BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Giới Thiệu Văn Học Kinh Điển Pàli

Nguyên tác Anh ngữ: "An Introduction to Pàli Literature",
Dr. S. C. Banerji
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt


-[02]-

VI . CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIỂN PÀLI.

Các tác phẩm văn học Pàli có thể được chia thành hai loại là Kinh và Luận (theo nghĩa từ nguyên):

KINH:

Ở đây chỉ cho Tam Tạng Thánh điển (Tipitaka) bao gồm Luật Tạng, Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Tạng thứ ba này là toàn bộ cơ cấu tư tưởng triết học (nếu có thể gọi vậy) của hệ phái Phật Giáo Thượng Toạ Bộ (Theravàda)

Có thể nói rằng toàn bộ Kinh điển thành văn của Phật giáo nguyên thủy hôm nay là một tập đại thành của nhiều lần trùng tuyên và san định qua nhiều thế hệ truyền thừa với không ít những bàn cãi nhiêu khê. Các tài liệu truyền thống cũng đã cho chúng ta biết rằng sau ngày Đức Phật viên tịch, trong nội bộ Phật giáo đã liên tiếp nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt về cách hiểu lời Phật dạy mà lúc đó hãy còn trong hình thức khẩu truyền. Các cuộc kiết tập Phật Ngôn đã được tổ chức nhằm giải quyết những rắc rối này. Và chính kết quả thu nhặt được sau từng cuộc kiết tập đó đã được ghi chép lại thành các kinh điển kế tự. Theo các tài liệu như Dìpavamsa, Mahàvamsa, Cullavagga thì cuộc kiết tập thứ nhất đã được tổ chức tại Ràjagaha sau khi Phật viên tịch không bao lâu. Tam Tạng Phật Ngôn đã được san định lần đầu tiên vào dịp này. Nhưng rồi theo thời gian, trong Tăng chúng lại phát sinh những kiến giải sai lạc về Phật Pháp và đó chính là lý do tổ chức kỳ kiết t ập thứ hai tại Vesàli, cách lần kiết tập thứ nhất vừa đúng một thế kỷ. Trong kỳ kiết tập thứ hai này, số luợng giáo lý được triển khai rộng rãi hơn một tí. Nhưng phải đợi đến kỳ kiết tập thứ ba dưới thời vua A Dục (giữa năm 264 -227 trước Tây lịch) thì nội dung Tam Tạng mới được sắp xếp một cách khoa học theo trật tự danh mục – đề mục rõ ràng.

Cũng trong kỳ kiết tập này, Tạng Thắng Pháp đã được san định một cách đầy đủ, để từ đó đến nay không còn phải thêm bớt gì nữa (có một sự kiện lịch sử cũng cần được ghi nhận thêm là dưới triều đại của vua Kaniska đã từng có một cuộc kiết tập được tổ chức tại Kasmire. Tăng chúng từ khắp các vùng về tham dự rất đông đảo. Những mấu chốt giáo lý quan trọng đều được đem ra bàn thảo và nội dung những vấn đề nghị luận này đã được ghi lại thành bộ Đại Luận Tỳ-bà-sa (Vibhàsàsastra). Các nhà Thượng Tọa bộ đều không nhìn nhận cuộc kiết tập này vì cho rằng đây là chuyện của phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvàstivàdins). Đồng thời từ sau kỳ kiết tập thứ ba, một số lớn các nhà truyền giáo Tăng, tục đã được gởi sang các xứ láng giềng Ấn Độ để hoằng hoá Đạo Phật. Và cũng trong dịp này, hoàng tử của Vua A Dục (có thuyết nói là bào đệ) là Ngài Trưởng Lão Mahinda đã mang toàn bộ các tác phẩm kinh điển đạo Phật sang truyền đạo ở Tích Lan.

Trước sau, Phật Giáo Tích Lan đã tổ chức được ba kỳ kiết tập Phật ngôn vào ba triều vua Devànampiyatissa, Dutthagamani và Vattagamanì. Trong từng kỳ kiết tập đó, các kinh văn truyền thống đã được đem ra thẩm định và phục hồi tính nguyên thủy. Một số học giả có ý nghi ngờ khả năng trung thực của các kỳ kiết tập bởi rõ ràng là ngay chính Đức Phật cũng chưa hề đưa ra một khuôn thức nào cụ thể để các môn đệ hậu thời có thể y cứ vào đó mà san định và tái hiện một cách chính xác cả một hệ thống khẩu truyền đồ sộ vốn luôn có thể bị sai lệch qua hắng thế kỷ truyền thừa song song với cơ man là những dị bản mang tính tư kiến cọng với biết bao là vấn đề địa cư, văn hoá mà Phật Giáo phải thường trực đối diện trên suốt đường đi của mình. Bởi vậy, một trong những công việc cấp thiết của Giáo Hội toàn cầu phải là những lần họp mặt của các cấp lãnh đạo để qua đó mọi tiếng nói cá nhân, dù đúng hay sai, có dịp được đem ra mổ xẻ.

Cho đến nay ta phải nhận rằng không hề có một chứng cứ nào về việc ra đời của các tác phẩm văn học kinh điển được biên soạn hay sáng tác ngay trong thời Đức Phật còn sinh tiền. Và bên cạnh đó ta cũng có thể tin chắc rằng toàn bộ lời dạy của Ngài cùng các tác phẩm thành văn của chư môn đệ đích truyền chỉ đều nằm gọn trong hệ thống Tam Tạng. Dĩ nhiên đối với những gì được xem là lời dạy chính thức của Đức Phật thì luôn được các hàng môn đệ xếp vào một vị trí đặc biệt quan trọng.

Nói một cách nôm na thì Tam Tạng kinh điển Phật Giáo là một bộ sưu tập đồ sộ và trọn vẹn về tất cả những gì thuộc văn hóa Phật Giáo. Đó là những pháp thoại của Đức Phật, những câu cách ngôn răn đời mà văn chương, những thi ca ngâm vịnh nhuốm màu giải thoát, những giai thoại truyền kỳ (cổ tích dân gian) và những bước đi lịch sử của Tăng đoàn Phật giáo. Như đã nói ở trên, hệ thống Tam Tạng Phật điển mà chúng ta đang nhìn thấy bây giờ chính là một kết quả san định, hiệu chính qua các kỳ kiết tập từ suốt hàng nghìn năm nay. Bởi thế hoàn toàn không có gì là khó hiểu khi chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp đây đó trong dòng Kinh văn Phật Giáo những chổ lở làng và đôi điều trái khoáy. Tuy nhiên, ở Kinh Điển Pàli truyền thống, những chổ như vậy không nhiều và xem ra cũng không đến nỗi nghiêm trọng. Chẳng hạn như cũng cùng một bài kệ hay một đoạn kinh thì có chỗ được ghi là của Đức Phật, có nơi lại được gán cho Ngài Xá-lợi-phất. Bên cạnh đó, đôi khi là những sai khác về vấn đề địa danh: Bàrànasì thay vì Ràjagaha hoặc là Ràjagaha thay vì Bàrànasì. Đó chỉ là những tiểu tiết, nhưng dù sao cũng đã khiến cho một số học giả đặt vấn đề về tính nguyên thủy của Tam Tạng.

Tuy nhiên xét từ góc độ đánh giá Tam Tạng như một tập đại thành văn học Phật Giáo thì chung quy lại, những gì thật sự là tinh hoa của Phật Pháp vẫn cứ được bảo trì một cách nguyên vẹn. Một trong những cứ điểm sử học về mức độ cổ xưa và tín nhiệm của Tam Tạng Pàli quan trọng nhất phải nói là các di chỉ văn hóa thời vua A Dục. Đặc biệt ở các văn bản ký tự của thời kỳ này, ta luôn có dịp bắt gặp rất nhiều vấn đề quan trọng trong kinh điển Pàli. Ơ đây còn bao gồm luôn cả những tương đồng về văn tự hết sức quan trọng. Thực ra, nội dung của những di chỉ văn tự này không có gì đáng kể nếu bỏ đi những điểm quan hệ với Kinh điển Tam Tạng, kể cả những điểm tương đồng có tí sai biệt. Điều đáng ghi nhận là 7 vấn đề hết sức quan trọng trong hiến pháp Bhàbrù của vua A Dục vốn được Chư Tăng khắp vùng Magadha đặc biệt quan tâm,thực ra đã được nói tới trong Kinh Tạng.

Các công trình kiến thiết đền tháp ở Bharhut và Saĩchi đã ghi lại những hình ảnh về chuyện đời của Đức Phật theo dòng giai thoại cải biên, vốn được phát triển trước đó. Trong khi những câu chuyện như vậy cũng đã được tìm thấy trong Kinh Tạng Pàli. Đồng thời trên những thạch trụ và bi ký của các ngôi tháp thờ, còn có những hình ảnh sờ sờ về các câu chuyện bổn sinh, một bộ phận của Tam Tạng Pàli.

Cũng ở các ngôi tháp trên, có tên gọi của các hệ phái Tăng chúng như: Suttantika, Pacanekàyika, Petakì... Những thuật ngữ có nguồn gốc từ các chữ Sutta, Nikàya, Petaka... vẫn thường thấy trong Chánh Tạng Pàli.

Từ những luận cứ đó, Tam Tạng Kinh điển thành văn rõ ràng đã có mặt trước thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch và thậm chí dòng văn học này cũng đã tự có một vị trí thực sự ngay từ trước đó nữa là khác. Đó là nói về sử học.

Xét về bình diện văn học, hay nói rõ hơn, là về ngôn ngữ Pàli thì đúng là không hề có một cố gắng nào của người xưa trong ý muốn khẳng định sử tính cụ thể của dòng kinh văn Pàli. Trong các tác phẩm Nam Phạn, bộ Milindapanha (Mi Tiên vấn đáp) được coi là tác phẩm xưa nhất có nhắc nhở về kinh điển Pàli truyền thống. Bộ sách này được biên soạn vào tiền bán thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch. Theo các tài liệu Hậu Sớ thì ngay sau Phật lịch khoảng hai thế kỷ, các tác phẩm văn học Pàli đã bắt đầu được biên soạn. Điển hình là các cuốn biên niên sử của Tích Lan được viết bằng chữ Pàli như Đảo Sử (Dìpavamsa), và Phật Giáo Đại Sử (Mahàvamsa) vẫn được xem là các tập Chánh Sớ Tam Tạng, thì ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, dòng văn học Pàli đã có những tác phẩm kinh điển trong hình thức Sớ Sao.

Chúng ta phải nhận rằng triều đại của vua A Dục là một dấu mốc hết sức quan trọng cho lịch sử cổ đại của Phật Giáo. Lịch sử đã cho ta biết thật nhiều về những hoạt động truyền giáo của Ong vua độc đáo này. Chính sự ra đời ồ ạt của các bộ phái Phật Giáo, dù có xung khắc nhau đến mấy, đã nói lên chủ trương mộ đạo nhiệt thành của triều đại này. Dù phải nói nghiêm túc rằng bản thân nhà vua thật ra không mấy quan tâm đến vấn đề Tam Tạng tuy là ngay dưới thời ông, Kinh điển Phật giáo đã được san định ở mức hoàn chỉnh nhất. Từ đó có thể suy ra là dường như thành quả đó chỉ được thành tựu sau thời ông. Bởi rõ ràng là bình sinh vua A Dục chỉ đặt nặng vấn đề bang giao như sai phái các sứ bộ truyền giáo.

Như phần trước đã trình bày, kinh điển Pàli truyền thống gồm có ba Tạng: Luật Tạng, Kinh và Thắng Pháp Tạng. Đôi khi hệ thống giáo lý này lại được phân định thành năm Kinh bộ (Nikàya) hoặc cửu phần giáo pháp (Navangasatthusàsanà). Trong trường hợp kể theo Kinh Bộ (Nikàya) thì Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi Bộ và Tương Ưng Bộ được chỉ cho Kinh Tạng. Riêng Tiểu Bộ (Khuddakanikàya) thì ngoài một phần thuộc Kinh Tạng còn bao gồm luôn Luật Tạng và Thắng Pháp Tạng. Nếu phân theo cửu phần giáo pháp thì nội dung của Tam Tạng được kể thành chín phần như sau:

1. Sutta – Khế Kinh (ám chỉ các bài kinh dài, ngắn có nội dung độc lập và thuộc thể văn xuôi)

2. Geyya – Phúng tụng (gồm các bài kinh có cả hai thể văn xuôi và văn vần).

3. Veyyàkarana – Ký thuyết (gồm các kinh mang nội dung giải thích các kinh khác)

4. Gàthà – Kệ ngôn (gồm các kinh văn được trình bày theo thể kệ ngôn, tức hình thức thơ vịnh)

5. Udàna – Cảm hứng ngữ (bao gồm những Phật ngôn do chính Đức Phật tự cảm hứng nói ra mà không cần có người nghe).

6. Itavuttaka – Như thị thuyết (bao gồm những pháp thoại ngắn mà ngài Khujjuttarà đã thọ trì từ Đức Phật và sau đó trùng tuyên lại bằng cách mở đầu từng bài với câu xác định "Chính Đức Thế Tôn đã thuyết rằng... ")

7. Jàtaka – Bổn Sanh (những câu chuyện tiền thân Đức Phật)

8. Abbhùtadhamma – Vị tằng hữu pháp (bao gồm những bài kệ kinh kể về các sự kiện phi thường trong đời Phật nói riêng và theo giáo lý nói chung)

9. Vedalla – Phương Quãng (gồm những pháp thoại trong hình thức vấn đáp).

1)- LUẬT TẠNG PÀLI

Tạng này bao gồm những học giới và luật nghi nhắm áp dụng vào đời sống thường nhật của cả Tăng, Ni trong giáo hội xuất gia. Trước tới giờ, tất cả Phật giáo đồ đều một mực tin tưởng rằng toàn bộ Luật Tạng là do chính Đức Phật ban hành, và chỉ có riêng Ngài mới đủ tư cách ban hành Luật Tạng mà thôi. Xưa nay, theo Phật Giáo truyền thống thì Luật tạng luôn được đặt lên vị trí quan trọng nhất trong ba Tạng. Quan điển mày được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác ở các dòng Phật Giáo Thượng Tọa Bộ được xem là nguyên thủy nhất, đặc biệt là Phật giáo Miến Điện và Phật Giáo Tích Lan. Từ vị trí quan trọng như vậy, trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ đã theo thời gian mà hình thành một hệ thống Luật học hết sức phong phú, đồng thời cũng kéo theo đó những quan điểm Luật học tương khắc. Mọi sự có lẽ được bắt đầu rõ ràng nhất từ thế kỷ thứ XI để rồi mãi cho đến hôm nay, Phật giáo Miến Điện vẫn tiếp tục giữ lại một số quan điểm Luật học riêng tư của mình.

Luật Tạng, về đại thể gồm có 4 phần: Patimokkha, Suttavibhanga, Khandhaka, Parivàra.

1.1- Pàtimokkha:

Nội dung cốt lõi của Luật Tạng chính là Pàtimokkha ta có thể xem đây là một án lệ hành đạo căn bản cho tất cả chúng Tăng. Bởi Chư Tăng Phật Giáo đều phải luôn có một đời sống thu thúc bản thân y cứ trên các học giới Pàtimokkha. Nội dung của Pàtimokkha bao gồm những điều răn cấm mà Sa môn Phật giáo phải luôn chấp trì để ngăn tránh các lỗi lầm tương ứng nhằm sửa mình cho ngày một tốt hơn. Nội dung Pàtimokkha bao gồm tám phần giới án. Trong bài kinh số 108 của Trung Bộ, Tôn giả Ananda đã từng xác nhận ý nghĩa quan trọng của giới bổn trong cuộc sống tu tập của Chư Tăng mà Đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh.

Nguyên lai, có thể Pàtimokkha chỉ gồm có 152 học giới để rồi sau đó dần dần, con số này được tăng lên 227. đó là nói theo một vài kết quả nghiên cứu. Còn trong Luật Tạng nguyên thủy của Thượng Tọa Bộ thì ta vẫn cứ bắt gặp đủ số lượng 227 học giới này. Mặc dù, theo nhiều dị nản thì dù có kể đủ số 227 nhưng nó vẫn không được xem là một con số nguyên tthủy, trong khi đó, theo Suttavibhanga thì con số 227 hoàn toàn có thể được tin cậy về mặt sử học.

Pàtimokkha có một ý nghĩa rất lớn trong đời sống tu học của Chư Tăng Phật Giáo. Theo Luật tạng quy định thì mỗi nửa tháng Tăng chúng phải họp mặt nhau lại một lần để tự sám hối các lỗi lầm và nghe tụng Pàtimokkha, vẫn thường đượgntrùng tụng thành tiếng cho mọi người nghe trước khi cùng ngồi lại để nghe đọc Pàtimokkha, mọi cá nhân Tăng chúng phải tự làm trong sạch mình bằng cách sám hối.

Đối với giáo hội Ni chúng, nội dung và ý nghĩa quan trọng của Pàtimokkha cũng tương tự như bên tăng chúng.

1.2- Suttavibhanga:

Nội dung cũng vẫn là các vấn đề phật học. Có điều là ở đây các Ngài nêu ra những trường hợp duyên sự mà từ đó Đức Phật đã cấm chế các học giới. Đồng thời, Suttavibhanga còn giải thích cặn kẽ từng khía cạnh ngữ nghĩa của từ vựng Luật học, phân tích tỉ mỉ mỗi vấn đề có liên quan đến cách giải quyết Luật nghi. Chính nội dung này của Suttavibhanga đã cung cấp cho chúng ta những chi tiết hết sức quan trọng về sử học nói chung và Giáo Hội Phật Giáo đương thời nói riêng. Điều đó ta có thể bắt gặp ở phần giải về các đại giới như Bất Cộng trụ chẳng hạn.

Nói một cách ngắn gọn thì nội dung của Suttavibhanga chính là các học giới Patimokkha được trình bày và giải thích theo văn phong Kinh Tạng.

Suttavibhanga bao gồm hai phần: Mahàvibhanga và Bhikkhunìvibhanga. Mahàvibhanga giải thích về 8 trường hợp phạm tội của Luật Tạng và Bhikkhunìvibhanga là phần giải thích về các học giới Pàtimokkha của Tỳ kheo Ni.

Trong Luật Tạng có nêu ra 8 cách phạt tội và trong đó có hai hình thức được xem là phổ cập và cụ thể nhất. Đó là cách phạt tội trong hai trường hợp Bất Cộng Trụ (đương sự bị trục xuất ra khỏi Tăng chúng) và trường hợp Ưng Đối Trị (đương sự phạm tội phải nhận lỗi trước Tăng chúng để sám hối).

Sau đây là 8 trường hợp tội án của Luật Tạng:

1. Tội bất cộng trụ (Pàrajika)

Gồm có bốn trường hợp: Vị Tỳ Kheo cố ý giao cấu với người hoặc thú, vị Tỳ Kheo cố ý chiếm hữu một thứ vật chất nào dó khi chưa được chủ nhân cho phép, vị Tỳ Kheo cố ý giết người hoặc tác động chongười khác giết người hay tự tử,vị Tỳ Kheo cố ý tự nhận một qủa vị thiền định hay Thánh trí nào đó mà mình thật ra chưa hề chứng đạt.

2. Tội tăng tàn (Sanghasesa).

Bao gồm các điều cấm như cố ý làm xuất tinh, cố ý xúc chạm thân thể phụ nữ, cố ý trêu trọc hoặc tán tỉnh phụ nữ bằng những lời lẽ khêu gợi tục tằn, cố ý lên tiếng đòi hỏi xác thịt, làm mai mối cho nam nữ, xây dựng liêu cốc cho mình cho mình mà không trình báo với Tăng chúng hoặc làm sai quy cách, vô cớ vu cáo tội Bất Cộng Trụ đối với một Tỳ Kheo khác, cố ý vin một cớ nhỏ để tố gian vị khác phạm tội Bất Cộng Trụ, cố ý chia rẽ nội bộ Tăng chúng, xu hướng theo vị Tỳ Kheo chia rẽ tăng chúng, bướng bỉnh chống lại Tăng lịnh chính đáng của tập thể, có hành vi bất xứng trong quan hệ với hàng tục gia.

3. Tội Bất Định (Aniyata).

Cùng nằm hay ngồi ở một chỗ kín khuất với người phụ nữ, nơi có thể dễ dàng vi phạm học giới Bất Cộng Trụ hoặc Tăng Tàn (phép giải tội khá rắc rối).

4. Tội Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiya pacittaya):

Tội được thành lập khi cất giữ không đúng phép hoặc quá hạn các vật dụng bị cấm như thức ăn hay vàng bạc... Tội chỉ được tịnh giải sau khi vị Tỳ kheo vất bỏ chúng đi, rồi sám hối trước Tăng chúng.

5. Tội Ưng Đối Trị (Pacittiya)

Gồm đến 92 điều sau khi phạm vào một trong các tội này, vị Tỳ kheo chỉ việc trình lại với một vị khác rồi sám hối.

6. Ưng Phát Lộ (Patidesaniyadhamma)

Gồm bốn vấn đề sai trái trong khi thọ dụng thực phẩm. Đương sự vi phạm phải đến trước Tăng chúng để trình tội.

7. Ưng Học Pháp (Sekhiyadhamma)

Gồm các tiểu giới thuộc về nghi hạnh trong sinh hoạt thường nhật của một Tăng sĩ. nội dung xoay quanh các cách ăn mặc, đi đứng, hành xử...

8. Tịnh Tránh Pháp (Adhikaranasamatha)

Gồm các sai phạm nằm ngoài các học giới đã kể và ở đây Đức Phật đã đưa ra bảy phương thức giải quyết để Tăng chúng theo đó mà dàn xếp sự vụ.

1.3- Khandhaka:

Gồm hai phần lớn Mahàvagga và Cullavagga. Khandhaka được xem là phần hậu bộ cho Suttavibhanga.

Mahàvibhanga có nội dung về 12 tiêu mục liên quan Luật Tạng. Chẳng hạn, trước hết là kể lại thời điểm thành đạo của Bồ Tát, sau đó là việc Đức Phật chính thức thành lập Tăng đoàn. Tiếp đến, Mahàvagga đề cập đến các vấn đề tổ chức Tăng sự của giáo hội như lễ Phát Lộ, lễ an cư kiết hạ, lễ tự tứ... cùng nhiều việc linh tinh khác như những tiêu chuẩn hay quy định của Đức Phật về đời sống sinh hoạt của Chư Tăng (y áo, trú xứ, cách phạt tội những vị phạm giới... ). Qua những ghi chép tỉ mỉ của Mahàvagga, chúng ta hôm nay có thể dễ dàng hình dung ra nội tình chư Tăng thời đó.

Trong Mahàvagga ta còn có dịp thấy rõ những học giới nguyên thủy đã được Đức Phật quan tâm cặn kẽ và sinh động ra sao. Ngài chọn cho chư Tăng những màu y hợp cách, từng kiểu dép mang sao cho nhu nhã, cái gì được phép và cái gì bị cấm.

Như đã nói, Luật học nguyên thủy luôn luôn linh động và thực tế đến mức rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Trong tập tiểu phẩm đề cập đến những vấn đề đời thường một cách cặn kẽ. Trong đó, Đức Phật có vẻ rất quan tâm đến từng sinh hoạt lớn nhỏ của Tăng chúng, từ chuyện tóc tai (quá dài) hay y phục luộm thuộm... Ngoại trừ trường hợp bệnh hoạn, vị Tỳ Kheo không được phép sử dụng gương soi. Bên cạnh đó còn là những học giới hết sức hợp lý khác như một Tăng sĩ không thể thưởng thức các trò giải trí như khiêu vũ, âm nhạc v.v... Thậm chí một số đồ dùng cá nhân cũng không được phép sử dụng nếu không nhằm có nhu cầu thực sự sử dụng như nanh, sừng hoặc lông thú chẳng hạn.

