BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Con Ðường Cổ Xưa
(The Buddha's Ancient
Path)
Piyadassi Thera
Dịch giả: Tỳ Khưu Pháp Thông
CHƯƠNG
IV
THÁNH ÐẾ THỨ BA
NIRODHA: SỰ DIỆT KHỔ
-ooOoo-
Trong chương II và III chúng ta đã đề cập đến khổ và nhân sanh khổ. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của Sự Diệt Khổ (Dukkha-Nirodha) mà thường được hiểu là Niết bàn. Nghĩa theo từ nguyên của Nirvàna (Sanskrit) được giải thích là ni + vàna, thoát khỏi tham ái, dứt trừ tham ái, hoặc nir + và, ngừng thổi hay bị dập tắt.
Mặc dù những ý nghĩa theo từ nguyên của Pàli và Sanskrit này có thể giúp chúng ta hiểu được danh từ, nhưng nó không giúp chúng ta chứng nghiệm được hạnh phúc của Niết bàn. Sự chứng đắc, như chúng ta sẽ thấy trong chương kế, phát xuất từ Giới (Sìla), Ðịnh (Samàdhi) và Tuệ (Pannà). Niết bàn là một Pháp (Dhamma), một kinh nghiệm rất khó có thể giải thích vì tính chất tế vi của nó. Niết bàn thường được hiểu là pháp siêu thế (Lokuttara), tuyệt đối, vô vi (Asamkhata). Niết bàn được bậc trí chứng đắc, tự mỗi người ngộ lấy cho chính mình.
Nói gì đến Niết bàn, một điều rất đơn giản như vị ngọt của đường còn không thể giải thích cho người chưa từng có kinh nghiệm trước đây hiểu được về nó, bằng cách khuyên họ đọc một cuốn sách phân tích thành phần hóa học của đường. Thế nhưng nếu họ chỉ cần bỏ một chút đường vào lưỡi, lập tức họ sẽ cảm nhận được vị ngọt và lúc ấy lý thuyết về đường đâu cần nữa.
"Niết bàn là gì?" là một câu hỏi mà dù là Phật tử hay không phải Phật tử cũng thích hỏi ngay từ đầu. Ðây không phải là vấn đề của ngày hôm nay hay hôm qua. Có thể người ta đã đưa ra những câu trả lời rất thông minh và Niết bàn đã được giải thích bằng những từ ngữ hết sức tán tụng, thế nhưng lý thuyết nhiều bao nhiêu cũng không đưa chúng ta gần đến Niết bàn chút nào cả, vì nó vượt ngoài phạm trù của ngôn ngữ và lý luận (Atakkàvacara). Có lẽ an toàn hơn và dễ dàng hơn là nói về những gì Niết bàn không phải là, vì nó không thể dùng ngôn từ để diễn đạt. Niết bàn là pháp không thể mô tả cũng như không thể truyền đạt được. Trong sự cố gắng của chúng ta nhằm giải thích Niết bàn, chúng ta đã dùng những ngôn từ có ý nghĩa hạn chế, những từ liên quan đến thế gian, trong khi đó Niết bàn, chân lý tuyệt đối chỉ được chứng đắc qua việc tu tập tăng thượng tâm và tuệ, vượt qua bất kỳ kinh nghiệm thế gian nào và ngôn ngữ cũng không vươn đến được. Thế thì tại sao lại phải viết về Niết bàn? Sở dĩ phải viết là để ngăn ngừa những sự hiểu lầm về chân lý Niết bàn của đạo Phật mà thôi.
Ðức
Phật nói:
"Này các Tỳ kheo, Như Lai nghĩ rằng Pháp (Dhamma) mà Như Lai đã chứng ngộ
này thật sâu xa, khó thấy, khó hiểu, an lạc và cao thượng, vượt ngoài lý luận,
vi diệu và chỉ có bậc trí mới có thể hiểu được. Còn phàm nhân này thì thích
thú, đam mê và hân hoan trong dục lạc, thật khó thấy được pháp duyên khởi, pháp
tùy thuộc phát sanh này. Họ cũng khó thấy được sự an tịnh các pháp hữu vi này,
khó từ bỏ mọi sanh y, ái diệt và ly dục, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Như Lai
giảng pháp mà mọi người lại không hiểu Như Lai, thì thật là một điều khó cho
Như Lai, một điều vô ích cho Như Lai".
