BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tứ Diệu Đế

Phạm Kim Khánh


[IV]

Bát chánh đạo
Con đường dứt khổ

Xuyên qua ba bài trước -- "Phật Giáo Và Vấn Đề Đau Khổ", "Ái Dục: Nguồn Gốc Của Đau Khổ", và "Niết Bàn, Chấm Dứt Đau Khổ" -- chúng ta đã thảo luận về ba chân lý thâm diệu đầu tiên của Tứ Diệu Đế. Đó là quan điểm của Phật Giáo về kiếp nhân sinh.

Dựa trên triết thuyết nầy, Đức Phật vạch ra một lối sống thích nghi để đi đến chỗ trong sạch tuyệt đối và trí tuệ toàn hảo, Đó là Bát Chánh Đạo, con đường dẫn thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử triền miên, và đưa chúng sanh vượt ra ngoài mọi hình thức đau khổ. Bát Chánh Đạo là phần thực hành của Phật Giáo.

Kinh Dhammacakkappavattana Sutta, Chuyển Pháp Luân, có đoạn như sau:

"Bây giờ, hởi nầy các tỳ khưu, đây là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ. Đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định."

Như vậy Bát Chánh Đạo là con đường chia làm tám chi, bao gồm tám năng lực hùng mạnh có tánh cách thiện. Tám chi nầy phải được tập trung lại để đánh đỗ một năng lực bất thiện là ái dục, dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta. Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu từng chi một, và sau đó, nhìn chung vào toàn thể Con Đường.

Chánh Kiến

Chánh Kiến (sammà ditthi) là tri kiến chân chánh, hiểu biết đúng. Sự vật như thế nào, hiểu sự vật đúng như vậy. Hiểu sâu vào bên trong thực tướng của sự vật chớ không phải hiểu phớt trên bề mặt. Đến mức cùng tột, Chánh Kiến là thấu triệt thực tướng của ngũ uẩn, tức thấu triệt bản chất thật sự của chính mình. Nói theo một cách, Chánh Kiến là chứng ngộ Tứ Diệu Đế. Tuy nhiên, trước khi đạt đến mức độ hiểu biết cao siêu ấy, trong nghĩa thông thường, Chánh Kiến là phân biệt chánh tà, biết điều nào là thiện, và điều nào bất thiện. Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có nền tảng Chánh Kiến vững chắc, lắm khi phải lầm đường lạc nẻo, thay vì hướng về mục tiêu, càng tách rời ra xa.

Quan kiến hướng dẫn hành động. Sự hiểu biết luôn luôn nằm phía sau những nỗ lực. Nếu hiểu biết sai lầm, tà kiến sẽ dẫn dắt đến những hành động lầm lạc có tác dụng tạo đau khổ. Ngược lại, nếu hiểu biết chân chánh, Chánh Kiến sẽ đưa đến hành động chân chánh và do đó, hướng dẫn về con đường thoát khổ. Mặc dầu sự hướng dẫn sơ khởi nầy vẫn còn là khái niệm mù mờ, hình như không đưa đến hậu quả quan trọng, nhưng nhìn lại tận tường, đó là bước đầu có tánh cách quyết định cho toàn thể tiến trình phát triển tinh thần.

Ngài Ledi Sayadaw, một vị cao tăng người Miến Điện, phân Chánh Kiến làm ba giai đoạn. Chánh Kiến là:

1) Sự hiểu biết chân chánh rằng ta là sở hữu chủ của của cái nghiệp mà ta đã tạo.

2) Sự hiểu biết chân chánh về thiện và bất thiện nghiệp, về hậu quả của nghiệp đã tạo, về sự hiện hữu của những cảnh giới ngoài cảnh người, về sự hiện hữu của những năng lực siêu phàm.

3) Sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế.

1. Hiểu biết chân chánh rằng ta là sở hữu chủ của cái nghiệp mà ta đã tạo.

Đức Phật dạy:

"Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình, là thừa kế của cái nghiệp của mình, sanh ra do cái nghiệp của mình, ẩn náu trong, và nâng đỡ bởi, cái nghiệp của mình. Bất luận nghiệp nào mà ta đã tạo, dầu thiện hay bất thiện, thì ta sẽ là thừa kế (lãnh trọn hậu quả) của nó."

Trong đời sống, ta có thể cần cù làm lụng, kiệm cần dành để, và tạo nên nhà cửa, sự nghiệp, vòng vàng, trang sức v.v... Ta cũng có thể thừa hưởng những vật trên do ông bà, cha mẹ, truyền lại. Ta gọi đó là "của mình", hay nói mình là sở hữu chủ của những vật đó. Tuy nhiên, dầu ta có cố bám chắc và tận lực gìn giữ đến đâu, nó vẫn ở với ta một cách tạm thời. Bao nhiêu yếu tố như hỏa hoạn, bão lụt, trộm cướp, kẻ thù nghịch, chiến tranh v.v... và cuối cùng, cái chết phải đến, luôn luôn sẵn sàng để tước đoạt quyền làm chủ của ta. Chỉ có một điều -- nghiệp thiện hay bất thiện mà ta đã tạo -- sẽ không bao giờ rời ta, dầu ở trong kiếp sống nầy hay trong nhiều kiếp tương lai. Không có kẻ thù nghịch hay trộm cướp nào tranh đoạt, không có chiến tranh hay thiên tai nào tiêu hủy được cái nghiệp của ta. Do vậy Đức Phật dạy rằng, "Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình." Vì cái nghiệp mà ta đã tạo theo dính liền với ta, ta sẽ thừa hưởng hậu quả của nó như phần gia sản, sẽ tái sanh vào trạng thái nào cũng do nó, nó là những người họ hàng quyến thuộc không bao giờ rời ta. Ta sẽ ẩn náu an toàn trong thiện nghiệp và nhờ thiện nghiệp nâng đỡ. Vậy ta phải chăm sóc, giữ gìn cái nghiệp cho được luôn luôn tốt đẹp, phải biết thương, biết bảo tồn thiện nghiệp hơn là thương yêu và bảo tồn chính mạng sống của ta. Ta phải biết sợ, biết lánh xa bất thiện nghiệp hơn là ta sợ và lánh xa cái chết của ta. Thế thường, ta muốn sống, và sợ chết. Để bảo tồn sự sống và ngăn chận cái chết, lắm khi ta hành động bất chánh và do đó, tạo những nghiệp bất thiện vô cùng tai hại mà trong nhiều kiếp sống chính ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nên nhớ rằng chết ở đây là tái sanh, sống ở một nơi khác, và khi rời bỏ cảnh giới hiện tại ta cũng lìa bỏ tất cả, chỉ mang theo cái nghiệp mà ta đã tạo. Trong quyển "The Buddha and His Teachings" Ngài Đại Đức Nàrada viết:

"Tài sản sự nghiệp mà ta trìu mến bao nhiêu, thân bằng quyến thuộc mà ta yêu quý bao nhiêu, sẽ không đi theo ta. Chắc chắn như vậy. Cho đến cái thân nầy mà ta gọi là "của ta" cũng vậy. Từ cát bụi nó đến, nó sẽ trở về với cát bụi. Danh vọng ảo huyền, vinh quang trống rỗng, tất cả đều tiêu tan theo mây, theo gió. Chúng ta đến đây một thân, một mình. Vẫn một thân một mình, chúng ta sẽ phiêu bạt trong cơn bão táp, giữa đại dương của vòng luân hồi, trôi giạt đó đây theo cái nghiệp ..."

2. Hiểu biết chân chánh về thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, về hậu quả của nghiệp đã tạo, về sự hiện hữu của những cảnh giới ngoài cảnh người, về sự hiện hữu của những năng lực siêu phàm.

Nghiệp là gì và tạo nghiệp bằng cách nào? Nghiệp là hành động có tác ý. Tạo nghiệp bằng ba đường lối là tư tưởng, lời nói và việc làm. Tất cả những hành động có tác ý, thực hiện bằng thân, khẩu, ý, dầu thiện hay bất thiện, đều tạo nghiệp. Những hành động không cố ý, không có chủ tâm, nghĩa là không có tác ý (cetanà), mặc dầu là đã biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay việc làm, đều không tạo nghiệp. Hành động thiện tạo thiện nghiệp và đưa đến hậu quả là hạnh phúc, tinh thần hay vật chất. Hành động bất thiện đưa đến quả đau khổ, vật chất hay tinh thần.

Ba hành động bằng thân tạo nghiệp bất thiện là: sát sanh, trộm cắp, và tà dâm.

Bốn hành động bằng lời nói tạo nghiệp bất thiện là: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, nói nhảm nhí.

Ba hành động bằng ý tạo bất thiện nghiệp là: tư tưởng tham lam, sân hận, và tà kiến.

Những hành động đối nghịch với mười điều trên, được biểu hiện qua ba đường lối thân, khẩu, ý, dầu nhằm mục đích tạo dựng tài sản, để sinh sống, hay để vun bồi kiến thức, đều được coi là thiện nghiệp.