Ngoài ra trong tập tiểu phẩm còn đề cập đến các học giới có liên quan đến đời sống Ni chúng. chẳng hạn như một vị Tỳ kheo ni không được phép xin ai đó một thứ vật chất có giá từ hai đồng vàng cổ trở lên. Các vị cũng không được phép ngồi hay trò chuyện với người khác phái ở một chỗ kín khuất hay lúc đêm hôm. Nếu chưa được sự đồng ý của gia chủ thì một vị Tỳ Kheo Ni không được ra khỏi căn nhà mà mình đang trú ngụ hoặc được mời dùng bữa thường xuyên. Luật tạng cũng không cho phép các Tỳ Khưu Ni lưu lại Bồ-tát đường sau khi lễ Phát Lồ đã kết thúc. Chư Tỳ khưu Ni cũng không được phép thưởng thức thanh nhạc hoặc tới lui những địa điểm giải trí công cộng như hí viện hoặc hoa viên; không được phép tìm học thêm bất cứ một ngành nghề sinh nhai nào mang tính thế tục. Trừ trường hợp bệnh hoạn, vị Tỳ Kheo Ni cũng không được phép sử dụng các phương tiện đi lại, vì các vị ấy rất dễ gặp phải các cám dỗ bởi những điều kiện đó. Còn về các thứ mỹ phẩm và trang sức thì coi như luôn luôn bị cấm chế tuyệt đối.

Có thể nói rằng các tuyên ngôn Tăng sự hầu hết đều nằm ở Khandhaka. Tăng chúng có thể vận dụng các tuyên ngôn này như những Luật nghi cần thiết cho những sự vụ tương ứng. Trong bảy loại tuyên ngôn của Khandhaka, tuyên ngôn Cụ Túc Giới được xem là thông dụng nhất và cho mãi đến bây giờ vẫn tiếp tục được áp dụng ở các xứ Phật Giáo Nam phương.

Nhưng ta phải nhận rằng tập Khandhaka không chỉ bao gồm những vấn đề luật học khô khan như vậy, mà ngược lại, nó còn chứa đựng những nội dung khác thơ mộng và sinh động hơn nhiều. Đó là những áng văn học Pàli cổ điển mà cho tới hôm nay, chúng vẫn không hề bị phủ nhận. Chẳng hạn những câu chuyện vừa mang tính sử học, vừa mang tính nhân bản...

Một hôm, Đức Phật cùng trưởng lão Ànanda trong khi đang đi viếng các liêu cốc chư Tăng trong tịnh xá, Ngài đã nhìn thấy một vị Tỳ kheo đang nằm đau đớn trên một đống những thứ bẩn thỉu. Chả là vị tỳ kheo nọ đã phải trải qua những tháng ngày dài bệnh hoạn mà không có người chăm sóc. Đức Phật bảo Trưởng giả Ànanda đi tìm một ít nước sạch rồi sau đó, chính tay Ngài đã tắm rửa và bồng vị này đặt trên một chiếc giường sạch sẽ. Sự việc thương tâm đó thực ra được bắt đầu một cách rất dễ hiểu. Lúc bình thường, vị này chẳng nhòm ngó tới ai nên khi hữu sự, chẳng có một bạn bè nào để mắt tới. Nhân sự kiện này, sau đó, Đức Phật đã triệu tập chúng Tăng và khuyên nhắc các vị lúc nào cũng phải nên chăm sóc lẫn nhau. Ngài còn nói thêm rằng, bất cứ ai muốn người khác đối xử với mình thế nào thì trước hết mình phải đối xử với người như vậy.

Trong Khandhaka còn kể lại nhiều câu chuyện khác mang tính đời thường và dí dỏm. Đôi vợ chồng kia có một đứa con trai mà họ rất thương yêu. Cả hai cùng bàn bạc với nhau để nghĩ ra cách nào đó có thể tạo dựng cho nó một đời sống thật sự hạnh phúc. Họ sợ việc cầm bút sẽ làm cho mấy ngón tay của cậu bé bị đau, những vận động tay chân có thể khiến cơ bắp của cậu bị nhức mỏi và thậm chí cả ngành hội họa cũng có thể làm cho thị lực của cậu bị ảnh hưởng.

Sau nhiều lần suy tính, cuối cùng, họ quyết định cho cậu bé đi tu. Theo họ, đó phương kế sinh nhai tốt nhất để cậu chàng khỏi phải vất vả cực thân!

Hoặc một câu chuyện khác cũng không kém phần hài hước và kịch tính. Có một cô danh kỹ ở thành Vương Xá chẳng may bị vướng vào cái "tai nạn nghề nghiệp" là có mang. Nàng cố dưỡng bào thai cho đến ngày sinh nở rồi sau đó bí mật đem đặt đứa trẻ sơ sinh vào một chiếc giỏ và mang thả trôi sông. Một vị hoàng tử hiếm muộn đã nhặt được đứa bé rồi cho người đem về nuôi dưỡng, đặt tên là Jìvaka. Jìvaka lớn lên được học hành đàng hoàng và đặt biệt có năng khiếu về khoa y dược. Tương truyền rằng sau bảy năm thụ học với Thầy, Jìvaka trở thành một y sĩ toàn tài. Để thử thách chàng, vị thầy ra lệnh cho Jìvaka đi khắp rừng rậm núi cao để tìm cho ra một thứ thảo mộc nào đó không thể làm thuốc được, dù là thuốc cứu người hay giết người. Và cuối cùng, Jìvaka đã trở về thưa với thầy rằng mình không thể tìm thấy một thứ thảo mộc nào không có dược tính. Cảm thấy thỏa lòng với người học trò ưu tú, vị thầy đã cho chàng một ít tiền và đồng ý cho Jìvaka được phép hồi hương để hành y cứu đời. Jìvaka từ đó trở thành một danh y nổi tiếng. Bệnh gì chàng cũng có thể điều trị bởi bất cứ thứ gì trong mắt chàng đều có thể là một món thuốc.

Để kêu gọi tinh thần tôn ti ở các vị tỳ kheo trẻ tuổi đối với các bậc tôn túc Trưởng Lão, Đức Phật đã kể lại một câu chuyện mà ở thời đại này ta có thể hiểu đó là một câu chuyện ngụ ngôn cũng được. Câu chuyện kể về ba con thú: con voi, con gà gô và một con khỉ sống gần nhau bên cạnh một cội cây đại thọ. Trong suốt một thời gian dài, ngoài chính bản thân mình, chúng không hề biết đến việc tôn trọng ai đó là người lớn nhất trong bọn. Một hôm, cả ba con thú bỗng nhiên nghĩ đến chuyện đó và cùng quyết định bầu chọn một con được xem là cao tuổi nhất để hai con còn lại có thể đối xử tôn trọng. Con gà gô và con khỉ đề nghị con voi kể lại một sự kiện nào đó như là dấu mốc thời gian để xem nó đã sống được bao lâu. Con voi trả lời rằng, ngày nó còn bé thì đọt cao nhất của cây này cũng chỉ nằm dưới bụng con nó mà thôi. Câu hỏi lại được đặt ra cho con gà gô và con khỉ. Con khỉ cho biết ngày nó còn nhỏ thì cây đại thọ vẫn còn thấp lắm, nó có thể ngồi dưới đất mà đưa tay bẻ ngắt đọt cây. Đến phiên con gà gô thì nó thủng thỉnh trả lời rằng, ngày xưa, chính nó đã ăn một trái cây dại từ một địa điểm gần đó. Về sau nó đi tiêu ra và một cái hạt trong đống phân đó đã mọc thành cái cây hiện tại mà ba con thú vẫn thường chọn làm chổ gặp mặt. Nghe xong lời kể của con gà gô, khỉ và voi quyết định xem gà gô là anh cả trong nhóm để chúng nghe lời và tôn trọng!

Ngoài ra, trong tập Khandhaka còn kể lại rất nhiều giai thoại về những nhân vật có tên tuổi trong Phật giáo thời đó như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, La-hầu-la, triệu phú Cấp-cô-độc, Đề-bà-đạt-đa.

Tập Khandhaka còn nhắc đến một sự kiện hết sức quan trọng đối với lịch sử Phật Giáo, đó chính là sự ra đời của giáo hội Ni chúng. Trước lời khẩn thỉnh thiết tha của người dì ruột là bà Gotami và Ngài Ànanda, Đức Phật đã chấp thuận cho nữ giới được xuất gia trong giáo hội. Cùng với một lời cảnh báo về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra từ sau có mặt của Ni chúng. Theo Ngài thì một đoàn thể xuất gia có sự góp mặt của nữ giới thì đó là một giáo hội bị bỏ ngõ, một cánh đồng đang bị chim chuột tấn công, một ngôi nhà đang bị trộm cướp rình rập. Từ đó, để chặn đứng phần nào những đổ đốn có khả năng xảy ra trong tương lai cho Phật giáo, Đức Phật đồng ý thành lập Ni chúng kèm theo 8 điều chế pháp mà bất cứ vị tỳ kheo ni nào cũng phải tuyệt đối chấp hành. Nội dung đại lược của tám điều chế pháp đó là xác định vị trí thứ yếu của Ni chúng đối với Tăng chúng, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Tăng chúng đối với Ni chúng cùng một số lưu ý của Đức Phật về các thói xấu thường thấy ở nữ giới

1.4- Parivàra (TẠP SỰ BỘ)

So với các phần khác của Luật Tạng thì Parivàra được biên soạn muộn màng nhất và có lẽ đây là tác phẩm của một Trưởng lão Tích Lan nào đó. Nội dung của Paravàra hầu như bao gồm toàn bộ Luật Tạng và các vấn đề được trình bày trong hình thức vấn đáp. Sách gồm 19 chương bao gồm cả các mục từ vựng, danh mục,... Cách bố trí nội dung này của Parivàra cứ làm ta nhớ đến các tập phụ lục (Anakramanis) của kinh điển Vệ Đà (Vedange).

Trong bài kệ dẫn nhập của bộ Parivàra có nhắc đến sự kiện Ngài Mihinda sang Tích Lan. Và như vậy thì ta cũng có thể giả định rằng bài kệ này của vị Trưởng lão nào đó của Tích Lan chẳng hạn như Ngài Arittha, cháu kêu vua Devanampiyatissa bằng cậu. Đã vậy, trong bài kệ kết thúc của bộ Parivàra ta còn bắt gặp câu ghi chú sau đây: "Sách được biên soạn bởi một người Tích Lan (nguyên tác gọi là "Người Ở Đảo") theo phong vận ngôn ngữ và tinh thần sáng tác của các bậc ton đức".

2) KINH TẠNG:

Nếu nội dung trọng tâm của Luật Tạng là nói về Tăng chúng thì nội dung chủ yếu của Kinh Tạng chính là đề cập về giáo lý. Từ Kinh Tạng, chúng ta có thể học hỏi gần như trọn vẹn tất cả những lời dạy của Đức Phật cùng chư Thánh tăng môn đệ về giáo lý Đạo Phật. được trình bày bằng đủ các thể văn xuôi và văn vần, Kinh Tạng có một nội dung vô cùng phong phú. Ở đó chứa đựng tất cả những pháp thoại chuyên môn, các thể loại văn học dân gian cùng những câu nói minh triết đáng được xem là châu ngọc trong kho tàng văn hóa của nhân loại từ suốt cổ kim và khắp cả Đông Tây...

Kinh Tạng được phân thành năm bộ lớn: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh. Nội dung của bốn bộ Kinh đầu bao gồm những pháp thoại tự thuyết của Đức Phật hoặc những bài đối thoại giữa Ngài với những người cầu pháp. Trong đó, đôi khi chúng ta bắt gặp một số bài Kinh được nhắc đi nhắc lại đúng theo tư phong thường thấy ở các tác phẩm kinh điển thời xưa. Còn Tiểu Bộ Kinh thì phần lớn nội dung là các cổ tích, giai thoại, thi ca giáo lý cùng những Phật ngôn ngắn gọn như kiểu cách ngôn. Sau đây là nội dung ngắn gọn của năm bộ Kinh Tạng.

2.1) Trường Bộ Kinh (Dìgha-nikàya)

Bộ Kinh được gọi tên như vậy vì nội dung gồm toàn những bài Kinh thật dài, dài nhất của Kinh Tạng. Trường Bộ Kinh có tất cả là 34 bài Kinh với các tiêu đề giáo lý hầu như độc lập và cũng gồm hai hình thức trình bày đơn thuyết hoặc đối thoại. Trường Bộ Kinh được chia thành ba đại phẩm: Silakkhandhavagga (gồm bài Kinh số 1 đến bài Kinh số 13), Mahàvagga (gồm từ bài Kinh số 14 đến bài Kinh số 23), Patikavagga (gồm từ bài Kinh số 24 đến bài Kinh số 34).

Về nội dung và chi tiết đặc biệt của mỗi phẩm cũng khác nhau. Trước hết, về vấn đề thời gian thì những bài Kinh được xem là nguyên thủy nhất chủ yếu tập trung ở Sìlakkhandhavagga và những bài Kinh muộn màng nhất thì được xếp vào Patikavagga. Những bài Kinh dài nhất của Trường Bộ hầu như đều nằm ở Mahàvagga. Trong số đó có một vài bài được xác định là đời sau lúc Phật viên tịch.

Văn thể của các bài Kinh trong cả ba phần cũng giống nhau. Các Kinh ở Sìlakkhandhavagga đều thuộc thể văn xuôi và văn vần. Có thể nói các bài kệ trong Trường Bộ Kinh đều là thể kệ bình dân dù rất súc tích.

Ở đây, ta có thể kể ra nội dung của một số bài Kinh trong Trường Bộ. Chẳng hạn bài Kinh đầu tiên được gọi là Kinh Phạm Võng. Ngay tên gọi của bài Kinh cũng tự có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, Phạm Võng có ý nghĩa là chiếc lưới Chánh Pháp.Ở đây, Đức Phật đưa ra hình ảnh một ngư phủ tung một tấm lưới lớn vào hồ nước để tóm gọn một mẻ tất cả những tôm cá lớn nhỏ bên dưới và Đức Phật dạy rằng nội dung của bài kinh Phạm Võng cũng có ý nghĩa như chiếc lưới đó vậy. Trong bài Kinh này, Đức Phật đã nêu bật toàn bộ quan điểm triết học của tất cả Bà-la-môn đương thời và vạch rõ những điểm sai trái lầm lẫn trong đó. Đức Phật cảnh giác các đệ tử nên tránh xa lối sống tà vạy của các Bà-la-môn, chẳng hạn như các sinh kế bị xem là tà mạng như cúng tế, bói toán, bán buôn, chăn nuôi, hành y, họa phù làm phép hoặc sống hưởng thụ các thú khoái lạc của người thế tục. Đặc biệt trong bài Kinh này, Đức Phật còn đề cập đến những vấn đề triết học quan trọng có quan hệ lãnh vực thế giới, sự hiện hữu của một linh hồn bất tử, về Thượng Đế. Đại khái bài Kinh Phạm Võng đã làm nổ tung thế giới của các Bà-la-môn.

Bài Kinh thứ hai là Kinh Sa Môn Quả. Tên gọi của bài Kinh này đã nói lên toàn bộ nội dung bên trong. Ở đây Đức Phật từng bước phác họa một cách tỉ mẫn quá trình tu chứng của một Sa-môn Phật Giáo. Ngài cũng nhắc đến để so sánh các quan điểm tu học của những tôn giáo đương thời. Bài Kinh đã kể lại cho chúng ta một cách khá chi tiết về đời sống và tư tưởng của người dân Ấn độ thời đó.

Ở ba bài Kinh tiếp theo: bài Ambattha-sutta (số 3), bài Kutadantasutta (số 5), bài Tevijjasutta (số 13) đã nêu rõ quan điểm phê phán của Đức Phật về tinh thần phân biệt giai cấp xã hội của các Bà-la-môn, những nghi thức sát sinh, hiến tế tàn bạo của họ cùng quan niệm ngã chấp về một cái Tôi chí tôn mà họ vẫn chủ trương.

Bài Kinh nổi tiếng nhất của Trường Bộ Kinh được chỉ cho bài Kinh Đại Bát Niết-bàn có một nội dung khá độc đáo so với các bài Kinh khác. Nội dung của Kinh không đề cập chuyên biệt về một vấn đề giáo lý nào mà lại chủ yếu kể về những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời Đức Phật, những lời dặn dò mà Ngài đã thiết tha gởi lại cho các đệ tử. Phải nói rằng, nội dung bài kinh Đại Bát Niết-bàn đã gần như là một tập tự truyện về cuộc đời của một bậc vĩ nhân cao cả nhất trong lịch sử nhân loại. Nội dung bài Kinh mà hôm nay chúng ta đọc được là tất cả những gì đã góp nhặt và san định trong hằng nhiều thế kỷ sau ngày Đức Phật viên tịch. Trong đó, có đủ tất cả những cái mới và cái cũ, đồng thời cũng nảy sinh lắm chi tiết đáng được quan tâm. Chẳng hạn như vào những giây phút cuối cùng của Đức Phật, theo những cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Ngài Ànanda, ta bắt gặp ở đây đến hai hình tượng Đức Phật: một của đời thường có những dáng nét rất Người, nhưng bên cạnh đó lại là một Đức Phật tôn giáo, có vẻ như một siêu nhân đầy quyền phép. Trong bài Kinh cũng nhắc đến sự kiện hỏa táng và lập tháp để tôn thờ xá lợi của Ngài. Cứ theo cách nói của bài Kinh (nếu xem lại thật kỹ) ta sẽ dễ dàng cảm nhận mơ hồ một màn sương huyễn hoặc vây phủ quanh Ngài. Nhưng có lẽ phần phụ cố này không có trước thời vua A Dục.

2.2) Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikàya)

Ở đây gồm những bài Kinh không đến nỗi quá dài như Trường Bộ, dù cũng không phải là quá ngắn. Bộ Kinh gồm 152 bài Kinh được chia thành 3 phần. Cũng giống như Trường Bộ Kinh, mỗi bài Kinh của Trung Bộ đều có một tiêu chí giáo lý độc lập.

Nội dung của Trung Bộ Kinh bàn về tất cả những vấn đề giáo lý căn bản và phổ biến nhất của Phật Giáo như Bốn Thánh Đế, lý nhân quả, tính tập khí của tham ái, lý vô ngã, vấn đề Niết-bàn,... Trung Bộ Kinh còn có nội dung phê bình các dòng giáo lý vô lối của ngoại đạo như Bà-la-môn giáo, Kỳ-na giáo (Ni kiền tử). Đồng thời cũng nêu rõ quan điểm đạo đức học, xã hội học của Phật Giáo truyền thống. Bản thân Trung Bộ Kinh cũng đủ là một bức tranh lớn về những khía cạnh xã hội và tôn giáo của Ấn Độ cổ đại.

Ở đây ta có thể điểm sơ vài nét về nội dung của một số bài Kinh được xem là khá nổi bật của Trung Bộ. Chẳng hạn như bài Kinh số 93, bài Kinh Assalayana. Một thanh niên Bà-la-môn trí thức là Assalayana đã đến gặp Đức Phật và trong cuộc đối thoại với Ngài, chàng một mực đề cao cái gọi là tính cách cao quý thiêng liêng của giai cấp Bà-la-môn. Đức Phật đưa ra hình ảnh hai người đốt lửa vốn xuất thân từ hai giai cấp xã hội khác nhau, rồi Ngài hỏi Assalayana có thể tìm thấy sự khác biệt nào trong hai ngọn lửa của hai người đốt lửa ấy hay không. Assalayana đã lập tức chấp nhận quan điểm bình đẳng của Đức Phật và trở thành một Phật tử. Có một số bài Kinh Trung Bộ chỉ đơn giản là một câu chuyện, ngoài ra không đặc biệt nhấn mạnh một vấn đề giáo lý nào, như Kinh 86 chẳnh hạn.Ở đây là một câu chuyện kể về tay sát thủ Angulimàla sau khi được đức Phật tiếp độ đã đi xuất gia và chứng ngộ quả vị A-la-hán. Bài Kinh này gồm cả hai thể văn xuôi và kệ ngôn. Và điệu thức kệ ngôn trong bài Kinh này phải được nhấn mạnh là một điển hình thật độc đáo trong dòng thơ ca đạo Phật. Bài Kinh 83 kể lại câu chuyện về một vị Hoàng đế tên Makhadeva chỉ nhìn thấy sợi tóc bạc trên đầu mình đã chán đời rồi bỏ ngôi đi tu. Câu chuyện này cũng còn được tìm thấy trong Kinh Bổn Sanh.

Cũng như ở trường hợp Trường Bộ Kinh, trong Trung Bộ Kinh cũng gồm đủ những bài Kinh nguyên thủy và những bài hậu bổ về sau. Bên cạnh đó, hình ảnh Đức Phật ở đây đó trong Trung Bộ Kinh cũng không được thống nhất. ở đôi chỗ, Ngài chỉ là một bậc Đạo Sư trong hình hài một con người dung dị. nhưng ở đây, một vài chỗ khác thì Ngài có vẻ như một Ông Thần, một vị Thánh siêu nhiên.

2.3) Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikàya)

Chữ Samyutta vốn nhiều nghĩa: nhóm bọn, kết hợp, gắn bó, quan hệ,... Nếu tạm dịch thì Samyutta thường được dịch là phẩm Tương Ưng. Trọn bộ Kinh Tương Ưng gồm có 56 phẩm Tương Ưng với tổng số lượng 2889 bài kinh. Sau đây là danh mục và nội dung của một số phẩm:

- Phẩm Tương Ưng Chư Thiên: gồm những phát biểu mà chư Thiên thưa với Đức Phật về nhiều vấn đề giáo lý khác nhau, có khi trong hình thức đối thoại và có lúc trong hình thức tự bạch.

- Phẩm Ác Ma: gồm những câu chuyện ngắn kể lại những lần Ác Ma Thiên Tử hiện xuống quấy nhiễu Đức Phật hoặc các đệ tử của Ngài.

- Phẩm Tương Ưng Thiên Đình: gồm 55 bài Kinh trình bày về các loại thiền chứng.

- Phẩm Tương Ưng Thánh Đế: gồm 131 bài Kinh với nội dung chủ yếu đề cập về Tứ Diệu Đế.

Dựa vào ít nhất là ba nguyên tắc sau đây, các vị Kiết Tập Sư đã sắp xếp nội dung của từng phẩm với những bài Kinh thích ứng. Trước hết là các Ngài căn cứ vào đề mục giáo lý của mỗi bài Kinh mà xếp phẩm. Thứ đến là dựa vào đối tượng nghe Kinh mà xếp phẩm và trường hợp thứ ba là căn cứ vào đương sự nói Kinh (tức người phát biểu).

56 phẩm Tương Ưng còn được phân thành 5 đại phẩm: Sagàthàvagga, Nidanavagga, Khandhavagga, Sadayatanavagga và Mahàvagga.

Trong số đó, đại phẩm đầu tiên có nội dung chủ yếu là về phép sống thánh hạnh của Phật ngôn. Ở bốn đại phẩm sau thì đại khái nói nhiều về các vấn đề mà nay ta có thể tạm gọi là thuộc các lĩnh vực Trí Thức Luận và Siêu Hình Học. Song song theo đó còn là những bài kinh có nội dung kể về nếp sống thường nhật của Đức Phật và Chư Thánh Tăng cùng những đề tài có ý nghĩa tán thán Ngài và Giáo Pháp.

Tuy vậy, nội dung của Tương Ưng Bộ Kinh không chỉ gồm những vấn đề chuyên môn và khô khan. Ta vẫn có thể bắt gặp đây đó những bài Kinh hết sức thú vị và sinh động. Một phần trong những dáng nét đó chính là cái văn phong thơ mộng của Kinh mà đặc biệt là ở phẩm Sagàthà-vagga. Phẩm này chủ yếu là một tác phẩm thi ca hết sức độc đáo. Ờ các tác phẩm khác cũng có kệ ngôn (thi ca), nhưng phải nói trong phẩm này có số lượng kệ ngôn lớn nhất. Thậm chí có một số bài Kinh trong phẩm chỉ độc thuần là kệ ngôn.

Ta có thể bắt gặp trong phẩm này những vấn đề nho nhỏ, vừa dễ thương mà cũng gần gũi. Như trong câu kệ của phẩm, có thể đọc thấy những câu vấn đáp có vẻ ngộ nghĩnh và mộc mạc như sau:

"Vấn: - Cái gì là sinh lực cho người đàn ông? Tình bạn nào là quan trọng nhất trong đời và thiên hạ dưới gầm trời này được sống còn nhờ cái gì?

Đáp: - Sinh lực của người đàn ông là con cái. Tình bạn quan trọng nhất trong đời chính là tình phu phụ và người ta sống được là nhờ vào những cơn mưa".

Trong Tương Ưng Bộ Kinh cũng ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phật với Dạ Xoa và chi tiết này cứ làm ta nhớ đến tác phẩm văn học Maha-bharata về cuộc đối thoại giữa yudhsthira cũng với một Dạ Xoa.