Từ lời tuyên bố trên của Ðức Phật đã cho thấy rõ là sự đoạn diệt tham ái (tức Niết bàn) là khó thấy và khó hiểu.
Khi
giải thích về Thánh Ðế thứ ba trong bài pháp đầu tiên của mình, Ðức Phật nói: "Này
các Tỳ kheo, đây là Thánh Ðế về sự diệt khổ: chính là sự đoạn tận (niro-dho),
là xả ly (càgo), thoát ly (patinissaggo), giải thoát (mutti) và không chấp
trước (anàlayo) khát ái ấy"[1].
Mặc
dù trong định nghĩa này, từ Niết bàn không được đề cập đến, nhưng "sự
đoạn tận ái" đã hàm ý Niết bàn. Ở một nơi khác điều này đã được
Ðức Phật làm sáng tỏ "Quả thực, này Ràdha, sự đoạn tận ái
(Tanhàkkhayo) là Niết bàn"[2].
Trả lời câu hỏi của một vị Chư Thiên, Ngài nói: "Ðoạn trừ tham ái (Tanhàya
vippahà-nena) là Niết bàn"[3].
Còn Ngài Xá Lợi Phất thì nói: "Sự nhiếp phục dục tham, sự đoạn trừ dục tham
(Chandaràga) đối với năm thủ uẩn, chính là sự diệt khổ"[4].
Từ những trích dẫn trên cho thấy rằng Nirodha hay Nibbàna là sự đoạn diệt, sự tận diệt tham ái (Tanhà). Như chúng ta đã thấy trong chương trước, tham ái là nhân sanh khổ và khổ này chỉ dừng lại khi nhân của nó dừng. Với sự từ bỏ tham ái ta cũng từ bỏ khổ và tất cả những gì liên quan đến khổ. Do đó, Niết bàn được giải thích như là sự đoạn tận của khổ.
Có lẽ cũng cần ghi nhận ở đây là mặc dù những từ mang tính tiêu cực thường được dùng để định nghĩa Niết bàn. Chúng vẫn không hàm ý rằng Niết bàn chỉ là sự tiêu cực hay sự hủy diệt của một cái ngã. Xét cho cùng sự phủ định không có nghĩa là một sự rỗng không tuyệt đối, một sự trống rỗng, mà chỉ là sự vắng lặng của một cái gì đó. Một vị A-La-Hán đã chứng đắc Niết bàn và thoát khỏi mọi tham ái. Tham ái không còn hiện diện trong vị ấy, và điều này không đơn thuần là sự trống không, hay sự hủy diệt của Tự Ngã, bởi vì không có cái Ngã để bị hủy diệt.
Trong Kinh Ðiển hiển nhiên cũng có những từ rất tích cực như Khemam (sự an ổn), Suddhi (thanh tịnh), Panìtam (thắng diệu), Santi (tịnh lạc), Vimutti (giải thoát), đã được dùng để biểu thị vô vi Niết bàn. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của những từ này đã bị hạn chế đối với kinh nghiệm hiểu biết của thế gian hữu tình. Tất cả những định nghĩa tích cực này đều phát xuất từ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới hiện tượng. Một khái niệm của phàm nhân về các pháp là Samsaric (luân hồi). Ðó là, thuộc về sự hiện hữu hay sự trở thành. Chính vì vậy mọi khái niệm của họ liên quan đến Niết bàn cũng bằng những từ mang ý nghĩa trở thành, và do đó họ không thể có một bức tranh chân xác về Niết bàn được. Tất cả những tư duy, ý niệm và ngôn từ của họ đều giới hạn, hữu vi. Do đó, không thể được áp dụng cho Niết bàn, một pháp không tạo tác (vô tác), không điều kiện (vô vi) và không cấu hợp (vô tướng).
