hành uẩn (thuộc tính đầu tư và tự quyết định tính chất của ý thức); Thức uẩn (cái biết đơn thuần và được tồn tại song hành với ba thành tố trên). Đối tượng nhận biết của ý thức được gọi là cảnh sở tri, gồm hai trường hợp:

1. Đối tượng vật chất còn gọi là Cảnh Ngũ, chỉ cho tất cả những gì được ghi nhận bằng năm giác quan sinh lý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Đó là sắc, thinh, hương, vị và xúc.

2. Đối tượng tinh thần, còn gọi là Cảnh Pháp, đối tượng sở tri chỉ có thể được nhận biết qua ý thức. Phân tích theo giáo lý chuyên môn (tức A-tỳ-đàm) thì đó là Tâm, Sở hữu tâm, các sắc pháp vi tế, mười ba pháp chế định và Niết-bàn. Nội dung của Abhidhammatthasangaha chỉ bao gồm những vấn đề giáo lý nghiêm túc, khô khan, nhưng tác giả đã hóa giải cái không khí khắc bạc nhiêu khê đó bằng một bố cục và ngữ khí hết sức thơ mộng. Ở đó, tác giả miêu tả dòng sinh hóa vô thường của Danh Sắc bằng một trình tự hợp lý và nhẹ nhàng khiến ta có thể dễ dàng nghĩ tới một dòng sông đang trôi và biến dịch với những kiếp đời sanh tử đang bồng bềnh trên đó. Tác giả đã khẽ khàng nhắc nhở cho người đọc cái bi kịch giả hợp của cuộc đời và phận người. Một cách kín đáo, tác giả đã lặng lẽ giải quyết những điểm nóng của Triết Học bằng con đường lý giải của Phật học thông qua các khái niệm Mộng và Thực. Có thể nói, dù chỉ có một ý viết một tập sách giáo án Phật Học, nhưng tác giả, cùng một lúc, đã có nhiều đóng góp cho người đọc về nhiều lãnh vực, kể cả một nhân sinh quan.

Về đề tài pháp môn tu chứng, tác giả cũng đã bàn soạn một cách kỹ lưỡng và Ngài cũng đã vận dụng giáo lý tỉnh thức để trình bày về pháp môn Thiền quán – con đường duy nhất dẫn đến Niết-bàn.

Abhidhammatthasangaha còn giải quyết các vấn đề giáo lý căn bản khác như giáo lý Duyên Khởi, Duyên Hệ, vấn đề Tái Sanh và Nghiệp Báo, luôn cả những việc đưa ra những giải thích chuẩn mực về cứu cánh Niết-bàn.

Theo một tư liệu của Miến Điện thì ít nhất có hơn tám tập sách giải thích hoặc mô phỏng nội dung Abhidhammatthasangaha nên tác phẩm này từ đó được lưu hành rộng rãi như là một cẩm nang gối đầu cho các giới học Phật.

- Tập Nàmarùpapariccheda: nội dung là một bản tóm lược của tạng Vi Diệu Pháp, và đúng như nhan đề, tập này chủ yếu giải thích về Danh Sắc đúng theo tiêu chí cốt lõi của Tạng Vi Diệu Pháp.

- Tập Nàmarùpasamàsa của Ngài Khema: gồm hai phần Citakathà và Cetasikakathà, tập trung giải thích về vấn đề Tâm Pháp (Tâm và Sở hữu tâm). Sách được viết chủ yếu bằng văn vần.

- Tập Suttasangaha: là một sưu tập về một số bài kinh và những trích đoạn từ các bộ Kinh lớn như Thiên Cung Sự. Suttasangaha còn là một cuốn thư tịch rất có giá trị, liệt kê cụ thể các tác phẩm Kinh điển Phật học.

- Tập Mahàparita, gọi tắt là Paritta, cũng là một loại sách sưu tập. Nội dung bao gồm một số bài kinh mà nay ta vẫn thường gọi là Kinh An Lành hay Kinh Cầu An. Chư Tăng Tích Lan và Miến Điện vẫn đặc biệt sử dụng rộng rãi cuốn Kinh này. Từng bài trong đó thường được tụng vào các dịp mừng tân gia, cầu an cho người bệnh hoặc ngay cả trong các buổi tang lễ. Bộ Milindapanha có chép rằng, chính Đức Phật cũng đã từng dạy các đệ tử tụng đọc một số bài kinh An Lành như vậy trong những trường hợp cần thiết.

- Hai tập Khuddakasikkhà và Mulasikkhà: Nội dung là điểm lại những vấn đề của Luật Tạng. Hai cuốn này phần lớn đều được viết theo thể văn kệ. Cuốn Khuddakasikkhà được coi là của một Trưởng Lão người Tích Lan tên Dhammasiri. Nhưng theo sử liệu Miến Điện thì cuốn này là tác phẩm của Ngài Mahàsàmì, còn cuốn Mùlasikkhà mới là của Ngài Dhammasiri. Theo tài liệu của Miến Điện thì hai tác phẩm trên đây có thể đã được biên soạn vào năm 920 Phật lịch. Nhưng qua văn phong và phép tu từ của hai tác phẩm, các nhà học giả đã quả quyết rằng chúng được thực hiện vào một thời điểm nào đó muộn màng hơn niên đại kia rất nhiều.

XI. CÁC TÁC PHẨM THI CA PÀLI HẬU THỜI

Nói một cách chính xác thì thể loại văn học này của Phật giáo được chính thức hình thành tại Tích Lan một cách rầm rộ vào các thế kỷ thứ X, XI, XIV. Đại bộ phận các tác phẩm thi ca Pàli được ra đời như một cố gắng làm giản dị hóa những giáo lý có vẻ nguyên tắc. Trong số đó, có một vài tác phẩm được thực hiện theo thể thơ Sataka, một thể thơ có thể được vay mượn từ thi pháp Sanskrit. Một thi phẩm Pàli, tập Rasavàhinì, còn in đậm phong cách văn học dân gian ngay trong chính văn thể bác học của mình.

Điều đáng lưu ý là hầu hết tác phẩm thi ca Pàli đều có khuynh hướng Sanskrit hóa các từ vựng. Và có lẽ đây là trường hợp duy nhất để chứng minh sự ảnh hưởng của thi ca Sanskrit đối với thi ca Pàli.

Sau đây là một số tác phẩm thi ca Pàli nổi tiếng trong giới học Phật.

- Anàgatavamsa: gồm 142 đoạn, tác giả là Ngài Kassapa, nội dung mô phỏng theo tập Gandhavamsa. Tác phẩm ghi lại lời tiên tri của Đức Phật về sự ra đời của Đức Phật Di Lặc cùng với vua Chuyển Luân Vương Sankha trong tương lai (cả hai vị đều sanh cùng thời). Anàgatavamsa còn có những đoạn văn xuôi mang phong vận của các tập Nikàya trong Kinh Tạng. Nội dung sách được viết theo hình thức đối thoại giữa Ngài Xá-lợi-phất và Đức Phật, bàn về những bước thăng trầm của Phật Giáo mai hậu cùng những vấn đề liên quan. Cũng trong chính đoạn văn xuôi của tác phẩm, tác giả còn nhắc kỹ lưỡng về mười Đức Phật tương lai, trong đó có cả Đức Phật DiLặc.

- Tập Jinacarita gồm gần 500 bài kệ. Theo Gandhavamsa và Saddhammasangaha thì tác giả của Jinacarita là Ngài Medhankara, người của thế kỷ XIII. Nội dung của thi phẩm này hầu như chỉ xoáy mạnh vào một tiêu đề duy nhất là cuộc đời Đức Phật. Tác phẩm này được coi là chịu ảnh hưởng mạnh các tác phẩm của Mã Minh (Assaghosa) như cuốn Phật Sở Hạnh Tán (Buddhacarita) và cả thi sĩ Kalidàsa của dòng thơ ca Sanskrit. Phải nhận rằng, Jinacarita là một thi phẩm tuyệt vời, trình độ thi pháp của tác giả có thể nói đã đạt tới mức hoàn bích, và chính vì quá thơ mộng nên nội dung của Jinacarita đã có phần sơ thất về sử học. Nói cụ thể hơn là tác phẩm chẳng cung cấp gì thêm cho chúng ta một thông tin nào mới về cuộc đời của Đức Thế Tôn.

- Tập Telakatàhagàthà: một tác phẩm mà tác giả chưa rõ là ai, và đến nay, như chúng ta được biết tác phẩm còn 98 bài kệ. Căn cứ vào chủ đề và phong vận, ta có thể đoán được rằng buổi đầu tác phẩm là một thi tập được thực hiện theo thể kệ Sataka của thi pháp Sanskrit. Chúng ta hôm nay chỉ còn biết được mỗi một điều là Telakatàhagàthà đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trưởng lão Kaly àn.ìya. Tương truyền rằng Vị này đã bị ném vào vạc dầu sôi vì tội quan hệ bất chính với Hoàng hậu của vua Kalanitissa xứ Kalanìya (306-207 trước Tây lịch) ở Tích Lan. Giai thoại này được biết tới trong nhiều sử liệu như Mahàvamsa, rasavàhinì, Saddhammàlankàra,...

Tập Telakatàhagàthà gồm có chín phần: Ratanattaya, Maranàn.ussati, Aniccalakkhan.a, Dukkhalakkhan.a, Anattalakkhan.a, Asubhalakkhan.a, Duccaritàdinavà, Caturàrakkhà và Pat.iccasamuppàda. Trong tác phẩm, một số vấn đề giáo lý quan trọng cũng được nhắc đến trong hình thức liệt kê theo số mục (Pháp số). Ở đây, ta sẽ thấy vấn đề vô minh được nhắc đến một cách tỉ mẫn và lời đề nghị duy nhất được gửi đến đọc giả là việc tu tạo các công đức và thực hiện một đời sống đạo hạnh để chấm dứt vô minh, cứu cánh giải thoát nhứt thiết khổ ách. Phải nhận rằng, Telakatàhagàthà là một tác phẩm rất dễ đọc. Các khía cạnh âm vận và tu từ chính là sức hút mãnh liệt của tác phẩm.

- Tập Parivàrajjamadhu gồm 104 bài kệ và cũng là một thi phẩm thuộc văn thể Sataka. Tác giả là Ngài Buddappiya ( thế kỷ XI Tây lịch) . Phần đầu của tác phẩm nói về các hảo tướng của Đức Phật để phần sau là tán thán trí tuệ của Ngài. Pajjamadhu còn nói nhiều về Tăng chúng và cứu cánh Niết-bàn. Đọc kỹ, ta sẽ thấy tác phẩm là một công trình lớn.

- Tập Rasavahinì: tác giả là Vedeha, có lẽ sách ra đời vào đầu thế kỹ thứ XIV. Sách gần 103 câu chuyện nhỏ. 40 chuyện đầu kể về xứ Ấn, các mẫu chuyện sau nói về đảo quốc Tích Lan. Có thể nóiRasavahinì là một tài liệu xã hội học rất giá trị cho những ai mốn nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ và Tích Lan thời đó. Ngoài ra cái giá trị của Rasavahinì còn nằm ở văn phong sáng sủa và cuốn hút.

