Bài 7 Các lợi lạc cao nhứt Hôm nay, chúng ta sẽ tóm tắt lại những chỗ sưu tầm của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) được các bài pháp thoại nầy bàn đến. Chúng ta sẽ tóm lược lại mười sáu bước, theo đặc tánh chủ yếu của chúng, giá trị các lợi lạc cùng các phương tiện để thực hiện được các lợi lạc đó. Xin các bạn vui lòng nghe cho cẩn thận. Rồi các bạn sẽ có đủ khả năng để hưởng dụng các lợi lạc đó đến mức tối đa. Xin đừng quên rằng chúng ta đang bàn về Thiên nhiên, về bốn khía cạnh của Thiên nhiên và qui luật của Thiên nhiên biểu lộ trong bốn khía cạnh đó: thân (kàya), cảm thọ (vedanà), tâm (citta) và Pháp (Dhamma). Thiên nhiên thanh tịnh và giản dị! Vậy, xin bạn hãy hiểu cho rõ danh từ Dhamma jàti nầy. Nó vừa là qui luật của Thiên nhiên, vừa tuân phục theo qui luật đó; Thiên nhiên và qui luật của nó, chẳng thể nào tách rời nhau ra. Là sanh vật, chúng ta có nhiệm vụ phải thấu hiểu và xử dụng Thiên nhiên như thế nào để đem lại lợi ích tối đa cho chúng ta. Mặc dầu chúng ta chẳng thể kiểm soát Thiên nhiên được, nhưng chúng ta có thể lợi dụng Thiên nhiên để đem phần lợi về cho mình, khi chúng ta biết hành động một cách đứng đán chiếu theo qui luật của Thiên nhiên. Chúng ta biết đến bốn "thiên nhiên" đó cũng chỉ vì sự lợi lạc cho đời sống của chúng ta, dầu cho đời sống ấy có kéo dài đến bao lâu đi chăng nữa. Thân (kàya): làm mát dịu các tình cảm . Đề t ài thứ nhứt để thực tập Giác niệm về Hơi thở là kàya, thân hay là các thân. Chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của thân đối với đời sống, nên chẳng cần giải nghĩa thêm dài dòng. Tấm thân làm cơ sở cho tâm trí. Ta cần có một thân (kàya) sẵn sàng đủ sức để tự bảo vệ và tự bảo trì lấy nó và một tâm trí hướng theo sự lợi lạc của đời sống. Hơn nữa, ta cần hiểu biết cách kiểm soát thân dựa theo các nhu cầu của ta, qua sự điều chỉnh hơi thở. Nhờ làm được như thế, ta có thể thay đổi được khí sắc và tình cảm. Thí dụ như, khi ta tức giận, ta có thể buông bỏ nổi giận hờn bằng cách thở dài hơi. Do hơi thở dài mà cơn giận biến mất. Khi ta đang lo âu và chẳng thể nào suy nghĩ cho thẳng thắn được, ta thở dài hơi, càng lúc càng dài, để đuổi sự lo âu ra khỏi. Hoặc ta muốn đổi chiều một tư tưởng nầy sang một chiều hướng tư tưởng khác, ta có thể làm được như thế bằng cách thở thật dài hơi để quét sạch cái tư tưởng hay cái tình cảm chẳng đáng mong muốn đó và thay thế chúng bằng một chút gì bình thường và có trật tự hơn. Thế là ta có đủ khả năng để suy nghĩ đến những điều đáng lẽ ra phải được nghĩ đến. Vậy thì, tấm thân (Kàya) đâu chỉ có xương với thịt mà thôi, còn có nhiều hơn thế, thân đó ảnh hưởng cả đến tâm trí nữa.Riêng chỉ một mình hơi thở cũng đủ làm cho ta phải tìm hiểu cho thật rõ ràng, dầu chỉ là hơi thở suông thôi. Ta sẽ có được sức khoẻ tốt, nếu ta biết thở một cách thật thích nghi. Như thế, thân và những sự vật liên hợp với thân -- như hơi thở, tình cảm, và sức khoẻ -- đều được xem như một đề tài hết sức quan trọng. Tôi hi vọng tất cả các bạn sẽ thu lượm được thật đầy đủ các lợi điểm về giai đoạn nầy của Giác Niệm về Hơ i thở (Ànàpànasati). Cảm thọ (vedanà): chặn đứng sự quay cuồng.Các cảm giác là đề tài thứ nhì. Nếu bạn chẳng ý thức đến các tình cảm thì bạn sẽ nghĩ là chúng chẳng quan hệ gì cả. Thật ra, chúng rất ư là quan trọng đối với nhơn loại, vì chúng có thể làm loài người quay cuồng theo ý chúng. Hơn thế nữa, chúng còn làm cả thế giới quay cuồng theo. Dầu là cảm giác nào mà ta đang mong muốn -- và