[1.2] Bài 5.
Sự hợp
đồng
77 - Hỏi. Gọi là “sự hợp đồng (kiccasaṅgaha)” với ý nghĩa gì? Có bao nhiêu sự (kicca)? Đáp. Sự (kicca) là công việc, việc làm, chức năng hay “nhiệm vụ phải làm”. Có Pāli giải thích như vầy: “-Karanaṃ = kiccaṃ: Việc (phải) làm là phận sự [1] . “Sự hợp đồng” là tìm xem “tâm và tâm sở có bao nhiêu chức năng”, mỗi chức năng có bao nhiêu tâm và tâm sở đảm nhận. Có Pāli giải thích như vầy: -“Kiccabhedena cittecetasikanaṃ saṅgahao = kiccasaṅgaho: “Gom tâm và tâm sở theo từng nhiệm vụ, là sự hợp đồng” (sđd). Mỗi tâm điều có chức năng (kicca) riêng; có tâm chỉ có một chức năng, có tâm đảm nhận nhiều chức năng; hoặc có nhiều tâm cùng đảm nhận một chức năng. Tâm thì có tâm sở phối hợp, khi tâm thực hiện phận sự (kicca) thì các tâm sở cũng thực hiện phận sự đó. Tức là ngoài “phận sự chung”, các tâm sở còn thực hiện chức năng riêng của mình. Cũng vậy, tâm ngoài chức năng “hướng dẫn các pháp đồng sinh”, còn đảm nhận chức năngt khác theo từng hoàn cảnh khác nhau. Do đó, khi đề cập đến phận sự, chỉ nêu tên gọi của tâm nhưng phải hiểu là “có tâm sở phối hợp”. Lại nữa, vì tâm sở có thể phối hợp với nhiều tâm nên tâm sở có thể đảm nhận một hay nhiều chức năng tùy theo sự phối hợp với tâm. 78 - Hỏi. Tâm có bao nhiêu chức năng (kicca)? Kể ra. Đáp. Với 121 tâm, có tất cả 14 chức năng: 1- Chức năng nối liền (paṭisandhikicca). Còn gọi là sự Tục sinh. 2- Chức năng hữu phần (bhavaṅgakicca). 3- Chức năng hướng môn (dvāravajjanakicca). 4- Chức năng thấy (dassanakicca). 5- Chức năng nghe (savanakicca). 6- Chức năng ngửi (ghāyanakicca). 7- Chức năng nếm (sāyanakicca). 8- Chức năng đụng (phussanakicca). 9- Chức năng tiếp nhận (sampaṭicchanakicca). 10- Chức năng quan sát (santīraṇakicca). 11- Chức năng xác định (voṭṭhapanakicca). 12- Chức năng đổng lực (javanakicca). 13- Chức năng na- cảnh (tadālambanakicca). 14- Chức năng “chấm dứt” kiếp sống cũ (cutikicca). 79 - Hỏi. Chức năng nối liền (paṭisandhi) ra sao? Tâm nào thực hiện chức năng “nối liền ”?. Đáp. Chữ Paṭisandhi theo nghĩa đen là “nối liền”, theo nghĩa bóng là “sự tái sinh, sự tục sinh”. Gọi là “nối liền” là nối kiếp sống cũ với kiếp sống mới.Pāli giải thích như sau: Paṭisandhānaṃ = paṭisandhi: “Nối tiếp gọi là nối liền” Sự chấm dứt kiếp sống cũ được gọi là chết và sự khởi đầu một kiếp sống mới gọi là tục sinh. Chết và tục sinh được nối liền nhau không có gián đoạn, không có khoảng trống, gọi là paṭisandhi. Tâm thực hiện việc này gọi là paṭisandhiviññāṇa (thức nối liền hay thức tục sinh). Ví như cánh cửa của một ngôi nhà, người ở trong nhà gọi những gì ở bên ngoài cánh cửa là “ở ngoài nhà”; người đứng bên ngoài sẽ gọi người ở bên kia cánh cửa là “ở trong nhà”. Ngoài hay trong nhà chỉ là “cách gọi” qua ranh giới “cánh cửa”. Cũng vậy, cảnh giới kiếp sống cũ ví như “ở trong nhà”; cảnh giới kiếp sống mới ví như “ở bên ngoài”. Đứng sát cánh cửa ví như lộ cận tử, bước vào ngạch cửa ví như tâm tử; bước chân đầu tiên qua khỏi cánh cửa ví như tâm tục sinh. Hay ví như đáy hộp và mặt đứng của hộp, được nối liền nhau qua đường giao tuyến của 2 mặt phẳng, một con kiến muốn sang thành hộp phải đến sát đường giao tuyến, vượt qua giao tuyến rồi đi sang thành hộp. Đáy hộp ví như cảnh giới kiếp sống cũ, mặt đứng hộp ví như cảnh giới kiếp sống mới. Giao tuyến ví như ranh giới sống và chết; đến sát giao tuyến ví như lộ cận tử, ngay giao tuyến ví như sự chết; bước đầu tiên qua giao tuyến ví như sự Tục sinh. Sự nối liền hay sự tục sinh là “khởi đầu kiếp sống mới”. Có 19 tâm có chức năng thực hiện việc “nối liền” hay làm việc “tục sinh” là: 2 tâm Quan sát thọ xả + 8 tâm Đại quả + 9 tâm quả Đáo đại [2] . 80 - Hỏi. Sự hữu phần (bhavaṅga) có ý nghĩa ra sao? Tâm nào có chức năng này? Đáp. Bhavaṅga = bhava (có) + aṅga (chi nhánh, chi phần). Bhavaṅga theo nghĩa đen là “nhánh của cái có” hay “nhánh của sự sống” được dịch là “hữu phần”. Pāli có giải thích: Bhavassa aṅgaṃ = bhavaṅga: Chi nhánh của “cái có” gọi là “hữu phần”. Bhava (hữu) ở đây chỉ cho sinh hữu (gatibhava) và nghiệp hữu (kammabhava). - Nghiệp hữu là những loại nghiệp tạo ra tâm quả dẫn đi tái sinh. - Sinh hữu là cảnh giới tái sinh. Có 28 loại nghiệp tạo ra tâm quả dẫn đi tái sinh là: 11 tâm bất thiện (trừ tâm Si hợp phóng dật [3] ) + 8 tâm thiện Dục giới + 9 tâm thiện Đáo đại. Dẫn đi tái sinh vào cảnh giới mới là 1 trong 28 loại nghiệp này, nên gọi là aṅga (chi nhánh) của nghiệp hữu. Có 31 cảnh giới tái sinh: Dục giới có 11 cõi, Sắc giới có 16 cõi và Vô sắc giới có 4 cõi. Mỗi kiếp sống chỉ có một cảnh giới để danh sắc nương trú, nên gọi là aṅga (chi nhánh) của sinh hữu. Theo luận Atỳđàm “đời sống của danh pháp hay tâm” tuy diễn ra phức tạp do cảnh bên ngoài lẫn bên trong tác động, nhưng đều dựa vào dòng hữu phần này. Mỗi tâm hữu phần có ba sátna tiểu: Sinh- trụ- diệt như những tâm khác, tâm hữu phần trôi chảy như “từng giọt nước của một dòng sông”. Có câu nói rằng “không thể tắm hai lần trong một dòng sông”, vì nước lần tắm thứ nhất là khác, nước lần tắm thứ hai là khác, nước tuy giống nhau nhưng không phải là một. Cũng vậy, tuy tâm hữu phần thứ hai giống như tâm hữu phần thứ nhất, nhưng không phải là “một tâm hữu phần” [4] . Một số triết gia Tây phương cho rằng “bhavaṅga là tiềm thức”, ngay cả bà Rhys Davids và Ô. Ayung cũng so sánh bhavaṅga với “trạng thái tri giác tối tăm, chưa lên đến thức” của Leibniz (sđd). Quan điểm này không có trong Phật giáo, vì tâm hữu phần “không phải là trạng thái tối tăm”; tâm hữu phần có cảnh riêng của nó và nó chỉ biết cảnh này mà thôi, những cảnh ngoài ra nó không biết. Như vị hành giả “đắm chìm” trong thiền cảnh, an trú tâm trong “cảnh thiền” duy nhất, không biết đến 5 cảnh trần, như vậy có thể gọi “tâm thiền là trạng thái tối tăm chăng?”. Hay như nhà nghiên cứu đang “đắm chìm” trong vấn đề đang nghiên cứu, quên cả ngoại cảnh, có thể cho tâm của nhà nghiên cứu trong thời điểm đó là “trạng thái tối tăm” chăng? Lại nữa, sách Compendium cho rằng “bhavaṅga có nghĩa là một trạng thái của tiềm thức - nằm dưới ý thức”. Và theo quan điểm các triết gia Tây phương thì ý thức và tiềm thức cùng có mặt, điều này cũng trái ngược với quan điểm của Phật giáo. Theo Phật giáo nhất là luận Atỳđàm thì “trong một thời điểm chỉ có một tâm”, có ý thức lẫn tiềm thức thì có 2 loại tâm, luận Atỳđàm bác bỏ quan điểm này. Bhavaṅga (hữu phần) chỉ là loại tâm “duy trì” đời sống tâm pháp của một chúng sinh trong kiếp sống đó. Tâm có chức năng thực hiện bhavaṅga cũng chính là một trong 19 tâm tục sinh, sở dĩ có tên gọi là hữu phần vì xuất hiện sau sátnatục sinh. Ví như đứa bé vừa sinh ra, và sinh ra sau một phút. 81 - Hỏi. Sự hướng môn (dvāravajjana kicca) (hay sự khai môn) ra sao? Tâm nào có chức năng này? Đáp. Āvajjana là “hướng về “ hay “mở ra”. Có Pāli giải thích như sau: “- Āvajjiyate = āvajjanaṃ: Xem trở lại, gọi là “hướng về”. Hay : “Āvattiyate = āvajjanaṃ: Xoay trở lại, gọi là “hướng về”. Āvajjana còn mang ý nghĩa “chận đứng không cho sinh lên nối tiếp”, tức là tâm āvajjana chận đứng “những gì ở trước đó, không cho chúng sinh lên nối tiếp”. Như tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjanacitta) trong lộ ngũ môn, chận đứng dòng hữu phần không cho chúng sinh lên; tâm Hướng ý môn (manodvaaravajjanacitta) trong lộ ý cũng tương tự như vậy, trong lộ ngũ môn. Trong lộ ngũ môn, tâm Hướng ý môn với phận sự xác định (voṭṭhapanakicca) chận đứng luồng tâm quả, không cho chúng sinh lên nối tiếp. Tiến trình sinh lên rồi diệt đi của tâm theo một quy luật: Một trong năm trần cảnh, khi xâm nhập vào sắc thần kinh, thời điểm ấy là sátna hữu phần Vừa qua (bhavaṅgātītā), làm rung động dòng hữu phần. - Sátna bị cảnh làm cho rúng động được gọi là hữu phần Rúng động (bhavaṅga calana). - Kế tiếp là hữu phần Dứt dòng (bhavaṅga upaccheda) sinh lên. Bấy giờ cảnh đã trọn vẹn xâm nhập vào sắc thần kinh. - Khi sátna hữu phần Dứt dòng diệt đi, một tâm sinh lên tại sắc Ý vật (hadayavatthu) có nhiệm vụ “đón nhận” cảnh mới. Ở tại sắc ý vật mà muốn biết cảnh mới tại sắc thần kinh, ví như người đứng trong nhà “đưa mắt” nhìn ra ngoài hay giống như người ở trong nhà nghiêng tai về phía tiếng động ... cách thức như thế gọi là “hướng về” (āvajjana). Và tâm này có tên gọi là pañcadvāravajjana citta (tâm Hướng ngũ môn). Loại cảnh xâm nhập thẳng vào dòng hữu phần (không xâm nhập vào 1 trong 5 sắc thần kinh) gọi là cảnh pháp. Có hai loại cảnh pháp: Cảnh sắc pháp (là những sắc pháp ngoài 5 sắc cảnh) và cảnh danh pháp. - Cảnh sắc pháp xâm nhập vào dòng hữu phần ở sátna hữu phần Vừa qua. - Tiếp theo là sátna Hữu phần Rúng động, rồi hữu phần Dứt dòng. - Bấy giờ một tâm mới sinh lên “đón nhận” cảnh mới ở ý môn (manodvāra), tâm này có tên gọi là manodvāravajjana citta (tâm Hướng ý môn). Đối với cảnh danh pháp không có sátna Hữu phần Vừa qua, chỉ có sátna hữu phần Rúng động, rồi sátna hữu phần Dứt dòng, tiếp theo là tâm Hướng ý môn sinh lên, Như vậy, chức năng “hướng môn” do hai tâm hướng môn đảm nhận là: Tâm Hướng ngũ môn và tâm Hướng ý môn. Āvajjana còn được hiểu là “sự khai mở”, nên dvāravajjana được dịch là “khai môn”. 