BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo
Gems of Buddhist Wisdom
Thích Tâm Quang dịch


13

MỤC ÐÍCH CỦA CUỘC ÐỜI

Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda

Mục đích của cuộc đời là gì? Ðó là một câu hỏi thông thường luôn luôn được người ta hỏi. Không dễ dàng gì có câu trả lời thỏa dáng cho câu hỏi có vẻ như tầm thường nhưng phức tạp này. Mặc dù một số người đã đưa ra một số trả lời theo cách nghĩ của họ, nhưng dường như câu trả lời không mấy thỏa mãn người trí thức. Lý do là họ không học hỏi để nhìn đời một cách khách quan và hiểu viễn ảnh thích đáng của cuộc đời. Họ đã tạo ra những tưởng tượng về cuộc đời theo sự hiểu biết hạn hẹp của họ. Ðồng thời chúng ta biết nhiều đạo sư, triết lý vĩ đại, thi sĩ nổi tiếng, và những nhà tư tưởng lớn, cũng không thỏa mãn về bản chất đời sống. Một số nói đời đầy khổ đau; bất trắc và bất toại nguyện. Một số nói: "Hay biết mấy nếu tôi không được sinh ra". Một số khác hỏi: "Tại sao chúng ta sinh ra cõi đời này để khổ đau mà không được gì?"

Theo như lời họ nói, chúng ta hiểu họ là những người biết cách nhìn đời một cách khách quan, đời thật đúng là thế. Nhưng người bình thường luôn luôn nhìn đời một cách hời hợt không phải đời đúng là vậy. "Ðời không phải là cái ta nghĩ về đời mà là cái chúng ta nghĩ trở thành đời" Ðó là lời của một nhà tư tưởng vĩ đại khác.

Một số người nói không có mục đích đặc biệt trong đời sống, nhưng đời có thể sử dụng vào bất cứ mục đích gì. Có một điều gì trong câu nói này cho chúng ta suy nghĩ khôn ngoan; muốn sử dụng đời cho mục đích đem lợi ích cho chúng ta và cho nhân loại thay vì làm phí phạm nó một cách khờ dại. Theo đường lối này, mục đích của cuộc đời có thể nói tùy thuộc vào đường lối ta điều khiển và sử dụng nó. Nếu ta sử dụng nó sai lầm vì vi phạm các đức tính thiện của con người, lạm dụng phẩm giá con người, và phạm phải các hành động sai trái chịu thua các nhược điểm cùa chúng ta, chúng ta không thể hoàn tất được điều đáng giá và cao quý về mục đích cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta hành động khôn ngoan và chu đáo bằng cách gìn giữ những nguyên tắc luân lý và đạo đức phổ thông, thực hành kiên nhẫn, khoan dung, tình cảm, nhũn nhặn và tử tế, tạo hiểu biết và phục vụ không vị kỷ, rèn luyện tâm trí để đạt trí tuệ, chúng ta có thể đạt điều cao quý và lợi ích cho tất cả vì mục đích cuộc đời. Những ai trau dồi những đức hạnh như vậy sẽ chứng nghiệm hòa bình, hạnh phúc, an ổn, thỏa mãn và tĩnh lặng. Ðời sẽ thật đáng giá - Phải là một niềm vui được sống trên đời!

Bản Chất Của Ðời Sống

"Ðời tự nó phí phạm trong khi chúng ta sửa soạn vào đời" một nhà trí giả nói vậy. "Bệnh tật, già nua, và khổ sở là giá ta trả để giữ thân xác như một cái nhà", một nhà trí giả khác nói như vậy. "Chúng ta phải trả nợ cái sợ hãi và lo âu để sống như một con người." Ðó là một câu khác do một nhà tôn giáo nói. Khi ta xét tất cả những quan điểm này, chúng ta tìm thấy bản chất của cuộc đời và phán đoán liệu có một mục đích nào trong cuộc đời không.

Nếu chúng ta chỉ thỏa mãn giác quan là mục đích của cuộc đời, chúng ta phải chuẩn bị đối đầu với những khó khăn phát sanh từ cái mà không ai vui hưởng dục lạc mà không đương đầu với khó khăn.

Mặc dù các khoa học gia đã khám phá ra nhiều thứ tuyệt vời trong vũ trụ, nhưng chính họ cũng không biết mục đích của cuộc đời.

Về cách cư xử của con người, một học giả viết: "Con người không phải là cái nó là, là cái không phải nó". Theo ông, con người không xử thế đúng như một "con người" thực sự. Theo Phật Giáo, con người không phải là một thực thể làm sẵn mà là một biểu cảm tồn tại theo nghĩa đen từng khoảnh khắc một trên cơ sở năng lượng. Một nhà học giả khác nói: "Không thể chữa khỏi sanh và tử, hãy vui hưởng giữa khoảng cách sanh và chết"

Chúng ta không thể hiểu được bản chất thực sự của đời sống do vô minh và tham ái mạnh mẽ. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải đau khổ nơi đây. Ðó là lý do tại sao khó khăn cho chúng ta xem có một mục đích rõ ràng trong đời sống hay không trên thế giới này và trong hình thái này.

Ðời sống được mô tả như một sự kết hợp của tâm và vật. Kết quả của sự kết hợp này, một chúng sanh hiện hữu và nó tiếp tục thay đổi cho đến khi tan rã. Tuy nhiên, khởi đi từ năng lượng tinh thần rồi lại kết hợp với các thành phần hay vật chất tái xuất hiện dưới nhiều hình thức và bầu trời khác nhau theo đời sống phù hợp với bản chất của tiền kiếp. Sự tiếp tục của dòng suối đời cứ thế tiếp tục mãi mãi bao lâu mà nghiệp lực và tham sống vẫn còn.