mọi người đều đầy cả khát vọng -- ta vẫn bị thúc đẩy để đi đến những hành động tương ứng với chúng. MọI người đều chạy đuổi theo các cảm giác thích thú và lánh xa các cảm giác khó chịu. Đấy là lý do tại sao các tình cảm cứ khiến cho toàn thể thế giới nầy quay cuồng mãi. Tình cảm con người là nguyên nhân tạo nên các sự phát minh mới lạ, tân kỳ và những sáng tạo mà nhơn loại đã sản xuất. Nghệ thuật, văn hoá, và kỹ thuật được khám phá và tạo dựng nên cũng bởi các tình cảm, có đầy quyền lực mãnh liệt để ép buộc ta phải đi theo chúng. Cảm thọ (Vedanà) gây ra ước muốn. Nhu cầu được phát sanh cũng từ các cảm thọ và chạy theo các cảm thọ. Rồi ta hành động theo tiếng gọi của các ước muốn. Vì thế mà nhiều sự việc đã xảy ra. Ngay cả việc ta chạy theo tiền bạc cũng là để đáp lại lời yêu cầu của tình cảm, cho dầu tình cảm đó bắt nguồn từ nhục cảm hay tình dục, hoặc giản dị hơn, từ cái cảm giác tầm thường là mong được thoải mái. Xin bạn hãy ráng tìm hiểu các sự việc ấy đang ngự trị nhơn loại. Cảm thọ (Vedanà) có quyền lực và ảnh hưởng mãnh liệt phi thường đến chúng ta. Nếu ta chẳng thể kiểm soát được các tình cảm, ta sẽ thăng trầm lên xuống theo nhịp thị hiếu bất thườg của chúng, tức là sự khổ sở (dukkha). Và rồi ta sẽ nhắm mắt cứ hành động theo các cảm thọ (vedanà), hiện còn bị giam giữ trong sự vô minh (avijjà) và vì thế, mà chẳng được đứng đắn. Điều ấy cũng giống như đối với loài súc sanh. Cả thú vật nữa, cũng chịu sự thúc dục và hướng dẫn của các tình cảm; mọi hoạt động cuả chúng cũng chỉ là lùng kiếm và theo đuổi các cảm thọ mong muốn. Con người cũng thế, lùng kiếm và chạy đuổi theo các cảm thọ mà họ mong cầu. Ngay cả việc các bạn đến khoá thiền tập ở Suan Mokkh nầy, các bạn hi vọng tìm thấy chút gì có thể tạo nên cái cảm thọ làm bạn vui thích. Phải chăng các bạn đến đây để tìm thấy các cãm giác thích thú, như sự yên tĩnh và an hoà của tu viện, hoặc niềm vui về các giây phút trầm tư mặc tưởng, hoặc bạn đã cố gắng tìm cách lánh xa khỏi cảnh xáo trộn, tranh chấp, ưu tư và đau khổ trên thế giới? Các cảm thọ đó đưa đến mọi hoạt động và tầm cầu; chúng thúc dục mọi cố gắng, nỗ lực. Thật vậy, chúng chính là các chủ nhơn ông, các nhà độc tài, đối với đời sống của chúng ta, đến một mức độ hết sức là sâu rộng. Khi ta kiểm soát được chúng, ta chẳng để chúng gây tác hại đến ta. Khi ta chẳng đủ khả năng để kiểm soát chúng, ta trở nên nô lệ của chúng. Còn tình trạng nào bi thảm hơn nữa, khi phải làm nô lệ cho các cảm thọ! Có hai loại cảm thọ (Vedanà): cảm thọ điền rồ bị ảnh hưởng của vô minh (avijjà) và cảm thọ sáng suốt được trí huệ minh triết (vijjà) chiếu soi đến. Nếu ta tỏ ra điên rồ vào lúc xúc (phassa, sự tiếp xúc giữa giác quan với đối tượng) xảy ra thì ta sẽ có cảm thọ điên rồ. Nếu ta tỏ ra khôn lanh và hiểu biết vào lúc xúc (phassa) xảy ra thì ta sẽ có được cảm thọ đứng đắn, chơn chánh. Cảm thọ điền rồ đưa đến dục vọng còn si mê, mà ta gọi là khát ái (tanha). Cảm thọ đứng đắn đưa đến sự ham muốn đứng đắn, đúng như những ham muốn chơn chánh mà ta cần phải nên ham muốn. Ta phải nên cẩn thận giữ gìn cho các cảm thọ được luôn luôn đứng đắn. Cảm thọ điên rồ đưa đến khát ái, rồi khát ái lại lôi kéo ta chạy theo một khát ái điên rồ khác, hoặc theo một ước muốn khá thông minh hơn. Khát ái có thể biến một ước muốn chơn chánh trở thành ngu xuẩn. Khát ái điền rồ lôi cuốn ta quay cuồng vòng vòng, vòng vòng, mãi chẳng biết bao nhiêu lần, thế mà ta vẫn ráng sức chịu đựng với nó. Đôi khi, ta lại muốn