Các bài kệ kể lại những lần gặp gỡ của Ác ma Thiên Tử với Chư vị Trưởng Lão Ni quả là những vần thơ đẹp nhất trong dòng thơ ca Ấn Độ cổ đại. Như dịp Ác Ma hiện xuống quấy phá Trưởng Lão Ni Kisagotami chẳng hạn.

Lần đó, Đức Phật đang ngụ tại chùa Kỳ Viên thành Xá vệ. Lúc bấy giờ Trưởng lão Ni Kisagotami sau buổi cơm trưa đã tìm đến một gốc cây yên tĩnh để nghỉ ngơi bằng cách nhập định. Để quấy nhiễu bà, Ác Ma Thiên Tử xuất hiện và hỏi bà:

"Tại sao nàng lại ngồi cô đơn trong khu rừng vắng này, đôi mắt nàng buồn quá, trông cứ giống như đôi mắt của một người mẹ bị mất con, hay nàng đến đây để tìm một người đàn ông nào đó?"

Nhận ra người đối diện chính là Ác Ma, Trưởng Lão Ni trả lời:

"Cái ngày tang tóc đó đã qua rồi và ta bây giờ cũng chẳng cần thiết gì tới một người đàn ông nào hết. Từ lâu, ta đã chẳng còn chảy nước mắt. Này Thiên Tử, ta không có kinh sợ Ngài đâu. Bóng tối vô minh của ta đã được vẹt tan, mọi chuyện trên đời đối với ta là vô nghĩa. Ta đã vượt khỏi tầm ảnh hưởng của Thần Chết. Ta đang ngồi đây nghỉ ngơi với một nội tâm tĩnh lặng và không sợ hãi."

Biết không thể làm rung động được vị Trưởng Lão Ni, Ác Ma đã thất vọng biến mất lập tức.

Theo Carpenter nhận xét, một cách không thuyết phục lắm, thì những câu chuyện thuộc loại trên đây không có giá trị thơ ca thuần tuý, mà lại có vẻ là những kịch phẩm ngắn mà thôi. Ông có phần nào đúng bởi rõ ràng là những câu chuyện đã có thể đã được vận dụng như là những chất liệu xây dựng cho các kịch phẩm đời sau, nhưng ở đây ta tuyệt nhiên không thể nói rằng văn phong của chúng là thứ văn chương kịch nghệ. Tiện đây, còn có một điều đáng ghi nhận là không có một minh chứng nào về sự vay mượn của các kịch phẩm hoặc cách nói ca kịch từ những câu chuyện như vậy trong Tam Tạng Pàli. Nói ngắn gọn hơn, trong văn học Kinh Phật không hề có thứ văn học đó. Ngược lại, các nhà học Phật còn lên tiếng phản đối chuyện đó nữa là khác. Winternitz có vẻ khá chính xác khi cho ra nhận định rằng các câu chuyện trong kinh Phật đã để lại những dấu ấn rất lớn trong tác phẩm Mahabharata!

2.4) Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-nikàya)

Còn có một tên gọi khác là TĂNG NHẤT BỘ hoặc TĂNG NHẤT A-HÀM (Ekuttara-nikàya). Nội dung của bộ Kinh này bao gồm các vấn đề giáo lý được kể theo số mục từ ít đến nhiều, mà bắt đầu là một. Có ít nhất là 2308 bài kinh nằm gọn trong hai phân mục (Nipàta). Mỗi phân mục lại gồm nhiều tiểu phẩm (Vagga). Sau đây là nội dung đại lược của các phân mục:

- Phân mục một chi pháp (Eka-nipàta) đề cập đến những gì mang tính duy nhất, như vị trí độc tôn của các vị Phật trong mỗi thời kỳ.

- Phân mục hai chi pháp (Duka-nipàta) đề cập đến những pháp môn có hai khía cạnh hoặc hai vấn đề nào đó có thể nằm chung một phạm trù. Như pháp bất thiện di hại trong đời này và đời sau, hai pháp bố thí là tài thí và vật thí.

- ...

Cứ thế, toàn bộ nội dung của Tăng Chi Bộ Kinh trình bày các pháp môn theo hệ thống số mục như vậy cho đến phân mục cuối cùng gồm đến mười hai chi pháp trong một phân mục.

So với các bộ Kinh khác của Kinh Tạng, Tăng Chi Bộ Kinh có một hình thức độc đáo riêng biệt. Bởi ta cũng thấy rõ ràng, Đức Phật luôn tùy duyên thuyết giáo và hệ thống Kinh điển Phật ngôn buổi đầu chỉ nằm trong dạng khẩu truyền thì làm sao có chuyện các pháp môn được sắp xếp theo một trật tự như vậy. Vấn đề hết sức dễ hiểu là hệ thống đó đã được các vị Kiết Tập Sư sắp xếp, san định nhằm giúp cho các thế hệ hậu lai có thể dễ dàng ghi nhớ hoặc học thuộc lòng. Cách trình chỉ riêng ở Tăng Chi Bộ Kinh mới có. Nhưng điều hết sức đặc biệt là ở Kinh Tạng thì như vậy, còn ở tập Puggalapannatti của Tạng Thắng Pháp nguyên thủy thì ta lại bắt gặp một nội dung có cách bố cục hoàn toàn đồng dạng, cứ như một phần trích lục từ Tăng Chi Bộ vậy.

Đọc kỹ Trường Bộ và Trung Bộ rồi đem so sánh với Tăng Chi Bộ, ta sẽ tìm thấy toàn bộ những vấn đề giáo lý vốn đã dàn trải ở hai bộ kia, giờ lại được chắt lọc và hệ thống hoá ở Bộ này. Nói vậy không có nghĩa là Tăng Chi Bộ thiếu tính nguyên thủy riêng tư. Bởi bản thân rất nhiều bài Kinh Tăng Chi Bộ vốn tự có những nét thơ mộng riêng tư hết sức độc đáo mà ở các Bộ khác không có được. Nội dung Tăng Chi Bộ xứng đáng được xem là một bức tranh toàn cảnh về giáo lý Đức Phật cùng các vấn đề xã hội đương thời. Ta có thể bắt gặp ở đây những gương mặt tên tuổi của lịch sử Phật Giáo trong thời kỳ Đức Phật cùng các vấn đề giáo lý cốt lõi như nghiệp lý cũng được nhắc đến một cách sâu rộng và sinh động.

2.5) Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikàya)

Dù được kể là một bộ phận Kinh Tạng nhưng có một thời Tiểu Bộ Kinh còn bao gồm cả Tạng Thắng Pháp (Luận Tạng). Ta có thể nói rằng nếu xét về nội dung thì hầu hết Tiểu Bộ Kinh là Tục Tạng chớ không phải Chánh Tạng. Bởi bên cạnh một số rất nhỏ những bộ phận được xem là nguyên thủy nhất thì phần còn lại hầu như chỉ là những chú giải cho các Phật ngôn chính thống. Bởi rõ ràng là sau khi đã san định xong bốn Bộ Kinh (Nikàya) trước, các vị Kiết tập Sư mới hoàn chỉnh nội dung Tiểu Bộ Kinh.

Dù cũng có thể văn xuôi, nhưng đại bộ phận của Tiểu Bộ Kinh đều thuộc văn kệ. Phải nói rằng những tác phẩm thi ca (Kàvya) quan trọng nhất của Pàli đều nằm trong Tiểu Bộ Kinh.

Đề tài của Tiểu Bộ Kinh rất phong phú, được san nhuận, bổ sung qua các thời kỳ với sự đóng góp của chư Trưởng Lão trong các bộ phái Phật giáo. Buổi đầu, có thể đó là những tác phẩm rời rạc, nhưng qua thời gian đã được sắp xếp gọn gàng vào Tiểu Bộ Kinh.

Nói vậy có nghĩa là có một số bộ phận trong Tiểu Bộ Kinh chỉ được ra đời sau ngày Đức Phật viên tịch. Việc này dễ làm ta nhớ đến một sự kiện thật đáng lưu tâm, đó là lời tiên tri của Đức Phật về hậu vận của Phật giáo trong tương lai. Trong Tương Ưng Bộ Kinh rồi cả Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật đã từng lên tiếng cảnh báo rằng sau này các đệ tử của Ngài sẽ không còn mấy vị tha thiết quan tâm đến những kinh văn có nội dung giải thoát, hướng về Không Tịch (Sunnata) mà phần đông chỉ thích thú và đam mê với những tác phẩm thơ văn ủy mị, tình cảm yếu đuối. Từ đó dẫn đến trường hợp các vị có khuynh hướng bảo trì truyền thống thường có vẻ xem thường các tác phẩm Phật học được viết bằng thơ ca của tác giả hậu thời.

Theo truyền thống Tích Lan thì Tiểu Bộ Kinh bao gồm 17 phần Tiểu Tụng, Pháp Cú, Cảm Hứng Ngữ, Như Thị Thuyết, Kinh Tập, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Bổn Sanh Kinh, Đại Xiển Minh, Tiểu Xiển Minh (có chỗ nói là của Ngài Xá-lợi- phất, có chỗ nói là của Ngài Buddhaghosa), Vô Ngại Giải Đạo, Kinh Bổn Sư, Phật Tông và Hạnh Tạng.

Theo Ngài Buddhaghosa sắp xếp thì Tiểu Bộ Kinh chỉ gồm có 15 phần. Còn theo truyền thốngcủa Miến Điện thì các tác phẩm sau đây cũng được kể vào Tiểu Bộ Kinh:

Milindapanha, Suttasangaha, Petakopadesa, Nettipakarana.

* Tiểu tụng (Khuddakapàt.ha) gồm chín phần:

- Nói về đức tin nơi Phật Pháp.

- Nói về mười học giới của Sadi.

- Nói về 32 thể trược.

- Nói về 10 đề tài pháp số (pháp một chi là vật thực, pháp hai chi là danh sắc, pháp ba chi là tam thọ,... ) vốn thường được khảo nghiệm nơi các vị Tăng Sư (xin xem thêm Tăng Chi Bộ Kinh).

- Các nguyên tắc Xã hội Học theo nhân sinh quan Phật Giáo (bài kinh "Ba mươi tám pháp an lành").

- Vấn đề tôn trọng đối với Tam Bảo và các phi nhân (Kinh Tam Bảo).

- Vấn đề tang lễ và nghiệp lý, mà ở đây là vấn đề hồi hướng và cúng dường (bài kinh Tirokuddasutta).

- Các công đức cần thực hiện trong đời sống hiện tại (Kinh Hậu Đức - Nidhisutta).

- Vấn đề tình thương đối với tất cả chúng sanh.

Trong 9 phần nói trên đây, có năm bài Kinh được đặc biệt chú yếu là: Hạnh Phúc Kinh, Tam Bảo Kinh, Ngạ Quỷ Kinh, Hậu Đức Kinh và Từ Bi Kinh.

Chỉ trừ hai bài đầu, 7 bài còn lại vẫn được Chư TĂng Phật Giáo Nam Phương thường xuyên tụng đọc như những bài hộ kinh có tác dụng trấn áp các hàng phi nhân. Nghi Thức này thường được thực hiện vào các dịp động thổ tân gia hay tang lễ, hoặc hộ niệm cho người bệnh hoạn.

Các vấn đề của tập Tiểu tụng thực ra là những đề tài đã được nhắc tới trong các tác phẩm kinh văn khác. Chẳng hạn như 10 học giới của Sa-di vốn được rút ra từ Luật Tạng nguyên thủy. Các bài Hạnh Phúc Kinh, Tam Bảo Kinh và Từ Bi Kinh cũng đã được nhắc tới trong Kinh Tập (Suttanipàta), một bộ phận của Tiểu Bộ Kinh. Còn Ngạ Quỷ Kinh (Tirokud.d.asutta) thì ta có thể tìm thấy ở phần Ngạ Quỷ Sự.

* Pháp Cú Kinh (Dhammapada):

Có lẽ trong toàn bộ Kinh điển Pàli, Pháp Cú Kinh được xem là phần nổi tiếng nhất. Ngoài các bản bằng những phương ngữ Ấn Độ nói riêng và Đông phương nói chung, Dhammapada còn được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương. Nội dung của Dhammapada là những Phật ngôn dễ hiểu, được trình bày trong một ngữ khí hấp dẫn, nhiều hình ảnh và thơ mộng.

Ngoài nguyên bản tiếng Pàli, kinh Dhammapada còn có bốn phiên bản độc đáo khác nữa trong các chuyển ngữ Sanskrit bác học, Sankrit hỗn chủng, Prakrit và Hán văn.

Dhammapada gồm 423 bài kệ được sắp xếp trong 26 phân phẩm, mỗi phẩm bao gồm các vấn đề giáo lý được trình bày qua những hình ảnh tương dụ thích ứng. (xin nghiên cứu thêm ở các bản dịch Pháp Cú Kinh bằng Việt ngữ của Hòa Thượng Thích Minh Châu - Viện Trưởng Viện Phật học Vạn HẠnh, Việt Nam, hoặc của Phạm Kim Khánh, TT. Pháp Minh, các dịch giả uy tín của Phật giáo Theravàda Việt Nam).

* Cảm Hứng Ngữ (Udàna):

Nếu dịch sát theo ngữ căn thì chữ Udàna có nghĩa là ứng khẩu, nêu bật mà cũng có nghĩa là nói lên. Nội dung Cảm Hứng Ngữ bao gồm các kệ ngôn và giai thoại. tất cả được xếp gọn trong 7 phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm 10 bài Kinh (sutta): ở mỗi Kinh đều có phần sơ dẫn về nhân duyên thuyết kệ của Đức Phật rồi sau đó là phần kệ ngôn của Ngài. Những câu nói của Đức Phật trong Kinh này được gọi là những Cảm Hứng Ngữ do chính Đức Thế Tôn tự khái mà nói lên, phần lớn đều thuộc thể kệ ngôn dù cũng có đôi chỗ thuộc văn xuôi. Nội dung Cảm Hứng Ngữ chủ yếu nói lên một lý tưởng sống Thánh hạnh và đồng thời cũng đặc biệt nói nhiều về hạnh phúc Niết-bàn. Cách nói chuyện của Đức Phật trong Cảm Hứng Ngữ hết sức trong sáng, giản dị.

Tuy chỉ là bộ phận nhỏ của Tiểu Bộ Kinh nhưng cảm Hứng Ngữ đã nhắc tới nhiều vấn đề Giáo lý quan trọng trong cả ba Tạng. có điều là không phải toàn bộ Cảm hứng Ngữ đều của Đức Phật. Một phần trong đó được gán cho người khác như các Thiên Nhân hoặc một nhân vật nào đó, nhưng câu nói của họ đã được Đức Phật ấn khả. Ta có thể tìm thấy ở các tập Kinh khác một vài dấu vết của Cảm Hứng Ngữ. Chẳng hạn như trong Cảm Hứng Ngữ có nhắc đến một số vấn đề liên quan đến cuộc đời Đức Phật có vẻ như được lấy ra từ Luật Tạng và kinh Đại Bát Niết-bàn của Trường Bộ.

Về nội dung cụ thể của Cảm Hứng Ngữ xin xem lại bản dịch trong Tiểu Bộ Kinh của Hòa Thượng Thích Minh Châu.

*Như Thi Thuyết (Itivuttaka)

Nhan đề Itivuttaka có nghĩa là "Đức Phật đã nói như thế". Tập Kinh này gồm cả hai thể văn xuôi và văn kệ. Vấn đề nội dung được nêu ra bằng văn xuôi ồi sau đó được thu gọn trong một bài kệ kết luận. Đọc thẳng Như Thị Thuyết, ta thấy rõ ràng đó là những lời thuyết giáo trực tiếp của Đức phật cho một đệ tử của mình. Theo sớ giải thì người thọ trì những Phật Ngôn này chính là Khujjuttarà. Nghiên cứu kỹ lưỡng kết cấu từng bài Kinh của Như Thị Thuyết, ta sẽ nhận ra một điều là ở đôi chỗ, phần nội dung của đoạn văn xuôi phía trên không tương ứng với bài kệ bên dưới. Điều đó cho thấy chánh bản của Như Thị Thuyết nguyên thủy đã có thêm những chỗ gia cố của đời sau.

Itiputtaka gồm bốn phân mục (nipàta), mỗi phân mục lại bao gồm những tiểu Phẩm (vagga). Như Thị Thuyết có tất cả 120 bài. Ngôn phong của Như Thị Thuyết rất sáng sủa, một phần cũng nhờ cách nói ẩn dụ của Đức Phật. các vấn đề giáo lý được minh họa rõ ràng. Chẳng hạn như Phật nói một người đàn tín chân chánh cứ giống như mưa trời tưới mát núi non và làm đầy nước các thung lũng, lục căn giống như những cánh cửa luôn cần được canh phòng cẩn mật.

Tập Như Thị Thuyết đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu, nên về nội dung cụ thể ta có thể tìm đọc ở bản dịch này.

* Kinh Tập (Suttanipàta)

Là phần thứ năm trong Tiểu Bộ Kinh, bao gồm cả hai phần tường thuật và đối thoại. Kinh Tập gồm năm phẩm lớn, trong mỗi phẩm lại có nhiều bài Kinh. Trong bốn phẩm đầu bao gồm 54 bài trường thi được đánh giá là loại hình thi ca trữ tình của Pàli. Phẩm cuối cùng chỉ gồm một bài Kinh Đáo Bỉ Ngạn (Paràyanàsutta), cũng là một bài trường thi và bao gồm 16 phân đoạn.

Có thể nói đây là một tập kinh tuy ngắn gọn nhưng đã bao hàm phần lớn những vấn đề giáo lý quan trọng. Nội dung Kinh tập là một cố gắng đánh đổ toàn bộ những nghi thức tôn giáo vô lối, niềm tin mù quáng về sự tồn tại của một thượng đế ảo tưởng và đồng thời nêu bật tinh thần tự giác, tự lực của mỗi người. Ai cũng có thể chứng ngộ Niết-bàn bằng con đường liễu tri Tam tướng và chứng ngộ Tứ đế thông qua công phu tu học Bát Thánh Đạo. Song song với những vấn đề giáo lý cốt lõi này là việc nêu bật điểm khác biệt giữa nét ưu việt của Phật giáo so với các tín ngưỡng đương thời mà đứng đầu là Bà-la-môn giáo.

Có rất nhiều chứng cứ giúp ta hiểu được rằng Kinh Tập là một trong những bộ phận kinh điển nguyên thủy nhất của Phật giáo. Nếu không phải toàn bộ thì ít nhất cũng là một phần của tập kinh này đã được ra đời ngay từ thời đức Phật hoặc lúc sinh thời của chư vị Thánh Tăng đích truyền từ đức Phật, bởi rõ ràng là nội dung Kinh Tập chỉ thuần tuý nói về Phật Pháp như một đạo sống mà không hề có chút gì mang dáng vẻ của nền triết học Phật giáo. Thứ sản phẩm hậu lai này, mãi cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa được hình thành rõ rệt. Chứng cứ thứ hai cũng đáng lưu tâm là vai trò của Tăng Bảo trong Bộ Kinh Tập xem ra rất bình thường. Đó là một điều không thể tìm thấy ở các tác phẩm Kinh Tập hậu thời. Còn một điều nữa là tuy có nhắc về miền Bắc Ấn, nhưng Kinh tập có vẻ như không nói gì tới một tông phái nào ngoại trừ Bà-la-môn giáo và Phật Giáo.

Kinh Tập được xem là nguồn gốc xuất phát của rất nhiều tác phẩm kinh văn. Ta có thể nói rằng chính cái vẻ cổ sơ đã là một trong những lý do khiến Kinh TẬp được đáng là một trong những phần Kinh điển gần nguyên thủy nhất. Dù theo các nhà học giả thì nội dung của Kinh TẬp hôm nay đã được tô đắp ít nhiều, đặc biệt là phần văn xuôi.

Bên cạnh những giáo lý được xem là nguyên thủy nhất, Kinh Tập còn cung cấp cho ta một lượng thông tin quan trọng về các mặt xã hội, tín ngưỡng vào thời Phật và ngay sau đó.

* Thiên Cung Sự (Vimànavatthu)

Nhan đề Pàli này có nghĩa đen là "Chuyện kể về tiên giới". Đây là một tập thơ dài kể về các phúc lạc ở Thiên Giới, nơi được xem là chốn về của những người đã từng tu tạo công đức.

*Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu)

Đây cũng là một tác phẩm thi ca Pàli. Nội dung kể về một loại đọa xứ sống đau khổ và vất vưởng đây đó vì đã trót tạo nhiều ác nghiệp trong tiền kiếp. Thường được gọi là Ngạ quỷ, nhưng nếu theo thực tế mà dịch thì chữ Ngạ quỷ (quỷ đói) xem ra không ổn. Chữ dịch tương đối hợp lý có lẽ nên là Khổ quỷ. Bởi căn cứ trên hành trạng và các cực hình của loài này thì chúng không chỉ có đói khát mà còn bị lửa đốt, băm vằm, mổ xẻ, châm chích... Loài này không thể trực tiếp thọ nhận các lễ phẩm cúng tế như người ta vẫn nghĩ, chúng chỉ có thể được giải thoát bằng phước báu hồi hướng. Quan điểm này của Phật giáo xem ra cũng có chút tương đồng với tín ngưỡng Bà-la-môn.

Cả Thiên Cung Sự lẫn Ngạ Quỷ Sự đều được xem là có mặt trong số những tác phẩm Kinh điển Pàli ra đời muộn nhất. Trong cả hai tác phẩm, vấn đề nghiệp lý (ở cả Phật Giáo lẫn Bà-la-môn đều có) đã được lý giải bằng những câu chuyện minh họa. Xét về giá trị văn chương mà nói thì cả hai tập này ngoài vị trí những tác phẩm thơ ca, chẳng còn gì hơn. Nội dung phần lớn là tẻ nhạt, đơn điệu.

* Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragàthà) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therìgàthà)

Nội dung của hai tập này đã nằm trọn vẹn ngay trong nhan đề. Trưởng lão Tăng kệ bao gồm 107 bài kệ so với số lượng 1279 câu tự thuật hoặc cảm hoài về kỷ niệm cuộc đời hoặc kinh nghiệm tu chứng của các vị Trưởng Lão Tăng. Tập trưởng Lão Ni Kệ gồm có 73 bài với 522 câu kệ. Tác giả là chư vị Trưởng Lão Ni. Các vị đều là những bậc Thánh.

Phong cách ngôn ngữ của hai tập Trưởng Lão Kệ đều giống nhau, đặt biệt là các hình ảnh ẩn dụ, lối nói ví von, gợi hình. Về cú pháp thi ca thì phải nói rằng đây là những tác phẩm thi ca trữ tình có giá trị đứng vào bậc nhất trong vòng văn chương Ấn Độ cổ đại nói chung. Ta có thể cảm nhận ở đây một dònh thi pháp độc đáo và vô cùng thơ mộng.

Đó là nói trên lớp vỏ Ngữ Âm Học, còn cái quan trọng đáng nói nhất ở đây chính là những gì được chuyển tải bên trong hai tác phẩm. Trưởng Lão Tăng Kệ có một cách diễn đạt hết sức tuyệt vời về những kinh nghiệm nội tại trong cuộc đời tu học và những cảm nhận bén nhạy về thiên nhiên trong cái nhìn của chư vị Thánh Tăng. Bên cạnh đó, khi đọc Trưởng Lão Ni Kệ thì ta lại bắt gặp ở đây những kinh nghiệm buồn vui rất đời thường và thật thà trong cuộc sống của một nữ tu mà chư Thánh Ni đã trải qua trước khi giác ngộ. Nếu Trưởng Lão Tăng Kệ đem lại cho ta những xúc cảm lồng lộng về thiên nhiên thì bên này, tập Trưởng Lão Ni Kệ sẽ mang lại cho ta những cảm nhận thăm thẳm về kiếp người. Từ đó, điểm khác biệt căn bản giữa hai tác phẩm chính là một bên nói về đời thường và một bên nói về những kinh nghiệm tâm linh.

