THERAVĀDA KHO TÀNG PHÁP HỌC Tỳ Khưu Giác Giới
CHƯƠNG PHÁP BỐN CHI [164] Bốn pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā): Tức là 4 pháp Tăng ích (Cakka): 1. Cư trú tại xứ thích đáng (Paṭirūpadesavāsa), ở chỗ có điều kiện làm thiện. 2. Thân cận bậc chân nhân (Sappurisūpassaya), gần gũi với bậc hiền trí. 3. Tự lập trường chân chánh (Attassammāpa-nidhi), hướng mình theo lẽ chánh. 4. Từng tạo phước (Pubbekatapuññatā), làm phước để sẵn đó. Bốn điều này cũng được gọi là bốn pháp tăng ích (Cakka), tức là bốn hạnh đức tạo ra nhiều lợi ích tiến hóa. Ở đây danh từ Cakka không dùng theo nghĩa "Bánh xe", "Vật quay vòng". D.III.276,A.II.32 [165] Bốn pháp cần tu tập (Bhāvetabbā dhammā): Tức là bốn niệm xứ (Satipaṭṭhāna): 1. Thân quán niệm xứ (Kāyanupassanā satipaṭṭhāna), việc tu tập thiền quán lấy sắc uẩn làm án xứ, chánh niệm tỉnh giác đối tượng sắc uẩn, thấy như thật thân này là vô thường - khổ - vô ngã. Thân quán niệm xứ có nhiều cách, là niệm hơi thở, niệm đại oai nghi, niệm tiểu oai nghi, niệm thể trược, niệm yếu tố tứ đại, quán tử thi. 2. Thọ quán niệm xứ (Vedanānupassanā satipaṭṭhāna), việc tu tập thiền quán lấy thọ uẩn làm án xứ, chánh niệm tỉnh giác đối tượng thọ uẩn, thấy như thật các cảm thọ là vô thường - khổ - vô ngã. Thọ quán niệm xứ như là ghi nhận lạc thọ, khổ thọ, hỷ thọ, ưu thọ, và xả thọ, các thọ này liên hệ vật chất hay không liên hệ vật chất. 3. Tâm quán niệm xứ (Cittānupassanā satipaṭṭhāna), việc tu tập thiền quán lấy thức uẩn làm án xứ, chánh niệm tỉnh giác đối tượng thức uẩn, thấy như thật tâm này là vô thường - khổ - vô ngã. Tâm quán niệm xứ như là ghi nhận tâm sanh hữu tham, tâm sanh vô tham, tâm sanh hữu sân, tâm sanh vô sân, tâm sanh hữu si, tâm sanh vô si, tâm an định hay tâm phóng dật, tâm cao thượng hay tâm hạ liệt v.v... 4. Pháp quán niệm xứ (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna), việc tu tập thiền quán lấy tưởng uẩn và hành uẩn làm án xứ, chánh niệm tỉnh giác đối tượng tưởng uẩn và hành uẩn, thấy như thật các tính chất pháp hữu vi là vô thường - khổ - vô ngã. Pháp quán niệm xứ như là suy niệm về năm triền cái, năm uẩn, mười hai xứ, bảy giác chi, bốn thánh đế, thấy pháp sanh như thế nào, diệt như thế nào, có như thế nào, không có như thế nào v.v... D.II.290-315 [166] Bốn pháp cần biến tri (Pariññeyyā dhammā): Tức là bốn loại vật thực, tứ thực (Āhārā): 1. Đoàn thực (Kabaliṅkārāhāra), là vật thực thô tế mà chúng sanh ăn uống nhai nếm như cơm cháo v.v... để nuôi dưỡng thân sắc pháp. Khi liễu tri đoàn thực cũng sẽ liễu tri tham phát sanh từ ngũ dục. 2. Xúc thực (Phassāhāra), là xúc tâm sở, sự hội tụ của căn - cảnh - thức - sẽ làm duyên cho Thọ sanh khởi. Khi liễu tri xúc thực cũng sẽ liễu tri tam thọ. 3. Tư niệm thực (Manosañcetanāhāra), là tư tâm sở, sự cố ý hành động tạo ra thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, sẽ làm nhân cho quả tái tục trong các hữu. Khi đạt tri được tư niệm thực cũng sẽ đạt tri ba ái. 4. Thức thực (Viññāṇāhāra), là thức uẩn hay tâm thức, pháp làm duyên trợ danh sắc. Khi đạt tri thức thực cũng sẽ đạt tri danh sắc. Đoàn thực là sắc vật thực, còn xúc thực, tư niệm thực và thức thực là danh vật thực. Gọi là vật thực vì các pháp ấy nâng đỡ nuôi dưỡng danh pháp và sắc pháp, làm cho sự sống được phát triển. D.III.228; M.I.48, S.II.101, Vbh.401 [167] Bốn pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā dhammā): Tức là bốn bộc lưu (Ogha): 1. Dục bộc lưu (Kāmogha), là ái tham năm món dục lạc. 2. Hữu bộc lưu (Bhavogha), là tham muốn cảnh giới tái sanh. 3. Kiến bộc lưu (Diṭṭhogha), là chấp tà kiến sai lạc chân lý. 4. Vô minh bộc lưu (Avijjogha), là si mê tăm tối, không biết pháp đáng biết. Gọi là bộc lưu vì bốn điều này như nước lũ cuốn trôi chúng sanh, nhận chìm trong biển khổ luân hồi. D.III.230, 276; S.V.59; Vbh.374 [168] Bốn pháp thuộc phần hạ liệt (Hānabhāgiyā dhammā): Tức là bốn ách phược, hay bốn pháp phối (Yoga), là pháp cột buộc chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi: 1. Dục phối (Kāmayoga), tham trong dục lạc. Cũng gọi là dục ách. 2. Hữu phối (Bhavayoga), tham trong sự tái sanh. Cũng gọi là hữu ách. 3. Kiến phối (Diṭṭhiyoga), tà kiến chấp sai. Cũng gọi là kiến ách. 4. Vô minh phối (Avijjāyoga), si mê bất ngộ, không biết pháp đáng biết. Bốn chi phối này có chi pháp giống như bốn lậu hoặc (Āsava), bốn bộc lưu (Ogha)... D. III.230, A.II.10, Vbh.374. [169] Bốn pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyā dhammā): Tức là bốn pháp ly ách (Visaṃyoga): 1. Ly dục ách (Kāmayogavisaṃyogo), tức là sự tách ly đối với dục ách phược. 2. Ly hữu ách (Bhavayogavisaṃyogo), tức là sự tách ly đối với hữu ách phược. 3. Ly kiến ách (Diṭṭhiyogavisaṃyogo), tức là sự tách ly đối với kiến ách phược. 4. Ly vô minh ách (Avijjāyogavisaṃyogo), tức là sự tách ly đối với vô minh ách phược. D. III. 276 [170] Bốn pháp khó thể nhập (Duppaṭivijjhā dhammā): Đây là bốn loại định (Samādhi): 1. Thối phần định (Hānabhāgiyasamādhi), tức là thiền định mà không toàn hảo, định ấy làm thành cảnh phiền não cho tâm, làm cho hành giả bị thối thất, bị tổn giảm. Như người đắc sơ thiền sau khi xuất thiền bị dục tưởng chi phối, tham luyến với thiền định đã chứng, đó gọi là thối phần định. 2. Trụ phần định (Ṭhitibhāgiyasamādhi), tức là trạng thái thiền định bế tắc, không thối giảm cũng không tiến triển. Như vị hành giả chứng sơ thiền, thấy sơ thiền là thanh tịnh tinh lương rồi hoan hỷ thỏa thích nên dừng lại ở đó, không tiến triển cũng không thối giảm. Đây gọi là trụ phần định. 3. Thắng phần định (Visesabhāgiyasamādhi), là thiền định làm cơ sở cho sanh khởi bậc thiền cao hơn. Như vị hành giả chứng sơ thiền rồi tác ý đến nhị thiền vô tầm là thanh tịnh tinh lương lấy đó làm cảnh tác ý tưởng vô tầm, nên khi xuất sơ thiền thì chứng nhị thiền. Vì định sơ thiền ấy làm nền tảng đắc chứng nhị thiền cao hơn, thù thắng hơn, nên gọi đó là thắng phần định. 4. Quyết trạch phần định (Nibbedhabhāgiya-samādhi), là thiền định làm cơ sở đắc chứng thánh đạo. Như vị hành giả đắc sơ thiền, xuất thiền an trú với tuệ quán yếm ly (Nibbidāñāṇa), nhàm chán chi thiền vẫn bị hoại, tác ý đến trạng thái ly tham tịch tịnh níp-bàn nhờ vậy mà chứng thánh đạo. Do đó định sơ thiền này được gọi là quyết trạch phần định. D.III. 277. [171] Bốn pháp cần sanh khởi (Uppādetabbā dhammā): Đây là bốn loại trí (Ñāṇa): 1. Pháp trí (Dhammañāṇa), tức là trí trong bốn đạo bốn quả. 2. Y lệ trí (Anvayañāṇa), tức là trí nhận thức tánh đồng của các vị thắng tri tứ đế, dù ở quá khứ hay vị lai cũng đường lối giống nhau. 3. Biến hành trí (Pariccañāṇa), tức là trí biết rõ tâm tư của chúng sanh khác một cách tường tận. 4. Thế tục trí (Sammatiñāṇa), tức là trí tuệ thông thường, trí ngoài ra ba loại trí trên đây. D.III.277, Vbh.825. [172] Bốn pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā): Đây là bốn thánh đế (Ariyasaccāni), bốn sự thật kỳ diệu, bốn chân lý mà bậc thánh giác ngộ: 1. Khổ thánh đế (Dukkhaṃ ariyasaccaṃ), hay khổ đế (Dukkhasacca). Chân lý về sự khổ, tình trạng khổ hiển nhiên. Như sanh già bệnh chết, oán hội ngộ, ái biệt ly, cầu biết đắc, tóm lại ngũ thủ uẩn là khổ. Xem [331] ngũ uẩn. 2. Khổ tập thánh đế (Dukkhasamudayo ariya-saccaṃ), hay tập đế (Samudayasacca). Chân lý về nhân phát sanh khổ, tập khởi của khổ. Tức là lòng tham muốn, ái luyến, bám chấp chỗ này chỗ kia, gồm có dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Xem [75] ba pháp cần đoạn trừ. 3. Khổ diệt thánh đế (Dukkhanirodho ariya-saccaṃ), hay diệt đế (Nirodhasacca). Chân lý về sự diệt khổ. Một trạng thái đoạn diệt hoàn toàn khát ái, không còn thủ truớc, vô nhiễm, an tịnh và giải thoát, tức là níp-bàn. 4. Khổ diệt đạo lộ thánh đế (Dukkhanirodha-gāminīpaṭipadā ariyasaccaṃ), hay đạo đế (Magga-sacca). Chân lý về con đường đưa đến diệt khổ, pháp thực hành để đạt đến níp-bàn. Tức là bát chánh đạo, con đường trung đạo, gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Xem [400] bát chánh đạo. Bốn thánh đế này được Đức Phật thuyết trong bài pháp đầu tiên khởi điểm công cuộc hoằng hóa, gọi là bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta), bài pháp này cũng gọi là pháp thoại đề cao (Sāmukkaṃsikā dhammadesanā), vì là pháp môn quan trọng hằng được chư Phật xiển dương. D.III.277, S.V.421, Vbh.99, Vin.I.9. [173] Bốn pháp cần tác chứng (Sacchikātabbā dhammā). Đây là bốn Sa môn quả (Sāmaññaphala): 1. Dự lưu quả (Sotāpattiphala), hay quả vị Tu-đà-huờn, tầng thánh quả thứ nhất trong bốn thánh quả. 2. Nhất lai quả (Sakadāgāmiphala), hay quả vị Tư-đà-hàm, tầng thánh quả thứ hai trong bốn thánh quả. 3. Bất lai (Anāgāmiphala), hay quả vị A-na-hàm, tầng thánh quả thứ ba trong bốn thánh quả. 4. Ưng cúng quả (Arahattaphala), hay quả vị A-la-hán, tầng thánh quả cao nhất trong bốn thánh quả. Gọi 4 quả vị này là Sa môn quả, nghĩa là quả báo Sa môn, kết quả của việc thực hành Sa-môn pháp. Đây là loại Sa môn quả tối thượng so với Sa môn quả khác như lợi đắc, được cung kính... Bốn Sa môn quả này là Quả siêu thế (Lokuttaraphala), được thành tựu do vô gián nghiệp duyên của tâm Đạo trợ sanh. D.III.227, Vbh.335 [174] Bốn loại hành (Saṅkhāra), tính chất tạo tác, tính năng động: 1. Hữu vi hành (Saṅkhatasaṅkhāra), là pháp bị cấu tạo bởi duyên hệ, có tính biến diệt đổi thay; như có câu Sabbe saṅkhārā aniccā, chư hành vô thường - Hành trong câu này là tâm, tâm sở, sắc pháp. 2. Tối vi hành (Abhisaṅkhatasaṅkhāra), là hành bị cấu tạo bởi nghiệp thủ, tức là chỉ cho sắc nghiệp và tâm quả hiệp thế. 3. Tác động hành (Abhisaṅkharaṇakasaṅkhāra), là hành năng tạo tác, hình thành nghiệp chủng tử đào tạo tâm quả hiệp thế và sắc nghiệp. Đây chỉ cho tư tâm sở tương ưng tâm bất thiện và thiện hiệp thế. 4. Cần thắng hành (Payogābhisaṅkhāra), là hành vi hoạt động của thân và tâm. Đây chỉ cho cần tâm sở trợ cho mọi hành động. Vism.527. [175] Bốn phận sự trong tứ đế, việc cần làm đối với tứ thánh đế (Ariyasaccesu kiccāni): 1. Sự biến tri (Pariññā), là phận sự đối với khổ đế, khổ thánh đế cần phải biến tri (Dukkhaṃ ariya-saccaṃ pariññeyyaṃ), nghĩa là sự khổ ở đời, cần phải hiểu biết tận tường. 