Duong vao Thang phap - Tk Chanh Minh
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Đường vào Thắng pháp

Tỳ khưu Chánh Minh

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[1.1]

 Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.
Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn bậc Ưng cúng Chánh đẳng giác.

Đường vào Thắng pháp - Vấn đáp.

* * * * *

Phần I

Hợp đồng
(Saṅgaha)

Bài 1.

Tâm và tâm sở hợp đồng.
(Cittacetasikasaṅgaha).

 

1 -  Hỏi. Gọi là saṅgaha với ý nghĩa gì?

Đáp. Saṅgaha = saṃ (thu lại, gọn) + gaha (gom góp). Saṅgaha là “gom lại thành nhóm”.

Một cách giải tự khác: Saṅgaha = saṅga + gaha.

Saṅga = saṃ (thu lại, gọn) +ga (sự bám níu, sự dính líu). Saṅga là “gom lại kết nối nhau”.

Saṅga + saha (giống nhau, đồng nhau). Saṅgaha là “gom những pháp giống nhau liên kết lại”.

Như người gom đậu, gạo, mè, vừng... chứa vào bao riêng, không lẫn lộn.

Hoặc ví như người điều hành công trình xây dựng, phân chia đây là “nhóm thợ mộc”, đây là “nhóm thợ nề”, đây là “nhóm thợ sắt”...

Saṅgaha  được dịch là “cùng phối hợp”, “hợp đồng”, “gom lại”.

Ngoài ra, saṅgaha còn được dịch là “tế độ” hay “nhiếp phục”, như:

“Dveme, bhikkhave, saṅgahā. Katamedve?: Này các Tỳkhưu, có hai pháp tế độ này, thế nào là hai?

Āmisasaṅgaho ca dhammasaṅgaho:

Tế độ bằng vật chất và tế độ bằng pháp” [1] .

Và: Cattārimāni, bhikkhave, saṅgahavatthūni. Katamāni cattāri?:

Này các tỳkhưu, có bốn nhiếp pháp này? Thế nào là bốn?

Dānaṃ peyyavajjaṃ, atthacariya samānattarā...

Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng nhau ...” [2]

Chữ samānattā có 2 nghĩa:

- “Quân bình”, là trạng thái tâm không nghiêng về “khổ hay lạc”. Tập sớ giải thích là “thản nhiên trước vui - khổ”.

- “Ngang bằng”. Đây là một ẩn nghĩa, ám chỉ “trợ giúp cho người được như mình”. Như người Phật tử trợ giúp người khác thọ trì quy giới như mình,  hay như bậc Dự lưu tế độ người khác cũng thành bậc Dự lưu như vị ấy ... [3]

2 - Hỏi. Gọi “tâm và tâm sở  hợp đồng” có ý nghĩa ra sao?

Đáp.  Gọi là “tâm và tâm sở hợp đồng” là  xem “trong một tâm có được bao nhiêu tâm sở phối hợp” và “một tâm sở có thể phối hợp với bao nhiêu tâm”.

Ví như trong một đoàn kịch có bao nhiêu diễn viên. Và mỗi diễn viên có thể hợp tác với bao nhiêu đoàn kịch.

3 - Hỏi.  Trong phương thức “tâm và tâm sở phối hợp”, nên phân chia tâm và tâm sở như thế nào?

Đáp. Để dễ nắm bắt phương thức “tâm và tâm sở phối hợp”, chúng ta phân chia tâm theo ba loại là:

*- Tâm vô nhân. Có 18 tâm là: 15 tâm quả vô nhân + 3 tâm duy tác vô nhân.

*- Tâm bất thiện. Có 12 tâm là: 8 tâm Tham + 2 tâm Sân + 2 tâm Si.

*- Tâm Tốt đẹp (sobhanacitta – chữ sobhana còn được dịch là “tịnh hảo”). Có 91 tâm là: 24 tâm Dục giới Tốt đẹp + 27 tâm Đáo đại (mahaggatā cittā) [4]  + 40 tâm Siêu thế.

Tâm sở được phân theo ba nhóm:

*- Tâm sở Tợ tha [5] . Có 13 tâm sở là: 7 tâm sở Biến hành + 6 tâm sở Biệt cảnh.

*- Tâm sở Bất thiện. Có 14 tâm sở.

*- Tâm sở Tốt đẹp (sobhanācetasikā). Có 25 tâm sở.

Vì sao tâm Vô nhân được nêu lêntrước tiên?

Vì sự phối hợp giữa những tâm này với tâm sở ít phức tạp, so với các tâm Bất thiện và tâm Tốt đẹp.

4 - Hỏi. Hãy dịch kệ ngôn sau [6] :

“Tesaṃ cittāyuttānaṃ ;  yathāyogam’ito paraṃ.

Cittuppādesu paccekaṃ ; sampayogo pavuccati.

Satta sabbattha yujjanti ; yathāyogaṃ pakiṇṇakā

Cuddasā’kusalev’eva;  sobhanes’eva sobhanā.

Đáp: Kệ ngôn Pāli trên được hiểu như sau:

Chúng [7]  không tách lìa tâm; kể từ đây, tùy theo sự kết hợp.

Mỗi một tâm sinh lên; sự hòa hợp được nói đến.

Bảy (7) kết hợp tất cả; biệt cảnh (6) từng trường hợp.

Mười bốn (14) chỉ có với bất thiện; Tốt đẹp (sobhana) có với tốt đẹp”.

5 - Hỏi. Ý nghĩa kệ ngôn trên ra sao?

Đáp: Ngài Anuruddha nêu lên kệ ngôn trên với ý nghĩa:

- Bảy (7) tâm sở Biến hành hợp với tất cả tâm.

-Sáu (6) tâm sở Biệt cảnh chỉ có trong một số tâm thích ứng với chúng.

- Mười bốn (14) tâm sở Bất thiện chỉ hợp trong những tâm bất thiện.

- Hai mươi lăm (25) tâm sở Tốt đẹp (sobhanācetasikā) chỉ hợp trong những tâm Tốt đẹp.

Đây là công thức cơ bản cho tâm và tâm sở phối hợp.

Vì sao có công thức này?

Các Giáo thọ Sư tiền bối dựa theo lời Đức Phật dạy:

Dhātusova, bhikkhave, sattā saṃsandanti samenti:

Này các tỳkhưu, tùy thuộc theo giới, các chúng sinh cùng hòa hợp, cùng đi chung với nhau” [8] .

Ý nghĩa của lời dạy trên của Đức Phật, được hiểu theo khía cạnh nội tại.

Tức là “bất thiện đi chung với bất thiện”, “tốt đẹp đi chung với tốt đẹp”. Riêng nhóm Tợ tha thì đi chung với cả hai.

I- Tâm phối hợp với tâm sở.

A- Tâm Vô nhân phối hợp với tâm sở.

6 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm vô nhân?

Đáp. Có 18 tâm vô nhân (ahetukacitta) là:

- Năm đôi Thức: 2 tâm Nhãn thức, 2 tâm Nhĩ thức, 2 tâm Tỷ thức, 2 tâm Thiệt thức và 2 tâm Thân thức.

- 2 tâm Tiếp thâu (sampaṭicchana).

- 3 tâm Quan sát (santīraṇa).

-Tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjana).

- Tâm Hướng ý môn (manodvāravajjana).

- Tâm Sinh tiếu (hasituppāda) [9] .

7 - Hỏi. Mỗi thức trong năm đôi thức có bao nhiêu tâm sở hợp? Giải thích.

Đáp. Mỗi thức trong năm đôi thức có 7 tâm sở Biến hành (sabbacittasādhāraṇa) phối hợp.

Theo quy luật của pháp (dhammaniyāma), thành phần cơ bản của danh hay sắc pháp, phải có ít nhất là 8 pháp.

Nhóm danh pháp cơ bản, gồm 8 pháp là: 1 tâm (trong năm đôi thức) + 7 tâm sở Biến hành.

Nhóm sắc pháp cơ bản là 8 sắc bất ly (xem phần sau).

Chúng ta lấy một tâm Nhãn thức (cakkhuviññāṇa) để minh họa.

Tâm Nhãn thức (1 tâm) chỉ có 7 tâm sở biến hành phối hợp.

Vì sao chúng chỉ có 7 tâm sở Biến hành, không thể có nhiều hơn?

- Bảy tâm sở Biến hành là loại tâm sở không thể vắng mặt trong bất cứ loại tâm nào, do đó chúng phải có mặt đầy đủ trong Nhãn thức.

Và 7 tâm sở này được xem là “thành phần cơ bản” của danh pháp.

Ví như một đoàn hát tối thiểu phải có: Đàn, kèn, trống, nam diễn viên chánh, nữ diễn viên chánh, diễn viên hài và người giúp việc.

Nhãn thức ví như trưởng đoàn, 7 tâm sở Biến hành ví như những thành viên.

- Nhãn thức chỉ thực hiện chức năng “thấy” mà thôi, nên không cần có thêm những tâm sở khác hổ trợ.

Ví như “việc nhẹ nhàng, không cần có nhiều người giúp”.

- Sắc thần kinh Nhãn (cakkhupasādarūpa) dung chứa cảnh Sắc lẫn Nhãn thức [10] .

Nhãn thức nhận được cảnh sắc ngay, không cần phải “có thêm những tâm sờ khác hổ trợ”.

Các thức còn lại  trong năm đôi thức cũng được lý giải tương tự.

8 - Hỏi. Tâm Tiếp thu (saṃpaticchanacitta) có bao nhiêu tâm sở  hợp?  Giải thích?

Đáp. Tâm Tiếp thu có 10 tâm sở phối hợp =  7 tâm sở Biến hành + tâm sở Tầm (vitakka) + tâm sở Tứ (vicāra) + tâm sở Thắng giải (adhivimokkha).

Chúng ta lấy cảnh Sắc xuất hiện trong sắc thần kinh Nhãn để minh họa.

- Tâm Tiếp thu sinh lên và trú ở sắc Ý vật (hadayavatthu), tâm này muốn nhận được cảnh Sắc phải có tâm sở Tầm giúp, vì chức năng của tâm sở Tầm là “mang cảnh đến cho tâm”.

Gọi là “mang cảnh đến cho tâm”, nghĩa là tâm sở Tầm chỉ “phản chiếu cảnh”, như người dùng gương rọi vật ở xa cho người ở gần thấy được[11].

- Tầm - Tứ là cặp “bài trùng” trong những tâm thường (ngoại trừ tâm thiền); khi có tâm sở Tầm tức là có tâm sở Tứ.

- Tâm Tiếp thu “không do dự đối với cảnh”, vì chức năng của tâm Tiếp thu là “nhận cảnh”.

Ví như người nhận đơn, bất kỳ loại đơn nào y cũng nhận không hề do dự.

Không do dự với cảnh” là đặc tính của tâm sở Thắng giải (adhimokkha cetasika).

Vì sao không có tâm sở Cần (viriya), tâm sở Hỷ (pīti) và tâm sở Dục (chanda)?

Vì rằng:

- Tâm Tiếp thu chỉ có phận sự duy nhất là “nhận lấy”, nên không cần có tâm sở Cần.

- Không có tâm sở Hỷ vì tâm Tiếp thu luôn đi chung với thọ xả.

Ví như  “người chỉ có phận sự nhận đơn”, dù đơn tốt hay xấu y vẫn thản nhiên “đón nhận”.

- Không có tâm sở Dục vì tâm Tiếp thu “không có mong muốn với cảnh”.

Ví, như “người nhận đơn không hề mong nhận được đơn”. Có đơn thì y nhận, không có thì thôi.

9 - Hỏi. Có những tâm nào có cấu trúc như tâm Tiếp thu không?

Đáp. Có, đó là 2 tâm Quan sát (saṇtīranacittā) thọ xả và tâm Hướng ngũ môn.

*- Tâm Quan sát thọ xả tuy có thêm vài chức năng khác, nhưng cũng chỉ là “sự vận hành của tâm sở Tác ý”.

Ví như nhiều đường ray  xe lửa gặp nhau ở một điểm, bánh xe lửa theo đường ray này hoặc theo đường ray khác là do ý người lái xe.

Cũng vậy, các phận sự của tâm Quan sát sẽ vận hành theo tâm sở Tác ý (manasikāra), do đó không cần phải “cố gắng”.

Đồng thời tâm Quan sát cũng là loại tâm quả như tâm Tiếp thu.

*- Tâm Hướng ngũ môn chỉ có chức năng “mở cửa” khi có cảnh đến, nên cũng không cần “cố gắng”.

Ví như người gác cổng, khi có khách đến thì y mở cửa và y cũng không “mong chờ có khách”.

Mỗi tâm trong 5 tâm này (2 tâm Tiếp thu, 2 tâm Quan sát thọ xả và tâm Hướng ngũ môn), có 11 danh pháp (1 tâm + 1o tâm sở hợp = 11 pháp).

10 - Hỏi. Tâm Quan sát thọ hỷ có bao nhiêu tâm sở hợp?

Đáp.  Tâm Quan sát có thêm tâm sở Hỷ phối hợp thành ra nhóm 12 danh pháp.

11 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp trong tâm Hướng ý môn? Giải thích.

Đáp. Có 11 tâm sở hợp trong tâm Hướng ý môn là: 13 tâm sở Tợ tha trừ tâm sở Hỷ và tâm sở Dục.

Tâm Hướng ý môn có chức năng là “mở cửa ý”.

Giữa hai sự “mở cửa này”, có ví dụ như sau: cửa khép hờ và cửa được khóa.

Mở của khép hờ không cần cố gắng (ví như mở năm cửa giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), trái lại mở cửa có khóa cần nhiều sức (ví như mở cửa ý).

Ngoài ra, tâm Hướng ý môn còn có chức năng “phán đoán” (trong lộ ngũ môn). Đây là chức năng chủ yếu, đòi hỏi tâm Hướng ý môn phải “nỗ lực”, do đó có tâm sở Cần.

Tâm Hướng ý môn trợ giúp cho tâm Đổng lực (javanacitta) sinh lên để “xử lý” cảnh, nên tâm Hướng ý môn còn có tên là “tác ý thành đổng lực”.

Chính “tác ý khéo (yoni so manasikāra)” hay “tác ý không khéo” (ayoni so manasikāra)  nằm trong giai đoạn này.

Với những lý do trên, tâm Hướng ý môn có thêm tâm sở Cần.