Theo quy ước chúng ta nói về những từ tích cực và tiêu cực; những từ này cũng như mọi thứ khác là tương đối; nhưng Niết bàn vượt qua hai phạm trù tích cực và tiêu cực, nó không liên hệ đến bất cứ điều gì do điều kiện tạo thành (hữu vi pháp). Ðức Phật đã phải dùng những từ ngữ của thế gian biết rằng nó có những hạn chế. Liên quan đến câu hỏi, thế nào là Niết bàn? Chúng ta hãy nghe những lời giải thích của Ðức Phật:
"Này
các Tỳ kheo! có hai Niết bàn giới (Nibbàna dhàtuyo). Thế nào là hai? Niết bàn
giới có dư
y (Saupà-disesa)[5] và Niết bàn
giới không dư y (Anupàdisesa). Này các Tỳ kheo, thế nào là Niết bàn giới có dư y?
Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo là bậc A-La-Hán, các lậu hoặc (Àsava) đã
đoạn tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, đã đặt gắng nặng xuống,
đã đạt A-La-Hán quả theo tuần tự, đã đoạn diệt các hữu kiết sử, bậc đã giải
thoát nhờ hiểu biết chân chánh. Chính các căn của vị ấy chưa bị hủy hoại nên vị
ấy cảm thọ các điều khả ý và không khả ý, vị ấy cảm thọ lạc và khổ. Ngũ uẩn vẫn
còn, chính sự tận diệt tham, sân, si của vị ấy, này các Tỳ kheo được gọi là
Niết bàn giới hữu dư y (Saupàdisesa nibbana-dhàdu)".
"Này các Tỳ kheo, thế nào là Niết bàn giới vô dư y (Anupàdisesa nibbànadhàtu)?".
"Ở
đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo là bậc A-La-Hán, các lậu hoặc đã đoạn tận,
phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt
A-La-Hán quả theo tuần tự, hoàn toàn tận diệt các hữu kiết sử, bậc đã giải
thoát nhờ hiểu biết chân chánh. Mọi cảm thọ của vị ấy không còn ưa thích, không
còn thích thú (Anabhinanditàni), đã trở nên lắng dịu: Này các Tỳ kheo, chính
điều này được gọi là Niết bàn giới vô dư y.
Này các
Tỳ kheo, đây là hai Niết bàn giới".
Sự kiện này Ðức Thế Tôn đã tuyên bố như sau:
"Niết bàn giới này
Ðược vị có pháp nhãn
Trình bày và thuyết giảng,
Không y tựa như vậy
Một loại Niết bàn giới,
Ở đây, thuộc hiện tại
Còn có các Dư Y,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt
Không Dư Y Niết bàn
Lại thuộc về tương lai
Với vị đạt giới này,
Mọi hữu diệt hoàn toàn,
Những ai với chánh trí,
Biết con đường vô vi
Tâm tư được giải thoát,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt,
Những ai chứng đạt được
Cốt lõi của các pháp[6]
Hoan hỉ trong diệt tận
Những vị ấy như vậy
Ðã từ bỏ hoàn toàn,
Tất cả mọi sanh hữu"[7].
Con
người gồm có năm uẩn hay tâm và thân, chúng thay đổi không ngừng, do đó gọi là
vô thường. Ngũ uẩn sanh rồi diệt, vì "phàm cái gì sanh khởi, tất cả đều chịu sự đoạn
diệt[8]".
Tham,
Sân, Si trong con người khiến cho họ luân chuyển mãi, vì như kinh đã nói: "Không
từ bỏ Tham, Sân, Si, con người không thoát khỏi tử sanh"[9].