lên đến tận cung trăng! Cho đến khi nào khát ái còn lưu lại đó thì chẳng bao giờ chấm dứt mọi việc đến và đi, các phát minh, các chế biến, các khát vọng cho một cuộc đời xa hoa phù phiếm đến bất tận. Lẽ tất nhiên, việc kiểm soát các cảm thọ đưa đến các lợi lạc thật vĩ đại. Bạn chớ để cho chúng làm khuấy động lên các ước muốn và nhu cầu điên rồ. Trong chiều hướng đó, bạn nên quan tâm đến các cảm thọ. Tâm (citta): làm việc đứng đắn.Giờ đây, ta đến với tâm (citta). Bạn đã biết rõ và ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của tâm. Nếu chưa, thì cuộc nghiên cứu của chúng ta tại đây cũng chỉ được cho bạn thấy tầm quan trọng ấy của tâm. Mặt khác, cũng như đối với thân (kàya), và cảm thọ (vedanà), nếu tâm chẳng được đứng đắn, thì các vấn đề khó khăn sẽ đặt ra ngay và sự khổ sở (dukkha) sẽ xảy đến. Ở mức tối thiểu, có ba việc ta cần phải thông hiểu về tâm. Tùy theo chức năng mà tâm thi hành, ta gọi tâm đó dưới ba tên khác nhau. Khi nó suy nghĩ, ta gọi đó là citta (tâm). Khi nó hay biết, ý thức về việc gì, cảm giác hay thể nghiệm và biết rõ đến điều gì, ta gọi là mano (cảm biết). Chức năng căn bản ý thức tại ngưỡng cửa các giác quan để thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ và hiểu biết được gọi là vinnàna (ý thức). Ta đặt tiêu điểm lên chức năng của tâm khi nó thi hành nhiệm vụ của nó để đặt tên cho nó: khi nó suy nghĩ, ta gọi là citta, tâm; khi nó hay biết, ta gọi đó là mano, cảm biết; và khi nó ý thức được các cảm giác ở các giác quan, ta gọi đó là vinnàna, ý thức. Khi tâm hoạt động đứng đắn, thì có nhiều kết quả tốt đẹp, và cần phải kiểm soát tâm để cho nó hoạt động thật đứng đắn. Nếu ta chẳng kiểm soát được tâm thì nó trở nên chẳng đứng đắn. Khi nó thiếu đứng đắn thì muôn việc đều hư hỏng cả, chẳng còn gì sót lại trên thế gian nầy. Ta có thể nói thế gian nầy sở dĩ có được là vì chúng ta đã có tâm. Nếu ta chẳng có tâm, thì có lẽ chẳng còn có thế gian nào nữa cả. Nếu ta tiếp tục kiểm soát được tâm mãi và an trú nó trong chỗ đứng đắn, ta sẽ thâu nhận được các hoa quả của sự yên tĩnh, vắng lặng, và hoà bình. Thông hiểu đầy đủ về tâm để có thể giữ mãi tâm trong vòng kiẻm soát, đó là loại kiến thức tuyệt hảo mà loài người cần phải biết khám phá ra để hưởng lấy. Bạn phải nên lưu tâm đặc biệt về vấn đề nầy. Pháp (dhamma): hai sự kiện c ăn bản.Sau cùng, ta đến với Pháp (Dhamma), hay là, đến với Chơn Lý. Trong mọi sự vật, kể cả những sự vật là chính chúng ta nữa, và những sự vật mà chúng ta có liên hệ đến, đều có những Chơn Lý mà ta cần phải hiểu thấu. Nếu ta chẳng hiểu đến Chơn lý đó, hay đã hiểu một cách sai lầm, thì việc xử thế của chúng ta sẽ chẳng được đứng đắn với các sự vật đó, với đời sống của chúng ta. Điều nầy sẽ tạo nên nhiều vấn đề khó khăn và sẽ đưa tới sự Khổ sở (dukkha). Toàn bộ rộng rãi các kiến thức đó có thể tóm lược lại thành ra hai đề mục chánh: sự vật kép, phức tạp gọi là chư hành (sankhàra) và các sự vật đối ngược lại, tức là các sự vật đơn thuần, chẳng phức tạp. Có lẽ các bạn đã học qua hai đề mục nầy trong khoa Siêu hình học rồi, dưới danh xưng là hiện tượng (phenomene) và bản thể (noumene). Bản thể đối ngược với hiện tượng trên nguyên tắc, nhưng cả hai lập thành một cặp đôi. Nếu sự vật nào là một hiện tượng, thì nó phải là thể kép, phức tạp và biểu lộ ra sự thật về vô thường (aniccam). Nếu một sự việc là bản thể thì nó thuộc vào thể đơn thuần, và chẳng hề vô thường; trái lại, nó lại thường hằng (niccam). Vì lẽ đó, ta nghiên cứu và học