BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Năm chữ vàng trong Kinh tạng Pali

Như Quang


- 05 -

CHỮ TÌNH TRONG KINH TẠNG PALI

Lần đầu tiên khi nghe Thượng Tọa Minh Giác thuyết bài pháp Đế Thích Vấn Đạo, tâm hồn tôi xao xuyến như vừa đọc một bài thơ tình diễm tuyệt. Tôi không thể nào tin bài thơ tình này lại nằm ngay giữa những trang kinh Phật. Cái lôi cuốn của bài thơ là nó vừa mang tính cách lãng mạn rất thế tục lại vừa mang tính giải thoát của một cõi trời phạm thiên nào đó. Nguyên văn của bài thơ ấy như sau:

Ôi Suriya Vaccasa!
Ta đảnh lễ Timbaru,
Bậc phụ thân của n
àng,
Ðã sanh nàng thiện nữ,
Nguồn hạnh phúc của ta,
Như gió cho kẻ mệt.
Như nước cho kẻ khát,
Nàng là tình của ta.
Như pháp với Ứng Cúng,
Như thuốc cho kẻ bệnh,
Như đồ ăn kẻ đói,
Thi
ên nữ với nước mắt.
Hãy dập tắt lửa tình!
Như voi bị nắng thiêu,
Tẩm mình hồ nước mát,
Có cánh sen, nhụy sen.
Cũng vậy, ta muốn chìm,
Chìm sâu vào ngực nàng.
Như voi bị xiềng xích,
Hất móc câu, gậy nhọn,
Ta điên vì ngực nàng,
Hành động ta rối loạn.
Tâm ta bị n
àng trói,
Di chuyển thật vô phương,
Rút lui cũng bất lực,
Như cá đã mắc câu.
Hiền nữ hãy ôm ta,
Trong cánh tay của nàng!
Hãy ôm ta, nhìn ta,
Trong ánh mắt dịu hiền.
Hãy ghì chặt lấy ta,
Thiện nữ! Ta van nàng!
Ôi Hiền nữ suối tóc,
Ái dục ta có bao!
Nhưng nay đã tăng bội,
Như đồ chúng La Hán!
Mọi công đức ta l
àm,
Dâng lên bậc La Hán,
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả cho ta.
Công đức khác của ta,
Ðã làm trên đời này!
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả của ta!
Vị Thích tử thiền tu,
Nhứt tâm và giác tỉnh,
Tìm cầu đạo Bất tử,
Cũng vậy ta cầu n
àng!
Như người tu sung sướng,
Chứng Bồ Ðề tối thượng.
Kiều nữ, ta sung sướng,
Ðược nhập một với nàng
,
Nếu Thiên chủ Sakka,
Cho ta một ước nguyện,
Ta ước nguyện được nàng,
Vì ta quá yêu nàng!
Như ta-la sanh quả,
Tuệ Nữ, phụ thân nàng!
Ta sẽ đảnh lễ ngài,
Vì sanh nàng vẹn toàn!

Tôi đã đọc đi, đọc lại nhiều lần bài thơ của Pancasikha và càng đọc càng thấy cái tuyệt vời của lối so sánh giữa người mộng với kẻ đang yêu. Khi ta là kẻ mệt, nàng là ngọn gió mát. Khi ta khát, nàng là giọt nước cam lồ. Khi ta đói, nàng là thực phẩm vừa lòng. Khi ta bệnh, nàng là món linh dược quý cao. Tuyệt hơn hết là lối so sánh giữa đạo và tình. Kẻ đang tìm yêu cầu được có người yêu cũng như người tu cầu được quả Bồ Đề và sự sung sướng khi có được người tình ngang bằng niềm sự sung sướng của kẻ chân tu được đắc quả Bồ Đề. Với sự hỷ lạc tôi đọc hết chương kinh Đế Thích Vấn Đạo để tìm hiểu nguyên nhân phát sanh bài thơ trác tuyệt này.

