BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI MỘT . Thực hành từng ngày một, việc nghiên cứu và thực hành giáo pháp của chúng ta đã đến ngày cuối. Khi quý vị tiến hành tu tập, quý vị được yêu cầu phải tuân thủ tuyệt đối vào phương pháp và nội qui của khóa tu. Không có sự tuân thủ này, quý vị sẽ không thể kiểm nghiệm phương pháp tu một cách nghiêm túc. Mười ngày đã qua; bây giờ quý vị là chủ nhân của chính mình. Khi trở về lại gia đình, quý vị điềm tĩnh ôn lại những gì quý vị đã tu tập ở đây. Nếu thấy rằng những gì quý vị đã thực tập ở đây là thực tế, hợp lý và có ích lợi cho bản thân và mọi người, quý vị nên chấp nhận, không phải vì người nào đó yêu cầu quý vị tu tập, nhưng ở đây quý vị tu tập theo tinh thần tự nguyện, theo thiện chí của quý vị; không chỉ vì mười ngày, nhưng vì cả cuộc đời của quý vị. Việc chấp nhận phương pháp tu tập không phải chỉ ở khía cạnh tri thức hoặc tình cảm. Chúng ta phải chấp nhận giáo pháp trên thực tế bằng sự tu tập, áp dụng nó vào đời sống của chúng ta, vì chỉ có thực hành giáo pháp một cách thiết thực mới có thể mang lại những ích lợi trong đời sống hằng ngày. Quý vị tham gia khóa tu này để học cách thực hành giáo pháp, làm thế nào để sống một đời sống đạo đức, làm thế nào để sống một cuộc đời với tâm tự chủ, làm thế nào để sống một cuộc sống với tâm thanh tịnh. Mỗi buổi tối, những bài pháp đã được giảng với mục đính để làm sáng tỏ phương pháp thực hành. Những bài pháp này rất cần thiết để chúng ta hiểu rõ những gì chúng ta đang hành trì và tại sao chúng ta phải hành trì như vậy, để không bị lầm lẫn hoặc tu tập sai phương pháp. Tuy nhiên, trong việc giảng giải về cách hành trì, một số quan điểm nào đó thuộc lý thuyết ắt hẳn đã được đề cập, và do đó những người thuộc các tôn giáo khác đã tham dự khóa tu này rất có thể tìm thấy phần lý thuyết nào đó không thể chấp nhận được. Nếu như thế, đừng bận tâm, hãy để điều này sang một bên. Điều quan trọng hơn là việc hành trì giáo pháp. Không ai không tán thành việc sống một cuộc đời không làm hại đến người khác, việc tu tập làm chủ tâm thức của chúng ta, không ai không tán thành việc tu tập tâm thoát khỏi phiền não, tạo ra tình thương và thiện chí với mọi người. Mọi người đều phải công nhận phương pháp tu tập này, và đây là đặc điểm của giáo pháp có ý nghĩa quan trọng nhất, vì bất cứ những ích lợi gì chúng ta gặt hái được không phải từ lý thuyết mà phải từ thực hành, từ việc áp dụng giáo pháp vào đời sống của chúng ta. Trong mười ngày quý vị chỉ có thể học khái lược về phương pháp hành trì; chúng ta không thể hy vọng hoàn hảo trong một thời gian quá ngắn như vậy. Nhưng ngay kinh nghiệm sơ lược này, quý vị cũng không nên xem thường: quý vị đã tu tập bước đầu tiên, một bước rất quan trọng, mặc dù hành trình quá dài, thực vậy đây là một hành trình cho suốt cuộc đời. Một hột giống giáo pháp đã được gieo, và đã bắt đầu nảy mầm thành cây con. Một người làm vườn giỏi chăm sóc cẩn thận cây con này, và nhờ sự chăm sóc, cây con sẽ dần dần phát triển thành cây có thân to lớn và rễ đâm sâu vào lòng đất. Khi đó vì nhu cầu phục vụ, cây này sẽ cung cấp, phục vụ trong suốt khoảng thời gian còn lại của nó. Cây con giáo pháp đòi hỏi phải được chăm sóc ngay bây giờ. Bảo vệ nó ra khỏi các phê bình, đánh giá phân biệt giữa lý thuyết và thực hành của người khác, về lý thuyết có thể một số người sẽ chống đối, nhưng về thực hành có thể mọi người đều chấp nhận. Đừng để những đánh giá phê bình này làm gián đoạn sự