Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

KHO TÀNG PHÁP HỌC

Tỳ Khưu Giác Giới
biên soạn

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG PHÁP BA CHI

[72] Ba pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā).

Đây là ba pháp tiến hóa (Vuḍḍhi), cũng gọi là ba pháp tăng trưởng tuệ (Paññāvuḍḍhi):

1. Thân cận bậc chân nhân (Sappurisasaṃse-va), thường gần gũi giao tiếp với các bậc thiện trí thức.

2. Nghe diệu pháp (Saddhammassavana), là được nghe chánh pháp, được học hỏi chánh pháp.

3. Thực hành pháp tuần tự và thuần thục (Dhammānudhammapaṭipatti), là nhiệt tâm hành pháp tùy theo trình độ và thực hành thường xuyên.

A.II.245; D.III. 275.

[73] Ba pháp cần tu tập (Bhāvetabbā dhammā).

Đây là ba pháp định (Samādhi):

1. Định hữu tầm hữu tứ (Savitakkasavicāro samādhi), là một trạng thái định thiền có tầm có tứ. Tức là Định trong sơ thiền.

2. Định vô tầm hữu tứ (Avitakkavicāramatto samādhi), là một trạng thái định thiền không còn tầm nhưng có tứ. Tức là Định trong nhị thiền.

3. Định vô tầm vô tứ (Avitakkāvicāro samādhi), là một trạng thái định thiền không tầm cũng không tứ. Tức là Định trong tam thiền trở lên.

D.III.275. Dasuttarasutta

[74] Ba pháp cần biến tri (Pariññeyyā dhammā).

Đây chỉ cho ba cảm thọ (Vedanā):

1. Thọ lạc (Sukhavedanā), sự cảm thọ dễ chịu thoải mái của thân và tâm. Tức là thân lạc và tâm hỷ.

2. Thọ khổ (Dukkhavedanā), sự cảm thọ khó chịu bức xúc của thân và tâm. Tức là thân khổ và tâm ưu.

3. Thọ phi khổ phi lạc (Adukkhamasukhaveda-nā), sự cảm thọ không khổ không lạc, cảm giác không vui, buồn, sướng, khổ. Tức là thọ xả.

D.III.216, 275; S.IV.331

[75] Ba pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā dhammā).

Ở đây chỉ cho ba ái (Taṇhā):

1. Dục ái (Kāmataṇhā), sự khát vọng, mong muốn hưởng ngũ dục lạc; sự tham ái duyên theo cảnh sắc, thinh, hương, vị và xúc.

2. Hữu ái (Bhavataṇhā), sự khát vọng, mong muốn cõi tái sanh; sự ái luyến thiền lạc; và sự tham ái có liên hệ với hữu kiến hoặc thường kiến (Sassa-tadiṭṭhi).

3. Phi hữu ái (Vibhavataṇhā), sự khát vọng, ái tham có liên hệ đến tà kiến đoạn diệt, tức là ái vô hữu kiến hoặc đoạn kiến (Ucchedadiṭṭhi) .

D.III. Dasuttarasutta; A.III.445;Vbh.365

[76] Ba pháp thuộc phần hạ liệt (Hāna-bhāgiyadhamma).

Đây là ba bất thiện căn (Akusalamūla):

1. Tham bất thiện căn (Lobha akusalamūlaṃ), gốc tham ái tạo ra tâm tham muốn nhiễm đắm...

2. Sân bất thiện căn (Doso akusalamūlaṃ), gốc sân hận tạo ra tâm sân giận, thù oán...

3. Si bất thiện căn (Moho akusalamūlaṃ), gốc si mê tạo ra tất cả tâm bất thiện; đây là vô minh, là giềng mối của ác bất thiện pháp.

D.III.275,It.45.

[77] Ba pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyā dhammā).

Đây là ba thiện căn (Kusalamūlā):

1. Vô tham thiện căn (Alobho kusalamūlaṃ). Sự không tham luyến là gốc tạo ra tâm thiện, tâm tịnh hảo.

2. Vô sân thiện căn (Adoso kusalamūlaṃ). Sự không nóng bức là gốc tạo ra tâm thiện, tâm tịnh hảo.

3. Vô si thiện căn (Amoho kusalamūlaṃ). Sự hiểu biết, sự sáng suốt là gốc tạo ra các tâm thiện tương ưng trí, tâm tịnh hảo hợp trí.

D.III.275.It.45

[78] Ba pháp khó thể nhập (Duppaṭivijjhā dhammā).

Đây là ba xuất ly giới (Nissāraṇīyadhātu):

1. Sự xuất ly các dục (Kāmānaṃ nissaraṇaṃ), là pháp ly tham dục, là định trong thiền sắc giới, vì câu nói sơ thiền là định sanh do ly dục ly bất thiện pháp, nhưng theo chú giải nói sự xuất ly các dục một cách tuyệt đối phải là A-na-hàm đạo (Anāgāmimaggo), vì thánh đạo này dứt tuyệt dục ái (Kāmarāga).

2. Sự xuất ly các sắc (Rūpānaṃ nissaraṇaṃ), là pháp ly tất cả sắc ái, sắc tưởng, là chỉ cho thiền vô sắc, nhưng theo chú giải nói sự xuất ly các sắc một cách tuyệt đối đó là A-la-hán đạo (Arahattamaggo), vì thánh đạo này tuyệt trừ sắc ái (rūparāga) v.v...

3. Sự xuất ly hành (Saṅkhatassa nissaraṇaṃ), là pháp lìa sự hiện khởi của pháp hữu vi. Theo chú giải nói sự xuất ly hành là pháp đoạn diệt (nirodha) mọi duyên khởi pháp hữu vi, tức là Níp-bàn, cũng ám chỉ đó là A-la-hán quả (Arahattaphala), vì khi thánh quả này khởi lên thì níp-bàn hiển lộ.

D.III.257; D.A & Tīkā.

[79] Ba pháp cần sanh khởi (Uppādetabbā dhammā).

Đây nói đến ba loại trí (Ñāṇa):

1. Trí phần quá khứ (Atītaṃsañānaṃ), là trí biết cảnh thuộc quá khứ, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới đã sanh khởi, đã diệt rồi.

2. Trí phần vị lai (Anāgataṃsañānaṃ), là trí biết cảnh thuộc vị lai, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới sẽ sanh khởi.

3. Trí phần hiện tại (Paccuppannaṃsañāṇaṃ), là trí biết cảnh thuộc hiện tại, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới đang sanh khởi.

D.III.27; .A & Tīkā.

[80] Ba pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā).

Đây nói đến ba loại giới hay bản chất (dhātu):

1. Dục giới (Kāmadhātu), là ngũ uẩn trong các cõi dục.

2. Sắc giới (Rūpadhātu), là ngũ uẩn trong các cõi sắc.

3. Vô sắc giới (Arūpadhātu), là bốn danh uẩn trong các cõi vô sắc

D.III.275

[81] Ba pháp cần tác chứng (Sacchikātab-bā dhammā).

Đây nói đến ba minh (Vijjā):

1. Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa), là trí thông nhớ được các đời sống quá khứ của mình.

2. Sanh tử minh (Cutūpapātañāṇa), là trí thông biết rõ sự sanh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Minh này có tên gọi khác nữa là Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuñāṇa).

3. Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa), là trí thông đoạn trừ các lậu hoặc, đắc chứng lậu tận minh, là thành tựu quả vị A-la-hán.

D.III.220, 275; A.V.211.

[82] Ba thiện tầm (Kusalavitakka), sự suy nghĩ tốt, tư duy thiện:

1. Xuất ly tầm (Nekkhammavitakka), sự suy nghĩ ly dục, sự suy nghĩ không dính mắc, không tham muốn.

2. Vô sân tầm (Abyāpādavitakka), sự suy nghĩ không bực phiền, sự suy nghĩ với tâm từ.

3. Bất hại tầm (Avihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ không mưu hại người, sự suy nghĩ liên hệ tâm bi.

A.III.446.

[83] Ba bất thiện tầm (Akusalavitakka), sự suy nghĩ quấy, suy nghĩ không tốt:

1. Dục tầm (Kāmavitakka), sự suy nghĩ liên hệ phiền não dục, sự suy nghĩ tham muốn dục lạc.

2. Sân tầm (Byāpādavitakka), sự suy nghĩ liên hệ sân hận bực phiền.

3. Hại tầm (Vihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ ác độc, mưu hại chúng sanh.

A.III.446.

[84] Ba hữu vi tướng (Saṅkhatalakkhaṇa), trạng thái của pháp hữu vi:

1. Sanh hiển hiện (Uppādo paññāyati), pháp hữu vi hiện bày trạng thái bị tạo sanh.

2. Diệt hiển hiện (Vayo paññāyati), pháp hữu vi hiện bày trạng thái tiêu họai, sanh rồi diệt.

3. Trụ biến đổi (Ṭhitassa aññathattaṃ paññā-yati), pháp hữu vi dù đang thời trụ vẫn thay đổi khác, biến dạng già cũ (jarā).

A.I.152.

[85] Ba vô vi tướng (Asaṅkhatalakkhaṇa), trạng thái của pháp vô vi hay níp-bàn:

1. Không sanh (Na uppādo paññāyati), níp-bàn vì không bị tạo bởi duyên hệ, không có hiện tượng sanh.

2. Không diệt (Na vayo paññāyati), níp-bàn vì không có hiện tượng sanh nên không có hiện tượng diệt.

3. Không đổi khác (Na ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati), níp-bàn không có hiện tượng sanh trụ diệt nên không có trạng thái biến đổi.

A.I.152.

[86] Ba tướng phổ thông (Sāmaññalakkhaṇa), trạng thái chi phối pháp hữu vi:

1. Trạng thái vô thường (Aniccatā), sanh diệt, biến đổi.

2. Trạng thái khổ não (Dukkhatā), bức xúc, khó chịu, bất kham vì biến diệt.

3. Trạng thái vô ngã (Anattatā), rỗng không, chẳng phải do chủ quyền sắp đặt.

Ba pháp này gọi tóm tắt là tam tướng (tilakkhaṇa).

S.W.1; Dhp.277,278,279.

[87] Ba hành (Saṅkhāra), nói theo pháp thực tính tạo tác:

1. Thân hành (Kāyasaṅkhāra), tức là hơi thở là sở hành của thân.

2. Khẩu hành (Vacīsaṅkhāra), tức là tầm và tứ, sở hành của lời nói.

3. Tâm hành (Cittasaṅkhāra), tức là thọ và tưởng, sở hành của ý nghĩ.

Đối với một vị nhập thiền diệt, khi ấy tâm hành này đoạn diệt, trước là diệt khẩu hành (tầm, tứ), kế là diệt thân hành (hơi thở), cuối cùng là diệt ý hành (thọ và tưởng). Chính vì vậy thiền diệt (Nirodhasamāpatti) được gọi là thiền diệt thọ, tưởng định (Saññāvedayitanirodhaṃ).

M.I.301; S.IV.293.

[88] Ba hành (Saṅkhāra), nói theo nghiệp lý:

1. Thân hành (Kāyasaṅkhāra), hay còn gọi là thân tư niệm (Kāyasañcetanā), là sự cố ý hành động.

1. Khẩu hành (Vacīsaṅkhāra), hay còn gọi là khẩu tư niệm (vacīsañcetanā), là sự cố ý ngôn.

2. Tâm hành (Cittasaṅkhāra) hoặc ý hành (manosaṅkhāra), còn gọi là ý tư niệm (manosañcetanā), là sự cố ý suy nghĩ.

Ba loại hành này có ý nghĩa liên quan đến hành trong y tương sinh (paṭiccasamuppāda).

M.I.54.390; S.II.4; Vbh.135.

[89] Ba hữu (Bhava), cõi tái sanh:

1. Dục hữu (Kāmabhava), gồm 11 cõi dục giới là: 4 cõi khổ, cõi nhân loại và 6 cõi trời như Tứ thiên vương, Đạo lợi v.v...

2. Sắc hữu (Rūpabhava), gồm 16 cõi Phạm thiên sắc giới là: 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam thiền và 7 cõi ngũ thiền.

3. Vô sắc hữu (Arūpabhava), gồm 4 cõi Phạm thiên vô sắc giới như cõi không vô biên xứ v.v...

D.III. 215; M.I.294.

[90] Ba loại định (Samādhi):

1. Sát na định (Khaṇikasamādhi), là tâm định thoáng chốc; định của sát na tâm thiện dục giới trú trên đối tượng.

2. Cận hành định (Upacārasamādhi), là tâm định gần như kiên cố; cũng là định của tâm thiện dục giới nhưng trụ vững chắc hơn sát na định.

3. An chỉ định (Appanāsamādhi), là tâm định kiên cố trên đề mục, đây là định thuộc thiền chứng như tâm thiền đáo đại và thiền siêu thế.

Dhs A.117; Vism.144.

[91] Ba loại định (Samādhi):

1. Không tánh định (Suññatāsamādhi), tức là an trú với đề tài vô ngã (Anatta), là đường lối dẫn đến không tánh giải thoát.

2. Vô tướng giải thoát (Animittasamādhi), tức là an trú với đề tài vô thường (anicca), là đường lối dẫn đến vô tướng giải thoát.

3. Vô nguyện định (Appaṇihitasamādhi), tức là an trú với đề tài khổ não (dukkha), là đường lối dẫn đến vô nguyện giải thoát.

Xem [92] ba giải thoát (Vimokkha).

D.III.219 ; A.I.299; Ps.I.119.

[92] Ba sự giải thoát (Vimokkha):

1. Không tánh giải thoát (Suññatavimokkha), sự giải thoát do nương đề mục vô ngã quán - anattānu-passanā - do thấy danh sắc qua hiện trạng vô ngã mà đoạn trừ ngã chấp thủ, tỏ ngộ níp-bàn.

2. Vô tướng giải thoát (Animittavimokkha), sự giải thoát do nương đề mục vô thường quán - anic-cānupassanā - do thấy danh sắc biến diệt nên đoạn trừ điên đảo thường kiến, tỏ ngộ níp-bàn.

3. Vô nguyện giải thoát (Appaṇihitavimokkha) sự giải thoát do nương đề mục khổ não quán - dukkhānupassanā - do thấy danh sắc phiền lụy bức xúc nên đoạn trừ khát ái, tỏ ngộ níp-bàn.

Ps.II. 35; Vism.657; comp. 211.

[93] Ba sự thành tựu (Sampatti), nói theo nghĩa đen là tài sản hay lợi đắc:

1. Thành tựu ở cõi người (Manussasampatti); cũng gọi là tài sản nhân loại, như được sanh làm người sung mãn thể lực, sung túc tài sản.

2. Thành tựu ở cõi trời (Devasampatti); cũng gọi là tài sản chư thiên. Ở đây nói chung là được sanh làm chư thiên, phạm thiên, có thân hảo tướng, đầy đủ uy lực, sung mãn hạnh phúc.

3. Thành tựu níp-bàn (Nibbānasampati); cũng gọi là tài sản thánh nhân, tức là thành tựu hạnh phúc giải thoát.

Ba sự thành tựu này là những kết quả tốt đẹp mà bậc hiền trí hằng mong mỏi.

Kh.7; DhA.III.183.

[94] Ba sự thành tựu (Sampatti), nói theo nghĩa yếu tố thành tựu quả bố thí:

1. Thành tựu ruộng phước (Khettasampatti), tức là có được đối tượng thí, thọ thí thanh tịnh, như cúng dường đến tứ phương tăng, hay cúng dường đến vị thánh vô lậu.

2. Thành tựu vật thí (Deyyadhammasampatti), tức là có vật lễ bố thí tốt đẹp, vật thí ấy là nhu cầu thiết thực, có được do chánh mạng.

3. Thành tựu tâm lý (Cittasampatti), tức là có tâm bố thí thanh tịnh, đủ tam tư (hoan hỷ trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm).

UdA.199.

[95] Ba thiện hạnh (Sucarita), sở hành tốt, hành vi thiện:

1. Thân thiện hạnh (Kāyasucarita), sở hành tốt đẹp về thân, thân hành kiêng tránh sát sanh, trộm cắp, và tà dâm.

2. Khẩu thiện hạnh (Vacīsucarita), sở hành tốt đẹp về lời nói, khẩu hành kiêng tránh nói dối, nói độc ác, nói ly gián, nói vô ích.

3. Ý thiện hạnh (Manosucarita), sở hành tốt đẹp về ý, sự suy nghĩ hiền thiện, tư duy không tham ác, không sân ác, không tà kiến ác, tức là có chánh kiến.

Xem mười thiện nghiệp đạo [448, 459] .

D.III.220; A.I.229.

[96] Ba ác hạnh (Duccarita), sở hành xấu, hành vi bất thiện:

1. Thân ác hạnh (Kāyaduccarita), sở hành ác xấu về thân, thân làm ác như sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

2. Khẩu ác hạnh (Vacīduccarita), sở hành ác xấu về lời nói, miệng nói ác như nói dối, nói độc ác, nói ly gián, nói vô ích.

3. Ý ác hạnh (Manoduccarita), sở hành ác xấu về tư tưởng, ý suy nghĩ quấy như tham ác, sân ác, tà kiến.

Xem mười bất thiện nghiệp đạo [447].

D.III.214; Dhs. 1305.

[97] Ba thứ lửa (Aggi), lửa phiền não, lửa đốt nóng nội tâm:

1. Lửa tham (Rāgaggi), ái tham phiền não, sự vương vấn dục tình là lửa nóng đốt.

2. Lửa sân (Dosaggi), sân phiền não, sự giận hờn, thù oán là lửa nóng đốt.

3. Lửa si (Mohaggi), si phiền não, sự si mê thiếu hiểu là gốc phát sinh các ác bất thiện pháp ví như lửa.

Ba thứ lửa này là lửa phiền não cần phải dập tắt.

D.III 217; It.92.

[98] Ba thứ lửa (Aggi), thứ lửa phải quan tâm chăm nom (Pāricariyaggi):

1. Lửa đáng cung phụng (Āhuneyyaggi), ám chỉ cha và mẹ; cha mẹ đáng được con cái phụng dưỡng.

2. Lửa gia đình (Gahapataggi), ám chỉ những người quan hệ trong gia đình như vợ con, kẻ giúp việc ..ḷà những người cần được đối đãi tử tế, chu cấp.

3. Lửa đáng cúng dường (Dakkhiṇeyyaggi), ám chỉ các hạng Sa-môn, Bà-la-môn, các vị tu hành đáng cho người tín ngưỡng cúng dường.

D.III.217; A.IV.44.

[99] Ba sự lợi ích (Attha):

1. Sự lợi ích hiện tại, lợi ích ngay trong đời này (Diṭṭhadhammikattha).

2. Sự lợi ích tương lai, lợi ích trong đời sau (Samparāyikattha).

3. Sự lợi ích tối cao, lợi ích cùng tột (Paramattha), tức là níp-bàn giải thoát.

Nd2.26.

[100] Ba sự lợi ích (Attha):

1. Lợi ích cho mình, tự lợi (Attattha).

2. Lợi ích cho người khác, lợi tha (Parattha).

3. Lợi ích cho cả hai, mình và người khác, lợi song phương (Ubhayattha).

Nd2.26.

[101] Ba chuẩn mực (Adhipateyya), ba tiêu chuẩn để hành động, để thực thi:

1. Lấy mình làm chuẩn (Attādhipateyya). Nghĩa là hành động thực thi việc gì cũng dựa vào bản thân mà quyết đoán.

2. Lấy đời làm chuẩn (Lokādhipateyya). Nghĩa là giải quyết sự việc dựa vào mọi người, lấy ý kiến tập thể mà thực thi.

3. Lấy pháp làm chuẩn (Dhammādhipateyya), nghĩa là hành động dựa theo nguyên tắc luật lệ, y cứ vào pháp mà thi hành.

Trong sớ giải nói rằng, đối với người quyết đoán lấy mình làm chuẩn (Attādhipateyya), thì nên có chánh niệm và nghiêm khắc để hành động không sai lạc. Với người quyết đoán lấy đời làm chuẩn (Lokā-dhipateyya), thì phải có trí tuệ cân nhắc, không thiên vị, như thế mới hành động không sai lạc. Với người quyết đoán lấy pháp làm chuẩn (Dhammādhipateyya) thì nên dùng trí phán đoán so sánh và biết uyển chuyển.

Đối với người lãnh đạo, người cai trị thì nên lấy pháp làm chuẩn (Dhammādhipateyya).

D.III.220; A.I.147.

[102] Ba pháp vô thượng (Anuttariya):

1. Sự thấy vô thượng (Dassanānuttariya), tức là thấy bằng trí tuệ, thấy được tam tướng của danh sắc, giác ngộ chân lý.

2, Sự hành vô thượng, (Paṭipadānuttariya), tức là thực hành pháp cao quí, hành theo bát chánh đạo hay giới định tuệ.

3. Sự giải thoát vô thượng (Vimuttānuttariya), tức là sự giải thoát khỏi phiền não, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

D.III.219; M.I.235

[103] Ba pháp hành bất vạy (Apaṇṇakapaṭipadā); sự thực hành thẳng tiến, không cong quẹo; sự thực hành căn bản để tiến đạt đến giải thoát:

1. Thu thúc lục căn (Indriyasaṃvara), là sự phòng hộ sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) ngăn ngừa không cho tham ái ưu bi sanh khởi do duyên thấy, nghe v.v...

2. Tiết độ ẩm thực (Bhojane mattaññutā), là biết chừng mực khi ăn, quán tưởng nhờm gớm, không tham đắm vật thực.

3. Sống tỉnh thức (Jāgariyānuyogo), là sống chuyên cần nỗ lực, có chánh niệm tỉnh giác, ngày đêm nhiệt tâm tu tập trong thiện pháp.

A.I.113.

[104] Ba thắng hành (Abhisaṅkhāra), pháp hành tạo tác, pháp làm nhân tạo quả dị thục:

1. Phúc hành (Puññābhisaṅkhāra), hành vi thiện tạo quả tốt làm thành thức tục sinh cõi vui hữu sắc. Ở đây chi pháp là Tư tâm sở tương ưng thiện dục giới và sắc giới.

2. Phi phúc hành (Apuññābhisaṅkhāra), hành vi bất thiện tạo quả xấu làm thành thức tục sinh cõi khổ. Ở đây chi pháp là Tư tâm sở tương ưng tâm bất thiện.

3. Bất động hành (Āneñjābhisaṅkhāra), hành vi thiện vi tế tạo quả thức tục sinh cõi vô sắc. Ở đây chi pháp là tư tâm sở tương ưng thiện vô sắc.

Ba loại hành này là nghiệp luân quá khứ hình thành do duyên vô minh, là chi Hành (Saṅkhāra) trong y tương sinh (Paṭiccasamuppāda).

Ps.III.206; Vbh.135.

[105] Ba lậu hoặc (Āsava), lọai phiền não ngâm tẩm, làm cho chúng sanh thấm đọng cấu uế:

1. Dục lậu (Kāmāsava), tính ái tham cảnh dục sắc, thinh v.v...

2. Hữu lậu (Bhavāsava), tính ái tham cõi tái sanh, mong muốn sự hiện hữu của kiếp sống khác, cũng có nghĩa là tham luyến lạc thiền nhập.

3. Vô minh lậu (Avijjāsava), là tính si mê, lầm lạc, không biết pháp đáng biết.

Lậu hoặc (Āsava) thường nói đến bốn chi, có thêm tà kiến lậu (diṭṭhāsava), xem [105].

D.II.81; S.IV.256

[106] Ba nghiệp (Kamma), hành động tạo quả dị thục:

1. Thân nghiệp (Kāyakamma), hành động bằng thân, tư thiện hay bất thiện khiến thân hành động.

2. Khẩu nghiệp (Vacīkamma), hành động bằng lời nói, tư thiện hay bất thiện khiến miệng phát ngôn.

3. Ý nghiệp (Manokamma), hành động bằng ý, tư thiện hay bất thiện khiến tâm suy nghĩ.

M.I.373.

[107] Ba thiện xảo (Kosalla), sự khéo léo, sự thành thạo:

1. Tăng ích thiện xảo (Āyakosalla), là trí tác ý đến điều mà làm lớn mạnh thiện pháp và làm suy sụp ác pháp. Như vậy gọi là tăng ích thiện xảo, vì trí tuệ làm phát sanh lợi ích.

2. Tổn hại thiện xảo (Apāyakosalla), là trí tác ý đến điều mà làm lớn mạnh ác pháp và làm suy sụp thiện pháp. Như vậy gọi là tổn hại thiện xảo, vì trí tuệ ấy đem đến nguy hại.

3. Phương tiện thiện xảo (Upāyakosalla), là trí sắp đặt đường lối hành động để phát sinh hai trường hợp trên: tăng ích và tổn hại.

D.III.220; Vbh.325

[108] Ba loại trí (Ñāṇa), ba luân trong tứ thánh đế:

1. Sự thật trí (Saccañāṇa), trí nhận hiểu bốn sự thật, là nhận biết rằng: "Đây là khổ, đây là khổ tập; đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đạo lộ".

2. Sở dụng trí (Kiccañāṇa), trí nhận hiểu tính ứng dụng trong bốn đế, là biết rằng: "Khổ cần biến tri, khổ tập cần đoạn trừ, khổ diệt cần tác chứng"; khổ diệt đạo lộ cần tu tập".

3. Sở tác trí (Katañāṇa), trí rõ biết điều đã làm đối với bốn đế, tức là biết rõ: "Khổ đế cần biết đã biết, tập cần trừ đã trừ, diệt đế cần chứng đã chứng, đạo cần tu đã tu".

Ba trí này được gọi là ba luân (Parivaṭṭa) của sự giác ngộ bốn đế. Đức Thế Tôn đã giác ngộ tứ đế theo ba luân, mười hai thể (Ākāra). Sự giác ngộ ấy gọi là tri kiến như thật (Yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ), đối với bốn đế, và chính do tri kiến như thật ấy đã khởi nên Đức Phật đã xưng danh là Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammāsambuddho).

Vin.I.11Ṣ.V.422.

[109] Ba loại tuệ (Paññā):

1. Tuệ tư (Cintāmayapaññā), trí sáng suốt do suy nghĩ, do quán xét.

2. Tuệ văn (Sutamayapaññā), trí sáng suốt do người khác dạy, do học hỏi, do đàm luận.

3. Tuệ tu (Bhāvanāmayapaññā), trí sáng suốt do tuệ tu chứng ngộ.

Ba tuệ này, tuệ tư và tuệ văn là trí tương ưng tâm thiện dục giới, tuệ tu là trí tương ưng trong tâm thiền hiệp thế và tâm siêu thế.

D.III.219; Vbh.324.

[110] Ba chủ thuyết ngoại giáo (Titthāyatana):

1. Thuyết tiền định (Pubbekatahetuvāda hay Pubbekatavāda). Một số người chấp rằng: "Tất cả cảm thọ lạc, khổ của chúng sanh là do vận mệnh an bày sẵn".

2. Thuyết tạo hóa (Issarakaraṇavāda), cũng gọi là thuyết sáng tạo chủ. Một số người chủ trương rằng: "Mọi cảm thọ lạc, khổ của chúng sanh là do một đấng toàn năng tạo ra".

3. Thuyết vô nhân (Ahetuvāda), là thuyết chủ trương rằng: "Mọi hạnh phúc đau khổ là ngẫu nhiên phát sanh, không do nhân duyên gì cả".

Cả ba chủ thuyết này, Đức Phật phủ nhận cả, vì không đúng chân lý, không giúp cho tâm chuyên cần nỗ lực để tự chứng ngộ giải thoát.

A.I.173; Vbh.367.

[111] Ba tri kiến (Diṭṭhi) thuộc tà kiến:

1. Vô hành kiến (Akiriyādiṭṭhi), sự thấy sai lầm rằng: không có cái gọi là hành vi thiện ác để cho quả báo.

2. Vô nhân kiến (Ahetukadiṭṭhi), sự thấy sai lầm rằng: cảm thọ vui, khổ ở đây không phải do nhân thiện ác tạo ra, hay là cho rằng mọi sự kiện xảy ra là ngẫu nhiên.

3. Vô hữu kiến (Natthikadiṭṭhi), sự thấy sai lầm rằng: cha mẹ không có ân đức, không có thiện ác quả báo, không có luân hồi tái sinh, không có việc tu hành đắc đạo v.v...

M.I.404.

[112] Ba trạng thái khổ (Dukkhatā), khổ của pháp thực tính, tình trạng bất ổn của pháp hữu vi:

1. Khổ khổ (Dukkhadukkhatā), trạng thái khó chịu vì khổ thọ của thân và tâm, tức là thân đau đớn, tâm buồn bực... sự khổ này thông thường chúng sanh đều nhận biết được.

2. Hoại khổ (Vipariṇāmadukkhatā), sự bất ổn do mất mát thay đổi, như là tình trạng thọ lạc diệt mất tạo ra sự thất vọng.

3. Hành khổ (Saṅkhāradukkhatā), sự bất kham do tính cách sanh diệt của danh sắc hữu vi. Sự khổ này xuất phát từ trạng thái vô thường, sự khổ hiển nhiên của pháp hành. Chỉ có tuệ quán mới nhận thức được sự khổ này.

D.III.216; S.IV.259; S.V.56.

[113] Ba tạng kinh điển Phật giáo, tam tạng (Tipiṭaka):

1. Tạng Luật (Vinayapiṭaka), gồm các điều giới luật đã được Đức Phật chế định. Gồm 21.000 pháp môn.

2. Tạng Kinh (Suttantapiṭaka), gồm có bài pháp mà Đức Phật thuyết để dạy phương thức tu hành. Gồm 21.000 pháp môn.

3. Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka), gồm các luận thuyết phân tích nguyên lý của vạn pháp. Gồm 42.000 pháp môn.

Tam tạng giáo lý bằng tiếng Pāli (Phạn) gồm 45 quyển, cả thảy 84.000 pháp môn.

Giải về cách tính pháp môn (Dhammakkhandha), dựa theo bộ Saddhammasaṅgaha, do ngài đại trưởng lão Dhammakitti trình bày, như sau:

Pháp môn (Dhammakkhandha) là đoạn câu pháp liên kết nội dung.

Một đoạn kinh có một nội dung pháp, đó là một pháp môn, một đoạn kinh có nhiều nội dung pháp thì là nhiều pháp môn. Đối với các bài kệ ngôn thì một câu hỏi là một pháp môn, một câu đáp là một pháp môn.

Riêng về tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), mỗi điều chia chẻ trong tam đề hay nhị đề, hoặc mỗi điều chia chẻ phần tâm v.v... gọi là một pháp môn.

Tạng Luật (Vinaya), mỗi một điều luật, mỗi một sự việc phạm học giới, mỗi một thể thức phạm tội, mỗi một lý giải câu nói, mỗi một tội kể thêm, mỗi một điều không phạm tội, gọi là mỗi pháp môn.

Như vậy là cách tính 84.000 pháp môn.

Phân chi tiết như sau:

A- Tạng Luật (Vinaya) gồm 8 quyển, phân thành 5 bộ:

1. Bộ đại phân tích (Mahāvibhaṅga) hay bộ tỳ-kheo phân luật (Bhikkhuvibhaṅga), gồm 2 quyển. Bộ này giải chi tiết giới bổn Pāṭimokkha của tỳ-kheo.

2. Bộ tỳ-kheo ni phân luật (Bhikkhunīvibhaṅga), có 1 quyển. Bộ luật này giải rộng giới bổn của tỳ-kheo ni.

3. Bộ đại phẩm (Mahāvagga), gồm 2 quyển. Bộ này nói đến mười chương - Khandhaka, tăng sự thông thường như Bố tát (Uposatha), tự tứ (pavāraṇā) v.v...

4. Bộ tiểu phẩm (Cūlavagga), gồm 2 quyển. Bộ này nói đến mười hai chương tăng sự đặc biệt, như biệt trú tăng tàng (Saṅghādisesaparivāsa) v.v...

5. Bộ tạp sự (Parivāra), chỉ có 1 quyển. Bộ này thống kê toàn bộ nội dung giới luật của 4 bộ luật trên.

B- Tạng Kinh (Sutta), gồm 25 quyển, phân thành 5 bộ:

1. Trường bộ kinh (Dīghanikāya), có 3 quyển. Gồm 34 bài kinh dài.

2. Trung bộ kinh (Majjhimānikāya), có 3 quyển. Gồm 152 bài kinh trung bình.

3. Tương ưng bộ kinh (Saṃyuttanikāya), có 5 quyển. Gồm 7.762 bài kinh xếp theo 56 phẩm tương ưng, như là những đoạn kinh mà Đức Phật thuyết cho chư thiên nghe thì xếp thành phẩm tương ưng chư thiên v.v...

4. Tăng chi bộ kinh (Aṅguttaranikāya), có 5 quyển. Gồm 11 chương, 9557 bài kinh. Bộ này thống kê những bài kinh xếp theo nhóm pháp một chi, hai chi, ba chi v.v...

5. Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya), có 9 quyển, 15 tập. Quyển một là tập Tiểu tụng (Khuddakapāṭha). Quyển hai gồm bốn tập là Pháp cú (Dhammapada), Cảm thán ngôn (Udāna), Như thị thuyết (Itivuttaka), Kinh tập (Suttanipāta). Quyển ba gồm bốn tập là Thiên Cung sự (Vimānavatthu), Ngạ Quỉ sự (Petavatthu), Trưởng Lão Tăng kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni kệ (Therīgāthā). Quyển bốn và quyển năm là tập Bổn sanh (Jāṭaka). Quyển sáu và quyển bảy là tập Lịch sử (Niddesa). Quyển tám là tập Vô Ngại Giải (Paṭisambhidā). Quyển chín gồm ba tập Thinh Văn Sử (Apadāna), Phật Tông (Buddhavaṃsa), Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka). Tiểu Bộ Kinh gồm mười lăm tập như thế, mỗi tập có nội dung đặc thù riêng biệt.

C- Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), gồm 12 quyển, phân thành 7 bộ:

1. Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅginī), chỉ có một quyển. Bộ này trình bày các đầu đề pháp (Mātikā).

2. Bộ Phân tích (Vibhaṅga), chỉ có một quyển. Bộ này phân tích và giải thích 18 đề pháp quan trọng, đối chiếu theo hai hệ Kinh tạng và Vi Diệu Pháp.

3. Bộ Chất ngữ (Dhātukathā), chung một quyển với bộ Nhơn Chế Định, Bộ này thống kê các đề pháp xét theo Uẩn, Xứ, Giới, Đế.

4. Bộ Nhơn chế định (Puggalapaññatti), chung một quyển với bộ Chất ngữ. Bộ này trình bày sáu phần chế định, đặc biệt là giải thích, phân loại các hạng người.

5. Bộ Ngữ tông (Kathāvatthu), có một quyển. Bộ này trình bày các quan điểm dị biệt giữa những bộ phái Phật giáo trong thời kỳ sau Phật níp-bàn. Được hình thành vào kỳ kết tập lần thứ ba.

6. Bộ Song đối (Yamaka), có hai quyển. Bộ này lập luận mười vấn qua hình thức hỏi đáp ngược xuôi.

7. Bộ Vị trí (Paṭṭhāna, cũng gọi là Mahāka-raṇa), gồm 6 quyển. Bộ Vị trí là bộ Luận quan trọng nhất trong tạng Diệu Pháp, luận giải các đầu đề pháp (Mātikā) theo định lý duyên hệ (Paccaya).

Trước thời kỳ kết tập lần thứ ba, toàn bộ giáo lý tam tạng này chỉ gọi là Pháp và Luật (Dhammavi-naya). Tạng Kinh và tạng Vi Diệu Pháp gọi là PHÁP (Dhamma), Tạng Luật gọi là LUẬT (Vinaya).

Vin.V.86

[114] Ba y chỉ, ba chỗ nương (Tisaraṇa), đối tượng qui y của hàng cư sĩ:

1. Đức Phật (Buddha), vị đã tự giác ngộ, chân chánh, là bậc Đạo sư của trời, người.

2. Giáo Pháp (Dhamma), lời dạy của Đức Phật, Phật ngôn, kim chỉ nam để tu tập.

3. Tăng chúng (Saṅgha), chư tỳ-kheo đệ tử Phật, những vị thừa hành lời dạy của Đức Phật, là phước điền của chúng sanh.

Ba đối tượng y chỉ cao quí này còn được gọi là Tam Bảo (Ratanattaya). Xem [115].

Những ai có lòng tin niệm tưởng ân đức tam bảo, nương tam bảo làm hướng đạo như thế gọi là qui y tam bảo.

Kh.1.

[115] Ba ngôi báu, tam bảo (Ratanattaya):

1. Phật bảo (Buddharatana), Đức Phật như là báu vật vì đức hạnh cao quí của Ngài.

2. Pháp bảo (Dhammaratana), giáo pháp như là báu vật vì khả năng thiết thực và hướng thượng.

3. Tăng bảo (Saṅgharatana), tăng chúng đệ tử Phật như là báu vật vì sự thanh tịnh và uy lực.

Tam bảo là chỗ nương cao quí của chúng sanh, là đối tượng qui y của hàng cư sĩ.

Kh.1.

[116] Ba đạt tri (Pariññā), sự biến tri, sự liễu tri; sự hiểu biết thấu đáo:

1. Trí đạt tri (Ñātapariññā), là sự liễu tri do hiểu biết tướng riêng biệt của các pháp, như là biết rõ "Sắc có đặc tính bị bức não, Thọ có đặc tính bị tác động v.v..."

2. Thẩm đạt tri (Tīraṇapariññā), là sự liễu tri do thẩm sát tướng phổ thông của các pháp hữu vi, như là thẩm sát "Sắc là vô thường, thọ là vô thường v.v..."

3. Trừ đạt tri (Pahānapariññā), là sự liễu tri do đoạn trừ nghịch tưởng, điên đảo kiến, như đoạn trừ tưởng kiến thấy là thường do nhận thấy tướng vô thường v.v...

Ba sự đạt tri này là trí hiệp thế, có cảnh là năm uẩn, có phận sự là biến tri khổ đế, thuộc về Kiến tịnh, Đoạn nghi tịnh, Đạo phi đạo tri kiến và Hành lộ tri kiến tịnh.

Phân theo tuệ minh sát thì như sau:

Trí đạt tri là lãnh vực hai tuệ minh sát, tức tuệ xác định danh sắc và tuệ duyên đạt.

Thẩm đạt tri là lãnh vực hai tuệ minh sát, tức tuệ phổ cập tướng và tuệ tiến thoái.

