Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

GƯƠNG BẬC XUẤT GIA
(Anagāriyūdāharana)

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ khưu Hộ Pháp)


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

BỐN THỨ VẬT DỤNG (Catupaccaya)

Ðời sống của Sa di, Tỳ khưu hoàn toàn tùy thuộc vào bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh... của thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Thí chủ là những người cận sự nam, cận sự nữ cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng, là phước điền, để họ gieo duyên lành, tạo phước thiện hầu mong được quả báu tốt lành, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Trong bộ Thanh Tịnh Ðạo, phân loại có 4 cách thọ dụng (paribhoga), 4 thứ vật dụng, đối với 4 hạng Tỳ khưu, Sa di như sau [Bộ Visuddhimagga, phần Catupārisuddhisampādanavīdhi]:

1- Theyyaparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người trộm cắp.
2- Iṇaparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người mang nợ.
3- Dāyajjaparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người thừa hưởng.
4- Sāmiparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người chủ.

1- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người trộm cắp như thế nào?

Những người thí chủ đem 4 thứ vật dụng dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng, là bậc có giới đức trong sạch. Nếu Tỳ khưu, Sa di nào, là người không có giới, giới không trong sạch (dussīla) dùng 4 thứ vật dụng ấy; thì Tỳ khưu, Sa di ấy thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người trộm cắp.

2- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người mang nợ như thế nào?

Có số Tỳ khưu, Sa di là người có giới, nhưng khi thọ dụng 4 thứ vật dụng không quán tưởng:

- Mỗi khi mặc y, không quán tưởng về y. Như vậy, mặc y ấy như người mang nợ.

- Mỗi khi thọ thực, không quán tưởng về vật thực: - trước khi thọ thực, - đang khi thọ thực, - sau khi thọ thực, qua canh đầu, canh giữa, canh chót không quán tưởng vật thực, đến khi rạng đông, bắt đầu sang ngày khác. Như vậy, sự thọ thực ấy như hạng người mang nợ.

- Mỗi khi sử dụng chỗ ở: chỗ ngồi, chỗ nằm không quán tưởng về chỗ ở. Như vậy, sử dụng chỗ ở như hạng người mang nợ.

- Mỗi khi dùng thuốc trị bệnh không quán tưởng về thuốc. Như vậy, sự dùng thuốc trị bệnh như người mang nợ.

Bởi vậy cho nên, Tỳ khưu, Sa di có giới, khi thọ nhận thứ vật dụng nào, phải nên có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy, nhất là khi Tỳ khưu, Sa di đang thọ dụng (sử dụng) thứ vật dụng nào, cần phải nên có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy.

Tỳ khưu, Sa di nào, khi thọ nhận thứ vật dụng nào, có trí tuệ quán tưởng, nhưng đến khi thọ dụng vật dụng ấy, không quán tưởng rõ ràng, Tỳ khưu, Sa di ấy không tránh khỏi là người mang nợ. Như vậy, gọi là Tỳ khưu, Sa di thọ dụng 4 thứ vật dụng như người mang nợ.

Trường hợp Tỳ khưu, Sa di nào, khi thọ nhận thứ vật dụng nào, không quán tưởng, nhưng đến khi thọ dụng có trí tuệ quán tưởng rõ ràng vật dụng ấy, Tỳ khưu, Sa di ấy không mang nợ.

3- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người thừa hưởng như thế nào?

Bậc Thánh Hữu học (Sekkha), đó là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, là những người con của Ðức Phật, nên có quyền thừa hưởng 4 thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật cúng dường. Do đó, bậc Thánh Hữu Học dùng 4 thứ vật dụng như người thừa hưởng.

Ngoài bậc Thánh Hữu Học ra, Tỳ khưu, Sa di có giới, đang thực hành theo Giới – Ðịnh – Tuệ, khi thọ dụng thứ vật dụng nào, Tỳ khưu, Sa di có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy, cũng có thể kể như hạng người thừa hưởng 4 thứ vật dụng của Ðức Phật cho phép. Như vậy, Tỳ khưu, Sa di thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người thừa hưởng.

4- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người chủ như thế nào?

Chỉ có bậc Thánh A-ra-hán đã tận diệt tất cả mọi tham ái cùng mọi phiền não không còn dư sót, không còn là tôi tớ của tham ái nữa, là người chủ nhân thật sự thọ dụng 4 thứ vật dụng. Như vậy, bậc Thánh A-ra-hán thọ dụng 4 thứ vật dụng như chủ nhân.