Bậc đã đạt đến A-La-Hán quả, nghĩa là đã giải thoát ngay khi còn đang sống, do nhổ bật gốc Tham, Sân, Si. Như đã nói ở trên sự giải thoát này gọi là Niết bàn giới hữu dư y (Saupàdisesa nibbànadhàtu). Ngũ uẩn của một vị A-La-Hán hay sanh y của vị ấy là do tham, sân, si trong quá khứ vô định của vị ấy tạo thành. Vì vị ấy vẫn còn sống nên các uẩn của vị ấy phải vận hành. Vị ấy, do đó, vẫn cảm thọ những thọ lạc cũng như thọ khổ mà các căn của vị ấy lưu giữ do sự xúc chạm với các trần cảnh. Nhưng vì vị ấy đã thoát khỏi sự chấp thủ, phân biệt và ý niệm về ngã thể nên vị ấy không bị tác động bởi những cảm thọ này.
Giờ đây, khi vị A-La-Hán nhập diệt, các uẩn của vị ấy, hay sanh y của vị ấy cũng ngưng vận hành, chúng sẽ tiêu hoại vào lúc chết; các thọ của vị ấy không còn nữa, và do sự tẩy trừ Tham, Sân, Si mà vị ấy không còn tái sanh, đương nhiên lúc ấy sự ấp ủ các cảm thọ cũng không còn. Và do đó, như đã được nói "thọ của vị ấy sẽ trở nên nguội lạnh (sìtibhavissanti)". Sự kiện này được diễn tả trong Udàna (Kinh Phật Tự Thuyết) như sau:
"Thân
bị hoại, tưởng diệt,
Mọi thọ được nguội lạnh,
Các hành được lặng yên,
Thức đạt được mục đích"[10].
Sự
kiện này gọi là Niết bàn giới vô dư y (Anupàdisesa nibbànadhàtu).
Từ những điều đã đề cập ở trên, vị trí của bậc A-La-Hán đã rõ ràng. Khi một người đã trừ diệt hoàn toàn tam độc Tham, Sân, Si đưa đến tái sanh, vị ấy giải thoát khỏi những trói buộc của vòng luân hồi (Samsàra), không còn phải tái sanh. Vị ấy được tự do đúng theo ý nghĩa của từ này. Không còn điều gì khiến vị ấy phải tái sanh lại làm người, vì vị ấy đã chứng đắc Niết bàn, sự tận diệt hoàn toàn của dòng tiến sinh và trở thành (bhava-nirodha: hữu diệt). Vị ấy đã vượt qua những hoạt động bình thường của thế gian mặc dù vẫn sống trong cuộc đời này, vị ấy đã tự nâng mình lên một trạng thái siêu thế; những hành động của vị ấy không còn tạo nghiệp, nghĩa là không còn cho quả trên phương diện nghiệp báo, vì chúng không bị tác động bởi tam độc, bởi những kiết sử (kilesa), vị ấy vô nhiễm với mọi điều ác, đối với các cấu uế của tâm. Trong vị ấy không còn các tùy miên phiền não hay những khuynh hướng ngủ ngầm (anusaya); "Vị ấy vượt qua cả thiện lẫn ác, từ bỏ cả tốt lẫn xấu"[11], quá khứ, vị lai và ngay cả hiện tại không còn làm cho vị ấy phải lo lắng. Vị ấy không chấp trước điều gì trong thế gian này, vì vậy không còn sầu lo. Những thăng trầm của cuộc sống không làm vị ấy xao xuyến lo sợ. Như trong hạnh phúc kinh (mangala sutta) có nói:
Khi xúc
chạm việc đời
Tâm không động (Nakampati), không sầu (Asokam)
Tự tại (Khemam) và vô nhiễm (Virajam).
Là hạnh phúc tối thượng
Như vậy, Niết bàn là một trạng thái có thể chứng đắc ngay trong kiếp sống này (ditthadhammanibbàna). Người có suy tư, có đầu óc quan sát, hẳn sẽ không thấy khó hiểu trạng thái này, trạng thái mà chỉ có bậc A-La-Hán mới có thể mặc nhiên công nhận.