Tâm Hướng ý môn không có tâm sở Hỷ phối hợp vì là thọ xả.

Tâm Hướng ý môn không có tâm sở Dục, vì “không có sự trông đợi cảnh”.

Có câu hỏi: Vì sao có 2 loại tác ý: Khéo và không khéo, xuất hiện trong tâm Hướng ý môn?

Đáp rằng: Là do “thường cận y duyên”.

Trong quá khứ hay trong hiện tại khi gặp cảnh ấy, thường phát sinh loại tác ý ấy.

Như vị tỳkhưu tu tập Tứ niệm xứ với đề mục thể trược, khi gặp cảnh sắc tốt sẽ sinh khởi tác ý khéo theo cách nhìn “không trong sạch”.

Một người thường thích cảnh sắc tốt, khi gặp cảnh tốt, tác ý không khéo sẽ sinh lên để trợ giúp cho tâm tham sinh khởi ...

Tuy có hai loại tác ý như thế, nhưng không phải do “ý muốn - dục” mà là do “thường cận y duyên”.

Tâm Quan sát thọ hỷ và tâm Hướng ý môn cùng các tâm sở hợp tạo thành nhóm 12 danh pháp.

12 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp trong tâm Sinh tiếu? Giải thích.

Đáp. Có 12 tâm sở phối hợp trong tâm Sinh tiếu là: 13 tâm sở Tợ tha trừ đi  tâm sở Dục.

Tâm Sinh tiếu là loại tâm Đổng lực, làm phát sinh nụ cười “theo thói quen” của vị Thánh Alahán.

Do phải “xử lý” cảnh (thực hiện chức năng hưởng cảnh), nên tâm Sinh tiếu có nổ lực nhiều trong sự “điều khiển sự cười hở răng”, vì thế có tâm sở Cần phối hợp.

- Đồng thời khi ấy có sự hài lòng vui thích, nên có tâm sở Hỷ phối hợp.

- Sở dĩ không có tâm sở Dục, vì đó là “nụ cười theo thói quen”, không phải do “ý muốn cười”.

Tâm Sinh tiếu cùng với các tâm sở hợp, tạo thành nhóm 13 danh pháp.

 

B- Tâm bất thiện phối hợp với tâm sở.

Tâm bất thiện có 3 loại là: Tâm tham (8), tâm sân (2) và tâm si (2), gồm 12 tâm.

Tâm sở bất thiện có 14 tâm sở:

- Nhóm si phần.

Có 3 tâm sở: Si (moha), vô tàm (ahirika- không hổ thẹn tội lỗi), vô quý (anottappa – không ghê sợ tội lỗi) và phóng dật (uddhacca).

- Nhóm tham phần.

Có 3 tâm sở: Tham (lobha), mạn (māna) và tà kiến (micchādiṭṭhi).

- Nhóm sân phần.

Có 4 tâm sở: Sân (dosa), Ganh tỵ (issā), Bỏn xẻn (macchāriya), Hối hận (kukkucca).

- Nhóm hôn phần.

Có 2 tâm sở: Hôn trầm (ṭhīna), thụy miên (middha).

- Tâm sở Hoài nghi.

13 - Hỏi. Trong sự phối hợp với tâm bất thiện, nên lưu ý như thế nào? Giải thích.

Đáp. Trong sự phối hợp với tâm bất thiện, cần lưu ý như sau:

- Nhóm tâm sở Biến hành luôn luôn có mặt trong các tâm bất thiện.

- Nhóm tâm sở Biệt cảnh phải tùy từng đối tượng, như tâm sở Hỷ không thể có trong tâm Sân; tâm sở Thắng giải không thể có trong tâm Si hợp hoài nghi ...

- Nhóm tâm sở Bất thiện thì:

*- Nhóm si phần luôn hợp trong 12 tâm bất thiện. Có Pāli sau:

Akusalesu pana moho ahirikaṃ anottappaṃ, uddhaccaṃ ceti cattārome cetasikā sabbākusalasādhāraṇā nāma:

Trong các tâm sở bất thiện, bốn tâm sở: Si, vô tàm, vô quý, phóng dật, gọi là “tâm sở bất thiện biến hành”.

Sabbesu pi dvādasākusalesu labbhanti:

Chúng được tìm thấy trong 12 tâm bất thiện.  [12]

*- Nhóm Tham phần chỉ hợp trong 8 tâm Tham, như sau:

- Tâm sở Tham có trong 8 tâm tham.

- Tâm sở Tà kiến chỉ hợp với 4 tâm tham hợp tà (diṭṭhigatasampayuttaṃ).

-Tâm sở Ngã mạn chỉ hợp với 4 tâm tham ly tà (diṭṭhigatavippayuttaṃ).

Có Pāli sau: “Lobho aṭṭhasu lobhasahagatacittasveva labbhati:

Tâm sở Tham được tìm thấy trong những tâm tham”.

Diṭṭhi catusu diṭṭhigatasampayuttesu:

Tâm sở Tà kiến được tìm thấy trong những tâm hợp tà”.

Māna catusu diṭṭhigatavippayuttesu:

Ngã mạn được tìm thấy trong những tâm không hợp tà kiến” (sđd).

Tâm sở Tà kiến hợp trong những tâm hợp tà là nhất định, còn tâm sở Mạn có khi hợp trong những tâm ly tà, có khi không.

Vì rằng: Khi có sự so sánh “mình với người” hay khi tâm “phần phật bốc cao” bấy giờ mới có tâm sở ngã mạn, còn khi tham bình thường, như thích ăn ngon, mặc đẹp... là tham “đơn thuần”, bấy giờ không có tà kiến hay mạn (māna) sinh khởi.

*-Nhóm sân phần  chỉ hợp trong 2 tâm sân, như sau:

- Tâm sở Sân có mặt trong 2 tâm sân nhất định.

- Ba tâm sở Ganh ty, tâm sở Bỏn xẻn, tâm sở Hối hợp trong 2 tâm sân bất định, nếu có cũng chỉ có một mà thôi .

Vì sao ? Vì cảnh của chúng khác nhau.

- Khi có người xin tài sản ...  có nơi ta, bấy giờ tâm sở Bỏn xẻn mới có cơ hội sinh lên.

- Khi thấy sự thành công của người, hay thấy thân, tâm, tài sản... của người hơn ta,  bấy giờ tâm sở Ganh tỵ mới có cơ hội sinh lên.

Như ganh tỵ với người có sức khỏe hơn mình, ganh tỵ với người đang vui vẻ hạnh phúc....

- Khi nhớ đến việc ác đã làm hay việc thiện đã bỏ qua, khi ấy tâm sở Hối mới có cơ hội sinh lên.

Còn như cảm thấy “buồn buồn”, thấy “khó chịu” với thời tiết ... chỉ là sân đơn thuần.

*- Nhóm hôn phần chỉ hợp với những tâm hữu trợ (sasaṅkhārika).

Như có Pāli sau: Ṭhīnaṃ middhaṃ pañcasu sasaṅkhārikacittaṃ:

Hôn trầm, thụy miên được tìm thấy trong 5 tâm hữu trợ [13]  (sđd).

 

a- Tâm Tham và tâm sở phối hợp.

14 - Hỏi. Mỗi tâm Tham có bao nhiêu tâm sở hợp? Giải thích.

Đáp.  Với mô thức tổng quát đã nêu ở trên, chúng ta thấy:

- Tâm Tham có khả năng hợp với 13 tâm sở Tợ tha.

- Trong 14 tâm sở Bất thiện, tâm Tham không phối hợp với 5 tâm sở là: 4 tâm sở Sân phần + tâm sở Hoài nghi.

Như vậy tổng quát tâm Tham phối hợp được: 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở si phần + 3 tâm sở tham phần + 2 tâm sở Hôn phần = 22 tâm sở.

*- Khi phân tích theo thọ (vedanā),  tâm tham có 2 loại:

Bốn tâm tham thọ hỷ (somanassa vedanā) và 4 tâm tham thọ xả (uppekhā vedanā).

Với tâm tham thọ xả thì không có tâm sở Hỷ phối hợp.

*- Khi phân tích theo sự hòa hợp (sampayutta – tương ưng):

Có 4 tâm Tham hợp với tà kiến, có 4 tâm Tham không hợp với tà kiến.

Với tâm hòa hợp với tà kiến thì có tâm sở tà kiến phối hợp, nhưng không có tâm sở Mạn.

Vì sao? Vì khi ấy tâm tham bám chặt với “lý thuyết sái quấy”, không có sự “so sánh mình với người”, “không có sự tự hào”.

Với tâm không hòa hợp với tà kiến thì không có tâm sở Tà kiến hợp, còn tâm sở Mạn có khi có, có khi không.

Vì sao? Trước tiên, hai tâm sở Tà kiến và Ngã mạn có cảnh khác nhau.

Với cảnh là “sự thấy sai, hiểu sai”, bấy giờ tâm sở Tà kiến sinh lên.

Khi có sự “so sánh mình với người” hay tâm “phần phật bốc cao như lá cờ gặp gió”, bấy giờ tâm sở Ngã mạn sinh lên.

Do đó, 2 tâm sở này không đi chung với nhau.

Mặt khác, đôi khi trong tâm Tham chỉ có tâm sở Tham, như người thích ăn ngon, mặc đẹp... đó chỉ là tham đơn thuần.

Tâm sở Tà kiến hay tâm sở Ngã mạn không sinh lên.

*- Khi phân tích theo: Hữu trợ (sasaṅkhārika) [14] , vô trợ (asaṅkhārika):

Có 4 tâm Tham vô trợ, 4 tâm Tham hữu trợ.

Với tâm hữu trợ có thêm 2 tâm sở hôn phần.Vì sao?

Vì tâm hữu trợ là loại tâm thụ động, bị co rút lại không muốn hoạt động, sở dĩ tâm bất thiện có trạng thái như vậy là do tác năng của 2 tâm sở Hôn phần.

Với tâm vô trợ thì không có 2 tâm sở Hôn phần.

Trên là trình bày mô thức tổng quát, bây giờ là chi tiết.

- Bốn tâm Tham thọ hỷ.

1’ - Tâm Tham thọ hỷ hợp tà vô trợ:

Có 19 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 4 Si phần + tâm sở Tham + tâm sở Tà kiến.

2’ - Tâm tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ:

Có 21 tâm sở hợp = 19 tâm sở (như trên) + 2 tâm sở Hôn phần.

3’- Tâm tham thọ hỷ ly tà vô trợ:

Có 19 tâm sở hợp = 19 tâm sở trong tâm tham thứ 1, trừ đi tâm sở Tà kiến, cộng thêm tâm sở Ngã mạn.

4’- Tâm tham thọ hỷ ly tà hữu trợ:

Có 21 tâm sở hợp = 19 tâm sở trong tâm tham thứ 3 + 2 tâm sở Hôn phần.

-  Bốn tâm Tham thọ xả.

5’- Tâm Tham thọ xả hợp tà vô trợ:

Có 18 tâm sở hợp = 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ) + 4 si phần + tâm sở Tham + tâm sở Tà kiến.

6’- tâm Tham thọ xả hợp tà hữu trợ:

Có 20 tâm sở hợp =  18 tâm sở hợp ở trên +2 tâm sở Hôn phần.

7’- Tâm Tham thọ xả ly tà vô trợ:

Có 18 tâm sở hợp = Lấy 18 tâm sở hợp trong tâm Tham thứ 5, trừ đi tâm sở Tà kiến , cộng thêm tâm sở Mạn.

8’ - Tâm Tham thọ xả ly tà hữu trợ:

Có 20 tâm sở hợp = Lấy 18 tâm sở hợp trong tâm Tham thứ 7 + 2 tâm sở Hôn phần.

Giải thích:

Lấy tâm Tham thứ 1  (tâm Tham thọ hỷ hợp Tà kiến vô trợ) để diễn giải.

Trong tâm này có 19 tâm sở hợp, trước tiên là 7 tâm sở Biến hành, vì 7 tâm sở này hiện diện trong tất cả tâm.

- Khi có cảnh, vật và tâm hợp mặt,  xúc (phassa) sinh lên.

- Khi cảnh chạm tâm, tâm hứng nhận với sự vui thích (như người nhận được vật hài lòng), thế là thọ hỷ (somanassavedanā) sinh lên.

- Thọ luôn đi chung với tưởng (saññā), khi nhớ lại dấu hiệu (nimitta) đã từng biết. Vì thọ - tưởng là ý hành.

- Sự tạo tác, đôn đốc các tâm sở cùng sinh là chức năng của tâm sở Tư (cetanācetasika).

- Tâm nhận trúng cảnh,  như người thợ may,  xe  sợi chỉ xỏ qua lỗ kim, đó là chức năng của tâm sở Nhất hành (ekaggatācetasika).

- Tâm tồn tại tròn đủ 3 sátna tiểu là chức năng của tâm sở Mạng quyền (jīvitindriya cetasika).

- Thu vén cảnh để vừa vặn với tâm là việc làm của tâm sở Tác ý (manasikāracetasika).

*- Sáu tâm sở Biệt cảnh.

- Tâm nhận biết được cảnh rõ rệt  là chức năng của tâm sở Tầm (vitakkacetasika).

- Cảnh được kềm giữ, được chăm nôm là chức năng của tâm sở Tứ (vicāracetasika).

- Có sự ráng sức nắm giữ cảnh là tâm sở Cần (viriya cetasika).

- Vui thích với cảnh là tâm sở Hỷ (pīti cetasika).

- Không có phân vân trước trước cảnh là tâm sở Thắng giải (adhimokkha cetasika).

- Mong muốn hưởng cảnh đáng hài lòng là chức năng của tâm sở Dục (chanda cetasika).

*- Bốn  tâm sở Si phần.

- Trạng thái tâm “mê muội” trước cảnh, ví như người “sửng sờ” trước người lạ, là tâm sở Si (mohacetasika).

- Không e dè khi hưởng cảnh là tâm sở Vô tàm (ahirika cetasika).

- Không ngần ngại khi hưởng cảnh là tâm sở Vô quý (anottappa cetasika).

- Tâm không an trụ vững trong cảnh do thích ý, là chức năng của tâm sở Phóng dật (uddhacca cetasika).

*- Ba tâm sở Tham phần.

- Có sự dính mắc, không muốn buông lìa cảnh là chức năng của tâm sở Tham (lobha cetasika).

