BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Thương yêu là thông cảm Bình Anson NXB Tôn Giáo |
-09- Tản mạn về chữ Chánh T hỉnh thoảng, trên các diễn đàn Phật Giáo của mạng truyền thông Internet, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến bàn luận về chữ Chánh và Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo. Ở đây, xin mạn phép được đóng góp vài dòng tản mạn.Theo kinh nghiệm, mỗi khi chúng ta bàn về từ ngữ Phật Pháp, nhất là từ ngữ Hán Việt trong kinh điển, dịch từ nguồn nguyên thủy Pāli và Sanskrit, ta cần lưu ý đến cách chọn lựa thuật ngữ của các vị cao tăng dịch giả ngày xưa, bởi vì các ngài dùng những thuật ngữ phiên dịch để quảng bá giáo lý của Đức Phật cho dân chúng thời đó, có thể những thuật ngữ đó không còn thích hợp trong bối cảnh thời nay, hoặc ý nghĩa chữ dùng có thể đã thay đổi theo năm tháng. Cho nên, rất khó mà tìm một câu trả lời phổ quát cho câu hỏi: Thế nào là Chánh? Tùy theo ngữ cảnh và mạch văn, Chánh có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin giới hạn chữ Chánh trong ý nghĩa của Bát Chánh Đạo như Đức Phật đã giảng dạy. Trong phạm vi đó, theo thiển ý, Chánh - dịch theo chữ Pāli Sammā - là những gì có ích lợi và cần thiết cho sự hành trì để tận diệt khổ đau, đưa đến giải thoát, giác ngộ. Bát Chánh Đạo là con đường có 8 yếu tố - mỗi yếu tố có tên gọi bắt đầu bằng chữ Chánh. Thật ra, danh từ Bát Chánh Đạo chỉ là một lối dịch thoát, không sát nghĩa. Chữ Pāli là Ariya atthangika-magga, có nghĩa là con đường thánh (cao sang) gồm có 8 chi phần, tiếng Anh dịch là "the Noble Eightfold Path". Trong các bản dịch Kinh tạng, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là "Thánh đạo Tám ngành". Tuy nhiên, vì danh từ Bát Chánh Đạo rất phổ thông trong hàng Phật tử chúng ta, nên chúng tôi thường dịch là Con Đường Tám Chánh. * Còn Chánh Kiến là gì? Là nhìn đúng, thấy đúng. Nhưng nhìn đúng như thế nào? Tùy theo ngữ cảnh và mục đích, trong sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, luân lý, lịch sử, v.v., chúng ta thấy có thể có nhiều cái đúng khác nhau, có khi tương hợp, có khi tương phản. Tuy nhiên, lồng trong Bát Chánh Đạo, Chánh Kiến là cái nhìn, cái thấy, cái hiểu biết như thế nào để mang lại lợi ích cho con đường hành trì, diệt khổ ưu, đưa đến hạnh phúc an lạc, tiến đến giác ngộ giải thoát. Đức Phật đã giảng rõ ràng về các yếu tố Chánh - kể cả Chánh Kiến - của Bát Chánh Đạo, trong nhiều bài kinh. Xin chép lại ở đây, một đoạn kinh trong Tương Ưng bộ, Tập 5, để chúng ta cùng nhau ôn lại định nghĩa của Bát Chánh Đạo: - "Này các vị Tỳ-khưu, thế nào là chánh tri kiến? Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ. Thế nào là chánh tư duy? Đó là tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại. Thế nào là chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Thế nào chánh nghiệp? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm. Thế nào là chánh mạng? Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Thế nào là chánh tinh tấn? Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh. Thế nào là chánh niệm? Đó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời. Thế nào là chánh định? Đó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh." Cho nên, để trả lời câu hỏi thế nào là Chánh Kiến, chúng ta có thể ghi lại lời của Đức Phật: Đó là thông hiểu về khổ (Khổ), thông hiểu về nguyên nhân của khổ (Tập), thông hiểu về sự diệt khổ (Diệt), và thông hiểu về con đường diệt khổ (Đạo). Hay nói tóm tắt, Chánh Kiến là cái nhìn đúng đắn về Tứ Diệu Đế. Trong kinh Chánh Tri Kiến (Sammāditthi sutta), bài kinh số 9 thuộc Trung Bộ, Ngài Xá-lợi-phất đã giảng cặn kẽ về định nghĩa của Chánh tri kiến là:
Khi vị thánh đệ tử tuệ tri như vậy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên "Tôi là", đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Như thế, vị ấy có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp. * Nói đến Chánh Kiến thì chúng tôi lại nghĩ đến chữ Tuệ. Chúng ta thường nghe nói "Đạo Phật là đạo của Trí tuệ". Tuệ được hiểu theo nhiều nghĩa, và thường dùng chung với vài chữ khác, để có những ý nghĩa, cường độ khác nhau, chẳng hạn như: trí tuệ, tuệ giác, tuệ tri, tuệ minh sát, tuệ giải thoát, v.v. Trong phạm vi Bát Chánh Đạo, Tuệ được dùng để chỉ tập hợp của 2 yếu tố: Chánh Kiến (về Tứ diệu đế) và Chánh Tư Duy (dựa trên ly dục, vô sân, vô hại), và là một trong Tam Vô Lậu Học (Giới-Định-Tuệ). Sở dĩ chúng tôi đề cập đến Tuệ là vì mỗi khi có dịp tham gia trong các nhóm tu học, tìm hiểu hoặc bàn luận về các đề tài phức tạp trong đạo Phật - chẳng hạn như về duy thức, Như lai tạng, Phật tánh, bát-nhã, công án thiền, không tánh, bất nhị, đại thừa, tiểu thừa, phàm ngã, chân ngã, v.v. - chúng tôi thường bị lôi cuốn vào các cuộc bàn luận sôi nổi, hấp dẫn, hào hứng đó. Vì vậy, thỉnh thoảng, chúng tôi phải dừng lại và tự hỏi lòng mình: - Những kiến thức như thế có lợi ích gì cho mình, có giúp tăng trưởng Trí Tuệ, dựa trên Chánh Kiến và Chánh Tư Duy theo như định nghĩa của Đức Phật trong Bát Chánh Đạo, đưa đến giải thoát, giác ngộ, hay không? Tự nhắc nhở như vậy cũng là một phương cách tốt, giúp cho mình tránh khỏi các hý luận, tranh cãi vô ích. Nhân đó, chúng tôi lại nhớ đến lời Phật dạy về pháp như lý tác ý để điều hướng các sự suy nghĩ của mình sao cho có lợi lạc trên đường tu tập, như đã ghi lại trong bài kinh "Tất cả các lậu hoặc" (Sabbāsava sutta), kinh số 2 của Trung Bộ: - "Này các Tỳ-khưu, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỳ-khưu, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Vị ấy như lý tác ý: Ðây là khổ; như lý tác ý: Ðây là khổ tập; như lý tác ý: Ðây là khổ diệt; như lý tác ý: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỳ-khưu, các pháp ấy được gọi là pháp dùng tri kiến để đoạn trừ các lậu hoặc." * Nhân khi ghi lại lời giảng của Đức Phật, về định nghĩa 8 yếu tố của Bát Chánh Đạo, xin đóng góp thêm ít dòng về chữ Thiền. Nguyên khởi, thiền là âm ngắn của thiền-na, phiên âm từ chữ Phạn "dhyana / jhāna", là nhân tố chính của Chánh Định. Ngày nay, nó đã mang nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa khác nhau, và từ đó, phát sinh nhiều môn phái khác nhau - nhất là từ khi chữ "Zen" trở thành một từ ngữ thời thượng. Nhưng thật ra, Zen chỉ là phiên âm của người Nhật, từ âm Ch'an của người Tàu, tức là Thiền. Trong bối cảnh tu học hiện nay, theo thiển ý, Thiền là đồng nghĩa với nhóm Định của Tam Vô Lậu Học, nghĩa là một tập hợp của 3 phần tử: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Nếu chúng ta quan niệm rằng Thiền là tập hợp của 3 yếu tố cuối cùng trong Bát Chánh Đạo, thì hành Thiền là pháp tu Chỉ-Quán dựa trên một đời sống có giới hạnh trong sạch. Ở đây, Chỉ là Chánh Định, Quán là Chánh Niệm, và đời sống trong sạch là do Chánh Tinh Tấn - nỗ lực tăng trưởng điều thiện lành, lợi lạc, và trừ diệt điều xấu ác, không lợi lạc. Trong Tăng Chi Bộ, chương Hai Pháp, phẩm 17, Đức Phật nhấn mạnh đến pháp tu Chỉ-Quán để thông hiểu rõ ràng và tận diệt tham, sân, si: - "Này các Tỳ-khưu, có hai pháp cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Hai pháp