BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo Nguyên Thủy

Ân Đức Tam Bảo

Hòa thượng Bửu Chơn


[1.2]

 

3. Vijjãcaranasampanno (Minh-Hạnh-Túc)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là Vijjãcaranasampanno (Minh-Hạnh-Túc)?

Bởi Ngài đã toàn đắc:

3 cái Giác (Vijjã)
5 cái Giác (hoặc Minh)
15 cái Hạnh (Carana).

Ba cái Giác (Vijjã).

"Giác" hoặc "Minh" (Vijjã) có nghiã là sự hiểu biết cùng tột, tinh-tường.

Ba cái Giác của Phật có kể trong kinh "Bhayabhevara Sutta" (Majjhima Nikãya) như sau:

Pubbe Nivãsãnussati Vijjã:

Túc-Mạng-Minh là Tuệ biết rõ những tiền-kiếp của Ngài và của tất-cả chúng-sanh.

Ðức Phật tri-tỏ căn nguyên của thân Ngũ-Uẩn của Ngài từ một kiếp đến vô số kiếp quá-khứ: trong kiếp nào Ngài sanh trong cảnh nào, khi ấy có tên họ chi, dòng giống nào, sắc diện thế nào, tuổi thọ được bao nhiêu, khi thác rồi sanh trong cảnh nào... Ngài đều rõ biết từng chi-tiết như thế trong mỗi tiền-kiếp của Ngài và luôn của mỗi chúng-sanh nữa.

Ðức Phật đắc Túc-Mạng-Minh lúc đầu hôm trong đêm thành đạo dưới cội Bồ-Ðề.

Cutũpapãta Vijjã:

Thiên-Nhãn-Minh có 2 nghĩa sau đây:

a) Sanh-Tử-Minh là có nhãn-thông thấy rõ sự sanh-tử luân-hồi của chúng-sanh đều do nghiệp (Ác hoặc Thiện) cấu-tạo nên.

Chúng-sanh nào làm những nghiệp ác do Thân, Khẩu, Ý, chấp theo tà kiến sẽ tái-sanh trong các cảnh khổ (Duggati) là cảnh A-Tu-La, Ngã-Quỉ, Súc-Sanh, Ðịa-Ngục.

Chúng-sanh nào làm những nghiệp lành do Thân, Khẩu, Ý, nói theo chánh-kiến sẽ tái-sanh vào cõi Yên-Vui (Sugati) là cõi trời và cõi người (người có nhiều hạnh-phúc).

Ðức Phật thấy rõ và biết trước cảnh-giới tái-sanh của mỗi chúng-sanh tùy theo nghiệp dữ hoặc lành mà chúng-sanh ấy đã tạo.

b) Thiên-Nhãn-Thông là có nhãn-thông thấy rõ tất-cả Chư-Thiên, nhân-loại và các vật.

Dầu sâu dưới đất, trong lòng núi hay bị che-án, dầu hữu-hình hoặc vô-hình, dầu gần hoặc xa đến đâu, Ngài cũng đều thấy rõ như ngay trước mắt.

Nhưng đây chỉ nói đến Sanh-Tử-Minh là cái Minh mà Ðức Phật đã đắc vào khoảng giữa đêm Ngài thành đạo.

Asavakkhaya Vijjã:

Lậu-Tận-Minh là Tuệ biết rõ các Pháp Trầm-Luân mà diệt tận. Pháp Trầm-Luân (ãsava) có 4:

a) Kãmãsava: Trầm-Luân trong Ái-Dục
b) Bhavãsava: Trầm-Luân trong Tam-Giới
c) Ditthãsava: Trầm-Luân trong Tà-kiến
d) Avijjãsana: Trầm-Luân trong Vô-Minh.

Riêng về Ái-Dục, Ðức Phật đã thấy rõ, hiểu biết tường-tận đây là Khổ, đây là nguyên-nhân phát-sanh sự Khổ, đây là nơi diệt Khổ, đây là con đường đi đến nơi diệt Khổ.

Về các Pháp Trầm-Luân khác là Tam-Giới, Tà-Kiến, Vô-Minh, Ngài cũng hiểu thấy rõ-rệt, Pháp này là Pháp Trầm-Luân, Pháp này là nhân sanh sự Trầm-Luân, đây là nơi diệt Pháp Trầm-Luân, đây là phương-pháp diệt trừ Pháp Trầm-Luân.

Ðức Phật đắc Lậu-Tận-Minh vào lúc rạng đông đêm thành đạo. Ðạo quả viên thành, Ngài thành bậc Chánh-Ðẳng Chánh-Giác là bậc tối-thượng, thầy cả Chư-Thiên và nhân-loại, là bậc xứng-đáng cho chúng-sanh tôn-trọng, lễ-bái cúng-dường.

Năm cái Giác (hoặc Minh).

Ngoài 3 cái Giác vừa kể trên, Ðức Phật còn đắc 5 cái Giác khác (hoặc Minh), có kể trong Kinh "Ambattha Sutta " thuộc bộ Trường-A-Hàm "Dĩgha Nikãya".

Năm cái Giác ấy là:

Vipassanã Vijjã:

Minh-Sát-Minh là tuệ Quán-tưởng các Pháp hành (Sankhãra) là Danh và Sắc (Nãma Rũpa) theo 10 Pháp Minh-Sát (Vipassanã) (Xin xem giải rộng trong quyển "Thanh-Tịnh-Kinh" của Ðại-Ðức Hộ-Tông):

Sammasanannãna: Huệ Quán-Tưởng các Danh và Sắc đều Vô-Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã, đúng theo thật tướng.

Udayabbayannãna: Huệ Quán-Tưởng sự tan rã, phân tán của Danh-Sắc.

Bhangannãna: Huệ Quán-Tưởng sự tan rã, phân-tán của Danh-Sắc.

Bhayannãna: Huệ Quán-Tưởng cho thấy Danh-Sắc đáng ghê-sợ như là thú dữ.

Adinavannãna: Huệ Quán-Tưởng cho thấy rõ tội-lỗi của Danh-Sắc như người thấy nhà mình bị lửa cháy, tìm đường thoát ra cho khỏi.

Nibbidãnnãna: Huệ Quán-Tưởng cho phát sanh lòng chán-nản Danh-Sắc.

Muncitukamyatãnnãna: Huệ Quán-Tưởng cho phát sanh Tâm mong mỏi thoát khỏi Danh-Sắc, cũng như cá mắc lưới muốn thoát thân, như kẻ tù-tội muốn lìa khỏi cùm-xích lao-tù.

Patisankhãrannãna: Huệ Quán-Tưởng tìm phương thế giải-thoát khỏi Danh-Sắc.

Sankhãrupekkhã Nãna: Huệ Xả là không còn chấp Danh-Sắc nữa, không vui, không buồn ví như người bỏ hẳn vợ, chẳng còn mến tiếc nữa, dầu người vợ ấy có tư-tình với người nào mình cũng thản-nhiên.

Anulomannãna: Huệ Thấy Rõ và dốc lòng thực-hành xuôi theo Thánh-Ðạo.

