BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN
Ngày thứ chín đã qua. Bây giờ là lúc thảo luận về cách thức để thực hành giáo pháp trong đời sống hằng ngày. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Giáo pháp là một nghệ thuật sống. Nếu chúng ta không thể áp dụng giáo pháp vào trong đời sống thường ngày thì việc tham dự một khóa tu không khác gì việc hành trì một nghi thức hoặc một nghi lễ. Mọi người đều phải đối diện với những hoàn cảnh bất như ý trong cuộc sống. Bất cứ khi nào những điều bất như ý xảy ra, tâm chúng ta mất bình tĩnh và chúng ta bắt đầu tự tạo ra phiền não. Và bất cứ khi nào phiền não sinh khởi trong tâm, chúng ta trở nên khổ sở. Chúng ta làm thế nào để không tạo ra phiền não, không tạo ra căng thẳng? Chúng ta phải làm thế nào để giữ tâm bình an và hài hòa? Các nhà hiền triết đã khám phá ra thực tại của thân và tâm và cũng đã tìm ra một giải pháp để giải quyết những vấn đề này: đó là khi nào một phiền não sinh khởi trong tâm vì bất cứ lý do gì, chúng ta nên chuyển sự chú ý của chúng ta đến một nơi khác. Ví dụ, chúng ta có thể đứng dậy, uống một ngụm nước, bắt đầu đếm, hoặc bắt đầu tụng danh hiệu của một thần hoặc tâm hướng đến một vị thánh mà chúng ta thành tâm tôn kính. Bằng cách chuyển đổi sự chú ý, chúng ta sẽ thoát khỏi phiền não bất như ý. Giải pháp này có thể thực hành. Nhưng một số nhà khám phá chân lý nội tại khác đã đi vào cấp độ sâu nhất của thực tại, chân lý tối hậu. Các bậc Giác Ngộ này đã tuệ tri rằng do chuyển đổi sự chú ý, chúng ta tạo ra một lớp bình an và hài hòa ở cấp độ nhận thức, nhưng chúng ta đã không đoạn trừ phiền não đã và đang sinh khởi. Chúng ta chỉ đè nén nó. Ở cấp độ vô thức, nó tiếp tục tăng trưởng và mạnh mẽ hơn. Sớm hay muộn miệng núi lửa phiền não ngủ ngầm sẽ phụt ra và áp đảo tâm thức. Khi nào phiền não còn tồn tại, ngay cả ở cấp độ vô thức, giải pháp trên chỉ có hiệu nghiệm một phần nào và chỉ tạm thời mà thôi. Một vị giác ngộ hoàn toàn đã tìm ra giải pháp đúng đắn: đó là đừng tìm cách chạy trốn khổ đau; hãy đối diện với nó. Quán sát bất cứ phiền não nào sinh khởi trong tâm. Chúng ta quán sát nhưng không đè nén, cũng không để cho nó có những hành động xấu thể hiện qua thân hoặc lời nói. Chỉ có sự quán sát là con đường trung đạo nằm giữa hai cực đoan này. Khi chúng ta bắt đầu quán sát, phiền não mất đi sức mạnh và bị tiêu hoại, nó không áp đảo được tâm thức. Không chỉ thế, một số phiền não ngủ ngầm cùng loại cũng bị tiêu diệt. Một khi một phiền não sinh khởi ở cấp độ nhận thức, một phiền não ngủ ngầm cùng loại cũng sinh ra từ vô thức, bắt đầu liên kết với phiền não hiện tại, (phiền não sinh khởi ở cấp độ nhận thức) và chúng bắt đầu tăng trưởng. Nếu chúng ta quán sát các phiền não ấy, không những phiền não hiện tại mà còn một phần nào của phiền não ngủ ngầm sẽ được đoạn trừ. Bằng cách này, lần lượt tất cả phiền não sẽ được đoạn trừ, và chúng ta thoát khỏi khổ đau. Nhưng đối với một người bình thường, việc quán sát một tâm phiền não thật không dễ. Chúng ta không biết khi nào phiền não phát khởi và nó chế ngự tâm thức như thế nào. Khi phiền não xuất hiện ở cấp độ nhận thức, nó trở nên quá mạnh đến nỗi rất khó cho việc quán sát mà không phản ứng lại. Dù là chúng ta cố gắng quán sát như vậy, việc quán sát một phiền não vi tế của tâm thức như sân hận, sợ hãi, hoặc tham ái ngấm ngầm cũng rất khó khăn. Thay vào đó, sự tập trung của chúng ta bị kích động bởi những phiền não từ bên ngoài, những điều này chỉ làm cho phiền não tăng trưởng. Tuy nhiên, những vị Giác Ngộ đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phiền não sinh khởi trong tâm, ngay lúc đó có hai yếu tố cũng phát sinh trong thân thể: đó là hơi thở sẽ trở nên khác thường, và phản ứng sinh-hóa còn gọi là cảm thọ xảy ra trên thân thể. Một giải pháp hữu hiệu đã được tìm ra. Rất khó quán sát những phiền não vi tế khởi lên trong tâm, nhưng nhờ tu tập chúng ta thực hành ngay lúc quán sát hơi thở và cảm thọ, cả hai đều là những tướng trạng của thân phiền não. Khi quán sát phiền não trong thân, chúng ta cho phép nó sinh ra rồi diệt đi mà không gây ra tác hại nào. Chúng ta bắt đầu giải thoát phiền não. Phải mất nhiều thời gian chúng ta mới có thể thuần thục được phương pháp tu tập này, nhưng khi hành trì, dần dần chúng ta thấy rằng nhiều vấn đề bất như ý từ bên ngoài đưa đến mà trước đây chúng ta thường phản ứng lại chúng, bây giờ chúng ta có thể giữ tâm bình thản đối với chúng. Mặc dù chúng ta phản ứng, phản ứng này sẽ không quá mạnh hoặc kéo dài như nó đã có ở quá khứ. Một lúc nào nó sẽ khởi lên trong hoàn cảnh bực tức nhất, chúng ta có thể được nhắc nhở và cảnh giác bằng hơi thở và cảm thọ, và chúng ta sẽ bắt đầu quán sát chúng, ngay cả trong vài sát na. Những sát na tự quán sát này sẽ hoạt động như một thiết bị giảm sốc giữa những kích động bên ngoài và phản ứng lại của chúng ta. Thay vì phản ứng lại một cách mù quáng, chúng ta giữ tâm bình tĩnh, và làm những việc có lợi cho chúng ta và mọi người. Quý vị đã thực tập bước đầu tiên hướng đến đoạn trừ phiền não và chuyển đổi những thói quen của tâm thức qua sự quán sát cảm thọ ở chính quý vị. Từ lúc sanh ra đời, chúng ta thường có thói quen hướng ngoại. Chúng ta không bao giờ quán sát tự thân, và vì vậy chúng ta không thể đi vào những vấn đề sâu kín của chúng ta. Chẳng hạn chúng ta tìm nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta từ bên ngoài, và luôn luôn đổ lỗi người khác làm chúng ta đau khổ. Chúng ta nhìn những sự vật chỉ qua một góc cạnh, một phần của quan điểm, chắc chắn chúng ta đã hiểu sai lệch những điều này; và lại nữa chúng ta chấp chặt quan điểm của mình như chân lý toàn hảo. Bất cứ việc làm nào được tạo ra từ kiến thức khiếm khuyết này chỉ sẽ làm hại cho chính mình và người khác. Để nhìn tổng thể sự thật, chúng ta phải quán sát nó từ nhiều khía cạnh. Đây là điều mà chúng ta học để hành qua phương pháp thực tập thiền Minh Sát Tuệ: đó là nhìn thực tại không chỉ bên ngoài mà còn phải nhìn bên trong nữa. Chỉ nhìn từ một góc cạnh, chúng ta tưởng rằng khổ đau của chúng ta do người khác gây ra, do hoàn cảnh bên ngoài. Vì vậy chúng ta tập trung toàn bộ năng lực cho mục đích thay đổi người khác và thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Thực tế, đây chỉ là