Phải nhận rằng tập Theragàtha có một nội dung muôn màu muôn vẻ. Chỉ trong một trữ lượng tương đối khiêm tốn, tự thân tác phẩm đã cùng lúcchuyển tải những vấn đề hóc búa nhất của tâm lý đời sống, cũng như những kinh nghiệm "nhức nhối" của cuộc tu. Từ một bài kệ ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân giữa rừng núi, sang một đoạn kệ khác ta lại bắt gặp những vị Tỳ Kheo hoàn toàn dửng dưng trước chuyện tử sinh, không mong cầu sự chết cũng như không tha thiết sự sống, vị ấy hoàn toàn bình thản chờ đợi hai chữ nhân duyên. Còn ở Trưởng Lão Ni Kệ thì ta lại thường bắt gặp những mẫu đời thực tế nhiều kịch tính. Những câu chuyện như thế này không hiếm. Một nàng công chúa quyết định không đi lấy chồng để được đi xuất gia. Sau khi tu rồi nàng vẫn còn kiều mị như xưa. Để cảnh tỉnh một thanh niên phải lòng mình và có lời cợt nhã, nàng công chúa đã lấy tay móc mắt mình trao cho hắn, chỉ vì hắn đã khen nàng có đôi mắt tuyệt đẹp. Hay câu chuyện về một nàng danh kỹ đã dứt áo ra đi xuất gia giữa thời xuân sắc với một vòng tay và một đôi mắt hái ra tiền. Khi đã trở thành một bậc Thánh Ni A-la-hán, nàng đã kể lại câu chuyện đời mình như những lời nhắc nhở, nhắc nhở khách hồng nhan đừng lãng quên cái đa truân gian nan của một đời phù dung sớm nở tối tàn để sớm quay về với giá trị đích thực của đời sống, theo đúng lời Phật dạy.

Có một số chi tiết trong hai tập Trưởng lão Kệ, cũng có thể được tìm thấy ở đây đó trong Tam Tạng. Chẳng hạn như câu chuyện về Tướng cướp Angulimàla, ta có thể bắt gặp ở Trung Bộ Kinh. Một số mẫu đối thoại giữa Ác Ma Thiên Tử với Chư Thánh Ni còn có thể tìm thấy ở Tương Ưng Bộ Kinh (phần Tương Ưng Tỳ kheo ni). Rồi còn một số bài Kệ khác nữa của hai tập này cũng xuất hiện ở bốn Nikàya trước và Pháp Cú Kinh lẫn Kinh TẬp.

Cũng như trường hợp của một số Kinh điển nguyên thủy khác, hai tập Trưởng lão Kệ không chỉ có một nội dung hoàn toàn nguyên thủy, mà còn bao gồm những phần phụ gia của đời sau. Điều này được chứng minh qua các câu kệ 920-948, 949 – 980 mà nội dung nói về những bước băng hoại của Phật Giáo hậu thời.

Cả hai tập Trưởng Lão Kệ còn có một gía trị rất lớn về sử học. Cả hai tác phẩm đã phác họa lại cho chúng ta một cách khá rõ nét về đời sống, về dân tình của người Ấn lúc đó, đặc biệt là vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Từ tập Trưởng lão ni Kệ, ta có thể nghe được lời tâm sự của những người vợ xa chồng, những người mẹ mất con, tiếng nức nở của những kỹ nữ hồng nhan bạc phận,... Họ đã trở về dưới bóng mát của Đức Phật để trở thành những bậc Thánh Ni khả kính, rồi những nỗi lòng, chuyện đời của họ cũng đã thành ra những tuyệt tác của dòng thi ca Pàli.

Xét từ góc độ giáo sử, hai tập Trưởng Lão Kệ đúng là những kho tàng. Thông qua nội dung của hai tập, chúng ta đã tìm thấy được những dòng giáo lý nguyên thủy quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy. Chẳng hạn như ở tập Trưởng lão Ni Kệ, chúng ta có thể đọc được những định nghĩa tinh xác và tuyệt vời về Niết – bàn, một trong những vấn đề hóc búa nhất của Phật học.

* Bổn Sanh Kinh (Jàtaka)

Nội dung chủ yếu kể về những câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật thửơ Ngài còn được gọi là một vị Bồ Tát. Xét trên mặt văn học, Bổn Sanh Kinh có thể được xem là một trong những bộ phận quan trọng nhất của Tiểu Bộ Kinh.

Nhìn vào nội dung bao quát của Bổn Sanh Kinh bây giờ, ta dễ dàng nhận ra năm phần chính:

a. Paccuppannavatthu: tức duyên sự hiện tại. Ở đây chính là sự kiện gợi ý để Đức Phật dựa vào đó mà nhắc tích xưa.

b. Atìtavatthu: câu chuyện quá khứ có liên quan đến sự kiện hiện tại.

c. Gàthà: phần kệ ngôn thường nằm ở cuối mỗi câu chuyện quá khứ do một nhân vật nào đó trong câu chuyện phát biểu.

d. Veyyàkarana: phần giải thích từ vựng hoặc văn phạm cho những chỗ cần thiết ở các phần trên.

e. Samodhàna: phần nhận diện bổn sanh, tức là ở cuối mỗi câu chuyện Đức Phật thường xác định từng nhân vật trong câu chuyện tiền thân là người nào trong thời hiện tại, lúc Ngài đang kể chuyện.

Bản Jàtaka mà chúng ta được nhìn thấy hôm nay thực ra không phải là Kinh Bổn Sanh nguyên thủy. Bởi nếu gọi tên cho đúng và đủ thì bộ Bổn Sanh Kinh hiện tại có nhan đề Pàli là Jàtakatthavannanà (Bổn Sanh Kinh Sớ Sao). Đây là công trình của một vị Trưởng lão Tích Lan khuyết danh. Tác giả đã thực hiện công trình này bằng cách tổng hợp tư kiệu từ bộ Jàtakatthakathà, một tập Chú Giải trước đó của Bổn Sanh Kinh do các vị La-hán tiền bối thực hiện. Bộ này tương truyền rằng đã được biên soạn ngay sau thời điểm chư vị A-xà-lê san định Tam Tạng thành văn. Cũng như toàn bộ kinh điển nguyên thủy khác, buổi đầu Jàtakatthakathà được viết bằng chữ Tích Lan cổ và sau đó được tác giả của Bộ Jàtakatthavannanà (Bổn Sanh Kinh Sớ Sao) dịch sang tiếng Pàli. Nhưng nãy giờ là đang nói về trường hợp của phần văn xuôi. Riêng phần các câu kệ thì trước sau vẫn được giữ nguyên. Bởi theo kinh điển truyền thống thì Bổn Sanh Kinh nguyên thủy chỉ gồm các bài kệ này thôi cho nên trước đó chúng vốn dĩ đã nằm sẵn trong phần Chánh Tạng. Tuy vậy không phải toàn bộ các câu kệ của Bổn Sanh Kinh đều nằm trong dòng kinh văn nguyên thủy. Bởi dựa theo nội dung của Bổn Sanh Kinh, ta thấy rõ ràng là Kinh được chia thành 22 đề mục (nipàta) theo số lượng các câu chuyện. Trong mục thứ nhất gồm có 150 câu chuyện, mỗi câu chuyện có một bài kệ. Ở mục thứ hai thì gồm 100 câu chuyện mà mỗi câu chuyện thì có đến hai bài kệ hoặc nhiều hơn. Và cứ vậy lần lượt các mục sau có lượng chuyện ít hơn để nhường chổ cho lượng kệ mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Đọc lại bộ Bổn Sanh triển khai, ta sẽ bắt gặp một lựơng kệ quá lớn và chính đều này đã chứng minh rằng có rất nhiều bài kệ trong Bổn Sanh Kinh đã được đời sau thêm vào.

Có một vài câu chuyện của Bổn Sanh Kinh cũng xuất hiện rải rác ở các Bộ Kinh khác trong Tam Tạng. Có nhiều lúc chuyện được kể mà không nhắc gì tới Bồ tát, dù Ngài cũng là một nhân vật trong câu chuyện, như tích Dìghabàhu trong Luật Tạng chẳng hạn. Các Kinh Kùtadantasutta, Mahàsudassanasutta của Trường Bộ Kinh đều có nội dung của một câu chuyện Bổn Sanh về tiền thân Bồ tát.

Kinh Bổn Sanh là một bộ sách luân lý, đồng thời cũng là một bộ sách tôn giáo mà nội dung đề cập về những đức hạnh, về những oai lực siêu nhiên của Bồ Tát trong hình vóc của những huyền thoại, cổ tích và nhiều loại hình văn học khác. Chính nhu cầu về đức tin Phật Pháp của các dân tộc đã là nguồn động lực cho các câu chuyện bổn sanh được ra đời. Đó là nhận định của các học giả. Còn đối với phần lớn các ý kiến trong nội bộ Phật Giáo thì các câu chuyện Bổn Sanh không phải chỉ đơn giản là những câu chuyện văn học kiểu đó. Bởi rõ ràng là theo tinh thần truyền thống của Phật Giáo nguyên thủy thì việc thêu dệt thêm thắt Kinh điển, dù với ý nghĩa nào, cũng là một điều không thể chấp nhận.

Bổn Sanh Kinh triển khai gồm có 547 câu chuyện. Trong đó, có một số câu chuyện được bổ sung chi tiết để gắn khớp với các chuyện khác và cũng có một số câu chuyện trùng lập tới lui. Theo bộ Tiểu Xiển Minh và Du Ký của Pháp Hiển thì chỉ có 500 câu chuyện bổn sanh thôi.

Thời điểm ra đời của các câu chuyện Jàtaka vẫn đang được bàn cãi. Có điều là nhan đề của rất nhiều câu chuyện cùng một số tình tiết của chúng đã được tìm thấy trên các mảng tường điêu khắc của các ngôi đại tháp tại Bharhut và Sancì. Điều này chứng tỏ là các câu chuyện bổn sanh đã ra đời từ thế kỷ thứ hai, thậm chí thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Đó là chưa kể một số câu chuyện đã được lưu truyền từ thời Đức Phật. Điều được ghi nhận là trong khi thực hiện các câu chuyện Bổn Sanh, tác giả đã khéo vay mượn và dung hòa với những câu chuyện Bà-la-môn giáo và từ đó câu kệ trong chuyện cũng được thay đổi một cách cần thiết. Có thể nói là nguồn gốc thoát thai của nhiều câu chuyện Bổn Sanh chính là những huyền thoại mà đến cả các tác phẩm như Mahàbhàrata và Buràn.as cũng từ đó được khai sinh. Chính vì đã đi ra từ một con đường như vậy nên thời điểm ra đời của từng câu chuyện và từng bài kệ cần phải được xác định độc lập. Nghĩa là chúng đã được ra đời trong nhiều thời điểm khác nhau. Như đã nói ở trên, huyền thoại và các câu chuyện truyền kỳ vốn là những tố chất để làm nên nội dung của Bổn Sanh Kinh. Cho nên không có gì lạ lùng khi ta bắt gặp ở đây những nhân vật siêu nhiên huyền hoặc như Thần Rắn, Đại Bàng, Dạ Xoa, Khẩn Na La (Nhân Điểu),... Tuy vậy, nội dung của Bổn Sanh Kinh cũng không hiếm những chổ hài hước, dí dỏm.

Bổn Sanh Kinh không những có giá trị như một sứ điệp của Phật Giáo, mà bản thân tác phẩm còn trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng vào dòng văn học thế giới. Trong kho tàng cổ tích của nhiều quốc gia đã có ít nhiều vay mượn và trở nên phong phú từ những chất liệu được mô phỏng từ Bổn Sanh Kinh. Tuy Bổn Sanh Kinh cũng là một tác phẩm có nội dung nợ nần từ Bà-la-môn giáo, Kỳ -na Giáo, nhưng những thứ đã được vay mượn đó phải trải qua trung gian Bổn Sanh Kinh của Phật Giáo mới thật sự đi vào thế giới văn học của các dân tộc. Nói cụ thể hơn thì chính người của Phật giáo đã bảo lưu và du nhập những tinh hoa văn hoá này vào các xứ sở, kể cả những thiên đường của văn học thế giới cổ đại như Hy Lạp, Ba Tư (chẳng hạn tác phẩm Nghìn Lẻ Một Đêm).

Tầm ảnh hưởng của Jàtaka còn in dấu vào lãnh vực mỹ thuật của không riêng Ấn Độ mà còn lan rộng ra đến các xứ lấy Phật Giáo làm quốc đạo. Các bờ tường của di chỉ Bharhut, Sancì cùng quần thể hang động Ajanta vẫn còn lưu lại những vết tích của Bổn Sanh Kinh qua các tác phẩm điêu khắc và hội họa. Theo cuốn Du Ký của Pháp Hiển thì trong một cuộclễ hội ở Tích Lan, trên khắp các nẻo đường ở Abhayagiri người ta đã cho giăng đầy 500 bức ảnh lớn miêu tả lại các nhân vật của Bổn Sanh Kinh. Rồi đến Huyền Trang cũng kể lại rằng ông đã nhìn thấy rất nhiều ngôi tháp tại Ấn Độ có trang trí các tranh tượng về tiền thân Đức Phật. Chưa hết, ấn tích Bổn Sanh Kinh còn lưu lại rộng rãi ở những điểm danh thắng khác như ở Borobudur (Indonesia), Pagan (Miến Điện), Sukhodaya (Thái Lan).

Những đóng góp của Bổn Sanh Kinh thì xã hội, văn hóa, lịch sử của Ấn Độ cũng rất đáng kể. Có đến hàng nghìn năm lịch sử của Ấn Độ, trước và sau tây lịch, đều được nhắc tới trong Bổn sanh Kinh. Bổn Sanh Kinh kể lại tất cả những góc cạnh đời sống của mọi tầng lớp xã hội, kể cả những đối tượng rất ít được nhắc tới trong các tác phẩm khác. Đại khái, Bổn Sanh Kinh là một tác phẩm tôn giáo nhưng tự giá trị của hầu hết mọi ngành học thuật. Không đọc mà chỉ nghe giới thiệu thì coi như chúng ta đã bỏ quên một kho tàng châu báu của nhân loại.

*Hai Tập Xiển Minh (Mahàniddesa và Cùlaniddesa)

Nội dung là những giải thích về 33 bài kinh của hai phẩm cuối cùng trong Kinh Tập. Tác giả được coi là Ngài Xá Lợi Phất, vị đệ nhất Thanh Văn của Đức Phật. Nội dung được chia thành hai phần: Đại Xiển Minh (Mahàniddesa) và Tiểu Xiển Minh (Cùlaniddesa). Đại Xiển Minh chú thích về Atthavagga, Tiểu Xiển Minh chú thích về hai bài kinh Khaggavisànasutta và Pàràyanasutta.

Từ vị trí của hai tập Xiển Minh trong Tam TẠng Thánh điển nguyên thủy, ta có thể đi đến kết luận rằng hai tập Xiển Minh là những cuốn Sớ giải xưa nhất trong kinh điển Pàli. ở đây, ta cứ như cảm nhận rằng mọi tài liệu về từ vựng học lẫn ngữ pháp đều được vận dụng tối đa và điểm đặc biệt của mọi thuật ngữ đều được xử lý hòan chỉnh theo một hướng tôn giáo thật lý tưởng. Ngay trong chính những Chú Giải về từ vựng học này, ta lại có dịp biết thêm về những từ vựng đồng nghĩa hết sức giá trị. Chính tác phẩm này đã cung cấp cho các thế hệ mai sau một tài liệu đáng kể về từ vựng học Pàli.

*Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidàmagga)

Nghĩa đen của nhan đề này là "Phương thức phân tích". Tác phẩm được chia thành ba phần lớn: Đại Phẩm (Mahàvagga), Song Tu Phẩm (Yunanaddhavagga) và Tu Tuệ Phẩm (Pannàvagga). Mỗi phẩm được chia thành 10 chương. Các vấn đề Phật học cốt lõi được trình bày thứ lớp theo từng phẩm, chẳng hạn như phần một của phẩm một giải về 73 trí, phần hai của chương hai giải thích về Bốn Thánh Đế.

Có thể nói nội dung của Pat.isambhidamagga gần như chỉ thuần các vấn đề của Tạng Thắng Pháp và tất cả được trình bày trong hình thức những câu vấn đáp. Sở dĩ bộ này được kể vào Kinh Tạng là vì bố cục của nó được thực hiện theo thể thức của Kinh Tạng. Một số bài kinh trong bộ này cũng được bắt đầu bằng câu: "Evam me suttam." (Tôi đã được nghe như thế này).

Patisambhidamagga là một trong những bộ phận sau cùng (về thời gian) của Tam Tạng nguyên thủy.

* Kinh Bổn Sự (Apadàna)

Nghĩa gốc của chữ Apadàna theo Sanskrit là chữ Avadàna, nghĩa là đại quả hay thiện quả.

Tác phẩm kể về những công đức quá khứ của chư vị Thánh Thinh Văn thời Đức Phật. Apadàna là một tập tự truyện của 500 vị Thánh Tăng và 40 vị Thánh Ni. Cũng giống như Bổn Sanh Kinh, bộ này kể về các duyên sự hiện tại và nhắc lại các câu chuyện quá khứ. Có điều là thay vì bộ Jatàka tập trung nói về các kiếp tiền thân Đức Phật thì Apadàna lại nói về tiền thân các vị A-la-hán đệ tử của Ngài.

Apadàna được viết chủ yếu trong thể văn kệ, nội dung gần như tương ứng với tác phẩm Avadàna của Phạn Tạng Sanskrit. Apadàna là một trong những tác phẩm ra đời muộn màng nhất của Tiểu Bộ Kinh nói riêng và Tam TẠng nói chung.

* Phật Tông (Buddhavamsa)

Đây là một tác phẩm thi kệ về các Đức Phật quá khứ ra đời trước Đức Phật Thích Ca, ở đây gồm có 24 vị. Điểm lý thú là các kiếp tiền thân của Đức Phật Thích Ca cũng đã được nhắc tới song song theo đó. Trong tác phẩm, Đức Phật Thích Ca đứng trong vị trí người kể chuyện. Qua đó Đức Phật đã kể lại tín tâm của mình đối với các vị đó ra sao và Ngài đã được các vị đó thọ ký như thế nào.

Theo tập sớ của Phật Tông thì các câu chuyện kể về chư Phật quá khứ vốn đã được biết tới từ thời Đức Phật và sau đó được lưu truyền qua các thế hệ. Nhưng điều này xem ra không chính xác lắm. Lý do thứ nhất là ở các bộ phận kinh điển khác của Chánh Tạng chỉ nhắc đến 6 Đức Phật quá khứ, xưa nhất là Phật Tỳ-bà-thi và gần nhất là Phật Ca-diếp. Thứ đến, chính những chi tiết huyền thoại có vẻ quá đáng đã chỉ ra thời điểm ra đời muộn màng của Tập Phật Tông. Bởi rõ ràng là những tình tiết kiểu đó không hề xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trong Tam TẠng nguyên thuỷ. Những lý do này đã chứng minh rằng Phật Tông là một bộ phận kinh điển bổ sung.

*Hạnh Tạng (Cariyapitaka)

Đây là phần sau cùng của Tiểu Bộ Kinh. Nội dung bao gồm 35 câu chuyện tiền thân kể về các kiếp tu tạo pháp độ của Bồ Tát và hoàn toàn thuộc thể văn kệ.

Có thể nói hầu hết nội dung của Hạnh Tạng đều được rút ra từ Bổn Sanh Kinh. Có điều là ở đây các câu chuyện được rút gọn lại nên từ đó bản thân Hạnh Tạng có nội dung nghiêm túc và khô khan hơn nhiều. Tuy nhiên, đó là đem so với Bổn Sanh Kinh triển khai chứ chúng ta không thể đem đánh giá Hạnh Tạng với Bổn Sanh Kinh nguyên thủy vốn không có giá trị bao nhiêu. điều đáng lưu tâm là ở những bộ phận Kinh Điển được xem là nguyên thủy nhất thì không hề nói gì tới vấn đề Ba-la-mật cả. điều này cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng Hạnh Tạng cũng cứ là một tác phẩm của đời sau. Có một số câu chuyện không được nhắc tới trong Bổn Sanh Kinh nguyên thủy nhưng lại xuất hiện trong Hạnh Tạng.

Bản Hạnh Tạng mà chúng ta nhìn thấy hôm nay rất có thể không phải là Bản Hạnh Tạng buổi đầu. Trong Tập Nidànakathà có liệt kê vắn tắt nội dung của Hạnh Tạng như là một phần của Bổn Sanh Kinh. Có điều là bản liệt kê đó không trùng khớp với bản Hạnh Tạng gốc. Trong khi đó thì qua Bổn Sanh Kinh ta lại có thể tìm thấy hình hài nguyên thủy của Hạnh Tạng. Các kết quả nghiên cứu thì dù sao Hạnh Tạng cũng ra đời trước Vua A Dục.

3) TẠNG THẮNG PHÁP (Abhidhammapitaka)

Chữ Abhidhamma rất khó dịch. Xưa nay thường thấy các chữ dịch tương đối phổ thông là Tạng Thắng Pháp, Vi Diệu Pháp hoặc Đối Pháp mà nghĩa nôm na là hệ thống giáo lý cao cấp. Tuy nhiên để hiểu ngữ nghĩa của từ này một cách chính xác thì ta phải có một cái nhìn tổng quan về nội dung của Tạng này. So với Kinh Tạng, Tạng Thắng pháp là một công trình rất mới mẻ. Phần lớn nội dung được viết trong thể vấn đáp. Tạng Thắng Pháp gồm có bảy Bộ.

1. Bộ Pháp Tụ (Dhammasaginì): Nội dung giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của Tạng Diệu Pháp. Đặc biệt là bộ này còn có giá trị của một cẩm nang về đạo đức tâm lý học. Chính nhờ nội dung này mà trong nhiều thế kỷ, bộ Pháp Tụ là một giáo khoa thư rất phổ biến của Phật Giáo Tích Lan.

2. Bộ Phân Tích (Vibhanga): ngoài những vấn đề bổ sung cho bộ Pháp Tụ, còn có thêm những vấn đề giáo lý chuyên biệt. Bộ Phân Tích gồm ba phần: phần một bàn về những giáo lý căn bản của Phật giáo, phần hai bàn về các cấp độ trí tuệ và phần ba bàn về những trở ngại của trí tuệ giác ngộ.

3. Bộ Nguyên Chất Ngữ (Dhàtukathà): gồm 14 chương bàn về năm Uẩn, mười hai Xứ, mười tám Giới, bốn Đế, bốn Thiền, năm Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo...

4. Bộ Nhân Chế Định (Puggalapannatti): Nội dung phân loại các hạng người. Hình thức trình bày rất giống Kinh Tạng, đặc biệt là phép ẩn dụ rất độc đáo.

5. Bộ Ngữ Tông hay Luận Sự (Kathàvatthu): Tương truyền rằng tác giả của Bộ này là Ngài Mục Liên Đế Tu, người chủ trì cuộc kiết tập Tam Tạng thứ ba (thế kỷ thứ ba trước Tây lịch). Có thể nói đây là một tác phẩm kinh điển Pàli duy nhất mà tên tuổi tác giả được xác định rõ ràng. Tuy nhiên ý kiến cho rằng Ngài Mục Liên Đế Tu là tác giả của Bộ Ngữ Tông dù sao cũng chỉ là nói theo các sử liệu Tích Lan, có một số học giả đã không chấp nhận điều này. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng nội dung căn bản của Bộ Ngữ Tông có lẽ đã được thực hiện trước đó rất lâu và bản Ngữ Tông hiện tại là thành phẩm của rất nhiều lần gia cố sau này. Bộ Ngữ Tông trên tay chúng ta hôm nay bao gồm 23 phần, trong đó chủ yếu là những câu vấn đáp. Tất cả các câu hỏi đều được nêu lên từ một lập trường đối chọi với Phật Giáo và do vậy, dĩ nhiên các câu trả lời luôn được xử lý từ góc độ giáo lý truyền thống.

Một điều đáng lưu ý là có một mối tương đồng nhất định giữa bộ Ngữ Tông và Milindapanhà. Ngoài giá trị về giáo lý Phật học, bản thân Bộ Ngữ Tông còn là sử liệu quan trọng của Phật Giáo.

6. Bộ Song Đối (Yamaka): Bao gồm những câu vấn đáp có lý luận hai chiều và nội dung giải quyết những vấn đề rắc rối còn tồn đọng lại ở các bộ trước.

7. Bộ Đại Xứ (Patthàna): Nội dung tập trung vào giáo lý duyên hệ, nguyên tắc tồn tại của vạn pháp thông qua các mối tương quan mà ở đây chính là 24 duyên hệ. Ở đây phần giải thích chỉ nằm trong khuôn khổ của một thư tịch, nên để thẩm thấu được cái độc đáo tuyệt vời của hệ thống giáo nghĩa này, chúng ta nhất thiết phải có một công phu tham cứu riêng biệt.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03

Source: Theravad, http://theravad.home.att.net/index.htm


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-06-2003

Van hoc Pali

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Giới Thiệu Văn Học Kinh Điển Pàli

Nguyên tác Anh ngữ: "An Introduction to Pàli Literature",
Dr. S. C. Banerji
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt


-[02]-

VI . CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIỂN PÀLI.