hành trì của quý vị. Tập trung thiền định một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi tối. Qui định này là điều rất quan trọng trong tu tập hằng ngày. Lúc đầu ngồi thiền hai giờ mỗi ngày dường như là một gánh nặng, nhưng không bao lâu quý vị sẽ thấy rằng quý vị sẽ tiết kiệm được nhiều thời giờ mà trước đây quý vị đã phung phí. Trước nhất, quý vị cần ngủ ít hơn, thứ đến, quý vị có thể hoàn thành công việc sớm hơn, bởi vì khả năng làm việc của quý vị tăng lên. Khi gặp khó khăn, quý vị sẽ giữ được tâm bình tĩnh, và ngay tức thời quý vị có thể tìm ra giải pháp đúng. Khi tu tập phương pháp này thành công, quý vị sẽ thấy rằng sau mỗi giờ thiền định vào buổi sáng, quý vị tạo ra năng lượng đầy đủ cho suốt ngày làm việc, và quý vị làm việc không bị ảnh hưởng bất kỳ sự khuấy nhiễu nào. Vào mỗi buổi tối khi quý vị lên giường nghỉ, hãy tỉnh giác những cảm thọ ở bất cứ nơi nào trên thân khoảng năm phút trước khi ngủ. Sáng hôm sau, ngay lúc quý vị vừa thức dậy, lại nữa hãy quán sát những cảm thọ trên thân trong vòng năm phút. Những phút thiền định trước khi ngủ và sau khi thức dậy này sẽ rất có lợi. Nếu sống trong khu vực có các vị tu thiền Minh Sát Tuệ, quý vị nên ngồi thiền với nhau trong vòng một giờ mỗi tuần. Và mỗi năm quý vị nên tham gia một khoá tu mười ngày. Thực tập hằng ngày có thể làm cho quý vị duy trì những gì mà quý vị đã đạt được ở đây, nhưng một khóa tịnh tu là điều rất quan trọng để quý vị có nhiều thời giờ chuyên sâu vào thiền định. Nếu quý vị có thể tham dự một khóa tu được tổ chức như vậy, điều này rất tốt. Nếu không, quý vị vẫn có thể tự tạo ra một khóa tu cho chính mình. Tự thực tập một khóa mười ngày ở bất cứ nơi nào quý vị có thể sống tách rời mọi người, và nơi nào có người có thể phục vụ thức ăn cho quý vị. Quý vị biết phương pháp tu tập, biết nội qui và thời khắc tu tập hằng ngày; quý vị phải ghi nhớ tất cả những điều này ngay bây giờ. Nếu quý vị muốn thông báo cho vị Thầy của quý vị trước rằng quý vị đang tiến hành một khóa tự tu, tôi sẽ nhớ đến quý vị và gởi tâm từ, những giao cảm an lành của tôi đến quý vị; điều này sẽ tạo ra một môi trường thanh tịnh để quý vị có thể tu tập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu quý vị không thông báo cho vị thầy của quý vị, quý vị cũng không nên mất tự tin. Giáo pháp sẽ bảo hộ quý vị. Dần dần chắc chắn quý vị sẽ đạt đến trạng thái tự chủ. Vị thầy chỉ là vị hướng dẫn mà thôi; quý vị phải trở thành vị thầy của chính mình. Hễ còn nương tựa vào bất cứ ai thì không thể giải thoát được. Thiền định mỗi ngày hai giờ và tịnh tu khóa mười ngày hằng năm chỉ cần thiết tối thiểu để duy trì phương pháp tu tập. Nếu quý vị có nhiều thời giờ hơn nữa, quý vị nên nỗ lực thiền định. Quý vị có thể tham gia khóa ngắn hạn một tuần hoặc vài ngày, ngay cả một ngày. Trong những khóa ngắn hạn như vậy, dành một phần ba thời gian tu tập thiền hơi thở (anāpāna meditation) và thời gian còn lại dành cho thiền Minh Sát Tuệ. Trong thời giờ thiền tập hằng ngày của quý vị, hãy sử dụng hết thời gian để thực tập thiền Minh Sát Tuệ. Chỉ khi nào tâm của quý vị bị dao động hoặc trì trệ, nếu vì bất kỳ những lý do nào đó, quý vị khó có thể quán sát những cảm thọ và duy trì tâm xả ly thì hãy giành một khoảng thời gian thực tập thiền hơi thở. Khi thực tập thiền Minh Sát Tuệ, hãy cẩn thận đừng đùa chơi với những cảm thọ, thích thú với những cảm thọ lạc và chán ghét những cảm thọ khổ. Hãy quán sát cảm thọ một cách khách quan. Di chuyển sự