82 - Hỏi. Sự thấy (dassanakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự thấy? Đáp. Thấy là “nhận biết bằng mắt” hay “trực tiếp nhận biết cảnh sắc bằng mắt”. Tâm có chức năng “thấy” là 2 tâm Nhãn thức. 83 - Hỏi. Sự nghe (savanakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự nghe? Đáp. Nghe là “tiếp nhận âm thanh bằng tai” hay “trực tiếp nhận biết cảnh thinh bằng tai”. Tâm có chức năng “nghe” là 2 tâm Nhĩ thức. 84 - Hỏi. Sự ngửi (ghāyanakiccakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự ngửi? Đáp. Ngửi là “dùng mũi để nhận biết” hay “trực tiếp nhận biết cảnh mùi bằng mũi”. Tâm có chức năng “ngửi” là 2 tâm Tỷ thức. 85 - Hỏi. Sự nếm (sāyanakicca) là gì? Tâm nào đảm nhận sự nếm? Đáp. Nếm là “dùng lưỡi để biết vị chất” hay “trực tiếp nhận biết cảnh vị bằng lưỡi”. Tâm có chức năng “nếm” là 2 tâm Thiệt thức. 86 - Hỏi. Sự đụng (phusanakicca) ra sao? Tâm nào đảm nhận sự đụng? Đáp. Đụng là “va chạm vào” hay “trực tiếp nhận biết cảnh xúc bằng thân”. Tâm có chức năng “đụng” là 2 tâm Thân thức. 87 - Hỏi. Sự tiếp thu (sampaṭicchanakicca) ra sao ? Tâm nào đảm nhận sự tiếp thu? Đáp. Tiếp thu là “nhận cái gì đó do người khác trao lại” hay “tiếp nhận cảnh do tâm trước để lại”. Có Pāli gỉải thích như sau: Sampaṭicchiyate = sampaṭicchanaṃ: Thọ lãnh, gọi là “Tiếp thu”. Trong lộ ngũ môn khi một trong 5 ngoại cảnh (sắc, thinh, mùi, vị và xúc) được một trong năm đôi thức nhận bắt. - Khi tâm này diệt đi, một tâm khác sinh lên nhận lại cảnh đó, tâm này có tên gọi là Sampaṭicchanacitta (tâm Tiếp thu). Tâm đảm nhận “sự tiếp thu” là 2 tâm Tiếp thu (sampaṭicchanacitta). 88 - Hỏi. Sự quan sát (santīraṇakicca) là gì ? Tâm nào đảm nhận sự quan sát? Đáp. Quan sát là “xem xét để thấy rõ” hay “tâm xem xét cảnh khi nhận biết cảnh”. Pāli có giải thích như sau: Sammātiranaṃ = santiraṇa: Tìm kiếm chính xác, trọn vẹn, gọi là “quan sát”. Có ba tâm đảm nhận chức năng này là 3 tâm Quan sát (santīraṇacitta). 89 - Hỏi. Sự xác định (voṭṭhapanakicca) là gì? Tâm nào thực hiện việc xác định? Đáp. Voṭṭhapana = Vi + ava + căn tha. Theo nghĩa bóng là “nhận định hoàn toàn”. Pāli có giải thích: Vavatthapiyate = voṭṭhabanaṃ: Quyết định (cảnh tốt hay xấu), gọi là xác định [5] ”. “ Xác ” là đúng theo sự thật, “định” là đề ra. Hay “xác định rõ là cảnh tốt hay xấu rồi đề ra cách xử lý cảnh”. Ví như người sau khi quan sát trái xoài, xác định “trái xoài chín hay chưa chín”, rồi “ăn hay không ăn”. Chính trong giai đoạn này tạo điều kiện cho “ tâm thiện hay tâm bất thiện sinh ra kế tiếp”. Nếu “định ra” phương án đúng thì tâm thiện sinh lên, nếu “định ra” phương án sai thì tâm bất thiện sinh lên. Chỉ có tâm Hướng ý môn thực hiện được chức năng “xác định” này để rồi sau đó là những tâm đổng lực (javana) thiện, bất thiện hay Duy tác đổng lực sinh khởi. 90 - Hỏi. Sự đổng lực (javanakicca) là gì? Tâm nào có chức năng thực hiện việc đổng lực? Đáp. Javana xuất phát từ ngữ căn ju nghĩa là “ rất nhanh”. Javana vừa “nhanh và có sức mạnh”, giống như “ánh sét” vừa cực nhanh vừa có sức mạnh rất lớn. Chính trong giai đoạn javana (đổng lực) này thiền định, thắng trí, đạo quả hình thành, nên gọi là lực. Giai đoạn này diễn ra rất nhanh nên là ju. Javana tạm hiểu là “vừa nhanh vừa mạnh”, được dịch là “đổng lực”. Có Pāli giải thích: Javatīti = javanaṃ: Sức mạnh gọi là lực”. Có 87 tâm làm việc đổng lực = 29 đổng lực dục giới [6] + 18 đổng lực Đáo đại [7] + 40 tâm Siêu thế. 91 - Hỏi. Tâm thiện làm thành tựu Thiền định, thắng trí, Đạo quả Siêu thế nên có sức mạnh, điều này đã rõ. Tâm bất thiện và tâm đổng lực duy tác có sức mạnh ra sao? Đáp. Sức mạnh có hai cách: Đưa lên cao hay kéo trì xuống. Tâm thiện ngoại trừ đưa đến chứng đắc các pháp thượng nhân, còn có sức mạnh tạo ra tâm quả đưa đến nhàn cảnh như cõi người, cõi chư thiên. Tâm bất thiện có sức mạnh, tạo ra tâm quả lôi kéo chúng sinh rơi vào khổ cảnh. Tâm Duy tác có sức mạnh diệt trừ chủng tử (bīja) tạo ra tâm quả trong tương lai. 92 - Hỏi. Sự na- cảnh (tadālambanakicca) là gì? Tâm nào làm việc na cảnh? Đáp. Tadālambana = tada (chính đó)+ ārammana (cảnh). Tadālambana nghĩa là “chính cảnh đó”. Có Pāli gỉải thích như vầy: “- Tassa ārammaṇa passāti = tadārammaṇa: “Mang theo chính cảnh ấy, gọi là na cảnh”. Trong sự diễn hoạt của tâm, khi sátna đổng lực thứ 7 đã diệt, nhưng cảnh vẫn còn sức mạnh, kích động đến luồng hữu phần. Bấy giờ có một loại tâm sinh lên 2 sátna liên tục để nhận cảnh đó. Chức năng này được gọi là Na cảnh, nghĩa là “nhận lại cảnh cũ”. Có 11 tâm làm việc “nhận lại cảnh cũ” là: 3 tâm quan sát thọ xả + 8 tâm Đại quả. 93 - Hỏi. Vì sao 11 tâm này đảm nhận chức năng Na cảnh, những tâm khác thì không? Đáp. Trong 11 tâm kể trên, có 10 tâm là tâm quả thuộc “dạng hữu phần” [8] . - Khi cảnh có sức mạnh kích động đến luồng hữu phần, thì chính loại tâm ấy nhận cảnh, hoặc một loại quả khác cũng thuộc dạng hữu phần sinh lên đón nhận. Ví như người khách đến nhà, chủ nhà ra đón tiếp, nếu không có chủ nhà thì người nhà sẽ ra đón tiếp. - Còn tâm Quan sát hỷ thọ thì sao? Thật ra, tâm Quan sát hỷ thọ nảy sinh từ tâm quan sát xả thọ quả thiện khi nhận cảnh cực tốt [9] . Ví như nghe có khách đến thăm, với người khách bình thường, chủ nhân tiếp khách theo tính cách bình thường. Nhưng nghe khách là đại quan, y phải tề chỉnh y phục ra đón tiếp, cũng như trang hoàng nhà cho tươm tất ... Cũng vậy, với cảnh tốt trung bình thì tâm Quan sát xả thọ quả thiện sinh lên để thực hiện chức năng Na cảnh. Khi cảnh quá tốt thì tâm quan sát Hỷ thọ sinh lên để đảm nhận chức năng Na cảnh. 94 - Hỏi. Sự tử (cutikicca) có ý nghĩa gì? Tâm nào đảm nhận chức năng này? Đáp. “Tử hay chết” là chấm dứt kiếp sống cũ. Danh từ cuti xuất phát từ ngữ căn cu là “ra đi”. Có Pāli giải thích như vầy: Cavanaṃ = cuti: Rời đi, gọi là “chết”. Tâm tử (cuticitta) là sátna tâm sinh lên cuối cùng trong kiếp sống. Và thời điểm xuất hiện tâm tử gọi là thời tử (cutikāla). Tâm đảm nhận chức năng “chấm dứt cuộc sống cũ” cũng chính là 19 tâm làm việc tục sinh. Nói cách khác, loại tâm làm việc tục sinh, hữu phần hay tử cũng chính là một loại; sở dĩ có tên gọi “tục sinh, hữu phần, tử” là do chúng xuất hiện theo từng thời điểm. - Khởi đầu kiếp sống mới, gọi là tâm tục sinh. - Sau tâm tục sinh một sátna, gọi là tâm hữu phần. - Chấm dứt kiếp sống cũ, gọi là tâm tử. 95 - Hỏi. Sự hữu phần xuất hiện giữa những phận sự (kicca) nào? Đáp. Theo sách Vibhāvini Tikā, hữu phần (bhavaṅga) xuất hiện giữa các chặng như sau [10] : - Trong lộ Tục sinh. Sự Hữu phần xuất hiện ở giữa sự Tục sinh (paṭisandhi) và sự hướng môn (dvāravajjana). - Trong lộ ý nối với lộ ngũ có Na cảnh. Sự hữu phần xuất hiện giữa sự Na cảnh (tadālambanakicca) và sự hướng môn (dvāravajjanakicca). - Trong lộ ý nối với lộ ngũ không có Na cảnh. Sự hữu phần xuất hiện giữa sự Đổng lực (javanakicca) và sự Hướng môn (dvāravajjanakicca). - Trong lộ cận tử có Na cảnh xen hữu phần rồi tử. Sự hữu phần xuất hiện giửa sự Na cảnh vả sự Tử [11] . - Trong lộ cận tử không có Na cảnh, xen hữu phần rồi tử. Sự hữu phần xuất hiện giửa sự Đổng lực và sự Tử. 96 - Hỏi. Sự hướng môn (dvāravajjana) sinh khởi giữa những sự nào? Đáp. *- Trong lộ ngũ môn. - Sự Hướng môn (hay khai môn) [12] xuất hiện giữa: Sự Hữu phần và một trong năm sự: Thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng. *- Trong lộ ý môn [13] . Sự Hướng môn xuất hiện giữa sự hữu phần và sự Đổng lực. 97 - Hỏi. Sự thấy xuất hiện giữa những sự nào? Đáp. Sự thấy xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự Tiếp thu. Tương tự như thế với sự nghe, ngửi, nếm, đụng. 98 - Hỏi. Sự Tiếp thu xuất hiện giữa những sự nào? Đáp. Sự Tiếp thu xuất hiện giữa sự Quan sát và một trong năm sự: Thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng. 99 - Hỏi. Sự Quan sát xuất hiện giữa những phận sự nào? Đáp. Sự Quan sát xuất hiện giữa sự Tiếp thu và sự Xác định. 100 - Hỏi. Sự xác định xuất hiện giữa những sự nào? Đáp. - Trong lộ ngũ môn cảnh rất lớn hay cảnh lớn. Sự Xác định (voṭṭhapanakicca) xuất hiện giữa sự Quan sát và sự Đổng lực. - Trong lộ ngũ môn cảnh nhỏ. Sự Xác định xuất hiện giữa sự Quan sát và sự hữu phần. 101 - Hỏi. Sự Đổng lực (javanakicca) xuất hiện giữa những sự nào? Đáp. Trong lộ ngũ môn có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Xác định và sự Na cảnh. - Trong lộ ngũ môn có đổng lực không có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Xác định và sự hữu phần. - Trong lộ ngũ môn cận tử không có Na cảnh, không xen hữu phần rồi tử. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Xác định và sự Tử. (Nếu có Na cảnh thì giống trường hợp 1; nếu có xen hữu phần rồi tử thì giống trường hợp 2). - Trong lộ ý môn không có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự hữu phần. - Trong lộ ý môn có Na cảnh. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự Na cảnh. - Trong lộ cận tử ý môn không xen hữu phần rồi tử. Sự Đổng lực xuất hiện giữa sự Hướng môn và sự Tử. 102 - Hỏi. Sự Na cảnh (tadālambanakicca) xuất hiện giữa những sự nào? Đáp. Trong lộ tâm có Na cảnh. Sự Na cảnh xuất hiện giữa sự Đổng lực và sự hữu phần. - Trong lộ cận tử có Na cảnh rồi tử. Sự Na cảnh xuất hiện giữa sự Đổng lực và sự Tử (nếu có xen hữu phần rồi từ thì giống trường hợp trên). 