Người có Chánh Kiến hiểu biết chân chánh rằng những hành động như bố thí vật thực cho thú, cho đến người cư sĩ, hay dâng cúng đến chư tăng, nếu làm với tâm từ, sẽ đem lại hậu quả tốt đẹp trong kiếp sống nầy và nhiều kiếp khác. Dầu cúng dường đông đảo chư tăng với nhiều lễ vật quý giá, hay bằng một món quà nhỏ mọn, nếu làm với tình thương, với tâm từ, vì lòng tốt muốn giúp người, vì lòng thành thật muốn đem phúc lợi đến người, hành động ấy sẽ đem lợi ích cho người làm. Cùng thế ấy, những hành động như giữ Bát Quan trong những ngày giới, hằng ngày trong sạch giữ gìn năm giới, hành thiền, quy y Tam Bảo v.v... đều là thiện nghiệp.

Hiểu rằng mọi hành động thiện hay bất thiện đều tạo quả; hiểu rằng phụng dưỡng cha mẹ , làm cho cha mẹ được hữu phúc, là tạo thiện nghiệp và sẽ được phước báu về sau; hiểu rằng thật sự có những chúng sanh hóa sanh, đột nhiên được sanh ra, bỗng nhiên xuất hiện mà không phải trải qua hình thức thai bào; hiểu rằng có cảnh giới nầy, mà cũng có những cảnh giới khác ... những hiểu biết như vậy là chân chánh. Người có Chánh Kiến cũng hiểu biết rằng trong thế gian có những bậc cao minh có khả năng siêu phàm như các bậc Thánh Tu-Đà-Huờn, Tư-Đà-Hàm, A-La-Hán.

3. Hiểu biết chân chánh về Tứ Diệu Đế.

Đến mức cùng tột, Chánh Kiến là hiểu biết chân chánh về Bốn Chân Lý Thâm Diệu trong thế gian (Tứ Diệu Đế): Khổ, nguyên nhân sanh khổ, chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ.

Chánh Kiến ở mức sơ khởi là hiểu biết đúng con đường. Như người kia lạc lối, bỡ ngỡ trước nhiều ngã đường vì không biết chọn ngã nào, may thay chợt nhận ra tấm bảng chỉ đàng bên cạnh một con đường mòn xưa cũ. Bảng chỉ đàng là Giáo Pháp của Đức Phật, khách lữ hành thênh thang lạc bước là phần đông chúng ta, những người sơ cơ. Đường mòn là con đường cũ xa xưa mà chư Phật và chư vị A-La-Hán đã trải qua. Giai đoạn đầu tiên của Chánh Kiến là nhận ra Con Đường, tức hiểu biết chân chánh đưa hành giả đến hành động trong sạch, tạo thiện nghiệp để thọ hưởng những trạng thái nhàn lạc trong vòng luân hồi. Rồi từ đó, đặt chân lên Con Đường, và tiến dần đến mức cùng tột là chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.

Cũng có người đã lãnh hội đầy đủ luật nhân quả, mà vẫn còn hạn chế ước vọng của mình trong những thành tựu của thế gian. Những người nầy có những hành động đạo đức thanh cao để tích trữ phước báu và thọ hưởng khoái lạc, danh vọng, quyền thế v.v... trần gian, trong cảnh người hoặc những cảnh trời nhàn lạc. Tuy nhiên, trong sự hiểu biết bằng lý trí -- Chánh Kiến ở tầm mức tại thế -- không có gì để đưa con người vượt khỏi định luật nghiệp báo, thoát ra khỏi vòng tạo nhân và gặt quả. Để giải thoát hoàn toàn ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, nhận chân thực tướng của vạn pháp, Chánh Kiến siêu thế.

Chánh Kiến cao siêu có khả năng đưa đến giải thoát là thấu đạt Tứ Diệu Đế. Đức Phật dạy:

"Bây giờ, Chánh Kiến là gì? Đó là hiểu biết đau khổ, hiểu biết nguyên nhân sanh đau khổ, hiểu biết sự chấm dứt đau khổ, và hiểu biết con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ." (Digha Nikàya, Trường A-Hàm, bài kinh số 22)

Bát Chánh Đạo bắt đầu với một khái niệm về Tứ Diệu Đế, chỉ hiểu biết mù mờ xuyên qua lý trí, rồi tiến dần đến tuyệt đỉnh là trực giác chứng nghiệm, thấu triệt những chân lý cao siêu thâm diệu ấy và trở nên hoàn toàn giác ngộ. Như vậy có thể nói rằng hiểu biết Tứ Diệu Đế là bước đầu mà cũng là mục tiêu tối hậu của con đường thoát khổ.

Chánh Kiến về Tứ Diệu Đế phát triển qua hai giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên được gọi là Chánh Kiến phù hợp với chân lý (saccanulomika sammàditthi. Sammàditthi là chánh kiến. Sacca là chân lý. Anuloma là thuận chiều với, đúng với, phù hợp với). Giai đoạn thứ nhì là chánh kiến thâm sâu vào chân lý, thấm nhuần chân lý (saccapativeda sammàditthi. Pativeda là đi sâu vào, tiến thâm sâu vào bên trong). Chánh Kiến phù hợp với chân lý là hiểu biết rõ ràng ý nghĩa của bốn chân lý cao siêu thâm diệu của đời sống (Tứ Diệu Đế). Sự hiểu biết nầy phát sanh do nhờ học hỏi và nghiên cứu những chân lý ấy (văn tuệ). Sau đó, nhờ suy tư sâu vào mà ánh sáng của kinh nghiệm rạng chói dần dần đến lúc vững chắc tin tưởng như vậy (tư tuệ).

Tuy nhiên, đến mức độ nầy hành giả cũng chưa hoàn toàn thấm nhuần chân lý. Sự hiểu biết của hành giả đến lúc bấy giờ chưa tuyệt đối là hoàn bị, vì đó chỉ là một quan niệm rõ ràng, thay vì là tri giác. Muốn tiến đến mức độ thật sự chứng nghiệm phải trải qua thời gian tu tập, thực hành pháp môn hành thiền (tu tuệ). Trước tiên, an trụ tâm vững chắc, và sau đó, trau giồi và phát triển tuệ Minh Sát (vipassanà nàna).

Tuệ Minh Sát phát sanh do công trình quán chiếu và sáng suốt suy niệm về ngũ uẩn, những yếu tố của kiếp sinh tồn, nhằm phân biện rõ ràng những đặc điểm của nó. Đến mức tuyệt đỉnh của công trình suy niệm nầy hành giả tách rời cái nhìn của mình ra khỏi những hiện tượng hữu lậu của ngũ uẩn và nhắm vào trạng thái vô lậu, Niết Bàn. Lúc bấy giờ, nhờ tuệ Minh Sát đã trở nên sắc bén thâm sâu, hành giả có thể thành tựu mục tiêu, chứng ngộ Niết Bàn. ái dục chấm dứt. Trí tuệ bừng sáng và hành giả rõ ràng thấy rằng ái dục thật sự là nguyên nhân của mọi hình thức đau khổ và Bát Chánh Đạo thật sự là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. Như vậy, Chánh Kiến thấm nhuần Tứ Diệu Đế phát sanh vào giai đoạn cuối cùng của con đường chớ không phải vào lúc sơ khởi.

Giai đoạn đầu tiên của người có Chánh Kiến là nhận ra Con Đường. Rồi từ đó, đặt chân lên Con Đường và nhờ Chánh Kiến soi đường chỉ lối, tiến dần đến mục tiêu cùng tột, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.

Chánh Tư Duy

Chi thứ nhì của Bát Chánh Đạo là Chánh Tư Duy, suy tư đúng đắn (sammà sankappa. Sammà là đúng, chân chánh. Sankappa là suy tư, ước nguyện, có ý định). Chánh Tư Duy (sammà sankappa) là suy tư chân chánh, trong ý nghĩa có những tư tưởng hướng đến hành động chân chánh, hay quyết định, lập tâm quyết đến hành động tạo thiện nghiệp.

Khi căn bản của sự hiểu biết đúng đắn và vững chắc, ta suy tư đúng đắn. Như vậy, Chánh Kiến dẫn đến Chánh Tư Duy. Tư tưởng chân chánh bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chánh, và dẫn đến hành động chân chánh.

Người hiểu biết chân chánh (Chánh Kiến) ắt suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy). Đàng khác người suy tư chân chánh cũng hiểu biết chân chánh. Hai chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo liên quan với nhau rất mật thiết và ảnh hưởng với nhau rất chặt chẽ. Tri kiến thâm diệu về bản chất thật sự của kiếp sinh tồn được hoàn mãn thành tựu nhờ suy tư sâu sắc, và quán trạch tận tường, suy tư cặn kẻ sẽ đưa đến giá trị tinh thần hướng đến hành động chân chánh tương xứng với tri kiến. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy hợp thành giai đoạn "Tuệ" của Con Đường Giải Thoát.

