BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Pháp Duyên
Khởi (Paticcasamuppàda)
Ðại Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw - Tỳ kheo Minh Huệ dịch Việt
[Phần 8] -oOo- Thủ Dẫn Ðến Hữu Có hai loại hữu, đó là nghiệp hữu (kammabhava) và sanh hữu (upapattibhava). Nghiệp Hữu (Kammabhava). Nghiệp hữu là nghiệp dẫn đến tái sanh. Ðức Phật mô tả nó là phước hành, phi phước hành và bất động hành. Ðó là những nghiệp dẫn đến những cõi dục, sắc và vô sắc. Ngài cũng đồng hóa nghiệp hữu với tất cả những nghiệp làm sanh khởi kiếp sống mới. Trong ba loại hành, phước hành bao gồm tám loại tư (cetanà) thiện ở trong cõi dục và năm loại tư thiện trong cõi sắc. Phi phước hành là nhóm mười hai bất thiện tư. Bất động hành là bốn thiện tư trong cõi vô sắc. Sanh Hữu (Upapattibhava). Sanh hữu có chín loại:
Tóm lại, sanh hữu là danh sắc của kiếp sống mới, là kết quả của nghiệp. Nó bao gồm thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Hữu sanh lên từ thủ, về cơ bản, là nghiệp hữu, còn sanh hữu chỉ là sản phẩm phụ của nghiệp hữu. Do sự tiếp xúc với sáu cảnh khả ái hoặc không khả ái, có sanh khởi sáu loại thọ lạc hoặc không lạc. Các thọ dẫn đến ái và ái phát triển thành thủ, thủ đối với các cảnh dục có thể trở nên quá mạnh đến mức khao khát được cộng trú với gia đình mình trong kiếp sống tương lai. Câu chuyện sau đây về vị phú hộ Mendaka sẽ nói lên mức độ của thủ rất mạnh mẽ trong một người. Câu Chuyện Mendaka Mendaka là một vị thương nhân giàu có trong một kiếp sống quá khứ. Lúc bấy giờ, có xảy ra một nạn đói, khiến cho lương thực của ông ta dần dần cạn kiệt. Cuối cùng, ông ta phải cho tất cả những người hầu ra về, chỉ còn lại ông ta với vợ, con trai, nàng dâu và một người nô lệ. Vợ của ông ta đã trút hết số gạo còn lại để nấu cho cả nhà ăn, nhưng khi họ sắp ăn thì một vị Phật Ðộc giác xuất hiện trước cửa nhà của ông ta để khất thực. Nhìn thấy Ðức Phật Ðộc giác, vị thương nhân suy nghĩ về ác nghiệp của mình, rằng do kiếp trước thiếu pháp bố thí nên bây giờ mới bị đói. Rồi ông ta dâng phần ăn của mình đến Phật Ðộc giác và nguyện có được vật thực dồi dào, được sống chung với những người trong nhà ở kiếp sau. Vợ của ông ta cũng bố thí phần ăn của bà và cũng phát nguyện như ông ta. Ðứa con trai và vợ của cậu ta cũng làm y như cha mẹ đã làm, là có được vật thực và tiền bạc vô hạn, cũng như được đoàn tụ với vợ, chồng, cha, mẹ và nô lệ. Những lời nguyện của vị thương nhân và cả gia đình rõ ràng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của thủ trong cõi dục và hầu hết mọi người ngày nay cũng mang loại thủ như vậy, không kém gì thủ của Mendaka và gia đình ông ta. Nhưng đáng chú ý hơn là loại thủ của người hầu Punna. Sau khi dâng cúng phần ăn của mình, ông ta phát nguyện cho được vật thực dồi dào và tái sanh làm nô lệ trong gia đình của ông Mendaka! Ông ta chẳng hề cầu mong được sanh làm vua hay phú hộ; Sự luyến ái nặng tình của ông ta đối với những người chủ của mình thật mạnh mẽ, đến nỗi ông ta chỉ muốn làm nô lệ của họ trong kiếp sống sau. Một thời nọ, có một vị xã trưởng, có quan hệ tốt với những quan chức chính quyền. Lúc bấy giờ, dưới sự cai trị của nước Anh, hầu hết những quan chức cao cấp đều là người Anh. Ông xả trưởng rất thích tỏ thái độ tôn kính họ. Ông ta nói rằng ông thích nói câu: "Dạ vâng, thưa ông chủ" khi được một vị quan chức nào đó gọi. Sự chấp thủ của ông ta, về cơ bản, giống như sự chấp thủ của Punna. Ðức Phật Ðộc giác phúc chúc (ban phước) cho họ và ra đi. Do năng lực thần thông của Ngài, họ thấy Ngài bay về Hi mã lạp sơn và chia đều số vật thực cho năm trăm vị Phật Ðộc giác. Trong chính ngày hôm ấy, vị thương nhân và gia đình của ông ta tận mắt chứng kiến sự bố thí của họ đang trổ quả một cách kỳ diệu. Họ thấy cái nồi đầy cơm. Họ ăn no nê, thế mà cái nồi vẫn luôn luôn đầy cơm. Họ thấy những kho thóc của họ ngập tràn thóc lúa. Những lời nguyện của họ được thành tựu trong thời của Ðức Phật Gotama, tức là họ trở thành những người trong cùng một gia đình tại Bhaddiya, một thành phố của nước Magadha. Tin đồn về sự thành tựu lời nguyện ước của họ thật phi thường và đáng kinh ngạc, đến nỗi đức vua của xứ ấy phải cho một vị quan đi dò xét và thấy rằng tin đồn có thật. Câu chuyện này được kể trong tạng Luật. Thủ Và Nghiệp Hữu Khi tham dục đối với cảnh phát triển thành ái mạnh mẽ, thì người ta trở nên liều mạng và ra sức dành cho bằng được nó, bằng phương tiện tốt hoặc xấu. Trộm cắp, cướp đoạt, sát nhân bè nhóm phe phái đâm sau lưng chiến sĩ, khen mình chê người v.v... và những hành động ngông cuồng khác trong thời nay đều xuất phát từ thủ. Một số tội ác có nguồn gốc ở dục thủ, trong khi một số tội ác khác sanh lên từ một trong ba loại ảo kiến dựa trên thủ. Người ta phạm tội ác không chỉ do ước muốn bất thiện của họ, mà còn do sự luyến ái mù quáng với vợ, chồng v.v... Câu chuyện sau đây chứng minh cho nghiệp hữu bất thiện xuất phát từ dục thủ. Chuyện Bổn Sanh Puppharatta Thuở xa xưa, có một người đàn ông nghèo ở tại thành Ba la nại. Anh ta chỉ có một bộ quần áo bằng vải dày. Anh ta giặt sạch nó để mặc vào lễ hội Taza-aundine, nhưng vợ của anh ta không thích y phục màu trắng, mà chỉ thích bộ đồ hồng. Tất cả mọi cố gắng để an ủi nàng đều vô hiệu, cuối cùng anh ta lẽn vào vườn của vua vào lúc ban đêm để ăn trộm một loại hoa, được dùng để nhuộm bộ đồ của vợ anh ta. Anh ta bị lính canh bắt giữ, và bị vua truyền lệnh đâm xuyên người. Anh ta rất đau đớn vì những con quạ mổ vào mắt anh ta. Tuy thế, anh ta vẫn cho rằng nỗi đau đớn nơi thân chẳng đáng kể là bao so với nỗi đau đớn tâm hồn khi nghĩ rằng anh ta không đáp ứng được ước muốn của người vợ và không được đi dự hội với vợ. Bởi vậy, trong khi đang khóc cho sự rủi ro của mình, anh ta chết và tái sanh xuống địa ngục. Ngày nay, có thể có nhiều người làm điều ác do sự thúc ép của những người mà họ yêu. Tất cả những điều ác này bao gồm cái nghiệp mà xuất phát từ thủ dẫn đến các khổ cảnh. Bởi vậy, bộ Thanh tịnh đạo có đoạn nói rằng: "Do ảnh hưởng của dục thủ, người ta tạo ác nghiệp bằng thân, khẩu và ý, do sự khao khát các cảnh dục trong đời sống hiện tại và ước muốn gìn giữ chúng để làm của riêng. Những ác nghiệp như vậy thường dẫn đến các khổ cảnh". Thiện Nghiệp Và Phi