2. Sự đoạn trừ (Pahāna), là phận sự đối với tập đế, khổ tập thánh đế cần được đoạn trừ (Dukkhasa-mudayo ariyasaccaṃ pahātabbaṃ), nghĩa là ái tham nguồn cội đau khổ, cần phải trừ diệt. 3. Sự tác chứng (Sacchikiriyā), là phận sự đối với diệt đế, khổ diệt thánh đế cần được tác chứng (Dukkhanirodho ariyasaccaṃ sacchikātabbaṃ), nghĩa là níp-bàn, trạng thái vắng lặng sự khổ đau, cần phải chứng ngộ. 4. Sự tu tập (Bhāvanā), là phận sự đối với đạo đế, khổ diệt đạo lộ thánh đế cần được tu tập (Dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāve-tabbaṃ), nghĩa là bát chánh đạo, con đường đến diệt khổ, cần phải thực hành tu tập. Vin.I.10; S.V.422. [177] Bốn thứ Đạo quả (Magga): Đạo (Magga) là thánh trí đoạn trừ phiền não; quả (phala) là thánh trí an tịnh phiền não. Tâm đạo là nhân, tâm quả là thành quả của tâm đạo. Đạo quả là pháp siêu thế có níp-bàn là cảnh sở tri. Gồm bốn thứ: 1. Đạo quả Tu-đà-huờn (Sotāpattimagga, Sotāpattiphala), hay Đạo quả dự lưu, cũng gọi là sơ đạo sơ quả. Bậc thánh trí này tuyệt trừ 3 kiết sử là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. 2. Đạo quả Tư-đà-hàm (Sakadāgāmimagga, Sakadāgāmiphala), hay Đạo quả nhất lai, cũng gọi là Nhị đạo Nhị quả. Bậc thánh trí này giảm trừ 2 kiết sử là dục ái và sân. 3. Đạo quả A-na-hàm (Anāgāmimagga, Anāgāmiphala), hay là Đạo quả bất lai, cũng gọi là Tam đạo Tam quả. Bậc thánh trí này tuyệt trừ 2 kiết sử đã muội lược là dục ái và sân. 4. Đạo quả A-la-hán (Arahattamagga, Arahattaphala), hay Đạo quả ưng cúng, cũng gọi là Tứ đạo Tứ quả. Bậc thánh trí tuyệt trừ 5 thượng phần kiết sử là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh. Đây là bậc thánh trí cao tột, hoàn toàn giải thoát. Vbh. 335, Comp.78. [177] Bốn bậc thiền sắc giới (Rūpajhāna): 1. Sơ thiền (Paṭhamajhāna), là tầng thiền có năm chi: tầm, tứ, hỷ, lạc và định. Sơ thiền là một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh. 2. Nhị thiền (Dutiyajhāna), là tầng thiền có ba chi: hỷ, lạc và định. Nhị thiền là một trạng thái hỷ lạc do định sanh. 3. Tam thiền (Tatiyajhāna), là tầng thiền có hai chi: lạc và định. Tam thiền là một trạng thái xả niệm lạc trú. 4. Tứ thiền (Catutthajhāna), là tầng thiền có hai chi: xả và định. Tứ thiền là một trạng thái xả niệm thanh tịnh. Theo Abhidhamma (Vi diệu pháp) phân loại thiền sắc giới có 5 tầng: Sơ thiền (Tầm, tứ, hỷ, lạc, định); nhị thiền (tứ, hỷ, lạc, định); tam thiền (hỷ, lạc, định) tứ thiền (lạc và định); ngũ thiền (xả và định). M.I.40. [178] Bốn bậc thiền vô sắc (Arūpajhāna): 1. Thiền không vô biên xứ (Akāsānañcāyatana), một trạng thái thiền vượt qua mọi sắc tưởng, an trú tâm định, với tác ý tưởng "Hư không không biên giới". 2. Thiền thức vô biên xứ (Viññānañcāyatana), một trạng thái thiền chứng do vượt qua tưởng không vô biên xứ, với tác ý tưởng "Thức tâm không biên giới". 3. Vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana), một trạng thái thiền chứng do vượt qua tưởng thức vô biên xứ, với tác ý rằng "Không có chi cả". 4. Phi tưởng phi phi tưởng (Nevasaññānāsaññāyatana), một trạng thái thiền chứng do vượt qua tưởng vô sở hữu xứ, với tác ý "Không có tưởng cũng không phải không có tưởng", cũng là một trạng thái thiền vô sắc vi tế dường như không có tâm nhưng không phải là không có tâm. Thiền vô sắc bốn bậc đều có hai chi thiền là Xả và Định. Do dựa theo đề mục thiền mà phân loại, và cùng lấy tên gọi thiền vô sắc mà định danh cho bốn cõi phạm thiên vô sắc. D.III.224; IV.227. [179] Bốn địa vức (Bhūmi), phạm vi hay lãnh vực của danh sắc: 1. Địa vức dục giới (Kāmāvacarabhūmi), phạm vi gồm 54 tâm dục giới cùng 52 tâm sở hợp tâm dục giới, và 28 sắc pháp, cũng kể luôn 11 cõi dục. 2. Địa vức sắc giới (Rūpāvacarabhūmi), phạm vi gồm 15 tâm sắc giới cùng 35 tâm sở hợp tâm sắc giới, cũng kể luôn 16 cõi phạm thiên sắc giới. 3. Địa vức vô sắc giới (Arūpāvacarabhūmi), phạm vi gồm 12 tâm vô sắc giới cùng 30 tâm sở hợp tâm vô sắc giới, cũng kể luôn 4 cõi vô sắc giới. 4. Địa vức siêu thế (Lokuttarabhūmi), cũng gọi là địa vức phi hệ thuộc (Apariyapannabhūmi), phạm vi gồm 20 tâm đạo, 20 tâm quả siêu thế, cùng 36 tâm sở hợp tâm siêu thế, kể luôn níp-bàn. Ps.I83 [180] Bốn cõi (Bhūmi), cõi chúng sanh, phạm vi tái sanh: 1. Cõi đọa lạc (Apāyabhūmi), là cõi khổ của những chúng sanh bị quả ác nghiệp, những cõi này không có sự tiến hóa, chịu nhiều đau khổ. Gồm 4 cõi là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, Atula. 2. Cõi dục thiện thú (Kāmasugatibhūmi), tức là cõi vui dục giới, là những cõi của chúng sanh thọ quả phước do tạo thiện nghiệp như bố thí, trì giới... có sự an vui hưởng dục lạc. Gồm 7 cõi là 6 cõi chư thiên và cõi nhân loại. 3. Cõi sắc giới (Rūpāvacarabhūmi), tức là cõi của các Phạm thiên đã từng chứng đắc thiền sắc giới. Gồm có 16 cõi là 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam thiền và 7 cõi tứ thiền. 4. Cõi vô sắc giới (Arūpāvacarabhūmi), tức là cõi của các Phạm thiên đã chứng thiền vô sắc. Gồm có 4 cõi. Xem [489] ba mươi mốt cõi. Comp. 137 [181] Bốn sanh loại (Yoni), chủng loại chúng sanh: 1. Thai sanh (Jalābuja), loài sanh ra từ bào thai mẹ, từ dạ con tử cung. Như là con người và một số động vật bàng sanh (trâu, bò v.v...) 2. Noãn sanh (Aṇḍaja), loài sanh ra từ vỏ trứng. Như là loài chim và một số loài bò sát (rắn, rồng, cá v.v...). 3. Thấp sanh (Saṃsedaja), loài sanh ra từ chỗ ẩm thấp, nhơ nhớp. Như là các loại côn trùng (ruồi, muỗi, sâu bọ v.v...). 4. Hóa sanh (Opapātika), loài sanh ra bằng cách tự nhiên hiện hình có thân tướng đầy đủ, không phải qua môi trường nuôi lớn. Hạng hóa sanh như là chúng sanh chư thiên, ngạ quỉ, Atula, địa ngục và một số loài bàng sanh. Trong bốn sanh loại trên, riêng về loài hóa sanh vì sắc pháp vi tế nên khi mệnh chung thì tự nhiên biến mất. Cũng như lúc sanh ra tự nhiên xuất hiện. D.III.230; M.I.73 [182] Bốn pháp siêu lý (Paramatthadhamma): 1. Tâm (Citta), là pháp thực tính có trạng thái biết cảnh, nhận thức đối tượng. 2. Sở hữu tâm (Cetasika), là pháp thực tính cấu tạo tâm thức, tương ưng với tâm, trên bốn phương diện: đồng sanh, đồng diệt, đồng biết cảnh, và đồng nương sắc vật.. 3. Sắc pháp (Rūpa), pháp thực tính thuộc vật chất, bất tri cảnh, có tính chất biến động lệ thuộc vào thời tiết, vật thực... 4. Níp-bàn (Nibbāna), là pháp thực tính vắng lặng tịch tịnh, đoạn diệt sự hiện hữu uẩn, không có sự đau khổ. Bốn pháp này gọi là pháp siêu lý vì ý nghĩa cùng tột, cảnh của tuệ cao, một sự thật hiển nhiên không đổi khác dù quá khứ hay hiện tại hay vị lai. Do đó cũng gọi là pháp chân đế (Paramatthasacca), cũng còn gọi là pháp thực tính (Sabhāvadhamma) vì là pháp có trạng thái thật. Xem [496] tâm, [494] tâm sở, [488] sắc pháp, [40] níp-bàn. Comp. 81. [183] Bốn nguyên tố vật chất (Dhātu) cũng gọi là sắc đại hiển (Mahābhūta, bhūtarūpa): 1. Địa giới (Paṭhavīdhātu), nguyên tố đất, là sắc thực tính có trạng thái cứng hoặc mềm, nguyên tố tạo ra hình thể của các sắc pháp khác. 2. Thủy giới (Āpodhātu), nguyên tố nước, là sắc thực tính có trạng thái kết dính, quến tụ... làm cho các sắc pháp bọn được gom lại. 3. Hỏa giới (Tejodhātu), nguyên tố lửa, là sắc thực tính có trạng thái nóng hoặc lạnh; có tính năng đốt cháy, làm cho các sắc pháp khác biến đổi. 4. Phong giới (Vāyodhātu), nguyên tố gió, là sắc thực tính có trạng thái di động, chuyển động, có tính năng làm cho các sắc pháp khác co giãn chuyển dịch. Bốn nguyên tố sắc này gọi là sắc đại hiển vì là căn bản của vật chất, cấu tạo vật chất, hiện hữu trong mọi vật chất. D.I.214; Vism.443; Comp.154 [184] Bốn nghiệp xứ giới (Dhātukammaṭ-ṭhāna), đề mục tu tiến phân biệt tứ đại, xác định thân này theo bốn nguyên tố: 1. Xác định địa giới (Paṭhavīdhātuvavaṭṭhāna), tức là sự xác định thành phần trong thân thuộc nguyên chất đất, có tính thô phù. Như xác là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, trực tràng, bao tử, phẩn, óc. 2. Xác định thủy giới (Āpodhātuvavaṭṭhāna), tức là sự xác định thành phần trong thân thuộc nguyên chất nước, tính thể lỏng. Như là mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ cục, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhờn, nước tiểu. 3. Xác định hỏa giới (Tejodhātuvavaṭṭhāna), tức là sự xác định thành phần trong thân thuộc nguyên tố lửa, thể đốt tính nóng. Như thân nhiệt, chất đốt tế bào, chất nóng tiêu hóa vật thực v.v... 4. Xác định phong giới (Vāyodhātuvavaṭṭhāna), tức là sự xác định thành phần trong thân thuộc nguyên tố gió, tính chuyển động. Như là hơi thở, gió thổi lên (ợ hơi), gió thổi xuống (đánh rắm), gió di chuyển trong ruột, trong bụng v.v... Bốn nghiệp xứ giới này còn được gọi là Catu-dhātuvavaṭṭhāna (sự xác định bốn chất), cũng gọi là dhātumanasikāra (sự tác ý nguyên tố). Đây là một thiền án tu tập, thuộc cả Chỉ tịnh và Minh sát. D.II. 294; M.I.185; M. III.240; Vism. 347. [185] Bốn đại cứ pháp (Mahāpadesa), bốn cơ sở dựa vào đó mà tuyên bố pháp luật: 1. Y cứ Đức Phật (Buddhāpadesa), dựa vào Đức Phật để tuyên bố pháp luật, như là vị tỳ-kheo nói rằng: "Chính tôi được nghe từ miệng Đức Thế Tôn, thuyết đây là pháp, đây là luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư" 2. Y cứ Tăng chúng (Saṅghāpadesa), tức là dựa vào tăng đoàn để tuyên bố pháp luật, như là vị tỳ-kheo nói rằng: "Tại chỗ kia, tôi được thọ trì với tăng chúng như vầy: đây là pháp, đây là luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư" 3. Y cứ nhiều bậc trưởng lão (Sambahulattherāpadesa), tức là dựa vào nhiều vị trưởng lão là bậc đa văn có danh tiếng để tuyên bố pháp luật, như là vị tỳ-kheo nói rằng: "Tại chỗ kia có nhiều bậc trưởng lão đa văn, tôi được thọ trì từ các bậc ấy dạy: đây là pháp, đây là luật, đây là lời của bậc Đạo Sư". 