BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch

Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.


-16-

NGHI THỨC VÀ TẬP TỤC PHẬT GIÁO

Quan Ðiểm

Phật Giáo là một hệ thống luân lý và tu tập trau giồi tinh thần và trí thức mà Ðức Phật Gotama đã ban truyền. Ðây không phải là một lối sống tuyệt đối trí thức hay hoàn toàn duy lý, cũng không phải chỉ thiên về những nghi thức lễ bái tụng niệm, mà bao gồm cả hai sắc thái, trí thức và xúc cảm của đời sống con người - tâm và trí.

Nhìn từ quan điểm này, Phật Giáo không phải như một vài nhà phê bình hấp tấp kết luận, chỉ là một phương thức suy luận có tánh cách triết học suông, một giáo lý siêu hình, và những lý thuyết trừu tượng hợp lý, không có giá trị thực tiễn nào hay không có gì quan trọng. Lối sống của người Phật tử, phương pháp của người Phật tử để nắm vững chân lý cao siêu nhất, tỉnh thức từ giấc mơ vô minh tiến đến mức hoàn toàn liễu ngộ, không tùy thuộc suông nơi sự hiểu biết trên lý thuyết hay thuần túy trí thức, mà trên một giáo lý dẫn đến thực hành, và chính sự phối hợp hữu hạnh giữa lý thuyết và thực hành đã hướng dẫn người tín đồ đến giác ngộ và giải thoát cùng tột.

Thái dộ của Ðức Phật đối với cuộc sống không phải chỉ là trí thức suông mà thực dụng. Ðó là sự chứng ngộ những gì tốt đẹp và hữu ích. Nó dẫn đến luân lý tuyệt hảo và phóng thích tinh thần. Ðiều này bao hàm công trình trau giồi những cảm kích tốt và buông xả những xúc động xấu. Sắc thái cảm kích cũng vậy, phải được trau giồi, mặc dầu riêng rẽ đơn độc nó không thể đưa đến mục tiêu cuối cùng. Những cảm xúc tốt luôn luôn phải được pha lẫn với hiểu biết chân chánh, bởi vì phẩm hạnh và trí tuệ bổ túc lẫn nhau. [1]

Nghi thức, hay một số hình thức lễ nghi mà người tín đồ phải nghiêm trì, có chỗ đứng hầu như trong tất cả các tôn giáo. Trong khi những nghi thức ấy cần thiết cho phần cảm kích của con người ta phải thận trọng không nên đi quá xa, vì như vậy có thể bị cảm xúc ám ảnh và phân hóa. Ta có thể trở thành nạn nhân của tình trạng quá dễ cảm. Trong bất luận việc gì, không nên quá khích mà phải theo con đường ở khoảng giữa mà Ðức Phật tán dương.

Ðức Phật là hiện thân của tâm bi và trí tuệ (karunà và pannà). Hai phẩm hạnh từ bi và trí tuệ trở thành nguyên tắc chỉ đạo trong mọi công tác thừa hành Phật sự (sàsana). Qua kinh nghiệm bản thân Ngài thấu hiểu ưu thế của con người, và dạy rằng tất cả những gì mà con người đạt đến và thành tựu, đều do sức cố gắng và trí thông minh sáng suốt của mình.

Tượng Phật

Trong Phật Giáo có tập tục được gọi là Buddha-vandanà, hay lễ bái Ðức Phật. Tuy nhiên Ðức Phật đã viên tịch, không còn ở đó để nhận lãnh lòng tôn kính của ai khác. Như vậy, tại sao sùng kính và đảnh lễ một người không hiện hữu? Ta có thể hỏi: Tại sao người Phật tử đến trước tượng Phật, cội Bồ Ðề, một bảo tháp hay một vật tương tợ để lễ bái và nguyện cầu?

Ðúng. Nơi đây không có vái van, hay sùng bái những vật vô tri vô giác. Ðứng trước pho tượng Phật, người Phật tử chỉ tưởng nhớ đến sự hướng dẫn vĩ đại và vị thầy mà pho tượng tượng trưng. Lòng tôn sùng cao cả nhất là tôn sùng con người cao cả nhất, những tâm hồn vĩ đại và can trường đã quét sạch vô minh và bứng tận gốc rễ, tận diệt mọi nhiễm ô trong tâm, bằng cách chắc chắn nắm vững thực tướng của vạn pháp. Người thấy rõ chân lý là người có thể thật sự giúp ta, nhưng một Phật tử thuần thành không van vái nguyện cầu. Họ chỉ lễ lạy để tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân và khâm phục người đã khám phá chân lý và soi sáng cho họ con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự và giải thoát.

Trong hành động lễ bái này chính người thiện tín có tâm đạo nhiệt thành thọ hưởng lợi ích. Tư tưởng, lời nói và hành động của họ là trong sạch trong khi tưởng niệm những phẩm hạnh của Ðức Phật và chú tâm vào đó. Họ thọ lãnh nguồn gợi cảm và được sự nâng đỡ tinh thần, dốc lòng ước muốn noi theo gương lành của Ðức Bổn Sư. Ðây là một lối hành thiền hữu ích.

Chúng ta tôn trọng những người đã quá vãng. Tại sao người ta đặt tràng hoa trước đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong? Tại sao ta dành một chỗ xứng đáng trên tường nhà để treo hình cha mẹ và những người thân? Có phải chăng vì tôn trọng bức ảnh hay tôn trọng cái khung? Chắc không phải. Người ta tôn trọng và sùng kính một người thân đã quá vãng. Như vậy, khi người Phật tử đến gần pho tượng Phật, vốn là một đề mục hành thiền, và tưởng nhớ đến Ðức Tôn Sư với lòng tri ân và khâm phục sâu xa, gọi đó là sùng bái thần tượng một cách vô ích thì có đúng không?

Tuy nhiên cũng nên ghi nhận rằng trong trường hợp của người đã tiến bộ khá nhiều thì nghi thức lễ bái trừu tượng cũng không mấy cần thiết. Họ có thể hình dung tánh cách vĩ đại của Ðức Phật mà không cần một biểu tượng, hình ảnh hay pho tượng, vốn rất cần và đôi khi là vô cùng thiết yếu đối với người mà tinh thần chưa được tiến bộ.

Mặc dầu vậy, không phải chỉ có những người thuộc loại nhạy cảm, mà chí đến các bậc trí thức cao thâm và những đại tư tưởng gia cũng cảm kích mạnh mẽ trước pho tượng Phật.

Trong bản tự thuật tiểu sử của mình, Jawaharlal Nehru viết:

"Tại Anuradhapura (Ceylon), tôi rất thích một pho tượng Phật ngồi rất cũ. Một năm sau, khi tôi ở Dehra Dun Gaol, có một người bạn từ Ceylon gởi biếu bức ảnh của pho tượng ấy, và tôi giữ nó trên bàn nhỏ trong phòng giam của tôi. Nó trở thành người bạn thân quý báu, và hình ảnh vô cùng trầm lặng của pho tượng thoa dịu cơn sầu và cho tôi sức mạnh, giúp tôi vượt qua những lúc tinh thần suy nhược.

"Ðức Phật lúc nào cũng là nguồn gợi cảm dồi dào cho tôi ... Chính phẩm cách cá nhân của Ngài đã lôi cuốn tôi." [2]

Bá tước Kayserling trong quyển The Travel Diary of a Philosopher viết: "Tôi không biết cái chi trong thế gian này vĩ đại hơn hình ảnh của đức Phật. Ðó là hiện thân tuyệt hảo của tâm linh trong lãnh vực hữu hình."

Dâng Hoa Cúng Dường

Trong các xứ Phật Giáo ta thường thấy những thiện tín nhiệt thành, già cũng như trẻ, và chí đến những em bé, dâng hoa trước một pho tượng hay một vài lễ phẩm thiêng liêng, thắp đèn dầu và đốt hương trầm để cúng dường, lễ Phật. Trẻ em thường thích thú góp nhặt và sắp sửa bông hoa trước khi dâng cúng Ðức Phật. Trong khi học thưởng thức sắc thái thẩm mỹ của sự vật, các em cũng tu tập đức tánh quảng đại, buông bỏ, và trên hết lòng tôn kính Ðức Phật, bậc Tôn Sư, Giáo Pháp, Giáo Huấn mà Ngài giáo truyền và Tăng Già, những người bước theo dấu chân của Ngài.

Bây giờ, khi người Phật tử dâng hoa, hay thắp đèn, và suy niệm về những phẩm hạnh của Ðức Phật, người ấy không vái van bất cứ ai; sự cúng dường ấy không phải là nghi thức, nghi lễ hay sùng bái.

Những tai hoa sớm tàn, và những ngọn đèn sớm lụn nói lên cho họ biết đặc tướng vô thường (anicca) của tất cả những sự vật được cấu tạo. Pho tượng là một đề mục để gom tâm an trụ, hành thiền; người ấy cảm kích mạnh mẽ và cố gắng noi theo gương lành trong sạch của Ðức Bổn Sư. Những ai không thông hiểu ý nghĩa của sự dâng cúng đơn giản ấy hấp tấp kết luận: đó là sùng bái thần tượng. Không có chi có thể sai sự thật hơn.

Lễ Cưới Trong Phật Giáo

Không có nghi thức đám cưới trong Phật Giáo như ta thấy trong các tôn giáo khác. Những nhà sư Phật Giáo không thể thay thế một thần linh để ban pháp lành cho cuộc hôn nhân. Như vậy, các Ngài không dự phần trong lễ cưới. Tại Sri Lanka (Tích Lan), những người chú trọng nhiều về tập tục thường mời một vị cư sĩ, người lớn tuổi và thông thạo lễ nghi trong gia đình, đứng ra làm chủ đám, đọc những câu kinh phúc chúc cho cặp vợ chồng mới được Tam Bảo hộ trì.

Trong vài đám cưới, có một đoàn thiếu nữ mặc toàn quốc phục màu trắng, đồng thanh đọc tụng những câu kinh phúc chúc có tên là Jayamangala Gàtha, mô tả vài phẩm hạnh đặc biệt của Ðức Phật.

Thông thường, một vài ngày trước lễ cưới chư tăng được cung thỉnh đến nhà cặp vợ chồng sắp cưới để dự buỗi trai tăng (dàna). Sau khi thọ lễ vật cúng dường chư tăng đọc kinh, những bài giảng của Ðức Phật, đặc biệt là Mangala Sutta (Hạnh Phúc Kinh), một bài kinh phúc chúc, rồi một vị sư đại diện, thuyết giảng một thời Pháp ngắn để khuyên nhủ, khuyến khích và thuật lại những cuộc sống gia đình hạnh phúc được ghi trong kinh điển. Một trong những chuyện tích thường được nhắc đến là cuộc sống an vui của vợ chồng Nakulapità và Nakulamàtà, được thuật dưới đây.

