BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
Hòa thượng Piyadassi Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995. |
-17- PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂY PHƯƠNG D ưới tựa đề này tác giả cố gắng giúp cho người đọc có một cái nhìn ngắn gọn về nguồn gốc và sự phát triển của Phật Giáo ở phương Tây. Ðây chắc chắn không phải là một sự trình bày rộng rải với nhiều chi tiết về Phật Giáo trong thế giới Tây phương.Ðức Phật sống ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước Dương Lịch. Vào thời kỳ ấy sanh hoạt trí thức và xã hội rất mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới: một thời đại tôn giáo rất sôi dộng, thời đại thực nghiệm, thời đại có nhiều khảo sát bạo dạn và nhiều thành tựu cao cả trong lãnh vực tư tưởng của con người. Các vị giáo chủ và các nhà hiền triết xuất hiện hầu như cùng lúc ở Phương Tây cũng như ở Phương Ðông. Ðó là thời vàng son hay tuyệt đỉnh cao trong lịch sử tôn giáo. Lịch sử đã mục kích một sự đổi mới từ căn bản những điều kiện tôn giáo và xã hội ở Greece (Hy Lạp) và Rome (La Mã). Cũng vào thế kỷ ấy, trong lúc Heraclitus truyền dạy chủ thuyết "Panta Rhei" hay lý thuyết về sự chảy trôi biến đổi tại Athens, thì Pythagoras phát triển trường phái nổi tiếng của ông. Ở Trung Quốc có Lao Tsu (Lão Tử). Những lời dạy của Ngài, về sau được gọi là Lão Giáo, Ðạo Giáo hay "Con Ðường của Thiên Nhiên," đã gợi ý cho những tâm hồn cao cả nhất của Trung Quốc. Khổng Tử, vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước D.L., kiên cố thiết lập một hệ thống luân lý đặt nền tảng trên tập tục cổ xưa và truyền thống Trung Hoa, và những lời dạy của Ngài được gọi là Nho Giáo hay đạo Khổng (550-479 trước D.L.). Tại Persia, ngày nay là Iran (Ba Tư), có Zarathustra hay Zoroaster như người Hy Lạp gọi. Thân, khẩu, ý thanh tịnh là giáo lý nòng cốt của Zarathustra. Tại Ấn Ðộ, vào đầu thế kỷ thứ sáu trước D.L., có Mahàvira mà kinh điển Phật Giáo bằng tiếng Pali thường gọi là Nigantha Nàtaputta, là người truyền bá đạo Jain. Những người theo đạo này có lối tu rất khắc khổ, truyền dạy học thuyết ahimsà hay lòng bi mẫn vô biên, và công bố giáo lý nghiệp báo và chuyển sinh linh hồn. Ðức Phật Gotama là người đồng thời với Jaina Mahàvira. Ngài đi bộ từ các con đường lớn đến những nẻo nhỏ của xứ Ấn Ðộ để dạy dỗ, soi sáng và đem hạnh phúc lại cho nhiều người, và những lời dạy của Ngài được gọi là Phật Giáo. Chính Ðức Phật gọi giáo huấn Ngài là Dhamma-Vinaya, Giáo Pháp và Giới Luật. Công Cuộc Hoằng Dương Giáo Pháp Bất luận cố gắng nào để trình bày Phật Giáo và cuộc truyền bá Phật Giáo phải bao hàm hai lãnh vực: thời gian và không gian. Ðây là câu chuyện của một phong trào khởi đầu với một nhóm rất nhỏ. Chỉ có vài người tín đồ vào lúc sơ khai, phong trào dần dần nới rộng, trưởng thành đến mức bao trùm cùng khắp thế gian, và ảnh hưởng đến vận mạng của hơn sáu trăm triệu người, ngót một phần tư toàn thể nhân loại. Về thời gian, đã có hơn 2,500 năm. Phật Giáo được truyền bá rộng rãi và nhanh chóng như vậy, phần lớn là nhờ giá trị cố hữu của mình và nhờ đáp ứng được một cách thỏa đáng các đời hỏi của những tâm hồn thích suy luận; nhưng cũng có những yếu tố khác giúp vào sự tiến triển ấy. Không bao giờ những nhà truyền giáo Phật Giáo (Dhammadùtas) dùng đến phương pháp bất công hay áp bức để truyền bá giáo lý. Phật Giáo thâm nhập vào các quốc gia khác một cách ôn hòa và không làm xáo trộn căn bản tín ngưỡng sẵn có. Công cuộc truyền giáo của người Phật tử được thực hiện không phải bằng bạo lực, cũng không phải bằng áp lực hay những phương pháp cưỡng chế nào khác. Ðức Phật và các đệ tử Ngài không thích, và không bao giờ tìm cách cưỡng bách ai về theo tôn giáo mình. Ðức Joseph Wain ghi nhận: "Phật Giáo truyền dạy một lối sống, không phải bằng cách thống trị mà bằng nguyên tắc, một lối sống tốt đẹp, và do đó là một tôn giáo khoan dung rộng lượng. Ðây là hệ thống từ thiện nhất dưới mặt trời. Không bao giờ và không nơi nào có máu đổ trong cuộc truyền đạo. Không bao giờ có hành hà hay ngược đãi những ai không theo cùng một tín ngưỡng -- một bài học mà người Cơ Ðốc Giáo vẫn còn phải học. Ðức Phật dạy con người làm cho ngày nay tốt đẹp và hiện tại được thánh thiện." Phật Giáo, bắt nguồn từ trong vùng thung lũng sông Ganges (Hằng), đầu tiên được chính Ðức Phật và các vị đệ tử A La Hán của Ngài bổn thân truyền bá. Trong vòng hai trăm năm đầu, Phật Giáo nhiều hay ít vẫn giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong miền Bắc bán đảo Ấn Ðộ. Rồi Asoka đến, duy nhất giữa các nhà trị dân trên thế gian, đã chấp nhận những lời dạy của Ðức Phật và cố gắng giáo dục dân chúng trên thế gian bằng cách truyền bá giáo huấn này, nhất là sắc thái luân lý. Ông cho ghi tạc trên đá những lời dạy có tánh cách luân lý, làm cho nó trở thành những bài giảng trên đá, không phải bóng bảy như các hình ảnh văn chương, mà thiết thực cụ thể. Asoka thấm nhuần sâu đậm tinh thần khoan dung rộng lượng mà Ðức Phật thuyết giảng, và dưới triều đại của Ngài tất cả các tôn giáo khác đều hoàn toàn được tự do, không bị ngăn trở hay gặp chướng ngại nào. Văn hóa Phật Giáo không bao giờ thiếu hiểu biết và kém lượng khoan hồng về phưong diện tôn giáo. Nhận định rằng nhân loại sẽ hưởng lợi ích lớn lao trong một giáo lý đầy từ mẫn và trí tuệ như của Ðức Phật, Vua Asoka vận dụng mọi nỗ lực để hoằng khai giáo huấn của Ðức Phật ra ngoài xứ Ấn Ðộ. Lúc bấy giờ có những vị đệ tử Phật theo lời dạy của Ðức Bổn Sư: "Hãy ra đi đó đây vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại, và công bố đời sống trong sạch." Các vị sư này sẵn sàng đảm nhiệm mọi trách vụ truyền giáo ở xứ ngoài, mặc dầu vào thời bấy giờ việc tiếp xúc và mọi liên lạc ngôn ngữ rất khó khăn, và phương tiện giao thông đầy nguy hiểm. Nhờ lòng nhiệt thành không ngừng hỗ trợ của Vua Asoka, nhờ sự tận lực cố gắng, ý chí sắt đá, và đức dũng cảm của các nhà truyền giáo (Dhammadùtas), Phật Giáo được mở rộng đến các xứ khác. Những ghi nhận thời Asoka có đề cập đến các chuyến châu du hoằng Pháp ở những vương quốc Á Châu nằm trong ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, ở Phi Châu và Âu Châu -- đến Syria và Egypt; Cyrene, Macedonia và Epius, đến Bactria, và xuyên qua trung phần Á Châu đến Trung Quốc. Ðại Ðế Asoka Trong thời Vua Asoka, 236 năm sau khi Ðức Phật nhập diệt, một người con của chính Vua, Ðức Mahinda, bậc hiền thánh A La Hán, đã đưa Phật Giáo du nhập vào Sri Lanka (Tích Lan), và nơi đây giáo lý của Ðức Phật phát triển dồi dào phong phú đến ngày nay, hầu như trong tất cả trạng thái tinh khiết nguyên thủy, trải qua những thăng trầm của hơn hai mươi thế kỷ. Từ Sri Lanka, Phật Giáo được truyền sang Burma (Miến Ðiện) và Siam, ngày nay là Thái Lan, và từ đó đến Ðông Dương. Phật Giáo được thiết lập kiên cố tại Tibet (Tây Tạng), Nepal, Mongolia (Mông Cổ), và vững chắc du nhập vào Trung Quốc. Từ Trung Quốc vào Korea (Cao Ly), và theo đường biển sang Nhật Bản. Phật Giáo cũng được truyền bá sang Java và phát triển mạnh mẽ tại Sumatra dưới triều đại Sri Vijaya. Như vậy Phật Giáo đã vượt khỏi ranh giới của xứ Ấn Ðộ và trở thành một tôn giáo thế giới. Có những chứng tích hiển nhiên cho thấy rằng giáo huấn của Ðức Phật tựa hồ như chất men làm dậy lên đời sống tâm linh của nhân loại từ những vùng tuyết lãnh Siberia đến những hải đảo xanh tươi trong ánh nắng của Ấn Ðộ Dương, và từ Xứ Mặt Trời Mọc đến Anh Quốc sương mờ mù mịt. Cũng có thể là Phật Giáo đã du nhập vào