4. Y cứ một vị trưởng lão (Ekatherāpadesa), tức là dựa vào một vị trưởng lão danh tiếng nào đó để tuyên bố pháp luật, như vị tỳ-kheo nói rằng: "Tại chỗ kia, có vị trưởng lão đa văn làu thông kinh điển, tôi đã được nghe từ miệng vị ấy dạy: đây là pháp, đây là luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư". Nếu nghe vị tỳ-kheo tuyên bố pháp luật dựa trên bốn đại cứ pháp này thì chớ vội tín thọ, cũng chớ vội bác bỏ, mà hãy ghi nhận rồi đối chiếu so sánh kinh luật, nếu thấy hợp lý thì thọ trì, bằng không đúng thì bỏ qua. D.II. 123; A. II.167. [186] Bốn đại cứ pháp theo luật (Mahāpadesa): 1. Điều mà Đức Phật không ngăn cấm, nhưng nếu điều ấy không thuận lẽ đạo thì không nên làm. (Yaṃ appaṭikkhittaṃ tañce akappiyaṃ anulometi, taṃ na kappati). 2. Điều mà Đức Phật không ngăn cấm, nhưng nếu điều ấy thuận lẽ đạo thì làm được (Yaṃ appa-ṭikkhittaṃ tañce kappiyaṃ anulometi, taṃ kappati). 3. Điều mà Đức Phật chưa cho phép, nhưng nếu điều ấy không thuận lẽ đạo thì không nên làm (Yaṃ ananuññātaṃ tañce akappiyaṃ anulometi, taṃ na kappati). 4. Điều mà Đức Phật chưa cho phép, nhưng điều ấy thuận lẽ đạo thì làm được (Yaṃ ananuññātaṃ tañ-ce kappiyaṃ anulometi, taṃ kappati). Trong bốn điều cứ pháp trên, có hai điều chưa ngăn cấm làm (appaṭikkhittaṃ) và hai điều chưa cho phép làm (ananuññātaṃ). Cả bốn điều này có ý nghĩa rằng các sự việc chưa hình thành giới luật mà Đức Phật đã chế định, nhưng vị tỳ-kheo trước khi làm các việc ấy phải nên cân nhắc xem có thích hợp với tinh thần tu tập hay không, rồi mới làm. Nếu nghĩ rằng điều ấy không có trong giới luật, rồi làm hoặc không làm thì ắt bị đời khiển trách (lokavajja). Đức Phật đưa ra bốn đại cứ pháp này để tạo điều kiện cho chư tăng dễ hành xử. Vin.I.250. [187] Bốn điểm tựa trong việc tu tập (Apassenadhamma), pháp cơ sở tu hành: 1. Suy xét rồi thọ dụng, (Saṅkhāy' ekaṃ paṭiseveti), tức là đối với tứ sự (y phục, vật thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh) nên thọ dụng sau khi quán tưởng. 2. Suy xét rồi kham nhẫn (Saṅkhāy' ekaṃ adhivāseti), tức là đối với nghịch cảnh khổ thọ xảy đến phải kham nhẫn bằng cách suy quán. 3. Suy xét rồi né tránh (Saṅkhāy' ekaṃ parivajjeti), tức là những chỗ nguy hại đến tính mạng hay phạm hạnh, cần phải cân nhắc rồi tránh né chỗ ấy. 4. Suy xét rồi khử trừ (Saṅkhāy' ekaṃ paṭivinodeti), tức là đối với phiền não ác bất thiện pháp nên thẩm sát rồi diệt trừ đi. Bốn pháp apassena này cũng được gọi là Upanissaya (y chỉ pháp). Vị hành giả sau khi dùng trí quán xét mới thọ dụng, hoặc kham nhẫn, hoặc né tránh, hoặc trừ khử, như vậy sẽ làm cho không sanh những ác bất thiện pháp chưa sanh, làm cho diệt mất những ác bất thiện pháp đã sanh, làm cho sanh khởi các thiện pháp chưa sanh, và làm cho tăng trưởng các thiện pháp đã sanh. Vị tỳ-kheo có đầy đủ bốn điểm tựa này và năm vũ khí: Tín, tàm, quý, cần, tuệ; Vị ấy được gọi là bậc cụ túc y chỉ (Nissayasampanno). D. III. 224, 270; A.IV.354; A.V.30. [188] Bốn truyền thống bậc thánh (Ariyavaṃsa): 1. Tri túc với y phục (Cīvarasantosa) 2. Tri túc với vật thực (Piṇḍapātasantosa) 3. Tri túc với sàng tọa (Senāsanasantosa) 4. Vui thích tu tập thiện pháp và đoạn trừ ác pháp (Bhāvanāpahānārāmatā). Trong bốn truyền thống này, đối với các món vật dụng thì tri túc (biết đủ), nhưng đối với đức tính tu tập thì không nên biết đủ mà phải vui thích. Tri túc trong vật dụng tức là biết độ lượng khi thọ dụng, không tìm cầu bất chánh, khi có được không tham đắm; không có được cũng không phiền muộn. Trong Cūlaniddesa (Nd2) trình bày bốn truyền thống bậc Thánh trong đó điều thứ tư là "Tri túc với thuốc trị bệnh". Như vậy pháp truyền thống này là sự tri túc bốn món vật dụng. Nên hiểu là chư thánh đoạn lậu đã viên mãn thiện pháp và đã tuyệt trừ phiền não do đó các ngài không cần vui thích trong sự tu tập và đoạn trừ ác pháp nữa, mới nói rằng bốn pháp truyền thống này là tri túc bốn món vật dụng. D.III.224; A.III.27; Nd2 107. [189] Bốn món vật dụng (Paccaya), nhu cầu của đời sống vị xuất gia: 1. Y phục (Cīvara), gồm y ca sa, vải mặc che thân. 2. Vật thực (Piṇḍapāta), gồm thức ăn và thức uống nuôi sống thân mạng. 3. Sàng tọa (Senāsana), gồm chỗ nằm, chỗ ngồi, luôn cả trú xứ, chỗ ngụ tránh mưa nắng. 4. Thuốc trị bệnh (Gilānapaccayabhesajja), gồm các thứ thuốc uống, thuốc thoa. Đối với bốn vật dụng, bậc xuất gia thiểu dục tri túc được Đức Phật khuyên dạy nên nương theo như sau: a) Y phấn tảo (Paṃsukūlacīvara), là y được may bằng vải mà người đời quăng bỏ. Tuy nhiên y cà sa của thí chủ cúng dường cũng cho phép thọ nhận. b) Vật thực hành khất (Piṇḍiyālopabhojana), là thức ăn có được khi đi khất thực theo xóm làng. Tuy nhiên nếu có người mời đến cúng dường trai tăng, vẫn cho phép nhận lời. c) Trú xứ cội cây (Rukkhamūlasenāsana), là chỗ ngụ dưới gốc cây, ngoại trừ thời gian mùa mưa thì phải ở trong mái lợp che kín. Tuy nhiên nếu có người cư sĩ tạo tịnh thất liêu cốc cúng dường, thì vẫn được phép nhận. d) Thuốc nước tiểu (Pūtimuttabhesajja), là dùng nước đái bò để làm thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, nếu có thí chủ cúng dường dược phẩm khác, thậm chí là đường sữa... vẫn được phép dùng để làm thuốc. Vin.I.58. [190] Bốn loại tháp thờ (Cetiya): 1. Xá lợi tháp (Dhātucetiya), tháp thờ xương cốt trà tỳ của Đức Phật. 2. Vật dụng tháp (Paribhogacetiya), tháp thờ các di vật mà bình sinh Đức Phật thường dùng hoặc vật có liên hệ đến ngài. Như y bát, tọa cụ, hoặc cây bồ đề, bốn chỗ động tâm. 3. Giáo lý tháp (Dhammacetiya), tháp tôn thờ kinh điển Phật ngôn. 4. Tượng tháp (Uddesikacetiya), nơi tôn trí hình tượng của Phật. KhA. 222; J.IV. 228. [191] Bốn chỗ động tâm (Saṃvejanīyaṭṭhāna), bốn nơi thánh tính khiến cho rung động tâm, khởi sanh lòng tịnh tín, phát tâm thiện dễ dàng: 1. Nơi đản sanh (Jātaṭṭhāna), chỗ mà đức Bồ tát kiếp chót sanh ra; tức là tại vườn Lumbini, chỗ Thái tử Siddhattha được hạ sanh. 2. Nơi giác ngộ (Abhisambuddhaṭṭhāna), chỗ mà đức Siddhattha tọa thiền chứng đắc Chánh Đẳng Giác, tức là cội cây bồ đề tại đạo tràng Bodhigayā. 3. Nơi Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappa-vattanaṭṭhāna), chỗ mà Đức Phật thuyết pháp đầu tiên, tại rừng Isipatanamigadāya, gần thành Bāraṇasī. 4. Nơi viên tịch (Parinibbutaṭṭhāna), chỗ mà Đức Phật đã níp-bàn, tại rừng cây Sālā của bộ tộc Mallā gần thành Kusinārā. D. II. 140. [192] Bốn cách cung kính (Gāravavidhī): 1. Đảnh lễ (Abhivāda), là quì lạy với năm thể chạm đất. 2. Đứng lên tiếp đón (Uṭṭhāna) 3. Chắp tay xá chào (Añjalīkamma) 4. Lịch sự kính cẩn (Sāmīcikamma), như cử chỉ nhường bước, dở nón, đứng nghiêm v.v... A.II.180 [193] Bốn lý do kính lễ (Vandanahetu): 1. Kính lễ vì lợi lộc (Lābhavandanā) 2. Kính lễ vì sợ hãi (Bhayavandanā) 3. Kính lễ vì lễ giáo gia phong (Kulācāravan-danā) 4. Kính lễ vì cảm đức (Abhivandanā). A.A.289 [194] Bốn giai cấp xã hội (Vaṇṇa), sự phân biệt giai cấp ở Ấn Độ thời xưa theo chủ trương của giai cấp thống trị: 1. Giai cấp Sát đế lỵ (Khattiya), giai cấp vua chúa, giai cấp thống trị. 2. Giai cấp Bà la môn (Brahmaṇa), giai cấp trí thức, tôn giáo. 3. Giai cấp thương gia (Vessa), giai cấp hào phú, chủ thương, chủ điền. 4. Giai cấp nô lệ (Sudda), giai cấp của những kẻ nghèo khổ, làm thuê, làm tôi tớ. M. II. 128. [195] Bốn vô sở úy (Vesārajja) hay bốn vô ngại trí (Vesārajjañāṇa) của Đức Phật: 1. Ngài tự nhận là bậc Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddhapatiññā), Ngài không sợ ai bắt bẻ buộc tội, vì Ngài đã thật sự chứng đạt quả vị Chánh Đẳng Giác. 2. Ngài tự nhận là bậc đoạn lậu (Khīṇāsavapatiññā), Ngài không sợ ai bắt bẻ chỉ trích, vì Ngài đã thật sự đoạn trừ các lậu hoặc. 3. Ngài tuyên bố pháp chướng ngại (Anta-rāyikadhammavāda), Ngài không sợ ai phản bác lời Ngài nói là sai, vì Ngài đã thật sự biết rõ pháp chướng ngại là chướng ngại. 4. Ngài thuyết pháp hướng thượng (Niyyānika-dhammadesanā), Ngài không sợ ai chỉ trích pháp Ngài thuyết là vô ích, vì thật sự Ngài đã thể nhập các pháp hướng thượng. Bốn vô sở úy này là điều song song với thập lực Như Lai trí, là cơ sở để Ngài tự nhận địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử giữa các hội chúng vận Chuyển Pháp Luân. M.I.71; A.11.8. [196] Bốn pháp dẫn đến lợi ích hiện tại (Diṭṭhadhammikatthasaṃvattanikadhamma): 1. Có sự nỗ lực (Uṭṭhānasampadā), là đủ sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, thành thạo cách làm việc cho có hiệu quả cao. 2. Có sự bảo quản (Ārakkhasampadā), là đủ sức bảo vệ tài sản đã có, biết cách gìn giữ những gì thu hoạch được, không để mất mát hư hại. 3. Có bạn tốt (Kalyānamittatā), là thường giao du thân cận bạn lành, những người bạn hiền thiện, đạo đức. 4. Có cuộc sống thăng bằng (Samajīvitā), là biết sống chừng mực thích ứng với tài sản mình có; không sống tiêu xa phung phí, cũng không keo kiết bón rít. A.IV.281. [197] Bốn pháp dẫn đến lợi ích tương lai (Samparāyikatthasaṃvattanikadhamma): 1. Đầy đủ niềm tin (Saddhāsampadā), là thành tựu chánh tín đối với thiện pháp, tin tam bảo, tin nghiệp báo. 2. Đầy đủ giới hạnh (Sīlasampadā), là thành tựu hạng nghiệp tốt đẹp, nghiêm trì giới luật, có sở hành đạo đức. 3. Đầy đủ thí xả (Cāgasampadā), là thành tựu hạnh bố thí, có tâm vui thích phân chia lợi lộc, hoan hỷ bố thí cúng dường. 