103 - Hỏi. Sự tử (cutikacca) xuất hiện giữa những sự nào? Đáp. Sau sátna tâm Tử, tiếp theo là lộ Tục sinh. - Trong lộ cận tử, sau năm đổng lực rồi đến tâm Tử. Trong lộ này, sự Tử xuất hiện giữa sự Đổng lực và sự Tục sinh. - Trong lộ cận tử có xen hữu phần rồi tử. Trong lộ này, sự Tử xuất hiện giữa sự hữu phần và sự tục sinh. - Trong lộ cận tử có Na cảnh. Trong lộ này, sự Tử xuất hiện giữa sự Na cảnh và sự Tục sinh. 104 -Hỏi. Kể ra tâm làm một sự, tâm làm hai sự, tâm làm ba sự, tâm làm bốn sự, tâm làm năm sự? Đáp. Tâm làm một sự, là: - Hai tâm nhãn thức chỉ làm sự thấy. - Hai tâm Nhĩ thức chỉ làm sự nghe. - Hai tâm Tỷ thức chỉ làm sự ngửi. - Hai tâm Thiệt thức chỉ làm sự nếm. - Hai tâm Thân thức chỉ làm sự đụng. - Hai tâm Tiếp thu chỉ làm sự Tiếp thu. - Tâm Hướng ngũ môn chỉ làm việc hướng môn. - 87 tâm đổng lực [14] chỉ làm việc Đổng lực. *- Tâm làm 2 sự. - Tâm Hướng ý môn làm 2 việc: Xác định (trong lộ ngũ môn) và Hướng môn (trong lộ ý môn). - Tâm Quan sát thọ hỷ làm 2 việc: Quan sát và Na cảnh. *- Tâm làm 3 sự. - 9 tâm quả Đáo đại làm 3 việc: Tục sinh, hữu phần và Tử. *- Tâm làm bốn sự. - 8 tâm quả Dục giới hữu nhân làm bốn việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh. *- Tâm làm năm sự. - Hai tâm Quan sát thọ xả làm 5 việc : Tục sinh, hữu phần, tử, Quan sát và Na cảnh. 105 - Hỏi. Bao nhiêu tâm sở làm được một sự ? Hãy giải thích. Đáp. Có 17 tâm sở làm được một sự là sự đổng lực. Đó là 14 tâm sở bất thiện + 3 tâm sở Giới phần. 14 tâm sở bất thiện chỉ có trong 12 tâm bất thiện. 3 tâm sở Giới phần chỉ có trong 8 tâm thiện Dục giới và 40 tâm Siêu thế. Những tâm này đều là tâm Đổng lực. 106 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được bốn sự? Hãy giải thích. Đáp. Có hai tâm sở làm được 4 sự: Tục sinh, hữu phần, tử và đổng lực. Đó là 2 tâm sở Vô lượng phần: Hai tâm sở Vô lượng phần có trong 28 tâm đổng lực là: 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại tố + 12 tâm thiền Sắc giới (Sơ, nhị, tam, tứ thiền). Và có trong 4 tâm quả Sơ - Nhị - Tam - Tứ thiền Sắc giới. Trong 28 tâm đổng lực, 2 tâm sở Vô lượng phần làm việc đổng lực. Trong tâm quả thiền Sắc giới, 2 tâm sở Vô lượng phần làm ba sự: Tục sinh, hữu phần và tử. 107 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 5 sự ? Hãy giải thích. Đáp. Có 20 tâm sở làm được 5 sự: Tục sinh, hữu phần, tử, đổng lực và na cảnh. Đó là: 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành + tâm sở Trí. *- 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành có trong tất cả 91 tâm Tốt đẹp [15] . Khi ở trong tâm Thiện, tâm Duy tác hữu nhân, tâm Siêu thế thì chúng làm việc đổng lực. Khi ở trong tâm quả Dục giới Tốt đẹp thì chúng làm bốn sự: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh. Khi ở trong tâm quả thiền, chúng làm 3 sự: Tục sinh, hữu phần và tử. *- Tâm sở trí có trong 79 tâm tốt đẹp có trí (12 tâm Dục giới có trí + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế). Khi ở trong tâm quả Tốt đẹp dục giới, tâm sở Trí làm được 4 việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh. Khi ở trong tâm quả thiền, tâm sở Trí làm được ba việc: Tục sinh, hữu phần, tử. Khi ở trong tâm đổng lực, tâm sở Trí làm việc đổng lực. 108 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 6 sự ? Hãy giải thích. Đáp. Tâm sở Hỷ làm được 6 sự là: Tục sinh, hữu phần, tử, Quan sát, Na cảnh, đổng lực. - Tâm sở Hỷ hợp trong tâm Quan sát thọ hỷ, làm được 2 sự: Quan sát và Na cảnh. - Tâm sở Hỷ hợp trong 19 đổng lực thọ hỷ [16] , làm việc đổng lực. - Tâm sở Hỷ có trong 4 tâm quả dục giới thọ hỷ; làm bốn sự: Tục sinh, hữu phần, tử và na cảnh. - Tâm sở Hỷ có trong 3 tâm quả thiền (sơ, nhị, tam thiền), làm ba sự: Tục sinh, hữu phần và tử. 109 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 7 sự? Hãy giải thích. Đáp. Tâm sở Cần làm được 7 sự là: Tục sinh, hữu phần, tử, đổng lực, Na cảnh, hướng môn và xác định. Tâm sở Cần không có trong ngũ song thức, nên không có 5 sự: Thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng. Tâm sở Cần không có trong 2 tâm Tiếp thu và 3 tâm Quan sát, nên không có sự tiếp thu và sự quan sát ( 14 sự - 7 sự = 7 sự). *- Tâm sở Cần có trong 2 tâm Hướng môn, nên làm 2 sự: Hướng môn và xác định. *- Tâm sở Cần có trong tâm quả Dục giới hữu nhân, nên làm 4 sự: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh. *- Tâm sở Cần có trong tâm quả thiền, nên làm 3 sự: Tục sinh, hữu phần, tử. *- Tâm sở Cần có trong tâm đổng lực, nên làm việc đổng lực. 110 - Hỏi. Những tâm sở nào làm được 9 sự? Hãy giải thích. Đáp. Có 3 tâm sở làm được 9 sự là tâm sở Tầm, tâm sở Tứ, tâm sở Thắng giải. - Ba tâm sở Tầm, Tứ và Thắng giải có trong 2 tâm Tiếp thu, 3 tâm Quan sát, nên làm được 2 việc: Tiếp thu và Quan sát. - Ba tâm sở Tầm , Tứ và Thắng giải, có trong 2 tâm Hướng môn, nên làm được 2 việc: Hướng môn và Xác định. - Ba tâm sở Tầm, Tứ và Thắng giải có trong 8 tâm Đại quả, nên làm được 4 việc: Tục sinh, hữu phần, tử và Na cảnh. - Tâm sở Tầm có trong tâm quả Sơ thiền, nên làm được 3 việc: Tục sinh, hữu phần, tử. - Tâm sở Tứ có trong tâm quả Sơ, nhị thiền, nên làm được 3 sự: Tục sinh, hữu phần, tử. - Tâm sở Thắng giải có trong tâm quả thiền, nên làm 3 sự: Tục sinh, hữu phần, tử. - Ba tâm sở Tầm, Tứ và Thắng giải có trong tâm Đổng lực, nên làm được việc Đổng lực. 111- Hỏi. Những tâm sở nào làm được 14 sự? Hãy giải thích. Đáp. Bảy tâm sở biến hành làm được 14 sự. Vì 7 tâm sở này có trong 121 tâm. Dứt sự hợp đồng. -ooOoo-
Bài 6.
Môn hợp
đồng
112 - Hỏi. Gọi môn hợp đồng có ý nghĩa gì? Đáp. Chữ dvāra xuất nguyên từ du cộng với ngữ căn ar nghĩa là đi ra, đi vào. Dvāra là cái gì có tính “đi vào, đi ra”, nên dvāra được dịch là “cửa” hay “môn”. Có Pāli giải thích như sau: -“Dvāraṃ viyati = dvāraṃ: Giống như cửa, gọi là cửa (môn)”. Có sáu cửa tính theo sáu cảnh là: Nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn. Nói cách khác: Năm giác quan và tâm được xem là sáu cửa để sáu đối tượng (ārammaṇa - cảnh) đi vào. Có Pāli như sau: Dvārasaṅgahe dvārāni nāma, cakkhudvāraṃ, sotadvāraṃ, ghānadvāraṃ, jīvhādvāraṃ, kāyadvāraṃ, manodvāraṃ ceti chabbidhāni bhavanti : “Môn gom lại có sáu là:Nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn”(Abhs). Gọi “môn hợp đồng” là xem xét mỗi cửa có bao nhiêu tâm và tâm sở nương đó sinh lên. 113 - Hỏi. Tâm nương cửa sinh lên nghĩa là sao? Đáp. Tâm sinh lên do 4 nhân: - Nghiệp quá khứ, - Có cảnh. - Có tâm sở. - Có vật nương. Cửa là nơi cảnh (ārammaṇa) đi vào, do nhờ có cảnh nên tâm sinh lên, gọi là “tâm nương cửa sinh lên”. Nói cách khác, tâm nhận biết cảnh ở cửa nào, gọi là “tâm nương cửa ấy”. 114- Hỏi. Nhãn môn là gì? Nhĩ môn .....ý môn là gì? Đáp. *- Nhãn môn là cửa con mắt; hình ảnh, màu sắc theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh sắc. Con mắt ở đây chỉ cho thành phần nhạy của mắt (tức là “” hay “đồng tử”). Chi pháp Nhãn môn là sắc thần kinh nhãn (cakkhupasādarūpa). *- Nhĩ môn là cửa tai; âm thanh theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh thinh. Lỗ tai ở đây chỉ cho thành phần nhạy của tai. Chi pháp Nhĩ môn là sắc thần kinh nhĩ (sotapasādarūpa). *- Tỷ môn là cửa mũi; các mùi theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh mùi. Lỗ mũi ở đây chỉ cho thành phần nhạy của mũi. Chi pháp tỷ môn là sắc thần kinh tỷ (ghānapasādarūpa). *- Thiệt môn là cửa lưỡi, các vị chất theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh vị. Lưỡi ở đây chỉ cho thành phần nhạy của lưỡi. Chi pháp thiệt môn là sắc thần kinh thiệt (jīvhāpasādarūpa). *- Thân môn là cửa thân, các sự va chạm theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh xúc. Thân ở đây chỉ cho thành phần nhạy của thân. Chi pháp thân môn là sắc thần kinh thân (kāyapasādarūpa). *- Ý môn là cửa ý, các pháp theo cửa này đi vào để tâm nhận biết cảnh pháp. Chi pháp ý môn là 19 tâm hữu phần. Có Pāli như sau: “- Tattha cakkhumeva cakkhudvāraṃ. Tathā sotādayo sotadvārādīni. Manodvāraṃ panabhavaṅgāti pavuccati: “ Ở đây, mắt gọi là nhãn môn, lỗ tai gọi là nhĩ môn v...v..còn ý môn tức là hữu phần”(Abhs)”. 115 - Hỏi. Vì sao nhãn môn.... thân môn có chi pháp là 5 sắc thần kinh (là sắc pháp), còn ý môn có chi pháp là tâm (danh pháp)? Đáp. Vì 5 cảnh : Sắc, thinh, mùi, vị và xúc khi thâm nhập vào bên trong thân, chúng trú tại sắc thần kinh tương ứng. Như cảnh sắc trú ở thần kinh nhãn, cảnh thinh trú ở thần kinh nhĩ... Riêng cảnh pháp trú ở dòng hữu phần; nên dòng hữu phần là ý môn. 116 - Hỏi. Vào thời điểm nào 5 sắc thần kinh và tâm hữu phần được gọi là môn? Đáp. Vào thời điểm sátna hữu phần Dứt dòng (bhavaṅgupaccheda) diệt. Đối với năm ngoại cảnh: Sắc, tthinh, mùi, vị, xúc; cảnh xâm nhập vào dòng tâm ở sátna Vừa qua, kế tiếp làm dòng hữu phần dao động và vào sátna Dứt dòng, cảnh đã nằm trọn vẹn trong 5 sắc thần kinh tương ứng. Chính vào thời điểm này tâm Hướng ngũ môn mới sinh lên. Đối với cảnh pháp là sắc pháp cũng vậy, nhưng sau sátna tâm hữu phần Dứt dòng là tâm Hướng ý môn. Đối với cảnh pháp là danh pháp thì cảnh đi vào dòng tâm làm dao động ngay dòng hữu phần, kế đến là sátna Dứt dòng rồi đến sátna tâm Hướng ý môn. (cảnh Danh pháp không có hữu phần Vừa qua). Như vậy, ngay sátna diệt của tâm hữu phần Dứt dòng, thì 5 sắc thần kinh hay dòng hữu phần mới được gọi là môn. 117 - Hỏi. Nhãn môn hợp đồng (cakkhudvaarasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào nhãn môn sinh lên? Đáp. Nhãn môn hợp đồng (cakkhudvārasaṅgaha) là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào nhãn môn (thần kinh nhãn) sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh sắc. Nương theo nhãn môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh sắc [17] . Có Pāli như sau: Tattha pañcadvārāvajjana - cakkhuviññāṇa - sampaṭicchana - santīraṇa - voṭṭhapana - kamāvacarajavana – tadālambanavasena cha cattāḷīsa cittāni cakkhudvāre yathārahaṃ upajjhanti: “Ở đây, 46 tâm có thể sinh lên qua nhãn môn là: Ngũ môn hướng tâm, Nhãn thức, Tiếp thu, Quan sát, Xác định, đổng lực dục giới và Na cảnh”(Abhs). 