- Hưởng cảnh với sự thái quá, bất cập theo cách “thường còn”  hay “mất hẳn” là chức năng của tâm sở Tà kiến (diṭṭhi cetasika).

*- Hai tâm sở Hôn phần (không có trong tâm này). Vì là tâm bất thiện Vô trợ.

Các tâm Tham còn lại cũng theo cách lý giải như trên tùy theo từng trường hợp thêm tâm sở vào hay bớt tâm sở ra.

Như tâm Tham thọ xả thì không có tâm sở Hỷ phối hợp, tâm Tham vô trợ thì không có 2 tâm sở Hôn phần phối hợp, tâm tham Hữu trợ thì thêm 2 tâm sở Hôn phần.

 

b- Tâm Sân và tâm sở phối hợp.

15 - Hỏi. Mỗi tâm sân có bao nhiêu tâm sở hợp?

Đáp. Trước tiên chúng ta tìm mô thức chung.

Tâm Sân thọ ưu, nên không có tâm sở Hỷ phối hợp, đồng thời không có 3 tâm sở Tham phần lẫn tâm sở Hoài nghi.

Như vậy, tổng quát tâm Sân có 22 tâm sở hợp = 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ) + 4 tâm sở Si phần + 4 tâm sở sân phần + 2 tâm sở Hôn phần.

Có hai loại tâm sân: Tâm Sân vô trợ và tâm Sân hữu trợ.

*- Tâm Sân vô trợ trừ đi 2 tâm sở Hôn phần, còn lại 20 tâm sở hợp.

*- Tâm Sân hữu trợ có đủ 22 tâm sở hợp.

Tính tổng quát là như thế,  nhưng 3 tâm sở Ganh tỵ, Bỏn xẻn và Hối khi có chỉ có một, đôi khi chúng đều vắng mặt.

Như vậy, tâm Sân vô trợ có 17 hoặc 18 tâm sở hợp.

- Tâm Sân hữu trợ có 19 hoặc 20 tâm sở hợp.

16 - Hỏi. Tâm sở Sân có trạng thái hủy diệt đối tượng, tâm sở Dục có trạng thái “ao ước” đối tượng, vì sao chúng lại sinh chung với nhau?

Đáp. Tuy trạng thái hai tâm sở này khác nhau, nhưng có chung mục đích.

Ví như người bịnh nặng, người này “muốn có thuốc” để diệt trừ chứng bịnh, tuy người này “không thích thú” khi phải uống thuốc vì chén thuốc đắng, hôi ... (ví như tâm sở Sân), nhưng  người này vẫn “muốn có thuốc để uống” (ví như tâm sở  Dục).

Do đó, tâm sở Dục sinh chung với tâm sở Sân.

 

c- Tâm Si và tâm sở phối hợp.

17 - Hỏi. Mỗi tâm Si có bao nhiêu tâm sở hợp? Giải thích.

Đáp. Có hai tâm Si: Tâm Si hợp Hoài nghi và tâm Si hợp Phóng dật.

a- Tâm Si hợp hoài nghi.

Có 15 tâm sở hợp = 7 tâm sở Biến hành+ tâm sở Tầm + tâm sở Tứ + tâm sở Cần + 4 tâm sở Si phần + tâm sở Hoài nghi.

Giải thích.

- Trong 6 tâm sở Biệt cảnh không có tâm sở Hỷ phối hợp, vì tâm Si hợp với thọ xả.

- Không có tâm sở Thắng giải vì có tâm sở Hoài nghi.

- Không có tâm sở Dục (chanda cetasika), vì không có sự quyết đoán của tâm sở Thắng giải.

Ví như người đang phân vân trước ngả ba đường, chẳng biết phải chọn con đường nào để đi, chưa “quyết định phải đi theo con đường nào”,  “nên sự muốn đi” không sinh khởi.

Nhưng phần chủ yếu để tâm sở Dục không sinh khởi chính là cảnh.

Cảnh của tâm Si không rõ ràng, mù mờ.

Tâm sở Dục sinh khởi khi có cảnh dù tốt hay xấu cũng phải rõ ràng.  

- Vì hợp với Nghi, tất nhiên phải có tâm sở Hoài nghi.

b- Tâm Si hợp Phóng dật.

Có 15 tâm sở hợp = 11 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ, tâm sở Dục) + 4 tâm sở Si phần.

Giải thích.

- Hai tâm Si do mượn tâm sở có sức mạnh nhất trong tâm mà đặt tên.

Được định danh là “tâm Si hợp phóng dật”, nghĩa là khi ấy “không có tâm sở Hoài nghi”.

Vì khi so sánh về sức mạnh thì tâm sở Hoài nghi có sức mạnh hơn tâm sở Phóng dật.

- Vì không có tâm sở Hoài nghi nên tâm sở Thắng giải có mặt.

Tuy tâm sở Phóng dật có ảnh hưởng mạnh đến các tâm sở, đồng thời không an trụ vững trong cảnh, nhưng sự “quyết đoán” với cảnh vẫn có.

Ví như con khỉ chuyền trên cây, nó bỏ cành cây này chụp sang cành cây khác một cách nhanh chóng, nhưng rõ ràng nó vẫn có “quyết định chụp cành cây”.

 

C- Tâm Tốt đẹp (sobhanācittā) phối hợp với tâm sở.

18 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm Tốt đẹp (sobhana citta)? Được phân chia theo giới vức như thế nào?

Đáp. Có 91 tâm Tốt đẹp. Được phân theo giới vức như sau:

- Cõi Dục giới, có 24 tâm.

- Cõi Sắc giới có 15 tâm.

- Cõi Vô sắc giới có 12 tâm.

- Siêu thế (lokuttara) có 8 hay 40 tâm.

 

a- Tâm Dục giới Tốt đẹp.

19 - Hỏi. Tâm Dục giới Tốt đẹp phối hợp với các tâm sở ra sao?

Đáp. Trước tiên chúng ta tìm mô thức tổng quát.

- Tâm Tốt đẹp chỉ phối hợp với những tâm sở Tốt đẹp.

- Tâm Tốt đẹp chỉ có 2 loại thọ (thọ hỷ và thọ xả), như vậy chúng có khả năng hợp được với 13 tâm sở Tợ tha.

Tổng quát những tâm Tốt đẹp phối hợp được với 38 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.

*- Đối với những tâm Tốt đẹp thọ xả thì không có tâm sở Hỷ.

*- Trong 25 tâm sở Tốt đẹp, có 19 tâm sở gọi là tâm sở Tốt đẹp Biến hành (cetasikā sobhanasādhāraṇā) [15] .

Những tâm sở này luôn hiện diện trong những tâm Tốt đẹp.

*- Ba tâm sở Giới phần, 2 tâm sở Vô lượng phần và tâm sở Trí, là những tâm sở bất định, có khi chúng hợp trong những tâm Tốt đẹp, có khi không tùy theo từng trường hợp, như sau:

- Ba tâm sở Giới phần: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

- Ba tâm sở này có mặt đầy đủ trong những tâm Siêu thế, chúng không có trong những tâm Thiền hiệp thế và tâm Duy tác Dục giới.

Vì sao chúng có mặt đầy đủ trong tâm Siêu thế? Vì rằng:

*- Khi tâm Đạo (maggacitta) sinh lên trong thời giải thoát (vimuttikāla) [16] , chúng cùng sinh lên để làm phận sự sát trừ phiền não thô.

Do đó, chúng có mặt đầy đủ.

- Tâm quả Siêu thế là “kết quả của tâm Đạo”, do đó 3 tâm sở Giới phần cũng có mặt.

Vì sao trong tâm Duy tác của vị Thánh Alahán không có 3 tâm sở Giới phần?

Vì các Ngài đã tận diệt hoàn toàn những tội lỗi từ thân, khẩu, ý.

Ví như người còn bịnh thì còn dùng thuốc trị bịnh; khi bịnh hoàn toàn chấm dứt thì không cần dùng thuốc nữa.

Cũng vậy, ba Giới phần có chức năng ngăn trừ những tội lỗi, vị Alahán thân, ngữ, ý của Ngài đã trọn lành nên ba Giới phần không cần có trong tâm của các Ngài.

Có Pāli dẫn chứng như sau:

Viratiyo pana tisso pi lokuttaracittesu sabbathā’ pi niyatā ekato’va labbhanti:

Ba giới phần luôn có mặt một lần trong các tâm Siêu thế”.

Lokiyatesu pana kāmāvacarakusalesveva kadāci sandissanti visuṃ visuṃ:

Trong tâm Thiện dục giới, chúng khởi lên tùy lúc và riêng biệt.” [17] .

Vì sao 3 tâm sở Giới phần không có trong tâm Thiền hiệp thế?

Đáp: Vì không có cảnh để chúng sinh lên.

- Khi nói lời đúng theo sự thật, đó là chức năng của tâm sở Chánh ngữ (sammāvācā).

- Khi thực hiện việc làm tốt đẹp, đó là chức năng của tâm sở Chánh nghiệp (sammākammato).

- Khi nuôi mạng đúng theo pháp, đó là chức năng của tâm sở Chánh mạng (sammā-ājīva).

Tâm thiền hiệp thế là tâm đang gắn chặt vào cảnh thiền, không phải là “cảnh nói”, “cảnh làm việc” hay “cảnh nuôi mạng”.

Ba tâm sở này không có cảnh tương ứng, nên chúng không sinh lên.

*- Ngoài tâm Siêu thế, ba tâm sở Giới phần chỉ có thể có trong tâm thiện Dục giới, chúng không có trong tâm quả Dục giới. Vì sao?

- Khi tâm quả Dục giới làm việc hữu phần, cảnh của tâm hữu phần khác với ba cảnh của 3 tâm sở Giới phần.

- Khi tâm quả Dục giới làm việc Nacảnh, bấy giờ cảnh đã muội lược, không đủ sức trợ giúp cho ba tâm sở Giới phần sinh khởi.

*- Trong tâm thiện Dục giới tuy có thể có 3 tâm sở Giới phần phối hợp, nhưng nếu có chỉ có một mà thôi, đôi khi không có tâm sở Giới phần nào cả. Vì sao? Vì rằng:

- Cảnh của 3 tâm sở này khác nhau, mỗi thời điểm tâm chỉ nhận một cảnh, do đó “nếu có chỉ có 1 mà thôi”.

- Tâm thiện Dục giới đôi khi không nhận cảnh nào trong ba cảnh (cảnh nói đúng, cảnh làm việc đúng và cảnh nuôi mạng đúng).

Như trường hợp những tâm thiện Dục giới trong lộ đắc thiền, khi ấy những tâm này nhận cảnh thiền tướng, hoặc như trường người Phật tử nhớ lại “việc lành của mình đã thực hiện” hay “nhớ lại bài pháp đã được nghe”....

Do đó cả 3 tâm sở Giới phần đều không sinh lên, vì không có cảnh tương ứng.

- Hai tâm sở Vô lượng phần.

Là tâm sở Bi (karunā cetasika) và tâm sở Tùy hỷ (mudutā cetasika).

Hai tâm sở này có trong tâm Thiền Sắc giới kể từ tâm Tứ thiền trở xuống và có trong tâm Thiện Dục giới. Và nếu có cũng chỉ có một tâm sở mà thôi.

Vì sao 2 tâm sở này chỉ có trong tâm từ Tứ thiền trở xuống?

- Ở trạng thái Ngũ thiền, tâm hành giả đã quân bình, không còn “bi mẫn” hay “hoan hỷ”, không còn “thương hay ghét”, nên tâm sở Bi và tâm sở Tùy hỷ không thể sinh lên.

Và cũng vì thế mà đề mục Từ - Bi và Hỷ không thể chứng đạt Ngũ thiền.

Vì sao nếu có, chúng chỉ có một mà thôi?

Tâm sở Bi và tâm sở Tùy hỷ tuy cùng có đối tượng là “chúng sinh”, nhưng đối cảnh lại khác nhau.

- Khi thấy “chúng sinh khổ”, tâm sở Bi (karuṇā cetasika) mới sinh lên.

- Khi thấy “chúng sinh hạnh phúc”, vui thích với hạnh phúc của chúng sinh ấy, bấy giờ tâm sở Tùy hỷ (mudutācetasika) mới sinh lên.

Trong một thời điểm, tâm không thể bắt 2 cảnh, do đó nếu có chỉ có một mà thôi.

Như thế, cả 5 tâm sở: 3 tâm sở Giới phần + 2 tâm sở Vô lượng phần, nếu có hợp trong tâm Thiện Dục giới cũng chỉ có 1, hoặc đôi khi không có 5 tâm sở này phối hợp.

Lại nữa, một số Giáo thọ sư cho rằng : “Bi và Tùy hỷ không sinh khởi trong  những tâm thiện thọ xả”, vì khi ấy tâm “thản nhiên”, không “thương hay thích thú”.

- Tâm sở Trí chỉ có trong những tâm hợp trí.

20 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp trong tám tâm thiện Dục giới? Nêu từng tâm.

Đáp. Tổng quát có tất cả 38 tâm sở hợp trong tâm Thiện Dục giới là: 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở tốt đẹp.

Chi tiết. Tâm thiện Dục giới có 8 tâm.

- Phân tích theo thọ, có: Bốn tâm thọ hỷ, 4 tâm thọ xả.

Với tâm thọ xả, không có tâm sở Hỷ hợp.

- Phân tích theo hợp với trí. Có bốn tâm hợp trí, 4 tâm không hợp với trí.

Với tâm thiện ly trí, không có tâm sở Trí.

1’- Tâm thiện Dục giới thọ hỷ hợp trí vô trợ.

Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở tịnh hảo.

Đây là tính tổng quát, thật ra chỉ có 33 hoặc 34 tâm sở hợp.

Vì 3 Giới phần, 2 Vô lượng phần, nếu có chỉ có một, đôi khi không có cả 5 tâm sở này.

Như người đang nghe pháp ..., đang thực hành Tứ niệm xứ niệm Hơi thở.... khi ấy tâm thiện này chỉ có 33 tâm sở hợp.

Các tâm thiện còn lại,  cũng hiểu theo lý này.

2’ - Tâm thiện Dục giới thọ hỷ hợp trí hữu trợ. Tương tự như trên.

Hai tâm thiện này chỉ khác nhau khía cạnh “không cần trợ giúp” hoặc “cần trợ giúp”. Điều này không ảnh hưởng đến sự phối hợp của các tâm sở.