Thiện Nghiệp Một số thiện nghiệp là đúng nhưng số khác thì sai. Cái gọi là thiện nghiệp mà một người làm thì có hại và như vậy chúng là ác nghiệp. Ví dụ: Một số người tin rằng giết một con thú để giúp cho nó kết thúc kiếp sống súc vật đầy đau khổ là việc thiện. Mọi loài chúng sanh đều sợ chết, biết cảm thọ đau đớn, cho nên gây đau đớn và chết chóc cho loài vật là điều sai. Một số người cho rằng đối với một người đang bị hành hạ bởi một chứng bịnh ngặt nghèo mà cho họ một cái chết nhanh chóng là việc phước. Nhưng người bịnh dầu muốn hết đau vẫn không muốn chết. Cho dù người ấy tỏ ý muốn chết, nhưng theo quan điểm Phật giáo, gây ra cái chết cho một chúng sanh rõ ràng là điều sai, và nếu một người trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết phi thời cho người cha hay mẹ bằng hành động giết chết "êm ái", thì đó là một trọng tội, phải đọa địa ngục. "Do sự khao khát dục lạc ở cõi nhân loại và các cõi chư thiên, do đi theo tà sư ngoại đạo v.v... một số người làm các ác nghiệp như sát sanh để đạt được mục đích của họ. Nhưng do kết quả của ác nghiệp, họ phải sanh vào khổ cảnh sau khi chết". Theo chú giải thì những quan niệm sai lầm của họ sanh lên do bởi các tà sư, do không làm thiện nghiệp trong quá khứ và thiếu hộ phòng bản thân. Tin vào những ông thầy ác sẽ dẫn đến ác nghiệp, nhiều ác nghiệp trong kiếp quá khứ sẽ làm cho người ta dễ hấp thụ các niềm tin sai lạc và những thói quen xấu, và sự thiếu hộ phòng bản thân khiến người ấy dễ rơi vào cám dỗ. Tôn giáo chân chánh được gọi là Saddhamma, "tôn giáo của người thiện". Những người theo chánh pháp thường tầm cầu cho mình lợi ích bằng cách lắng nghe lời dạy thánh thiện, tránh xa các điều ác, giữ chánh kiến như tin vào kiếp sống tương lai, nghiệp quả của nó v.v..., trau dồi những ý nghĩ thiện, thực hành bố thí, trì giới và tham thiền. Sự thực hành bố thí, trì giới và tu tâm là pháp chân chánh và thánh thiện, vì pháp ấy vô hại và mọi người đều có thể tiếp nhận được. Không ai đi chê trách một người không sát sanh, trộm cắp, chửi mắng và không làm những ác nghiệp khác. Những thiện nghiệp mà chúng ta làm để được lợi ích ở đây trong hiện tại và mai sau đều là những thiện nghiệp phát sanh từ thủ trong cõi dục. Nhưng thiện nghiệp này dẫn đến tái sanh ở cõi người và các cõi chư thiên. Bởi vậy, bộ Thanh tịnh đạo có đoạn rằng: "Những người nghe chánh pháp thường tin vào nghiệp và kết quả của thiện nghiệp, xem chúng như là hành trang cho một kiếp sống mới tốt đẹp hơn ở cõi dục của những người giàu, những người có địa vị cao hay của những vị chư thiên. Bởi vậy, họ làm các thiện nghiệp do sự thúc đẩy của dục thủ (Kamupàdàna) và nhờ đó sẽ được sanh vào cõi nhân loại hoặc các cõi chư thiên". Nghiệp Và Tái Sanh Theo câu pháp "Bhava paccayà jàti: hữu dẫn đến tái sanh" thì sự tái sanh xảy ra trong cõi người và các cõi chư thiên hoặc các cõi thấp, do bởi tiến trình của thiện nghiệp hay ác nghiệp. Như vậy, tái sanh bắt nguồn từ các nghiệp, mà nghiệp là kết quả của thủ và ái, thủ và ái có nguồn gốc từ sự tiếp xúc giữa sáu cảnh và sáu căn tương ứng (àyatana). Nói cách khác, có sanh khởi thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ trong kiếp hiện tại, là kết quả của vô minh và hành trong kiếp quá khứ, và bây giờ ái và thủ làm sanh khởi nghiệp mới, nhờ đó, tạo điều kiện cho sự tái sanh mới. Toàn bộ vấn đề giống như một người gây ra tội ác trong khi đang ở trong tù để chịu án của một tội trước, hoặc một người đã mắc thêm nợ mới trước khi anh ta trả xong nợ cũ. Những nghiệp mới như vậy chất chồng đến hàng ngàn chỉ trong một kiếp sống. Trong những điều kiện nào đó, những nghiệp này trở thành cảnh tướng lúc lâm chung và dẫn đi tái sanh, trong khi những nghiệp khác sẽ tạo ra sự tái sanh vào những dịp khác trong vòng luân hồi. Nếu có những nghiệp có sức mạnh lớn trong kiếp quá khứ mà chưa cho quả, chúng sẽ lấn át nghiệp hiện tại, xuất hiện làm cảnh lâm chung và tạo ra sự tái sanh ở cõi thấp hoặc cao. Số phận khi chết của một người trong những trường hợp như vậy được quyết định bởi tính chất của nghiệp. Bốn Loại Nghiệp Nghiệp có bốn loại, tùy theo cách cho quả của nó.
Những hành động sau đây thuộc trọng nghiệp:
Những thiện nghiệp thuộc cõi sắc hoặc vô sắc là trọng nghiệp thiện. Các trọng nghiệp ngăn chặn sự cho quả của những nghiệp khác và chính nó dẫn đi tái sanh, các tâm thiền hữu sắc và vô sắc dẫn đi tái sanh ở các cõi phạm thiên hữu sắc và vô sắc. Các trọng nghiệp ác dẫn đi tái sanh ở địa ngục sau khi chết; Do đó, từ "ngũ vô gián nghiệp" là năm loại ác nghiệp to lớn, nhất định dẫn đến địa ngục. Một người giết cha hay mẹ của mình, dầu cố ý hay vô ý, thì không bao giờ có thể đắc thiền hay đạo quả trong kiếp hiện tại, người ấy chắc chắn phải tái sanh vào địa ngục sau khi chết. Ðối với người như thế thì không có thiện nghiệp nào có thể ngăn chặn việc tái sanh vào địc ngục của vị ấy. Câu chuyện vua A-xà-thế là bằng chứng cho điều ấy. Chuyện Vua A-Xà-Thế A-xà-thế là con trai của Tần bà sa, vua nước Ma kiệt đà (Ấn Ðộ), đệ tử thuần thành của Ðức Phật. Trước khi sanh ra hoàng tử, hoàng hậu khởi ước muốn được uống máu từ cánh tay phải của vua. Khi đức vua biết điều này, vị ấy cho cắt máu và làm thoả mãn nỗi khao khát của hoàng hậu. Khi ấy các nhà tiên tri tiên đoán rằng đứa bé trong bào thai của hoàng hậu sau này sẽ trở thành kẻ thù của đứa vua. Do đó, hoàng tử mới có tên là Ajàtasattu (kẻ thù ngấm ngầm của đức vua trong khi còn ở trong bào thai của mẹ). Hoàng hậu cố gắng phá cái bào thai, nhưng vì nghiệp của đức vua và nghiệp của đứa bé đã xui khiến như vậy nên cố gắng của hoàng hậu không thành công. Ðức vua ra lệnh phải bảo vệ cái bào thai thật chu đáo và đứa bé đã chào đời. Khi hoàng tử lớn khôn, vị ấy được phong làm người thừa kế hiển nhiên. Rồi hoàng tử trẻ kia rơi vào nanh vuốt của Ðề-bà Ðạt-đa đầy dã tâm, là người đã lạm dụng thần thông của mình cho mục đích vị kỷ. Khi biến thành cậu bé với con rắn quấn quanh bụng, hắn xuất hiện trước mặt A-xà-thế, rồi hắn trở lại hình tướng một vị Tỳ khưu. Hoàng tử rất kinh cảm, và chẳng lạ gì đối với những người ưa thích phép thuật, là họ tin vào bất cứ ai có thể hóa phép thần thông. Hoàng tử rất kính trọng Ðề-bà Ðạt-đa và trở thành đệ tử của hắn. Rồi Ðề-bà