BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Hạnh phúc mộng và thực: Thích Nhất Hạnh |
CHƯƠNG 3 (tt) 3.5 Pháp Thoại Ngày tháng 9 n ăm 94Thưa đại chúng, hôm nay là ngày 29 tháng 9 năm 1994, chúng ta đang ở xóm Thượng, trong khóa tu mùa Thu và học tiếp Kinh Samiddhi. DIỆT TAM MẠN LÀ GIẢI THOÁT TỬ SINH Hôm nay ta đọc lại bài kệ thứ ba của Bụt nói về ba mặc cảm bằng chữ Hán trong Tạp A Hàm và giải thích từng câu: Kiến đẳng, thắng, liệt giả, Kiến đắng, thắng, liệt giả, nghĩa là khi thấy có kẻ bằng mình, hơn mình, thua mình, "giả" ở đây nghĩa là kẻ, là người; Tắc hữu ngôn luận sinh, thì phát sinh những tranh luận. Nên biết rằng chữ "ngôn luận" ở đây không phải chỉ là lời nói, mà tư lượng ở trong tâm của ta cũng là một thứ ngôn luận. Tâm ta có sự kỳ thị, sự ganh tị, sự cao ngạo, sự chê bai, tất cả những cái đó đều là ngôn luận. Tam sự bất khuynh động, "sự" là cái việc, ở đây tam sự là ba mặc cảm. Nếu ta không bị lay động bởi ba mặc cảm, ba tư tưởng đó, Tắc vô nhuyến trung thượng, thì ta không còn cái ý niệm kém người, bằng người hay hơn người nữa. Chữ "nhuyến" cũng có nghĩa là mềm. Đọc là nhuyến nhưng nghĩa của nó cũng như chữ nhuyễn. Nhuyến có nghĩa là yếu ớt, mềm yếu, hèn nhát, vô dụng. Trong Biệt Dịch Tạp A Hàm, bài kệ tương đương có tới sáu câu: Thắng mạn, cập đẳng mạn, "Thắng mạn" tức là mặc cảm hơn người; "đẳng mạn" là mặc cảm bằng người; "Cập bất như mạn là mặc cảm không bằng người. "Tinh" có nghĩa là và; "Cập" cũng có nghĩa là và, nó còn có nghĩa là với tới, theo kịp, theo bằng. Chúng ta hay nói "khi thái quá, khi bất cập". Thái quá tức là đi quá đà, bất cập là chưa tới bằng. "Cập bất như" tức là chưa bằng người, nghĩa là cái mặc cảm không bằng người, thua người. Hữu thử tam mạn giả là có ba cái mạn này, "thử" nghĩa là này. Thị khả hữu tranh luận nghĩa là cái đó có thể tạo nên sự tranh luận. Tranh luận bên ngoài (lời nói, hành động), và tranh luận bên trong (tư tưởng, cảm nghĩ). Từ ba cái mặc cảm này phát sinh ra nhiều tai nạn: giận hờn, ganh ghét, ghen tuông, tủi hổ v.v... Chỉ cần tủi thân thôi cũng có thể đưa đến chán đời, tự tử rồi! Diệt trừ thử tam mạn nghĩa là diệt trừ được ba cái mạn này rồi. Thị danh bất động tưởng, "tưởng" tức là tri giác, nghĩa là đạt tới cái tri giác gọi là bất động, tức là không bị những mặc cảm, những giận hờn, tủi hổ và chán đời đó làm cho mình khuynh động, ngã nghiêng. Mình đứng vững như một gốc đại thụ. Bất động có nghĩa là vững chãi và thảnh thơi. Bất động là một trong những thuộc tính của Niết Bàn (Diệu, Trạm, Tổng, Trì, Bất động). So sánh hai bản dịch ta thấy bản dịch của Tạp A Hàm, ngắn hơn, chỉ có bốn câu, nhưng bản dịch của Biệt Dịch Tạp A Hàm dễ hiểu hơn. Bên Tạp A Hàm, hàng đầu liệt kê cả ba thứ mặc cảm: Kiến đẳng, thắng, liệt giả. Mỗi thứ chỉ dùng một chữ thôi: "đẳng, thắng, liệt". Cố nhiên là nó đầy đủ ý nghĩa, nhưng bên BIệt Dịch Tạp A Hàm nêu rõ từng mặc cảm bằng nhiều chữ, "Thắng mạn, cập đẳng mạn, Tinh cập bất như mạn", cho