Như thế nào? Có ví dụ như sau:

Có hai người; một người không muốn làm việc,y được người khác nhắc nhở nên mới làm việc.

Người thứ hai đang làm việc nhưng quên việc nào cần làm trước, việc nào làm sau, y được người chỉ bảo nên thực hiện việc cần làm trước.

Người thứ nhất ví như tâm bất thiện hữu trợ; người thứ hai ví như tâm thiện hữu trợ.

3’- Tâm thiện Dục giới thọ hỷ ly trí vô trợ.

Có 37 tâm sở hợp (38 tâm sở hợp trừ tâm sở Trí).

Đây là tính tổng quát, thật ra tâm thiện này mỗi thời điểm chỉ có 32 hoặc 33 tâm sở hợp.

4’- Tâm thiện Dục giới thọ hỷ ly trí hữu trợ.

Tương tự như tâm thiện số 3.

5’- Tâm thiện Dục giới thọ xả hợp trí vô trợ.

Có 37 tâm sở hợp ( 38 tâm sở hợp trừ tâm sở Hỷ).

Tính tổng quát là như thế, thật ra tâm thiện này vào mỗi thời điểm chỉ có 32 hoặc 33 tâm sở hợp.

6’- Tâm thiện Dục giới thọ xả hợp trí hữu trợ. Tương tự như tâm thiện số 5.

7- Tâm thiện Dục giới thọ xả ly trí vô trợ. Có 36 tâm sở hợp (38 tâm sở trừ (tâm sở hỷ + tâm sở trí).

Tính tổng quát là như thế, thật ra trong mỗi thời điểm tâm thiện này chỉ có 31 hoặc 32 tâm sở hợp.

8’- Tâm thiện Dục giới thọ xả ly trí hữu trợ. Như trên.

21 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp trong tâm quả Dục giới hữu nhân? Nêu chi tiết.

Đáp. Trong tâm quả Dục giới không hề có 3 tâm sở Giới phần và 2 tâm sở vô lượng phần phối hợp, vì tâm quả Dục giới không nhận cảnh “chúng sinh”,  và tâm quả Dục giới không có chức năng javana (đổng lực) để “xử lý” cảnh như ba Giới phần.

Tổng quát, tâm quả Dục giới hữu nhân (còn gọi là tâm Đại quả - mahāvipākacitta) có 33 tâm sở hợp= 38 tâm sở hợp trừ (3 giới phần + 2 vô lượng phần).

Chi tiết. Cách phân tích giống như tâm thiện Dục giới, chỉ thay đổi “tâm thiện “ bằng “ tâm quả” mà thôi.

1’- Tâm quả dục giới thọ hỷ hợp trí vô trợ.

Có 33 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 20 tâm sở tịnh hảo (25 tâm sở tịnh hảo – (3 giới phần + 2 vô lượng phần).

2’- Tâm quả Dục giới thọ hỷ hợp trí hữu trợ. Như trên.

3’- Tâm quả Dục giới thọ hỷ ly trí vô trợ.

Có 32 tâm sở hợp (lấy 33 tâm sở ở trên trừ đi tâm sở trí).

4’- Tâm quả Dục giới thọ hỷ ly trí hữu trợ. Như trên.

5’- Tâm quả Dục giới thọ xả hợp trí vô trợ.

Có 32 tâm sở hợp (lấy 33 tâm sở ở trên trừ đi tâm sở Hỷ).

6’- Tâm quả Dục giới thọ xả hợp trí hữu trợ. Như trên.

7’- Tâm quả Dục giới thọ xả ly trí vô trợ.

Có 31 tâm sở hợp (33 tâm sở hợp trừ (tâm sở Hỷ + tâm sở trí).

8’- Tâm quả Dục giới thọ xả ly trí hữu trợ. Như trên.

22 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp vói tâm Duy tác hữu nhân Dục giới?

Đáp. Tâm Duy tác hữu nhân Dục giới (còn gọi là tâm Đại hạnh hay Đại tố), là loại tâm có riêng cho vị Thánh Alahán trong đời sống thường ngày, khi Ngài còn mang thân năm uẩn.

Loại tâm này tương tự như tâm thiện Dục giới, chỉ khác là: Tâm thiện Dục giới lưu lại hạt giống (bīja) cho quả trong tương lai và có 3 tâm sở Giới phần, còn tâm Đại tố thì không.

Tổng quát, chúng ta có 35 tâm sở hợp trong 8 tâm Đại tố = 13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở Tốt đẹp (trừ 3 giới phần).

Về chi tiết.

*- Tâm Đại tố thọ hỷ hợp trí vô trợ.

Có 35 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở tịnh hảo (trừ 3 giới phần).

*- Tâm Đại tố thọ hỷ hợp trí hữu trợ. Có 35 tâm sở hợp.

*- Tâm Đại tố thọ hỷ ly trí vô trợ.

Có 34 tâm sở hợp (lấy 35 tâm sở ở trên trử  thêm tâm sở trí).

*- Tâm Đại tố thọ hỷ ly trí hữu trợ.

Có 34 tâm sở hợp.

*- Tâm Đại tố thọ xả hợp trí vô trợ.

Có 34 tâm sở hợp (lấy 35 tâm sở ở trên trừ đi tâm sở Hỷ).

*- Tâm Đại tố thọ xả hợp trí hữu trợ.

Có 34 tâm sở hợp.

*- Tâm Đại tố thọ xả ly trí vô trợ.

Có 33 tâm sở hợp (lấy 34 tâm sở ở trên trừ thêm tâm sở Hỷ).

*- Tâm Đại tố thọ xả ly trí hữu trợ. Có 33 tâm sở hợp.

 

b- Tâm Sắc giới và tâm sở phối hợp.

23 - Hỏi. Tâm  Sắc giới có bao nhiêu tâm sở hợp? Nêu chi tiết.

Đáp. Tâm Sắc giới có tất cả là 35 tâm sở hợp (13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở Tốt đẹp (trừ 3 giới phần).

Đây là tính tổng quát, có khi tâm Thiền không có 2 tâm sở Vô lượng phần; nếu có chỉ có một mà thôi.

Sở dĩ có một trong 2 tâm sở Vô lượng phần, là do hành giả tu tập đề mục Bi vô lượng tâm, hay Hỷ vô lượng tâm.

Nếu hành giả không tu tập một trong 2 đề mục này thì trong tâm thiện Sắc giới không có 2 tâm sở Vô lượng phần.

Tuy nhiên, cho dù có tu tập 2 đề mục này, nhưng khi chứng Ngũ thiền cũng không có 2 tâm sở này.

Chi tiết.

*- Tâm Sơ thiền có 35 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở Tốt đẹp (trừ 3 tâm sở giới phần).

*- Tâm Nhị thiền có 34 tâm sở hợp =  (lấy 35 tâm sở hợp ở trên trừ thêm tâm sở Tầm (vitakka). Vì tâm Nhị thiền mất chi Tầm.

*- Tâm Tam thiền có 33 tâm sở hợp (trử thêm tâm sở Tứ (vicāra).

*- Tâm Tứ thiền có 32 tâm sở hợp (trừ thêm tâm sở Hỷ).

* - Tâm Ngũ thiền, có 30 tâm sở hợp (trừ thêm 2 tâm sở Vô lượng phần và thay chi Lạc bằng chi Xả của thiền).

Tương tự như thế với tâm quả Sắc giới và tâm Duy tác Sắc giới.

24 - Hỏi. Vì sao trong tâm Đại quả không có 2 tâm sở Vô lượng phần, trái lại trong tâm quả thiền Sắc giới lại có 2 tâm sở này?

Đáp.  Sở dĩ trong tâm quả thiền Sắc giới có hai tâm sở Vô lượng phần, là do vị hành giả tu tập một trong hai đề mục này.

Nếu vị hành giả không tu tập một trong 2 đề mục này thì trong tâm quả Thiền sắc giới cũng không có 2 tâm sở Vô lượng phần.

 

c- Tâm Vô sắc giới và tâm sở phối hợp.

25 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp trong tâm Vô sắc giới?

Đáp. Trong tâm Ngũ thiền Sắc giới có 2 chi thiền là Xả và Định thì trong những tâm thiền Vô sắc giới cũng có 2 chi thiền này.

Nói cách khác, thiền Vô sắc chỉ thay đổi đề mục nhưng không thay đổi chi thiền.

Như vậy, những tâm thiền Vô sắc có 30 tâm sở hợp = 1o tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Tầm + tâm sở Tứ + tâm sở Hỷ) + 2o tâm sở Tốt đẹp (25 tâm sở tịnh hảo trừ 3 tâm sở Giới phần + 2 tâm sở Vô lượng phần).

 

d- Tâm Siêu thế và tâm sở phối hợp.

26 - Hỏi. Có bao nhiêu tâm sở hợp trong tâm Siêu thế.

Đáp. Tâm Siêu thế (lokuttaracitta) là tâm nhận Nípbàn làm cảnh, do đó không có 2 tâm sở Vô lượng phần.

Như vậy tổng quát có 36 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 23 tâm sở Tốt đẹp (trừ 2 Vô lượng phần).

Nếu tính theo tầng thiền thì loại trừ dần chi thiền tương ứng với tầng thiền như trong tâm thiện Sắc giới. Như sau:

*- Tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ đạo) Sơ thiền và tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ quả) Sơ thiền.

Có 36 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 23 tâm sở Tịnh hảo (trừ 2 tâm sở Vô lượng phần).

*- Tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ đạo) Nhị thiền và tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ quả) Nhị thiền.

Có 35 tâm sở hợp  (trừ tâm sở Tầm).

*- Tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ đạo) Tam thiền và tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ quả) Tam thiền.

Có 34 tâm sở hợp (trừ thênm chi Tứ).

*- Tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ đạo) Tứ thiền và tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ quả) Tứ thiền.

Có 33 tâm sở hợp (trừ thêm chi hỷ).

*- Tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ đạo) Ngũ thiền và tâm (Sơ - Nhị - Tam - Tứ quả) Ngũ thiền.

Có 33 tâm sở hợp (trừ chi Lạc và thêm chi Xả).

 

II- Tâm sở phối hợp phối hợp với tâm.

A- Tâm sở Tợ tha.

*- Tâm sở Biến hành.

27 - Hỏi. Tâm sở Biến hành hợp được bao nhiêu tâm? hợp được bao nhiêu tâm sở?

Đáp. Bảy tâm sở Biến hành có mặt trong tất cả tâm.

Như vậy mỗi tâm sở trong nhóm Biến hành hợp được 121 tâm, đồng thời mỗi tâm sở hợp được 51 tâm sở còn lại (trừ chính nó).

Vì sao phải trừ “chính nó”?

Vì không thể nói “nó hợp với chính nó”.

Như khi nói “đứa bé đi chung với thân quyến” hàm ý “đứa bé không phải là “thân quyến với chính nó”.

Do đó, phải loại trừ chính tâm sở đang đề cập đến.

 

*- Tâm sở Biệt cảnh (pakiṇṇakacetasikā).

28. Hỏi. Sáu tâm sở Biệt cảnh, mỗi tâm sở hợp được bao nhiêu tâm? Không hợp được bao nhiêu tâm?

Đáp. *- Tâm sở Tầm (vitakka) hợp được 55 tâm =  44 tâm Dục giới (trừ ngũ song thức) + 11 tâm Sơ thiền [18] .

Như vậy, tâm sở Tầm không hợp với 66 tâm = Ngũ song thức + 56 tâm thiền (11 tâm nhị thiền + 11 tâm Tam thiền + 11 tâm Tứ thiền + 23 tâm Ngũ thiền).

*- Tâm sở Tứ (vicāra) hợp được 66 tâm = 55 tâm (có  tâm sở tầm) + 11 tâm Nhị thiền.

Như vậy, tâm sở Tứ không hợp với 55 tâm = Ngũ song thức + 45 tâm thiền (11 tâm tam thiền + 11 tâm Tứ thiền + 23 tâm ngủ thiền).

*- Tâm sở Thắng giải (adhivimokkha) hợp được 110 tâm = 121 tâm trừ (năm đôi thức + tâm Si hợp hoài nghi).

Như vậy, tâm sở Thắng giải không hợp với 11 tâm = Năm đôi thức + tâm Si hợp hoài nghi.

*- Tâm sở Cần (vīriya) hợp được 105 tâm = 121 tâm trừ (15 tâm quả vô nhân + tâm Hướng ngũ môn).

Như vậy, tâm sở Cần không hợp với 16 tâm = 15 tâm quả vô nhân + tâm Hướng ngũ môn.

*- Tâm sở Hỷ (pīti) hợp được 51 tâm = 4 tâm Tham thọ hỷ + tâm Quan sát thọ hỷ + tâm Sinh tiếu + 12 tâm Đại thiện thọ hỷ + 33 tâm Thiền thọ hỷ (Sơ, nhị, tam thiền).

Như vậy, tâm sở Hỷ không hợp với 70 tâm = 4 tâm Tham thọ xả+ 2 tâm Sân + 2 tâm Si + 16 tâm Vô nhân (trừ tâm Quan sát thọ hỷ + tâm Sinh tiếu) + 12 tâm Dục giới Tốt đẹp thọ xả + 11 tâm Tứ thiền + 23 tâm Ngũ thiền.

*- Tâm sở Dục (chanda) hợp được 101 tâm = 121 tâm trừ (18 tâm Vô nhân + 2 tâm Si).

Như vậy, tâm sở Dục không hợp 20 tâm = 18 tâm Vô nhân + 2 tâm Si.

Trong sáu tâm sở Biệt cảnh:

- Ba tâm sở : Tầm, Tứ, Cần mỗi tâm sở hợp được 51 tâm sở (trừ chính nó).

- Tâm sở Thắng giải hợp 50 tâm sở = 52 tâm sở - (tâm sở Hoài nghi và chính nó).

- Tâm sở Hỷ hợp được 46 tâm sở = 52 tâm sở - (4 tâm sở sân phần + tâm sở Hoài nghi + chính nó).

- Tân sở Dục hợp được 50 tâm sở = 52 tâm sở - (tâm sở Hoài nghi + chính nó).

B- Tâm sở Bất thiện (akusalacetasikā) phối hợp.

29 - Hỏi. Mỗi tâm sở Bất thiện phối hợp được bao nhiêu tâm? Không phối hợp với bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?