Ðạt-đa bắt đầu lên đường để thực hiện mưu đồ hiểm ác. Hắn bảo với hoàng tử A-xà-thế rằng con người sống chẳng được là bao, cho nên hoàng tử phải giết vua cha và lên ngôi trong khi còn đang ở thời kỳ đầu tiên của kiếp người. Còn về Ðề-bà Ðạt-đa, hắn sẽ giết Ðức Phật. Hoàng tử đã thất bại trong việc tước đoạt mạng sống của vua cha. Nhưng khi biết được ước muốn của hoàng tử, vua Tần bà sa bèn nhường ngôi cho con trai của mình. Tuy nhiên, sự chuyển quyền đã làm thất bại dự định giết vua Tần bà sa của Ðề-bà Ðạt-đa. Nghe theo lời xúi giục của hắn, A-xà-thế lại truyền lệnh tống giam vua và bỏ đói vị ấy. Hoàng hậu là người duy nhất được phép vào thăm đức vua. Bà dùng nhiều cách để bí mật đem đồ ăn vào cho đức vua, nhưng cuối cùng bị cấm vào thăm đức vua. Từ hôm ấy, đức vua không có gì để ăn, nhưng vị ấy vẫn cố gắng đi kinh hành. Sau đó, theo lệnh của A-xà-thế, những người thợ cạo đến cắt lớp da dưới bàn chân của Tần bà sa để vị ấy không thể đi được. Theo chú giải, sở dĩ vị ấy bị thương tích như vậy là vì trong một kiếp quá khứ vị ấy đã đi giày vào sân thờ của Bảo tháp và giẫm chân dơ lên chiếu dành cho các vị Tỳ khưu. Vua Tần bà sa có lẽ chết ở tuổi 67. Ðứa con trai A-xà-thế của vị ấy bản tánh không ác. Bằng chứng là vị đã thành tín theo Ðức Phật sau khi đã cư xử sai với cha của mình, vị ấy còn cho xây dựng nhiều Bảo tháp để tôn thờ Xá lợi Phật và hết lòng hộ độ chư Tăng trong ba tháng kiết tập Tam tạng. Chính sự thân cận với tà sư khiến vị ấy lầm lạc phạm tội giết cha. Cuộc đời của vị ấy đã cho chúng ta một bài học nhớ đời. Trong ngày phụ vương của vua A-xà-thế chết thì vợ của vị ấy cũng hạ sanh một đứa con trai. Nghe tin ấy, A-xà-thế lòng rộn ràng và chan chứa tình thương đối với đứa con trai của mình. Tình thương này nhắc nhở vị ấy nhớ đến người cha của mình, bèn ra lệnh phóng thích ngay vua cha, nhưng đã quá muộn. Về sau khi nghe mẫu hậu kể lại về vua cha đã thương mến và nâng niu mình khi còn thơ ấu như thế nào thì vị ấy vô cùng hối hận. Cuộc đời của vị ấy trở nên khốn khổ và bất hạnh. Khi đêm xuống, vị ấy không thể chợp mắt được, bị ám ảnh bởi những cảnh tượng về các địa ngục và bị dày vò bởi hành động giết cha, một người cha hiền và là một đệ tử của Ðức Phật. Do sự tiến dẫn của vị quan ngự y Jìvaka, đức vua lên đường yết kiến Ðức Phật. Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn được vây quanh bởi một ngàn vị Tỳ khưu. Nhưng vì các Tỳ khưu đang thực hành pháp thanh tịnh nên tất cả đều im lặng, không một âm thanh nào phát ra từ miệng hay từ sự động đậy tay chân. Ðầy cảm kích, đức vua nói rằng: "Cầu mong cho đứa con trai Udayabhadda của ta có được sự thanh tịnh của các vị Tỳ khưu như thế! "Có lẽ vị ấy sợ rằng đứa con trai sau này sẽ biết việc vị ấy chiếm ngôi và sẽ đi theo bước chân của mình. Nhưng về sau, nỗi sợ hãi của đức vua đã biến thành hiện thực, trải qua các đời cháu chắt. Những đứa con đều giết cha trước khi lên ngôi vua. Vua A-xà-thế hỏi Ðức Phật về những lợi ích của đời sống sa môn. Ðức Phật giải rộng về những lợi ích có được trong đời sống phạm hạnh. Sự tôn kính của người thiện tín đối với vị Tỳ khưu, giới thanh tịnh, sơ thiền và những tầng thiền khác cao hơn, các pháp thần thông, sự chấm dứt phiền não và sự chứng đắc đạo quả. Sau khi nghe thời pháp, A-xà-thế trang nghiêm phát nguyện trở thành đệ tử của Ðức Phật. Nếu không phạm tội giết cha thì vị ấy sẽ chứng đắc tầng thánh Nhập lưu sau khi nghe thời pháp của Ðức Phật. Tuy nhiên, kể từ dạo ấy, A-xà-thế được sự thanh thản trong tâm và sau khi chết vị ấy không bị những cơn khiếp đảm của địa ngục A-tỳ mà đáng ra dành sẵn cho vị ấy nếu vị ấy không gặp Ðức Phật. Thường Nghiệp Và Cận Tử Nghiệp Ba trọng nghiệp: Giết vị A-la-hán, gây thương tích cho Ðức Phật và cố ý chia rẽ Tăng, chắc chắn sẽ dẫn người phạm tội đi địa ngục. Một loại nghiệp khác cho quả là thường nghiệp. Không sống cuộc đời thiện hạnh sẽ trở thành thói quen nếu không có biện pháp nào hoá giải nó, và nó sẽ cho quả ác trong kiếp sống tương lai. Bởi vậy, người cư sĩ, nếu sống có ngũ giới và nếu bị phạm giới nào thì phải sám hối và thọ trì lại cho trong sạch. Giới trong sạch cần thiết cho vị Tỳ khưu. Nếu vô ý hoặc cố ý phạm phải một giới cấm nào đó mà không sám hối cho trong sạch thì sẽ trở thành thói quen. Bởi vậy, vị Tỳ khưu phải tinh tấn gìn giữ giới luật. Bố thí, tôn kính cha mẹ và thầy tổ, niệm Phật, hành thiền v.v... mà người ta thực hành hằng ngày cũng là những thường nghiệp. Nó có khuynh hướng cho quả tức thì. Trường hợp vắng mặt thường nghiệp, thì những điều mà chúng ta làm lúc cuối cuộc đời của chúng ta (nghiệp cận tử) sẽ cho quả nghiệp. Trong một bộ sách A-tỳ-đàm, cận tử nghiệp được mô tả là mạnh hơn thường nghiệp, nhưng có lẽ điều này chỉ đúng trong những trường hợp ngoại lệ. Theo các bộ chú giải thì thường nghiệp có thể chiếm ưu thế và cho quả. Tuy nhiên, căn cứ vào những câu chuyện cổ của Phật giáo, chúng ta có thể tin chắc vào cận tử nghiệp, một đao phủ thủ đã giết người đến năm chục năm, nhưng nhờ cúng dường vật thực đến trưởng lão Xá-lợi-phất và nghe pháp của Ngài trong lúc lâm chung, vẫn được sanh về thiên giới, và một người chài lưới, trước khi chết, được gặp một vị trưởng lão, nên được sanh về thiên giới. Sự phủ nhận những nghiệp mà chúng ta thường làm sẽ cho quả ngược lại. Một vị thiện nam người Sinha Lese (Tích Lan) đã hành thiền trong nhiều năm, nhưng thất vọng vì không đạt được ấn tướng nào, ngay cả ánh sáng. Cuối cùng, ông ta kết luận rằng giáo pháp của Ðức Phật không phải là con đường giải thoát, và do tà kiến này, ông ta tái sanh vào cõi ngạ quỉ sau khi chết. Không thấy được ánh sáng v.v... trong việc hành thiền có thể do hành không đúng hoặc thiếu Ba-la-mật. Trong thời Ðức Phật, một vị Tỳ khưu tên là Sunakkhatta, đắc được thiên nhãn thông nhưng không đắc được thiên nhĩ thông, vì vị ấy không tạo Ba-la-mật về mặt này; ngoài ra, vị này còn bị một ác nghiệp ngăn cản. Bởi vậy, hành giả không nên thất vọng, thối chí nếu sự thực hành của mình không cho kết quả như ý. Nhìn chung, sự thực hành đúng sẽ dẫn đến những kinh nghiệm khác thường. Do sự an tịnh và vắng lặng của tâm, đề mục niệm và tâm niệm sẽ trở nên rõ rệt, cũng như mối quan hệ nhân quả của chúng và sự sanh diệt nhanh chóng, không