Trừ đạt tri là lãnh vực 9 tuệ minh sát: tức tuệ diệt một, tuệ kinh úy, tuệ quá tội, tuệ phiền yểm, tuệ dục thoát, tuệ quyết ly, tuệ hành xả, tuệ thuận lưu và tuệ chuyển tộc.

Xem chín tuệ quán [438], mười sáu tuệ quán [484].

Nd1.53, Vism.606

[117] Ba sự tu tiến (Bhāvanā), sự tu tiến theo đề mục thiền hay nghiệp xứ:

1. Tu tiến sơ khởi (Parikammabhāvanā), tức là sự tu tiến bước đầu, bước chuẩn bị, như là ghi nhận các dạng hoàn tịnh (Kasina) chẳng hạn, là sự xác định sơ tướng (Parikammanimitta). Sự tu tập suy niệm về ân Đức Phật v.v... cũng nằm trong pháp tu tiến sơ khởi, vì bước đầu luyện tập tâm an trú.

2. Tu tiến cận hành (Upacārabhāvanā), tức là sự tu tiến thuần thục đến cận định, nghĩa là chú tâm theo một đề mục khắng khít cho đến khi sanh khởi Tợ tướng (Paṭibhāganimitta) đồng thời năm triền cái cũng lắng xuống. Cấp tu tiến này vẫn còn là định dục giới, nương theo cả 40 đề mục; cận hành tu tiến sẽ chấm dứt ở sát na diệt của tâm Chuyển tộc (Gotrabhū) trong lộ tâm đắc thiền.

3. Tu tiến an chỉ (Appanābhāvanā), tức là sự tu tiến đạt đến tâm thiền định (Jhāna), một trạng thái định kiên cố hay tâm đổng lực thiền sanh tiếp nối Gotrabhū. Định này sanh khởi do nương theo 30 đề mục trừ 10 tùy niệm. Định sơ thiền sanh khởi do 25 đề mục là 10 hoàn tịnh, 10 đề mục bất mỹ, từ, bi, hỷ, phạm trú, 1 thân hành niệm, 1 số tức quan. Định nhị thiền sanh khởi do 14 đề mục là 10 hoàn tịnh, từ, bi, hỷ, phạm trú, 1 số tức quan. Định tam thiền và định tứ thiền cũng như nhị thiền. Định ngũ thiền sanh khởi do 12 đề mục là 10 hoàn tịnh, 1 xả vô lượng tâm, 1 số tức quan. Định vô sắc thiền sanh khởi do 1 trong 4 đề mục vô sắc.

Comp. 203.

[118] Ba học pháp (Sikkhā), cũng thường gọi là tam học (Tisikkhā), pháp nền tảng tu tập để tăng tiến, để đạt đến níp-bàn:

1. Tăng thượng giới học (Adhisīlasikkhā), sự học tập trau giồi giới hạnh chân chánh, làm nền tảng tăng tiến tâm định.

2. Tăng thượng tâm học (Adhicittasikkhā), sự tu tập về tâm thiền kiên cố, làm nền tảng tăng tiến tuệ minh sát.

3. Tăng thượng tuệ học (Adhipaññāsikkhā), sự tu tập phát triển trí tuệ thẩm sát thực tướng danh sắc để đạt đến tri kiến thanh tịnh, giác ngộ giải thoát.

Ba học pháp này gọi tóm tắt là Giới, Định, Tuệ, tức là Tam học.

D.III.220; A.I.229.

[119] Ba diệu pháp, ba tinh hoa của chánh pháp (Saddhamma):

1. Pháp học (Pariyattidhamma), tức là những Phật ngôn cần phải học hiểu, gồm chín phần giáo lý hay tam tạng kinh điển.

2. Pháp hành (Paṭipattidhamma), tức là đường lối cần phải tu tập thực hành, như trì giới, thu thúc lục căn, thọ pháp đầu đà, tu tiến chỉ tịnh, tu tiến minh sát.

3. Pháp thành (Paṭivedhadhamma), tức là mục đích cần phải đạt đến, như thiền định, Đạo Quả. Điều này cũng gọi là Adhigamasaddhamma - pháp chứng đạt

Vin.A. 225; Ā.V. 33.

[120] Ba loại pháp thực tính (Dhamma):

1. Pháp thiện (Kusaladhamma), pháp có tính chất tốt đẹp, thành nhân lành cho quả vui, pháp có căn thiện tương ưng. Pháp thiện gồm 37 tâm thiện và 38 tâm sở phối hợp.

2. Pháp bất thiện (Akusaladhamma), pháp có tính chất xấu, uế nhiễm, là nhân cho quả khổ, pháp có căn bất thiện tương ưng. Pháp bất thiện gồm 12 tâm bất thiện và 27 tâm sở phối hợp.

3. Pháp vô ký (Abyākatadhamma), pháp có tính chất phi thiện phi bất thiện, pháp không thành nhân tạo quả. Gồm có pháp vô ký danh (Nāma abyākata) là 52 tâm quả, 20 tâm tố, cùng 38 tâm sở phối hợp và níp-bàn, có pháp vô ký sắc (Rūpa abyākata), tức là 28 sắc pháp.

Các chi pháp trong đây, xem thêm [496] [494] [488] [40]

Dhs. 91, 180, 234.

[121] Ba pháp cố định, ba định luật (Dhammaniyāma) cũng gọi là ba tướng phổ thông (Sāmaññalakkhaṇa):

1. Chư hành vô thường (Sabbe saṅkhārā aniccā), tức là mọi pháp hữu vi không thường hằng, luôn luôn biến đổi.

2. Chư hành khổ não (Sabbe saṅkhārā dukkhā), tức là mọi pháp hữu vi có tính bất ổn, khó chịu, không kham nổi vì trạng thái biến động.

3. Chư pháp vô ngã (Sabbe dhammā anattā), tức là mọi pháp thực tính dù là hữu vi hay vô vi cũng đều là phi ngã, không phải là bản ngã hiện hữu.

Ba pháp này là một qui luật hiển nhiên của vạn pháp, dù Đức Phật không xuất hiện, không tuyên bố, qui luật ấy vẫn chi phối các pháp ở đời.

A.I. 285.

[122] Ba ấn chứng thiền (Nimitta), dấu hiệu hay tướng sanh để xác định giai đoạn tu tiến nghiệp xứ:

1. Biến tác tướng (Parikammanimitta) cũng gọi là sơ tướng hay chuẩn bị tướng, tức là ấn chứng sơ khởi, tướng sanh ở giai đoạn đầu. Sau khi xác định đề mục nghiệp xứ như là hình dạng kasiṇa v.v... vị hành giả chú mục vào đó và ghi nhận rõ hình dạng đề mục. Sự kiện này gọi là Biến tác tướng. Tướng này áp dụng cho cả 40 đề mục.

2. Thủ trì tướng (Uggahanimita), cũng gọi là thô tướng, tức là ấn chứng do thuần thục nhập tâm vào đề mục, đây là tướng sanh ở giai đoạn hai. Nghĩa là khi chú mục vào mọi án xứ tu tập thì gọi là biến tác tướng, rồi khi nhắm mắt lại tác ý vẫn thấy rõ án xứ ấy, đây gọi là Thủ trì tướng. Thủ trì tướng sanh lên cũng với tất cả 40 đề mục.

3. Tương tợ tướng (Paṭibhāganimitta), cũng gọi là quang tướng. Tức là ấn chứng phát sanh từ Thủ trì tướng (thô tướng), tướng này làm sáng lên đề mục, ghi nhận đề mục một cách tinh khiết không thấy tỳ vết. Tương tợ tướng sẽ sanh khởi khi tâm đạt tới cận định. Tương tợ tướng chỉ sanh đối với 22 đề mục là 10 kasiṇa, 10 asubha, 1 thân hành niệm, và 1 niệm số tức quan.

Comp.203; Vism. 125.

[123] Ba sự đoạn trừ (Pahāna):

1. Trấn phục đoạn trừ (Vikkhambhanapahāna), tức là trừ phiền não bằng cách áp chế, đè nén. Nghĩa là sự áp chế phiền não bằng tâm thiền, khi hành giả nhập thiền thì trong suốt thời gian ấy phiền não không sanh.

2. Nhất thời đoạn trừ (Tadaṅgapahāna), tức là trừ phiền não bằng cách đối trị, thí dụ như đang khi tuệ phân tích danh sắc sanh khởi thì phiền não thân kiến được trừ khử ngay lúc ấy... Sự đoạn trừ này chỉ tạm thời khi sát na thiện đang có mặt.

3. Triệt tiêu đoạn trừ (Samucchedapahāna), tức là sự đoạn trừ phiền não bằng trí thánh đạo. Sự đoạn trừ này là tuyệt trừ phiền não không còn phát sanh nữa.

Xem thêm [305] năm pháp đoạn diệt.

Vism. 693.

[124] Ba pháp nghiệt chướng (Papañcadhamma); pháp chướng ngại khiến không thể nhập chân lý, pháp lệch hướng chánh đạo:

1. Ái tham (Taṇhā), sự tham muốn ái nhiễm danh lợi hay mong mỏi sự tái sanh.

2. Tà kiến (Diṭṭhi), sự cố chấp sai lầm, quan niệm tà thuyết; hiểu sai chân lý.

3. Ngã mạn (Māna), sự kiêu ngạo, tự đắc, tự cao, hoặc tự ti mặc cảm.

Trong A tỳ đàm bộ Vibhaṅga, nói đến ba pháp Papañca như sau: dục vọng (chanda), ngã mạn (māna), và tà kiến (micchādiṭṭhi) .

Nd1. 280 ; Vbh. 393; Nett.37-38.

[125] Ba bậc Dự lưu (Sotāpanna), ba hạng Thánh Tu-đà-huờn:

1. Nhất chủng sanh (Ekabījī), là bậc Dự lưu mà chỉ sanh lại cõi dục giới một lần nữa rồi đắc đến A-la-hán và viên tịch.

2. Lục chủng sanh (Kolaṅkola), là bậc Dự lưu mà còn sanh cõi dục từ hai đến sáu lần nữa mới đắc A-la-hán và viên tịch.

3. Thất chủng sanh (Sattakkhattuparama), là bậc Dự lưu mà phải sanh lại cõi dục cho đến bảy lần (mức định chót), mới đắc A-la-hán và viên tịch. Đây là hạng Dự lưu chậm nhất.

Sở dĩ được phân ra như vậy vì căn cứ vào pháp ngũ quyền (indriya) của vị Dự lưu mạnh, hay trung bình, hoặc yếu.

A.I.233; IV. 380; V.120; Pug.3,16,74.

[126] Ba Ân Đức Phật (Buddhaguṇa):

1. Tuệ đức (Paññāguṇa), Đức Phật có trí tuệ siêu phàm, trí tuệ của Ngài vượt trội chúng sanh trong tam giới.

2. Tịnh đức (Visuddhiguṇa), Đức Phật là bậc thanh tịnh tuyệt đối, sở hành thân khẩu ý của Ngài hoàn toàn không có khuyết điểm dù ở trước hội chúng hay lúc độc cư.

3. Bi đức (Karuṇāguṇa), lòng bi mẫn của Đức Phật đối với chúng sanh là vô lượng, dù những kẻ có tâm đối lập với Ngài, Ngài cũng bao dung tế độ.

Trong ba ân đức Phật, nói căn bản chỉ có hai là tuệ đức và bi đức; trong kinh điển ít khi nói đến Tịnh đức, vì sự thanh tịnh của Đức Phật phát xuất từ tuệ giác ngộ, nên chỉ nói tuệ đức là gồm cả tịnh đức.

Vism ṭīkā I.1.

[127] Ba Phật hạnh (Buddhacariyā):

1. Hạnh lợi ích cho đời (Lokatthacariyā). Đức Phật luôn có tâm đại bi với chúng sanh, những người hữu duyên với Ngài thì dù họ ở xa hay gần, giàu hay nghèo đều được Ngài tế độ cho giác gộ giải thoát, hay giúp cho họ thành tựu phước báu.

2. Hạnh lợi ích cho quyến thuộc (Ñātatthacariyā). Đức Phật luôn là bóng mát cho thân tộc, nhưng Ngài không phải giúp đỡ quyến thuộc bằng tài sản thế gian mà Ngài ban cho quyến thuộc pháp bất tử là đạo lộ níp-bàn.

3. Hạnh Phật sự (Buddhatthacariyā). Đức Phật mỗi ngày đều hành năm phận sự của chư Phật, trong suốt 45 năm hoằng pháp không bỏ sót ngày nào.

Ba công hạnh này ngay cả thời kỳ Ngài còn là vị Bồ tát (Bodhisatta) cũng thực hành, nhưng phải hiểu như sau:

Bồ tát hành lợi ích cho đời là Ngài luôn khuyến khích hướng dẫn hội chúng thực hành thiện pháp, đi theo con đường tốt.

Bồ tát hành lợi ích cho quyến thuộc là Ngài luôn làm chỗ nương an toàn cho quyến thuộc, che chở cho quyến thuộc.

Bồ tát hành lợi ích giác ngộ là Ngài tinh tấn tạo thiện pháp vì mục đích giác ngộ giải thoát cho bản thân.

Nd2.322; Ps.329; A.A.I.98; Dh.A.III.441.

[128] Ba cách thuyết pháp của Đức Phật (Buddhadhammadesanā):

1. Ngài thuyết pháp bằng sự kinh nghiệm thắng tri giác ngộ, (Abhiññāyadhammadesanā), không phải do học hỏi bắt chước.

2. Ngài thuyết pháp hợp nhân duyên (Sanidānadhammadesanā), tức là thuyết pháp khế cơ với thính chúng, có nguyên nhân, có người hữu duyên.

3. Ngài thuyết pháp có sự nhiệm mầu, (Sappaṭihāriyadhammadesanā), tức là thuyết pháp khế lý, có tính thuyết phục, luôn thành tựu lợi ích cho người nghe.

Trong ba cách thuyết pháp này, điều một là đặc tính nhất định trong pháp thoại của Đức Phật.

M.II.9; A.I.276.

[129] Ba huấn từ của chư Phật (Buddha-ovāda):

1. Không làm mọi điều ác (Sabbapāpassa akaraṇaṃ), là không hành động thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, như không sát sanh v.v...

2. Thực hiện các việc lành (Kusalass' ūpasam-padā), là tạo các thiện sự, như mười phước nghiệp sự: bố thí, trì giới v.v...

3. Thanh lọc nội tâm (Sacittapariyodapanaṃ), là tu tập nội tâm theo phương pháp thiền chỉ và thiền quán, thành tựu về đức tin, tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác v.v...

Ba điều giáo huấn này có trong bài kinh Ovādapaṭimokkha mà Đức Phật đã thuyết vào dịp đại hội thánh tăng gồm 1.250 vị A-la-hán, rằm tháng giêng (Māghapuṇṇamī).

D.II.49; Dhp.183

[130] Ba cửa tạo nghiệp (Dvāra):

1. Thân môn (Kāyadvāra), thân hành động là cửa tạo nghiệp, tức là ám chỉ thiện nghiệp hay ác nghiệp sanh khởi từ thân hành.

2. Khẩu môn (Vacīdvāra), khẩu hành động hay miệng nói là cửa tạo nghiệp, nghĩa là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp sanh từ khẩu hành.

3. Ý môn (Manodvāra), ý hành động hay tư tưởng là cửa tạo nghiệp, tức là thiện nghiệp, ác nghiệp đều sanh khởi từ ý hành.

Ba môn này nên hiểu theo nghĩa lý kinh tạng, không phải theo tạng Vi Diệu Pháp.

Dhp.234

[131] Ba loại thần thông (Pāṭihāriya):

1. Biến hóa thông thần (Iddhipāṭihariya), tức là thần thông về phép mầu biến hóa, thị hiện điều phi thường. Như Đức Phật hóa hiện thành hai vị Phật thuyết pháp vấn đáp, hoặc hiện song thông vừa có lửa vừa có nước... để nhiếp phục ngoại đạo.

2. Ký thuyết thần biến (Ādesanāpāṭihāriya), tức là thần thông tiên tri, tiên đoán trước những điều sẽ xảy ra, hay hiểu và nói ra đúng ý nghĩ của người khác. Như Đức Phật tiên tri thọ ký cho các nhân vật sẽ thành tựu hạnh nguyện trong tương lai, hoặc Ngài nói ra tư tưởng người đối diện đang suy nghĩ gì khiến họ qui phục...

3. Giáo hóa thần thông (Anusāsanīpāṭihāriya), tức là uy lực nhiếp chúng bằng sự thuyết pháp dạy dỗ. Đức Phật đã chỉ dạy điều tốt đẹp khiến chúng sanh qui ngưỡng.

Trong ba loại thần thông này, Đức Phật chỉ đặt trọng tâm và tán thán loại "Giáo hóa thần thông", Ngài đề cao đó là thần thông nhiếp chúng, thù thắng nhất và hữu hiệu nhất.

D.I.211; A.I.170; Ps.II.227.

[132] Ba luân trong duyên sinh (Vaṭṭa), vòng xoay, pháp luân hồi:

1. Phiền não luân (Kilesavaṭṭa). Trong duyên sinh có ba chi phần thuộc phiền não luân hồi là vô minh, ái và thủ.

2. Nghiệp luân (Kammavaṭṭa). Trong duyên sinh có hai chi phần thuộc nghiệp luân hồi là hành và hữu (nghiệp hữu).

3. Quả luân (Vipākavaṭṭa). Trong duyên sinh có bảy chi phần thuộc quả luân hồi là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và lão tử.

Ba luân duyên sinh này mãi mãi xoay vòng, tương quan phát sinh. Phiền não trợ duyên cho nghiệp, nghiệp trợ sanh quả, quả thành môi trường sanh phiền não. Thí dụ: Vô minh (phiền não) duyên Hành (nghiệp), Hành duyên Thức (quả) v.v... Thọ (quả) duyên Ái (phiền não), Thủ (phiền não) duyên Hữu (nghiệp), Hữu duyên Sanh (quả) v.v...

Nói tóm lại, quả luân hồi có mặt do nghiệp, nghiệp luân hồi có mặt do phiền não, phiền não sanh khởi do kiếp sống quả luân hồi. Cứ như thế mãi cho đến khi nào đoạn diệt phiền não thì chấm dứt nghiệp, không tạo nghiệp thì không có quả. Sự phá vỡ bánh xe luân hồi là vậy.

Vism.581

[133] Ba pháp chướng ngại (Kiñcana):

1. Tham chướng (Lobhakiñcana), phiền não ái luyến là pháp chướng ngại tinh thần.

2. Sân chướng (Dosakiñcana), phiền não sân hận là pháp chướng ngại tinh thần.

3. Si chướng (Mohakiñcana), phiền não si mê là pháp chướng ngại tinh thần.

Vbh.368, D.III.217, M.I.298, S.IV.297.

[134] Ba thế giới (Loka):

1. Hữu vi thế giới (Saṅkhāraloka), tức là tất cả sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, là pháp bị duyên tạo thành.

2. Chúng sanh thế giới (Sattaloka), là tất cả loài hữu tình noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh.

3. Không gian thế giới (Okāsaloka), là giới hạn phạm vi của cõi sống, phạm vi vận hành của thái dương hệ, của các hành tinh, hay địa phận quốc độ v.v…

Vism.204; D.A.I.173; M.A.I.397.