118 - Hỏi. Nhĩ môn hợp đồng (sotadvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào nhĩ môn sinh lên? Đáp. Nhĩ môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào nhĩ môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh thinh. Nương theo nhĩ môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, tỷ, thiệt và thân thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh thinh. 119 - Hỏi. Tỷ môn hợp đồng (ghānadvāra) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào tỷ môn sinh lên? Đáp. Tỷ môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào tỷ môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh mùi. Nương theo tỷ môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, nhĩ, thiệt và thân thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh mùi. 120 - Hỏi. Thiệt môn hợp đồng (jīvhādvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào thiệt môn sinh lên? Đáp. Thiệt môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào tỷ môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh vị. Nương theo thiệt môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, nhĩ, tỷ và thân thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh vị. 121 - Hỏi. Thân môn hợp đồng (kāyadvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào thân môn sinh lên? Đáp. Thân môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào thân môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh xúc. Nương theo thân môn có 46 tâm sinh lên = 54 tâm Dục giới – 4 đôi thức (nhãn, nhĩ, tỷ và thiệt thức). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh xúc. 122 - Hỏi. Ý môn hợp đồng (manodvārasaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu tâm và tâm sở dựa vào ý môn sinh lên? Đáp. Ý môn hợp đồng là xem có bao nhiêu tâm và tâm sở nương vào ý môn sinh lên. Tức là có bao nhiêu tâm và tâm sở biết được cảnh pháp. Nương theo ý môn có 99 tâm sinh lên = 121 tâm – (ngũ song thức + 3 ý giới + 9 tâm quả Đáo đại). Có 52 tâm sở sinh lên để biết cảnh pháp. Như có Pāli: -“Manodvāre pana manodvārāvajjana – pañcapaññāsajavana – tadālambanavasena sattasaṭṭhicittāni bhavanti: “- Có 67 tâm khởi lên qua ý môn là: Ý môn hướng tâm, 55 đổng lực và tâm Na cảnh [18] (Abhd)”. 121. Hỏi. Vì sao 2 tâm quan sát thọ xả và 8 tâm Đại quả là ý môn, lại nương cửa (dvāra) sinh lên? Đáp. Những tâm này khi là hữu phần dứt dòng (tức là làm việc hữu phần), chúng là ý môn. Khi là hữu phần thông thường chúng không nương cửa nào cả. Khi làm việc Na cảnh chúng lại nương sáu cửa sinh lên, vì chúng nhận cảnh của sáu cửa này. Các tâm quả Đáo đại không có chức năng Na cảnh nên chúng thuần túy là ý môn ở sátna Hữu phần Dứt dòng (bhavaṅgupaccheda). Và không là cửa nào khi chúng làm việc hữu phần thông thường. 124 - Hỏi. Tâm nào không nương cửa nào để sinh lên? Đáp. Mười chín tâm hữu phần không dựa vào môn nào để sinh lên. Như Pāli giải thích: Ekūnavīsati paṭisanti – bhavaṅga – cutivasena dvāravimuttāni: “Mười chín tâm làm phận sự tục sinh - hữu phần - tử không khởi lên qua cửa nào cả”(Abhs). Sách Vibhāvini Tīkā có giải thích: - Tâm Tục sinh không nương cửa nào sinh khởi, vì vào thời điểm này hoàn toàn không có cửa nào. - Tâm Tử tuy xuất hiện trong lộ ngũ môn cận tử và lộ ý môn cận tử, nhưng không nhận cảnh của hai lộ nảy, chỉ nhận cảnh riêng của chúng, nên chúng cũng không nương cửa nào để sinh lên. - Tâm Hữu phần Dứt dòng (bhavaṅgupaccheda) tự nó là ý môn. - Tâm Hữu phần (bhavaṅga) không nhận bất kỳ cảnh nào trong sáu cửa. Nói cách khác, tâm Hữu phần tự khởi lên, không do duyên bất kỳ cảnh nào từ bên ngoài vào. Nên 19 tâm hữu phần không nương sinh từ của nào. 125 - Hỏi. Tâm nào nương sinh từ một cửa? Đáp. Có 68 tâm nương sinh từ một cửa là = 5 đôi thức + 18 tâm Đổng lực Đáo đại + 40 tâm Siêu thế. - Hai tâm Nhãn thức chỉ nương nhãn môn để sinh lên. - Hai tâm Nhĩ thức chỉ nương nhĩ môn để sinh lên. - Hai tâm Tỷ thức chỉ nương tỷ môn để sinh lên - Hai tâm Thiệt thức chỉ nương thiệt môn để sinh lên. - Hai tâm Thân thức chỉ nương thân môn để sinh lên. - Mười tám (18) tâm đổng lực Đáo đại và 40 tâm Siêu thế chỉ nương ý môn để sinh lên. Có Pāli như sau: Tesu pana dvipañca viññāṇāni c’eva mahaggata – lokuttarajavanāni c’āti chattiṃsa yathārahaṃ’ ekadvārikacittāni nāma: “ Có 36 tâm [19] sinh khởi từ một môn là: Năm đôi thức, tâm đổng lực Đáo đại và Siêu thế” (Abhs). 126 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm nương 5 cửa để sinh lên? Đáp. Có 3 tâm nương 5 cửa để sinh lên là: 2 tâm Tiếp thu và tâm Hướng ngũ môn. Ba tâm này nương sinh từ 5 cửa: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Như có Pāli sau: Manodhātuttikaṃ pana pañcadvārikam: Ba ý giới khởi lên qua 5 cửa” (Abhs). 127 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm nương sáu cửa để sinh lên? Đáp. Nương sinh 6 của nhất định, có 31 tâm là: 28 tâm Đổng lực Dục giới hữu nhân [20] + tâm Sinh tiếu + tâm Hướng ý môn + tâm Quan sát thọ hỷ *- Tâm Hướng ý môn trong lộ ngũ thì làm việc Xác định (voṭṭhapanakicca); trong lộ ý thì làm việc khai môn (āvajjanadvāra). *- Tâm Quan sát hỷ thọ nương 6 cửa sinh lên khi làm việc Na cảnh. Có Pāli như sau: Sukhasantīraṇa - voṭṭhapana – kāmāvacarajavanāni chadvārikacittāni “Quan sát thọ hỷ - Xác định - đổng lực dục giới, khởi lên qua sáu cửa” (Abhs). Một số tâm tuy khởi sinh lên qua sáu cửa nhưng bất định, đó là: 2 tâm Quan sát thọ xả và 8 tâm Đại quả *- Khi 1o tâm này làm việc Na cảnh thì chúng sinh khởi qua 6 cửa. - Khi chúng làm việc Tục sinh, hữu phần và tử thì không khởi sinh qua cửa nào cả. Như có Pāli sau: Upekkhāsahagatasantīrana – mahāvipākāni chadvārikāni ceva dvāravimuttāni ca: “Tâm Quan sát sinh chung với thọ xả - tâm Đại quả [21] khởi lên qua sáu cửa và (khởi lên) không qua cửa nào cả” (Abhs). 128 - Hỏi. Sáu cửa phân theo cõi ra sao? Đáp. Cõi ngũ uẩn có đủ sáu cửa. Cõi Sắc giới hữu tưởng chỉ có ba cửa là: Nhãn môn, nhĩ môn và ý môn. Cõi Vô tưởng và cõi Vô sắc giới không có cửa nào cả. Dứt môn hợp đồng. -ooOoo-
Bài 7.
Cảnh hợp
đồng
129 - Hỏi. Cảnh là gì? Đáp. Cảnh là đối tượng bị tâm biết, bất luận pháp nào bị tâm biết, pháp ấy gọi là cảnh. Cảnh được dịch từ chữ ārammaṇa hay ālambana, hai từ này còn được dịch là “đối tượng” hoặc “sở duyên”. Ārammaṇa = ā + căn ram (bám vào, dính vào, thích thú). Hay: Ālambana = ā căn lam (đeo níu theo) [22] . 130 - Hỏi. Cảnh bám theo tâm hay tâm bám theo cảnh? Đáp. Tùy theo sức mạnh của cảnh và sức mạnh của tâm. Với cảnh rất tốt đồng thời phù hợp với khuynh hướng tiềm ẩn, bấy giờ cảnh có sức mạnh hấp dẫn tâm. Như người nghe nói “kho báu”, “vật quý có giá trị cao”... những điều này sẽ hấp dẫn tâm người ấy. Nếu như tâm có sức mạnh, đồng thời cảnh không phù hợp với khuynh hướng cảnh sẽ đeo bám tâm. Ví như người mượn nợ, van nài chủ nợ. Hay như vị tỳkhưu tu tập thiền chỉ tịnh, những cảnh dục lạc không hấp dẫn tâm vị ấy. Cảnh đối với tâm ví như thanh nam châm với sắt, nếu thanh sắc dày - nặng thì thỏi nam châm sẽ chạy đến thanh sắc. Nếu chỉ là những mảnh sắt nhỏ thì những mảnh sắt này chạy đến thỏi nam châm. Thỏi nam châm ví như cảnh, mảnh sắt hay thanh sắt ví như tâm. Pāli có giải thích: Ābhimukhaṃ ramanti etthāti = ārammaṇaṃ: “Thích thú khi đối diện, gọi là cảnh”. - Cittacetasika ālambanatīti =ālambanaṃ: “Đeo níu theo tâm và tâm sở, gọi là cảnh”. - Cittacetasika ālambiyatīti = ālambanaṃ: “Bị tâm và tâm sở nắm giữ, gọi là cảnh” [23] . 131 - Hỏi. Cảnh hợp đồng có ý nghĩa như thế nào? Có bao nhiêu cảnh? Đáp. Cảnh hợp đồng là: Mỗi cảnh có bao nhiêu chi pháp, có bao nhiêu tâm biết và tâm biết được bao nhiêu cảnh. Nói gọn thì có 6 cảnh là: Cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp. Nói rộng thì có 21 cảnh. 132 - Hỏi. Cảnh sắc ra sao? Chi pháp cảnh sắc là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh sắc? Đáp. Cảnh sắc (rūpārammaṇa) là những gì bị sắc thần kinh Nhãn thu bắt và bị tâm nhận biết. Cảnh sắc bao gồm những màu sắc, hình dáng, cử động ... Theo Abhidhamma (Thắng pháp), danh từ rūpa từ ngữ căn rup nghĩa là “biến đổi, hoại diệt”. Pāli giải thích: Sītuṇhādivasena vaṇṇavikāramāpajjatī’ti = rūpaṃ: “Thay đổi màu sắc bởi nóng lạnh, gọi là sắc.” Đơn thuần chỉ là “màu sắc”, nhưng khi bị tâm biết, chúng trở thành cảnh sắc. Nhưng sắc cảnh sắc không phải chỉ là “những màu sắc” mà là “tất cả những gì bị sắc thần kinh Nhãn nắm bắt, đồng thời bị tâm nhận biết”. Chi pháp của cảnh sắc là sắc cảnh sắc. Cảnh sắc có 48 tâm biết, như sau: - Biết nhất định: Là 2 tâm Nhãn thức. - Biết bất định có 46 tâm là: 44 tâm Dục giới (trừ năm đôi thức) + 2 tâm thông (abhiññāṇacitta). *- Gọi là biết “nhất định” vì Nhãn thức chỉ biết độc nhất “cảnh sắc”. *- Gọi là biết “bất định” vì ngoài cảnh sắc ra, những tâm này còn biết nhiều cảnh khác nữa. Như tâm thiện dục giới chẳng hạn, ngoài cảnh sắc ra, chúng còn biết cảnh Nípbàn, cảnh thiền, cảnh chế định, cảnh thinh ... Hoặc như tâm tham, ngoài cảnh sắc ra, chúng còn biết thêm cảnh thinh (ái cảnh thinh), cảnh vị (ái cảnh vị) ..... 