quán sát của quý vị có hệ thống xuyên suốt khắp thân thể, không cho phép nó dừng lại lâu trên bất cứ phần nào của cơ thể. Tối đa chỉ hai phút cho mỗi phần quán sát, hoặc năm phút cho trường hợp đặc biệt, nhưng đừng bao giờ để lâu hơn năm phút. Luôn tỉnh giác khi di chuyển sự quán sát cảm thọ trên toàn thân. Nếu sự thực tập này trở thành máy móc, hãy thay đổi cách di chuyển sự quán sát của quý vị. Trong mọi trường hợp hãy giữ tâm tỉnh giác và xả ly, và quý vị sẽ kinh nghiệm những lợi ích tuyệt vời của thiền Minh Sát Tuệ. Quý vị cũng phải áp dụng phương pháp tu tập trong sinh hoạt hằng ngày chứ không chỉ khi quý vị ngồi nhắm mắt lại. Khi nào quý vị làm việc, hãy tập trung hoàn toàn vào công việc; xem công việc như giờ thiền định của quý vị. Nhưng nếu có thời gian trống, ngay cả năm hoặc mười phút, hãy tận dụng thời gian này cho việc tỉnh giác đối với các cảm thọ; khi bắt đầu làm việc trở lại, quý vị sẽ cảm thấy rất tỉnh táo. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi quý vị thiền định nơi công cộng, nơi không có mặt những người tu thiền, quý vị không cần nhắm mắt; đừng bao giờ phô bày việc tu tập giáo pháp ở đó. Nếu thực tập thiền Minh Sát Tuệ một cách thích hợp, đời sống của quý vị sẽ thay đổi tốt hơn. Quý vị nên kiểm tra sự tiến bộ của quý vị trong việc tu tập dựa vào tư cách đạo đức của quý vị trong đời sống hằng ngày, trong cách cư xử của quý vị và những mối tương quan của quý vị với người khác. Thay vì làm hại người khác, quý vị đã bắt đầu giúp họ chưa? Khi gặp những tình huống bất như ý xảy ra, quý vị đã giữ tâm bình tỉnh chưa? Nếu phiền não sinh khởi trong tâm, quý vị đã nhanh chóng tỉnh giác đến nó như thế nào? Quý vị tỉnh giác những cảm thọ sinh khởi cùng với những phiền não nhanh chóng như thế nào? Quý vị thực hành quán sát những cảm thọ nhanh chóng như thế nào? Quý vị đã nhanh chóng lấy lại sự thăng bằng của tâm thức, và đã tạo ra tình thương và lòng từ bi như thế nào? Hãy kiểm soát lại chính quý vị theo cách này và tiếp tục tiến triển trên con đường hành trì. Những gì quý vị học được ở đây, không chỉ lưu giữ bảo tồn nó mà phải làm cho nó phát triển thêm lên. Luôn luôn áp dụng giáo pháp vào cuộc sống của quý vị. An hưởng tất cả những ích lợi của giáo pháp mang lại, và sống một cuộc đời hạnh phúc, bình an và hài hòa, tốt đẹp cho quý vị và mọi người. Một điều cần nhắc nhở: đó là quý vị nên kể cho người khác nghe những gì quý vị đã thực tập ở đây; đừng bao giờ giấu giếm giáo pháp. Nhưng ở giai đoạn này, đừng nên dạy cách hành trì cho người khác. Trước khi làm điều này, chúng ta phải có thành tựu trong tu tập, và phải được huấn luyện để giảng dạy. Ngược lại, chúng ta sẽ làm hại cho người khác thay vì giúp đỡ họ. Nếu có ai đó, sau khi đã nghe quý vị kể về tu tập thiền Minh Sát Tuệ, muốn thực tập nó, hãy khuyến khích họ tham gia một khóa tu có tổ chức như ở đây, được một vị Thầy hướng dẫn đúng. Bây giờ, hãy tiếp tục tu tập để chính quý vị thăng tiến trong giáo pháp. Hãy tiếp tục thăng hoa trong chánh pháp, quý vị sẽ thấy rằng nhờ lối sống mẫu mực, quý vị sẽ lôi cuốn mọi người đến với giáo pháp một cách tự nhiên. Cầu mong chánh pháp được truyền bá khắp thế gian vì sự tốt đẹp và ích lợi cho mọi người. Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc, an lạc và giải thoát ! Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | Ðầu trang |
Chân thành cám ơn Đại đức Thích Minh Diệu đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2004)
revised: 10-05-2004