Các tác phẩm văn học Pàli có thể được chia thành hai loại là Kinh và Luận (theo nghĩa từ nguyên):

KINH:

Ở đây chỉ cho Tam Tạng Thánh điển (Tipitaka) bao gồm Luật Tạng, Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng. Tạng thứ ba này là toàn bộ cơ cấu tư tưởng triết học (nếu có thể gọi vậy) của hệ phái Phật Giáo Thượng Toạ Bộ (Theravàda)

Có thể nói rằng toàn bộ Kinh điển thành văn của Phật giáo nguyên thủy hôm nay là một tập đại thành của nhiều lần trùng tuyên và san định qua nhiều thế hệ truyền thừa với không ít những bàn cãi nhiêu khê. Các tài liệu truyền thống cũng đã cho chúng ta biết rằng sau ngày Đức Phật viên tịch, trong nội bộ Phật giáo đã liên tiếp nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt về cách hiểu lời Phật dạy mà lúc đó hãy còn trong hình thức khẩu truyền. Các cuộc kiết tập Phật Ngôn đã được tổ chức nhằm giải quyết những rắc rối này. Và chính kết quả thu nhặt được sau từng cuộc kiết tập đó đã được ghi chép lại thành các kinh điển kế tự. Theo các tài liệu như Dìpavamsa, Mahàvamsa, Cullavagga thì cuộc kiết tập thứ nhất đã được tổ chức tại Ràjagaha sau khi Phật viên tịch không bao lâu. Tam Tạng Phật Ngôn đã được san định lần đầu tiên vào dịp này. Nhưng rồi theo thời gian, trong Tăng chúng lại phát sinh những kiến giải sai lạc về Phật Pháp và đó chính là lý do tổ chức kỳ kiết t ập thứ hai tại Vesàli, cách lần kiết tập thứ nhất vừa đúng một thế kỷ. Trong kỳ kiết tập thứ hai này, số luợng giáo lý được triển khai rộng rãi hơn một tí. Nhưng phải đợi đến kỳ kiết tập thứ ba dưới thời vua A Dục (giữa năm 264 -227 trước Tây lịch) thì nội dung Tam Tạng mới được sắp xếp một cách khoa học theo trật tự danh mục – đề mục rõ ràng.

Cũng trong kỳ kiết tập này, Tạng Thắng Pháp đã được san định một cách đầy đủ, để từ đó đến nay không còn phải thêm bớt gì nữa (có một sự kiện lịch sử cũng cần được ghi nhận thêm là dưới triều đại của vua Kaniska đã từng có một cuộc kiết tập được tổ chức tại Kasmire. Tăng chúng từ khắp các vùng về tham dự rất đông đảo. Những mấu chốt giáo lý quan trọng đều được đem ra bàn thảo và nội dung những vấn đề nghị luận này đã được ghi lại thành bộ Đại Luận Tỳ-bà-sa (Vibhàsàsastra). Các nhà Thượng Tọa bộ đều không nhìn nhận cuộc kiết tập này vì cho rằng đây là chuyện của phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvàstivàdins). Đồng thời từ sau kỳ kiết tập thứ ba, một số lớn các nhà truyền giáo Tăng, tục đã được gởi sang các xứ láng giềng Ấn Độ để hoằng hoá Đạo Phật. Và cũng trong dịp này, hoàng tử của Vua A Dục (có thuyết nói là bào đệ) là Ngài Trưởng Lão Mahinda đã mang toàn bộ các tác phẩm kinh điển đạo Phật sang truyền đạo ở Tích Lan.

Trước sau, Phật Giáo Tích Lan đã tổ chức được ba kỳ kiết tập Phật ngôn vào ba triều vua Devànampiyatissa, Dutthagamani và Vattagamanì. Trong từng kỳ kiết tập đó, các kinh văn truyền thống đã được đem ra thẩm định và phục hồi tính nguyên thủy. Một số học giả có ý nghi ngờ khả năng trung thực của các kỳ kiết tập bởi rõ ràng là ngay chính Đức Phật cũng chưa hề đưa ra một khuôn thức nào cụ thể để các môn đệ hậu thời có thể y cứ vào đó mà san định và tái hiện một cách chính xác cả một hệ thống khẩu truyền đồ sộ vốn luôn có thể bị sai lệch qua hắng thế kỷ truyền thừa song song với cơ man là những dị bản mang tính tư kiến cọng với biết bao là vấn đề địa cư, văn hoá mà Phật Giáo phải thường trực đối diện trên suốt đường đi của mình. Bởi vậy, một trong những công việc cấp thiết của Giáo Hội toàn cầu phải là những lần họp mặt của các cấp lãnh đạo để qua đó mọi tiếng nói cá nhân, dù đúng hay sai, có dịp được đem ra mổ xẻ.

Cho đến nay ta phải nhận rằng không hề có một chứng cứ nào về việc ra đời của các tác phẩm văn học kinh điển được biên soạn hay sáng tác ngay trong thời Đức Phật còn sinh tiền. Và bên cạnh đó ta cũng có thể tin chắc rằng toàn bộ lời dạy của Ngài cùng các tác phẩm thành văn của chư môn đệ đích truyền chỉ đều nằm gọn trong hệ thống Tam Tạng. Dĩ nhiên đối với những gì được xem là lời dạy chính thức của Đức Phật thì luôn được các hàng môn đệ xếp vào một vị trí đặc biệt quan trọng.

Nói một cách nôm na thì Tam Tạng kinh điển Phật Giáo là một bộ sưu tập đồ sộ và trọn vẹn về tất cả những gì thuộc văn hóa Phật Giáo. Đó là những pháp thoại của Đức Phật, những câu cách ngôn răn đời mà văn chương, những thi ca ngâm vịnh nhuốm màu giải thoát, những giai thoại truyền kỳ (cổ tích dân gian) và những bước đi lịch sử của Tăng đoàn Phật giáo. Như đã nói ở trên, hệ thống Tam Tạng Phật điển mà chúng ta đang nhìn thấy bây giờ chính là một kết quả san định, hiệu chính qua các kỳ kiết tập từ suốt hàng nghìn năm nay. Bởi thế hoàn toàn không có gì là khó hiểu khi chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp đây đó trong dòng Kinh văn Phật Giáo những chổ lở làng và đôi điều trái khoáy. Tuy nhiên, ở Kinh Điển Pàli truyền thống, những chổ như vậy không nhiều và xem ra cũng không đến nỗi nghiêm trọng. Chẳng hạn như cũng cùng một bài kệ hay một đoạn kinh thì có chỗ được ghi là của Đức Phật, có nơi lại được gán cho Ngài Xá-lợi-phất. Bên cạnh đó, đôi khi là những sai khác về vấn đề địa danh: Bàrànasì thay vì Ràjagaha hoặc là Ràjagaha thay vì Bàrànasì. Đó chỉ là những tiểu tiết, nhưng dù sao cũng đã khiến cho một số học giả đặt vấn đề về tính nguyên thủy của Tam Tạng.

Tuy nhiên xét từ góc độ đánh giá Tam Tạng như một tập đại thành văn học Phật Giáo thì chung quy lại, những gì thật sự là tinh hoa của Phật Pháp vẫn cứ được bảo trì một cách nguyên vẹn. Một trong những cứ điểm sử học về mức độ cổ xưa và tín nhiệm của Tam Tạng Pàli quan trọng nhất phải nói là các di chỉ văn hóa thời vua A Dục. Đặc biệt ở các văn bản ký tự của thời kỳ này, ta luôn có dịp bắt gặp rất nhiều vấn đề quan trọng trong kinh điển Pàli. Ơ đây còn bao gồm luôn cả những tương đồng về văn tự hết sức quan trọng. Thực ra, nội dung của những di chỉ văn tự này không có gì đáng kể nếu bỏ đi những điểm quan hệ với Kinh điển Tam Tạng, kể cả những điểm tương đồng có tí sai biệt. Điều đáng ghi nhận là 7 vấn đề hết sức quan trọng trong hiến pháp Bhàbrù của vua A Dục vốn được Chư Tăng khắp vùng Magadha đặc biệt quan tâm,thực ra đã được nói tới trong Kinh Tạng.

Các công trình kiến thiết đền tháp ở Bharhut và Saĩchi đã ghi lại những hình ảnh về chuyện đời của Đức Phật theo dòng giai thoại cải biên, vốn được phát triển trước đó. Trong khi những câu chuyện như vậy cũng đã được tìm thấy trong Kinh Tạng Pàli. Đồng thời trên những thạch trụ và bi ký của các ngôi tháp thờ, còn có những hình ảnh sờ sờ về các câu chuyện bổn sinh, một bộ phận của Tam Tạng Pàli.

Cũng ở các ngôi tháp trên, có tên gọi của các hệ phái Tăng chúng như: Suttantika, Pacanekàyika, Petakì... Những thuật ngữ có nguồn gốc từ các chữ Sutta, Nikàya, Petaka... vẫn thường thấy trong Chánh Tạng Pàli.

Từ những luận cứ đó, Tam Tạng Kinh điển thành văn rõ ràng đã có mặt trước thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch và thậm chí dòng văn học này cũng đã tự có một vị trí thực sự ngay từ trước đó nữa là khác. Đó là nói về sử học.

Xét về bình diện văn học, hay nói rõ hơn, là về ngôn ngữ Pàli thì đúng là không hề có một cố gắng nào của người xưa trong ý muốn khẳng định sử tính cụ thể của dòng kinh văn Pàli. Trong các tác phẩm Nam Phạn, bộ Milindapanha (Mi Tiên vấn đáp) được coi là tác phẩm xưa nhất có nhắc nhở về kinh điển Pàli truyền thống. Bộ sách này được biên soạn vào tiền bán thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch. Theo các tài liệu Hậu Sớ thì ngay sau Phật lịch khoảng hai thế kỷ, các tác phẩm văn học Pàli đã bắt đầu được biên soạn. Điển hình là các cuốn biên niên sử của Tích Lan được viết bằng chữ Pàli như Đảo Sử (Dìpavamsa), và Phật Giáo Đại Sử (Mahàvamsa) vẫn được xem là các tập Chánh Sớ Tam Tạng, thì ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, dòng văn học Pàli đã có những tác phẩm kinh điển trong hình thức Sớ Sao.

Chúng ta phải nhận rằng triều đại của vua A Dục là một dấu mốc hết sức quan trọng cho lịch sử cổ đại của Phật Giáo. Lịch sử đã cho ta biết thật nhiều về những hoạt động truyền giáo của Ong vua độc đáo này. Chính sự ra đời ồ ạt của các bộ phái Phật Giáo, dù có xung khắc nhau đến mấy, đã nói lên chủ trương mộ đạo nhiệt thành của triều đại này. Dù phải nói nghiêm túc rằng bản thân nhà vua thật ra không mấy quan tâm đến vấn đề Tam Tạng tuy là ngay dưới thời ông, Kinh điển Phật giáo đã được san định ở mức hoàn chỉnh nhất. Từ đó có thể suy ra là dường như thành quả đó chỉ được thành tựu sau thời ông. Bởi rõ ràng là bình sinh vua A Dục chỉ đặt nặng vấn đề bang giao như sai phái các sứ bộ truyền giáo.

Như phần trước đã trình bày, kinh điển Pàli truyền thống gồm có ba Tạng: Luật Tạng, Kinh và Thắng Pháp Tạng. Đôi khi hệ thống giáo lý này lại được phân định thành năm Kinh bộ (Nikàya) hoặc cửu phần giáo pháp (Navangasatthusàsanà). Trong trường hợp kể theo Kinh Bộ (Nikàya) thì Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi Bộ và Tương Ưng Bộ được chỉ cho Kinh Tạng. Riêng Tiểu Bộ (Khuddakanikàya) thì ngoài một phần thuộc Kinh Tạng còn bao gồm luôn Luật Tạng và Thắng Pháp Tạng. Nếu phân theo cửu phần giáo pháp thì nội dung của Tam Tạng được kể thành chín phần như sau:

1. Sutta – Khế Kinh (ám chỉ các bài kinh dài, ngắn có nội dung độc lập và thuộc thể văn xuôi)

2. Geyya – Phúng tụng (gồm các bài kinh có cả hai thể văn xuôi và văn vần).

3. Veyyàkarana – Ký thuyết (gồm các kinh mang nội dung giải thích các kinh khác)

4. Gàthà – Kệ ngôn (gồm các kinh văn được trình bày theo thể kệ ngôn, tức hình thức thơ vịnh)

5. Udàna – Cảm hứng ngữ (bao gồm những Phật ngôn do chính Đức Phật tự cảm hứng nói ra mà không cần có người nghe).

6. Itavuttaka – Như thị thuyết (bao gồm những pháp thoại ngắn mà ngài Khujjuttarà đã thọ trì từ Đức Phật và sau đó trùng tuyên lại bằng cách mở đầu từng bài với câu xác định "Chính Đức Thế Tôn đã thuyết rằng... ")

7. Jàtaka – Bổn Sanh (những câu chuyện tiền thân Đức Phật)

8. Abbhùtadhamma – Vị tằng hữu pháp (bao gồm những bài kệ kinh kể về các sự kiện phi thường trong đời Phật nói riêng và theo giáo lý nói chung)

9. Vedalla – Phương Quãng (gồm những pháp thoại trong hình thức vấn đáp).

1)- LUẬT TẠNG PÀLI

Tạng này bao gồm những học giới và luật nghi nhắm áp dụng vào đời sống thường nhật của cả Tăng, Ni trong giáo hội xuất gia. Trước tới giờ, tất cả Phật giáo đồ đều một mực tin tưởng rằng toàn bộ Luật Tạng là do chính Đức Phật ban hành, và chỉ có riêng Ngài mới đủ tư cách ban hành Luật Tạng mà thôi. Xưa nay, theo Phật Giáo truyền thống thì Luật tạng luôn được đặt lên vị trí quan trọng nhất trong ba Tạng. Quan điển mày được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác ở các dòng Phật Giáo Thượng Tọa Bộ được xem là nguyên thủy nhất, đặc biệt là Phật giáo Miến Điện và Phật Giáo Tích Lan. Từ vị trí quan trọng như vậy, trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ đã theo thời gian mà hình thành một hệ thống Luật học hết sức phong phú, đồng thời cũng kéo theo đó những quan điểm Luật học tương khắc. Mọi sự có lẽ được bắt đầu rõ ràng nhất từ thế kỷ thứ XI để rồi mãi cho đến hôm nay, Phật giáo Miến Điện vẫn tiếp tục giữ lại một số quan điểm Luật học riêng tư của mình.

Luật Tạng, về đại thể gồm có 4 phần: Patimokkha, Suttavibhanga, Khandhaka, Parivàra.

1.1- Pàtimokkha:

Nội dung cốt lõi của Luật Tạng chính là Pàtimokkha ta có thể xem đây là một án lệ hành đạo căn bản cho tất cả chúng Tăng. Bởi Chư Tăng Phật Giáo đều phải luôn có một đời sống thu thúc bản thân y cứ trên các học giới Pàtimokkha. Nội dung của Pàtimokkha bao gồm những điều răn cấm mà Sa môn Phật giáo phải luôn chấp trì để ngăn tránh các lỗi lầm tương ứng nhằm sửa mình cho ngày một tốt hơn. Nội dung Pàtimokkha bao gồm tám phần giới án. Trong bài kinh số 108 của Trung Bộ, Tôn giả Ananda đã từng xác nhận ý nghĩa quan trọng của giới bổn trong cuộc sống tu tập của Chư Tăng mà Đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh.

Nguyên lai, có thể Pàtimokkha chỉ gồm có 152 học giới để rồi sau đó dần dần, con số này được tăng lên 227. đó là nói theo một vài kết quả nghiên cứu. Còn trong Luật Tạng nguyên thủy của Thượng Tọa Bộ thì ta vẫn cứ bắt gặp đủ số lượng 227 học giới này. Mặc dù, theo nhiều dị nản thì dù có kể đủ số 227 nhưng nó vẫn không được xem là một con số nguyên tthủy, trong khi đó, theo Suttavibhanga thì con số 227 hoàn toàn có thể được tin cậy về mặt sử học.

Pàtimokkha có một ý nghĩa rất lớn trong đời sống tu học của Chư Tăng Phật Giáo. Theo Luật tạng quy định thì mỗi nửa tháng Tăng chúng phải họp mặt nhau lại một lần để tự sám hối các lỗi lầm và nghe tụng Pàtimokkha, vẫn thường đượgntrùng tụng thành tiếng cho mọi người nghe trước khi cùng ngồi lại để nghe đọc Pàtimokkha, mọi cá nhân Tăng chúng phải tự làm trong sạch mình bằng cách sám hối.

Đối với giáo hội Ni chúng, nội dung và ý nghĩa quan trọng của Pàtimokkha cũng tương tự như bên tăng chúng.

1.2- Suttavibhanga:

Nội dung cũng vẫn là các vấn đề phật học. Có điều là ở đây các Ngài nêu ra những trường hợp duyên sự mà từ đó Đức Phật đã cấm chế các học giới. Đồng thời, Suttavibhanga còn giải thích cặn kẽ từng khía cạnh ngữ nghĩa của từ vựng Luật học, phân tích tỉ mỉ mỗi vấn đề có liên quan đến cách giải quyết Luật nghi. Chính nội dung này của Suttavibhanga đã cung cấp cho chúng ta những chi tiết hết sức quan trọng về sử học nói chung và Giáo Hội Phật Giáo đương thời nói riêng. Điều đó ta có thể bắt gặp ở phần giải về các đại giới như Bất Cộng trụ chẳng hạn.

Nói một cách ngắn gọn thì nội dung của Suttavibhanga chính là các học giới Patimokkha được trình bày và giải thích theo văn phong Kinh Tạng.

Suttavibhanga bao gồm hai phần: Mahàvibhanga và Bhikkhunìvibhanga. Mahàvibhanga giải thích về 8 trường hợp phạm tội của Luật Tạng và Bhikkhunìvibhanga là phần giải thích về các học giới Pàtimokkha của Tỳ kheo Ni.

Trong Luật Tạng có nêu ra 8 cách phạt tội và trong đó có hai hình thức được xem là phổ cập và cụ thể nhất. Đó là cách phạt tội trong hai trường hợp Bất Cộng Trụ (đương sự bị trục xuất ra khỏi Tăng chúng) và trường hợp Ưng Đối Trị (đương sự phạm tội phải nhận lỗi trước Tăng chúng để sám hối).

Sau đây là 8 trường hợp tội án của Luật Tạng:

1. Tội bất cộng trụ (Pàrajika)

Gồm có bốn trường hợp: Vị Tỳ Kheo cố ý giao cấu với người hoặc thú, vị Tỳ Kheo cố ý chiếm hữu một thứ vật chất nào dó khi chưa được chủ nhân cho phép, vị Tỳ Kheo cố ý giết người hoặc tác động chongười khác giết người hay tự tử,vị Tỳ Kheo cố ý tự nhận một qủa vị thiền định hay Thánh trí nào đó mà mình thật ra chưa hề chứng đạt.

2. Tội tăng tàn (Sanghasesa).

Bao gồm các điều cấm như cố ý làm xuất tinh, cố ý xúc chạm thân thể phụ nữ, cố ý trêu trọc hoặc tán tỉnh phụ nữ bằng những lời lẽ khêu gợi tục tằn, cố ý lên tiếng đòi hỏi xác thịt, làm mai mối cho nam nữ, xây dựng liêu cốc cho mình cho mình mà không trình báo với Tăng chúng hoặc làm sai quy cách, vô cớ vu cáo tội Bất Cộng Trụ đối với một Tỳ Kheo khác, cố ý vin một cớ nhỏ để tố gian vị khác phạm tội Bất Cộng Trụ, cố ý chia rẽ nội bộ Tăng chúng, xu hướng theo vị Tỳ Kheo chia rẽ tăng chúng, bướng bỉnh chống lại Tăng lịnh chính đáng của tập thể, có hành vi bất xứng trong quan hệ với hàng tục gia.

3. Tội Bất Định (Aniyata).

Cùng nằm hay ngồi ở một chỗ kín khuất với người phụ nữ, nơi có thể dễ dàng vi phạm học giới Bất Cộng Trụ hoặc Tăng Tàn (phép giải tội khá rắc rối).

4. Tội Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiya pacittaya):

Tội được thành lập khi cất giữ không đúng phép hoặc quá hạn các vật dụng bị cấm như thức ăn hay vàng bạc... Tội chỉ được tịnh giải sau khi vị Tỳ kheo vất bỏ chúng đi, rồi sám hối trước Tăng chúng.

5. Tội Ưng Đối Trị (Pacittiya)

Gồm đến 92 điều sau khi phạm vào một trong các tội này, vị Tỳ kheo chỉ việc trình lại với một vị khác rồi sám hối.

6. Ưng Phát Lộ (Patidesaniyadhamma)

Gồm bốn vấn đề sai trái trong khi thọ dụng thực phẩm. Đương sự vi phạm phải đến trước Tăng chúng để trình tội.

7. Ưng Học Pháp (Sekhiyadhamma)

Gồm các tiểu giới thuộc về nghi hạnh trong sinh hoạt thường nhật của một Tăng sĩ. nội dung xoay quanh các cách ăn mặc, đi đứng, hành xử...

8. Tịnh Tránh Pháp (Adhikaranasamatha)

Gồm các sai phạm nằm ngoài các học giới đã kể và ở đây Đức Phật đã đưa ra bảy phương thức giải quyết để Tăng chúng theo đó mà dàn xếp sự vụ.

1.3- Khandhaka:

Gồm hai phần lớn Mahàvagga và Cullavagga. Khandhaka được xem là phần hậu bộ cho Suttavibhanga.

Mahàvibhanga có nội dung về 12 tiêu mục liên quan Luật Tạng. Chẳng hạn, trước hết là kể lại thời điểm thành đạo của Bồ Tát, sau đó là việc Đức Phật chính thức thành lập Tăng đoàn. Tiếp đến, Mahàvagga đề cập đến các vấn đề tổ chức Tăng sự của giáo hội như lễ Phát Lộ, lễ an cư kiết hạ, lễ tự tứ... cùng nhiều việc linh tinh khác như những tiêu chuẩn hay quy định của Đức Phật về đời sống sinh hoạt của Chư Tăng (y áo, trú xứ, cách phạt tội những vị phạm giới... ). Qua những ghi chép tỉ mỉ của Mahàvagga, chúng ta hôm nay có thể dễ dàng hình dung ra nội tình chư Tăng thời đó.

Trong Mahàvagga ta còn có dịp thấy rõ những học giới nguyên thủy đã được Đức Phật quan tâm cặn kẽ và sinh động ra sao. Ngài chọn cho chư Tăng những màu y hợp cách, từng kiểu dép mang sao cho nhu nhã, cái gì được phép và cái gì bị cấm.

Như đã nói, Luật học nguyên thủy luôn luôn linh động và thực tế đến mức rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Trong tập tiểu phẩm đề cập đến những vấn đề đời thường một cách cặn kẽ. Trong đó, Đức Phật có vẻ rất quan tâm đến từng sinh hoạt lớn nhỏ của Tăng chúng, từ chuyện tóc tai (quá dài) hay y phục luộm thuộm... Ngoại trừ trường hợp bệnh hoạn, vị Tỳ Kheo không được phép sử dụng gương soi. Bên cạnh đó còn là những học giới hết sức hợp lý khác như một Tăng sĩ không thể thưởng thức các trò giải trí như khiêu vũ, âm nhạc v.v... Thậm chí một số đồ dùng cá nhân cũng không được phép sử dụng nếu không nhằm có nhu cầu thực sự sử dụng như nanh, sừng hoặc lông thú chẳng hạn.