ngừng của chúng. Lúc ấy, hành giả sẽ thấy ánh sáng. Nhưng dầu không thấy nó rõ ràng, vị ấy vẫn có được các pháp như hỷ, tịnh v.v... và các pháp hỷ, tịnh v.v... hình thành một chuỗi các chi pháp giác ngộ (thất giác chi ) mà rất cần thiết cho sự phát triển tuệ minh sát. Pháp quán danh sắc tự nó không dẫn đến những tầng thiền bậc cao. Trong trường hợp vắng mặt thường nghiệp và cận tử nghiệp, thì sẽ có dĩ tác nghiệp, là nghhiệp mà người ta đã làm một lần nào đó trong đời. Sự Sanh Và Khổ Vai trò của nghiệp trong pháp duyên khởi được nhấn mạnh ở mắc xích: "Sankhàra paccayà vinnànam: Do hành, có sanh khởi thức tái sanh". Phần này chúng tôi đã giải thích đầy đủ chi tiết rồi. Người lâm chung bị dính theo những tướng và những cảnh pháp liên hệ đến nghiệp của vị ấy và khi đó vị ấy chết, có theo liền các sắc do nghiệp sanh cùng với thức tái sanh, do sự luyến ái vào lúc lâm chung của vị ấy làm duyên sanh. Sự tiếp xúc với các cảnh làm khởi sanh thọ, và thọ sanh ái, dầu là thọ lạc hay khổ. Thọ lạc tạo ra tham luyến với các cảnh khả ái, còn thọ khổ thì khiến chúng ta khao khát những cảnh vừa lòng. Khi tham ái trở nên mạnh và phát triển thành khát ái mãnh liệt (thủ), thì nó cho kết quả bằng hành động hay sự cố gắng để thoả mãn khát ái ấy. Người ta làm những việc thiện hay ác mà họ hy vọng sẽ giúp làm thoả mãn nhu cầu và ước muốn của họ. Chính nghiệp hữu có gốc rễ ở ái làm sanh khởi sự tái sanh. Tái sanh gắn liền với khổ, dầu nó xảy ra ở bất cứ cõi nào. Không cần thiết phải nói nhiều về khổ ở cõi súc sanh và những đọa xứ khác. Trong cõi nhân loại cũng vậy, khổ là một sự thực của đời sống mà không thể thoát ra được. Cái khổ của con người bắt đầu khi còn ở trong bụng mẹ. Lớn lên con người phải làm việc cực nhọc để kiếm sống, lại phải đối đầu với những kẻ xảo quyệt và anh chị. Cho dù người ta thoát khỏi cái khổ trong sự phấn đấu để sanh tồn đi nữa, cuối cùng người ấy cũng phải đối đầu với tuổi già, bịnh hoạn và sự chết. Từ lúc còn ở trong bụng mẹ, con người phải thọ lãnh cái khổ này của đời sống. Cái khổ đến với con người trong mọi lúc. Người ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, nhưng quá trình hoạt động của thân và tâm của người ấy đang già và hoại dần. Có một câu chuyện của người Ấn Ðộ, nhấn mạnh tánh chất cố hữu của sự già, bệnh và chết. Có một người nọ ngậm thuốc trường sanh và bay vào ẩn náo trong rừng để tránh tuổi già. Một người khác trốn dưới biển để tránh bệnh hoạn và một người khác nữa vào trốn trong hang núi Hy mã lạp sơn để tránh sự chết. Khi những đứa con trai của ba người kia đi tìm kiếm họ, chúng thấy người đàn ông thứ nhất đã trở nên già với tất cả những nét xấu xí của tuổi già, người thứ hai thì bị bệnh sắp chết và người thứ ba thì đã chết queo. Tất cả mọi người đều phải già, bệnh và chết. Một khi con người sanh ra thì không có gì che chở người ấy để khỏi bị những điều khổ này. Do đó, trong bộ Pháp cú kinh có Phật ngôn: "Không có chỗ nào trong hư không, dưới biển hay trên mặt đất để người ta tránh khỏi cái chết." Sầu Khổ Và Ta Thán Già, bệnh và chết là ba cái khổ không thể tránh được, chừng nào sự tái sanh còn xảy ra trong dòng danh sắc đang biến hoại. Tái sanh cũng dẫn đến sầu khổ, lo âu, ta thán và khổ não. Chúng ta khổ lụy khi có một người trong gia đình bị chết. Nỗi thương tiếc trùm xuống khi chúng ta mất đi một người nào đó, chẳng hạn như cha, mẹ hay chồng mà chúng ta phải nương tựa vào, hoặc một đứa con trai hay con gái mà chúng ta yêu chuộng. Một nguyên nhân khác của sự sầu khổ là sự mất mát tiền bạc, của cải, bởi những vị quan ác, bọn cướp, kẻ trộm, bảo lụt hay những đứa con phá của. Sự sầu khổ cũng sanh lên do bệnh tật và sức khỏe yếu kém. Một số người bịnh quá bi quan đến nỗi những trạng thái tinh thần của họ trở thành chướng ngại cho sự bình phục. Người có giới cũng tiếc nuối, buồn bực khi giới hạnh của mình bị suy sụp. Sự buồn bực và hối tiếc cũng hành hạ những người nhận ra lỗi lầm của mình sau khi từ bỏ chánh kiến để đi theo tà kiến dưới sự hướng dẫn của các vị tà sư. Ngoài ra, còn có nhiều điều bất hạnh khác trong cuộc sống. Ví dụ: Các tai hoạ, tức là: Nạn nhân của bọn cướp v.v..., sự khổ nhọc trong việc kiếm sống và việc kiếm về những nhu cầu của cuộc sống v.v... mà tạo ra bao điều đau đớn, sầu khổ và ta thán. Khỏi phải nói nhiều về những điều khổ thân ở địa ngục, ngạ quỉ và cõi súc sanh. Do có thức mà con người phải chịu đau khổ khi tiếp xúc với những cảnh không vừa lòng. Cái khổ nơi thân thường dẫn theo cái khổ nơi tâm. Ðiều này không áp dụng cho vị A-la-hán hoặc vị A-na-hàm, vì các Ngài không buồn khổ, lo lắng, dầu đang bị khổ nơi thân và vị hành giả có chánh niệm, thoát khỏi ngã kiến, không còn than thân cũng không bị khổ thân trong khi cảm thọ cái khổ nơi thân. Do đó, điều quan trọng trong giáo pháp của Ðức Phật là chúng ta cần phải giác tỉnh với khổ thọ khi chúng ta gặp phải. Người ta sẽ không hạnh phúc khi nghĩ đến những cảnh khổ bi đát và những điều bất hạnh xảy đến với họ trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Họ cảm thấy đau đớn, sầu khổ khi thấy mình bị những điều rủi ro đè nặng. Tất cả những điều khổ này có mặt vì có sự sanh. Ðời sống hoàn toàn đau khổ nếu không có chỗ đứng của cái ta và không có điều gì tốt đẹp. Theo giáo lý duyên khởi, điều duy nhất nối kiếp sống này với kiếp sống khác là mối quan hệ nhân quả. Do ái dục, nghiệp hành,v.v..., bắt nguồn từ vô minh trong một kiếp sống, có sanh khởi năm loại quả, đó là thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Những quả này bắt đầu bằng sự tái sanh và kết thúc bằng sự chết, có sự già và những điều khổ khác xen vào. Giáo pháp của Ðức Phật không hấp dẫn những người bình thường, nặng nề những ảo tưởng về hạnh phúc và thực thể của bản ngã. Nhưng tánh chất vô thường và khổ là những sự thực của đời sống không sai chạy vào đâu được và đời sống trong cõi chư thiên cũng thế thôi. Một số chư thiên địa cầu phải phấn đấu vất vả để sinh tồn và còn khổ hơn loài người. Họ được gọi là chư thiên đọa xứ (vinipàtika) và họ bao gồm Dạ xoa, thần, v.v... thuộc chư thiên hạ giới. Một số chư thiên ở các cõi trời cũng không được hạnh phúc vì họ không có chỗ trú ngụ tốt và thiếu người hầu. Ngay cả Ðế thích, vua của chư thiên, cũng