BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Con Ðường Cổ Xưa
(The Buddha's Ancient
Path)
Piyadassi Thera
Dịch giả: Tỳ Khưu Pháp Thông
CHƯƠNG X
CHÁNH MẠNG (SAMMÀ-ÀJÌVA)
-ooOoo-
Chi thứ ba và cũng là chi cuối cùng của nhóm giới là chánh mạng, chánh mạng đòi hỏi người ta không được quan hệ mua bán các loại vũ khí, các loại súc vật để giết thịt, mua bán người (làm nô lệ), các loại rượu và chất say, và mua bán độc dược. Mặc dù Ðức Phật chỉ đề cập đến năm loại này, nhưng như chúng ta biết, còn có nhiều cách nuôi mạng không chơn chánh khác nữa. Chúng ta phải nhớ rằng những điều này được Ðức Phật nói với xã hội Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên mà phần lớn, ngay cả ngày nay cũng vậy, bao gồm giới nông dân, chăn nuôi và buôn bán. Ðiều ghi nhận khá lý thú ở đây là trong kinh điển Phật giáo, có những phần miêu tả rất sinh động về cuộc sống của người nông dân và những người chăn nuôi gia súc. Bài kinh thứ hai và thứ tư của Sutta- Nipata (Kinh Tập, thuộc Tiểu Bộ kinh) chứng thực khá phong phú sự kiện này. Ấn Ðộ là một nước nông nghiệp và chính phủ của họ không phải là chính phủ 'dân chủ'. Hầu hết các tiểu quốc đều theo chế độ phong kiến đặt dưới sự cai trị của một vị tiểu vương (Ràjà: Vua) như trường hợp bộ tộc Thích Ca của Ðức Phật, nhưng cũng có những nước Cộng Hoà, chẳng hạn như cộng hoà Licchàvi, được cai trị bởi một viện nguyên lão gồm các vị trưởng tộc và các vị lãnh đạo. Trong các tiểu vương quốc, Vua là người cai trị mà mọi người đều phải phục tùng và chịu ơn mưa móc của Vua. Cuộc sống lúc đó dường như yên ả hơn so với cuộc sống của nhiều đất nước hiện nay. Vì cách sinh nhai thời ấy còn hạn chế nên Ðức Phật chỉ cảnh giác đối với năm điều kể trên.
Chúng
ta không nên nghĩ rằng Ðức Phật chỉ nói về những hậu quả xấu của tà mạng và
những lợi ích của chánh mạng cho hàng dân giả thôi. Trong Nikàyas (Kinh Bộ),
đáng kể nhất là trong Trường Bộ (Dighà Nikàya) và Tăng Chi Bộ (Anguttara
Nikàya),
chúng ta tìm thấy những bài pháp nói về đời sống mà một vị Vua hay người cầm
quyền cần phải sống theo. Như đã được tuyên bố một cách minh bạch rằng Vua phải
cai trị đúng Pháp (dhammena), không đựơc cai trị phi pháp (A-dhammena). Ngoài việc giữ
ngũ giới như các thần dân của họ ra, một vị Vua hay người cầm quyền còn phải có
tất cả những phẩm chất hiền thiện xứng đáng làm vị nguyên thủ của một quốc gia
nữa. Kinh Phật thường đề cập đến Thập Vương Pháp (Dasa-Ràja Dhamma) hay mười
phận sự của một vị Vua: bố thí, trì giới, bỏ của cải ra để làm lợi ích chung;
công bình ngay thẳng; ôn hoà, mềm dịu; cố gắng dứt bỏ sự ác; không có sân hận,
hung dữ vô ích, không có lòng thù oán, hãm hại kẻ khác; có sự nhẫn nãi; không
làm quá phạm vi luật lệ của quốc gia đã có, vì lòng bất bình sân hận của mình[1]. Như
Ðức Phật đã chỉ ra, chính các bậc Vua chúa là người phải an lập mình vào chánh
pháp (dhamma),
hiếu đạo với cha mẹ và có lòng chánh trực, tránh những thói hư tật xấu và làm
mẫu mực cho thần dân của mình. Ngài nói: "Nếu Vua là người được liệt vào hàng chánh trực
nhất trong số những thần dân sống không chánh trực của mình. Thời có cần phải
nói người khác không? Mọi người sẽ noi theo gương Vua. Nếu Vua sống không chánh
trực thì cả nước sống trong thống khổ... nếu Vua sống ngay thẳng, mọi người sẽ
tích cực noi gương Vua và cả nước sẽ sống trong hạnh phúc"[2].