Chánh Tư Duy nằm khoảng giữa, nối liền một bên là Chánh Kiến và bên khác là bộ ba Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Do hiểu biết chân chánh phát sanh những tư tưởng chân chánh, tư tưởng chân chánh dẫn đến hành động chân chánh biểu hiện bằng lời nói chân chánh, tạo nghiệp chân chánh và nuôi mạng chân chánh. Điều nầy cho thấy rằng Chánh Tư Duy không phải là những suy tư riêng rẻ, độc lập, mà là suy tư bắt nguồn từ hiểu biết chân chánh và đưa đến hành động chân chánh.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Tuy nhiên, cho đặng đi đến hành động bằng thân phải có ý muốn hành động, trước khi nói ra lời phải có tư tưởng. Như vậy, chính cái tâm là nơi bắt nguồn tất cả hành động tạo nghiệp. Do đó Kinh Pháp Cú bắt đầu bằng hai câu,

"Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả.
Nếu nói hay làm với tâm bất thiện, đau khổ sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò." (câu 1)

"Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả.
Nếu nói hay làm với tâm trong sạch, hạnh phúc sẽ theo liền với ta như bóng không bao giờ rời hình." (câu 2)

Theo triết học Phật Giáo, một hành động biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, chỉ tạo nghiệp khi nào hành động ấy được thực hiện với "ý muốn làm", hay nói cách khác, được thực hiện với tâm sở "tác ý" (cetanà). Một em bé cầm giàn thun nhắm bắn trái xoài trên cây. Rủi ro cục đá không trúng trái xoài mà bay thẳng, trúng ngay vào con chim đậu gần đó. Chim chết, nhưng em bé không tạo nghiệp sát sanh. Tại sao? Vì em không cố tình bắn chết con chim, trong tâm của em lúc ấy không có tâm sở "tác ý", em không cố ý sát hại một sinh vật. Một người khác, khoét vách, đào ngạch, định vào trộm của trong nhà kia. Chủ nhà hay được, người ấy bỏ chạy. Tuy không lấy trộm được gì nhưng người ấy đã tạo nghiệp trộm cắp vì lúc ấy anh cố tâm trộm cắp. Trong tâm anh lúc ấy có tâm sở "tác ý" lấy trộm của người.

Vi Diệu Pháp cũng dạy rằng trong một loại tâm, có một số nhiều hay ít các tâm sở đồng phát sanh, đồng hoại diệt, và cùng hướng về một đối tượng. Như vậy, khi Đức Phật dạy rằng "tâm dẫn đầu các pháp", một cách chính xác ta nên hiểu rằng "tâm dẫn đầu các tâm sở". Thí dụ như khi mắt (nhãn căn) nhìn một tượng Phật (nhãn trần), tức có sự thấy (nhãn thức). Nhãn thức chỉ là "sự thấy", không có sự phân biệt. Chính tâm sở "thọ" phân biệt hình dáng, màu sắc v.v... mà không hiểu biết đó là gì, và tâm sở "tưởng" nhận ra, hay biết đó là tượng Phật. Cùng lúc, trong số 50 tâm sở còn lại (ngoài thọ và tưởng), có một số tâm sở đồng phát sanh như: tín, niệm, xả, an khinh, tinh luyện, nhu thuận, tác ý, v.v... và trong số các tâm sở nầy chính cetana, tâm sở "tác ý", tạo nghiệp. Do đó Đức Phật dạy: "Như Lai tuyên bố, chính tác ý là nghiệp." Trong trường hợp câu Pháp Cú số (1) -- tâm dẫn đầu các pháp -- danh từ "pháp" có nghĩa là những tâm sở bất thiện, và trong câu (2), pháp là tâm sở thiện. Nếu không có tâm, ắt không có sự thấy tượng Phật (nhãn thức), tức nhiên các tâm sở khác như thọ, tưởng, tín, niệm, tác ý, v.v... không phát sanh. Do đó tâm là cái đến trước. Tâm dẫn đầu tất cả những tâm sở thiện và bất thiện. Và trong số ấy, tâm sở tác ý, hay ý muốn làm, là quan trọng hơn tất cả vì chính tác ý tạo nghiệp. Tâm dẫn đầu mọi hành động và tác dụng như thành phần chánh yếu trong khi tác hành cũng như trong khi quyết định tác động. Chính tâm điều khiển và tạo tác hành động -- biểu hiện dưới hình thức thân, khẩu, hay ý.

Trong cặp song yếu nầy Đức Phật nhấn mạnh vào vai trò rất quan trọng của tâm suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy) trong kiếp sống con người. Và từ đó Đức Thế Tôn giải thích bằng cách nào hành động có thể trở nên thiện hay bất thiện, tùy theo các tâm sở đồng phát sanh đưa đến hành động. Cuối cùng Ngài nhắc đến hậu quả dĩ nhiên phải có của những hành động tương tợ.

Tâm có khả năng kiến tạo vô bờ bến, mà cũng có sức phá hoại không thể lường được. Tâm tạo thiên đàng mà cũng tâm, tạo địa ngục. Tâm có thể dẫn dắt ta đi rất xa trên con đường thiện, mà cũng có thể đưa ta xuống thật sâu trong vực thẩm của tội ác. Giống như lưỡi dao bén. Ta có thể dùng nó để tự cạo râu tóc hay tự khứa cổ mình. Chính ta phải quyết định dùng nó vào việc nào. Chánh Tư Duy là có tư tưởng đúng, là quyết định chân chánh, có tâm hướng thiện. Chánh Tư Duy gồm ba loại:

1) Tâm dứt bỏ. Đức Phật dùng danh từ nekkhama, có nghĩa là xuất gia, hàm xúc sự từ khước những dục vọng trần tục, và nghịch nghĩa với tham dục, tâm luyến ái, vị kỷ, bám níu vào tư sản.

2) Tâm không thù hận, avyàpada, tức từ ái, thiện ý, hảo tâm, nghịch nghĩa với sân hận, ác ý, oán ghét.

3) Tâm không hung bạo, avihimsa, tức ôn hòa, hiền lương, lòng bi mẫn, không hung ác, bạo tàn.

1. Tâm dứt bỏ

Nguồn gốc của đau khổ là ái dục, và luyến ái là một hình thức ái dục. Do đó loại tư tưởng chân chánh đầu tiên là khước từ, dứt bỏ, không luyến ái.

Do màn vô minh che lấp, chúng ta tự đồng hóa với ngũ uẩn, và lầm lạc chấp rằng thân nầy là "ta", thọ nầy là "ta" v.v... "ta" là thân nầy, "ta" là thọ nầy v.v... và từ vô lượng kiếp chúng ta gia công vun quén đấp bồi cái ảo kiến "ta" một cách kiên cố. Chúng ta thỏa thích thọ hưởng những gì thuận ứng với những đòi hỏi của cái được gọi là "ta", và bám chặt, ôm sát, níu chắc, những dục vọng. Chúng sanh mê muội trong đám mây vô minh, lấy cái "ta" làm trung tâm của mọi sự vật và cố đem vào càng nhiều càng tốt, bám lấy càng chặt càng hay.

Nhưng khổ thay! dục vọng không bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn, vì bản chất tham dục của con người là không bao giờ biết đủ. Khi một điều mong muốn được thành đạt, thì có một mong muốn mới phát sanh. Con người luôn luôn chạy theo những thích thú tạm bợ mới, cố rượt theo để bám lấy những ảo ảnh, để cố chụp cho được cái mà thật sự chỉ là những hình bóng ảo huyền, và như thế con người luôn luôn châm nhiên liệu để dưỡng nuôi và bảo trì ngọn lửa tham ái của kiếp sinh tồn. Chính sự tham muốn ích kỷ, sự luyến ái vô độ lượng, và sự bám níu đam mê dính chặt vào những sự vật trên thế gian đã lôi cuốn con người mãi mãi lặn hụp trong biển trầm luân. Vì thế, món thuốc đầu tiên để làm giảm suy căn nguyên luyến ái của chứng bệnh đau khổ là tâm dứt bỏ, khước từ, mà danh từ được Đức Phật dùng là nekkhama, xuất gia, hàm ý là từ khước những dục lạc trần tục để chọn lấy đời tu sĩ.

Dĩ nhiên, nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền, và thú vui trần tục không tạo hạnh phúc thật sự, rồi tự nguyện lìa bỏ tất cả sự nghiệp trên đời để khoác lấy tấm y vàng làm người không nhà cửa, không gia đình, tự ý sang đời nghèo nàn, đơn giản, để cố gắng sống hoàn toàn trong sạch, là hình thức khước từ cao thượng nhất. Tuy nhiên, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy tất cả mọi người đều nên ly gia cắt ái. Ngài chỉ dạy rằng dầu xuất gia hay tại gia cư sĩ, chúng ta nên thận trọng nhận thức mối nguy hại của nhục dục ngũ trần mà Ngài ví như cục xương khô, như ngọn đuốc mà ta cầm đi ngược chiều gió, như hầm than cháy đỏ, như vật vay mượn, như một giấc mơ v.v... và Ngài dạy:

"Nầy chư tỳ khưu, thú vui của nhục dục ngũ trần quả thật là tạm bợ, vô thường, là trống rỗng, giả tạo, là không thực ... "

Có những tư tuởng buông bỏ, từ khước những dục vọng trần tục, không vị kỷ luyến ái tài sản sự nghiệp, xa lánh cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, không bám níu vào cái "ta", không đeo níu theo đời sống, là loại Chánh Tư Duy đầu tiên.

Đức Phật mô tả giáo lý của Ngài là con đường ngược chiều với thế gian.