Mặc dù phàm nhân có thể cảm nhận được tính chất bất toại nguyện của cuộc sống, và trực nhận được thế nào là khổ, thế nào là những cấu uế và tham ái là thế nào, nhưng họ không hiểu được thế nào là sự đoạn trừ hoàn toàn của các cấu uế. Bởi vì họ chưa từng kinh nghiệm điều đó, nếu họ làm được, họ sẽ hiểu qua sự tự chứng, thế nào là trạng thái không còn các cấu uế, thế nào là Niết bàn hoặc thế nào là chân lý, hạnh phúc thực sự là thế nào. các bậc A-La-Hán nói về Niết bàn với kinh nghiệm thực sự chứ không phải dựa vào lý thuyết, nhưng các Ngài không thể bằng sự chứng ngộ của mình, làm cho người khác hiểu được Niết bàn. Người thỏa mãn cơn khát của mình sẽ hiểu được cảm giác giải thoát mà họ đạt được, nhưng họ không thể giải thích cảm giác này cho người khác. Dù cho họ có thể nói về cảm giác đó nhiều bao nhiêu, người khác cũng không cảm nhận được điều đó; vì đây là kinh nghiệm tự thân, sự tự chứng. Sự chứng ngộ là việc riêng của mỗi người. Mỗi người phải tự ăn và tự ngủ lấy, tự điều trị những chứng bịnh của mình; đây chỉ là những nhu cầu hàng ngày, huống nữa khi nói đến vấn đề phát triển nội tâm của con người, đến sự giải thoát tâm.
Ðiều khó nắm bắt là Niết bàn giới vô dư y hay nói một cách khác là Bát Niết bàn (parinibbàna) hoặc sự diệt độ của một vị A-La-Hán.
Một đoạn kinh thường hay được trích dẫn trong Udàna (Phật Tự Thuyết) như sau:
"Nầy
các Tỳ kheo! có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Nếu
không có cái không sinh, không hiện hữu, không bị làm và không hữu vi thì ắt
hẳn sẽ không có sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, bị làm và hữu vi. Vì rằng
có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm và không hữu vi, nên có sự xuất
ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi[12].
Ở đây
không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có hư không vô
biên, không có thức vô biên, không có vô sở hữu xứ, không có phi tưởng phi phi
tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có mặt trời và mặt trăng. Ở
đây, này các Tỳ kheo, không có đến, không có đi, không có hiện hữu, không có
diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên.
Ðây thật sự là sự đoạn tận khổ đau (Dukkha)[13]".
Từ đoạn kinh trên chúng ta thấy rõ rằng Niết bàn tối hậu (Parinibbàna) này là một trạng thái ở đó năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tất cả những gì liên quan đến ngũ uẩn đều chấm dứt. Do đó, đây là trạng thái ở đó thuyết tương đối không có chỗ đứng. Nó vượt qua và nằm ngoài mọi thứ được xem là tương đối. Nó không phải là quả của một nhân nào, cũng không phải nhân làm phát sanh ra quả. Nó không phải đạo (Magga) cũng không phải quả (phala), nó là một pháp tuyệt đối, vô vi, không cấu hợp.
Khổ và nhân sanh khổ (tham ái) thuộc về pháp thế gian (lokiya), nhưng Niết bàn không thuộc về thế gian, nó nằm ngoài các pháp hữu vi do đó vượt qua nhân quả. Các pháp hiệp thế đều tương đối, nhưng Niết bàn là pháp không có tính chất tương đối, là Pháp Tuyệt Ðối.
Trong bài kinh vô cùng quan trọng khác (dvàyata-nupassanà)[14] ở đây Pháp Duyên Khởi và Tứ Thánh Ðế được nêu lên từng chi một, Ðức Phật gọi các Tỳ kheo và nói rằng:
"Này các Tỳ kheo! cái gì được thế giới với chư thiên, các ma, các phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-Môn và Bà-La-Môn, với chư thiên và loài người suy tưởng: 'Ðây là sự thật' (Idam saccamti upanijjhàyitam), cái ấy được các bậc Thánh (Ariya) khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là 'cái này là hư vọng', trong khi cái mà các bậc Thánh thấy là 'chân thật', thời thế gian cho rằng đó là 'hư vọng',
và Ngài nói thêm:
"Niết
bàn không hư ngụy
Bậc Thánh chân thật biết
Họ thắng tri chân thật
Không ái dục tịch tịnh"[15].