tập về vô thường nơi muôn sư vật, cho đến khi nào ta thông suốt được lẽ vô thường thật thuần thục. Và rồi ta chẳng hề gắn bó, ràng buộc vào bất cứ sự việc gì. Khi tâm trí chẳng còn bám níu vào bất cứ đâu nữa thì nó sẽ nhận thức ra được cái lẽ thường hằng (niccam) đã vượt qua khỏi sự vô thường, tức là đến được với cái bản thể -- Niết-bàn (Nibbàna). Như thế, ta hiểu được cả hai sự thực thực tế -- điều hữu vi, bị điều kiện hoá và điều vô vi, chẳng bị điều kiện hoá -- và đó là một sự quan trọng vào bực nhứt. Đó là nguyên tắc tối quan trọng. Sự thực tập về Pháp trong bộ bốn cuối cùng của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) sẽ dẫn ta đến hai sự kiện căn bản đó. Trên đây là cốt tủy của việc chúng ta nghiên cứu vể bốn lãnh vực ấy, và các kiến thức cùng lợi lạc mà sự nghiên cứu đó mang đến. Đấy là tinh hoa của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Bốn Pháp đồng hành.Còn có bốn lợi ích trong việc thực tập Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) nữa. Ta còn được bốn điều mà tôi muốn gọi đó là "bốn kẻ đồng hành của Pháp". Tôi đã tự tiện đặt ra danh từ "đồng hành" nầy để có thể giải thích, một cách dễ dàng hơn. Bốn Pháp "đồng hành" đó là sati, pannà, sampajannà và samàdhi: giác niệm, bát nhã, phân biện và định lực. Các bạn còn nhớ ở bài pháp thoại đầu tiên, tôi có nói, trong khi chúng ta sống trong cõi thế gian nầy, thì bốn kẻ đồng hành đó đã giúp ta chiến thắng được mọi sự đe dọa. Với bốn kẻ đồng hành đó ta có thể gạt bỏ được sự Khổ sở (dukkha). Dầu đang ở trong tu viện hay ra sống ở bên ngoài, chúng ta phải xử dụng đến bốn kẻ đồng hành ấy để mà sống. Trước hết, ta có giác niệm (sati, ý thức hiểu biết). Khi một đối tượng tiếp xúc vơi giác quan, giác niệm (sati) có đó và mang bát nhã (panna, trí huệ) tới cho sự thể nghiệm. Một khi bát nhã (panna) đã đến, nó liền chuyển biến thành sự phân biện (sampajannà, trí huệ đang tác động, nghĩa là, phân biệt ra được rõ ràng) tức là sự ứng dụng của trí huệ vào một tình trạng đặc biệt hiện có. Rồi, sức mạnh của định lực (samàdhi, tình trạng tập trung tâm ý) gia tăng lên để trợ giúp cho sự phân biện (sampajannà). Với sự phối hợp cộng tác của bốn Pháp đồng hành đó, ta có đủ khả năng để chinh phục bất cứ đối tượng nào đến tiếp xúc với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Bốn Pháp đồng hành đó là bốn kẻ thân tùy vô địch đang hộ vệ chúng ta. Chúng canh chừng và bảo hộ chúng ta tựa như một đấng Thượng đế. Nếu ta biết thực tập Giác Niệm về Hơi thở, ta sẽ thủ đắc được bốn Pháp đồng hành đó. Thực tập các chơn lý c ăn bản.Lợi ích kế tiếp là ta có đủ khả năng để thực tập phù hợp với nguyên lý paticca samuppàda, lý duyên sanh, hay là, sự sanh khởi bị điều kiện hoá. Lý thuyết về lý duyên sanh hết sức phức tạp và dài dòng. Đối với vài bạn còn chưa quen với lý thuyết nầy, tôi xin nói vắn tắt, lý duyên sanh giải thích nguyên nhân làm nguồn gốc phát sanh ra khổ sở (dukkha). Một chuỗi dài các nguyên nhân, cái sau tùy thuộc vào cái trước, đưa đến sự đau khổ. Đức Phật đã giảng dạy đề tài nầy dưới nhiều hình thức khác nhau, bởi vì nó quá tế nhị và thâm sâu vô cùng, khó cho ta hiểu thấu được. Xin các bạn hãy nghiên cứu lý thuyết nầy. Nhưng đến khi chúng ta bước vào việc thực tập ứng dụng nó, thì lại thấy lý duyên sanh rất giản dị, giản dị đến mức tuyệt diệu. Nó cô đọng lại ở chỗ nầy: có giác niệm (sati, sự tỉnh thức) vào đúng lúc xảy ra sự tiếp xúc, xúc (phassa), giữa đối tượng và giác quan, và giản dị có thế mà