Bốn Pháp Quán Tưởng

Mỗi khi thọ dụng thứ vật dụng nào, Tỳ khưu, Sa di phải nên có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy. Nếu quán tưởng bằng tiếng Pāḷi, thì cần phải hiểu rõ nghĩa từng chữ, từng câu Pāḷi, hoặc quán tưởng bằng tiếng Việt cũng nên. Ðiều quan trọng của sự quán tưởng 4 thứ vật dụng là để hiểu rõ sự lợi ích của chúng, cốt để diệt tham ái, phiền não phát sanh do nương nhờ 4 thứ vật dụng ấy.

Pháp quán tưởng [Majjhimanikāya, Bộ Mūlapaṇṇāsa, Kinh Sabbāsavasutta]:

1- Cīvara paccavekkhaṇā.

- Paṭisaṅkhā yoniso cīvaraṃ paṭisevāmi, yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa - makasa - vātātapa - sarīsapa - samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva hirikopīnappaṭicchādanatthaṃ.

2- Piṇṇapāta paccavekkhaṇā.

- Paṭisaṅkhā yoniso piṇṇapātaṃ paṭisevāmi, neva davāya na madāya na maṇṇanāya na vibhūsanāya, yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsūparatiyā brahmacariyānuggahāya, iti purāṇañca vedanaṃ paṭihankhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi, yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsuvihāro ca.

3- Senāsana paccavekkhaṇā.

Paṭisaṅkhā yoniso senāsanaṃ paṭisevāmi yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsamakasa-vātātapa-sarīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva utuparissayavinodana-paṭisallānārāmatthaṃ.

4- Bhesajja paccavekkhaṇā.

Paṭisaṅkhā yoniso gilānappaccayabhesajja-parikkhāraṃ paṭisevāmi, yāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya, abyāpajjhaparamatāya.

Tỳ khưu, Sa di quán tưởng khi đang thọ dụng mỗi thứ vật dụng có ý nghĩa như sau:

1- Quán tưởng về y phục:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới mặc y phục chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít. Và cũng chỉ để che kín phần đáng hổ thẹn trong thân thể mà thôi".

2- Quán tưởng về vật thực:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới dùng vật thực không phải để vui chơi như trẻ con, cũng không phải để tăng cường sức mạnh như người lực sĩ, cũng không phải để làm đẹp thân thể như đàn bà, cũng không phải để bồi dưỡng thân thể xinh đẹp như kỹ nữ. Sự thật, tôi dùng vật thực để nuôi dưỡng duy trì sắc thân, để làm giảm đi sự khổ thân, chỉ để thực hành phạm hạnh cao thượng mà thôi. Do nhờ sự thọ thực này, tôi có thể làm giảm được sự đang đói khổ và sẽ làm cho sự khổ mới không phát sanh.

Sự thọ thực như vậy không có lỗi, được điều hòa tứ đại, tứ oai nghi, sự sống an lạc sẽ phát sanh lên đối với tôi".

3- Quán tưởng về chỗ ở:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới sử dụng chỗ ở chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, để ngăn ngừa sự nóng, để ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít mà thôi. Và cũng chỉ để tránh sự tai hại do thời tiết, được an lạc nơi thanh vắng, để hành phạm hạnh cao thượng".

4- Quán tưởng về thuốc trị bệnh:

Tỳ khưu nên có trí tuệ quán sáng suốt tưởng đúng theo sự thật rằng: "Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới dùng thuốc trị bệnh, bảo vệ sanh mạng, chỉ để điều trị khổ bệnh đã và đang phát sanh, để không khổ do bệnh hoạn ấy".

Quán tưởng 4 thứ vật dụng là tứ đại, đáng nhờm (Dhātupaṭikūlapaccavekkhaṇa)

1- Cīvara paccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ cīvaraṃ, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbāni pana imāni cīvarāni ajigucchanīyāni imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyāni jāyanti.

2- Piṇṇapāta paccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ piṇṇapāto, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumatako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbo panāyaṃ piṇṇapāto ajigucchaniyo imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyo jāyati.

3- Senāsana paccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ senāsanaṃ, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbāni pana imāni senāsanāni ajigucchanīyāni imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyāni jāyanti.

4- Bhesajjapaccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ gilānapaccayabhesajjaparikkhāro, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbo panāyaṃ gilānapaccayabhesajja-parikkhāro ajigucchanīyo imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyo jāyati.