133 -Hỏi. Cảnh thinh (saddārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh thinh là gì? Có bao nhiêu tâm biết cảnh thinh?. Đáp. Cảnh thinh là “tất cả âm thanh bị sắc thần kinh Nhĩ bắt được và bị tâm nhận biết”. Âm thanh xuất phát từ sự va chạm của tứ đại, như tiếng gió “ù ù”, tiếng lửa “reo tí tách”, tiếng chuông, tiếng trống ... Âm thanh do 2 nhân tạo là: Tâm (khi nói) và “nóng lạnh” (utuja). Âm thanh có hai loại “rõ ràng (vyākata)” và “không rõ ràng (avyākata). Như có những tiếng động được gọi là “siêu âm”, hay “có những âm thanh tai người nghe không được, trái lại loài chó nghe được”, đó là loại “âm thanh không rõ ràng”. Những âm thanh cực nhỏ như thế phần lớn là sự “va chạm giữa nước với 3 đại kia”, hoặc do “va chạm nhẹ nhàng “như sợi tóc chạm vào mặt” ... Đơn thuần chỉ là âm thanh, nhưng khi bị tâm biết thì âm thanh ấy trở thành cảnh thinh. Chi pháp của cảnh thinh là sắc cảnh thinh. Tương tự như cảnh sắc, có 48 tâm biết cảnh thinh là: - Biết nhất định: 2 tâm nhĩ Thức. - Biết bất định có 46 tâm = 44 tâm Dục giới (trừ 5 đôi thức) + 2 tâm thông. 134 - Hỏi. Cảnh mùi (gandhārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh mùi là gì? Có bao nhiêu tâm nhận biết cảnh mùi? Đáp. Cảnh mùi là “tất cả mùi bị thần kinh Tỷ thu bắt, đồng thời bị tâm nhận biết”. Gandha (mùi) từ ngữ căn “gandh” có nghĩa là “lộ ra –sūcane”. Chi pháp cảnh mùi là sắc cảnh mùi. Có 48 tâm biết cảnh mùi: - Biết nhất định: 2 tâm Tỷ thức. - Biết bất định: 46 tâm = 44 tâm Dục giới (trừ 5 đôi thức) + 2 tâm thông. 135 - Hỏi. Cảnh vị (rasārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh vị là gì? Có bao nhiêu tâm biết cảnh vị? Đáp. Cảnh vị là “tất cả những vị chất: mặn, ngọt, bùi, chua, cay, đắng... bị thần kinh Lưỡi thu bắt và bị tâm nhận biết”. Chi pháp cảnh vị là sắc cảnh vị. Có 48 tâm nhận biết cảnh vị: - Biết nhất định: 2 tâm Thiệt thức. - Biết bất định có 46 tâm = 44 tâm Dục giới (trừ 5 đôi thức) + 2 tâm thông. 136 - Hỏi. Khi biết thức ăn cứng, mềm, nóng, lạnh có phải là cảnh vị không? Đáp. Không, biết vị chất mới là cảnh vị, còn biết vật thực cứng, mềm, nóng, lạnh ... là do thần kinh Thân thâu bắt cảnh xúc. Trên mặt nhạy của lưỡi phần lớn là thần kinh vị giác, nhưng chìm sâu bên trong mặt nhạy ấy là thần kinh thân, như người cắn nhầm vào lưỡi có cảm nhận đau đớn. Theo luận Atỳđàm, Thiệt thức thọ xả còn Thân thức thì thọ khổ hoặc tho, lạc. Cảm nhận đau đớn là thọ khổ. Nói cách khác, nơi nào có “hệ thống thần kinh Thân” đi qua, nơi ấy có sự cảm nhận “khổ - lạc”. Một số cơ quan trong thân như ruột, bao tử... có sự tiếp cận với sắc thần kinh Thân nên phát sinh đau khi chạm vào thần kinh Thân, một số không “tiếp cận với thần kinh Thân”, tuy bị ung thối vẫn không có cảm nhận gì chi cả, như gan, tim, phổi chẳng hạn. 137 - Hỏi. Cảnh xúc (phoṭṭhappārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh xúc là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh xúc?. Đáp. Cảnh xúc là “bao gồm những gì va chạm vào thần kinh Thân và bị tâm nhận biết”. Chi pháp của cảnh xúc là : Đất, lửa, gió. Nước (āpo) là loại sắc vi tế (sukhumarūpa), không thể nhận biết qua 5 giác quan. Nước có trạng thái “trôi chảy hay quến tụ”; khi dùng tay chạm vào nước thông thường, chúng ta cảm nhận “mềm”, mà “mềm là trạng thái của đất. Nếu cảm nhận “nóng hoặc lạnh”, đó là trạng thái của lửa. Khi đưa mắt nhìn thấy “nước trôi chảy hay xoáy cuộn lại” đó lại là cảnh sắc ... Có 48 tâm biết cảnh xúc là: - Biết nhất định: 2 tâm Thân thức. - Biết bất định có 46 tâm = 44 tâm Dục giới (trừ 5 đôi thức) + 2 tâm Thông. Sắc cảnh sắc, sắc cảnh thinh, sắc cảnh vị, sắc cảnh mùi, đất, lửa, gió, gọi chung là 7 sắc cảnh. 138 -Hỏi. Số lượng 21 cảnh đó là những cảnh nào? Đáp. Năm cảnh vừa giải thích được gom chung là cảnh ngũ (pañcārammaṇa), đó là cảnh thứ sáu. 7- Cảnh pháp (dhammārammaṇa). 8- Cảnh chân đế ( paramatthasaccārammaṇa). 9- Cảnh tục đế (lokiyasaccārammaṇa). 10- Cảnh Dục giới (kāmāramāṇa). 11- Cảnh Đáo đại (mahaggatārammaṇa). 12- Cảnh Nípbàn (nibbānārammaṇa). 13- Cảnh danh pháp (nāmārammaṇa). 14- Cảnh sắc pháp (rūpārammaṇa). 15- Cảnh quá khứ (ātītārammaṇa). 16- Cảnh hiện tại (paccuppannārammaṇa). 17- Cảnh vị lai (anāgatārammaṇa). 18- Cảnh ngoại thời (kālavimuttārammaṇa). 19- Cảnh nội phần (ajhattārammaṇā). 20- Cảnh ngoại phần (bahiddhārammaṇa). 21- Cảnh nội ngoại phần (ajjhattabahiddhārammaṇa). Thật ra, tất cả đều là cảnh pháp, nhưng tùy theo mỗi pháp đang làm cảnh cho tâm, nên phân ra theo từng nhóm có đặc tính giống nhau để dễ phân biệt. Nếu Tón gọn thì có 6 cảnh: Sắc thinh, mùi vị, xúc và cảnh pháp. Từ cảnh pháp lại phân tích thành 16 cảnh như đã nêu trên, tổng cộng có 21 cảnh. 139 - Hỏi. Gọi là cảnh ngũ (pañcārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh ngũ là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh ngũ? Đáp. Cảnh ngũ là gom 5 cảnh: Sắc, thinh, mùi, vị và xúc mà gọi tên, không phải có một “cảnh ngũ” riêng biệt. Sở dĩ gọi là “cảnh ngũ”, là ám chỉ “môi trường có đầy đủ “sắc, thinh, hương, vị và xúc”. Như người thọ thực trong căn phòng sang trọng, ngào ngạt hương, lại có đoàn vũ nữ ca múa phục vụ. Dĩ nhiên, mỗi thời điểm sátna, tâm chỉ nhận biết một cảnh mà thôi. Còn gọi từng cảnh sắc, thinh ... là chỉ cho từng cảnh xuất hiện riêng lẽ hoặc chỉ cho môi trường không có đủ 5 cảnh. Chi pháp cảnh ngũ chính là 7 sắc cảnh. Có 46 tâm biết cảnh ngũ là: - Biết nhất định có: 3 ý giới. - Biết bất định có 43 tâm = 41 tâm Dục giới (54 tâm Dục giới – (5 đôi thức+ 3 ý giới) + 2 tâm thông. Biết nhất định ví tâm Hướng ngũ môn và 2 tâm Tiếp thu chỉ biết có 5 cảnh: Sắc, thinh, mùi, vị, xúc mà thôi. Ba tâm Quan sát có thể biết hơn 5 cảnh khi chúng làm việc Na cảnh. 140 - Hỏi. Gọi là cảnh pháp (dhammārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh pháp là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh pháp? Đáp. Cảnh pháp là “đặc tính riêng của pháp nào đó khi bị tâm biết”, như tâm sở Tín có đặc tính “hướng tâm tin”, đặc tính này bị tâm khác biết, hay vị tỳ khưu hành pháp Tứ niệm xứ quán tâm trong tâm, khi tâm có tham vị ấy biết, khi có tâm thiện vị ấy biết v...v, hoặc quán pháp trong pháp v...v.. Hoặc vị tu thiền chỉ nhận lấy chế định “đất, nước, lửa, gió, xanh vàng...” làm đề mục, bấy giờ tâm lấy chế định làm cảnh. Gọi là cảnh pháp là loại trừ 5 cảnh sắc và cảnh ngũ ra để dễ phân biệt, thật ra 5 cảnh và cảnh ngũ vẫn có thể gom vào cảnh pháp, vì chúng có “đặc tính riêng”, đồng thời chúng bị tâm biết. Chi pháp của cảnh pháp là “tất cả pháp [24] ” trừ cảnh ngũ + năm cảnh. Nói rõ hơn là: 121 tâm + 52 tâm sở + 21 sắc pháp ( 28 sắc pháp - 7 sắc cảnh) + Có 110 tâm biết cảnh pháp là: - Biết nhất định có 67 tâm thiền = 27 tâm thiền Đáo đại + 40 tâm Siêu thế. *- Các tâm thiền Đáo đại chỉ biết “cảnh đề mục của mình”, ngoài ra khôbng biết cảnh nào khác, nên gọi là biết nhất định. Tương tự như thế với 40 tâm Siêu thế chỉ biết cảnh Nípbàn. *- Về tâm thiền Đáo đại thì: - 3 tâm Thức Vô biên xứ và 3 tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ biết cảnh pháp chân đế. Tâm Thức vô biên xứ bắt lấy “tâm Không vô biên xứ đã diệt” làm cảnh. Tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ bắt lấy “các hành còn sót của tâm Vô sở hữu xứ làm cảnh”. Nên nói “6 tâm này biết cảnh chân đế”. Những tâm thiền Đáo đại ngoài ra chỉ biết cảnh “chế định”. - Biết bất định có 43 tâm = 41 tâm dục giới biết 6 cảnh [25] + 2 tâm Thông. 141- Hỏi. Cảnh chân đế (paramatthasaccārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh chân đế là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh chân đế? Đáp. Chân đế là “sự thật tột củng”, khi điều này bị tâm biết, bấy giờ trở thành cảnh chân đế. Chi pháp của cảnh chân đế là: Tâm, tâm sở, sắc pháp và Nípbàn. Như vậy, vị hành giả “quán thọ trong thọ”, quán “tâm trong tâm”, quán pháp trong pháp”, là nhận “chân đế làm cảnh”. Với vị có tha tâm thông, với tâm mình biết được tâm người khác, vị ấy đang nhận chân đế làm cảnh. Với vị có thiên nhãn minh, thấy được các sắc thô, tế, trong, ngoài... như vậy vị ấy nhận chân đế làm cảnh. Có 70 hoặc 102 tâm biết cảnh chân đế là: - Biết nhất định có 71 tâm = 17 tâm vô nhân (trừ tâm Hướng ý môn) + 8 tâm quả Dục giới [26] +3 tâm Thức vô biên xứ + 3 tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ + 40 tâm Siêu thế. - Biết bất định có 31 tâm = 12 tâm bất thiện + 16 đổng lực Dục giới hữu nhân + tâm Hướng ý môn + 2 tâm Thông. Gọi là biết nhất định cảnh chân đế là “những tâm không hề biết cảnh chế định”. Những tâm vừa biết cảnh chân đế lẫn cảnh chế định, gọi là biết bất định [27] . 142 - Hỏi. Gọi là cảnh Tục đế (lokiyasaccārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh tục đế là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh tục đế? Đáp. Có hai sự thật: Sự thật tột cùng và sự thật theo thế gian. Sự thật thế gian là nương theo sự thật tột cùng mà định đặt ra, như “người, thú ...” là do nương theo danh - sắc mà gọi, chứ thật ra “chẳng có chi gọi là người hay thú cả”. Sự thật thế gian chỉ là “quy ước để hiểu với nhau”, như gọi là “tiền”, cái chi gọi là tiền? Nhưng mọi người chấp nhận giá trị của nó, dùng để trao đổi hàng hóa lẫn nhau. Nói cách khác, sự thật thế gian chỉ là “chế định pháp”, nên cảnh Tục đế còn gọi là cảnh Chế định. Pháp chế định bao gồm 2 phần: Danh từ và nghĩa theo quy ước (danh chế định – nghĩa chế định), như khi nói “cha” nghĩa là “người sinh ra con”, chỉ cần nói cha, người nghe hiểu được ý nghĩa, không cần phải giải thích thêm v ...v. Khi pháp chế định này bị tâm biết, bấy giờ chúng trở thành cảnh chế định. Chi pháp của cảnh chế định là pháp chế định. Có 52 tâm biết cảnh chế định: - Biết nhất định có 21 tâm = 15 tâm thiền Sắc giới + 3 tâm thiền Không vô biên xứ + 3 tâm thiền Vô sở hữu xứ. - Biết bất định có 31 tâm = tâm Hướng ý môn + 12 tâm bất thiện + 8 tâm thiện Dục giới + 8 tâm Duy tác dục giới hữu nhân + 2 tâm thông. 