BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Năm chữ vàng trong Kinh tạng Pali
Như Quang
- 04 - CHỮ TIỀN TRONG KINH TẠNG PALI Trong khi đọc những trang kinh Phật, tôi nhận thấy Đức Phật thường đề cập đến tiền với đơn vị là "đồng tiền vàng." Điều này khiến tôi suy nghĩ tại sao Đức Phật từ bỏ của cải, đi tìm chân lý và Ngài thường khuyên chúng sanh không nên dính mắc với tài sản, nhất là Ngài đặt ra giới luật Jàtarù parajatapatiggahanà veramanì sikkhapadam sayà diyàmi, Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự thọ lãnh, cất giữ, hoặc bảo kẻ khác thọ lãnh, cất giữ vàng bạc châu báu, hoặc cảm xúc đến các vật ấy, mà Ngài lại nhắc đến chữ tiền trong các bài pháp, đặc biệt là trong các câu chuyện tiền thân của Ngài. Khi Ngài đưa ra các con số tám trăm triệu đồng tiền vàng, một ngàn đồng tiền vàng, năm trăm đồng tiền vàng v.v.. có phải vô tình Ngài đã tạo lòng tham cho chúng sanh hay không? Chắc chắn đây không phải là mục đích thực sự của Đức Thế Tôn. Theo suy nghĩ của tôi thì khi đề cập đến chữ tiền Đức Thế Tôn nhắm vào các mục đích: dạy cho chúng sanh tài sản vật chất là phước tạo từ kiếp trước, tài sản vật chất là vô thường, và giáo hóa chúng sanh cách sử dụng tài sản sao cho được lợi lạc. Tài sản ở đây, dĩ nhiên phải là tài sản kiếm được bằng chánh nghiệp, không phải tài sản kiếm được bằng các phương tiện mưu sinh bất chánh. CỦA CẢI LÀ PHƯỚC TÍCH LỦY TỪ KIẾP TRƯỚC Mỗi khi thọ trì Tam Quy và ngũ giới chúng ta thường được quý chư Tăng nhắc nhỡ: Sīlena bhogasampadā . Các chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới" như vậy rõ ràng là giữ giới sẽ đem lại sự giàu sang, sung túc cho chúng ta. Nhưng sao lại có mối liên hệ giữa sự giữ giới và phát sinh của cải như thế? Trong ngũ giới, điều học thứ hai sau điều học cố ý tránh xa sự sát sanh là Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp. Chính sự không trộm cắp, xan tham này là nhân của sự phát sanh tài sản trong ngày vị lai. Ông Cấp Cô Độc khi bị khánh tận, oai lực của sự giữ giới đã khiến chư thiên, dạ xoa kiếm tìm những món tài sản khổng lồ cho vay mượn đã bị thất thoát hoặc bị chìm dưới biển sâu, đem đổ vào kho bạc trống của ông. Trong nhiều trường hợp, sự giữ giới nuôi mạng chân chánh cộng thêm sự kiên nhẫn, khéo tính toán cũng đem lại của cải, vật chất như trường hợp của một thiện nam tử chỉ nhờ xác một con chuột chết mà làm nên cơ nghiệp trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng lại có được một người vợ xinh đẹp, con gái một triệu phú như trong tích truyện Tiểu triệu phú Cullakasetthì. TÀI SẢN VẬT CHẤT LÀ VÔ THƯỜNG Giống như tất cả pháp hữu vi, tài sản cũng bị hoại diệt, nhất là khi tài sản đó có được do những sở hành bất chánh. Một thí dụ về tính vô thường của tài sản vật chất là chuyện người Bà-la-môn tên Vedabbha. Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, trong một ngôi làng nhỏ, có một Ba-la-môn biết được bùa chú tên là Vedabbha. Bấy giờ người ta nói, bùa chú ấy có giá trị rất lớn. Khi có sự giao hội các hành tinh, nếu ai đọc chú ấy và nhìn lên trời, thì từ trời mưa xuống bảy vật báu (vàng, bạc, san hô, hổ phách, ngọc đỏ và kim cương). Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi học nghề với Bà-la-môn ấy. Một hôm, vì một vài công việc đi ra khỏi làng của mình để đến nước Ceti, vị Bà-la-môn đem Bồ-tát đi theo. Giữa đường, tại một khu rừng, có năm trăm kẻ cướp, được gọi là kẻ cướp Sứ giả, chúng làm cho con đường không thể đi được, chúng bắt Bồ-tát và Bà-la-môn Vedabbha để đòi tiền chuộc. Trong thời gian Bồ Tát đi lấy tiền chuộc cho thầy, bọn cướp giết Vedabbha và chém giết, thanh toán lẫn nhau. Khi Bồ Tát trở lại chỉ còn thấy những đống tài sản được gói thành từng bọc và xác các tên cướp nằm rải rác đó đây. Bồ-tát suy nghĩ: Ai dùng phương tiện không chánh đáng, vì lý do sai lạc, đem lại sự giàu sang cho chính mình rồi cũng bị diệt vong như thầy chúng ta vậy". Một khía cạnh khác của đặc tính vô thường nằm trong của cải là không phải ai cũng có thể hưởng của cải không do nghiệp thiện của mình đem lại như trường hợp của người nông dân Punna. Hai vợ chồng anh cúng dường Đại Đức Xá Lợi Phất bửa cơm trưa của mình mà chỉ sau một giấc nghỉ trưa các nương ruộng đã biến thành vàng ròng. Vị vua cai trị quốc độ đó đem xe đến chở vàng của anh đi thì khi về đến kho, vàng biến trở lại thành đất. Vật chất, của cải vô thường, biến đổi là vậy nên Bậc Đạo Sư dạy chúng ta không nên bám víu vào tài sản thế gian mà phải cố gắng phát huy loại tài sản chúng ta có thể đem theo khi lìa bỏ cõi đời và loại tài sản này sẽ không bao giờ bị thối thất. Đó là bảy tài sản: Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài như lời dạy của Đức Thế Tôn trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Bảy Pháp: Tín tài và giới tài, CÁCH SỬ DỤNG TÀI SẢN Khi có được của cải, chúng ta thường sử dụng một cách bừa bãi. Có những người vung tiền qua cửa sổ, xài không cần đếm. Có những người ngược lại không dám tiêu xài, chỉ biết đem tiền đi chôn, hoặc đếm tiền làm vui. Đó là cách sử dụng tài sản của người thiểu trí. Đức Phật dạy người trí năm cách sử dụng của cải cho được lợi lạc, không những cho trong hiện kiếp mà cho cả kiếp vị lai. Năm cách đó là: trả nợ cũ, cho vay nợ mới, đổ hố sâu, trải trên đất, và chôn để dành. Trả nợ cũ: Đây là món nợ của con cái đối với cha mẹ và món nợ này tuy cũ nhưng rất lớn cần phải trả, phải báo ơn sanh thành, dưỡng dục. Một phần năm số tiền kiếm được phải lo trả nợ cũ, tức là lo thuốc men, chỗ ở, áo quần cho cha mẹ. Trong ba mươi tám điều hạnh phúc, Đức Phật dạy nết hạnh phụng sự mẹ, nết hạnh phụng sự cha là hai điều hạnh phúc quan trọng. Trong các câu chuyện tiền thân có nhiều chuyện báo hiếu cha mẹ rất cảm động như chuyện voi phụng dưỡng mẹ. Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Ðại tượng vương ở vùng Tuyết Sơn. Toàn thân Voi màu trắng rất hùng vĩ, là chúa đàn gồm tám mươi ngàn con voi vây quanh ngài, song mẹ ngài bị mù. Ngài thường đưa cho bầy voi những quả rừng thật ngon để đem về dâng mẹ, tuy thế, chúng chẳng đem gì về dâng voi mẹ, mà chúng ăn hết. Khi ngài hỏi thăm và biết được việc ấy, ngài quyết định rời đàn để nuôi dưỡng mẹ. Thế là một đêm thuận lợi, bầy voi không hay biết ngài đưa mẹ đi đến đỉnh núi Candorana (Chiên-đồ-gia), tại đó ngài để mẹ ở trong một hang dưới đồi, gần một hồ nước và nuôi nấng mẹ rất chu đáo. Trong tích truyện Pháp cú có chuyện một tỳ khưu đi khất thực về nuôi cha mẹ già. Đại Đức Mục Kiền Liên có cách báo ân mẹ cao quý nhất, đó là an trú mẹ mình vào trong chánh pháp để làm giảm nghiệp đã tạo từ trước. Cho vay nợ mới: Con nợ cha mẹ, cha mẹ nợ con, đó là món nợ xoay vần không bao giờ dứt. Nếu báo hiếu cha mẹ là trả nợ cũ thì nuôi dưỡng con cái là cho vay nợ mới. Khi làm cha mẹ rồi chúng ta mới biết thương cha mẹ chúng ta như câu nói "dưỡng tử phương tri phụ mẩu ân." Nếu chúng ta nuôi dưỡng con cái chu đáo thì con cái sẽ biết tìm cách trả nợ cũ của chúng, nghĩa là biết phụng dưỡng chúng ta, lo lắng cho chúng ta trong lúc tuổi già. Món nợ mới đã cho vay ắt sẽ được trả lại dù là bậc làm cha mẹ không mong mỏi con cái mình sẽ báo ân. Ông Cấp Cô Độc có cách cho vay nợ mới rất thù thắng. Ông dùng sức mạnh của những đồng tiền vàng an trú con vào trong chánh pháp. Ông đã thuyết phục cậu con trai không tin Phật pháp của mình đi chùa, dự lễ sám hối và sẽ được thưởng 100 đồng tiền vàng. Rồi ông lại bảo nếu cậu chịu ở lại thọ giới bát quan trai sẽ được 200 đồng tiền vàng, nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp và học thuộc được một câu pháp sẽ được thưởng 500 đồng tiền vàng. Cậu đã thực hành theo để nhận tiền thưởng nhưng đến khi đã thông hiểu giáo Pháp Phật, cậu không nhận tiền của cha mà nhận một thánh sản quý báu gấp trăm, ngàn lần số tiền đó: cậu đã nhập lưu sau khi chú tâm nghe pháp của Như Lai. Đổ hố sâu: Người cư sĩ còn gánh vác việc xã hội, được quyền giành một phần năm số tiền kiếm được để sắm ăn, sắm mặc, chi phí thuốc men, nhà thương khi đau ốm, thậm chí giải trí, đi chơi xa lúc cần phải giải trí. Số tiền này một khi tiêu dùng là mất đi nên đức Phật gọi là đổ hố sâu. Nếu chúng ta quá chắt mót, bủn xỉn không dám tiêu xài, đem tiền đi đổ hố sâu thì sẽ bị quả báo là có của cải nhưng không được hưởng giống như những ông bá hộ vào thời Đức Phật có của cải mà chỉ ăn cơm hẩm, mặc vải gai thô, di chuyển bằng xe cộ củ kỷ kéo bởi những con ngựa gầy còm. Hoặc có người bủn xỉn, tạo ra tiền của mà không dám bố thí lại nuôi mạng bằng sự sát sanh nên khi chết bị đọa vào địa ngục A Tỳ như chuyện ông đồ tể ở tại thành Xá Vệ đã sống bằng nghề mổ bò trong suốt năm mươi lăm năm. Trong giới tỳ kheo cũng có vị vì tiếc bộ y mới không dám đắp mà khi thân hoại mạng chung biến thành con rệp. Nói chung những người bủn xỉn, keo kiệt khi thân hoại mạng chung thường bị sanh vào cõi xấu hoặc tục sanh vào cõi bàng sanh để giữ gìn những của cải mà họ luyến tiếc. Trải trên mặt đất: Người cư sĩ cần phải trích ra một phần năm số tiền để đóng thuế cho chính phủ để chính phủ có thể thực hiện những chương trình công ích như sửa chửa cầu đường, xây trường học, bệnh xá, hoặc cứu trợ những nạn nhân thiên tai như hỏa hoạn, bảo lụt, v.v…Đem của cải dùng vào những chương trình công ích này tức là đem trải trên mặt đất vậy. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì vào thời Đức Phật còn tại thế có Ông Cấp Cô Độc đã trải vàng trên đất để trả cho phần đất ông mua của thái tử Kỳ Đà dùng vào việc xây dựng tịnh xá Kỳ Viên. Chôn của để dành: Chôn của ở đây có hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng. Thuở xưa các bá hộ thường chôn của dưới đất như hai ông bá hộ sống cạnh bờ sông Hằng. Một ông có tài sản lên đến bốn trăm triệu, được ông chôn dưới mé sông. Ông kia có tài sản ba trăm triệu, cũng đem chôn dưới mé sông. Khi chết đi vì luyến ái của cải, một ông bị tái sanh làm Rắn, còn một ông làm Chuột quanh quẩn bên bờ sông để giữ vàng. Một hôm lũ lụt, ông đạo sĩ sống cạnh bờ sông Hằng nghe tiếng kêu cứu thì thấy có một con rắn và một con chuột bám trên một khúc cây. Rắn và chuột bị đói và lạnh sắp chết. Ông đem hai con vật về nhà, tận tình chăm sóc. Sau đó hai con vật mời ông về nhà và mỗi con thú đền ơn ông một hủ vàng. Hai ông bá hộ chôn của để dành theo nghĩa đen còn nhà đạo sĩ làm phước cứu sống Rắn và Chuột là chôn của để dành theo nghĩa bóng. Nhờ biết chôn của mà ông được các con vật đền ơn cứu tử. -- (Chuyện Tiền Thân số 73, Tiền thân Saccankira) Sở dĩ Đức Thế Tôn dạy hàng cư sĩ năm pháp sử dụng tiền như trên là vì trong tiền kiếp ngài đã thực chứng được sự lợi ích của việc sử dụng tài sản đúng pháp và không sợ tội lỗi. Đó là kiếp ngài làm một người cày ruộng tại một ngôi làng trong vương quốc Ba-la-nại do Đức vua Brahmadatta trị vì. Ngày kia, Bồ-tát đang cày trên một thửa ruộng, trước đây là một ngôi làng bị bỏ hoang. Trong làng có một vị triệu phú đã chết và chôn tại đó một đống vàng, lớn bằng bắp vế người và cao đến bốn khuỷu tay. Khi lưỡi cày của Bồ-tát mắc phải đống vàng ấy thì đứng khựng lại. Nghĩ rằng đó là rễ tỏa rộng của cây, Bồ-tát đào đất lên, nhưng lại thấy được khối vàng. Bồ-tát chùi đất thật sạch và cày tiếp cho xong ngày ấy. Khi mặt trời lặn, để ách và cày một bên, Bồ-tát nghĩ đến phương cách đem khối vàng đi. Nhưng Bồ-tát không nhấc nó lên được. Bồ-tát ngồi và nghĩ: "Ðể phần như vậy, ta sẽ nuôi sống bản thân của ta. Để phần như vậy, ta sẽ chôn giấu. Ðể phần như vậy, ta sẽ làm các công việc. Ðể phần như vậy, ta sẽ làm các công đức như bố thí..." Rồi Bồ-tát chia thành bốn phần. Khi được Bồ-tát chia như vậy, khối vàng ấy trở thành nhẹ. Bồ-tát nhấc vàng lên được, đem về nhà, chia thành bốn phần. Bồ-tát trọn đời làm các công đức như bố thí cùng nhiều thiện sự khác và đi theo nghiệp của mình. -- (Tiền thân Kancanakkhandha) Như vậy chữ Tiền được đề cập trong kinh điển Pali là một bài học vô cùng thực tế cho tứ chúng. Nếu chúng ta thông hiểu và hành theo chánh pháp thì của cải chúng ta tạo được trong đời này sẽ là món tiền tệ quốc tế có thể xài được ở bất cứ cảnh giới nào, bất cứ trú xứ nào, và trong bất cứ kiếp tái sanh nào của chúng ta. NHƯ QUANG Tài liệu tham khảo: Đức Phật và Phật Pháp -ooOoo- |
Chân thành cám ơn đạo hữu Như Quang đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2007)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2007