Một thời, Thế Tôn trú tại Magadha (Ma-kiệt-đà) phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà La Môn tên Ambasanda, (Am-bà-la) trên ngọn núi Vediya (Tỳ-đà Sơn) phía Bắc ngôi làng, trong hang Indasàla (Nhơn-đà-sa-la). Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka (Ðế-thích) náo nức muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn.

Rồi Thiên chủ Sakka, với chư Thiên ở Tam thập tam thiên tháp tùng xung quanh, với Pancasikha,

Đi đến Magadha viếng Đức Thế Tôn. Vì không muốn làm dao động Như Lai trong lúc nhập thiền, Thiên chủ Sakka nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà:

- Này Khanh Pancasikha, chư Như Lai thật khó lại gần đối với người như ta. Các Ngài nhập Thiền, hoan hỷ trong Thiền, và với mục đích ấy, an lặng tịnh cư. Vậy Khanh Pancasikha trước tiên làm cho Thế Tôn hoan hỷ, sau sự hoan hỷ do Khanh tác động, chúng ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.

- Xin vâng, mong an lành đến với Ngài.

Pancasikha, con của Càn Thát Bà vâng lời Thiên chủ Sakka, cầm cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và đến tại hang núi Indasala. Khi đến xong, Pancasikha đứng lại một bên và suy nghĩ: "Ta đứng đây, không quá xa Thế Tôn, cũng không quá gần. Và tiếng sẽ được Ngài nghe."

Ðứng một bên, Pancasikha, con của Càn Thát Bà, gảy cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục như trên.

Quả thật, bài thơ đã gây sự chú ý cho Đức Thế Tôn. Sau khi ngài khen ngợi giọng ca khéo hòa điệu cùng huyền âm của Pancasikha và hỏi Ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như thế thì Pancasikha bạch với Ngài:

Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn an trú ở Uruvelà, bên bờ sông Neranjara (Ni-liên-thiền), dưới gốc cây Ajapàla-Nigrodha, khi mới thành Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, con yêu con gái của Timbaru, vua Càn Thát Bà, tên là Bhaddà với biệt hiệu Suriya Vaccasà. Nhưng bạch Thế Tôn, thiếu nữ lại yêu một người khác, tên là Sikhaddhi, con của Màtali người đánh xe. Bạch Thế Tôn, con không có phương tiện nào khác để chiếm được thiếu nữ. Con cầm đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva, đến tại trú xá của Timbaru, vua Càn Thát Bà. Khi đến xong, con gảy đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ này, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục.

Đó là nỗi lòng của Pancasikha. Vì thất tình mà Pancasikha trở thành người nhạc sĩ tài hoa. Nhờ tiếng đàn, giọng hát mà người nhạc sĩ tài hoa đó gợi được sự chú ý của Đức Thế Tôn, tạo cơ duyên cho Đức trời Đế Thích có cơ hội vấn đạo Đức Thiện Thệ đưa đến kết quả là những câu trả lời của Bậc Đạo Sư khiến mọi nghi ngờ của thiên chủ Sakka đã được diệt tận, mọi do dự được tiêu tan. Và đây chính là công đức của Pancasikha. Quá hoan hỷ, ngài hứa khả với Pancasikha sẽ thưởng cho chàng người trong mộng:

"Này Khanh Pancasikha, Ngươi đã giúp ta nhiều việc. Trước nhờ Ngươi làm Thế Tôn bằng lòng, sau khi Ngươi làm cho bằng lòng, ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ta sẽ đóng vai trò thân phụ cho Ngươi, Ngươi sẽ là Vua loài Càn thát bà. Ta sẽ cho Ngươi Bhaddà Suriya Vaccasà, người mà ngươi ao ước."