Khi thọ nhận thứ vật dụng nào, Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thứ vật dụng ấy chỉ là tứ đại (dhātu) mà thôi; và ngay cả người thọ nhận 4 thứ vật dụng cũng chỉ là thực tánh pháp: danh pháp sắc pháp, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v... không phải chúng sinh, là pháp vô ngã, không phải ta. Thật ra, 4 thứ vật dụng không phải là vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở thành vật đáng nhờm vô cùng.

Trí tuệ sáng suốt quán tưởng khi thọ nhận 4 thứ vật dụng như sau:

1- Quán tưởng về y phục:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận y phục, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: "Y phục này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi; và người thọ nhận y phục này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta".

Và những y phục này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

2- Quán tưởng về vật thực:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận vật thực, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: "Vật thực này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi, và người thọ nhận vật thực này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta".

Và vật thực này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

3- Quán tưởng về chỗ ở:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận chỗ ở, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: "Chỗ ở này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi, và người sử dụng chỗ ở này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta".

Và những chỗ ở này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

4- Quán tưởng về thuộc trị bệnh:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận thuốc trị bệnh bảo vệ sanh mạng, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: "Thuốc trị bệnh bảo vệ sanh mạng này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi, và người sử dụng thuốc trị bệnh này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta".

Và thuốc trị bệnh này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

Tỳ khưu, Sa di đã dùng 4 thứ vật dụng trong ngày mà chưa quán tưởng, nên quán tưởng lại; nếu không quán tưởng cho đến lúc rạng đông (aruṇa), trước khi mặt trời mọc, vị Sa di, Tỳ khưu ấy thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người mang nợ. Bởi vậy cho nên, hằng ngày trước lúc rạng đông, Sa di, Tỳ khưu nên có trí tuệ quán tưởng trở lại 4 thứ vật dụng đã dùng trong ngày một lần nữa như sau:

Quán tưởng lại 4 thứ vật dụng đã dùng trong ngày:

1- Cīvara paccavekkhaṇā.

Ajja māya apaccavekkhitvā yaṃ cīvaraṃ paribhuttaṃ, taṃ yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa - makasa - vātātapa - sarīsapa - samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva hirikopīnappaṭicchādanatthaṃ.

2- Piṇṇapāta paccavekkhaṇā.

Ajja mayā apaccavekkhitvā yo piṇṇapāto paribhutto, so neva davāya na madāya na maṇṇanāya na vibhūsanāya, yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsūparatiyā brahmacariyānuggahāya, iti purāṇañca vedanaṃ paṭihankhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi, yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsuvihāro ca.

3- Senāsana paccavekkhaṇā.

Ajja mayā apaccavekkhitvā yaṃ senāsanaṃ paribhuttaṃ, taṃ yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa-makasa-vātātapa-sarīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva utuparssayavinodanapaṭisallānārāmatthaṃ.

4- Bhesajja paccavekkhaṇā.

Ajja mayā apaccavekkhitvā yo gilānappaccaya-bhesajjaparikkhāro paribhutto, so yāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya, abyāpajjhaparamatāya.

1- Quán tưởng về y phục:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã mặc y phục nào, y phục ấy chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít. Và cũng chỉ để che kín phần đáng hổ thẹn trong thân thể mà thôi".

2- Quán tưởng về vật thực:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã đã dùng vật thực nào, vật thực ấy không phải để vui chơi như trẻ con, cũng không phải để tăng cường sức mạnh như người lực sĩ, cũng không phải để làm đẹp thân thể như đàn bà, cũng không phải để bồi dưỡng thân thể xinh đẹp như kỹ nữ. Sự thật, tôi dùng vật thực để nuôi dưỡng duy trì sắc thân, để làm giảm đi sự khổ thân, chỉ để thực hành phạm hạnh cao thượng mà thôi. Do nhờ sự thọ thực này, tôi có thể làm giảm được sự đang đói khổ, và sẽ làm cho sự khổ mới không phát sanh.

Sự thọ thực không có lỗi, được điều hòa tứ đại, tứ oai nghi, sự sống an lạc sẽ phát sanh lên, đối với tôi".

3- Quán tưởng về chỗ ở:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã sử dụng chỗ ở nào, chỗ ở ấy chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít mà thôi. Và cũng chỉ để tránh sự tai hại do thời tiết, được an lạc nơi thanh vắng, để hành phạm hạnh cao thượng".