Minh-Sát ẩn tàng trong tâm Ðức Phật từ khi Ngài chưa xuất-gia tầm đạo, nhưng lúc ấy chưa được uyên-viễn tinh-vi.

Chính nhờ cái Minh còn thô-thiển ấy mà khi còn là Thái-tử Sĩ-Ðạt-Ta, Ngài đã nhận-thức được những điều thống-khổ của sự Già, Ðau, Chết khi trông thấy một người già, một bệnh nhân, một tử-thi trong lúc Ngài đi du-ngoạn ngoài thành. Lúc trở về nội cung, Ngài suy-xét mãi về cái thân Ngũ-Uẩn Vô-Thường, phát Tâm chán-nản thế-sự phù-du, quả-quyết cắt-ái ly-gia mong tìm đường giải-thoát.

Minh-Sát-Minh là cái Giác đầu tiên trong 8 cái Giác mà Ðức Phật đã đắc vì nhờ Minh-Sát-Minh mà Ngài mới hoàn-toàn tri-tỏ lý Tứ-Diệu-Ðế.

Sau khi cảm thắng Ma-vương dưới cội Bồ-Ðề do nhờ 10 Pháp Ba-La-Mật, Ngài liền nhập Diệt-Thọ-Tưởng-Ðịnh (Samãpatti) lúc xuất-định, Ngài dùng Minh-Sát-Minh chiếu vào các Pháp hành (Hữu-Vi) và thấy rõ Danh-Sắc đều là Vô-Thường (Aniccam), Khổ-Não (Dukkham), Vô-Ngã (Anattã), Ngài ví Ngũ-Uẩn theo Lý Tứ-Diệu-Ðế như vầy:

Khổ-Ðế: Ngũ-Uẩn là chúa-tể các sự khổ rất đáng sợ ví như 5 kẻ nghịch hung-bạo.
Tập-Ðế: 3 cái Tâm Ái-Dục ví như 3 tên dẫn đường chỉ nẻo cho 5 kẻ nghịch ấy.
Diệt-Ðế: Niết-Bàn là khí cụ để ngăn-cản, chặn-lối đám nghịch ấy.
Ðạo-Ðế: Bát-Chánh-Ðạo là phương-Pháp diệt-trừ đám nghịch ấy.

Khi tìm thấy căn-nguyên của sự khổ và phương-Pháp diệt-tận sự khổ bằng Minh-Sát-Minh rồi, Ðức Bồ-Tát mới xa-lìa được 3 cái Sử (Samyojana): Pháp thằng-thúc đầu tiên là Thân-Kiến (Sakkãya Ditthi), Hoài-Nghi (Vicikicchã) và Giới-Cấm-Thủ (Silibbattaparãmãsa: Chấp theo tập-quán, theo lệ cúng-tế thần-thánh) bằng Tu-Ðà-Hườn Ðạo-Tuệ (Sotãpatthi Maggannãna).

Rồi Ngài xa-lìa cái thô-siển của 2 Sử nữa là: Vui thích Tình-Dục (Kãmacchanda) và Thù Oán, Mong Hại người (Byãpãda) bằng Tu-Ðà-Hàm Ðạo-Tuệ (Sakidãgãmi Maggannãna).

Ngài lại xa-lìa cái vi-tế của 2 sử kể trên và diệt-tận trọn-vẹn cả 2 sử ấy bằng A-Na-Hàm Ðạo-Tuệ (Anãgãmi Maggannãna).

Kế tiếp, Ngài xa-lìa cả 5 sử cuối-cùng là:

Rũparãga: Vui-Thích cảnh Sắc
Arũparãga: Vui-Thích cảnh Vô-Sắc
Mãna: Cống-Cao, Ngã-Mạn
Uddhacca: Phóng-Tâm
Avijjã: Vô-Minh

bằng A-La-Hán Ðạo-Tuệ (Arahatta Maggannãna).

Phiền-Não chướng ngại đã xa-lìa, Thân Tâm Bồ-Tát trở nên hoàn-toàn trong sạch, A-La-Hán quả phát-sanh lên và 7 cái Giác khác cũng tuần tự khởi-phát lên tròn đủ đến Tâm Ngài.

Manomayiddhi Vijjã:

Hóa-Tâm-Minh là cái Tâm có thể biến Tâm mình ra thành thân-hình như ta rút cái tim của cây cỏ ống ra khỏi cộng vậy.

Ðức Phật dùng Tâm lực tự hóa ra khi thì làm người già, lúc thì làm người trẻ... biến hiện dưới hình thể, khác nhau tùy theo ý-muốn của Ngài.

Idhividhi Vijjã:

Thần-Thông-Minh là cái Minh có thể dùng các Pháp thần-thông. Ðức Phật có thể biến-hóa một người thành ra nhiều người hoặc nhiều người thành ra một người.

Ngài có thể tàng-hình, độn-thổ, đi trên nước như trên đất bằng, đi ngang qua vách núi như đi trong khoảng trống, ngồi xếp bằng bay trên hư-không, lấy tay rờ mặt trời mặt trăng, làm cho đường gần thành ra xa, xa thành gần, vật này biến thành vật khác, vv...

Dibbasota Vijjã:

Thiên-Nhĩ-Minh là cái Minh có thể nghe các thứ tiếng, dầu xa, dầu gần. Ðức Phật có thể nghe tiếng các loài (Noãn, Thai, Thấp, Hoá) nhất là loài người và Chư-Thiên, dầu tiếng ấy ở xa đến đâu Ngài cũng nghe được cả.

Cetopariya Vijjã:

Tha-Tâm-Thông là Tuệ biết rõ ý-tưởng hoặc tâm-thức của người khác. Ðức Phật đã biết rõ Tâm của tất-cả chúng-sanh: Tâm người này còn Tham, Sân, Si; Tâm người kia đã dứt Phiền-Não; người này đang tưởng điều Ác; người kia đang nghĩ điều Lành. Nhờ cái Minh ấy mà ai đến gần, Ngài liền biết rõ người ấy muốn tìm Ngài để làm gì, hỏi chi, vv...

Năm cái Giác vừa kể trên hiệp với 3 cái Giác đã giải phía trước, thành ra 8 cái Giác (hoặc Minh) mà Ðức Phật đã đắc.

Hạnh (hoặc Hành: Carana).

Hạnh (hoặc Hành: Carana) là phương-pháp mà bậc phạm hạnh phải hành theo để đi đến nơi giải-thoát là Niết-Bàn.