Tại sao kẻ lụy tình Pancasikha lại đi lạc vào trong kinh? Đây cũng là hệ quả của một chuỗi duyên sinh. Nhờ có Suriya Vaccasà gieo nỗi thất tình vào tâm hồn chàng lãng tử Pancasikha nên mới có khúc ca ái dục tuyệt vời. Nhờ khúc tình ca của Pancasikha mà Thiên chủ Sakka mới có cơ hội bày tỏ những thắc mắc của mình. Mượn cơ hội giải đáp thắc mắc cho Thiên chủ Sakka, Đức Thiện Thệ dạy cho đồ chúng cái hiểm nguy của tham ái qua lời trình bày của thiên chủ Sakka: "tham ái là bệnh tật, tham ái là mụn nhọt, tham ái là mũi tên, tham ái dắt dẫn con người tái sanh đời này, đời khác."

Nói về tham ái, Đức Thế Tôn luôn cảnh tỉnh chúng sanh về khía cạnh nguy hiểm nhất của tham ái là nữ sắc:

- Này các Tỷ-kheo!

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

- Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

- Ta không thấy một hương... một vị... một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương... vị... xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông.

- Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.

- Ta không thấy một tiếng... một hương... một vị... một xúc nào khác. Này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng... hương... vị... xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà. -- (Kinh Tăng Chi, Phẩm Sắc)

Do sự hiểm nguy của sắc, của ái như thế, Đức Thế Tôn đưa ra vô số bài học, những bài học vàng mà ngài lấy từ nguồn kinh nghiệm đau thương của chính Ngài chẳng hạn như bài học từ tiền kiếp khi ngài là hiền sĩ Chà Là đã bị nữ nhân làm mất đi đời sống phạm hạnh của Ngài:

Một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát đã chọn đời ẩn sĩ, xây dựng cho mình một am thất bên bờ sông Hằng, tại đó ngài đã đạt các Thắng trí cùng các Thiền chứng, và an trú trong Thiền lạc. Thời ấy, vị quan giữ công khố ở thành Ba-la-nại có một cô con gái rất hung dữ, độc ác được mệnh danh là Ác Tiểu thư, thường hay mắng chửi đánh đập gia nhân, nô tỳ của mình nên nhân dịp vui chơi giải trí trên sông Hằng, một cơn bão lớn bỗng nổi lên và bọn nữ tỳ đã thừa dịp bỏ cô xuống nước để cô bị bão nhận chìm. Khi nghe tiếng cô kêu cứu, Bồ Tát vớt nàng lên, sưởi ấm nàng và nhường am thất của mình cho nàng. Một thời gian sau Bồ Tát bị nàng quyến rũ và làm cho mất hết trí tuệ. Họ chung sống với nhau và chìu theo sự đòi hỏi của nàng, Ngài phải đưa nàng về một vùng gần biên địa sinh sống bằng nghề bán chà là. Một hôm bọn cướp đến và bắt nàng đi. Rất thích thú với đời sống mới, nàng lo sợ sẽ bị Bồ Tát đến bắt về nên nàng bày mưu cho tên cướp giết Bồ Tát. Khi bị đánh đập tàn nhẫn, Bồ Tát chỉ kêu mãi một câu:

- Ôi phường vong ân bội nghĩa, thật là gian ác. Bọn lừa đảo điêu ngoa xảo trá thế là cùng.

Nghe vậy, tên cướp hỏi nguyên do và được Bồ Tát kể lại chuyện ngài đã cưu mang người đàn bà mưu mô thâm độc đó và bị hại.

Tên tướng cướp nghe câu chuyện thì an ủi Bồ-tát rồi đánh thức cô ả dậy, vừa cầm kiếm trong tay, hắn vừa bảo rằng hắn sắp giết Bồ-tát. Rồi bảo ả giữ chặt Hiền sĩ Chà Là, hắn tuốt kiếm ra, làm vẻ sắp giết ngài, nhưng lại chặt làm đôi cô ả. Xong xuôi hắn tắm gội cho Bồ-tát sạch sẽ từ đầu đến chân và tiếp đãi ngài đủ món cao lương mỹ vị suốt mấy ngày liền cho thỏa thích.

Rồi cả hai đều trở thành ẩn sĩ sống tại am thất trong rừng, cùng đắc các Thắng trí và các Thiền chứng, cho đến khi mạng chung thì thọ sanh lên Phạm thiên giới.