những văn hóa cỗ xưa của Nam Mỹ vào những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên chúng ta (Buddha and Buddhism, Arthur Lillie trang 205-208). Lại nữa, cũng nên ghi nhận rằng hai văn hóa xưa nhất, Ấn Ðộ và Trung Hoa, và ba tôn giáo lớn nhất ngày nay, Cơ Ðốc Giáo, Hồi Giáo, và Ấn Ðộ Giáo cũng đã có phần nhuận sắc và cải thiện do sự thấm nhuần lý tưởng Phật giáo. Dưới ánh sáng của những sự kiện này ta có thể tưởng tượng phần đóng góp của Phật Giáo vào văn hóa nhân loại khổng lồ như thế nào (The Contribution of Buddhism to World Culture, Soma Thera, BPS, Wheel 44). Lịch sử Phật Giáo không thể tách rời ra khỏi lịch sử văn hóa và xã hội Ðông Phương. Trong tất cả những ảnh hưởng đã un đúc nền văn hóa Á Châu, Phật Giáo được xem là thâm sâu nhất. Bởi vì trong thời gian trên 2,500 năm, những nguyên tắc đạo lý và lý tưởng Phật Giáo đã đượm nhuần tư tưởng và cảm xúc của người phương Ðông. Mối liên hệ tinh thần mà các quốc gia Á Ðông cảm nhận giữa mình và xứ Ấn Ðộ, không bao giờ có thể bền chặt và kiên cố vững vàng nếu không có phong trào mạnh mẽ và quan trọng như phong trào đã bắt đầu tại thánh địa Sarnath hai mươi lăm thế kỷ về trước. "Giáo Hội Tăng Già là một cộng hòa to lớn. Trong thực tế đó là một tiếng nói -- năng lực kiểm soát tối thượng." Quyền lực không phải ở trong tay một nhân vật đơn độc nào mà của tất cả, xem như một toàn thể. Từ lúc sơ khai Tăng Già Phật Giáo lúc nào cũng là một tổ chức dân chủ khuôn mẫu, và thủ tục nghị viện của nền dân chủ vẫn còn mối nợ đối với người Phật tử. Ðề cập đến Giáo hội chư tỳ khưu mà Ðức Phật đã sáng lập, Manmatha Nath Sastri của xứ Ấn Ðộ viết: "Ðức Phật đã sáng tạo một giống người mới, một giống người đạo đức anh dũng, một giống công nhân cứu tinh, một giống Phật. Giáo Hội Thánh Thiện sừng sửng đứng trước con người như một ngọn hải đăng để hướng dẫn đoàn thủy thủ và đưa tàu bè vào bến an toàn." Phật Giáo đã tự phân tán xuyên qua những văn hóa trọng đại khác nhau cùng khắp thế giới. Nếu văn hóa Ấn Ðộ đã lan truyền sang một phần lớn Á Châu và từng phần ở Indonesia (Nam Dương), công trạng ấy chắc chắn là của Phật Giáo; bởi vì các đoàn truyền giáo Phật Giáo luôn luôn mang theo với họ nền văn hóa cao siêu nhất của Ấn Ðộ. Như vậy sự lớn mạnh của những đế quốc Sumatra dưới thời Sailendras, và Trung Quốc dưới đời nhà Tang (Ðường), chịu ảnh hưởng một phần lớn của nghệ thuật và thủ công, triết học và văn hóa mà người Phật tử đưa sang từ Ấn Ðộ. Do nhờ Phật Giáo mà Trung Hoa và Ấn Ðộ xích lại gần nhau và phát triển nhiều tiếp xúc với nhau. Các phái đoàn của Asoka, vị hoàng đế khuôn mẫu của tất cả những đấng minh quân và những nhà cầm quyền trị nước an dân chân chánh của nhân loại, là những ảnh hưởng văn hóa trọng đại nhất trong lịch sử thế giới. Công cuộc truyền giáo của Ðức Mahà Mahinda Thera, con Ðại Ðế Asoka, là một phong trào có tánh cách đạo đức, và nếu ngày nay văn hóa của dân tộc Sri Lanka được xem là rất cao trên bình diện văn hóa nhân loại, phần lớn là nhờ ảnh hưởng của Phật Giáo và những gì liên hệ với pháp hành của Phật Giáo. Tăng Già có một vai trò rất quan trọng trong tình trạng sống còn của Phật Giáo (Buddha Sàsana). Chư tăng và người cư sĩ tại gia, cả hai đều cần thiết cho thế gian. Ðức Phật không bao giờ hạ thấp hạng người này để đứng về phía người kia. Do đó thật sự phải có tương quan mật thiết giữa thiện tín và chư tăng để duy trì lâu dài nền đạo giáo (Sàsana). Cũng nhờ mối tương quan tốt đẹp ấy trong Phật Giáo mà tôn giáo này được giữ nguyên vẹn trong sạch như thủa nào và tồn tại vững bền xuyên qua những triều đại cổ xưa của những vì vua Phật Giáo. Và có những tài liệu được ghi nhận cho thấy rằng chư tăng và chư ni của Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo đã bất chấp mọi hiểm nguy, du hành đến những phương trời xa xôi để truyền bá thông điệp hòa bình của Ðức Phật, và đã bỏ mình ở các vùng đất xa lạ, với tâm hoan hỷ và thanh bình an lạc vì đã hoàn tất phần việc của mình. Ðời sống và những cố gắng của những vị này thật trong sạch và toàn hảo. Ðây là một trong các đóng góp cao cả nhất vào văn hóa thế giới. Tưởng niệm đến các tu sĩ kỳ diệu ấy khơi dậy nơi ta ý nguyện quyết tâm làm như các Ngài: sống, suy tư và làm việc "vì lợi ích của nhiều người, vì phúc lợi và an lành của nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian." Thời Ðại Khoa Học Và Kỹ Thuật Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại khoa học và kỷ thuật, thời đại mà những phương tiện giao thông và tiếp xúc đã thành đạt nhiều kết quả bất ngờ. Các nhà truyền giáo (Dhammadùtas) ngày nay có thể đi đến tận những hóc hẻm xa xôi của quả địa cầu để giáo hóa, soi sáng và đem hạnh phúc đến những người, già và trẻ, muốn tìm một lối đi mới cho cuộc sống. Tiếng gọi của thời đại này là một giáo huấn hợp lý. Tuy nhiên, con đường của các nhà truyền giáo (Dhammadùtas), không phải trơn tru suôn sẻ như có vài người có khuynh hướng nghĩ vậy. Ðây không phải là một cuộc dạo chơi hay chỉ suôn là du hành để nghĩ mát. Khi một nhà sư Phật Giáo, mình đắp y vàng, đầu cạo trọc và mắt nhìn xuống, rão bước dài theo những con đường của một thành phố lớn như Rio de Janeiro ở Nam Mỹ, thì đó là một hình ảnh kỳ lạ có thể khơi gợi những lời phê bình kém thân thiện của khách qua đường. Lại có sự khác biệt khó chịu về khí hậu mà nhà sư từ vùng nhiệt đới đến phải kinh nghiệm. Con đường của nhà truyền giáo trải qua những quốc gia khó khăn có thể ngoằn ngoèo, khúc khuỷu và quanh co xuyên qua những khuôn mẫu văn hóa rất xa lạ đối với họ. Dầu sao, một nhà Dhammadùta đã chọn nhiệm vụ cao cả là truyền bá Giáo Pháp (Dhamma) tối thượng, đức hạnh từ bi và trí tuệ của đấng Toàn Giác, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn và mọi nỗi khổ tâm với lòng dũng cảm và ý chí không lay chuyển. Vị ấy không chùng bước mà mạnh dạn thẳng tiến trên con đường của mình, tâm luôn luôn chăm chú đến mục tiêu. Ngài không cố ý nhét vào tâm của người mình tiếp xúc những quan điểm riêng tư của mình. Mục đích chánh của Ngài là xây đắp nhịp cầu hiểu biết để hoằng dương giáo huấn của bậc Giác Ngộ, và do đó tạo niềm hoà khí giữa các tôn giáo. Mối liên hệ giữa Phật Giáo và thế giới Tây Phương đã có từ trước kỷ nguyên Thiên Chúa. Ta có thể nói mà không sợ lầm lạc rằng sự tiếp xúc giữa Phật Giáo và thế giới Tây Phương đã có từ trước ngày Ðức Chúa Jesus giáng sanh. Lịch sử cho biết rằng vào thế kỷ thứ tư trước D.L. Hoàng Ðế Alexander the Great của xứ Macedonia đã xâm chiếm Ấn Ðộ. Mặc dầu đế quốc mà ông sáng lập đã sớm phai tàn, diễn biến này chắc chắn đã thắc chặt mối tương quan giữa hai quốc gia, và sự phân chia Tây là Tây, Ðông là Ðông mà Rudyard Kipling tán tụng, dần dần tan biến. Và không còn nghi ngờ rằng văn hóa Ấn Ðộ cùng với tư tưởng Phật Giáo đã du nhập vào Greece (Hy Lạp) do những nhà trí thức Hy Lạp lúc bấy giờ thỉnh thoảng sang viếng Ấn Ðộ, và chính Ðại Ðế Alexander cũng cảm thông tư tưởng Phật Giáo, giúp truyền bá giáo huấn của Ðức Phật. Như đã được đề cập trước đây, những phái đoàn của Vua Asoka đã vào những lãnh thổ của Hy Lạp, cùng với bức thông điệp của Ðức Phật. Những khám phá trong thời hiện đại đã tìm thấy những bia đá ghi sắc lịnh của Asoka, viết không phải bằng chữ Brani trong ngôn ngữ Ấn Ðộ mà bằng chữ Greek (Hy Lạp) và Aramaic, ngôn ngữ mà Chúa Jesus nói. Ðiều này chỉ rằng các giống dân Greek và Semitic (ở Trung Ðông, hổn hợp Phi Châu và Á Châu) đã có chú ý đến những lời của Ðức Phật được ghi tạc vào đá do lịnh Vua