- Tập Saddhammapàyana: gồm 629 câu kệ, đề cập về các vấn đề giáo lý được xem là quan trọng nhất. Sách không nói lên được điều gì mới mẻ, nhưng cái đáng học ở đây chính là cách trình bày nội dung nghiêm cẩn, giản dị và văn nhã. Bên cạnh đó, tác phẩm còn chứng minh một cách sắc sảo vốn kiến thức uyên bác của tác giả.

- Tập Pancagatidìpana: cả tác giả và thời điểm ra đời của sách cho đến nay vẫn chưa được xác định. Thi phẩm gồm 114 bài kệ giải về Nghiệp Lý và Lục Đạo. Đưa ra quan điểm Tận Thế Luận, tác giả còn bàn về các cảnh giới tái sanh, đặc biệt giải về các cõi Địa ngục. Mặc dù chỉ quẩn quanh những đề tài nhạt nhẽo, nhưng tác phẩm được viết trong một văn cách giản dị và khá hấp dẫn.

XII. SÁCH VĂN PHẠM PÀLI

Nếu ngữ pháp là một trong sáu bộ phận học thuật của dòng kinh điển Sanskrit (Vedanga) thì văn phạm Pàli cũng là một trong chín bộ phận của dòng kinh văn Pàli. Điều cần ghi nhận là văn phạm Pàli được hình thành và hệ thống hóa trong vai trò chú thích, giảng giải kinh điển. Các sách văn phạm Pàli đều được viết trong thể văn xuôi. Chữ Veyyàkarana hoặc Vỳakarana thường được dịch là "văn phạm" hay "ngữ pháp", nhưng xét theo ngữ nghĩa rộng rãi hơn thì chữ này còn có một nghĩa khác là "lời ấn khả, xác chứng, lời tiên tri, câu trả lời". Trong khi văn phạm Sanskrit chủ yếu được vận dụng để giải thích kinh điển Phệ Đà, thì tương tự như thế, hệ thống văn phạm Pàli được ra đời với ý nghĩa giải thích Tam Tạng Kinh điển. Từ đó, các đệ tử Phật gia coi như bị khiếm khuyết kiến thức nếu không sở hữu được vốn liếng nhất định về ngôn ngữ Pàli hoặc chẳng biết gì tới các tài liệu như Dhammapada, Nettipakarana...

Niên đại ra đời của các bộ sách văn phạm Pàli nguyên thủy vẫn còn là một dấu hỏi. Trước mắt, chúng ta biết chính xác danh tánh của ba nhà ngữ học Pàli. Đó là ba vị Chú Giải Sư lừng danh Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla mà ngay trong công trình của các vị, chúng ta còn bắt gặp được những vay mượn từ bộ Astadhyàyi của Pàninì, một nhà ngữ pháp học Sanskrit, đàn anh của cả Patanjalì. Cả ba vị đều được giả thuyết là đã ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ thứ V và thứ VI sau Tây lịch. Điều đó chứng tỏ rằng mãi cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa có được bộ sách văn phạm nào được biên soạn cả.

Nếu đem phân tích thì các tác phẩm văn phạm Pàli có thể được chia thành ba trường phái: trường phái Kaccàyana, trường phái Moggallàna và trường phái Saddanìti với các tác phẩm sau đây:

1) Kaccàyana hoặc Kaccàyanaganha được gán cho Ngài Kaccàyana. Đây là một trong những tác phẩm văn phạm Pàli xưa nhất và chỉ riêng danh tánh tác giả cũng đã là một vấn đề bàn cãi lâu nay. Theo sử liệu truyền thống thì tác giả Kaccàyana này chính là Tôn giả Mahàkaccàyana, một vị Đại Thanh Văn được Đức Phật tuyên dương là Đệ Nhất Luận Nghĩa. Nhưng điều đó xem ra không quan trọng lắm. Vấn đề là ở chổ bản thân tác phẩm, chẳng hạn như các tác giả có phải thật sự đã vận dụng tới các tài liệu Sanskrit để thực hiện những bộ văn phạm Pàli hay không. Ít ra thì cho đến hôm nay, chúng ta đã có thể xác định được một điều rằng tác giả Kaccàyana trên đây chắc chắn không phải là Kàtyàyana (thế kỷ thứ ba trước Tây lịch), tác giả của Vàrtikasutras nằm trong As.t.àdhyàyì, như có một số giả thuyết đã được đưa ra. Điều được ghi nhận là phần lớn bộ sách văn phạm Pàli của Ngài Kaccàyana được căn cứ theo cuốn Kàtantràvyàkaran.a, đồng thời còn cả tập Kàsikà (thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch), một cuốn chú giải của bộ As.t.àdhyàyì.

Trong cuốn văn phạm của mình, tác giả đã bỏ sót không nhắc tới mối quan hệ lịch sử giữa tiếng Sanskrit với Pàli. Điều đó, cứ làm ta có cảm giác như từ vựng Pàli là một dòng tự vị độc lập. Và chính điểm sơ thất này của bộ sách đã trở thành một rào cản giới hạn cho quan điểm nghiên cứu của các học giả hiện đại.

Còn hai bộ sách văn phạm nữa cũng được cho là công trình của Ngài Kaccàyana. Đó là hai tập Mahàniruttu-gandha và Cullanirutti-gandha.

Trong số các chú giải về bộ Kaccàyanavy àkarana thì bộ Nỳasa (tức Mukhamatta-dìpanì) của tác giả Vimalabuddhi có lẽ là nổi tiếng nhất.

- Bộ văn phạm Rùpasiddhi (gọi đủ là Padarùpasiddhipakarana), do Ngài Buddhappiyadìpakarana. Có lẽ đây cũng chính là tác giả Buddhappiya của thi phẩm Pajjamadhu người của hậu bán thế kỷ XIII. Bộ Rùpasiddhi gồm có bảy chương, nội dung được bố cục giống như bộ Kaccàyana-vỳakarana. Điểm khác nhau giữa hai tác phẩm là ở bộ Rùpasiddhi có thêm hai phần Kitaka và Udàni vào chương cuối cùng.

- Bộ văn phạm Bàlàvatàra, nội dung y cứ theo bộ Kaccàyana-vyàkarana. Về kích cỡ thì ngắn hơn và những vấn đề văn phạm được đề cập trong đó cũng không có chi mới mẻ. Theo sử liệu truyền thống thì Bàlàvatàra là tác phẩm của Ngài Dhammakitti (tác giả tập sách Dhammasangaha), người ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIV.

- Bộ Ganthavamsa: được cho là của Ngài Vàcissara. Nếu đúng như vậy thì thời điểm ra đời của bộ này phải là thế kỷ thứ XIII.

- Bộ Dhàtumanjusà, cũng thuộc trường phái văn phạm Kaccàyana, là một tập tự vị đặc chuyên về ngữ căn Pàli.

Trường phái văn phạm Kaccàyana còn có một số tác phẩm đáng kể khác:

- Sampandhacintà của tác giả Sangharakkhita, nội dung bàn về các mẫu câu Pàli.

- Cuốn Saddhatthabheda-cintà của Ngài Saddhammasiri.

- Cuốn Sadda-binhu được giả thiết là của Kyacvà, một ông vua Miến Điện vào khoảng thế kỷ XV.

- Cuốn Bàlappabodhana.

- Cuốn Abhivana-cullanirutti của Ngài Sirisaddhamàlankàra. Nội dung bao gồm những vấn đề văn phạm mà Ngài Kaccàyana chưa nhắc tới.

2) Tác phẩm văn phạm của tác giả Moggallàna gồm hai bộ chủ yếu là Moggallàna-vyàkaran.a và Moggallànapancika. Bộ Moggallàna-vyàkaran.a còn được chính tác giả gọi bằng một nhan đề khác là Saddalakkhan.a. So với các sách văn phạm thuộc trường phái Kaccàyana, kể cả của chính Kaccàyana, thì bộ Moggallàna-vyàkaran.a xem ra đạt tiêu chuẩn hơn. Tác phẩm đã nói lên được tầm hiểu biết sâu rộng của tác giả về ngôn ngữ Pàli. Đã vậy, nội dung cũng bao quát hơn nhiều. Tác giả Moggallàna có một lối trình bày văn phạm hết sức đặc biệt qua các kỹ thuật được vận dụng trong tác phẩm. Bên cạnh tài liệu nghiên cứu căn bản là bộ Càndra-vyàkarana, tác giả còn sử dụng thêm các nguồn tư liệu khác là Astàdhy àsi và Kàtantra. Điều đáng tiếc là bộ Moggallànapancikà, chú giải của bộ Moggallàna-vyàkaran.a nay đã bị thất lạc.

Ngài Moggallàna cho biết rằng bộ sách văn phạm trên đây của Ngài (Moggallàna-vyàkarana)được biên soạn dưới triều vua Paràkramabàhu đệ nhất, còn gọi là vua Paràkramabhuja nhắm vào thế kỷ XII Tây lịch.

Có rất nhiều sách chú giải hoặc giản lục về sách văn phạm của Ngài Moggallàna mà sau đây là một số cuốn tiêu biểu:

- Cuốn Padasàdhana của tác giả Piyadassi thuộc sách giản lục (thu gọn nội dung tài liệu gốc).

- Cuốn Payogasiddhi của tác giả Vanaratana Medhankara. Nội dung mô phỏng theo bộ Moggallàna-vyàkarana

- Cuốn Moggallànapancikàpadìpa: chú giải bộ Moggallànapancika đã thất bản của Ngài Moggallàna.

- Dhàtupàtha: một bộ tự vị về ngữ căn Pàli của trường phái Moggallàna.

3) Bộ Saddanìti, một bộ sách văn phạm lừng danh. Tác giả là Ngài Aggavamsa (hoặc Aggapandita), người được xem là đại diện cho trường phái văn phạm Saddanìti. Trong công trình biên soạn, tác giả cũng đã vận dụng đến các tài liệu văn phạm Sanskrit như bộ Astàdhyàsì. Saddanìti gồm 27 chương. 18 chương đầu được gọi chung là Mahàsaddanìti và 9 chương sau là Cullasaddanìti. Trọn bộ Saddanìti gồm ba phần lớn: Padamàlà, Dhàtumàlà và Suttamàlà.

Trường phái văn phạm Saddanìti còn có thêm hai bộ sách nữa: Cùlasaddanìti (tóm tắt nội dung bộ Saddanìti) và Dhàtvàttha-dìpanì (bộ tự vị ngữ căn Pàli có quan điểm dựa trên Saddanìti)

Toàn bộ sách văn phạm Pàli thực ra có rất nhiều nhưng ở đây dĩ nhiên không thể nêu hết các tác phẩm còn lại.