4. Đầy đủ trí tuệ (Paññāsampadā), là thành tựu lý trí, có sự hiểu biết chơn chánh, có trí biết rõ thiện ác, biết rõ điều lợi hại, biết rõ điều nên hoặc không nên làm. A. IV. 284. [198] Bốn ngõ suy sụp (Apāyamukha), con đường dẫn đến tán gia bại sản: 1. Mê nữ sắc điếm đàng (Itthīdhutta), 2. Nghiện rượu (Surādhutta) . 3. Đam mê cờ bạc (Akkhadhutta) . 4. Kết bạn xấu (Pāpamittatā). Để có được cuộc sống thăng bằng, một trong bốn pháp lợi ích hiện tại, người cư sĩ nên tránh xa bốn ngõ suy sụp tài sản này, vì đây là sự tiêu xa phung phí. A.IV. 283. [199] Bốn sự bại hoại (Vipatti), nói theo luật: 1. Bại hoại giới đức (Sīlavipatti), tức là sự hư hỏng giới, như là phạm tội bất cộng trụ hay tăng tàn. 2. Bại hoại hạnh kiểm (Ācāravipatti), tức là hư hỏng uy nghi tế hạnh, như là sự phạm tội thô, tội tác ác, tội ác khẩu v.v... 3. Bại hoại tri kiến (Diṭṭhivipatti), tức là hư hỏng về kiến thức, hiểu biết sai lầm, có tà kiến. 4. Bại hoại sanh kế (Ājīvavipatti), là hư hỏng việc nuôi mạng, sinh sống bằng cách bất chánh, tà mạng. Vin.II.87. [200] Bốn sự thành tựu (Sampadā, sampadāguṇa), điều kiện cho kết quả ngay hiện tại việc bố thí: 1. Thành tựu đối tượng (Vatthusampadā), là gặp được bậc thánh nhân A-la-hán hay Bất lai, để cúng dường đến vị ấy. 2. Thành tựu vật thí (Paccayasampadā), là đang có lễ phẩm để bố thí cúng dường, tức là hiện có thực phẩm, hương hoa v.v... 3. Thành tựu tư tưởng (Cetanāsampadā), là có tư niệm mạnh mẽ, hoan hỷ và hợp trí trong ba thời: trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm. 4. Thành tựu đặc hạnh (Guṇātirekasampadā), là nhằm lúc đối tượng thí, như vị thánh Tứ quả hay Tam quả vừa mới nhập và xả thiền diệt (Nirodhasamāpatti). Dh.A.III.93 [201] Bốn khuyết điểm (Vipatti), điều bất lợi cho thiện nghiệp trổ quả: 1. Khuyết điểm sanh thú (Gativipatti), là sự tái sanh vào cõi khổ, nơi không có môi trường tiến hóa, chỗ khó tạo được thiện nghiệp. 2. Khuyết điểm sanh y (Upadhivipatti), là sanh ra với thân dị tật, hoặc yếu đuối bệnh hoạn. 3. Khuyết điểm thời kỳ (Kālavipatti), là sanh nhằm thời đạo đức suy bại, loạn lạc, thời mà chúng sanh phần nhiều là thiểu trí thiếu phước. 4. Khuyết điểm sở hành (Payogavipatti), là trong đời sống thường có hành vi bất thiện, tạo nghiệp ác, làm các việc phi pháp. Bốn khuyết điểm này là điều bất lợi cho thiện nghiệp quá khứ trổ quả; nhưng lại là điều thuận lợi cho ác nghiệp sanh quả dị thục. Vbh. 338. [202] Bốn lợi điểm (Sampatti), điều kiện thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả: 1. Lợi điểm sanh thú (Gatisampatti), là tái sanh trong cõi vui như cõi trời, cõi người, là chỗ thích hợp, có điều kiện tiến hóa, có môi trường dễ sốn, hiền thiện, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả. 2. Lợi điểm sanh y (Upadhisampatti), là sanh ra với thân tướng tráng kiện khỏe mạnh, thiểu bệnh khinh an, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả. 3. Lợi điểm thời kỳ (Kālasampatti), là sanh nhằm thời đạo đức hưng thịnh, chúng sanh đa trí đa phước, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả. 4. Lợi điểm sở hành (Payogasampatti), là sống thường có hành vi tốt đẹp, thiện hạnh, có nhiệt tâm và hợp trí, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả. Bốn lợi điểm này là điều thuận lợi cho quả phúc trổ sanh, nhưng lại là điều bất lợi, trở ngại cho quả ác trổ sanh . Vbh. 339. [203] Bốn nỗi sợ hãi (Bhaya) của người xuống nước lội sông, được Đức Phật ví dụ, bốn nạn tân sư: 1. Sợ sóng to (Ūmibhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nhẫn, khởi tâm phẫn nộ đối với lời quở trách. 2. Sợ cá sấu (Kumbhīlabhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nhẫn sự thiếu thốn, đói khát. 3. Sợ nước xoáy (Āvaṭabhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nhẫn phiền não dục, bị nhiễm đắm ngũ trần. 4. Sợ cá mập (Susukābhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nổi sự sa ngã, bị phụ nữ quyến rũ. M.I.460; A.II.123. [204] Bốn tranh sự (Adhikaraṇa), sự kiện tố tụng, sự họp bàn: 1. Lý luận tranh sự (Vivādādhikaraṇa), tranh tụng vì ẩu đả nhau bằng binh khí miệng lưỡi. 2. Phê phán tranh sự (Anuvādādhikaraṇa), vụ tranh tụng diễn ra để quở trách kiểm thảo những người cần được giáo dục. 3. Xử lý tranh sự (Kiccādhikaraṇa), vụ tranh tụng để giải quyết vấn đề luật lệ, cách thức thực hiện. 4. Tội phạm tranh sự (Āpattādhikaraṇa), vụ tranh tụng để xử phạt những kẻ phạm tội hay bị kết tội. Đối với tranh sự thứ tư, phải áp dụng bảy pháp diệt tranh (Adhikaraṇasamatha) để giải quyết. Xem [395]. M.III.247 (Sāmagāmasutta). [205] Bốn điều bất khả tư nghì (Acinteyya), bốn điều không thể suy nghĩ đối với kẻ phàm phu: 1. Phật vức (Buddhavisayo), cảnh giới trí tuệ của Đức Phật, lãnh vực nhất thiết chủng trí của Đức Phật. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. 2. Thiền vức (Jhānavisayo), năng lực thiền định thần thông. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. 3. Nghiệp quả (Kammavipāko), quả dị thục của nghiệp dị thời. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. 4. Vũ trụ quan hay thế giới tư duy (Lokacintā), các hiện tượng về vũ trụ như tinh tú, mặt trăng, mặt trời... tại sao có? Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Bốn điều này, khả năng tư duy của phàm phu không thể hiểu thấu đáo, nếu cố gắng suy nghĩ sẽ sanh ra loạn trí. A.II.80 [206] Bốn điều không cần giữ gìn (Arakkheyya) đối với Đức Phật, vì Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh, pháp tánh tự nhiên: 1. Sở hành về thân (Kāyasamācāro), đức Như Lai có thân hành thanh tịnh, nên không cần giữ gìn rèn luyện. 2. Sở hành về khẩu (Vacīsamācāro), đức Như Lai có khẩu hành thanh tịnh, nên không cần luyện tập giữ lời. 3. Sở hành về ý (Manosamācāro), đức Như Lai không cần tu tập gìn giữ ý tứ, vì ngài đã thanh tịnh ý hành. 4. Sự nuôi mạng (Ājīvo), đức Như Lai không cần gìn giữ chế ngự việc nuôi mạng bất chánh, vì ngài đã thanh tịnh chánh mạng. A.IV.82 [207] Bốn cách thuyết pháp của Đức Phật (Desanāvidhī): 1. Giải thích (Sandassanā), là khi thuyết pháp Ngài đều định nghĩa và phân tích rõ ràng. Điều này giúp người nghe cởi bỏ si mê lầm lạc. 2. Thuyết phục (Samādapanā), là khi thuyết pháp Ngài luôn lập luận hợp lý, chặc chẽ, có tính thuyết phục. Điều này giúp người nghe bỏ tâm dể duôi. 3. Sách tấn (Samuttejanā), là khi thuyết pháp Ngài khuyên bảo, cổ vũ tinh thần, động viên tu tập, bằng lời lẽ xác thực. Điều này giúp người nghe bỏ tâm lười biếng tiêu cực. 4. Khích lệ (Sampahaṃsanā), là khi thuyết pháp Ngài an ủi, làm cho tâm thính chúng hân hoan, phấn khích. Điều này giúp người nghe thành tựu việc thực hành pháp. Bốn cách thuyết này được nói đến nhiều trong chánh tạng, về phần ý nghĩa lý giải tác dụng bốn thuyết như thế nào thì được các tập sớ giải thích. D.I.126 v.v... [208] Bốn tánh hạnh của vị Chuyển Luân Vương (Cakkavattivatta): 1. Lấy pháp làm trọng điểm (Dhammādhipa-teyya). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn dùng hảo pháp để trị dân, lấy lẽ phải làm căn bản trị nước, không cư xử thiên vị phân biệt. 2. Ngăn chặn phi pháp (Mā adhammakāra). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn dạy dỗ thần dân trong quốc độ đừng làm điều sai quấy. 3. Bố thí chẩn bần (Dhanānuppadāna). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn xả tài, ban tặng tài sản, giúp đỡ tiền của đến toàn dân để không có người nào đói nghèo. 4. Học hỏi với các vị Sa-môn, Bà-la-môn (Samaṇabrahmaṇaparipucchā). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn kính trọng các bậc tu hành thiện trí thức, năng thăm viếng và học hỏi với các bậc ấy về những điều thực hành tốt đẹp cho đời sống tinh thần. D.III.61 Bốn phận sự này xuất xứ trong chánh tạng kinh Chuyển Luân Vương (Cakkavattisutta). Theo bản chú giải của bài kinh này đã trình bày rộng rãi như sau: a) Quan tâm giúp đỡ người nội cung và quân đội (Antojanasmiṃ