Asoka. Tuy nhiên, người Âu Châu mới có cái nhìn thoáng qua vào Phật Giáo khi những du khách của họ, nhất là các nhà truyền giáo Thiên Chúa, đáp tàu hướng về phương Ðông vào thế kỷ thứ mười sáu. Lẽ dĩ nhiên, từ những vị truyền giáo đi về phương Ðông để "khai hóa" người Á Ðông và cho họ một đức tin, chúng ta không thể trông đợi một bản tường trình trung thực và vô tư về những lời dạy minh bạch của Ðức Phật, mà chỉ là những diễn dịch méo mó và sai lầm. Ðiều này nổi bật một cách rõ ràng trong những văn phẩm đề cập đến Phật Giáo mà tác giả là những nhà truyền giáo thời xưa. Cảm tưởng chung về đạo Phật mà những sách này tạo nên là đây chỉ là một tôn giáo cổ lỗ sơ khai, chuyên sùng bái thần tượng. Chí đến ngày nay những sai lầm ấy vẫn chưa được sửa chửa và vài nhà truyền giáo tân thời vẫn theo đúng y như xưa. Tuy nhiên, phải ghi nhận vài giáo sĩ Thiên Chúa trong thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi đã góp phần quý giá vào sự hiểu biết Phật Giáo. Tôn Giáo Thế Giới Một tôn giáo được xem là tôn giáo thế giới khi đã được truyền bá vượt ra ngoài quốc gia gốc. Ngày nay có năm tôn giáo thế giới: Phật Giáo, Cơ Ðốc Giáo, Ấn Ðộ Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo. Phải nói rằng tôn giáo là một trong một số ít điều làm phân biệt người này với những người khác. Ðây rõ ràng là một hiện tượng nhân sinh và như vậy, phải được đối xử như phương tiện nhân sinh, từ quan điểm của con người, và với cảm xúc của con người. Danh từ "religion", tôn giáo, có thể được giải thích bằng nhiều cách. Mỗi hệ thống tín ngưỡng diễn dịch và định nghĩa theo một lối. Anh ngữ "religion" có một ý nghĩa đặc biệt dính liền với nó. Theo thiển ý của tôi (Ðại Ðức tác giả) hình như cố tìm một định nghĩa cho tôn giáo cũng vô ích. Tuy nhiên, lãnh vực tôn giáo quả thật rất rộng rãi. Tôn giáo ngày nay có một hệ thống cảm xúc, tư tưởng, và cơ cấu tổ chức đầy đủ, có các buỗi lễ và những nghi thức tôn giáo. Vào lúc ban sơ không có những tổ chức như ta thấy ngày nay. Không tôn giáo nào có tổ chức, có lẽ ngoại trừ Hồi Giáo, vốn mới được sáng lập chỉ có 1375 năm nay, là tôn giáo trẻ nhất trong các tôn giáo thế giới. Tuy nhiên, với thời gian, tôn giáo được cải tiến, tổ chức và được lập thành cơ cấu sinh hoạt. Ngày nay vài tôn giáo thế giới không phải chỉ là đức tin suông nói đến việc cứu rỗi con người và cuộc sống sau này, mà đã trở thành nền văn hóa với đầy đủ các bộ phận: xã hội, giáo dục, kinh tế và chí đến chánh trị. Bất luận tôn giáo nào mà người Tây Phưong chấp nhận và theo, cũng đều từ Á Châu đến. Nên ghi nhận rằng tất cả những tôn giáo sống hiện thời đều bắt nguồn từ Á Châu: Ấn Ðộ Giáo, Phật Giáo, đạo Jain hay Sikkhim ở Ấn Ðộ; Lão Giáo và Nho Giáo ở Trung Hoa, đạo Zoroastria ở Iran (Ba Tư); Do Thái Giáo và Cơ Ðốc Giáo ở Isreal (Do Thái), và Hồi Giáo ở Arabia (Á Rạp). Ðôi khi có người Tây Phương, có lẽ đây không phải là những tư tưởng gia nghiêm chỉnh, liều lĩnh nói rằng một tôn giáo như Phật Giáo, hay chí đến Ấn Ðộ Giáo và Hồi Giáo, có lịch sử và văn hóa của riêng chính họ, đó là những khuôn mẫu văn hóa khác biệt với văn hóa Tây Phương, vì lẽ ấy không thích hợp với người Phương Tây, vốn có nền tảng văn hóa và lối nhìn sự vật khác hẳn. Nhưng ta biết rằng Phật Giáo và Ấn Ðộ Giáo khởi sanh từ những giống dân Âu-Ấn (Âu Châu-và-Ấn Ðộ) tại miền Bắc xứ Ấn Ðộ hơn 2,500 năm về trước, trong khi đó, Cơ Ðốc Giáo, tôn giáo thạnh hành nhất ở Phương Tây, bắt nguồn từ tập tục Semitic (pha lẫn Phi Châu và Á Châu) của vùng Trung Ðông, nơi mà Do Thái Giáo và Hồi Giáo bắt nguồn. Do đó, khó mà biết được tới độ nào văn hóa Semitic giống như, hay gần hơn, văn hóa Tây Phương hay văn hóa Ấn Ðộ. Ta có thể nói rằng về phương diện tôn giáo, người Á Ðông và người Âu Châu, gồm luôn cả người Mỹ, vốn từ Âu Châu đến, đều phát sanh từ một nguồn gốc. Dầu sao, khi Cơ Ðốc Giáo du nhập vào miền Tây Âu Châu và Mỹ Quốc, xuyên qua đế quốc La Mã, thì có nhiều biến đổi. Những luồn sóng của nền văn minh vật chất và văn hóa Tây Phương ảnh hưởng mạnh mẽ đến Cơ Ðốc Giáo, và Nhà Thờ dần dần cải cách để trở thành một tôn giáo thích hợp với lối nhìn vào sự vật của người Tây Phương. Các tôn giáo phải chịu trải qua những chuyển biến để tùy hợp thích nghi với phong tục cổ truyền, tập quán và phong hóa của dân, của những điều kiện lịch sử, địa dư và khí hậu, nhưng điều ấy không có nghĩa là phải hy sinh nền móng nòng cốt của một tôn giáo. Phật Giáo Du Nhập Vào Âu Châu Những hiểu biết về Phật Giáo đầu tiên đến Anh Quốc, Ðức Quốc, và những quốc gia khác ở Âu Châu, không phải do các nhà truyền giáo đạo Phật mà do sách vở. Sách là giáo sĩ. Chí đến đầu thế kỷ mười chín người phương Tây mới thật sự bắt đầu nghiên cứu và dần dần truyền bá giáo lý của Ðức Phật. Một ít học giả lỗi lạc tìm học Phật Giáo và tư tưởng Ấn Ðộ, và viết ra những quyển sách thâm sâu về lịch sử và giáo lý nhà Phật bằng nhiều ngôn ngữ Âu Châu khác nhau. Trong các ấn phẩm này ta có thể ghi nhận công trình nghiên cứu của các nhà Ðông Phương Học người Pháp, Eugene Burnouf và George Turner, một công chức tại Sri Lanka đã cho xuất bản bằng mẫu tự La Mã tập Mahavamsa (Ðại Niên Sử Tích Lan) cùng với bản dịch, vào năm 1837, làm tiên phong mở đường cho những cuộc khảo cứu tài liệu bằng tiếng Pali của người Âu Châu. Thành quả của công trình này tuy chậm chạp nhưng tăng trưởng vững vàng trong việc tìm học Phật Giáo và văn hóa Phật Giáo. Phải nói rằng phần đóng góp của Anh Quốc vào công cuộc truyền bá Phật Giáo và những khảo sát Ðông Phương rất là quan trọng. Ta phải đặc biệt ghi nhận nhà bác học T.W. Rhys Davids (1843-1922). Ông đến Sri Lanka vào năm 1864 và trong tám năm lưu ngụ tại đây như một công chức, ông quan tâm đến chữ Pali và Phật Giáo; và với sự hướng dẫn và giảng dạy của những nhà sư uyên bác Sinhala (Tích Lan), ông học cả hai, Pali và Phật Giáo. Khi trở về Anh Quốc vào năm 1872, ông dấn thân vào những công trình khảo cứu ngành Ðông Phương Học và hợp tác với những học giả trứ danh như Victor Fausboll, Hermann Oldenburg và Robert Childers. Childers, cũng như người bạn Rhys Davids, cũng đến Sri Lanka với tư cách là một công chức vào năm 1864. Hai quyển của bộ Dictionary of the Pali Language (1872-1875) vào thời bấy giờ là một công trình bao quát có tầm mức kiến thức rộng rãi, đến nay vẫn còn giá trị để tham khảo, là một đóng góp trọng đại trong việc nghiên cứu tiếng Pali. Vào năm 1881 Rhys Davids được mời sang Mỹ để thuyết một loạt những bài giảng tại Hibbert. Ông Rhys Davids được người Phật tử và những ai quan tâm tìm học tiếng Pali cùng khắp thế giới tưởng niệm tri ân nồng nhiệt vì sự đóng góp lớn lao của ông trong công trình nghiên cứu Ðông Phương. Ðóng góp lớn nhất của ông là sáng lập hội Pali Text Society vào năm 1881. Ðây là một cố gắng để biên soạn một cách sáng suốt và ấn loát bằng mẫu tự La Mã kinh điển Phật Giáo và các Chú Giải, và chuyển dịch sang Anh ngữ. Mục đích rõ ràng của ông là "giúp cho người hiếu học có thể đến gần những kho tàng văn học Phật Giáo thời nguyên thủy, tuy dồi dào phong phú nhưng vẫn còn thầm lặng nằm đó không ai xuất bản và trong thực tế vẫn nằm im vô dụng trong những bản thảo khác nhau được tàng trử đó đây trong các đại học và các thư viện ở Âu Châu." Chính ông đã xuất bản nhiều kinh điển Pali và chuyển dịch một số. Ông có một chân giáo sư về Pali ngữ và Văn Học Phật Giáo tại Ðại Học London và đứng ra thành lập viện nghiên cứu Ðông Phương, London School of Oriental Studies. Về điểm này cũng nên đề cập đến