XIII. CÁC TÁC PHẨM VỀ NGỮ ÂM HỌC, TU TỪ HỌC VÀ TỪ VỰNG PÀLI

Các tác phẩm Pàli về những lãnh vực này chỉ có một số lượng rất nhỏ. Một vài cuốn mà chúng ta hiện có cũng chỉ được viết dựa theo các phẩm Sanskrit cùng loại, không có gì là độc đáo cả.

Cuốn Vuttodaya của Ngài Sangharakkhita có thể được kể là một tác phẩm tiêu biểu về Ngữ Âm Học Pàli.

Bên cạnh đó, chúng ta hôm nay cũng còn có thể tìm thấy một số quyển khác: Kàmandakì, Chandovicita, Kavisàrapakaran.am., Kavisàratìkànissaya. Về tu từ học Pàli thì chỉ có một cuốn được xem là giá trị. Đó là tập Subodhàlankàra cũng của Ngài Sangharakkhita (tác giả cuốn Vuttodaya).

Cũng như các tác phẩm về văn phạm, ngữ âm học và tu từ học của Pàli, sách về từ vựng Pàli cũng là loại hình tác phẩm mô phỏng theo các tác phẩm Sanskrit cùng loại. Trong khi phần Nighan.d.u trong tác phẩm Nirutta (tác giả Yàska) là tác phẩm từ vựng học xưa nhất của Sanskrit thì phần Vevacanahàra trong bộ Netti, nội dung gồm những từ đồng âm được xem là tài liệu từ vựng học cổ nhất của ngôn ngữ Pàli. Hai bộ Abhidhànappadìpika và Ekakkharakosa là những tập từ vựng Pàli nổi tiếng nhất. Bộ Abhidhànappadìpika là tác phẩm của Ngài Moggallàna. Đây là một nhân vật cùng tên với nhà văn phạm Pàli Moggallàna đã nói ở trước. Tác phẩm có lẽ được thực hiện vào cuối thế kỷ XII. Nội dung gồm ba phần. Phần một gồm các từ đồng nghĩa, phần hai gồm các từ đồng âm và phần ba gồm các bất biến từ của Pàli. Tác phẩm dựa theo kết cấu của bộ Nàmalingànusàsana (Amarakosa) của tác giả Amarasinha. Sự tương đồng giữa hai tác phẩm rõ nét đến mức gần như là một sao chép.

Về bộ Ekakkharakosa, tác phẩm của một Trưởng lão Miến Điện tên Saddhammakitti là một bộ tự điển Pàli hoàn chỉnh. Sách được biên soạn trong thể văn kệ, gồm các đơn tự. Sách cũng được biên soạn dựa theo các tác phẩm Sanskrit. Về niên đại ra đời của tác phẩm Ekakkharokosa được xác định là 1465.

- HẾT-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03

Source: Theravad, http://theravad.home.att.net/index.htm


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-06-2003

Van hoc Pali

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Giới Thiệu Văn Học Kinh Điển Pàli

Nguyên tác Anh ngữ: "An Introduction to Pàli Literature",
Dr. S. C. Banerji
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt


 -[03]-

VII. TẠP TẠNG (CÁC TẬP SỚ CỔ)

Nói chung các tập sớ cổ được biên soạn vào thời kỳ chư vị A-xà-lê hoàn chỉnh hóa dòng Kinh điển Tam Tạng thành văn. Điển hình là các Ngài Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla. Giai đoạn ra đời của các tập cổ sớ từ đó có thể xác định là vào khoảng những năm đầu Tây lịch cho đến cuối thế kỷ thứ tư sau đó.

Các tác phẩm loại này (các tập cổ sớ) chiếm một số lượng rất lớn. Điều đó xuất phát từ tầm vóc quá ư đồ sộ của Chánh Tạng.

Tạp Tạng hay Tục Tạng có thể được phân loại như sau:

- Các tác phẩm mang tính Kinh viện.
- Các tập sớ giải danh tiếng.
- Các tài liệu sử học.
- Các tập trích yếu nội dung Tam Tạng.
- Các tác phẩm thi ca Pàli.
- Các sách văn phạm Pàli.
- Các sách về ngữ âm học và tu từ học Pàli.
- Từ vựng học Pàli.

*Các tác phẩm mang tính Kinh viện:

Ở đây có thể kể (theo niên đại đã nêu) ba tác phẩm được ra đời vào thời điểm này: Nettipakarana, Petakopadesa và Milindapanha.

- Nettipakarana:

Cũng còn gọi là Nettighandha hoặc Netti. Tác phẩm cũng gán cho Ngài Ca Chiên Diên (Mahàkaccàna), một vị cao đồ của Đức Phật mà theo Trung Bộ Kinh của Tam Tạng nguyên thủy thì Ngài là một vị thù thắng về khả năng giải thích rộng rãi những lời dạy ngắn gọn của Bậc Đạo Sư. Tuy nhiên theo một vài tài liệu nghiên cứu thì tác giả của bộ sách này là của một người khác, tên là Kaccàna, không phải vị thanh văn cao đồ vừa nhắc và cũng theo các tài liệu này thì bộ Nettipakaran.a được ra đời vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Có lẽ bộ sách này được biên soạn sớm hơn hai bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp nếu căn cứ theo nội dung buổi đầu của nó. Điểm tương quan giữa bộ Nettipakaran.a với Tam Tạng nguyên thủy xem ra cũng giống như các tập Sam.hità của dòng kinh văn Phệ Đà với tác phẩm Nirukta của Yàska.

- Petakosadesa (Tạng Chú)

Bộ này cũng được cho là của Ngài Mahàkaccàna. Nội dung của bộ sách là giải quyết một số vấn đề giáo lý chưa được giải quyết sáng tỏ trước đó. Sách được giải thích sâu sắc về vấn đề giáo lý cơ bản nhất, mà đại biểu là Lý Tứ Đế. Ta có thể gặp ở đây những vấn đề đã được nhắc đến trong Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh.

- Milindapanhà (Những vấn nạn của vua Milanda)

Milinda là tên của vua Hy Lạp Menandros, một nhân vật nổi tiếng của triều đại Hy Lạp tại Ấn Độ. Ông mang trong mình cùng lúc cả hai dòng máu chiến sĩ và học giả. Ông đã từng có một cuộc đối thoại gay cấn với Trưởng Lão Nàgasena của Phật giáo. Chính những câu vấn đáp của hai người đã được ghép lại thành nội dung bộ sách. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một tư liệu đích xác nào về Ngài Nàgasena.

Bộ sách có lẽ được biên soạn ở Tây Bắc Ấn Độ, vì đây chính là một địa bàn quan trọng của người Hy Lạp. Đồng thời, có thể đây cũng là lý do tại sao một ông vua Hy Lạp được nâng lên thành nhân vật chính của bộ sách.

Vua Milinda được coi là người của thế kỷ đầu tiên trước Tây lịch nên đây cũng là dấu mốc để xác định thời điểm ra đời của bộ Milindapanha. Đến nay ta vẫn chưa rõ là bộ sách được biên soạn trong lúc sinh thời hay sau khi ông đã mất. Thậm chí nội dung của bộ sách, từng câu vấn đáp giữa vua Milinda với Ngài Nàgasena vẫn cứ là một vấn đề nghiên cứu của giới học Phật và theo các nghiên cứu khoa học thì tác giả của bộ sách cũng là một nhân vật khuyết danh.

Bộ Milindapanha đang được phổ biến rộng rãi hiện nay chính là một phiên bản bằng chữ Pàli vốn được xem là một tài liệu cổ điển của Phật giáo Tích Lan. Nguyên tác nay không còn nữa và theo các nhà nghiên cứu thì có thể nó đã được viết bằng tiếng Sanskrit hoặc là Pràkrit.

Về nội dung thì bộ Milindapanha hôm nay gồm có bảy chương thay vì ở bản gốc thì bố cục không dàn trải như vậy, mà tất cả được thu gọn vào ba chương mà thôi. Đặc biệt ở chương bốn bây giờ có thêm một phần tăng bổ mà ở bản dịch Trung Văn (thế kỷ thứ IV Tây lịch)đã bị lược bỏ.

Có thể nói hình thức song thoại và những ví dụ được vận dụng một cách sắc bén đã làm cho những đề tài giáo lý trở nên sinh động hơn và đồng thời cũng giúp cho người đọc hôm nay dễ dàng bắt gặp qua đó những tình cảm rất gần gũi.

Trước các công trình chú giải của ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla, ta có thể tìm thấy các tập chú giải khác mà mà tác giả là tập thể chư vị A-xà-lê, gọi theo tập Gandhavamsa là các vị Chú Giải Sư (Atthakathà –Càriya). Chính Ngài Buddhaghosa cũng đã từng nhắc tới những tập sớ giải này:

Mahà Atthakathà, Mahàpaccariya, Kurundì, Andha Atthakathà, Samkhepa Atthakathà, Àgamatthakathà, Àcariyànam. Samànatthakathà.

Ngoài ra, còn một tập sớ cổ khác mà Ngài Buddhaghosa đã tìm thấy ở Tích Lan và bổ sung vào đó đôi điều. Đó chính là tập Sớ của Bổn Sanh Kinh. Bên cạnh đó, từ Viniccaya ở một vài chỗ trong bộ Sớ Thiện Kiến (Samantapàsàdikà) cho ta thấy rằng có lẽ nó đã được vay mượn từ tác phẩm Vinayavinicchaya của Buddhasìha.

VIII. CÁC TẬP CHÁNH SỚ

Trong các nàh chú giải Phật Ngôn, lừng danh nhất có lẽ là ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla.

* Ngài Buddhadatta được xem là cùng thời với Ngài Buddhaghosa và là một danh Tăng của đại tự Mahàvihàra. Bản quán của Ngài vốn ở Cola, vùng giang ngạn Kàverì. Ngài Buddhadatta đã trước tác các tập sách sau đây:

- Abhidhammàvatàra.
- Vinàyavinicchaya
- Uttaravinicchaya
- Rùpàrùpa-vibhàga
- Madhuratthavilàsinì

Theo bộ Vinàyavinicchaya, chúng ta được biết là Ngài Buddhadatta đã gặp Ngài Buddhaghosa khi vị này đang trên đường từ Ấn Độ sang Tích Lan để phiên dịch các tập chú giải Tam Tạng từ tiếng Tích Lan sang chữ Pàli theo đề nghị của chư Tăng Ấn Độ mà đặc biệt là Thầy Hoà Thượng Bổn Sư. Tương truyền rằng Ngài Buddhadatta trong lần tương ngộ đó đã yêu cầu Ngài Buddhaghosa hãy gửi cho mình các tập sớ bằng chữ Pàli mà bản thân ngài chưa thực hiện được. Hai tác phẩm đầu trong danh mục các phẩm vừa kể trên của Ngài Buddhadatta chủ yếu là dựa vào các công trình trước đó mà triển khai.

