BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Thương yêu là thông cảm Bình Anson NXB Tôn Giáo |
-05- Bảy giai đoạn thanh tịnhB ảy giai đoạn thanh tịnh tâm mà mỗi hành giả phải hành trì để khai phát tuệ giác được đề cập trong bài kinh 24, Trung Bộ (Rathavinita Sutta, Kinh Bảy Trạm Xe) và trong bài kinh 34 của Trường Bộ (Dasuttara Sutta, Kinh Thập Thượng). Ðây cũng là căn bản của bộ luận Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi-magga) do ngài Phật Âm (Buddhaghosa) biên soạn vào khoảng thế kỷ V Tây lịch: 3 chương đầu đề cập đến sự thanh tịnh của giới đức (giai đoạn 1), chương 4 đến 13 là để hướng dẫn thanh tịnh tâm qua các pháp hành thiền (giai đoạn 2) - đem tâm an định vào các tầng thiền-na, và các chương còn lại là để phát triển tuệ giác (giai đoạn 3 đến giai đoạn 7). Cách sắp xếp như thế phản ảnh 3 pháp tu học chính yếu của người con Phật để đoạn trừ phiền não (tam vô lậu học): Giới, Ðịnh, và Tuệ.Các bản Chú giải về sau này có đưa ra các khái niệm về 16 tầng tuệ minh sát, và sự liên hệ với bảy giai đoạn thanh tịnh được tóm tắt như sau: 1. Thanh tịnh giới đức (Giới tịnh, Sīla-visuddhi). 2. Thanh tịnh tâm (Tâm tịnh, Citta-visuddhi). 3. Thanh tịnh quan kiến (Kiến tịnh, Ditthi-visuddhi). Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:
4. Thanh tịnh bằng cách khắc phục hoài nghi (Ðoạn nghi tịnh, Kankhāvitarana-visuddhi). Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:
5. Thanh tịnh bằng cách thấu hiểu và nhận thấy thế nào là Con Ðường, thế nào không phải là Con Ðường (Ðạo Phi-đạo tri kiến tịnh, Maggāmagga-ñānadassana-visuddhi). Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:
6. Thanh tịnh bằng cách thấu hiểu và nhận thấy Con Ðường (Ðạo tri kiến tịnh, Patipadā-ñānadassana-visuddhi). Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:
7. Thanh tịnh bằng cách thấu hiểu và nhận thấy (Tri kiến tịnh, Ñānadassana-visuddhi). Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:
* Giai đoạn đầu tiên là phải giữ gìn giới luật cho thật trong sạch, giới của người cư sĩ hay giới của hàng tu sĩ, để thanh tịnh lời nói và hành động. Đó là Giới thanh tịnh. Tiếp theo, người con Phật phải nỗ lực hành thiền, đưa tâm đến một mức độ an định vững mạnh. Đó là Tâm thanh tịnh. Năm giai đoạn kế tiếp là tiếp tục hành thiền để phát triển trí tuệ, có trình bày chi tiết trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo từ chương 19 đến chương 21. Ngài Hòa thượng Narada cũng có đề cập đến trong quyển "Đức Phật và Phật Pháp", chương 38, và ở đây, xin lược trích như sau: (...) Tiếp tục hành thiền, hành giả bắt đầu phát triển quan kiến trong sạch (Kiến tịnh) để nhận thấy chân tướng của vạn pháp. Với tâm an trụ vào một điểm, hành giả phân tích và quan sát cái gọi là chúng sinh. Sự thẩm sát này cho thấy rằng cái được gọi là "Ta, Tôi, Tự ngã", chỉ là tập hợp phức tạp của tâm và vật chất, hay danh và sắc. Cả hai đều ở trạng thái luôn luôn biến đổi, luôn luôn trôi chảy, như một dòng nước tuôn chảy liên tục. Khi đã có được quan kiến chân chính về bản chất thực sự của cái gọi là chúng sinh và hoàn toàn dứt khoát với mọi ảo tưởng về một linh hồn trường cửu, hành giả cố tìm những nguyên nhân sinh ra cái Ta và nhận định rằng thế gian này không có sự tự nhiên phát sinh mà không tùy thuộc ở một, hay nhiều điều kiện, trong hiện tại hay trong quá khứ. Vạn pháp đều do duyên sinh. Hành giả nhận định rằng kiếp sống của mình có đây là do vô minh (avijja), ái dục (tanha), thủ chấp (upadana), và nghiệp (kamma) của kiếp quá khứ, và vật thực (oja) trong kiếp sống hiện tại. Do năm nguyên nhân ấy, cái gọi là chúng sinh được cấu tạo. Nguyên nhân quá khứ tạo điều kiện (duyên) cho hiện tại, và cùng thế ấy, hiện tại tạo điều kiện (duyên) cho tương lai. Chú tâm suy niệm như thế ấy hành giả vượt lên mọi hoài nghi về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là Ðoạn nghi tịnh. Tiếp theo, hành giả suy niệm rằng tất cả các vật cấu tạo, hay các pháp hữu vi, đều vô thường (anicca), phiền não (dukkha), và không có một thực thể (anatta). Hướng tầm mắt vào bất luận nơi nào, hành giả chỉ nhìn thấy ba đặc tướng ấy hiển lộ rành mạch, rõ ràng, không thể lầm lẫn. Bây giờ hành giả nhận thức rằng kiếp sống chỉ là một dòng trôi chảy, một di động liên tục, không gián đoạn. Dù ở các cảnh trời hay trên quả địa cầu này, hành giả không tìm được nơi nào có hạnh phúc thật sự, bởi vì mỗi hình thức khoái lạc chỉ là bước đầu, mở đường đến đau khổ. Do đó, cái gì vô thường tất nhiên phải chịu đau khổ, và nơi nào đau khổ và biến đổi chiếm ưu thế thì không thể có một tự ngã trường tồn vĩnh cửu. Khi chú tâm hành thiền như thế ấy, đến một lúc nào đó, hành giả cảm thọ các trạng thái thỏa thích, hạnh phúc và vắng lặng, trước kia chưa từng bao giờ được biết. Hành giả càng củng cố tâm định và tinh tấn thêm. Tâm đạo nhiệt thành càng tăng trưởng, tâm niệm toàn hảo, và tuệ minh càng trở nên sâu sắc một cách lạ thường. Sớm nhận thấy rằng những hiện tượng mới nầy chỉ làm trở ngại cho những tiến bộ tinh thần, hành giả trau giồi và phát triển "trạng thái trong sạch của sự hiểu biết" liên quan đến thế nào là Con Đường và Không-Phải-Con-Đường. Đây là Ðạo Phi-đạo tri kiến tịnh. Nhận thức được con đường chân chánh, hành giả tiếp tục chú tâm quán tưởng vào sự phát sinh và sự hoại diệt của tất cả các pháp hữu vi. Trong hai trạng thái sinh và diệt, sự hoại diệt nổi bật chiếm ưu thế hơn, nên dần dần gây ấn tượng mạnh hơn trong tâm hành giả, bởi vì sự thay đổi được nhận thấy dĩ nhiên và rõ ràng hơn sự trở thành. Do đó, hành giả hướng tâm chú niệm của mình về sự phân tán của sự vật và nhận định rằng cả hai, danh và sắc, hai thành phần cấu tạo cá nhân mình luôn luôn ở trong trạng thái đổi thay, trôi chảy, không thể tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Bây giờ, hành giả phát sinh sự hiểu biết rằng tất cả những gì bị phân tán đều là đáng sợ. Toàn thể thế gian phát hiện trước mắt hành giả như một đống củi đang phừng cháy, một nguồn hiểm họa. Kế đó là hành giả suy tưởng về tính chất rách nát, đổ vỡ và tạm bợ nhất thời của thế gian đáng kinh sợ này, có cảm giác nhàm chán nó và nảy sanh ra ý muốn vượt thoát ra khỏi đó. Hướng về đối tượng ấy, hành giả chú tâm niệm trở lại vào ba đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã, và sau đó phát triển một tâm xả chọn vẹn, hoàn toàn thản nhiên đối với tất cả các pháp hữu vi - không luyến ái cũng không ghét bỏ, hay bất toại nguyện - đối với bất cứ sự việc gì trên thế gian. Tiến trình trong giai đoạn thanh tịnh này có tên chung là "patipada ñāna dassana visuddhi", trạng thái trong sạch của sự hiểu biết và nhận thức có liên quan đến Con Đường hay pháp hành, Đạo tri kiến tịnh, giai đoạn thứ sáu của con đường thanh tịnh hóa. Khi đạt đến mức độ nhận thức này, hành giả chọn một trong ba đặc tướng: vô thường, khổ, vô ngã, thích hợp nhất với mình và gia công khai triển tuệ giác theo chiều hướng ấy cho đến khi thành tựu mục tiêu cuối cùng - Đạo Quả Niết Bàn. Đây là giai đoạn thanh tịnh cuối cùng, Tri kiến tịnh. "Cũng như người đi trong đêm tối, nhờ trời chớp nên nhìn thấy quang cảnh quanh mình rồi giữ lại hình ảnh ấy trước mắt một lúc lâu. Cũng thế ấy, do cái chớp bật sáng lên của tuệ giác, hành giả trực nhận Niết Bàn lần đầu tiên một cách rõ ràng và hình ảnh ấy lưu lại trong tâm, không bao giờ phai mờ." -ooOoo- Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | Mục lục |
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2005