Năm Uẩn

Theo Pháp, đời sồng gồm năm uẩn. Chúng là Sắc, Thọ, Tưởng Hành, và Thức. Bốn thành phần là chất đặc (đất), chất lỏng (nước), hơi nóng (lửa), và chuyển động (gió) gồm trong sắc (vật chất). Sắc cùng bốn yếu tố tinh thần nói trên là thọ, tưởng hành, thức cùng nhau kết hợp thành đời sống. Bản chất thực sự của năm uẩn này được giải thích trong giáo lý của Ðức Phật như sau: Sắc tương đồng với một đống bọt biển, thọ như bọt nước, tưởng mô tả như ảo ảnh, hành như cây chuối và thức như một ảo tưởng. Với cách lý giải đời sống như thế, khó có thể xác quyết sự thực hay mục đích của đời sống như đã được tạo nên.

Sự phân tích đời sống là một thách thức to lớn đối với nhiều triết gia và niềm tin tôn giáo thời đại. Không có thứ gì là đời sống vĩnh viễn hiện hữu mà không có thay đổi và tan rã. Xác thân chẳng là gì cả, chỉ là một tổng hợp trừu tượng cho một hỗn hợp luôn luôn thay đổi của thành phần hóa chất cấu tạo. Con người bắt đầu nhìn thấy đời mình như một giọt nước trên một dòng sông đang chảy và vui mừng đóng góp phần mình vào dòng sông đời vĩ đại.

Một Thế Giới Của Sóng

Phân tách khoa học về vũ trụ cho thấy thế giới không là gì cả mà là một sự tiếp tục vận hành không ngưng nghỉ. Tiến Sĩ Einstein nói "Tất cả vật chất được tạo thành bởi sóng và chúng ta sống trong một thế giới sóng"

"Chúng ta là một phần của những sóng như thế
Nếu một người có thể nhận thức được:
Tình trạng xác thân của mình,
cảm nghĩ của mình,
tình trạng của tâm và
tình trạng của các đối tượng tinh thần,
sự nhận thức như trên sẽ dẫn người đó khám phá ra vấn đề liệu có hay không mục đích của cuộc đời".

Bạn Hãy Tự Thay Ðổi

Bạn có thể kiện toàn bằng cách thay đổi thế giới không? Không bao giờ. Bạn chỉ có thể cảm thấy cái cao ngạo của bạn và xoa dịu tính ích kỷ của bạn. Bạn sẽ bị ràng buộc bởi bánh xe luân hồi. Nhưng bằng cách bạn tự thay đổi, bằng cách nhận thức được bản chất của cái ta nhờ tự buông bỏ, tự kỷ, tự nỗ lực bạn có thể thành người hoàn toàn. Bằng việc thành công toàn hảo như vậy, bạn đền đáp nhân loại bằng sự phục vụ cao cả nhất. Tấm gương của bạn sẽ truyền cảm hứng cho người khác và họ cũng sẽ theo bạn và hoàn thành mục tiêu cuộc đời.

Con người ngày nay là kết quả của cả triệu tư tưởng và hành dộng trong quá khứ. Con người không phải được làm sẵn; họ bắt đầu và tiếp tục bắt đầu. Tính nết của con người được xác định bởi sự suy tư của chính mình. Con người không hoàn hảo do bản chất, con người phải tự rèn luyện để trở nên hoàn hảo.

Ðời sống không phải chỉ thuộc về loài người thôi. Nhiều dạng thức sống khác hiện hưũ trong vũ trụ. Tuy nhiên loài người biết suy nghĩ nhiều hơn và có khả năng lý luận. Trong phương diện ấy, con người cao hơn chúng sinh khác vì có trí thông minh để xây dựng cuộc đời, để thoát khỏi đau khổ trần thế. Cho nên nếu mục đích cuộc đời là chỉ để quét sạch đau khổ, con người có thể đạt cứu cánh ấy do nỗ lực của chính mình. Nhưng đời sẽ là sự thất bại nếu không được sử dụng thích đáng.

Ðức Phật nhấn mạnh đến phẩm giá con người và giảng dạy về giá trị con người. Ngài vẽ một bức tranh toàn hảo về con người, phấn đấu và tranh đấu hết đời này đến đời khác trong việc tìm cầu toàn hảo.

Ðời sống là một kinh nghiệm độc đáo. Không thể lấy gì để so sánh được, không thể đo lường giá trị của nó đối với những thứ khác, và tiền bạc không thể mua được nó. Nhiều người chưa biết phải làm gì với 'hạt ngọc vô giá này'. Nơi đây đời sống không có nghĩa chỉ là xác thân vật chất hay giác quan mà là trí thông minh con người.

Bốn Hạng Người

Ðức Phật phân chia tất cả nhân loại thành bốn nhóm:

* Những người làm việc vì lợi ích của chính mình, mà không vì lợi ích của người;
* Những người làm việc vì lợi ích của người mà không vì lợi ích của mình;
* Những người không làm việc vì lợi ích của mình và cũng chẳng làm việc vì lợi ích của người;
* Và những người làm việc vì lợi ích của mình và cũng làm việc vì lợi ích của người.

Ai là người chỉ làm việc vì lợi ích của mình mà không làm việc vì lợi ích của người? Ðó là người chỉ phấn đấu loại bỏ tham, sân si cho chính mình, mà không khuyến khích người khác loại bỏ tham sân si và cũng không làm gì phúc lợi cho người khác.

Ai là người chỉ làm việc vì lợi ích cho người mà không làm việc vì lợi ích của mình? Ðó là người khuyến khích người khác loại bỏ nhược điểm con người và phục vụ cho họ nhưng không tự tranh đấu để loại bỏ nhược điểm của chính mình.

Ai là người không làm việc vì lợi ích của chính mình và cũng chẳng làm việc vì lợi ích của người? Ðó là người không tranh đấu để loại bỏ nhược điểm của chính mình và cũng chẳng khuyến khích người khác bỏ các nhược điểm và cũng không phục vụ người .

Ai là người làm việc vì lợi ích của chính mình và làm việc vì lợi ích của người? Ðó là người tranh đấu để loại bỏ tư tưởng tội lỗi trong tâm của mình, đồng thời giúp người khác làm điều thiện.