143 - Hỏi. Vì sao tâm Sinh tiếu (hasituppāda) có trong lộ ngũ lẫn lộ ý, lại không bắt cảnh chế định? Đáp. Tâm Sinh tiếu là tâm làm sinh khởi nụ cười “theo thói quen” của vị Thánh Alahán khi gặp cảnh, cảnh ấy có thể là “cảnh đáng cười”, có thể là “cảnh không đáng cười”, như khi “bị mắng cũng cười, được khen ngợi cũng cười”... Trong lộ ngũ không có cảnh chế định, cảnh chế định xuất hiện trong lộ ý với hai cách: Lộ ý thuần túy và lộ ý nối lộ ngũ [28] . Trong lộ ý nối lộ ngũ do định danh hoặc định nghĩa, nên tâm Sinh tiếu không sinh. Chế định làm cảnh trong lộ ý thuần túy có 2 trường hợp: Là cảnh thông thường và cảnh thiền chỉ tịnh. Với cảnh thiền Sắc giới không có tâm Sinh tiếu. Với cảnh chế định thông thường phải hiểu được ý nghĩa, khi hiểu được ý nghĩa thì không thể sinh khởi nụ cười theo thói quen. Nếu sinh khởi nụ cười của vị Thánh Alahán khi nhận cảnh chế định thông thường trong lộ ý thuần túy, hay trong lộ ý nối lộ ngũ, tâm ấy phải là tâm Duy tác thọ hỷ dục giới hữu nhân. 144 - Hỏi. Cảnh Dục giới (kāmārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh dục giới là gì? Bao nhiêu tâm nhận biết cảnh Dục giới? Đáp. Pháp Dục giới bao gồm: Sắc pháp, tâm Dục giới và tâm sở hợp với tâm Dục giới. Khi những pháp này bị tâm biết chúng trở thành cảnh Dục giới. Ngay cả 5 cảnh: Sắc, thinh, mùi, vị và va chạm (xúc) cũng là cảnh Dục giới, nhưng loại trừ ra để phân biệt với những cảnh dục giới khác. Chi pháp cảnh Dục giới là: 21 sắc pháp (28 sắc pháp – 7 sắc cảnh), 5 4 tâm Dục giới + 52 tâm sở hợp. Có 56 tâm biết cảnh Dục giới là: - Biết nhất định có 25 tâm = 17 tâm vô nhân (trừ tâm Hướng ý môn) + 8 tâm Đại quả. - Biết bất định có 31 tâm = 12 tâm bất thiện + 8 Đại thiện + 8 Đại tố + tâm Hướng ý môn + 2 tâm Thông. 145 - Hỏi. Cảnh Đáo đại (mahaggatārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh Đáo đại là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh Đáo đại? Đáp. Đáo đại là “đến nơi rộng lớn”, ám chỉ những tâm thiền Hiệp thế (lokiyajhānacitta) cùng với những tâm sở hợp trong tâm thiền ấy. Khi những tâm thiền hiệp thế cùng tâm sở hợp bị tâm khác biết, chúng trở thành cảnh đáo đại. Chi pháp cảnh Đáo đại là 27 tâm thiền hiệp thế + tâm sở hợp. Trường hợp nào chúng làm cảnh cho tâm? Có 4 trường hợp: - Chúng xuất hiện trong lộ phản khán chi thiền, khi ấy các chi thiền bị tâm Thiện Dục giới hay tâm Duy tác Dục giới biết. - Với vị có Tha tâm thông biết được tâm thiền của người khác. Như trường hợp Ngài Anuruddha theo dõi tâm của Đức Phật vào thời điểm Đức Phật sắp viên tịch [29] . - Với vị tu tập thiền Vô sắc với đề mục “Thức vô biên xứ” và “phi tưởng phi phi tưởng xứ”. - Nhớ tưởng lại sự chứng đắc thiền. Có 37 tâm biết cảnh Đáo đại là: - Biết nhất định có 6 tâm = 3 tâm Thức vô biên xứ + 3 tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ. - Biết bất định có 31 tâm = tâm Hướng ý môn + 12 tâm bất thiện + 8 đại thiện + 8 đại tố + 2 tâm Thông. Vì sao tâm bất thiện biết cảnh đáo đại? Do nhớ tưởng lại phát sinh tham, sân hay hoài nghi... 146 - Hỏi. Cảnh Nípbàn ra sao? Chi pháp cảnh Nípbàn là gì? Có bao nhiêu tâm biết cảnh Nípbàn? Đáp. Nípbàn là “trạng thái tịch tịnh tuyệt đối, yên lặng các pháp hữu vi, không có danh sắc chi cả”. Khi Nípbàn bị tâm biết, bấy giờ gọi là cảnh Nípbàn. Tâm biết cảnh Nípbàn không phải “có tâm trong Nípbàn”. Ví như người đứng dưới chân núi, thấy được đỉnh núi. Chi pháp cảnh Nípbàn chính là Nípbàn. Biết cảnh Nípbàn có 51 tâm là: - Biết nhất định: 40 tâm Siêu thế. - Biết bất định có 11 tâm = tâm Hướng ý môn + 8 Đổng lực Dục giới có trí [30] + 2 tâm Thông. Trường hợp nào 8 đổng lực hợp trí Dục giới biết cảnh Nípbàn? - Tâm Thiện Dục giới hợp trí biết được cảnh Nípbàn với 3 trường hợp: *- Là tâm Gotrabhū (Chuyển tánh) hoặc tâm Vodanā (Tiến bậc) trong lộ Đắc đạo. *- Là tâm phản khán trong lộ phản khán Đạo, quả Siêu thế và Nípbàn (trong lộ tâm đắc Đạo). *- Là tâm Gotrabhū trong lộ nhập thiền quả của bậc Thánh Hữu học. - Tâm Đại tố hợp trí biết được cảnh Nípbàn với 2 trường hợp: *- Trong lộ phản khán đắc Tứ đạo. *- Là Gotrabhū trong lộ nhập thiền quả của vị thánh Alahán. 147 - Hỏi. Cảnh danh pháp (nāmārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh danh pháp là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh danh pháp. Đáp. “Danh” là những thể thuộc tinh thần có thực tính (sabhāva), đó là “thọ, tưởng, hành, thức và Nípbàn” [31] . Khi những pháp này bị tâm khác biết, bấy giờ trở thành cảnh danh pháp. Chi pháp cảnh danh pháp là: Tâm + tâm sở + Nípbàn. Biết cảnh danh pháp có 89 tâm là: - Biết nhất định có 46 tâm = 40 tâm Siêu thế + 3 tâm Thức vô biên xứ + 3 tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ. - Biết bất định có 43 tâm = 41 tâm Dục giới (trừ 5 đôi thức + 3 ý giới) + 2 tâm Thông. 148 - Hỏi. Cảnh sắc pháp (rūpārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh sắc pháp ra sao? Bao nhiêu tâm biết cảnh sắc pháp? Đáp. Sắc pháp là thể vật chất vô tri giác, sắc pháp ở đây chỉ cho tứ đại, nói rộng hơn là chỉ cho 28 sắc pháp. Trong 28 sắc pháp được chia thành 2 loại: - Sắc thô (odārikarūpa). Là loại sắc có thể nhận biết qua 5 giác quan, gồm 12 sắc là: 7 sắc cảnh + 5 sắc thần kinh. - Sắc tế (sukhumarūpa). Là loại sắc không thể nhận biết qua 5 giác quan, chỉ nhận thức được qua “cảm giác”. Đó là 16 sắc còn lại. Khi tâm nhận một trong 28 sắc này làm cảnh, bấy giờ chúng trở thành cảnh sắc pháp. Chi pháp cảnh sắc pháp là 28 sắc pháp hay tứ đại. Biết cảnh sắc pháp có 56 tâm là: - Biết nhất định có 13 tâm = Năm đôi thức + 3 ý giới. - Biết bất định có 43 tâm = 41 tâm Dục giới (còn lại) + 2 tâm thông. Hai tâm thông ở đây chỉ cho thiên nhãn thông là chủ yếu. 149 - Hỏi. Cảnh quá khứ (ātītārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh quá khứ là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh quá khứ? Đáp. Gọi là “quá khứ” ám chỉ tâm+ tâm sở + sắc pháp đã diệt. Khi những pháp này bị tâm biết, những pháp này gọi là “cảnh quá khứ”. Trong lộ phản khán Đạo - quả Siêu thế và Nípbàn, tuy do nhớ lại Nípbàn đã tác chứng, nhưng cảnh Nípbàn này không gọi là cảnh quá khứ. Vì sao? Vì Nípbàn không bị diệt do định luật vô thường, như Phật ngôn: -“Sabbe saṅkhārā aniccāti...: Tất cả pháp hữu vi là vô thường...” [32] Nípbàn là pháp vô vi nên là thường, không bị định luật vô thường chi phối.Do đó Nípbàn không là pháp quá khứ, hiện tại lẫn vị lai. Nípbàn là pháp “vượt ra khỏi thời gian – kālavimutti”. Gọi là “cảnh quá khứ” nhưng xuất hiện trong sátna hiện tại. Như người đang hoài niệm quá khứ. Sở dĩ gọi là “cảnh quá khứ” là chỉ cho “đang nhớ lại những gì đã mất, đã diệt”. Như vị tỳkhưu quán tâm tứ niệm xứ .... (cùng một lúc không thể có 2 tâm) Chi pháp cảnh quá khứ là: Tâm+ tâm sở + sắc pháp đã diệt. Biết cảnh quá khứ có 49 tâm là: - Biết nhất định có 6 tâm = 3 tâm Thức vô biên xứ + 3 tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ . *- Ba tâm Thức vô biên xứ bắt lấy tâm Không vô biên xứ đã diệt làm cảnh. *- Ba tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ bắt các hành của tâm Vô sở hữu xứ đã diệt làm cảnh. - Biết bất định có 43 tâm = 41 tâm Dục giới (trừ năm đôi thức + 3 ý giới) + 2 tâm Thông. Hai tâm Thông ở đây chủ yếu là Túc mạng thông. 150 - Hỏi. Cảnh hiện tại (paccuppannārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh hiện tại là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh hiện tại? Đáp. “Hiện tại” là những gì đang sinh, đang hiện bày. Ở đây ám chỉ tâm + tâm sở + sắc pháp đang hiện hữu. Khi những pháp này bị tâm biết, gọi là “cảnh hiện tại”. Chi pháp cảnh hiện tại là: Tâm + tâm sở + sắc pháp đang hiện hữu. Biết cảnh hiện tại có là: - Biết nhất định, có 13 tâm = Năm đôi thức + 3 ý giới. - Biết bất định, có = 41 tâm Dục giới (trừ năm đôi thức + 3 ý giới) + 2 tâm Thông. Hai tâm Thông ở đây chủ yếu là Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông và tha tâm thông. 151- Hỏi. Cảnh vị lai(anāgatārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh vị lai là gì? Có bao nhiêu tâm biết cảnh vị lai? Đáp. “Vị lai “là những gì sẽ sinh, sẽ hiển lộ, sẽ hiện bày, ở đây ám chỉ tâm + tâm sở + sắc pháp sẽ sinh khởi trong tương lai. Những pháp này khi bị tâm biết sẽ trở thành cảnh vị lai. Chi pháp cảnh vị lai là: Tâm + tâm sở + sắc pháp sẽ sinh. Biết cảnh vị lai có 43 tâm biết là: 41 tâm dục giới (trừ năm đôi thức + 3 ý giới) + 2 tâm thông. Tất cả đều biết bất định. Hai tâm thông ở đây chủ yếu là “vị lai trí”, như trường hợp Đức Phật Chánh giác thọ ký cho những thiện gia nam tử có ước nguyện thành Thượng thủ thinh văn trong tương lai, hay những vị Đại đệ tử tối thắng về hạnh thiểu bịnh, hạnh hiếu học, hạnh ở rừng... [33] Về 41 tâm Dục giới biết cảnh vị lai, như người hành thiện mong muốn sinh về cõi chư thiên, hay nghĩ đến “phương án trả thù”... 152 - Hỏi. Cảnh ngoại thời (kālavimuttārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh ngoại thời là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh ngoại thời? Đáp. “Pháp ngoại thời” là pháp vượt ra khỏi thời gian, không bị thời gian chi phối. Đó là Nípbàn và pháp chế định. Pháp chế định sở dĩ gọi là pháp phi thời, vì ngôn ngữ hay ý nghĩa chỉ là những khái niệm, hoặc nương vào pháp chân đế mà định đặt tên cùng ý nghĩa. Như Bồtát Sumedha từ khi được Đức Phật Dipaṅkara (Nhiên Đăng) xác nhận là “vị Phật Chánh giác trong tương lai”. Trải qua 4 Atăngkỳ (asaṅkheyya) và 100 ngàn kiếp trái đất, danh tự Sumedha bị quên lãng, đến thời Đức Phật hiện tại, Ngài thuyết lên Bổn sự, thế là danh tự Sumedha lại hiện khởi. Tương tự như thế với các danh tự các vị Phật Chánh Đẳng giác như Vipassī, Konāgamana, Kakusandha, Kassapa... Pháp ngoại thời khi bị tâm biết, khi ấy là cảnh ngoại thời. Chi pháp cảnh ngoại thời là Nípbàn và chế định. Biết cảnh ngoại thời có 92 tâm là: - Biết nhất định có 61 tâm = 15 tâm thiền Sắc giới + 3 tâm Không vô biên xứ + 3 tâm Vô sở hữu xứ + 40 tâm Siêu thế. - Biết bất định có 31 = 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại tố + 12 tâm bất thiện + tâm hướng ý môn + 2 tâm Thông. 