Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
TẠNG KINH - TIỂU BỘ

PHẬT  SỬ
(BUDDHAVAṂSA)

Lời tiếng Việt: Tỳ khưu Indacanda
(Trương đình Dũng)

SRI JAYAWARDHANARAMAYA
COLOMBO – 2005

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 

MỤC LỤC

  Giới thiệu
[01] Chương Dẫn Nhập: Con Đường Kinh Hành Bằng Châu Báu
[02] 1/- Lịch Sử Đức Phật Dīpaṅkara – Bồ Tát Sumedha
[03] 2/- Lịch Sử Đức Phật Koṇḍañña
3/- Lịch Sử Đức Phật Maṅgala
4/- Lịch Sử Đức Phật Sumana
5/- Lịch Sử Đức Phật Revata
[04] 6/- Lịch Sử Đức Phật Sobhita
7/- Lịch Sử Đức Phật Anomadassī
8/- Lịch Sử Đức Phật Paduma
9/- Lịch Sử Đức Phật Nārada
10/- Lịch Sử Đức Phật Padumuttara
[05] 11/- Lịch Sử Đức Phật Sumedha
12/- Lịch Sử Đức Phật Sujāta
13/- Lịch Sử Đức Phật Piyadassī
14/- Lịch Sử Đức Phật Atthadassī
15/- Lịch Sử Đức Phật Dhammadassī
[06] 16/- Lịch Sử Đức Phật Siddhattha
17/- Lịch Sử Đức Phật Tissa
18/- Lịch Sử Đức Phật Phussa
19/- Lịch Sử Đức Phật Vipassī
20/- Lịch Sử Đức Phật Sikhī
[07] 21/- Lịch Sử Đức Phật Vessabhū
22/- Lịch Sử Đức Phật Kakusandha
23/- Lịch Sử Đức Phật Konāgamana
24/- Lịch Sử Đức Phật Kassapa
25/- Lịch Sử Đức Phật Gotama
26/- Chương Tổng Hợp về Chư Phật
27/- Giảng Giải về Việc Phân Chia Xá-lợi

-ooOoo-

PHẦN GIỚI THIỆU

Tập kinh Buddhavaṃsa được xếp vào Tạng Kinh, thuộc Tiểu Bộ. Chú Giải có tên là Madhuratthavilāsinī được thực hiện do công của Ngài Buddhadatta, một trong ba vị Chú Giải Sư nổi tiếng sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên (Hai vị kia là ngài Buddhaghosa và ngài Dhammapāla).

Về nội dung, tập kinh Buddhavaṃsa trình bày quá trình tu tập và chứng đạt quả vị Toàn Giác của đức Phật Gotama (Cồ Đàm), tức là đức Phật Thích Ca đang được chúng ta thờ phượng hiện nay. Tập kinh được bắt đầu với việc đấng Phạm Thiên thỉnh cầu đức Phật Gotama thuyết Pháp và giới thiệu sơ lược về quá trình tế độ chúng sanh của Ngài từ lúc chuyển vận Pháp Luân cho đến lúc quay trở về thành Kapilavatthu để tế độ đức vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn). Lúc ấy, ở bờ sông Rohiṇī Ngài đã sử dụng thần thông làm hiện ra con đường kinh hành được trang hoàng bằng châu báu ở trên không trung. Cũng vào lúc đó, ngài Sārīputta (Xá-lợi-phất) đang đứng ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu) tại thành Rājagaha (Vương Xá), tuy khoảng cách rất xa có thể lên đến cả ngàn cây số (?) nhưng ngài Sārīputta vẫn có thể chiêm ngưỡng được đức Phật. Kế đó, ngài Sārīputta đã cùng năm trăm vị A-la-hán trong đó có các ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên), Mahākassapa (Đại Ca-diếp), Anuruddha, Upāli, Puṇṇa dùng thần thông bay đến bên đức Phật để hỏi đức Phật về công hạnh nào được thực hiện trong quá khứ khiến Ngài có được oai lực cao quý như thế. Bằng trí tuệ hướng về các kiếp sống trước đây, đức Phật đã giảng giải về lịch sử của chư Phật nhằm mục đích đem lại điều lợi ích cho chư thiên và nhân loại.