nên rõ ràng hơn. Tôi dịch bài Kệ trong Biệt Dịch Tạp A Hàm như sau: Mặc cảm ta hơn người, Cố nhiên hạnh phúc sẽ không có được nếu ta còn kẹt vào trong vòng tranh chấp. Chữ tranh chấp hay hơn chữ tranh luận. Tại vì tranh chấp có thể bằng ngôn ngữ, bằng tư tưởng, mà cũng có thể bằng hành động, còn tranh luận thì ta có thể hiểu nó chỉ thuộc phạm vi ngôn từ mà thôi. Trong những bài kệ này, ta thấy Đức Thế Tôn chỉ giáo hóa trong phạm vi hạnh phúc, tại vì Kinh Tam Di Đề là một kinh nói về hạnh phúc chân thật. Khởi đầu Đức Thế Tôn nói về nhận thức sai lầm, ý niệm sai lầm của ta về hạnh phúc. Ngài nói rằng vì chưa biết được bản chất của những đối tượng tham dục, nên ta mới nhận lầm đó là hạnh phúc đích thực. Nếu quán chiếu và thấy được bản chất đích thực của chúng, thì sẽ thấy rằng đó chỉ là những tư tưởng kéo ta đi vào những nẻo đường tăm tối, luân hồi, khổ đau mà thôi. Thấy được như vậy thì không có cái vọng tưởng nào, không có một vị thiên giả nào có thể lôi kéo ta đi theo cái ý niệm hạnh phúc giả tạo được. Sau đó, Đức Thế Tôn dạy rằng vượt được những mặc cảm hơn người, bằng người, thua người, thì những phiền não như ganh tị, giận hờn v.v... sẽ tan biến, và lúc đó mới có hạnh phúc thực sự. BẢY LOẠI MẠN Chúng ta thấy ý niệm hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân rất là đúng. Cá nhân tức là có một cái ngã, có một cái thực tại riêng biệt. Nếu mình đi tìm hạnh phúc cho cái ngã riêng biệt đó, thì không bao giờ có thể tìm được. Sự an lạc của những người chung quanh phải là sự an lạc của mình thì sự an lạc đó mới là an lạc thật sự. Sự sống là một, không thể chia năm xẻ bảy ra thành từng mảnh vụn, để từng mảnh điểm tìm hạnh phúc riêng. Muốn rõ hơn ta phải đi sâu vào giáo lý Bụt dạy về mạn. Trong luận Đại Tì Bà Sa (Mhàvibhasa) của thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ cũng như trong luận Câu Xá (Abhidharma0koha-shastra) ta thấy có ý niệm về bảy mặc cảm đó vì khi dùng danh từ Phật học mà không biết rõ ý nghĩa đích thực của danh từ thì ta dùng sai. Ví dụ khi nói rằng "Anh chàng đó ngã mạn quá", ta có ý nói rằng anh đó tự cho mình là hơn người. Thật ra cái chữ "ngã mạn" nó không chỉ có nghĩa "cho mình hơn người" mà thôi. Cho mình thua người cũng là ngã mạn, mà cho mình bằng người cũng là ngã mạn! Tiếng Phạn "Mạn" là Mana. Có bảy loại Mana. Thứ nhất là Mạn (Mana). Đối với những người mà địa vị, gia tài, danh tiếng, hay học thức thua mình mà mình có ý tưởng rằng người đó thua mình, người đó học dở hơn mình, người đó thuộc về hàng không quí phái bằng mình, người đó không văn minh bằng mình, người đó tu học chậm, mình thu thập giỏi hơn, mình thực tập lâu ngày hơn, mình thông minh hơn, mình biết nhiều ngoại ngữ hơn v.v... cái đó gọi là mạn. Điều này chúng ta kẻ ít người nhiều ai cũng đều bị kẹt vào cả. Cái tư tưởng đó nó phát xuất từ cái ý niệm mình với người kia là hai người khác nhau. Khi mình thấy người đó là người anh em, người chị em, cùng sống với nhau, cùng thực