BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo
Gems of Buddhist Wisdom
Thích Tâm Quang dịch


(VI)

TỔNG QUÁT


23

CON ÐƯỜNG PHẬT GIÁO ÐI ÐẾN ỔN ÐỊNH KINH TẾ

Hòa Thượng Pannasha Maha Nayaka Thera

Chữ "Manussa", con người, có nhiều nghĩa khác nhau theo từ nguyên học đặt ra bởi những học giả đông phương trong quá khứ. Trong khi theo đại chúng và truyền thống tổng quát của người Ấn Ðộ truy nguyên từ chữ "Manu" tức huyền thoại tổ tiên của loài người, trong kinh điển Phật Giáo tìm thấy nguồn gốc từ 'mannasa-ussannataya-manussa' - con người vì lẽ do sự phát triển cao độ của tâm (so với tình trạng tinh thần kém mở mang, thô sơ và thấp kém của loài vật). Theo tư tưởng Phật Giáo con người được xếp hạng là chúng sinh cao nhất do tiềm năng rộng lớn của tâm con người.

Kautilya's Arthasastra và Brhaspati's Arthasastra - hai chuyên luận nổi tiếng về kinh tế - cả hai đều được viết sau đời Ðức Phật. Cả hai đều có nét đặc biệt chung - và đó là - dưới nhan đề 'Arthasastra', cả hai tác giả đều viết về chính trị và kinh tế, bỏ qua yếu tố quan trọng nhất của đạo đức và mở mang tinh thần của chính con người.

Theo ngôn ngữ Pali, 'attha' (Sanskrit: 'artha') - có nhiều hơn một nghĩa theo Phật Giáo, từ này có nghĩa thành công được dùng trong hai mức khác nhau, có nghĩa là attha' nghĩa thành công, và uttammastha' có nghĩa thành công siêu phàm. Nghĩa sau liên quan đến sự phát triển trí tuệ và tinh thần của con người do kết quả nhận thức rõ kiến thức siêu trần của Tứ Diệu Ðế trong việc chinh phục cái ngã và đạt mức độ tinh thần toàn hảo A La Hán.

Nói chung, từ 'Attha' là thành công liên quan đến nhiều khía cạnh của sự phát triển xã hội-kinh tế của con người như kinh tế, chính trị, giáo dục, sức khỏe, luật lệ và luân lý trong xã hội. Nó cũng nói đến sự tiến bộ xã hội do sự thống nhất hòa hợp của tất cả các yếu tố trên, đóng góp cho sự thịnh vượng và sự chung sống hòa bình của một dân tộc.

Ngoại trừ trường hợp quản trị hợp pháp của Ðoàn Thể Tăng Già, không có bài giảng nào của Ðức Phật đề cập chủ đề trên từ những yếu tố về sự tiến bộ xã hội. Tuy nhiên đọc qua một số bài giảng (hay Kinh) có thể triển khai quan điểm hoàn toàn phù hợp và đầy đủ lập trường của Ðức Phật về mỗi chủ đề trên lấy ra từ nhiều bài thuyết giảng của Ngài. Một hệ thống kinh tế xã hội căn cứ vào nguyên tắc và thực hành Phật Giáo rất dễ dàng hình thành để phù hợp với xã hội tiến bộ hiện đại ngày nay.