4- Quán tưởng về thuốc trị bệnh:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: "Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã dùng thuốc tri bệnh nào bảo vệ sanh mạng, thuốc tri bệnh ấy chỉ để điều trị khổ bệnh đã và đang phát sanh, để không khổ do bệnh hoạn ấy".

Kinh Aggikkhandhopamāsutta (Kinh Ví Ðống Lửa)

[Aṅguttaranikāya, phần Sattakanipāta, kinh Aggikkhandho-pamāsutta]

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang du hành đến vùng Kosala cùng với số đông chư Tỳ khưu Tăng. Từ xa, Ðức Thế Tôn nhìn thấy một đống lửa đang cháy dữ dội lan khắp một vùng rộng lớn. Ðức Thế Tôn dừng lại, ghé vào một gốc cây, ngự trên chỗ ngồi mà Ðại Ðức Ānanda đã trải sẵn.

Khi ấy Ðức Thế Tôn gọi chư Tỳ khưu dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu, các con có nhìn thấy đống lửa đang cháy dữ dội ở một vùng kia không?

Chư Tỳ khưu bạch rằng:

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con đều nhìn thấy rõ. Bạch Ngài.

1- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người vào ngồi ôm, nằm ôm đống lửa lớn đang cháy dữ dội kia, với vị Tỳ khưu vào ngồi ôm, nằm ôm công chúa, hoặc công nương, hoặc tiểu thư con nhà quý phái có đôi bàn tay mềm mại, dịu dàng. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu vào ngồi ôm, nằm ôm công chúa, hoặc công nương, hoặc tiểu thư con nhà quý phái có đôi bàn tay mềm mại, dịu dàng điều ấy cao quý hơn; còn người vào ngồi ôm, nằm ôm đống lửa lớn đang cháy dữ dội kia, nóng phỏng, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; không phải là Tỳ khưu, tự nhận là Tỳ khưu; không phải là bậc hành phạm hạnh, tự nhận là bậc hành phạm hạnh, phiền não sình thối bên trong, có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện vào ngồi ôm, nằm ôm công chúa, hoặc công nương, hoặc tiểu thư con nhà quý phái có đôi bàn tay mềm mại, dịu dàng, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người vào ngồi ôm, nằm ôm đống lửa lớn đang cháy dữ dội kia cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết, do vào ngồi ôm, nằm ôm đống lửa lớn đang cháy ấy, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới1, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, vào ngồi ôm, nằm ôm công chúa, hoặc công nương, hoặc tiểu thư con nhà quý phái có đôi bàn tay mềm mại, dịu dàng, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục [4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh].

2- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người đàn ông khỏe mạnh, dùng một sợi dây da dẻo dai quấn vòng đôi vào chân người khác, rồi kéo qua kéo lại làm cho cắt đứt da; cắt đứt da rồi cắt đứt thịt, rồi cắt đứt gân, rồi cắt đứt ống xương chân; cắt đứt ống xương chân rồi dừng lại ở tủy xương; với vị Tỳ khưu hài lòng, hoan hỉ trong sự lễ bái của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu hài lòng, hoan hỉ trong sự lễ bái của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, điều này cao quý hơn; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh dùng một sợi dây da dẻo dai quấn vòng vào chân, rồi kéo qua kéo lại làm cho cắt đứt da; ... cắt đứt ống xương chân rồi dừng lại ở tủy xương, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ trong sự lễ bái của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh, dùng một sợi dây da dẻo dai quấn vòng đôi vào chân, rồi kéo qua kéo lại làm cho cắt đứt da; ... cắt đứt ống xương chân rồi dừng lại ở tủy xương, người ấy cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết do bị đứt da, đứt thịt, đứt gân, đứt ống xương chân ấy, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ trong sự lễ bái của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

3- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người đàn ông khỏe mạnh, dùng một cây lao bén nhọn, được thoa bằng dầu, rồi phóng vào ngực của một người khác; với vị Tỳ khưu hài lòng, hoan hỉ trong sự chấp hai tay cung kính của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu hài lòng, hoan hỉ trong sự chấp hai tay cung kính của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, điều này cao quý hơn; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh dùng một cây lao bén nhọ, được thoa bằng dầu rồi phóng vào ngực, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ trong sự chấp hai tay cung kính của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh, dùng một cây lao bén nhọn, được thoa bằng dầu rồi rồi phóng vào ngực, người ấy cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết do bị đâm vào ngực, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ trong sự chấp hai tay cung kính của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

4- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người đàn ông khỏe mạnh, đem một tấm sắt đang cháy hồng ép dính quanh vào thân của một người khác; với vị Tỳ khưu mặc tấm y, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu mặc tấm y, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, điều này cao quý hơn; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh đem một tấm sắt đang cháy hồng ép dính quanh vào thân, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ mặc tấm y, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh, đem một tấm sắt đang cháy hồng ép dính quanh vào thân, người ấy cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết do tấm sắt đang cháy hồng ép dính quanh vào thân ấy, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ mặc tấm y, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

5- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người đàn ông khỏe mạnh, lấy một cục sắt đang cháy hồng, rồi lấy lưỡi câu móc miệng của một người khác mở rộng ra, bỏ cục sắt cháy hồng ấy vào miệng, làm cháy phỏng miệng, cháy lưỡi, cháy cổ, cháy ngực, cháy dài xuống ruột già, ruột non và cho đến hậu môn; với vị Tỳ khưu thọ dụng vật thực ngon lành, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu thọ dụng vật thực ngon lành, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, điều này cao quý hơn; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh lấy một cục sắt đang cháy hồng, rồi lấy lưỡi câu móc miệng mở rộng ra, bỏ cục sắt cháy hồng ấy vào miệng, làm cháy phỏng miệng, cháy cổ... và cho đến hậu môn, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ thọ dụng vật thực ngon lành, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh, lấy một cục sắt đang cháy hồng rồi lấy lưỡi câu móc miệng mở rộng ra, bỏ cục sắt cháy hồng vào miệng, làm cháy phỏng miệng, cháy cổ... và cho đến hậu môn, người ấy cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết do cục sắt đang cháy hồng bỏ vào miệng, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ thọ dụng vật thực ngon lành, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

6- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người đàn ông khỏe mạnh, nắm đầu hoặc cổ của một người khác, bắt buộc nằm hoặc ngồi trên giường sắt hoặc ghế sắt đang cháy hồng; với vị Tỳ khưu nằm hoặc ngồi trên giường hoặc ghế, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, Tỳ khưu nằm hoặc ngồi trên giường hoặc ghế, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, điều này cao quý hơn; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh nắm đầu hoặc cổ, bắt buộc nằm hoặc ngồi trên giường sắt hoặc ghế sắt đang cháy hồng, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ nằm hoặc ngồi trên giường hoặc ghế, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh, nắm đầu hoặc cổ, bắt buộc nằm hoặc ngồi trên giường sắt hoặc ghế sắt đang cháy hồng, người ấy cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết, do bị bắt buộc nằm hoặc ngồi trên giường sắt hoặc ghế sắt đang cháy hồng ấy, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ nằm hoặc ngồi trên giường hoặc ghế, được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

7- Này chư Tỳ khưu, các con nghĩ thế nào về điều này?

Một người đàn ông khỏe mạnh, nắm đôi chân người khác đưa lên cao, đầu chúc xuống dưới rồi ném vào nồi nước đồng sôi, lửa đang cháy đỏ. Người ấy ở trong nồi nước đồng đang sôi ấy khi thì nổi lên, khi thì chìm xuống, khi thì quay lộn ngang; với vị Tỳ khưu ở trong chỗ ở, cốc, tăng xá..., được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ. Trong hai sự việc ấy, điều nào cao quý hơn?

- Kính bạch Ðức Thế Tôn, sự ở trong chỗ ở, cốc, tăng xá..., được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, điều này cao quý hơn; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh ném vào nồi nước đồng đang sôi, lửa đang cháy đỏ, điều ấy đau khổ lắm. Bạch Ngài.

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai thuyết giảng, chỉ dạy cho các con nên biết: Ðối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... có tâm tham dục nhiều, tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ chỗ ở, cốc, tăng xá..., được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy không cao quý chút nào; còn người bị người đàn ông khỏe mạnh ném vào nồi nước đồng đang sôi, lửa đang cháy đỏ, người ấy cao quý hơn nhiều.

Ðiều ấy tại sao gọi là cao quý?