"Chắc như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc trần gian là một, và con đường dẫn đến Niết Bàn là con đường khác. Thông hiểu như vậy, thầy tỳ khưu đệ tử Phật không nên thỏa thích trong mùi danh bã lợi của thế gian mà phải trau giồi hạnh buông xả." (Kinh Pháp Cú, câu 75)

Con đường của thế gian là con đường tham ái, dục vọng. Con người thế gian đi dài, thuận chiều theo con đường ấy, nhằm mưu tìm hạnh phúc trong sự thỏa mãn nhục dục của mình. Giáo Huấn Buông Bỏ mà Đức Thế Tôn ban truyền kháng cưỡng, chống lại sức lôi cuốn như thác lũ của tham vọng, đi dần đến mức chấm dứt ái dục và tìm hạnh phúc, không phải trong sự thỏa mãn, mà trong sự dứt bỏ, khước từ ái dục.

Dầu là bậc xuất gia hay hàng tại gia cư sĩ, nguyên tắc chỉ đạo chánh yếu vẫn được ghi nhận là phải hoàn toàn tận diệt mọi hình thức tham ái mới có thể trọn vẹn thành tựu mục tiêu giải thoát. Biết rằng ái dục là nguyên nhân phát sanh đau khổ (tập đế), và biết rằng chấm dứt hay làm giảm suy đau khổ đến mức độ nào tùy thuộc ở sự chấm dứt hay mức độ làm giảm suy ái dục, người Phật tử thuần thành cố gắng phát triển tâm buông bỏ.

Nhưng chính tại điểm nầy ta gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ từ bên trong. Từ lâu, tâm của chúng ta đã quen thâu thập, cố bám, nắm giữ, và tích trữ. Thói quen ấy đã trở thành bản tánh tự nhiên, không dễ gì dùng ý chí mà thay đổi. Dầu lý trí có ưng thuận buông bỏ nhưng tâm, chịu ảnh hưởng của ái dục, vẫn khư khư chấp thủ, không khứng chịu khước từ. Do đó vấn đề bây giờ là làm thế nào để gỡ cái tâm ra khỏi sự chi phối của ái dục. Đức Bổn Sư không dạy phải đè nén hay cưỡng bách, xua đuổi ái dục ra khỏi tâm, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Công cụ mà Đức Thế Tôn trao truyền để diệt trừ ái dục là tri kiến, hiểu biết chân chánh bản chất của sự vật, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Dứt bỏ, từ khước, thật sự không phải là vấn đề tự ép buộc mình cố gắng buông bỏ những gì mà sâu kín trong lòng mình vẫn còn tưng tiu, ôm ấp, mà là vấn đề tự mình thay đổi quan kiến của mình, nhìn sự vật dưới ánh sáng trí tuệ. Khi chúng ta quán trạch tận tường và thấu triệt đầy đủ bản chất thật sự của ái dục và những đối tượng của nó thì chính nó sẽ tan biến mà không cần phải chiến đấu.

Một em bé đang say mê giữa đám đồ chơi của em. Nếu có ai đến xin, hoặc giựt của em một món, ắt là em khóc la và tranh đấu cố giành lại cho kỳ được. Nhưng khi em bé lớn dần. Đến một ngày nào, em sẽ không còn bám níu vào những món đồ chơi ấy nữa, mà để mặc tình ai lấy đi hay làm gì cũng được.

Tại sao? -- Vì em đã trưởng thành.

Cũng dường thế ấy, ngày nào ta nhận thức rằng ái dục là nguồn gốc của đau khổ, và đau khổ luôn luôn dính liền với ái dục, bởi vì ái dục là khát khao và bám chặt vào một cái gì không ngừng biến chuyển, một cái gì không thật sự có, thì làm sao tránh khỏi sầu muộn, đau buồn, thất vọng. Đến chừng ấy ta sẽ không còn luyến ái và cố bám, cố giữ những gì mà lúc nào tưởng chừng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất trên đời.

Ta có thể tưởng tượng rằng từ bỏ ham muốn để vượt đến buông bỏ là một hình thức khổ hạnh, là từ hoàn cảnh sung sướng trở thành gian khổ, từ phong phú dồi dào trở nên nghèo nàn thiếu thốn, từ hạnh phúc thành sầu muộn. Nhưng trong thực tế đó là đi từ thỏa thích thô kịch đến hạnh phúc tinh vi tế nhị, êm dịu và thâm trầm, từ những thú vui đầy phiền lụy và cạm bẩy đến an lạc, thanh bình và thật sự châu toàn -- từ nô lệ đến tự do.

Biến chuyển nầy không xảy diễn một cách nhanh chóng hay đột ngột. Nhưng nếu ta chuyên cần tu niệm ắt một ngày nào nó sẽ đến ... như một ngày nào em bé trưởng thành.

2. Tư tưởng không thù hận

Tư tưởng không thù hận hàm ý là tâm từ. Tâm từ trong Phật Giáo không có bất luận giới hạn hay sự phân biệt nào mà cũng thâm diệu đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà.

Có những lời dạy nên thương người láng giềng, người đồng đạo, người đồng chủng, người đồng hương, người đồng chí, người đồng loại v.v... Tất cả những tình thương ấy đều trong sạch, tốt đẹp, và cần thiết trong xã hội. Nhưng đó không phải là tâm từ trong Phật Giáo, vì có sự phân biệt và có giới hạn trong tình thương. Đó là những thứ tình thương giới hạn trong ý nghĩa có cái gì "đồng ..." Đây là "ta". Giữa đây và chúng sanh nào đó ... có một điểm gì chung, một điểm gì "đồng" với "ta" thì có tình thương. Đồng thời có sự phân biệt với những người khác, những người không có gì "đồng". Thương người láng giềng của "ta", người có chung một tôn giáo với "ta", cùng một chủng tộc với "ta", cùng xứ sở với "ta" v.v... Lấy cái "ta" làm trung tâm điểm, rồi từ đó tình thương phát tủa ra như ánh sáng một ngọn đèn trong căn phòng, giới hạn bên trong bốn vách. Đó là bản chất tự nhiên của con người. Tình thương vẫn là tình thương, với tất cả những gì tốt đẹp, dịu hiền, dễ mến của nó. Xã hội không thể tồn tại nếu không có những tình thương ấy. ở đây chỉ muốn nói rằng tâm từ trong Phật Giáo không phải như vậy. Tâm từ trong Phật Giáo bao trùm toàn thể chúng sanh, toàn thể càn khôn vũ trụ, vô lượng vô biên, không có sự phân biệt nào. Người có tâm từ phải vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư, không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, mà nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình, và mỗi người, mỗi chúng sanh, là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật. Người có tâm từ hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, xem vạn vật và mình là một.

Một loại tâm như vậy quả thật là cao thượng. Nhưng cũng rất khó thực hành. Đúng như vậy. Vì lẽ ấy chúng ta còn là phàm nhân. Chúng ta còn phân biệt đây là "ta", kia là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con, là cháu "của ta". Cái nầy là tiền của, sự nghiệp, cái kia là danh vọng, quyền thế "của ta" v.v..., chư vị A La-Hán đã tận diệt ngã chấp. Tâm của các Ngài như vừng thái dương, bao trùm vạn vật mà không có sự phân biệt nào. Đức Phật là kết tinh, là hiện thân của tâm từ vô lượng vô biên ở mức độ cùng tột. Đó là những gương lành trong sạch để ta noi theo, là lý tưởng thanh cao tuyệt đỉnh để ta hướng tâm về. Suy tư nào, tư tưởng nào hướng về tâm từ vô lượng ấy là Chánh Tư Duy.

3. Tư tưởng không hung bạo

Hung bạo là gây tổn thương cho người khác mà không xót thương, không động lòng trắc ẩn trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch nghĩa của hung bạo là bi mẫn, động lực làm cho ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là cái gì thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người lâm nạn thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là tâm bi.

Cũng như tâm từ, tâm bi phải vô lượng vô biên, không bị hạn định trong một gia đình, một xóm, một làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp, hay một loại chúng sanh nào.

Đối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh -- chúng sanh khổ và chúng sanh không khổ -- mà không có sự phân biệt. Đối tượng của tâm bi là những chúng sanh xấu số đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi sáng người tối tăm, lầm đường lạc nẽo.

Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than. Đó không phải là tâm bi, mà giống như "người thù mang lốt bạn" của tâm bi. Tâm bi trong Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt nhỏ suông trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tánh của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ, chớ không phải là phiền muộn âu sầu với họ. Thọ ưu (domanassa, cảm giác buồn khổ) thuộc về tâm sân (dosa hay patigha) một trong ba căn bất thiện.

Tâm bi giống như tình thâm của bà từ mẫu thương xót đứa con đang lâm bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói, và hành động đều tập trung lại để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ. Lòng của người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa mềm mại, không bao giờ hành động hay làm điều chi gây tổn hại cho người khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác, và luôn luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn đáp nghĩa. Có những suy tư hướng về tâm bi là Chánh Tư Duy.

Bản chất của chúng sanh là tham lam, sân hận và hung bạo, phát sanh do ái dục, vì khư khư cố chấp đây là "ta", cái nầy là "của ta". Chúng ta vui thích với những gì vừa ý, và ghét bỏ những gì phật lòng cái "ta". Vui thích thì đâm ra luyến ái, đeo níu, cố bám chắc, tức tham. Phật lòng thì bất mãn, xua đuổi, giận dữ, oán ghét, tức sân, lắm khi đưa đến hung bạo, tàn ác.

Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bản chất rỗng không của cái gọi là "ta". Chừng ấy tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ cho tâm buông bỏ, khước từ, tâm từ và tâm bi.

Chánh Ngữ

Chánh Ngữ là có lời nói chân chánh, tức không tạo nghiệp bất thiện bằng lời nói, trái lại, trau giồi thiện khẩu nghiệp.

Lời nói là một khả năng của con người có giá trị vô cùng trọng đại. Bằng lời nói, ta diễn đạt những tư tưởng thầm kín để chia xẻ với người khác. Người có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tức nhiên cũng có Chánh Ngữ. Những người khác, dầu chưa đạt đến mức cao thượng ấy, vẫn có thể tu tập, thận trọng chú tâm vào những gì mình sắp nói. Nếu con người có thể kiểm soát cái lưỡi không xương của mình, nhân loại ắt tránh khỏi bao nhiêu phiền phức, và đời sống trên thế gian sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu. Lời nói trong sạch sẽ không đượm nhuần những tâm sở bất thiện như tham lam, sân hận, ganh tỵ, ngã mạn, ích kỷ v.v...

Bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn và nói nhảm nhí.

1. Không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật đức hạnh đầu tiên của Chánh Ngữ. Người nghiêm trì giới nầy cố tránh nói lời giả dối, tức chuyện có nói không, chuyện không nói có. Người ấy nói lời chân thật, sống chân thật, đáng được tín cẩn. Tâm sở bất thiện nằm phía sau lời nói giả dối, cố tình làm cho người khác hiểu sai sự thật, có thể khác nhau, như khi nói dối để được lợi về tài sản vật chất, địa vị xã hội, quyền thế, danh vọng v.v... cho mình hay cho người thân mình, thì đó là tâm tham. Nói dối với ý định làm hại người khác là tâm sân v.v...

Nói lời giả dối tác hại cho người mà cũng làm hại chính mình. Xã hội chỉ có thể tồn tại êm thấm trong sự tín cẩn lẫn nhau, khi mà người nầy có lý do để tín nhiệm người khác. Tật nói dối còn ảnh hưởng tai hại đến tâm tánh tự nhiên của mình. Khi đã nói dối một lần ta bị bắt buộc phải nói dối nữa để che đậy cái dối trước và như vậy, gài chặt người nói dối vào một loại cạm bẩy rất chằng chịt, không lối thoát, Lắm lúc, đến độ nào, chính người nói dối cũng không còn biết sự thật.

Giả dối là một trở ngại quan trọng trên đường giác ngộ, vì giác ngộ là thấu triệt chân lý, thấy rõ thực tướng của sự vật, còn nói dối là nói sai sự thật, cố tình làm cho người khác hiểu sai sự thật. Chứng ngộ Chân Lý là trọn vẹn tự hòa đồng với sự thật, tự đồng hóa với cái gì thật sự là như vậy. Người giả dối nghĩ một đàng nói ra một nẻo, lấy giả làm thật. Con đường giả dối hẳn ngược chiều với con đường giác ngộ. Vấn đề ở đây là trọn vẹn hòa đồng với Chân Lý.

Đến mức cùng tột, chân thật là một parami (ba la mật), tức một trong mười pháp có khả năng đưa người thực hành thuần thục, từ bờ mê đến bến giác (sacca parami, ba-la-mật chân thật). Một vị Bồ Tát luôn luôn chân thật, trong sạch, và chánh trực. Phương châm của Ngài là, "Yathàvàdi tathàkàri. Tathàkàri yathàvàdi", "Nói sao làm vậy. Làm sao nói vậy". Không bao giờ có sự chênh lệch giữa hành động và lời nói. Theo Túc Sanh Truyện Harita Jàtaka (số 431) Bồ Tát không bao giờ thốt ra lời nào mà chính Ngài không nghĩ như vậy. Túc Sanh Truyện Mahà Sutasoma Jàtaka (số 537) cũng ghi lại tích chuyện Bồ Tát tự hy sinh mạng sống để giữ lời hứa.

"Giống như sao mai mà ta thấy trên trời vào buổi sáng. Ngày nào như ngày nấy, lặng lẽ xuất hiện nơi vị trí của nó, không mảy may sai chạy. Năm tháng trôi qua, sao mai vẫn y hẹn. Lời nói của bậc thiện trí cũng phải đúng như vậy, không khi nào lệch khỏi sự thật. Không bao giờ sai hẹn."

Một chuyện khác thuật rằng sau khi Ràhula [10] xuất gia, bài pháp đầu tiên mà Đức Thế Tôn dạy chú sa-di bảy tuổi ấy là bài Ambalatthika Ràhulovàda Sutta, được ghi lại trong bộ Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, số 61. Chuyện rằng ngày kia thấy Đức Phật từ xa đến, sa-di Ràhula dọn dẹp chỗ ngồi và để sẵn nước cho Ngài rửa chân.

Khi rửa xong, Đức Phật chừa lại một ít nước trong thau và hỏi, "Ràhula, con thấy còn lại một chút nước trong thau không?

-- Bạch Đức Thế Tôn, có.

-- Cùng thế ấy, nầy Ràhula, đời sa-di quả thật không nghĩa lý gì, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn.

Rồi Đức Phật tạt hết nước trong thau ra và dạy,

"Đời sa-di quả thật như bỏ đi, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Rồi Đức Phật lật úp cái thau xuống và dạy,

"Đời sa-di quả thật đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Cuối cùng, Đức Phật lật cái thau trở lên, để ngay ngắn rồi dạy,

"Đời sa-di quả thật rỗng không và vô vị, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố, không có điều tội lỗi xấu xa nào mà người ấy có thể không làm. Do đó, Ràhula, con phải cố gắng lập tâm: Dầu trong lúc chơi đùa, tôi cũng không nói dối."

Dầu có phải hy sinh mạng sống, Bồ Tát không hề nói lời giả dối. Chư vị Bồ Tát rất quan tâm đến lời chân thật vì ảnh hưởng của sự giả dối rất sâu đậm.

2. Không nói đâm thọc mà chỉ có những lời đem lại tình thân hữu, sự hòa hợp. Danh từ "pisunàvàcà" được Đức Thế Tôn dùng ở đây có nghĩa là lời nói nhằm bẻ gảy tình bằng hữu. Thành ngữ mà người thế gian thường dùng là "đâm bị thóc, chọc bị gạo", trong ý nghĩa đi đầu nầy nói xấu đầu kia rồi trở lại đầu kia đặt chuyện dèm pha người nầy, nhằm tạo tình trạng thù hằn, hờn giận hay chia rẽ. Đức Phật dạy:

"Người trì giới nầy cố tránh và kiêng cữ, không dùng lời lẽ có tánh cách đâm thọc. Điều gì nghe ở đây người ấy không lặp lại ở nơi khác nhằm tạo chia rẽ, hoặc nghe ở nơi khác, người ấy không lặp lại ở đây với ý định làm cho hai đàng hờn giận lẫn nhau. Người ấy đoàn kết những ai chia rẽ và khuyến khích những ai đoàn kết. Không khí thuận hòa là niềm vui của người ấy. Người ấy hoan hỷ thỏa thích và phấn khởi trong sự hòa hợp, và bằng lời nói, cố gắng gieo trồng mầm mống thuận hòa." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, 176)

Động cơ thúc đẩy đưa đến lời nói đâm thọc thường là tâm bất mãn, sân hận, hay ganh tỵ. Thấy ai thành công hay thấy người có giới đức được tôn trọng thì sanh tâm muốn hạ uy tín hoặc làm giảm suy giá trị. Đôi khi vì muốn ám hại hay muốn lấy lòng một người, cũng có khi chỉ vì thỏa thích muốn thấy người ta giận dỗi cấu xé lẫn nhau.

Đứng về phương diện nghiệp báo, quả của lời nói đâm thọc rất là tai hại. Tâm sân, làm nguyên nhân cho lời nói đã là một căn bất thiện rồi, người có ác ý cố gây chia rẽ thường nghiền ngẫm suy tư, tìm lời để châm chích cho đúng lúc, đúng tâm lý v.v... Càng dưỡng nuôi ấp ủ trong lòng, nghiệp ác càng chồng chất. Nếu cố tâm bày điều giả dối để thêm bớt thì lại còn tạo thêm khẩu nghiệp giả dối. Cả hai, lời nói đâm thọc và lời nói giả dối, phối hợp lại tạo thành khẩu nghiệp bất thiện vô cùng tai hại.

Người nói đâm thọc giống như loài muổi, hút nọc độc đầu nầy rồi đến ve vãn đầu khác, hút một ít máu và trong lúc ấy, không quên để lại phần nào nọc độc. Miệng nói ngọt ngào như mật, nhưng tâm đượm nhuần chất độc. Lời chân chánh (Chánh Ngữ) không tạo phiền phức cho ai mà chỉ đem lại hòa hợp và an tĩnh. Thay vì gieo rắc mầm mống chia rẽ, người ấy luôn luôn tạo hòa khí giữa những người bất đồng ý kiến, xây dựng tình bằng hữu giữa những người thù nghịch.

Trong xã hội loài người, chúng ta không thể sống riêng rẽ một mình mà phải tùy thuộc lẫn nhau. Vậy, trong sự lợi ích kế cận nhất của mỗi người, chúng ta hãy cố gắng tập sống chung với nhau trong bầu không khí thuận hòa, trong tình huynh đệ, và trong sự điều hòa.