Tập Abhidhammàvatàra được viết trong cả hai thể văn xuôi và kệ ngôn. Nội dung đề cập đến các vấn đề được coi là căn bản nhất của giáo lý A-tỳ-đàm: Tâm pháp, Niết-bàn, Sở hữu tâm, Sáu cảnh sở tri, Vấn đề nghiệp lý , Sắc pháp, Chế định, ...

Hai tập Vinàyavinicchaya và Uttaravinicchaya chính là nội dung đại lược của Luật Tạng. Vinàyavinicchaya gồm 31 chương, Uttaravinicchaya gồm 23 chương. Tập Vinàyavinicchaya được Ngài Buddhadatta biên soạn ở một nơi giáp cận thành phố Bhùtamangala (trên bờ sông Kàverì) dưới triều vua Acyutavibrahma của bộ tộc Kalamba.

Tập Rùpàrùpa-vibhàga được viết theo thể văn xuôi, nội dung cũng tiếp tục đề cập trở lại các vấn đề của Tạng A-tỳ-đàm.

Tập Madhurattharilàsinì là cuốn chú giải cho tập Buddhavamsa (Phật Tông) của Tiểu Bộ Kinh trong Chánh Tạng.

* Ngài Buddhaghosa đã ghi lại đôi điều về thân thế của mình trong các tập sớ giải Pàli do Ngài thức hiện. Và có thể nói chương 37 của bộ Biên Niên Sử Tích Lan Mahàvamsa là phần tự truyện tương đối đầy đủ về Ngài, nhưng riêng chương 37 là phần hậu bổ của một vị trưởng lão người Tích Lan tên Dhammakitti, người của thế kỷ XIII Tây Lịch.

Từ tài liệu trên, chúng ta mới biết rằng ngài Buddhaghosa vốn sinh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha. Chuyện xưa kể là Ngài chẳng những tinh thông Tam Phệ Đà mà còn sở hữu được hầu hết các ngành học thuật đương thời. Sau khi được một trưởng lão của Phật Giáo nhiếp phục về sở học, Ngài đã bỏ đạo Bà-la-môn và quay về với Phật Giáo. Sau khi xuất gia, Ngài mới có cái tên Buddhaghosa (người có tiếng nói của Phật), một phần cũng dựa vào thế danh cũ vốn đã có chữ Ghosa. Với lòng thiết tha những mong biên soạn Sớ Giải Tam Tạng, Ngài Buddhaghosa đã tìm sang Tích Lan để nghiên cứu các tập cổ sớ Phật ngôn bằng ngôn ngữ nước này cùng các giáo lý được xem là Nguyên Thủy tại ngôi đại tự Mahàvihàra ở Thủ đô Anuràdhapura của Tích Lan. Lúc bấy giờ nhằm vào triều đại của vua Mahànàma (tiền bán thế kỷ thứ V Tây lịch). Theo thời gian, Ngài đã chuyển ngữ toàn bộ các tập Sớ giải từ tiếng Tích Lan sang Pàli. Sứ mệnh hoàn tất, Ngài trở về Ấn Độ, bản quán Magadha, để lễ bái cội Bồ đề trước khi nhắm mắt.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có thêm một vài thông tin khác nữa về Ngài Buddhaghosa từ các tài liệu Buddha – Ghosuppatti tức Mahà Buddhaghosassavidànavatthu, Gandhavamsa, Sàsànavamsa và Saddhammasam.gaha. Các vấn đề là làm thế nào để có thể hệ thống hoá một cách liền lạc các mẫu thông tin vụn vặt, rời rạc ấy. Đọc lại cuộc đời Ngài Buddhaghosa chúng ta bắt gặp được một sự kiện khá thú vị là phụ thân của Ngài, một giáo sĩ Bà-la-môn tên Kesì, một người từng dạy giáo lý Phệ đà cho Vua, đã nhờ chính Ngài cảm hóa mà trở thành một Phật tử.

Theo một vài học giả thì sau khi rời khỏi đảo Tích Lan, Ngài Buddhaghosa đã đi sang Miến Điện để hoằng pháp, đồng thời dịch cuốn văn phạm Pàli Kaccayana sang tiếng Miến Điện rồi viết luôn một cuốn Chú giải về bộ sách văn phạm này. Chuyện vẫn chưa hết, ngày nay vẫn còn một số văn bản cứ được gán cho Ngài. Thậm chí đến cuốn Manu-sm.rti hiện đang lưu hành ở Miến Điện cũng được tương truyền là do Ngài đem từ Tích Lan qua.

Chúng ta phải nhận rằng bản thân Ngài Buddhaghosa là một người cực kỳ uyên bác. Những trước tác của Ngài đã chuyên chở một lượng kiến thức đồ sộ về hầu hết các ngành học thuật quan trọng của thế học như các lãnh vực về Siêu Hình Học, Thiên Văn Học, Địa lý học, ... Qua những gì Ngài đã để lại, chúng ta có thể biết thêm nhiều điều quan trọng về cả địa dư lẫn sử ký của Ấn Độ và Tích Lan đương thời. Các công trình của Ngài có thể phân thành hai loại: Chú giải và Sáng tác.

Về Luật Tạng, Ngài có hai cuốn chú giải là Samantapàsàdikà và Kankhàvitarani. Cuốn trước thì giải thích đại lược nội dung Luật tạng, còn cuốn sau thì giải thích chuyên biệt về giới bổn của hai cuốn đầu tiên trong Luật Tạng (vốn gồm 5 bộ trong tám cuốn).

Về Kinh Tạng (năm Nikàya), chú giải của Trường Bộ Kinh là Bộ Sumangalavilàsinì. Chú giải của Trung Bộ Kinh là bộ Papancasùdanì, chú giải của Tương Ưng Bộ Kinh là bộ Sàratthapakàsinì, chú giải của Tăng Chi Bộ Kinh là bộ Manorathapùrani và chú giải của Tiểu Bộ Kinh là bộ Patamattha-Jotikà.

Về Tạng Thắng Pháp, chú giải của bộ đầu tiên (Dhammasamganì) là bộ Atthasàlinì, chú giải của bộ Thắng Pháp thứ hai (Vibhanga) là Bộ Sam.mohavinodanì và chú giải của năm bộ Thắng Pháp còn lại (Dhàtukathà, Puggalapannatti, Kathàvatthu, Yamaka và Patthàna) là bộ Pancappakaranatthakathà. Các bộ chú giải này còn được gọi chung là Paramatthakathà.

Còn một số tập sớ giải khác như của Kinh Bổn Sanh, Kinh Pháp Cú và Kinh Bổn Sự cũng được gán cho Ngài Buddhaghosa.

Tương truyền rằng trước khi đi sang Tích Lan, Ngài đã viết một cuốn sách mang tên Atthasàlinì mà có lẽ đó chính là cựu bản của cuốn sớ giải cùng tên mà sau này Ngài đã thực hiện tại Tích Lan để chú thích bộ Thắng Pháp đầu tiên. Có người nói rằng lúc còn ở Ấn Độ, Ngài cũng đã biên soạn một bộ sách có tựa đề là Nànodaya.

Nhưng nói chung, tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài Buddhaghosa chính là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà nội dung là xoay quanh ba pháp Vô Lậu Học (Giới-Định-Tuệ). Bộ Thanh Tịnh Đạo còn giải quyết một cách khái quát khía cạnh triết học của Phật Giáo dựa trên những tinh hoa được chắt lọc từ Tam Tạng cùng các tập Cổ Sớ. Theo chính Ngài cũng đã ghi nhận thì nội dung của bộ Thanh Tịnh Đạo được viết theo góc độ kiến giải của Chư Tăng nhóm Mahàvihàra, nơi Ngài tá túc trong thời gian lưu trú tại Tích Lan. Chung quanh việc ra đời của Thanh Tịnh Đạo có một vài giai thoại xem ra vẻ huyền hoặc (như chuyện chư Thiên giấu đi những trang bối diệp mà Ngài đã viết). Nhưng dù sao thì bản thân của bộ sách vẫn cứ là một tác phẩm giá trị, dễ hiểu và sinh động. Thật khó mà nói được hết những đóng góp của Ngài Buddhaghosa về những vấn đề giáo lý hết sức phức tạp và rối ren lúc bấy giờ.

* Ngài Dhammapàla vốn sinh ra ở miền duyên hải Padaratittha, miến Nam Ấn. Nếu dựa theo các tác phẩm của Ngài mà nói thì có lẽ Ngài đã từng tham cứu Phật Học tại đại tự Mahàvihàra. Về kiến giải giáo lý, giữa Ngài và Ngài Buddhaghosa luôn được xem là có một mối tương đồng nhất định. Và tính theo thời gian thì thời điểm ra đời của Ngài so với Ngài Buddhaghosa chẳng muộn hơn bao nhiêu. Cho đến nay ta vẫn chưa rõ Ngài Dhammapàla vừa nhắc ở đây có phải là Bổn Sư của Thầy Hòa Thượng Tế Độ Pháp Sư Huyền Trang (thế kỷ thứ tư Tây lịch) ở học viện Nàlandà (Ấn Độ) hay không. Bởi theo tập du ký của Huyền Trang thì còn có vị Trưởng Lão cũng tên Dhammapàla vốn sanh trưởng ở Kancà, thủ đô của xứ Tamil.

Tác phẩm quan trọng nhất của Ngài Dhammapàla là bộ Paravàraramatthadìpanì, nội dung giải thích những điểm khúc mắc của Tiểu Bộ Kinh mà trước đó Ngài Buddhaghosa không nhắc tới. Trong bộ sách này bao gồm những vấn đề tồn nghi của các tập Cảm Hứng Ngữ, Như Thị Thuyết, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ và Hạnh Tạng.

Sau đây là một số tập sớ giải khác cũng được coi là của Ngài:

- Paramatthamanjusàmahatìkà chú thích bộ Thanh Tịnh Đạo
- Nettipakaran.assa atthasamvannanà, Linatthavan.n.ana (chú giải trên)
- Sìnatthapakàsinì chú thích các tập Chánh Sớ của bốn Nikàya đầu.
- Chú giải Bổn Sanh Kinh
- Chú giải của tập Chánh Sớ Madhuratthavilàsinì (Sớ Phật Tông)

Cùng một tập Hậu Sớ về Tạng Thắng Pháp. Đáng tiếc là bốn tác phẩm sau này bị thất bản. Bộ Paramatthadìpanì bao gồm một số giai thoại và chú thích về bộ Bổn Sự. Trong số đó, những điểm hay, dở đan xen nhau như một tác phẩm văn học dân gian. Ở đó ta có thể bắt gặp những câu chuyện đầy kịch tính và rất đỗi đời thường như giai thoại về nàng Bhaddà tóc quăn chẳng hạn.