Ðây không phải là trường hợp duy nhất Ðức Phật dùng chơn đế hay chân thật (saccam) như một từ thay thế cho Nibbàna (Niết bàn), vì chúng ta thấy ở sau:
"Chơn
Ðế, này các Tỳ kheo, là một danh xưng cho Niết bàn"[16]
(Yathàbhùtam vacanam ti kho bhikkhu nibbà-nassetam adhivacanam).
"Những
vị ấy giải thoát
Ðối như thật hiện hữu,
Vì nhờ đoạn diệt được
Tham Ái đối sanh hữu"[17].
(Yathàbhùte
vimuccanti bhavatanhà parikkhayà).
(Từ Yathàbhùte thường dịch là như thực, ở đây dùng từ Chơn Ðế cho phù hợp
với văn cảnh).
Như đã được tuyên bố trong bài kinh Giới Phân Biệt[18] (dhàtu vibhaga sutta), một bài kinh quan trọng không kém, vị A-La-Hán đã an tịnh tuyệt đối bên trong (ba ngọn lửa tham, sân, si đã bị dập tắt hoàn toàn), thổi tắt từ bên trong "Paccatam yeva parinibbàyati" khi cảm thọ một lạc thọ, khổ thọ hay bất lạc bất khổ thọ, vị ấy biết rằng thọ này là vô thường, không đáng để đắm trước với ý niệm của tôi và là tôi, nghĩa là vị ấy không cảm thọ các thọ với dục tham.
Bất cứ thọ nào vị ấy cảm nhận, có thể đó là lạc thọ, khổ thọ hay bất lạc bất khổ thọ. Vị ấy cảm nhận các thọ ấy mà không bị đắm trước, không bị trói buộc vào đó (visam-yutto). Vị ấy tuệ tri rằng sau khi thân hoại mệnh chung (sau khi thọ mạng đã tận), mọi thọ và cảm thọ cũng sẽ trở nên nguội lạnh, cũng sẽ trở nên vắng lặng (sìtibhavissanti) cũng như ngọn đèn dầu được cháy đỏ nhờ vào dầu và tim đèn, khi dầu cạn và tim hết, nó sẽ tắt do hết nhiên liệu. Cũng vậy, khi một vị Tỳ kheo cảm giác một cảm thọ rằng thân đã tận vị ấy tuệ tri "ta cảm giác một cảm thọ rằng thân đã tận", và khi cảm giác một cảm thọ rằng sinh mạng đã tận, vị ấy tuệ tri "ta cảm giác một cảm thọ rằng sinh mạng đã tận", và vị ấy biết "sau khi thân hoại mạng chung, mọi cảm thọ không còn hoan hỉ ở nơi đây, sẽ trở nên nguội lạnh". Do vậy, này các Tỳ kheo, một người thành tựu như vậy là thành tựu với trí tuệ tối thắng, bởi vì trí biết về sự đoạn tận khổ (Dukkha) là thánh tuệ tối thắng vậy.
Sự
giải thoát của vị ấy, thiết lập trên chơn đế, không bị dao động. Cái gì không
thực là hư vọng, cái gì là thực (không hư vọng), Niết bàn là chơn đế (tam
saccam). Do vậy, này các Tỳ kheo, một người thành tựu như vậy là
thành tựu với chơn đế tối thượng này, bởi vì thánh đế tối thượng (Paramam
ariya saccam) là Niết bàn, là chân thực (không phải hư vọng).
Trong Ratana Sutta [19] có dạy:
'Nghiệp cũ đã tiêu mòn,
Nghiệp mới không phát khởi
Nhàm chán kiếp lai sanh
Chủng tử dục đoạn tận
Bậc trí chứng Niết bàn,
Ví như ngọn nến tắt'[20].