thôi. Xúc (phassa) là nơi gặp gỡ giữa ba việc: (1) giác quan, (2) trước một đối tượng ở bên ngoài và (3) ý thức (vinnàna) tương ứng khởi lên ở bên trong nội tâm. Giản dị có được giác niệm (sati) vào đúng lúc xúc (phassa) xảy ra thì có thể giải quyết thoả đáng và trọn vẹn tất cả mọi vần đề của lý duyên sanh (paticca samuppàda). Điều đó có nghĩa là, trước khi sự sanh khởi bị điều kiện hoá phát triển lên được, hãy có ngay giác niệm tại đó, tại chỗ xúc (phassa). Đừng để cho xúc trở thành mê muội. Đừng để cho một xúc ngu muội kéo theo một cảm giác ngu muội và một cảm giác ngu muội lại đưa đến sự khát ái (tanha) cũng ngu muội nốt. Tất cả đều ngưng lại tại chỗ đó. Đấy chính là một lợi lạc khác của sự thực tập Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Sự thực tập nầy khiến cho giác niệm (sati) trở nên dồi dào, nhanh nhẹn và thiện xảo đủ để làm tròn nhiệm vụ vào đúng lúc xúc diễn ra, hầu chận đứng lại được dòng nguyên nhân trong lý duyên sanh (paticca samuppàda) ngay vào lúc đó và ở tại chỗ đó. Đây quả thật là một lợi ích vĩ đại vào bực nhứt của Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Còn một lợi ích nữa của sự thực tập Giác niệm về Hơi thở là chúng ta thực hành được theo đúng nguyên tắc nêu trong Bốn Chơn Lý Nhiệm mầu (Ariya sacca) một cách đễ dàng và trọn vẹn. Các bạn đều nghe nói đến và hiểu rõ thế nào là Tứ Diệu Đế. Tinh hoa của qui luật đó là sự Khổ sở (dukkha) phát sanh ra từ sự khát ái (yanha) ngu muội. Nếu ở đâu có sự khát ái (tanha) thì ở đấy có sự khổ sở (dukkha). Khi ta có thể xử dụng giác niệm (sati) để chận đứng sự khát ái (tanha) và bẻ nó gãy đi, thì chẳng còn khổ sở (dukkha) nào nữa. Xuyên qua sự ngăn ngừa nhằm chặn đứng sự thể nghiệm của các giác quan một cách si mê nơi xúc (phassa), thì một cảm thọ (vedanà) ngu muội chẳng thể nào khởi lên và khát vọng (tanha) cũng chưa bị khuấy động để nổi dậy được. Đây là cách tốt nhứt và hữu ích nhứt để thực tập về bốn Chơn Lý Nhiệm mầu. Chận đứng được sự khát ái (tanha) bằng tốc lực và mãnh lực của giác niệm (sati) được phát triển thêm nhờ vào sự luỵện tập đầy đủ Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) qua tất cả bốn bộ bốn các bước thực tập. Trái tim của Tam Bảo. Một lợi ích xa hơn nữa của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) là Pháp nầy đưa ta đến gần được với ngôi Tam Bảo (Ti ratana, Tam qui y, ba nơi nương tựa trong Phật giáo). Đó là bởi vì tinh hoa, hay cốt lõi, của Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo (Đức Phật, Chánh Pháp và Tăng già) nằm trong tình trạng: thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Tình trạng của Tâm (citta) đã trờ nên thanh tịnh, trong suốt và an tịch, đó chính là tinh hoa của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Xin bạn hãy thận trọng với ba tĩnh từ nầy: thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Đức Phật đâu phải chỉ là một tấm thân hình hài vật chất; mà phải là một tình trạng tâm linh có được tâm trí đạt đến mức thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Đấy mới là Đức Phật chân thật. Khi ta nhìn thấy được Pháp, thì ta đã thấy được Phật. Trái tim Chánh Pháp cũng là thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Còn đối với Tăng già (Sangha), là những người, xuyên qua sự thực tập viên mãn, đã thể hiện được tâm thanh tịnh, trong suốt và an tịch. Cả ba tĩnh từ đều rất là quan trọng. Người đầu tiên đã thực hiện hoàn toàn tâm thanh tịnh, trong suốt và an tịch như thế, được gọi là "Đức