Liền sau khi lễ cưới chấm dứt, vài người Phật tử thích đến chùa hay một tu viện để được chư tăng đọc những bài Parittas sutta, hay kinh để bảo vệ. Nhân dịp này, cặp vợ chồng mới cũng được nghe dạy về bổn phận của mỗi người và cách đối xử với người bạn đời của mình như Ðức Phật giải thích trong kinh Sigalovàda Sutta (Kinh Thiện Sanh). [3]

Nhà sư làm tất cả những bổn phận có tánh cách tôn giáo ấy hoàn toàn miễn phí. Phần người cư sĩ, cũng phải chăm lo nhu cầu của nhà sư, vốn thật sự tùy thuộc nơi người cư sĩ thuần thành về những điều cần phải có, tứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men. Không có nghi thức đám cưới, cũng không có lễ đăng ký hôn thú trong chánh điện, ở chùa hay ở tu viện, vì đó là những thủ tục ngoài đời.

Câu chuyện của Nakulapità và Nakulamàtà

Hai diễn biến được đề cập đến trong kinh điển cho thấy một niềm tin vững chắc và một tình thương trong sạch giữa đôi vợ chồng có thể dẫn dắt họ đi xa đến độ nào.

Nakulapità và Nakulamàtà là cặp vợ chồng minh mẫn sáng suốt sống thời Ðức Phật Gotama. Khi Ðức Bổn Sư đến viếng nhà, cả hai lần lượt đến gần đảnh lễ Ngài, và Nakulapità, người chồng, bạch: "Bạch Ðức Thế Tôn, lúc còn là một thanh niên khá trẻ con cưới Nakulamàtà, chỉ là một thiếu nữ xuân xanh, về làm vợ. Từ ngày chúng con thành vợ thành chồng đến nay, Bạch Ðức Thế Tôn, con không biết một lần nào con có tư tưởng sai trái đối với vợ con, càng không có hành động lỗi lầm. Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con khẩn thiết ước mong được như thế này, không phải chỉ trong kiếp sống hiện tiền, mà mãi mãi trong đời sống tương lai." Rồi Nakulamàtà, người vợ, cũng bạch với Ðức Phật y như vậy. Ðức Phật dạy:

"Nếu hai vợ chồng đều ước muốn cùng sống với nhau trong chính kiếp hiện tại và mãi mãi trong đời sống tương lai, nếu cả hai đều có niềm tin nơi Tam Bảo (saddhà), giới đức (sìla), tâm quảng đại (càga), và trí tuệ (pannà) bằng nhau, thì sẽ cùng nhau thương yêu, chung sống trong chính kiếp hiện tại và trong đời sống tương lai." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, 61.)

Diễn biến kia cũng được ghi chép trong bộ Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm [4]. Một lần nọ Nakulapità lâm trọng bịnh. Nakulamàtà, vợ ông đến bên giường nhỏ nhẹ dịu dàng an ủi, nhắc lại nhiều đức tính của bà và khuyên ông không nên lo âu, hoài nghi, hay phiền muộn về bà. Bà nhắc nhở ông không nên có ý nghĩ làm khuấy động tâm linh và tổn hại sức khỏe.

Khi được bà vợ thân yêu khuyên lơn và an ủi như vậy, bịnh tình của Nakulapità dần dần thuyên giảm. Ông chống gậy đến đảnh lễ Ðức Phật.

Ðức Phật nhân cơ hội, tán dương phẩm hạnh của bà Nakulamàtà và dạy: "Này ông thiện nam, ông rất hữu phúc có được bà vợ, vừa là người dẫn dắt vừa là thầy, như Nakulamàtà. Bà rất từ bi và hết lòng mong mỏi những gì tốt đẹp nhất cho ông."

Ðược biết rằng cả hai đều chứng đắc thánh quả và cả hai ông bà được Ðức Phật ngợi khen là hạng người có niềm tin vững chắc nhất nơi Tam Bảo.

Tang Lễ Theo Phật Giáo

Cũng như trong trường hợp lễ cưới, tang lễ của người Phật tử được cử hành đơn giản, không có chi phiền phức. Khi một người Phật tử qua đời thân nhân cung thỉnh chư tăng về nhà người chết hoặc đến nghĩa trang để hành lễ. Trước tiên mọi người đọc kinh quy y Tam Bảo (tisaranà) và thọ ngũ giới (panca sìla).

Kế đó những người thân (con cái, trong trường hợp người quá vãng là cha mẹ) dâng vải trắng đến chư tăng. Phước báu phát sanh do sự cúng dường này được hồi hướng đến người quá vãng như sau:

Idam me nàtinam hotu
Sukhità hontu nàtayo.

"Xin hồi hướng (phước báu) này đến thân nhân của tôi đã quá vãng.
Ngưỡng nguyện thân nhân tôi được an lành hạnh phúc!"

Trong khi đọc câu kinh Pali trên, con cái hay người thân trong nhà từ từ sớt nước từ một lọ nhỏ vào cái chén không cho đến lúc nước đầy tràn, một cử chỉ tượng trưng là phước báu đã được hồi hướng. Lúc ấy chư tăng đọc tụng câu kinh đặc biệt thích hợp với cơ hội này:

Aniccà vata samkhàrà -- uppàda vaya dhammino
Uppajjitvà nirujjhanti -- tesam vupasamo sukho.

"Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường,
Sanh rồi diệt, đó là bản chất thiên nhiên của chúng;
Chúng phát sanh và hoại diệt,
Thoát ra khỏi chúng là hạnh phúc tối thượng."

Sau đó là một thời Pháp ngắn nhấn mạnh về đặc tướng vô thường của vạn pháp -- rằng cái chết đến với tất cả mọi người và chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi này.

Vào ngày thứ sáu sau khi thân nhân lâm chung, người nhà cung thỉnh một vị sư về vào một buổi chiều tối để thuyết Pháp, Thông thường, vị Pháp Sư giảng về hai thực tại của đời sống, vô thường và đau khổ, và bản chất của thảm kịch sống và chết.

Vào ngày thứ bảy, nhiều vị sư được thỉnh về nhà thọ trai (dàna) và đọc kinh hồi hướng đến người quá cố. Phần lớn các nghi thức ấy cũng được lặp lại khi đúng ba tháng.

Nếu sống trong một xứ không có Phật Giáo, không có nhà sư, thì hàng cư sĩ có thể đọc chung với nhau hai câu kinh trên và hồi hướng đến người quá cố.

I. Vào Lúc Lâm Chung

Có những sự hiểu biết hữu ích để giúp người ta sanh đẻ dễ dàng, nhưng không có ngành khoa học nào giúp người từ giã cõi đời, ra đi một cách thoải mái. Phật Giáo chú trọng nhiều về phần tâm linh, xem chập tư tưởng cuối cùng của người sắp lâm chung thật vô cùng quan trọng, vì nó tạo duyên cho kiếp sinh tồn sắp tới. Trong nhiều trường hợp, khi biết một người sắp chết, Ðức Phật nói lên những lời thích nghi có nhiều ý nghĩa nhằm đặt cái tâm người ấy vào khuôn khổ chân chánh.

Chỉ thoáng nhìn thấy Ðức Phật hoặc, vào thời buổi không có một vị Phật hay một vị A La Hán, hình dáng nhà sư hay một người thánh thiện cũng là niềm an ủi lớn lao cho người lâm chung. Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú có ghi chép câu chuyện sau đây: [5]

Tại Sàvatthì có người Bà la môn bẩm tánh hà tiện. Con duy nhất của ông ta tên Matthakundali. Khi đứa bé lên mười sáu thì thình lình lâm bịnh. Mẹ em rất muốn dẫn em đến nhờ lương y chẩn mạch, nhưng người cha tiếc tiền, chỉ cho đi nếu không mất chút ít tiền của gì của ông. Khi sức khỏe con quá kiệt quệ ông mới bằng lòng cho rước thầy. Nhưng thầy cũng chạy, vì bịnh tình đã trầm trọng đến mức không còn có thể chữa.

Người cha biết chắc rằng con mình sắp chết mới nghĩ thầm: "Khi con ta chết ắt có đông bạn bè và bà con quyến thuộc đến viếng và họ sẽ dòm ngó của cải trong nhà. Ta sẽ gặp khó khăn." Và ông để cho đứa con bịnh nằm trước hàng ba.

Biết tình trạng đáng thương của em bé, Ðức Phật đến viếng. Ðứa bé đang lâm chung thoáng nhìn thấy hình dáng của Ðức Bổn Sư, sáng ngời và rực rỡ tâm từ vô lượng. Một hình ảnh cao cả vĩ đại mà trước đây em chưa từng bao giờ thấy. Trong tình trạng vô cùng phỉ lạc ấy em muốn chấp tay đảnh lễ đấng Ðại Từ Ðại Bi, nhưng hai tay xuôi cứng, em không đủ sức dở lên. Với tâm trí tràn đầy kỉnh mộ và sùng kính, em chăm chăm nhìn Ðức Bổn Sư như muốn lễ Ngài. Ðức Phật giải thích; "Nó làm bấy nhiêu đó đã đủ rồi," và trở về Tịnh Xá Jetavana (Kỳ Viên). Lúc ấy thì em bé trút hơi thở cuối cùng và tái sanh vào một cõi trời (deva), cảnh giới nhàn lạc.

Một trong những phước lành của người thường niệm tâm từ (mettà bhàvanà) là không bao giờ người ấy chết với tâm loạn động (assmmmùlho kàlam karoti) [6]. Trong giờ phút lâm chung vô cùng quan trọng người Phật tử thường đến cạnh giường bịnh nhân đọc tụng Satipatthanà Sutta, Kinh Tứ Niệm Xứ [7]. Việc làm này sẽ giúp cho người bịnh tạo những tư tưởng thiện trước khi thở hơi cuối cùng. Dầu cho người bịnh không hiểu gì về ý nghĩa của lời kinh, là một Phật tử, đã có niềm tin nơi Tam Bảo (saddhà), khi nghe tới nghe lui giọng đọc tụng những câu kinh (gàthà) quen thuộc, có nhiều hy vọng rằng vị ấy sẽ thấm nhập vào trạng thái tâm thiện, hoan hỷ thưởng thức giọng kinh. Bất cứ ai giúp một người sắp lâm chung nhập vào trạng thái tâm chân chánh quả thật là người bạn thân nhất (kalyàna mitta).