Pháp Hành có 15:

a) Sĩla Samvara: Thu-Thúc theo Giới-Hạnh là giữ Tứ-Thanh-Tịnh-Giới (Patimokkha) cho trọn-vẹn Tinh-Nghiêm.

b) Indriya Samvara: Thu-Thúc Lục-Căn cho Thanh-Tịnh là giữ Tâm cho bình-thản không vui, không buồn, không cho cảnh trần chi-phối khi Lục-Căn tiếp-xúc với Lục-Trần.

c) Bhojan Mattannutã: Có sự Tiết-Ðộ trong vật thực là không độ nhiều quá hoặc ít quá, chỉ độ một buổi ngọ thôi.

d) Jãgariyãnuyoyo: Luôn Luôn giữ Tâm-Thần Tỉnh-Táo không uể-oải là hằng Thức-Tỉnh, không Mê Ngủ.

e) Saddhã: Có Ðức-Tin Chân-Chánh là tin Lý Nhân-Quả (tin Nghiệp và tin Quả), tin nơi sự Giác-Ngộ của Ðức Phật và tin nơi 37 phần-Pháp Bồ-Ðề.

f) Sati Sampajanna: Có sự Ghi Nhớ Chân-Chánh và biết mình là Ghi Nhớ theo Tứ-Niệm-Xứ (Niệm-Thân, Niệm-Thọ, Niệm-Tâm, Niệm-Pháp) và biết rõ những hành-vi của mình về Thân, Khẩu, Ý.

g) Hiri: Hổ-Thẹn Tội-Lỗi đã làm.

h) Ottappa: Ghê-Sợ Tội-Lỗi, không dám tái phạm.

i) Bãhusacca: Nghe nhiều, Học Rộng (về Kinh, Luật, Luận và về các Pháp Giải-Thoát).

j) Viriya: Có sự Tinh-Tấn đúng theo Tứ-Chánh-Cần (Samappadhãna):

Cố-gắng diệt-trừ các Pháp Ác đã phát sanh nơi Thân-Tâm.
Cố-gắng ngăn-ngừa các Pháp Ác chưa sanh không cho xâm-nhập vào Thân.
Cố-gắng làm cho tăng-trưởng các Pháp Lành đã có (hoặc làm hoàn-bị những Pháp Hành đã đắc).
Cố-gắng làm cho phát sanh các Pháp Lành chưa có (hoặc hành các Pháp Hành chưa đắc).

k) Pathama Jhãna: Hành theo Sơ-Thiền.

l) Pannã: Có Trí-Tuệ hiểu biết thấy chân-chánh, là hiểu thấy theo 3 thật tướng của vũ-trụ (Vô-Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã) theo lý Tứ-Diệu-Ðế.

m) Dutiya Jhãna: Hành Nhị-Thiền.

n) Tatiya Jhãna: Hành cho đắc Tam-Thiền.

o) Catuttha Jhãna: Hành cho đắc Tứ-Thiền.

Nhờ toàn đắc 8 cái Giác mà Ðức Phật phát-sanh Trí-Tuệ Vô-Biên, nhờ hành viên mãn 15 cái hạnh mà Ngài phát Tâm Ðại-Bi Vô-Lượng.

Do nhờ Trí-Tuệ mà Ðức Phật đã tự mình đến bờ Giác-Ngộ, nhờ lòng Ðại-Bi mà Ngài dắt-dẫn chúng-sanh đến bờ Giải-Thoát.

Do nhờ Trí-Tuệ mà Ðức Phật đã chứng bậc Chánh-Ðẳng Chánh-Giác, nhờ lòng Ðại-Bi mà Ngài thực-hành trọn-vẹn phận-sự của một bậc Chánh-Biến-Tri.

Do nhờ Trí-Tuệ mà Ðức Phật tri-tỏ Pháp nào có sự lơị-ích; Pháp nào có sự nguy-hại đến chúng-sanh, nhờ lòng Ðại-Bi mà Ngài khuyên bảo chúng-sanh lánh xa những điều tội-lỗi, khuyến-khích chúng-sanh làm những điều lành.

Nói tóm lại: Do nhờ 8 cái Giác và 15 cái Hạnh của Ðức Phật mà các hàng tứ-chúng môn-đệ của Ngài được dắt-dẫn chu-đáo trên con đường chân-chánh, lánh xa những con đường sai-lầm như tu khổ-hạnh, tà-kiến, lợi-dưỡng, vv...

Do nhờ những Ân-Ðức Cao-Quí vừa giải phía trên, nên Ngài có hiệu là VIJJãCARANASAMPANNO (Minh-Hạnh-Túc).

 

4. Sugato (Thiện-Thệ)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là SUGATO (Thiện-Thệ)?

- Bởi ngài:

* Có sự hành-trình Toàn-Hảo (Sobhana Gamana)
* Có ngôn-ngữ Chân-Chánh (Sammãgadattã)

Sự hành-trình Toàn-Hảo.

Sự hành-trình Toàn-Hảo đây, ý nói có 4 điều:

Tướng đi đẹp-đẽ.

Ðức Phật có tướng đi vừa oai-hùng, vừa trang-nghiêm tề-chỉnh, khiến cho chúng-sanh trông đến phải ngưỡng-mộ, tôn-kính và vui-thích nhìn xem.

Sau khi thành-đạo dưới cội Bồ-Ðề, Ngài cất bước thẳng tiến về phía vườn Lộc-Giả (Isipatana) để độ năm thầy Kiều-Trần-Như, có vô số Chư-Thiên và cầm-thú trông thấy diện-mạo quang-minh hào quang rực-rỡ và tướng đi trang-nghiêm đẹp-đẽ của Ðức Phật, đồng thanh phát Tâm thỏa-thích hoan-hô ca-tụng. Từ trên không, Chư-Thiên rắc hoa thơm ngào-ngạt và phổ tấu những bản nhạc du-dương cúng-dường tùng bước đi của Ngài. Dưới trần, muôn thú hân-hoan theo gót chân Ngài, chim chóc bay lượn, hót mừng ca tụng đấng Ðại-Bi... Vạn-vật như bừng lên một ánh-sáng huy-hoàng và rộn-rịp lên một niềm hân-hoan đón chào đấng Cứu-Thế, từ đây châu-du trọn 45 năm trường tế-độ quần-sanh...

Lại nữa, mỗi khi Ðức Thế-Tôn ngự đến xóm làng nào, đều có Chư-Thiên và đông người cung-kính đi theo nhìn xem tướng trang-nghiêm tốt-đẹp phát sanh Tâm ngưỡng-mộ tôn-sùng.

Cần nói thêm rằng có nhiều hạng chúng-sanh sùng-bái tôn-kính Ðức Phật vì Ngài có 4 Pháp Chan-Hòa (Pamãna) nghĩa là dồi-dào lai-láng sự tốt-đẹp, cao-quí như sau đây:

a) Sắc Chan-Hòa (Rũpa Pamãna): Dung-nhan Ngài tốt-đẹp phi-phàm trọn đủ 32 tướng hảo và 80 tướng phụ (xem giải rộng trong quyển "32 tướng Ðức Phật" của Ðại-Ðức Bửu Chơn), Chư-Thiên và Nhân-loại không ai sánh bằng.

b) Pháp Chan-Hòa (Dhamma Pamãna): Các Pháp mà Ngài đã tỏ-ngộ thật vi-diệu thậm-thâm và đúng chân-lý, các bậc thiện trí-thức khác không thể sánh bằng.

c) Thinh Chan-Hòa (Gosa Pamãna): Tiếng nói của Ngài thanh-tao, vang ngân như tiếng của trời Phạm-Thiên và êm dịu rõ-ràng như tiếng con chim quốc (Karavika)

d) Tâm Vui Thích Bình-Ðẳng Chan-Hòa (Luka Pamãna): Ngài có Tâm bình-đẳng, dầu bậc Vua chúa hoặc thường dân, người giàu sang hoặc kẻ bần hàn đem vật chi đến cúng dường, Ngài cũng đều thọ-lãnh một cách vui-vẻ hồn-nhiên không phân biệt giai-cấp của thí chủ và vật cúng cao quý hay thấp-hèn.