Đáp. *- Bốn tâm sở bất thiện Biến hành là: Si, Vô tàm, Vô quý, Phóng dật. Mỗi tâm sở có trong 12 tâm bất thiện.

Như vậy, chúng không có 109 tâm = 18 tâm vô nhân + 91 tâm Tốt đẹp.

Có Pāli sau:

Akusalesu pana moho, ahirikaṃ anottappaṃ, uddhaccaṃ c’āti cattāro’me cetasikā sabbākusalasādhāraṇā nāma:

Trong tâm sở bất thiện, có bốn tâm sở là: Si, Không hổ thẹn tội lỗi (vô tàm), Không ghê sợ tội lỗi (vô quý), Phóng dật, gọi là tâm sở Bất thiện Biến hành”.

Sabbesu’pi dvādasākusalesu labbhanti:

(Chúng) có trong tất cả 12 tâm bất thiện” [19] .

*- Ba tâm sở Tham phần.

- Tâm sở Tham chỉ hợp trong tám tâm Tham.

Như vậy, tâm sở Tham không hợp với 113 tâm.

*- Tâm sở Tà kiến chỉ hợp trong 4 tâm tham hợp tà.

Như vậy, tâm sở Tà kiến không hợp với 117 tâm.

*- Tâm sở Ngã mạn hợp trong 4 tâm tham ly tà.

Như vậy, tâm sở Mạn không hợp với 117 tâm.

Có Pāli sau:

Lobho aṭṭhasu lobhasahagatesv’eva labbhati:

Tâm sở Tham tìm thấy trong tám tâm đồng sinh với tham”.

Diṭṭhi catusu diṭṭhigatasampayuttesu:

Tâm sở Tà kiến được tìm thấy trong bốn tâm hòa hợp với tà kiến”.

Māno catusu diṭṭhigatavippayuttesu:

Ngã mạn được tìm thấy trong bốn tâm tham không hòa hợp với tà kiến” (sđd).

*- Bốn tâm sở Sân phần.

Cả bốn tâm sở Sân phần (sân, tật, lận, hối) đều hợp với 2 tâm Sân.

Như vậy, bốn tâm sở này,  mỗi tâm sở không hợp với 119 tâm.

Có Pāli sau:

Doso, issā, macchariyaṃ, kukkuccaṃ ca dvīsu paṭighacittesu:

Sân, Ganh tỵ, Bỏn xẻn, Hối được tìm thấy trong hai tâm hòa hợp với hận (paṭigha)” (sđd).

*- Hai tâm sở Hôn phần.

Hai tâm sở này chỉ hợp với những tâm bất thiện hữu trợ.

Chúng hợp được 5 tâm = 4 tâm Tham hữu trợ + tâm Sân hữu trợ.

Như vậy, mỗi tâm sở Hôn phần không hợp với 116 tâm.

Có Pāli như sau:

Thīnaṃ, Middhaṃ pañcasu sasaṅkhārikacittesu:

Hôn trầm, Thụy miên được tìm thấy trong 5 tâm  hữu trợ”(sđd).

*- Tâm sở Hoài nghi. Chỉ hợp trong tâm Si hoài nghi, không hợp với 120 tâm còn lại.

Tâm sở bất thiện không hợp với 25 tâm sở Tốt đẹp; tổng quát mỗi tâm sở Bất thiện hợp được 26 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 13 tâm sở bất thiện (trừ tâm sở đang đề cập).

Chi tiết.

*- Bốn tâm sở Si phần.

Mỗi tâm sở hợp được 26 tâm sở (trừ chính nó).

*- Tâm sở Tham phần.

- Tâm sở Tham hợp được 21 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở si phần + 2 tâm sở Tham phần (trừ tâm sở Tham) + 2 tâm sở Hôn phần.

- Tâm sở Tà kiến hợp được 20 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở Si phần + tâm sở Tham + 2 tâm sở Hôn phần.

- Tâm sở Ngã mạn hợp được 20 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở Si phần + tâm sở Tham + 2 tâm sở Hôn phần.

*- Tâm sở Sân phần.

- Tâm sở Sân hợp được 21 tâm sở = 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ) + 4 tâm sở Si phần + tâm sở Tật + tâm sở Lận + tâm sở Hối + 2 tâm sở Hôn phần.

Ba tâm sở Tật, Lận, Hối không cùng hiện khởi chung nhau. Do đó:

- Tâm sở Tật hợp với 19 tâm sở = 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ) + 4 tâm sở Si phần + tâm sở Sân + 2 tâm sở Hôn phần.

Tương tự như vậy với tâm sở Lận và tâm sở Hối, chỉ thay đổi tâm sở Tật bằng tâm sở Lận hay tâm sở Hối. 

*- Tâm sở Hôn phần.

Hai tâm sở Hôn trầm và Thụy miên không hợp với 2 tâm Si nhất định.

Như vậy, chúng không hợp với tâm sở Hoài nghi.

Mỗi tâm sở Hôn phần hợp được 25 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở Si phần + 3 tâm sở Tham phần + 4 tâm sở Sân phần + 1 tâm sở Hôn phần (trừ chính nó).

 

C- Tâm sở Tốt đẹp (sobhanacetasikā) phối hợp.

30 - Hỏi. Mỗi tâm sở Tịnh hảo hợp được bao nhiêu tâm ? Không hợp với bao nhiêu tâm?

Đáp. *- Trước tiên là 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành.

Mỗi tâm sở hợp được 91 tâm Tốt đẹp = 24 tâm tốt đẹp Dục giới + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

Như vậy, chúng không hợp với 30 tâm “không tốt đẹp” = 12 tâm Bất thiện + 18 tâm Vô nhân.

*- Ba tâm sở Giới phần.

Ba tâm sở Giới phần hợp với 48 tâm:

- Hợp nhất định đầy đủ trong 40  tâm Siêu thế.

- Hợp riêng lẽ trong 8 tâm Thiện dục giới.

Ba Giới phần không hợp trong 73 tâm = 30 tâm “không tốt đẹp”+ 8 tâm Đại quả + 8 tâm Đại tố + 27 tâm Đáo đại.

Như vậy mỗi tâm sở hợp được 48 tâm, không hợp với  73 tâm.

Mỗi tâm sở Giới phần hợp được 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở tốt đẹp (trừ chính nó).

*- Hai tâm sở Vô lượng phần.

Hai Vô lượng phần không có trong 8 tâm quả Dục giới, 40 tâm Siêu thế và 15 tâm Ngũ thiền hiệp thế.

Như vậy, mỗi tâm sở hợp được 28 tâm = 8 tâm thiện Dục giới + 8 tâm Đại tố + 12 tâm thiền Sắc giới ( Sơ, nhị, tam, tứ thiền).

Không hợp với 93 tâm = 30 tâm “không tốt đẹp” + 8 tâm Đại quả + 15 tâm Ngũ thiền hiệp thế + 40 tâm Siêu thế.

* - Tâm sở Trí. Hợp được 79 tâm có trí = 67 tâm thiền + 12 tâm Dục giới có trí.

Không hợp với 42 tâm ly trí = 30 tâm “không tốt đẹp” + 12 tâm Dục giới hữu nhân ly trí.

31 - Hỏi. Mỗi tâm sở Tốt đẹp hợp được bao nhiêu tâm sở?.

Đáp. *- Tâm sở Tốt đẹp biến hành, hiện diện trong tất cả tâm Tốt đẹp.

Như vậy mỗi tâm sở Tốt đẹp biến hành hợp được 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở Tốt đẹp (trừ chính nó).

* Ba tâm sở Giới phần.

Ba tâm sở này không cùng hiện khởi với 2 tâm sở Vô lượng phần.

Như vậy, mỗi tâm sở giới phần hợp được 35 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở Tốt đẹp ( trừ 2 tâm sở Vô lượng phần + chính nó).

*- Hai tâm sở Vô lượng phần.

Hai tâm sở này không cùng có mặt với nhau. Lại nữa, chúng cũng không cùng có mặt với 3 giới phần.

Như vậy, mỗi tâm sở chỉ hợp được 33 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 20 tâm sở tốt đẹp ( trừ 3 giới phần và 2 Vô lượng phần). 

* Tâm sở Trí, hợp với 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở trí).

Dứt tâm và tâm sở phối hợp.

-ooOoo-

 

Bài 2.

Ba Thời – Ba Tánh - Bốn Giống.

 

A- Ba thời (tikāla).

 

32 - Hỏi. Thời là gì? Có mấy loại thời?

Đáp. Thờithời gian. Theo thông thường thường, thời gian chỉ là “khái niệm – paññatti” suông.

Hiểu theo nghĩa chân đế (paramattha) [20]  thì thời gian không phải là “cái gì thật sự hiện hữu”  

Có hai loại thời gian: Thời bất định và thời xác định.

Trong kinh Tạng thường dùng thời bất định như “ekaṃ samayaṃ: Một thời”, tức là không xác định rõ “thời điểm”.

Trong tạng Diệu pháp phần lớn dùng thời theo cách xác định (kāla), tức là chỉ thời sátna (khaṇakāla). Như:

Katamo tasmiṃ samaye phasso hoti ? Thế nào là xúc trong khi ấy [21] .

Theo thông thường, có ba thời là: Quá khứ, hiện tại và vị lai.

*- Quá khứ. Là “cái gì đã vượt qua sátna sinh (uppāda), trụ (ṭhiti), diệt (bhaṅga)”.

Bộ Pháp tụ (Dhammasaṅginī) có định nghĩa “quá khứ”như sau:

“Katame dhammā atītā? Thế nào là các pháp quá khứ?

Ye dhammā atītā niruddhā vigatā vipariṇatā atthaṅgatā abbhatthaṅgatā uppajjitvā vigatā atītā atītaṃ sena saṅgahitā:

Những pháp nào đã qua rồi, đã diệt mất, đã lìa xa, đã biến chuyển, đã dập tắt, đã biến diệt, đã sanh rồi mất, đã qua, yếu hiệp theo khía cạnh quá khứ.

*- Hiện tại. Là cái gì “hiện hữu ở sátna sinh - trụ- diệt”.

Bộ Pháp Tụ có giải thích: Katame dhammā paccuppannā? Thế nào là các pháp hiện tại?

Ye dhammā jātā bhūtā sañjatā nibbattā abhinibbattā pātubhūtā uppannā samuppannā uṭṭhitā samuṭṭhitā paccuppannā paccuppannaṃsena saṅgahitā:

Những pháp nào mà đang sanh ra, đang sanh thành, đang xuất sanh, đang khởi sanh, đang hiện khởi, đang hiện sanh, tương sanh, đang trỗi dậy, ứng khởi, đang có yếu hiệp theo khía cạnh hiện tại”.

*- Vị lai. Là cái gì chưa có.

Bộ Pháp tụ có giải thích: Katame dhammā anāgatā? Thế nào là các pháp vị lai?.

“Ye dhammā ajātā abhūtā asañjatā anibbattā anabhinibbattā apātubhūtā anuppannā asamuppannā anuṭṭhitā asamuṭṭhitā anāgatā anāgataṃ sena saṅgahitā:

Những pháp nào chưa sanh ra, chưa sanh thành, chưa sanh trưởng, chưa xuất sanh, chưa sanh khởi, chưa hiện khởi, chưa sanh tồn, chưa tương sanh, chưa trỗi dậy, chưa ứng khởi, chưa sanh, yếu hiệp theo khía cạnh vị lai”.

Dễ hiểu hơn, theo Tạng Thắng pháp (Abhidhamma), những pháp nào đang ở sátna sinh - trụ - diệt, gọi là “hiện tại”, những pháp nào trước đó là “quá khứ”, những pháp nào sau đó là “vị lai”.

Mặt khác, theo Tạng Diệu pháp có ba thời là:

- Thời tục sinh (paṭisandhikāla - thời nối liền). Là thời điểm khởi đầu cho kiếp sống.

- Thời tử (cutikāla). Là thời điểm chấm dứt kiếp sống.

Mỗi thời như thế chỉ diễn ra trong 1 sátna.

- Giữa thời tục sinh và thời tử, gọi là “thời bình nhật”.

Cả ba thời quá khứ - hiện tại - vị lai trong một kiếp sống của chúng sinh, đều gom vào “thời bình nhật”.

33 - Hỏi. Chi pháp của thời gian là gì?

Đáp. Như đã nói thời gian chỉ là “khái niệm”, không có chi pháp rõ ràng nhất định.

Quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ cho những gì thuộc về thế gian, nên thời gian có thể được xem là “vô minh và ái dục”.

Đức Phật có dạy: “Anamataggoyaṃ bhikkhave, saṃsāro pubbā koṭi na paññāyati

“Này các Tỳkhưu, vô thỉ [22]  là luân hồi, khởi điểm [23]  không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của chúng sinh,

avijjānīvaraṇānaṃ sattānaṃ taṅhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ”.

Chúng sinh bị vô minh ngăn chận, bị tham ái trói buộc trong luân hồi” [24] .

Người diệt trừ được “vô minh và ái dục” không còn sinh tử luân hồi, xem như không còn bị thời gian trói buộc.

Người để tâm theo “quá khứ “ hay “vị lai” là đang bị hấp lực của vô minh chi phối  [25] .

Đức Phật dạy: Atītaṃ nāvāgameyya :Quá khứ không truy tầm.

Nappaṭikaṅkhe anāgataṃ: Tương lai không ước vọng....

Paccupannañca yo dhammaṃ: Chỉ có pháp hiện tại.

Tattha tattha vipassati: Tuệ quán chính là đây” [26] .

Ngay trong hiện tại, dùng trí xem xét các pháp, bấy giờ “vô minh và ái dục bị đẩy lui”.

Trong lý thập nhị duyên khởi, các Giáo thọ sư dạy:

- Năm nhân quá khứ là: Vô minh, hành, ái, thủ, hữu.

- Năm quả hiện tại là: Thức, danh sắc, sáu (nội) xứ, xúc và thọ.

- Năm nhân hiện tại là: Ái, thủ, hữu, vô minh và hành.

- Năm quả vị lai cũng là: Thức, danh sắc, sáu (nội xứ), xúc và thọ.

Hai khoen “Sinh và lão - tử” là vị lai.

Như vậy, nếu nói gọn : “Thời gian có chi pháp là vô minh và ái dục”.

Nếu nói rộng, thời gian chính là 12 chi duyên sinh, kể từ vô minh đến lão - tử.