Nàng là con gái của vị quan thủ khố và đã đem lòng yêu mến một tên tướng cướp mang án tử hình. Vì quá thương con gái, vị quan thủ khố đã tìm cách chuộc mạng tên tử tù này và rồi gả con cho hắn. Bị mờ mắt trước các món châu báu trang sức của vợ, tên cướp đã tìm cách giết nàng để cướp của. Nhưng không may cho hắn, nàng Bhaddà đã kịp thời nhận ra mọi việc và kẻ bị chết không phải là nàng mà chính là hắn. Sau đó, Bhaddà không về nhà nữa mà lại âm thầm bỏ đi xuất gia theo giáo phái Ni Kiền Tử (gọi theo bây giờ là đạo Jain hay Kỳ Na Giáo). Nhưng giáo lý của các Ni Kiền Tử đã chẳng thể nào làm thỏa lòng một người như Bhaddà. Nàng bỏ hết thầy, bạn để lên đường cầu pháp với các danh sư khác. Cuối cùng thì nàng cũng tới được Sàvatthi và chính tại đây nàng đã được Trưởng Lão Xá-lợi-phất tiếp độ để trở thành một Tỳ Kheo Ni và sau đó được xếp vào hàng ngũ các bậc cao đồ của Đức Phật.

Các tác phẩm của Ngài Dhammapàla luôn có một nội dung phản ảnh sâu sắc các khía cạnh xã hội, tôn giáo và triết học của Ấn Độ thời đó.

Ngoài ba nhà chú giải vừa kể, chúng ta hôm nay còn được biết đến một số vị viết Sớ thời danh khác:

- Trưởng lão Culla-Dhammapàla (học trò của Ngài Ànanda) mà các tác phẩm sẽ được nhắc tới ở chương X.

- Ngài Upasena, tác giả của bộ Saddhammappajotika (chú thích hai tập Xiển Minh thuộc Tiểu Bộ Kinh).

- Ngài Kassapa, tác giả của bộ Mohavicchedanì (còn gọi là Vimaticchedanì)

- Ngài Mahànàma, tác giả của cuốn Saddhammappakàsinì (chú giải bộ Vô Ngại Giải Đạo, Tam Tạng cuốn 31)

- Ngài Vajirabuddhi, tác giả cuốn Vajirabuddhi (chú thích bộ Chánh Sớ Luật Tạng – Samantapàsàdikà)

- Ngài Khema, tác giả cuốn Khemappakaran.a

- Ngài Anuruddha, tác giả tập Abhidhammatthakathà

IX. CÁC SỬ LIỆU PÀLI

- Dìpavamsa: Về thể loại này, bộ Dìpavamsa được xem là bộ sử liệu xưa nhất bằng chữ Pàli. Sách ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ thứ tư và thứ năm Tây lịch, và được viết trong thể văn kệ với vài chỗ bằng thể văn xuôi. Về nội dung của sách, ta có thể tóm tắt như sau:

Lúc còn tại thế, Đức Phật đã ba lần ngự sang đảo Tích Lan. Tương truyền rằng trong chuyến đi đầu tiên, Ngài đã biết trước công cuộc hoằng dương của Trưởng lão Mihinda (con vua A Dục) tại đảo sau này nên Ngài đã dùng thần thông dời chổ ở của các Dạ Xoa hung bạo có khả năng phương hại đến đại sự đó. Sau khi nhắc lại sự kiện Đức Phật viếng thăm Tích Lan, bộ Dìpavamsa có nhắc sơ qua phả hệ của Đức Phật, rồi tiếp theo đó là việc ra đời của các bộ phái Phật Giáo sau kỳ kiết tập thứ nhất và thứ hai. Kế đến sách kể lại những giai thoại về Phật lực, về chuyến đi của Ngài Mihinda sang Tích Lan và cả kỳ kiết tập thứ ba dưới triều vua A Dục. Bộ Dìpavamsa còn nhắc đến cuộc xâm lược của hoàng tử Vijaya (con vua Sihabàhu xứ Bengal) vào đảo Tích Lan.

Sau thời Vijaya, còn rất nhiều triều đại khác nhưng bộ Dìpavamsa đã đặc biệt kể lại một các tỉ mỉ Vương triều Devanampiyatissa. Vị vua này được xem là cùng thời với vua A Dục và dưới triều đại của ông, Phật Giáo đã có được vị trí vững chắc tại Tích Lan. Sau khi ông băng hà, Phật Giáo Tích Lan lại rơi vào những tháng ngày đen tối nhất. Mọi sự bắt đầu từ cuộc đột nhập của giống mọi Tamil (Damila) từ miền Nam Ấn Độ tràn sang. Nhưng rồi vua Tích Lan Dutthagàmanì đã đánh đuổi họ ra khỏi lãnh thổ để tái lập hòa bình cho đất nước. Ông đưọơc xem là vị vua vĩ đại nhất của Tích Lan. Phật giáo trong thời đại của ông đã được hùng trưng mạnh mẽ. Người kế thừa của Ông là vua Vattagàmanì, một ông vua Phật tử nổi tiếng bởi dưới thời ông, toàn bộ Tam TẠng và Sớ giải đã được sao chép đầy đủ tại Tích Lan. Vị vua cuối cùng mà bộ Dìpavamsa nhắc đến là vua Mahàsena, thời gian trị vì kéo dài từ năm 325 đến 352 sau Tây lịch.

Bản thân bộ Dìpavamsa có lắm điều rắc rối cần lưu ý cả về mặt từ vựng lẫn ngữ âm. Đã vậy, bố cục nội dung đôi chỗ có vẻ lỏng lẻo và các vấn đề được giải quyết không cân đối, đôi khi chi li một cách không cần thiết để rồi lại có chổ sơ sài đến mức khó chấp nhận. Đại khái, nội dung và kết cấu của bộ Dìpavamsa là những mô phỏng thiếu hoàn chỉnh và các dữ kiện dường như được vay mượn từ các sử liệu góp nhặt từ tập sớ theo truyền thống Tích Lan.

Bên cạnh Dìpavamsa, Phật Giáo Tích Lan còn có một bộ Sử nữa là bộ Mahàvamsa của tác giả Mahànàma, một người có lẽ ra đời dưới triều vua Dhàtusena, nhằm vào thế kỷ thứ sáu sau Tây Lịch.

Nhìn chung, cả hai bộ Dìpavamsa và Mahàvamsa đều vận dụng một nguồn sử liệu nhưng dường như bộ Mahàvamsa có vẻ mạch lạc, chặt chẽ và đầy đủ hơn bộ Dìpavamsa. Theo một số học giả Ấn Dộ thì Mahàvamsa như là phần bổ túc và chú giải cho Dìpavamsa. Trên nội dung tổng lược thì cả hai bộ tương đối giống nhau mặc dù vẫn có những điểm dị biệt nhất định. Chẳng hạn như Bộ Mahàvamsa đã kể lại khá rõ từng chi tiết về sự kiện Ngài Mahinda sang truyền đạo ở Tích Lan xong rồi mới nhắc đến những sự kiện xảy ra dưới triều vua Mahàsena.

Nói sao thì nói, chúng ta vẫn không thể phủ nhận giá trị thông tin lịch sử từ các giai thoại truyền kỳ, thậm chí siêu thực, trong cả hai bộ sử nói trên nếu ta có được cái nhìn từ góc độ nghiên cứu của một người làm công tác khoa học hôm nay. Cả hai sử liệu đó đã soi rọi cho chúng ta những góc tối của lịch sử cổ đại, không những của Tích Lan mà còn của Ấn Độ nữa. Chúng ta còn có thể rút ra được không ít những thông tin giá trị khác về lịch sử Phật Giáo nói chung. Đó là chưa kể đến những chất liệu địa ký hết sức quý giá của cả Tích Lan lẫn Ấn Độ được tìm thấy trong hai bộ biên niên sử. Đã thế, Dìpavamsa và Mahàvamsa còn tự có giá trị của những tập thư tịch Pàli. Từ đó, cả hai đương nhiên có được vị trí quan trọng trong dòng văn học Nam Phạn.

Tiếp theo hai sử liệu trên, các tác phẩm sử ký Pàli vẫn hãy còn khá nhiều mà sau đây sẽ lần lượt được kể ra:

- Culavamsa: Một tập sử ký có nội dung bổ túc cho bộ Mahàvamsa. Đây là một công trình đựơc thực hiện bởi nhiều người qua nhiều thời đoạn không liên tục. Các tài liệu truyền thống của Tích Lan đều cho chúng ta biết rằng người khởi soạn Culavamsa là Trưởng lão Dhammakitti. Tương truyền Ngài đã từ Miến Điện đi sang Tích Lan vào thời vua Parakkamabàhu đệ nhị (thế kỷ XIII Tây lịch). Ở bộ Mahàvamsa, ta thấy một loạt lịch đại của các triều vua, từ Vijaya đến Mahàsena, còn ở Culavamsa thì mốc lịch sử được bắt đầu từ vua Sirimeghavan.n.a (con vua Mahàsena) cho đến thời Sirivikkamaràsìha.

- Buddhaghosuppatti: nội dung chủ yếu là tự truyện của Ngài Buddhaghosa. Nói là tự truyện nhưng kỳ thực đây chỉ là một tác phẩm văn học nhiều hơn là một tài liệu sử học để ta có thể tin cậy hoàn toàn. Tác giả của tập sách này là Ngài Mahàmangala và nếu đây là một tên gọi khác của Ngài Mangala, một văn phạm gia Pàli, thì Ngài phải là người của thế kỷ XIV Tây lịch. Điều đáng ghi nhận là có một số sự kiện được kể lại trong bộ Milindapanha và Mahàvamsa xem ra rất tương đồng, trong khi tập Buddhaghosuppatti cũng kể những sự kiện đó theo cùng một khuôn mẫu. Từ đó ta có thể suy ra là bộ Buddhaghosuppatti đã mô phỏng theo hai tác phẩm kia.

- Saddhammasangaha: của Ngài Dhammakitti có nội dung kể lại lịch sử Phật giáo bằng cách nhắc lại các kỳ kiết tập Tam Tạng cùng các dữ kiện lịch sử khác từ buổi đầu cho đến thế kỷ thứ XIV. Sách được viết trong cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ và được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ XIV.

- Sandesakattha: chủ yếu được viết bằng văn xuôi. Nội dung là những bàn soạn khá chi tiết về các tập chú giải Thắng Pháp như Abhidhammatthasangaha của Ngài Anuruddha, Abhidhammatthavibhàvanì của Ngài Sumangalasàmì,... Đặc biệt tập này đã nhắc tới các vương quốc như Suvan.n.abhùmi, Kamboja, Cìna,... Đồng thời từ tác phẩm này ta cũng biết thêm đôi điều về mối quan hệ giữa Tích Lan và Miến Điện lúc bấy giờ.

- Mahàboddhivamsa của tác giả Upatissa, được viết bằng văn xuôi, về niên đại ra đời thì rất mơ hồ. có người thì nói là thế kỷ thứ IV, có ý kiến cho là khoảng thế kỷ thứ X, thậm chí thế kỷ thứ XI. Tập sách nói về tiểu sử của cây bồ đề ở Anurathapura (Tích Lan), cây bồ đề của Ngài Ànanda, kể về sự kiện Đức Phật viên tịch, ba kỳ kiết tập đầu tiên và cả chuyến đi của Ngài Mahinda sang Tích Lan. Tác giả hầu như đã vay mượn tài liệu từ bộ Mahàvamsa.