Ngoài ra trong tập tiểu phẩm còn đề cập đến các học giới có liên quan đến đời sống Ni chúng. chẳng hạn như một vị Tỳ kheo ni không được phép xin ai đó một thứ vật chất có giá từ hai đồng vàng cổ trở lên. Các vị cũng không được phép ngồi hay trò chuyện với người khác phái ở một chỗ kín khuất hay lúc đêm hôm. Nếu chưa được sự đồng ý của gia chủ thì một vị Tỳ Kheo Ni không được ra khỏi căn nhà mà mình đang trú ngụ hoặc được mời dùng bữa thường xuyên. Luật tạng cũng không cho phép các Tỳ Khưu Ni lưu lại Bồ-tát đường sau khi lễ Phát Lồ đã kết thúc. Chư Tỳ khưu Ni cũng không được phép thưởng thức thanh nhạc hoặc tới lui những địa điểm giải trí công cộng như hí viện hoặc hoa viên; không được phép tìm học thêm bất cứ một ngành nghề sinh nhai nào mang tính thế tục. Trừ trường hợp bệnh hoạn, vị Tỳ Kheo Ni cũng không được phép sử dụng các phương tiện đi lại, vì các vị ấy rất dễ gặp phải các cám dỗ bởi những điều kiện đó. Còn về các thứ mỹ phẩm và trang sức thì coi như luôn luôn bị cấm chế tuyệt đối.

Có thể nói rằng các tuyên ngôn Tăng sự hầu hết đều nằm ở Khandhaka. Tăng chúng có thể vận dụng các tuyên ngôn này như những Luật nghi cần thiết cho những sự vụ tương ứng. Trong bảy loại tuyên ngôn của Khandhaka, tuyên ngôn Cụ Túc Giới được xem là thông dụng nhất và cho mãi đến bây giờ vẫn tiếp tục được áp dụng ở các xứ Phật Giáo Nam phương.

Nhưng ta phải nhận rằng tập Khandhaka không chỉ bao gồm những vấn đề luật học khô khan như vậy, mà ngược lại, nó còn chứa đựng những nội dung khác thơ mộng và sinh động hơn nhiều. Đó là những áng văn học Pàli cổ điển mà cho tới hôm nay, chúng vẫn không hề bị phủ nhận. Chẳng hạn những câu chuyện vừa mang tính sử học, vừa mang tính nhân bản...

Một hôm, Đức Phật cùng trưởng lão Ànanda trong khi đang đi viếng các liêu cốc chư Tăng trong tịnh xá, Ngài đã nhìn thấy một vị Tỳ kheo đang nằm đau đớn trên một đống những thứ bẩn thỉu. Chả là vị tỳ kheo nọ đã phải trải qua những tháng ngày dài bệnh hoạn mà không có người chăm sóc. Đức Phật bảo Trưởng giả Ànanda đi tìm một ít nước sạch rồi sau đó, chính tay Ngài đã tắm rửa và bồng vị này đặt trên một chiếc giường sạch sẽ. Sự việc thương tâm đó thực ra được bắt đầu một cách rất dễ hiểu. Lúc bình thường, vị này chẳng nhòm ngó tới ai nên khi hữu sự, chẳng có một bạn bè nào để mắt tới. Nhân sự kiện này, sau đó, Đức Phật đã triệu tập chúng Tăng và khuyên nhắc các vị lúc nào cũng phải nên chăm sóc lẫn nhau. Ngài còn nói thêm rằng, bất cứ ai muốn người khác đối xử với mình thế nào thì trước hết mình phải đối xử với người như vậy.

Trong Khandhaka còn kể lại nhiều câu chuyện khác mang tính đời thường và dí dỏm. Đôi vợ chồng kia có một đứa con trai mà họ rất thương yêu. Cả hai cùng bàn bạc với nhau để nghĩ ra cách nào đó có thể tạo dựng cho nó một đời sống thật sự hạnh phúc. Họ sợ việc cầm bút sẽ làm cho mấy ngón tay của cậu bé bị đau, những vận động tay chân có thể khiến cơ bắp của cậu bị nhức mỏi và thậm chí cả ngành hội họa cũng có thể làm cho thị lực của cậu bị ảnh hưởng.

Sau nhiều lần suy tính, cuối cùng, họ quyết định cho cậu bé đi tu. Theo họ, đó phương kế sinh nhai tốt nhất để cậu chàng khỏi phải vất vả cực thân!

Hoặc một câu chuyện khác cũng không kém phần hài hước và kịch tính. Có một cô danh kỹ ở thành Vương Xá chẳng may bị vướng vào cái "tai nạn nghề nghiệp" là có mang. Nàng cố dưỡng bào thai cho đến ngày sinh nở rồi sau đó bí mật đem đặt đứa trẻ sơ sinh vào một chiếc giỏ và mang thả trôi sông. Một vị hoàng tử hiếm muộn đã nhặt được đứa bé rồi cho người đem về nuôi dưỡng, đặt tên là Jìvaka. Jìvaka lớn lên được học hành đàng hoàng và đặt biệt có năng khiếu về khoa y dược. Tương truyền rằng sau bảy năm thụ học với Thầy, Jìvaka trở thành một y sĩ toàn tài. Để thử thách chàng, vị thầy ra lệnh cho Jìvaka đi khắp rừng rậm núi cao để tìm cho ra một thứ thảo mộc nào đó không thể làm thuốc được, dù là thuốc cứu người hay giết người. Và cuối cùng, Jìvaka đã trở về thưa với thầy rằng mình không thể tìm thấy một thứ thảo mộc nào không có dược tính. Cảm thấy thỏa lòng với người học trò ưu tú, vị thầy đã cho chàng một ít tiền và đồng ý cho Jìvaka được phép hồi hương để hành y cứu đời. Jìvaka từ đó trở thành một danh y nổi tiếng. Bệnh gì chàng cũng có thể điều trị bởi bất cứ thứ gì trong mắt chàng đều có thể là một món thuốc.

Để kêu gọi tinh thần tôn ti ở các vị tỳ kheo trẻ tuổi đối với các bậc tôn túc Trưởng Lão, Đức Phật đã kể lại một câu chuyện mà ở thời đại này ta có thể hiểu đó là một câu chuyện ngụ ngôn cũng được. Câu chuyện kể về ba con thú: con voi, con gà gô và một con khỉ sống gần nhau bên cạnh một cội cây đại thọ. Trong suốt một thời gian dài, ngoài chính bản thân mình, chúng không hề biết đến việc tôn trọng ai đó là người lớn nhất trong bọn. Một hôm, cả ba con thú bỗng nhiên nghĩ đến chuyện đó và cùng quyết định bầu chọn một con được xem là cao tuổi nhất để hai con còn lại có thể đối xử tôn trọng. Con gà gô và con khỉ đề nghị con voi kể lại một sự kiện nào đó như là dấu mốc thời gian để xem nó đã sống được bao lâu. Con voi trả lời rằng, ngày nó còn bé thì đọt cao nhất của cây này cũng chỉ nằm dưới bụng con nó mà thôi. Câu hỏi lại được đặt ra cho con gà gô và con khỉ. Con khỉ cho biết ngày nó còn nhỏ thì cây đại thọ vẫn còn thấp lắm, nó có thể ngồi dưới đất mà đưa tay bẻ ngắt đọt cây. Đến phiên con gà gô thì nó thủng thỉnh trả lời rằng, ngày xưa, chính nó đã ăn một trái cây dại từ một địa điểm gần đó. Về sau nó đi tiêu ra và một cái hạt trong đống phân đó đã mọc thành cái cây hiện tại mà ba con thú vẫn thường chọn làm chổ gặp mặt. Nghe xong lời kể của con gà gô, khỉ và voi quyết định xem gà gô là anh cả trong nhóm để chúng nghe lời và tôn trọng!

Ngoài ra, trong tập Khandhaka còn kể lại rất nhiều giai thoại về những nhân vật có tên tuổi trong Phật giáo thời đó như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, La-hầu-la, triệu phú Cấp-cô-độc, Đề-bà-đạt-đa.

Tập Khandhaka còn nhắc đến một sự kiện hết sức quan trọng đối với lịch sử Phật Giáo, đó chính là sự ra đời của giáo hội Ni chúng. Trước lời khẩn thỉnh thiết tha của người dì ruột là bà Gotami và Ngài Ànanda, Đức Phật đã chấp thuận cho nữ giới được xuất gia trong giáo hội. Cùng với một lời cảnh báo về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra từ sau có mặt của Ni chúng. Theo Ngài thì một đoàn thể xuất gia có sự góp mặt của nữ giới thì đó là một giáo hội bị bỏ ngõ, một cánh đồng đang bị chim chuột tấn công, một ngôi nhà đang bị trộm cướp rình rập. Từ đó, để chặn đứng phần nào những đổ đốn có khả năng xảy ra trong tương lai cho Phật giáo, Đức Phật đồng ý thành lập Ni chúng kèm theo 8 điều chế pháp mà bất cứ vị tỳ kheo ni nào cũng phải tuyệt đối chấp hành. Nội dung đại lược của tám điều chế pháp đó là xác định vị trí thứ yếu của Ni chúng đối với Tăng chúng, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Tăng chúng đối với Ni chúng cùng một số lưu ý của Đức Phật về các thói xấu thường thấy ở nữ giới

1.4- Parivàra (TẠP SỰ BỘ)

So với các phần khác của Luật Tạng thì Parivàra được biên soạn muộn màng nhất và có lẽ đây là tác phẩm của một Trưởng lão Tích Lan nào đó. Nội dung của Paravàra hầu như bao gồm toàn bộ Luật Tạng và các vấn đề được trình bày trong hình thức vấn đáp. Sách gồm 19 chương bao gồm cả các mục từ vựng, danh mục,... Cách bố trí nội dung này của Parivàra cứ làm ta nhớ đến các tập phụ lục (Anakramanis) của kinh điển Vệ Đà (Vedange).

Trong bài kệ dẫn nhập của bộ Parivàra có nhắc đến sự kiện Ngài Mihinda sang Tích Lan. Và như vậy thì ta cũng có thể giả định rằng bài kệ này của vị Trưởng lão nào đó của Tích Lan chẳng hạn như Ngài Arittha, cháu kêu vua Devanampiyatissa bằng cậu. Đã vậy, trong bài kệ kết thúc của bộ Parivàra ta còn bắt gặp câu ghi chú sau đây: "Sách được biên soạn bởi một người Tích Lan (nguyên tác gọi là "Người Ở Đảo") theo phong vận ngôn ngữ và tinh thần sáng tác của các bậc ton đức".

2) KINH TẠNG:

Nếu nội dung trọng tâm của Luật Tạng là nói về Tăng chúng thì nội dung chủ yếu của Kinh Tạng chính là đề cập về giáo lý. Từ Kinh Tạng, chúng ta có thể học hỏi gần như trọn vẹn tất cả những lời dạy của Đức Phật cùng chư Thánh tăng môn đệ về giáo lý Đạo Phật. được trình bày bằng đủ các thể văn xuôi và văn vần, Kinh Tạng có một nội dung vô cùng phong phú. Ở đó chứa đựng tất cả những pháp thoại chuyên môn, các thể loại văn học dân gian cùng những câu nói minh triết đáng được xem là châu ngọc trong kho tàng văn hóa của nhân loại từ suốt cổ kim và khắp cả Đông Tây...

Kinh Tạng được phân thành năm bộ lớn: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh. Nội dung của bốn bộ Kinh đầu bao gồm những pháp thoại tự thuyết của Đức Phật hoặc những bài đối thoại giữa Ngài với những người cầu pháp. Trong đó, đôi khi chúng ta bắt gặp một số bài Kinh được nhắc đi nhắc lại đúng theo tư phong thường thấy ở các tác phẩm kinh điển thời xưa. Còn Tiểu Bộ Kinh thì phần lớn nội dung là các cổ tích, giai thoại, thi ca giáo lý cùng những Phật ngôn ngắn gọn như kiểu cách ngôn. Sau đây là nội dung ngắn gọn của năm bộ Kinh Tạng.

2.1) Trường Bộ Kinh (Dìgha-nikàya)

Bộ Kinh được gọi tên như vậy vì nội dung gồm toàn những bài Kinh thật dài, dài nhất của Kinh Tạng. Trường Bộ Kinh có tất cả là 34 bài Kinh với các tiêu đề giáo lý hầu như độc lập và cũng gồm hai hình thức trình bày đơn thuyết hoặc đối thoại. Trường Bộ Kinh được chia thành ba đại phẩm: Silakkhandhavagga (gồm bài Kinh số 1 đến bài Kinh số 13), Mahàvagga (gồm từ bài Kinh số 14 đến bài Kinh số 23), Patikavagga (gồm từ bài Kinh số 24 đến bài Kinh số 34).

Về nội dung và chi tiết đặc biệt của mỗi phẩm cũng khác nhau. Trước hết, về vấn đề thời gian thì những bài Kinh được xem là nguyên thủy nhất chủ yếu tập trung ở Sìlakkhandhavagga và những bài Kinh muộn màng nhất thì được xếp vào Patikavagga. Những bài Kinh dài nhất của Trường Bộ hầu như đều nằm ở Mahàvagga. Trong số đó có một vài bài được xác định là đời sau lúc Phật viên tịch.

Văn thể của các bài Kinh trong cả ba phần cũng giống nhau. Các Kinh ở Sìlakkhandhavagga đều thuộc thể văn xuôi và văn vần. Có thể nói các bài kệ trong Trường Bộ Kinh đều là thể kệ bình dân dù rất súc tích.

Ở đây, ta có thể kể ra nội dung của một số bài Kinh trong Trường Bộ. Chẳng hạn bài Kinh đầu tiên được gọi là Kinh Phạm Võng. Ngay tên gọi của bài Kinh cũng tự có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, Phạm Võng có ý nghĩa là chiếc lưới Chánh Pháp.Ở đây, Đức Phật đưa ra hình ảnh một ngư phủ tung một tấm lưới lớn vào hồ nước để tóm gọn một mẻ tất cả những tôm cá lớn nhỏ bên dưới và Đức Phật dạy rằng nội dung của bài kinh Phạm Võng cũng có ý nghĩa như chiếc lưới đó vậy. Trong bài Kinh này, Đức Phật đã nêu bật toàn bộ quan điểm triết học của tất cả Bà-la-môn đương thời và vạch rõ những điểm sai trái lầm lẫn trong đó. Đức Phật cảnh giác các đệ tử nên tránh xa lối sống tà vạy của các Bà-la-môn, chẳng hạn như các sinh kế bị xem là tà mạng như cúng tế, bói toán, bán buôn, chăn nuôi, hành y, họa phù làm phép hoặc sống hưởng thụ các thú khoái lạc của người thế tục. Đặc biệt trong bài Kinh này, Đức Phật còn đề cập đến những vấn đề triết học quan trọng có quan hệ lãnh vực thế giới, sự hiện hữu của một linh hồn bất tử, về Thượng Đế. Đại khái bài Kinh Phạm Võng đã làm nổ tung thế giới của các Bà-la-môn.

Bài Kinh thứ hai là Kinh Sa Môn Quả. Tên gọi của bài Kinh này đã nói lên toàn bộ nội dung bên trong. Ở đây Đức Phật từng bước phác họa một cách tỉ mẫn quá trình tu chứng của một Sa-môn Phật Giáo. Ngài cũng nhắc đến để so sánh các quan điểm tu học của những tôn giáo đương thời. Bài Kinh đã kể lại cho chúng ta một cách khá chi tiết về đời sống và tư tưởng của người dân Ấn độ thời đó.

Ở ba bài Kinh tiếp theo: bài Ambattha-sutta (số 3), bài Kutadantasutta (số 5), bài Tevijjasutta (số 13) đã nêu rõ quan điểm phê phán của Đức Phật về tinh thần phân biệt giai cấp xã hội của các Bà-la-môn, những nghi thức sát sinh, hiến tế tàn bạo của họ cùng quan niệm ngã chấp về một cái Tôi chí tôn mà họ vẫn chủ trương.

Bài Kinh nổi tiếng nhất của Trường Bộ Kinh được chỉ cho bài Kinh Đại Bát Niết-bàn có một nội dung khá độc đáo so với các bài Kinh khác. Nội dung của Kinh không đề cập chuyên biệt về một vấn đề giáo lý nào mà lại chủ yếu kể về những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời Đức Phật, những lời dặn dò mà Ngài đã thiết tha gởi lại cho các đệ tử. Phải nói rằng, nội dung bài kinh Đại Bát Niết-bàn đã gần như là một tập tự truyện về cuộc đời của một bậc vĩ nhân cao cả nhất trong lịch sử nhân loại. Nội dung bài Kinh mà hôm nay chúng ta đọc được là tất cả những gì đã góp nhặt và san định trong hằng nhiều thế kỷ sau ngày Đức Phật viên tịch. Trong đó, có đủ tất cả những cái mới và cái cũ, đồng thời cũng nảy sinh lắm chi tiết đáng được quan tâm. Chẳng hạn như vào những giây phút cuối cùng của Đức Phật, theo những cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Ngài Ànanda, ta bắt gặp ở đây đến hai hình tượng Đức Phật: một của đời thường có những dáng nét rất Người, nhưng bên cạnh đó lại là một Đức Phật tôn giáo, có vẻ như một siêu nhân đầy quyền phép. Trong bài Kinh cũng nhắc đến sự kiện hỏa táng và lập tháp để tôn thờ xá lợi của Ngài. Cứ theo cách nói của bài Kinh (nếu xem lại thật kỹ) ta sẽ dễ dàng cảm nhận mơ hồ một màn sương huyễn hoặc vây phủ quanh Ngài. Nhưng có lẽ phần phụ cố này không có trước thời vua A Dục.

2.2) Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikàya)

Ở đây gồm những bài Kinh không đến nỗi quá dài như Trường Bộ, dù cũng không phải là quá ngắn. Bộ Kinh gồm 152 bài Kinh được chia thành 3 phần. Cũng giống như Trường Bộ Kinh, mỗi bài Kinh của Trung Bộ đều có một tiêu chí giáo lý độc lập.

Nội dung của Trung Bộ Kinh bàn về tất cả những vấn đề giáo lý căn bản và phổ biến nhất của Phật Giáo như Bốn Thánh Đế, lý nhân quả, tính tập khí của tham ái, lý vô ngã, vấn đề Niết-bàn,... Trung Bộ Kinh còn có nội dung phê bình các dòng giáo lý vô lối của ngoại đạo như Bà-la-môn giáo, Kỳ-na giáo (Ni kiền tử). Đồng thời cũng nêu rõ quan điểm đạo đức học, xã hội học của Phật Giáo truyền thống. Bản thân Trung Bộ Kinh cũng đủ là một bức tranh lớn về những khía cạnh xã hội và tôn giáo của Ấn Độ cổ đại.

Ở đây ta có thể điểm sơ vài nét về nội dung của một số bài Kinh được xem là khá nổi bật của Trung Bộ. Chẳng hạn như bài Kinh số 93, bài Kinh Assalayana. Một thanh niên Bà-la-môn trí thức là Assalayana đã đến gặp Đức Phật và trong cuộc đối thoại với Ngài, chàng một mực đề cao cái gọi là tính cách cao quý thiêng liêng của giai cấp Bà-la-môn. Đức Phật đưa ra hình ảnh hai người đốt lửa vốn xuất thân từ hai giai cấp xã hội khác nhau, rồi Ngài hỏi Assalayana có thể tìm thấy sự khác biệt nào trong hai ngọn lửa của hai người đốt lửa ấy hay không. Assalayana đã lập tức chấp nhận quan điểm bình đẳng của Đức Phật và trở thành một Phật tử. Có một số bài Kinh Trung Bộ chỉ đơn giản là một câu chuyện, ngoài ra không đặc biệt nhấn mạnh một vấn đề giáo lý nào, như Kinh 86 chẳnh hạn.Ở đây là một câu chuyện kể về tay sát thủ Angulimàla sau khi được đức Phật tiếp độ đã đi xuất gia và chứng ngộ quả vị A-la-hán. Bài Kinh này gồm cả hai thể văn xuôi và kệ ngôn. Và điệu thức kệ ngôn trong bài Kinh này phải được nhấn mạnh là một điển hình thật độc đáo trong dòng thơ ca đạo Phật. Bài Kinh 83 kể lại câu chuyện về một vị Hoàng đế tên Makhadeva chỉ nhìn thấy sợi tóc bạc trên đầu mình đã chán đời rồi bỏ ngôi đi tu. Câu chuyện này cũng còn được tìm thấy trong Kinh Bổn Sanh.

Cũng như ở trường hợp Trường Bộ Kinh, trong Trung Bộ Kinh cũng gồm đủ những bài Kinh nguyên thủy và những bài hậu bổ về sau. Bên cạnh đó, hình ảnh Đức Phật ở đây đó trong Trung Bộ Kinh cũng không được thống nhất. ở đôi chỗ, Ngài chỉ là một bậc Đạo Sư trong hình hài một con người dung dị. nhưng ở đây, một vài chỗ khác thì Ngài có vẻ như một Ông Thần, một vị Thánh siêu nhiên.

2.3) Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikàya)

Chữ Samyutta vốn nhiều nghĩa: nhóm bọn, kết hợp, gắn bó, quan hệ,... Nếu tạm dịch thì Samyutta thường được dịch là phẩm Tương Ưng. Trọn bộ Kinh Tương Ưng gồm có 56 phẩm Tương Ưng với tổng số lượng 2889 bài kinh. Sau đây là danh mục và nội dung của một số phẩm:

- Phẩm Tương Ưng Chư Thiên: gồm những phát biểu mà chư Thiên thưa với Đức Phật về nhiều vấn đề giáo lý khác nhau, có khi trong hình thức đối thoại và có lúc trong hình thức tự bạch.

- Phẩm Ác Ma: gồm những câu chuyện ngắn kể lại những lần Ác Ma Thiên Tử hiện xuống quấy nhiễu Đức Phật hoặc các đệ tử của Ngài.

- Phẩm Tương Ưng Thiên Đình: gồm 55 bài Kinh trình bày về các loại thiền chứng.

- Phẩm Tương Ưng Thánh Đế: gồm 131 bài Kinh với nội dung chủ yếu đề cập về Tứ Diệu Đế.

Dựa vào ít nhất là ba nguyên tắc sau đây, các vị Kiết Tập Sư đã sắp xếp nội dung của từng phẩm với những bài Kinh thích ứng. Trước hết là các Ngài căn cứ vào đề mục giáo lý của mỗi bài Kinh mà xếp phẩm. Thứ đến là dựa vào đối tượng nghe Kinh mà xếp phẩm và trường hợp thứ ba là căn cứ vào đương sự nói Kinh (tức người phát biểu).

56 phẩm Tương Ưng còn được phân thành 5 đại phẩm: Sagàthàvagga, Nidanavagga, Khandhavagga, Sadayatanavagga và Mahàvagga.

Trong số đó, đại phẩm đầu tiên có nội dung chủ yếu là về phép sống thánh hạnh của Phật ngôn. Ở bốn đại phẩm sau thì đại khái nói nhiều về các vấn đề mà nay ta có thể tạm gọi là thuộc các lĩnh vực Trí Thức Luận và Siêu Hình Học. Song song theo đó còn là những bài kinh có nội dung kể về nếp sống thường nhật của Đức Phật và Chư Thánh Tăng cùng những đề tài có ý nghĩa tán thán Ngài và Giáo Pháp.

Tuy vậy, nội dung của Tương Ưng Bộ Kinh không chỉ gồm những vấn đề chuyên môn và khô khan. Ta vẫn có thể bắt gặp đây đó những bài Kinh hết sức thú vị và sinh động. Một phần trong những dáng nét đó chính là cái văn phong thơ mộng của Kinh mà đặc biệt là ở phẩm Sagàthà-vagga. Phẩm này chủ yếu là một tác phẩm thi ca hết sức độc đáo. Ờ các tác phẩm khác cũng có kệ ngôn (thi ca), nhưng phải nói trong phẩm này có số lượng kệ ngôn lớn nhất. Thậm chí có một số bài Kinh trong phẩm chỉ độc thuần là kệ ngôn.

Ta có thể bắt gặp trong phẩm này những vấn đề nho nhỏ, vừa dễ thương mà cũng gần gũi. Như trong câu kệ của phẩm, có thể đọc thấy những câu vấn đáp có vẻ ngộ nghĩnh và mộc mạc như sau:

"Vấn: - Cái gì là sinh lực cho người đàn ông? Tình bạn nào là quan trọng nhất trong đời và thiên hạ dưới gầm trời này được sống còn nhờ cái gì?

Đáp: - Sinh lực của người đàn ông là con cái. Tình bạn quan trọng nhất trong đời chính là tình phu phụ và người ta sống được là nhờ vào những cơn mưa".

Trong Tương Ưng Bộ Kinh cũng ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phật với Dạ Xoa và chi tiết này cứ làm ta nhớ đến tác phẩm văn học Maha-bharata về cuộc đối thoại giữa yudhsthira cũng với một Dạ Xoa.