một nỗ lực vô ích. Thực hành quán sát thực tại, chúng ta sớm tuệ tri rằng con người hoàn toàn có trách nhiệm với khổ đau hoặc hạnh phúc của chính mình. Ví dụ, ai đó bị chỉ trích và phiền não phát sinh. Vị ấy đổ lỗi người chỉ trích làm cho mình phiền não. Thực tế người chê bai đã tạo ra khổ sở cho bản thân vì anh ta đã làm tâm mình bị nhiễm ô. Người bị chê bai cũng tự tạo ra khổ đau khi vị ấy phản ứng lại lời chỉ trích, và tự làm cho tâm mình ô nhiễm. Mỗi chúng ta có trách nhiệm về khổ đau của bản thân, không ai có thể can thiệp vào cả. Khi nào chúng ta kinh nghiệm sự thật này, sự điên rồ trong việc đổ lỗi người khác sẽ không còn nữa. Chúng ta phản ứng lại điều gì? Chính chúng ta tạo ra ảo tưởng chứ không phải thực tại bên ngoài. Khi chúng ta nhìn ai đó, sự tưởng tượng của chúng ta bị nhuốm màu do những tập khí quá khứ của chúng ta. Những sankhāra cũ tác động lên tưởng tri của chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh mới nào. Kế đó, vì tưởng tri có điều kiện, cảm thọ lạc hoặc bất lạc sinh ra trên thân. Và tuỳ theo cảm thọ, chúng ta tạo ra một phản ứng mới. Mỗi tiến trình này đều do sankhārā cũ quyết định. Nhưng nếu chúng ta duy trì tâm tỉnh giác và xả ly đối với mọi cảm thọ, thói quen phản ứng mù quáng trở nên yếu hơn, và chúng ta thực hành quán sát thực tại như nó đang là. Khi chúng ta phát triển khả năng nhìn sự vật từ các khía cạnh khác nhau thì bất cứ khi nào người khác chê bai hoặc cư xử thiếu đạo đức đối với chúng ta, chúng ta khởi lên tuệ tri rằng vị này đang có thái độ sai vì anh ta đang đau khổ. Với tuệ tri này, chúng ta không khởi tâm phiền não phản ứng lại mà chỉ khởi lên tình thương và lòng từ bi đối với người khổ sở, như một người mẹ cảm thông người con đang bệnh. Thiện tâm này sinh khởi để giúp người đoạn trừ phiền não. Vì vậy, chúng ta giữ sự bình an và hạnh phúc cho mình, và giúp người khác cũng được bình an và hạnh phúc. Đây là mục đích của giáo pháp, thực tập nghệ thuật sống, đoạn trừ tâm cấu uế và tăng trưởng thiện tâm, vì sự tốt đẹp cho chúng ta và mọi người. Có mười đức tính tốt (pāramī cũng còn gọi là Ba-la-mật) thuộc về tâm mà chúng ta cần phải thực hành hoàn hảo để đạt đến mục đích tối thượng. Mục đích của tu tập mười thiện tâm này là một tiến trình hoàn toàn vô ngã . Mười pāramī này là những đức tính tốt của tâm có khả năng lần lượt xoá trừ ngã chấp, và đưa chúng ta tiến đến giải thoát. Chúng ta có cơ hội để tu tập mười đức tính này trong khóa thiền Minh Sát Tuệ. Ba-la-mật đầu tiên là nekkhamma, có nghĩa là sự xuất ly. Chúng ta trở thành một vị Tăng hoặc Ni, xuất ly đời sống tại gia và sống cuộc đời vô sở hữu vật chất, ngay cả phải xin ăn để nuôi sống hằng ngày. Tất cả những việc làm này là vì mục đích phá bỏ tự ngã. Làm thế nào để một người tại gia có thể phát triển đức tính này? Trong một khóa tu như thế này, chúng ta có cơ hội để thực hành, từ lúc có mặt ở đây chúng ta sống dựa vào sự hảo tâm của người khác. Thọ nhận bất cứ những gì như thức ăn, chốn ở, hoặc những nhu cầu khác từ sự trợ giúp của người khác, chúng ta tuần tự phát triển đức tính xuất ly (xuất gia). Những gì chúng ta thọ nhận ở đây, sử dụng chúng đúng nghĩa nhất, chúng ta nỗ lực tu tập để thanh lọc tâm không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn cho người khác, những người đã cúng dường vì sự có mặt của chúng ta. Ba-la-mật kế tiếp là sīla, có nghĩa là đạo đức. Chúng ta phát triển đức tính này bằng cách giữ năm giới trong suốt thời gian tu tập và trong đời sống hằng ngày. Có nhiều khó khăn làm trở ngại việc hành trì giới trong đời sống thế tục. Tuy nhiên, ở đây trong khóa tu, không có điều kiện nào tác động đến việc phá giới, vì chương trình và nội qui rất nghiêm túc. Duy chỉ trong lúc nói năng có thể chúng ta sẽ xao lãng không giữ giới nghiêm túc. Vì lý do này chúng ta phát nguyện tịnh khẩu trong chín ngày đầu của khóa tu. Nhờ vậy, ít nhất trong suốt thời gian khóa tu, chúng ta giữ giới một cách hoàn chỉnh. Một ba-la-mật khác là viriya, có nghĩa là tinh tấn. Trong đời sống thường ngày, chúng ta nỗ lực làm việc như tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, ở đây, sự tinh tấn là để làm cho tâm thanh tịnh nhờ vào chuyên tâm tỉnh giác và xả ly. Đây là chánh tinh tấn, tinh tấn này sẽ đưa đến giải thoát. Một ba-la-mật khác là paññā, có nghĩa là trí tuệ. Ở ngoài thế gian, chúng ta có thể có trí tuệ, nhưng chúng ta đạt được trí tuệ này là do đọc sách, nghe từ những người khác, hoặc chỉ hiểu biết bằng tri thức. Chân trí tuệ ba-la-mật là sự tuệ tri những gì khai mở trong chính chúng ta, từ kinh nghiệm thiền định. Chúng ta liễu tri trực tiếp bằng cách tự quán sát những đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại, chúng ta loại trừ khổ đau. Một ba-la-mật khác là khanti, có nghĩa là nhẫn nhục. Trong một khóa tu như thế này, tu tập và sống chung trong cùng một nhóm, chúng ta cảm thấy mình bị phá rối và khó chịu do những việc làm của những người khác. Nhưng không bao lâu chúng ta nhận ra rằng người gây ra phiền hà chỉ vì vị ấy không biết hành vi mình đang làm, hoặc có thể vị ấy là một người bệnh. Sự bực tức này sẽ qua đi, và chúng ta chỉ khởi tâm yêu thương và lòng từ đối với vị ấy. Chúng ta đang tu tập hạnh nhẫn nhục. Một ba-la-mật khác là sacca, có nghĩa là sự thật. Bằng cách hành trì giới chúng ta tu tập giữ lời nói chân thật. Tuy nhiên, sacca phải được hành trì trong ý nghĩa cao hơn. Mỗi bước trên con đường hành trì phải là một bước đi tới sự thật, từ sự thật thô, sự thật bên ngoài, đến sự thật vi tế hơn và cuối cùng đến chân lý tối hậu. Không có lý do gì để tưởng tượng. Chúng ta phải luôn luôn duy trì sự thật mà chúng ta thực sự kinh nghiệm nó ở giây phút hiện tại. Một ba-la-mật khác nữa là adhitthāna, có nghĩa là sự quyết định mạnh mẽ. Khi chúng ta tham dự khóa thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta quyết định tu tập trọn thời gian của khóa tu. Chúng ta quyết định tuân thủ giới, giữ im lặng và tất cả những nội qui của khóa tu. Sau khi được giới thiệu về pháp tu thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta tự quyết định hành thiền trong thời gian ngồi thiền, không hề mở mắt, không cử động tay, chân. Khi tu tập phương pháp này ở giai đoạn cao hơn, quyết định ba-la-mật rất quan trọng; khi