tập trong một tăng thân, thì tự nhiên mình thấy người đó là mình, mình là người đó. Những cái yếu của người đó, mình có trách nhiệm, và những cái gì mình đã đạt tới, mình có bổn phận phải trao truyền, phải giúp đỡ người đó để cho hai người là một, cùng đi trên một con đường, thì lúc đó mình mới thoát được cái mạn thứ nhất. Thứ hai là quá mạn (Ati-mana). Quá mạn có nghĩa là đối với những người tương đương với mình, học cũng tương đương, tu tập cũng tương đương, bên tám lạng, bên nửa cân mà mình lại cho mình hơn người đó. Điều này nó cũng phát sinh từ sự phân biệt giữa mình và người là hai thực thể khác nhau. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc có điều khoản "Tất cả mọi người sinh ra đều đồng đẳng", đó cũng là mạn. Lúc mới nghe, ta thấy câu đó rất hay, nó công nhận sự bình đẳng của tất cả mọi người. Nhưng nhìn lại cho kỹ thì nó vẫn chưa vượt được cái phân biệt tôi với anh là hai người khác nhau, vì vậy quá mạn cũng còn nằm trong đó. Hiến Chương hay nhất là Hiến Chương công nhận rằng tôi với anh là một, chúng ta không ai hơn ai, không ai bằng ai, không ai thua ai, tại vì chúng ta là một! Đó mới là Hiến Chương theo đúng chân tinh thần của đạo Bụt. Mạn thứ ba là "Mạn quá mạn" (MànàtiMàna). Đối với những người có đức độ hơn mình, tu học hơn mình, có tài năng hơn mình, có trí tuệ hơn mình mà mình lại cho mình hơn người đó, thì gọi là Mạn quá mạn. Mạn thứ tư là Ngã mạn (àtma-màna). Đây là mạn gốc, bởi vì nó làm phát sinh ra những nhận thức sai lầm khác. Chúng ta nhận lầm những yếu tố, sắc, thọ, tưởng, hành, thức là một cái ngã biệt lập với những yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức khác. Chúng ta thường bị kẹt trong ba ý niệm: ý niệm về ngã, ý niệm về ngã sở và ý niệm về tương tại. Ví dụ sắc là một trong năm uẩn: - Khi ta nói "thân thể này là tôi", ta đã bị kẹt vào ý niệm về ngã. - Khi ta nói "thân này không phải là tôi, nhưng nó thuộc về tôi", tức là ta bị kẹt vào ý niệm dị ngã hay ngã sở. - Trường hợp thứ ba, khi ta nói "thân này và tôi là cái khác nhau, nhưng trong thân có tôi và trong tôi có thân, tức là ta bị kẹt vào ý niệm tương tại. Cả ba ý niệm đều thuộc về mạn thứ tư, gọi là ngã mạn. Kinh Tam Di Đề đề cập tới ba ý niệm đó, nghĩa là đề cập tới mạn căn bản trong bảy mạn. Trong một lần dạy La Hầu La, Bụt có nói rất rõ: "Này La Hầu La, con nên nhớ cái thân này không phải là ngã, thân và ngã không phải là một. Này La Hầu La, thân và ngã cũng không phải là hai cái khác nhau". Bao rằng "thân là ngã" đó là một sự chấp ngã. Còn nếu bảo rằng "thân khác với ngã" thì đó cũng là một sự chấp ngã nữa. Cả hai ý niệm đều là ngã mạn mà ta cần vượt thoát. Tuy nhiên khi đã vượt được hai ý niệm đó rồi, có thể ta lại rơi vào ý niệm thứ ba: "Tuy rằng thân không phải là ta và thân cũng không thuộc về ta nhưng trong thân có ta và trong ta có thân". Ý niệm này cũng là ngã mạn và cũng cần được vượt thoát. Bụt lại dạy La Hầu La: "Phải làm sao lấy đi cái ý niệm về