balakāyasmiṃ). D.A.3.46. [209] Bốn nhiếp pháp của vị vua (Rājasaṅgahavatthu), bốn pháp của vị vua thu phục nhân tâm: 1. Thông hiểu thời vụ (Sassamedha). Vị vua phải hiểu biết môi trường đất đai, hoàn cảnh tiết, mùa màng, để có chủ trương thích hợp làm phát triển đất nước. 2. Thông hiểu nhân tâm (Purisamedha). Vị vua phải biết rõ dân tình trong nước, người sở trường sở đoản thế nào, để dùng nhân tài và đào tạo quan chức. 3. Có sách lược quốc phòng (Sammāpāsa). Vị vua phải có đường lối cai trị dân, luật lệ nghiêm minh nhưng không hà khắc, chính sách khoan nhượng nhưng không nhu nhược, biết quan tâm nâng đỡ đời sống người dân. 4. Ngôn ngữ ôn hòa (Vācāpeyya). Vị vua phải có lời nói tốt đẹp mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, nói hòa nhã, khiêm tốn, nói điều hữu ích, nói có tính thuyết phục. Bốn nhiếp pháp này Phật giáo đã chủ trương nhằm dạy các hàng vua chúa tín đồ Phật giáo; những điều này đối lập lại với những chủ trương vương pháp của Bà-la-môn giáo. Đó là vua phải biết: a) Assamedha, giết ngựa cúng tế. Vì chủ trương vương pháp của Bà-la-môn có khuynh hướng vô nhân đạo và tà kiến nên Phật giáo không chấp nhận. S.I.76; A.II.42; A.IV.151;It.21; [210] Bốn nhiếp pháp (Saṅgahavatthu), bốn pháp nhiếp phục nhân tâm, bốn pháp cảm hóa người khác: 1. Bố thí (Dāna). Tâm rộng rãi xả tài, thích chia sẻ tài sản vật chất của mình lẫn đến người khác, không keo kiết bỏn xẻn. 2. Ái ngữ (Piyavācā hay peyyavajja). Có lời nói dịu ngọt, nói lời hòa nhã êm ái, làm thông cảm đến tâm, người nghe có ấn tượng thiện cảm. 3. Lợi hành (Atthacariyā). Có tâm vị tha phục vụ, làm lợi ích cho người khác, như giúp ích đến mọi người hoặc dẫn dắt mọi người an trú trong thiện pháp. 4. Bình đẳng (Samānattatā). Đối xử hòa đồng, hòa hợp với mọi người; xử sự đồng đẳng, cộng vui cổng khổ; sống với mọi người biết nhìn điểm tương đồng. D.III.152,232; A.II.32,248;A.IV.218.363. [211] Bốn pháp tiến hóa (Vuḍḍhidhamma), pháp làm cho tăng trưởng trí tuệ (nên còn gọi là Paññāvuḍḍhi). 1. Thân cận bậc chân nhân (Sappurisasaṃseva), gần gũi giao du với bậc thiện trí thức đạo đức. 2. Thính văn chánh pháp (Saddhammassavana), siêng học hỏi, nghe pháp chân chánh. 3. Khéo tác ý (Yonisomanasikāra), biết dùng trí tuệ suy luận, nhận xét một cách khôn khéo. 4. Hành tuần tự pháp (Dhammānudhammapatipatti), kiên trì thực hành pháp, thực hành liên tục đều đặn, thọ trì những gì đã được nghe và hiểu rõ. A.II.245. [212] Bốn phạm trú (Brahmavihāra), pháp an trú cao thượng; pháp trú của phạm thiên. Đây còn gọi là bốn vô lượng tâm (Appamaññā) vì tâm tu tập bốn pháp này biến mãn cùng khắp chúng sanh giới, không hạn lượng phân biệt: 1. Từ tâm (Mettā), trạng thái vô sân, không nóng nảy, không bực phiền; tâm mát mẻ, thiện cảm với tất cả chúng sanh, mong cho tất cả được an lạc. 2. Bi tâm (Karuṇā), trạng thái bất hại, không mong làm khổ chúng sanh; động lòng trước sự đau khổ của chúng sanh, thương xót và mong muốn chúng sanh thoát khổ đau. 3. Hỷ tâm (Muditā), trạng thái bằng lòng với sự chúng sanh được thạnh lợi, vui theo sự hạnh phúc của chúng sanh, không ganh tỵ, không đố kỵ, hằng mong cho tất cả chúng sanh được thành tựu lợi lạc. 4. Xả tâm (Upekkhā), trạng thái cân bằng cảm tính, tâm quân bình tự tại, không chi phối bởi đau khổ hay hạnh phúc, luôn nghĩ rằng tất cả chúng sanh vui khổ đều do duyên nghiệp. D.II.196; D.III.220; Dhs. 262; Vism.320 [213] Bốn sự tu tập (Bhāvanā): 1. Tu thân (Kāyabhāvanā), sự tu tập về thân như thân hành tốt đẹp, oai nghi tế hạnh, cử chỉ không đáng bị khiển trách. 2. Tu giới (Sīlabhāvanā), sự tu tập giới luật, thu thúc trong giới bổn, không vi phạm điều học đã thọ trì, biết sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt. 3. Tu tâm (Cittabhāvanā), sự tu tập về tâm, phòng hộ nội tâm, phát triển tâm được tốt đẹp như là an trú vô lượng tâm, tinh tấn, nhẫn nại, thực hành thiền chỉ tịnh... 4. Tu tuệ (Paññābhāvanā), sự tu tiến trí tuệ, phát triển làm tăng trưởng chánh tri kiến, tu tập trạch pháp, thẩm sát danh sắc theo tam tướng để nhàm chán xả ly, ly tham để giải thoát. Một vị tỳ-kheo nếu không tu tập về thân, không tu tập về giới, không tu tập về tâm, không tu tập về tuệ, sẽ là hiểm họa cho chánh pháp, làm cho ô nhiễm luật pháp này. A.III.106. [214] Bốn sự thọ trì pháp (Dhammasamādāna): 1. Sự thọ trì pháp hiện tại lạc, tương lai kết quả khổ (Dhammasamādānaṃ paccuppannasukhaṃ āya-tiṃ dukkhavipākaṃ), như có các vị Sa-môn Bà-la-môn chủ trương lợi dưỡng, sống đắm mình hưởng thụ trong các dục, sau khi mạng chung họ phải sanh vào cõi dữ, đọa xứ. 2. Sự thọ trì pháp hiện tại khổ, tương lai kết quả cũng khổ (Dhammasamādānaṃ paccuppannaduk-khañc'eva āyatiñca dukkhavipākaṃ), như có những vị tu sĩ sống khổ hạnh ép xác dưới nhiều hình thức vô ích, kiến chấp sai lạc, sau khi mệnh chung phải sanh vào cõi dữ, đọa xứ. 3. Sự thọ trì pháp hiện tại khổ, tương lai kết quả lạc (Dhammasamādānaṃ paccuppannadukkhaṃ āyatiṃ sukhavipākaṃ), như có những người bản tính phiền não, đau khổ nhiều vì phiền não, người ấy nhận thức và sống theo phạm hạnh thanh tịnh, nhờ vậy khi mạng chung được sanh vào thiện thú thiên giới. 4. Sự thọ trì pháp hiện tại lạc, tương lai kết quả cũng lạc (Dhammasamādānaṃ paccuppannasukhañ-c'eva āyatiñca sukhavipākaṃ), như có người ở đời này sanh ra ít phiền não, không quá nặng phiền não, người ấy ly dục ly bất thiện pháp chứng và trú với các thiền, sống bằng hỷ lạc của thiền, nhờ vậy sau khi mạng chung được sanh thiện thú thiên giới. D.III.229;M.I.305.316. [215] Bốn sự hành đạo (Paṭipadā): 1. Hành đạo khó, chứng đắc chậm (Dukkhā paṭipadā dandhābhiññā), "Hành nan đắc trì", tức là có hành giả vì nặng phiền não nên việc tu tiến gặp nhiều khó khăn, phải vất vả khổ cực; lại do ngũ quyền của vị ấy như tín, tấn, niệm, định, tuệ yếu nên đắc chứng đạo quả chậm. 2. Hành đạo khó, chứng đắc mau (Dukkhā paṭipadā khippābhiññā), "Hành nan đắc cấp", tức có hành giả vì nặng phiền não nên việc tu tiến gặp nhiều khó khăn, phải vất vả, khổ nhọc; nhưng nhờ ngũ quyền của vị ấy mạnh nên mau chứng đắc đạo quả. 3. Hành đạo dễ, chứng đắc chậm (Sukhā paṭipadā dandhābhiññā), "Hành dị đắc trì", tức là có hành giả bản tính ít phiền não, nên ít bị trở ngại khó khăn trong việc hành pháp, nhưng vì ngũ quyền yếu nên chứng đắc đạo quả chậm. 4. Hành đạo dễ, chứng đắc mau (Sukhā paṭipadā khippābhiññā), "Hành dị đắc cấp", tức là có hành giả bản tính ít phiền não, ít bị trở ngại khó khăn trong việc hành pháp, lại có ngũ quyền mạnh nên chứng đắc đạo quả cũng mau. A.II.149-154 [216] Bốn sự tu tiến định (Samādhibhāvanā): 1. Có sự tu tiến định dẫn đến hiện tại lạc trú (Diṭṭhadhammasukhavihārāya), tức là chứng trú các thiền đáo đại, hay thiền hiệp thế. 2. Có sự tu tiến định dẫn đến tri kiến đắc (Ñāṇadassanapaṭilābhāya), tức là tu tập tác ý tưởng ánh sáng với tâm mở rộng ngày cũng như đêm. 3. Có sự tu tiến định dẫn đến chánh niệm tỉnh giác (Satisampajaññāya), tức là tu tập biết rõ thọ, tưởng, tầm đang khởi, đang trú, đang diệt. 4. Có sự tu tiến định dẫn đến đoạn tận lậu hoặc (Āsavānaṃ khayāya), tức là tu tập quán tánh sanh diệt trên năm thủ uẩn. D.III.222; A.II.44 [217] Bốn như ý túc (Idhipāda), nền tảng để thành tựu, yếu tố để đạt đến thiền định đạo quả: 1. Dục như ý túc (Chandiddhipāda), lòng mong mỏi, ước muốn, hoài bão. 2. Cần như ý túc (Viriyiddhipāda), sự siêng năng, sự cố gắng, sự nỗ lực, không nản chí. 3. Tâm như ý túc (Cittiddhipāda), sự chú ý, quyết định, gắn bó với mục đích. 4. Thẩm như ý túc (Vimaṃsiddhipāda), tức là trí tuệ sáng suốt, tỉnh giác, trạch pháp, hiểu cặn kẽ chính xác. Tứ như ý túc nên hiểu theo hai khía cạnh: khía cạnh thực chứng, là dục cần tâm thẩm khởi lên trong tâm đạo, thuộc về pháp siêu thế; khía cạnh tu tập, là dục cần tâm thẩm khởi lên trong tâm thiện dục giới, thuộc pháp đảng giác (Bodhipakkhiya). D.III.221; Vh.216 [218] Bốn tuệ đạt thông (Paṭisambhidā), tuệ phân tích, tuệ vô ngại giải: 1. Nghĩa đạt thông (Atthapaṭisambhidā), là trí hiểu thấu đáo nghĩa lý của pháp đế; trí có khả năng phân giải chi tiết những điều được nói tóm tắt. 2. Pháp đạt thông (Dhammapaṭisambhidā), là trí hiểu rõ pháp, biết rõ các nguyên lý của ý nghĩa; tuệ có khả năng tổng trì pháp đề. 3. Ngữ đạt thông (Niruttipaṭisambhidā), là trí biết ngôn ngữ, dùng để trình bày pháp và nghĩa pháp. 4. Biện đạt thông (Paṭibhānapaṭisambhidā), là trí thiện xảo ứng đối, biết rõ cách lý luận, phân tích pháp. A.II.160; Ps. I. 119; Vbh. 294. [219] Bốn sự tinh cần hay chánh cần (Padhāna, sammappadhāna): 1. Thận cần (Saṃvarapadhāna), tinh tấn về mặt phòng ngừa đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh không cho sanh khởi. 2. Trừ cần (Pahānapadhāna), tinh tấn về mặt diệt trừ các ác bất thiện pháp đã sanh làm cho mất đi. 3. Tu cần (Bhāvanāpadhāna), tinh tấn tu tập làm cho phát sanh những thiện pháp chưa có, chưa sanh. 4. Bảo cần (Anurakkhanāpadhāna), tinh tấn giữ gìn những thiện pháp đã có, duy trì và phát triển thiện pháp đã sanh. D.III.221; A.II.15,74. Bốn sự tinh cần này có chỗ trình bày ý nghĩa khác nữa: 1. Thận cần, là tinh tấn chế ngự nguyên nhân khiến tham ưu ác bất thiện sanh khởi do các căn tiếp xúc ngoại cảnh. 2. Trừ cần, là tinh tấn từ bỏ tẩy sạch tà tư duy: dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy. 3. Tu cần, là tinh tấn tu tập bảy giác chi nhờ viễn ly, ly tham, đoạn diệt. 4. Bảo cần, là tinh tấn gìn giữ trạng thái định tốt đẹp đã phát sanh do các đề mục tưởng v.v... A.II.16 [220] Bốn sự tỉnh giác (Sampajañña), sự nhận thức, sự hiểu biết thấu đáo: 1. Ích sát tỉnh giác (Satthakasampajañña), tỉnh giác sự lợi ích, tức là vị hành giả phải luôn có trí nhận thức mục đích của mỗi việc làm, và mỗi hành động như đi, đứng... có an lạc hay có giúp ích gì cho việc tu tập hay không? Sau khi suy nghĩ mới làm. 2. Thuận lợi tỉnh giác (Sappāyasampajañña), tỉnh giác sự thích hợp, tức là vị hành giả phải luôn có trí nhận thức sự thích đáng trong mỗi sinh hoạt, xem việc đó phù hợp hay trở ngại cho việc tu tập của mình không? Sau khi suy nghĩ mới làm. 3. Hành xứ tỉnh giác (Gocarasampajañña), tỉnh giác lãnh vực tu tập, tức là vị hành giả luôn có trí biết rõ về cảnh giới hay tầm hoạt động của việc tu tiến, như biết thiền chỉ là thế nào, thiền quán là thế nào? biết rõ để không lạc ngoài hành xứ. 4. Bất mê tỉnh giác (Asammohasampajañña), tỉnh giác không ngộ nhận, tức là hành giả phải luôn có trí nhận định rõ ràng giữa giả và thật, chân đế và tục đế, phá tan ý niệm ngã chấp. D.A.I.183; Vbh A.347 [221] Bốn thanh tịnh giới (Pārisuddhisīla): 1. Biệt giải thoát thu thúc giới (Pāṭimokkhasaṃvarasīla), là giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa mà Đức Phật đã chế định, những giới này vị tỳ-kheo phải nghiêm trì phòng hộ. Giới bổn được thanh tịnh do nhờ đức tin (saddhā). 