[135] Ba thế giới hữu tình (Loka), thế giới chúng sanh an lạc:

1. Nhân loại thế giới (Manussaloka), là thế giới của loài người.

2. Chư thiên thế giới (Devaloka), là thế giới của các vị trời cõi dục.

3. Phạm thiên thế giới (Brahmaloka), là thế giới của các vị phạm thiên cõi sắc và vô sắc.

Ba thế giới này chỉ nói đến phạm vi chúng sanh hữu phước, không nói đến các loại người khổ như địa ngục, ngạ quỉ v.v...

D.A.I.173; M.A.I. 397

[136] Ba thế giới không gian (Okāsaloka), ba cõi sống của chúng sanh:

1. Cõi dục giới (Kāmaloka), gồm 11 cõi là 4 cõi khổ và 7 cõi vui dục.

2. Cõi sắc giới (Rūpaloka), gồm 16 cõi phạm thiên hữu sắc.

3. Cõi vô sắc giới (Arūpaloka), gồm 4 cõi phạm thiên vô sắc.

Ba thế giới này có chỗ gọi là ba hữu (Bhava). xem [89] .

D.III.215;M.I.294

[137] Ba ước lệ bậc chân nhân (Sappuri-sapaññatti), hạnh kiểm mà bậc chân nhân tán thành:

1. Bố thí (Dāna), là sự xả tài giúp đỡ kẻ khác.

2. Xuất gia (Pabbajjā), là sự thoát ly điều bận rộn phiền não, thọ trì pháp không não hại, sống chế ngự, điều phục và hòa hợp.

3. Phụng dưỡng mẹ cha (Mātāpitu-upaṭṭhāna), là sự hiếu đạo đáp ân sanh thành; cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ khiến cha mẹ sống an lạc.

A.I.151

[138] Ba sự tri túc (Santosa), sự bằng lòng với những gì đã có, sự biết đủ trong bốn món vật dụng:

1. Tri túc với thứ có được (Yathālābhasantosa), tức là bằng lòng với những vật đã phát sanh có được, không đòi hỏi thêm nữa.

2. Tri túc theo sức mình (Yathābalasantosa) tức là chỉ thọ dụng vừa đủ với khả năng của mình hấp thụ, hoặc cất giữ, ở đây gọi là biết tiết độ.

3. Tri túc theo sự thích hợp (Yathāsāruppa-santosa), tức là chỉ chấp nhận những gì phù hợp với cương vị của mình, phù hợp với giới luật, phù hợp với pháp luật.

Ba sự tri túc này chỉ có trong chú giải Atthakathāṭīkā, do các vị A-xà-lê trình bày.

Nếu nói rộng thì có đến 12 sự tri túc, tức là ba sự tri túc với bốn món vật dụng nên thành 12 sự.

Ā.I.45; KHA.145; UDA. 229 v.v ..

[139] Ba thiên sứ (Devadūta), sứ giả của trời, hiện tượng báo tin:

1. Sự già (Jiṇṇa)

2. Sự bệnh (Byādhita)

3. Sự chết (Mata).

A I. 138.

Các thiên sứ này là điềm báo nguy hiểm của đời sống, là tín hiệu đánh thức bậc trí tuệ thức tỉnh tu hành. Có chỗ trong kinh Đức Phật dạy có 4 thiên sứ, hoặc 5 thiên sứ. Xem [308].

[140] Ba hạng chư thiên (Deva):

1. Chư thiên định danh (Sammatideva), là chư thiên định đặt danh xưng, ám chỉ các vị vua chúa, như vua được gọi thiên tử v.v...

2. Chư thiên hóa sanh (Upapattideva), là chỉ cho các vị trời, những chúng sanh do nhờ phước lớn mà sanh trong các cõi an lạc hơn cõi nhân loại.

3. Chư thiên thanh tịnh (Visuddhideva), là chỉ cho bậc A-la-hán Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác, là những bậc thanh cao, sống an lạc không phiền lụy như chư thiên.

Nd2 307; Kh A.123.

[141] Ba hạng con (Putta):

1. Con hơn cha mẹ (Atijātaputta), tức là hạng con giỏi hơn cha mẹ về tài năng, tốt hơn về đức hạnh. Cũng gọi là abhijātaputta.

2. Con bằng cha mẹ (Anujātaputta), tức là hạng con có tài đức ngang bằng cha mẹ.

3. Con thua cha mẹ (Avajātaputta), tức là hạng con kém hơn cha mẹ về tài đức.

It.62

[142] Ba phước nghiệp sự, ba việc tạo phước (Puññakiriyāvatthu):

1. Bố thí thành (Dānamaya) bằng cách bố thí tạo ra phước vật chất.

2. Trì giới thành (Sīlamaya) bằng cách giữ giới tạo ra phước đức.

3. Tu tiến thành (Bhāvanāmaya) bằng cách tu tập tâm theo pháp thiền định mà tạo ra phước trí.

Phước nghiệp sự giải theo chánh tạng có ba điều như thế nhưng giải theo tập sớ thì có được mười điều. Xem [469] mười phước nghiệp sự.

D.III.218; A.IV.239; It.51

[143] Ba sự phân phối tài sản hợp lý (Bhogavibhāga):

1. Một phần để chi dụng (Ekena bhoge bhuñjeyya), tức là một phần tư tài sản dùng để nuôi sống bản thân, nuôi gia đình và giúp đỡ quyến thuộc.

2. Hai phần để thực hiện cuộc sống (Dvīhi kammaṃ payojage), tức là dùng hai phần tư tài sản để làm vốn đầu tư mua bán hoặc kinh doanh nghề nghiệp.

3. Một phần dùng để dự phòng (Catutthañca nidhāpeyya), tức là một phần tư tài sản còn lại cất giữ để phòng hữu sự, hoặc để làm các công đức.

D.III.188.

[144] Ba pháp thương nhân (Pāpaṇikadhammā):

1. Có mắt (Cakkhumā), nghĩa là người buôn bán phải có cái nhìn tinh tế, biết xem hàng hóa tốt xấu, biết mặt hàng tiêu thụ nhanh chậm trên thị trường.

2. Quán xuyến (Vidhūro), nghĩa là người buôn bán phải rành cách mua bán vào ra, biết rõ nhu cầu của thị trường, nắm vững những biến động kinh tế để kịp thời đối phó.

3. Được tín nhiệm (Nissayasampanno), nghĩa là người buôn bán phải có uy tín với khách hàng, phải được sự tín nhiệm và sự ủng hộ của người có thế lực.

Người buôn bán phải có đủ ba chi phần này nhất định sẽ thành đạt trong việc thương mãi.

Đức Phật thí dụ ba chi phần này với ba chi phần giúp vị tỳ-kheo tu tập thành đạt:

a) Tỳ-kheo có mắt (Cakkhumā), tức là phải có trí tuệ thấy rõ bốn thánh đế.

b) Tỳ-kheo quán xuyến (Vidhūro), tức là phải chuyên cần tinh tấn, bất thối trong thiện pháp.

c) Tỳ-kheo được tín nhiệm (Nissayasampanno), tức là phải có uy tín về khả năng hướng dẫn pháp luật, được các bạn đồng phạm hạnh y chỉ để nhờ chỉ dạy giải nghĩa những nghi vấn liên quan giáo lý.

A.I.116.

[145] Ba sự kiêng tránh, sự ngăn chặn điều ác (Virati):

1. Kiêng tránh do đối đầu (Sampattavirati), tức là do hoàn cảnh không thể làm ác; hoặc khi gặp cảnh ngộ bèn suy xét đến danh dự bản thân hay danh tự gia tộc mà không làm điều quấy. Sự kiêng tránh này không phải trì giới hạnh, vì không có tác ý trước.

2. Kiêng tránh do tuân thủ (Samādānavirati), tức là do thọ trì giới luật, mà ngăn chận điều ác, sự kiêng tránh có tác ý trước.

3. Kiêng tránh do đoạn trừ (Samucchedavirati), cũng gọi là sự kiêng tránh do nhổ bỏ (Setughātavi-rati), tức sự ngăn trừ ác hạnh của bậc đã chứng thánh đạo, các vị ấy đã đoạn tuyệt điều ác, nhổ bứng gốc phiền não nên không còn làm điều ác nữa.

Hai điều kiêng tránh 1và 2 là sự kiêng trừ không chắc chắn, chỉ có điều thứ ba là sự kiêng tránh chắc chắn.

DA.I.305; KhA.142; Dhs A.103.

[146] Ba sự viễn ly (Viveka), sự tách lìa, sự độc cư:

1. Thân viễn ly (Kāyaviveka), tức là sự tách biệt hội chúng, sống xa lìa sự ồn ào, sống ở nơi vắng vẻ, sống đơn độc.

2. Tâm viễn ly (Cittaviveka), tức là tâm vắng lặng, tâm lìa khỏi triền cái, tâm ly khai phiền não. Tâm thiền chứng và tâm thánh đạo, thánh quả được gọi là tâm viễn ly.

3. Sanh y viễn ly (Upadhiviveka), tức là sự tách ra khỏi sanh hữu, đoạn trừ tái sanh. Sanh y viễn ly là trạng thái níp-bàn.

Nd1. 26,140,157,314.

[147] Ba lý do để nhiệt tâm (Ātappakaraṇīyaṭhāna):

1. Cần nhiệt tâm để làm không sanh pháp bất thiện (Akusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya ātap-paṃ karaṇīyaṃ).

2. Cần nhiệt tâm để làm cho sanh các thiện pháp (Kusalānaṃ dhammānaṃ uppādāya ātappaṃ karaṇīyaṃ).

3. Cần nhiệt tâm để chịu đựng các khổ thọ (Vedanānaṃ dukkhānaṃ adhivasanāya ātappaṃ ka-raṇīyaṃ).

A.I.153

[148] Ba yếu tố thiết thực để tạo phước thí (Puññasammukhībhāva):

1. Có mặt niềm tin (Saddhāya sammukhī bhāvā), tức là khi đang xuất hiện đối tượng thí, người ấy phải có niềm tin như lý nghiệp báo, tịnh tín tam bảo v.v... như vậy mới sẵn sàng để tạo phước cúng dường.

2. Có sẵn vật thí (Deyyadhammassa sammukhī bhāvā), tức là lúc muốn làm phước thí phải có trong tay vật để bố thí cúng dường như thức ăn, thứ uống y phục v.v... như vậy mới thực hiện việc bố thí được.

3. Có hiện diện đối tượng thí (Dakkhiṇeyyānaṃ sammukhī bhāvā), tức là lúc bố thí phải có người thọ thí. Ở đây khi nói đến công đức cúng dường thì đối tượng thí nên hiểu là bậc đáng cúng dường: như có vị tỳ-kheo, hay tăng chúng, hay bậc thánh nhân v.v... như thế mới thành tựu phước thí được.

A.I.150

[149] Ba dấu hiệu người ngu (Bālanimitta):

1. Suy nghĩ với tư tưởng xấu (Duccintitacintī hoti).

2. Nói lời nói xấu (Dubbhāsitabhāsī hoti).

3. Làm việc làm xấu (Dukkatakammakārī hoti).

M.III. Bālapaṇḍita sutta,163.

[150] Ba dấu hiệu người trí (Paṇḍitani-mitta):

1. Suy nghĩ với tư tưởng thiện (Sucintitacintī hoti).

2. Nói lời nóithiện (Subhāsitabhāsī hoti).

3. Làm việc làm thiện (Sukatakammakārī hoti).

M.III.Bālapaṇḍitasutta,170.

[151] Ba sự kiện biết người có lòng tin (Saddhaṭhāna):

1. Muốn gặp bậc giới hạnh (Sīlavantānaṃ das-sanakāmo hoti).

2. Muốn nghe chánh pháp (Saddhammaṃ sotu- kāmo hoti).

3. Vui thích phân chia bố thí (Dānasaṃvibhāga-rato hoti).

A.I.150

[152] Ba danh hiệu gọi cha mẹ (Mātāpitu-adhivacanaṃ):

1. Danh hiệu Phạm thiên (Brahmā'ti adhivacanaṃ), vì cha mẹ luôn luôn có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả với con cái như vị trời Phạm thiên có 4 vô lượng tâm.

2. Danh hiệu Tiên sư (Pubbācariyā'ti adhivacanaṃ), vì cha mẹ là người dạy dỗ con cái trước tiên trong cuộc đời của chúng.

3. Danh hiệu bậc Ưng cúng (Āhuneyyā'ti adhivacanaṃ), vì cha mẹ có công sanh thành, rất xứng đáng được con cái cúng dường phụng dưỡng.

A.I.132

[153] Ba sự kiêu mạn (Mada):

1. Kiêu mạn tuổi trẻ (Yobbanamado)

2. Kiêu mạn sức khỏe, vô bệnh (Ārogyamado).

3. Kiêu mạn sự sống (Jīvitamado).

Do kiêu mạn như vậy nên chúng sanh không biết thức tỉnh tu tập, chỉ làm điều ác hạnh.

A.I.146

[154] Ba loại tịnh chỉ (Samatha), pháp vắng lặng, diệt tắt:

1. Tâm tịnh chỉ (Cittasamatha), là trạng thái vắng lặng của tâm, trạng thái tâm thiền định, vì tịnh chỉ năm triền cái, hoặc đây là sự an trú trong bát định (Samāpatti). Xem [417] tám thiền nhập.

2. Tranh sự tịnh chỉ (Adhikaraṇasamatha), là sự diệt tắt các vụ tố tụng, có 7 pháp tịnh chỉ tranh sự. Xem [395] bảy pháp diệt tranh.

3. Chư hành tịnh chỉ (Sabbasaṅkhārasamatha), là sự vắng lặng pháp hữu vi, làm cho đoạn diệt ngũ uẩn không còn sanh khởi nữa. Đây chỉ cho níp-bàn.

Atthasalinī.

[155] Ba cảnh cận tử (Āsannārammaṇa), đối tượng tiềm thức khởi lên lúc gần chết:

1. Cảnh nghiệp (Kammārammaṇa), là gần lâm chung trạng lại cảnh hành động mà bình sinh người ấy quen làm.

2. Cảnh nghiệp tướng (Kammanimittāramma-ṇa), là gần lâm chung có thể hiện lên cảnh tượng đồ vật liên quan đến hành vi đã làm. Như thợ săn thấy cung tên, người Phật tử thấy tượng Phật, nhang đèn v.v...

3. Cảnh thú tướng (Gatinimittārammaṇa), là gần lâm chung có thể bị ám ảnh bởi cảnh tượng liên quan cõi tái sanh. Như người ác sẽ thấy lửa địa ngục, người thiện thấy đền đài thiên cung v.v...

Comp.397

[156] Ba sự tầm cầu (Esanā), sự tìm kiếm:

1. Dục cầu (Kāmesanā), tức là sự tìm kiếm năm món dục lạc để hưởng thụ.

2. Hữu cầu (Bhavesanā), tức là sự mong tìm cảnh giới tái sanh.

3. Phạm hạnh cầu (Brahmacariyesanā), tức là sự mong mỏi giải thoát, tầm cầu níp-bàn.

D.III.277;Vbh.936.

[157] Ba gánh nặng (Bhāra):

1. Gánh nặng ngũ uẩn (Khandhabhāra), gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức là quả luân hồi hằng bị áp bức bởi vô thường, khổ não và vô ngã, nên được xem là gánh nặng.

2. Gánh nặng phiền não (Kilesabhāra), gồm tất cả phiền não, nhất là phiền não luân hồi trong duyên sinh: vô minh, ái, thủ. Là yếu tố dẫn đi luân hồi, tạo ra sự phiền toái, nên được xem là gánh nặng.

3. Gánh nặng thắng hành (Abhisaṅkhārabhāra), là phúc hành, phi phúc hành và bất động hành, thuộc nghiệp luân hồi, là pháp tạo ra quả luân hồi, nên được xem là gánh nặng.

Ps. Mahāvigūhasuttaniddesa.

[158] Ba loại dục (Chanda), sự mong muốn, sự ước mong:

1. Ái dục (Taṇhāchanda), tức là sự mong muốn dính mắc, sự mong muốn thuộc về tham ái.

2. Pháp dục (Dhammachanda), tức là sự mong muốn thuộc thiện pháp, sự mong mỏi làm điều lành, mong mỏng việc tu tập.

3. Tác dục (Kattukamyatāchanda), tức là sự mong muốn thuộc duy tác, sự muốn không thiện, không bất thiện, như vị A-la-hán muốn đi, muốn đứng, muốn nằm, muốn ngồi, muốn thuyết pháp v.v...

Comp. 112.

[159] Ba nghiệp uy lực (Mahiddhikakamma)

1. Bố thí (Dāna), là một nghiệp công đức tạo ra quả có uy lực lớn.

2. Điều phục (Dama), là một nghiệp công đức tạo ra quả có uy lực lớn.

3. Chế ngự (Saññama), là một nghiệp công đức tạo ra quả có uy lực lớn.

IT.14.

[160] Ba sự kiện khuất lấp (Paṭicchanna):

1. Nữ nhân (Mātugāmo). Người nữ thường có cử chỉ kín đáo, lời nói kín đáo, không lộ liễu như người nam.

2. Chú thuật của Bà-la-môn (Bramaṇamantā). Bùa chú thường là huyễn hoặc, bí mật, không được giải thích làm sáng tỏ.

3. Tà kiến (Micchādiṭṭhi). Tà kiến là sự chấp sai phi lý, không căn cứ, không thể luận giải trình bày để làm minh bạch.

A.I.282

[161] Ba đức tính người bạn đáng thân cận (Sevitabbamitta):

1. Cho vật khó cho (Duddadaṃ dadāti), tức là bố thí cao thượng.

2. Làm điều khó làm (Dukkharaṃ karoti), tức là làm được điều cao quí mà khó ai làm được.

3. Nhẫn việc khó nhẫn (Dukkhamaṃ khamati), tức là có nghị lực chịu đựng nghịch cảnh mà khó ai chịu đựng được.

A.I.286

[162] Ba hành lộ (Paṭipadā), con đường đi, đường lối thực hành:

1. Thâm cố đạo lộ (Āgāḷhā paṭipadā), là con đường trụy lạc, sống lợi dưỡng, sống đắm say trong dục lạc.

2. Kịch khổ đạo lộ (Nijjhamā paṭipadā), là con đường khắc khổ, sống khổ hạnh, hành khổ thân thể.

3. Trung đạo lộ (Majjhimā paṭipadā), là con đường giữa, không cực đoan, tức là thực hành tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

A.I.295.296

[163] Ba hạnh viễn ly trong pháp luật này (Dhammaviyanapaviveka):

1. Viễn ly ác giới (Dussīlena vivitto hoti), là có giới hạnh, từ bỏ ác giới.

2. Viễn ly tà kiến (Micchādiṭṭhiyā vivitto hoti), là có chánh kiến, từ bỏ tà kiến.

3. Viễn ly lậu hoặc (Āsavehi vivitto hoti), là đoạn tận các lậu hoặc, thoát khỏi các lậu hoặc.

A.I. 242

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục |
Một Pháp: 1-10 | Hai Pháp: 11-71 | Ba Pháp: 72-163 | Bốn Pháp: 164-259 | Năm Pháp: 260-337 |
Sáu Pháp: 338-369 | Bảy Pháp: 370-398 | Tám Pháp: 399-423 | Chín Pháp: 424-442 | Mười Pháp: 443-476 |
Trên Mười Pháp: 477-497

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác Giới và Tỳ khưu Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2002, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005

Kho Tang Phap Hoc - Ty kheo Giac Gioi
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

KHO TÀNG PHÁP HỌC

Tỳ Khưu Giác Giới
biên soạn

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG PHÁP BA CHI

[72] Ba pháp đa tác dụng (Bahukārā dhammā).