3. Không nói lời thô lỗ cộc cằn, mà chỉ ăn nói thanh tao nhã nhặn,đức hạnh thứ ba trong Chánh Ngữ.

Lời thô tiếng cộc biểu lộ ra ngoài tâm hung bạo thô tục lỗ mãng bên trong, và được thốt ra trong cơn nóng giận. Tánh cách thô bạo của lời nói như thế có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như la rầy, mắng nhiếc, chưởi rủa hay nói xiêng nó xỏ, soi bói v.v... tất cả đều phát sanh từ tâm bất mãn, sân hận và nhằm gây phiền muộn khổ đau cho người khác. Những cơn nóng giận thường bộc phát đột ngột, không có sự nghiền ngẫm suy tính, do đó hậu quả không đến nỗi trầm trọng lắm. Tuy nhiên, vì nó có khuynh hướng tái diễn, nếu chúng ta lơ đểnh để lặp đi lặp lại thành thói quen và từ đó trở thành tâm tánh sân hận, hung bạo, mỗi lần mở miệng là thốt ra những lời cộc cằn thô tục thì đó rõ ràng là một hiểm họa. Lời nói thô bạo biểu lộ sự nóng giận, lúc nào cũng là một tai hại cho người nghe cũng như cho người nói, trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Vào thời Đức Phật có vài vị tỳ khưu thường nặng lời lăng mạ một vị khác, và vị nầy trả lời lại. Đức Phật khuyên: "Không nên dùng lời thô lỗ cộc cằn. Người bị nói cộc sẽ trả lời thô. Những lời gây thù trả oán thô tục thật là đau đớn. Lời qua tiếng lại sẽ làm tổn thương như gây thương tích." (Kinh Pháp Cú, câu 133)

Ngài dạy về lợi ích của người biết giữ im lặng trước những lời lăng mạ của kẻ khác như sau: "Nếu có thể giữ im lặng như cái mỏ bể, con đã đắc Quả Niết Bàn", ý nói người hành đúng như vậy, dầu còn tại thế, cũng được xem là cao thượng như đã chứng đắc Niết Bàn.

Tự kềm chế, cố tránh, và kiêng cữ những lời thô bạo trong cơn nóng giận là trau giồi hạnh nhẫn nhục, cũng là một ba-la-mật -- khanti paramita, ba-la-mật nhẫn nhục. Đó là nhẫn nhục chịu đựng những lời khiển trách khắt khe và khoan hồng bỏ qua những sai lầm của người khác, tôn trọng những quan điểm dị đồng và cảm thông những thiếu sót của người. Tự kiểm soát thân tâm là cái chìa khóa mở cửa đưa vào hạnh phúc và để cho những cảm xúc vô độ lượng, vô trật tự, đượm nhuần sân hận, điều khiển mình, tức là tự đặt mình vào tình trạng nô lệ tệ hại nhất.

Túc Sanh Truyện số 269 có thuật chuyện Bồ Tát, tiền thân của Đức Thế Tôn, là vua xứ Benares (Ba La Nại) trong một kiếp sống. Đức Hoàng Thái Hậu mẹ Ngài là người hiền lương nhưng đôi khi ăn nói cộc cằn. Hôm nọ, Vua cùng đi với Hoàng Thái Hậu và đoàn tùy tùng, dạo chơi trong ngự uyển. Bên đàng có con chim ác là, màu sắc xanh tươi lộng lẩy, nhưng mỗi khi cất tiếng lên thì giọng kêu chát chúa, ai nấy cũng bịt tai, ngoảnh mặt than phiền. Một lúc sau đến nơi khác, có con chim chích chòe, lông đen xấu xí mà tiếng hót lãnh lót thanh tao dịu ngọt, ai cũng thích nghe, ai cũng trông cho nó hót thêm nữa để nghe.

Nhân cơ hội, Vua mở lời khuyên nhủ mẹ:

"Kính thưa Mẫu Hậu thân mến, tiếng kêu của con chim ác là thật chát chúa khó chịu, ai cũng muốn xa lánh. Thật không ai thích nghe lời thô lỗ. Chim chích chòe trái lại, mặc dầu đen đúa xấu xa nhưng đã thu hút được mọi người bằng giọng hót thanh nhã dịu hiền. Như vậy, lời nói của ta phải là cẩn ngôn, êm dịu, hiền lành, đầy ý nghĩa v.v..." Do lời khuyên của người con sáng suốt, kể từ đó về sau Hoàng Thái Hậu giữ gìn lời ăn tiếng nói và trở nên thanh nhã dịu hiền.

4. Không nói nhảm nhí mà chỉ nói lời hữu ích. Pháp học nầy được Đức Phật dạy như sau:

"Người (nghiêm chỉnh thọ trì phẩm hạnh nầy) cố tránh và kiêng cữ nói lời nhảm nhí, vô ích. Người ấy nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói những lời hữu ích, nói về Giáo Pháp và Giới Luật. Lời nói của người ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu lý, hòa nhã, và đầy ý nghĩa." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, số 176)

Lời nói nhảm ắt vô ý nghĩa, nông cạn và không mang lại lợi ích nào. Những lời lẽ như thế chỉ khơi động vọng tâm. Đức Phật khuyên nên hạn chế những ngôn từ thuộc loại nầy. Đối với bậc xuất gia, lời nói phải thật là cẩn ngôn, phải được chọn lọc, và chỉ nói những gì thích hợp với Giáo Pháp.

Ngài dạy: "Nầy chư Tỳ Khưu, khi các con tụ họp đông đảo thì chỉ có hai việc nên làm: hoặc thảo luận về Giáo Pháp, hoặc giữ im lặng cao thượng." (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, số 26)

Thảo luận Giáo Pháp là đề cập đến bản chất thật sự của vạn pháp, của Con Đường dẫn đến chứng ngộ Chân Lý cùng tột, Niết Bàn, và do đó quả thật là hữu ích. Đàng khác, trầm lặng là một hình thức nhàn lạc của kiếp sinh tồn. Lại nữa, khi ẩn rút trong im lặng ta hoàn toàn đơn độc để nhìn vào bên trong chúng ta, vào bản chất thật sự của chúng ta, để tận tường thấy rõ mình như thật sự mình là vậy. Chừng đó ta có thể học được phương cách vượt qua những khuyết điểm và giới hạn của cuộc sống bình thường. Hàng cư sĩ tại gia, vì nhu cầu xã hội, còn phải cần nói năng lịch thiệp trong câu chuyện giao dịch hằng ngày. Mặc dầu vậy, Đức Phật dạy không nên lơ đễnh để buông trôi quá xa, vì người có ý nguyện đi trên con đường giải thoát phải hết sức thận trọng phân biện điều nào sẽ dẫn đi đâu và phải chuyên cần canh chừng "anh chàng nói dối", sâu ẩn lẫn trốn bên trong chúng ta một cách rất là kín đáo.

Không nên nói nhảm nhí mà luôn luôn có lời hữu ích. Vào thời Đức Phật, có tên sát nhân khát máu nọ gia nhập vào đảng cướp, gây nhiều tội ác và về sau trở thành đao phủ thủ của triều đình. Nhờ Đức Sàriputta cảm hóa, tánh tình anh đổi hẳn từ hung tàn bạo ngược trở nên hiền lành lương thiện và sau khi chết, tái sanh vào cảnh trời. Đức Phật giải thích rằng sở dĩ anh tái sanh tốt đẹp là nhờ lời khuyên hữu hiệu đượm nhuần từ bi của bậc đạo đức cao thượng. Ngài dạy:

"Chỉ một lời nói hữu ích, làm cho người nghe an tĩnh,
còn quý hơn cả ngàn tiếng nói vô ích." (Kinh Pháp Cú, câu 100)

Không phải nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học rộng biết nhiều. Cũng không phải nói nhiều mà mình tạo lợi ích cho mình hoặc cho ai khác. Kinh sách Tây Tạng có lời dạy rằng nói nhiều lắm khi đưa đến hậu quả tai hại, như trường hợp con két, vì ham nói mà phải chịu cảnh chim lồng.

Chánh Nghiệp

Chánh Nghiệp là tạo nghiệp chân chánh, tức không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm, ba điều tu tập đầu tiên trong ngũ giới. Giới thứ tư, vọng ngữ, đã được đề cập đến trong phần Chánh Ngữ. Phần lớn các kinh sách không đề cập đến giới thứ năm -- không dùng chất say -- trong Chánh Nghiệp. Nên biết rằng không dể duôi uống rượu và dùng các chất say là giữ gìn tâm cho được luôn luôn sáng suốt để luôn luôn quyết định chân chánh.