II. Mai Táng Và Hỏa Táng

Nghi thức của Phật Giáo đối với nhục thể của người quá vãng như thế nào? Mai táng hay hỏa táng?

Trong bài Mahà Parinibbàna Sutta (Kinh Ðại Niết Bàn) [8], Ðức Ànanda, vị thị giả của Ðức Phật, cũng bạch hỏi Ngài câu ấy: "Chúng con phải làm thế nào, Bạch Ðức Thế Tôn, với pháp thể của đấng Như Lai, đấng Trọn Lành?" Ðức Phật đáp rằng nhục thể phải được hỏa táng như trong trường hợp của một vị Cakkavatti Ràja, Chuyển Luân Pháp Vương.

Ngoài tuyên ngôn này của Ðức Phật, kinh điển không có đoạn nào đề cập đến việc phải làm thế nào với xác người chết. Không có một nghi thức chung. Vài người thích hỏa táng, những người khác thích mai táng. Tuy nhiên, với tình trạng ngày càng thiếu đất đai cho người ở, và dân số tăng trưởng nhanh chóng đến mức báo động, tưởng cũng nên nghĩ đến hỏa táng, hơn là chôn cất. Về phương diện vệ sinh cũng vậy, hỏa táng là thích hợp hơn trong nhiều quốc gia.

Tro của người được hỏa táng cũng vậy, không có một nghi thức chung cho tất cả mọi người. Có thể đựng trong một cái lọ hoặc tôn trí trong một đền thờ được tạo dựng để tưởng niệm người chết.

Có tập tục tạo dựng những bảo tháp để tôn trí tro của Ðức Phật và những vị A La Hán. Hình ảnh của ngôi bảo tháp làm êm dịu tâm trí và gợi cho ta cảm nhớ những cuộc sống tuyệt đối trong sạch của các bậc thánh nhân ấy. Chính Ðức Phật có đề cập đến điều này trong kinh Mahà Parinibbàna Sutta (Ðại Niết Bàn).

Giá Trị Của Kinh Paritta (Pirit)

"Gần đây, công trình khảo cứu y khoa về tâm lý học thực nghiệm đã rọi vài tia sáng vào bản chất của tâm và vị trí của nó trên thế gian. Trong bốn mươi năm sau này, giới y khoa ngày càng tin tưởng chắc chắn hơn rằng các chứng bịnh, thuộc hữu cơ cũng như những bịnh thuộc về cơ năng, trực tiếp khởi sanh do những trạng thái tâm linh.

"Cơ thể lâm bịnh vì cái tâm mà kiểm soát nó thầm kín muốn làm cho nó bịnh hay gì khác, bởi vì trong trạng thái loạn động như vậy không thể ngăn ngừa cơ thể khỏi bịnh. Dầu tình trạng vật lý như thế nào, sức kháng bịnh chắc chắn phải liên hệ đến điều kiện (tâm linh) của bịnh nhân." [9]

"Tâm không những chỉ gây bịnh, mà cũng chữa bịnh. Một bịnh nhân lạc quan có nhiều hy vọng được hồi phục hơn là người bịnh luôn luôn lo âu và bất mãn. Có nhiều trường hợp được ghi nhận cho thấy rằng một niềm tin vững chắc có khả năng chữa trị, luôn cả những chứng bịnh thuộc hữu cơ, hầu như tức khắc." [10]

Về điểm này ta thích thú ghi nhận rằng trong các quốc gia Phật Giáo rất thường có người đặt hết niềm tin lắng nghe đọc những bài kinh nhằm bảo vệ, thoát khỏi ảnh hưởng xấu, và đem lại tình trạng an lành hạnh phúc. Những bài kinh được chọn lựa để đọc tụng có tên là Paritta suttas. Danh từ Pali "Paritta" (tiếng Sanskrit là Paritrana và tiếng Sinhala là Pirit) nghĩa chánh là "bảo vệ". Danh từ này mô tả vài bài kinh, hay bài giảng (do Ðức Phật thuyết), được xem là có tư cách bảo vệ và làm cho thoát khỏi những ảnh hưởng xấu. Nghi thức đọc tụng và nghe Paritta sutta bắt đầu từ xa xưa trong lịch sử Phật Giáo. Chắc chắn rằng đọc những bài kinh này có tạo trạng thái tâm an lành cho những ai lắng nghe một cách hiểu biết và tin tưởng nơi chân lý của Phật ngôn. Tâm trạng an lành như vậy có thể giúp một người bịnh sớm phục hồi và cũng có thể giúp đưa đến thái độ tinh thần an lạc hạnh phúc. Lúc ban sơ, tại Ấn Ðộ những người nghe chính Ðức Phật nói lên bài kinh Paritta, hiểu biết ý nghĩa của lời kinh thì có rất nhiều linh nghiệm. Ðức Phật cũng được người khác đọc kinh Paritta cho Ngài, và cũng có khi Ngài yêu cầu người khác đọc cho các vị đệ tử của Ngài khi lâm bịnh. Nghi thức này vẫn còn thạnh hành trong các quốc gia Phật Giáo.

Ðức Phật và chư vị A La Hán có thể gom tâm vào những bài kinh Paritta mà không cần ai giúp. Tuy nhiên, khi đau ốm bịnh hoạn, các Ngài nghe người khác đọc rồi trụ tâm vào Giáo Pháp chứa đựng trong kinh thì dễ dàng hơn là chính các Ngài nghĩ đến Giáo Pháp. Trong những trường hợp như bịnh nặng, tâm trí mệt mỏi, có ai gợi lên cho ta ý nghĩ thì công hiệu hơn là chính ta tự kỷ ám thị.

Theo Giáo Pháp, tâm mật thiết dính liền với thân đến độ những trạng thái tâm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng an lành của cơ thể. Cũng có vài bác sĩ nói rằng không có chi thuần túy là bịnh cơ thể. Như vậy, ngoại trừ trường hợp những trạng thái tâm bất thiện ấy sanh khởi do những hành động bất thiện trong quá khứ (akusala kamma-vipàka), và như vậy thì không thể tu chính, ta có thể sửa đổi để làm cho sức khỏe tâm linh và tình trạng an lạc của thân có thể theo đó cải thiện.

Rung động của những âm thanh mà kinh Paritta tạo nên làm êm dịu thần kinh và đưa đến trạng thái tâm thanh bình an lạc, hòa điệu với toàn thể hệ thống.

Bằng cách nào đọc Paritta Suttas có thể đối trị những ảnh hưởng xấu của các chúng sanh bất thiện? Những ảnh hưởng xấu ấy là kết quả của sự suy tư bất thiện. Như vậy, có thể đối trị nó bằng các trạng thái tâm tốt. Những trạng thái tâm tốt này phát sanh do sự lắng nghe những lời dạy của kinh Paritta một cách hiểu biết và với niềm tin vững chắc. Chăm chú lắng nghe giúp gom tâm. Tâm an trụ nhiệt thành theo dõi chân lý của lời Phật dạy sẽ tiêu trừ những tư tưởng bất thiện.

Ðọc Paritta Sutta là một hình thức saccakiriya, nương nhờ chân lý để được bảo vệ, xác nhận chân lý để tự bảo vệ. Ðây có nghĩa là tự đặt mình trọn vẹn củng cố trong chân lý để đạt đến mục tiêu. Câu nói: "Oai lực của chân lý bảo vệ người sống theo chân lý" (Dhammo have rakkhati dhammacàrim) là nguyên tắc nằm phía sau công phu đọc tụng những bài kinh này. Nếu đúng thật đức hạnh bảo vệ con người đức hạnh, thì một người chăm chú lắng nghe kinh với niềm tin vững chắc nơi những lời của Ðức Phật, vốn phát xuất từ trí tuệ của một đấng toàn giác, ắt phải tiến đạt đến trạng thái tâm đầy đủ phẩm hạnh để diệt trừ mọi ảnh hưởng bất thiện. Ðọc tụng những bài Paritta suttas cũng đem lại phước lành có tánh cách vật chất xuyên qua những trạng thái tâm linh, bằng cách gom tâm an trụ và đặt niềm tin trong sự lắng nghe lời kinh một cách hiểu biết. Theo lời dạy của Ðức Phật, chánh tinh tấn là yếu tố thiết yếu để khắc phục đau khổ (viriyena dukkham accheti) [11]. Thành tâm lắng nghe những bài kinh ấy một cách thích nghi cũng làm tăng thêm lòng thiết tha muốn làm những việc tốt, và chuyên cần thuận theo con đường tiến bộ của thế gian.

Ðã được biết rằng lắng tai nghe các bài Paritta suttas một cách hiểu biết và tin tưởng, sẽ tạo cho người nghe những thiện pháp có thể chữa trị và ngăn ngừa bịnh. Không có thuốc nào công hiệu như chân lý (Dhamma), cho cả thân lẫn tâm, vốn là nguyên nhân của tất cả mọi đau khổ và bất hạnh. Như vậy Paritta suttas, khi được lắng nghe một cách chân chánh, sẽ đem lại tiến bộ tinh thần và tình trạng vật chất thanh bình, an lạc.

Sách Paritta (Bảo Vệ)

Ta lấy làm thích thú và mát mẻ mà ghi nhận rằng hầu như trong nhà tất cả mọi người Phật tử ở Sri Lanka (Tích Lan) đều có một quyển sách Paritta, hay sách Bảo Vệ, luôn luôn được tôn kính cất giữ ở một nơi quan trọng.

Sách chứa đựng những gì? Ðây là một tuyển tập hai mươi ba bài kinh, hầu hết đều do Ðức Phật thuyết giảng, được ghi chép rải rác đó đây trong năm bộ A Hàm, Nikàyas, gom chung lại thành Tạng Kinh, Sutta Pitaka hay "Giỏ Ðựng Kinh". Trước khi đọc những bài kinh này có nghi thức quy y Tam Bảo (saranagamana); thọ Mười Giới (dasa sikkhà-padàni); và những câu hỏi được nêu lên cho thầy sa di (sàmanera panhà), cũng được gọi là câu hỏi cho người trẻ tuổi (kumàra panhà). Trong hai mươi ba bài kinh này được biết nhiều nhất là Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta), Tam Bảo Kinh (Ratana Sutta), và Từ Bi Kinh (Mettà Sutta).