153 - Hỏi. Cảnh nội phần (ajjhattārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh nội phần là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh nội phần? Đáp. Pháp nội phần là “những gì trong thân” của chúng sinh, ám chi cho tâm + tâm sở+ sắc pháp có trong thân mỗi chúng sinh. Với cõi ngũ uẩn thì có đủ 3 pháp này, ở cõi Vô sắc chỉ có tâm và tâm sở. Ở cõi Vô tưởng chỉ có sắc pháp. Khi pháp nội phần bị tâm biết, khi ấy là cảnh nội phần. Như một người biết mắt mình tinh tường hay bị lờ mờ, tai thính hay bị lảng ... hay biết tâm mình là tâm sân, tâm tham... Chi pháp cảnh nội phần là: tâm + tâm sở + sắc pháp trong thân. Biết cảnh nội phần có 62 tâm biết là: - Biết nhất định có 6 tâm = 3 tâm Thức vô biên xứ + 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ. - Biết bất định có 56 tâm = 54 tâm Dục giới + 2 tâm Thông. Trường hợp ngũ song thức biết cảnh nội phần là : Mắt thấy tay chân mình, hay tai nghe chính âm thanh mình, mũi ngửi mùi nơi thân mình... 154 - Hỏi. Cảnh ngoại phần (bahiddhārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh ngoại phần là gì? Có bao nhiêu tâm biết cảnh ngoại phần? Đáp. Pháp ngoại phần là những gì “ở ngoài thân chúng sinh”, tức là tâm + tâm sở + sắc pháp ở ngoài thân. Pháp ngoại phần khi bị tâm biết, trở thành cảnh ngoại phần. Chi pháp cảnh ngoại phần là : Tâm + tâm sở + sắc pháp ở ngoài thân. Biết cảnh ngoại phần có 114 tâm là: - Biết nhất định có 58 tâm = 15 tâm Sắc giới + 3 tâm Không vô biên xứ + 4o tâm Siêu thế. - Biết bất định có 56 tâm = 54 tâm Dục giới + 2 tâm Thông. 155 - Hỏi. Vì sao 15 tâm Sắc giới, 3 tâm Không vô biên xứ và tâm Siêu thế biết cảnh ngoại phần nhất định? Đáp. Thật ra các pháp Chế định và Nípbàn không thể gọi là “cảnh nội phần” hay “cảnh ngoại phần” được. Nípbàn là trạng thái tịch lặng, vượt ra ngoài pháp hữu vi, trong khi chi pháp của cảnh ngoại phần là pháp hữu vi ở ngoài thân. Nên không có pháp Nípbàn ở đây. Nípbàn không thể nói “trong thân” hay “ngoài thân”. Tuy có 3 loại Nípbàn là “không tánh Nípbàn”, “Vô tướng Nípbàn”, “Vô nguyện Nípbàn”. Đó chỉ là “nương theo ba tường mà định danh cho dễ nhận thức, chứ không phải có 3 loại Nípbàn; Nípbàn chỉ có một. - Không tánh Nípbàn (suññatanibbāna). Là người thực hành pháp quán tướng Vô ngã của danh sắc chứng đắc đạo quả. - Vô nguyện Nípbàn (appanihitanibbāna). Là người thực hành pháp quán tướng Khổ của danh sắc chứng đắc đạo quả. - Vô tướng Nípbàn (animittanibbāna). Là người thực hành pháp quán tướng Vô thường của danh sắc đắc Đạo quả. Ba tướng này do nương nơi danh sắc mà có, xuyên qua được 3 tướng này Nípbàn mới hiển lộ. Tương tự như thế với pháp Chế định, tức là do nương theo danh sắc nơi thân mới đạt tên là “mắt”, “tai”, “mũi”.... Do nương theo vật thể bên ngoài mà đặt tên như “núi”, “sông”... Nói cách khác, Nípbàn và Chế định không rõ ràng là “trong hay ngoài thân”. Nên chi pháp cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, không đề cập đến Nípbàn và Chế định. 156 - Hỏi. Cảnh nội ngoại phần (ajjhattabahiddhārammaṇa) ra sao? Chi pháp cảnh nội - ngoại phần là gì? Bao nhiêu tâm biết cảnh nội ngoại phần? Đáp. Pháp nội - ngoại phần là sự giao tiếp giữa “bên trong và bên ngoài”. Như mắt (nội phần) chạm với sắc trần (ngoại phần) phát sinh nhãn xúc; nhãn xúc là pháp nội - ngoại phần, nhãn thức là pháp nội - ngoại phần... Khi những pháp này bị tâm biết chúng là cảnh nội - ngoại phần. Chi pháp cảnh nội - ngoại phần cũng là tâm + tâm sở + sắc pháp. Có câu hỏi: Sắc pháp là sắc nội - ngoại phần ra sao? Như dưỡng tố của vật thực bên ngoài chẳng hạn, khi được cơ thể dung nạp để nuôi dưỡng sắc Mạng quyền, bấy giờ dưỡng tố (ojā) ấy trở thành sắc nội (có nguồn gốc là ngoại phần). Hay chất kích thích tố nam, chất kích thích tố nữ bên ngoài, trước tiên chỉ là sắc thời tiết (utujarūpa), nhưng khi xâm nhập vào cơ thể chúng làm biến dạng một số cơ quan trong thân, bấy giờ chúng trở thành sắc nội phần (có nguồn gốc là ngoại phần) ... Gọi chung là sắc nội- ngoại phần. Biết cảnh nội-ngoại phần có 56 tâm = 54 tâm Dục giới + 2 tâm Thông. Tất cả những tâm này đều biết cảnh nội - ngoại phần bất định. 157 - Hỏi. Cảnh nghiệp (kammārammaṇa), cảnh nghiệp tướng (kammanimittārammaṇa), cảnh thú tướng (gatinimittārammaṇa) trong tâm hữu phần thuộc cảnh nào trong 21 cảnh nào? Đáp. Trước khi tục sinh, chúng sinh ở giai đoạn cận tử sẽ thấy 1 trong ba cảnh : Cảnh nghiệp, cảnh nghiệp tướng và cảnh thú tường. Khi tục sinh, tâm Tục sinh sẽ nhận lại 1 trong ba cảnh ấy, sau tâm tục sinh là tâm hữu phần, tâm hữu phần cũng nhận 1 trong ba cảnh ấy như tâm tục sinh. Một trong ba cảnh ấy là cảnh pháp, hoặc cảnh quá khứ (là cảnh nghiệp, cảnh nghiệp tướng) hay cảnh vị lai ( cảnh thú tướng). 158 - Hỏi. Ngũ song thức biết bao nhiêu cảnh? Đáp. Mỗi đôi thức biết 7 cảnh, như nhãn thứcc chẳng hạn: Nhãn thức biết được 8 cảnh là: Cảnh sắc, cảnh hiện tại, cảnh sắc pháp, cảnh dục giới, cảnh Chân đế, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội ngoại phần. Tương tự như thế với 4 đôi thức: Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức. Chỉ thay cảnh sắc bằng cảnh tương ứng với thức như cảnh thinh đối với Nhĩ thức, cảnh mùi đối với Tỷ thức .... 159 - Hỏi. Ý giới biết mấy cảnh? Đáp. Ý giới (gồm 3 tâm : Hướng ngũ môn + 2 tâm Tiếp thu) biết được 13 cảnh: - Năm trần cảnh, cảnh ngũ, cảnh hiện tại, cảnh sắc pháp, cảnh dục giới, cảnh chân đế, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội ngoại phần. 160 - Hỏi. Tâm Siêu thế biết được mấy cảnh? Đáp. Tâm Siêu thế biết được 5 cảnh là: Cảnh Nípbàn, cảnh chân đế, cảnh ngoại thời, cảnh pháp và cảnh danh pháp. Biết cảnh ngoại phần là bất định. 161 - Hỏi. Ba tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ và ba tâm Thức vô biên xứ, mỗi tâm biết bao nhiêu cảnh? Đáp. Ba tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ và ba tâm Thức vô biên xứ. Mỗi tâm biết được 6 cảnh: Cảnh pháp, cảnh danh pháp, cảnh chân đế, cảnh đáo đại, cảnh quá khứ, cảnh nội phần. 162 - Hỏi. Ba tâm Vô sở hữu xứ biết được bao nhiêu cảnh? Đáp. Ba tâm Vô sở hữu xứ biết được 3 cảnh: Cảnh pháp, cảnh chế định, cảnh ngoại thời. 163 - Hỏi. Ba tâm Không vô biên xứ và 15 tâm Sắc giới biết được bao nhiêu cảnh? Đáp. Ba tâm Không vô biên xứ và 15 tâm Sắc giới, mỗi tâm biết được 4 cảnh: Cảnh pháp, cảnh chế định, cảnh ngoại thời, cảnh ngoại phần. 164 - Hỏi. Vì sao 3 tâm Không vô biên xứ biết cảnh ngoại phần, trong khi ba tâm Vô sở hữu lại không biết? Đáp. Tuy ba tâm Không vô biên xứ và 3 tâm Vô sở hữu xứ đều biết cảnh chế định, nhưng: - Chế định của Vô sở hữu xứ là chế định do nương theo thức vô biên xứ. Tức là vị ấy suy nghĩ “thức này không có nơi trú”, rồi niệm tưởng “vô sở hữu xứ”, mà “thức Vô biên xứ” lại ở bên trong. Còn chế định của tâm Không vô biên xứ phải nương từ “ấn tướng thiền Sắc giới. Như Kinh văn: Sabbaso rūpa saññānaṃ samatikkamā paṭigha saññānaṃ atthagamā nānatta saññānaṃ amanasikārā, “Ananto ākāso” ti ākāsānañcāyatanaṃ upasampajja viharati”. “Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng đối nghịch, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư "không gian là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ” [34] . Mà “sắc tưởng” ở bên ngoài thân.Do đó, 3 tâm Vô biên xứ biết được cảnh ngoại phần, còn 3 tâm Vô sở hữu xứ thì không. 165 - Hỏi. Tâm Đại thiện có trí, tâm Đại tố có trí, tâm Hướng ý môn và 2 tâm Thông biết được bao nhiêu cảnh? Đáp. Mỗi tâm biết được 21 cảnh tùy theo từng trường hợp. Tâm Thông biết được cảnh Nípbàn đó là Sinh tử thông của bậc Thánh hữu học và bậc Vô học. Như Đức Phật xác nhận vị Thánh Alahán Godhika viên tịch... - Tâm Hướng ý môn biết cảnh Nípbàn trong lộ nhập thiền quả. - Tâm Đại thiện có trí và Đại tố có trí biết cảnh Níp bàn trong lộ “phản khán Nípbàn”. 166 - Hỏi. Tâm nào biết được 20 cảnh? Đáp. Tâm biết được 20 cảnh là: 12 tâm bất thiện + 4 đại thiện ly trí + 4 đại tố ly trí, những tâm này không biết cảnh Nípbàn, thành ra biết 20 cảnh. 167-Hỏi. 11 tâm Na cảnh và tâm Sinh tiếu biết được bao nhiêu cảnh? Đáp. 11 tâm Na cảnh và tâm Sinh tiếu biết được 17 cảnh = 21 cảnh – (cảnh Nípbàn + cảnh đáo đại + cảnh chế định và cảnh ngoại thời). 168 - Hỏi. Mỗi tâm sở biết được bao nhiêu cảnh? Đáp. *- 13 tâm sở biến hành + 19 tâm sở tịnh hảo biến hành + tâm sở Trí biết đủ 21 cảnh nhưng bất định. *- 13 tâm sở bất thiện (trừ tâm sở Tật) không biết cảnh Nípbàn, biết 20 cảnh nhưng bất định. *- Tâm sở Tật là “ganh tỵ với hạnh phúc của người khác”, do đó biết cảnh ngoại phần nhất đinh. Còn 19 cảnh còn lại (trừ cảnh Nípbàn) thì biết bất định. *- Ba tâm sở Ngăn trừ phần biết 20 cảnh (trừ cảnh quá khứ), trong đó biết cảnh chân đế là nhất định, còn 19 cảnh còn lại là biết bất định. *- Tâm sở Bi và tâm sở Tùy hỷ biết nhất định 4 cảnh là: cảnh pháp, cảnh chế định, cảnh ngoại thời và cảnh ngoại phần. Dứt cảnh hợp đồng. -ooOoo-
Bài 8.