Ðây là vị trí của bậc A-La-Hán đã nhập diệt (parinibbato). Con đường của vị ấy, giống như con đường của loài chim trên hư không, không thể tìm ra dấu vết. Do đó, thật là sai lầm khi nói rằng vị A-La-Hán hay Ðức Phật đi vào Niết bàn, bởi vì đó không phải là một nơi, một trú xứ hay một tầng trời mà ở đây các chúng sanh tiếp tục sống một cách vĩnh hằng. Niết bàn không có sự định vị (xác định vị trí), sự nhập diệt của một vị Phật hay A-La-Hán được diễn tả trong kinh như là Parinibbuto (Bát Niết bàn), Parinibbàya (Bát Niết bàn) hàm ý sự diệt tận hay diệt độ hoàn toàn, mà sự diệt độ này rõ ràng cho thấy đó chính là sự diệt của hữu (bhavanirodha) - chấm dứt cuộc hành trình. Vậy thì điều đó có ý nghĩa gì, điều gì sẽ xảy ra đối với một vị Phật hay một vị A-La-Hán sau khi vị ấy nhập diệt đó là điều không thể giải thích, không thể xác định. Hoàn toàn không có một giới hạn, không có một kích thước nào để đo lường (Niết bàn). Ðó là một câu hỏi "không thể trả lời", "không thể xác định" (Àyakata), chơn đế tối hậu là điều không thể diễn tả và tuyên bố ra được (Anakkhàta).
Khi Upasìvà đặt câu hỏi một vị đã nhập diệt là ngưng hiện hữu, hay vĩnh viễn sống trong hạnh phúc, câu trả lời của Ðức Phật rất dứt khoát.
'Người đã thực nhập diệt,
Không thể đo lường được,
Vị ấy không có gì,
Nhờ đó có thể nói,
Có còn gì hay không,
Khi tất cả các pháp
Ðã hoàn toàn đoạn tận,
Mọi cách để diễn đạt
Cũng đã bị đoạn tận[21]".
Nếu đã Vô ngã (atta), nghĩa là vắng mặt một Linh Hồn hay cái Ta, cái gì sẽ đạt đến Niết bàn, hay ai chứng đắc Niết bàn là một câu hỏi rối mù khác. Trước tiên chúng ta cố gắng để hiểu xem cái gọi là người đây là cái gì hay là ai đã. Con người là một sự kết hợp của thân và tâm. Ðó là một tiến trình phải chịu sự biến đổi không bao giờ tồn tại giống nhau trong hai khoảnh khắc liên tiếp, và ở đây không có một cái gì thường hằng cả. Sự tận diệt của tiến trình này - dòng tâm - vật lý này - được gọi là Parinibbàna (diệt độ), không có cái "Ta", Ngã, hay Linh Hồn nào đi vào Niết bàn cả.
Vấn đề cái gì đạt đến hay ai chứng đắc Niết bàn phát sanh do quan niệm cố chấp có "Ta", Tôi và của Tôi (Ahamkàra, mamimkàra) trong con người, và tất cả mọi câu hỏi đều xoay quanh cái Ta này. Tuy nhiên không có Ta hay Ngã nằm sau mọi hành động thân, khẩu, ý. Có nghiệp nhưng không có người tác nghiệp, có tư duy nhưng không có người tư duy, có Niết bàn nhưng không có người chứng đắc Niết bàn. Chỉ có các hiện tượng diễn tiến. Trong ngôn ngữ quy ưước chúng ta nói về đàn ông, đàn bà, ta, tôi. . .v.v. . nhưng trong ý nghĩa cùng tột không có những cá nhân như vậy hiện hữu. Chỉ có một tiến trình đang hình thành và một tiến trình hoại diệt "bất cứ pháp nào có bản chất sanh, tất cả pháp ấy đều có bản chất hoại diệt".
Năm thủ uẩn tạo thành con người. Tham ái là nhân của khổ phát sanh trong năm thủ uẩn nầy. Sự diệt tham cũng ở trong năm thủ uẩn này. Như vậy một tiến trình sanh và một tiến trình diệt, và hoàn toàn không có ngã thể thường hằng hay cái "Ta" nào tạo ra các uẩn này, và cuối cùng trừ diệt nó, lại càng không phải là một tác nhân ở bên ngoài. Ở đây chỉ có sự trở thành và một sự diệt của cái đang trở thành đó. Thấy như vậy là Chánh Kiến.