Trong thời gian gần đây, nhiều sách đã được viết về đề tài kinh tế và lý thuyết kinh tế, tất cả đều từ quan điểm Tư Bản hay Xã Hội chủ nghĩa. Không có một hệ thống nào lưu ý đến hay xét đến sự phát triển nội tâm của con người, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội. Vậy nên đã có sự hủy diệt nhanh chóng giá trị con người và tiêu chuẩn hành xử của tất cả tầng lớp trong xã hội. Khoa học và kỹ thuật đã đạt những bước tiến khổng lồ đem người lên cung trăng, và chẳng bao lâu nữa sẽ tiến tới đem con người viếng thăm những hành tinh khác. Nhưng những nỗi lo sợ là nếu cái đà thoái hóa của tinh thần tiếp tục thì không bao lâu không có thể phân biệt hành động của con người với hành động của con vật. Sự sợ hãi này không phải vô căn cứ. Quả thật là một thảm kịch lớn nếu con người quay về thú tính, dù chỉ ở một trong những khía cạnh của cách hành xử thuộc về những con vật thấp kém. Như vậy, điều thế giới ngày nay cần là một hệ thống kinh tế xã hội vững vàng mang lại vị trí cao nhất cho việc phát triển tinh thần con người và việc trau dồi giá trị nhân loại.

Ðức Phật sống trong một xã hội hỗn độn và rối rắm bởi 62 quan điểm bất đồng và 108 loại tham dục. Có hàng trăm người đi tìm lối thoát khỏi những quan điểm rrối rắm này. Một dịp, Ðức Phật nhận được câu hỏi sau: (Kinh Jataka)

"Bên trong rối rắm và bên ngoài rối rắm -
Thế giới này rối rắm trong một mớ rối,
Ai là người thành công gỡ được mớ rối này?"

Ðức Phật giải thích tất cả những rối rắm này đều có tâm như người đi trước báo hiệu:

"Khi người trí, gây dựng tốt trong đức hạnh,
Phát triển ý thức và hiểu biết,
Khi một tỳ kheo hăng hái và khôn ngoan.
Người như vậy thành công trong việc gỡ rối này."

Nhận thức được sự quan trọng của những yếu tố bên ngoài trong nỗ lực của con người về việc tự mình gỡ rối từ mớ rối nội tâm, Ðức Phật đưa ra nhiều bài thuyết giảng về những phương cách và phương tiện để khắc phục rối rắm bên ngoài. Một số giáo lý của Ngài chỉ có ý nghĩa với các thầy tỳ kheo. Một số những giáo lý khác chỉ có nghĩa với các người cư sĩ. Phần còn lại có ý nghĩa cả với các thầy tỳ kheo và cư sĩ, măc dù trong trường hợp cuối cùng, bài giảng trực tiếp nhắm vào các tỳ kheo. Trong một bài giảng, Ngài chấp thuận cho các tỳ kheo được nhận bốn món vật dụng cần thiết, đó là y áo, thực phẩm nơi nghỉ và thuốc men. Con người có thể sống không có những máy móc hiện đại ngừa thai, nhưng để đời sống tiếp tục, bốn thứ cần dùng này rất thiết yếu. Tài sản cho một người để có bốn thứ tất yếu đó và đạt được những nhu cầu khác.

Con Ðường Cao Quý Bát Chánh Ðạo được sắp xếp vào giá trị chính đáng, hành động chính đáng, giúp con người đạt cứu cánh cao nhất. Về ổn định kinh tế và hạnh phúc, hệ thống Phật Giáo nhấn mạnh đến ba yếu tố trong kinh Vyaggapajja:

1. Uthana Sampada - Tạo dựng của cải do khéo léo và nỗ lực nghiêm túc.
2. Arakkha Sampada - Bảo vệ của cải và tiết kiệm
3. Samajivikata - Sống trong phạm vi khả năng của mình.

1. Utthana Sampada -

Khi khuyến khích tạo dựng của cải, Ðức Phật nhắc nhở đến sáu công việc thịnh hành lúc bấy giờ:

1. Nông nghiệp
2. Thương mại
3. Chăn nuôi trâu bò
4. Quốc phòng
5. Công chức
6. Dịch vụ

Ấn Ðộ là một xứ nông nghiệp chiếm ưu thế. Cho nên trong các bài thuyết giảng nói đến nông nghiệp. Chẳng hạn trong Kinh Sadapunnappava-ddhana, có ghi cung cấp phương tiện dễ dàng tiến dẫn thủy nhập điền luôn có công đức. Trong Kinh Samyutta Nikaya ghi nhận tài sản vĩ đại nhất cho nông nghiệp là trâu bò, trong khi Kinh Nipatta, trâu bò cho con người sữa, bơ lỏng, sữa đông đặc, bơ và sữa nước, nhiều dinh dưỡng giá trị, được mô tả như những người bạn tốt nhất của xứ sở. Trong những nước đang phát triển, nước và năng lượng lấy ra do trâu bò cung cấp là những nhu cầu căn bản cho nông nghiệp.