này cần phải tu tập để thắng tri tham sân si; để biến tri tham sân si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham, man trá, phản trắc, cứng đầu, cuồng nhiệt, mạn, quá mạn, kiêu căng, phóng dật; để biến tận, để đoạn tận, để trừ diệt, để biến diệt, để đoạn diệt, để xả bỏ, để từ bỏ tham sân si." Đọc lại lời giảng của Đức Phật về Chánh Niệm v à Chánh Định, ta thấy hai yếu tố nầy tương hợp, bổ sung cho nhau, không thể tách rời, không thể biệt lập. Theo định nghĩa, Chánh Định là pháp luyện tâm, chế ngự các triền cái, đưa tâm an trú vào các tầng thiền-na, và lúc nào cũng có chánh niệm tỉnh giác. Cho nên, không thể có chánh định nếu không có chánh niệm.Không hiểu vì duyên cớ gì mà thỉnh thoảng vẫn có người cho rằng phát triển thiền-na - hay hành thiền An Chỉ - là pháp tu của ngoại đạo. Ở đây, trong tinh thần của Bát Chánh Đạo, Chánh Định được phát triển dựa trên Chánh Kiến và một đời sống trong sạch đầy đủ giới đức, thì đó không thể nào là thiền ngoại đạo. Trong bài Đại Kinh Bốn Mươi (Kinh 117, Trung Bộ), ngay trong đoạn đầu, Đức Phật đã khẳng định rằng Chánh Định được phát triển là nhờ 7 yếu tố còn lại của Bát Chánh Đạo. Ngoài ra, trong nhiều bài kinh khác, Đức Phật thường khuyên các vị Tỳ-khưu tìm nơi vắng vẻ, ngồi xếp chân, giữ lưng thẳng, để niệm trước mặt, đem tâm an trú vào các tầng thiền-na, trước khi phát triển tuệ quán. Trở sang định nghĩa của Chánh Niệm, chúng ta thường nghe nói đến "tứ niệm xứ", và thường nghe nhiều người đề cập đến pháp "thiền tứ niệm xứ", có vẻ như là một lối thiền đặc biệt, riêng rẽ, là con đường duy nhất (the only way, the sole way) dịch từ chữ ekāyanamaggo, với hàm ý là không có con đường nào khác. Tuy nhiên, nhiều dịch giả khác - như Tỳ-khưu Nanatiloka, Tỳ-khưu Bodhi, Tỳ-khưu Analayo, ông Walshe - không đồng ý như thế. Các vị ấy dịch là "con đường thẳng" (the direct path) với ý nghĩa là con đường hướng thẳng đến mục tiêu, và mục tiêu ấy là Niết Bàn. Thêm vào đó, đọc lại lời giảng của Đức Phật về bốn pháp quán niệm (thân, thọ, tâm, pháp) trong kinh Niệm Xứ (Satipatthāna sutta), ta đều thấy có cụm từ điều phục "mọi tham ưu trên đời", dịch từ câu Pāli "loke abhijjhā-domanassam". Ngài thiền sư Ajahn Brahmavamso (trụ trì tu viện Bodhinyana, Tây Úc) giải thích dựa theo Chú giải rằng cụm từ đó có thể hiểu là để chỉ sự nhiếp phục năm triền cái. Abhijjhā là đồng nghĩa với triền cái thứ nhất, domanassam là đồng nghĩa với triền cái thứ nhì, và nếu dùng chung lại với nhau - trong thành ngữ Pāli - đó là cách viết tắt cho nhóm năm triền cái. Ðiều nầy có nghĩa là cả năm triền cái phải được khắc phục trước khi bắt đầu hành trì pháp Quán Niệm. Chức năng của việc đem tâm an trú vào các tầng thiền-na - chi phần Chánh Ðịnh của Bát Chánh Ðạo - là để nhiếp phục năm triền cái, giúp phát triển tuệ Minh sát. Trong bài kinh số 68 của Trung Bộ (Nalakapāna sutta), Ðức Phật dạy rằng khi hành giả chưa đạt các tầng thiền-na, năm triền cái cùng với bất lạc và giải đãi sẽ xâm chiếm tâm và trú tại đó. Chỉ khi nào hành giả đạt vào các tầng thiền-na thì năm triền cái cùng với bất lạc và giải đãi mới không xâm chiếm tâm và không trú tại đó. Tỳ-khưu Brahmavamso giải thích thêm rằng thiền sinh nào đã trực nghiệm được các tầng thiền-na mạnh mẽ nầy thì ắt đã biết được, qua kinh nghiệm bản thân, bản chất thật sự của tâm sau khi các triền cái đã được chế ngự. Thiền sinh nào chưa biết các tầng thiền-na thì chưa hiểu rõ các dạng vi tế của các triền cái. Họ tưởng rằng các triền cái đã được chế ngự, nhưng thật ra, họ đã không nhận thức được chúng, và vì