1. Không sát sanh, là không cố ý cắt đứt, ngăn chận, tiêu diệt, hay làm trở ngại sức tiến triển của năng lực một đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy, là không làm tổn thương cuộc sống của bất luận sinh vật nào, cũng không sai biểu, xúi giục hay quyến dụ người khác làm những điều nầy. Trong hình thức thô sơ nhất, hành động sát sanh gồm đủ năm yếu tố là: Có một sinh vật đang sống; có sự hiểu biết rằng sinh vật ấy đang sống; có ý định cắt đứt sự sống của sinh vật ấy; có sự chú tâm cố gắng làm cho con vật chết; và chính tác động sát sanh. Đức Phật dạy: "Ai cũng run sợ trước gậy gộc. Tất cả đều quý trọng đời sống. Hãy lấy bụng ta suy lòng người. Không nên giết, cũng không nên làm cho người khác giết." (Kinh Pháp Cú, câu 129)

Một ngày nọ, khi vào thành Sàvatthi (Xá Vệ) để trì bình, Đức Phật thấy một nhóm trẻ con cầm gậy xúm đập một con rắn. Ngài dừng chân lại hỏi,

-- Nầy các con, các con đang làm gì đó?

-- Bạch Ngài, chúng con đập con rắn.

-- Tại sao các con đập nó?

-- Bạch Ngài, vì chúng con sợ nó cắn.

Đức Phật mở lời khuyên rằng trong khi làm đau đớn con rắn, các con hãy nghĩ đến chính các con. Hành động hung bạo nầy sẽ làm tổn thương đến hạnh phúc của các con trong tương lai. Người nào muốn tìm hạnh phúc cho mình chớ nên đánh đập kẻ khác. Và Ngài dạy: "Kẻ nào tìm hạnh phúc cho chính mình bằng cách hành hạ chúng sanh khác, cũng ưa thích an lạc, kẻ ấy sẽ không được hạnh phúc."

Khi giảng về ba-la-mật Trì Giới (sila paramita) Ngài Nàrada có lời khuyên như sau: "Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác. Bồ Tát rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát hại, hoặc làm tổn thương một sinh vật nào. Con người vốn sẵn có một thú tánh xúi giục giết hại những chúng sanh khác để ăn thịt mà không chút thương hại. Cũng có khi sát sanh, như săn bắn hay đi câu, để tiêu khiển thì giờ. Dầu để nuôi sống thân mạng mình hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sanh linh hay làm bất luận cách nào khác để cho một sanh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là "nhân đạo" để sát sanh. Nhưng làm đau khổ một chúng sanh khác là thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là hành động bất chánh, nói chi đến giết một người, mặc dầu nhiều lý do đã được viện ra gọi là chánh đáng, có khi gọi là cao quý, để con người tàn sát con người."

Để giải thích cho một thanh niên tên Subhà, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, Đức Phật dạy:

"Nếu người kia trọn đời chỉ biết sát sanh, người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẩm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương. Do tánh hiếu sát ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ yểu mạng.

"Nếu người kia luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến cuộc sống của ai, sống xa gươm đao giáo mác và các loại vũ khí, lấy lòng từ ái đối xử với tất cả chúng sanh. Do sự không sát sanh ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ trường thọ.

"Nếu người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung dữ bạo tàn ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ương yếu bệnh hoạn.

"Nếu người kia không bao giờ làm tổn thương ai. Do đức tánh hiền lương nhu hòa ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ mạnh khỏe ..." (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, Kinh Cullakammavibhanga Sutta, số 135)

Quả của nghiệp sát sanh nặng hay nhẹ tùy theo tầm quan trọng của chúng sanh bị giết, vì sự cố gắng để thực hiện hành động sát sanh và tai hại gây ra khác nhau. Sát hại một người thánh thiện hẳn là gây nhiều tai hại hơn là giết một tướng cướp.

2. Không trộm cắp là không có ý lấy, hoặc xúi giục người khác lấy một vật có chủ mà không được cho đến mình. "Lấy một vật không được cho đến mình" có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như trộm cắp, tức lén lút lấy của người; như móc túi, khoét vách đào ngạch vào nhà lấy trộm v.v... ; như cướp giựt, tức công khai lấy của người bằng võ lực, hoặc bằng cách hăm dọa, hoặc lẹ làng giựt lấy một món đồ rồi bỏ chạy, làm cho người ta không kịp trở tay; như gian lận, giả dối tráo trở giành quyền sở hữu của một người khác; như lường gạt, buôn bán của ít nói nhiều, giá thấp nói cao, đo lường cân thiếu, của hư xấu nói tốt v.v... Tất cả những hình thức trên đều tạo nghiệp trộm cắp.

Một khi đã gieo nhân ắt có ngày phải gặt quả, sớm hay chầy, nơi nầy hay nơi khác. Theo đúng giáo huấn của Đức Bổn Sư, không thể van lơn cầu cạnh, hối lộ hoặc gian lận bằng bất luận phương cách nào mà ta có thể biến chuyển được định luật nhân quả, cũng không thể lẫn trốn nơi nào, dầu bay lên trời rộng mênh mông, giữa đại dương sâu thẩm, hoặc ở nơi thâm sâu cùng cốc, mà ta có thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp bất thiện đã tạo. Không có vị trời nào, chí đến Đức Phật đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp. Quả của nghiệp trộm cắp là nghèo nàn thiếu thốn, khốn khổ, thất vọng, và làm thân nô lệ.

Năm chi tạo nghiệp trộm cắp là: Có một vật thuộc sở hữu của người khác; mình hiểu biết như vậy; có ý định thâu đoạt vật ấy làm sở hữu của mình; cố gắng trộm cắp; và chính hành động trộm cắp.

Người thực hành Chánh Nghiệp lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là sự trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu hay vi tế, kín đáo, ẩn núp dưới một lớp gì khác. Trái lại, luôn luôn cố gắng phát triển những đức hạnh thanh bạch, liêm khiết, chân thật và chánh trực.

3. Không tà dâm, tức là giữ gìn đời sống gia đình trong sạch, không lang chạ phóng túng. Về phương diện luân lý, giới nầy nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để cho người ngoài xâm phạm vào tình trạng an lạc trong nhà, tạo sự tín cẩn lẫn nhau và siết chặt tình nghĩa giữa vợ và chồng. Về mặt đạo đức, giới nầy giúp làm giảm thiểu năng lực tự nhiên có chiều hướng lan rộng của dục vọng và đàng khác, tăng trưởng hạnh từ khước buông bỏ và tự chế của lối sống thanh cao. Lẽ dĩ nhiên, đời sống độc thân của các vị tu sĩ chân chánh là hình thức trong sạch đáng quý trọng nhất, vì các Ngài có thể tận dụng tất cả năng lực và thì giờ của mình để phục vụ kẻ khác. Tuy nhiên, Đức Phật là vị giáo chủ thực tế, Ngài không bao giờ trông chờ hàng tín đồ tại gia cư sĩ sống cuộc sống của các bậc xuất gia. Hiểu biết những kích thích của đời sống, khát vọng và những thúc giục của con người, Đức Bổn Sư không dạy bảo người Phật tử cư sĩ phải sống tuyệt đối độc thân như các vị tỳ khưu. Nhưng Ngài khuyên chúng ta nên thận trọng, đừng để sai lầm làm nô lệ cho cơ thể vật chất và do đó, làm giảm suy phẩm giá con người. Quả của nghiệp tà dâm là có nhiều kẻ thù và đời sống gia đình, giữa vợ và chồng, không có hạnh phúc.

Chánh Mạng

Chánh Mạng là hành nghề chân chánh để nuôi mạng. Kinh sách thường đề cập đến năm nghề không nên làm là: Buôn bán khí giới, chăn nuôi hay bán thú để làm thịt, buôn bán người để làm nô lệ, buôn bán độc dược, buôn bán rượu và các chất say. Tinh thần của năm điều kiêng cữ nầy là không nên nuôi mạng sống của mình bằng cách hành những nghề có thể trực tiếp hay gián tiếp làm cho ta tạo nghiệp bất thiện. Trong một bài thuyết trình về Tứ Diệu Đế V.F. Gunaratna viết:

"Cuộc chiến đấu để sống và những nhu cầu khẩn thiết được tạo nên để bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình bắt buộc con người phải xem công cuộc làm ăn sinh sống là một vấn đề quan trọng và do đó, có một thúc giục cấp bách đẩy con người đi dài theo kiếp sống để thành tựu điều nầy.

"Xét rằng những gì công bằng và lịch sự đều bị vứt bỏ, biến tan theo chiều gió, và xét rằng những hậu quả tai hại xảy đến cho kẻ khác sẽ bị lãng quên, không ai nghĩ tới hay nhắc đến, con người có thể bị quyến rũ đi vào con đường bất chánh. Đó là điều mà chúng ta phải thận trọng giữ mình, đừng để bị rơi vào những quyến rũ tương tợ. Bằng mọi giá chúng ta phải giữ cho Chánh Mạng của mình được trong sạch. Yếu tố Chánh Mạng dẫn đến giới đức trong sạch, người hành nghề theo đúng Chánh Mạng mới có thể nghiêm trì giới luật, bằng cách tránh xa sự buôn bán khí giới, bán thú để làm thịt, bán người làm nô lệ, bán rượu, bán độc dược.

"Thông thường ta nghĩ rằng phải tránh, không nên hành chỉ có bao nhiêu nghề đó để giữ cho Chánh Mạng được trong sạch. Không phải chỉ có vậy. Trong bộ Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, có đoạn ghi rằng hành những nghề có "sự lường gạt, nịnh bợ, mờ ám, chia rẽ, cố ăn", đều được xem là không Chánh Mạng. Một cách tổng quát, như có ghi trong Digha Nikàya, Trường A Hàm, Chánh Mạng được xem là tránh xa những lối sống bất chánh, và sống đời chân chánh."