đã thú nhận với trưởng lão Ma Ha Ca Diếp rằng vị ấy không được chói sáng nhiều lắm, vì vị ấy được sanh vào cõi chư thiên do thiện nghiệp mà vị ấy làm đã lâu trước khi có xuất hiện giáo pháp của Ðức Phật, và vị ấy phải biến mất khi gặp các vị chư thiên chói sáng hơn, vì những vị chư thiên ấy đã làm thiện nghiệp trong thời Ðức Phật. Như vậy, Sakka cũng không phải hoàn toàn được hạnh phúc và tùy tùng của vị ấy cũng vậy. Họ kể lại với trưởng lão Ma Ha Ca Diếp rằng họ khốn khổ vì họ có ít giá trị so với những tiên nữ làm hoàng hậu, có địa vị cao. Một số chư thiên trở nên khốn khổ khi cái chết đã gần kề với những điềm báo như: Hoa trang sức trên người họ bị héo úa, mồ hôi chảy ra từ nách và những tướng lão hoại khác. Một số chư thiên chết đột ngột trong khi đang chìm đắm trong dục lạc, giống y như người chết bởi một nhát dao bén. Cái chết có thể xảy ra trong chớp nhoáng, như trong câu chuyện Subrahma Deva sau đây. Chuyện Phạm thiên Subrahma Subrahma Deva đang sống trong hạnh phúc khi những tùy tùng, những tiên nữ của vị ấy đang ca hát và hái hoa trên cây, họ chết đột ngột và tái sanh vào địa ngục. Subrahma Deva thấy họ đang chịu khổ trong địa ngục và đồng thời vị ấy cũng thấy trước rằng trong vài ngày nữa vị ấy cũng sẽ chết và chịu chung số phận với những tùy tùng của mình. Ðầy kinh hãi, vị ấy đi đến Ðức Phật và hỏi Ngài xem có chỗ nào mà vị ấy sống không sợ hãi. Khi thấy Ðức Thế Tôn trả lời rằng Ngài không thấy con đường nào giải thoát cho chúng sanh ngoài sự thực hành các pháp giác chi, pháp Ðầu đà (dhutanga) và Tứ chánh cần. Chỉ có những pháp ấy mới có thể đoạn trừ các phiền não. Pháp thu thúc lục căn là pháp ngăn chặn phiền não và Niết-bàn là pháp xuất ly tất cả. Nghe qua những điều này, vị chư thiên cùng với tùy tùng của vị ấy đều chứng đắc tầng thánh Nhập lưu. Ðiều chúng ta cần lưu ý ở đây là cái chết đột ngột của những vị tiên nữ. Số phận của những kẻ chết thình lình như vậy trong khi đang vui hưởng dục lạc quả thật khủng khiếp, vì họ rất có thể tái sanh địa ngục do kết quả của các bất thiện nghiệp. nếu có điềm báo cái chết sẽ đến, thì nó sẽ tạo ra sợ hãi và làm cho cái khổ tăng thêm. Khổ bắt nguồn từ sự luyến ái khoái lạc không chỉ giới hạn trong cõi dục. Bởi vì các vị chư thiên hữu sắc hay vô sắc cũng khổ. Ở cõi phạm thiên không có khoái lạc về giới tính hay bất cứ dục lạc nào khác. Những vị phạm thiên chỉ thấy, nghe hoặc suy nghĩ và những cảnh thấy, v.v... của họ không hàm chứa dục tình. Nhưng theo bộ Visuddhimagga thì có một số người khởi lên nỗi khao khát những dục lạc ở cõi phạm thiên, vì qua sự đồn đãi hoặc suy luận, họ tin rằng những dục lạc như vậy tối thắng hơn những dục lạc ở cõi người và cõi chư thiên. Ðó chẳng qua là ái dục dẫn đến sự chứng đắc thiền hữu sắc, vô sắc và cuối cùng đưa họ tái sanh vào các cõi hữu sắc hoặc vô sắc. Chẳng lạ lùng gì khi có một số người nghĩ hoặc nói về dục lạc ở cõi Phạm thiên. Những người hiểu rõ giáo pháp của Ðức Phật sẽ phủ nhận quan niệm ấy, nhưng có lẽ nó hấp dẫn những kẻ ngu si, dốt nát. Những bộ sách về tôn giáo của người Ấn Ðộ có vẽ chân dung Phạm thiên và vợ của ông ta, ngay cả Niết-bàn như là một cõi chư thiên với những thiên cung mà chúng ta có thể sống với gia đình và người hầu của chúng ta. Dục Thủ Có Nghĩa Là Tất Cả Những Loại Ái Dục Mãnh Liệt Dục thủ (kàmupàdàna) ở đây không chỉ có nghĩa là sự khao khát mãnh liệt đối với dục lạc. Nó cũng có nghĩa là những hình thức phát triển của ái dục đối với cõi sắc và vô sắc. Do đó theo bộ Thanh tịnh đạo thì vị hành giả có thể đoạn trừ loại ái dục thái quá này chỉ ở giai đoạn thánh đạo cuối cùng và chính ái dục này nằm ở căn cội của mọi cố gắng để chứng đắc thiền hữu sắc hoặc vô sắc. Ðối với người bình thường, thiền như vậy có nghĩa là sự tạo nghiệp hữu sắc hoặc vô sắc, do duyên của ái dục và nghiệp này dẫn đến tái sanh ở cõi phạm thiên hữu sắc hoặc vô sắc. Từ lúc tái sanh, có sanh khởi sự già lão không ngừng của danh sắc. Sự già lão của vị Phạm thiên không rõ nét như sự già lão của con người, nhưng nó cũng dẫn đến sự biến hoại và khi sức sống cạn hết, vị phạm thiên ấy cũng không thể tránh khỏi cái chết. Vì không có sân, nên đời sống của vị Phạm thiên không bị ưu sầu, lo lắng v.v... và sự cảm xúc về thân không có nơi vị Phạm thiên nên vị ấy không bị khổ thân. Tuy nhiên, vị ấy vẫn không thể thoát khỏi sự sanh, già và chết, là những trạng thái vốn có ở mọi kiếp sống. Như vậy, sự tránh khỏi già và chết có nghĩa là sự đoạn trừ khả năng tái sanh. Ðể tránh khỏi sự tái sanh, chúng ta tìm cách tránh thoát thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, và sự phủ nhận nghiệp hữu đòi hỏi phải phủ nhận ái và thủ. Vì mục đích này, quá trình tâm phải dừng lại ở thọ không cho khởi sanh tham muốn với bất cứ cái gì. Sự đoạn trừ tham ái qua pháp quán vô thường, khổ và vô ngã của các pháp sanh lên từ các căn là phương pháp duy nhất để đoạn trừ ái dục, tái sanh và những nhân khác trong chuỗi nhân quả. Ðây là sự chấm dứt khổ tạm thời, sự chấm dứt vĩnh viễn chỉ xảy ra khi hành giả bước vào thánh đạo. Kiến Thủ Là Nguyên Nhân Của Sự Tái Sanh Kiến thủ là sự bám chắc theo loại tà kiến phủ nhận nghiệp và kiếp sống tương lai. Do đó đoạn kiến nhấn mạnh sự đoạn diệt sau khi chết, đó là một loại kiến thủ. Người chấp theo tà kiến như vậy sẽ không làm việc thiện cũng không tránh điều ác. Người ấy chẳng cần làm gì cho hạnh phúc của kiếp sống sau, mà chỉ lo hưởng thụ càng nhiều càng tốt, bằng bất cứ phương tiện nào. Vì người ấy không quan tâm đến đạo đức nhân quả, nên phần lớn hành động của anh ta thường là bất thiện, để rồi tạo ra những ấn tướng lúc lâm chung và dẫn anh ta tái sanh vào khổ cảnh. Ðiều này thấy rõ trong câu chuyện ngạ quỉ Nandaka. Nandaka là một vị quan trong thời của đức vua Piígala nước surattha, là một vương quốc nằm ở phía bắc tỉnh Bombay, thuộc tây Ấn Ðộ hiện nay. Vị ấy chấp theo tà kiến, tức là cho rằng bố thí không có lợi ích gì v.v... Sau khi chết, ông ta tái sanh làm một Peta (quỉ) ở trong cây Ban-yan (cây đa), nhưng khi con gái của ông ta cúng dường vật thực đến một vị Tỳ khưu và hồi hướng phước báu cho ông ta, thì ông ta có được đồ ăn và thức uống của chư thiên một cách dồi dào, bất tận. Khi ấy ông ta mới công nhận có nghiệp và ân hận