Chương kế là câu chuyện về đức Bồ Tát Sumedha, tiền thân của đức Phật Gotama. Đây là lời giải bày cụ thể về những điều kiện đầu tiên cần phải có của một vị Bồ Tát để đạt được sự chú nguyện (vyākaraṇa) về việc chắc chắn được thành tựu quả vị Phật Toàn Giác trong ngày vị lai: Trước hết, vị Bồ Tát phải có sự phát nguyện ban đầu (abhinīhāra), và lời phát nguyện ban đầu chỉ có hiệu quả khi nào vị Bồ Tát hội đủ tám điều kiện: 1/- Bản thân là loài người, 2/- Là người nam thành tựu nam căn, 3/- Có chủng tử (có khả năng chứng đắc quả vị A-la-hán trong kiếp sống ấy), 4/- Nhìn thấy bậc Đạo Sư (phải sanh vào lúc vị Phật đang còn tại tiền), 5/- Là vị xuất gia (sống đời ẩn sĩ), 6/- Hội đủ đức hạnh (chứng đắc về thiền và thần thông), 7/- Có hành động hướng thượng (đến vị Phật đương thời), 8/- Và có lòng ước muốn theo đuổi thực hành hạnh nguyện (Chương I: câu kệ 58). Vị Bồ Tát cần phải thể hiện hành động hướng thượng (adhikāra) đến đức Phật đương thời và được vị Phật ấy chú nguyện (I: 59-69). Kế đến, vị Bồ Tát cần quán xét về bản thân (I: 77-80) và các pháp tu tập cần phải thực hành để đạt đến quả vị Phật cao quý. Trong thời gian dài đăng đẳng kế tiếp, trải qua không biết là bao nhiêu kiếp sống trôi nổi luân hồi, vị Bồ Tát cần phải đạt đến sự toàn hảo về mười pháp (10 pháp ba-la-mật) là: bố thí, trì giới, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ ái, và hành xả (I: 115-165). Và mức độ của sự thực hành mười pháp này là vị Bồ Tát phải đạt đến sự toàn hảo tối thượng (paramatthapāramī). Đơn cử về pháp bố thí, vị Bồ Tát cần phải hoàn thành năm phép đại thí (pañca mahāpariccāya) là: bố thí vợ, con, vương quốc, mạng sống, bộ phận của cơ thể.

Điểm quan trọng cần đề cập đến là thời gian kéo dài trong việc thực hành 10 pháp này kể từ lúc nhận được sự chú nguyện của vị Phật đầu tiên cho đến khi chứng đắc quả vị Toàn Giác. Đơn cử trường hợp đức Phật Gotama: Ngài là vị Bồ Tát hạnh Trí Tuệ nên thời gian hành pháp Bồ Tát của Ngài là ngắn nhất (heṭṭhimapariccheda) gồm có 4 a-tăng-kỳ (asaṅkheyya) và 100.000 kiếp (kappa) tính từ thời điểm của đức Bồ Tát Sumedha. Còn vị Bồ Tát hạnh Đức Tin thời gian sẽ là 8 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp, và vị Bồ Tát hạnh Tinh Tấn thời gian sẽ là 16 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.

Như thế, thời gian kéo dài của một kiếp (kappa) sẽ là bao lâu? Trong Samyuttanikāya, đức Phật đã cho ví dụ khi giải thích vấn đề này: “ Ví như, này Tỷ-kheo, có một hòn núi đá lớn, một do tuần bề dài, một do tuần bề rộng, một do tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá ấy một lần với tấm vải kàsi. Này Tỷ-kheo, hòn núi đá lớn ấy được làm như vậy có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.” Hoặc “Ví như, này Tỷ-kheo, có một thành bằng sắt, dài một do tuần, rộng một do tuần, cao một do tuần, chứa đầy hột cải cao như chóp khăn đầu. Một người từ nơi chỗ ấy, sau mỗi trăm năm lấy ra một hột cải. Này Tỷ-kheo, đống hột cải ấy được làm như vậy, có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.”[1] Như vậy là khoảng thời gian kéo dài của một kiếp.