Các bài kệ kể lại những lần gặp gỡ của Ác ma Thiên Tử với Chư vị Trưởng Lão Ni quả là những vần thơ đẹp nhất trong dòng thơ ca Ấn Độ cổ đại. Như dịp Ác Ma hiện xuống quấy phá Trưởng Lão Ni Kisagotami chẳng hạn.

Lần đó, Đức Phật đang ngụ tại chùa Kỳ Viên thành Xá vệ. Lúc bấy giờ Trưởng lão Ni Kisagotami sau buổi cơm trưa đã tìm đến một gốc cây yên tĩnh để nghỉ ngơi bằng cách nhập định. Để quấy nhiễu bà, Ác Ma Thiên Tử xuất hiện và hỏi bà:

"Tại sao nàng lại ngồi cô đơn trong khu rừng vắng này, đôi mắt nàng buồn quá, trông cứ giống như đôi mắt của một người mẹ bị mất con, hay nàng đến đây để tìm một người đàn ông nào đó?"

Nhận ra người đối diện chính là Ác Ma, Trưởng Lão Ni trả lời:

"Cái ngày tang tóc đó đã qua rồi và ta bây giờ cũng chẳng cần thiết gì tới một người đàn ông nào hết. Từ lâu, ta đã chẳng còn chảy nước mắt. Này Thiên Tử, ta không có kinh sợ Ngài đâu. Bóng tối vô minh của ta đã được vẹt tan, mọi chuyện trên đời đối với ta là vô nghĩa. Ta đã vượt khỏi tầm ảnh hưởng của Thần Chết. Ta đang ngồi đây nghỉ ngơi với một nội tâm tĩnh lặng và không sợ hãi."

Biết không thể làm rung động được vị Trưởng Lão Ni, Ác Ma đã thất vọng biến mất lập tức.

Theo Carpenter nhận xét, một cách không thuyết phục lắm, thì những câu chuyện thuộc loại trên đây không có giá trị thơ ca thuần tuý, mà lại có vẻ là những kịch phẩm ngắn mà thôi. Ông có phần nào đúng bởi rõ ràng là những câu chuyện đã có thể đã được vận dụng như là những chất liệu xây dựng cho các kịch phẩm đời sau, nhưng ở đây ta tuyệt nhiên không thể nói rằng văn phong của chúng là thứ văn chương kịch nghệ. Tiện đây, còn có một điều đáng ghi nhận là không có một minh chứng nào về sự vay mượn của các kịch phẩm hoặc cách nói ca kịch từ những câu chuyện như vậy trong Tam Tạng Pàli. Nói ngắn gọn hơn, trong văn học Kinh Phật không hề có thứ văn học đó. Ngược lại, các nhà học Phật còn lên tiếng phản đối chuyện đó nữa là khác. Winternitz có vẻ khá chính xác khi cho ra nhận định rằng các câu chuyện trong kinh Phật đã để lại những dấu ấn rất lớn trong tác phẩm Mahabharata!

2.4) Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-nikàya)

Còn có một tên gọi khác là TĂNG NHẤT BỘ hoặc TĂNG NHẤT A-HÀM (Ekuttara-nikàya). Nội dung của bộ Kinh này bao gồm các vấn đề giáo lý được kể theo số mục từ ít đến nhiều, mà bắt đầu là một. Có ít nhất là 2308 bài kinh nằm gọn trong hai phân mục (Nipàta). Mỗi phân mục lại gồm nhiều tiểu phẩm (Vagga). Sau đây là nội dung đại lược của các phân mục:

- Phân mục một chi pháp (Eka-nipàta) đề cập đến những gì mang tính duy nhất, như vị trí độc tôn của các vị Phật trong mỗi thời kỳ.

- Phân mục hai chi pháp (Duka-nipàta) đề cập đến những pháp môn có hai khía cạnh hoặc hai vấn đề nào đó có thể nằm chung một phạm trù. Như pháp bất thiện di hại trong đời này và đời sau, hai pháp bố thí là tài thí và vật thí.

- ...

Cứ thế, toàn bộ nội dung của Tăng Chi Bộ Kinh trình bày các pháp môn theo hệ thống số mục như vậy cho đến phân mục cuối cùng gồm đến mười hai chi pháp trong một phân mục.

So với các bộ Kinh khác của Kinh Tạng, Tăng Chi Bộ Kinh có một hình thức độc đáo riêng biệt. Bởi ta cũng thấy rõ ràng, Đức Phật luôn tùy duyên thuyết giáo và hệ thống Kinh điển Phật ngôn buổi đầu chỉ nằm trong dạng khẩu truyền thì làm sao có chuyện các pháp môn được sắp xếp theo một trật tự như vậy. Vấn đề hết sức dễ hiểu là hệ thống đó đã được các vị Kiết Tập Sư sắp xếp, san định nhằm giúp cho các thế hệ hậu lai có thể dễ dàng ghi nhớ hoặc học thuộc lòng. Cách trình chỉ riêng ở Tăng Chi Bộ Kinh mới có. Nhưng điều hết sức đặc biệt là ở Kinh Tạng thì như vậy, còn ở tập Puggalapannatti của Tạng Thắng Pháp nguyên thủy thì ta lại bắt gặp một nội dung có cách bố cục hoàn toàn đồng dạng, cứ như một phần trích lục từ Tăng Chi Bộ vậy.

Đọc kỹ Trường Bộ và Trung Bộ rồi đem so sánh với Tăng Chi Bộ, ta sẽ tìm thấy toàn bộ những vấn đề giáo lý vốn đã dàn trải ở hai bộ kia, giờ lại được chắt lọc và hệ thống hoá ở Bộ này. Nói vậy không có nghĩa là Tăng Chi Bộ thiếu tính nguyên thủy riêng tư. Bởi bản thân rất nhiều bài Kinh Tăng Chi Bộ vốn tự có những nét thơ mộng riêng tư hết sức độc đáo mà ở các Bộ khác không có được. Nội dung Tăng Chi Bộ xứng đáng được xem là một bức tranh toàn cảnh về giáo lý Đức Phật cùng các vấn đề xã hội đương thời. Ta có thể bắt gặp ở đây những gương mặt tên tuổi của lịch sử Phật Giáo trong thời kỳ Đức Phật cùng các vấn đề giáo lý cốt lõi như nghiệp lý cũng được nhắc đến một cách sâu rộng và sinh động.

2.5) Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikàya)

Dù được kể là một bộ phận Kinh Tạng nhưng có một thời Tiểu Bộ Kinh còn bao gồm cả Tạng Thắng Pháp (Luận Tạng). Ta có thể nói rằng nếu xét về nội dung thì hầu hết Tiểu Bộ Kinh là Tục Tạng chớ không phải Chánh Tạng. Bởi bên cạnh một số rất nhỏ những bộ phận được xem là nguyên thủy nhất thì phần còn lại hầu như chỉ là những chú giải cho các Phật ngôn chính thống. Bởi rõ ràng là sau khi đã san định xong bốn Bộ Kinh (Nikàya) trước, các vị Kiết tập Sư mới hoàn chỉnh nội dung Tiểu Bộ Kinh.

Dù cũng có thể văn xuôi, nhưng đại bộ phận của Tiểu Bộ Kinh đều thuộc văn kệ. Phải nói rằng những tác phẩm thi ca (Kàvya) quan trọng nhất của Pàli đều nằm trong Tiểu Bộ Kinh.

Đề tài của Tiểu Bộ Kinh rất phong phú, được san nhuận, bổ sung qua các thời kỳ với sự đóng góp của chư Trưởng Lão trong các bộ phái Phật giáo. Buổi đầu, có thể đó là những tác phẩm rời rạc, nhưng qua thời gian đã được sắp xếp gọn gàng vào Tiểu Bộ Kinh.

Nói vậy có nghĩa là có một số bộ phận trong Tiểu Bộ Kinh chỉ được ra đời sau ngày Đức Phật viên tịch. Việc này dễ làm ta nhớ đến một sự kiện thật đáng lưu tâm, đó là lời tiên tri của Đức Phật về hậu vận của Phật giáo trong tương lai. Trong Tương Ưng Bộ Kinh rồi cả Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật đã từng lên tiếng cảnh báo rằng sau này các đệ tử của Ngài sẽ không còn mấy vị tha thiết quan tâm đến những kinh văn có nội dung giải thoát, hướng về Không Tịch (Sunnata) mà phần đông chỉ thích thú và đam mê với những tác phẩm thơ văn ủy mị, tình cảm yếu đuối. Từ đó dẫn đến trường hợp các vị có khuynh hướng bảo trì truyền thống thường có vẻ xem thường các tác phẩm Phật học được viết bằng thơ ca của tác giả hậu thời.

Theo truyền thống Tích Lan thì Tiểu Bộ Kinh bao gồm 17 phần Tiểu Tụng, Pháp Cú, Cảm Hứng Ngữ, Như Thị Thuyết, Kinh Tập, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Bổn Sanh Kinh, Đại Xiển Minh, Tiểu Xiển Minh (có chỗ nói là của Ngài Xá-lợi- phất, có chỗ nói là của Ngài Buddhaghosa), Vô Ngại Giải Đạo, Kinh Bổn Sư, Phật Tông và Hạnh Tạng.

Theo Ngài Buddhaghosa sắp xếp thì Tiểu Bộ Kinh chỉ gồm có 15 phần. Còn theo truyền thốngcủa Miến Điện thì các tác phẩm sau đây cũng được kể vào Tiểu Bộ Kinh:

Milindapanha, Suttasangaha, Petakopadesa, Nettipakarana.

* Tiểu tụng (Khuddakapàt.ha) gồm chín phần:

- Nói về đức tin nơi Phật Pháp.

- Nói về mười học giới của Sadi.

- Nói về 32 thể trược.

- Nói về 10 đề tài pháp số (pháp một chi là vật thực, pháp hai chi là danh sắc, pháp ba chi là tam thọ,... ) vốn thường được khảo nghiệm nơi các vị Tăng Sư (xin xem thêm Tăng Chi Bộ Kinh).

- Các nguyên tắc Xã hội Học theo nhân sinh quan Phật Giáo (bài kinh "Ba mươi tám pháp an lành").

- Vấn đề tôn trọng đối với Tam Bảo và các phi nhân (Kinh Tam Bảo).

- Vấn đề tang lễ và nghiệp lý, mà ở đây là vấn đề hồi hướng và cúng dường (bài kinh Tirokuddasutta).

- Các công đức cần thực hiện trong đời sống hiện tại (Kinh Hậu Đức - Nidhisutta).

- Vấn đề tình thương đối với tất cả chúng sanh.

Trong 9 phần nói trên đây, có năm bài Kinh được đặc biệt chú yếu là: Hạnh Phúc Kinh, Tam Bảo Kinh, Ngạ Quỷ Kinh, Hậu Đức Kinh và Từ Bi Kinh.

Chỉ trừ hai bài đầu, 7 bài còn lại vẫn được Chư TĂng Phật Giáo Nam Phương thường xuyên tụng đọc như những bài hộ kinh có tác dụng trấn áp các hàng phi nhân. Nghi Thức này thường được thực hiện vào các dịp động thổ tân gia hay tang lễ, hoặc hộ niệm cho người bệnh hoạn.

Các vấn đề của tập Tiểu tụng thực ra là những đề tài đã được nhắc tới trong các tác phẩm kinh văn khác. Chẳng hạn như 10 học giới của Sa-di vốn được rút ra từ Luật Tạng nguyên thủy. Các bài Hạnh Phúc Kinh, Tam Bảo Kinh và Từ Bi Kinh cũng đã được nhắc tới trong Kinh Tập (Suttanipàta), một bộ phận của Tiểu Bộ Kinh. Còn Ngạ Quỷ Kinh (Tirokud.d.asutta) thì ta có thể tìm thấy ở phần Ngạ Quỷ Sự.

* Pháp Cú Kinh (Dhammapada):

Có lẽ trong toàn bộ Kinh điển Pàli, Pháp Cú Kinh được xem là phần nổi tiếng nhất. Ngoài các bản bằng những phương ngữ Ấn Độ nói riêng và Đông phương nói chung, Dhammapada còn được dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương. Nội dung của Dhammapada là những Phật ngôn dễ hiểu, được trình bày trong một ngữ khí hấp dẫn, nhiều hình ảnh và thơ mộng.

Ngoài nguyên bản tiếng Pàli, kinh Dhammapada còn có bốn phiên bản độc đáo khác nữa trong các chuyển ngữ Sanskrit bác học, Sankrit hỗn chủng, Prakrit và Hán văn.

Dhammapada gồm 423 bài kệ được sắp xếp trong 26 phân phẩm, mỗi phẩm bao gồm các vấn đề giáo lý được trình bày qua những hình ảnh tương dụ thích ứng. (xin nghiên cứu thêm ở các bản dịch Pháp Cú Kinh bằng Việt ngữ của Hòa Thượng Thích Minh Châu - Viện Trưởng Viện Phật học Vạn HẠnh, Việt Nam, hoặc của Phạm Kim Khánh, TT. Pháp Minh, các dịch giả uy tín của Phật giáo Theravàda Việt Nam).

* Cảm Hứng Ngữ (Udàna):

Nếu dịch sát theo ngữ căn thì chữ Udàna có nghĩa là ứng khẩu, nêu bật mà cũng có nghĩa là nói lên. Nội dung Cảm Hứng Ngữ bao gồm các kệ ngôn và giai thoại. tất cả được xếp gọn trong 7 phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm 10 bài Kinh (sutta): ở mỗi Kinh đều có phần sơ dẫn về nhân duyên thuyết kệ của Đức Phật rồi sau đó là phần kệ ngôn của Ngài. Những câu nói của Đức Phật trong Kinh này được gọi là những Cảm Hứng Ngữ do chính Đức Thế Tôn tự khái mà nói lên, phần lớn đều thuộc thể kệ ngôn dù cũng có đôi chỗ thuộc văn xuôi. Nội dung Cảm Hứng Ngữ chủ yếu nói lên một lý tưởng sống Thánh hạnh và đồng thời cũng đặc biệt nói nhiều về hạnh phúc Niết-bàn. Cách nói chuyện của Đức Phật trong Cảm Hứng Ngữ hết sức trong sáng, giản dị.

Tuy chỉ là bộ phận nhỏ của Tiểu Bộ Kinh nhưng cảm Hứng Ngữ đã nhắc tới nhiều vấn đề Giáo lý quan trọng trong cả ba Tạng. có điều là không phải toàn bộ Cảm hứng Ngữ đều của Đức Phật. Một phần trong đó được gán cho người khác như các Thiên Nhân hoặc một nhân vật nào đó, nhưng câu nói của họ đã được Đức Phật ấn khả. Ta có thể tìm thấy ở các tập Kinh khác một vài dấu vết của Cảm Hứng Ngữ. Chẳng hạn như trong Cảm Hứng Ngữ có nhắc đến một số vấn đề liên quan đến cuộc đời Đức Phật có vẻ như được lấy ra từ Luật Tạng và kinh Đại Bát Niết-bàn của Trường Bộ.

Về nội dung cụ thể của Cảm Hứng Ngữ xin xem lại bản dịch trong Tiểu Bộ Kinh của Hòa Thượng Thích Minh Châu.

*Như Thi Thuyết (Itivuttaka)

Nhan đề Itivuttaka có nghĩa là "Đức Phật đã nói như thế". Tập Kinh này gồm cả hai thể văn xuôi và văn kệ. Vấn đề nội dung được nêu ra bằng văn xuôi ồi sau đó được thu gọn trong một bài kệ kết luận. Đọc thẳng Như Thị Thuyết, ta thấy rõ ràng đó là những lời thuyết giáo trực tiếp của Đức phật cho một đệ tử của mình. Theo sớ giải thì người thọ trì những Phật Ngôn này chính là Khujjuttarà. Nghiên cứu kỹ lưỡng kết cấu từng bài Kinh của Như Thị Thuyết, ta sẽ nhận ra một điều là ở đôi chỗ, phần nội dung của đoạn văn xuôi phía trên không tương ứng với bài kệ bên dưới. Điều đó cho thấy chánh bản của Như Thị Thuyết nguyên thủy đã có thêm những chỗ gia cố của đời sau.

Itiputtaka gồm bốn phân mục (nipàta), mỗi phân mục lại bao gồm những tiểu Phẩm (vagga). Như Thị Thuyết có tất cả 120 bài. Ngôn phong của Như Thị Thuyết rất sáng sủa, một phần cũng nhờ cách nói ẩn dụ của Đức Phật. các vấn đề giáo lý được minh họa rõ ràng. Chẳng hạn như Phật nói một người đàn tín chân chánh cứ giống như mưa trời tưới mát núi non và làm đầy nước các thung lũng, lục căn giống như những cánh cửa luôn cần được canh phòng cẩn mật.

Tập Như Thị Thuyết đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu, nên về nội dung cụ thể ta có thể tìm đọc ở bản dịch này.

* Kinh Tập (Suttanipàta)

Là phần thứ năm trong Tiểu Bộ Kinh, bao gồm cả hai phần tường thuật và đối thoại. Kinh Tập gồm năm phẩm lớn, trong mỗi phẩm lại có nhiều bài Kinh. Trong bốn phẩm đầu bao gồm 54 bài trường thi được đánh giá là loại hình thi ca trữ tình của Pàli. Phẩm cuối cùng chỉ gồm một bài Kinh Đáo Bỉ Ngạn (Paràyanàsutta), cũng là một bài trường thi và bao gồm 16 phân đoạn.

Có thể nói đây là một tập kinh tuy ngắn gọn nhưng đã bao hàm phần lớn những vấn đề giáo lý quan trọng. Nội dung Kinh tập là một cố gắng đánh đổ toàn bộ những nghi thức tôn giáo vô lối, niềm tin mù quáng về sự tồn tại của một thượng đế ảo tưởng và đồng thời nêu bật tinh thần tự giác, tự lực của mỗi người. Ai cũng có thể chứng ngộ Niết-bàn bằng con đường liễu tri Tam tướng và chứng ngộ Tứ đế thông qua công phu tu học Bát Thánh Đạo. Song song với những vấn đề giáo lý cốt lõi này là việc nêu bật điểm khác biệt giữa nét ưu việt của Phật giáo so với các tín ngưỡng đương thời mà đứng đầu là Bà-la-môn giáo.

Có rất nhiều chứng cứ giúp ta hiểu được rằng Kinh Tập là một trong những bộ phận kinh điển nguyên thủy nhất của Phật giáo. Nếu không phải toàn bộ thì ít nhất cũng là một phần của tập kinh này đã được ra đời ngay từ thời đức Phật hoặc lúc sinh thời của chư vị Thánh Tăng đích truyền từ đức Phật, bởi rõ ràng là nội dung Kinh Tập chỉ thuần tuý nói về Phật Pháp như một đạo sống mà không hề có chút gì mang dáng vẻ của nền triết học Phật giáo. Thứ sản phẩm hậu lai này, mãi cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa được hình thành rõ rệt. Chứng cứ thứ hai cũng đáng lưu tâm là vai trò của Tăng Bảo trong Bộ Kinh Tập xem ra rất bình thường. Đó là một điều không thể tìm thấy ở các tác phẩm Kinh Tập hậu thời. Còn một điều nữa là tuy có nhắc về miền Bắc Ấn, nhưng Kinh tập có vẻ như không nói gì tới một tông phái nào ngoại trừ Bà-la-môn giáo và Phật Giáo.

Kinh Tập được xem là nguồn gốc xuất phát của rất nhiều tác phẩm kinh văn. Ta có thể nói rằng chính cái vẻ cổ sơ đã là một trong những lý do khiến Kinh TẬp được đáng là một trong những phần Kinh điển gần nguyên thủy nhất. Dù theo các nhà học giả thì nội dung của Kinh TẬp hôm nay đã được tô đắp ít nhiều, đặc biệt là phần văn xuôi.

Bên cạnh những giáo lý được xem là nguyên thủy nhất, Kinh Tập còn cung cấp cho ta một lượng thông tin quan trọng về các mặt xã hội, tín ngưỡng vào thời Phật và ngay sau đó.

* Thiên Cung Sự (Vimànavatthu)

Nhan đề Pàli này có nghĩa đen là "Chuyện kể về tiên giới". Đây là một tập thơ dài kể về các phúc lạc ở Thiên Giới, nơi được xem là chốn về của những người đã từng tu tạo công đức.

*Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu)

Đây cũng là một tác phẩm thi ca Pàli. Nội dung kể về một loại đọa xứ sống đau khổ và vất vưởng đây đó vì đã trót tạo nhiều ác nghiệp trong tiền kiếp. Thường được gọi là Ngạ quỷ, nhưng nếu theo thực tế mà dịch thì chữ Ngạ quỷ (quỷ đói) xem ra không ổn. Chữ dịch tương đối hợp lý có lẽ nên là Khổ quỷ. Bởi căn cứ trên hành trạng và các cực hình của loài này thì chúng không chỉ có đói khát mà còn bị lửa đốt, băm vằm, mổ xẻ, châm chích... Loài này không thể trực tiếp thọ nhận các lễ phẩm cúng tế như người ta vẫn nghĩ, chúng chỉ có thể được giải thoát bằng phước báu hồi hướng. Quan điểm này của Phật giáo xem ra cũng có chút tương đồng với tín ngưỡng Bà-la-môn.

Cả Thiên Cung Sự lẫn Ngạ Quỷ Sự đều được xem là có mặt trong số những tác phẩm Kinh điển Pàli ra đời muộn nhất. Trong cả hai tác phẩm, vấn đề nghiệp lý (ở cả Phật Giáo lẫn Bà-la-môn đều có) đã được lý giải bằng những câu chuyện minh họa. Xét về giá trị văn chương mà nói thì cả hai tập này ngoài vị trí những tác phẩm thơ ca, chẳng còn gì hơn. Nội dung phần lớn là tẻ nhạt, đơn điệu.

* Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragàthà) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therìgàthà)

Nội dung của hai tập này đã nằm trọn vẹn ngay trong nhan đề. Trưởng lão Tăng kệ bao gồm 107 bài kệ so với số lượng 1279 câu tự thuật hoặc cảm hoài về kỷ niệm cuộc đời hoặc kinh nghiệm tu chứng của các vị Trưởng Lão Tăng. Tập trưởng Lão Ni Kệ gồm có 73 bài với 522 câu kệ. Tác giả là chư vị Trưởng Lão Ni. Các vị đều là những bậc Thánh.

Phong cách ngôn ngữ của hai tập Trưởng Lão Kệ đều giống nhau, đặt biệt là các hình ảnh ẩn dụ, lối nói ví von, gợi hình. Về cú pháp thi ca thì phải nói rằng đây là những tác phẩm thi ca trữ tình có giá trị đứng vào bậc nhất trong vòng văn chương Ấn Độ cổ đại nói chung. Ta có thể cảm nhận ở đây một dònh thi pháp độc đáo và vô cùng thơ mộng.

Đó là nói trên lớp vỏ Ngữ Âm Học, còn cái quan trọng đáng nói nhất ở đây chính là những gì được chuyển tải bên trong hai tác phẩm. Trưởng Lão Tăng Kệ có một cách diễn đạt hết sức tuyệt vời về những kinh nghiệm nội tại trong cuộc đời tu học và những cảm nhận bén nhạy về thiên nhiên trong cái nhìn của chư vị Thánh Tăng. Bên cạnh đó, khi đọc Trưởng Lão Ni Kệ thì ta lại bắt gặp ở đây những kinh nghiệm buồn vui rất đời thường và thật thà trong cuộc sống của một nữ tu mà chư Thánh Ni đã trải qua trước khi giác ngộ. Nếu Trưởng Lão Tăng Kệ đem lại cho ta những xúc cảm lồng lộng về thiên nhiên thì bên này, tập Trưởng Lão Ni Kệ sẽ mang lại cho ta những cảm nhận thăm thẳm về kiếp người. Từ đó, điểm khác biệt căn bản giữa hai tác phẩm chính là một bên nói về đời thường và một bên nói về những kinh nghiệm tâm linh.