cho ý nghĩ điên rồ trong kiếp trước của ông ta. Một hôm vị phi nhân Nandaka dùng thần lực dẫn vua Piígala đi đến chỗ ngụ của ông ta và tiếp đãi đức vua cùng tùy tùng bằng đồ ăn và thức uống của chư thiên. Ðức vua vô cùng kinh ngạc và để làm thỏa mãn tánh tò mò của đức vua, vị phi nhân kể lại về sự tái sanh đọa xứ của mình như là quả nghiệp của sự chấp thủ tà kiến của vị ấy, tánh phi đạo đức và sự chống đối việc bố thí; Vị ấy cũng kể lại sự thay đổi số phận đột ngột của mình do sự hồi hướng phước báu của đứa con gái. Ðoạn vị ấy buồn rầu kể về cái khổ kinh khủng ở địa ngục mà vị ấy sắp phải lãnh chịu sau khi chết, và địa ngục ấy dành cho những người chấp theo tà kiến và phỉ báng thánh tăng trong khi còn ở trên dương thế. Chú giải cũng nói rằng: Sự chấp theo đoạn kiến có thể dẫn đến cõi chư thiên hoặc phạm thiên nếu đoạn kiến ấy xảy ra ở cõi trên, nhưng các vị chư thiên và phạm thiên rõ ràng không hề tin vào sự đoạn diệt của họ sau khi chết. Nói chung, đoạn kiến khiến người ta thiên về những ác nghiệp. Những hành động tạo nghiệp cũng có thể do thường kiến làm động cơ thúc đẩy. Tà kiến này tạo ra ảo tưởng về thực thể của con người, cho rằng chính cái ngã thường tồn sẽ thọ lãnh những thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp trong kiếp sống tương lai. Bởi vậy, người có tà kiến này chuyên tâm làm những việc mà họ cho là thiện. Thực ra một số hành động có thể là ác, nhưng nghiệp của người ấy dầu là thiện hay bất thiện mà sanh lên từ thường kiến, thì cũng dẫn đến tái sanh và đau khổ. Lại nữa, một động cơ chính khác của hành động tạo nghiệp là sự mê tín. Có nhiều hình thức mê tín, ví dụ: Cho rằng gặp người ăn xin sẽ đem lại xui xẻo, ong làm tổ trong nhà sẽ đem lại sự nghèo khổ. Do ảnh hưởng của những niềm tin như vậy, người ta có thể làm điều ác, như cư xử thô bạo với người ăn xin, hoặc giết chết những con ong. Câu chuyện Cittasambhùta jàtaka sau đây sẽ chứng minh điều ấy. Trong chuyện bổn sanh này, Bồ tát có tên là Citta thuộc giai cấp cùng khổ Chiên đà la. Bấy giờ, A-nan-đà là em bà con của Bồ tát, tên là Sambhùta. Họ kiếm sống bằng nghề nhảy múa. Một hôm đứa con gái của một vị thương nhân và người con gái của một vị quí tộc Bà la môn đang trên đường ngoạn cảnh với tùy tùng của họ. Khi trông thấy hai cậu con trai kia, họ cho đó là điềm xấu, bèn quay về nhà. Tùy tùng của họ lấy làm tức giận và đánh xối xả vào hai đứa bé Chiên đà la, vì chúng là nguyên nhân khiến cuộc vui chơi của họ bị hủy bỏ. Hai cậu bé lên đường đi đến Takkasila và cải trang làm hai chành trai Bà la môn, họ chuyên tâm vào việc học tập. Citta được cử làm lớp trưởng do tư chất thông minh của vị ấy. Một hôm, ông thầy gọi họ đến một nơi khác để học cách tụng kinh Phệ đà. Ở đó, Sambhùta vô ý uống nhầm sửa còn nóng, nên buộc miệng nói tiếng địa phương: "Khalu, khalu" và Citta cũng quên mình mà thốt ra rằng: "Niggala, niggala" (nhổ ra, nhổ ra). Những câu này đã để lộ thân phận của họ, khiến các môn sinh nhận ra họ là người Chiên đà la. Hai chàng trai bị đánh đập và bị đuổi ra khỏi trường. Theo lời khuyên của ông thầy, họ xuất gia làm đạo sĩ. Sau khi mạng chung, họ sanh làm chim, và khi sanh lại làm người, Citta là con của vị Tư tế quan và nhớ lại ba kiếp quá khứ của mình. Vị ấy xuất gia làm đạo sĩ, đắc thiền và các pháp thần thông. Sambhùta làm vua, vị ấy nhớ lại kiếp sống sanh làm người Chiên đà la. Do năng lực thần thông, Citta biết người em của mình vẫn còn say mê trong khoái lạc của vị đế vương và sau khi chờ đợi đến năm chục năm, vị ấy đi đến khu vườn của đức vua. Ðức vua nhận ra đạo sĩ là anh của mình trong kiếp quá khứ và mời đạo sĩ chung hưởng khoái lạc vương giả. Nhưng vì biết rõ kết quả của nghiệp thiện và bất thiện, Bồ tát nguyện với chính mình là sống cuộc đời tự chế, xuất ly và xả bỏ. Vị ấy nhắc vua nhớ lại những thời kỳ sống chung với nhau trong những kiếp quá khứ. Ðó là kiếp sanh làm Chiên đà la, làm chim và làm nai. Mục đích của vị ấy là chỉ cho thấy kiếp sống bấp bênh, không định hướng và khuyên đức vua hãy xuất gia làm đạo sĩ để phát triển đời sống tâm linh. Nhưng thật khó để đức vua từ bỏ dục lạc. Bởi vậy, Bồ tát quay về Hi mã lạp sơn. Về sau, đức vua thấy được tính chất tạm bợ của dục lạc và đi vào Hi mã lạp sơn, xuất gia làm đạo sĩ. Ở đó, vị ấy chuyên tâm hành thiền và đắc định cùng các pháp thần thông. Mê Tín Và Ác Sanh Ðiều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở trong câu chuyện này là những ác nghiệp khởi sanh từ sự mê tín. Vai trò của mê tín là nguyên nhân của những ác nghiệp được thấy rõ trong câu chuyện người thợ săn Koka. Trong thời Ðức Phật, có một người thợ săn tên là Koka, ở tại một ngôi làng nọ. Một hôm ông ta dẫn những con chó đi vào rừng săn thú. Trên đường đi, ông ta gặp một vị Tỳ khưu đang đi khất thực. Người thợ săn cho rằng đây là điềm xấu. Trùng hợp thay, ngày hôm ấy ông ta chẳng săn được con thú nào cả. Trên đường về, ông ta lại gặp vị Tỳ khưu. Ðầy giận dữ và ác ý, ông ta thả chó tấn công vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu bỏ chạy và leo lên một nhánh cây nọ. Người thợ săn bắn một mũi tên vào bàn chân của vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu đau đớn quằn quại trên nhánh cây và chiếc y của vị ấy rơi xuống, trùm lấy người thợ săn. Những con chó tưởng đó là vị Tỳ khưu, bèn xông đến cắn xé ông ta. Kết quả là người thợ săn bị những con chó của ông ta cắn chết. Sau khi nhận ra rằng chúng đã giết chết chủ của mình, những con chó bỏ chạy. Vị Tỳ khưu trở về bạch lại vấn đề với Bậc Ðạo Sư. Nhân đó, Thế Tôn nói rằng: "Kẻ ngu hại người không hề làm khổ kẻ khác. Hắn hại người đã thoát khỏi phiền não, nhưng ác nghiệp của hắn đã dội lại trên chính hắn, như đám bụi bay ngược trở lại người tung ngược chiều gió". Ở đây, cái chết thê thảm của tên thợ săn, sự tái sanh vào khổ cảnh của hắn và đau khổ do ác nghiệp mà chính hắn tạo ra đều xuất phát từ mê tín. Một số người lấy làm lo sợ khi nghe nhà chiêm tinh nói về vị trí những ngôi sao báo trước vận xấu của họ. Bởi vậy, họ dâng cúng hoa và đèn đến tượng Phật, bố thí đến chư Tăng, nghe Pháp và hành thiền. Một số người thỉnh chư Tăng về nhà tụng kinh an lành để ngăn ngừa rủi ro và tai họa mà họ tin sẽ đến vì những cảnh mộng mà họ thấy. Thiện