Vật hợp
đồng
169 - Hỏi. Vatthu là gì? Đáp. Vatthu xuất nguyên từ ngữ căn vas có nghĩa là “trú ngụ”. Vatthu có nhiều nghĩa, trước tiên là “câu truyện, sự kiện”, như Petavatthu: Ngạ quỷ sự (ngạ quỷ truyện); Vimānavatthu: Thiên cung sự (thiên cung truyện); puññakiriyavatthu: Phước nghiệp sự[35]. - Vatthu có nghĩa là “căn bản”, như: “Catucattārīsaṃ vo, bhikkhave, ñāṇavatthūni desessāmi: “Này chư tỳkhưu, Ta sẽ giảng về 44 căn bản của trí” [36] . - Vatthu có nghĩa là “một khu vườn”, “một thửa ruộng”, “một lối đi” [37] . Như có Pāli: Vatthūni pamāya; bījaṃ sinehamassa nānuppavecche: “Sau khi ước lượng đất (vatthu); tìm hiểu được hạt giống.Không còn muốn tham ái” [38] ... Ở đây, theo Tạng Thắng pháp, vatthu được dùng theo thuật ngữ chuyên đề, với nghĩa là “vật”, “chỗ trú ngụ”, như vatthukāma (chỗ trú của dục; dục ở đây chỉ cho: sắc, thinh, mùi, vị và xúc). 170 - Hỏi. Vật hợp đồng(vatthusaṅgaha) là gì? Có bao nhiêu vật? Đáp. Vật hợp đồng là xem mỗi vật có bao nhiêu tâm nương. Có tất cả sáu vật là nơi nương của tâm. Đó là: Nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật và ý vật. Có Pāli sau: Vatthusaṅgahe vatthūni nāma, cakkhu-sota-ghāna-jivhā-kāya-hadayavatthu c’āti chabbhidhāni bhavanti: “Vật hợp đồng, tất cả có sáu là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc trái tim (ý vật)”.(Abhs). 171 - Hỏi. Vật và môn khác nhau ra sao? Đáp. Vật là nơi tâm sinh lên và nương trú, tức là tâm sinh lên và trú nơi nào, nơi đó là vật. Như Phật ngôn: Duraṅgamaṃ ekacaraṃ, asariraṃ guhāsayaṃ Yecittaṃ.... “Lao mình vào cuộc hành trình xa xôi dịu vợi, đó đây đơn độc, không thể xác, nằm trong hang (guhāsaya: chỉ cho ý vật). Đó là tâm..” [39] . (Ô. Phạm Kim Khánh dịch). Còn môn là “cửa” để cảnh đi vào. Tuy môn và vật có cùng chi pháp, nhưng cách dụng khác nhau. Ví như nước có nhiều cách sử dụng khác nhau như: dùng để uống, dùng để tắm, dùng để tẩy rửa... 172 -Hỏi. Nhãn vật (cakkhuvatthu) ra sao? Tâm nào trú ở nhãn vật? Đáp. Nhãn vật còn gọi là “thần kinh Nhãn”; không phải là “mắt thịt” (maṃsacakkhu). Thần kinh Nhãn tinh chất của tứ đại, là cơ quan thâu bắt cảnh sắc. Thần kinh Nhãn nằm bên trong “con mắt thịt”, có hình dáng như đầu con chí. Chi pháp Nhãn vật là thần kinh Nhãn. Tâm sinh lên và trú nơi Nhãn vật là 2 tâm Nhãn thức. 173 - Hỏi. Nhĩ vật (sotavatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Nhĩ vật? Đáp. Nhĩ vật còn gọi là thần kinh Nhĩ, là tinh chất của tứ đại, là cơ quan thu bắt cảnh thinh. Thần kinh Nhĩ không phải là lỗ tai, thần kinh Nhĩ nằm sâu trong lỗ tai, có hình như lông cừu. Chi pháp của Nhĩ vật là thần kinh Nhĩ. Tâm sinh lên và trú nơi Nhĩ vật là 2 tâm Nhĩ thức. 174 - Hỏi. Tỷ vật (ghānavatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Tỷ vật? Đáp. Tỷ vật còn gọi là thần kinh Tỷ, là tinh chất của tứ đại, là cơ quan thu bắt cảnh mùi. Thần kinh Tỷ không phải là lỗ mũi, thần kinh Tỷ nằm bên trong mũi có hình giống móng chân con dê. Chi pháp của Tỷ vật là thần kinh Tỷ. Tâm sinh lên và trú nơi tỷ vật là 2 tâm Tỷ thức. 175 - Hỏi.Thiệt vật (jivhāvatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Thiệt vật? Đáp. Thiệt vật còn gọi là thần kinh Thiệt, là tinh chất tứ đại, là cơ quan thu bắt cảnh vị. Thần kinh Thiệt không phải là lưỡi, thần kinh Thiệt nằm trong lưỡi có hình thức như đầu lông nhím. Chi pháp của Thiệt vật là thần kinh Thiệt. Tâm sinh lên và trú ở thần kinh Thiệt là 2 tâm Thiệt thức. 176 - Hỏi.Thân vật (kāyavatthu) ra sao? Tâm nào trú ở Thân vật. Đáp. Thân vật còn gọi là thần kinh Thân, là tinh chất của tứ đại có khắp châu thân không có vị trí nhất định, là cơ quan thu bắt cảnh xúc. Thần kinh Thân không phải là thân, thần kinh Thân không có hình thức nhất định. Chi pháp của Thân vật là thần kinh Thân. Tâm sinh lên và trú ở thần kinh thân là 2 tâm Thân thức. 177 - Hỏi. Ý vật ra sao? Tâm nào trú ở Ý vật? Đáp. Hadayavatthu được dịch là “ý vật”. Ngài Anuruddha (tác giả bộ Abhidhammasaṅgaha) cho rằng “là một số máu trong ngần ở chót trái tim”. Thuyết “ý vật là “sắc trái tim – hadaya” được chấp nhận rộng rải trong thời Đức Phật, và thuyết này được sự hổ trợ của Upanishad (Cận tọa thư). Đức Phật không phản đối cũng không chấp nhận. Chính trong bộ Pháp tụ (Dhammasaṅgani) danh từ hadayavatthu không tìm thấy. Trong bộ Paṭṭhāna thay vì dùng chữ hadaya vatthu, Đức Phật dùng “yaṃ rūpaṃ nissāya- nghĩa là “tâm nương nương ở sắc nào, đó là vật (vatthu)”, đồng thời Ngài cũng không nêu lên thuyết mới là “bộ não” như các nhà khoa học [40] . Chi pháp của Ý vật là sắc Ý vật. Ngoài năm đôi thức, tất cả tâm còn lại trú ở sắc ý vật. 178 - Hỏi. Sáu vật phân bố theo cõi ra sao? Đáp. Trong cõi Dục giới có đủ sáu vật, trong cõi Sắc giới hữu tưởng có 3 vật là : Nhãn vật, Nhĩ vật và Ý vật. Trong cõi Vô tưởng và cõi Vô sắc không có vật nào. Tuy trong Dục giới có đủ 6 vật, nhưng có một số chúng sinh trong cõi này không đủ 6 vật, đó là những chúng sinh bị khuyết tật mắt, tai, mũi... nhưng Ý vật phải có. Có Pāli như sau: Tāni kāmaloke sabbāni pi labbhanti: Ở Dục giới tất cả (sáu vật) đều có. Rūpaloke pana ghānādittayaṃ natthi: Ở Sắc giới không tìm thấy 3 (vật) [41] . Arūpaloke pana sabbāni pi na samvijjhanti: õi Vô sắc giới không có vật nào cả”(Abhs) 179 - Hỏi. Tâm nào trú vật nhất định? Tâm nào trú vật bất định? Những tâm nào không nương trú ở vật. Đáp. Những tâm nào chỉ có trong cõi ngũ uẩn, nhưng tâm ấy trú nơi vật nhất định. Những tâm nào lưu chuyển trong ba cõi, những tâm ấy trú nơi vật bất định. Những tâm nào chỉ có trong cõi Vô sắc giới thì không trú vật. - Trú vật nhất định. *- Mỗi đôi thức trong năm đôi thức nương trú vật nhất định theo tương ứng. *- 25 tâm = 2 tâm sân + 3 ý giới + 3 tâm Quan sát + tâm Sinh tiếu+ 15 tâm Sắc giới + tâm Sơ đạo, trú ở sắc ý vật nhất định. - Trú vật bất định. *- 70 tâm = 8 tâm tham + 2 tâm si + tâm Hướng ý môn + 8 đại thiện + 8 đại tố + 4 thiện Vô sắc + 4 Tố vô sắc + 35 tâm Siêu thế (trừ 5 tâm Sơ đạo), trú sắc ý vật bất định. *- Bốn tâm quả Vô sắc không trú vật. Dứt vật hợp đồng. -ooOoo- [4] - Xin xem thêm: Đại Trưởng lão Nārada ( Ô. Phạm Kim Khánh dịch). Vi Diệu pháp toát yếu (tr. 197). [10] - Xem: Đại trưởng lão Nārada (Ô. Phạm Kim Khánh dịch). Vi diệu pháp toát yếu, tr.198. Trong sách này có ghi nhận: “Bhavaṅga phát sanh giữa Voṭṭhapana (xác định) và āvajjana (hướng về). Điều này xem ra không có trong bảng tâm lộ. Vì sau tâm Voṭṭhapana hoặc là trở về hữu phần (đối với cảnh nhỏ), hoặc là sinh khởi đổng lực. Hay có lý do nào khác chăng? [14] - 12 tâm bất thiện + tâm Sinh tiếu + 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại tố + 9 tâm Thiện Đáo đại + 9 tâm Duy tác Đáo đại + 40 tâm Siêu thế = 87 tâm [16] - 4 tâm Tham thọ hỷ + tâm Sinh tiếu + 4 tâm Đại thiện thọ hỷ + 4 tâm Đại tố thọ hỷ + 6 tâm Đổng lực thiền thọ hỷ (Thiện và Duy tác Sơ, nhị, tam thiền) = 19 tâm [18] - 67 tâm là tính hẹp; 40 tâm Siêu thế gom lại còn 8 tâm là 4 tâm đạo + 4 tâm quả Siêu thế, số lượng 67 tâm như sau: Ý môn hướng tâm + 55 tâm đổng lực (29 tâm đổng lực Dục giới + 18 tâm Đổng lực Đáo đại + 8 tâm Siêu thế) + 11 tâm Na cảnh. Nếu tính tâm Siêu thế là 40 thì có 99 tâm = ý môn hướng tâm + 29 tâm đổng lực Dục giới + 18 tâm đổng lực Đáo đại + 40 tâm Siêu thế + 11 tâm Na cảnh. [25] - 54 tâm Dục giới trừ đi (5 đôi thức + 3 ý giới) = 41 tâm. Mỗi đôi yhức chỉ biết 1 cảnh, 3 ý giới chỉ biết 5 cảnh. [27] - 15 tâm thiền Sắc giớin + 3 tâm Không vô biên xứ + 3 tâm Vô sở hữu xứ = 21 tâm. Những tâm này chỉ biết cảnh Chế định. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 2008).
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 20-04-2009