- Này chư Tỳ khưu, bởi vì người ấy có thể chết hoặc đau khổ dẫn đến sự chết do bị ném vào nồi nước đồng đang sôi, lửa đang cháy đỏ ấy, nhưng người ấy sau khi chết không phải sa vào 4 cõi ác giới, không phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, đối với Tỳ khưu phạm giới (dussīla), có ác pháp, có hành động thấp hèn đáng khinh bỉ, thường che giấu tội lỗi của mình; ... tánh tình xấu xa đê tiện, mà hài lòng, hoan hỉ chỗ ở, cốc, tăng xá..., được dâng cúng bằng đức tin trong sạch, của những người hoàng tộc giàu có, của những Bà la môn giàu có và của những đại phú hộ, vị Tỳ khưu ấy đang bị thoái hóa trong mọi thiện pháp, phải chịu khổ lâu dài, sau khi chết sẽ bị sa đọa vào 4 cõi ác giới, phải chịu khổ trong cõi địa ngục.

Này chư Tỳ khưu, vì vậy các con phải nên học tập rằng: "Chúng ta dùng 4 thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, của những thí chủ có đức tin trong sạch đem đến dâng cúng, chúng ta phải hành phạm hạnh cao thượng để làm cho những thí chủ ấy có được nhiều phước thiện, được nhiều quả báu cao quý, và đời sống Tỳ khưu của chúng ta không trở nên vô dụng, chúng ta sẽ tiến hóa trong mọi thiện pháp, cũng sẽ có nhiều quả báu cao quý".

Này chư Tỳ khưu, các con phải nên học tập, thực hành rằng:

- Khi quán xét thấy rõ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài của mình thật sự, khi ấy, các con nên tinh tấn để hoàn thành đầy đủ phạm hạnh bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ niệm xứ (appamādena sampādetuṃ).

- Khi quán xét thấy rõ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài của người khác thật sự, khi ấy, các con nên tinh tấn để hoàn thành đầy đủ phạm hạnh bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ niệm xứ.

- Khi quán xét thấy rõ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài của mình và của người khác thật sự, khi ấy, các con nên tinh tấn để hoàn thành đầy đủ phạm hạnh bằng pháp không dể duôi, tiến hành Tứ niệm xứ.

Ðức Thế Tôn thuyết giảng bài pháp này, trong nhóm đông Tỳ khưu, có 60 vị Tỳ khưu đã phạm tội bất cộng trụ (pārājika) khi đang nghe pháp cảm thấy quá nóng nảy hộc máu ra miệng.

Có 60 vị Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

- Sudukkharaṃ Bhagavā! Sudukkharaṃ Bhagavā!

- "Kính bạch Ðức Thế Tôn, thực hành phạm hạnh vô cùng khó khăn.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, thực hành phạm hạnh vô cùng khó khăn".

60 vị Tỳ khưu này xin hoàn tục trở thành cận sự nam.

Có 60 vị Tỳ khưu khi nghe bài pháp này, tâm hoàn toàn giải thoát khỏi mọi phiền não trầm luân, do không chấp thủ bởi tà kiến và tham ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

(Xong bài kinh)

Sự lợi ích của bài kinh Aggikkhandhopamasutta

Ðức Phật thuyết pháp với tâm đại bi vô lượng, mong đem lại sự lợi ích cho tất cả chúng sinh, mong cứu vớt chúng sinh giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Trong 9 Ân Ðức Phật, Ân Ðức Sugato: Ðức Thiện Ngôn, có 4 ý nghĩa:

- Ngự theo con đường Thánh Ðạo.
- Ngự đến nơi Niết Bàn cao thượng.
- Ngự đến đích chân chánh không lùi bước.
- Giáo huấn chân lý đem lại sự lợi ích thiết thực.

Trong 4 ý nghĩa trên, ở đây xin đề cập đến ý nghĩa thứ tư: "Giáo huấn chân lý đem lại sự lợi ích thiết thực".

Ðức Thế Tôn thuyết giảng chân lý, chắc chắn đem lại sự lợi ích thiết thực cho chúng sinh; nếu không đem lại sự lợi ích thiết thực, thì Ngài không bao giờ thuyết giảng.

Ðức Thế Tôn thuyết giảng hay không thuyết giảng có 6 trường hợp:

1- Ðức Phật biết rõ lời nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng lời ấy.

2- Ðức Phật biết rõ lời nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dầu người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng lời ấy.

3- Ðức Phật biết rõ lời nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng lời ấy.

4- Ðức Phật biết rõ lời nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, dầu người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài không thuyết giảng lời ấy.