34 - Hỏi. Khi chứng đắc Nípbàn, sát trừ phiền não, đó là thời gì? Quá khứ, hiện tại hay vị lai?.

Đáp. Trong thời chứng đắc Nípbàn sát trừ phiền não do tâm Đạo thực hiện, vô minh và ái dục bị sát trừ từng phần, cho đến khi chứng Nípbàn lần thứ tư thì dứt tuyệt vô minh và ái dục.

Như vậy, không thể có “quá khứ, hiện tại, vị lai”; do đó thời điểm chứng Nípbàn sát trừ phiền não được gọi là kālavimutti (thời giải thoát), là “vượt khỏi thời gian” hay “ngoại thời”.

35 - Hỏi. Hãy phân tích tâm theo thời?

Đáp. Với 19 tâm [27]  có chức năng làm việc tục sinh (paṭisandhikiccaṃ), chúng hiện khởi đủ ba thời: Thời tục sinh, thời bình nhật và thời tử.

- Vào thời tục sinh chúng mang tên là “tâm tục sinh” hay “thức nối liền” (paṭisandhiviññāṇa).

-Vào thời bình nhật chúng có tên gọi là tâm hữu phần (bhavaṅgacitta).

- Vào thời tử, chúng có tên gọi là tâm tử (cuticitta).

Một trăm lẻ hai tâm còn lại chỉ hiện khởi trong thời bình nhật.

B- Ba tính (tibhāva).

36 - Hỏi. Gọi là “tính”, có ý nghĩa như thế nào? Có bao nhiêu tánh?

Đáp. Chữ bhāva (tánh) nghĩa là “tính chất vốn có”, hay “đặc tính riêng”.

Mỗi pháp chân đế (paramatthasacca) đều có đặc tính riêng, nhưng tựu trung không ngoài ba đặc tính: Thiện, bất thiện và không thiện không bất thiện.

Như Đức Phật dạy trong mẫu đề tam (mātikā).

“Kusalā dhammā : Tất cả pháp thiện.

Akusalā dhammā: Tất cả pháp bất thiện.

Abyākatā dhammā: Tất cả pháp vô ký (không thiện cũng không bất thiện).”

37 - Hỏi. Thế nào là tánh thiện?

Đáp. Tánh thiện là những pháp có đặc tính: “Khi thực hiện bằng thân, ngữ hay ý sẽ cho kết quả an vui, hạnh phúc”. Như Phật ngôn.

“Manopubbaṅgamādhammā; manoseṭṭhā manomayā.

Manasā ce pasannena; bhāsati vā karoti vā.

Tato naṃ sukhamanveti; chāyā’va anapāyinī”

Ý dẫn dầu các pháp; ý là chủ, ý tạo.

Với ý  được trong sạch; nói lên hay hành động.

Quả tốt sẽ theo sau; như bóng không rời hình.” [28]

Những pháp mang tính thiện có khả năng chứng đắc những trạng thái siêu phàm như Thắng trí (abhiññāṇa), hoặc Nípbàn thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.

38 - Hỏi. Chi pháp của tính thiện là gì?

Đáp.  Chi pháp của tính thiện là:

*- Tâm. Có 37 tâm thiện = 8 tâm thiện Dục giới + 9  tâm thiện Đáo đại + 20 tâm Đạo.

*- Tâm sở. Có 38 tâm sở hợp với 37 tâm thiện là 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.

Trong Tạng Thắng pháp, khi nói đến tính thiện, thường dùng là (37 – 38). Đây là thuật số chỉ chi pháp của tính thiện.

39 - Hỏi. Thế nào là tính bất thiện?

Đáp. Tính bất thiện là những pháp ác xấu, khi thực hiện bằng thân, ngữ hay ý sẽ cho quả khổ.

Như Phật ngôn: “Manopubbaṅgamādhammā; manoseṭṭhā manomayā.

Manasā ce paduṭṭhena; bhāsati vā karoti vā.

Tato naṃ dukkhamanveti; cakkam’ vā vahato padaṃ”.

“Ý dẫn dầu các pháp; ý là chủ, ý tạo.

Với ý  có ô nhiễm; nói lên hay hành động.

Quả xấu sẽ theo sau; như bánh lăn theo vật kéo.”  [29]

40 - Hỏi. Chi pháp của tính bất thiện là gì?

Đáp. Chi pháp tính bất thiện là:

*-  Tâm. Có 12 tâm bất thiện.

*- Tâm sở. Có 27 tâm sở hợp với 12 tâm bất thiện là 13 tâm sở Tợ tha + 14 tâm sở Bất thiện.

Khi nói đến tính bất thiện, thường dùng (12 – 27); đây là thuật số chỉ chi pháp tính bất thiện.

41 - Hỏi. Thế nào là tính vô ký (abyākatabhāva)?

Đáp. Tính vô ký là những pháp có “đặc tính không tạo ra tâm quả”. Nghĩa là, “tuy có tạo ra kết quả, nhưng không tạo ra tâm quả”.

Như vị Thánh Alahán giảng pháp, khiến người nghe lãnh hội được Pháp chứng đắc Nípbàn. Đó là kết quả có được từ sự giảng pháp, nhưng sự giảng pháp của vị Thánh Alahán không tạo ra tâm quả cho chính Ngài.

42 - Hỏi. Chi pháp tính vô ký là gì?

Đáp. Chi pháp tính vô ký là:

*-  Tâm. Có 72 tâm vô ký = 121 tâm – (12 tâm bất thiện + 37 tâm thiện).

*- Tâm sở. Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.

Ngoài ra, sắc pháp  và Nípbàn cũng có đặc tính “không tạo ra tâm quả”  nên cũng được xếp vào tính vô ký hay pháp vô ký.

Như vậy chi pháp tính vô ký gồm: 72 tâm vô ký + 38 tâm sở hợp + 28 sắc pháp + Nípbàn.

43 - Hỏi. Những tâm sở nào có một đặc tính? Hai đặc tính? Ba đặc tính?.

Đáp. Những tâm sở có một đặc tính là 14 tâm sở bất thiện, chúng chỉ có đặc tính bất thiện mà thôi.

- Những tâm sở có 2 đặc tính là: Tâm sở Tốt đẹp, chúng có đặc tính thiện và vô ký.

- Những tâm sở có ba đặc tính là: 13 tâm sở Tợ tha.

C- Bốn giống (catutthajāti).

44 - Hỏi. Giống là gì? Có bao nhiêu giống?

Đáp. Giống lả chủng loại. Chữ jāti ngoài ý nghĩa “ sự sinh ra”, còn có nghĩa là “dòng dõi”.

Có 4 giống là: Giống thiện hay dòng dõi thiện; giống bất thiện hay dòng dõi bất thiện; giống quả và giống duy tác.

45  - Hỏi. Chi pháp của giống thiện là gì?

Đáp. Tương tự như tính thiện, giống thiện có:

*- Tâm. Có 37 tâm = 8 tâm thiện Dục giới + 9 tâm thiện Đáo đại + 20 tâm đạo.

*- Tâm sở. Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp.

46 - Hỏi. Chi pháp giống bất thiện là gì?

Đáp. Tương tự như tính bất thiện, giống bất thiện có: 12 tâm bất thiện + 27 tâm sở hợp.

47 - Hỏi. Chi pháp giống quả là gì?

Đáp. Giống quả là những tâm quả, chúng sinh ra từ những tâm thiện hay tâm bất thiện. Giống quả có chi pháp là:

*- Tâm. Có 52 tâm quả = 15 tâm quả Vô nhân + 8 tâm Đại quả + 9 tâm quả Đáo đại + 20 tâm quả Siêu thế.

*- Tâm sờ. Có 38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tốt đẹp?

Trong 52 tâm quả, được phân tích thành: 32 tâm quả hiệp thế và 20 tâm quả Siêu thế.

48 - Hỏi. Những tâm trên là thành quả của những tâm nào?

Đáp. Trong 52 tâm quả thì:

- 7 tâm quả bất thiện vô nhân là thành quả của 12 tâm bất thiện (tức là một tâm bất thiện có thể sinh ra 7 tâm quả bất thiện vô nhân).

- 8 tâm quả thiện vô nhân + 8 tâm Đại quả; là thành quả của 8 tâm thiện Dục giới.

- 9 tâm quả Đáo đại là thành quả của 9 tâm thiện Đáo đại theo tương ứng.

Tức là: Tâm thiện Sơ thiền cho tâm quả Sơ thiền, tâm thiện Nhị thiền cho tâm quả Nhị thiền...

- 20 tâm quả Siêu thế là thành quả của 20 tâm Đạo tương ứng.

Tức là tâm Đạo Sơ thiền cho tâm Quả Siêu thế Sơ thiền; tâm Đạo nhị Thiền cho tâm Quả Siêu thế Nhị Thiền....

49 - Hỏi. Chi pháp giống Duy tác là gì?

Đáp. Giống Duy tác có:

*- Tâm. Có 20 tâm duy tác = 3 tâm Duy tác vô nhân [30]  + 8 tâm Đại tố + 9 tâm duy tác Đáo đại.

*- Tâm sở. Có 35 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 22 tâm sở Tốt đẹp (trừ 3 giới phần).

50 - Hỏi. Vì sao phải phân tích thành tính và giống?

Đáp. “Tính” là nêu lên đặc tính, còn “giống” là nêu lên “cách sinh khởi”.

Người hành pháp sẽ nắm bắt “phương thức sinh khởi” để  làm cho những pháp thiện chưa sinh được sinh ra, những pháp thiện đang có được tăng trưởng.

Làm cho những pháp bất thiện đang có bị diệt, những pháp bất thiện chưa có không sinh ra.

Mặt khác, có nắm bắt được “tính và giống” sẽ không có sự nhầm lẫn. Như khi nói “pháp vô ký” thì hiểu ngay bao gồm 2 giống “quả” và “duy tác”.

Nên lưu ý, pháp vô ký có cả Danh - Sắc lẫn Nípbàn, còn “giống” chỉ thuần về tâm và tâm sở.

Có câu hỏi, giống thiện sinh ra từ nhân nào? Giống bất thiện sinh ra từ nhân nào?.

Đáp rằng: Giống thiện sinh ra từ “tác ý khéo”( yoni so manasikāra). Giống bất thiện sinh ra từ “tác ý không khéo” (ayoni so manasikāra).

51 - Hỏi. Giống Duy tác sinh ra từ nhân nào?

Đáp. Duy tác vô nhân sinh ra từ sự vận hành pháp.

Duy tác hữu nhân sinh ra từ sự “trừ diệt tất cả mọi ô nhiễm (āsava)”.

52 - Hỏi. Các tâm sở phân tích theo 4 giống như thế nào?.

Đáp. 13 tâm sở Tợ tha hợp đủ bốn giống.

- 14 tâm sở Bất thiện hợp với giống bất thiện.

- 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành, 2 tâm sở Vô lượng phần, tâm sở Trí hợp với 3 giống (thiện, quả và duy tác)  [31] .

- 3 tâm sở Giới phần hợp với 2 giống: Thiệnvà quả  [32] .

Dứt ba thời – ba tính - bốn giống.

-ooOoo-

 

Bài 3.

Thọ hợp đồng
(Vedanāsaṅgaha)

 

53 - Hỏi. Thọ (vedanā) là gì?

Đáp. Thọ là một tâm sở trong tâm sở Biến hành, thọ có trạng thái là “cảm nhận cảnh (vedayitalakkhaṇa)” hay “hứng chịu cảnh”.

Thọ thường xuất hiện theo thói quen vận hành của tâm sở Tưởng (saññā).

Như một người vừa thấy “kẻ nghịch”, lập tức “sự khó chịu sinh khởi”; nhận biết “kẻ nghịch” là chức năng của tâm sở Tưởng.

Tuy nhiên, với năng lực ý chí người ta có thể quyết định loại thọ nào đó, mà không bị cảnh (ārammaṇa) chi phối.

Như đối với “người thù nghịch”, hành giả vẫn có thể “rãi tâm Từ đến họ”; vị tỳkhưu có thể thọ vui khi thấy những cảnh xấu như tử thi (nếu vị ấy đang tu tập đề mục quán hài cốt hay quán thể trược”...

Thọ hiện khởi do duyên xúc, như Phật ngôn: “Phassa paccayā vedanā:

Do duyên Xúc thọ sinh lên”.

54 - Hỏi. Có bao nhiêu loại thọ?

Đáp. Theo đặc tính “cảm nhận đối tượng”  thì thọ có 1.

*- Thọ phân theo danh sắc thì có 2 là: thân thọ và tâm thọ.

*- Tùy theo “sự cảm nhận”, thọ chia làm ba là: Thọ lạc, thọ khổ, thọ không lạc không khổ. Như Phật ngôn trong mẫu đề tam (mātikā).

- Sukhāya vedanā sampayuttā dhammā: Tất cả pháp tương ưng thọ lạc.

- Dukkhāya vedanā sampayuttā dhammā: Tất cả pháp tương ưng thọ khổ.

-  Adukkhamasukhāya vedanā sampayuttā dhammā: Tất cả pháp tương ưng thọ phi khổ phi lạc.

*- Từ ba thọ trên, phân tích theo thân – tâm thì có 5 thọ là: Thọ hỷ (somanassa), thọ lạc (sukha), thọ ưu (domanassa), thọ khổ (dukkha) và thọ xả (upekkhā).

- Thọ hỷ và thọ ưu thuộc về tâm thọ.

- Thọ lạc, thọ khổ thuộc về thân thọ.

- Thọ xả bao gồm cả thân – tâm.

*- Thọ phân tích theo tâm lãnh nạp đối tượng thì có sáu là: Nhãn thọ (lãnh nạp cảnh sắc), nhĩ thọ (lãnh nạp cảnh thinh), tỷ thọ (lãnh nạp cảnh mùi), thiệt thọ (lãnh nạp cảnh vị), thân thọ (lãnh nạp cảnh xúc) và ý thọ (lãnh nạp cảnh pháp).

*- Thọ phân tích theo duyên từ cảnh có 18 là:

- Do duyên cảnh sắc  sinh khởi 3 thọ: Lạc, khổ, xả.

Như khi thấy cảnh sắc tốt, tâm vui thích là thọ hỷ, thấy cảnh sắc xấu, tâm khó chịu, không hài lòng, là thọ ưu, thấy cảnh sắc trung bình, không tốt cũng không xấu, tâm thản nhiên là thọ xả.

Tương tự như vậy đối với cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp, thành ra 18 thọ.