Không bao giờ thoả mãn với những vinh dự đã đạt được, bậc Vua chúa hay bậc cai trị được trông đợi phải sống nhân ái và biết chăm lo đời sống cho người dân: "giống như người cha nhân từ đối với con cái vậy"[3]. Một ông Vua suốt ngày chìm đắm trong dục lạc, kiêu hãnh với vương quyền (Issariyamadamatta) đã không được mọi người ca tụng, mà còn bị khinh miệt. Ðể có được sự công bằng, thành thật và chánh trực đối với mọi người không thiên vị hay tư vị, bậc cai trị phải tránh bốn pháp cư xử sai lầm với mọi người hay còn gọi là bốn pháp tư vị. Ðó là tư vị vì thương (chandàgati), tư vị vì ghét (dosàgati), tư vị vì si mê (mohàgati), và tư vị vì sợ (bhayàgati).
Về phương diện này, Asoka (A-Dục) bậc vĩ nhân của Ấn Ðộ, người, do đời sống gương mẫu của mình, sau đó đã trở nên nổi danh là Dhammàsoka, hay Pháp A-Dục, có thể được xem như một trong những nhà cai trị công minh, trí tuệ và nhân từ nhất của mọi thời đại. Ðiều này được chứng minh qua những chỉ dụ của người:
'Tất cả
mọi người đều là con của ta'.
'Ta
mong cho con ta hưởng mọi sự giàu sang và hạnh phúc trong đời này và đời sau
như thế nào thời ta mong cho mọi người đều được như vậy'.
'Ta sẽ
đem lại sự an ủi đến cho thế gian này. Từ nơi ta thế gian này sẽ được hạnh
phúc, không còn sầu lo'. (Chỉ Dụ I).
'Không
có bổn phận nào cao quý hơn là thúc đẩy sự hạnh phúc của toàn thế gian'.
'Ta
phải làm việc vì lợi ích của cả thế gian' (Chỉ Dụ II).
Chắc
chắn có thể nói rằng Hoàng đế A-Dục, người đã theo lời khuyên của Ðức Phật thực
hiện việc cai trị quốc gia đúng theo vương pháp, là một nhà cai trị mẫu mực và
như H.G. wells đã viết: 'Trong số hàng chục ngàn các bậc quân vương... chất
đầy các cột lịch sử, tên tuổi của A-Dục chói sáng, và chói sáng hầu như đơn
độc, đó là một ngôi sao'[4].
Ðó là chuyện của 23 thế kỷ trước, từ đó đến nay mọi sự đã trở nên xấu đi và người ta ngày càng ít quan tâm đến hạnh phúc của đồng loại. Con người ngày nay không ngừng dùng bất cứ thủ đoạn nào để nắm lấy những gì họ đã khát khao mong mỏi ngay đến độ họ phải tước đi mạng sống của kẻ khác.
Trong thế giới văn minh này chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh) có thể là một trong những điều luật khó vâng giữ nhất. Có rất nhiều loại việc làm tác hại đến xã hội và không xứng với người Phật tử chân chánh. Chẳng hạn, có những kỹ nghệ chế tạo vũ khí phục vụ chiến tranh; buôn bán rượu; những nghề liên quan đến giết thú mổ thịt hoặc mổ xẻ các động vật sống để làm thí nghiệm; nghề làm báo chuyên viết các tin giật gân; nghề quảng cáo và chào hàng không trung thực; và việc mua bán có tính cắt cổ hoặc cho vay nặng lãi. Ðạo Phật không phải là một Tôn giáo hẹp hòi thiển cận. Ðạo Phật nhìn những khuyết điểm của con người với sự hiểu biết và cảm thông. Tuy nhiên, người Phật tử chân chánh không thể thọ trì một giới luật và làm ăn sinh sống bằng một giới luật khác, làm mất giá trị của giới luật ấy đi'[5].