Phật"(Buddha), Chơn Lý được thể hiện ra đó, được gọl là "Chánh Pháp"(Dhamma) và những kẻ đã nương tựa theo đó mà tu tập thành công, được gọi là "Tăng già"(Sangha). Khi ta thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) ta làm cho tâm ta trở nên thanh tịnh, trong suốt và an tịch, như đã được trình bày chi tiết qua các bài pháp thoại nầy. Các đức tánh đó là hoa quả của sự vô chấp thủ (viràga, chẳng bám níu, chẳng ràng buộc), sự đoạn diệt (nirodha) và sự từ bỏ (patinissagga) (từ bước thứ mười bốn đến bước thứ mười sáu). Qua các bước đó, có sự thanh tịnh, trong suốt và an tịch đến với tâm và do đó mà Ngôi Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo dễ dàng thể hiện đến nơi tâm trí chúng ta. Đấy lại là một lợi ích khác, chẳng gì vượt hơn nổi, của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) Nhìn vào toàn bộ Phật giáo. Giờ đây, lợi lạc tiếp theo là khi thực tập Giác Niệm về Hơi thở, ta đang thực hiện được một nguyên tắc căn bản nhứt trong Phật học, đó là ba môn học vô lậu Giới Định Huệ (Sìla Samàdhi Pannà). Cả ba yếu tố nầy đều có mặt đầy đủ trong việc thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Cái quyết tâm chẳng gì lay chuyển nổi để thực tập, đó chính là Giới (Sìla). Khi tâm trí được đặt lên trên các hành động đứng đắn, đó cũng là Giới. Trong chủ ý quyết định cần thiết cho sự thực tập mỗi bước của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), đã có một sự trì giới tự động, tự nhiên, chẳng cần chúng ta phải minh thị biểu lộ ra bằng một hành động đặc biệt nào. Rồi kế đó là định lực (samàdhi) cũng hiện diện đến nữa. Bởi vì đã có chủ ý quyết định thực tập như thế, nên ta sẽ thực tập mãi cho đến khi đắc được định lực khởi lên. Rồi thì Bát nhã (Pannà) phát triển theo, đặc biệt là ở bộ bốn thứ tư, đó vốn là trí huệ Bát nhã hoàn toàn nhứt. Nhờ thực tập đứng đắn Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) mà nguyên tắc căn bản nhứt của Phật giáo được thành tựu, đưa đến sự viên mãn tròn đầy của Giới Định Huệ. Đấy là lợi lạc vĩ đại của việc tu luyện theo toàn bộ giáo lý của Phật học. Khi nói tóm lược lại, thì ta nói Giới Định Huệ (Sìla Samàdhi Pannà). Nhưng khi nói cho đầy đủ chi tiết, thì ta nói đến bảy yếu tố của Thất Giác Chi (Bojjhanga). Đức Phật có tuyên bố rằng, khi thực tập đầy đủ mười sáu bước của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), ta thực hiện được bốn lãnh vực của giác niệm (satipatthàna). Qua sự thực hiện toàn mỹ bốn lãnh vực của giác niệm: thân, cảm thọ, tâm và Pháp, tức là nội dung của bốn bộ bốn (tetrads) trong Pháp Giác niệm về Hơi thở, thì bảy yếu tố của sự Giác ngộ (Bojjhanga, Thất giác chi) cũng được hoàn mãn. Và rồi sự Giác ngộ hoàn toàn cũng được bảo đảm. Thất giác chi (Bojjhanga) chính là bảy yếu tố đưa đến sự giác ngộ của bực A la hán (Arahant), bực nhơn giả đã giải thoát khỏi mọi khổ sở (dukkha). Phải mất đến cả giờ để đi sâu vào các chi tiết nầy. Giờ đây, tôi chỉ còn thời giờ để nói lên danh xưng của các yếu tố đó với các bạn mà thôi: sati, dhammavicaya, viriya, piti, passaddhi, samàdhi và upekkha (Giác niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỉ, khinh an, định và xả). Bảy yếu tố đó được đầy đủ một khi Giác niệm về Hơi thở được hoàn tất. Một khi bảy yếu tố đã đầy đủ, thì sự Giác ngộ hoàn toàn đã được bảo đảm rồi. Mặc dầu ta chẳng đủ thời giờ để giải thích thêm nữa, nhưng xin các bạn hiểu cho rằng bảy yếu tố của sự giác ngộ (Bojjhanga) là điều chắc chắn đạt được một khi đã