5- Ðức Phật biết rõ lời nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỉ, Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng lời ấy.

6- Ðức Phật biết rõ lời nào chân thật, đem lại sự lợi ích, dầu người nghe không hài lòng, không hoan hỉ, Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng lời ấy.

Ðức Phật thuyết bài kinh Aggikkhandhopamasutta đem lại sự lợi ích cho cả 3 nhóm Tỳ khưu:

1- Nhóm Tỳ khưu thứ nhất gồm có 60 vị đã từng phạm giới pārājika (bất cộng trụ) mà che giấu tội lỗi của mình. Bây giờ, nhóm 60 vị Tỳ khưu này được nghe Ðức Phật thuyết giảng bài kinh ấy, chỉ dạy cho biết sự tai hại khủng khiếp đối với Tỳ khưu phạm giới, nên phát sanh động tâm (saṃvega) ăn năn hối hận tội lỗi của mình, nóng nảy cho đến nỗi hộc máu ra miệng, xả bỏ y bát, trở thành người cận sự nam, để tránh khỏi tai họa sa vào 4 cõi ác giới, tránh cảnh khổ trong cõi địa ngục lâu dài.

Ðối với nhóm cận sự nam này, đã thoát khỏi điều tai họa do phạm giới bất cộng trụ của bậc Tỳ khưu. Nhóm cận sự nam này, nếu trọn đời quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, bát giới trong sạch và hành theo pháp của người cận sự nam, sau khi chết sẽ sanh lên các cõi trời dục giới, hưởng sự an lạc tại cõi trời ấy. Nếu tiến hành thiền định cũng có thể chứng đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới. Nếu tiến hành thiền tuệ cũng có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.

Như vậy, bài kinh này đem lại sự lợi ích lớn cho nhóm 60 vị Tỳ khưu thứ nhất.

2- Nhóm Tỳ khưu thứ nhì gồm có 60 vị, đã từng phạm giới nhẹ mà che giấu, dể duôi không chịu sám hối, không thu thúc để cho giới trở nên trong sạch, không biết hổ thẹn, ghê sợ tội lỗi. Bây giờ nhóm 60 vị Tỳ khưu này được nghe Ðức Phật thuyết giảng bài kinh ấy, chỉ dạy cho biết sự tai hại khủng khiếp đối với Tỳ khưu phạm giới, nên phát sanh động tâm (saṃvega) ăn năn hối hận tội lỗi của mình, và biết mình không có đủ khả năng tiếp tục thực hành phạm hạnh cao thượng của Tỳ khưu cho được trong sạch hoàn toàn, nếu cứ tiếp tục sống kiếp Tỳ khưu thì sẽ có ngày phạm giới nặng. Nên nhóm 60 vị Tỳ khưu này xin Ðức Phật cho phép hoàn tục, trở thành cận sự nam để tránh khỏi tai họa sa vào 4 cõi ác giới, tránh cảnh khổ trong cõi địa ngục lâu dài.

Ðối với nhóm cận sự nam này, đã thoát khỏi điều tai họa do phạm giới của bậc Tỳ khưu. Nhóm cận sự nam này, nếu trọn đời quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, bát giới trong sạch và hành theo pháp của người cận sự nam, sau khi chết sẽ sanh lên các cõi trời dục giới, hưởng sự an lạc tại cõi trời ấy. Nếu tiến hành thiền định cũng có thể chứng đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới. Nếu tiến hành thiền tuệ cũng có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.

Như vậy, bài kinh này đem lại sự lợi ích lớn cho nhóm 60 vị Tỳ khưu thứ nhì.

3- Nhóm Tỳ khưu thứ ba gồm có 60 vị là bậc có giới hạnh trong sạch. Bây giờ, nhóm Tỳ khưu này được nghe Ðức Phật thuyết giảng bài kinh ấy, phát sanh động tâm (saṃvega) tiến hành thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong Phật giáo, ngay trong kiếp hiện tại. [Tóm lược ý nghĩa Chú giải Aṇguttaranikāya, phần Ekakanipāta, Accharasaṃghātavaggavaṇṇanā]

Bài kinh này đem lại sự lợi ích cho chư Tỳ khưu trong quá khứ như thế nào, thì chư Tỳ khưu trong hiện tại và chư Tỳ khưu trong vị lai cũng được sự lợi ích như thế ấy.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2 | 4.3 | 4.4 | 4.5 | 5.0

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-06-2003