Trong sách Paritta (Bảo Vệ) cũng có những bài giảng quan trọng như Dhammacakkapavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân, bài giảng đầu tiên của Ðức Phật, thuyết tại Vườn Lộc Uyển, Isipatana, Vàrànasi); bài Sacca-vibhanga, Phân Giải (Bốn) Chân Lý, và Bojjhangas, Thất Giác Chi hay Thất Bồ Ðề Phần.

Khi các nhà sư được cung thỉnh về nhà trong những trường hợp như sinh nhật, tân gia, đau ốm hay những diễn biến tương tợ, thông thường các Ngài đọc tụng những bài kinh được đề cập trên đây. Trong những cơ hội đặc biệt, chư tăng được cung thỉnh đọc tụng Paritta suttas, không phải một thời kinh mà luôn suốt đêm. Lúc khai kinh, chư tăng (thường là mười hai vị) cùng đọc chung với nhau ba bài kinh được đề cập ở phần trên. Sau đó từng cặp, mỗi lần hai vị, tiếp tục đọc tụng hai tiếng đồng hồ, rồi nghĩ. Hai vị khác tiếp theo đọc hai tiếng, và cứ thế sáu cặp thay phiên nhau tụng kinh suốt đến bình minh.

Trong khi chư tăng tụng kinh người ta để một lọ nước trên bàn trước mặt các Ngài. Trên bàn cũng có một quyển kinh Paritta ghi chép trên lá buôn, một cuồng chỉ đã được tháo gỡ và trao chuyền từ mỗi vị sư đến những người cư sĩ, mỗi người cầm chỉ trên tay trong khi chư tăng đọc tụng ba bài kinh thông thường để khai mạc. Ðến sáng, vào lúc bế mạc, trọn các bài kinh trong sách đã được đọc tụng, chỉ được cắt ra từng đoạn và phân phối cho hàng cư sĩ. Nước trong lọ cũng được sớt ra và phân phối. Ðây là nghi thức tượng trưng cho oai lực bảo vệ của kinh Paritta đã được đọc tụng. Nước và chỉ này có những linh nghiệm tâm lý.

Một thắc mắc có thể được nêu lên: sách Paritta có đem lại kết quả mong mỏi mỗi lần đọc tụng không? Về điểm này, câu trả lời của Ðại Ðức Nagasena với Vua Milinda, "tại sao trong mọi trường hợp kinh Paritta không bảo vệ ta khỏi chết," đáng được ghi nhớ.

Có ba nguyên nhân làm cho kinh Paritta có thể không linh nghiệm:

1. chướng ngại của nghiệp (kammà- varanena);
2. chướng ngại của ô nhiễm (kilesa-varanena); và
3. thiếu niềm tin (asaddhànatàya). [12]

Hồi Hướng Phước Báu

Ðời sống sau khi chết (và do đó, đời sống trước khi sanh) là một trong những giáo lý chánh yếu của Ðức Phật. Người Phật tử tin nơi tái sanh hay một cách chính xác -- nơi sự trở thành trở lại (không phải là đầu thai, bởi vì nói đầu thai là hàm xúc ý nghĩ có một linh hồn thường còn không biến đổi, chuyển sinh vào bên trong cơ thể của một người hay một con thú). Theo lời khuyên của Ðức Phật người Phật tử chia sẻ phước báu cho thân nhân quá vãng. Hành động này thường được gọi là "hồi hướng phước báu", tức trao chuyển công đức mà mình đã tạo đến người quá cố.

Trong Phật Giáo danh từ "phước báu" (punna) được dùng trong ý nghĩa việc làm tốt, thiện, tạo thiện nghiệp. Những việc mà mình làm với tâm trong sạch; hành động được thực hiện với tác ý tốt, thiện tâm. Hành động (kamma) có ba: hành động bằng thân, khẩu hay ý. Tất cả mọi hành động, thiện hay bất thiện, đều gây phản ứng (kamma-vipàka).

Một người đã tạo thiện nghiệp quyết tâm trao chuyển, chia sẻ quả lành đến "vị này, vị này". Sự "hồi hướng phước báu" tự nó là một hành động tốt và người hồi hướng không có mất gì, mà trái lại còn tích trử thêm phước báu. Khi hồi hướng phước báu đến người quá vãng, người Phật tử đọc một công thức ngắn gọn bằng tiếng Pali: "idam vo nàtinam hotu sukhita hontu nàtayo". "Ngưỡng nguyện phước báu này phát sanh đến thân nhân chúng tôi, cầu xin thân nhân chúng tôi được an vui hạnh phúc."

Trong thời Ðức Phật, tại Ấn Ðộ người ta dùng máu để tế lễ thần linh. Ðức Phật có thái độ dứt khoát đối với hành động sát sanh, bất luận sát sanh để nhằm vào mục tiêu nào. Tâm từ vô lượng bao trùm tất cả chúng sanh của Ngài đã thắng triết học Veda (Phệ Ðà) và triết học Upanishad với sự cảm hóa Vua Seniya Bimbisara (Bình Sa Vương) của xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà), người đầu tiên chấp nhận chánh sách ahimsà (bất bạo động) một cách không thể đảo ngược. Ông ban hành đạo luật phải được áp dụng toàn quốc, cấm hy sinh mạng thú để tế lễ thần linh. Các nhà cầm quyền trị dân khác cũng noi theo gương lành của ông. Tạng Kinh, tuyển tập các bài thuyết giảng của Ðức Phật, có nhiều bài kinh trong đó Ðức Phật thuyết phục các vị bà la môn nên thấy rõ đường lối sai lầm của họ và chấm dứt tập tục hy sinh con vật để tế lễ thần linh. Kùtadanta Sutta (Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 5) là một trong những bài kinh ấy.

Tập tục được lưu truyền từ xưa đến nay là trong khi chư tăng đọc kinh để hồi hướng đến thân nhân quá vãng, người thiện tín sớt nước từ một cái lọ đầy vào ly trống cho đến khi nước tràn ly. Tập tục này không thấy có ghi ở nơi nào trong kinh điển. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chỉ trích và từ bỏ. Tánh cách thiêng liêng của nghi thức này đã từ lâu được tín nhiệm. Ðức Phật cho phép áp dụng những tập tục xã hội nào mà không đi ngược giáo huấn của Ngài.

Trong dịp lễ khánh thành ngôi chùa Jetavana (Kỳ Viên Tự), người ta rót nước vào tay của Ðức Phật. Trong lễ thành hôn, cô dâu và chú rễ nắm tay nhau, và nước được rót lên. Hồi hướng phước báu là một hành động quý báu theo đó người cho phước phát tâm trong sạch muốn phục hồi cho thân nhân quá vãng, từ tình trạng bất hạnh trở lại trạng thái an vui hạnh phúc. Vì lẽ ấy nghi thức này phải được cử hành nghiêm trọng. Dầu sao, người không quen với tập tục xưa cũ này không nên làm hư hõng việc hồi hướng phước báu.

Trong các xứ Phật Giáo, sau khi nghi thức dâng vật thực đến chư tăng đã hoàn tất, thì chư sư, những vị hội viên của Giáo Hội Tăng Già, đồng thanh đọc câu hồi hướng phước báu đến người quá cố như sau:

"Cũng như nước từ trên cao chảy xuống thấp, cùng thế ấy, phước báu (mà thân nhân làm đây) ở cảnh người, được chia sẻ cho người quá vãng (ở một cảnh giới khác).

"Cũng như nước từ các sông ngòi tuôn chảy làm đầy biển cả, cùng thế ấy, phước báu này được chia sẻ cho thân nhân quá vãng."

-- (Tirokudda Sutta, Khuddakapàtha, trang 213).

Có chăng một ngày nhất định để tạo phước và hồi hướng đến thân nhân quá vãng? Không có lời dạy nào của Ðức Phật, cho biết ngày giờ nhất định. Tuy nhiên, người Phật tử thường có thói quen chọn ngày thứ ba, ngày thứ bảy, tháng thứ ba, và đôi khi ngày giáp năm, để cúng. Ta nên theo tập tục, và cũng nên nhớ câu châm ngôn mà người uống trà thường nói: "Giờ nào cũng là giờ uống trà" [13]. Có nghĩa là: mỗi khi tạo phước báu, bất cứ lúc nào, hãy nhớ đến người thân quá vãng, từ khi bắt đầu việc làm.

Sau khi làm một điều thiện, tạo phước báu, người Phật tử cũng hồi hướng đến chư thiên (devatà, chúng sanh ở cảnh trời). Bởi vì các vị này cũng mong muốn được chia sẻ phước báu mà con người hồi hướng. Dầu sao, chư thiên không phải là những chúng sanh siêu thế có những quyền năng siêu thế. Các vị ấy được sanh vào nhàn cảnh (sugati) và có thể giúp người, theo phương cách của các Ngài. Năng lực của các vị này vẫn còn tại thế và hạn định, không thể dẫn dắt đến giác ngộ và giải thoát cùng tột. Các Ngài cũng còn chịu ảnh hưởng của định luật nghiệp báo (kamma), vô thường và chết -- dầu ở cảnh người hay cảnh trời, không ai thoát khỏi cảnh chết chóc. Con người hồi hướng phước báu đến chư thiên và các Ngài hoan hỷ và như thế có tình trạng hòa điệu, thiện ý, và thanh bình an lạc giữa hai cảnh giới, người và chư thiên.


Chú thích:

[1] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 4, 124.

[2] Nehru, An Autobiography, (John Lane, The Bodley Head, London, 1942), trang 271

[3] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 31. Xem Everyman's Ethics, (Kandy: BPS) loại Wheel #14.

[4] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, iii, 295.

[5] Dhammapadatthakathà, quyển 1, trang 25.

[6] Mettànisamsa Sutta, Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm câu 342.

[7] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 10; Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 22. Xem The Foundations of Mindfulness, do Nyanasatta chuyển dịch (Kandy: BPS), loại Wheel 19.

[8] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 16. Xem Last Days of the Buddha, Mahà Parinnibàna Sutta (Kandy: BPS) loại Wheel 67/69

[9] Xem J.E.R. Mc Donagh, The Nature of Disease.

[10] Aldous Huxley, Ends and Means (London: Chatto & Windus, 1946), trang 258-259.

[11] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, i, 214.

[12] Milinda-panha, I.154.

[13] Every time is tea-time.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01.a | 01.b | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
 10.a | 10.b | 10.c | 11 | 12.a | 12.b | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18.a | 18.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002

Phat Giao, Nhin Toan Dien - 16

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch

Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.