2. Quyền thu thúc giới (Indriyasaṃvarasīla), là giới thu thúc lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vị tỳ-kheo có chánh niệm khi lục căn tiếp xúc lục trần phòng ngừa bất thiện tâm sanh khởi khi thấy, nghe... giới thu thúc này được thanh tịnh do nhờ chánh niệm (sati). 3. Dưỡng mạng thanh tịnh giới (Ājīvapārisuddhisīla), là giới nuôi mạng thanh tịnh. Vị tỳ-kheo tinh tấn trong việc khất thực để nuôi sống, chớ không tìm cách thu lợi lộc bằng sự tà mạng phi pháp. Giới nuôi mạng này được thanh tịnh nhờ tinh tấn (viriya). 4. Vật dụng quán tưởng giới (Paccayasannissitasīla), giới quán tưởng bốn món vật dụng. Vị tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, vật thực, sàng tọa và thuốc trị bệnh, dùng trí tuệ quán tưởng để ngăn lòng tham muốn. Giới này được thanh tịnh do nhờ trí tuệ (paññā). Vism.16; Comp.212. [222] Bốn sức mạnh (Bala), sức mạnh tinh thần, nội lực để thắng phục nỗi sợ hãi: 1. Sức mạnh trí tuệ (Paññābala), trí sáng suốt thông hiểu mọi việc, từ cách ứng xử đến sự tu tập, đó là sức mạnh. 2. Sức mạnh chuyên cần (Viriyabala), sự nỗ lực cố gắng, kiên cường bất thối trước mọi hoàn cảnh, không tắc trách phận sự, đó là sức mạnh. 3. Sức mạnh vô tội (Anavajjabala), có thân hành, khẩu hành, ý hành trong sạch, không mắc lỗi lầm, không bị khuyết điểm, đó là sức mạnh. 4. Sức mạnh nhiếp pháp (Saṅgahabala), có đủ bốn đức: bố thí, ái ngữ, lợi hành, bình đẳng, để nhiếp phục nhân tâm, đó là sức mạnh. Trong kinh giải rằng: người có bốn sức mạnh này sẽ thành tựu cuộc sống an ổn, và thoát khỏi năm sự sợ hãi là sợ hãi việc nuôi mạng (ājīvitabhaya), sợ tai tiếng thị phi (asilokabhaya), sợ vì nhút nhát giữa hội chúng (parisāsārajjabhaya), sợ sự chết (maraṇabhaya), sợ sanh khổ cảnh (duggatibhaya). A.IV.363. [223] Bốn loại niềm tin (Saddhā): 1. Tin nghiệp (Kammasaddhā), tin chắc qui luật nhân tố của hành động, tin có hành động tốt xấu trở thành nghiệp thiện ác tạo hậu quả. 2. Tin quả (Vipākasaddhā), tin chắc sự vui khổ ở đời là hậu quả của thiện nghiệp và ác nghiệp, không phải do đấng sáng tạo nào làm ra. 3. Tin nghiệp riêng (Kammassakatāsaddhā), tin chắc mỗi chúng sanh ở đời thọ cảm vui khổ đều là do nghiệp riêng của chúng sanh ấy đã tạo. 4. Tin sự giác ngộ của Đức Như Lai (Tathāga-tabodhisaddhā), tin chắc Đức Phật là vị đã tự giác ngộ một cách chân chính, là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, giáo pháp đã được Ngài khéo thuyết giảng, và những ai khéo thực hành cũng sẽ được giác ngộ giải thoát như Ngài. Bốn niềm tin này là loại niềm tin hợp lý, hữu ích, là chánh tín. A.III.3; Vbh. 328 [224] Bốn niềm tin tối thượng (Aggappasādā): 1. Tịnh tín nơi Đức Phật (Buddhe pasannā), vì Đức Phật là bậc tối thượng giữa chúng sanh, nên ai đặt niềm tin nơi Ngài, người ấy là có niềm tin tối thượng. 2. Tịnh tín với thánh đạo tám nhánh (Ariye aṭṭhaṅgike magge pasannā), vì pháp bát chánh đạo là pháp tối thượng trong các pháp hữu vi, nên ai đặt niềm tin nơi pháp này, gọi là có niềm tin tối thượng. 3. Tịnh tín với pháp vô nhiễm (Virāge dhamme pasannā), vì pháp ly tham níp-bàn là pháp tối thượng trong các pháp dù là hữu vi hay vô vi, nên ai đặt niềm tin nơi pháp này, gọi là có niềm tin tối thượng. 4. Tịnh tín tăng chúng (Saṅghe pasannā), vì tăng chúng là hội chúng tối thượng trong các hội chúng ở đời, nên ai đặt niềm tin nơi tăng chúng, gọi là có niềm tin tối thượng. Những ai có niềm tin tối thượng sẽ đạt được quả dị thục tối thượng, tức là phước tối thượng, thọ mạng tối thượng, dung sắc tối thượng, lạc tối thượng, sức tối thượng, hỷ tối thượng. A.II.34 [225] Bốn phương diện lượng xét (Pamāṇika hay pamāṇa): 1. Lượng xét theo sắc tướng (Rūpapamāṇikā), là thấy hình dáng bên ngoài của người khác mà khởi tâm tịnh tín. Như có người nhìn thấy tướng hảo của Đức Phật rồi phát sanh đức tin. 2. Lượng xét theo âm thinh (Ghosapamāṇa), là nghe tiếng nói âm điệu của người khác mà khởi tâm tịnh tín. Như có người nghe Phạm âm du dương của Đức Phật hoặc nghe tiếng đồn tốt đẹp về Ngài rồi phát sanh niềm tin. 3. Lượng xét theo vẻ khắc khổ (Lūkhapamāṇa), là nghĩ đến sự từ bỏ xa hoa của người khác mà khởi tâm tịnh tín. Như có người nghĩ đến Đức Phật đã khước từ đời sống đế vương để sống khổ hạnh, mặc y phấn tảo, khất thực độ nhật... người ấy phát sanh niềm tin. 4. Lượng xét theo pháp (Dhammapamāṇa), là hiểu được giáo pháp mà khởi tâm tịnh tín. Như có người đến nghe Đức Phật thuyết pháp, khi người ấy nhận hiểu đây là con đường thật sự dẫn đến an tịnh, hạnh phúc và giải thoát, liền phát sanh niềm tin. A. II. 71; Pug.7, 53; DhA. 114; Sn.A.242 [226] Bốn hiện tượng (Nimitta), bốn ấn tướng làm động tâm đức Bồ tát kiếp chót, khiến ngài kinh cảm mà đi xuất gia tầm đạo: 1. Người già (Jiṇṇa), đức Bồ tát thấy một người suy tàn thể xác, tóc bạc, da nhăn, lưng còm, tay chân run rẩy. Bồ tát kinh cảm sự nguy hiểm của thân này. 2. Người bệnh (Byādhi), đức Bồ tát thấy một người đang oằn oại rên rỉ vì bệnh tật hoành hành, Ngài kinh cảm sự nguy hại của thân này. 3. Người chết (Kālakata), đức Bồ tát thấy một thi hài đang bị đặt lên giàn hỏa để thiêu, ngài kinh cảm sự giả tạm của thân này. 4. Vị tu sĩ (Pabbajita), đức Bồ tát thấy một người xuất gia tọa thiền trầm tịnh, ngài đã nhận thức được lối thoát để chấm dứt khổ đau. Ba dấu hiệu trước là thiên sứ (Devadūta), báo tin về sự khổ, hiện tượng thứ tư không phải là thiên sứ mà là hình ảnh gợi ý về con đường giải thoát. D.II. 22; Bv. XVII.14. [227] Bốn pháp trợ tu (Uttariṃ bhāvana dhammā); pháp cần tu tập để trợ lực cho vị hành giả: 1. Tu tập quán bất tịnh (Asubha bhāvanā), tức là quán thân ba mươi hai thể trược; sự tu tập này đoạn trừ tham ái. 2. Tu tập niệm từ tâm (Mettā bhāvanā), tức là an trú biến mãn với tâm vô sân; sự tu tập này đoạn trừ phẫn nộ. 3. Tu tập nhập xuất tức niệm (Anāpānassati bhāvanā), tức là niệm hơi thở, sự tu tập này chặn đứng phóng tâm nghĩ ngợi. 4. Tu tập tưởng vô thường (Aniccasaññā bhāvanā), tức là suy tưởng tính chất giả tạm của danh sắc; sự tu tập này để dẹp bỏ ngã mạn. Ud.128 [228] Bốn sự cúng dường thanh tịnh (Dakkhiṇāvisuddhi): 1. Có sự cúng dường thanh tịnh phía người cho, không thanh tịnh phía người nhận (Atthi dakkhiṇā dāyakato visujjhati no paṭiggāhakato), tức là người thí có giới sống thiện pháp, người thọ thí thì ác giới ác pháp. 2. Có sự cúng dường thanh tịnh phía người nhận, không thanh tịnh phía người cho (Atthi dak-khiṇā paṭiggāhakato visujjhati no dāyakato), tức là người thí ác giới ác pháp nhưng người thọ thí có giới, sống thiện pháp. 3. Có sự cúng dường không thanh tịnh phía người cho cũng không thanh tịnh phía người nhận (Atthi dakkhiṇā n'eva dāyakato visujjhati no paṭiggāhakato), tức là người thí ác giới ác pháp, mà người thọ thí cũng ác giới ác pháp. 4. Có sự cúng dường thanh tịnh phía người cho và cũng thanh tịnh phía người nhận (Atthi dakkhiṇā dāyakato c' eva visujjhati paṭiggāhakato ca), tức là người thí có giới, sống thiện pháp, và người thọ thí cũng có giới, sống thiện pháp. D.III.231; M.III.256;A.II.80; Kvu.557 [229] Bốn pháp bất thối của tỳ-kheo (Aparihānadhamma): 1. Cụ túc giới (Sīlasampanno hoti), nghiêm trì giới hạnh, thành tựu đầy đủ giới bổn. 2. Phòng hộ các căn (Indriyesu guttadvāro hoti), chánh niệm khi lục căn tiếp xúc lục trần. 3. Tiết độ ẩm thực (Bhojane mattaññū hoti), biết độ lượng trong việc ăn uống. 4. Sống tỉnh thức (Jāgariyaṃ anuyutto hoti), chuyên cần tỉnh giác trong bốn oai nghi, ngăn chặn các ác bất thiện pháp. A.II.39 [230] Bốn tư niệm (Cetanā): 1. Tư tiền (Pubbacetanā), suy nghĩ trước khi làm. 2. Tư hiện (Muñcacetanā), suy nghĩ đang khi làm. 3. Tư quá (Aparacetanā), suy nghĩ khi làm xong. 4. Tư hậu (Aparāparacetanā), suy nghĩ việc đã làm. Nếu làm điều thiện, có đủ tư niệm ba thời như vậy thì có quả báo lớn, tư niệm mạnh được gọi là ukkaṭṭhacetanā; tư niệm yếu thì gọi là omakacetana. Dhs A.193 [231] Bốn nhân sanh tương ưng trí (Ñānasampayutta): 1. Do nghiệp (Kamma), tức là đời trước có tạo phước trí, hành động quen dùng trí, nên nay dễ phát sanh trí tuệ. 2. Do sanh hữu (Upatti), tức là sanh nhằm cõi không thể sanh trí như cõi khổ... hoặc sanh vào thời kỳ chúng sanh kém trí, khó phát sanh trí tuệ được. 3. Do quyền mạnh (Tikkhindriya), tức là người có đầy đủ tín, tấn, niệm, định, tuệ phát triển cân bằng và bén nhạy, nên dễ phát sanh trí. 4. Do ly phiền não (Kilesavisaṃyoga), tức là ít bị phiền não chi phối, không nặng tham, nặng sân, nặng si, nên dễ phát sanh trí. Dhs A. 112. [232] Bốn pháp xác định (Adhiṭṭhāna-dhamma), những đức tính lập nên con người đạo đức, những cơ sở để xác định là người hiền. 1. Trí tuệ (Paññā), có sự hiểu biết nhân quả, thông hiểu thực tính của mọi sự vật. Để có được trí tuệ, cần phải không xao lãng việc sử dụng trí (Paññaṃ nappamajjeyya). 