ngã. Cái ý niệm về dị ngã, và cái ý niệm về tương tại đối với thân". Sau đó ta lấy đi ý niệm về ngã đối với thọ, đối với tưởng, đối với hành và đối với thức. Tất cả năm uẩn đều là đối tượng của phép quán chiếu về ngã. Trong năm uẩn, không có uẩn nào là ngã, và hợp cả năm uẩn lại cũng phải là ngã. Ngã cũng không phải là cái biệt lập với năm uẩn. Ngã không nằm trong năm uẩn, và năm uẩn cũng không nằm trong ngã. Phải vượt thoát ba cái phạm trù đó của tư tưởng thì mới thoát ra khỏi ý niệm về ngã mạn. Thứ năm là Tăng thượng mạn (Adhimana). Khi mình chưa đạt được sự chứng đắc mà mình tuyên bố rằng mình dã có sự chứng đắc, đó gọi là Tăng thượng mạn. Đây là một trong bốn giới lớn của người khát sĩ. Ví dụ chưa chứng được quả A La Hán mà nói tôi đã chứng quả A La Hán, thì đó là tăng thượng mạn. Thứ sáu là Ty mạn (Unamana). Đối với những người rất ưu tú, siêu việt như Bụt, các vị Bồ Tát lớn như Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí v.v... mà mình có mặc cảm rằng không bao giờ mình có thể được như họ, thì mặc cảm đó là Ty mạn. Mặc cảm này là đối tượng giáo hóa của các Kinh Đại thừa. Ngày xưa trong tăng đoàn, cái nhân cách của Bụt lớn quá, cái hào quang của Bụt nó vĩ đại quá, thành thử các đệ tử của Ngài nghĩ rằng mình chỉ đạt tới cái địa vị giải thoát là nhiều lắm rồi, không bao giờ mình có thể có được cái nhân cách, cái hào quang sáng chói của Đức Thế Tôn, vì vậy mà họ không có chí nguyện tu học. Họ nghĩ mục đích đi tu của mình là để bớt khổ, khỏi cần trở thành một vị đạo sư lớn như Bụt. Cái nhận thức đó, cái ý nguyện đó được căn cứ trên cái mặc cảm, trên cái nhận thức Bụt là quá ưu việt (Superman), mình chỉ là người thường thôi và mình đừng ôm ấp cái mộng đó. Vì vậy Kinh Đại thừa dạy rằng tất cả mọi người đều có khả năng tính thành Bụt, và có thể giống như Đức Thế Tôn. Kinh Pháp Hoa, trong chương Ngũ Bách Thọ Ký ta thấy Bụt thọ ký cho thầy Xá Lợi Phất, thầy Mục Kiền Liên, và cho tất cả các thầy Thanh Văn. Bụt nói họ cũng có thể thành đấng toàn giác như Đức Thế Tôn. Lúc nghe như vậy, mọi người rất mừng rỡ, các thầy trong đại chúng có cái gì trong tay họ liệng lên trời cái đó để biểu lộ sự vui mừng, cái khung cảnh tưng bừng náo nhiệt chưa bao giờ từng xảy ra trong tăng đoàn trang nghiêm của Bụt! Trước đó họ mang đầy Ty mạn, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể như Bụt được! Trong bài kệ này Bụt đề cập tới giáo lý căn bản nhất của đạo giải thoát, giáo lý vô ngã. Khi quán chiếu, ta thấy sự sống là một, không có biên giới, không có sự phân biệt giữa sự sống này và sự sống khác, lúc đó ta thoát khỏi cái ý niệm phân biệt ta và người thì tự nhiên những phiền não, những khổ đau của ta sẽ tan biến đi rất nhiều. Khi nghe tin chú Charlie bị bệnh và Charlie có thể mất trong vòng vài tháng nữa thì ta giật mình. Người vô tâm có thể nói Charlie bệnh chứ không phải tôi bệnh, Charlie sắp chết chứ không phải tôi sắp chết. Cái tai nạn, cái chết nó xảy ra cho người khác chứ không