Về định nghĩa của từ a-tăng-kỳ (asaṅkheyya), đa số các tài liệu giải thích đều cho trích dẫn ở Tạng Kinh Aṅguttaranikāya: “Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp (kappassa asaṅkheyyāni) này. Thế nào là bốn? 1/- Khi kiếp chuyển thành, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để ước tính có bao nhiêu năm như vậy, có nhiều trăm năm như vậy, có nhiều ngàn năm như vậy. Có nhiều trăm ngàn năm như vậy. 2/- Khi kiếp đã chuyển thành và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính như vậy. 3/- Khi kiếp chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính có nhiều năm như vậy ... như vậy. 4/- Khi kiếp đã chuyển hoại và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính ... như vậy. Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp này.”[2] Theo định nghĩa này, asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) là một đơn vị đo thời gian và bốn asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) thành, trụ, hoại, không sẽ tạo thành một kappa (kiếp). Theo ngữ cảnh của Buddhavaṃsa, định nghĩa asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) như trên xem không được thích hợp lắm. Trong ngữ cảnh này, bản thân chúng tôi nghĩ rằng asaṅkheyya có thể là con số đếm theo nghĩa đơn thuần của asaṅkheyya là một con số rất lớn không thể đếm được.[3] Làm sao để giải thích 4 asaṅkheyya, 8 asaṅkheyya 16 asaṅkheyya như đã đề cập ở trên? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm lời giải thích trong tương lai. Vả lại, chỉ riêng khoảng thời gian kéo dài của 100.000 kiếp (kappa) cũng đủ để chúng ta mường tượng ra khoảng thời gian ấy là bao lâu và công hạnh của một vị Phật Toàn Giác đối với chúng sanh là như thế nào.

Trong tập kinh Buddhavaṃsa (Phật Sử), tên của hai mươi tám vị Phật Toàn Giác thuộc thời quá khứ đã được đề cập đến nhưng chỉ trình bày sử liệu của các vị từ đức Phật Dīpaṅkara, là vị đầu tiên đã  ban lời chú nguyện cho đức Bồ Tát Sumedha, cho đến đức Phật Gotama tức là Phật Thích Ca gồm các chi tiết như sau: Thời điểm của vị Phật tính theo kiếp (kappa), tên của vị Phật vào thời kỳ đó, số lần lãnh hội (abhisamaya), số lần của các cuộc hội tụ (samāgama). Bản thân đức Bồ Tát vào thời kỳ ấy về nguồn gốc xuất thân, tên, phẩm hạnh, hành động thù thắng đã được thực hiện đến đức Phật, lời chú nguyện của đức Phật. Chi tiết của vị Phật vào thời kỳ ấy gồm có: Tên của thành phố, cha và mẹ, thời gian sống tại gia, tên của ba tòa lâu đài, số lượng người nữ hầu hạ, tên vợ, tên con trai, bốn điều báo hiệu, phương tiện di chuyển lúc ra đi, thời gian hành khổ hạnh, Phạm Thiên thỉnh cầu, địa điểm chuyển vận Pháp Luân, tên hai vị tỳ khưu Thinh Văn hàng đầu, tên vị thị giả, tên hai vị tỳ khưu ni Thinh Văn hàng đầu, tên cội Bồ Đề, tên hai vị thí chủ hộ độ hàng đầu, tên hai vị nữ thí chủ hộ độ hàng đầu, chiều cao của đức Phật, hào quang, tuổi thọ của đức Phật, Niết Bàn, bảo tháp và xá-lợi.

Cũng cần nói thêm về sự phân loại của kappa (kiếp). Có hai loại kappa (kiếp): suñña-kappa (kiếp trống không) tức là kiếp không có đức Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác, hoặc Chuyển Luân Vương xuất hiện, nghĩa là kiếp không có những nhân vật có đức hạnh sanh lên. Và a-suñña-kappa (kiếp không trống không) là có năm hạng: sāra-kappa (có một vị Phật Toàn Giác xuất hiện), maṇḍa-kappa (có hai ...), vara-kappa (có ba ...), sāramaṇḍa-kappa (có bốn ...), và bhadda-kappa (có năm vị Phật Toàn Giác xuất hiện); nhiều vị Phật hơn nữa trong một kiếp là không có. Thứ tự các vị Phật được sắp xếp theo các kappa (kiếp) được trình bày như sau:

-       Sāramaṇḍa-kappa: Bốn vị Phật là Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, Saraṇaṅkara, và Dīpaṅkara (1)

-       Sāra-kappa: Một vị Phật là Koṇḍañña (2)

-       Sāramaṇḍa-kappa: Bốn vị Phật là Maṅgala, Sumana, Revata, Sobhita (3-6)

-       Vara-kappa: Ba vị Phật là Anomadassī, Paduma, Nārada (7-9)

-       Sāra-kappa: Một vị Phật là Padumuttara (10)

-       Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Sumedha, Sujāta (11-12)

-       Vara-kappa: Ba vị Phật là Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī (13-15)

-       Sāra-kappa: Một vị Phật là Siddhattha (16)

-       Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Tissa, Phussa (17-18)

-       Sāra-kappa: Một vị Phật là Vipassī (19)

-       Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Sikhī, Vessabhū (20-21)

-       Bhadda-kappa: Năm vị Phật là Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa, Gotama (22-25), và đức Phật Metteyya vào thời vị lai.