Bà Caroline A. Foley Rhys Davids, một người đàn bà rất thông minh. không những đã giúp chồng trong công tác văn học, mà chính bà cũng chủ biên và chuyển dịch sang Anh ngữ một số sách Pali, hay những bản thảo, và diễn dịch nội dung theo sự hiểu biết của bà, đôi khi bất hạnh, không hẳn ăn nhịp hoà điệu với truyền thống Phật Giáo. Nếu không có hội Pali Text Society, giáo lý nguyên thủy của Ðức Phật ắt không được hoằng dương rộng rãi, đặc biệt là trong thế giới Tây Phương. Hội đã xuất bản bằng tiếng Pali, với mẫu tự La Mã, tất cả Tam Tạng Pháp Bảo (Tripitaka) và nhiều Chú Giải. Các bản dịch này đã được tái bản nhiều lần, và đến nay là những quyển sách được lưu trử trong phần lớn các đại học tại Âu Châu, Hoa Kỳ và các xứ Á Ðông. Thêm vào những sách ấy, hiện thời chúng ta có bộ Pali-English Dictionary, the Magnum Opus của Giáo Sư Rhys Davids với sự hợp tác của Dr. W. Stede; Dictionary of Proper Names, của Dr. G.P. Malalasekara; và Pali Tripitaka Concordance. Bộ Oriental Pali Dictionary, mà Hàn Lâm Viện Ðan Mạch (Danish Academy) bắt đầu, mặc dầu còn phải vài năm nữa mới hoàn tất, sẽ là một công trình từ nguyên học lỗi lạc. Quyển tự điển này do nhà học giả uyên thâm xứ Thụy Ðiển, V. Tenckner, với sự phụ tá của nhà học giả về chữ Pali của xứ Thụy Ðiển, Helmer Smith. Max Muller, người đã tạo nên bộ sách to lớn Sacred Books of the East, một loạt những bản dịch từ nhiều ngôn ngữ khác nhau của Phương Ðông sang Anh ngữ do sự đóng góp của nhiều học giả, đã khuyến khích Rhys Davids bắt đầu quyển Sacred Books of the Buddhists vào phần cuối của bộ Sacred Books of the East. Loạt sách này vẫn còn đang được tiếp tục. Các nhà học giả này, và nhiều người khác mà không có tên ở đây, đã nhiệt thành nghiên cứu và truyền bá ngành học Pali và Phật Giáo không biết mệt. Công tác mà hội Pali Text Society thực hiện trong vòng 106 năm qua, với sự trợ giúp của những học giã uyên thâm trong lãnh vực khảo cứu Pali, quả thật khổng lồ. Việc làm lớn lao này được Bà Hội Trưởng Dr. (Miss) I.B. Horner tiếp tục một cách vẻ vang thành công. Bà là một học giả rất nhiệt thành và chuyên cần, được nổi danh cùng khắp thế giới. Ta cũng phải nêu lên nơi đây những công trình khảo cứu Phật Giáo rộng rãi ở nhiều quốc gia Âu Châu, đặc biệt là Ðức và Pháp, và nhiều học giả vẫn tiếp tục việc làm của họ trong lãnh vực khảo cứu Pali và Phật Giáo với một ý chí không lay chuyển. Khi đề cập đến Phật Giáo ở Ðức chúng ta phải nhìn nhận công đức của chính người Ðức đã đem giáo lý của Ðức Phật từ những lãnh thổ Phật Giáo vào quốc gia mình. Cũng như trường hợp của Anh Quốc, chí đến những năm đầu của thế kỷ mười chín người Ðức mới tiếp nhận những bản kinh sách Phật Giáo có thể tin cậy, do các học giả chuyên về Ấn Ðộ Học người Ðức, Pháp và Anh xuất bản. Quyển Kinh Pháp Cú, Dhammapada, một quyển sách trong kinh điển Phật Giáo mà nhiều người biết, gồm 26 phẩm (chương) và 423 câu, được chuyển dịch có chú thích và những phần trích từ Bản Chú Giải, từ Pali sang La Tinh và được xuất bản vào năm 1855 do nhà học giả nổi tiếng người Ðan Mạch, Ông Fausball. Ðây là bản kinh Pali được chuyển dịch và xuất bản bằng mẫu tự La Mã lần đầu tiên tại Âu Châu và cũng là lần đầu tiên mà người Âu Châu quen thuộc. Vào những ngày đầu, người Ðức được khuyến khích nghiên cứu Phật Giáo do những tác phẩm của triết gia trứ danh, Arthur Schopenhauer, mà tư tưởng chịu nhiều ảnh hưởng của Phật Giáo. Mặc dầu tác phẩm to lớn World as Will and Idea đượm vẻ bi quan, trái ngược với tinh thần Phật Giáo vốn không bi quan cũng không lạc quan mà là quan điểm thực tiễn của đời sống và của thế gian, triết lý của Schopenhauer ảnh hưởng mọi người, khuyến khích tìm tòi khảo sát. Ông khiêu gợi những tâm hồn, không phải chỉ người Ðức mà dân chúng ở Âu Châu nói chung, bằng những bài viết khẳng định rằng Phật Giáo là cái chìa khóa để giải tỏa tất cả những vấn đề khó khăn của đời sống. Bản dịch Kinh Pháp Cú, Dhammapada, lần đầu tiên sang tiếng Ðức được ấn hành vào năm 1860, do nhà Ấn Ðộ Học Albert Weber, và đó là bản dịch kinh sách Phật Giáo đầu tiên ra một sinh ngữ hiện đại Tây Phương. Trong lãnh vực chuyển dịch từ Pali sang Anh ngữ, công trình của Karl Eugen Neumann, Oldenburg và của Ðại Ðức Nyanatiloka Mahàthera quả thật là xuất chúng. Trong những vị đã góp phần làm cho Phật Giáo được hiểu biết tại Ðức Quốc ta không thể quên những tên sau đây: Paul Dahlke, một bác sĩ người Ðức đã tám lần viếng Sri Lanka và nghiên cứu Phật Giáo Pali, là một Phật tử thuần thành có kiến thức sâu rộng về Phật Giáo Theravada (Nguyên Thủy). Phần lớn những sách do Bhikkhu Silacara chuyển dịch sang Anh ngữ cũng ảnh hưởng và giúp nhiều cho người biết tiếng Anh. Paul Dahlke chẳng những viết sách, chuyển dịch kinh điển Phật Giáo và xuất bản nhiều tập báo Phật Giáo, mà sau khi về Tây Phương, cũng sáng lập một Nhà Phật Giáo (Buddhistisches Haus) vào năm 1924 tại Frohnau, Berlin, trong thủa đất rộng mấy mẫu, trên một ngọn đồi ngoạn mục. Chính phần đất này đã được hội German Dharmadùta Society, Colombo mua lại vào năm 1957, và hiện nay là cơ sở của Sri Lanka Mission. Ðại Ðức Nyanatiloka sống đời tu sĩ Phật Giáo tại Ceylon (tên gọi xứ Tích Lan thời bấy giờ) hơn năm mươi năm, và viên tịch tại Sri Lanka (tên hiện nay) vào lúc 79 tuổi thọ. Ngài là người gốc Ðức đầu tiên xuất gia và cũng là người đầu tiên của lục địa Âu Châu. Ngài chẳng những viết rất nhiều sách bằng tiếng Ðức và tiếng Anh, mà còn thành lập cơ sở Island Hermitage năm 1911 bên bờ hồ Dodanduwa, miền Nam Sri Lanka. Tu viện cô tịch này từ bảy mươi năm nay là trung tâm đào luyện nhiều người Âu Châu, đến đây xuất gia, nghiên cứu và thực hành Giáo Pháp dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của Ðại Ðức Nyanatiloka. Hiện sống ở đây có những vị tỳ khưu người Tây Phương, phần lớn là Ðức và Mỹ. Ta cũng phải nhắc đến Ðại Ðức Nyanaponika Mahàthera, vị đệ tử khả kính của Ðại Ðức Nyanatiloka. Bước theo dấu chân của thầy, Ðại Ðức Nyanaponika tiếp nối vẻ vang công trình của bậc tiền bối mình, đóng góp những bản dịch trứ danh sang cả hai thứ tiếng, Ðức và Anh. Trong sự cố gắng truyền bá Phật Giáo, cùng với Mr. Richard Abeysekara, Ngài thành lập hội Buddhist Publication Society (BPS). Bắt đầu hoạt động vào năm 1958, hội này ngày nay là nhà xuất bản rộng lớn nhất thế giới. Quyển Seven Factors of Enlightenment, do tác giả sách này (Ðại Ðức Piyadassi Mahàthera) biên soạn, là quyển sách nhỏ đầu tiên do hội Buddhist Publication Society xuất bản. Ðến nay hội đã phát hành 360 quyển theo loại "Wheel Series", được phân phối cùng khắp thế giới. Oldenburg, Max Muller, Wilhelm Geiger, Kurt Schmidt, George Grimm, Kurt Seidenstuecker, Paul Dhalke,Von Glassenapp, Wald Schmidt và Wintermitz là một vài vị đã làm việc không biết mệt, chuyển dịch tài liệu Phật Giáo sang tiếng Ðức và biên soạn sách về Phật Giáo, khuyến khích nhiều người nghiên cứu những lời dạy của Ðức Phật. Sự lưu tâm đến Phật Giáo được chăm ngòi do các bậc thông thái uyên thâm như nhà Ðông Phương Học người Pháp, Eugene Burnouf, triết gia người Ðức Schopenhauer và Ðông Phương Học người Anh Rhys Davids, truyền lan cùng khắp Âu Châu và Mỹ Quốc, và kết quả là đến nay công trình nghiên cứu Phật Giáo được một nhóm học giả uyên thâm về Ấn Ðộ Học và Ðông Phương Học tiếp nối vẻ vang. Truyền thống của người Pháp do Burnouf và Sylvan Levi thiết lập được những học giả nổi tiếng như Paul Demieville, Louis Renou và những người khác nối tiếp. Học trò của Sylvan Levi, một nhà Ấn Ðộ Học người Bỉ Louis de La Valle Poussin, và học trò của ông này, Etienne Lamotte và những học giả Hòa Lan như K. Kern, J.W. De Jong và G. Tucci người Ý, và tại Nga, những học giả như Vaailieff, Minayeff và Stecherbatsky và nhiều người khác đã là những người đã giúp đẩy mạnh rất nhiều, những công tác nghiên cứu Phật Giáo và tư tưởng Ðông Phương. Tại Mỹ Quốc, vào những năm cuối cùng của thế kỷ mười chín, Ông Charles Rockwell Lanman và môn đệ của ông, Henry Clarke Warren sáng lập nhà xuất bản Harvard Oriental Series để khuyến khích người Tây Phương lưu tâm đến trí tuệ cổ xưa của người Ðông Phương và để đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người sống ở hai bán cầu khác nhau. Trong các ấn phẩm do nhà xuất bản này phát hành, có nhiều sách Phật Giáo được chuyển dịch từ Pali sang tiếng Anh. Quyển Buddhism in Translation của Warren, vào năm 1896, quyển Buddhist Legends của Eugene Watson Burlingame, vào năm 1921, vốn là bản dịch sang tiếng Anh của quyển Dhammapada Commentary, và bản dịch quyển Sutta Nipata, của Lord Chalmers là những đóng góp quan trọng. Trong sự cố gắng của ông để trình bày Phật Giáo cho đọc giả Tây Phương, Warren bao hàm luôn trong tác phẩm của ông đời sống Ðức Phật, Giáo Pháp, và Giáo Hội Tăng Già, tất cả đều được trực tiếp trích dịch từ kinh điển Phật Giáo chính thống và như vậy làm cho sách chắc thật chính xác. Tác phẩm này được lưu thông rộng rãi tại Mỹ Quốc, Âu Châu và ở phương Ðông và gần phân nửa là sách học của Ðại Học Harvard. Bình luận về nhân vật và tác phẩm, Lanman nói: "Sự ra đời vào đúng thời điểm của nhà xuất bản Harvard Oriental Series nhìn về chung, nói lên một cách hùng biện trí sáng suốt phân biện của người học trò, vừa là bạn thân mến và không thể quên được của tôi, Henry Clarke Warren. Nơi ông ta chung hợp lại, không những ý chí và khả năng thành lập cơ quan xuất bản như vậy, mà còn sức học uyên thâm và trí tuệ minh mẫn có thể giúp ông nhìn thấy trước một cách tổng quát sự lợi ích của nó và những gì có thể làm được. Chúng ta đã biết rằng Phương Ðông có nhiều bài học để dạy Phương Tây; dầu đó là bài học để tịnh dưỡng tâm trí hay vệ sinh cho người lính ngoài mặt trận; dầu là nội tại triết học có tánh cách thần linh hay trạng thái đơn giản của đời sống, hay việc lấy điều tốt để khắc phục cái xấu, ông ta biết rằng bài học đầu tiên phải dạy là cái thói quen của tâm, đây là điều có thể dạy được. Nếu xét đoán là đúng, nếu các mục tiêu đã thành đạt một cách có đo lường -- thì Warren xứng đáng cho người ta tưởng nhớ, không phải chỉ như một học giả, mà cũng là một người có tinh thần yêu nước và một công ích thực dụng." Chúng ta cũng phải ghi nhận nơi đây phần đóng góp quý báu của Cố Giáo Sư Edgerton của Ðại Học Yale University vào công trình nghiên cứu kinh sách Pali bằng cách soạn thảo quyển tự điển và văn phạm Buddhist Hybrid Sanskrit Dictionary, Reader and Grammar, xuất bản năm 1953, và Dwight Goddard, một Phật tử người Mỹ đã viết quyển A Buddhist Bible. Từ trước thời Phật Giáo du nhập vào Hoa Kỳ, Ðại Tá Henry Steele Olcott, một người Mỹ đã tham dự trận nội chiến Mỹ Quốc, đứng về phía liên bang, đến Sri Lanka vào năm 1880 với một người bạn và đồng nghiệp, Bà Helena P. Blavatsky. Cả hai đều chọn triết học Phật Giáo. Trên một bức tường ở chùa Vijayànanda Vihàra, Weliwatta, Galle, thuộc ven biển miền Nam của hải đảo, Colonel Olcott viết: "Những hàng chữ này chứng nhận rằng vào ngày 19 tháng 5, 1880 những sáng lập viên hội Theosophical Society (Thông Thiên Học), Madame H.P. Blavatsky và chính tôi, thọ trì Ngũ Giới lần đầu tiên với Akmimana Dhammàràma Thera tại chùa Vijayànanda Vihàra. S. Olcott." Rồi hai vị này thành lập hội Theosophical Society, và hoạt động nhằm phục hưng đạo Phật và văn hóa và nền giáo dục Phật Giáo, vốn đã tan biến nhanh chóng sau mấy thế kỷ bị ngoại quốc đô hộ. Công trình của Olcott dã được biết quá nhiều để có thể lặp lại nơi đây. (Xem BPS Wheel số 281, Colonel Olcott, His Service to Buddhism.) Ta có thể nói một cách chắc chắn rằng Phật Giáo được truyền sang Mỹ Quốc vào năm 1893 nhân kỳ đại hội các tôn giáo thế giới World's Parliament of Religions hợp tại thành phố Chicago vào năm 1893. Trong kỳ đại hội này cố Anagàrika Dharmapàla, một người Sri Lanka, và cọng sự viên chặt chẽ của Colonel Olcott, đại diện Phật Giáo. C.T.S. Strauss của New York, mà về sau viết những sách về Phật Giáo, có lẽ là người Mỹ đầu tiên chấp nhận Phật Giáo. Ông quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới với Anagàrika Dharmapàla. Người ta nói rằng cũng vào lúc bấy giờ một Phái Ðoàn Truyền Giáo Nhật Bổn lần đầu tiên đến San Francisco và bắt đầu những hoạt động Phật Giáo tại đây. Công Trình Phục Vụ Phật Sự Của Anagàrika Dharmapàla Vào tháng 12, năm 1890 khi Anagàrika Dharmapàla đến viếng Buddha Gayà (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi mà Ðức Phật Gotama chứng ngộ toàn giác tối thượng, ông nhận thấy rằng thánh địa này rõ ràng bị bỏ phế và điêu tàn hoang vắng. Nơi đây, dưới cội Bồ Ðề lịch sử, ông phát tâm khẩn nguyện, thệ ước cứu thoát Buddhagayà ra khỏi tay những người Mahant không-phải-Phật Tử và đem trở về Phật Giáo. Sau cuộc tranh đấu dài dẳng và mệt nhọc, Anagàrika thắng cuộc và Buddha Gayà chánh thức trở về Phật Giáo. Vào ngày 31 tháng 5, 1891, ông thành lập hội Mahà Bodhi Society, lúc bấy giờ gọi là "Buddhagayà Mahà Bodhi Society". Số đầu tiên của tạp chí Phật Giáo Mahà Bodhi ra ánh sáng dưới sự chủ biên của ông vào dịp lễ Vesak (Phật Ðản, hay Tam Hợp), ngày trăng tròn tháng 5, 1892. Bài thuyết trình của Anagàrika Dharmapàla tại đại hội World's Parliament of Religion được tiếp nhận rất tốt đẹp. Ông tạo cho người nghe một khích động mạnh mẽ. Sau khi vẻ vang thành công tại Chicago ông sang Honolulu, và nơi đây ông gặp Madame Mary Foster vào ngày 17 tháng 10, 1893. Vị Phật tử có tâm đạo nhiệt thành và giàu lòng quảng đại này là một hỗ trợ hữu hiệu cho Anagàrika trong việc hoằng dương Ðạo Pháp. Vào ngày 13 tháng 7, năm 1931, Anagàrika Dharma- pàla gia nhập vào Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo, có pháp danh là Devamitta và viên tịch vào ngày 29, tháng 4, năm 1933 tại Sarnath, Bàranasi, Ấn Ðộ, nơi Ðức Phật thuyết thời Pháp đầu tiên, Vận Chuyển Pháp Luân, bánh xe chân lý. Ông hưởng thọ 70 tuổi. Lời nói cuối cùng của ông là: "Hãy cho tôi tái sanh hai-mươi-lăm lần để truyền bá những lời dạy của Ðức Phật." Phái đoàn Phật Giáo đầu tiên đến Anh Quốc ngày 23 tháng 4, năm 1908. Người hướng dẫn phái đoàn không ai khác hơn là Ðại Ðức Ànanda Meteyya, một vị tỳ khưu người Anh mà tên ngoài đời là Allan Bennet. Ðại Ðức thọ giới tỳ khưu (Cụ Túc Giới) tại Miến Ðiện và dành trọn đời mình để phục vụ Phật Pháp. Chính quyển Light of Asia của Sir Edwin Arnold đã thu hút Allen Bennet, lúc ấy 18 tuổi, về với Phật Giáo. Hội Phật Giáo ở Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan, Buddhist Society of Great Britain and Ireland, được thành lập ngày 26 tháng 11, năm 1907 nhằm trợ giúp Phái Ðoàn Phật Giáo. Hội này hoạt động đến năm 1923, thì được hội Buddhist Society hiện nay thay thế. Cố Mr. Christmas Humphreys là Chủ Tịch từ lúc đầu. Tại Anh Quốc, Ðại Ðức Ànanda Mettaya được sự trợ giúp của một nhóm học giả và thí chủ nhiệt thành như Dr. và Mrs. Rhys Davids, Sir Edwin Arnold và Dr. E.R. Rost, để chỉ kể một vài vị. Duyên dáng và trang nghiêm trong bộ y màu vàng nghệ, Ðại Ðức Ànanda Mettaya tạo nhiều cảm tưởng rất tốt cho những ai đến gặp và thảo luận Phật Giáo với