thế, đã không đạt kết quả tốt trong khi hành thiền. Cũng xin ghi nhận thêm ở đây là trong kinh Nhất Nhập Đạo thuộc bộ Tăng Nhất A-hàm của Hán tạng, bài kinh tương đương với kinh Niệm Xứ của tạng Pāli, có ghi rõ ràng ngay trong đoạn đầu là hành giả phải nhiếp phục năm triền cái. Điều nầy hàm ý là đem tâm an định vào thiền-na, nghĩa là cần phải hành thiền An Chỉ. Có quan niệm cho rằng phát triển tuệ quán thì không cần Chánh Định, mà chỉ cần sát-na định (khanika-samādhi, momentary concentration), nghĩa là định từng chập, là đủ. Ngoài ra, cũng có sách đề cập đến khái niệm về các tầng thiền-na minh sát (vipassanā-jhāna). Không biết các quan niệm đó có được ghi chép trong kinh tạng như là lời dạy của Đức Phật hay không? Theo sự hiểu biết thô thiển của chúng tôi, có lẽ các quan niệm đó chỉ được khai triển về sau nầy, do các vị luận sư viết ra trong các bộ chú giải và luận giải, vào khoảng từ 500 đến 1,000 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Ở đây, là phàm nhân cư sĩ còn đang tu học, chúng tôi chỉ có một thắc mắc rất đơn giản: - Nếu không nỗ lực phát triển Chánh Định với tâm an trú trong thiền-na, thì chúng ta có thực hành trọn vẹn Con Đường Tám Chánh, như Đức Phật đã dạy, hay không? Có lẽ mỗi thiền sinh chúng ta phải tự tìm lời giải đáp thỏa đáng và thiết thực cho sự tu tập của mình. * Trong bài kinh số 107, thuộc Trung Bộ, Đức Phật giảng cho người Bà-la-môn Ganaka Moggallana, tóm tắt con đường tu tập, như sau:
Thêm vào đó, theo kinh Sáu Thanh Tịnh, Trung Bộ 112, sau khi an trú vào 4 tầng thiền-na, Đức Phật khuyên các vị Tỳ-khưu hữu học phải tiếp tục hành trì, phát triển các tuệ minh và tiến tới giải thoát. Ngoài ra, trong Tương Ưng bộ, Tập 1, Đức Phật dạy:
Ngài Phật Âm, trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo, giải thích rằng "người trú giới có trí" là người có giới thanh tịnh, có hiểu biết rõ ràng, dựa trên vô tham, vô sân, vô si. "Tu tập tâm" ở đây là pháp hành thiền an chỉ, "tu tập tuệ" ám chỉ hành thiền minh quán, "tu tập tâm và tuệ" nghĩa là hành thiền Chỉ-Quán, hay Chỉ-Quán đồng tu. "Nhiệt tâm và thận trọng" nghĩa là có nhiều nghị lực, tinh tấn và tỉnh giác nhận thức. "Tỳ-khưu" (bhikkhu) ở đây mang một nghĩa rộng, không phải để chỉ riêng hàng tu sĩ, mà để chỉ người thấy được sự khốn khổ của sinh tử luân hồi. "Thoát triền" là thoát khỏi mọi trói buộc của sinh tử luân hồi. Như thế, qua câu kệ trên, Đức Phật dạy chúng ta phải an trú trong Giới, tu tập Thiền định, phát triển Tuệ quán, để giác ngộ giải thoát. * S au cùng, xin giới thiệu một quyển sách căn bản về Phật Pháp. Trong quá trình tu học, chúng tôi thường tham khảo quyển "Đức Phật và Phật Pháp" của Hòa thượng Narada, do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch. Quyển này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964, và được ông Khánh hiệu đính và bổ sung vào năm 1998. Trong 40 năm qua, quyển sách đã được tái bản nhiều lần và đã mang nhiều lợi lạc cho hàng Phật tử chúng ta.Thêm vào đó, trong những năm gần đây, chúng tôi lại thích tham cứu thêm quyển "Phật học Khái luận" của Hòa thượng Thích Chơn Thiện. Quyển sách nầy cũng được tái bản nhiều lần, có phát hành tại các nhà sách Phật giáo trong nước và hải ngoại. Theo thiển ý, đây là một quyển sách dung hợp các điểm căn bản của Nam và Bắc tông, với những trích dẫn kinh điển rõ ràng và nghiêm túc, có ích lợi cho những ai muốn tìm hiểu về các vấn đề chính yếu trong đạo Phật. -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | Mục lục |
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2005