nghiệp của họ dẫn đến thiện sanh, nhưng giống như những sự tái sanh khác do ác nghiệp, nó cũng đầy đau khổ. Một số người thiếu trí làm điều ác để mong xua tan những rủi ro có thể xảy đến với họ. Những câu chuyện bổn sanh có nêu ra việc giết thú để cúng tế, bao gồm việc giết bốn con dê, bốn ngựa, bốn người v.v... Hình thức giết thú tế thần này, chúng ta sẽ được biết qua câu chuyện về vua Kosala trong thời Ðức Phật. Vua Kosala say mê một người đàn bà đã có chồng. Bởi vậy, vua cho gọi người chồng đến và giao cho anh ta một công việc ở xa. Nếu người chồng kia không làm xong công việc và trở về trước khi mặt trời lặn thì sẽ bị trừng phạt. Người kia làm theo lệnh của đức vua và trở về trước khi mặt trời lặn, nhưng cổng thành đã đóng lại và vì không thể đi vào thành phố được, anh ta đành tá túc qua đêm ở Kỳ Viên tịnh xá. Bị đốt cháy bởi dục tình và tham ái, đức vua trằn trọc và không thể chợp mắt trong đêm ấy được. Vị ấy nghe giọng nói của bốn người đang chịu khổ trong địa ngục vạc dầu vì tội tà dâm trong kiếp quá khứ của họ. Có lẽ do nguyện lực và năng lực thần thông của Ðức Phật khiến cho vua nghe được những giọng nói này phát ra từ địa ngục. Ðức vua lấy làm kinh hãi và sáng sớm hôm đó cho vời vị Tư tế quan đến giải mộng. Vị Tư tế quan nói rằng những giọng nói ấy báo hiệu những rủi ro sắp xảy đến, và để ngăn chặn nó, đức vua phải tế voi, ngựa v.v... mỗi thứ một trăm. Ðức vua sai sửa soạn đầy đủ mọi thứ để tế lễ. Ôi độc ác thay! Chỉ vì cứu mạng một người mà phải giết chết hằng ngàn mạng sống. Trong sốù những nạn nhân sắp bị giết, có cả con người, và khi nghe những tiếng kêu la thảm thiết của họ, hoàng hậu Mallikà đi đến đức vua và bảo vị ấy đến yết kiến Ðức Phật. Ðức Phật khẳng định với đức vua rằng những tiếng nói ấy chẳng liên quan gì đến vị ấy cả. Ðó là giọng nói của bốn chàng trai mà vào thời kỳ Ðức Phật Ca Diếp, đã đi dụ dỗ nhưng người đàn bà đã có chồng, bây giờ đang bị nấu sôi trong địa ngục vạc dầu. Họ đang hối hận và bày tỏ ước muốn được làm điều thiện sau khi thoát khỏi địa ngục. Ðức vua vô cùng sợ hãi và nguyện sẽ không bao giờ nhòm ngó vợ của người khác. Vị ấy bạch với Ðức Phật rằng đêm hôm trước ấy quả thật dài, vì suốt đêm vị ấy không thể ngủ được. Nhân đó Ðức Phật thốt lên câu kệ:
Sau khi nghe câu kệ này, nhiều người chứng đắc quả thánh Dự lưu và các tầng thánh khác. Ðức vua truyền lệnh phóng thích tất cả những chúng sanh sắp tế thần. Nếu không có lời khuyên của Ðức Phật thì chắc chắn vị ấy đã tạo nhiều ác nghiệp và câu chuyện này cho thấy sự mê tín dẫn đến ác nghiệp như thế nào. Cuồng Tín Thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng xuất phát từ những loại cuồng tín. Nói chung, ai cũng cho rằng tôn giáo của mình là chánh giáo, còn những tôn giáo khác là tà giáo, ngoại đạo. Bởi vậy, họ ra sức truyền bá tôn giáo của họ, dùng sức mạnh để thâu phục kẻ khác hoặc khủng bố hay đối xử tàn bạo với những kẻ không chịu tin theo tín ngưỡng của họ. Tất cả những điều ác này xuất phát từ sự cuồng tín. Lại nữa, những hành động tạo nghiệp cũng có thể xuất phát từ sự chấp thủ, vào hệ tư tưởng hay quan điểm về những vấn đề trong thế gian. Một số người dùng quyền lực để bắt ép ngưới khác phải chấp nhận tín điều của mình. Họ tuyên truyền nó bằng nhiều cách. Mặt khác, họ nói xấu, xuyên tạc hay phá hoại sự đoàn kết của những người không chịu tin theo họ. Tất cả những hành vi này tạo thành nghiệp hữu, mà nguyên nhân của nó là thủ. Tóm lại, tất cả những sự cố chấp vào các lối thực hành và niềm tin ngoài ngã ngữ thủ đều là kiến thủ và sẽ dẫn đến các hành động tạo nghiệp. Giới Cấm Thủ Một số người tin rằng họ có thể đạt được giải thoát qua một số pháp hành nào đó mà không liên quan gì đến Tứ diệu đế. Niềm tin như vậy được gọi là giới cấm thủ. Có nhiều phương diện của giới cấm thủ, như thờ cúng loài vật, tổ chức hình thức cúng tế với hy vọng đạt đến chỗ giải thoát. Theo bộ Thanh tịnh đạo, một số người tin vào những lối thực hành này, cho đó là con đường giải thoát, để rồi tạo các nghiệp dẫn đến cõi người, trời, cõi phạm thiên hữu sắc và vô sắc. Bộ Thanh tịnh đạo chỉ nói về những nghiệp dẫn đến cõi người và những cõi khác cao hơn mà thôi. Nó không đề cập những nghiệp dẫn đến khổ cảnh. Sở dĩ chú giải không đề cập đến các ác nghiệp sanh lên từ giới cấm thủ, vì điều ấy quả rõ ràng. Theo Cẩu hành giả kinh và những bài kinh khác, thì người ta sẽ tái sanh làm bò hay chó nếu người ấy sống hoàn toàn giống những con vật ấy về hành vi, lời nói và ý nghĩ; Hoặc người ấy tái sanh vào địa ngục hoặc cõi súc sanh nếu người ấy theo tà kiến nhưng không thực hành đầy đủ. Khỏi cần nói, chúng ta cũng biết rằng sự giết thú để tế thần linh là do bởi những loại thủ này, sẽ dẫn đến khổ cảnh. Những tà nghiệp khác xuất phát từ thủ mà có liên quan đến các hình thức cúng tế và nghi lễ cũng có kết quả như vậy. Tóm lại, mọi niềm tin vào tính hiệu năng của một lối thực hành nào đó như là phương pháp diệt trừ phiền não đều là giới cấm thủ. Theo những cuốn chú giải về bộ Thanh tịnh đạo, thì sự chấp vào giới thông thường hay các tầng thiền hợp thế mà cho là con đường giải thoát thì được gọi là giới cấm thủ. Các tầng thiền vô sắc mà Alàra và Udaka chứng được đều xuất phát từ loại thủ này và những việc làm của nhiều người, dựa vào niềm tin thượng đế, cũng thuộc loại thủ này. Tất cả những loại thủ này đều dẫn đến tái sanh và khổ. Ngã Ngữ Thủ Loại thủ cuối cùng là ngã ngữ thủ. Ðó là sự tin tưởng sâu đậm vào thực thể của bản ngã, cho rằng bản ngã thường tồn là chủ nhân của mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ. Một ít người thoát khỏi loại thủ này. Người bình thường tin rằng: Chính "ta" thấy, nghe, cử động,v.v... Ảo tưởng về thực thể của bản ngã là động cơ chính của tự ái và sự lo âu về hạnh phúc của cái ta. Tánh bao quát và quyền tuyệt đối của sự ái ngã được nhấn mạnh trong câu trả lời của hoàng hậu Mallikà với vua Kosala. Mallikà là con gái của người thợ kết tràng hoa. Một hôm nàng gặp Ðức Phật trên đường đi và dâng vật thực đến Ngài. Sau khi thọ thực xong, Ðức Thế Tôn bảo với A-nan-đà rằng nàng sẽ trở thành hoàng hậu của vua Kosala trong chính ngày hôm ấy. Ðức vua bị thua trận và cưỡi ngựa trốn chạy. Ðầy mệt lả. Ðức vua vào nghỉ trong vườn hoa, ở đó