Ðời Là Khổ Ðau

Nếu chúng ta suy ngẫm sâu xa, chúng ta phải đồng ý với khái niệm đời là khổ đau. Chúng ta đau khổ cả thể chất lẫn tinh thần ở bất cứ lúc nào. Ta có thể tìm được người nào trên thế giới này thoát khỏi được cái đau đớn thể chất và tinh thần không? Quả là khó khăn. Cả đến những người đạt tới bậc thánh cũng không thoát khỏi cái đau đớn thể xác chừng nào mà họ còn mang xác thân vật chất.

Nếu có ai hỏi: "Ðiều gì bất trắc nhất trên thế giới này?" - Câu trả lời đúng phải là: "Ðời là điều bất trắc nhất". Tất cả mọi thứ ta làm trên cõi đời này là để thoát khỏi khổ đau và cái chết. Nếu chúng ta buông lung chỉ một giây, cũng thừa đủ để chúng ta mất nó. Hầu hết tất cả những thói quen hàng ngày như làm việc, ăn, uống, dùng thuốc men, ngủ và đi lại là những phương cách và phương tiện áp dụng bởi chúng ta để tránh khổ đau và cái chết. Mặc dù thỉnh thoảng chúng ta kinh qua một vài lạc thú trần tục thỏa mãn ham thích của mình nhưng ngay sau đó chính lạc thú ấy có thể biến thành khổ đau. Cho nên kho tàng hòa bình và hạnh phúc cao quý không cần thiết phải ở trong tay người giàu có mà nơi con người từ bỏ trần tục.

Tất cả mọi thứ trong đời sống của chúng ta đều phải thay đổi và bất toại nguyện. Do đó Ðức Phật đã giải thích chừng nào mà ta còn tham dục lạc trần thế hay ham muốn sống thì chúng ta không thể tránh khỏi khổ đau thể chất và tinh thần. Ham muốn rất quan trọng cho cuộc sống. Khi cuộc sống hiện hữu, khổ đau không tránh được.

Nhiều người tìm kiếm một đời sống bất diệt, nhưng trớ trêu thay những người đi tìm cái bất tử này lại thấy rằng đời đáng chán đến nỗi họ không biết làm gì để qua ngày! Theo Ðức Phật, cái tham về bất tử này là một trong những nguyên nhân của tư tưởng ích kỷ và sợ chết.

"Thật dễ dàng ta vui vẻ
Khi đời trôi chảy như bài ca
Nhưng người thật xứng đáng
là người có thể mỉm cười
dù đời đi vào vô vọng".

Cái hạnh phúc bé nhỏ này được bảo đảm giữa nhiều bất mãn, không thành công và thất bại. Con người không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời nếu không có xáo trộn, khó khăn, tai ương, thất vọng, sợ hãi, bất an, thua lỗ, bất hạnh, trách cứ, bệnh tật, già yếu, và cả ngàn tình trạng khác không thích thú. Ngày dêm, con người phấn đấu để thoát khỏi những tình thế bất hạnh này. Nhưng càng tranh đấu để thoát khỏi tình trạng bất hạnh này theo đường lối trần tục, thì con người lại tự mình càng vương mắc vào nhiều khó khăn khác. Khi tìm cách thoát ra khỏi một khó khăn dù hữu ý hay vô tình con người cũng tự mình tạo ra những khó khăn khác. Chấm dứt những khó khăn ấy ở đâu? Muốn tồn tại, chúng ta phải chấp nhận những khó khăn và khổ đau như vậy không phàn nàn vì không có sự lựa chọn nào khác. Khổ đau lúc nào cũng ở đấy! Không có cách nào có thể tránh được khổ đau và bất hạnh. Khổ đau theo Ðức Phật, là một căn bệnh chỉ có thể hoàn toàn khỏi được khi đạt được toàn hảo.

Lão Tử, một đạo sư nổi tiếng Trung Hoa nói: "Ta đau khổ vì ta có thân xác. Nếu ta không có thân thể chất này, làm sao ta có thể đau khổ được?"

Khi bạn nhìn con người đau khổ như thế nào trên thế giới này, bạn có thể nhìn thấy tình trạng thực sự của đời sống trần thế. Tại sao ta phải chịu đau kh? như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm về những đau khổ ấy? Theo Ðức Phật, mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm về khổ đau của chính mình. Con người đau khổ ngày nay vì quá tham sống. Ðó là nguyên nhân chính của khổ đau. Phải mất hơn 2500 năm, các triết gia và các nhà tâm lý học mới hiểu được điều mà Ðức Phật nói là đúng. Một thi nhân nói:

"Con thiêu thân bay vào lửa,
không biết mình sẽ chết.
Con cá nhỏ cắn lưỡi câu,
không biết mình bị nguy hiểm.
Nhưng dù biết rõ hiểm nguy
của những lạc thú tội lỗi trần tục,
ta vẫn bám chặt vào chúng,
Quả thật ta khờ dại đến chừng nào!"

Bản Chất Phù Du Của Cuộc Ðời

Phật Giáo nhấn mạnh đời người rất ngắn ngủi và ta nên lưu tâm, tích cực hoạt động và lưu ý để được giải thoát.

"Con người chẳng bao giờ có thể hiểu rằng chúng ta ở cõi đời này chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng dù có được chân lý ấy vẫn đau khổ với tất cả những xung đột và cãi cọ để rồi chấm dứt."

Thi sĩ Davis nhìn cuộc đời phù du ra sao như dưới đây:

"Ðời là gì, sao quá cẩn trọng,
Không có thì giờ để đứng và ngắm xem?
Không có thì giờ để dừng dưới cành cây
Ðể chỉ nhìn con cừu và con bò cái.
Không có thì giờ nhìn cánh rừng khi ta đi qua
Nơi những con sóc dấu những hạt trong cỏ.
Không có thì giờ, nhìn ánh sáng tỏ ban ngày
Dòng suối tinh tú tràn đầy bầu trời ban đêm.
Không có thì giờ để thoáng nhìn cái đẹp,
Ngằm đôi chân nàng, xem chúng nhảy múa
Không có thì giờ chờ đợi nụ cười nở trên môi, khóe mắt long lanh.
Cuộc đời khốn khổ như thế, nếu hết sức cẩn trọng,
Chúng ta không thi giờ để đứng và ngắm xem"

Chiến Trận

Toàn thể vũ trụ là một chiến trường rộng lớn. Cuộc sống chẳng là gì cả mà là một cuộc tranh đấu vô ích, nguyên tố chống nguyên tố, năng lượng chống năng lượng, nam giới chống nam giới, nữ giới chống nữ giới, người chống thú vật, thú vật chống người, người chống thiên nhiên, thiên nhiên chống người, và chính trong phạm vi của hệ thống vật chất là một chiến trường to lớn. Chính tâm con người là một chiến trường lớn nhất.

Con người không thanh thản với chính mình không thể hòa bình với thế giới, chiến tranh bên ngoài cứ tiếp diễn để che đậy sự thực chính từ nơi cá nhân, chiến tranh thực sự ở bên trong. Lời cầu nguyện quan trọng nhất của nhân loại ngày nay là hòa bình, nhưng không có hòa bình trên thế giới tan nát vì chiến tranh này cho đến khi nào những mâu thuẫn của con người với chính mình chấm dứt.

Dưới mắt Ðức Phật chúng sanh run rẩy như con cá trên giòng sông sắp cạn, bị kìm kẹp trong tham ái, vùng vẫy hết chỗ này chỗ kia để thoát, giống như con thỏ rừng bị mắc bẫy hay như mũi tên lạc bắn trong đêm tối. Ngài nhìn thấy sự tranh giành lẫn nhau, cái vô nghĩa của hàng loạt cướp bóc trong đó kẻ này ăn kẻ khác, chỉ để rồi bị ăn bởi người khác. Chiến tranh gây ra do tâm con người và cũng chính tâm con người này có thể tạo hòa bình và công lý nếu con người sử dụng tâm không thiên lệch.

Lịch sử thế giới cho chúng ta biết kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo cuồng tín, và tham quyền thế chính trị, và của cải đã tạo thêm nhiều thống khổ và tai hại lớn lao trong thế giới này và đã tiêu diệt một phần lớn nhân loại trong một đường lối độc ác. Những sự việc này không bao giờ đóng góp gì cho việc phát triển thế giới. Con người khát vọng quyền uy và của cải, bị đầu độc bởi ganh ghét bao giờ cũng tạo khó khăn, thường cố biện minh hành động độc ác của họ bằng cách nói một cách vô nghĩa dưới danh hiệu hoà bình và công lý. Chúng ta đang sống trong một thế giới đoàn kết về vật chất nhưng chia rẽ về tinh thần và đồng thời tinh thần đoàn kết nhưng vật chất chia rẽ.

"Chúng ta sống. làm việc và mơ mộng,
Mỗi người đều có một ý đồ nho nhỏ,
Ðôi khi chúng ta cười;
Ðôi khi chúng ta khóc.
Và cứ thế ngày tháng trôi qua"

Thái Quá

Chúng ta làm cực nhọc, đầu tắt mặt tối để duy trì thân xác. Chúng ta phạm tội không kể xiết để thỏa mãn nhu cầu và tham ái của xác thân. Chúng ta muốn nổi tiếng và danh vang để thỏa mãn lòng vị kỷ cố hữu trong chúng ta. Chúng ta làm một nghìn lẻ một những sự việc để nâng cao cái gọi là uy tín, và rồi khi chết đến, với cái mục rữa của thân xác trong mồ, hay xác thiêu chúng ta ra đi - xác thân không còn nữa.

Trong cuộc đời chúng ta tạo nhiều điều quan trọng quá mức trên xác thân. Cũng như chúng ta đã làm điều đó cho cái chết. Thi sĩ Khantipalo mô tả cái ồn ào thái quá tạo ra bởi chúng ta như sau:

"Quá nhiều ồn ào
Quá nhiều người
Quá nhiều thì giờ
Quá nhiều khó khăn
Quá nhiều nước mắt
Quá nhiều tiền bạc
Tất cả thứ đó để làm gì?
Cho xác thân bé nhỏ!
Một viên tròn chất đạm
Phân hủy nhanh chóng.
Cái thân nhỏ bé
Tan rã nhanh chóng.
Không còn gì nữa
Cha mẹ thân yêu
Hay bất cứ người thân nào khác.
Mặc dù như vậy
Chúng ta phải có
An ủi và quan tài
Ðám ma và mộ chí
Tụ tập và tang tóc
Nghi thức và nghi lễ
Chôn hay thiêu
Ướp xác để giữ hoài
Tất cả những thứ ấy cho
Xác thân bé nhỏ phồng lên.
Các con hãy nhớ,
Các cháu hãy nhớ
Và sau chúng
Người chết bị lãng quên,
Ðá và xương còn lại.
Vậy điều này không phải
Là một sốù nhiều vô nghĩa sao?

Giá Trị Tinh Thần

Julian Huxley nói: Ðời phải dẫn đến chỗ thực hiện những khả năng không kể siết về thể chất, tinh thần, tâm linh vân vân...mà con người có thể làm được. Nhân loại có khả năng làm nhiều việc vĩ đại hơn, và cao quí hơn.

Bạn sinh ra trong cõi đời này để làm việc thiện và không để thì giờ trôi qua vô ích. Nếu bạn biếng nhác, bạn là gánh nặng cho thế giới này. Bạn phải luôn luôn nghĩ đến việc nâng cao lòng tốt và trí huệ. Bạn sẽ lạm dụng cái đặc ân trở thành một con người nếu bạn không chứng tỏ bạn xứng đáng với nguyên nhân mà vì nó bạn được hưởng vị trí này. Phí phạm cuộc sống con người trong nuối tiếc dĩ vãng, trong biếng nhác và không lưu tâm chứng tỏ sự không phù hợp của bạn trên thế giới này. Cây văn minh mọc rễ từ những giá trị tinh thần mà đa số chúng ta không hiểu. Không có những rễ ấy, lá sẽ rụng và để lại một thân cây chết.