bao giờ xảy ra cho tôi. Ta thường có một niềm tin, một điều ước ngây thơ như vậy trong tâm của ta. Chỉ những người kia mới bị tai nạn xe hơi, chỉ những người kia mới bị chứng nan y, mới bị chìm tàu, mới bị rơi máy bay, còn mình thì không bao giờ bị cả. Niềm tin đó được căn cứ trên cái ngã mạn, tức là cái ý niệm phân biệt mình là khác, người là khác. Sự thật thì những điều đó có thể xảy tới cho tất cả mọi người. Tại Mỹ, thống kê, năm ngoái cho biết đã có 25,000 vụ ám sát, tính ra mỗi giờ có ba người bị ám sát tại Mỹ! (USA Homicide, 1993). Tại Nga cũng năm ngoái, số người bị ám sát lên gần tới 70,000 người. Dân Moscova cho biết số người Việt bị ám sát tại thủ đô trong tháng 9 vừa qua là 39 người. Đó là số nạn nhân có khai báo, ngoài ra còn có những người chết mà không khai báo vì sợ bị trả thù! Mỗi lần có một người bị giết như vậy là mình chết, tại vì người đó là mình. Khi nói chuyện với đồng bào ở Moscow, tôi đã nói rằng "Mỗi lần có một người bị bắn ngã, tức là vũ trụ sụp đổ một lần", rất đúng! Đã có lần tôi nói rằng "Nếu chúng ta không thương nhau, nếu chúng ta không ngồi lại với nhay để bảo vệ cho nhau, thì ngày mai có thể sẽ tới phiên chúng ta". Cố nhiên khi nghe tin Charlie chết, thì có sự sụp đổ trong tim của tất cả chúng ta, tại Charlie là một người anh em đã từng ngồi nghe Pháp thoại, đã từng đi thiền hành với chúng ta, đã từng nấu cơm, chẻ củi với chúng ta. Trong quá khứ có lúc ta đã khó ôm được người anh em ấy, nhưng bây giờ thì ta thấy rất rõ, dầu muốn dầu không, Charlie cũng là người anh em của chúng ta, và chúng ta đã ôm lấy Charlie ở trong lòng. Tôi đã nhiều lần nói rằng khi thấy được người kia là mình thì cái ranh giới giữa ta và người không còn nữa, và tự nhiên những giận hờn, ganh tị, và mặc cảm tan biến hết. Ta chấp nhận người anh em của ta một cách dễ dàng hơn. Quí vị nên thấy rằng có một Charlie đã chết, nhưng còn nhiều Charlie đang sống cạnh chúng ta. Trong sự thực tập, phải làm sao để ôm cho được những "Charlie còn sống" ở chung quanh ta, ngay bây giờ và ở đây, đừng đợi đến ngày mai mà có thể trễ. Cách ôm hữu hiệu nhất là thấy rằng người đó là mình, người đó cần có hạnh phúc, cần được an tĩnh, cần có sự đùm bọc giống hệt như mình vậy. Người nào cũng là ta, sự ra đi của bất cứ người nào cũng là một sự sụp đổ của chính ta. Thấy được như vậy thì ta có thể sống một cách an lạc, có nhiều hòa điệu với em, với chị, hay là với anh của ta. Vượt thoát những mặc cảm này, những ý niệm ranh giới về ngã này là điều căn bản của hạnh phúc. Nếu chưa vượt thoát những ranh giới đó thì hạnh phúc vẫn chưa là hạnh phúc đích thực. Trong Kinh Samiddhi Bụt nói hạnh phúc một cách rất là sâu sắc: Hạnh phúc chân thật: Hạnh phúc chân thật chỉ có thể đạt được bằng sự quán chiếu, nhìn sâu để thấy rằng không có ranh giới giữa ta và người. Cái số phận, cái hoàn cảnh của cái gọi là ta và người là cái số phận chung, hoàn cảnh chung. Quán chiếu sâu sắc để thấy rằng cái ý niệm về hạnh phúc của ta