BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Năm chữ vàng trong Kinh tạng Pali
Như Quang
- 03 - CHỮ CHẾT TRONG KINH TẠNG PALI Làm người ai cũng phải đối diện với cái chết vì từ ngàn xưa đến giờ ai cũng chết. Giàu cũng chết mà nghèo cũng chết. Làm vua cũng chết mà làm dân hèn cũng chết. Công nương Diana giàu sang danh vọng, nhan sắc khuynh thành là vậy cũng vẫn chết. Như vậy, cái chết là chắc chắn như lời Phật dạy về pháp hữu vi: "Aniccà Vata Sankhàrà Nhưng chết là gì? Theo định nghĩa trong tự điển thì chết là khi các chức năng sinh lý ngừng hẳn, cơ thể không còn hoạt động nữa. Trong y khoa, một người được xem là chết khi không có dấu hiệu tuần hoàn của máu và các hoạt động của não bộ cũng ngừng trệ dù người chết vẫn còn đó. Cái chết này gọi là chết lâm sàng. Đức Phật định nghĩa về cái chết một cách rõ ràng hơn: "Chư Hiền thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài; chư Hiền, như vậy gọi là chết." -- (Kinh Trung Bộ, Phẩm Chánh Tri Kiến) Ngài cũng đưa ra định nghĩa về chết lâm sàng, đó là cái chết của một người còn sống mà như đã chết như cái chết của ngài Sànu. Vào thời Đức Phật còn tại thế, ngài Sànu sanh ở thành Sàvatthi trong gia đình một cư sĩ. Khi ngài lên bảy tuổi, mẹ ngài đưa ngài đến ở với các tỳ kheo, hy vọng con mình sẽ được sống hạnh phúc. Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi, một vị pháp sư, thiền sư với lòng từ bi, được chư Thiên và loài Người ái kính. Sau một thời gian, ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó. Bà mẹ trong tiền kiếp của ngài là một nữ dạ xoa, biết được như vậy nên báo cho người mẹ hiện kiếp của ngài biết. Người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ. Rồi Sa-di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm. Thấy mẹ sầu muộn, ngài hỏi và được bà mẹ lời lý do, ngài nói bài kệ: Thưa mẹ, người ta khóc, Bà mẹ trả lời, bằng những lời trong kinh: "Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục.", và nói bài kệ như sau: Người ta khóc cho con, Khi nghe vậy, Sa-di Sànu lấy làm xấu hổ, sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán. Không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ rằng ngài chiến thắng là nhờ những bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của ngài. -- (Kinh Tiểu Bộ, Trưởng lão Tăng kệ - Phẩm năm) Ngài Sànu được xem như “chết lâm sàng" bởi sự dễ duôi của ngài đã tạo ra sự hủy hoại những thiện pháp mà ngài đã tạo được khiến cho lòng ái kính của chư thiên và loài người giành cho ngài cũng bị hoại diệt. Như vậy ngài đã chết theo đúng định nghĩa mà Đức Phật đã đề ra là còn sống mà như đã chết. Đứng trước cái chết, mỗi người có một thái độ khác nhau. Người trí mượn cái chết làm tấm gương soi cho mình như trường hợp của hoàng tử Vipassì. Khi hoàng tử Vipassì đi đến vườn ngự uyển và thấy thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau, và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe: "Này khanh, vì sao đám đông người ấy mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?" - "Tâu Hoàng tử, vì có một người vừa mới mệnh chung" - "Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung!" - "Thưa vâng, tâu Hoàng tử." người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung. Này các Tỷ-kheo, khi thấy thây người chết, hoàng tử Vipassì hỏi: "Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?" - "Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người đã chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác!" - "Này khanh, vậy Ta chưa chết, rồi có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng, và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những bà con ruột thịt chăng?" - "Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi sẽ cũng bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng Tử, và Hoàng tử sẽ không thấy Phụ vương. Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác". - "Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung". - "Thưa vâng, Hoàng tử". Người đánh xe vâng lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Khi về đến hoàng cung, hoàng tử Vipassì đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: "Sỉ nhục thay cái gọi là sanh! Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!" Rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: "Cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết sanh?" Sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ ngài phát sanh minh kiến sau đây: "Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh". -- (Kinh Trường Bộ - Kinh Đại Bổn, Tụng Phẩm II) Trong một trường hợp khác, cái chết của người thân chính là bài học thực tiễn cho người còn sống và để học bài học này người học đã trả một giá rất đắc vì bị quyến thuộc xóm giềng kết án là kẻ vô tình, bình thản trước cái chết của thân nhân và có tâm xan tham muốn đoạt của cải của người đã chết. Trong khi đó, đối với bản thân người học đạo, bình thản, không có nghĩa là vô tình, không giao động trước cái chết của người thân mà bình thản có nghĩa là người này đã thấu hiểu lẻ vô thường, đã đứng bên ngoài tác động của tám ngọn gió đời, biết đón nhận cái chết như một sự tất đến và cái chết của chính mình mới đáng khóc than. Đó là trường hợp của Matarodana, tiền thân của Đức Phật khi ngài tái sinh trong một gia đình phú thương, có gia tài đến tám trăm chục triệu. Khi ngài Matarodana trưởng thành thì cha mẹ ngài chết. Người anh của Bồ-tát thay thế cha mẹ của ngài, quản lý tài sản của gia đình và ngài sống phụ thuộc vào ông ta. Chẳng bao lâu người anh cũng chết do một cơn bạo bệnh. Bà con, bè bạn gần xa đã đến than khóc thảm thiết, chẳng ai kiềm chế nỗi xúc động của mình nhưng Bồ-tát lại chẳng sầu chẳng khóc gì cả. Mọi người đều bảo: - Coi kìa, anh nó chết mà nó vẫn thản nhiên như không, thực là một kẻ tâm hồn quá sắt đá. Chắc là nó muốn anh nó chết để mong được hưởng gấp đôi phần gia tài đấy. Một người thân thích cũng trách cứ ngài: - Này, anh của anh chết mà anh cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào cả ư? Nghe thế ngài bảo: - Do ngu dại mù quáng, chẳng biết gì đến Tám pháp ở thế giới (được - mất, khen - chê, vui - buồn, vinh - nhục) các người khóc than: Ôi anh ta đã chết! nhưng tôi và cả các người đều cũng sẽ chết hết. Tại sao các người lại không khóc khi nghĩ đến cái chết của chính mình? Mọi sự hiện hữu đều giả tạm, do đó không một vật kết hợp nào có thể giữ nguyên điều kiện bản chất của nó được. Dù các ngươi, những kẻ ngu dại mù quáng, do vô minh không biết đến Tám pháp ở thế giới" mà cứ khóc than sầu khổ, còn tại sao tôi đây phải khóc chứ? Nói xong, ngài đọc các bài kệ dạy rằng "Khóc người sống hơn khóc kẻ chết." Bồ-tát thuyết giảng Chân lý cho những người kia như thế và giải trừ mọi phiền não cho họ. -- (Chuyện Tiền thân Đức Phật số 317) Khi người chết là con của mình, bậc làm cha mẹ càng đau khổ hơn nữa. Trong thời đức Phật còn tại thế, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ. Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau: Ông không biết con đường Ông đâu biết con đường, Không có ai yêu cầu, Từ chỗ này nó đến, Sau khi nghe nàng giảng, họ đều cảm thấy dao động và xin xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà. Sau khi tinh cần triển khai thiền quán, họ chứng đạt được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. -- (Trưởng Lão Ni Kệ, Phẩm 6) Nỗi đau khổ mất con càng to tát hơn đối với các bà mẹ như nàng Kisà Gotamì lúc bị mất con. Chẳng những nàng đau khổ vì mất con nàng còn lo sợ sẽ mất sự kính trọng nơi gia đình chồng vì sự kính trọng mọi người giành cho nàng là do con trai nàng đem lại. Do vậy, nàng đã vô vọng tìm mọi cách cứu sống con mình. Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khổ, tên là Gotamì, vì nàng yếu đuối nên được gọi là Kisà Gotamì (Gotamì ốm yếu). Khi lập gia đình, nàng bị khinh thường và được gọi là con gái một người không có gì. Nhưng khi nàng có con, nàng được kính trọng. Khi người con lớn lên và có thể chạy được, nó chết, và nàng cảm thấy đau khổ, và nhớ đến sự đối xử với mình được thay đổi khi đẻ đứa con, nàng nghĩ: 'Chúng sẽ giữ lấy con ta và đem bỏ vào nghĩa địa'. Nàng ôm đứa con chết vào lòng và đi vào từng nhà xin: 'Hãy cho con tôi thuốc'. Và được trả lời: 'Nay thuốc còn gì dùng nữa'. Nhưng nàng không hiểu. Có người thương xót khuyên nàng đến đức Phật để xin thuốc, Nàng đi đến tinh xá và xin đức Phật: 'Hãy cho con tôi thuốc'. Bậc Ðạo Sư thấy được hy vọng tu chứng nơi nàng bèn nói: 'Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!' Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nàng đi vào nhiều nhà khác, được trả lời như vậy và nàng nghĩ: 'Ðây có thể là bậc Ðạo Sư dạy khéo cho ta', nên nàng đem dặt con nàng ở nghĩa địa và nói: Pháp này không riêng làng, Rồi nàng đi đến bậc Ðạo Sư, và khi ngài hỏi có tìm được hột cải không, nàng trả lời: 'Việc làm đã làm xong về hột cải. Hãy xác nhận cho con'. Thế Tôn nói: Tâm còn bị đắm say, Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được Sơ quả (quả Dự lưu) và xin được xuất gia. Ðức Phật chấp nhận và nàng được các Tỷ-kheo-ni cho thọ giới. Sau đó, không bao lâu nàng nghiên cứu về nguyên nhân của sự vật và khiến thiền quán tăng trưởng. Rồi bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ: Người sống một trăm năm, Tương tự như trường hợp của nàng Gotami, cư sĩ Anàthaphindika cũng mất con và đến tìm sự an ủi nơi đức Thế Tôn. Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthaphindika. Lúc bấy giờ, con trai độc nhất của một nam cư sĩ, khả ái, đáng yêu bị mệnh chung. Rồi nhiều nam cư sĩ, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các cư sĩ ấy đang ngồi một bên. - Này các Cư sĩ, sao các Ông, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, lại đến đây, trong lúc quá sớm như vậy? Khi được nói vậy, người cư sĩ ấy thưa với Thế Tôn: - Bạch Thế Tôn, người con trai độc nhất của con khả ái, khả ý đã mệnh chung. Do vậy chúng con với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm đã đến đây trong lúc quá sớm! Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này: Bị khả ái, dễ thương Dù sự thực là mọi người đều phải chết nhưng vẫn có một số người thiểu trí hy vọng mình không phải chết, không đi qua con đường các vị tiền bối của mình đã đi qua. Biết được tâm chúng sanh như thế, trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Hai Pháp, Phẩm Các Hy Vọng, Đức Phật dạy: "Có hai hy vọng này, này các Tỷ-kheo, khó được từ bỏ. Thế nào là hai? Hy vọng được lợi dưỡng và hy vọng được sống. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai hy vọng khó được từ bỏ.” Và ngài dạy thêm rằng: "Này các Tỷ kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người. Người ở đời này rồi phải ra đi trong tương lai. Hãy làm điều lành. Hãy sống phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.” -- (Kinh Tương Ưng Ác Ma, Phẩm I) Cái chết cũng là nỗi sợ hãi cho cả loài vật bốn chân. Trong truyện tiền thân số 105, Bồ Tát kể lại chuyện một con voi sợ chết như sau: Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở thành Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm thần cây ở Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại đem con voi báu của mình giao cho các người nài voi để huấn luyện nó đừng dao động. Họ cột chặt con voi bất động và bắt đầu huấn luyện voi tập tánh bất động. Khi con voi, bị bắt tập như vậy, không thể chịu nổi đau khổ, liền bẻ gãy cây cột, đuổi các người tập và đi vào Tuyết Sơn. Người ta không thể bắt nó được, bèn đi trở về. Tại đấy, con voi bắt đầu sợ chết, nghe tiếng gió động, nó hoảng hốt sợ chết, đập vòi qua lại và chạy thật nhanh, như khi nó bị cột vào cây cột tập đừng dao động. Không hưởng được thân thoải mái hay tâm thoải mái, nó đi lang thang trong nỗi dao động. Thần cây thấy nó, đứng trên chỗ nhánh chĩa hai của thân cây, nói lên bài kệ này: Rừng này có nhiều cành, Như vậy, thần cây khuyên dạy con voi ấy. Từ đó trở đi, con voi không sợ hãi nữa. -- (Kinh Tiểu Bộ, Chuyện Con Voi Sợ Chết) Tuy vậy cũng có những con vật khôn ngoan biết coi thường mạng sống của mình để làm lợi chủ và để bảo vệ những công trình mình đã tạo dựng được. Đó là câu chuyện tiền thân của Bồ Tát lúc ngài làm con ngựa quý Sindh. Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở thành Bà-la-nại, Bồ-tát được sanh làm con ngựa Sindh nòi giống tốt, con ngựa báu của vua, được trang sức lộng lẫy. Nó ăn cơm nấu với gạo cũ ba năm, đầy đủ hương vị đặc biệt, đựng trong một cái dĩa bằng vàng, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Chuồng ngựa được dựng trên đất ướp thơm với bốn loại hương. Xung quanh chuồng có treo những màn đỏ, trên trần treo cái tán bằng vải, được trang hoàng với các vì sao bằng vàng. Trên tường thả xuống những chuỗi hoa thơm, vòng hoa và một ngọn đèn dầu thơm luôn luôn cháy đỏ. Không có vị vua nào không thèm muốn vương quốc Ba-la-nại. Rồi vua cho mời vị ấy đến và hỏi: - Khanh có thể giao chiến với bảy vị vua không? - Thưa Thiên tử, nếu thần được con ngựa Sindh nòi giống tốt, kể gì bảy vị vua, thần có thể giao chiến với các vua ở toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ). - Này khanh, con ngựa Sindh giống tốt, hay con nào khác, tùy ý khanh muốn, hãy lấy con ngựa ấy và đi giao chiến. - Lành thay, thưa Thiên tử! Vị ấy đảnh lễ vua, từ trên lầu bước xuống, cho đem lại con ngựa Sindh tốt giống, khéo mặc áo giáp cho nó, tự mình vũ trang toàn diện, đeo gươm, rồi leo lên lưng ngựa Sindh, đi ra khỏi thành và nhanh như chớp, đánh tan đội quân thứ nhất, bắt sống một vua, cho dẫn vua ấy về giam ở đội quân trong thành. Rồi vị ấy đi nữa, đánh tan đội quân thứ hai, cũng vậy, đội quân thứ ba, thứ tư, thứ năm và bắt sống được năm ông vua. Nhưng khi vị ấy đánh tan đội quân thứ sáu, và bắt vua thứ sáu, thì con ngựa Sindh giống tốt bị thương, chảy máu và cảm thấy đau đớn rất nhiều. Biết con ngựa đã bị thương, người kỵ mã cho nó nằm xuống trước cửa cung vua, cởi áo giáp cho nó, và sai lính nai nịt một con