"Nếu tất cả núi là sách, và nếu tất cả hồ là mực, và nếu tất cả cây cối là bút viết, vẫn không đủ để miêu tả sự thống khổ trong đời này"(Jacob Boehme)

Cho nên tại sao những đạo sư giác ngộ như Ðúc Phật sau khi thấy đời đúng theo viễn cảnh của nó, không một động cơ vị kỷ hay ích kỷ nào, đã giải thích rằng không có mục đích thực sự của đời sống, nếu chúng ta cứ để đời sống chạy vòng vòng theo chu trình sinh tử trong khi đau khổ về thể chất và tinh thần. Nhưng chúng ta có thể sử dụng hữu hiệu đời sống này cho mục đích tốt đẹp hơn bằng cách phục vụ người khác, trau dồi luân lý, rèn luyện tâm trí,và sống như một người có văn hóa trong hòa bình, hòa hợp với phần còn lại của thế giới. Theo Ðức Phật, con người không phải là bù nhìn vô trách nhiệm. Con người là quả cao nhất của cây tiến hóa. Tuy nhiên triết lý cổ xưa trình bày mục đích của đời sống như sau: "Dẫn từ tăm tối đến ánh sáng, từ không chân lý đến chân lý, và từ tử đến bất tử". Những lời nói đơn giản nhưng có ý nghĩa này cho chúng ta vấn đề đáng suy nghĩ.

Tử và Bất Tử

Tất cả những câu con người hỏi về đời sống đều liên quan đến sự thực của cái chết; con người khác biệt tất những sinh vật khác, vì con người biết được cái chết của mình nhưng lại không bao giờ chịu hòa giải với sự chia sẻ với số phận tự nhiên của tất cả những sinh vật sống. Nếu chỉ con người mới có thể hiểu được đời sống ngắn ngủi và cái chết không tránh được, con người có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống. Trong cuộc cầm cự chống lại cái chết, con người tuy đã thành công kéo dài đời sống nhưng cũng chỉ giống như đứa trẻ chơi trò xây cất lâu đài bằng cát trên bờ biển để rồi đợt sóng nối tiếp phá vỡ đi. Con người thường làm cho cái chết trở thành đối tượng trung tâm của tôn giáo, cầu khẩn phước báu thiên đường để đạt đời sống bất diệt.

Chết xẩy ra với tất cả chúng sinh, nhưng chỉ có con người trước sự đe dọa không ngưng của cái chết, tạo ra ý chí để chịu đựng. Ngoài việc ham thích được trường cửu và bất tử trong tất cả các dạng thức có thể tưởng tượng được, con người tạo ra tôn giáo, đến lượt nó, cố gắng đưa ra một sự kết thúc cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Mặc dù có nhiều tín đồ của nhiều tín ngưỡng tin tưởng có sự hiện hữu của thiên dường trường cửu, nơi đây đời sống là một hạnh phúc bất diệt, chúng ta vẫn chưa nghe thấy những tín đồ thuần thành của một tôn giáo nào say mê từ bỏ cuộc sống trần thế và những thứ mà họ là sở hữu chủ để rồi được về thiên đàng ngày nay. Tương tự như vậy, ngay cả người Phật Tử cũng thích bám víu vào đời sống trần thế quí giá của họ chừng nào họ tồn tại, mặc dù họ biết rằng đời sống trên thế giới này chẳng là gì cả mà chỉ là khổ đau, và hạnh phúc tối thượng là Niết Bàn. Có bao nhiêu người đạt được Niết Bàn bằng bỏ tham ái?

Ngày nay cái khó khăn nhất mà các quốc gia phải đương đầu là vấn đề bùng nổ dân số. Ðường lối và biện pháp phải được tìm ra để kiềm chế vết sưng không ngưng này của dòng đời. Hàng triêu người cần thực phẩm, chỗ ở, tiện nghi và an ninh. Với những người ấy câu hỏi không phải là "Mục đích của cuộc đời là gì?" mà là "Phải làm gì với đời sống?". Câu trả lời đơn giản là ta nên sử dụng một cách hữu hiệu nhất đời sống và tìm ra cái gì là hạnh phúc mà ta có thể đạt được bằng phương thức thực tiễn và chính đáng hơn là lo lắng quá đáng về lý thuyết trừu tượng về mục đích bí ẩn của cuộc đời. Tuy nhiên, tôn giáo bước vào để an ủi con người hay thức tỉnh con người về sự thật đời sống không thê lương và vô vọng như nó được nhìn từ cơ sở xác thân vật chất không thôi. Có hy vọng cho một đời sống tốt đẹp hơn.

Tất cả những tiến bộ trên thế giới này được tạo ra bởi con người là do sự thật là con người nhận thức được con người phải chết và muốn để ảnh hưởng lại sau khi ra đi. Nếu con người đạt được bất tử và những ngày trên trái đất là vô tận thì con người sẽ có xu hướng thoải mái và mất tất cả sự khích lệ và sáng tạo để tiến bộ, con người sẽ không còn ham thích trong việc tạo thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Nếu không có chết, đời sống sẽ đình trệ, buồn tẻ, gánh nặng không tả xiết và chán nản. Nếu con người có tuệ giác biết được thời gian bao lâu nữa sẽ chết, con ngưới ấy sẽ hành động khác hẳn hành động mà người ấy đang làm hiện nay.

"Xác Thân Trở Thành Tro Bụi,
Nhưng Ảnh Hưởng Vẫn Còn" - (Ðức Phật)

Dù rằng cha ông chúng ta đã chết và ra đi, chúng ta vẫn cảm thấy họ vẫn hiện hữu với chúng ta không vật chất nhưng qua ảnh hưởng tạo ra từ thế hệ này đến thế hệ kia - ảnh hưởng của họ vẫn còn. Bằng từ õ "tổ tiên", chúng ta không chỉ liên tưởng đến tổ tiên mà đến tất cả những ai đã đóng góp vào phúc lợi và hạnh phúc của người khác. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói những anh hùng, nhà hiền triết, và các thi nhân của ngày xưa đã không còn, nhưng vẫn hiện hữu giữa chúng ta qua ảnh hưởng của họ. Vì chúng ta tự liên hệ đến những liệt sĩ, và những nhà tư tưởng, chúng ta chia sẻ những tư tưởng khôn ngoan nhất, lý tưởng cao quý và cả đến âm nhạc tuyệt diệu của hàng thế kỷ qua.