vị ấy được Mallikà tiếp đãi và chăm sóc. Ðầy hoan hỷ, đức vua dẫn nàng về hoàng cung và đưa nàng lên ngôi chánh hậu. Lời tiên tri của Ðức Phật đã thành hiện thực, do bởi thiện nghiệp mới và thiện nghiệp trong kiếp quá khứ của nàng. Nhưng Mallikà không đẹp bằng những nàng thứ phi khác. Hơn nữa, là một thiếu nữ sanh ra từ gia đình nghèo, nàng cảm thấy lúng túng trước các quan thần. Bởi vậy để khích lệ nàng, đức vua hỏi nàng thương ai nhất. Câu trả lời mà vị ấy mong chờ là: "Tâu bệ hạ, thiếp thương bệ hạ nhất". Sau đó, vị ấy sẽ nói với nàng rằng vị ấy cũng yêu nàng hơn bất cứ ai khác, và theo suy nghĩ của vua, sự xác định tình yêu của vị ấy sẽ làm gia tăng sự thân thiết, gắn bó của họ và khiến nàng sống ở hoàng cung tự nhiên hơn. Tuy nhiên, là một người đàn bà thông minh, đầy tự tin, nàng thẳng thắn trả lời rằng không có ai mà nàng yêu nhiều hơn chính nàng. Ðức vua phải công nhận rằng vị ấy cũng thương mình nhiều hơn bất cứ ai khác. Rồi đức vua đem những câu đối thoại này bạch với Ðức Phật. Nhân đó Thế Tôn nói rằng: "Không ai trong thế gian này thương người khác hơn chính mình. Mọi người đều thương mình nhiều nhất. Bởi vậy, mọi người nên có lòng từ và đừng xử tệ với người khác". Trong Phật ngôn này, chữ "ta, mình", tiếng Pàli là Atta, nó không có nghĩa là ngã trong ngã kiến. Nó chỉ về cái ta trong ý nghĩa thường tình và tiếng ta mà con người dùng để phân biệt mình với người khác mà thôi. Nhưng ngã kiến cũng là nguồn gốc của tự ái. Ngã kiến càng mạnh thì tự ái càng nhiều. Chúng ta không thương người khác nhiều hơn chính mình. Một người thương vợ hoặc chồng hay con cái chỉ như là người bạn đời, người hầu hay người bảo hộ mà thôi. Tình thương của cha hay mẹ không thực sự nhiều hơn tình yêu châu ngọc. Bởi vậy, nếu một người nói rằng tình yêu của người ấy đối với một người nào đó lớn hơn tình yêu chính mình, thì những lời của người ấy chỉ được tin một phần nhỏ thôi. Khi đứng giữa cái sống và cái chết, ngay cả người mẹ cũng sẽ không quan tâm đến đứa con của mình (điều này rất vi tế, khó nhận ra-ý của dịch giả-). Một thuở nọ, có một người đàn bà đi chung với một đoàn thương buôn ngang qua sa mạc. Vì nàng ngủ quên nên bị bỏ lại cùng với đứa con. Khi mặt trời lên cao, cát nóng lên và nàng phải đặt cái thúng, rồi đến y phục lót dưới chân. Nhưng sức nóng bốc lên càng lúc càng nhiều đến nỗi không thể chịu được, cuối cùng nàng buộc lòng phải đặt đứa con bên dưới thân của nàng. Do đó, mới có lời nói rằng ngay cả người mẹ cũng có thể hy sinh đứa con đẻ để bảo vệ chính mình. Do sự ái ngã mà nguồn gốc của nó là ngã kiến, người ta tầm cầu hạnh phúc cho mình và gia đình của mình bằng phương tiện tốt hoặc xấu. Người ấy không do dự làm điều ác, miễn sao được lợi cho mình. Nhưng niềm tin vào cái ta thường tồn cũng dẫn đến các thiện nghiệp. Do niềm tin thúc đẩy mà có một số người thực hành bố thí, trì giới, hành thiền v.v... để được sanh về cõi chư thiên, phạm thiên, nhưng ở đó họ cũng phải chịu sự già, chết và những điều khổ khác của kiếp sống. Tóm lại, mọi cố gắng để mưu cầu hạnh phúc trong đời hiện tại hoặc đời mai sau đều xuất phát từ ngã kiến. Sự cố gắng tạo nghiệp như vậy khác với sự tạo nghiệp sanh lên từ dục thủ ở chỗ: Hành động trước có động cơ chính là sự chấp thủ vào tính đồng nhất cá thể (cho thân này là ta, là của ta) trong khi hành động sau có động cơ là sự khao khát dục lạc. Tuy nhiên, đối với những người quá chấp chặc vào ngã kiến, thì tính vị kỷ có quan hệ khăng khít với dục tham. Ðối với những vị thánh nhân đã hoàn toàn thoát khỏi ngã kiến, thì hành động thiện của họ chỉ do dục thủ thúc đẩy. Như vậy, sự bố thí, trì giới, tham thiền của ông Cấp cô độc, bà Visàkhà, Mahànàma và những người khác, trong khi nương vào thánh đạo, có thể xuất phát từ ước muốn được cuộc sống tốt đẹp hơn ở cõi người và cõi chư thiên, hoặc được chứng các tầng thánh cao hơn. Chuyện Ông Ugga Có thể đoán chừng rằng các vị A-na-hàm làm các việc thiện là do ước muốn được hạnh phúc ở cõi phạm thiên hữu sắc và vô sắc, và đạo quả A-la-hán. Dĩ nhiên, chính đạo quả A-la-hán có thể giúp đoạn trừ ái dục. Ước muốn được chứng đắc đạo quả A-la-hán là động cơ thúc đẩy làm các việc thiện trong trường hợp của vị hành giả đã đắc quả A-na-hàm, có thể thấy rõ về câu chuyện vị A-na-hàm Ugga. Ugga là một vị gia chủ ở thành Vesali. Ðức Phật đã nói về tám đức tánh kỳ diệu của ông Ugga. Ðể đáp lại một sự thắc mắc của một vị Tỳ khưu nọ, Ugga bèn trình bày về tám đức tánh của ông ta như sau:
Một hôm, Ugga, vị gia chủ có tám đức tánh này và đã chứng đắc tầng thánh A-na-hàm, đã dâng cúng vật thực và y phục thượng hạng đến Ðức Phật. Thế-tôn bình phẩm tánh chất của pháp bố thí như sau: "Người bố thí vật mà mình ưa thích hoặc đánh giá cao thì sẽ được cái mà người ấy thích nhất. Người bố thí đến bậc thánh có giới đức cao thượng tức là đang làm việc bố thí mà người bình thường khó làm, và do đó người ấy sẽ được cái thích nhất". Vài năm sau, Ugga chết và tái sanh vào cõi Phạm thiên Ngũ tịnh cư. Chẳng bao lâu sau, vị ấy đi đến đảnh lễ Ðức Phật. Vị ấy nói rằng vị ấy đã chứng đắc đạo quả A-la-hán, là ước nguyện đích thực của vị ấy khi đó vị ấy dâng cúng nhiều vật thực ưa thích đến Ðức Phật trong kiếp quá khứ của mình. Ðức Phật lại bình phẩm về quả báu của sự bố thí - Ðược cái mà mình quí trọng nhất nếu dâng cúng vật quí trọng, Ðạt được mục đích hiếm có nếu dâng cúng vật hiếm có. Ðạt được kết quả khen ngợi nếu dâng cúng vật được ca ngợi nhiều. Tánh chất đạo đức trong câu chuyện này là người ta có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán, đời sống phạm hạnh tối thượng, như là quả của sự bố thí quí trọng. Sự bố thí của Ugga được thúc dục bởi ước muốn được chứng đạo quả A-la-hán và chính ước muốn này hay dục thủ (kàmupàdàna) hình thành động cơ thúc đẩy của vị ấy. Một số người có thể phản đối việc xem từ dục thủ là đồng nghĩa với ước muốn chứng đắc đạo quả A-la-hán, và thích gọi nó là Kusalachanda (thiện dục), nhưng họ sẽ phải giải thích là nó thuộc loại thủ nào mà làm khởi sanh các thiện nghiệp của bậc thánh như bố thí, trì giới v.v... -oOo- [Mục lục] [01] [02] [03] [04] [05] [06] [07] [08] [09] [10] Ðầu trang |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 03-2001)
update: 01-03-2001