Trong bài thuyết giảng về hạnh phúc cho người cư sĩ (gia đình và xã hội) (Gahapati Sukha), trước nhất ghi sự thỏa mãn của người cư sĩ bắt nguồn từ sự sở hữu của cải bằng các phương tiện chính đáng (atthi sukha). Tuy nhiên, Ðức Phật cảnh cáo con người đừng nên có khuynh hướng trở nên nô lệ trong việc tích lũy của cải vì lợi ích cho riêng mình. Việc này sẽ dẫn đến khổ đau vật chất và tinh thần sau này. Phương tiện đủ cho cuộc sống của mình và gia dình, giúp đỡ thân quyến và bạn bè, và phân phát cho những người thiếu thốn và những người đáng được giúp đỡ, sẽ dẫn đến sự mãn ý và thỏa mãn nội tâm. Việc làm này đưa đến kết quả mở mang trí tuệ và tinh thần cho con người.

Trong kinh 'Kutadanta' Ðức Phật cho thấy hòa bình, thịnh vượng, không có tội ác đến với một xứ sở ra sao, do sự phân phát đồng đều của cải cho dân chúng.

Ngài nói: 'Này các Bà La Môn, xưa kia có một vị Vua tên là Vua Vương Quốc Rộng Lớn (Maha Vijita), hùng mạnh với của cải vĩ đại và tài sản rất nhiều vàng bạc đầy kho, cận thần vui vẻ, hàng hóa và ngũ cốc, kho báu và kho vựa đầy ắp. Nhà Vua ngồi một mình suy nghĩ và trở nên lo lắng với ý nghĩ: "Ta có mọi thứ mà con người có thể vui hưởng. Tất cả cái vòng tròn rộng lớn của trái đất này là của ta, của cải do ta chiến thắng. Vậy thì nếu ta chịu một sự hy sinh to lớn đem dâng hiến, ắt hẳn bảo đảm cho ta niềm sung sướng và hạnh phúc dài lâu"'.

Thế rồi ông cho gọi vị giáo sĩ người Bà La môn và nói với vị giáo sĩ này tất cả những gì ông nghĩ. Ông nói: "Này Ông Bà La Môn, ta đành phải hy sinh lớn để hiến dâng - vậy giáo sĩ hãy chỉ cho ta phải làm sao - để có thể giữ của cải và hạnh phúc của ta lâu dài".

Người Bà La Môn này, tức vị giáo sĩ liền thưa với vị hoàng đế: "Thưa Ngài, nước của Ngài bị quấy phá và cướp bóc. Có những giặc cướp có vũ trang từ ngoài nước đến cướp phá làng mạc và thành thị, gây mất an ninh trên các con đường. Thế mà bấy lâu, Hoàng thượng vẫn để nguyên, lại còn đánh thuế mới, quả thực Hoàng thượng đã hành động sai. Nhưng có lẽ Hoàng thượng nên nghĩ như thế này: Ta sẽ chấm dứt những trò chơi của các kẻ vô lại này bằng cách làm suy giảm và xua đuổi chúng, bằng phạt vạ, gông cùm và tử hình! Nhưng sự phóng túng của chúng đâu có được thỏa mãn để làm như vậy. Những đứa còn lại chưa bị trừng phạt vẫn có thể đe dọa vương quốc. Nay có một phương pháp có thể áp dụng để chấm dứt sự lộn xộn này. Bất cứ ai trong vương quốc của Ngài tự tận tụy giữ trâu bò và nông trại, Hoàng đế cho họ thực phẩm và hạt giống ngũ cốc. Bất cứ ai trong vương quốc của Ngài, tự tận tụy trong nghề buôn bán, hoàng đế hãy cấp cho họ tiền bạc và thực phẩm. Những người ấy có thể theo đuổi nghề nghiệp, họ sẽ không còn đe dọa vướng quốc của Ngài nữa; thu thập của nhà vua sẽ tăng trưởng; nước sẽ thanh bình và an lạc, và dân chúng, người người đều vui vẻ với nhau và hạnh phúc, bế con trong tay mà múa hát, sống trong nhà cửa mở toang.