Vì thế, nên có người phát Tâm hoan-hỷ, ưa thích sắc tướng đẹp-đẽ phi-phàm của Ðức Thế-Tôn rồi xuất-gia vào tu theo Giáo-Pháp hoặc tin lời giáo-huấn của Ngài mà làm điều phước thiện.

Có người cảm mến Ngài vì những Pháp hợp-lý, cao-thượng, chân chánh mà Ngài đã giảng dạy rồi trở thành môn-đồ của Ngài.

Có người ưa-thích tiếng nói tao-nhã êm-ái của Ngài rồi tu theo Ngài.

Có người lại mến Tâm bình-đẳng của Ngài trong sự thọ-nạp vật-dụng cúng-dường rồi thọ-giáo với Ngài.

Do nhờ 4 "Pháp Chan-Hòa" cao-quí vừa kể trên mà Ðức Thế-Tôn ngự đến nơi nào, cũng hằng làm cho đại chúng phát Tâm tín-ngưỡng sùng mộ Ngài.

Chúng-sanh nào chưa có đức-tin nơi Tam-Bảo, khi gặp Ngài rồi liền phát lòng cảm-mến tin-tưởng.

Chúng-sanh nào đã tu theo Giáo-Pháp của Ngài rồi, khi nghe Ngài thuyết-Pháp, hoặc nhìn sắc thân, hoặc nghe tiếng nói, hoặc cảm-thông Tâm bình đẳng của Ngài, lại càng có đức tin dũng-mãnh và thực-hành tinh-tấn nhưng Pháp mà Ngài đã giáo-huấn.

Ði đến nơi trong sạch.

Ðức Phật hằng đi đến nơi trong sạch vì nơi nào dầu ô-uế nhơ-bẩn đến đâu, khi Ngài ngự đến đều trở nên sạch-sẽ vui-tươi.

Như tích xưa, thành Vesãli bị bọn phi-nhân là Ngạ-Quỉ, dạ-xoa... hoành-hành, gieo rắc bệnh dịch-hạch làm cho dân chúng chết-chóc vô-số đến nỗi không kịp chôn, mùi tử-khí xông lên nồng-nặc. Trước khi Ðức Thế-Tôn ngự đến thành ấy, Chư-Thiên hay biết liền tuôn một đám mưa lành rất lớn, quét tan các hàng phi-nhân và mùi tử-khí thành Vesãli trở nên sạch-sẽ an-lành.

Ði con đường chân-chánh.

Ðức Phật đã đi con đường chân-chánh, thanh-tịnh là Thánh-Ðạo (Ariya Magga), không hề quay lại tìm các Phiền-Não trọng-đại và thụy-miên mà Ngài đã diệt-trừ do nhờ đạo-quả Tu-Ðà-Hườn, Tu- Ðà-Hàm, A-Na-Hàm và A-La-Hán.

Con đường chân-chánh ấy trọn 4 A-Tăng-Kỳ và 100 ngàn đại-kiếp quả địa cầu, Ðức Thế-Tôn đã đi từ lúc còn là Bồ-Tát, được Ðức Phật Nhiên-Ðăng (Dipankãra) thọ-ký cho đến khi thành bậc Chánh-Ðẳng Chánh-Giác dưới cội Bồ-Ðề với hoài-bảo thiết-tha cứu-vớt nhân-loại ra khỏi mê-tận khổ-ải, Ngài đã hành viên-mãn 30 Pháp Ba-la-mật và đã gian-lao khổ-nhọc trên con đường trung-đạo, không thiên về những quan-niệm cực-đoan là "Lợi-Dưỡng" và "Khổ-Hạnh", "Thường-Kiến" và "Ðoạn-Kiến".

Ði đến nơi an-lạc.

Ðức Phật đã đi đến nơi an-lạc, vô sanh bất-diệt là Ðại Niết-Bàn.

Trước ngày thành-đạo, Ngài chưa tùng đến nơi tịch-tỉnh ấy, nhưng Ngài không mảy-may e-ngại, vì Thân-Tâm đã được hoàn-toàn trong sạch thanh-tịnh, không còn Phiền-Não. Phiền-Não nào Ngài đã diệt-tận rồi, Phiền-Não ấy không còn trở lại Tâm Ngài và Ngài cũng không bao-giờ quay lại tìm Phiền-Não ấy.

Ngôn-ngữ chân-chánh.

Ngôn-ngữ chân-chánh, ý nói: Những huấn-từ chân-thật đúng theo Giáo-lý, nhằm vào sự lợi-ích và sự giải-thoát của chúng-sanh mà Ðức Phật thốt ra tùy theo trường hợp và tùy theo hoàn-cảnh thích-đáng.

Ngài hiểu biết tường-tận lời nào theo chân-lý hoặc không đúng theo chân-lý, lời nào có lợi-ích hoặc không có lợi-ích, lời nào vừa lòng thích-ý chúng-sanh.

Lời nào không đúng theo chân-lý, không lợi-ích và không vừa lòng chúng-sanh, Ngài không bao giờ thuyết.

Lời nào đúng theo chân-lý nhưng không có lợi-ích và không vừa lòng chúng-sanh, Ngài không bao giờ thuyết.

Lời nào đúng theo chân-lý, có lợi-ích nhưng không vừa lòng chúng-sanh, Ngài biết tùy cơ-hội thuận-tiện để thuyết.

Lời nào không đúng theo chân-lý nhưng không có lợi-ích, dầu vừa lòng chúng-sanh, Ngài không bao giờ thuyết.

Lời nào đúng theo chân-lý, có lợi-ích và vừa lòng chúng-sanh, Ngài biết lựa cơ-hội thuận-tiện để thuyết.

Như một ngày nọ, đi ngang qua cánh rừng nhỏ gần thành Kosambi, Ðức Thế-Tôn cầm một nắm lá trong tay và phán hỏi Ðức A-Nan như vầy:

"Này A-Nan lá cây mà Như-lai nắm trong tay đây và lá cây trong rừng này, lá nào nhiều hơn?"

Ðức A-Nan-Ða bèn bạch rằng:

"Bạch Ðức Thế-Tôn! lá cây mà Ðức Thế-Tôn nắm trong tay rất ít, lá cây trong rừng thật là nhiều".

Ðức Phật mới phán rằng:

"Này A-Nan-Ða! cũng như thế ấy, những Pháp mà Như-lai đã thấy rõ, biết rõ thật là nhiều ví như lá cây trong cánh rừng này, còn những Pháp mà Như-lai đã thuyết ra cho chúng-sanh được biết, chỉ ít-ỏi như nắm lá trong tay Như-lai vậy".

"Tại sao thế?"