-16-

NGHI THỨC VÀ TẬP TỤC PHẬT GIÁO

Quan Ðiểm

Phật Giáo là một hệ thống luân lý và tu tập trau giồi tinh thần và trí thức mà Ðức Phật Gotama đã ban truyền. Ðây không phải là một lối sống tuyệt đối trí thức hay hoàn toàn duy lý, cũng không phải chỉ thiên về những nghi thức lễ bái tụng niệm, mà bao gồm cả hai sắc thái, trí thức và xúc cảm của đời sống con người - tâm và trí.

Nhìn từ quan điểm này, Phật Giáo không phải như một vài nhà phê bình hấp tấp kết luận, chỉ là một phương thức suy luận có tánh cách triết học suông, một giáo lý siêu hình, và những lý thuyết trừu tượng hợp lý, không có giá trị thực tiễn nào hay không có gì quan trọng. Lối sống của người Phật tử, phương pháp của người Phật tử để nắm vững chân lý cao siêu nhất, tỉnh thức từ giấc mơ vô minh tiến đến mức hoàn toàn liễu ngộ, không tùy thuộc suông nơi sự hiểu biết trên lý thuyết hay thuần túy trí thức, mà trên một giáo lý dẫn đến thực hành, và chính sự phối hợp hữu hạnh giữa lý thuyết và thực hành đã hướng dẫn người tín đồ đến giác ngộ và giải thoát cùng tột.

Thái dộ của Ðức Phật đối với cuộc sống không phải chỉ là trí thức suông mà thực dụng. Ðó là sự chứng ngộ những gì tốt đẹp và hữu ích. Nó dẫn đến luân lý tuyệt hảo và phóng thích tinh thần. Ðiều này bao hàm công trình trau giồi những cảm kích tốt và buông xả những xúc động xấu. Sắc thái cảm kích cũng vậy, phải được trau giồi, mặc dầu riêng rẽ đơn độc nó không thể đưa đến mục tiêu cuối cùng. Những cảm xúc tốt luôn luôn phải được pha lẫn với hiểu biết chân chánh, bởi vì phẩm hạnh và trí tuệ bổ túc lẫn nhau. [1]

Nghi thức, hay một số hình thức lễ nghi mà người tín đồ phải nghiêm trì, có chỗ đứng hầu như trong tất cả các tôn giáo. Trong khi những nghi thức ấy cần thiết cho phần cảm kích của con người ta phải thận trọng không nên đi quá xa, vì như vậy có thể bị cảm xúc ám ảnh và phân hóa. Ta có thể trở thành nạn nhân của tình trạng quá dễ cảm. Trong bất luận việc gì, không nên quá khích mà phải theo con đường ở khoảng giữa mà Ðức Phật tán dương.

Ðức Phật là hiện thân của tâm bi và trí tuệ (karunà và pannà). Hai phẩm hạnh từ bi và trí tuệ trở thành nguyên tắc chỉ đạo trong mọi công tác thừa hành Phật sự (sàsana). Qua kinh nghiệm bản thân Ngài thấu hiểu ưu thế của con người, và dạy rằng tất cả những gì mà con người đạt đến và thành tựu, đều do sức cố gắng và trí thông minh sáng suốt của mình.

Tượng Phật

Trong Phật Giáo có tập tục được gọi là Buddha-vandanà, hay lễ bái Ðức Phật. Tuy nhiên Ðức Phật đã viên tịch, không còn ở đó để nhận lãnh lòng tôn kính của ai khác. Như vậy, tại sao sùng kính và đảnh lễ một người không hiện hữu? Ta có thể hỏi: Tại sao người Phật tử đến trước tượng Phật, cội Bồ Ðề, một bảo tháp hay một vật tương tợ để lễ bái và nguyện cầu?

Ðúng. Nơi đây không có vái van, hay sùng bái những vật vô tri vô giác. Ðứng trước pho tượng Phật, người Phật tử chỉ tưởng nhớ đến sự hướng dẫn vĩ đại và vị thầy mà pho tượng tượng trưng. Lòng tôn sùng cao cả nhất là tôn sùng con người cao cả nhất, những tâm hồn vĩ đại và can trường đã quét sạch vô minh và bứng tận gốc rễ, tận diệt mọi nhiễm ô trong tâm, bằng cách chắc chắn nắm vững thực tướng của vạn pháp. Người thấy rõ chân lý là người có thể thật sự giúp ta, nhưng một Phật tử thuần thành không van vái nguyện cầu. Họ chỉ lễ lạy để tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân và khâm phục người đã khám phá chân lý và soi sáng cho họ con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự và giải thoát.

Trong hành động lễ bái này chính người thiện tín có tâm đạo nhiệt thành thọ hưởng lợi ích. Tư tưởng, lời nói và hành động của họ là trong sạch trong khi tưởng niệm những phẩm hạnh của Ðức Phật và chú tâm vào đó. Họ thọ lãnh nguồn gợi cảm và được sự nâng đỡ tinh thần, dốc lòng ước muốn noi theo gương lành của Ðức Bổn Sư. Ðây là một lối hành thiền hữu ích.

Chúng ta tôn trọng những người đã quá vãng. Tại sao người ta đặt tràng hoa trước đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong? Tại sao ta dành một chỗ xứng đáng trên tường nhà để treo hình cha mẹ và những người thân? Có phải chăng vì tôn trọng bức ảnh hay tôn trọng cái khung? Chắc không phải. Người ta tôn trọng và sùng kính một người thân đã quá vãng. Như vậy, khi người Phật tử đến gần pho tượng Phật, vốn là một đề mục hành thiền, và tưởng nhớ đến Ðức Tôn Sư với lòng tri ân và khâm phục sâu xa, gọi đó là sùng bái thần tượng một cách vô ích thì có đúng không?

Tuy nhiên cũng nên ghi nhận rằng trong trường hợp của người đã tiến bộ khá nhiều thì nghi thức lễ bái trừu tượng cũng không mấy cần thiết. Họ có thể hình dung tánh cách vĩ đại của Ðức Phật mà không cần một biểu tượng, hình ảnh hay pho tượng, vốn rất cần và đôi khi là vô cùng thiết yếu đối với người mà tinh thần chưa được tiến bộ.

Mặc dầu vậy, không phải chỉ có những người thuộc loại nhạy cảm, mà chí đến các bậc trí thức cao thâm và những đại tư tưởng gia cũng cảm kích mạnh mẽ trước pho tượng Phật.

Trong bản tự thuật tiểu sử của mình, Jawaharlal Nehru viết:

"Tại Anuradhapura (Ceylon), tôi rất thích một pho tượng Phật ngồi rất cũ. Một năm sau, khi tôi ở Dehra Dun Gaol, có một người bạn từ Ceylon gởi biếu bức ảnh của pho tượng ấy, và tôi giữ nó trên bàn nhỏ trong phòng giam của tôi. Nó trở thành người bạn thân quý báu, và hình ảnh vô cùng trầm lặng của pho tượng thoa dịu cơn sầu và cho tôi sức mạnh, giúp tôi vượt qua những lúc tinh thần suy nhược.

"Ðức Phật lúc nào cũng là nguồn gợi cảm dồi dào cho tôi ... Chính phẩm cách cá nhân của Ngài đã lôi cuốn tôi." [2]

Bá tước Kayserling trong quyển The Travel Diary of a Philosopher viết: "Tôi không biết cái chi trong thế gian này vĩ đại hơn hình ảnh của đức Phật. Ðó là hiện thân tuyệt hảo của tâm linh trong lãnh vực hữu hình."

Dâng Hoa Cúng Dường

Trong các xứ Phật Giáo ta thường thấy những thiện tín nhiệt thành, già cũng như trẻ, và chí đến những em bé, dâng hoa trước một pho tượng hay một vài lễ phẩm thiêng liêng, thắp đèn dầu và đốt hương trầm để cúng dường, lễ Phật. Trẻ em thường thích thú góp nhặt và sắp sửa bông hoa trước khi dâng cúng Ðức Phật. Trong khi học thưởng thức sắc thái thẩm mỹ của sự vật, các em cũng tu tập đức tánh quảng đại, buông bỏ, và trên hết lòng tôn kính Ðức Phật, bậc Tôn Sư, Giáo Pháp, Giáo Huấn mà Ngài giáo truyền và Tăng Già, những người bước theo dấu chân của Ngài.

Bây giờ, khi người Phật tử dâng hoa, hay thắp đèn, và suy niệm về những phẩm hạnh của Ðức Phật, người ấy không vái van bất cứ ai; sự cúng dường ấy không phải là nghi thức, nghi lễ hay sùng bái.

Những tai hoa sớm tàn, và những ngọn đèn sớm lụn nói lên cho họ biết đặc tướng vô thường (anicca) của tất cả những sự vật được cấu tạo. Pho tượng là một đề mục để gom tâm an trụ, hành thiền; người ấy cảm kích mạnh mẽ và cố gắng noi theo gương lành trong sạch của Ðức Bổn Sư. Những ai không thông hiểu ý nghĩa của sự dâng cúng đơn giản ấy hấp tấp kết luận: đó là sùng bái thần tượng. Không có chi có thể sai sự thật hơn.

Lễ Cưới Trong Phật Giáo

Không có nghi thức đám cưới trong Phật Giáo như ta thấy trong các tôn giáo khác. Những nhà sư Phật Giáo không thể thay thế một thần linh để ban pháp lành cho cuộc hôn nhân. Như vậy, các Ngài không dự phần trong lễ cưới. Tại Sri Lanka (Tích Lan), những người chú trọng nhiều về tập tục thường mời một vị cư sĩ, người lớn tuổi và thông thạo lễ nghi trong gia đình, đứng ra làm chủ đám, đọc những câu kinh phúc chúc cho cặp vợ chồng mới được Tam Bảo hộ trì.

Trong vài đám cưới, có một đoàn thiếu nữ mặc toàn quốc phục màu trắng, đồng thanh đọc tụng những câu kinh phúc chúc có tên là Jayamangala Gàtha, mô tả vài phẩm hạnh đặc biệt của Ðức Phật.