Giới liên quan đến nuôi mạng chân chánh được Ðức Phật thiết lập là nhằm đem lại hạnh phúc thực sự cho từng cá nhân và xã hội, đồng thời để thúc đẩy tình đoàn kết và những mối quan hệ chính đáng giữa con người. Một lối sống tà vạy, không chân chánh kéo theo nó rất nhiều bất hạnh, chia rẽ và rối ren cho toàn xã hội. Khi một người hay một cộng đồng không khắc phục được tội ác bóc lột người khác, điều này đã gây trở ngại cho sự an lành và hoà hợp của xã hội. Chính lòng ích kỷ và tham lam đã thúc giục người ta chọn lối sống tà vạy và phi pháp. Những người như vậy hoàn toàn lãnh đảm hay dửng dưng trước những mất mát và đau khổ mà họ đã gây ra cho đồng bào của họ và cho xã hội. Do vậy, Ðức Phật nói:
"Không
vì mình, vì người
Làm điều gì sai trái
Ðừng mong cầu con cái
Tài sản hay quốc độ,
Chẳng mong được thành công
Bằng phương tiện bất chánh
Người ấy thật đức hạnh
Có trí tuệ, chân chánh"[6].
Ðức Phật không phải không biết đến những gánh nặng mà người tại gia sống với vợ và con cái phải cưu mang, chính vì vậy Ngài không trông đợi nơi họ những giới luật y như Ngài đã trông đợi ở một vị xuất gia. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng người tại gia cư sĩ phải cố gắng gìn giữ ít nhất là ngũ giới, chuẩn mực đạo đức tối thiểu của một người bình thường, và rằng họ phải cố gắng sinh sống bằng những nghề nghiệp chân chánh, bằng chánh hạnh (Dhamma cariyà), và nuôi nấng vợ con cũng bằng cách ấy. Nuôi mạng bằng những phương tiện bất công và không chân chánh là thế nào - sát sanh, trộm cắp, lừa đảo và bằng những việc làm bất lương khác, không thể đựơc xem là sinh sống chân chánh. Về mặt luân lý đó là lối sống phi pháp (Adhamma cariyà), một lối sống không bình thường, một lối sống bất chánh (Visamma cariyà).
Ðức Phật không xem thường hàng tại gia, mà Ngài cảm thông với những khiếm khuyết và hạn chế của họ. Suy cho cùng thì xã hội không phải chỉ gồm những bậc Sa-Môn và ẩn sĩ từ bỏ gia đình sống không gia đình, mà xã hội còn có cả hàng thế tục mà họ được coi là một lực lượng đông đảo của xã hội, về cơ bản mà nói thì đó là một sự tập hợp của các nhân tố xã hội, vì thế sự thịnh vượng hay suy thoái của xã hội tuỳ thuộc vào các cá nhân. Nếu các cá nhân là những người tốt và sống một cuộc sống đúng đắn, đương nhiên xã hội ấy không thể là xấu được.
Một số bài kinh như Sigàla Sutta[7] (kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt) có thể gọi một cách chính xác là giới luật của người tại gia (gihi vinaya), Vyagghapajja Sutta [8] ... là những bài kinh do Ðức Phật thuyết đặc biệt cho hàng tại gia đã cho thấy rõ sự quan tâm của bậc Ðạo Sư đối với cả hai phương diện hạnh phúc vật chất và phát triển tinh thần của hàng tục gia đệ tử của Ngài. Trong bài kinh giáo hoá thanh niên Sigàla, bằng ngôn ngữ giản dị, Ðức Phật đã giải thích những phận sự cần phải chu toàn của một người tại gia cư sĩ đối với tất cả những người mà họ có quan hệ: Những phận sự hỗ tương giữa các bậc cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè và thân quyến, giữa chủ và tớ, và phận sự đối với tôn giáo, nghĩa là đối với các Sa-Môn và Bà-La-Môn. Bằng cách này Ðức Phật đã khuyến khích người tại gia cư sĩ sống một cuộc sống chân chánh, hoàn thành mọi phận sự của mình một cách tốt đẹp bằng hết khả năng của mình và điều quan trọng là không bỏ sót việc gì không làm.