Về sử liệu của các vị Phật Toàn Giác này, có các điểm đáng được lưu ý như sau: Các Ngài đều hiện khởi ở Jambudīpa (Ấn Độ). Đức Phật Gotama (Thích Ca) của chúng ta có nhiều điểm thua sút so với các vị khác: Tuổi thọ ngắn nhất (80 năm), dài nhất là 100.000 năm của các vị Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Anomadassī, Paduma, Padumuttara, Atthadassī, Dhammadassī, Siddhattha, Tissa). Thời gian hành khổ hạnh dài nhất (6 năm), ngắn nhất là 7 ngày của các vị Sobhita, Nārada, Padumuttara, Dhammadassī, Kassapa. Chiều cao, tuổi thọ thời gian sống tại gia, hào quang phát ra đều thua sút tất cả các vị khác. Về sự ra đi vĩ đại, trong số 25 vị Phật đã được trình bày chi tiết, có sáu vị sử dụng phương tiện voi, sáu vị khác sử dụng phương tiện cỗ xe, năm vị có cả đức Phật Gotama sử dụng phương tiện ngựa, bốn vị sử dụng phương tiện là tòa lâu đài, ba vị sử dụng phương tiện kiệu khiêng, và một vị đi bộ. Về xuất thân, chỉ có ba vị Phật xuất thân dòng Bà-la-môn là Kakusandha, Konāgamana, Kassapa, các vị còn lại đều xuất thân dòng Sát-đế-lỵ. Các yếu tố khác như là cội cây Giác Ngộ, hành động hướng thượng, số lần của các cuộc hội tụ, v.v... đều có sự khác biệt.

Về hình thức, tập kinh này được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahā Kāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm.

Về nguyên tác Pāli, chúng tôi căn cứ vào văn bản Pali La tinh từ Compact Disk BUDSIR IV của trường đại học Mahidol ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Văn bản của Tạng Thái chỉ cho số thứ tự ở đầu các chương và không ghi số thứ tự cho mỗi một câu kệ nên có nhiều khó khăn trong việc trích lục. Trong quá trình phiên dịch, chúng tôi đã ghi lại số thứ tự căn cứ vào văn bản Pāli của hội Pali Text Society (Anh Quốc), theo thói quen thường gọi là Tạng Anh. Những đoạn thơ có trong Tạng Thái nhưng không thấy ở Tạng Anh sẽ được nhận diện do không có ghi số thứ tự; ngược lại những đoạn được thêm vào từ Tạng Anh sẽ được đặt vào dấu ngoặc [ ] và ghi rõ ở phần cước chú. Văn bản Buddhavaṃsa-pāli của các xứ quốc giáo như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Cam-pu-chia, Anh có nhiều điểm sai khác về từ ngữ hoặc cấu trúc của một số câu kệ do kết quả của việc hiệu đính đã được thực hiện riêng rẽ của mỗi quốc gia trong thời gian sau này. Sự khác biệt này không làm ành hưởng đến nội dung tổng quát của tập kinh. Chúng tôi không trình bày những điểm khác biệt này trong bản dịch của chúng tôi.

Về khía cạnh dịch thuật, có một số điểm cần được nêu lên như sau: Về các thì của động từ, trong nguyên tác có nhiều hành động ở vào thời quá khứ được trình bày ở thời hiện tại và một vài hành động ở vào thời vị lai lại được trình bày ở thời quá khứ. Chúng tôi ghi lại các thì theo sát văn bản nghĩ rằng những điểm này dễ dàng nhận diện qua ngữ cảnh và không làm xáo trộn ý nghĩa. Một số từ dịch được ghi lại theo lời giải thích của Chú Giải. Đa số các phần cước chú đều được căn cứ vào Chú Giải, lời giải thích nào của người dịch sẽ được ghi rõ trong ngoặc đơn (ND). Các đơn vị đo lường được tính dựa theo tài liệu Thái Lan Vinayamukha của ngài Mahasamaṇa Chao.