Kêu gọi con tim của con người cho một mục đích là xác nhận không rõ ràng bản chất của đời sống. Khi con người cảm thấy bản chất cao quý hay tuyệt trần của mình, người đó không còn khóc than gì về mục đích cuộc đời vì đã nhận thức được chính mình là mục đích.

Người biết suy nghĩ nhận định rằng dòng lịch sử loài người được quyết định không phải gì xẩy ra trên trời mà là do cái diễn ra trong tâm con người.

Ðức Phật nói không có một siêu nhân nào có thể cao hơn con người toàn thiện.

Con người có thể và phải tự nâng chính mình lên trên giới hạn cá nhân của mình, theo bước chân của Ðức Phật.

Sử Dụng Hữu Hiệu Nhất Ðời Sống

Ðiểm quan trọng nhất về đời sống là chúng ta có nó cho nên ta phải sử dụng nó một cách hữu hiệu nhất. Ðó thật sự là giá trị lớn nhất của đời sống, cơ hội sử dụng hữu hiệu nhất nó. Nhiều người sống một cuộc đời hẹp hòi, giới hạn, buồn tẻ và thất vọng vì họ không cố gắng sử dụng hữu hiệu nhất đời sống. Nhưng điều này có thể làm được bằng cách có được lý tưởng và tuân theo nó. Lý tưởng của chúng ta phải thế nào? Chúng dùng để trau dồi đức tính con người dẫn đến sống một cuộc đời hạnh phúc và an lạc. Lối sống này được xem như một cuộc sống đạo hạnh, cao thượng, chính đáng học thức được kính trọng bởi mọi người. Không làm cho người khác hạnh phúc, một người không thể sống hạnh phúc. Con người phải cố gắng hết sức mình đồng thời khi gặp đối nghịch, hay được tưởng thưởng bởi phần nào thành công, phải tự hỏi "Tôi đã làm hết mình chưa", và cả đến khi thua, phải nhớ lại con đường giải thoát không chỉ nằm trong chiến thắng mà là trong việc chấp nhận cuộc chiến.

"Cái cây mang nhiều trái
Con sông làm đất phì nhiêu
Dòng sữa tốt của con bò
Công việc cực nhọc liên tục của người thiện;
Của cải này đáng giá, công việc này đã làm,
Cho lợi ích người khác, không phải cho riêng mình.

Học thuyết hiện đại về phục vụ xã hội cần thiết đến thế, có thể nói là nền móng đạo đức của tất cả những tôn giáo vĩ đại.

Niết Bàn

Nếu ai dạy: Niết Bàn là sẽ phải ngưng
Hãy nói với họ: nói dối
Nếu ai dạy: Niết Bàn là sẽ phải sống
Hãy nói với họ: sai lầm"
--(Sir Edwin Arnold trong Thi Phẩm Ánh Sáng Á Châu)

Ðịnh nghĩa đã nói ở trên đây về về đời sống thừa đủ cho người nào hiểu quan niệm đạt Niết Bàn, nơi đau đớn về thể chất và tinh thần không còn nữa, vì Niết Bàn nói lên sự chấm dứt khổ đau. Mục đích của toàn bộ cuộc đời là ngăn chặn, giảm bớt khổ đau và tìm hạnh phúc. Nếu thực sự chúng ta muốn có hạnh phúc trường cửu - hạnh phúc ta chứng nghiệm trong tâm hoàn toàn thoát khỏi những phiền toái, chúng ta phải học cách đạt được nó. Bằng cách kiếm nhiều của cải, quyền uy, và những điều kiện trần thế nhiều hơn, chúng ta không bao giờ có thể đạt thỏa mãn thực sự, mãn ý, tâm an lạc và hạnh phúc không thay đổi - được gọi là "làm dịu giác quan và làm nguội những ô trược đang cháy trong tâm."

Phải nhớ rằng không ai bắt chúng ta phải làm một hành động đặc biệt nào đó. Không ai phạt hay thưởng chúng ta. Chúng ta có hoàn toàn tự do ý chí và chọn lựa. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể chịu được tất cả những đau đớn và khổ đau vật chất và tinh thần, bạn có thể vẫn còn ở trong vòng sanh tử và tiếp tục gào khóc, rên siết, đau khổ, bị nguyền rủa, càu nhàu, tranh đấu, lo âu, chiến đấu để tồn tại, làm việc như nô lệ đêm ngày, đương đầu với khó khăn và chướng ngại to lớn. Thực ra trong suốt cuộc đời, chúng ta đã bỏ thì giờ, năng lực và tâm trí vào chiến trường - tranh đấu để tồn tại, tranh đấu để có quyền thế, lợi lạc, tên tuổi, lạc thú và tranh đấu để thoát những sự việc nguy hiểm. Ðôi khi chúng ta đạt được một chút lạc thú xen vào giữa. Lạc thú nào thì cũng chấm dứt với khổ đau.

Hãy nhìn vào thế giới, chúng ta có thể thấy con người đánh nhau như thế nào, giết chóc, thiêu đốt, ném bom, bắt cóc, cướp máy bay, và đánh phá lẫn nhau. Tiêu diệt người đồng chủng trở nên một trò chơi giải trí hay để vui đùa. Toàn thế giới như một nhà điên. Con người đã quên đi tính nết tốt con người và để tư tưởng, lời nói, và hành vi tội lỗi ngự trị con người. Rõ ràng không có chỗ trong tâm con người để trau dồi tư tưởng và hành vi thiện. Làm sao ta có thể tìm được hòa bình và hạnh phúc trên chiến trường mà người ta chiến đấu không ngừng để thắng hay để thoát hiểm?" Thái độ vô nhân đạo của con người đã gây nên hàng ngàn tang tóc không kể xiết.