Bà C.A.F. Rhys Davids, khi bình luận về kinh Sigala này có nói:
"Giáo
lý của Ðức Phật về tình thương và thiện chí ở đây được giới thiệu trên nền tảng
luân lý gia đình và xã hội với chi tiết dễ hiểu hơn ở các bài kinh khác... .và
thực sự chúng ta có thể nói rằng ngay cả ngày nay những giới luật này vẫn chứa
đựng những lợi ích cơ bản nhất của con người, trí tuệ vạch ra những điều này
quả là sáng suốt và sâu rộng, rằng việc trình bày ở không gian và thời gian này
vẫn mới mẻ và thực tiễn như nó đã từng tại Ràjagaha lúc bấy giờ. Hạnh phúc thay
những xóm làng và bộ tộc hai bên bờ sông Hằng (Ganges), nơi đây con người sống
ngập tràn tinh thần nhân ái của sự thông hiểu lẫn nhau, ngập tràn tinh thần cao
thượng của vị công bằng mà họ hít thở qua những lời dạy chất phác và giản dị
này". Ắt hẳn sẽ hạnh phúc không kém đối với các ngôi làng hay dòng họ ở
hai bên bờ sông Thames (một con sông của nước Anh, nơi bà Rhys Davids sinh
sống) ngày nay, nếu như những lời dạy mộc mạc và bình dị này có thể được trình
bày"[9].
Như chúng ta đã biết, sau khi thành tựu sự giác ngộ viên mãn Ðức Phật không phải lúc nào cũng giam mình trong tịnh thất, mà Ngài dong duỗi hết thị trấn này đến thị trấn khác, hết làng mạc này đến làng mạc khác qua những con đường lớn nhở của Ấn Ðộ. Ngài lưu tâm đến tầng lớp bình dân hơn tầng lớp thượng lưu dân quý tộc. Các bậc Vua chúa và hoàng gia tìm đến Ngài để xin lời chỉ dạy và hướng dẫn, nhưng bậc Ðạo Sư đích thân đi đến những người nghèo khổ, thấp hèn và đau khổ để giúp họ. Ngài hiểu mọi người, từ những tầng lớp thấp thỏi nhất của xã hội đến tầng lớp cao quí nhất và Ngài cũng ý thức rất rõ điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của Ấn Ðộ lúc bấy giờ. Nhờ hiểu biết mọi việc như vậy nên Ngài không giới hạn những bài giảng và thảo luận của Ngài, vào những vấn đề triết lý và tâm lý cao siêu. Là một bậc Thầy thực tiễn với lòng từ và trí tuệ vô biên, Ngài lưu tâm đến những phúc lợi xã hội và điều kiện kinh tế của số đông, và luôn luôn mong ước, bằng lời khuyên của Ngài sẽ làm vơi đi nỗi thống khổ của con người, cũng như thấy rằng họ sống không quá mức bất hạnh. Thực sự mà nói thì hạnh phúc phải phát xuất từ một cuộc sống thanh tịnh và an lạc; nhưng điều hiển nhiên là nếu không có một mức độ ổn định nào đó về mặt vật chất và kinh tế thì tiến bộ đạo đức và tinh thần cũng khó có thể ổn định.
Ðối với một người tu sĩ, bốn món vật dụng thiết yếu (Catupaccaya) giúp họ tiến bước trên con đường thanh tịnh và giải thoát. Ðó là y áo, thực phẩm, thuốc men và sàng toạ. Ðây chỉ là những nhu yếu mà không có nó thì không ai có thể sống được. Về cơ bản đó cũng là những nhu cầu cần thiết của người tại gia.
Chính thói quen của Ðức Phật là hỏi các vị Tỳ khưu mỗi khi gặp họ: "Các con có được an lành không, các con sống có an vui không? Như Lai tin rằng các con sống được an vui, các con sống không đến nỗi thiếu thốn vật thực"[10]. Có một câu chuyện cảm động kể về một người mục đồng nọ đang đi tìm con bò thất lạc, lỡ bữa ăn trưa. Trên đường trở về, vừa đói vừa mệt, anh ta đi đến chỗ Ðức Phật để nghe Ngài giảng pháp. Tuy nhiên, Ðức Thế Tôn biết rằng người mục đồng này đã không ăn gì suốt cả ngày nay, Ngài bèn hỏi thăm mọi người xem trước hết có gì cho anh ta ăn không đã. Ðức Phật biết là thuyết pháp cho bất luận người nào mà trước tiên không thoả mãn cơn đói của họ là việc làm vô ích. Nhân dịp đó Ðức Phật nói lên bài kệ này:
"Ðói
bụng bịnh trầm kha,
Các uẩn khổ vô cùng
Biết đúng sự thật này
Niết bàn lạc tối thượng"[11].