Trong 18 thọ trên được phân tích thành hai loại:

- Loại thọ “có sự dính mắc”, gọi là “thọ tại gia”; loại thọ “không có sự dính mắc”, gọi là thọ xuất gia.

*- Những khoái lạc vật chất thường được những người bình thường ưa chuộng và đánh giá cao, gọi là “thọ lạc tại gia”.

Trái lại, với vị ẩn sĩ có tâm trau dồi, phát triển thiền định... vị ấy cảm nhận sự an lạc, hạnh phúc khi khước từ những lạc thú thế gian, gọi là “thọ lạc xuất gia”.

*- Với người bìnhthường khi gặp những cảnh “thất bại, suy vong”, họ sầu khổ than trách ...  là “thọ khổ tại gia”.

Trái lại, người có trí đưa tâm quán xét sự khổ, để làm cho tâm yên lặng, đồng thời tìm cách thoát ra sự sầu muộn, là “thọ khổ xuất gia”.

*- Người thường khi gặp cảnh không tốt không xấu, họ thản nhiên lãnh đạm, là “thọ xả tại gia”.

*- Người có trí đưa tâm quán xét trạng thái thản nhiên theo pháp quán Vô thường, là “thọ xả xuất gia”.

Có Phật ngôn:

Dvemāni bhikkhave, sukhāni. Katamāni dve?

Này các tỳkhưu, có hai loại lạc này. Thế nào là hai?

Gihisukhañca pabbajitasukhañca: Lạc tại gia và lạc xuất gia [33] .

Như vậy có 36 thọ, lấy 36 thọ này nhân cho 3 thời : Quá khứ, hiện tại, vị lai thành ra 108 thọ.

55 - Hỏi. Gọi thọ hợp đồng với ý nghĩa gì?

Đáp.  Là xem thọ phối hợp được với bao nhiêu tâm và tâm sở. Tâm và tâm sở phối hợp được với loại thọ nào.

56 - Hỏi. Trong phần thọ hợp đồng, có bao nhiêu thọ được đề cập đến?

Đáp. Trong phần thọ hợp đồng, chỉ đề cập đến 5 thọ là: Thọ lạc, (sukhavedanā), thọ khổ (dukkhavedanaa), thọ hỷ (somanassavedanā), thọ ưu (domanassavedanā), và thọ xả (upekkhā).

Có Pāli dẫn chứng sau:

Tattha vedanāsaṅgahe tāva tividha vedanā: Sukhaṃ, dukkhaṃ, akhamasukhaṃ’ti:

Ở đây, trong thọ hợp đồng có ba thọ là: Lạc, khổ và không khổ không lạc”.

Sukhaṃ, dukkhaṃ, somanassaṃ, domanassaṃ, upekkhā’ti ca bhedena pana pañcadhā hoti:

Hoặc chia thành năm thọ là: Lạc, khổ, hỷ, ưu và xả.” [34] .

57 - Hỏi. Thọ xả (upekkhā) và thọ không khổ không lạc (adukkhamasukkha) về ý nghĩa có khác nhau không?

Đáp. Cả hai từ upekkhā (xả) và adukkhamasukha(không khổ không lạc), nói về chi pháp cả hai đều là thọ xả.

Trong hai danh từ này, upekkhā được dùng một cách rộng rải, bao hàm 2 ý nghĩa:

- Sự thản nhiên có tính lãnh đạm, thọ xả này đồng nghĩa với vô minh. Tính “lãnh đạm” được tìm thấy qua từ upekkhā như:

Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññānaṃ:

Nhãn thức đồng sinh với thọ xả.

- Sự thản nhiên có ý chí tham dự. Như người điềm tỉnh trước những tai họa, hay điềm tỉnh trước những hạnh phúc bất ngờ, không để tâm rơi vào sầu muộn cũng không để tâm rơi vào “quá phấn khởi”.

Trong các loại tâm, khi chỉ cho tâm đi chung với thọ xả, Đức Phật dùng  từ upekkhāsahagataṃ, như:

- Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ:

Đồng phát sinh thọ xả, hòa hợp với tà kiến, không có sự trợ giúp” (tâm tham thứ 5 – Ns).

Tính suy xét được tìm thấy: “Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ:

Đồng phát sinh thọ xả, hòa hợp với trí, không có sự trợ giúp” (tâm thiện số 5- Ns).

Còn adukkha- m- sukha, chỉ có với ý nghĩa “có ý chí tham dự”.

Và danh từ này thường được dùng chỉ cho trạng thái chứng đắc Tứ thiền theo Kinh Tạng.

Như: Bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubb’eva somanassa domanassānaṃ atthagamā adukkhaṃ asukhaṃ upekhāsati pārisuddhiṃ catutthajjhaanaṃ upasampapajja viharati:

Tỳkhưu xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh...” [35] .

58 - Hỏi.  Gọi là Dukkha (khổ) với ý nghĩa nào?

Đáp. Sách Atthasālinī (Chú giải bộ Pháp Tụ) có giải thích những ý nghĩa của khổ (dukkha) như sau:

- Là “cảm nhận với sự đau đớn”, tức là thọ khổ (dukkhavedanā).

- Là “nguồn gốc của đau khổ” (dukkhamūla). Tức là chỉ cho tham, sân, si, ba căn bản này tạo ra những đau khổ. Như Phật ngôn:

Lobho akusalamūlaṃ, doso akusalamūlaṃ, moho akusalamūlaṃ: “Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện” [36] .

- Là “nguyên nhân tạo ra khổ” (dukkhahetu). Tức là những hành động, lời nói, ý nghĩ đi chung với tham, sân, si.

- Là “khổ cảnh” (dukkhārammaṇā). Tức là những cảnh xấu, như “tái sinh về bốn khổ cảnh” .

- Là “duyên dẫn đến khổ” (dukkhapaccayaṭṭhāna). Như: “Này các tỳkhưu, không dễ gì nghe mô tả những cảnh khố mà nhận thức được khổ” [37] .

Dukha ở đây chỉ cho thọ khổ (dukkhavedanā).

59 - Hỏi. Thọ khổ hợp được bao nhiêu tâm? Hợp với bao nhiêu tâm sở?.

Đáp. Thọ khổ là “những cảm giác đau đớn thuộc về thân”, nên thọ khổ chỉ tìm thấy trong tâm Thân thức thọ khổ.

Có Pāli sau: Tathā dukkhasahagataṃ akusalavipākaṃ kāyaviññānaṃ:

Ở đây, thọ khổ đi chung với Thân thức quả bất thiện” [38] .

Và thọ khổ chỉ hợp với 6 tâm sở Biến hành (trừ tâm sở Thọ).

6o - Hỏi. Gọi là sukha (lạc) với ý nghĩa nào?

Đáp. Sách Atthasālinī có giải thích về sukha với nhiều ý nghĩa như sau:

- Là “sự cảm nhận thích thú”, tức là thọ lạc (sukhavedanā).

- Lạc là sự khước từ. Như Phật ngôn: “Dve māni, bhikkhave, sukhāni. Katamāni dve?

Này chư Tỳkhưu, có hai loại lạc. Thế nào là hai?”

Kāmasukhañca nekkhammasukhañca...: Dục lạc và viễn ly lạc...” [39]

- Là “nguồn gốc an lạc” (sukhamūla). Tức là chỉ cho vô tham, vô sân và vô si.

Như có Phật ngôn: Alobho kusalamūlaṃ, adoso kusalamūlaṃ, amoho kusalamūlaṃ:

Vô tham là căn bản thiện, vô sân là căn bản thiện, vô si là căn bản thiện.” [40]

- Là nhân sinh khởi an lạc (sukhahetu). Tức là nói hay làm với tâm đi chung với vô tham, vô sân, vô si là nguyên nhân phát sinh hạnh phúc.

Như nói “phước báu, này chư Tỳkhưu, đồng nghĩa với an lạc (sukha)”.

-  Là “lạc cảnh, nhàn cảnh (sukhārammaṇa)”. Như tái sinh về cõi thiên giới, cõi Phạm thiên...

- Là duyên cho an lạc sinh khởi (sukhapaccayaṭṭha). Như sự tu tập là duyên sinh khởi an lạc.

- An lạc (sukha): Ám chỉ trạng thái không có phiền não.

- Sukha là tên gọi ám chỉ cho Nípbàn, như Phật ngôn:

“Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Nípbàn là lạc tối thượng [41] .

Ở đây, sukha chỉ cho thọ lạc (suhavedanā).

61 - Hỏi. Thọ lạc hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?

Đáp. Thọ lạc là cảm nhận an lạc nơi thân. Như vậy, thọ lạc hợp với tâm thân thức quả thiện.

Có pāli như sau: Tattha sukhasahagataṃ kusalavipākaṃ kāyaviññānaṃ ekaṃ’eva:

Ở đây, thọ lạc đi chung với thân thức quả thiện, như vậy chỉ một tâm”(Abhs).

Và thọ lạc hợp với 6 tâm sở Biến hành (trừ tâm sở Thọ).

62 - Hỏi. Thọ ưu (domanassa) hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?

Đáp. Thọ ưu hợp được với hai tâm sân.

Có Pāli sau: Domanassa sahagata cittāni pana dve paṭighacittān’ eva: Như vậy, thọ ưu đi chung với hai tâm có phẫn nộ (paṭigha)” (Abhs).

Và thọ ưu hợp với 21 tâm sở = 11 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Thọ + tâm sở Hỷ) + 4 Si phần + 4 Sân phần + 2 Hôn phần.

63 - Hỏi. Thọ hỷ (somanassa) hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?.

Đáp. Có 62 tâm đi chung với thọ hỷ, là: 18 tâm dục giới thọ hỷ [42]  + 44 tâm thiền thọ hỷ ( Sơ, nhị, tam, tứ thiền). [43]

Thọ hỷ hợp được 46 tâm sở =  52 tâm sở trừ ( tâm sở Thọ + 4 tâm sở sân phần + tâm sở hoài nghi).

64 - Hỏi. Thọ xả hợp bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở?.

Đáp. Thọ xả được tìm thấy trong 55 tâm thọ xả = 4 tâm tham thọ xả + 14 tâm vô nhân thọ xả (18 tâm vô nhân – (2 tâm thân thức + tâm Quan sát thọ hỷ + tâm Sinh tiếu) +12 tâm tịnh hảo Dục giới thọ xả + 23 tâm ngũ thiền.

Thọ xả hợp được 46 tâm sở = 52 tâm sở – (tâm sở Thọ + tâm sở hỳ + 4tâm sở sân phần).  

Có Pāli: Sabbāni’pi pañcapaṇṇāsa upekkhāsahagatacittān’ evā’ti:

Năm mươi lăm tâm cùng đi chung với thọ xả”(Abhs).

65 - Hỏi. Tâm sở nào có một thọ, hai thọ, ba thọ và năm thọ?

Đáp. - Bốn tâm sở Sân phần  có một thọ là thọ Ưu.

- Tâm sở Hoài nghi có một thọ là thọ xả

- Tâm sở Hỷ có 2 thọ là thọ Hỷ và thọ Lạc (trong tâm Sơ - Nhị thiền).

- Ba tâm sở Tham phần có 2 thọ là thọ hỷ và thọ xả.

- Năm tâm sở Biệt cảnh (trừ tâm sở Hỷ), có 3 thọ: Hỷ, ưu và xả.

- Bốn tâm sở Si phần và 2 tâm sở Hôn phần có 3 thọ: Hỷ, ưu, xả.

- 25 tâm sở Tốt đẹp có ba thọ: Hỷ , Lạc (trong tâm Sơ - nhị thiền) và xả.

- Bảy tâm sở Biến hành có đủ 5 tho.

Dứt thọ hợp đồng.

-ooOoo-

 

Bài 4.

Nhân hợp đồng
(Hetusaṅgaha)

 

66 - Hỏi. Có bao nhiêu loại nhân (hetu)? Nhân ở đây được dùng theo loại nào?

Đáp. Theo nghĩa thông thường, “nhân” là “động lực” tạo ra một cái gì khác, một điều gì khác.

Như nói “do có tội lỗi nên có hình phạt”, “tội lỗi” là nguyên nhân, “hình phạt” là hậu quả, hay “do làm việc tốt nên được ban thưởng”...

Sách Atthasālinī (Chú giải bộ Pháp Tụ), có giải thích “nhân có 4 loại” là:

*- Hetuhetu (nhân-nhân). Còn gọi là nhân tương ưng (hetu-sampayuttaṃ).

Chỉ cho thành phần căn bản để từ đó tạo ra kết quả “an lạc (sukha)” hay “đau khổ (dukkha)”.

Các loại nhân này có tính “hòa hợp” với nhau, nên gọi là nhân tương ưng. Đó là: tham (lobha), sân (dosa), si (moha), Vô tham (alobha), Vô sân (adosa),  và Vô si (amoha).

*- Paccayahetu (duyên nhân). Tác động là nguyên nhân, hay điều kiện trợ giúp, ủng hộ là nguyên nhân.

Như cây được tăng trưởng nhờ có dưỡng tố trong đất, nhờ có nước... trợ giúp.

Hay “do vô tham làm duyên nên thực hành bố thí bằng thân, do đức tin làm duyên nên thực hành pháp cung kỉnh bằng thân, bằng lời; do tàm – quý làm duyên nên thực hành “giữ giới”; do có chánh ngữ làm duyên nên nói lời chân thật”...

*- Uttamahetu (nhân chủ yếu). Chữ uttama nghĩa là “cao tột”, nhân chủ yếu hay nhân cao tột là chỉ cho nhân chính.

Như tâm sở Tư là nhân chủ yếu của nghiệp thiện hay bất thiện, tham, sân, si, vô tham và vô sân, vô si là nhân phụ thuộc của nghiệp.

Tâm sở Tư đi chung với vô tham, vô sân, vô si thuộc về thiện sẽ tạo ra kết quả an lạc, hạnh phúc.

Tâm sở Tư đi chung với tham, sân, si sẽ tạo ra kết quả đau khổ.

Vì sao vậy? Ví như được người tốt hướng dẫn sẽ thực hành theo đường hướng tốt do đó có kết quả tốt, còn như bị người xấu hướng dẫn nên thực hành những điều xấu, tất nhiên dẫn đến kết quả tai hai.