Cũng trong Phẩm Nữ Nhân, Đức Thế Tôn nhắc lại tiền kiếp của ngài khi còn là một ẩn sĩ đã đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, và sống an vui trong Thiền lạc vi diệu trong một thời gian dài cho đến khi ngài mất chánh niệm vì vẻ đẹp của một nữ nhân. May sao nữ nhân này lại là người có trí đã khôn khéo đưa ngài ra khỏi cõi vô minh. Ngài đã bắt đầu bài giảng bằng nhận định “Dục tham Triền cái được gọi là Ác dục vì chúng phát khởi từ Vô minh, này các Tỷ-kheo, những gì phát khởi từ Vô minh đều tạo nên khối Si ám dày đặc.”

Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có tại quốc độ Kàsi. Khi Ngài trưởng thành và việc học vấn đã hoàn mãn, Ngài từ bỏ dục tham, xuất gia sống đời ẩn sĩ, đi vào chốn độc cư ở núi Tuyết Sơn, đạt được các Thắng trí và Thiền chứng. Một hôm vì thiếu muối và dấm, Ngài vào kinh thành khất thực. Vẻ oai nghi của Ngài khiến nhà vua thán phục nên thỉnh ngài về ngự ở hoa viên. Trong suốt mười sáu năm trời ngài ngự ở đây và thuyết pháp cho cả hoàng gia. Một hôm vì phải ra biên địa dẹp loạn, nhà vua giao cho hoàng hậu Từ Tâm việc cúng dường đến Bồ Tát. Hoàng hậu chuẩn bị một bửa cơm dâng cúng đến Bồ Tát. Hoàng hậu tắm nước hoa xong, vận xiêm y hết sức lộng lẫy, và nằm xuống đợi ngài đến trên một bảo tọa nhỏ trong một khách sảnh rộng lớn. Khi vừa xuất khỏi Thiền định, thấy đã trễ giờ, Bồ-tát liền phi hành qua không gian để đến cung điện. Chợt nghe tiếng sột soạt của chiếc y bằng vỏ cây, hoàng hậu vội vã đứng dậy để đón tiếp ngài. Trong lúc vội vàng, chiếc y của hoàng hậu tuột xuống, để lộ mọi vẻ kiều diễm của bà trước mặt vị ẩn sĩ khi Ngài vừa đến cửa. Thấy vậy, Ngài bỗng ham thích chiêm ngưỡng sắc đẹp nữ nhân kỳ diệu kia nên đã phạm Giới đức: Lửa dục nhen nhúm trong tâm Ngài, khiến Ngài giống như thân cây to bị chiếc rìu đốn ngã.

Lập tức Ngài đánh mất Thiền lực, Ngài chẳng khác gì con quạ bị cắt cụt đôi cánh. Ngài vẫn đứng yên tay nắm chặt thức ăn, nhưng Ngài không ăn được mà bước ra đi. Toàn thân rung động vì dục vọng, Ngài trở về am thất trong vườn hoa, nằm xuống trên sàng tọa bằng gỗ, và suốt bảy ngày liền chịu đói khát, toàn thân bị siết chặt trong vòng vây của sắc đẹp yêu kiều kia, nội tâm Ngài như bị lửa dục thiêu đốt bừng bừng.

Vào ngày thứ bảy, nhà vua trở về sau khi đã bình định biên thùy. Vừa ngự vương xa giữa đám rước linh đình quanh hoàng thành xong, vua đi vào cung. Rồi vua muốn thăm vị ẩn sĩ kia ngay, bèn đi đến hoa viên. Tại am thất, vua thấy Bồ-tát đang nằm trên sàng tọa. Tưởng vị ẩn sĩ bị bệnh, vua ra lệnh quét dọn sạch sẽ am thất và vừa vỗ vào chân ẩn sĩ ấy vừa hỏi Ngài bị bệnh gì.

- Tâu Ðại vương, tâm ta đang bị dục tham trói buộc: đó là căn bệnh duy nhất của ta.

- Ngài có tham dục đối với ai?