ngựa khác. Bồ-tát nằm một bên hông rất thoải mái, mở mắt thấy người kỵ mã, tự nghĩ: "Người kỵ mã đang nai nịt một con ngựa khác, sẽ không thể nào đánh tan đội quân thứ bảy, không thể nào bắt được ông vua thứ bảy. Như vậy nó làm tiêu tan công lao ta đã làm, còn người kỵ mã không ai sánh kịp này sẽ bị giết, và nhà vua sẽ rơi vào tay quân thù! Ngoài ta ra, không một con ngựa nào khác đánh tan được đội quân thứ bảy, và có thể bắt được vị vua thứ bảy!" Ðang nằm như vậy, Bồ-tát gọi người kỵ mã và nói: - Này bạn, ngoài tôi ra, không có con ngựa nào khác có thể đánh tan đội quân thứ bảy, bắt được ông vua thứ bảy. Tôi sẽ không để ai hủy hoại thành quả tôi đã làm. Hãy đỡ tôi dậy và nai nịt cho tôi! Sau khi nói vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này: Nay tuy nằm một bên, Người kỵ mã đỡ con ngựa dậy, băng bó vết thương, khéo nai nịt áo giáp cho nó, rồi nhảy lên lưng ngựa ra trận đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông vua thứ bảy và dẫn vị ấy về đội quân của vua mình. Người kỵ mã dắt Bồ-tát đến cửa thành và vua đi ra để xem Bồ-tát. Bậc Ðại Sĩ nói với vua: - Tâu Ðại Vương, chớ giết bảy ông vua ấy. Hãy bắt họ thề sẽ trung thành với ngài rồi thả họ ra. Hãy cho người kỵ mã thọ hưởng danh vọng xứng đáng với công lao. Thật không phải đạo nếu để một chiến sĩ đã bắt được bảy vị phải chịu thiệt thòi! Ðại vương hãy bố thí, hãy giữ giới, hãy trị vì quốc độ với Chánh pháp công bằng. Khi Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy xong, người ta cởi áo giáp cho Bồ-tát. Nhưng khi được cởi tung mảnh giáp, Bồ-tát mệnh chung. Vua lo việc hoả táng con ngựa rất trọng thể, cho người kỵ mã hưởng danh vọng lớn, và đòi bảy ông vua kia phải tự mình thề không còn phản bội gây chiến nữa, rồi đưa họ về nhà của họ. Vua trị vì quốc độ với chánh pháp và công lý, sau khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình. -- (Kinh Tiểu Bộ, chuyện Tiền Thân số 23) Nói chung, không chỉ loài người mà cả loài vật cũng sợ chết và loài người còn có tham vọng được trường sinh, bất tử. Biết chúng sanh khó từ bỏ hy vọng bất tử, Đức Phật dạy cho người hữu trí cách tránh lưỡi hái của thần chết: "Hãy nhìn như bọt nước, Để nhắc nhở chúng sanh không nên chạy trốn cái chết mà nên can đảm đối đầu với nó, Đức Thế Tôn luôn răn dạy chúng sanh: "Nội tâm khéo an trú trong tưởng về cái chết." bằng cách lấy cái chết, lấy tử thi làm đề mục hành thiền. Trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Thế Tôn cũng dạy các Tỳ Kheo phải niệm chết vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, do bất cứ nhân duyên nào: "Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: con rắn có thể cắn ta; con bò cạp có thể cắn ta; hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, hay đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Người hay phi nhân có thể công kích ta. Và như vậy ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta." -- (Kinh Tăng Chi, Chương Tám Pháp) Do những nguyên do kể trên, vô thường có thể đến bất cứ lúc nào nên Bậc Đạo Sư dạy chúng ta phải luôn niệm về cái chết: "Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết." Ngài cũng không quên dạy chúng sanh những câu kinh gối đầu: Ta đây sự chết sẵn dành NHƯ QUANG Tài liệu tham khảo: Đức Phật và Phật Pháp Truy cập từ trang web: www.budsas.org -ooOoo- |
Chân thành cám ơn đạo hữu Như Quang đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2007)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 10-03-2007