cái ý niệm giả tạo, cạn cợt, và chính vì những ý niệm đó mà chúng ta dấn thân vào những nẻo đường tăm tối, hôn mê. PHẢI THÔI HY VỌNG MỚI CÓ HẠNH PHÚC CHÂN THẬT Sau khi nói xong bài kệ thứ ba Bụt hỏi vị thiên giả: "Con có hiểu bài kệ hay không? Nếu không hiểu thì cứ nói". Cố nhiên những bài kệ này ý nghĩa rất là thâm ảo, dầu vị thiên giả có thông minh thì cũng phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới nắm được cái yếu chỉ của lời Bụt dạy. Vì vậy vị thiên giả bạch Bụt: "Con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ". Đây là một chi tiết mà ta cần phải chú ý. Đây là lần thứ ba vị thiên giả nói "Con chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ". Nếu chưa hiểu, chưa nắm được thì phải nói là chưa hiểu, chưa nắm được để thầy dạy lại cho mình, đừng sợ thầy chê mình chậm hiểu, hay sợ các bạn chê mình không thông minh. Một vị thiên giả hào quang sáng chói mà khi chưa hiểu thì nói là chưa hiểu, tại sao mình lại không làm được điều đó? Lúc đó Bụt đọc thêm cho vị thiên giả một bài kệ thứ tư: Cắt ái và danh sắc, Tôi dịch là: Trừ dục, vượt ba mạn, Ta ghi lại hai bài chữ Hán để dễ đối chiếu. Bài kệ trong Tạp A Hàm là: Đoạn ái cập đanh sắc, Trừ mạn vô sở hệ, Tịch diệc tức sân nhuế, Ly kết tuyệt hy vọng, Bất kiến ư nhân thiên, Thử thế cập tha thế. Bài trong Biệt Dịch Tạp A Hàm: Đoạn ái cập đanh sắc, Diệt trừ tam chủng mạn, Bất xúc ư chư dục, Diệt trừ ư sân nhuế, Bạt trừ chư độc căn, Chư tưởng nguyện dục tận, Nhược năng như thị giả, Đắc độ sinh tử hải. Những bài kệ trong Biệt Dịch Tạp A Hàm thường dài hơn, nhưng rõ ràng hơn. Đoạn ái cập danh sắc , đoạn tức là cắt đứt, là vượt thoát; ái ở đây là ái dục; danh sắc là cái ý niệm về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc này là thân chứ không phải là nữ sắc, còn danh này là tâm chứ không phải là danh tiếng. Câu này có nghĩa là vượt thoát những ý niệm về danh và về sắc. Ta thường có ý niệm về hạnh phúc này, về sắc, thọ, thọ, tưởng, hành, thức kia, những ý niệm đó thường sai lầm, và chính những sai lầm đó dẫn ta đi vào những nẻo đường tăm tối. Vì vậy "đoạn" ở đây tức là chấm dứt, là thoát khỏi những ý niệm, những khái niệm sai lầm mà ta đã có về hạnh phúc.Diệt trừ chúng tam mạn là lấy đi, đoạn trừ ba thứ mặc cảm bằng người, hơn người, thua người. Vô sở hệ là không bị buôc ràng vào cái gì hết. Hệ có nghĩa là buộc ràng. Chữ hệ này có cùng nghĩa với chữ hệ lụy, tức là bị buộc ràng, bị vướng vào. Vô sở hệ là không bị buộc ràng vào cái gì hết, nó có nghĩa là thảnh thơi. Khi có ba ý niệm hơn người, bằng người, thua người thì ta bị buộc ràng vào, vì vậy mà có những phiền não. Khi trừ được ba cái mạn đó thì ta hết bị buộc ràng, lúc đó tâm ta có trạng thái vắng lặng, gọi là tịch diệt. Vắng lặng là vắng lặng vẻ những xôn xao của suy tư: ta thua người đó, ta hơn người đó, ta bằng người đó. Như vậy chữ tịch diệt này có nghĩa là niết bàn, giải thoát. Tức sân nhuế, tức ở đây có nghĩa là chấm dứt. Tịch diệt cũng có nghĩa