- Tập Thùpavamsa: của tác giả Vàcissara, được viết bằng văn xuôi, ra đời vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ thứ XIII. Sách gồm ba chương. Chương đầu kể lại các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Chương hai kể lại cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh đến khi Niết-bàn, rồi chuyện phân chia Xá lợi của Bà-la-môn Dona, việc vua A-xà-thế lập tháp phụng thờ,... Chương ba nói về lịch sử Xá lợi Phật. Trong bộ Thùpavamsa còn bao gồm một số sự kiện vay mượn từ các tài liệu như Vidànakatha, Samantapàsadika, Mahàvamsa cùng các tập chú giải khác. Thùpavamsa còn nhắc đến tên tuổi những vị Trưởng lão được Ngài Mục Liên Đế Tu (Moggalliputtatissa) cử đi hoằng pháp ở một số địa bàn tại Ấn Độ. Đồng thời sách còn để lại cho ta một số thông tin rất giá trị về địa dư của các địa phương đương thời như Tàmalitti (Tàmralipti), Gandhàra, Kasmir (Kashmir), Suvan.n.abhùma, Pàvà,...

- Tập Hatthavanagallavihàravamsa: gồm có 11 chương. Tám chương đầu kể chuyện về vua Sirisanghabodhi. Ba chương cuối nói về những hoạt động tôn giáo cũng như cúng dường Tam Bảo bằng cách hộ độ chư tăng và xây dựng đền miếu mà ông đã một lòng thực hiện trong suốt những ngày tháng sau cùng của đời mình.

- Tập Dàthavamsa của Ngài Dhammàkitti, là một thi phẩm được chia thành 5 trường đoạn, được thực hiện vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Tác giả cho ta biết rằng D.àthavamsa nguyên thủy được viết bằng chữ Tích Lan, sau đó được Ngài Dhammàkitti bổ túc rồi dịch sang tiếng Pàli. Theo học giả Keru thì nguyên tác D.àthavamsa được thực hiện vào đầu thế kỷ thứ IV với nhan đề là Dal.adàvamsa. Nội dung chủ yếu của tập thơ này là kể về hành trình của Chiếc Răng Nhọn của Đức Phật. Trong đó, ta bắt gặp lại cách kể chuyện của bộ Mahàvamsa. Ngoài giá trị lịch sử kể về một bảo vật trấn quốc của Tích Lan, bản thân D.àthavamsa còn là một thi phẩm tuyệt vời. Xét về thi pháp, chỉ riêng mặt ngữ điệu đã tạo cho D.àthavamsa một nét duyên dáng riêng biệt, độc đáo.

- Chakesadhàtuvamsa: một tác phẩm của Miến Điện, được viết bằng cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ, kể về công trình xây dựng ngôi đại tháp tôn thờ một nhúm tóc của Đức Phật do vua Miến Điện Anuruddha thực hiện với sự giúp sức của các Thiên Nhân và Phi nhân như vua Trời Đế Thích, Thần Mưa Pajjuna, Tiên nữ Manimekhalà, Long Vương Varun.a và một số khách thương hồ.

- Tập Gandhavamsa: được biên soạn tại Miến Điện, gần như là một tập biền văn, có nội dung như một tập thư tịch, kể rõ các tác phẩm và tác giả Pàli, cách san định Tam Tạng và đằng sau đó là danh tánh các vị A-xà-lê tiền bối trong ba thời kỳ kiết tập đầu tiên. Các vị còn được gọi là những Chú Giải Sư, tác giả các tập sớ Phật ngôn, như Ngài Mahàkaccàyana (một nhà văn phạm Pàli lừng danh) cùng các luận sư (Gandhakàcariya), cũng như các tác phẩm của họ và các tác phẩm khuyết danh. Trong Gandhavamsa, các tác giả viết kinh được chia làm hai nhóm: những vị ở Tích Lan và những vị ở Ấn Độ. Sách còn kể rõ từng hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Từ đó, phải nói rằng Gandhavamsa là một tác phẩm rất có giá trị trong lịch sử văn học Pàli.

- Tập Sàsanavamsa: gồm mười chương, được biên soạn vào năm 1861. Nội dung là lịch sử Phật Giáo Ấn Độ từ khởi thủy đến sau kỳ kiết tập thứ ba. Sau đó là lịch sử Phật Giáo ở Tích Lan cùng các xứ Phật giáo Nam phương khác, đặc biệt là Miến Điện (mà gọi theo địa danh trong nguyên tác là xứ Aparantarattha). Để thực hiện tác phẩm, tác giả đã vận dụng triệt để các nguồn sử liệu trích lục từ bộ Samantapasadikà (Chánh Sớ Luật Tạng), Dìpavamsa, Mahàvamsa cùng các sử liệu khác của Miến Điện.

X. SÁCH GIẢN LỤC

Cứ như là quy luật, khi một dòng văn học nào đó đã trở nên đồ sộ về lượng lẫn về phẩm thì tự nhiên thiên hạ lại có một nhu cầu về nội dung tóm lược của nó. Đó là do không ít người thiếu đi cái kiên nhẫn đọc thẳng nguyên tác hoặc ít ra cũng là vì không có đủ thời gian. Nói một cách nghiêm túc thì trường hợp của dòng văn học Pàli không nằm trong cái khuynh hướng chung đó, nhưng dù sao nó vẫn cứ là một dòng văn học có tầm vóc nên từ lâu, việc thu ngắn các tác phẩm Pàli nổi tiếng đã trở thành một nhu cầu.Kết quả là một số tác phẩm Kinh Văn Pàli có nội dung giản lược các công trình lớn đã được ra đời, hoặc trong thể văn xuôi, hoặc trong thể văn vần. Sau đây là một số tác phẩm kiểu đó.

- Tập Saccasam.khepa: được xem là của Ngài Dhammapàla. Theo tập Saddhammasangaha thì tác giả của Saccasam.khepa là Ngài Ànanda.

Nội dung của tập sách này được chia thành năm phần và xoay quanh những vấn đề giáo lý được xem là thuộc "lãnh vực chân đế". Chương một trình bày về vấn đề sắc pháp hay sắc uẩn. Chương hai bàn về ba thọ của thọ uẩn. Thọ ở đây được phân tích kỹ lưỡng như một đề tài thiền quán, cứ một lần vô thường của cảm thọ là một lần chúng sanh đau khổ. Ở chương ba, nội dung đề cập về vấn đề tâm pháp, nói cụ thể hơn thì là phép tu tâm. Ở đây, tác giả nhấn mạnh với chúng ta rằng lý tưởng của sự tu là tập trung ở công giải trừ tham ái, thứ tập khí sanh tử. Hoàn tất công phu này chính là giai đoạn giải thoát. Chương bốn có một nhan đề khá dài là Pakin.n.akasangahavibhàga, chủ yếu đề cập đến những phiền não và hậu quả của chúng. Chủ đề của chương cuối cùng là nói về cứu cánh giải thoát thông qua việc chấm dứt toàn bộ tham ái và sự đình chỉ tất cả đau khổ sanh tử.

- Cuốn Abhidhammatthasangaha: vẫn được gán cho Ngài Anuruddha, một người mà niên đại ra đời chưa được xác định, có thể là giữa thế kỷ thứ tám hoặc là vào thế kỷ thứ mười. Nội dung của sách rất phong phú, đề cập đủ tiêu đề, gần giống như bộ Visuddhimagga. Bố cục của sách khá chặt chẽ, phần này làm hoàn chỉnh phần kia. Có thể nói về số lượng chương mục thì Abhidhammatthasangaha còn nhiều hơn cả Visuddhimagga. Nội dung của sách bao gồm các tiêu đề quan trọng như sau:

Nói một cách khái quát thì trước hết sách phân tích những thành tố cấu tạo nên cái gọi là đời sống tâm lý của một chúng sanh. Đó là Thọ uẩn (tất cả mọi cảm giác của tâm sinh lý); Tưởng uẩn (tất cả mọi kinh nghiệm của ý thức); Hành uẩn (thuộc tính đầu tư và tự quyết định tính chất của ý thức); Thức uẩn (cái biết đơn thuần và được tồn tại song hành với ba thành tố trên). Đối tượng nhận biết của ý thức được gọi là cảnh sở tri, gồm hai trường hợp:

1. Đối tượng vật chất còn gọi là Cảnh Ngũ, chỉ cho tất cả những gì được ghi nhận bằng năm giác quan sinh lý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Đó là sắc, thinh, hương, vị và xúc.

2. Đối tượng tinh thần, còn gọi là Cảnh Pháp, đối tượng sở tri chỉ có thể được nhận biết qua ý thức. Phân tích theo giáo lý chuyên môn (tức A-tỳ-đàm) thì đó là Tâm, Sở hữu tâm, các sắc pháp vi tế, mười ba pháp chế định và Niết-bàn. Nội dung của Abhidhammatthasangaha chỉ bao gồm những vấn đề giáo lý nghiêm túc, khô khan, nhưng tác giả đã hóa giải cái không khí khắc bạc nhiêu khê đó bằng một bố cục và ngữ khí hết sức thơ mộng. Ở đó, tác giả miêu tả dòng sinh hóa vô thường của Danh Sắc bằng một trình tự hợp lý và nhẹ nhàng khiến ta có thể dễ dàng nghĩ tới một dòng sông đang trôi và biến dịch với những kiếp đời sanh tử đang bồng bềnh trên đó. Tác giả đã khẽ khàng nhắc nhở cho người đọc cái bi kịch giả hợp của cuộc đời và phận người. Một cách kín đáo, tác giả đã lặng lẽ giải quyết những điểm nóng của Triết Học bằng con đường lý giải của Phật học thông qua các khái niệm Mộng và Thực. Có thể nói, dù chỉ có một ý viết một tập sách giáo án Phật Học, nhưng tác giả, cùng một lúc, đã có nhiều đóng góp cho người đọc về nhiều lãnh vực, kể cả một nhân sinh quan.

Về đề tài pháp môn tu chứng, tác giả cũng đã bàn soạn một cách kỹ lưỡng và Ngài cũng đã vận dụng giáo lý tỉnh thức để trình bày về pháp môn Thiền quán – con đường duy nhất dẫn đến Niết-bàn.

Abhidhammatthasangaha còn giải quyết các vấn đề giáo lý căn bản khác như giáo lý Duyên Khởi, Duyên Hệ, vấn đề Tái Sanh và Nghiệp Báo, luôn cả những việc đưa ra những giải thích chuẩn mực về cứu cánh Niết-bàn.

Theo một tư liệu của Miến Điện thì ít nhất có hơn tám tập sách giải thích hoặc mô phỏng nội dung Abhidhammatthasangaha nên tác phẩm này từ đó được lưu hành rộng rãi như là một cẩm nang gối đầu cho các giới học Phật.