Nếu bạn có thể hiểu được cái mong manh của đời sống và cái nguy hiểm của thế giới, thì bạn có thể hiểu được ý nghĩa của việc đạt Niết Bàn. Bạn sẽ không còn chậm trễ trong cố gắng tìm cầu trạng thái hạnh phúc này. Ngày nay bạn chiến đấu để thoát khỏi khổ đau bằng phương cách trần thế. Nhưng đó là trận thua. Sẽ chỉ có thất bại. Tuy nhiên nếu bạn cố gắng quét sạch khổ đau bằng cách phát triển khía cạnh tinh thần trong đời bạn, bạn có thể tìm thấy an lạc thực sự. Ðó là Niết Bàn.

Lạc Thú Trần Tục

Chúng ta biết có nhiều người trong thế giới này, cả đến người Phật Tử, không chuẩn bị tu tập để đạt Niết Bàn. Vì lý do đó, một số đã mô tả Niết Bàn như thiên đàng, nơi con người có thể vui hưởng lạc thú vô tận. Sự mô tả này lôi cuốn những người kém hiểu biết về đời sống và sự việc trần thế và những ai đắm mình vào tham ái, luyến chấp trong đời sống và lạc thú trần tục. Họ không hiểu rằng quan niệm về Niết Bàn như vậy chỉ là mộng. Tuy nhiên người trần tục luôn nghĩ và cầu nguyện loại Niết Bàn ấy. Mặt khác có những người nghĩ rằng tốt hơn là cứ ở trên thế giới này mặc dù đủ loại khổ đau để vui hưởng đời sống. Họ không hiểu rằng do tham dục và luyến chấp phát triển nơi họ, họ không thể cảm thấy hạnh phúc tối thượng của Niết Bàn. Những điều trần tục khác mà họ coi là hạnh phúc không thể giải thoát họ khỏi cái đau khổ vật chất và tinh thần.

Theo Ðức Phật, vì vô minh mà con người tham cuộc sống trong vòng luân hồi sinh tử - trong khi đau khổ và mải mê chạy theo ảo tưởng trong sự tìm cầu điều nhằm thỏa mãn giác quan. Họ phải nên học cách làm dịu giác quan thay vì xoa dịu chúng bằng nuông chiều phù du.

Hệ Thống Thế Giới Vô Tận

Một số người nghĩ rằng nếu tất cả chúng ta đều đạt Niết Bàn thì thế giới này sẽ là môt nơi trống rỗng và sẽ không có ai làm việc cho sự tiến bộ của thế giới. Ðó là ý kiến nông cạn xuất hiện trong tâm của những người thiếú hiểu biết kiến thức thực sự về cuộc sống.

Họ phải hiểu rằng thế giới này không bao giờ trống rỗng vì chỉ có một số ít người trí có thể đạt được Niết Bàn. Trong chừng mực mà hệ thống thế giới còn liên quan đến thì không có giới hạn nào đối với chúng cả. Không có sự việc như bắt đầu hay chấm dứt hệ thống thế giới hay vũ trụ. Các hệ thống trần thế bao giờ cũng hiện ra và mất đi. Khi một hệ thống thế giới này mất đi, nhiều hệ thống khác vẫn còn lại. Trong khi đó những hệ thống thế giới rải rác tái xuất hiện do sự phối hợp của các phân tử và năng lượng. Chúng sanh xuất phát từ những hệ thống thế giới khác xuất hiện do sự phối hợp của các thành phần này, vật chất, năng lượng và khuynh hướng tinh thần. Ta không nên nghĩ rằng chỉ có một số chúng sinh giới hạn đi loanh quanh trong vũ trụ này. Chúng sanh là vô giới hạn và vô cùng tận.

Tiến Bộ và Ô Nhiễm

Thực ra chúng ta có làm việc cho sự tiến bộ của thế giới này không? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta làm việc cho sự tiến bộ của thế giới này, nhưng thực ra chúng ta hiện nay làm tổn thương thế giới này. Chúng ta khám phá ra nhiều máy móc cải tiến để phá hoại thế giới. Thiên nhiên đã sản xuất quá nhiều thứ. Ðể đạt mục đích, chúng ta đã làm hại thế giới bằng đào bới, chặt phá, san lấp và phá hoại cái đẹp tự nhiên của trái đất. Chúng ta đã ô nhiễm bầu không khí, sông ngòi và biển cả. Chúng ta đã phá hoại đời sống cây cối và đời sống những con vật đáng thương. Chúng ta không bao giờ nghĩ rằng ở nơi đời sống của mỗi cây có giá trị thực phẩm hay giá trị dược tính. Mỗi chúng sanh phải đóng góp phần của mình trong việc bảo trì môi sinh. Chúng ta không nên cho rằng chỉ có con người mới có đặc quyền đặc lợi của các cư dân có quyền sống trên trái đất này. Mỗi và bất cứ chúng sanh nào đều có quyền bình đẳng sống nơi đây. Nhưng chúng ta đã tước đi quyền lợi của các chúng sanh khác. Không những thế, ngay trong cộng đồng nhân loại, chủng tộc này cố gắng phá hoại chủng tộc khác, cản trở sự tiến bộ và không để cho chủng tộc khác được sống trong hòa bình. Họ tuyên bố chiến tranh và chém giết lẫn nhau dưới danh nghĩa ái quốc.

Chừng nào mà con người còn có tâm ô nhiễm thì không thể có hòa bình trên thế giới này. Do sự tồn tại của những chúng sanh như vậy nên trên trái đất này trở thành một nơi rối loạn. Ngày nay chúng ta thấy sự chém giết khắp nơi trên thế giới. Người này mưu toan lừa đảo người kia. Tư tưởng ích kỷ chiếm ưu th? trong tâm họ. Người này không thể tin nổi người kia. Họ nhìn người khác với nghi kÿ trong tim họ. Người này không thể hiểu được tính chất thực sự hay động cơ của người khác. Mặc dù con người có thể tránh thoát con vật, nhưng rất khó khăn tránh thoát nổi chính con người.