"Bởi vì các Pháp mà Như-lai không thuyết ra là những Pháp không đem lại sự lợi-ích, không liên-hệ chi đến sự hành phạm-hạnh, đến sự diệt-tận Phiền-Não, đến sự yên-lặng của Tâm-hồn, đến sự phát-sanh Trí-Tuệ viên-dung về Niết-Bàn. Vì vậy, Như-lai không thuyết ra.

Còn các Pháp mà Như-lai đã thuyết là những Pháp chỉ rõ đây là khổ, đây là nguyên-nhân phát-sanh sự khổ, đây là nơi diệt-khổ và đây là con đường đi đến nơi diệt-khổ. Vì các Pháp ấy đem lại sự lợi-ích liên-hệ đến đời sống thanh-cao, đến sự diệt-tận Phiền-Não, đến sự yên-lặng của Tâm-hồn, đến sự phát-sanh Trí-Tuệ viên-dung đến Niết-Bàn".

Như thế, ta nhận thấy rằng mặc dầu Ðức Phật đã hiểu biết tường tận Vô-Lượng Pháp, nhưng Ngài chỉ phổ-cập những Pháp nào đúng theo chân-lý và đem sự lợi-ích và sự giải-thoát đến cho chúng-sanh thôi.

Do nhờ những Ân-Ðức cao-quí vừa kể trên nên Ngài có hiệu là SUGATO (Thiện-Thệ).

 

5. Lokavidu (Thế-Gian-Giải)

Tại sao Ðức Phật có hiệu là LOKAVIDU (Thế-Gian-Giải)?

Bởi Ngài thông suốt cả Tam-Giới. "Tam-Giới" nghĩa là 3 cảnh giới mà chúng-sanh đi thọ sanh:

- Kãmabhava: Dục-Giới
- Rũpa Bhava: Sắc-Giới
- Arũpa Bhava: Vô-Sắc-Giới.

Dục-Giới là cảnh giới mà chúng-sanh còn vui thích, ưa-muốn Ngũ-Trần là Sắc-Trần, Thanh, Hương, Vị, Xúc. Dục-giới gồm 11 cõi là Ðiạ-Ngục, A-Tu-La, Ngã-Quỉ, Súc-sanh, Nhân-loại, và 6 cõi trời Dục-Giới.

Sắc-Giới là cảnh mà chúng sanh hưởng sự an-vui do nơi quả-phúc của Thiền-Ðịnh Hữu-Sắc. Tùy theo năng lực của bậc thiền đã đắc tại cõi-trần, các vị đã đắc từ Sơ-Thiền đến Ngũ-Thiền tái- sanh về 16 cõi trời Sắc-Giới không còn phân-biệt nam nữ và sống lâu từ một phần ba (1/3) kiếp đến 16.000 kiếp quả địa cầu.

Vô-Sắc-Giới là cảnh giới mà chúng-sanh không còn có sắc-tướng nữa, chỉ còn Tâm tinh-khiết, không nhơ-bẩn. Các vị trời này đã đắc 4 bậc thiền Vô-Sắc khi còn làm người ở cõi trần, tái-sanh về 4 cõi Vô-Sắc và tuổi thọ từ 20.000 kiếp đến 84.000 kiếp quả địa cầu.

Trong Tam-Giới vừa kể, có cõi chúng-sanh chỉ có Nhất-Uẩn, cõi có Tứ-Uẩn và cõi có đủ Ngũ-Uẩn nhưng không thoát khỏi sự thọ-sanh do 4 cách là Noãn-Thai, Thấp-Hóa và vẫn còn dính mắc mãi trong vòng sanh-tử luân-hồi.

Tam-Giới thuộc về thế-gian còn xuất thế-gian là Niết-Bàn.

Pháp nào có sanh và có diệt, thể-trang nào bị chi-phối bởi lẽ vô-thường là phải bị tiêu-hoại tan-rã gọi là thế-gian (Loka).

Thế-gian có 3:

Sankhãra Loka: Pháp Hành Thế-Gian
Satta Loka: Chúng Sanh Thế-Gian
Ãkasa Loka: Hư-Không Thế-Gian

Pháp hành thế-gian.

Ðức Phật thông-suốt các Pháp-hành (là những pháp-hữu-vi, phát sanh lên do nhân-duyên tạo-tác khác nhau) thế-gian kể sau đây:

1. Ãhãrasankhãra Lakam: tất cả chúng-sanh đều nhờ thực-phẩm mà tồn-tại.

2. Nãmarũpa Sankhãtam:

- Nãma: Danh gồm có:
- Citta: 81 Tâm Vướng
- Cetasika: 52 Tâm Sở

(Xem chi tiết "Tâm Vướng" "Tâm Sở" và 24 Phụ-Sắc trong quyển Vi-Diệu-Pháp của Ðại-Ðức Hộ-Tông)

- Rũpa: Sắc gồm có 4 Tứ Ðại-Sắc (Mahãbhũta Rũpa) là Ðất, Nước, Gió, Lửa ; và 24 Phụ-Sắc (hoặc liên kết sắc: Upãdãya Rũpa).

Danh-Sắc cùng hiệp với nhau, nương với nhau thành lập nên thân hình hữu-trí được. Ví như chiếc thuyền và người lái thuyền, chiếc thuyền nhờ có người lái mới đi được. Hoặc như người bại và người mù, người bại nhờ chân của người mù, người mù nhờ mắt của người bại mới có thể đi và thấy đường được.

3. Tividhavedanã Sankhãtam: Tam Thọ Hành vi:

- Thọ Vui
- Thọ Khổ
- Thọ-Xả (không vui, không khổ).

4. Caturãhãra Sankhãtam: Hành vi bốn món vật thực là:

a) Kabalinkãrãhãra: Vật thực hữu-hình như cơm, bánh trái... gồm có tứ đại, màu sắc, mùi, vị và chất bổ dưỡng.

b) Phassãhãra: Vật thực tiếp xúc là sự tiếp xúc Lục-Căn và Lục-Trần làm cho Thọ (Vedanã) phát sanh lên.

c) Manosancetanãhãra: Tác-ý Thiện, Ác là vật thực dễ đưa đi tái-sanh trong Tam-Giới.

d) Vinnãnãhãra: Tâm thức là vật thực dễ phát sanh Danh-Sắc trong Lục-Thọ-Sanh.

5. Pancupãdãnakkhandhã Sankhãtam: Hành-vi-thủ (Upãdãnã) là cố chấp, giữ chặt 5 Uẩn: Sắc-Uẩn, Thọ-Uẩn, Tưởng-Uẩn, Hành-Uẩn và Thực-Uẩn cho là Ta, là thân Ta, là của Ta.