gần đạt mục tiêu tối hậu, chúng ta phải sẵn sàng ngồi bất động cho đến khi thành tựu giải thoát. Vì lý do này, sự quyết định mạnh mẽ là yếu tố cần phải tu tập. Một ba-la-mật khác nữa là mettā, có nghĩa là tình thương vô ngã, thanh tịnh. Trước đây, chúng ta cố gắng tu tập tâm yêu thương và thiện chí đối với người khác, nhưng thiện tâm này chỉ ở mức độ nhận thức. Ở cấp độ vô thức những phiền não cũ vẫn tiếp tục tồn tại. Khi tâm thức được thuần tịnh hoàn toàn, ở cấp độ sâu thẳm của tâm thức chúng ta có thể mong ước mọi người được hạnh phúc. Đây là tình thương chân thật, có lợi cho người khác và cho chính chúng ta. Một ba-la-mật khác là upekkhā, có nghĩa là tâm xả ly. Chúng ta tu tập tâm xả ly không chỉ đối với những cảm thọ thô, bất lạc, hoặc những khu vực không nhận ra cảm thọ trong thân thể, mà còn đối với những cảm thọ lạc, vi tế. Trong mọi lúc, chúng ta hiểu rằng sát na mà chúng ta vừa kinh qua là vô thường, chắc chắn không tồn tại. Với tuệ tri này chúng ta duy trì tâm vô tham và xả ly. Ba-la-mật cuối cùng là dāna, có nghĩa là bố thí, làm từ thiện. Với người tại gia, đây là bước tu tập quan trọng đầu tiên. Một người tại gia còn có bổn phận kiếm sống với việc làm chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng nếu chúng ta khởi tâm tham lam đối với tiền bạc mà chúng ta làm ra, khi đó chúng ta đã phát triển tự ngã. Vì lý do này, một phần của cải chúng ta làm ra phải nên bố thí cho người khác. Nếu chúng ta tập bố thí, tự ngã sẽ không tăng trưởng, từ đó chúng ta hiểu rằng chúng ta làm ra vật chất vì ích lợi cho chính chúng ta và cũng vì ích lợi cho những người khác nữa. Chúng ta ước mong giúp đỡ người khác bất cứ việc gì trong khả năng của mình. Và chúng ta hiểu rằng không có sự giúp đỡ nào cao quý hơn việc giúp người tu tập chánh pháp để thoát khỏi khổ đau. Trong một khóa tu như thế này, chúng ta có cơ hội tốt để phát triển đức tính bố thí. Bất cứ những gì chúng ta thọ nhận ở đây đều được người khác cúng dường; không đòi hỏi trả tiền phòng và ban quản lý cũng không nhận thù lao trong việc giảng dạy. Đến lượt chúng ta cúng dường vì sự lợi ích cho người khác. Số tiền chúng ta cúng dường khác nhau tùy theo khả năng của chúng ta. Chắc chắn người giàu có sẽ mong muốn được cúng nhiều hơn, nhưng với nhận thức đúng, ngay cả việc cúng dường ít nhất vẫn có giá trị trong việc tu tập ba-la-mật này. Không mong cầu bất cứ sự đáp trả nào, chúng ta cúng dường để người khác có cơ hội tu tập giáo pháp, gặt hái lợi lạc và có thể đoạn trừ phiền não. Ở đây quý vị có cơ hội phát triển mười ba-la-mật này. Khi tất cả mười đức tính này được tu tập viên mãn, quý vị sẽ thành tựu mục đích tối hậu. Hãy liên tục thực hành để tiến bộ từng bước. Tiếp tục thăng tiến trên con đường giáo pháp, không chỉ vì lợi ích và giải thoát cho bản thân quí vị, mà còn lợi ích và giải thoát cho nhiều người. Cầu mong tất cả những người khổ
đau tìm
đến giáo pháp thanh tịnh và giải thoát. Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | Ðầu trang |
Chân thành cám ơn Đại đức Thích Minh Diệu đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2004)
revised: 10-05-2004