Cũng vậy, do kết hợp với ba nhân thiện, tâm sở Tư tạo tác, cho kết quả an lành, gọi là “quả thiện”, còn kết hợp với ba nhân bất thiện, tâm sở Tư tạo tác, cho kết quả khổ, xấu, gọi là “quả bất thiện”.

*-Sādhāraṇa hetu (nhân thông thường). Hay điều kiện chung phổ biến cùng khắp. Như vô minh là duyên cho hành (saṅkhāra) sinh lên...

Hay dưỡng tố trong đất là nguyên nhân thường có cho cây, khiến cây có vị chua, ngọt, đắng...

Hetu (nhân) có nhiều ý nghĩa như vậy, ở đây, hetu được dùng với ý nghĩa “cội rễ - mūla”. Tức là nhân tương ưng (hetusampayutta).

Pāli  có giải thích:

-Hinotiphalaṃ pattatīti = hetu:

“Pháp mà giúp cho quả đồng sanh với nó, gọi là nhân”[44].

- Hỏi. Có bao nhiêu nhân tương ưng? Giải thích?

Đáp. Gọi là “tương ưng” (sampayutta) nghĩa là “hòa hợp với nhau, như nước với sữa”.

Gọi là “nhân tương ưng” (hetusampayutta), có 3 cách:

- Nhân hòa hợp với nhân. Như nhân Tham hòa hợp với nhân si; nhân Vô tham hòa hợp với nhân Vô sân...

- Nhân hòa hợp với pháp không phải là nhân, Pāli gọi là “pháp tương ưng nhân mà phi nhân” (hetusampayuttā ceva na ca hetu) [45] . Như tâm sở Thọ, tâm sở Tưởng...

- Nhân hòa hợp với pháp nhân lẫn pháp phi nhân. Như tâm sở Tham hòa hợp với các pháp đồng sinh với nó ...

Nhân tương ưng, nói theo bản thể có 6. Nói theo đặc tính có 9.

*- Căn Tham (lobhamūla) (hay nhân tham). Là trạng thái “dính mắc” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Tham.

*- Căn Sân (dosamūla) (hay nhân sân). Là trạng thái “hủy diệt, không hài lòng” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Sân.

*- Căn Si (mohamūla) (hay nhân si). Là trạng thái “mê muội, mù mờ” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Si.

*- Căn Vô tham (alobhamūla) (hay nhân Vô tham). Là trạng thái “buông lìa” đối tượng; chi pháp là tâm sở Vô tham.

*- Căn Vô sân (adosamūla) (hay nhân Vô sân). Là trạng thái “mát mẻ, không khó chịu” với đối tượng; chi pháp là tâm sở Vô sân.

*- Căn Vô si (amohamūla) (hay nhân vô si). Là trạng thái “hiểu biết rõ ràng, không nhầm lẫn” đối tượng; chi pháp là tâm sở Trí.

- Ba nhân “tham, sân, si” là “tính bất thiện, giống bất thiện”.

- Ba nhân “vô tham, vô sân, vô si” có hai tính: Thiện và vô ký; có 3 giống: Thiện, quả và duy tác”.

Tổng cộng có 9 nhân : Ba nhân bất thiệrn, 3 nhân thiện và 3 nhân vô ký.

68 - Hỏi. Nhân tham hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp với bao nhiêu nhân? thuộc tính gì? Giống gì?

Đáp. Nhân Tham chỉ tìm thấy trong tâm Tham.

Như vậy nhân tham hợp với 8 tâm tham, hợp với 21 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 4 tâm sở Si phần + tâm sở tà kiến + tâm sở ngã mạn+ 2 tâm sở Hôn phần.

Trong tâm tham có 2 nhân là: nhân tham và nhân si.

Như vậy nhân Tham hợp với một nhân là nhân si.

Nhân tham thuộc tính bất thiện, giống bất thiện.

69 - Hỏi. Nhân sân hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp với bao nhiêu nhân? Thuộc tính gì? Giống gì?

Đáp. Nhân sân chỉ tìm thấy trong 2 tâm sân.

Như vậy, nhân sân hợp với 2 tâm sân, hợp với 21 tâm sở = 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ) + 4 tâm sở si phần + tâm sở Tật + tâm sở Lận + tâm sở Hối + 2 tâm sở Hôn phần.

Trong tâm sân có 2 nhân là: Nhân sân và nhân Si. Vậy nhân sân hợp được một nhân là nhân si.

Nhân sân thuộc tính bất thiện, giống bất thiện.

70 - Hỏi. Nhân Si hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân?

Đáp. Nhân Si được tìm thấy trong 2 tâm Si.

Như vậy, nhân Si hợp với 2 tâm Si, nhân Si hợp được 15 tâm sở = 11 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hỷ + tâm sở Dục) + 3 tâm sở Si phần (trừ tâm sở Si) + tâm sở Hoài nghi [46] .

Trong tâm tham, tâm sân đều có tâm sở Si. Như vậy, nhân si hợp với 2 nhân: nhân Tham + nhân Sân.

Nhân si thuộc tính bất thiện, giống bất thiện.

71 - Hỏi. Có khi nào nhân si không hợp với nhân nào không?

Đáp. Có, trong tâm si chỉ có nhân si, nên nhân si không hợp với nhân nào cả.

72 - Hỏi. Nhân Vô tham hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân? Thuộc tính gì? Giống gì?

Đáp. Tâm sở Vô tham thuộc nhóm tâm sở Tốt đẹp biến hành.

Như vậy nhân Vô tham được tìm thấy trong 91 tâm Tốt đẹp = 24 tâm Dục giới Tốt đẹp + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

Nhân Vô tham hợp được 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở Vô tham).

Tâm sở Vô tham tìm thấy trong những tâm hợp trí, như vậy nhân Vô tham hợp với 2 nhân là Vô sân và Vô si.

Nhân Vô tham có 2 tính: Thiện (trong tâm thiện) + Vô ký (trong tâm quả và tâm Duy tác);  có 3 giống: Thiện, quả và Duy tác.

73 - Hỏi. Nhân Vô sân hợp với bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân? Thuộc tính gì? Giống gì?

Đáp. Tâm sở Vô sân cũng là một trong 19 tâm sở Tốt đẹp biến hành.  Nhân Vô sân hợp với:

- 91 tâm Tốt đẹp = 24 tâm Dục giới Tốt đẹp + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

- 37 tâm sở = 13 tâm sở Tợ tha +24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở Vô sân).

- Hợp với 2 nhân Vô tham và Vô si.

- Có 2 tính: Thiện và Vô ký; có 3 giống: Thiện, quả và Duy tác.  

74 - Hỏi. Nhân Vô si hợp được bao nhiêu tâm? Hợp được bao nhiêu tâm sở? Hợp được bao nhiêu nhân? thuộc tính gì? Giống gì?.

Đáp. Nhân Vô si (tâm sở trí), được tìm thấy trong những tâm có trí.

Như vậy, nhân Vô si hợp với:

- 79 tâm có trí = 12 tâm Dục giới có trí + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

- 37 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 24 tâm sở Tốt đẹp (trừ tâm sở trí).

- Nhân Vô si hợp với 2 nhân (Vô tham và Vô sân).

- Nhân Vô si hợp với 2 tính: Thiện và Vô ký.

- Nhân Vô si hợp với 3 giống: Thiện, quả và duy tác.

75 - Hỏi. Bao nhiêu tâm  không có nhân? Bao nhiêu tâm có 1 nhân? Bao nhiêu tâm có 2 nhân? Bao nhiêu tâm có 3 nhân?

Đáp. Tâm không có nhân tương ưng là 18 tâm vô nhân.

- Tâm có một nhân là 2 tâm Si.

- Có 22 tâm có 2 nhân là: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 12 tâm Dục giới tốt đẹp ly trí.

- Có 79 tâm có 3 nhân là: 79 tâm có trí.

76 - Hỏi. Tâm sở nào hợp một nhân, hai nhân, ba nhân và sáu nhân?

Đáp. – Tâm sở Hoài nghi hợp một nhân là nhân Si.

-Ba tâm sở Tham phần hợp với hai nhân (Tham và Si).

- Bốn tâm sở Sân phần hợp với 2 nhân (Sân và Si).

- Bốn tâm sở Si phần; 2 tâm sở Hôn phần hợp với ba nhân (Tham, Sân và Si).

- 25 tâm sở Tốt đẹp hợp với ba nhân (Vô tham, Vô sân và Vô si)

- 12 tâm sở Tợ tha (trừ tâm sở Hoài nghi) hợp được 6 nhân.

Dứt nhân hợp đồng.

-ooOoo-



 [1] - A.i, 91, Pháp 2 chi, phẩm Bố thí (dānavaggo).

 [2] -  HT. TMC (d). A.ii, 32; pháp bốn chi, kinh Nhiếp pháp (saṅgahasuttaṃ). 

 [3] - Xem Nhiếp phục lực (saṅgahabalaṃ) ở phần sau.

 [4]  –Là 15 tâm thiền Sắc giới + 12 tâm thiền Vô sắc giới.

 [5] - Aññasamāna dịch là Tợ tha, nghĩa là “giống như bên ngoài”.

 [6] - Abhs.  Chương II. Phần 3 .

 [7] - Tesaṃ (chúng), ở đây chỉ cho các tâm sở.

 [8] - S.ii, 157. Tương ưng giới (dhātusaṃyuttaṃ), kinh các bài kệ (Sagāthāsuttaṃ).

 [9] - Là tâm làm phát sinh nụ cười “theo thói quen” của vị Thánh Alahán.

 [10] - Sắc thần kinh Nhãn thu bắt cảnh Sắc, đồng thời Nhãn thức sinh lên trú ở sắc thần kinh Nhãn.

 [11] - Không gọi là “mang tâm đến cảnh” vì tâm sở Tầm không thể mang tâm Tiếp thu đến sắc thần kinh Nhãn.

 [12] - Abhs . Chương II.

 [13] - 4 tâm Tham hữu trợ + tâm Sân hữu trợ = 5 tâm.

 [14] - Hữu trợ là “có sự trợ giúp” hay “có sự kích thích”; còn vô trợ thì ngược lại.

 [15] - Xem Tỳ Khưu Chánh minh; Tâm sở tịnh hảo vấn đáp.

 [16] - Thời chứng đắc Đạo - Quả Siêu thế.

 [17] - Abhs. Chương II.

 [18] - 11 tâm Sơ thiền = 3 tâm Sơ thiền hiệp thế + 8 tâm Sơ thiền Siêu thế.

- 11 tâm Nhị thiền = 3 tâm Nhị thiền hiệp thế + 8 tâm Nhị thiền Siêu thế.

- 11 tâm Tam thiền = 3 tâm Tam thiền hiệp thê + 8 tâm Tam thiền Siêu thế.

- 11 tâm Tứ thiền = 3 tâm Tứ thiền hiệp thế + 8 tâm Tứ thiền Siêu thế.

- 23 tâm Ngũ thiền = 3 tâm ngũ thiền Sắc giới + 12 tâm thiền Vô sắc giới + 8 tâm Ngũ thiền Siêu thế.

Tổng cộng có 67 tâm thiền. 

 [19] - Abhs. Chương II.

 [20] - Pháp chân đế có 4 là : Tâm – tâm sở, sắc páhp và Nípbàn.

 [21] - Dhs. Chương tâm sinh (cittupādakaṇḍaṃ).

 [22]  – Anamatagga = a na (không) +mata (nghĩ đến) + agga (bắt đầu). Sự bắt đầu khônt thể nghĩa đến . Dịch là vô thỉ.

 [23] - Pubbā koti: Điểm ban đầu, điểm trước nhất.

 [24] - S.ii, 178, Tương ưng Vô thỉ (Anamataggasaṃyuttaṃ), kinh Cỏ và Củi (Tiṇakaṭṭhasuttaṃ).

 [25] - Xem JA. II,  số 245.

 [26] - Kinh Trung bộ iii. Kinh Nhất dạ hiền giả (bhaddekarattasuttaṃ).

 [27] - Là 2 tâm Quan sát thọ xả + 8 tâm quả Dục giới hữu nhân + 9 tâm quả Đáo đại = 19 tâm.

 [28] - Dhp. Câu số 2.

 [29] - Dhp. Câu số 1.

 [30] - Tâm hướng ngũ môn, tâm hướng ý môn và tâm Sinh tiếu.

 [31] - Hai vô lượng phần hợp với: 8 tâm thiện Dục giới + 8 tâm duy tác Dục giới+ 12 tâm thiền Sắc giới (Sơ nhị Tam, Tứ).

 [32] - 3 giới phần không hợp trong tâm Duy tác; ba giới phần hợp trong tâm thiện và tâm Quả Siêu thế.

 [33] - A.i, 80. Pháp 2 chi; Phẩm lạc (sukhavaggo).

 [34] - Abhs. Chương II.

 [35] - D.i, số 2, kinh Sa Môn Quả ( Sāmañña phala suttaṃ).

 [36] - A.i, 201.Pháp ba chi. Kinh các căn bản bất thiện (Akusalamūlasuttaṃ).

 [37] - S.v, Tương ưng Vô thi.

 [38] - Abhs. Chương II.

 [39] - A.i,80. Pháp 2 chi. Phẩm an lạc (sukhavaggo).

 [40] - A.i, 201. Pháp ba chi. Kinh các căn bản bất thiện (Akusalamūlasuttaṃ).

 [41] - Dhp. Câu số 203

 [42] - Đó là: 4 tâm Tham thọ hỷ + tâm Quan sát thọ hỷ + tâm Sinh tiếu + 12 tâm Tốt đẹp Dục giới thọ hỷ.

 [43] - Mỗi tầng thiền có 11 tâm thiền : 3 tâm thiền hiệp thế + 8 tâm thiền Siêu thế.

Riêng ngũ thiền có đến 23 tâm = 3 tâm Ngũ thiền Sắc giới + 12 tâm thiền Vô sắc giới + 8 tâm ngũ thiền Siêu thế.

 [44] - ĐĐ Giác Chánh . Vi Diệu pháp nhập môn, tr.216.

 [45] - Đại trưởng lão Tịnh sự (d). Dhs, phần tụ nhân (hetugocchaka), số 699.

 [46] -  Nhân Si hợp với tâm sở Thắng giải và tâm sở Cần trong tâm Si hợp phóng dật. Hợp với tâm sở Hoài nghi trong tâm Si hợp hoài nghi.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 2.1 | 2.2 | 2.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 2008).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-04-2009