Mặc dù Ðức Phật không xem tiến bộ vật chất trong ý nghĩa văn minh hiện đại cũng như hạnh phúc thế gian là điều quan trọng, nhưng không phải là Ngài hoàn toàn bỏ qua việc ấy, bởi vì đó là căn bản cho tiến bộ tâm linh hay tinh thần của con người như đã nói rõ ở trên. Vì thế có thể nói Ðức Phật rất là thẳng thắn khi đề cập đến những phương diện có liên quan tới điều kiện vật chất và an lạc xã hội.
Một thực tế mà cũng phải nhìn nhận rằng đói nghèo là nguyên nhân chính của tội ác. Nếu người ta bị tước đoạt mất bốn món vật dụng kể trên, hoặc nếu bốn món thiết yếu này, đặc biệt là thực phẩm trở nên khan hiếm, tâm con người sẽ bất an. Họ không thể và chắc chắn là không còn nghĩ gì đến giới hạnh, hoặc là quan tâm đến nếp sống chân chánh. Tuỳ cơ ứng biến và thế là họ nghiêng về lối sống bất chánh để được sống còn. Do thiếu ổn định về kinh tế, và do thiếu thốn tiền bạc mà con người bị dẫn đến chỗ trộm cắp và phạm vào những tội ác khác. Kinh Kàtadanta[12] nói rõ cách làm thế nào để phát triển các điều kiện kinh tế và xã hội của một xứ sở, theo đó người nông gia và thương gia cần phải được chu cấp những phương tiện cần thiết để thực hiện việc canh tác và buôn bán của họ, và rằng mọi người phải được trả lương đầy đủ. Khi họ đã có đủ ăn đủ mặc và cuộc sống kinh tế ổn định như vậy, tội phạm sẽ giảm và an vui, hoà hợp sẽ tăng trưởng.
Trong
một bài kinh khác Ðức Phật giải thích cho Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika), người sáng lập
Kỳ Viên Tịnh Xá (Jetavana), bốn loại lạc mà người tại gia có thể thọ hưởng.
Thứ nhất là lạc sở hữu hay sự ổn định kinh tế, nhờ đó người ấy có phương tiện
đầy đủ (atthi
sukha), thủ đắc đúng pháp do chính những nỗ lực của mình, không dùng
đến năm nghề bất chánh kể trên; thứ hai là lạc về tài sản (bhoga sukha) hay hạnh phúc
thành tựu do biết tiêu dùng sáng suốt những tài sản hợp pháp đó; thứ ba là lạc
không bị mắc nợ (anana sukha), là sự hoan hỉ và thoả thích phát sanh với ý
nghĩ: "Ta không mắc nợ
ai điều gì cả", thứ tư là lạc không phạm tội (anavajja
sukha), là sự thoả mãn phát sanh từ ý nghĩ: "ta thành tựu các hành vi không lỗi về thân, về lời và
ý"[13].
Tất cả những gì được thảo luận ở đây cũng như trong các bài pháp trích dẫn đủ để cho thấy rằng người tại gia cư sĩ, như một thành phần của xã hội, phải có bổn phận siêng năng làm việc để sinh sống và củng cố địa vị kinh tế và xã hội của mình, nếu không họ sẽ trở thành gánh nặng cho chính bản thân họ và cho xã hội, nhưng đồng thời họ cũng phải tránh những cách sanh nhai bất chánh, tà vạy và nhất là không đi lệch ra ngoài con đường chánh trực,
Những lời chỉ dẫn và khuyên bảo của Ðức Phật về chánh mạng nhằm vào cả hai giới tại gia và xuất gia. Ngài rõ ràng đã giải thích cho hàng đệ tử của mình thấy rằng đời sống của người tu sĩ phải tuyệt đối trong sạch và không lầm lỗi. Bậc Ðạo Sư thật sự rất chú trọng đến vấn đề này, vì Ngài nói:
"Này các Tỳ khưu, những vị Tỳ khưu nào lừa dối, cứng đầu, lắm mồm, lắm miệng, hoang dâm, hỗn hào, không có định tĩnh, những vị Tỳ khưu ấy không phải là đệ tử của Ta. Những Tỳ khưu ấy đã rơi khỏi Pháp-Luật này, họ không thể phát triển, tăng trưởng và tăng thịnh trong Pháp-Luật này"[14].