- Tập Nàmarùpapariccheda: nội dung là một bản tóm lược của tạng Vi Diệu Pháp, và đúng như nhan đề, tập này chủ yếu giải thích về Danh Sắc đúng theo tiêu chí cốt lõi của Tạng Vi Diệu Pháp.

- Tập Nàmarùpasamàsa của Ngài Khema: gồm hai phần Citakathà và Cetasikakathà, tập trung giải thích về vấn đề Tâm Pháp (Tâm và Sở hữu tâm). Sách được viết chủ yếu bằng văn vần.

- Tập Suttasangaha: là một sưu tập về một số bài kinh và những trích đoạn từ các bộ Kinh lớn như Thiên Cung Sự. Suttasangaha còn là một cuốn thư tịch rất có giá trị, liệt kê cụ thể các tác phẩm Kinh điển Phật học.

- Tập Mahàparita, gọi tắt là Paritta, cũng là một loại sách sưu tập. Nội dung bao gồm một số bài kinh mà nay ta vẫn thường gọi là Kinh An Lành hay Kinh Cầu An. Chư Tăng Tích Lan và Miến Điện vẫn đặc biệt sử dụng rộng rãi cuốn Kinh này. Từng bài trong đó thường được tụng vào các dịp mừng tân gia, cầu an cho người bệnh hoặc ngay cả trong các buổi tang lễ. Bộ Milindapanha có chép rằng, chính Đức Phật cũng đã từng dạy các đệ tử tụng đọc một số bài kinh An Lành như vậy trong những trường hợp cần thiết.

- Hai tập Khuddakasikkhà và Mulasikkhà: Nội dung là điểm lại những vấn đề của Luật Tạng. Hai cuốn này phần lớn đều được viết theo thể văn kệ. Cuốn Khuddakasikkhà được coi là của một Trưởng Lão người Tích Lan tên Dhammasiri. Nhưng theo sử liệu Miến Điện thì cuốn này là tác phẩm của Ngài Mahàsàmì, còn cuốn Mùlasikkhà mới là của Ngài Dhammasiri. Theo tài liệu của Miến Điện thì hai tác phẩm trên đây có thể đã được biên soạn vào năm 920 Phật lịch. Nhưng qua văn phong và phép tu từ của hai tác phẩm, các nhà học giả đã quả quyết rằng chúng được thực hiện vào một thời điểm nào đó muộn màng hơn niên đại kia rất nhiều.

XI. CÁC TÁC PHẨM THI CA PÀLI HẬU THỜI

Nói một cách chính xác thì thể loại văn học này của Phật giáo được chính thức hình thành tại Tích Lan một cách rầm rộ vào các thế kỷ thứ X, XI, XIV. Đại bộ phận các tác phẩm thi ca Pàli được ra đời như một cố gắng làm giản dị hóa những giáo lý có vẻ nguyên tắc. Trong số đó, có một vài tác phẩm được thực hiện theo thể thơ Sataka, một thể thơ có thể được vay mượn từ thi pháp Sanskrit. Một thi phẩm Pàli, tập Rasavàhinì, còn in đậm phong cách văn học dân gian ngay trong chính văn thể bác học của mình.

Điều đáng lưu ý là hầu hết tác phẩm thi ca Pàli đều có khuynh hướng Sanskrit hóa các từ vựng. Và có lẽ đây là trường hợp duy nhất để chứng minh sự ảnh hưởng của thi ca Sanskrit đối với thi ca Pàli.

Sau đây là một số tác phẩm thi ca Pàli nổi tiếng trong giới học Phật.

- Anàgatavamsa: gồm 142 đoạn, tác giả là Ngài Kassapa, nội dung mô phỏng theo tập Gandhavamsa. Tác phẩm ghi lại lời tiên tri của Đức Phật về sự ra đời của Đức Phật Di Lặc cùng với vua Chuyển Luân Vương Sankha trong tương lai (cả hai vị đều sanh cùng thời). Anàgatavamsa còn có những đoạn văn xuôi mang phong vận của các tập Nikàya trong Kinh Tạng. Nội dung sách được viết theo hình thức đối thoại giữa Ngài Xá-lợi-phất và Đức Phật, bàn về những bước thăng trầm của Phật Giáo mai hậu cùng những vấn đề liên quan. Cũng trong chính đoạn văn xuôi của tác phẩm, tác giả còn nhắc kỹ lưỡng về mười Đức Phật tương lai, trong đó có cả Đức Phật DiLặc.

- Tập Jinacarita gồm gần 500 bài kệ. Theo Gandhavamsa và Saddhammasangaha thì tác giả của Jinacarita là Ngài Medhankara, người của thế kỷ XIII. Nội dung của thi phẩm này hầu như chỉ xoáy mạnh vào một tiêu đề duy nhất là cuộc đời Đức Phật. Tác phẩm này được coi là chịu ảnh hưởng mạnh các tác phẩm của Mã Minh (Assaghosa) như cuốn Phật Sở Hạnh Tán (Buddhacarita) và cả thi sĩ Kalidàsa của dòng thơ ca Sanskrit. Phải nhận rằng, Jinacarita là một thi phẩm tuyệt vời, trình độ thi pháp của tác giả có thể nói đã đạt tới mức hoàn bích, và chính vì quá thơ mộng nên nội dung của Jinacarita đã có phần sơ thất về sử học. Nói cụ thể hơn là tác phẩm chẳng cung cấp gì thêm cho chúng ta một thông tin nào mới về cuộc đời của Đức Thế Tôn.

- Tập Telakatàhagàthà: một tác phẩm mà tác giả chưa rõ là ai, và đến nay, như chúng ta được biết tác phẩm còn 98 bài kệ. Căn cứ vào chủ đề và phong vận, ta có thể đoán được rằng buổi đầu tác phẩm là một thi tập được thực hiện theo thể kệ Sataka của thi pháp Sanskrit. Chúng ta hôm nay chỉ còn biết được mỗi một điều là Telakatàhagàthà đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trưởng lão Kaly àn.ìya. Tương truyền rằng Vị này đã bị ném vào vạc dầu sôi vì tội quan hệ bất chính với Hoàng hậu của vua Kalanitissa xứ Kalanìya (306-207 trước Tây lịch) ở Tích Lan. Giai thoại này được biết tới trong nhiều sử liệu như Mahàvamsa, rasavàhinì, Saddhammàlankàra,...

Tập Telakatàhagàthà gồm có chín phần: Ratanattaya, Maranàn.ussati, Aniccalakkhan.a, Dukkhalakkhan.a, Anattalakkhan.a, Asubhalakkhan.a, Duccaritàdinavà, Caturàrakkhà và Pat.iccasamuppàda. Trong tác phẩm, một số vấn đề giáo lý quan trọng cũng được nhắc đến trong hình thức liệt kê theo số mục (Pháp số). Ở đây, ta sẽ thấy vấn đề vô minh được nhắc đến một cách tỉ mẫn và lời đề nghị duy nhất được gửi đến đọc giả là việc tu tạo các công đức và thực hiện một đời sống đạo hạnh để chấm dứt vô minh, cứu cánh giải thoát nhứt thiết khổ ách. Phải nhận rằng, Telakatàhagàthà là một tác phẩm rất dễ đọc. Các khía cạnh âm vận và tu từ chính là sức hút mãnh liệt của tác phẩm.

- Tập Parivàrajjamadhu gồm 104 bài kệ và cũng là một thi phẩm thuộc văn thể Sataka. Tác giả là Ngài Buddappiya ( thế kỷ XI Tây lịch) . Phần đầu của tác phẩm nói về các hảo tướng của Đức Phật để phần sau là tán thán trí tuệ của Ngài. Pajjamadhu còn nói nhiều về Tăng chúng và cứu cánh Niết-bàn. Đọc kỹ, ta sẽ thấy tác phẩm là một công trình lớn.

- Tập Rasavahinì: tác giả là Vedeha, có lẽ sách ra đời vào đầu thế kỹ thứ XIV. Sách gần 103 câu chuyện nhỏ. 40 chuyện đầu kể về xứ Ấn, các mẫu chuyện sau nói về đảo quốc Tích Lan. Có thể nóiRasavahinì là một tài liệu xã hội học rất giá trị cho những ai mốn nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ và Tích Lan thời đó. Ngoài ra cái giá trị của Rasavahinì còn nằm ở văn phong sáng sủa và cuốn hút.

- Tập Saddhammapàyana: gồm 629 câu kệ, đề cập về các vấn đề giáo lý được xem là quan trọng nhất. Sách không nói lên được điều gì mới mẻ, nhưng cái đáng học ở đây chính là cách trình bày nội dung nghiêm cẩn, giản dị và văn nhã. Bên cạnh đó, tác phẩm còn chứng minh một cách sắc sảo vốn kiến thức uyên bác của tác giả.

- Tập Pancagatidìpana: cả tác giả và thời điểm ra đời của sách cho đến nay vẫn chưa được xác định. Thi phẩm gồm 114 bài kệ giải về Nghiệp Lý và Lục Đạo. Đưa ra quan điểm Tận Thế Luận, tác giả còn bàn về các cảnh giới tái sanh, đặc biệt giải về các cõi Địa ngục. Mặc dù chỉ quẩn quanh những đề tài nhạt nhẽo, nhưng tác phẩm được viết trong một văn cách giản dị và khá hấp dẫn.

XII. SÁCH VĂN PHẠM PÀLI

Nếu ngữ pháp là một trong sáu bộ phận học thuật của dòng kinh điển Sanskrit (Vedanga) thì văn phạm Pàli cũng là một trong chín bộ phận của dòng kinh văn Pàli. Điều cần ghi nhận là văn phạm Pàli được hình thành và hệ thống hóa trong vai trò chú thích, giảng giải kinh điển. Các sách văn phạm Pàli đều được viết trong thể văn xuôi. Chữ Veyyàkarana hoặc Vỳakarana thường được dịch là "văn phạm" hay "ngữ pháp", nhưng xét theo ngữ nghĩa rộng rãi hơn thì chữ này còn có một nghĩa khác là "lời ấn khả, xác chứng, lời tiên tri, câu trả lời". Trong khi văn phạm Sanskrit chủ yếu được vận dụng để giải thích kinh điển Phệ Đà, thì tương tự như thế, hệ thống văn phạm Pàli được ra đời với ý nghĩa giải thích Tam Tạng Kinh điển. Từ đó, các đệ tử Phật gia coi như bị khiếm khuyết kiến thức nếu không sở hữu được vốn liếng nhất định về ngôn ngữ Pàli hoặc chẳng biết gì tới các tài liệu như Dhammapada, Nettipakarana...