Này Ông Bà la môn, nhà Vua Vương Quốc Rộng Lớn, chấp nhận lời của Vị Giáo Sĩ và làm đúng như vị giáo sĩ ấy nói. Những người ấy theo đuổi nghề nghiệp của mình, không còn quấy rầy vương quốc. Thu thập của nhà vua tăng trưởng. xứ sở trở nên thanh bình và an lạc. Và dân chúng, người người vui vẻ với nhau sung sướng, bế con trong tay múa hát, họ vui sống trong nhà cửa mở toang.

Cho nên nhà Vua Vương Quốc Rộng Lớn cho gọi giáo sĩ và nói: "Sự lộn xộn nay đã chấm dứt. Nước nay trong an lạc! (- Ðối Thoại của Ðức Phật- Phần 1, trang 175 & 176).

2. Arakha Samapada

Ðiều này có nghĩa là hạnh phúc trần thế bắt nguồn từ sự bảo vệ liên tục của cải (đạt được chính đáng) khỏi trộm cướp, cháy, lụt vân vân... Bởi Ðức Phật đã tán dương đức hạnh cần kiệm, yếu tố này có thể được xem xét trong phần này.

Vay mượn thịnh hành trong thời Ðức Phật. Những người như Anathapindika (Cấp Cô Ðộc) là chủ ngân hàng thời bấy giờ. Kinh điển Phật Giáo nhắc đến ông ta cho nhà nước vay cũng như cho thường dân vay. Tuy nhiên, Phật Giáo không chấp thuận cho vay quá mức như một phương ngôn nói: "Vay mượn làm cùn lưỡi dao của nông nghiệp"- Ðức Phật tán thành một đời sống không nợ nần (anana sukha) dẫn đến hạnh phúc của người cư sĩ.

Trong Kinh Samanaphala, Ðức Phật so sánh Samanaphala (hay kết quả của đời sống ẩn dật) với hạnh phúc nơi một người mang nợ thoát khỏi nợ nần, và giúp đỡ gia đình con cái bằng tiền dành dụm của mình. Sự quan trọng của việc để dành tiền kiếm được được nhấn mạnh trong đường lối này. Nói chung Ngài hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng tiền kiếm được. Nhưng trong Kinh Sigalovada, Ngài đặc biệt khuyên nhủ Sigala, một trùm tư bản lớn, hãy chia tiền kiếm được ra làm bốn phần và tiêu một phần cho việc chi tiêu hàng ngày cho mình và gia đình. Hai phần đầu tư vào việc buôn bán, và phần thứ tư để dành một bên để sử dụng trong lúc khẩn cấp.

3. Samajivikata

Ðiều này là điều thứ ba trong ba nguyên tắc căn bản trong hệ thống kinh tế Phật Giáo. Một người nên tiêu vừa phải theo tỷ lệ lợi tức của mình, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trong bài thuyết giảng về hạnh phúc của người nội trợ, tiêu pha đúng cách và khôn ngoan là một trong bốn yếu tố dẫn đến hạnh phúc.