là chấm dứt. Khi chấm dứt được những cái như là sân giận, ganh tị, tranh đua, chán nản, thì mình Ly kết. Ly tức là xa lìa, kết là nội kết (Sam-yojana) tức là những nổi khổ, niềm đau đã đóng thành từng khối trong lòng. Không bị thu hút, không chạy theo, không có những mối ràng buộc ở trong lòng thì gọi là ly kết. Mắt thấy hình sắc là tâm có nội kết. Hình sắc ghê rợn cũng có nội kết, hình sắc êm đềm cũng có nội kết. Sở dĩ anh chàng kia cứ đi quanh quanh ngôi nhà đó nhiều lần mà không có ích lợi gì hết là vì trong lòng anh ta có một nội kết, một hình ảnh tuyệt đẹp về người yêu. Đi cho tới ngày thấy xác pháo đầy hết ở trước sân thì mới không đi nữa. Cái sức mạnh đẩy anh chàng đó đi vòng vòng mỗi ngày là do nội kết tạo nên. Tuyệt hy vọng, tuyệt cũng có nghĩa là chấm dứt, hy vọng là sự chạy theo, sự tìm cầu, tiếng Anh là teaching of no hope, no expectation, no longing. Ta nên biết rằng đây là văn xưa, ngày nay ta dịch là nguyện. Vô nguyện là một trong ba giải thoát môn. Vô nguyện hay vô tác. Hai giải thoát môn kia là Không và Vô tướng. Vô nguyện tức là không đặt mình trước một đối tượng của sự tìm bắt, dầu đối tượng đó là bằng cấp, là mỹ nhân hay là danh hoặc lợi. Không chạy theo tiếng Phạn là Apranihita, nghĩa là không đặt mình trước một đối tượng để chạy theo. Chừng nào mình không chạy theo một điều gì nữa hết, thì chừng đó mình mới thực sự có hạnh phúc. Chừng nào mình còn chạy theo một cái gì thì chừng đó mình còn nói rằng ta chưa có hạnh phúc, những điều kiện có trong hiện tại không đủ để ta có hạnh phúc nên ta phải đi tìm. Hạnh phúc đích thực là khi ta không còn chạy tìm nữa. Tôi không cần thêm một điều kiện nào nữa. Tôi không cần thêm một điều kiện nào nữa, tất cả những điều kiện sẵn có của hạnh phúc tôi đã có ở đây và bây giờ. Chỉ khi nào đạt tới cái nhận thức như vậy thì mới có hạnh phúc thật sự. Trong đạo Cơ Đốc, giáo lý về hy vọng đóng một địa vị rất quan trọng. Hy vọng một niềm hạnh phúc trong tương lai, cho nên người ta có nghị lực để chịu đựng cái đau khổ trong hiện tại. Ráng lên, ráng lên! Ngày mai, ngày mốt mình sẽ hết khổ mình sẽ về Nước Chúa! Như vậy điều căn bản của giáo lý đó là công nhận hiện tại chỉ là khổ đau, cho nên đi ngược lại với giáo lý của đạo Bụt: Hạnh phúc có thể tìm được trong hiện tại. Vì vậy cho nên phải tuyệt hy vọng, phải "ending all hopes, ending all longing". Đây là một điều rất đặc thù của đạo Bụt. Các tôn giáo khác thường treo cái hy vọng "được cứu chuộc trong tương lai", trong khi đó Bụt dạy ta phải chấm dứt cái đó, phải trở về khai thác mảnh đất hiện tại cho thật sâu sắc. Ly kết tuyệt hy vọng! Danh từ rất mạnh, lối dùng chữ rất là hùng vĩ! Làm được những điều đó thì Bất kiến ư nhân thiên, không thấy mình trôi nổi, vào ra, bập bềnh trong cõi nhân và cõi thiên. Thử thế cập tha thế, đời này và cả trong tương lai mình không còn là con người đi lang thang, luân hồi nữa. Không phải trong cõi người ta mới bị hệ lụy, mà trong cõi trời ta cũng bị hệ lụy