Ngài, và những vị đã sẵn có chút ít ý niệm về tôn giáo mới mẻ xuyên qua sách vở, cũng trở thành Phật tử. Francis Payne mà về sau hoạt động mạnh cho Phật Giáo ở Anh Quốc, cùng với vợ và các con, là những người đầu tiên tự khép mình vào khuôn khổ Phật Giáo. Một cuộc nghiên cứu thận trọng về lịch sử Phật Giáo trong thế giới Tây Phương cho thấy rằng đến nay Phật Giáo vẫn ở trong tay của một số ít học giả chỉ đứng về phương diện thuần túy "học giả" để nói đến một "tôn giáo sống". Ngày nay thì hoàn cảnh đã đổi thay, và hình như Phật Giáo đang đứng trước một khúc quanh mới. Nhờ có nhiều tài liệu văn học Phật Giáo hơn trước đã được đến tay người Phương Tây, và nhờ thỉnh thoảng có những phái đoàn truyền giáo đạo Phật được cơ hội, theo đường lối khiêm tốn của mình, giúp cho người Tây Phương quen thuộc với giáo lý nhà Phật, những người Âu và người Mỹ đã thông hiểu rằng Phật Giáo không phải chỉ lả một hệ thống giáo thuyết suông mà còn là một lối sống, một kho tàng kiến thức vô tận, nền tảng tôn giáo của một văn hóa có tầm quan trọng quốc tế. Tuy nhiên, không nên quên rằng khúc quanh mới này phần lớn là nhờ công trình vị tha bất vụ lợi của các học giả trong khoảng một trăm năm qua. Hội Buddhist Publication Society Nhiều chuyển biến đã xảy diễn ở Phương Tây trong những năm gần đây. Có một sự quan tâm đến Phật Giáo, cả Nam Tông và Bắc Tông, ngày càng tăng trưởng. Nhiều hiệp hội, nhiều trung tâm, nhiều nhóm Phật Giáo đã được thành lập, và nhiều ngôi chùa được kiến tạo. Sách vở đủ loại, đủ cỡ, đủ hạng, có uy tín hay gì khác, và tạp chí, báo chí, nội san, đã được ấn hành hằng ngàn số. Văn học Phật Giáo, ngày nay cũng như trong quá khứ, là phương tiện hữu hiệu để truyền bá Phật Giáo sang thế giới Tây Phương. Hội Buddhist Publication Society (BPS) tại Kandy, Sri Lanka, đã làm nhiệm vụ truyền thông bằng cách xuất bản hơn hai triệu sách cỡ lớn và cỡ nhỏ đề cập đến dủ mọi sắc thái của Phật Giáo, và phân phối cùng khắp thế giới, trên chín mươi quốc gia. Những sách này là các bản dịch những lời dạy của Ðức Phật, hoặc trích từ những lời dạy ấy, cung hiến những tài liệu chắc thật từ kinh điển chính thống. Do trình độ văn hóa tiêu chuẩn, các tác phẩm ấy được học giả và Phật tử mọi nơi nhiệt thành hoan nghinh. Ðại Ðức Nyanaponika Mahàthera, nay đã niên cao tuổi lớn, từ chức ở BPS sau ba mươi năm phục vụ. Tuy nhiên Ngài vẫn là cố vấn và hướng dẫn tinh thàn. Hiện nay vị Chủ Biên và Chủ Tịch của hội là một học giả nổi tiếng người Mỹ, Tỳ Khưu Bodhi, với sự phụ tá của một nữ tu sĩ người Mỹ, Ayyà Nyanasiri (Helen Wilder). Phật Giáo đã tạo được một tổ ấm châu toàn ở Anh Quốc. Hội Buddhist Society of London và ngôi tự viện Buddhist Vihàra cùng các cơ sở liên hệ đáng được đặc biệt ghi nhận về công trình đem Phật Giáo vào Anh Quốc. Cố Ðại Ðức Nàrada, Tăng Trưởng chùa Vajirarama, Sri Lanka, một nhà Dhammadùta (truyền giáo) tiền phong, và cố Sir Cyrilde Zoysa là hai vị có công thành lập chùa London Buddhist Vihàra, vào năm 1954. Do sáng kiến của vị Ðại Trưởng Lão Tăng này một số khá đông các hội Phật Giáo được khai sáng ở cả Tây và Ðông Phưong. Tu viện Chithurst Forest Monastery ở Sussex, dành cho chư Tăng, và Amaràvati Buddhist Centre ở Herts, Anh Quốc dành cho chư Ni, là hai cơ sở rộng lớn đã thực hiện nhiều công tác đáng được tán dương, dưới sự hướng dẫn sáng suốt của nhà sư Mỹ, Achan Sumedho. Những vị Ðại Trưởng Lão Tăng (Mahàthera) Hammalawa Saddhatissa, Piyadassi của chùa Vajirarama, Mirisse Gunasiri, Medagama Vajiranàna, Kurunegoda Piya- tissa, Hikgoda Khemananda, Balangoda Ananda Maitreya và Ðại Ðức Vinita là vài vị trong nhóm chư Tăng Sri Lanka đã tận tụy nhiệt thành hoạt động cho sự tiến bộ của chùa London Buddhist Vihàra và công cuộc hoằng dương giáo huấn của Ðức Phật tại Anh Quốc và những quốc gia Âu Châu. Ngày nay ở Anh có một số tu viện và cơ sở hoạt động để truyền bá Phật Giáo và đem lại niềm hoà khí giữa các tôn giáo. "Das Buddhistisches Haus" hay Chùa Berlin (Berlin Vihàra) do một người Ðức, Dr. Paul Dahlke, sáng lập. Về sau hội German Dharmadùta Society của Sri Lanka tiếp nhận trách nhiệm chăm lo cơ sở này và một số các nhà sư Sri Lanka lưu ngụ tại đó thỉnh thoảng thực hành tốt đẹp những công tác Phật sự. Ðại Ðức Mahinda của chùa Vajirarama hiện nay là vị sư thường trú tại chùa này. Cũng như ở Ðức, ở Pháp cũng có một số cơ sở Phật Giáo. Gần đây Ðại Ðức Parawahera Chandananda, với sự trợ giúp của một thiện tín, Dr. Ànanda Guruge, Ðại Sứ Sri Lanka tại Pháp và thành viên thường trực của hội UNESCO, Paris, đứng ra sáng lập trung tâm Phật Giáo quốc tế, International Buddhist Centre tại Paris. Cũng trong thời gian gần đây hai trung tâm Phật Giáo được thành lập tại Ý. Ngày nay trong các thành phố lớn của xứ Ðức có nhiều Hội Phật Giáo và nhiều Trung Tâm Hành Thiền. Hội viên của họ hoạt động mạnh mẽ, và ủng hộ "Ngôi Nhà của sự Tĩnh Lặng", thường ở ngoài thành phố, để mở các lớp học, những cuộc hội thảo, những buỗi thuyết giảng và các khóa thiền. Tại Ðức có nhiều báo chí Phật Giáo được phát hành. Nhiều sách, một số lớn ấn hành theo loại bình dân, đã được xuất bản để kịp thời đáp ứng nhu cầu. Cũng như trong các quốc gia khác, ở đây, Ðức Quốc, sách có một vai trò quan trọng, tuy chậm chạp nhưng vững chắc, trong việc truyền bá Phật Giáo. Các Hội Phật Giáo có những hội viên đăng ký. Trong toàn thể nước Ðức có nhiều ngàn Phật tử và một số nhiều hơn, quan tâm đến Phật Giáo. Hiện nay Phật Giáo đã du nhập vào những lãnh thổ miền Bắc Âu, Scandinavia. Do đó, cũng như ở hầu hết các quốc gia miền Tây, nơi đây có những Hội Phật Giáo, những nhóm và những trung tâm nghiên cứu Phật Giáo và trung tâm văn hóa Phật Giáo. Tại Sweden (Thụy Ðiển), Nữ Tu Sĩ Amità (trước kia là Miss Wagner) là nhà lãnh đạo của một hội gọi là "Friends of Buddhism," một nhóm người rất hăng say trong những hoạt động Phật Giáo. Vài năm trước đây một ngôi chùa Phật Giáo do Ðại Ðức Paranagama Sumanaratana kiến tạo tại Stockholm, với sự nhiệt thành ủng hộ của nhiều thí chủ. Một trong những người đứng đầu các vị này, Dr. Henning Sjostrom, luật sư và nhà văn tại Stockhom, là đệ tử của tác giả. Khi nói về Phật Giáo trong thế giới Tây phương, ta cũng nhớ đến Australia (Úc Ðại Lợi) và New Zealand (Tân Tây Lan), mặc dầu một cách chính xác, hai quốc gia này không nằm ở Tây phương. Ðối với người Úc, Phật Giáo tương đối vẫn còn mới mẻ. Nhưng, để hoằng dương thông điệp của Ðức Bổn Sư, một ít vị rất hăng say và tận lực hoạt động, một cách châm chạp nhưng vững chắc, bằng cách thuyết giảng, tổ chức các buổi hội thảo và phân phát sách báo Phật Giáo. Những cố gắng của họ lúc sơ khởi tạo nhiều thành quả thâm sâu. Ngày nay có nhiều Phật tử ở Australia (Úc) và New Zealand (Tân Tây Lan) và một số hội, chùa và trung tâm hành thiền đã được sáng tạo, trong số đó có thiền viện Wat Buddha Dhamma Meditation Centre, tọa lạc trong một khu rừng hai trăm mẫu tại Ten Mile Hollow, Wisemans Ferry tại N.S.W. Ðại Ðức Phra Khantipalo là Tăng trưởng. Trung tâm Bodhinyana (Dhammàloka Buddhist Centre) ở Perth, thiền viện Bodhinyana (Forest Hermitage) ở huyện Serpentine, phía nam thành phố Perth, thiền viện Bodhinyana (Forest Hermitage) ở Wellington, và chùa Buddhist Vihàra ở Auckland, New Zealand, là những cơ sở Phật Giáo mới được thành lập trong những năm gần đây và do những nhà sư cương nghị Tây phương hướng dẫn. Hiện nay trong hầu hết các tiểu bang của Úc đều có chùa hay những trung tâm Phật Giáo, cả Nam lẫn Bắc Tông. Tại Canberra có chùa