Trong kinh "Pattakamma" một người nên chi tiêu của cải của mình theo chi tiết như sau:

1. Chi tiêu về thực phẩm, quần áo và các nhu cầu khác
2. Nuôi cha mẹ, vợ con và người làm
3. Chi tiêu về thuốc thang và những trường hợp khẩn cấp khác
4. Chi tiêu về mục đích từ thiện
5. Chi tiêu để thi hành các việc sau

I. Ðối xử với thân quyến
II. Ðối xử với khách
III. Cúng dường để tưởng nhớ đến người đã khuất
IV. Dâng lễ vật cúng dường Chư Thiên
V. Trả thuế và lệ phí nhà nước đúng kỳ hạn.

Ðức Phật tán dương cuộc sống đơn giản, cuộc sống đơn giản dẫn đến việc mở mang tâm trí con người. Một xã hội tiến bộ là do tâm của cá nhân phát triển. Quản trị một xã hội như vậy dễ dàng hơn, khi luật lệ và trật tự được thiết lập tốt đẹp. Biết được như vậy, những nhà vua tại Sri Lanka quảng bá nhiều về nội dung của Kinh "Ariyavamsa". Trong kinh này, Ðức Phật thuyết giảng sự lợi ích cho các thầy tỳ-kheo, các thầy được khuyến khích mãn nguyện với:

1. Y áo mà các thầy nhận được (dù thô hay mịn màng)
2. Ðồ cúng dường (thực phẩm) các thầy nhận được (dù không ngon hay ngon)
3. Nơi ở mà các thầy nhận được (dù đơn sơ hay sang trọng)
4. Thiền (phát triển tâm)

Mãn ý với ba điều trên đây có thể làm giảm thiểu nền kinh tế khó khăn, và đồng thời in sâu vào tâm khảm những thói quen và giá trị của một cuộc sống đơn giản. Do thiền tâm con người tự phát triển cả trí tuệ lẫn đạo đức, kết quả sẽ làm giảm bớt những rối loạn và bất ổn xã hội, những tư tưởng này phát sinh trước tiên trong tâm con người rồi trở thành hành động. Hòa bình và tiến bộ của một nước như vậy được bảo đảm.

Trong thế giới hiện đại mặc dù tiến bộ rất cao về khoa học và kỹ thuật, với sự mở mang nhanh chóng về kiến thức, nhưng phát hiện thấy những sự sa đọa dẫn giá trị con người đang diễn ra. Ngày nay, chính trị, kinh tế, và hệ thống giáo dục là những thứ quan trọng hơn trong việc nước. Trong lãnh vực này, điều đáng xét là những hệ thống chính trị, kinh tế, giáo dục phải được thay đổi để ưu tiên phải là việc phát triển giá trị con người.

Phật Giáo là cả hai con đường giải phóng và lối sống. Về lối sống Phật Giáo tác động qua lại với kinh tế, chính trị, tín ngưỡng xã hội và sự tu tập của người dân. Bây giờ là lúc đúng nhất để cho thế giới biết một trong những khía cạnh xã hội trong phạm vi cơ cấu Ðạo Ðức Phật Giáo và nguyên tắc căn bản của Phật Giáo. Sự tiến bộ của một nước tùy thuộc chủ yếu vào sự tiến bộ của từng cá nhân. Trên 2500 năm trước đây, Ðức Phật sinh ra trong một xã hội phức tạp rối rắm trong nhiều quan điểm về đời sống và tư tưởng. Nhờ Phật Giáo có thể gỡ được sự rối rắm này về quan niệm và giảm thiểu sự rối loạn. Ngày nay cũng vậy, trong cái xã hội hỗn loạn này, niềm tin tưởng chung là Phật Giáo có thể chiếu sáng đường đi tới xuyên qua cái tăm tối của sự hỗn loạn ấy.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | Mục lục

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thích Tâm Quang, chùa Tam Bảo, California,
đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 11-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-11-2001