Đây là ba pháp tiến hóa (Vuḍḍhi), cũng gọi là ba pháp tăng trưởng tuệ (Paññāvuḍḍhi):

1. Thân cận bậc chân nhân (Sappurisasaṃse-va), thường gần gũi giao tiếp với các bậc thiện trí thức.

2. Nghe diệu pháp (Saddhammassavana), là được nghe chánh pháp, được học hỏi chánh pháp.

3. Thực hành pháp tuần tự và thuần thục (Dhammānudhammapaṭipatti), là nhiệt tâm hành pháp tùy theo trình độ và thực hành thường xuyên.

A.II.245; D.III. 275.

[73] Ba pháp cần tu tập (Bhāvetabbā dhammā).

Đây là ba pháp định (Samādhi):

1. Định hữu tầm hữu tứ (Savitakkasavicāro samādhi), là một trạng thái định thiền có tầm có tứ. Tức là Định trong sơ thiền.

2. Định vô tầm hữu tứ (Avitakkavicāramatto samādhi), là một trạng thái định thiền không còn tầm nhưng có tứ. Tức là Định trong nhị thiền.

3. Định vô tầm vô tứ (Avitakkāvicāro samādhi), là một trạng thái định thiền không tầm cũng không tứ. Tức là Định trong tam thiền trở lên.

D.III.275. Dasuttarasutta

[74] Ba pháp cần biến tri (Pariññeyyā dhammā).

Đây chỉ cho ba cảm thọ (Vedanā):

1. Thọ lạc (Sukhavedanā), sự cảm thọ dễ chịu thoải mái của thân và tâm. Tức là thân lạc và tâm hỷ.

2. Thọ khổ (Dukkhavedanā), sự cảm thọ khó chịu bức xúc của thân và tâm. Tức là thân khổ và tâm ưu.

3. Thọ phi khổ phi lạc (Adukkhamasukhaveda-nā), sự cảm thọ không khổ không lạc, cảm giác không vui, buồn, sướng, khổ. Tức là thọ xả.

D.III.216, 275; S.IV.331

[75] Ba pháp cần đoạn trừ (Pahātabbā dhammā).

Ở đây chỉ cho ba ái (Taṇhā):

1. Dục ái (Kāmataṇhā), sự khát vọng, mong muốn hưởng ngũ dục lạc; sự tham ái duyên theo cảnh sắc, thinh, hương, vị và xúc.

2. Hữu ái (Bhavataṇhā), sự khát vọng, mong muốn cõi tái sanh; sự ái luyến thiền lạc; và sự tham ái có liên hệ với hữu kiến hoặc thường kiến (Sassa-tadiṭṭhi).

3. Phi hữu ái (Vibhavataṇhā), sự khát vọng, ái tham có liên hệ đến tà kiến đoạn diệt, tức là ái vô hữu kiến hoặc đoạn kiến (Ucchedadiṭṭhi) .

D.III. Dasuttarasutta; A.III.445;Vbh.365

[76] Ba pháp thuộc phần hạ liệt (Hāna-bhāgiyadhamma).

Đây là ba bất thiện căn (Akusalamūla):

1. Tham bất thiện căn (Lobha akusalamūlaṃ), gốc tham ái tạo ra tâm tham muốn nhiễm đắm...

2. Sân bất thiện căn (Doso akusalamūlaṃ), gốc sân hận tạo ra tâm sân giận, thù oán...

3. Si bất thiện căn (Moho akusalamūlaṃ), gốc si mê tạo ra tất cả tâm bất thiện; đây là vô minh, là giềng mối của ác bất thiện pháp.

D.III.275,It.45.

[77] Ba pháp thuộc phần thù thắng (Visesabhāgiyā dhammā).

Đây là ba thiện căn (Kusalamūlā):

1. Vô tham thiện căn (Alobho kusalamūlaṃ). Sự không tham luyến là gốc tạo ra tâm thiện, tâm tịnh hảo.

2. Vô sân thiện căn (Adoso kusalamūlaṃ). Sự không nóng bức là gốc tạo ra tâm thiện, tâm tịnh hảo.

3. Vô si thiện căn (Amoho kusalamūlaṃ). Sự hiểu biết, sự sáng suốt là gốc tạo ra các tâm thiện tương ưng trí, tâm tịnh hảo hợp trí.

D.III.275.It.45

[78] Ba pháp khó thể nhập (Duppaṭivijjhā dhammā).

Đây là ba xuất ly giới (Nissāraṇīyadhātu):

1. Sự xuất ly các dục (Kāmānaṃ nissaraṇaṃ), là pháp ly tham dục, là định trong thiền sắc giới, vì câu nói sơ thiền là định sanh do ly dục ly bất thiện pháp, nhưng theo chú giải nói sự xuất ly các dục một cách tuyệt đối phải là A-na-hàm đạo (Anāgāmimaggo), vì thánh đạo này dứt tuyệt dục ái (Kāmarāga).

2. Sự xuất ly các sắc (Rūpānaṃ nissaraṇaṃ), là pháp ly tất cả sắc ái, sắc tưởng, là chỉ cho thiền vô sắc, nhưng theo chú giải nói sự xuất ly các sắc một cách tuyệt đối đó là A-la-hán đạo (Arahattamaggo), vì thánh đạo này tuyệt trừ sắc ái (rūparāga) v.v...

3. Sự xuất ly hành (Saṅkhatassa nissaraṇaṃ), là pháp lìa sự hiện khởi của pháp hữu vi. Theo chú giải nói sự xuất ly hành là pháp đoạn diệt (nirodha) mọi duyên khởi pháp hữu vi, tức là Níp-bàn, cũng ám chỉ đó là A-la-hán quả (Arahattaphala), vì khi thánh quả này khởi lên thì níp-bàn hiển lộ.

D.III.257; D.A & Tīkā.

[79] Ba pháp cần sanh khởi (Uppādetabbā dhammā).

Đây nói đến ba loại trí (Ñāṇa):

1. Trí phần quá khứ (Atītaṃsañānaṃ), là trí biết cảnh thuộc quá khứ, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới đã sanh khởi, đã diệt rồi.

2. Trí phần vị lai (Anāgataṃsañānaṃ), là trí biết cảnh thuộc vị lai, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới sẽ sanh khởi.

3. Trí phần hiện tại (Paccuppannaṃsañāṇaṃ), là trí biết cảnh thuộc hiện tại, tức là trí diễn tiến dựa trên Uẩn, Xứ, Giới đang sanh khởi.

D.III.27; .A & Tīkā.

[80] Ba pháp cần thắng tri (Abhiññeyyā dhammā).

Đây nói đến ba loại giới hay bản chất (dhātu):

1. Dục giới (Kāmadhātu), là ngũ uẩn trong các cõi dục.

2. Sắc giới (Rūpadhātu), là ngũ uẩn trong các cõi sắc.

3. Vô sắc giới (Arūpadhātu), là bốn danh uẩn trong các cõi vô sắc

D.III.275

[81] Ba pháp cần tác chứng (Sacchikātab-bā dhammā).

Đây nói đến ba minh (Vijjā):

1. Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa), là trí thông nhớ được các đời sống quá khứ của mình.

2. Sanh tử minh (Cutūpapātañāṇa), là trí thông biết rõ sự sanh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Minh này có tên gọi khác nữa là Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuñāṇa).

3. Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa), là trí thông đoạn trừ các lậu hoặc, đắc chứng lậu tận minh, là thành tựu quả vị A-la-hán.

D.III.220, 275; A.V.211.

[82] Ba thiện tầm (Kusalavitakka), sự suy nghĩ tốt, tư duy thiện:

1. Xuất ly tầm (Nekkhammavitakka), sự suy nghĩ ly dục, sự suy nghĩ không dính mắc, không tham muốn.

2. Vô sân tầm (Abyāpādavitakka), sự suy nghĩ không bực phiền, sự suy nghĩ với tâm từ.

3. Bất hại tầm (Avihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ không mưu hại người, sự suy nghĩ liên hệ tâm bi.

A.III.446.

[83] Ba bất thiện tầm (Akusalavitakka), sự suy nghĩ quấy, suy nghĩ không tốt:

1. Dục tầm (Kāmavitakka), sự suy nghĩ liên hệ phiền não dục, sự suy nghĩ tham muốn dục lạc.

2. Sân tầm (Byāpādavitakka), sự suy nghĩ liên hệ sân hận bực phiền.

3. Hại tầm (Vihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ ác độc, mưu hại chúng sanh.

A.III.446.

[84] Ba hữu vi tướng (Saṅkhatalakkhaṇa), trạng thái của pháp hữu vi:

1. Sanh hiển hiện (Uppādo paññāyati), pháp hữu vi hiện bày trạng thái bị tạo sanh.

2. Diệt hiển hiện (Vayo paññāyati), pháp hữu vi hiện bày trạng thái tiêu họai, sanh rồi diệt.

3. Trụ biến đổi (Ṭhitassa aññathattaṃ paññā-yati), pháp hữu vi dù đang thời trụ vẫn thay đổi khác, biến dạng già cũ (jarā).

A.I.152.

[85] Ba vô vi tướng (Asaṅkhatalakkhaṇa), trạng thái của pháp vô vi hay níp-bàn:

1. Không sanh (Na uppādo paññāyati), níp-bàn vì không bị tạo bởi duyên hệ, không có hiện tượng sanh.

2. Không diệt (Na vayo paññāyati), níp-bàn vì không có hiện tượng sanh nên không có hiện tượng diệt.

3. Không đổi khác (Na ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati), níp-bàn không có hiện tượng sanh trụ diệt nên không có trạng thái biến đổi.

A.I.152.

[86] Ba tướng phổ thông (Sāmaññalakkhaṇa), trạng thái chi phối pháp hữu vi:

1. Trạng thái vô thường (Aniccatā), sanh diệt, biến đổi.

2. Trạng thái khổ não (Dukkhatā), bức xúc, khó chịu, bất kham vì biến diệt.

3. Trạng thái vô ngã (Anattatā), rỗng không, chẳng phải do chủ quyền sắp đặt.

Ba pháp này gọi tóm tắt là tam tướng (tilakkhaṇa).

S.W.1; Dhp.277,278,279.

[87] Ba hành (Saṅkhāra), nói theo pháp thực tính tạo tác:

1. Thân hành (Kāyasaṅkhāra), tức là hơi thở là sở hành của thân.

2. Khẩu hành (Vacīsaṅkhāra), tức là tầm và tứ, sở hành của lời nói.

3. Tâm hành (Cittasaṅkhāra), tức là thọ và tưởng, sở hành của ý nghĩ.

Đối với một vị nhập thiền diệt, khi ấy tâm hành này đoạn diệt, trước là diệt khẩu hành (tầm, tứ), kế là diệt thân hành (hơi thở), cuối cùng là diệt ý hành (thọ và tưởng). Chính vì vậy thiền diệt (Nirodhasamāpatti) được gọi là thiền diệt thọ, tưởng định (Saññāvedayitanirodhaṃ).

M.I.301; S.IV.293.

[88] Ba hành (Saṅkhāra), nói theo nghiệp lý:

1. Thân hành (Kāyasaṅkhāra), hay còn gọi là thân tư niệm (Kāyasañcetanā), là sự cố ý hành động.

1. Khẩu hành (Vacīsaṅkhāra), hay còn gọi là khẩu tư niệm (vacīsañcetanā), là sự cố ý ngôn.

2. Tâm hành (Cittasaṅkhāra) hoặc ý hành (manosaṅkhāra), còn gọi là ý tư niệm (manosañcetanā), là sự cố ý suy nghĩ.

Ba loại hành này có ý nghĩa liên quan đến hành trong y tương sinh (paṭiccasamuppāda).

M.I.54.390; S.II.4; Vbh.135.

[89] Ba hữu (Bhava), cõi tái sanh:

1. Dục hữu (Kāmabhava), gồm 11 cõi dục giới là: 4 cõi khổ, cõi nhân loại và 6 cõi trời như Tứ thiên vương, Đạo lợi v.v...

2. Sắc hữu (Rūpabhava), gồm 16 cõi Phạm thiên sắc giới là: 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam thiền và 7 cõi ngũ thiền.

3. Vô sắc hữu (Arūpabhava), gồm 4 cõi Phạm thiên vô sắc giới như cõi không vô biên xứ v.v...

D.III. 215; M.I.294.

[90] Ba loại định (Samādhi):

1. Sát na định (Khaṇikasamādhi), là tâm định thoáng chốc; định của sát na tâm thiện dục giới trú trên đối tượng.

2. Cận hành định (Upacārasamādhi), là tâm định gần như kiên cố; cũng là định của tâm thiện dục giới nhưng trụ vững chắc hơn sát na định.

3. An chỉ định (Appanāsamādhi), là tâm định kiên cố trên đề mục, đây là định thuộc thiền chứng như tâm thiền đáo đại và thiền siêu thế.

Dhs A.117; Vism.144.

[91] Ba loại định (Samādhi):

1. Không tánh định (Suññatāsamādhi), tức là an trú với đề tài vô ngã (Anatta), là đường lối dẫn đến không tánh giải thoát.

2. Vô tướng giải thoát (Animittasamādhi), tức là an trú với đề tài vô thường (anicca), là đường lối dẫn đến vô tướng giải thoát.

3. Vô nguyện định (Appaṇihitasamādhi), tức là an trú với đề tài khổ não (dukkha), là đường lối dẫn đến vô nguyện giải thoát.

Xem [92] ba giải thoát (Vimokkha).

D.III.219 ; A.I.299; Ps.I.119.

[92] Ba sự giải thoát (Vimokkha):

1. Không tánh giải thoát (Suññatavimokkha), sự giải thoát do nương đề mục vô ngã quán - anattānu-passanā - do thấy danh sắc qua hiện trạng vô ngã mà đoạn trừ ngã chấp thủ, tỏ ngộ níp-bàn.

2. Vô tướng giải thoát (Animittavimokkha), sự giải thoát do nương đề mục vô thường quán - anic-cānupassanā - do thấy danh sắc biến diệt nên đoạn trừ điên đảo thường kiến, tỏ ngộ níp-bàn.

3. Vô nguyện giải thoát (Appaṇihitavimokkha) sự giải thoát do nương đề mục khổ não quán - dukkhānupassanā - do thấy danh sắc phiền lụy bức xúc nên đoạn trừ khát ái, tỏ ngộ níp-bàn.

Ps.II. 35; Vism.657; comp. 211.

[93] Ba sự thành tựu (Sampatti), nói theo nghĩa đen là tài sản hay lợi đắc:

1. Thành tựu ở cõi người (Manussasampatti); cũng gọi là tài sản nhân loại, như được sanh làm người sung mãn thể lực, sung túc tài sản.

2. Thành tựu ở cõi trời (Devasampatti); cũng gọi là tài sản chư thiên. Ở đây nói chung là được sanh làm chư thiên, phạm thiên, có thân hảo tướng, đầy đủ uy lực, sung mãn hạnh phúc.

3. Thành tựu níp-bàn (Nibbānasampati); cũng gọi là tài sản thánh nhân, tức là thành tựu hạnh phúc giải thoát.

Ba sự thành tựu này là những kết quả tốt đẹp mà bậc hiền trí hằng mong mỏi.

Kh.7; DhA.III.183.

[94] Ba sự thành tựu (Sampatti), nói theo nghĩa yếu tố thành tựu quả bố thí:

1. Thành tựu ruộng phước (Khettasampatti), tức là có được đối tượng thí, thọ thí thanh tịnh, như cúng dường đến tứ phương tăng, hay cúng dường đến vị thánh vô lậu.

2. Thành tựu vật thí (Deyyadhammasampatti), tức là có vật lễ bố thí tốt đẹp, vật thí ấy là nhu cầu thiết thực, có được do chánh mạng.

3. Thành tựu tâm lý (Cittasampatti), tức là có tâm bố thí thanh tịnh, đủ tam tư (hoan hỷ trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm).

UdA.199.

[95] Ba thiện hạnh (Sucarita), sở hành tốt, hành vi thiện:

1. Thân thiện hạnh (Kāyasucarita), sở hành tốt đẹp về thân, thân hành kiêng tránh sát sanh, trộm cắp, và tà dâm.

2. Khẩu thiện hạnh (Vacīsucarita), sở hành tốt đẹp về lời nói, khẩu hành kiêng tránh nói dối, nói độc ác, nói ly gián, nói vô ích.

3. Ý thiện hạnh (Manosucarita), sở hành tốt đẹp về ý, sự suy nghĩ hiền thiện, tư duy không tham ác, không sân ác, không tà kiến ác, tức là có chánh kiến.

Xem mười thiện nghiệp đạo [448, 459] .

D.III.220; A.I.229.

[96] Ba ác hạnh (Duccarita), sở hành xấu, hành vi bất thiện:

1. Thân ác hạnh (Kāyaduccarita), sở hành ác xấu về thân, thân làm ác như sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

2. Khẩu ác hạnh (Vacīduccarita), sở hành ác xấu về lời nói, miệng nói ác như nói dối, nói độc ác, nói ly gián, nói vô ích.

3. Ý ác hạnh (Manoduccarita), sở hành ác xấu về tư tưởng, ý suy nghĩ quấy như tham ác, sân ác, tà kiến.

Xem mười bất thiện nghiệp đạo [447].

D.III.214; Dhs. 1305.

[97] Ba thứ lửa (Aggi), lửa phiền não, lửa đốt nóng nội tâm:

1. Lửa tham (Rāgaggi), ái tham phiền não, sự vương vấn dục tình là lửa nóng đốt.

2. Lửa sân (Dosaggi), sân phiền não, sự giận hờn, thù oán là lửa nóng đốt.

3. Lửa si (Mohaggi), si phiền não, sự si mê thiếu hiểu là gốc phát sinh các ác bất thiện pháp ví như lửa.

Ba thứ lửa này là lửa phiền não cần phải dập tắt.

D.III 217; It.92.

[98] Ba thứ lửa (Aggi), thứ lửa phải quan tâm chăm nom (Pāricariyaggi):

1. Lửa đáng cung phụng (Āhuneyyaggi), ám chỉ cha và mẹ; cha mẹ đáng được con cái phụng dưỡng.

2. Lửa gia đình (Gahapataggi), ám chỉ những người quan hệ trong gia đình như vợ con, kẻ giúp việc ..ḷà những người cần được đối đãi tử tế, chu cấp.

3. Lửa đáng cúng dường (Dakkhiṇeyyaggi), ám chỉ các hạng Sa-môn, Bà-la-môn, các vị tu hành đáng cho người tín ngưỡng cúng dường.

D.III.217; A.IV.44.

[99] Ba sự lợi ích (Attha):

1. Sự lợi ích hiện tại, lợi ích ngay trong đời này (Diṭṭhadhammikattha).

2. Sự lợi ích tương lai, lợi ích trong đời sau (Samparāyikattha).

3. Sự lợi ích tối cao, lợi ích cùng tột (Paramattha), tức là níp-bàn giải thoát.

Nd2.26.

[100] Ba sự lợi ích (Attha):

1. Lợi ích cho mình, tự lợi (Attattha).

2. Lợi ích cho người khác, lợi tha (Parattha).

3. Lợi ích cho cả hai, mình và người khác, lợi song phương (Ubhayattha).

Nd2.26.