luôn. Hệ lụy là vì sao? Vì sự chạy tìm của ta, vì những phiền não như sân hận, ganh tị, thèm khát, giận hờn trong con người của ta. Những cái đó được chuyển hóa là nhờ ở sự thực tập diệt trừ những ý niệm, vọng tưởng sai lầm về hạnh phúc, về thực tại, trong đó có danh và sắc. Vượt được những ý niệm sai lầm về thực tại, vượt được những ý niệm về ngã, giải thoát khỏi những sợi dây ràng buộc thì tự nhiên ta đạt tới giải thoát và không còn thấy mình quanh quẩn, luân hồi, khổ đau trong cõi Người và cõi Trời nữa. Bước sang bài kệ trong Biệt Dịch tạp A Hàm, Đoạn ái cập danh sắc, diệt trừ tam chủng mạn nghĩa là đoạn trừ ý niệm về ái và về danh sắc, diệt trừ ba loại ngã mạn. Bất xúc ư chư dục là không tìm tới những đối tượng mà ta gọi lầm là hạnh phúc. Diệt trừ những tâm niệm phiền não trong lòng như sân nhuế. Bạt trừ chư độc căn, Bạt tức là nhổ lên, trừ diệt tận gốc. Chư độc căn là những cái gốc làm độc ở trong con người của ta. Những độc căn đó là tham (thèm khát), sân (giận hờn), si (u mê), ganh tị, tranh đua. Bạt trừ chư độc căn, tức là nhổ trừ cho sạch những gốc rễ của các chất độc ở trong con người của ta. Chư tưởng nguyện dục tận là những cái vọng tưởng, những cái hy cầu, những cái tham dục đã chấm dứt rồi. Nhược năng như thị giả, nếu có thể làm được như vậy (năng là có thể), thì Đắc độ sinh tử hải. Nghĩa là có thể vượt qua được biển sinh tử. "Đắc độ sinh tử hải" nó hay hơn "Bất kiến ư nhân thiên, thử thế cập tha thế". Bất kiến ư nhân thiên, thử thế cập tha thế là một hình tượng được lập đi lập lại nhiều lần trong nhiều kinh khác. Vượt thoát biển sanh tử thì ta có mặt trong cõi nhân và cõi thiên cũng không sao, chứ không phải ra khỏi cõi nhân cõi thiên mới là vượt thoát sinh tử. Bụt và các vị Bồ Tát cũng đã và đang có mặt trong cõi Nhân và cõi Thiên. Như vậy bài kệ này có mục đích khai triển những điều Bụt đã nói trong hai bài kệ trước. Không có gì mới, nhờ vậy mà lần này vị thiên giả hiểu được. Nghe Pháp thoại cũng cậy, đề tài nghe rồi nhưng nghe nữa, rồi nghe nữa, thì có lúc sẽ thấm. Đến đây vị thi ên giả mới bạch: "Con đã hiểu, bạch Đức Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Đức Thiện Thệ". Nghe Bụt nói kinh này xong, vị thiên giả vui mừng vâng theo, biến đi không còn trông thấy tăm dạng đâu nữa.Kinh này ta có thể đưa vào trong Nghi Thức Tụng Niệm năm 2000. Kinh tuy ngắn, nhưng chứa đựng rất nhiều giáo nghĩa của Bụt. Ta cũng cần in một cuốn sách mỏng để có thể chú giải được những bài kệ ở trong Kinh này, tại vì chủ lực của Kinh này là lời giải thích của thầy Samiddhi về hiện pháp lạc trú (thời và phi thời), và ba bài kệ của Đức Thế Tôn dạy (2). (2) Xem "Tuổi trẻ, lý tưởng và hạnh phúc, Kinh Samiddhi bình giải", Thích Nhất Hạnh, Lá Bối, 1999.-ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01| 02 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 04 |
Source: Trang web Quảng Đức, www.quangduc.com
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 01-04-2005