Bậc
Ðạo Sư nói thêm: "Này các Tỳ khưu, phạm hạnh (Brahmacariyam) được sống không phải
để lừa dối mọi người, không phải để mưu đồ, không vì lợi lạc vật chất, cũng
không phải vì mục đích danh vọng. Ðời phạm hạnh này được sống không phải để lý
luận, tạp thoại, không phải với ý định: "mong rằng mọi người sẽ biết ta
như thế này, như thế nọ..." Mà này các Tỳ khưu, phạm hạnh này được sống vì mục
đích tiết chế, vì mục đích từ bỏ, vì mục đích xả ly, vì mục đích đoạn
diệt"[15].
Như bài kinh "Xuất gia"[16] đã chỉ rõ, chính Ðức Phật đã nêu tấm gương cho hàng đệ tử khi Ngài nói:
"Bỏ
nhà ta xuất gia
Từ bỏ mọi lời ác
Và những thân hành ác
Chánh mạng ta thanh tịnh".
Trong trường hợp một người xuất gia, vấn đề tránh năm loại nghề bất chánh không được nêu ra, vì người xuất gia chắc chắn không dính mắc vào những công việc, vị ấy cũng không có trách nhiệm chăm lo đời sống gia đình. Người xuất gia đã từ bỏ gia đình và chấp nhận lối sống thiểu dục, tri túc (ít muốn, biết đủ) như Ðức Phật nói; chính bổn phận của người tại gia cư sĩ có niềm tin là hộ trì cho chư Tăng bốn món vật dụng: Y áo, thực phẩm, sàng toà và thuốc men[17].
Vị Tỳ khưu, như một người đã bước vào đời phạm hạnh, phải tránh tất cả những phưong tiện sinh sống tà vạy, vì nếu vị ấy không minh bạch và trong sạch trong lối sống thì khó có thể đi theo con đường thanh tịnh dù chỉ với chút tín tâm và lòng hoan hỉ. Chính vì vậy Ðức Phật nói:
"Ðường
này đến thế gian,
Ðường kia đến Niết bàn
Tỳ khưu đệ tử Phật,
Phải ý thức rõ ràng
Ðừng đắm say thế lợi
Hãy tu hạnh ly tham"[18].
Với chương này chúng ta khép lại phần thảo luận về nhóm giới của Bát Chánh Ðạo. Trong hai chương trước chúng ta đã đề cập đến Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và cùng với Chánh Mạng này tạo thành Giới hay luân lý của đạo Phật. Sự kiện này một lần nữa được làm sáng tỏ trong lời tuyên bố cô đọng của Ðức Phật ở bài kinh số 78 của Majjhimà Nikàya (Trung Bộ Kinh):
"Này
gia chủ, thế nào là các thiện giới (Kusasìlam)? Thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp
thiện, và chánh mạng hoàn toàn thanh tịnh Như Lai tuyên bố là gồm trong các
thiện giới. Những điều này được gọi là thiện giới, vậy cái gì là sự sanh khởi
của những thiện giới này?... thiện giới được sanh khởi trong tâm (ý: citta)...
tâm nào? Vì có rất nhiều tâm khác nhau. Tâm nào không tham, không sân, và không
si. Các thiện giới phát sanh từ tâm ấy..."
Lời nói và hành động đều do ý thể hiện. Trong Phật giáo cả hai động cơ và kết quả cần phải được cân nhắc. Cho dù động cơ có thể là tốt, nhưng nếu kết quả xảy ra sẽ không lành mạnh, chúng ta cũng nên tránh những lời nói và hành động sai lầm ấy.
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01
| 02
| 03
| 04
| 05
| 06
| 07
| 08
| 09
| 10
| 11
| 12
| 13
| 14
[Trở về trang Thư Mục]
[1] Thập vương pháp theo Pàli: Dàna, Sìla, Pariccàga, Ajjava, Maddava, Tapa, Akodha, Avihimsà, Khanti, Avirodhana.
[2] A.II. 74.
[3] D.II. 178.
[4] The Outline of History (Cassel and Co., London, 1934) trang 402.
[5] Mind Unshaken, Johnwalters (Rider and company, 1961).
[6] Dhp. 84.
[7] D.II. 31.
[8] A.II.
[9] T.W. Rhys Davids, Buddism (London, 1907). Trang 148.
[10] M. 31. A.I. 70.
[11] Dhp. 203.
[12] D.5.
[13] A.II. 69.
[14] A.II. 26.
[15] A.II. 26.
[16] Pabbajjà -sutta, sn. V. 407.
[17] A.II. 65.
[18] Dhp. 75.