- Tâu Ðại vương, với hàng hậu Từ Tâm đấy.

- Vậy thì từ nay Hoàng hậu thuộc về Ngài, trẫm ban nàng cho Ngài đấy. Nhà vua bảo. Sau đó, nhà vua cùng vị ẩn sĩ đến cung điện ra lệnh cho hoàng hậu phục sức cực kỳ lộng lẫy rồi trao bà cho Bồ-tát. Nhưng trong lúc ban tặng hoàng hậu, nhà vua bí mật ủy thác bà phải đem hết sức mình cứu nạn cho vị ẩn sĩ thanh tịnh ấy. Hoàng hậu bảo:

- Xin Thánh thượng đừng lo ngại, thần thiếp sẽ đi cứu Ngài.

Thế là cùng với hoàng hậu, vị tu khổ hạnh ra khỏi cung điện. Hai người phải ở trong một túp lều đổ nát mà khách qua đường dùng làm nhà tắm. Hoàng hậu bắt ngài phải dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, phải xách nước, trét phân bò lên vách, đóng giường, ghế v.v…. và thêm cả ngàn việc khác nữa. Khi xong hết việc, vừa khi ngài ngồi trên giường cùng bà, bà liền nắm râu ngài kéo ngài xuống đối mặt mình và bảo:

- Thế ngài đã quên rằng ngài là một Bà-la-môn thanh thịnh rồi sao?

Nghe thế, Ngài liền tỉnh ngộ sau một thời gian cuồng tâm loạn trí. Thế là sau khi hồi tỉnh, Ngài suy nghĩ thấy rõ bằng cách nào, khát ái này trở nên mãnh liệt dần dần sẽ đưa Ngài đến bốn đọa xứ. Ngài kêu lên:

-Nội ngày hôm nay ta quyết đưa nữ nhân này trả lại cho nhà vua và bay thẳng lên núi! -- (Tiền Thân Đức Phật số 66)

Kiếp người đã bị lôi cuốn bởi tham dục như thế, khi mang kiếp cầm thú Ngài cũng mê đắm nữ sắc. Đó là kiếp Ngài làm con khổng tước lông vàng, bỏ đàn sống một mình trong vùng núi Tuyết Sơn. Hàng ngày công tự vệ bằng cách đảnh lể mặt trời mọc và mặt trời lặn. Không may vẻ đẹp của công đã lọt vào mắt một thợ săn. Khi sắp chết lão dặn lại với con phải tìm cho được con công này. Một ngày kia chánh hậu vua Ba-la-nại nằm mơ thấy công ao ước được làm chủ công chúa. Con trai người thợ săn nhờ được cha dặn dò nên nhận lời đi tìm. Cho đến khi gả chết đi và hoàng hậu cũng từ trần vẫn chưa ai tìm được công chúa. Câu chuyện này được nhà vua truyền phải ghi lại trên phiến đá bằng vàng cho những vì vua kế vị tiếp tục săn tìm. Sáu vị vua kế tiếp qua đời và sáu người thiện xạ chết đi mà không được kết quả gì ở khu vực Tuyết Sơn cả. Song người thợ săn thứ bảy, được nhà vua thứ bảy phái đi, không thể nào bắt được chim suốt bảy năm liền nên bắt đầu suy nghĩ rằng chính uy lực sống đời thanh tịnh đã giúp đôi chân chim không bị sa bẫy. Gã tìm một con chim mái luyện cho nó hót và xoè cánh múa mỗi khi gả búng tay. Gả đem con chim mồi đặt trước bẩy rồi búng tay cho chim hót, múa khi Bồ Tát đảnh lể mặt trời. Công trống nghe tiếng gáy ấy lập tức ác dục đã ngủ yên suốt bảy ngàn năm, bỗng vùng dậy như con rắn hổ mang giương mào lên khi bị đánh. Bị ác dục làm cho mê muội, chim Công không thể nào đọc thần chú hộ mệnh nữa, mà vội vàng bay về phía chim mái, từ trên không chim hạ cánh xuống đất đặt đôi chân ngay vào bẫy: chiếc bẫy kia suốt bảy ngàn năm chẳng đủ uy lực bắt chim, nay đã kẹp chặt lấy chân chim thần.