6. Chãjjhattikãyatana Sankhãtam: Hành-vi Lục-Căn (ãyatana) là Nhãn-Căn, Nhĩ-Căn, Tỉ-Căn, Thiệt-Căn, Thân-Căn và Ý-Căn

7. Sattavinnãnatthiti Sankhãtam: Hành-vi về chỗ trú ngụ của thức có:

a) Nãnattakãyã Nãnattasanni: Có chúng-sanh thân hình khác nhau và tư-tưởng cũng khác nhau (như Nhân-Loại, Chư-Thiên, Ngã-Quỉ)

b) Nãnattakãyã Ekattasanni: Có chúng-sanh thân hình khác nhau nhưng tư-tưởng giống nhau (như Chư-Thiên trong 3 cõi Sắc-Giới thuộc hạng Sơ-Thiền là Hành-Kiến-Thiên (Parisajjã), Hành-Thần-Thiên (Parohitã) và Ðại-Phạm-Thiên (Mahã Brahmã)

c) Ekatta Kãyã Nãnattasanni: Có chúng-sanh thân hình giống nhau nhưng tư-tưởng khác nhau (như Chư-Thiên trong 3 cõi Sắc-Giới thuộc về hạng Nhị-Thiền là:

Parittãbhã: Thiều-Quang-Thiên
Appamãnãbhã: Vô-Lượng-Quang-Thiên
Abhassarã: Thân-Quang-Thiên

d) Ekattakaya Ekattasanni: Có chúng-sanh thân hình giống nhau và tư-tưởng cũng giống nhau. Chư-Thiên trong 3 cõi Sắc-giới thuộc hạng Tam-Thiền là:

Paritta Subhã: Thiều-Hảo-Thiên
Appamãna Subhã: Vô-Lượng-Hảo-Thiên
Subha Kinhã: Ða-Hảo-Thiên

Và Chư-Thiên trong 5 cõi Tịnh-Cư-Thiên (Suddhãvãsa) thuộc về Tứ-Thiền là chỗ ngụ của các bậc A-Na-Hàm đã diệt lòng tham muốn cảnh dục, chờ đắc A-La-Hán nhập Niết-Bàn luôn nơi ấy chớ không trở lại cõi trần nữa nên gọi là hạng bất lai. Năm cõi Tịnh-cư-thiên là:

Avihã: Vô-Phiền-Thiên
Atappã: Vô-Nhiệt-Thiên
Suddassã: Hảo-Thân-Thiên
Suddassi: Hảo-Kiến-Thiên
Akanithakã: Vô-Thiểu-Thiên

e) Akasanancayatana: Có chúng-sanh mà tư-tưởng vượt qua khỏi cảnh Sắc, nhập vào cõi Vô-Sắc thứ nhất là "Không Vô-Biến-Thiền", lấy hư không vô tận làm cảnh Giới.

f) Vinnãnancãyatana: Có chúng-sanh tư-tưởng vượt qua cõi "Không Vô-Biến-Thiền", nhập vào cõi Vô-Sắc thứ nhì là "Thức Vô-Biến-Thiền", lấy Thức vô-tận làm cảnh Giới.

g) Akincannãyatana: Có chúng-sanh tư-tưởng vượt qua khỏi "Thức Vô-Biến-Thiền", nhập vào cõi vô-sắc thứ ba là "Vô-Hữu-Sơ-Thiền", lấy "sự không có vật chi cả" (dầu vật chi hết sức nhỏ-nhen vi-tế cũng không có) làm cảnh Giới.

8. Atthalokadhamma: Hành-Vi Tâm của phàm nhân luôn luôn bị 8 pháp thế-gian chi-phối, ám-ảnh:

a) Lãbho: Ðược Lợi
b) Allãbho: Thất Lợi
c) Vaso: Ðược Danh
d) Ayaso: Thất Sanh
e) Nindã: Bị Chê
f) Pasamsã: Ðược Khen
g) Sukham: Ðược Vui
h) Dukkham: Bị Khổ

9. Navasattavasa Sankhatam: Hành-Vi về chỗ trú-ngụ của chúng-sanh có 9.

Bảy chỗ trú ngụ của Thức vừa kể trên thêm 2 cõi trời sau đây nữa là 9:

Cõi trời Sắc-giới Vô-tưởng-thiên (Asannisatta) thuộc về Tứ-thiền.
Cõi trời Vô-sắc thứ tư là Phi-Phi-Tưởng-Thiên (Nevasannãnãsannãyatana) là cảnh Giới của hạng chúng-sanh không có tưởng và cũng không phải không có tưởng.

10. Dasãyatana Sankhãtam: Ngũ-Căn và Ngũ-Trần.

a) Cakkhavãyatana: Nhãn-căn
b) Sotãyatana: Nhĩ-Căn
c) Ghãnãyatana: Tỉ-Căn
d) Jivhãyatana: Thiệt-Căn
e) Kãyãyatana: Thân-Căn
f) Rũpãyatana: Sắc-Trần
g) Saddãyatana: Thanh-Trần
h) Gandhãyatana: Hương-Trần
i) Rasãyatana: Vị-Trần
j) Photthabbãyatana: Xúc-trần

11. Ekãdasavithãrammana Sankhãtam: 11 cái Tâm duyên theo cảnh giới bên ngoài đưa đến.

a) Somanassanãna Sampayutta: Tâm Vui Thích phối-hợp với cảnh giới có luôn cả Trí-Tuệ, sự Vui Thích có 2 là: Thụ-Ðộng và Tự-Ðộng.
b) Somanassanãna Vippayutta: Tâm Vui Thích phối-hợp với cảnh giới nhưng không Trí-Tuệ, có 2 là: Thụ-Ðộng và Tự-Ðộng.
c) Upekkhãnãna Sampayutta: Tâm Vô-Kỵ phối-hợp cảnh giới có luôn cả Trí-Tuệ, có 2 là: Thụ-Ðộng và Tự-Ðộng.
d) Upekkhãnãna Vippayutta: Tâm Vô-Kỵ phối-hợp với cảnh giới nhưng không Trí-Tuệ, có 2 là: Thụ-động và Tự-Ðộng.
e) Upekkhãsampaticchanna: Tâm-Thọ lãnh cảnh giới với ý Vô-Ký.
f) Upekkhãsantirana: Tâm xem-xét cảnh giới với Vô-Ký.
g) Somanassa Santirana: Tâm xem-xét cảnh giới với ý Vui Thích.

12. Ovãdasayatana Sankhãtam: Lục-Căn và Lục-Trần:

- Ngũ-Căn vừa kể trên thêm Ý-Căn (Manãyatana) là 6.
- Ngũ-Trần vừa kể trên thêm Pháp-Trần (Dhammãyatana) là 6

13. Terasahasanacitta sankhãtam: 13 cái Tâm Vui Thích là:

a) Lobhasomanassa: 4 Tâm Tham luôn cả ý Vui Thích
b) Mahakusalasomanassa: 4 Tâm Ðại-Thiện luôn cả ý Vui Thích
c) Mahãkiriyãsomanassa: 4 Ðại-Hạnh Tâm-Hiệp theo ý Vui thích
d) Hisituppãda: 1 Tâm Vui Thích để sanh-sự vui cười chuốm-chiếm