Thông thường, một vài ngày trước lễ cưới chư tăng được cung thỉnh đến nhà cặp vợ chồng sắp cưới để dự buỗi trai tăng (dàna). Sau khi thọ lễ vật cúng dường chư tăng đọc kinh, những bài giảng của Ðức Phật, đặc biệt là Mangala Sutta (Hạnh Phúc Kinh), một bài kinh phúc chúc, rồi một vị sư đại diện, thuyết giảng một thời Pháp ngắn để khuyên nhủ, khuyến khích và thuật lại những cuộc sống gia đình hạnh phúc được ghi trong kinh điển. Một trong những chuyện tích thường được nhắc đến là cuộc sống an vui của vợ chồng Nakulapità và Nakulamàtà, được thuật dưới đây.

Liền sau khi lễ cưới chấm dứt, vài người Phật tử thích đến chùa hay một tu viện để được chư tăng đọc những bài Parittas sutta, hay kinh để bảo vệ. Nhân dịp này, cặp vợ chồng mới cũng được nghe dạy về bổn phận của mỗi người và cách đối xử với người bạn đời của mình như Ðức Phật giải thích trong kinh Sigalovàda Sutta (Kinh Thiện Sanh). [3]

Nhà sư làm tất cả những bổn phận có tánh cách tôn giáo ấy hoàn toàn miễn phí. Phần người cư sĩ, cũng phải chăm lo nhu cầu của nhà sư, vốn thật sự tùy thuộc nơi người cư sĩ thuần thành về những điều cần phải có, tứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men. Không có nghi thức đám cưới, cũng không có lễ đăng ký hôn thú trong chánh điện, ở chùa hay ở tu viện, vì đó là những thủ tục ngoài đời.

Câu chuyện của Nakulapità và Nakulamàtà

Hai diễn biến được đề cập đến trong kinh điển cho thấy một niềm tin vững chắc và một tình thương trong sạch giữa đôi vợ chồng có thể dẫn dắt họ đi xa đến độ nào.

Nakulapità và Nakulamàtà là cặp vợ chồng minh mẫn sáng suốt sống thời Ðức Phật Gotama. Khi Ðức Bổn Sư đến viếng nhà, cả hai lần lượt đến gần đảnh lễ Ngài, và Nakulapità, người chồng, bạch: "Bạch Ðức Thế Tôn, lúc còn là một thanh niên khá trẻ con cưới Nakulamàtà, chỉ là một thiếu nữ xuân xanh, về làm vợ. Từ ngày chúng con thành vợ thành chồng đến nay, Bạch Ðức Thế Tôn, con không biết một lần nào con có tư tưởng sai trái đối với vợ con, càng không có hành động lỗi lầm. Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con khẩn thiết ước mong được như thế này, không phải chỉ trong kiếp sống hiện tiền, mà mãi mãi trong đời sống tương lai." Rồi Nakulamàtà, người vợ, cũng bạch với Ðức Phật y như vậy. Ðức Phật dạy:

"Nếu hai vợ chồng đều ước muốn cùng sống với nhau trong chính kiếp hiện tại và mãi mãi trong đời sống tương lai, nếu cả hai đều có niềm tin nơi Tam Bảo (saddhà), giới đức (sìla), tâm quảng đại (càga), và trí tuệ (pannà) bằng nhau, thì sẽ cùng nhau thương yêu, chung sống trong chính kiếp hiện tại và trong đời sống tương lai." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, 61.)

Diễn biến kia cũng được ghi chép trong bộ Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm [4]. Một lần nọ Nakulapità lâm trọng bịnh. Nakulamàtà, vợ ông đến bên giường nhỏ nhẹ dịu dàng an ủi, nhắc lại nhiều đức tính của bà và khuyên ông không nên lo âu, hoài nghi, hay phiền muộn về bà. Bà nhắc nhở ông không nên có ý nghĩ làm khuấy động tâm linh và tổn hại sức khỏe.

Khi được bà vợ thân yêu khuyên lơn và an ủi như vậy, bịnh tình của Nakulapità dần dần thuyên giảm. Ông chống gậy đến đảnh lễ Ðức Phật.

Ðức Phật nhân cơ hội, tán dương phẩm hạnh của bà Nakulamàtà và dạy: "Này ông thiện nam, ông rất hữu phúc có được bà vợ, vừa là người dẫn dắt vừa là thầy, như Nakulamàtà. Bà rất từ bi và hết lòng mong mỏi những gì tốt đẹp nhất cho ông."

Ðược biết rằng cả hai đều chứng đắc thánh quả và cả hai ông bà được Ðức Phật ngợi khen là hạng người có niềm tin vững chắc nhất nơi Tam Bảo.

Tang Lễ Theo Phật Giáo

Cũng như trong trường hợp lễ cưới, tang lễ của người Phật tử được cử hành đơn giản, không có chi phiền phức. Khi một người Phật tử qua đời thân nhân cung thỉnh chư tăng về nhà người chết hoặc đến nghĩa trang để hành lễ. Trước tiên mọi người đọc kinh quy y Tam Bảo (tisaranà) và thọ ngũ giới (panca sìla).

Kế đó những người thân (con cái, trong trường hợp người quá vãng là cha mẹ) dâng vải trắng đến chư tăng. Phước báu phát sanh do sự cúng dường này được hồi hướng đến người quá vãng như sau:

Idam me nàtinam hotu
Sukhità hontu nàtayo.

"Xin hồi hướng (phước báu) này đến thân nhân của tôi đã quá vãng.
Ngưỡng nguyện thân nhân tôi được an lành hạnh phúc!"

Trong khi đọc câu kinh Pali trên, con cái hay người thân trong nhà từ từ sớt nước từ một lọ nhỏ vào cái chén không cho đến lúc nước đầy tràn, một cử chỉ tượng trưng là phước báu đã được hồi hướng. Lúc ấy chư tăng đọc tụng câu kinh đặc biệt thích hợp với cơ hội này:

Aniccà vata samkhàrà -- uppàda vaya dhammino
Uppajjitvà nirujjhanti -- tesam vupasamo sukho.

"Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường,
Sanh rồi diệt, đó là bản chất thiên nhiên của chúng;
Chúng phát sanh và hoại diệt,
Thoát ra khỏi chúng là hạnh phúc tối thượng."

Sau đó là một thời Pháp ngắn nhấn mạnh về đặc tướng vô thường của vạn pháp -- rằng cái chết đến với tất cả mọi người và chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi này.

Vào ngày thứ sáu sau khi thân nhân lâm chung, người nhà cung thỉnh một vị sư về vào một buổi chiều tối để thuyết Pháp, Thông thường, vị Pháp Sư giảng về hai thực tại của đời sống, vô thường và đau khổ, và bản chất của thảm kịch sống và chết.

Vào ngày thứ bảy, nhiều vị sư được thỉnh về nhà thọ trai (dàna) và đọc kinh hồi hướng đến người quá cố. Phần lớn các nghi thức ấy cũng được lặp lại khi đúng ba tháng.

Nếu sống trong một xứ không có Phật Giáo, không có nhà sư, thì hàng cư sĩ có thể đọc chung với nhau hai câu kinh trên và hồi hướng đến người quá cố.

I. Vào Lúc Lâm Chung

Có những sự hiểu biết hữu ích để giúp người ta sanh đẻ dễ dàng, nhưng không có ngành khoa học nào giúp người từ giã cõi đời, ra đi một cách thoải mái. Phật Giáo chú trọng nhiều về phần tâm linh, xem chập tư tưởng cuối cùng của người sắp lâm chung thật vô cùng quan trọng, vì nó tạo duyên cho kiếp sinh tồn sắp tới. Trong nhiều trường hợp, khi biết một người sắp chết, Ðức Phật nói lên những lời thích nghi có nhiều ý nghĩa nhằm đặt cái tâm người ấy vào khuôn khổ chân chánh.

Chỉ thoáng nhìn thấy Ðức Phật hoặc, vào thời buổi không có một vị Phật hay một vị A La Hán, hình dáng nhà sư hay một người thánh thiện cũng là niềm an ủi lớn lao cho người lâm chung. Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú có ghi chép câu chuyện sau đây: [5]

Tại Sàvatthì có người Bà la môn bẩm tánh hà tiện. Con duy nhất của ông ta tên Matthakundali. Khi đứa bé lên mười sáu thì thình lình lâm bịnh. Mẹ em rất muốn dẫn em đến nhờ lương y chẩn mạch, nhưng người cha tiếc tiền, chỉ cho đi nếu không mất chút ít tiền của gì của ông. Khi sức khỏe con quá kiệt quệ ông mới bằng lòng cho rước thầy. Nhưng thầy cũng chạy, vì bịnh tình đã trầm trọng đến mức không còn có thể chữa.

Người cha biết chắc rằng con mình sắp chết mới nghĩ thầm: "Khi con ta chết ắt có đông bạn bè và bà con quyến thuộc đến viếng và họ sẽ dòm ngó của cải trong nhà. Ta sẽ gặp khó khăn." Và ông để cho đứa con bịnh nằm trước hàng ba.

Biết tình trạng đáng thương của em bé, Ðức Phật đến viếng. Ðứa bé đang lâm chung thoáng nhìn thấy hình dáng của Ðức Bổn Sư, sáng ngời và rực rỡ tâm từ vô lượng. Một hình ảnh cao cả vĩ đại mà trước đây em chưa từng bao giờ thấy. Trong tình trạng vô cùng phỉ lạc ấy em muốn chấp tay đảnh lễ đấng Ðại Từ Ðại Bi, nhưng hai tay xuôi cứng, em không đủ sức dở lên. Với tâm trí tràn đầy kỉnh mộ và sùng kính, em chăm chăm nhìn Ðức Bổn Sư như muốn lễ Ngài. Ðức Phật giải thích; "Nó làm bấy nhiêu đó đã đủ rồi," và trở về Tịnh Xá Jetavana (Kỳ Viên). Lúc ấy thì em bé trút hơi thở cuối cùng và tái sanh vào một cõi trời (deva), cảnh giới nhàn lạc.

Một trong những phước lành của người thường niệm tâm từ (mettà bhàvanà) là không bao giờ người ấy chết với tâm loạn động (assmmmùlho kàlam karoti) [6]. Trong giờ phút lâm chung vô cùng quan trọng người Phật tử thường đến cạnh giường bịnh nhân đọc tụng Satipatthanà Sutta, Kinh Tứ Niệm Xứ [7]. Việc làm này sẽ giúp cho người bịnh tạo những tư tưởng thiện trước khi thở hơi cuối cùng. Dầu cho người bịnh không hiểu gì về ý nghĩa của lời kinh, là một Phật tử, đã có niềm tin nơi Tam Bảo (saddhà), khi nghe tới nghe lui giọng đọc tụng những câu kinh (gàthà) quen thuộc, có nhiều hy vọng rằng vị ấy sẽ thấm nhập vào trạng thái tâm thiện, hoan hỷ thưởng thức giọng kinh. Bất cứ ai giúp một người sắp lâm chung nhập vào trạng thái tâm chân chánh quả thật là người bạn thân nhất (kalyàna mitta).