2. Chân thật (Sacca), có sự thật thà trung thực, biết tôn trọng sự thật từ lời nói cho đến các sự kiện chân lý. Để có được đức tính này, cần phải bảo vệ chân lý (Saccaṃ anurakkheyya). 3. Xả ly (Cāga), có sự dứt bỏ xả bỏ những thói xấu, cố chấp, cố tật; từ việc xả bỏ tài vật để bố thí cho đến xả bỏ phiền não. Để có đức tính này cần phải bồi dưỡng tính hào phóng (Cāgaṃ anubrūheyya). 4. An tịnh (Upasama), có sự tịnh tâm, biết làm cho tâm vắng lặng phiền não. Để có được đức tính này, cần phải phải học tập yên lặng (Santiṃ sikkheyya). D. III.229; M.III.243. [233] Bốn loại nghiệp quả (Kammavipāka): 1. Nghiệp đen quả đen (Kammaṃ kaṇhaṃ kaṇhavipākaṃ), tức là thân hành khẩu hành ý hành não hại sẽ dẫn đến cảnh giới cảm thọ khổ não. 2. Nghiệp trắng quả trắng, (Kammaṃ sukhaṃ sukkavipākaṃ) tức là thân hành khẩu hành ý hành bất hại sẽ dẫn đến cảnh giới cảm thọ bất khổ. 3. Nghiệp đen trắng quả đen trắng (Kammaṃ kaṇhasukkaṃ kaṇhasukkavipākaṃ), tức là vừa tạo thân hành khẩu hành ý hành não hại cũng vừa bất hại, sẽ dẫn đến cảnh giới cảm thọ vừa khổ não, mà cũng vừa bất khổ, cảm thọ lẫn lộn khổ vui. 4. Nghiệp không đen không trắng quả không đen không trắng, dẫn đến đoạn trừ nghiệp (Kammaṃ akaṇhaṃ asukkaṃ akaṇhāsukkaṃ vipākaṃ kammakkhayāya saṃvattati), tức là trường hợp tư niệm (cetanā) đoạn trừ ba loại nghiệp quả trên, nói cách khác là tư niệm không tạo nghiệp dù thiện hay ác; hành động của vị A-la-hán là trường hợp đó. M.II. Kukkuravatisutta, 389. [234] Bốn quả báo thiện hành (Sucaritāni-saṃsa) 1. Được người khác suy nghĩ tốt cho mình (Jano tajjaṃ tass' āruppaṃ kathaṃ manteti). 2. Được hoan hỷ tự tin vì không phạm pháp (Phāsu hoti vesārajjaṃ ahaṃ na tesu pāpadhammesu sandissamī' ti). 3. Nằm ngồi ở đâu cũng thoải mái vì nghiệp lành vương vấn (Yatra tatra taṃ kalyāni kammāni olambanti ajjholambanti abhippalambanti) 4. Sau khi chết, sanh vào thiện thú thiên giới (Kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ saggaṃ lo-kaṃ uppajjati). M.III.170, Bālapaṇḍitasutta [235] Bốn quả báo ác hành (Duccaritānisaṃsa): 1. Bị người khác dị nghị (Jano tajjaṃ tass' āruppaṃ kathaṃ manteti). 2. Lo sợ vì phạm pháp (Vihaññati ahaṃ tesu dhammesu sandissāmī' ti). 3. Nằm ngồi ở đâu cũng nặng nề vì nghiệp ác ám ảnh (Yatra tatra tạṃ pāpāni kammāni olambanti ajjholambanti abhippalambanti). 4. Sau khi chết sanh vào đọa xứ khổ cảnh địa ngục (Kāyassa bhedā parammaraṇā apāyaṃ dugga-tiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppajjati). M.III.163, Bālapaṇḍitasutta. [236] Bốn pháp người tại gia (Gharāvāsadhamma): 1. Chân thật (Sacca), tức là nói và làm đều đi đôi với nhau; tâm tư chân thật. 2. Tự hóa (Dama), điều phục tâm, tự dạy tâm, cải tạo mình cho được tiến hóa. 3. Kham nhẫn (Khanti), chịu đựng, nhẫn nại với nghịch cảnh, có nghị lực để vượt qua khó khăn. 4. Dứt bỏ (Cāga), xả bỏ lòng ích kỷ hẹp hòi, hằng vui thích chia sẻ đến người khác, xả tài bố thí. Đây là bốn pháp đạo đức căn bản của người tại gia, là pháp hỗ trợ đạo hạnh của người cư sĩ . S.I.215; Sn.189. [237] Bốn gia thịnh pháp (Kulaciraṭṭhiti), yếu tố duy trì gia đình hưng thịnh: 1. Biết tìm lại cái đã mất (Naṭṭhagavesanā), tức là trong nhà khi tài sản vật chất hoặc truyền thống đạo đức của gia đình đã mất, phục hồi cho có lại. 2. Biết sửa chữa cái đã hư cũ (Jiṇṇapaṭisaṅkharanā), tức là cải thiện hoặc tu bổ các vật dụng tài sản trong gia đình, làm cho mới. 3. Biết độ lượng trong việc ăn xài (Parimitapānabhojanā), tức là biết chi tiêu trong gia đình cho hợp lý, không tiêu pha hoang phí. 4. Đặt người đức hạnh vào vai trò chủ chốt (Adhipaccasīlavantaṭhapanā), tức là trong gia đình có những vị trí lãnh đạo quản lý, các vị trí ấy phải do người có giới hạnh đạo đức đảm nhận. Gia đình nào có bốn pháp này thì sẽ được tồn tại lâu dài, nếu ngược lại thì sẽ làm cho chóng suy tàn. A.II.249. [238] Bốn điều an lạc của cư sĩ (Gihisukha): 1. Lạc sở hữu (Atthisukha), sự an lạc vì có được tài sản thu hoạch hợp pháp, bằng sự nỗ lực làm nghề nghiệp. 2. Lạc hưởng thụ (Bhogasukha), sự an lạc khi thọ dụng tài sản của chính mình để nuôi mạng, nuôi gia đình, làm các công đức. 3. Lạc vô trái (Anaṇasukha), sự an lạc do không bị mắc nợ ai, khiến tâm tự do thoải mái. 4. Lạc vô tội (Anavajjasukha), sự an lạc do không làm điều ác, điều bất thiện, không lo sợ người khác chê trách về hành vi của mình. Trong bốn điều an lạc này, lạc vô tội là điều an vui có giá trị cao nhất. A.II.69. [239] Bốn sự thiên vị (Agati), cách xử sự không trung thực: 1. Thiên vị do thương (Chandāgati), tức là xử sự thiếu trung thực vì bị chi phối tình cảm. 2. Thiên vị do ghét (Dosāgati), tức là xử sự không công bằng vì có ác cảm. 3. Thiên vị do dốt (Mohāgati), tức là xử sự không trung thực vì thiếu hiểu biết. 4. Thiên vị do sợ (Bhayāgati), tức là xử sự không trung thực vì bị áp lực. D. III.182, 228; A. II.18. [240] Bốn nghiệp phiền não (Kammakilesa), nghiệp ô nhiễm, nghiệp cấu uế: 1. Nghiệp phiền não sát sanh (Pāṇātipāto kammakileso). 2. Nghiệp phiền não trộm cắp (Adinnādānaṃ kammakileso). 3. Nghiệp phiền não tà dâm (Kāmesumicchācāro kammakileso). 4. Nghiệp phiền não nói dối (Musāvādo kam-makileso). D.III.181. [241] Bốn sự vô minh (Avijjā), sự si mê dốt nát khiến cho không giác ngộ: 1. Bất tri khổ (Dukkhe aññāṇaṃ), tức không hiểu khổ đế là pháp cần biến tri. 2. Bất tri khổ tập (Dukkhasamudaye aññāṇaṃ), không hiểu tập đế là pháp cần đoạn trừ. 3. Bất tri khổ diệt (Dukkhanirodhe aññāṇaṃ), không hiểu diệt đế là pháp cần tác chứng. 4. Bất tri khổ diệt đạo lộ (Dukkhanirodhagāminīpaṭipadāya aññāṇaṃ), không hiểu đạo đế là pháp cần tu tập. Nói tóm lại, vô minh là không thấu hiểu về sở dụng trong tứ đế. S.II.4;S.IV.256;Vbh.135. [242] Bốn pháp thủ (Upādāna), sự cố chấp, sự chấp thủ thuộc bất thiện: 1. Dục thủ (Kāmupādāna), sự chấp thủ theo các dục lạc như sắc, thinh .v.v... 2. Kiến thủ (Diṭṭhupādāna), sự chấp thủ theo tri kiến sai lầm như thường kiến và đoạn kiến. 3. Giới cấm thủ (Sīlabbatupādāna), sự chấp thủ theo những giới cấm vô ích phi lý như khổ hạnh cực đoan. 4. Ngã chấp thủ (Attavādupādāna), sự chấp thủ bản ngã đối với ngũ uẩn, cho rằng ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn, trong ngũ uẩn có ta, trong ta có ngũ uẩn. Bốn pháp thủ, Dục thủ là phiền não tham; Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã chấp thủ là phiền não tà kiến. D.III.230; M.I.66; Vbh.375. [243] Bốn lậu hoặc (Āsava), thứ phiền não làm chúng sanh bị trầm luân: 1. Dục lậu (Kāmāsava), ái tham các cảnh dục như sắc, thinh .v.v... 2. Hữu lậu (Bhavāsava), ái tham sự tái sanh luân hồi, hoặc ái luyến trong thiền lạc. 3. Kiến lậu (Diṭṭhāsava), chấp tri kiến sai lạc, chấp tà kiến như thường kiến và đoạn kiến. 4. Vô minh lậu (Avijjāsava), sự si mê, sự mê muội, không hiểu biết pháp đáng biết như bốn sự thật .v.v... Vbh.373. Phần lớn trong kinh tạng chỉ trình bày có ba pháp lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu - Xem [105]. Sớ giải giải thích rằng trong hữu lậu đã có tà kiến, nên được kể là một (M.A. 1/93) . [244] Bốn cách trả lời câu hỏi (Pañhābyākaraṇa): 1. Có vấn đề cần trả lời dứt khoát (Atthi pañho ekaṃsabyākaraṇīyo). Như hỏi "Bốn đại là gì?". Cần đáp ngay: "Bốn đại là đất, nước, lửa, gió". 2. Có vấn đề cần trả lời bằng cách phân tích (Atthi pañho vibhajjabyākaraṇīyo). Như hỏi: "Phải chăng người nào còn tham thì người ấy cũng còn sân?" Cần đáp bằng cách phân tích: "Bậc A-na-hàm còn phiền não tham nhưng không còn phiền não sân, chỉ có phàm nhân và bậc hữu học thấp thì còn tham cũng còn sân". 3. Có vấn đề cần trả lời bằng cách hỏi lại (Atthi pañho paṭipucchābyākaraṇīyo). Như hỏi: "Chúng sanh có linh hồn chăng?". Cần hỏi lại để xác định "Bạn hiểu linh hồn là gì? ". 4. Có vấn đề cần trả lời bằng cách bỏ qua (Atthi pañho thapaṇīyo). Như họ hỏi: "Chúng sanh còn hay không còn sau khi chết?". Vấn đề này không ích lợi, nên phải bỏ qua không cần giải thích. A.II.46 [245] Bốn thế nằm (Seyyā): 1. Thế nằm của ngạ quỉ, hay thế nằm của người chết (Petaseyyā), là thế nằm ngửa bụng (petā uttānā senti). 2. Thế nằm của người hưởng dục (Kāmabhogīseyya), là thế nằm nghiêng về phía trái (kāmabhogī vāmena passenasenti). 3. Thế nằm của sư tử (Sīhaseyyā), loài sư tử, chúa muông thú, có thế nằm nghiêng phía hông phải, hai chân gác lên nhau, đuôi cuộn vào giữa hai vế, (sīho migarājā dakkhiṇena passena seyyaṃ kappeti). 