14. Cuddasacittuppãda Sankhãtam: 14 Ác-Tâm là:

a) Moho: Si mê
b) Ahirikam: Không Hổ-Thẹn tội
c) Anottappam: Không Ghê Sợ tội-lỗi
d) Uddhaccam: Tâm Phóng-Dật
e) Lobho: Sân-Tham
f) Ditthi: Tà-Kiến
g) Mãno: Ngã-Mạn
h) Dosa: Sân-Hận
i) Issã: Ganh-tị
j) Macchariyam: Bỏn-xẻn
k) Kukkuccam: Tâm hay Hối-Tiếc, lo nghĩ viễn-vong, nhớ theo chuyện chi không nhất-định
l) Thinam: Do-Dự, Uể-Oải, không sốt-sắng
n) Moddham: Hôn-Trầm, buồn ngủ
m) Vicikicchã: Hoài-Nghi, không tin chắc

15. Addhãrasadhatu Sankhãtam: 18 Bản-chất là.

a) Cakkhu Dhãtu: Chất-Nhãn (Thị-giác quan)
b) Sota Dhãtu: Chất-Nhĩ (Thính-giác quan)
c) Ghãna Dhãtu: Chất-Tỉ (Khứu-giác quan)
d) Jivhã Dhãtu: Chất-Thiệt (Vị-giác quan)
e) Kãya Dhãtu: Chất-Thân (Xúc-giác quan)
f) Mano Dhãtu: Chất-Ý (Tâm-thức)
g) Rũpa Dhãtu: Chất-Sắc (Sắc-cảnh)
h) Saddha Dhãtu: Chất-Thanh (Thanh-cảnh)
i) Gandha Dhãtu: Chất-Hương (Hương-cảnh)
j) Rasa Dhãtu: Chất-Vị (Vị-cảnh)
k) Photthabba Dhãtu: Chất-Xúc (Xúc-cảnh)
l) Dhamma Dhãtu: Chất-Pháp (Pháp-cảnh)
n) Cakkhu Vinnãya Dhãtu: Chất-Nhãn-Thức (khi Nhãn-Căn tiếp-xúc với Sắc-Trần thì phát sanh sự Giết gọi là Nhãn-Thức)
m) Sota Vinnãna Dhãtu: Chất-Nhĩ-Thức
o) Ghãna Vinnãna Dhãtu: Chất-Tỉ-Thức
p) Ivhã Vinnãno Dhãtu: Chất-Thiệt-Thức
q) Kãya Vinnãna Dhãtu: Chất-Thân-Thức
r) Mano Vinnãna Dhãtu: Chất-Ý-Thức.

Chúng-sanh Thế-gian (Satta Loka).

Ðức Phật thông-suốt Tâm-tánh của tất cả chúng-sanh như sau đây.

1. Sabbasattãnam Asayam: Ngài hiểu biết tường-tận nước Tâm của chúng-sanh, nghĩa là các pháp thường trụ trong thâm-tâm mỗi chúng-sanh như vậy:

- Thường-Kiến (Sassata Ditthi) và Ðoạn-Kiến (Uccheda Ditthi) hằng trụ trong Thân Tâm các hạng phàm-nhân,

- còn 10 Minh-Sát-Tuệ (Vipassanãnãna) và Chân-Như Tuệ (Yathãbhũtanana) hằng trụ trong Thân Tâm các bậc Thánh-Nhân.

2. Anusayam: Ngài thông-hiểu các Phiền-Não Ngủ-Ngầm trong Tâm chúng-sanh chờ dịp phát khởi lên có 7:

a) Kãmarãgãnusaya: Tình-Dục Ngủ-ngầm (Ngũ-Trần)
b) Bhavarãganusaya: Mê-Thích Tam-Giới Ngủ-ngầm
c) Patighãnusaya: Bất-Bình Ngủ-ngầm
d) Manãnusaya: Cống-Cao, Ngã-Mạn Ngủ-ngầm
e) Ditthãnusaya: Kiến-Thức Ngủ-ngầm (Tà-kiến)
f) Vicikicchãnusaya: Hoài-Nghi Ngủ-ngầm
g) Avijjãnusaya: Vô-Minh Ngủ-ngầm.

3. Caritram: Ngài biết rõ 6 tính chất (Carita) của chúng-sanh là:

a) Rãgacarita: Tính Tham là tính nhiều Ái-Dục, ưa thích sắc tốt, tiếng hay...
b) Dosacarita: Tính Sân là tính nhiều Sân-Hận, dễ giận, dễ bất-bình.
c) Mohacarita: Tính Si là tính nhiều Si-Mê, tối-tâm ngu-độn.
d) Saddhãcarita: Tính Tin là tính nhiều Ðức Tin, dễ tin, ít suy-xét.
e) Buddhicarita: Tính Giác là tính nhiều Trí-Tuệ hay suy-xét, mau hiểu biết sáng-suốt.
f) Vitakkacarita: Tính Tâm là tính nhiều Suy-Tâm, quen nghĩ tưởng các điều, không quyết định.

4. Adhimittam: Ngài biết rõ Tâm chúng-sanh nào ưa thích những pháp cao-thuợng hoặc thấp-hèn, ưa thích phước hay tội.

5. Apparajjakkhe Mahãrajjakkhe Satte: Ngài thông hiểu chúng-sanh nào có nhiều bụi-trần hoặc ít bụi-trần trong con mắt nghĩa là có nhiềư tình-dục hoặc ít tình-dục.

6 . Tikkhindriye Satte Muddindriye Satte: Ngài tri tỏ chúng-sanh nào có bản-căn tinh nhuệ Thượng-Căn, Thượng-Trí hay Hạ-Căn, Hạ-Trí . Ngũ-căn tinh-thần là:

a) Saddhindriyam: Tín-Căn
b) Viriyindriyam: Tấn-căn
c) Satindriyam: Niệm-Căn
d) Samãdhindriyam: Ðịnh-Căn
e) Pannindriyam: Huệ-Căn

7. Svã Kare Satte Dvãkãre Satte: Ngài biết rõ chúng-sanh nào có phẩm-hạnh thanh-cao lánh xa điều ác hoặc nết-hạnh xấu hèn thích điều tội-lỗi.

8. Suvinnãpaye Satte Duvinnãpaye Satte: Ngài biết tường-tận chúng-sanh nào nhiều Trí-Tuệ, mau thông hiểu các Pháp hoặc ít Trí-Tuệ khó thông hiểu các Pháp.

9. Bhabbãbhabbe Satte: Ngài tri tỏ chúng-sanh nào có duyên-lành, có thể giác-ngộ đạo-quả hoặc không có duyên-lành, không thể giác-ngộ đạo-quả:

a) Chúng-sanh nào trong Tâm còn nhiều Ái-Dục (Tanhã), nhiều Phiền-não (Kilesa), nhiều Tà-kiến (Micchã Ditthi) là những Pháp Ngăn-Cản (ãvaram Dhamma) thiện-duyên khó có thể đắc đạo-quả Niết-Bàn được:

Ái-Dục trong Ngũ-Uẩn có 5:

Rũpa Tanhã: Sắc-Ái
Saddha Tanhã: Thanh-Ái
Gandha Tanhã: Hương-Ái
Rasa Tanhã: Vị-Ái
Photthabba Tanhã: Xúc-Ái.