II. Mai Táng Và Hỏa Táng

Nghi thức của Phật Giáo đối với nhục thể của người quá vãng như thế nào? Mai táng hay hỏa táng?

Trong bài Mahà Parinibbàna Sutta (Kinh Ðại Niết Bàn) [8], Ðức Ànanda, vị thị giả của Ðức Phật, cũng bạch hỏi Ngài câu ấy: "Chúng con phải làm thế nào, Bạch Ðức Thế Tôn, với pháp thể của đấng Như Lai, đấng Trọn Lành?" Ðức Phật đáp rằng nhục thể phải được hỏa táng như trong trường hợp của một vị Cakkavatti Ràja, Chuyển Luân Pháp Vương.

Ngoài tuyên ngôn này của Ðức Phật, kinh điển không có đoạn nào đề cập đến việc phải làm thế nào với xác người chết. Không có một nghi thức chung. Vài người thích hỏa táng, những người khác thích mai táng. Tuy nhiên, với tình trạng ngày càng thiếu đất đai cho người ở, và dân số tăng trưởng nhanh chóng đến mức báo động, tưởng cũng nên nghĩ đến hỏa táng, hơn là chôn cất. Về phương diện vệ sinh cũng vậy, hỏa táng là thích hợp hơn trong nhiều quốc gia.

Tro của người được hỏa táng cũng vậy, không có một nghi thức chung cho tất cả mọi người. Có thể đựng trong một cái lọ hoặc tôn trí trong một đền thờ được tạo dựng để tưởng niệm người chết.

Có tập tục tạo dựng những bảo tháp để tôn trí tro của Ðức Phật và những vị A La Hán. Hình ảnh của ngôi bảo tháp làm êm dịu tâm trí và gợi cho ta cảm nhớ những cuộc sống tuyệt đối trong sạch của các bậc thánh nhân ấy. Chính Ðức Phật có đề cập đến điều này trong kinh Mahà Parinibbàna Sutta (Ðại Niết Bàn).

Giá Trị Của Kinh Paritta (Pirit)

"Gần đây, công trình khảo cứu y khoa về tâm lý học thực nghiệm đã rọi vài tia sáng vào bản chất của tâm và vị trí của nó trên thế gian. Trong bốn mươi năm sau này, giới y khoa ngày càng tin tưởng chắc chắn hơn rằng các chứng bịnh, thuộc hữu cơ cũng như những bịnh thuộc về cơ năng, trực tiếp khởi sanh do những trạng thái tâm linh.

"Cơ thể lâm bịnh vì cái tâm mà kiểm soát nó thầm kín muốn làm cho nó bịnh hay gì khác, bởi vì trong trạng thái loạn động như vậy không thể ngăn ngừa cơ thể khỏi bịnh. Dầu tình trạng vật lý như thế nào, sức kháng bịnh chắc chắn phải liên hệ đến điều kiện (tâm linh) của bịnh nhân." [9]

"Tâm không những chỉ gây bịnh, mà cũng chữa bịnh. Một bịnh nhân lạc quan có nhiều hy vọng được hồi phục hơn là người bịnh luôn luôn lo âu và bất mãn. Có nhiều trường hợp được ghi nhận cho thấy rằng một niềm tin vững chắc có khả năng chữa trị, luôn cả những chứng bịnh thuộc hữu cơ, hầu như tức khắc." [10]

Về điểm này ta thích thú ghi nhận rằng trong các quốc gia Phật Giáo rất thường có người đặt hết niềm tin lắng nghe đọc những bài kinh nhằm bảo vệ, thoát khỏi ảnh hưởng xấu, và đem lại tình trạng an lành hạnh phúc. Những bài kinh được chọn lựa để đọc tụng có tên là Paritta suttas. Danh từ Pali "Paritta" (tiếng Sanskrit là Paritrana và tiếng Sinhala là Pirit) nghĩa chánh là "bảo vệ". Danh từ này mô tả vài bài kinh, hay bài giảng (do Ðức Phật thuyết), được xem là có tư cách bảo vệ và làm cho thoát khỏi những ảnh hưởng xấu. Nghi thức đọc tụng và nghe Paritta sutta bắt đầu từ xa xưa trong lịch sử Phật Giáo. Chắc chắn rằng đọc những bài kinh này có tạo trạng thái tâm an lành cho những ai lắng nghe một cách hiểu biết và tin tưởng nơi chân lý của Phật ngôn. Tâm trạng an lành như vậy có thể giúp một người bịnh sớm phục hồi và cũng có thể giúp đưa đến thái độ tinh thần an lạc hạnh phúc. Lúc ban sơ, tại Ấn Ðộ những người nghe chính Ðức Phật nói lên bài kinh Paritta, hiểu biết ý nghĩa của lời kinh thì có rất nhiều linh nghiệm. Ðức Phật cũng được người khác đọc kinh Paritta cho Ngài, và cũng có khi Ngài yêu cầu người khác đọc cho các vị đệ tử của Ngài khi lâm bịnh. Nghi thức này vẫn còn thạnh hành trong các quốc gia Phật Giáo.

Ðức Phật và chư vị A La Hán có thể gom tâm vào những bài kinh Paritta mà không cần ai giúp. Tuy nhiên, khi đau ốm bịnh hoạn, các Ngài nghe người khác đọc rồi trụ tâm vào Giáo Pháp chứa đựng trong kinh thì dễ dàng hơn là chính các Ngài nghĩ đến Giáo Pháp. Trong những trường hợp như bịnh nặng, tâm trí mệt mỏi, có ai gợi lên cho ta ý nghĩ thì công hiệu hơn là chính ta tự kỷ ám thị.

Theo Giáo Pháp, tâm mật thiết dính liền với thân đến độ những trạng thái tâm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng an lành của cơ thể. Cũng có vài bác sĩ nói rằng không có chi thuần túy là bịnh cơ thể. Như vậy, ngoại trừ trường hợp những trạng thái tâm bất thiện ấy sanh khởi do những hành động bất thiện trong quá khứ (akusala kamma-vipàka), và như vậy thì không thể tu chính, ta có thể sửa đổi để làm cho sức khỏe tâm linh và tình trạng an lạc của thân có thể theo đó cải thiện.

Rung động của những âm thanh mà kinh Paritta tạo nên làm êm dịu thần kinh và đưa đến trạng thái tâm thanh bình an lạc, hòa điệu với toàn thể hệ thống.

Bằng cách nào đọc Paritta Suttas có thể đối trị những ảnh hưởng xấu của các chúng sanh bất thiện? Những ảnh hưởng xấu ấy là kết quả của sự suy tư bất thiện. Như vậy, có thể đối trị nó bằng các trạng thái tâm tốt. Những trạng thái tâm tốt này phát sanh do sự lắng nghe những lời dạy của kinh Paritta một cách hiểu biết và với niềm tin vững chắc. Chăm chú lắng nghe giúp gom tâm. Tâm an trụ nhiệt thành theo dõi chân lý của lời Phật dạy sẽ tiêu trừ những tư tưởng bất thiện.

Ðọc Paritta Sutta là một hình thức saccakiriya, nương nhờ chân lý để được bảo vệ, xác nhận chân lý để tự bảo vệ. Ðây có nghĩa là tự đặt mình trọn vẹn củng cố trong chân lý để đạt đến mục tiêu. Câu nói: "Oai lực của chân lý bảo vệ người sống theo chân lý" (Dhammo have rakkhati dhammacàrim) là nguyên tắc nằm phía sau công phu đọc tụng những bài kinh này. Nếu đúng thật đức hạnh bảo vệ con người đức hạnh, thì một người chăm chú lắng nghe kinh với niềm tin vững chắc nơi những lời của Ðức Phật, vốn phát xuất từ trí tuệ của một đấng toàn giác, ắt phải tiến đạt đến trạng thái tâm đầy đủ phẩm hạnh để diệt trừ mọi ảnh hưởng bất thiện. Ðọc tụng những bài Paritta suttas cũng đem lại phước lành có tánh cách vật chất xuyên qua những trạng thái tâm linh, bằng cách gom tâm an trụ và đặt niềm tin trong sự lắng nghe lời kinh một cách hiểu biết. Theo lời dạy của Ðức Phật, chánh tinh tấn là yếu tố thiết yếu để khắc phục đau khổ (viriyena dukkham accheti) [11]. Thành tâm lắng nghe những bài kinh ấy một cách thích nghi cũng làm tăng thêm lòng thiết tha muốn làm những việc tốt, và chuyên cần thuận theo con đường tiến bộ của thế gian.

Ðã được biết rằng lắng tai nghe các bài Paritta suttas một cách hiểu biết và tin tưởng, sẽ tạo cho người nghe những thiện pháp có thể chữa trị và ngăn ngừa bịnh. Không có thuốc nào công hiệu như chân lý (Dhamma), cho cả thân lẫn tâm, vốn là nguyên nhân của tất cả mọi đau khổ và bất hạnh. Như vậy Paritta suttas, khi được lắng nghe một cách chân chánh, sẽ đem lại tiến bộ tinh thần và tình trạng vật chất thanh bình, an lạc.

Sách Paritta (Bảo Vệ)

Ta lấy làm thích thú và mát mẻ mà ghi nhận rằng hầu như trong nhà tất cả mọi người Phật tử ở Sri Lanka (Tích Lan) đều có một quyển sách Paritta, hay sách Bảo Vệ, luôn luôn được tôn kính cất giữ ở một nơi quan trọng.

Sách chứa đựng những gì? Ðây là một tuyển tập hai mươi ba bài kinh, hầu hết đều do Ðức Phật thuyết giảng, được ghi chép rải rác đó đây trong năm bộ A Hàm, Nikàyas, gom chung lại thành Tạng Kinh, Sutta Pitaka hay "Giỏ Ðựng Kinh". Trước khi đọc những bài kinh này có nghi thức quy y Tam Bảo (saranagamana); thọ Mười Giới (dasa sikkhà-padàni); và những câu hỏi được nêu lên cho thầy sa di (sàmanera panhà), cũng được gọi là câu hỏi cho người trẻ tuổi (kumàra panhà). Trong hai mươi ba bài kinh này được biết nhiều nhất là Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta), Tam Bảo Kinh (Ratana Sutta), và Từ Bi Kinh (Mettà Sutta).