thực tập hoàn mãn Pháp Giác Niệm về Hơi thở. Lời tuyên bố của Đức Phật được ghi rõ ràng trong Kinh Tạng, các bạn có thể tự mình kiểm chứng lại xem. Niết-bàn tại đây và ngay bây giờ.Giờ đây, ta đến với một lợi ích tích cực thâu lượm được qua sự thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở. Đó là Niết-bàn ngay trong đời nầy, chẳng cần đợi chi đến chết. Tôi muốn nói, Niết-bàn tại đây và ngay bây giờ, tức là thứ Niết-bàn mà ta chẳng cần phải chết rồi mới được, một thứ Niết-bàn chẳng ăn nhằm chi đến cái chết cả. Niết-bàn (Nibbàna) có nghĩa là "thanh lương", là mát lạnh. Chữ Pali "Nibbuto" cũng có nghĩa là thanh lương. Nếu đó là sự thanh lương, mát mẻ tạm thời, chẳng kéo dài, và chẳng được hoàn hảo, thì ta gọi đó là Nibbuto. Tuy nhiên hương vị của nó cũng vẫn giống y với một Niết-bàn (Nibbàna) hoàn hảo. Nibbuto cũng như là một mẩu hàng hoá mà người thương gia đem ra để giới thiệu món hàng mà ta sẽ thực sự mua. Cả hai phải giống nhau. Và đây chúng tôi có một mẩu Niết-bàn (Nibbàna) để mời các bạn nếm thử trong chốc lát. Tôi gọi đó Niết-bàn tạm thời, hay là sàmàyika nibbàna. Sự thanh lương có thể là Niết-bàn (Nibbàna) đang hiện khởi do "yếu tố đó".Trong tiếng Pali, chữ "yếu tố đó" có nghĩa là một cái gì ngẫu nhiên ("coincidental"). Thí dụ như, khi có giác niệm (Sati) trong hơi thở, thì tâm (citta) trở nên thanh lương. Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) chính là "yếu tố đó", là tác viên, là nguyên nhân, đã gây ảnh hưởng đến sự thanh lương đó ở tại đây. Đó là Niết-bàn tạm thời, tadanga nibbàna, một thứ Niết-bàn ngẫu nhiên. Sự thanh lương khởi lên vì khi chẳng còn có phiền não nữa, thì tâm (citta) trở nên thanh lương. Khi chẳng có lửa, thì phải có sự mát nguội. Ở đây Giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati) đã dập tắt các thứ lửa, tức là các loại phiền não. Mặc dầu đó chỉ là tạm thời, lửa tắt và có sự mát lạnh trong một lúc. Đó là Niết-bàn trong một lúc, do nhờ ở "yếu tố đó", ở cái dụng cụ đó, tức là Giác Niệm về Hơi thở. Mặc dầu trong chốc lát, còn chưa được hoàn hảo và vĩnh cửu, nhưng hương vị của Niết-bàn đó cũng được thưởng thức như là một mẩu của vị nếm thử. Giác Niệm về Hơi thở giúp chúng ta thưởng thức được Niết-bàn chút chút, mỗi lần một ít, lúc nầy qua lúc khác, trong suốt cuộc đời mình hiện nay. Và chẳng có gì mà cần phải chết đi cả. Rồi thì sự thanh lương lại kéo dài ra thêm nữa, nới rộng ra thêm nữa, và càng lập lại càng nhiều lần hơn nữa, mãi cho đến khi đạt tới Niết-bàn hoàn hảo. Đây là một sự lợi lạc mà tôi xem như thật là thích thú nhứt và tích cực nhứt. Mong các bạn có thể làm được như thế! Xin bạn hãy chắc rằng mình đã hiểu rõ chữ Niết-bàn (Nibbàna) cho thật đúng. Nó có nghĩa là thanh lương, mát lạnh, chớ chẳng có dính dấp gì với cái chết. Nếu có liên hệ với cái chết, như trong thường hợp sự qua đời của một bực A la hán (Arahant), thì lại là chữ khác, Parinibbàna, Bát Niết-bàn. Riêng chữ Nibbàna, Niết-bàn, chẳng có tiếp đầu ngữ Pari, thì chỉ có nghĩa giản dị là thanh lương, sự vắng bóng của lửa nóng. Bạn hãy tưởng tượng như tất cả muôn sự đều trôi chảy êm thắm đối với bạn, sức khoẻ dồi dào, kinh tế ổn dịnh và an toàn, gia đình hạnh phước, bạn bè thân thương, và chòm xóm láng diềng khả ái. Thế thì, cuộc đời đó của bạn thật là thanh lương, theo ý nghĩa của chữ Niết-bàn (Nibbàna). Có thể cuộc đời đó còn chưa được hoàn hảo, chưa phải là Niết-bàn hoàn toàn, bởi vì nó còn chờ đợi có thêm một tâm hồn thanh lương nữa để hoàn