Phiền-não có 10:

Lobha: Tham-Lam
Dosa: Sân-Hận
Moha: Si-Mê
Mãna: Ngã-Mạn
Ditthi: Kiến-Thức (Tà-kiến)
Vicikicchã: Hoài-Nghi (về Nhân và Quả)
Thina: Tâm Dụ-Dự, Uể-Oải, buồn-ngủ.
Uddhacca: Phóng-Tâm
Ahirika: Không Hổ-Thẹn tội-lỗi
Anottappa: Không Ghê Sợ tội-lỗi.

Tà kiến chia ra 2 loại (xem giải rộng trong quyển "Tà-Kiến và Chánh-Kiến" của Ðại-Ðức Bửu-Chơn):

Sassatã Ditthi: Thường-Kiến là sự hiểu biết cho rằng trời, người hay thú khi mãn kiếp này cũng tái-sanh y như trước vậy, chớ không hề tiến-hóa hoặc thối-hóa
Uccheda Ditthi: Ðoạn-kiến là sự hiểu biết rằng khi chết đi thì mất luôn, chớ không có tái-sanh lại ở đâu cả. Ðoạn-kiến lại chia ra làm 3 là:

Akiriyã Ditthi: Vô-Hành-Kiến
Ahetuka Ditthi: Vô-Nhân-Kiến
Natthika Ditthi: Vô-Quả-Kiến

Lại nữa, chúng-sanh nào phạm 5 Vô-Gián-Nghiệp (cùng gọi là Ngũ-Nghịch-Tội "Pancãnantariya Kamma " là:

Mãsughãta: Giết mẹ
Pitughãta: Giết cha
Arahantaghãta: Giết A-La-Hán
Buddhalohituppãda: Làm cho Ðức Phật đổ máu.
Sanghabheda: Làm cho tăng chúng chia rẽ (từ 8 vị trở lên) và phạm đến trinh-tiết của Tỳ-Khưu-Ni thánh-nhân, chúng-sanh ấy không thể đắc đạo-quả trong quả địa cầu này được.

b) Chúng-sanh nào không còn ở 3 Pháp Ngăn-Cản, không chấp Tà-Kiến, không phạm Ngũ-Nghịch-tội và không phạm đến trinh-tiết Tỳ-Khưu-Ni thánh nhân, là người chuyên cần Bố-Thí, Trì-Giới, Tham-Thiền, có lòng hầu-hạ cha-mẹ, chúng-sanh ấy hằng tạo nhiều duyên-lành có thể giác-ngộ đạo-quả trong kiếp hiện-tại. Bằng chưa đắc được đạo-quả trong kiếp này, cũng hằng được hưởng những phước-báu cao-quí trong cõi người và cõi trời, đến khi trọn đủ các Pháp Ba-La-Mật thì được giác-ngộ đắc đạo-quả Niết-Bàn dễ-dàng.

Hư không Thế-gian (Akãsa Loka).

Hư-không thế-gian thường gọi là vũ-trụ gồm có vô số thế-giới nhỏ. Mỗi một thế-giới nhỏ đều nằm trên nước, nước chồng lên gió, gió nằm lên trên hư-không. Nơi trung-tâm có núi Tu-Di (Sineru hoặc Meru) cao 84 000 do tuần.

Chung quanh núi Tu-Di có 7 vòng biển cách xa nhau bằng 7 vòng núi tên là: Yugandhara, Isadhara, Karavika, Sudassana, Nemindhara, Vinataka Assakanna. Thể chất núi Tu-Di và 7 vòng núi ấy bằng 4 thứ báu hiệp thành, chớ không phải chất đất và đá như núi thường.

Bề cao và bề sâu của vòng núi Yugandhara bằng phân nữa của núi Tu-Di. Bề cao vòng núi Isadhara bằng nữa vòng núi Yugandhara và cứ như thế, bề cao và bề sâu của vòng núi bên ngoài chỉ bằng phân nữa của vòng núi bên trong.

Trung-Tâm 7 vòng núi ấy ở 4 hướng có 4 châu thiên hạ, mỗi châu đều có 500 hòn-đảo nhỏ bao-bọc. Bốn châu ấy là:

Jambudipa: Nam-Thiện-Bộ-Châu
Pubbavidaha: Ðông-Thắng-Thần-Châu
Uttarakuru: Bắc-Cu-Lu-Châu
Aparagoyãra: Tây-Ngưu-Hóa-Châu

Trái đất chúng ta là Nam-Thiện-Bộ-Châu (Tàu âm là Diêm-Phù-Ðề).

Mặt trời xoay vần chung quanh núi Tu-Di vào khoảng giữa núi ấy và soi-sáng 4 châu thiên-hạ.

Dưới chân núi Tu-Di có vương-quốc A-Tu-La (Asura) là các hạng thần nhiều sân-hận, thường gây giặc với Chư-Thiên cõi trời Dục-Giới thấp nhất do Tứ-Ðại Thiên-Vương (Cãtumahãrãja) cai-quản, để chiếm các triền núi thấp của Tu-Di.

Cõi trời Tứ-Ðại-Thiên-Vương cao từ các triền núi Tu-Di sắp lên đến khoảng giữa núi kế đến Ðao-Lợi-Thiên (Tãvatimsa) từ khoảng giữa đến đỉnh núi do Ðức Ðế-Thích (Sakka) trị vì.

Bốn cõi trời Dục-Giới trên là:

Yãma: Dạ-Ma-Thiên
Tusita: Ðấu-Xuất-Thiên
Nimmãnarati: Lạc-Biến-Thiên-Hóa
Paranimmitavasavati: Tha-Hóa-Tự-Tại-Thiên

Ở trên hư-không núi Tu-Di.

Trên các cõi trời Dục-Giới là 16 cõi trời Sắc-Giới, kế tiếp là 4 cõi Vô-Sắc-Giới.

Vô-Gián-Ðịa-Ngục (Lokantariya) ở khoảng giữa hư-không hình tam-giác luôn-luôn tối-tăm lạnh-lẽo, không có ánh sáng mặt trời là khoảng 3 thế-giới giáp nhau.

Tất cả núi, biển, châu, cõi trời... vừa kể trên gồm lại như vậy gọi là một thế-giới nhỏ. Một ngàn thế-giới nhỏ hợp lại thành một cõi Tiểu-Thiên. Một ngàn cõi Tiểu-Thiên hợp lại thành một cõi Trung-Thiên. Một ngàn cõi Trung-Thiên hợp lại thành một cõi Ðại-Thiên. Như thế, một cõi Ðại thiên gồm có: 1.000 x 1.000 x 100 = 1.000.000.000 thế-giới nhỏ. Vì nhơn bội lên 3 lần 1.000 như vậy nên gọi là "Tam-Thiên Ðại-Thiên thế-giới".

Ðức Phật đã thấy rõ và hiểu biết tường-tận Pháp-Hành Thế-Gian, Chúng-Sanh Thế-Gian và Hư-Không Thế-Gian. Do nhờ những ân-đức ấy nên Ngài có hiệu là LOKAVIDU (Thế-Gian-Giải).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.0 | 3.0

Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 18-04-2002