Ghê gớm thay sức mạnh của ái tình! Tàn phá thay sức mạnh của ái dục! Ái dục là một giòng sông không bao giờ yên ngũ:

Sông ái dục vẫn muôn đời cuộn sóng
Như thuở xưa con khổng tước lông vàng
Bảy ngàn năm
Không hề sa bẩy trần gian
Bởi ái dục ngũ yên
Bằng những lời kinh cầu mỗi sáng
Vậy mà chỉ một lần nghe
Tiếng kêu ngọt đường mù quáng
Của con chim mái cò mồi
Khổng tước phải oán than
Trong tay người đánh bẩy.

Tuy Đức Bổn Sư khích lệ chúng sanh cắt ái đừng để lửa tình thiêu đốt nhưng một khi luyến ái đã khởi sanh đưa đến cuộc sống vợ chồng thì Đức Phật lại dạy cho vợ chồng phải sống với nhau cho đúng pháp như các lời dạy trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt:

"Có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc."

Ngoài những điều răn dạy cơ bản như trên, ngài luôn bảo vệ, bênh vực người vợ, giành lại chỗ đứng tôn kính cho người đàn bà. Trong nhiều kiếp ngài đã đứng lên biện hộ cho người vợ, khuyến cáo người chồng chớ nên bạc đãi vợ mà phải tôn trọng người vợ đã hết lòng chung thủy với mình như trong câu chuyện hoàng hậu Sambulà.

Bậc Đạo Sư kể câu chuyện này trong lúc ngài ngự tại Kỳ Viên, nói về hoàng hậu Malikà lúc bấy giờ.

Khi được tấn phong địa vị chánh hậu, bà có đầy đủ năm vẻ nữ sắc yêu kiều, tài trí tột bực, lại là đệ tử của đức Phật, và bà tỏ ra là một người vợ hiền tận tụy. Lòng nhiệt tình chói sáng của bà tỏa khắp kinh thành khiến các tỷ kheo bắt đầu bàn luận. Nhân đó Bậc Đạo Sư mới kể câu chuyện tiền thân của bà.

Một thuở nọ, Brahmadatta có một hoàng nam mệnh danh là Sotthisena, và lúc đến tuổi trưởng thành, chàng được phong làm phó vương. Chánh phi của chàng là Sambulà cực kỳ diễm lệ, dung sắc rực rỡ chói lọi như thể ánh đèn chiếu sáng trong chốn tối tăm.

Song dần dần chứng bệnh phong cùi xuất hiện trên mình phó vương Sotthisena và mọi lương y đành bó tay không thể chữa trị. Khi các vết lở loét chảy mủ ra, thật hôi tanh khủng khiếp đến độ phó vương tuyệt vọng bỏ vào rừng sâu để chết một mình. Khi đã cho trình vua cha, chàng rời hậu cung ra đi. Vương phi Sambulà kiên quyết theo chăm sóc chồng trong rừng thẳm. Hàng ngày nàng quét dọn lều cỏ, dâng nước cho chồng súc miệng, nghiền các loại cỏ thuốc thoa vào vết lở loét của chồng rồi vào rừng tìm trái cây ngon ngọt dâng cho chồng ăn. Một ngày kia trên đường đem trái cây về nhà thì nàng dừng lại bên một con suối để tắm rửa. Cả khu rừng bổng rực sáng lên vì dung sắc rực rỡ tỏa ra từ thân thể của nàng. Một ác dạ xoa thấy nàng liền mê mẩn và dọa sẽ ăn thịt nàng nếu nàng không chịu làm vợ nó. Nàng kêu than làm rung động đến Đức trời Đế Thích nên ngài buộc dạ xoa phải thả nàng ra và giam giữ dạ xoa để nó không thể trở lại làm hại nàng. Sau khi nương theo ánh trăng trở về ngôi lều cỏ của mình, nàng bị chồng có ý nghi ngờ lòng dạ của nàng nên nàng bảo:

- Tâu chúa công, dù chàng không tin thiếp, thiếp vẫn nói nhân danh chân lý và thiếp sẽ chữa bệnh cho chàng.