Niên đại ra đời của các bộ sách văn phạm Pàli nguyên thủy vẫn còn là một dấu hỏi. Trước mắt, chúng ta biết chính xác danh tánh của ba nhà ngữ học Pàli. Đó là ba vị Chú Giải Sư lừng danh Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla mà ngay trong công trình của các vị, chúng ta còn bắt gặp được những vay mượn từ bộ Astadhyàyi của Pàninì, một nhà ngữ pháp học Sanskrit, đàn anh của cả Patanjalì. Cả ba vị đều được giả thuyết là đã ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ thứ V và thứ VI sau Tây lịch. Điều đó chứng tỏ rằng mãi cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa có được bộ sách văn phạm nào được biên soạn cả.

Nếu đem phân tích thì các tác phẩm văn phạm Pàli có thể được chia thành ba trường phái: trường phái Kaccàyana, trường phái Moggallàna và trường phái Saddanìti với các tác phẩm sau đây:

1) Kaccàyana hoặc Kaccàyanaganha được gán cho Ngài Kaccàyana. Đây là một trong những tác phẩm văn phạm Pàli xưa nhất và chỉ riêng danh tánh tác giả cũng đã là một vấn đề bàn cãi lâu nay. Theo sử liệu truyền thống thì tác giả Kaccàyana này chính là Tôn giả Mahàkaccàyana, một vị Đại Thanh Văn được Đức Phật tuyên dương là Đệ Nhất Luận Nghĩa. Nhưng điều đó xem ra không quan trọng lắm. Vấn đề là ở chổ bản thân tác phẩm, chẳng hạn như các tác giả có phải thật sự đã vận dụng tới các tài liệu Sanskrit để thực hiện những bộ văn phạm Pàli hay không. Ít ra thì cho đến hôm nay, chúng ta đã có thể xác định được một điều rằng tác giả Kaccàyana trên đây chắc chắn không phải là Kàtyàyana (thế kỷ thứ ba trước Tây lịch), tác giả của Vàrtikasutras nằm trong As.t.àdhyàyì, như có một số giả thuyết đã được đưa ra. Điều được ghi nhận là phần lớn bộ sách văn phạm Pàli của Ngài Kaccàyana được căn cứ theo cuốn Kàtantràvyàkaran.a, đồng thời còn cả tập Kàsikà (thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch), một cuốn chú giải của bộ As.t.àdhyàyì.

Trong cuốn văn phạm của mình, tác giả đã bỏ sót không nhắc tới mối quan hệ lịch sử giữa tiếng Sanskrit với Pàli. Điều đó, cứ làm ta có cảm giác như từ vựng Pàli là một dòng tự vị độc lập. Và chính điểm sơ thất này của bộ sách đã trở thành một rào cản giới hạn cho quan điểm nghiên cứu của các học giả hiện đại.

Còn hai bộ sách văn phạm nữa cũng được cho là công trình của Ngài Kaccàyana. Đó là hai tập Mahàniruttu-gandha và Cullanirutti-gandha.

Trong số các chú giải về bộ Kaccàyanavy àkarana thì bộ Nỳasa (tức Mukhamatta-dìpanì) của tác giả Vimalabuddhi có lẽ là nổi tiếng nhất.

- Bộ văn phạm Rùpasiddhi (gọi đủ là Padarùpasiddhipakarana), do Ngài Buddhappiyadìpakarana. Có lẽ đây cũng chính là tác giả Buddhappiya của thi phẩm Pajjamadhu người của hậu bán thế kỷ XIII. Bộ Rùpasiddhi gồm có bảy chương, nội dung được bố cục giống như bộ Kaccàyana-vỳakarana. Điểm khác nhau giữa hai tác phẩm là ở bộ Rùpasiddhi có thêm hai phần Kitaka và Udàni vào chương cuối cùng.

- Bộ văn phạm Bàlàvatàra, nội dung y cứ theo bộ Kaccàyana-vyàkarana. Về kích cỡ thì ngắn hơn và những vấn đề văn phạm được đề cập trong đó cũng không có chi mới mẻ. Theo sử liệu truyền thống thì Bàlàvatàra là tác phẩm của Ngài Dhammakitti (tác giả tập sách Dhammasangaha), người ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIV.

- Bộ Ganthavamsa: được cho là của Ngài Vàcissara. Nếu đúng như vậy thì thời điểm ra đời của bộ này phải là thế kỷ thứ XIII.

- Bộ Dhàtumanjusà, cũng thuộc trường phái văn phạm Kaccàyana, là một tập tự vị đặc chuyên về ngữ căn Pàli.

Trường phái văn phạm Kaccàyana còn có một số tác phẩm đáng kể khác:

- Sampandhacintà của tác giả Sangharakkhita, nội dung bàn về các mẫu câu Pàli.

- Cuốn Saddhatthabheda-cintà của Ngài Saddhammasiri.

- Cuốn Sadda-binhu được giả thiết là của Kyacvà, một ông vua Miến Điện vào khoảng thế kỷ XV.

- Cuốn Bàlappabodhana.

- Cuốn Abhivana-cullanirutti của Ngài Sirisaddhamàlankàra. Nội dung bao gồm những vấn đề văn phạm mà Ngài Kaccàyana chưa nhắc tới.

2) Tác phẩm văn phạm của tác giả Moggallàna gồm hai bộ chủ yếu là Moggallàna-vyàkaran.a và Moggallànapancika. Bộ Moggallàna-vyàkaran.a còn được chính tác giả gọi bằng một nhan đề khác là Saddalakkhan.a. So với các sách văn phạm thuộc trường phái Kaccàyana, kể cả của chính Kaccàyana, thì bộ Moggallàna-vyàkaran.a xem ra đạt tiêu chuẩn hơn. Tác phẩm đã nói lên được tầm hiểu biết sâu rộng của tác giả về ngôn ngữ Pàli. Đã vậy, nội dung cũng bao quát hơn nhiều. Tác giả Moggallàna có một lối trình bày văn phạm hết sức đặc biệt qua các kỹ thuật được vận dụng trong tác phẩm. Bên cạnh tài liệu nghiên cứu căn bản là bộ Càndra-vyàkarana, tác giả còn sử dụng thêm các nguồn tư liệu khác là Astàdhy àsi và Kàtantra. Điều đáng tiếc là bộ Moggallànapancikà, chú giải của bộ Moggallàna-vyàkaran.a nay đã bị thất lạc.

Ngài Moggallàna cho biết rằng bộ sách văn phạm trên đây của Ngài (Moggallàna-vyàkarana)được biên soạn dưới triều vua Paràkramabàhu đệ nhất, còn gọi là vua Paràkramabhuja nhắm vào thế kỷ XII Tây lịch.

Có rất nhiều sách chú giải hoặc giản lục về sách văn phạm của Ngài Moggallàna mà sau đây là một số cuốn tiêu biểu:

- Cuốn Padasàdhana của tác giả Piyadassi thuộc sách giản lục (thu gọn nội dung tài liệu gốc).

- Cuốn Payogasiddhi của tác giả Vanaratana Medhankara. Nội dung mô phỏng theo bộ Moggallàna-vyàkarana

- Cuốn Moggallànapancikàpadìpa: chú giải bộ Moggallànapancika đã thất bản của Ngài Moggallàna.

- Dhàtupàtha: một bộ tự vị về ngữ căn Pàli của trường phái Moggallàna.

3) Bộ Saddanìti, một bộ sách văn phạm lừng danh. Tác giả là Ngài Aggavamsa (hoặc Aggapandita), người được xem là đại diện cho trường phái văn phạm Saddanìti. Trong công trình biên soạn, tác giả cũng đã vận dụng đến các tài liệu văn phạm Sanskrit như bộ Astàdhyàsì. Saddanìti gồm 27 chương. 18 chương đầu được gọi chung là Mahàsaddanìti và 9 chương sau là Cullasaddanìti. Trọn bộ Saddanìti gồm ba phần lớn: Padamàlà, Dhàtumàlà và Suttamàlà.

Trường phái văn phạm Saddanìti còn có thêm hai bộ sách nữa: Cùlasaddanìti (tóm tắt nội dung bộ Saddanìti) và Dhàtvàttha-dìpanì (bộ tự vị ngữ căn Pàli có quan điểm dựa trên Saddanìti)

Toàn bộ sách văn phạm Pàli thực ra có rất nhiều nhưng ở đây dĩ nhiên không thể nêu hết các tác phẩm còn lại.

XIII. CÁC TÁC PHẨM VỀ NGỮ ÂM HỌC, TU TỪ HỌC VÀ TỪ VỰNG PÀLI

Các tác phẩm Pàli về những lãnh vực này chỉ có một số lượng rất nhỏ. Một vài cuốn mà chúng ta hiện có cũng chỉ được viết dựa theo các phẩm Sanskrit cùng loại, không có gì là độc đáo cả.

Cuốn Vuttodaya của Ngài Sangharakkhita có thể được kể là một tác phẩm tiêu biểu về Ngữ Âm Học Pàli.

Bên cạnh đó, chúng ta hôm nay cũng còn có thể tìm thấy một số quyển khác: Kàmandakì, Chandovicita, Kavisàrapakaran.am., Kavisàratìkànissaya. Về tu từ học Pàli thì chỉ có một cuốn được xem là giá trị. Đó là tập Subodhàlankàra cũng của Ngài Sangharakkhita (tác giả cuốn Vuttodaya).

Cũng như các tác phẩm về văn phạm, ngữ âm học và tu từ học của Pàli, sách về từ vựng Pàli cũng là loại hình tác phẩm mô phỏng theo các tác phẩm Sanskrit cùng loại. Trong khi phần Nighan.d.u trong tác phẩm Nirutta (tác giả Yàska) là tác phẩm từ vựng học xưa nhất của Sanskrit thì phần Vevacanahàra trong bộ Netti, nội dung gồm những từ đồng âm được xem là tài liệu từ vựng học cổ nhất của ngôn ngữ Pàli. Hai bộ Abhidhànappadìpika và Ekakkharakosa là những tập từ vựng Pàli nổi tiếng nhất. Bộ Abhidhànappadìpika là tác phẩm của Ngài Moggallàna. Đây là một nhân vật cùng tên với nhà văn phạm Pàli Moggallàna đã nói ở trước. Tác phẩm có lẽ được thực hiện vào cuối thế kỷ XII. Nội dung gồm ba phần. Phần một gồm các từ đồng nghĩa, phần hai gồm các từ đồng âm và phần ba gồm các bất biến từ của Pàli. Tác phẩm dựa theo kết cấu của bộ Nàmalingànusàsana (Amarakosa) của tác giả Amarasinha. Sự tương đồng giữa hai tác phẩm rõ nét đến mức gần như là một sao chép.

Về bộ Ekakkharakosa, tác phẩm của một Trưởng lão Miến Điện tên Saddhammakitti là một bộ tự điển Pàli hoàn chỉnh. Sách được biên soạn trong thể văn kệ, gồm các đơn tự. Sách cũng được biên soạn dựa theo các tác phẩm Sanskrit. Về niên đại ra đời của tác phẩm Ekakkharokosa được xác định là 1465.

- HẾT-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03

Source: Theravad, http://theravad.home.att.net/index.htm


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-06-2003