hảo, nhưng dầu sao thì cũng đã là thanh lương rồi vậy. Chữ Niết-bàn (Nibbàna) mang ý nghĩa thanh lương. Nó có thể được dùng đến để chỉ các sự vật vật chất. Một hòn than cháy nóng bỏng đang nguội dần, được gọi là đang "vào Niết-bàn". Khi một tô súp nóng, dần dần nguội bớt đi, ta có thể nói, tô súp đó đã Niết-bàn vừa đủ để ăn được rồi. Chữ Niết-bàn (Nibbàna) còn có thể dùng trong trường hợp các dã thú hung ác và nguy hiểm bị bắt trong rừng đem về nuôi dưỡng, huấn luyện cho thuần tánh để trở thành các thú vật nhà. Các dã thú đó cũng được gọi là đã Niết-bàn. Trong các văn kinh Pali, cũng chữ Niết-bàn nầy đã được dùng cho cả các sự vật vật chất, thú vật và con người. Nếu có cái chi đang thanh lương, mát mẻ, chẳng chút nóng bức, thì đó là Niết-bàn theo một nghĩa nầy hay một nghĩa nọ. Chúng ta sẽ nhận được một lợi lạc thật là thoả thích nhứt về Niết-bàn -- thanh lương nơi thân thể, thanh lương nơi tâm thần, thanh lương về mọi mặt -- qua sự thực tập Pháp Gíac niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Nói tóm lại, ta có được cuộc sống thanh lương ngay tại đây và vào lúc nầy, tức là Niết-bàn, theo các nghĩa vừa được giải thích ở trên. Trong tiếng Pali, tiếng Nibbuto có nghĩa là " một người trở nên thanh lương", hoặc là "một người đã có được Niết-bàn" (Nibbàna). Tình trạng đó là Niết-bàn, Nibbàna. Còn con người đang trong tình trạng đó là Nibbuto. Hơi thở cuối cùng. Còn nhiều lợi lạc khác nữa của Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), nhưng kể ra hết đây thì mất cả giờ, khiến cho tôi là người nói, và các bạn là người nghe, rất khó cho chúng ta theo dõi hết được. Tuy nhiên, xin được phép đề cập đến một đề tài chót: ta sẽ biết rõ được hơi thở cuối cùng của đời ta; tức là ta sẽ biết được vào hơi thở nào thì ta sẽ chết. Điều nầy chẳng có nghĩa là chúng ta có thể chọn được lúc nào ta sẽ lià đời. Đó chỉ có nghĩa là qua sự thực tập thật là thuần thục của chúng ta về Pháp Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), chúng ta đã trở nên thiện xảo với hơi thở. Chúng ta sẽ tức khắc biết ngay liền là ta sẽ chết hay không vào cái hơi thở đang thở nầy. Rồi chúng ta có thể tiên đoán được hơi thở cuối cùng của đời ta. Đây là một lợi lạc rất đặc biệt là biết được hơi thở cuối cùng của đời mình. Đức Phật có tuy ên bố rằng, chính Ngài đã đắc được Chánh đẳng Chánh giác (anuttara sammàsambodhi) qua sự thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Vì thế, tôi rất hoan hỉ để ân cần giới thiệu với các bạn ở đây và ở khắp nơi, để muôn người đều biết rõ đến Pháp nầy mà thực tập. Đức Phật đã thành Phật nhờ thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở nầy. Như thế, Ngài đã hiến tặng Pháp ấy cho chúng ta như là một hệ thống tốt nhứt để thực tập. Ngài chỉ dạy cho chúng ta biết xử dụng sự thực tập nầy vì sự an lạc của chúng ta, vì sự an lạc cho các kẻ khác, và vì sự an lạc của tầt cả mọi người. Chẳng còn cách nào khác hay hơn là thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở. Mong các bạn hãy cẩn thận lưu tâm đến nó.Cuộc thảo luận của chúng ta về sự quán tưởng Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati bhàvanà) kể như đến đây đã khá đầy đủ. Xin được phép chấm dứt tại đây bài pháp thoại chót. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 |
Chân thành cám ơn cư sĩ Thiện
Nhựt, Montréal, Canada, đã có thiện tâm giúp chuyển dịch cẩm nang hành thiền này.
(Bình Anson, 03-2004)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 05-03-2004