Phải nhận rằng tập Theragàtha có một nội dung muôn màu muôn vẻ. Chỉ trong một trữ lượng tương đối khiêm tốn, tự thân tác phẩm đã cùng lúcchuyển tải những vấn đề hóc búa nhất của tâm lý đời sống, cũng như những kinh nghiệm "nhức nhối" của cuộc tu. Từ một bài kệ ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân giữa rừng núi, sang một đoạn kệ khác ta lại bắt gặp những vị Tỳ Kheo hoàn toàn dửng dưng trước chuyện tử sinh, không mong cầu sự chết cũng như không tha thiết sự sống, vị ấy hoàn toàn bình thản chờ đợi hai chữ nhân duyên. Còn ở Trưởng Lão Ni Kệ thì ta lại thường bắt gặp những mẫu đời thực tế nhiều kịch tính. Những câu chuyện như thế này không hiếm. Một nàng công chúa quyết định không đi lấy chồng để được đi xuất gia. Sau khi tu rồi nàng vẫn còn kiều mị như xưa. Để cảnh tỉnh một thanh niên phải lòng mình và có lời cợt nhã, nàng công chúa đã lấy tay móc mắt mình trao cho hắn, chỉ vì hắn đã khen nàng có đôi mắt tuyệt đẹp. Hay câu chuyện về một nàng danh kỹ đã dứt áo ra đi xuất gia giữa thời xuân sắc với một vòng tay và một đôi mắt hái ra tiền. Khi đã trở thành một bậc Thánh Ni A-la-hán, nàng đã kể lại câu chuyện đời mình như những lời nhắc nhở, nhắc nhở khách hồng nhan đừng lãng quên cái đa truân gian nan của một đời phù dung sớm nở tối tàn để sớm quay về với giá trị đích thực của đời sống, theo đúng lời Phật dạy.

Có một số chi tiết trong hai tập Trưởng lão Kệ, cũng có thể được tìm thấy ở đây đó trong Tam Tạng. Chẳng hạn như câu chuyện về Tướng cướp Angulimàla, ta có thể bắt gặp ở Trung Bộ Kinh. Một số mẫu đối thoại giữa Ác Ma Thiên Tử với Chư Thánh Ni còn có thể tìm thấy ở Tương Ưng Bộ Kinh (phần Tương Ưng Tỳ kheo ni). Rồi còn một số bài Kệ khác nữa của hai tập này cũng xuất hiện ở bốn Nikàya trước và Pháp Cú Kinh lẫn Kinh TẬp.

Cũng như trường hợp của một số Kinh điển nguyên thủy khác, hai tập Trưởng lão Kệ không chỉ có một nội dung hoàn toàn nguyên thủy, mà còn bao gồm những phần phụ gia của đời sau. Điều này được chứng minh qua các câu kệ 920-948, 949 – 980 mà nội dung nói về những bước băng hoại của Phật Giáo hậu thời.

Cả hai tập Trưởng Lão Kệ còn có một gía trị rất lớn về sử học. Cả hai tác phẩm đã phác họa lại cho chúng ta một cách khá rõ nét về đời sống, về dân tình của người Ấn lúc đó, đặc biệt là vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Từ tập Trưởng lão ni Kệ, ta có thể nghe được lời tâm sự của những người vợ xa chồng, những người mẹ mất con, tiếng nức nở của những kỹ nữ hồng nhan bạc phận,... Họ đã trở về dưới bóng mát của Đức Phật để trở thành những bậc Thánh Ni khả kính, rồi những nỗi lòng, chuyện đời của họ cũng đã thành ra những tuyệt tác của dòng thi ca Pàli.

Xét từ góc độ giáo sử, hai tập Trưởng Lão Kệ đúng là những kho tàng. Thông qua nội dung của hai tập, chúng ta đã tìm thấy được những dòng giáo lý nguyên thủy quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy. Chẳng hạn như ở tập Trưởng lão Ni Kệ, chúng ta có thể đọc được những định nghĩa tinh xác và tuyệt vời về Niết – bàn, một trong những vấn đề hóc búa nhất của Phật học.

* Bổn Sanh Kinh (Jàtaka)

Nội dung chủ yếu kể về những câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật thửơ Ngài còn được gọi là một vị Bồ Tát. Xét trên mặt văn học, Bổn Sanh Kinh có thể được xem là một trong những bộ phận quan trọng nhất của Tiểu Bộ Kinh.

Nhìn vào nội dung bao quát của Bổn Sanh Kinh bây giờ, ta dễ dàng nhận ra năm phần chính:

a. Paccuppannavatthu: tức duyên sự hiện tại. Ở đây chính là sự kiện gợi ý để Đức Phật dựa vào đó mà nhắc tích xưa.

b. Atìtavatthu: câu chuyện quá khứ có liên quan đến sự kiện hiện tại.

c. Gàthà: phần kệ ngôn thường nằm ở cuối mỗi câu chuyện quá khứ do một nhân vật nào đó trong câu chuyện phát biểu.

d. Veyyàkarana: phần giải thích từ vựng hoặc văn phạm cho những chỗ cần thiết ở các phần trên.

e. Samodhàna: phần nhận diện bổn sanh, tức là ở cuối mỗi câu chuyện Đức Phật thường xác định từng nhân vật trong câu chuyện tiền thân là người nào trong thời hiện tại, lúc Ngài đang kể chuyện.

Bản Jàtaka mà chúng ta được nhìn thấy hôm nay thực ra không phải là Kinh Bổn Sanh nguyên thủy. Bởi nếu gọi tên cho đúng và đủ thì bộ Bổn Sanh Kinh hiện tại có nhan đề Pàli là Jàtakatthavannanà (Bổn Sanh Kinh Sớ Sao). Đây là công trình của một vị Trưởng lão Tích Lan khuyết danh. Tác giả đã thực hiện công trình này bằng cách tổng hợp tư kiệu từ bộ Jàtakatthakathà, một tập Chú Giải trước đó của Bổn Sanh Kinh do các vị La-hán tiền bối thực hiện. Bộ này tương truyền rằng đã được biên soạn ngay sau thời điểm chư vị A-xà-lê san định Tam Tạng thành văn. Cũng như toàn bộ kinh điển nguyên thủy khác, buổi đầu Jàtakatthakathà được viết bằng chữ Tích Lan cổ và sau đó được tác giả của Bộ Jàtakatthavannanà (Bổn Sanh Kinh Sớ Sao) dịch sang tiếng Pàli. Nhưng nãy giờ là đang nói về trường hợp của phần văn xuôi. Riêng phần các câu kệ thì trước sau vẫn được giữ nguyên. Bởi theo kinh điển truyền thống thì Bổn Sanh Kinh nguyên thủy chỉ gồm các bài kệ này thôi cho nên trước đó chúng vốn dĩ đã nằm sẵn trong phần Chánh Tạng. Tuy vậy không phải toàn bộ các câu kệ của Bổn Sanh Kinh đều nằm trong dòng kinh văn nguyên thủy. Bởi dựa theo nội dung của Bổn Sanh Kinh, ta thấy rõ ràng là Kinh được chia thành 22 đề mục (nipàta) theo số lượng các câu chuyện. Trong mục thứ nhất gồm có 150 câu chuyện, mỗi câu chuyện có một bài kệ. Ở mục thứ hai thì gồm 100 câu chuyện mà mỗi câu chuyện thì có đến hai bài kệ hoặc nhiều hơn. Và cứ vậy lần lượt các mục sau có lượng chuyện ít hơn để nhường chổ cho lượng kệ mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Đọc lại bộ Bổn Sanh triển khai, ta sẽ bắt gặp một lựơng kệ quá lớn và chính đều này đã chứng minh rằng có rất nhiều bài kệ trong Bổn Sanh Kinh đã được đời sau thêm vào.

Có một vài câu chuyện của Bổn Sanh Kinh cũng xuất hiện rải rác ở các Bộ Kinh khác trong Tam Tạng. Có nhiều lúc chuyện được kể mà không nhắc gì tới Bồ tát, dù Ngài cũng là một nhân vật trong câu chuyện, như tích Dìghabàhu trong Luật Tạng chẳng hạn. Các Kinh Kùtadantasutta, Mahàsudassanasutta của Trường Bộ Kinh đều có nội dung của một câu chuyện Bổn Sanh về tiền thân Bồ tát.

Kinh Bổn Sanh là một bộ sách luân lý, đồng thời cũng là một bộ sách tôn giáo mà nội dung đề cập về những đức hạnh, về những oai lực siêu nhiên của Bồ Tát trong hình vóc của những huyền thoại, cổ tích và nhiều loại hình văn học khác. Chính nhu cầu về đức tin Phật Pháp của các dân tộc đã là nguồn động lực cho các câu chuyện bổn sanh được ra đời. Đó là nhận định của các học giả. Còn đối với phần lớn các ý kiến trong nội bộ Phật Giáo thì các câu chuyện Bổn Sanh không phải chỉ đơn giản là những câu chuyện văn học kiểu đó. Bởi rõ ràng là theo tinh thần truyền thống của Phật Giáo nguyên thủy thì việc thêu dệt thêm thắt Kinh điển, dù với ý nghĩa nào, cũng là một điều không thể chấp nhận.

Bổn Sanh Kinh triển khai gồm có 547 câu chuyện. Trong đó, có một số câu chuyện được bổ sung chi tiết để gắn khớp với các chuyện khác và cũng có một số câu chuyện trùng lập tới lui. Theo bộ Tiểu Xiển Minh và Du Ký của Pháp Hiển thì chỉ có 500 câu chuyện bổn sanh thôi.

Thời điểm ra đời của các câu chuyện Jàtaka vẫn đang được bàn cãi. Có điều là nhan đề của rất nhiều câu chuyện cùng một số tình tiết của chúng đã được tìm thấy trên các mảng tường điêu khắc của các ngôi đại tháp tại Bharhut và Sancì. Điều này chứng tỏ là các câu chuyện bổn sanh đã ra đời từ thế kỷ thứ hai, thậm chí thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Đó là chưa kể một số câu chuyện đã được lưu truyền từ thời Đức Phật. Điều được ghi nhận là trong khi thực hiện các câu chuyện Bổn Sanh, tác giả đã khéo vay mượn và dung hòa với những câu chuyện Bà-la-môn giáo và từ đó câu kệ trong chuyện cũng được thay đổi một cách cần thiết. Có thể nói là nguồn gốc thoát thai của nhiều câu chuyện Bổn Sanh chính là những huyền thoại mà đến cả các tác phẩm như Mahàbhàrata và Buràn.as cũng từ đó được khai sinh. Chính vì đã đi ra từ một con đường như vậy nên thời điểm ra đời của từng câu chuyện và từng bài kệ cần phải được xác định độc lập. Nghĩa là chúng đã được ra đời trong nhiều thời điểm khác nhau. Như đã nói ở trên, huyền thoại và các câu chuyện truyền kỳ vốn là những tố chất để làm nên nội dung của Bổn Sanh Kinh. Cho nên không có gì lạ lùng khi ta bắt gặp ở đây những nhân vật siêu nhiên huyền hoặc như Thần Rắn, Đại Bàng, Dạ Xoa, Khẩn Na La (Nhân Điểu),... Tuy vậy, nội dung của Bổn Sanh Kinh cũng không hiếm những chổ hài hước, dí dỏm.

Bổn Sanh Kinh không những có giá trị như một sứ điệp của Phật Giáo, mà bản thân tác phẩm còn trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng vào dòng văn học thế giới. Trong kho tàng cổ tích của nhiều quốc gia đã có ít nhiều vay mượn và trở nên phong phú từ những chất liệu được mô phỏng từ Bổn Sanh Kinh. Tuy Bổn Sanh Kinh cũng là một tác phẩm có nội dung nợ nần từ Bà-la-môn giáo, Kỳ -na Giáo, nhưng những thứ đã được vay mượn đó phải trải qua trung gian Bổn Sanh Kinh của Phật Giáo mới thật sự đi vào thế giới văn học của các dân tộc. Nói cụ thể hơn thì chính người của Phật giáo đã bảo lưu và du nhập những tinh hoa văn hoá này vào các xứ sở, kể cả những thiên đường của văn học thế giới cổ đại như Hy Lạp, Ba Tư (chẳng hạn tác phẩm Nghìn Lẻ Một Đêm).

Tầm ảnh hưởng của Jàtaka còn in dấu vào lãnh vực mỹ thuật của không riêng Ấn Độ mà còn lan rộng ra đến các xứ lấy Phật Giáo làm quốc đạo. Các bờ tường của di chỉ Bharhut, Sancì cùng quần thể hang động Ajanta vẫn còn lưu lại những vết tích của Bổn Sanh Kinh qua các tác phẩm điêu khắc và hội họa. Theo cuốn Du Ký của Pháp Hiển thì trong một cuộclễ hội ở Tích Lan, trên khắp các nẻo đường ở Abhayagiri người ta đã cho giăng đầy 500 bức ảnh lớn miêu tả lại các nhân vật của Bổn Sanh Kinh. Rồi đến Huyền Trang cũng kể lại rằng ông đã nhìn thấy rất nhiều ngôi tháp tại Ấn Độ có trang trí các tranh tượng về tiền thân Đức Phật. Chưa hết, ấn tích Bổn Sanh Kinh còn lưu lại rộng rãi ở những điểm danh thắng khác như ở Borobudur (Indonesia), Pagan (Miến Điện), Sukhodaya (Thái Lan).

Những đóng góp của Bổn Sanh Kinh thì xã hội, văn hóa, lịch sử của Ấn Độ cũng rất đáng kể. Có đến hàng nghìn năm lịch sử của Ấn Độ, trước và sau tây lịch, đều được nhắc tới trong Bổn sanh Kinh. Bổn Sanh Kinh kể lại tất cả những góc cạnh đời sống của mọi tầng lớp xã hội, kể cả những đối tượng rất ít được nhắc tới trong các tác phẩm khác. Đại khái, Bổn Sanh Kinh là một tác phẩm tôn giáo nhưng tự giá trị của hầu hết mọi ngành học thuật. Không đọc mà chỉ nghe giới thiệu thì coi như chúng ta đã bỏ quên một kho tàng châu báu của nhân loại.

*Hai Tập Xiển Minh (Mahàniddesa và Cùlaniddesa)

Nội dung là những giải thích về 33 bài kinh của hai phẩm cuối cùng trong Kinh Tập. Tác giả được coi là Ngài Xá Lợi Phất, vị đệ nhất Thanh Văn của Đức Phật. Nội dung được chia thành hai phần: Đại Xiển Minh (Mahàniddesa) và Tiểu Xiển Minh (Cùlaniddesa). Đại Xiển Minh chú thích về Atthavagga, Tiểu Xiển Minh chú thích về hai bài kinh Khaggavisànasutta và Pàràyanasutta.

Từ vị trí của hai tập Xiển Minh trong Tam TẠng Thánh điển nguyên thủy, ta có thể đi đến kết luận rằng hai tập Xiển Minh là những cuốn Sớ giải xưa nhất trong kinh điển Pàli. ở đây, ta cứ như cảm nhận rằng mọi tài liệu về từ vựng học lẫn ngữ pháp đều được vận dụng tối đa và điểm đặc biệt của mọi thuật ngữ đều được xử lý hòan chỉnh theo một hướng tôn giáo thật lý tưởng. Ngay trong chính những Chú Giải về từ vựng học này, ta lại có dịp biết thêm về những từ vựng đồng nghĩa hết sức giá trị. Chính tác phẩm này đã cung cấp cho các thế hệ mai sau một tài liệu đáng kể về từ vựng học Pàli.

*Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidàmagga)

Nghĩa đen của nhan đề này là "Phương thức phân tích". Tác phẩm được chia thành ba phần lớn: Đại Phẩm (Mahàvagga), Song Tu Phẩm (Yunanaddhavagga) và Tu Tuệ Phẩm (Pannàvagga). Mỗi phẩm được chia thành 10 chương. Các vấn đề Phật học cốt lõi được trình bày thứ lớp theo từng phẩm, chẳng hạn như phần một của phẩm một giải về 73 trí, phần hai của chương hai giải thích về Bốn Thánh Đế.

Có thể nói nội dung của Pat.isambhidamagga gần như chỉ thuần các vấn đề của Tạng Thắng Pháp và tất cả được trình bày trong hình thức những câu vấn đáp. Sở dĩ bộ này được kể vào Kinh Tạng là vì bố cục của nó được thực hiện theo thể thức của Kinh Tạng. Một số bài kinh trong bộ này cũng được bắt đầu bằng câu: "Evam me suttam." (Tôi đã được nghe như thế này).

Patisambhidamagga là một trong những bộ phận sau cùng (về thời gian) của Tam Tạng nguyên thủy.

* Kinh Bổn Sự (Apadàna)

Nghĩa gốc của chữ Apadàna theo Sanskrit là chữ Avadàna, nghĩa là đại quả hay thiện quả.

Tác phẩm kể về những công đức quá khứ của chư vị Thánh Thinh Văn thời Đức Phật. Apadàna là một tập tự truyện của 500 vị Thánh Tăng và 40 vị Thánh Ni. Cũng giống như Bổn Sanh Kinh, bộ này kể về các duyên sự hiện tại và nhắc lại các câu chuyện quá khứ. Có điều là thay vì bộ Jatàka tập trung nói về các kiếp tiền thân Đức Phật thì Apadàna lại nói về tiền thân các vị A-la-hán đệ tử của Ngài.

Apadàna được viết chủ yếu trong thể văn kệ, nội dung gần như tương ứng với tác phẩm Avadàna của Phạn Tạng Sanskrit. Apadàna là một trong những tác phẩm ra đời muộn màng nhất của Tiểu Bộ Kinh nói riêng và Tam TẠng nói chung.

* Phật Tông (Buddhavamsa)

Đây là một tác phẩm thi kệ về các Đức Phật quá khứ ra đời trước Đức Phật Thích Ca, ở đây gồm có 24 vị. Điểm lý thú là các kiếp tiền thân của Đức Phật Thích Ca cũng đã được nhắc tới song song theo đó. Trong tác phẩm, Đức Phật Thích Ca đứng trong vị trí người kể chuyện. Qua đó Đức Phật đã kể lại tín tâm của mình đối với các vị đó ra sao và Ngài đã được các vị đó thọ ký như thế nào.

Theo tập sớ của Phật Tông thì các câu chuyện kể về chư Phật quá khứ vốn đã được biết tới từ thời Đức Phật và sau đó được lưu truyền qua các thế hệ. Nhưng điều này xem ra không chính xác lắm. Lý do thứ nhất là ở các bộ phận kinh điển khác của Chánh Tạng chỉ nhắc đến 6 Đức Phật quá khứ, xưa nhất là Phật Tỳ-bà-thi và gần nhất là Phật Ca-diếp. Thứ đến, chính những chi tiết huyền thoại có vẻ quá đáng đã chỉ ra thời điểm ra đời muộn màng của Tập Phật Tông. Bởi rõ ràng là những tình tiết kiểu đó không hề xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trong Tam TẠng nguyên thuỷ. Những lý do này đã chứng minh rằng Phật Tông là một bộ phận kinh điển bổ sung.

*Hạnh Tạng (Cariyapitaka)

Đây là phần sau cùng của Tiểu Bộ Kinh. Nội dung bao gồm 35 câu chuyện tiền thân kể về các kiếp tu tạo pháp độ của Bồ Tát và hoàn toàn thuộc thể văn kệ.

Có thể nói hầu hết nội dung của Hạnh Tạng đều được rút ra từ Bổn Sanh Kinh. Có điều là ở đây các câu chuyện được rút gọn lại nên từ đó bản thân Hạnh Tạng có nội dung nghiêm túc và khô khan hơn nhiều. Tuy nhiên, đó là đem so với Bổn Sanh Kinh triển khai chứ chúng ta không thể đem đánh giá Hạnh Tạng với Bổn Sanh Kinh nguyên thủy vốn không có giá trị bao nhiêu. điều đáng lưu tâm là ở những bộ phận Kinh Điển được xem là nguyên thủy nhất thì không hề nói gì tới vấn đề Ba-la-mật cả. điều này cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng Hạnh Tạng cũng cứ là một tác phẩm của đời sau. Có một số câu chuyện không được nhắc tới trong Bổn Sanh Kinh nguyên thủy nhưng lại xuất hiện trong Hạnh Tạng.

Bản Hạnh Tạng mà chúng ta nhìn thấy hôm nay rất có thể không phải là Bản Hạnh Tạng buổi đầu. Trong Tập Nidànakathà có liệt kê vắn tắt nội dung của Hạnh Tạng như là một phần của Bổn Sanh Kinh. Có điều là bản liệt kê đó không trùng khớp với bản Hạnh Tạng gốc. Trong khi đó thì qua Bổn Sanh Kinh ta lại có thể tìm thấy hình hài nguyên thủy của Hạnh Tạng. Các kết quả nghiên cứu thì dù sao Hạnh Tạng cũng ra đời trước Vua A Dục.

3) TẠNG THẮNG PHÁP (Abhidhammapitaka)

Chữ Abhidhamma rất khó dịch. Xưa nay thường thấy các chữ dịch tương đối phổ thông là Tạng Thắng Pháp, Vi Diệu Pháp hoặc Đối Pháp mà nghĩa nôm na là hệ thống giáo lý cao cấp. Tuy nhiên để hiểu ngữ nghĩa của từ này một cách chính xác thì ta phải có một cái nhìn tổng quan về nội dung của Tạng này. So với Kinh Tạng, Tạng Thắng pháp là một công trình rất mới mẻ. Phần lớn nội dung được viết trong thể vấn đáp. Tạng Thắng Pháp gồm có bảy Bộ.

1. Bộ Pháp Tụ (Dhammasaginì): Nội dung giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của Tạng Diệu Pháp. Đặc biệt là bộ này còn có giá trị của một cẩm nang về đạo đức tâm lý học. Chính nhờ nội dung này mà trong nhiều thế kỷ, bộ Pháp Tụ là một giáo khoa thư rất phổ biến của Phật Giáo Tích Lan.

2. Bộ Phân Tích (Vibhanga): ngoài những vấn đề bổ sung cho bộ Pháp Tụ, còn có thêm những vấn đề giáo lý chuyên biệt. Bộ Phân Tích gồm ba phần: phần một bàn về những giáo lý căn bản của Phật giáo, phần hai bàn về các cấp độ trí tuệ và phần ba bàn về những trở ngại của trí tuệ giác ngộ.

3. Bộ Nguyên Chất Ngữ (Dhàtukathà): gồm 14 chương bàn về năm Uẩn, mười hai Xứ, mười tám Giới, bốn Đế, bốn Thiền, năm Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo...

4. Bộ Nhân Chế Định (Puggalapannatti): Nội dung phân loại các hạng người. Hình thức trình bày rất giống Kinh Tạng, đặc biệt là phép ẩn dụ rất độc đáo.

5. Bộ Ngữ Tông hay Luận Sự (Kathàvatthu): Tương truyền rằng tác giả của Bộ này là Ngài Mục Liên Đế Tu, người chủ trì cuộc kiết tập Tam Tạng thứ ba (thế kỷ thứ ba trước Tây lịch). Có thể nói đây là một tác phẩm kinh điển Pàli duy nhất mà tên tuổi tác giả được xác định rõ ràng. Tuy nhiên ý kiến cho rằng Ngài Mục Liên Đế Tu là tác giả của Bộ Ngữ Tông dù sao cũng chỉ là nói theo các sử liệu Tích Lan, có một số học giả đã không chấp nhận điều này. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng nội dung căn bản của Bộ Ngữ Tông có lẽ đã được thực hiện trước đó rất lâu và bản Ngữ Tông hiện tại là thành phẩm của rất nhiều lần gia cố sau này. Bộ Ngữ Tông trên tay chúng ta hôm nay bao gồm 23 phần, trong đó chủ yếu là những câu vấn đáp. Tất cả các câu hỏi đều được nêu lên từ một lập trường đối chọi với Phật Giáo và do vậy, dĩ nhiên các câu trả lời luôn được xử lý từ góc độ giáo lý truyền thống.

Một điều đáng lưu ý là có một mối tương đồng nhất định giữa bộ Ngữ Tông và Milindapanhà. Ngoài giá trị về giáo lý Phật học, bản thân Bộ Ngữ Tông còn là sử liệu quan trọng của Phật Giáo.

6. Bộ Song Đối (Yamaka): Bao gồm những câu vấn đáp có lý luận hai chiều và nội dung giải quyết những vấn đề rắc rối còn tồn đọng lại ở các bộ trước.

7. Bộ Đại Xứ (Patthàna): Nội dung tập trung vào giáo lý duyên hệ, nguyên tắc tồn tại của vạn pháp thông qua các mối tương quan mà ở đây chính là 24 duyên hệ. Ở đây phần giải thích chỉ nằm trong khuôn khổ của một thư tịch, nên để thẩm thấu được cái độc đáo tuyệt vời của hệ thống giáo nghĩa này, chúng ta nhất thiết phải có một công phu tham cứu riêng biệt.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03

Source: Theravad, http://theravad.home.att.net/index.htm


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-06-2003