Niết bàn của đạo Phật được gọi là hạnh phúc tối thượng (Paranam sukham) và như chúng ta thấy ở trên, hạnh phúc này phát sanh do sự lắng dịu hoàn toàn, sự diệt hoàn toàn của mọi cảm thọ. Bây giờ chính lời tuyên bố này lại làm cho chúng ta hoàn toàn khó hiểu, vì chúng ta đã quen cảm thọ những lạc thọ này bằng các căn của chúng ta.
Tôn giả Udàyi, một vị đệ tử Phật, cũng đã đối diện với vấn đề này. Một lần nọ Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) gọi các Tỳ kheo và nói:
"Niết bàn, này chư hiền, là lạc, Niết bàn chính là hạnh phúc".
Khi ấy Tôn giả Udàyi bèn hỏi:
"Nhưng hiền giả Sàriputta! lạc thú ấy là thế nào, vì ở đây không còn thọ?".
"Ngay
đó chính là lạc, này hiền giả vì ở đây không còn thọ[22]".
Lời
giải thích này của Tôn giả Xá Lợi Phất đã được xác chứng bởi một trong những
Phật ngôn sau: "Bất cứ cái gì được cảm thọ, được nhận thức, được cảm giác, tất cả
những cái đó đều là khổ (yamkinci vedayitam dukkhasmim ti)[23]".
Những bước cơ bản của đạo lộ diệt khổ - hướng đến Niết bàn - đã được Ðức Phật chỉ rõ. Ðó là con đường tu tập cẩn trọng nội tâm thế nào để tạo được sự an lạc thanh khiết và sự yên nghỉ tối thượng khỏi những xáo trộn của cuộc đời. Ðạo lộ này, quả thật rất khó, nhưng nếu chúng ta với sự chánh niệm và hoàn toàn tỉnh thức, bước lên trên đó thận trọng từng bước, chúng ta cũng có ngày đến đích. Một đứa bé học đi, học đứng cũng phải từ từ và với rất nhiều khó khăn, đối với các bậc đại nhân cũng vậy, đi trên con đường hoàn thiện, lần hồi từng bước, từng bước, trải qua những thất bại để cuối cùng đạt được thành công.
"Nhớ vị tu đời trước
Nhớ nếp sống của họ
Dầu nay thời hậu lai [24]
Vẫn có thể xác chứng
Con đường đạo bất tử [25]."
--ooOoo--
Ðầu trang | Mục lục
| 01
| 02
| 03
| 04
| 05
| 06
| 07
| 08
| 09
| 10
| 11
| 12
| 13
| 14
[Trở về trang Thư Mục]
[1] S.V. 412.
[2] SIII. 190.
[3] S.I. 39.
[4] M. 28.
[5] Upàdi ở đây có nghĩa là năm uẩn.
[6] Dhammasàra (lõi của pháp), ở đây là A-La-Hán quả.
[7] Iti 38, 39.
[8] S.IV. 47.
[9] A.II. 6.
[10] UD. VIII. 92.
[11] Dhp. 39.
[12] UD VIII. 3
[13] UD. VIII. 1
[14] S.N 758
[15] S.N 758
[16] S.N. 195.
[17] Iti. II. 12.
[18] M. 140
[19] Kinh Tam Bảo Sn. 14
[20] Trong chú giải nói rằng khi Ðức Phật nhìn thấy ngọn đèn tắt, Ngài đã nói lên những lời này.
[21] Sn. 1076. So sánh bài kệ này với câu trả lời của Ðức Phật cho Vaccha- một du sĩ ngoại đạo: 'Nói rằng vị ấy (bậc A-La-Hán) còn tái sanh là không hợp ở đây; còn nói rằng vị ấy không còn tái sanh, cũng không đúng trong trường hợp nầy'. M.I.486. Kinh số 72.
[22] A.IV. 414
[23] S.II. 53.
[24] Ðó là sau khi Phật nhập diệt.
[25] "Saritvà pubbake yogi-tesam vattam anussaram kincàpi pachim kàlo-phuseyya amatam padam" Thag. 947.