Lào, tại Sydney và Adelaide có chùa Thái. Ðại Ðức Shanti Bhadra của Sri Lanka, đã sống ở Australia trong 16 năm trường, là tăng trưởng chùa Brisbane Vihàra. Ngài cũng hoạt động trong mười năm tại Buddhist House ở Melbourne. Rất gần đây Ðại Ðức Soma của Sri Lanka, với sự ủng hộ của nhiều thí chủ, đã sáng tạo ngôi chùa Melbourne-Sri Lanka Buddhist Vihàra tại Springvale, ở Melbourne. Tại Darwin một Hội Phật Giáo hoạt động trong ngôi chùa Darwin Buddhist Vihàra. Như vậy ta có thể thấy rằng tại Australia (Úc) và New Zealand (Tân Tây Lan) phong trào quan tâm đến Phật Giáo đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tôn Giáo Và Quốc Gia Tại Australia, cũng như trên các lãnh thổ Tây Phương khác, có hằng ngàn những "tư tưởng gia tự do" và "bạn của Phật Giáo". Một chuyển biến quan trọng đã xảy diễn trong các trường học ở Úc Châu, bởi vì ngành tôn giáo tỉ giảo (so sánh các tôn giáo) đã được dạy. Với bước tiến này và với tinh thần cởi mở của dân chúng đối với sự lựa chọn tôn giáo, trẻ con học về những giáo huấn và những tập tục cổ truyền căn bản. Nhà trường tổ chức dẫn học trò đi viếng các chùa, tại nơi đây trẻ con nghe những lời dạy đặc thù của Ðức Phật, và vài em bắt đầu học trau giồi tâm, qua pháp hành thiền Phật Giáo. Do nhờ công đức hăng say và không biết mệt của những người Phật tử đầu tiên, trải qua bao nhiêu khó khăn và khổ nhọc, mà những sinh hoạt Phật Giáo ngày nay không những chỉ tồn tại, mà tăng trưởng. Những vị tu sĩ và cư sĩ có tâm đạo nhiệt thành ấy xứng đáng được nơi đây một lời tán dương, ca ngợi những cố gắng và nhiệt tâm của họ. Tại Hoa Kỳ, người dân được hưởng tự do tín ngưỡng ở mức cao độ. Nơi đây tôn giáo và quốc gia không tay cầm tay đi chung. Có một bức tường tuyệt đối ngăn cách tôn giáo và quốc gia, được hiến pháp của họ bảo đảm. Như vậy quả thật là một hiện tượng đặc biệt Hoa Kỳ bởi vì không đâu khác, chí đến những chánh phủ dân chủ, có sự phân biệt tôn giáo như thế ấy. Có khoảng 265 môn phái tôn giáo khác nhau được liệt kê trong Niên Giám 1960 của Nhà Thờ Hoa Kỳ. Vì bản chất tự nhiên của xã hội Mỹ là đa chủng, người dân của họ hoàn toàn được hưởng tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Do đó thái độ của người Mỹ đối với các tôn giáo khác, nhất là đối với Phật Giáo, là hiểu biết và khoan dung rộng lượng. Giáo Pháp, hay Giáo Huấn của Ðức Phật, du nhập vào Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ hơn một trăm năm nay. Kể từ thời gian ấy lý tưởng Phật Giáo đâm rễ ăn sâu, và Giáo Pháp (Dhamma) được hoằng dương phong phú dồi dào. Con số Phật tử tăng trưởng, thoạt tiên với làn sóng di dân từ những quốc gia khác, nhất là các dân tộc Á Châu, và thứ đến với ngày càng nhiều người Mỹ hấp thụ tư tưởng Phật Giáo. Tại Mỹ Quốc có cả hai trường phái, Phật Giáo Theravada (Nguyên Thủy) và Phật Giáo Mahayana (Ðại Thừa). Không phải như giáo phái Theravada, giáo lý Mahayana (Ðại Thừa) khác biệt từ quốc gia này đến quốc gia khác. Trung Hoa, Tây Tạng, Ðại Hàn, Nhật Bổn, Korean Won Buddhist và Việt Nam. Trong mỗi chùa Phật Giáo đều có tín đồ người Mỹ. Mặc dầu có những phong tục tập quán khác nhau, được tổ chức khác nhau, và giảng dạy dưới hình thức khác nhau, tất cả những giáo phái Phật Giáo đều bước theo dấu chân của Ðức Phật Gotama và thực hành giáo lý căn bản của đạo Phật. Brahma Vihàra (Tứ Vô Lượng Tâm): từ, bi, hỷ, xả (mettà, karunà, mudità, upekkhà) cũng như nhau trong các trường phái. Tất cả những người Phật tử đều theo giáo lý Tứ Diệu Ðế của Ðức Phật; tất cả đều cố gắng sống phù hợp với Bát Chánh Ðạo. Nhiều trung tâm thuần túy giáo lý Theravada đã được thành lập ở Hoa Kỳ. Vào năm 1964 Ðại Ðức Madihe Pannàsìla Sanghanàyaka Mahàthera, Tăng Trưởng của tu viện Siri Vajinàna Dharmàyatana (Trung Tâm Huấn Luyện Tăng Chúng), Sri Lanka, viếng Hoa Kỳ. Kết quả là ngôi chùa Theravada Buddhist Vihàra đầu tiên được kiến tạo tại Washington D.C. vào năm 1965, Ðại Ðức Dikwela Piyananda Mahàthera của Sri Lanka, với sự trợ giúp của tác giả quyển sách này, khai mạc ngôi chùa Theravada Buddhist Vihàra đầu tiên tại Toronto, Canada (Gia Nả Ðại). Hiện nay Ðại Ðức Punnaji (Sri Lanka) là tăng trưởng. Chùa này là chi nhánh của Washington Vihàra. Vào lúc sơ khai những vị Ðại Trưởng Lão (Mahàtheras) Piyananda, Gunaratana, Piyadassi và Ðại Ðức Vinita hoạt động tích cực để củng cố, và duy trì vững chắc ngôi Washington Buddhist Vihàra. Về sau một vị tỳ khưu người Mỹ, Ðại Ðức Bodhi, lưu ngụ tại đây ba năm và thực hiện nhiều công tác hữu ích, đặc biệt là sắp xếp quy củ những tác phẩm văn học. Mr. Michael I. Roehm, Phật tử người Mỹ là một thành viên làm việc rất có hiệu quả từ lúc chùa mới bắt đầu hoạt động và ông giúp rất nhiều trong công việc tổ chức thư viện Vihàra Book Service. Ðại Ðức Dhammasiri (Sri Lanka) hiện là tăng trưởng ngôi chùa này. Ðại Ðức Gunaratana là chủ tịch sáng lập thiền viện Bhàvanà Society, ở West Virginia. Tại New York City, Ðại Ðức Kurunegoda Piyatissa là sáng lập viên và tăng trưởng chùa New York Vihàra. Tại Los Angeles quý vị Mahàtheras Piyadassi và Dhammàràma, với sự hỗ trợ của những thiện tín cư sĩ, sáng lập ngôi Los Angeles Vihàra, và Ngài Dhammàràma là tăng trưởng chùa này. Quý vị Mahàtheras Piyananda, Ratanasàra và Ànanda (Sri Lanka) sáng lập ngôi chùa Dharmavijaya Buddhist Vihàra tại Los Angeles. Một thanh niên từ Hague, Netherlands (Hoà Lan) được dịp trở thành quen thuộc với Phật Giáo, và vào năm 1977 gia nhập vào Giáo Hội với pháp danh Dhammavìranàtha. Người dũng khí can trường và tinh tấn không lay chuyển, ông sáng lập trung tâm Buddhayàna Centre tại Hague vào năm 1978 với sự bảo trợ của một số ít người Phật tử Hoà Lan. Từ lúc ban sơ nhà văn này được cử làm Bảo Trợ Viên của trung tâm. Trong vòng mười hai năm qua, Ðại Ðức Dhammavìranàtha đã thực hiện những công tác của người chủ một cơ sở nhỏ, bằng ngòi bút và miệng lưỡi -- tổ chức những hội Phật Giáo tại Hoà Lan, thuyết cả trăm bài giảng về Giáo Pháp, hướng dẫn những buổi hội thảo và các khóa thiền. Với sự trợ giúp của những vị thiện tín, Ðại Ðức viết và xuất bản nhiều sách Phật Giáo bằng tiếng Hoà Lan và tiếng Anh. Nhóm hoạt động của Ðại Ðức cũng chuyển dịch nhiều sách Phật Giáo sang tiếng Hoà Lan. Chính Ðại Ðức đã chuyển dịch và xuất bản quyển The Buddha's Ancient Path của người viết. Giờ đây số hội viên của trung tâm đã gia tăng, con đường đã được cẩn đá để thành lập một trung tâm hành thiền trong làng mạc vắng vẻ. Những người Phật tử Á Ðông tại Hoà Lan cũng tận tình ủng hộ trung tâm. Mr. Upasena de Silva, người Sri Lanka, là một thí chủ (dàyaka) trung kiên từ lúc sơ khởi. Tại Amsterdam, một nhà sư Thái, Ðại Ðức Mettàvihàra, khai mạc chùa Buddha Vihàra. Trung tâm Saddhatissa Buddhist Centre được thành lập ở Anh. Dr. Murillo Nunes de Azevedo, với sự trợ giúp của Ðại Ðức Anuruddha, thành lập trung tâm Phật Giáo tại Rio de Janeiro, Brasil (Ba Tây). Người viết sách này hoạt động với họ, và kết quả là một trung tâm hành thiền được sáng tạo gần Rio de Janeiro, tại Santa Theresa, vào năm 1970. Hiện nay Ðại Ðức Puhulwelle Vipassai Thera là trụ trì của trung tâm này. Phái đoàn Phật Giáo đầu tiên đến miền Tây Phi Châu là của người viết sách này, đến Ghana vào năm 1967. Về sau, ngôi chùa Buddhist Vihàra được kiến tạo tại Dar Es Salaam, Tanzania. Vị trụ trì của trung tâm hiện nay là Ðại Ðức Dhammasena. Tại nhiều đại học Hoa Kỳ có những phân bộ triết học và tôn giáo trong ấy Phật Giáo là một môn học. ở các đại học này tôn giáo được thảo luận dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Như ở Harvard University chẳng hạn, sinh viên được khuyến khích khảo sát tôn giáo trên phương diện tâm lý, triết lý, xã hội, và tiến trình phát triển lịch sử, và nghiên cứu vấn đề lý thuyết và luân lý trong sự dị biệt giữa các tôn giáo. Không phải như ở các trường cao đẳng của nhiều xứ khác, tại miền Ðông cũng như miền Tây, phần lớn các trường cao đẳng Hoa Kỳ khuyến khích nghiên cứu ngành học so sánh các tôn giáo. Các sinh viên lấy làm thích thú nghiên cứu và thảo luận những tôn giáo khác nhau trên thế giới. Họ nghiên cứu Phật Giáo và những tôn giáo khác để tìm hiểu nhiều hơn bề sâu tôn giáo và văn hóa của các dân tộc Ðông Phương. Tuy nhiên, ta phải nói rằng nhiều người Mỹ rất thích thú lưu tâm đến Phật Giáo. Họ nhận định rằng Phật Giáo có phần "ấm áp" hơn là họ tưởng. Tư do tư tưởng và tự do ngôn luận mà Phật Giáo rất chú trọng, và lời kêu gọi những ai muốn tìm hiểu "hãy đến và khảo sát" chớ không phải chỉ mù quáng tin suông, và quan niệm không đặt thần linh làm trung tâm và không hướng về thần linh của Phật Giáo, đã làm say mê nhiều người Mỹ. Mỹ Quốc vừa mới hơn hai trăm tuổi. Vậy mà Giáo Pháp của Ðức Phật đã đâm sâu gốc rễ vào xứ này. Cùng khắp nơi, giới trẻ không tìm thấy thích thú trong những tín ngưỡng độc đoán. Những tiến bộ trong lãnh vực kỹ thuật và khoa học phần lớn thuộc về vật chất, và do vậy thế hệ trẻ đã chán ngán với cuộc sống xa hoa, giờ đây họ mong tìm trạng thái thanh bình tĩnh lặng của nội tâm. Thế hệ trẻ đã lấy làm khó chịu với bản chất độc đoán muốn dồn ép, nhét vào đầu họ đức tin mù quáng, hướng về giáo lý cởi mở và rõ ràng minh bạch của Ðức Phật. Họ quay về Phật Giáo để giải cơn thèm khát kiến thức đạo đức. Vấn đề căn bản của thế giới Tây Phương là vấn đề tâm lý. Giới trẻ trên thế giới mong tìm thỏa mãn nội tâm. Sự tin tưởng mù quáng suông trong một tôn giáo đang nhanh chóng tan biến. Ngoại trừ một tôn giáo trau giồi lối nhìn cuộc sống theo phương cách dân chủ và khoa học, tôn giáo không có tương lai bất luận ở đâu trên thế gian. Mặc dầu Phật Giáo không dạy khoa học, giáo huấn của Ðức Phật rất thích hợp với khoa học. Cũng như trong khoa học, trong Phật Giáo có nbu cầu khảo sát và chứng nghiệm. Dầu sao Phật Giáo và khoa học là hai lãnh vực khác nhau: khoa học đề cập đến những sự vật vật chất, trong khi Phật Giáo đề cập đến tâm và những yếu tố tâm. Quả thật chúng ta đang sống trong thời đại khoa học -- một thời đại mà con người chỉ chấp nhận điều gì là chân lý sau khi đã thận trọng quan sát và trắc nghiệm, thay vì tin tưởng suông. Với những tiến bộ mới đây của khoa học, lối nhìn của con người ngày càng trở nên thuần lý, và đức tin mù quáng đã nhanh chóng tan biến. Dầu người chỉ trích Phật Giáo có nói thế nào, người học Phật Giáo thời nguyên thủy một cách vô tư sẽ nhận thấy rằng những nguyên tắc căn bản của Phật Giáo ăn nhịp hoà điệu với những phát minh khoa học. Lối nhìn có tánh cách khoa học được nhấn mạnh trong Phật Giáo khi Ðức Phật nói với người hoài nghi và với những tâm hồn tìm tòi hiểu biết: "Giáo lý này phải được khảo sát, phải được thấy, và không phải chỉ để tin suông." Quan sát và trắc nghiệm là hai phương pháp căn bản của khoa học có một vị trí nổi bậc trong Phật Giáo. Ðức Phật tuyên bố rằng Giáo Pháp là tự do và bình đẳng cho tất cả. Ngài không giữ lại gì và không bao giờ muốn vắt ép, chắt rút nơi tín đồ một đức tin mù quáng và vâng dạ phục tùng Ngài hay giáo huấn Ngài. Ngài chú trọng đến quan sát và trắc nghiệm, khảo sát phân biệt và sáng suốt tìm hiểu. Bằng những ngôn từ khẳng quyết Ngài khuyến khích phân biện khảo sát khi ngỏ lời với những người Kàlàmas trong bài kinh được gọi rất đúng là hiến chương của tư tưởng tự do (xem trang 148 ở phần trên). Có nhiều chỉ dẫn rõ ràng cho thấy rằng ở Tây Phương ngày nay một số rất lớn những người có suy tư quay về giáo huấn trong sáng và hợp lý của Ðức Phật với lòng khâm phục và tri ơn. Nhu cầu chánh yếu và khẩn thiết nhất là sách tốt, những giảng sư để thuyết Pháp và hướng dẫn những cuộc hội thảo, những thiền sư để mở các khóa thiền. Phải tăng trưởng gắp đôi những hoạt động về Giáo Pháp và phải mạnh mẻ thúc đẩy thêm các Dhammadùtas, những sứ giả đem Giáo Pháp đến người. Giáo huấn của Ðức Phật phải được trình bày như những gì thật sự thiết yếu và thích nghi với khuynh hướng tư tưởng hiện đại. Trong cuộc mưu tìm chân lý và thực nghiệm thỏa mãn nội tâm, giới trẻ trên thế giới có thể hướng về con đường chân chánh, xuyên qua giáo lý của Ðức Phật và pháp hành thiền. Ðiều cần phải quan tâm chú trọng đến là nòng cốt của Giáo Pháp: Bát Chánh Ðạo. Bát Chánh Ðạo gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là Phật Giáo thực hành, một giáo lý dành cho con người tự do. Nó không có nhãn hiệu, không có hạn định về thời gian, không gian hay chủng tộc. Nó là giáo lý của mọi thời đại. Người sống trong Giáo Pháp đem Giáo Pháp ra ánh sáng, có thể thấy Giáo Pháp và tự mình chứng nghiệm. Không thể trao truyền cho ai khác mà phải tự chính mình chứng ngộ. Mrs. C.A.F. Rhys Davids chú giải bài kinh Sigàla-sutta (Dìgha Nikàya, Trường A Hàm. 31) một bài giảng về luân lý Phật Giáo, viết: "Giáo lý của Ðức Phật về tình thương và thiện ý giữa người và người được dạy trong luân lý gia đình và xã hội với nhiều chi tiết bao quát hơn nơi nào khác ... Và chí đến ngày nay chúng ta có thể nói rằng Vinaya, hay khuôn khổ kỷ cương, là nền móng căn bản của những gì lợi ích cho con người, trí tuệ mà suy tưởng đến nó trong sạch và rộng rãi đến độ ngày nay, tại đây, nó vẫn còn mới mẻ và thật sự cần thiết như thủa nào tại Ràjagaha. 'Hạnh phúc thay xóm làng và gia tộc nào sống theo ven sông Ganges (Hằng), nơi mà dân chúng tràn đầy tình huynh đệ tương thân tương ái, và tinh thần công lý phảng phất thổi nhẹ xuyên qua những lời chất phác và đơn giản [1].' Không kém hạnh phúc hơn, xóm làng và gia đình nào sống theo ven sông Thames ngày nay mà những lời ấy thấu đến tai." [2] Hội World Fellowship of Buddhists (WFB), với sự tham dự của những nhà lãnh đạo Phật Giáo trong hai mươi chín quốc gia đã được khai mạc tại Sri Lanka vào năm 1950. Dr. G.P. Malalasekera được cử làm Chủ Tịch Sáng Lập của WFB. Những nhà lãnh đạo thanh niên Phật tử từ ba mươi lăm quốc gia cũng khai mạc hội World Fellowship of Buddhist Youth (WFBY) Sri Lanka, vào tháng 5, năm 1972. Mr. Nemsiri Mutukumara được cử giữ chức Chủ Tịch Sáng Lập của WFBY. Bức thông điệp Vườn Lộc Uyển đã cách mạng tư tưởng và đời sống của nhân loại. Mặc dầu đã được truyền đi từ 2,500 năm về trước tại Sarnath, Bàrànasi, thông điệp này đã ôn hòa du nhập vào tận những gốc trời xa xôi của quả địa cầu, dạy dỗ và hướng dẫn nhân loại trên đường giải thoát. Trong thời gian hai mươi lăm thế kỷ qua, giáo huấn của Ðức Phật và bức thông điệp mà Ngài gởi đến nhân loại đã được trắc nghiệm trên hòn đá thời gian. Thông điệp hòa bình và khoan dung đại độ có tánh cách phổ cập của Ngài thu hút chúng ta ngày nay, mặc dầu địa lý mênh mông và những chuyển biến xã hội, theo thời gian dài dẳng và đầy biến cố, đã thay đổi điều kiện của thế gian. Chú thích: [1] T.W. Rhys Davids, Buddhism (London, 1907), trang 148. [2] Dialogues of the Buddha, Phần iii, trang 168. [*] Bài nầy được cố Hòa thượng Piyadassi viết ra trong cuối thập niên 1970, và các thông tin không được cập nhật (Bình Anson, 09-2002). -ooOoo-
Ðầu trang |
Mục lục |
01.a |
01.b |
02 |
03 |
04 |
05 |
06 |
07 |
08 |
09 | |
Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002