Trong sách Paritta (Bảo Vệ) cũng có những bài giảng quan trọng như Dhammacakkapavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân, bài giảng đầu tiên của Ðức Phật, thuyết tại Vườn Lộc Uyển, Isipatana, Vàrànasi); bài Sacca-vibhanga, Phân Giải (Bốn) Chân Lý, và Bojjhangas, Thất Giác Chi hay Thất Bồ Ðề Phần.

Khi các nhà sư được cung thỉnh về nhà trong những trường hợp như sinh nhật, tân gia, đau ốm hay những diễn biến tương tợ, thông thường các Ngài đọc tụng những bài kinh được đề cập trên đây. Trong những cơ hội đặc biệt, chư tăng được cung thỉnh đọc tụng Paritta suttas, không phải một thời kinh mà luôn suốt đêm. Lúc khai kinh, chư tăng (thường là mười hai vị) cùng đọc chung với nhau ba bài kinh được đề cập ở phần trên. Sau đó từng cặp, mỗi lần hai vị, tiếp tục đọc tụng hai tiếng đồng hồ, rồi nghĩ. Hai vị khác tiếp theo đọc hai tiếng, và cứ thế sáu cặp thay phiên nhau tụng kinh suốt đến bình minh.

Trong khi chư tăng tụng kinh người ta để một lọ nước trên bàn trước mặt các Ngài. Trên bàn cũng có một quyển kinh Paritta ghi chép trên lá buôn, một cuồng chỉ đã được tháo gỡ và trao chuyền từ mỗi vị sư đến những người cư sĩ, mỗi người cầm chỉ trên tay trong khi chư tăng đọc tụng ba bài kinh thông thường để khai mạc. Ðến sáng, vào lúc bế mạc, trọn các bài kinh trong sách đã được đọc tụng, chỉ được cắt ra từng đoạn và phân phối cho hàng cư sĩ. Nước trong lọ cũng được sớt ra và phân phối. Ðây là nghi thức tượng trưng cho oai lực bảo vệ của kinh Paritta đã được đọc tụng. Nước và chỉ này có những linh nghiệm tâm lý.

Một thắc mắc có thể được nêu lên: sách Paritta có đem lại kết quả mong mỏi mỗi lần đọc tụng không? Về điểm này, câu trả lời của Ðại Ðức Nagasena với Vua Milinda, "tại sao trong mọi trường hợp kinh Paritta không bảo vệ ta khỏi chết," đáng được ghi nhớ.

Có ba nguyên nhân làm cho kinh Paritta có thể không linh nghiệm:

1. chướng ngại của nghiệp (kammà- varanena);
2. chướng ngại của ô nhiễm (kilesa-varanena); và
3. thiếu niềm tin (asaddhànatàya). [12]

Hồi Hướng Phước Báu

Ðời sống sau khi chết (và do đó, đời sống trước khi sanh) là một trong những giáo lý chánh yếu của Ðức Phật. Người Phật tử tin nơi tái sanh hay một cách chính xác -- nơi sự trở thành trở lại (không phải là đầu thai, bởi vì nói đầu thai là hàm xúc ý nghĩ có một linh hồn thường còn không biến đổi, chuyển sinh vào bên trong cơ thể của một người hay một con thú). Theo lời khuyên của Ðức Phật người Phật tử chia sẻ phước báu cho thân nhân quá vãng. Hành động này thường được gọi là "hồi hướng phước báu", tức trao chuyển công đức mà mình đã tạo đến người quá cố.

Trong Phật Giáo danh từ "phước báu" (punna) được dùng trong ý nghĩa việc làm tốt, thiện, tạo thiện nghiệp. Những việc mà mình làm với tâm trong sạch; hành động được thực hiện với tác ý tốt, thiện tâm. Hành động (kamma) có ba: hành động bằng thân, khẩu hay ý. Tất cả mọi hành động, thiện hay bất thiện, đều gây phản ứng (kamma-vipàka).

Một người đã tạo thiện nghiệp quyết tâm trao chuyển, chia sẻ quả lành đến "vị này, vị này". Sự "hồi hướng phước báu" tự nó là một hành động tốt và người hồi hướng không có mất gì, mà trái lại còn tích trử thêm phước báu. Khi hồi hướng phước báu đến người quá vãng, người Phật tử đọc một công thức ngắn gọn bằng tiếng Pali: "idam vo nàtinam hotu sukhita hontu nàtayo". "Ngưỡng nguyện phước báu này phát sanh đến thân nhân chúng tôi, cầu xin thân nhân chúng tôi được an vui hạnh phúc."

Trong thời Ðức Phật, tại Ấn Ðộ người ta dùng máu để tế lễ thần linh. Ðức Phật có thái độ dứt khoát đối với hành động sát sanh, bất luận sát sanh để nhằm vào mục tiêu nào. Tâm từ vô lượng bao trùm tất cả chúng sanh của Ngài đã thắng triết học Veda (Phệ Ðà) và triết học Upanishad với sự cảm hóa Vua Seniya Bimbisara (Bình Sa Vương) của xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà), người đầu tiên chấp nhận chánh sách ahimsà (bất bạo động) một cách không thể đảo ngược. Ông ban hành đạo luật phải được áp dụng toàn quốc, cấm hy sinh mạng thú để tế lễ thần linh. Các nhà cầm quyền trị dân khác cũng noi theo gương lành của ông. Tạng Kinh, tuyển tập các bài thuyết giảng của Ðức Phật, có nhiều bài kinh trong đó Ðức Phật thuyết phục các vị bà la môn nên thấy rõ đường lối sai lầm của họ và chấm dứt tập tục hy sinh con vật để tế lễ thần linh. Kùtadanta Sutta (Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 5) là một trong những bài kinh ấy.

Tập tục được lưu truyền từ xưa đến nay là trong khi chư tăng đọc kinh để hồi hướng đến thân nhân quá vãng, người thiện tín sớt nước từ một cái lọ đầy vào ly trống cho đến khi nước tràn ly. Tập tục này không thấy có ghi ở nơi nào trong kinh điển. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chỉ trích và từ bỏ. Tánh cách thiêng liêng của nghi thức này đã từ lâu được tín nhiệm. Ðức Phật cho phép áp dụng những tập tục xã hội nào mà không đi ngược giáo huấn của Ngài.

Trong dịp lễ khánh thành ngôi chùa Jetavana (Kỳ Viên Tự), người ta rót nước vào tay của Ðức Phật. Trong lễ thành hôn, cô dâu và chú rễ nắm tay nhau, và nước được rót lên. Hồi hướng phước báu là một hành động quý báu theo đó người cho phước phát tâm trong sạch muốn phục hồi cho thân nhân quá vãng, từ tình trạng bất hạnh trở lại trạng thái an vui hạnh phúc. Vì lẽ ấy nghi thức này phải được cử hành nghiêm trọng. Dầu sao, người không quen với tập tục xưa cũ này không nên làm hư hõng việc hồi hướng phước báu.

Trong các xứ Phật Giáo, sau khi nghi thức dâng vật thực đến chư tăng đã hoàn tất, thì chư sư, những vị hội viên của Giáo Hội Tăng Già, đồng thanh đọc câu hồi hướng phước báu đến người quá cố như sau:

"Cũng như nước từ trên cao chảy xuống thấp, cùng thế ấy, phước báu (mà thân nhân làm đây) ở cảnh người, được chia sẻ cho người quá vãng (ở một cảnh giới khác).

"Cũng như nước từ các sông ngòi tuôn chảy làm đầy biển cả, cùng thế ấy, phước báu này được chia sẻ cho thân nhân quá vãng."

-- (Tirokudda Sutta, Khuddakapàtha, trang 213).

Có chăng một ngày nhất định để tạo phước và hồi hướng đến thân nhân quá vãng? Không có lời dạy nào của Ðức Phật, cho biết ngày giờ nhất định. Tuy nhiên, người Phật tử thường có thói quen chọn ngày thứ ba, ngày thứ bảy, tháng thứ ba, và đôi khi ngày giáp năm, để cúng. Ta nên theo tập tục, và cũng nên nhớ câu châm ngôn mà người uống trà thường nói: "Giờ nào cũng là giờ uống trà" [13]. Có nghĩa là: mỗi khi tạo phước báu, bất cứ lúc nào, hãy nhớ đến người thân quá vãng, từ khi bắt đầu việc làm.

Sau khi làm một điều thiện, tạo phước báu, người Phật tử cũng hồi hướng đến chư thiên (devatà, chúng sanh ở cảnh trời). Bởi vì các vị này cũng mong muốn được chia sẻ phước báu mà con người hồi hướng. Dầu sao, chư thiên không phải là những chúng sanh siêu thế có những quyền năng siêu thế. Các vị ấy được sanh vào nhàn cảnh (sugati) và có thể giúp người, theo phương cách của các Ngài. Năng lực của các vị này vẫn còn tại thế và hạn định, không thể dẫn dắt đến giác ngộ và giải thoát cùng tột. Các Ngài cũng còn chịu ảnh hưởng của định luật nghiệp báo (kamma), vô thường và chết -- dầu ở cảnh người hay cảnh trời, không ai thoát khỏi cảnh chết chóc. Con người hồi hướng phước báu đến chư thiên và các Ngài hoan hỷ và như thế có tình trạng hòa điệu, thiện ý, và thanh bình an lạc giữa hai cảnh giới, người và chư thiên.


Chú thích:

[1] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 4, 124.

[2] Nehru, An Autobiography, (John Lane, The Bodley Head, London, 1942), trang 271

[3] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 31. Xem Everyman's Ethics, (Kandy: BPS) loại Wheel #14.

[4] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, iii, 295.

[5] Dhammapadatthakathà, quyển 1, trang 25.

[6] Mettànisamsa Sutta, Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm câu 342.

[7] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 10; Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 22. Xem The Foundations of Mindfulness, do Nyanasatta chuyển dịch (Kandy: BPS), loại Wheel 19.

[8] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 16. Xem Last Days of the Buddha, Mahà Parinnibàna Sutta (Kandy: BPS) loại Wheel 67/69

[9] Xem J.E.R. Mc Donagh, The Nature of Disease.

[10] Aldous Huxley, Ends and Means (London: Chatto & Windus, 1946), trang 258-259.

[11] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, i, 214.

[12] Milinda-panha, I.154.

[13] Every time is tea-time.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01.a | 01.b | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
 10.a | 10.b | 10.c | 11 | 12.a | 12.b | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18.a | 18.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002