[101] Ba chuẩn mực (Adhipateyya), ba tiêu chuẩn để hành động, để thực thi:

1. Lấy mình làm chuẩn (Attādhipateyya). Nghĩa là hành động thực thi việc gì cũng dựa vào bản thân mà quyết đoán.

2. Lấy đời làm chuẩn (Lokādhipateyya). Nghĩa là giải quyết sự việc dựa vào mọi người, lấy ý kiến tập thể mà thực thi.

3. Lấy pháp làm chuẩn (Dhammādhipateyya), nghĩa là hành động dựa theo nguyên tắc luật lệ, y cứ vào pháp mà thi hành.

Trong sớ giải nói rằng, đối với người quyết đoán lấy mình làm chuẩn (Attādhipateyya), thì nên có chánh niệm và nghiêm khắc để hành động không sai lạc. Với người quyết đoán lấy đời làm chuẩn (Lokā-dhipateyya), thì phải có trí tuệ cân nhắc, không thiên vị, như thế mới hành động không sai lạc. Với người quyết đoán lấy pháp làm chuẩn (Dhammādhipateyya) thì nên dùng trí phán đoán so sánh và biết uyển chuyển.

Đối với người lãnh đạo, người cai trị thì nên lấy pháp làm chuẩn (Dhammādhipateyya).

D.III.220; A.I.147.

[102] Ba pháp vô thượng (Anuttariya):

1. Sự thấy vô thượng (Dassanānuttariya), tức là thấy bằng trí tuệ, thấy được tam tướng của danh sắc, giác ngộ chân lý.

2, Sự hành vô thượng, (Paṭipadānuttariya), tức là thực hành pháp cao quí, hành theo bát chánh đạo hay giới định tuệ.

3. Sự giải thoát vô thượng (Vimuttānuttariya), tức là sự giải thoát khỏi phiền não, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

D.III.219; M.I.235

[103] Ba pháp hành bất vạy (Apaṇṇakapaṭipadā); sự thực hành thẳng tiến, không cong quẹo; sự thực hành căn bản để tiến đạt đến giải thoát:

1. Thu thúc lục căn (Indriyasaṃvara), là sự phòng hộ sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) ngăn ngừa không cho tham ái ưu bi sanh khởi do duyên thấy, nghe v.v...

2. Tiết độ ẩm thực (Bhojane mattaññutā), là biết chừng mực khi ăn, quán tưởng nhờm gớm, không tham đắm vật thực.

3. Sống tỉnh thức (Jāgariyānuyogo), là sống chuyên cần nỗ lực, có chánh niệm tỉnh giác, ngày đêm nhiệt tâm tu tập trong thiện pháp.

A.I.113.

[104] Ba thắng hành (Abhisaṅkhāra), pháp hành tạo tác, pháp làm nhân tạo quả dị thục:

1. Phúc hành (Puññābhisaṅkhāra), hành vi thiện tạo quả tốt làm thành thức tục sinh cõi vui hữu sắc. Ở đây chi pháp là Tư tâm sở tương ưng thiện dục giới và sắc giới.

2. Phi phúc hành (Apuññābhisaṅkhāra), hành vi bất thiện tạo quả xấu làm thành thức tục sinh cõi khổ. Ở đây chi pháp là Tư tâm sở tương ưng tâm bất thiện.

3. Bất động hành (Āneñjābhisaṅkhāra), hành vi thiện vi tế tạo quả thức tục sinh cõi vô sắc. Ở đây chi pháp là tư tâm sở tương ưng thiện vô sắc.

Ba loại hành này là nghiệp luân quá khứ hình thành do duyên vô minh, là chi Hành (Saṅkhāra) trong y tương sinh (Paṭiccasamuppāda).

Ps.III.206; Vbh.135.

[105] Ba lậu hoặc (Āsava), lọai phiền não ngâm tẩm, làm cho chúng sanh thấm đọng cấu uế:

1. Dục lậu (Kāmāsava), tính ái tham cảnh dục sắc, thinh v.v...

2. Hữu lậu (Bhavāsava), tính ái tham cõi tái sanh, mong muốn sự hiện hữu của kiếp sống khác, cũng có nghĩa là tham luyến lạc thiền nhập.

3. Vô minh lậu (Avijjāsava), là tính si mê, lầm lạc, không biết pháp đáng biết.

Lậu hoặc (Āsava) thường nói đến bốn chi, có thêm tà kiến lậu (diṭṭhāsava), xem [105].

D.II.81; S.IV.256

[106] Ba nghiệp (Kamma), hành động tạo quả dị thục:

1. Thân nghiệp (Kāyakamma), hành động bằng thân, tư thiện hay bất thiện khiến thân hành động.

2. Khẩu nghiệp (Vacīkamma), hành động bằng lời nói, tư thiện hay bất thiện khiến miệng phát ngôn.

3. Ý nghiệp (Manokamma), hành động bằng ý, tư thiện hay bất thiện khiến tâm suy nghĩ.

M.I.373.

[107] Ba thiện xảo (Kosalla), sự khéo léo, sự thành thạo:

1. Tăng ích thiện xảo (Āyakosalla), là trí tác ý đến điều mà làm lớn mạnh thiện pháp và làm suy sụp ác pháp. Như vậy gọi là tăng ích thiện xảo, vì trí tuệ làm phát sanh lợi ích.

2. Tổn hại thiện xảo (Apāyakosalla), là trí tác ý đến điều mà làm lớn mạnh ác pháp và làm suy sụp thiện pháp. Như vậy gọi là tổn hại thiện xảo, vì trí tuệ ấy đem đến nguy hại.

3. Phương tiện thiện xảo (Upāyakosalla), là trí sắp đặt đường lối hành động để phát sinh hai trường hợp trên: tăng ích và tổn hại.

D.III.220; Vbh.325

[108] Ba loại trí (Ñāṇa), ba luân trong tứ thánh đế:

1. Sự thật trí (Saccañāṇa), trí nhận hiểu bốn sự thật, là nhận biết rằng: "Đây là khổ, đây là khổ tập; đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đạo lộ".

2. Sở dụng trí (Kiccañāṇa), trí nhận hiểu tính ứng dụng trong bốn đế, là biết rằng: "Khổ cần biến tri, khổ tập cần đoạn trừ, khổ diệt cần tác chứng"; khổ diệt đạo lộ cần tu tập".

3. Sở tác trí (Katañāṇa), trí rõ biết điều đã làm đối với bốn đế, tức là biết rõ: "Khổ đế cần biết đã biết, tập cần trừ đã trừ, diệt đế cần chứng đã chứng, đạo cần tu đã tu".

Ba trí này được gọi là ba luân (Parivaṭṭa) của sự giác ngộ bốn đế. Đức Thế Tôn đã giác ngộ tứ đế theo ba luân, mười hai thể (Ākāra). Sự giác ngộ ấy gọi là tri kiến như thật (Yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ), đối với bốn đế, và chính do tri kiến như thật ấy đã khởi nên Đức Phật đã xưng danh là Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammāsambuddho).

Vin.I.11Ṣ.V.422.

[109] Ba loại tuệ (Paññā):

1. Tuệ tư (Cintāmayapaññā), trí sáng suốt do suy nghĩ, do quán xét.

2. Tuệ văn (Sutamayapaññā), trí sáng suốt do người khác dạy, do học hỏi, do đàm luận.

3. Tuệ tu (Bhāvanāmayapaññā), trí sáng suốt do tuệ tu chứng ngộ.

Ba tuệ này, tuệ tư và tuệ văn là trí tương ưng tâm thiện dục giới, tuệ tu là trí tương ưng trong tâm thiền hiệp thế và tâm siêu thế.

D.III.219; Vbh.324.

[110] Ba chủ thuyết ngoại giáo (Titthāyatana):

1. Thuyết tiền định (Pubbekatahetuvāda hay Pubbekatavāda). Một số người chấp rằng: "Tất cả cảm thọ lạc, khổ của chúng sanh là do vận mệnh an bày sẵn".

2. Thuyết tạo hóa (Issarakaraṇavāda), cũng gọi là thuyết sáng tạo chủ. Một số người chủ trương rằng: "Mọi cảm thọ lạc, khổ của chúng sanh là do một đấng toàn năng tạo ra".

3. Thuyết vô nhân (Ahetuvāda), là thuyết chủ trương rằng: "Mọi hạnh phúc đau khổ là ngẫu nhiên phát sanh, không do nhân duyên gì cả".

Cả ba chủ thuyết này, Đức Phật phủ nhận cả, vì không đúng chân lý, không giúp cho tâm chuyên cần nỗ lực để tự chứng ngộ giải thoát.

A.I.173; Vbh.367.

[111] Ba tri kiến (Diṭṭhi) thuộc tà kiến:

1. Vô hành kiến (Akiriyādiṭṭhi), sự thấy sai lầm rằng: không có cái gọi là hành vi thiện ác để cho quả báo.

2. Vô nhân kiến (Ahetukadiṭṭhi), sự thấy sai lầm rằng: cảm thọ vui, khổ ở đây không phải do nhân thiện ác tạo ra, hay là cho rằng mọi sự kiện xảy ra là ngẫu nhiên.

3. Vô hữu kiến (Natthikadiṭṭhi), sự thấy sai lầm rằng: cha mẹ không có ân đức, không có thiện ác quả báo, không có luân hồi tái sinh, không có việc tu hành đắc đạo v.v...

M.I.404.

[112] Ba trạng thái khổ (Dukkhatā), khổ của pháp thực tính, tình trạng bất ổn của pháp hữu vi:

1. Khổ khổ (Dukkhadukkhatā), trạng thái khó chịu vì khổ thọ của thân và tâm, tức là thân đau đớn, tâm buồn bực... sự khổ này thông thường chúng sanh đều nhận biết được.

2. Hoại khổ (Vipariṇāmadukkhatā), sự bất ổn do mất mát thay đổi, như là tình trạng thọ lạc diệt mất tạo ra sự thất vọng.

3. Hành khổ (Saṅkhāradukkhatā), sự bất kham do tính cách sanh diệt của danh sắc hữu vi. Sự khổ này xuất phát từ trạng thái vô thường, sự khổ hiển nhiên của pháp hành. Chỉ có tuệ quán mới nhận thức được sự khổ này.

D.III.216; S.IV.259; S.V.56.

[113] Ba tạng kinh điển Phật giáo, tam tạng (Tipiṭaka):

1. Tạng Luật (Vinayapiṭaka), gồm các điều giới luật đã được Đức Phật chế định. Gồm 21.000 pháp môn.

2. Tạng Kinh (Suttantapiṭaka), gồm có bài pháp mà Đức Phật thuyết để dạy phương thức tu hành. Gồm 21.000 pháp môn.

3. Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka), gồm các luận thuyết phân tích nguyên lý của vạn pháp. Gồm 42.000 pháp môn.

Tam tạng giáo lý bằng tiếng Pāli (Phạn) gồm 45 quyển, cả thảy 84.000 pháp môn.

Giải về cách tính pháp môn (Dhammakkhandha), dựa theo bộ Saddhammasaṅgaha, do ngài đại trưởng lão Dhammakitti trình bày, như sau:

Pháp môn (Dhammakkhandha) là đoạn câu pháp liên kết nội dung.

Một đoạn kinh có một nội dung pháp, đó là một pháp môn, một đoạn kinh có nhiều nội dung pháp thì là nhiều pháp môn. Đối với các bài kệ ngôn thì một câu hỏi là một pháp môn, một câu đáp là một pháp môn.

Riêng về tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), mỗi điều chia chẻ trong tam đề hay nhị đề, hoặc mỗi điều chia chẻ phần tâm v.v... gọi là một pháp môn.

Tạng Luật (Vinaya), mỗi một điều luật, mỗi một sự việc phạm học giới, mỗi một thể thức phạm tội, mỗi một lý giải câu nói, mỗi một tội kể thêm, mỗi một điều không phạm tội, gọi là mỗi pháp môn.

Như vậy là cách tính 84.000 pháp môn.

Phân chi tiết như sau:

A- Tạng Luật (Vinaya) gồm 8 quyển, phân thành 5 bộ:

1. Bộ đại phân tích (Mahāvibhaṅga) hay bộ tỳ-kheo phân luật (Bhikkhuvibhaṅga), gồm 2 quyển. Bộ này giải chi tiết giới bổn Pāṭimokkha của tỳ-kheo.

2. Bộ tỳ-kheo ni phân luật (Bhikkhunīvibhaṅga), có 1 quyển. Bộ luật này giải rộng giới bổn của tỳ-kheo ni.

3. Bộ đại phẩm (Mahāvagga), gồm 2 quyển. Bộ này nói đến mười chương - Khandhaka, tăng sự thông thường như Bố tát (Uposatha), tự tứ (pavāraṇā) v.v...

4. Bộ tiểu phẩm (Cūlavagga), gồm 2 quyển. Bộ này nói đến mười hai chương tăng sự đặc biệt, như biệt trú tăng tàng (Saṅghādisesaparivāsa) v.v...

5. Bộ tạp sự (Parivāra), chỉ có 1 quyển. Bộ này thống kê toàn bộ nội dung giới luật của 4 bộ luật trên.

B- Tạng Kinh (Sutta), gồm 25 quyển, phân thành 5 bộ:

1. Trường bộ kinh (Dīghanikāya), có 3 quyển. Gồm 34 bài kinh dài.

2. Trung bộ kinh (Majjhimānikāya), có 3 quyển. Gồm 152 bài kinh trung bình.

3. Tương ưng bộ kinh (Saṃyuttanikāya), có 5 quyển. Gồm 7.762 bài kinh xếp theo 56 phẩm tương ưng, như là những đoạn kinh mà Đức Phật thuyết cho chư thiên nghe thì xếp thành phẩm tương ưng chư thiên v.v...

4. Tăng chi bộ kinh (Aṅguttaranikāya), có 5 quyển. Gồm 11 chương, 9557 bài kinh. Bộ này thống kê những bài kinh xếp theo nhóm pháp một chi, hai chi, ba chi v.v...

5. Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya), có 9 quyển, 15 tập. Quyển một là tập Tiểu tụng (Khuddakapāṭha). Quyển hai gồm bốn tập là Pháp cú (Dhammapada), Cảm thán ngôn (Udāna), Như thị thuyết (Itivuttaka), Kinh tập (Suttanipāta). Quyển ba gồm bốn tập là Thiên Cung sự (Vimānavatthu), Ngạ Quỉ sự (Petavatthu), Trưởng Lão Tăng kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni kệ (Therīgāthā). Quyển bốn và quyển năm là tập Bổn sanh (Jāṭaka). Quyển sáu và quyển bảy là tập Lịch sử (Niddesa). Quyển tám là tập Vô Ngại Giải (Paṭisambhidā). Quyển chín gồm ba tập Thinh Văn Sử (Apadāna), Phật Tông (Buddhavaṃsa), Hạnh Tạng (Cariyāpiṭaka). Tiểu Bộ Kinh gồm mười lăm tập như thế, mỗi tập có nội dung đặc thù riêng biệt.

C- Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), gồm 12 quyển, phân thành 7 bộ:

1. Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅginī), chỉ có một quyển. Bộ này trình bày các đầu đề pháp (Mātikā).

2. Bộ Phân tích (Vibhaṅga), chỉ có một quyển. Bộ này phân tích và giải thích 18 đề pháp quan trọng, đối chiếu theo hai hệ Kinh tạng và Vi Diệu Pháp.

3. Bộ Chất ngữ (Dhātukathā), chung một quyển với bộ Nhơn Chế Định, Bộ này thống kê các đề pháp xét theo Uẩn, Xứ, Giới, Đế.

4. Bộ Nhơn chế định (Puggalapaññatti), chung một quyển với bộ Chất ngữ. Bộ này trình bày sáu phần chế định, đặc biệt là giải thích, phân loại các hạng người.

5. Bộ Ngữ tông (Kathāvatthu), có một quyển. Bộ này trình bày các quan điểm dị biệt giữa những bộ phái Phật giáo trong thời kỳ sau Phật níp-bàn. Được hình thành vào kỳ kết tập lần thứ ba.

6. Bộ Song đối (Yamaka), có hai quyển. Bộ này lập luận mười vấn qua hình thức hỏi đáp ngược xuôi.

7. Bộ Vị trí (Paṭṭhāna, cũng gọi là Mahāka-raṇa), gồm 6 quyển. Bộ Vị trí là bộ Luận quan trọng nhất trong tạng Diệu Pháp, luận giải các đầu đề pháp (Mātikā) theo định lý duyên hệ (Paccaya).

Trước thời kỳ kết tập lần thứ ba, toàn bộ giáo lý tam tạng này chỉ gọi là Pháp và Luật (Dhammavi-naya). Tạng Kinh và tạng Vi Diệu Pháp gọi là PHÁP (Dhamma), Tạng Luật gọi là LUẬT (Vinaya).

Vin.V.86

[114] Ba y chỉ, ba chỗ nương (Tisaraṇa), đối tượng qui y của hàng cư sĩ:

1. Đức Phật (Buddha), vị đã tự giác ngộ, chân chánh, là bậc Đạo sư của trời, người.

2. Giáo Pháp (Dhamma), lời dạy của Đức Phật, Phật ngôn, kim chỉ nam để tu tập.

3. Tăng chúng (Saṅgha), chư tỳ-kheo đệ tử Phật, những vị thừa hành lời dạy của Đức Phật, là phước điền của chúng sanh.

Ba đối tượng y chỉ cao quí này còn được gọi là Tam Bảo (Ratanattaya). Xem [115].

Những ai có lòng tin niệm tưởng ân đức tam bảo, nương tam bảo làm hướng đạo như thế gọi là qui y tam bảo.

Kh.1.

[115] Ba ngôi báu, tam bảo (Ratanattaya):

1. Phật bảo (Buddharatana), Đức Phật như là báu vật vì đức hạnh cao quí của Ngài.

2. Pháp bảo (Dhammaratana), giáo pháp như là báu vật vì khả năng thiết thực và hướng thượng.

3. Tăng bảo (Saṅgharatana), tăng chúng đệ tử Phật như là báu vật vì sự thanh tịnh và uy lực.

Tam bảo là chỗ nương cao quí của chúng sanh, là đối tượng qui y của hàng cư sĩ.

Kh.1.

[116] Ba đạt tri (Pariññā), sự biến tri, sự liễu tri; sự hiểu biết thấu đáo:

1. Trí đạt tri (Ñātapariññā), là sự liễu tri do hiểu biết tướng riêng biệt của các pháp, như là biết rõ "Sắc có đặc tính bị bức não, Thọ có đặc tính bị tác động v.v..."

2. Thẩm đạt tri (Tīraṇapariññā), là sự liễu tri do thẩm sát tướng phổ thông của các pháp hữu vi, như là thẩm sát "Sắc là vô thường, thọ là vô thường v.v..."

3. Trừ đạt tri (Pahānapariññā), là sự liễu tri do đoạn trừ nghịch tưởng, điên đảo kiến, như đoạn trừ tưởng kiến thấy là thường do nhận thấy tướng vô thường v.v...

Ba sự đạt tri này là trí hiệp thế, có cảnh là năm uẩn, có phận sự là biến tri khổ đế, thuộc về Kiến tịnh, Đoạn nghi tịnh, Đạo phi đạo tri kiến và Hành lộ tri kiến tịnh.

Phân theo tuệ minh sát thì như sau:

Trí đạt tri là lãnh vực hai tuệ minh sát, tức tuệ xác định danh sắc và tuệ duyên đạt.

Thẩm đạt tri là lãnh vực hai tuệ minh sát, tức tuệ phổ cập tướng và tuệ tiến thoái.