Thế là nàng rót đầy một bình nước để thực hiện một lời Ước Nguyện Chân Lý. Nàng đổ nước từ trên đầu chàng và ngâm bài kệ:

Ước mong chân lý, chốn nương thân
Thiếp chẳng yêu ai khác chúa công
Thiếp nguyện cầu xin nhờ nói thật
Bệnh chàng nay được chữa lành chăng?

Khi nàng thực hiện lời nguyện cầu chân lý vừa xong thì bệnh hủi của Sotthisena biến mất. Hai ngày sau họ rời khu rừng trở về hoàng cung. Nghe tin hai con đã trở về, phụ vương làm lễ sắc phong truyền ngôi lại cho con và xuất gia tu hành làm ẩn sĩ. Vua Sotthisena phong Sambulà làm chánh hậu nhưng không ban phát ân huệ gì cho nàng cả, ngay cả đời sống của nàng ông cũng không quan tâm mà chỉ hưởng dục lạc bên những mỹ nhân khác. Sambulà vô cùng đau khổ, trở nên hao mòn, bạc nhược. Phụ vương Sotthisena thấy vậy hỏi thăm thì nàng trình bày hết mọi chuyện. Ngài triệu vua tới và dạy:

Khó tìm được vợ chung tình,
Nam nhi tốt với vợ mình, khó sao,
Vương nhi đức hạnh dường nào,
Với chồng, nàng lại dạt dào tình thương.
Vậy giờ đây, hỡi quân vương,
Với Sambu, phải trọn đường thủy chung.

Vua biết lỗi của mình nên tạ lỗi cùng Sambulà và giao hết quyền hành cho nàng.

Vị vua cha ẩn sĩ chính là tiền thân của Đức Phật. -- (Tiền Thân Đức Phật, 519)

Ngoài việc tán thán chuyện vợ chồng chung thủy với nhau, đối đãi với nhau cho đúng pháp, Đức Thế Tôn còn giúp cuộc sống vợ chồng thêm an lạc bằng cách khuyến khích chúng sanh nên cố gắng duy trì điều học tránh xa sự tà dâm với các chi phần tỉ mĩ như không lang chạ với vợ, chồng người, cố gắng ngăn chận từng bước dẫn mình đến ác pháp qua bốn chi:

1- Người nữ không nên tà dâm, nghĩa là gái có người gìn giữ (Agamanīyaṭṭhānaṃ).
2- Tính tà dâm với gái đó (Tasmiṃ sevanācittaṃ).
3- Ráng sức tà dâm (Upakkamo).
4 - Đã tà dâm (Maggena maggappaṭipādanaṃ)

Như vậy chữ tình trong kinh tạng Pali là một chữ tình thật đẹp, có thủy, có chung, có cả đức hạnh và sự kham nhẫn cùng sự buộc ràng của giới đức. Vợ chồng nào hành trì đúng đắn giới đức này chắc chắn gia đình sẽ luôn an lạc, hạnh phúc, và những người chung quanh cũng sẽ được an vui theo. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là cốt tủy của chữ tình. Cái mục đích sau cùng của tình yêu mà Bậc Thiện Thệ muốn gởi gắm đến chúng ta là một cuộc sống đạo hạnh để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Muốn được như thế chúng ta phải luôn nhớ và hành theo lời Phật dạy:

Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen
-- (Kinh Pháp Cú câu 336)

Nguyện cho tất cả chúng sanh sẽ là những chiếc lá sen giải thoát giũ được những giọt nước sầu não.

NHƯ QUANG

Tài liệu tham khảo:

Đức Phật và Phật Pháp
Kinh Tăng Chi Bộ
Kinh Tiểu Bộ

Truy cập từ trang web: www.budsas.org

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

Chân thành cám ơn đạo hữu Như Quang đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2007)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2007