4. Thế nằm của Đức Phật (Tathāgataseyyā), đức Như Lai cũng nằm với dáng nằm của sư tử, nghiêng phía hữu, luôn tỉnh giác và an trú với tâm thiền định (tathāgato jhānaṃ viharitvā seyyaṃ kappeti). A.II.244 [246] Bốn lý do nữ nhân ít thành đạt (Apayojanahetu): 1. Nữ nhân thường phẫn nộ (Kodhano mātu-gāmo). 2. Nữ nhân thường ganh tỵ (Issukī mātugāmo). 3. Nữ nhân thường bỏn xẻn (Maccharī mātugāmo). 4. Nữ nhân thường kém trí tuệ (Duppañño mātugāmo). A.II.82 [247] Bốn pháp làm duyên xứng đôi chồng vợ (Samajīvīdhamma): 1. Đồng đẳng đức tin (Samasaddhā), hai người đều có chánh tín. 2. Đồng đẳng giới hạnh (Samasīla), hai người đều có giữ giới. 3. Đồng đẳng thí xả (Samacāgā), hai người đều có hạnh bố thí. 4. Đồng đẳng trí tuệ (Samapaññā), hai người đều có trí tuệ hiểu biết. A.I.60 [248] Bốn sự chung sống gia đình (Saṃvāsā): 1. Tiện nam chung sống với tiện nữ (Chavo chavāya saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam xấu xa ác độc sống chung với một người nữ xấu xa ác độc. 2. Tiện nam chung sống với thiên nữ (Chavo deviyā saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam xấu xa ác độc sống chung với một người nữ hiền thiện đạo đức. 3. Thiên nam chung sống với tiện nữ (Devo chavāya saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam hiền thiện đạo đức sống chung với một người nữ xấu xa ác độc. 4. Thiên nam chung sống với thiên nữ (Devo deviyā saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam hiền thiện đạo đức sống chung với một người nữ hiền thiện đạo đức. A.II.57,59 [249] Bốn danh hiệu gọi cha mẹ (Mātāpitu adhivacana): 1. Cha mẹ là Phạm thiên (Brahmā). Được nói như vậy vì Phạm thiên là thần tượng kính ngưỡng theo quan niệm dân gian thời ấy, nên Đức Phật ví cha mẹ như Phạm thiên của con cái. 2. Cha mẹ là tiên thiên (Pubbadeva). Được nói như vậy vì chư thiên là vị thần hộ mệnh theo quan niệm dân gian thời đó, nên Đức Phật đã ví cha mẹ như chư thiên đầu đời của con cái. 3. Cha mẹ là tiên sư (Pubbācariya). Được nói như vậy vì cha mẹ như vị thầy đầu tiên của con cái, cha mẹ dạy dỗ con trước khi chúng vào đời học với thầy khác. 4. Cha mẹ là bậc ưng cúng (Āhuneyya). Được nói như vậy vì cha mẹ xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được cung phụng bởi con cái. A.II.92 [250] Bốn sở hành chúng sanh, bốn hạng người (Puggala): 1. Người chuyên làm khổ mình (Puggalo attantapo hoti), tức là hạng người có quan niệm sai lầm, sống khắc kỷ, hành khổ hạnh gay gắt. 2. Người chuyên làm khổ người khác (Puggalo parantapo hoti), tức là hạng người sống ác độc với bàn tay vấy máu, làm nghề đồ tể, thợ săn, ngư phủ, đao phủ, cai ngục v.v... 3. Người tự làm khổ mình và làm khổ kẻ khác (Puggalo attantapo ca hoti parantapo), tức là người có uy quyền với tri kiến sai lầm, họ hành động khắc khổ, hành xác, lại khiến kẻ khác đau khổ phục vụ mệnh lệnh của họ. 4. Người không làm khổ mình và không làm khổ người khác (Puggalo n' eva attantapo hoti na paran-tapo), là hạng người ly phiền não, sống tịch tịnh, an trú phạm thể, và vị ấy thuyết pháp thanh tịnh để giúp chúng sanh tiến hóa. Như Đức Phật và các vị đệ tử A-la-hán của Ngài. M.II.342 [251] Bốn hạng trí giả (Ñātapuggala): 1. Lược khai trí giả (Ugghaṭitaññū), người có trình độ cấp trí, chỉ nghe thuyết đầu đề là đã chứng ngộ. 2. Quảng diễn trí giả (Vipacitaññū), người có trình độ tương đối, trí khá bén nhạy, khi được nghe giải rộng đề tài mới tỏ ngộ. 3. Tiến dẫn trí giả (Neyya), người có trình độ trí chậm, phải được hướng dẫn hành đạo từng bước, sau mới có thể giác ngộ. 4. Văn cú tối vi giả (Padaparama), người mà thiếu cơ trí giác ngộ trong hiện kiếp, nếu cố gắng lắm chỉ thông suốt chữ nghĩa thôi. A.II.135; Pug.41; Nett.7,125 [252] Bốn hạng phi bằng hữu (Mittapaṭirūpaka), là bạn giả dối, bạn trá hình, bạn xấu: 1. Bạn vụ lợi (Aññadatthuhara), là người bạn tham của, gặp gì cũng muốn lấy, cho ít muốn nhiều, vì sợ mới làm, giao du vì mưu lợi. 2. Bạn môi miếng (Vacīparama), là người bạn chỉ biết nói; như tỏ thân tình việc đã qua, tỏ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng sáo ngữ, khi bạn hữu sự lại tỏ ra bất lực. 3. Bạn dua nịnh (Anuppiyabhāṇī), là người bạn a dua lấy lòng, người này có dấu hiệu như tán đồng việc làm xấu, bất đồng việc làm tốt, trước mặt thì ca tụng, sau lưng thì chê bai. 4. Bạn trụy lạc (Apāyasahāya), là người bạn xúi giục hư đốn; như bạn rượu chè say sưa, bạn ưa đi chơi đêm, bạn du hý điếm đàng, bạn mê cờ bạc. D.III.185. [253] Bốn hạng chân bằng hữu (Suhadamitta), hạng bạn chân tình, bạn tốt: 1. Bạn tán trợ (Upakārakamitta), là người bạn giúp đỡ tương trợ. Có bốn đức tính: bảo vệ nhau khi bạn bè khinh suất; giữ gìn tài sản của bạn bè khi bạn sơ ý, làm chỗ nương tựa khi có sự sợ hãi, nhiệt tình giúp đỡ khi bạn bè hữu sự. 2. Bạn đồng vui khổ (Samānasukhadukkhamit-ta), là người bạn thủy chung. Có bốn đặc tính: tỏ chuyện thầm kín của mình, giữ kín chuyện bí mật của bạn bè, không bỏ nhau khi bạn bè nguy khốn, dám bỏ mạng vì bạn. 3. Bạn khuyến lợi (Atthakkhāyīmitta), là người bạn xây dựng tiến hóa. Có bốn đức tính: ngăn bạn bè làm điều ác, khuyên bạn bè làm điều thiện, nói cho nghe điều chưa từng nghe, chỉ cho con đường thiên giới. 4. Bạn thân ái (Anukampakamittta), là người bạn chí tình. Có bốn đức tính: không vui khi bạn bè gặp nạn, vui mừng khi bạn bè gặp may mắn, phản đối người chê bai bạn, khích lệ người khen tụng bạn. D. III. 187. [254] Bốn vị thầy (Ācariya), giáo thọ sư, A Xà lê, thầy trong pháp luật này: 1. Thầy độ xuất gia (Pabbajjācariya), tức là thầy truyền giới sa di. 2. Thầy truyền cụ túc (Upasampadācariya), tức là thầy tế độ tu lên tỳ-kheo. 3. Thầy y chỉ (Nissayācariya), tức là thầy thay mặt thầy tế độ để cho nương nhờ tinh thần hành pháp. 4. Thầy giáo hóa (Uddesācariya, dhammācariya) , tức là vị thầy dạy giáo pháp, dạy pháp học. Có chỗ còn nói thêm một bậc thầy nữa là thầy ban huấn từ (Ovādācariya), tức là vị khuyên nhắc, khiển trách khi lầm lỗi. Nếu kể thêm như vậy thì có đến năm bậc thầy. Vism. 94; VinA. v.1085; VII.1397. [255] Bốn hạng người đáng lập tháp thờ (Thūpārahapuggala): 1. Đức Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddho), tức là Đức Phật Toàn Giác. 2. Đức Độc Giác (Paccekabuddha), tức là Phật Bích Chi. 3. Vị đệ tử Như Lai (Tathāgatasāvaka), tức là vị A-la-hán thinh văn. 4. Vị Chuyển Luân Vương (Cakkavattirāja) Đức Toàn Giác, Độc Giác, Thinh Văn Giác, là các bậc thanh tịnh, nên xứng đáng để lập tháp thờ, vị Chuyển Luân Vương là bậc Minh quân, đại phước, đại hiền, trị dân bằng thánh pháp, nên cũng xứng đáng để lập tháp thờ. D.II. 142 [256] Bốn hạng thánh nhân (Ariyapuggala): 1. Bậc Dự Lưu, Nhập Lưu, cũng gọi là Tu-đà-huờn (Sotāpanna). Tức là vị đã đắc sơ quả, tuyệt trừ ba kiết sử: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. 2. Bậc Nhất Lai, cũng gọi là Tư-đà-hàm (Sakadāgāmi), tức các vị đã đắc nhị quả, đã giảm trừ hai kiết sử là dục ái và sân. 3. Bậc Bất Lai, cũng gọi là A-na-hàm (Anāgāmi), tức các vị đã đắc tam quả, tuyệt trừ hẳn hai kiết sử dục ái và sân. 4. Bậc Ưng Cúng, cũng gọi là A-la-hán (Arahanta), tức các vị đã đắc tứ quả, tuyệt trừ năm kiết sử còn lại là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh; một bậc thánh hoàn toàn thanh tịnh, đoạn diệt tất cả phiền não dù thô hay tế, vị đã đặt xuống mọi gánh nặng, không còn sự luân hồi sanh tử. D. I. 156. [257] Bốn hạng A-la-hán (Arahanta): 1. A-la-hán can quán (Sukkhavipassako), tức là bậc Lậu Tận mà chỉ khô sạch phiền não bằng tuệ quán thôi, vị này không có thiền thông hay có năng lực đặc biệt gì khác. 2. A-la-hán tam minh (Tevijjo) tức là bậc Lậu Tận mà đắc được ba minh: Túc mạng minh, sanh tử minh và lậu tận minh. Xem ba minh [81]. 3. A-la-hán lục thông (Chaḷabhiññā), tức là bậc Lậu Tận đắc luôn cả thiền nhập hiệp thế, có được sáu thần thông: biến hóa thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhĩ thông, lậu tận thông. Xem sáu thắng trí [347]. 4. A-la-hán đắc tuệ phân tích (Paṭisambhidappatto), tức là bậc Lậu Tận mà vừa khi đắc tứ quả cũng đồng thời đắc bốn tuệ phân tích, hay tuệ đạt thông là: pháp đạt thông, nghĩa đạt thông, ngữ đạt thông, biện đạt thông. Xem bốn tuệ đạt thông [217]. Vism. 710. [258] Bốn hội chúng (Parisā), đoàn thể tín đồ Phật giáo: 1. Hội chúng tỳ-kheo (Bhikkhuparisā), gồm những nam tu sĩ Phật giáo. 2. Hội chúng tỳ-kheo ni (Bhikkhunīparisā), gồm những nữ tu sĩ Phật giáo. 3. Hội chúng cận sự nam (Upāsakaparisā), gồm những người nam cư sĩ đã quy y tam bảo. 4. Hội chúng cận sự nữ (Upāsakaparisā), gồm những người nữ cư sĩ đã quy y tam bảo. A.II.132. [259] Bốn hội chúng (Parisā), cộng đồng xã hội theo bối cảnh thời Đức Phật: 1. Hội chúng Sát-đế-lỵ (Khattiyaparisā), gồm những người thuộc giai cấp quí tộc, hoàng tộc, vua chúa thời ấy. 2. Hội chúng Bà-la-môn (Brāhmaṇaparisā), gồm những người thuộc giai cấp trí thức tôn giáo của xã hội thời ấy. 3. Hội chúng gia chủ (Gahapatiparisā), gồm tất cả người thường dân ngoài hai giới quí tộc và Bà-la-môn. 4. Hội chúng Sa-môn (Samaṇaparisā), gồm những hạng tu sĩ, đạo sĩ, là những người xuất gia từ ba hội chúng trên. A.II.132. -ooOoo- Ðầu
trang |
Mục lục | |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác
Giới và Tỳ khưu Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2002, 06-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005