Trừ đạt tri là lãnh vực 9 tuệ minh sát: tức tuệ diệt một, tuệ kinh úy, tuệ quá tội, tuệ phiền yểm, tuệ dục thoát, tuệ quyết ly, tuệ hành xả, tuệ thuận lưu và tuệ chuyển tộc.

Xem chín tuệ quán [438], mười sáu tuệ quán [484].

Nd1.53, Vism.606

[117] Ba sự tu tiến (Bhāvanā), sự tu tiến theo đề mục thiền hay nghiệp xứ:

1. Tu tiến sơ khởi (Parikammabhāvanā), tức là sự tu tiến bước đầu, bước chuẩn bị, như là ghi nhận các dạng hoàn tịnh (Kasina) chẳng hạn, là sự xác định sơ tướng (Parikammanimitta). Sự tu tập suy niệm về ân Đức Phật v.v... cũng nằm trong pháp tu tiến sơ khởi, vì bước đầu luyện tập tâm an trú.

2. Tu tiến cận hành (Upacārabhāvanā), tức là sự tu tiến thuần thục đến cận định, nghĩa là chú tâm theo một đề mục khắng khít cho đến khi sanh khởi Tợ tướng (Paṭibhāganimitta) đồng thời năm triền cái cũng lắng xuống. Cấp tu tiến này vẫn còn là định dục giới, nương theo cả 40 đề mục; cận hành tu tiến sẽ chấm dứt ở sát na diệt của tâm Chuyển tộc (Gotrabhū) trong lộ tâm đắc thiền.

3. Tu tiến an chỉ (Appanābhāvanā), tức là sự tu tiến đạt đến tâm thiền định (Jhāna), một trạng thái định kiên cố hay tâm đổng lực thiền sanh tiếp nối Gotrabhū. Định này sanh khởi do nương theo 30 đề mục trừ 10 tùy niệm. Định sơ thiền sanh khởi do 25 đề mục là 10 hoàn tịnh, 10 đề mục bất mỹ, từ, bi, hỷ, phạm trú, 1 thân hành niệm, 1 số tức quan. Định nhị thiền sanh khởi do 14 đề mục là 10 hoàn tịnh, từ, bi, hỷ, phạm trú, 1 số tức quan. Định tam thiền và định tứ thiền cũng như nhị thiền. Định ngũ thiền sanh khởi do 12 đề mục là 10 hoàn tịnh, 1 xả vô lượng tâm, 1 số tức quan. Định vô sắc thiền sanh khởi do 1 trong 4 đề mục vô sắc.

Comp. 203.

[118] Ba học pháp (Sikkhā), cũng thường gọi là tam học (Tisikkhā), pháp nền tảng tu tập để tăng tiến, để đạt đến níp-bàn:

1. Tăng thượng giới học (Adhisīlasikkhā), sự học tập trau giồi giới hạnh chân chánh, làm nền tảng tăng tiến tâm định.

2. Tăng thượng tâm học (Adhicittasikkhā), sự tu tập về tâm thiền kiên cố, làm nền tảng tăng tiến tuệ minh sát.

3. Tăng thượng tuệ học (Adhipaññāsikkhā), sự tu tập phát triển trí tuệ thẩm sát thực tướng danh sắc để đạt đến tri kiến thanh tịnh, giác ngộ giải thoát.

Ba học pháp này gọi tóm tắt là Giới, Định, Tuệ, tức là Tam học.

D.III.220; A.I.229.

[119] Ba diệu pháp, ba tinh hoa của chánh pháp (Saddhamma):

1. Pháp học (Pariyattidhamma), tức là những Phật ngôn cần phải học hiểu, gồm chín phần giáo lý hay tam tạng kinh điển.

2. Pháp hành (Paṭipattidhamma), tức là đường lối cần phải tu tập thực hành, như trì giới, thu thúc lục căn, thọ pháp đầu đà, tu tiến chỉ tịnh, tu tiến minh sát.

3. Pháp thành (Paṭivedhadhamma), tức là mục đích cần phải đạt đến, như thiền định, Đạo Quả. Điều này cũng gọi là Adhigamasaddhamma - pháp chứng đạt

Vin.A. 225; Ā.V. 33.

[120] Ba loại pháp thực tính (Dhamma):

1. Pháp thiện (Kusaladhamma), pháp có tính chất tốt đẹp, thành nhân lành cho quả vui, pháp có căn thiện tương ưng. Pháp thiện gồm 37 tâm thiện và 38 tâm sở phối hợp.

2. Pháp bất thiện (Akusaladhamma), pháp có tính chất xấu, uế nhiễm, là nhân cho quả khổ, pháp có căn bất thiện tương ưng. Pháp bất thiện gồm 12 tâm bất thiện và 27 tâm sở phối hợp.

3. Pháp vô ký (Abyākatadhamma), pháp có tính chất phi thiện phi bất thiện, pháp không thành nhân tạo quả. Gồm có pháp vô ký danh (Nāma abyākata) là 52 tâm quả, 20 tâm tố, cùng 38 tâm sở phối hợp và níp-bàn, có pháp vô ký sắc (Rūpa abyākata), tức là 28 sắc pháp.

Các chi pháp trong đây, xem thêm [496] [494] [488] [40]

Dhs. 91, 180, 234.

[121] Ba pháp cố định, ba định luật (Dhammaniyāma) cũng gọi là ba tướng phổ thông (Sāmaññalakkhaṇa):

1. Chư hành vô thường (Sabbe saṅkhārā aniccā), tức là mọi pháp hữu vi không thường hằng, luôn luôn biến đổi.

2. Chư hành khổ não (Sabbe saṅkhārā dukkhā), tức là mọi pháp hữu vi có tính bất ổn, khó chịu, không kham nổi vì trạng thái biến động.

3. Chư pháp vô ngã (Sabbe dhammā anattā), tức là mọi pháp thực tính dù là hữu vi hay vô vi cũng đều là phi ngã, không phải là bản ngã hiện hữu.

Ba pháp này là một qui luật hiển nhiên của vạn pháp, dù Đức Phật không xuất hiện, không tuyên bố, qui luật ấy vẫn chi phối các pháp ở đời.

A.I. 285.

[122] Ba ấn chứng thiền (Nimitta), dấu hiệu hay tướng sanh để xác định giai đoạn tu tiến nghiệp xứ:

1. Biến tác tướng (Parikammanimitta) cũng gọi là sơ tướng hay chuẩn bị tướng, tức là ấn chứng sơ khởi, tướng sanh ở giai đoạn đầu. Sau khi xác định đề mục nghiệp xứ như là hình dạng kasiṇa v.v... vị hành giả chú mục vào đó và ghi nhận rõ hình dạng đề mục. Sự kiện này gọi là Biến tác tướng. Tướng này áp dụng cho cả 40 đề mục.

2. Thủ trì tướng (Uggahanimita), cũng gọi là thô tướng, tức là ấn chứng do thuần thục nhập tâm vào đề mục, đây là tướng sanh ở giai đoạn hai. Nghĩa là khi chú mục vào mọi án xứ tu tập thì gọi là biến tác tướng, rồi khi nhắm mắt lại tác ý vẫn thấy rõ án xứ ấy, đây gọi là Thủ trì tướng. Thủ trì tướng sanh lên cũng với tất cả 40 đề mục.

3. Tương tợ tướng (Paṭibhāganimitta), cũng gọi là quang tướng. Tức là ấn chứng phát sanh từ Thủ trì tướng (thô tướng), tướng này làm sáng lên đề mục, ghi nhận đề mục một cách tinh khiết không thấy tỳ vết. Tương tợ tướng sẽ sanh khởi khi tâm đạt tới cận định. Tương tợ tướng chỉ sanh đối với 22 đề mục là 10 kasiṇa, 10 asubha, 1 thân hành niệm, và 1 niệm số tức quan.

Comp.203; Vism. 125.

[123] Ba sự đoạn trừ (Pahāna):

1. Trấn phục đoạn trừ (Vikkhambhanapahāna), tức là trừ phiền não bằng cách áp chế, đè nén. Nghĩa là sự áp chế phiền não bằng tâm thiền, khi hành giả nhập thiền thì trong suốt thời gian ấy phiền não không sanh.

2. Nhất thời đoạn trừ (Tadaṅgapahāna), tức là trừ phiền não bằng cách đối trị, thí dụ như đang khi tuệ phân tích danh sắc sanh khởi thì phiền não thân kiến được trừ khử ngay lúc ấy... Sự đoạn trừ này chỉ tạm thời khi sát na thiện đang có mặt.

3. Triệt tiêu đoạn trừ (Samucchedapahāna), tức là sự đoạn trừ phiền não bằng trí thánh đạo. Sự đoạn trừ này là tuyệt trừ phiền não không còn phát sanh nữa.

Xem thêm [305] năm pháp đoạn diệt.

Vism. 693.

[124] Ba pháp nghiệt chướng (Papañcadhamma); pháp chướng ngại khiến không thể nhập chân lý, pháp lệch hướng chánh đạo:

1. Ái tham (Taṇhā), sự tham muốn ái nhiễm danh lợi hay mong mỏi sự tái sanh.

2. Tà kiến (Diṭṭhi), sự cố chấp sai lầm, quan niệm tà thuyết; hiểu sai chân lý.

3. Ngã mạn (Māna), sự kiêu ngạo, tự đắc, tự cao, hoặc tự ti mặc cảm.

Trong A tỳ đàm bộ Vibhaṅga, nói đến ba pháp Papañca như sau: dục vọng (chanda), ngã mạn (māna), và tà kiến (micchādiṭṭhi) .

Nd1. 280 ; Vbh. 393; Nett.37-38.

[125] Ba bậc Dự lưu (Sotāpanna), ba hạng Thánh Tu-đà-huờn:

1. Nhất chủng sanh (Ekabījī), là bậc Dự lưu mà chỉ sanh lại cõi dục giới một lần nữa rồi đắc đến A-la-hán và viên tịch.

2. Lục chủng sanh (Kolaṅkola), là bậc Dự lưu mà còn sanh cõi dục từ hai đến sáu lần nữa mới đắc A-la-hán và viên tịch.

3. Thất chủng sanh (Sattakkhattuparama), là bậc Dự lưu mà phải sanh lại cõi dục cho đến bảy lần (mức định chót), mới đắc A-la-hán và viên tịch. Đây là hạng Dự lưu chậm nhất.

Sở dĩ được phân ra như vậy vì căn cứ vào pháp ngũ quyền (indriya) của vị Dự lưu mạnh, hay trung bình, hoặc yếu.

A.I.233; IV. 380; V.120; Pug.3,16,74.

[126] Ba Ân Đức Phật (Buddhaguṇa):

1. Tuệ đức (Paññāguṇa), Đức Phật có trí tuệ siêu phàm, trí tuệ của Ngài vượt trội chúng sanh trong tam giới.

2. Tịnh đức (Visuddhiguṇa), Đức Phật là bậc thanh tịnh tuyệt đối, sở hành thân khẩu ý của Ngài hoàn toàn không có khuyết điểm dù ở trước hội chúng hay lúc độc cư.

3. Bi đức (Karuṇāguṇa), lòng bi mẫn của Đức Phật đối với chúng sanh là vô lượng, dù những kẻ có tâm đối lập với Ngài, Ngài cũng bao dung tế độ.

Trong ba ân đức Phật, nói căn bản chỉ có hai là tuệ đức và bi đức; trong kinh điển ít khi nói đến Tịnh đức, vì sự thanh tịnh của Đức Phật phát xuất từ tuệ giác ngộ, nên chỉ nói tuệ đức là gồm cả tịnh đức.

Vism ṭīkā I.1.

[127] Ba Phật hạnh (Buddhacariyā):

1. Hạnh lợi ích cho đời (Lokatthacariyā). Đức Phật luôn có tâm đại bi với chúng sanh, những người hữu duyên với Ngài thì dù họ ở xa hay gần, giàu hay nghèo đều được Ngài tế độ cho giác gộ giải thoát, hay giúp cho họ thành tựu phước báu.

2. Hạnh lợi ích cho quyến thuộc (Ñātatthacariyā). Đức Phật luôn là bóng mát cho thân tộc, nhưng Ngài không phải giúp đỡ quyến thuộc bằng tài sản thế gian mà Ngài ban cho quyến thuộc pháp bất tử là đạo lộ níp-bàn.

3. Hạnh Phật sự (Buddhatthacariyā). Đức Phật mỗi ngày đều hành năm phận sự của chư Phật, trong suốt 45 năm hoằng pháp không bỏ sót ngày nào.

Ba công hạnh này ngay cả thời kỳ Ngài còn là vị Bồ tát (Bodhisatta) cũng thực hành, nhưng phải hiểu như sau:

Bồ tát hành lợi ích cho đời là Ngài luôn khuyến khích hướng dẫn hội chúng thực hành thiện pháp, đi theo con đường tốt.

Bồ tát hành lợi ích cho quyến thuộc là Ngài luôn làm chỗ nương an toàn cho quyến thuộc, che chở cho quyến thuộc.

Bồ tát hành lợi ích giác ngộ là Ngài tinh tấn tạo thiện pháp vì mục đích giác ngộ giải thoát cho bản thân.

Nd2.322; Ps.329; A.A.I.98; Dh.A.III.441.

[128] Ba cách thuyết pháp của Đức Phật (Buddhadhammadesanā):

1. Ngài thuyết pháp bằng sự kinh nghiệm thắng tri giác ngộ, (Abhiññāyadhammadesanā), không phải do học hỏi bắt chước.

2. Ngài thuyết pháp hợp nhân duyên (Sanidānadhammadesanā), tức là thuyết pháp khế cơ với thính chúng, có nguyên nhân, có người hữu duyên.

3. Ngài thuyết pháp có sự nhiệm mầu, (Sappaṭihāriyadhammadesanā), tức là thuyết pháp khế lý, có tính thuyết phục, luôn thành tựu lợi ích cho người nghe.

Trong ba cách thuyết pháp này, điều một là đặc tính nhất định trong pháp thoại của Đức Phật.

M.II.9; A.I.276.

[129] Ba huấn từ của chư Phật (Buddha-ovāda):

1. Không làm mọi điều ác (Sabbapāpassa akaraṇaṃ), là không hành động thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh, như không sát sanh v.v...

2. Thực hiện các việc lành (Kusalass' ūpasam-padā), là tạo các thiện sự, như mười phước nghiệp sự: bố thí, trì giới v.v...

3. Thanh lọc nội tâm (Sacittapariyodapanaṃ), là tu tập nội tâm theo phương pháp thiền chỉ và thiền quán, thành tựu về đức tin, tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác v.v...

Ba điều giáo huấn này có trong bài kinh Ovādapaṭimokkha mà Đức Phật đã thuyết vào dịp đại hội thánh tăng gồm 1.250 vị A-la-hán, rằm tháng giêng (Māghapuṇṇamī).

D.II.49; Dhp.183

[130] Ba cửa tạo nghiệp (Dvāra):

1. Thân môn (Kāyadvāra), thân hành động là cửa tạo nghiệp, tức là ám chỉ thiện nghiệp hay ác nghiệp sanh khởi từ thân hành.

2. Khẩu môn (Vacīdvāra), khẩu hành động hay miệng nói là cửa tạo nghiệp, nghĩa là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp sanh từ khẩu hành.

3. Ý môn (Manodvāra), ý hành động hay tư tưởng là cửa tạo nghiệp, tức là thiện nghiệp, ác nghiệp đều sanh khởi từ ý hành.

Ba môn này nên hiểu theo nghĩa lý kinh tạng, không phải theo tạng Vi Diệu Pháp.

Dhp.234

[131] Ba loại thần thông (Pāṭihāriya):

1. Biến hóa thông thần (Iddhipāṭihariya), tức là thần thông về phép mầu biến hóa, thị hiện điều phi thường. Như Đức Phật hóa hiện thành hai vị Phật thuyết pháp vấn đáp, hoặc hiện song thông vừa có lửa vừa có nước... để nhiếp phục ngoại đạo.

2. Ký thuyết thần biến (Ādesanāpāṭihāriya), tức là thần thông tiên tri, tiên đoán trước những điều sẽ xảy ra, hay hiểu và nói ra đúng ý nghĩ của người khác. Như Đức Phật tiên tri thọ ký cho các nhân vật sẽ thành tựu hạnh nguyện trong tương lai, hoặc Ngài nói ra tư tưởng người đối diện đang suy nghĩ gì khiến họ qui phục...

3. Giáo hóa thần thông (Anusāsanīpāṭihāriya), tức là uy lực nhiếp chúng bằng sự thuyết pháp dạy dỗ. Đức Phật đã chỉ dạy điều tốt đẹp khiến chúng sanh qui ngưỡng.

Trong ba loại thần thông này, Đức Phật chỉ đặt trọng tâm và tán thán loại "Giáo hóa thần thông", Ngài đề cao đó là thần thông nhiếp chúng, thù thắng nhất và hữu hiệu nhất.

D.I.211; A.I.170; Ps.II.227.

[132] Ba luân trong duyên sinh (Vaṭṭa), vòng xoay, pháp luân hồi:

1. Phiền não luân (Kilesavaṭṭa). Trong duyên sinh có ba chi phần thuộc phiền não luân hồi là vô minh, ái và thủ.

2. Nghiệp luân (Kammavaṭṭa). Trong duyên sinh có hai chi phần thuộc nghiệp luân hồi là hành và hữu (nghiệp hữu).

3. Quả luân (Vipākavaṭṭa). Trong duyên sinh có bảy chi phần thuộc quả luân hồi là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và lão tử.

Ba luân duyên sinh này mãi mãi xoay vòng, tương quan phát sinh. Phiền não trợ duyên cho nghiệp, nghiệp trợ sanh quả, quả thành môi trường sanh phiền não. Thí dụ: Vô minh (phiền não) duyên Hành (nghiệp), Hành duyên Thức (quả) v.v... Thọ (quả) duyên Ái (phiền não), Thủ (phiền não) duyên Hữu (nghiệp), Hữu duyên Sanh (quả) v.v...

Nói tóm lại, quả luân hồi có mặt do nghiệp, nghiệp luân hồi có mặt do phiền não, phiền não sanh khởi do kiếp sống quả luân hồi. Cứ như thế mãi cho đến khi nào đoạn diệt phiền não thì chấm dứt nghiệp, không tạo nghiệp thì không có quả. Sự phá vỡ bánh xe luân hồi là vậy.

Vism.581

[133] Ba pháp chướng ngại (Kiñcana):

1. Tham chướng (Lobhakiñcana), phiền não ái luyến là pháp chướng ngại tinh thần.

2. Sân chướng (Dosakiñcana), phiền não sân hận là pháp chướng ngại tinh thần.

3. Si chướng (Mohakiñcana), phiền não si mê là pháp chướng ngại tinh thần.

Vbh.368, D.III.217, M.I.298, S.IV.297.

[134] Ba thế giới (Loka):

1. Hữu vi thế giới (Saṅkhāraloka), tức là tất cả sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, là pháp bị duyên tạo thành.

2. Chúng sanh thế giới (Sattaloka), là tất cả loài hữu tình noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh.

3. Không gian thế giới (Okāsaloka), là giới hạn phạm vi của cõi sống, phạm vi vận hành của thái dương hệ, của các hành tinh, hay địa phận quốc độ v.v…

Vism.204; D.A.I.173; M.A.I.397.