Về phương thức trình bày, thay vì sắp xếp tập kinh Buddhavaṃsa thành 28 chương theo văn bản, chúng tôi đã tách riêng Chương Dẫn Nhập và bắt đầu đánh số 27 chương kế tiếp theo thứ tự của 25 vị Phật khởi đầu là đức Phật Dīpaṅkara cho đến đức Phật Gotama (Thích Ca) và hai chương cuối cùng của phần kết thúc. Lý dó của việc làm này để số thứ tự của các chương phù hợp với thứ tự xuất hiện của các vị Phật hầu giúp cho việc tham khảo được phần thuận tiện. Về việc trình bày tập kinh theo lối song ngữ, chúng tôi có các dụng ý sau: 1/- Nhấn mạnh cho độc giả thấy được rằng tập kinh này được lưu truyền theo hình thức thơ ca và đây là nét phong phú về hình thức của nền văn chương truyền khẩu của Phật Giáo. Chúng tôi cố tránh việc tạo nên ngộ nhận trong sự thâu thập kiến thức Phật Giáo của quý vị. 2/- Giúp cho độc giả người Việt có được văn bản Pāli để tham khảo lúc cần thiết, đồng thời cũng thuận tiện cho quý độc giả dễ dàng kiểm tra lại chất lượng của lời dịch Việt. Chúng tôi đã ghi lại các câu kệ thơ Pāli bằng dạng chữ nghiêng xen kẽ với lời dịch Việt theo lối văn xuôi bằng dạng chữ đứng; mỗi câu kệ Pāli tương đương với hai hoặc ba dòng văn Việt được trình bày thành từng đoạn tách biệt. Hầu hết các câu văn nói khi được dịch sang tiếng Việt được trình bày bằng dạng chữ nghiêng để dễ phân biệt. 

Cũng cần nói thêm về mục đích của chúng tôi trong khi nghiên cứu tài liệu này nhằm rèn luyện kiến thức Pāli của cá nhân, chú trọng về việc tìm hiểu ý nghĩa và cấu trúc văn phạm Pāli ở thể loại gāthā (kệ thơ). Vì lý do này, lời văn tiếng Việt được cố ý ghi lại rất gần với nguyên tác nhằm thuận tiện cho việc kiểm tra ôn luyện của cá nhân, đồng thời có thể giảm bớt phần nào khó nhọc cho quý độc giả có đồng sở thích nghiên cứu và học hỏi lời Phật dạy qua văn bản gốc. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng lời văn tiếng Việt cũng tạm đủ phần trong sáng ngõ hầu giúp cho quý độc giả phổ thông hiểu được nội dung của tập kinh. Do thời gian của chúng tôi rất hạn hẹp nên thời gian đầu tư cho công việc ghi lại tiếng Việt của tài liệu này rất hạn chế, vì thế không tránh khỏi những điều thiếu sót. Ngưỡng mong quý độc giả niệm tình hỷ xả. Mọi sự góp ý phê bình xin email về: dinda@u.washington.edu

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương sự sách tấn và ủng hộ của quý vị Phật Tử hữu ân: Dr. Bình Anson, gia đình Chú Lương Xuân Lộc, gđ. Phạm Trọng Độ, gđ. Lý Hoàng Anh, Cô Tư Khánh Huy và nhóm Phật Tử hải ngoại, Bà Ba Diệu Đài, Cô Diệu Bình (Sáu Dép) và các con cháu, gđ. Trương Tuyết Anh, Chú Nguyễn Hữu Danh, Cô Nguyễn Ngọc Vivian, Cô Kim Leung, Phật tử Ngọc Ngân, v.v... Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát cũng như hộ trì Tam Bảo.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tấn hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 27 tháng 12 năm 2005
Tỳ khưu Indacanda
(Trương đình Dũng)

-ooOoo-


[1] Tương Ưng tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương IV: Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga), I. Phẩm Thứ Nhất V. Núi, VI. Hột Cải. Lời dịch Việt của HT. Minh Châu.

[2] Kinh Tăng Chi, Chương IV Bốn Pháp, XVI Phẩm Các Căn, (VI) Kiếp. Lời dịch Việt của HT. Minh Châu (hình thức trình bày đã được sắp xếp lại).

[3] Concise Pāli-English Dictionary của ngài A. P. Buddhadatta ghi là “không thể đếm được, là con số đếm lớn nhất được ghi với 141 con số không” (tr. 37).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-01-2006