Con Người Chịu Trách Nhiệm

Con người luôn luôn nói về sự bất ổn của tình hình thế giới. Ai là người chịu trách nhiệm về tình trạng bất hạnh này? Có ai khác hơn là con người được gọi là người tài trí? Làm sao ta có thể mong mỏi một thế giới tốt đẹp hơn và hòa bình nếu con người cư xử xấu xa hơn con vật? Sao ta có thể vui hưởng cuộc đời trong cái thế giới không thể tin tưởng được này? Các nhà khoa học theo đuổi cuộc chinh phục thiên nhiên vì mục đích vật chất. Triết học Ðông phương mong muốn sống hòa hợp với thiên nhiên vì tâm an lạc và thành tựu tinh thần. Bạn không thể thay đổi điều kiện trần thế theo lời mong ước của bạn nhưng bạn có thể thay đổi tâm bạn để phát triển sự mãn nguyện nhằm tìm thấy hạnh phúc. Một người chỉ chú trọng tìm cầu thỏa mãn trần tục, sẽ không bao giờ đạt được kiến thức cao hơn, vì kiến thức này không thể tìm thấy mà không có việc tìm kiếm tích cực. Chủ nghĩa duy vật hạ con người xuống hàng súc vật trong khi tôn giáo nâng con người lên hàng thần thánh hay cao quý. Trong chế độ nặng về vật chất, con người trở thành nô lệ cho giác quan. Tự nhiên đa số người không thích nhìn thấy sự thực của đời sống. Họ muốn ru ngủ chính họ vào sự yên ổn của giấc mộng huyền ảo, vào tưởng tượng và lấy bóng làm thật. Thái độ của Ðức Phật về quyền uy trần thế và lạc thú tình dục như sau: "Tốt hơn cả quyền tối cao tuyệt đối trên trái đất này, tốt hơn về thiên đàng, tốt hơn cả đến quyền lực trên tất cả những thế giới, đó là thành quả của người đạt thắng lợi: giai đoạn đầu của sự toàn hảo". Bằng cách bỏ cả cuộc đời vào tiến bộ vật chất trần thế hầu thỏa mãn tham dục không thể cho con người nhìn thấy cứu cánh của cái bất toại nguyện trong đời sống. Theo Ðức Phật, thế giới này đặt nền tảng trên mâu thuẫn, bất đồng hay bất toại nguyện. Bằng cách nhận thức được bản chất thực sự của hoàn cảnh trần thế, Ðức Phật cũng nói Ngài không tán dương thế giới vì nó bất toại nguyện và vô thường. Ngài nói phương cách đi tới lợi lạc trên trần thế là một việc và phương cách đi tới mục tiêu cuối cùng - Niết Bàn- là một việc khác.

Con Người và Mật Ngọt

Dưới đây là một câu chuyện ngụ ngôn để chúng ta suy ngẫm về bản chất của đời sống và lạc thú trần tục. Một người đi lạc vào rừng dậm toàn là gai góc và đá lởm chởm. Người ấy chạm trán một con voi to lớn bắt đầu đuổi hắn. Hắn bắt đầu chạy để thoát mạng. Khi đang chạy hắn nhìn thấy một cái giếng, hắn nghĩ đây là nơi tốt để hắn có thể tránh thoát con voi. Nhưng bất hạnh thay, dưới đáy giếng lại có một con rắn độc.

Tuy nhiên trong lúc vô kế khả thi hắn liều mình bám vào một cây leo thòng lòng xuống giếng. Trong khi hắn bám vào cây leo này, hắn nhìn thấy một con chuột trắng và một con chuột đen đang cắn cây leo mà hắn đang níu vào. Hắn cũng thấy một tổ ong bên cạnh lâu lâu lại rỏ một giọt mật.

Trong khi đương đầu với cái chết trong ba đường nguy hiểm, hắn vẫn còn tham nếm giọt mật rớt xuống từ tổ ong. Nhìn thấy tình cảnh lâm ly của của con người khốn khổ này, một người hào hiệp đi qua, tình nguyện dang tay cứu vớt đời hắn. Nhưng con người tham lam và khờ dại này từ chối vì vị ngọt của mật ong mà hắn đang vui hưởng. Vị ngọt của mật ong đã đầu độc hắn khiến hắn quên đi cái nguy hiểm mà hắn đang phải đương đầu.

Nơi đây trong câu truyện ngụ ngôn này, con đường gai góc trong rừng tương ứng với luân hồi - bánh xe sinh tử luân hồi. Con đường gai góc luân hồi là một con đường bất ổn và khó khăn. Không dễ dàng gì cho một người tiếp tục đời mình qua cái rừng gai góc khó khăn của luân hồi. Con voi tượng trưng cho cái chết. Cái chết luôn luôn theo ta, làm cho chúng ta bất hạnh phúc, tuổi già của chúng ta cũng tạo bất hạnh phúc và bất an trong tâm ta. Cây leo tượng trưng cho sanh. Giống như cây leo, cây leo càng lớn càng quấn vào cây khác, cũng như vậy do sanh, dòng đời chảy trôi tích lũy, nắm giữ, bám víu vào nhiều thứ trên thế giới. Hai con chuột tượng trưng cho ngày và đêm. Ngay từ ngày sanh ra trong thế giới này, ngày đêm trôi qua cắt bớt và thâu ngắn dòng đời. Những giọt mật là những lạc thú phù du trần thế quyến rũ con người ở lại trong thế giới vô thường và bất trắc này. Người thiện đến dang tay ra giúp đỡ chỉ cho hắn con đường chính đáng để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm là Ðức Phật.

Một người nghĩ rằng sẽ là tốt hơn để sống trên cõi đời nhằm hưởng thụ không cần cố gắng đạt Niết Bàn, giống như người từ chối thoát ra khỏi tình trạng nguy khốn trong đời sống chỉ để nếm một chút mật ngọt. Mục đích của cuộc đời là để đạt giải thoát khỏi gánh nặng vật chất và tinh thần.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 |
 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | Mục lục

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thích Tâm Quang, chùa Tam Bảo, California,
đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, tháng 11-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-11-2001