[135] Ba thế giới hữu tình (Loka), thế giới chúng sanh an lạc:

1. Nhân loại thế giới (Manussaloka), là thế giới của loài người.

2. Chư thiên thế giới (Devaloka), là thế giới của các vị trời cõi dục.

3. Phạm thiên thế giới (Brahmaloka), là thế giới của các vị phạm thiên cõi sắc và vô sắc.

Ba thế giới này chỉ nói đến phạm vi chúng sanh hữu phước, không nói đến các loại người khổ như địa ngục, ngạ quỉ v.v...

D.A.I.173; M.A.I. 397

[136] Ba thế giới không gian (Okāsaloka), ba cõi sống của chúng sanh:

1. Cõi dục giới (Kāmaloka), gồm 11 cõi là 4 cõi khổ và 7 cõi vui dục.

2. Cõi sắc giới (Rūpaloka), gồm 16 cõi phạm thiên hữu sắc.

3. Cõi vô sắc giới (Arūpaloka), gồm 4 cõi phạm thiên vô sắc.

Ba thế giới này có chỗ gọi là ba hữu (Bhava). xem [89] .

D.III.215;M.I.294

[137] Ba ước lệ bậc chân nhân (Sappuri-sapaññatti), hạnh kiểm mà bậc chân nhân tán thành:

1. Bố thí (Dāna), là sự xả tài giúp đỡ kẻ khác.

2. Xuất gia (Pabbajjā), là sự thoát ly điều bận rộn phiền não, thọ trì pháp không não hại, sống chế ngự, điều phục và hòa hợp.

3. Phụng dưỡng mẹ cha (Mātāpitu-upaṭṭhāna), là sự hiếu đạo đáp ân sanh thành; cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ khiến cha mẹ sống an lạc.

A.I.151

[138] Ba sự tri túc (Santosa), sự bằng lòng với những gì đã có, sự biết đủ trong bốn món vật dụng:

1. Tri túc với thứ có được (Yathālābhasantosa), tức là bằng lòng với những vật đã phát sanh có được, không đòi hỏi thêm nữa.

2. Tri túc theo sức mình (Yathābalasantosa) tức là chỉ thọ dụng vừa đủ với khả năng của mình hấp thụ, hoặc cất giữ, ở đây gọi là biết tiết độ.

3. Tri túc theo sự thích hợp (Yathāsāruppa-santosa), tức là chỉ chấp nhận những gì phù hợp với cương vị của mình, phù hợp với giới luật, phù hợp với pháp luật.

Ba sự tri túc này chỉ có trong chú giải Atthakathāṭīkā, do các vị A-xà-lê trình bày.

Nếu nói rộng thì có đến 12 sự tri túc, tức là ba sự tri túc với bốn món vật dụng nên thành 12 sự.

Ā.I.45; KHA.145; UDA. 229 v.v ..

[139] Ba thiên sứ (Devadūta), sứ giả của trời, hiện tượng báo tin:

1. Sự già (Jiṇṇa)

2. Sự bệnh (Byādhita)

3. Sự chết (Mata).

A I. 138.

Các thiên sứ này là điềm báo nguy hiểm của đời sống, là tín hiệu đánh thức bậc trí tuệ thức tỉnh tu hành. Có chỗ trong kinh Đức Phật dạy có 4 thiên sứ, hoặc 5 thiên sứ. Xem [308].

[140] Ba hạng chư thiên (Deva):

1. Chư thiên định danh (Sammatideva), là chư thiên định đặt danh xưng, ám chỉ các vị vua chúa, như vua được gọi thiên tử v.v...

2. Chư thiên hóa sanh (Upapattideva), là chỉ cho các vị trời, những chúng sanh do nhờ phước lớn mà sanh trong các cõi an lạc hơn cõi nhân loại.

3. Chư thiên thanh tịnh (Visuddhideva), là chỉ cho bậc A-la-hán Toàn giác, Độc giác và Thinh văn giác, là những bậc thanh cao, sống an lạc không phiền lụy như chư thiên.

Nd2 307; Kh A.123.

[141] Ba hạng con (Putta):

1. Con hơn cha mẹ (Atijātaputta), tức là hạng con giỏi hơn cha mẹ về tài năng, tốt hơn về đức hạnh. Cũng gọi là abhijātaputta.

2. Con bằng cha mẹ (Anujātaputta), tức là hạng con có tài đức ngang bằng cha mẹ.

3. Con thua cha mẹ (Avajātaputta), tức là hạng con kém hơn cha mẹ về tài đức.

It.62

[142] Ba phước nghiệp sự, ba việc tạo phước (Puññakiriyāvatthu):

1. Bố thí thành (Dānamaya) bằng cách bố thí tạo ra phước vật chất.

2. Trì giới thành (Sīlamaya) bằng cách giữ giới tạo ra phước đức.

3. Tu tiến thành (Bhāvanāmaya) bằng cách tu tập tâm theo pháp thiền định mà tạo ra phước trí.

Phước nghiệp sự giải theo chánh tạng có ba điều như thế nhưng giải theo tập sớ thì có được mười điều. Xem [469] mười phước nghiệp sự.

D.III.218; A.IV.239; It.51

[143] Ba sự phân phối tài sản hợp lý (Bhogavibhāga):

1. Một phần để chi dụng (Ekena bhoge bhuñjeyya), tức là một phần tư tài sản dùng để nuôi sống bản thân, nuôi gia đình và giúp đỡ quyến thuộc.

2. Hai phần để thực hiện cuộc sống (Dvīhi kammaṃ payojage), tức là dùng hai phần tư tài sản để làm vốn đầu tư mua bán hoặc kinh doanh nghề nghiệp.

3. Một phần dùng để dự phòng (Catutthañca nidhāpeyya), tức là một phần tư tài sản còn lại cất giữ để phòng hữu sự, hoặc để làm các công đức.

D.III.188.

[144] Ba pháp thương nhân (Pāpaṇikadhammā):

1. Có mắt (Cakkhumā), nghĩa là người buôn bán phải có cái nhìn tinh tế, biết xem hàng hóa tốt xấu, biết mặt hàng tiêu thụ nhanh chậm trên thị trường.

2. Quán xuyến (Vidhūro), nghĩa là người buôn bán phải rành cách mua bán vào ra, biết rõ nhu cầu của thị trường, nắm vững những biến động kinh tế để kịp thời đối phó.

3. Được tín nhiệm (Nissayasampanno), nghĩa là người buôn bán phải có uy tín với khách hàng, phải được sự tín nhiệm và sự ủng hộ của người có thế lực.

Người buôn bán phải có đủ ba chi phần này nhất định sẽ thành đạt trong việc thương mãi.

Đức Phật thí dụ ba chi phần này với ba chi phần giúp vị tỳ-kheo tu tập thành đạt:

a) Tỳ-kheo có mắt (Cakkhumā), tức là phải có trí tuệ thấy rõ bốn thánh đế.

b) Tỳ-kheo quán xuyến (Vidhūro), tức là phải chuyên cần tinh tấn, bất thối trong thiện pháp.

c) Tỳ-kheo được tín nhiệm (Nissayasampanno), tức là phải có uy tín về khả năng hướng dẫn pháp luật, được các bạn đồng phạm hạnh y chỉ để nhờ chỉ dạy giải nghĩa những nghi vấn liên quan giáo lý.

A.I.116.

[145] Ba sự kiêng tránh, sự ngăn chặn điều ác (Virati):

1. Kiêng tránh do đối đầu (Sampattavirati), tức là do hoàn cảnh không thể làm ác; hoặc khi gặp cảnh ngộ bèn suy xét đến danh dự bản thân hay danh tự gia tộc mà không làm điều quấy. Sự kiêng tránh này không phải trì giới hạnh, vì không có tác ý trước.

2. Kiêng tránh do tuân thủ (Samādānavirati), tức là do thọ trì giới luật, mà ngăn chận điều ác, sự kiêng tránh có tác ý trước.

3. Kiêng tránh do đoạn trừ (Samucchedavirati), cũng gọi là sự kiêng tránh do nhổ bỏ (Setughātavi-rati), tức sự ngăn trừ ác hạnh của bậc đã chứng thánh đạo, các vị ấy đã đoạn tuyệt điều ác, nhổ bứng gốc phiền não nên không còn làm điều ác nữa.

Hai điều kiêng tránh 1và 2 là sự kiêng trừ không chắc chắn, chỉ có điều thứ ba là sự kiêng tránh chắc chắn.

DA.I.305; KhA.142; Dhs A.103.

[146] Ba sự viễn ly (Viveka), sự tách lìa, sự độc cư:

1. Thân viễn ly (Kāyaviveka), tức là sự tách biệt hội chúng, sống xa lìa sự ồn ào, sống ở nơi vắng vẻ, sống đơn độc.

2. Tâm viễn ly (Cittaviveka), tức là tâm vắng lặng, tâm lìa khỏi triền cái, tâm ly khai phiền não. Tâm thiền chứng và tâm thánh đạo, thánh quả được gọi là tâm viễn ly.

3. Sanh y viễn ly (Upadhiviveka), tức là sự tách ra khỏi sanh hữu, đoạn trừ tái sanh. Sanh y viễn ly là trạng thái níp-bàn.

Nd1. 26,140,157,314.

[147] Ba lý do để nhiệt tâm (Ātappakaraṇīyaṭhāna):

1. Cần nhiệt tâm để làm không sanh pháp bất thiện (Akusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya ātap-paṃ karaṇīyaṃ).

2. Cần nhiệt tâm để làm cho sanh các thiện pháp (Kusalānaṃ dhammānaṃ uppādāya ātappaṃ karaṇīyaṃ).

3. Cần nhiệt tâm để chịu đựng các khổ thọ (Vedanānaṃ dukkhānaṃ adhivasanāya ātappaṃ ka-raṇīyaṃ).

A.I.153

[148] Ba yếu tố thiết thực để tạo phước thí (Puññasammukhībhāva):

1. Có mặt niềm tin (Saddhāya sammukhī bhāvā), tức là khi đang xuất hiện đối tượng thí, người ấy phải có niềm tin như lý nghiệp báo, tịnh tín tam bảo v.v... như vậy mới sẵn sàng để tạo phước cúng dường.

2. Có sẵn vật thí (Deyyadhammassa sammukhī bhāvā), tức là lúc muốn làm phước thí phải có trong tay vật để bố thí cúng dường như thức ăn, thứ uống y phục v.v... như vậy mới thực hiện việc bố thí được.

3. Có hiện diện đối tượng thí (Dakkhiṇeyyānaṃ sammukhī bhāvā), tức là lúc bố thí phải có người thọ thí. Ở đây khi nói đến công đức cúng dường thì đối tượng thí nên hiểu là bậc đáng cúng dường: như có vị tỳ-kheo, hay tăng chúng, hay bậc thánh nhân v.v... như thế mới thành tựu phước thí được.

A.I.150

[149] Ba dấu hiệu người ngu (Bālanimitta):

1. Suy nghĩ với tư tưởng xấu (Duccintitacintī hoti).

2. Nói lời nói xấu (Dubbhāsitabhāsī hoti).

3. Làm việc làm xấu (Dukkatakammakārī hoti).

M.III. Bālapaṇḍita sutta,163.

[150] Ba dấu hiệu người trí (Paṇḍitani-mitta):

1. Suy nghĩ với tư tưởng thiện (Sucintitacintī hoti).

2. Nói lời nóithiện (Subhāsitabhāsī hoti).

3. Làm việc làm thiện (Sukatakammakārī hoti).

M.III.Bālapaṇḍitasutta,170.

[151] Ba sự kiện biết người có lòng tin (Saddhaṭhāna):

1. Muốn gặp bậc giới hạnh (Sīlavantānaṃ das-sanakāmo hoti).

2. Muốn nghe chánh pháp (Saddhammaṃ sotu- kāmo hoti).

3. Vui thích phân chia bố thí (Dānasaṃvibhāga-rato hoti).

A.I.150

[152] Ba danh hiệu gọi cha mẹ (Mātāpitu-adhivacanaṃ):

1. Danh hiệu Phạm thiên (Brahmā'ti adhivacanaṃ), vì cha mẹ luôn luôn có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả với con cái như vị trời Phạm thiên có 4 vô lượng tâm.

2. Danh hiệu Tiên sư (Pubbācariyā'ti adhivacanaṃ), vì cha mẹ là người dạy dỗ con cái trước tiên trong cuộc đời của chúng.

3. Danh hiệu bậc Ưng cúng (Āhuneyyā'ti adhivacanaṃ), vì cha mẹ có công sanh thành, rất xứng đáng được con cái cúng dường phụng dưỡng.

A.I.132

[153] Ba sự kiêu mạn (Mada):

1. Kiêu mạn tuổi trẻ (Yobbanamado)

2. Kiêu mạn sức khỏe, vô bệnh (Ārogyamado).

3. Kiêu mạn sự sống (Jīvitamado).

Do kiêu mạn như vậy nên chúng sanh không biết thức tỉnh tu tập, chỉ làm điều ác hạnh.

A.I.146

[154] Ba loại tịnh chỉ (Samatha), pháp vắng lặng, diệt tắt:

1. Tâm tịnh chỉ (Cittasamatha), là trạng thái vắng lặng của tâm, trạng thái tâm thiền định, vì tịnh chỉ năm triền cái, hoặc đây là sự an trú trong bát định (Samāpatti). Xem [417] tám thiền nhập.

2. Tranh sự tịnh chỉ (Adhikaraṇasamatha), là sự diệt tắt các vụ tố tụng, có 7 pháp tịnh chỉ tranh sự. Xem [395] bảy pháp diệt tranh.

3. Chư hành tịnh chỉ (Sabbasaṅkhārasamatha), là sự vắng lặng pháp hữu vi, làm cho đoạn diệt ngũ uẩn không còn sanh khởi nữa. Đây chỉ cho níp-bàn.

Atthasalinī.

[155] Ba cảnh cận tử (Āsannārammaṇa), đối tượng tiềm thức khởi lên lúc gần chết:

1. Cảnh nghiệp (Kammārammaṇa), là gần lâm chung trạng lại cảnh hành động mà bình sinh người ấy quen làm.

2. Cảnh nghiệp tướng (Kammanimittāramma-ṇa), là gần lâm chung có thể hiện lên cảnh tượng đồ vật liên quan đến hành vi đã làm. Như thợ săn thấy cung tên, người Phật tử thấy tượng Phật, nhang đèn v.v...

3. Cảnh thú tướng (Gatinimittārammaṇa), là gần lâm chung có thể bị ám ảnh bởi cảnh tượng liên quan cõi tái sanh. Như người ác sẽ thấy lửa địa ngục, người thiện thấy đền đài thiên cung v.v...

Comp.397

[156] Ba sự tầm cầu (Esanā), sự tìm kiếm:

1. Dục cầu (Kāmesanā), tức là sự tìm kiếm năm món dục lạc để hưởng thụ.

2. Hữu cầu (Bhavesanā), tức là sự mong tìm cảnh giới tái sanh.

3. Phạm hạnh cầu (Brahmacariyesanā), tức là sự mong mỏi giải thoát, tầm cầu níp-bàn.

D.III.277;Vbh.936.

[157] Ba gánh nặng (Bhāra):

1. Gánh nặng ngũ uẩn (Khandhabhāra), gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức là quả luân hồi hằng bị áp bức bởi vô thường, khổ não và vô ngã, nên được xem là gánh nặng.

2. Gánh nặng phiền não (Kilesabhāra), gồm tất cả phiền não, nhất là phiền não luân hồi trong duyên sinh: vô minh, ái, thủ. Là yếu tố dẫn đi luân hồi, tạo ra sự phiền toái, nên được xem là gánh nặng.

3. Gánh nặng thắng hành (Abhisaṅkhārabhāra), là phúc hành, phi phúc hành và bất động hành, thuộc nghiệp luân hồi, là pháp tạo ra quả luân hồi, nên được xem là gánh nặng.

Ps. Mahāvigūhasuttaniddesa.

[158] Ba loại dục (Chanda), sự mong muốn, sự ước mong:

1. Ái dục (Taṇhāchanda), tức là sự mong muốn dính mắc, sự mong muốn thuộc về tham ái.

2. Pháp dục (Dhammachanda), tức là sự mong muốn thuộc thiện pháp, sự mong mỏi làm điều lành, mong mỏng việc tu tập.

3. Tác dục (Kattukamyatāchanda), tức là sự mong muốn thuộc duy tác, sự muốn không thiện, không bất thiện, như vị A-la-hán muốn đi, muốn đứng, muốn nằm, muốn ngồi, muốn thuyết pháp v.v...

Comp. 112.

[159] Ba nghiệp uy lực (Mahiddhikakamma)

1. Bố thí (Dāna), là một nghiệp công đức tạo ra quả có uy lực lớn.

2. Điều phục (Dama), là một nghiệp công đức tạo ra quả có uy lực lớn.

3. Chế ngự (Saññama), là một nghiệp công đức tạo ra quả có uy lực lớn.

IT.14.

[160] Ba sự kiện khuất lấp (Paṭicchanna):

1. Nữ nhân (Mātugāmo). Người nữ thường có cử chỉ kín đáo, lời nói kín đáo, không lộ liễu như người nam.

2. Chú thuật của Bà-la-môn (Bramaṇamantā). Bùa chú thường là huyễn hoặc, bí mật, không được giải thích làm sáng tỏ.

3. Tà kiến (Micchādiṭṭhi). Tà kiến là sự chấp sai phi lý, không căn cứ, không thể luận giải trình bày để làm minh bạch.

A.I.282

[161] Ba đức tính người bạn đáng thân cận (Sevitabbamitta):

1. Cho vật khó cho (Duddadaṃ dadāti), tức là bố thí cao thượng.

2. Làm điều khó làm (Dukkharaṃ karoti), tức là làm được điều cao quí mà khó ai làm được.

3. Nhẫn việc khó nhẫn (Dukkhamaṃ khamati), tức là có nghị lực chịu đựng nghịch cảnh mà khó ai chịu đựng được.

A.I.286

[162] Ba hành lộ (Paṭipadā), con đường đi, đường lối thực hành:

1. Thâm cố đạo lộ (Āgāḷhā paṭipadā), là con đường trụy lạc, sống lợi dưỡng, sống đắm say trong dục lạc.

2. Kịch khổ đạo lộ (Nijjhamā paṭipadā), là con đường khắc khổ, sống khổ hạnh, hành khổ thân thể.

3. Trung đạo lộ (Majjhimā paṭipadā), là con đường giữa, không cực đoan, tức là thực hành tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo.

A.I.295.296

[163] Ba hạnh viễn ly trong pháp luật này (Dhammaviyanapaviveka):

1. Viễn ly ác giới (Dussīlena vivitto hoti), là có giới hạnh, từ bỏ ác giới.

2. Viễn ly tà kiến (Micchādiṭṭhiyā vivitto hoti), là có chánh kiến, từ bỏ tà kiến.

3. Viễn ly lậu hoặc (Āsavehi vivitto hoti), là đoạn tận các lậu hoặc, thoát khỏi các lậu hoặc.

A.I. 242

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục |
Một Pháp: 1-10 | Hai Pháp: 11-71 | Ba Pháp: 72-163 | Bốn Pháp: 164-259 | Năm Pháp: 260-337 |
Sáu Pháp: 338-369 | Bảy Pháp: 370-398 | Tám Pháp: 399-423 | Chín Pháp: 424-442 | Mười Pháp: 443-476 |
Trên Mười Pháp: 477-497

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác Giới và Tỳ khưu Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2002, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005