Các vị tỳ khưu sống không nhà cửa, không gia đình, và tất cả tài sản chỉ bao gồm có bộ y và bình bát. Các Ngài không phải buôn bán hay làm lụng để sinh sống như người tại gia cư sĩ, nhưng cũng có giới Chánh Mạng. Đối với hàng tu sĩ, Ngài Ledi Sayadaw phân làm bốn loại Chánh Mạng là:

1. Tránh xa, không nuôi mạng bằng những phẩm hạnh sai lạc như phạm một trong ba thân bất thiện nghiệp và bốn khẩu bất thiện nghiệp.

2. Tránh xa sự nuôi mạng bằng những phương pháp bất chánh như nịnh bợ, đưa thơ từ qua lại v.v...

3. Tránh xa sự nuôi mạng bằng cách gạt gẩm người khác, như dụ dỗ người theo mình tu học để được thần thông, hay khoe khoang mình đã đắc Thánh Quả, hay nói cho người ta bực mình phải cho ra một vật gì để mình đi cho rồi, hoặc nữa, bỏ ra một món quà nhỏ để câu lấy một món quý giá hơn.

4. Tránh xa sự nuôi mạng bằng những kiến thức trần tục, như coi tướng số, bói quẻ v.v...

Tóm lại, Chánh Mạng tạo tình trạng điều hòa trong đời sống xã hội và đem lại trạng thái an lành hạnh phúc cho từng cá nhân. Nếu người sống tà mạng hằng ngày gạt gẫm, giết chóc, hoặc say sưa, trộm cắp, và do đó, gây xáo trộn cho toàn thể cộng đồng, thì người có Chánh Mạng đem lại tình trạng an toàn, hòa hợp, cho tất cả mọi người.

*

Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng hợp thành phân hạng "Giới", hay phần luân lý trong Bát Chánh Đạo. Giới là những quy tắc đạo đức có tác dụng như những tấm bảng màu đỏ dựng bên lề đường để cảnh báo hiểm họa sa đọa, những gì không nên làm, những điều nên tránh (varitta). Đàng khác, Giới cũng là nếp sống kỷ cương được xem như những tảng đá vững chắc cẩn trên con đường đưa đến an tĩnh hoàn toàn, hạnh phúc tuyệt đối, những gì nên làm (caritta).

Giới được ban hành nhằm tạo thân và khẩu nghiệp trong sạch, nhưng chính phẩm hạnh tuyệt hảo tự nó chỉ là phương tiện. Mục tiêu tối hậu của Giới -- hiểu theo Bát Chánh Đạo -- là thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của đời sống, và vượt đến hạnh phúc trường cửu, Niết Bàn.

-ooOoo-

Chú thích:

[10] Ràhula là con của Đức Phật khi còn là Thái Tử Siddhatta, xuất gia lúc bảy tuổi.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04.a | 04.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-02-2003

Pham Kim Khanh - Tu Dieu De - 04.a

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tứ Diệu Đế

Phạm Kim Khánh


[IV]

Bát chánh đạo
Con đường dứt khổ

Xuyên qua ba bài trước -- "Phật Giáo Và Vấn Đề Đau Khổ", "Ái Dục: Nguồn Gốc Của Đau Khổ", và "Niết Bàn, Chấm Dứt Đau Khổ" -- chúng ta đã thảo luận về ba chân lý thâm diệu đầu tiên của Tứ Diệu Đế. Đó là quan điểm của Phật Giáo về kiếp nhân sinh.

Dựa trên triết thuyết nầy, Đức Phật vạch ra một lối sống thích nghi để đi đến chỗ trong sạch tuyệt đối và trí tuệ toàn hảo, Đó là Bát Chánh Đạo, con đường dẫn thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử triền miên, và đưa chúng sanh vượt ra ngoài mọi hình thức đau khổ. Bát Chánh Đạo là phần thực hành của Phật Giáo.

Kinh Dhammacakkappavattana Sutta, Chuyển Pháp Luân, có đoạn như sau:

"Bây giờ, hởi nầy các tỳ khưu, đây là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ. Đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định."

Như vậy Bát Chánh Đạo là con đường chia làm tám chi, bao gồm tám năng lực hùng mạnh có tánh cách thiện. Tám chi nầy phải được tập trung lại để đánh đỗ một năng lực bất thiện là ái dục, dai dẳng ngủ ngầm bên trong ta. Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu từng chi một, và sau đó, nhìn chung vào toàn thể Con Đường.

Chánh Kiến

Chánh Kiến (sammà ditthi) là tri kiến chân chánh, hiểu biết đúng. Sự vật như thế nào, hiểu sự vật đúng như vậy. Hiểu sâu vào bên trong thực tướng của sự vật chớ không phải hiểu phớt trên bề mặt. Đến mức cùng tột, Chánh Kiến là thấu triệt thực tướng của ngũ uẩn, tức thấu triệt bản chất thật sự của chính mình. Nói theo một cách, Chánh Kiến là chứng ngộ Tứ Diệu Đế. Tuy nhiên, trước khi đạt đến mức độ hiểu biết cao siêu ấy, trong nghĩa thông thường, Chánh Kiến là phân biệt chánh tà, biết điều nào là thiện, và điều nào bất thiện. Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có nền tảng Chánh Kiến vững chắc, lắm khi phải lầm đường lạc nẻo, thay vì hướng về mục tiêu, càng tách rời ra xa.

Quan kiến hướng dẫn hành động. Sự hiểu biết luôn luôn nằm phía sau những nỗ lực. Nếu hiểu biết sai lầm, tà kiến sẽ dẫn dắt đến những hành động lầm lạc có tác dụng tạo đau khổ. Ngược lại, nếu hiểu biết chân chánh, Chánh Kiến sẽ đưa đến hành động chân chánh và do đó, hướng dẫn về con đường thoát khổ. Mặc dầu sự hướng dẫn sơ khởi nầy vẫn còn là khái niệm mù mờ, hình như không đưa đến hậu quả quan trọng, nhưng nhìn lại tận tường, đó là bước đầu có tánh cách quyết định cho toàn thể tiến trình phát triển tinh thần.

Ngài Ledi Sayadaw, một vị cao tăng người Miến Điện, phân Chánh Kiến làm ba giai đoạn. Chánh Kiến là:

1) Sự hiểu biết chân chánh rằng ta là sở hữu chủ của của cái nghiệp mà ta đã tạo.

2) Sự hiểu biết chân chánh về thiện và bất thiện nghiệp, về hậu quả của nghiệp đã tạo, về sự hiện hữu của những cảnh giới ngoài cảnh người, về sự hiện hữu của những năng lực siêu phàm.

3) Sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế.

1. Hiểu biết chân chánh rằng ta là sở hữu chủ của cái nghiệp mà ta đã tạo.

Đức Phật dạy:

"Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình, là thừa kế của cái nghiệp của mình, sanh ra do cái nghiệp của mình, ẩn náu trong, và nâng đỡ bởi, cái nghiệp của mình. Bất luận nghiệp nào mà ta đã tạo, dầu thiện hay bất thiện, thì ta sẽ là thừa kế (lãnh trọn hậu quả) của nó."

Trong đời sống, ta có thể cần cù làm lụng, kiệm cần dành để, và tạo nên nhà cửa, sự nghiệp, vòng vàng, trang sức v.v... Ta cũng có thể thừa hưởng những vật trên do ông bà, cha mẹ, truyền lại. Ta gọi đó là "của mình", hay nói mình là sở hữu chủ của những vật đó. Tuy nhiên, dầu ta có cố bám chắc và tận lực gìn giữ đến đâu, nó vẫn ở với ta một cách tạm thời. Bao nhiêu yếu tố như hỏa hoạn, bão lụt, trộm cướp, kẻ thù nghịch, chiến tranh v.v... và cuối cùng, cái chết phải đến, luôn luôn sẵn sàng để tước đoạt quyền làm chủ của ta. Chỉ có một điều -- nghiệp thiện hay bất thiện mà ta đã tạo -- sẽ không bao giờ rời ta, dầu ở trong kiếp sống nầy hay trong nhiều kiếp tương lai. Không có kẻ thù nghịch hay trộm cướp nào tranh đoạt, không có chiến tranh hay thiên tai nào tiêu hủy được cái nghiệp của ta. Do vậy Đức Phật dạy rằng, "Tất cả chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình." Vì cái nghiệp mà ta đã tạo theo dính liền với ta, ta sẽ thừa hưởng hậu quả của nó như phần gia sản, sẽ tái sanh vào trạng thái nào cũng do nó, nó là những người họ hàng quyến thuộc không bao giờ rời ta. Ta sẽ ẩn náu an toàn trong thiện nghiệp và nhờ thiện nghiệp nâng đỡ. Vậy ta phải chăm sóc, giữ gìn cái nghiệp cho được luôn luôn tốt đẹp, phải biết thương, biết bảo tồn thiện nghiệp hơn là thương yêu và bảo tồn chính mạng sống của ta. Ta phải biết sợ, biết lánh xa bất thiện nghiệp hơn là ta sợ và lánh xa cái chết của ta. Thế thường, ta muốn sống, và sợ chết. Để bảo tồn sự sống và ngăn chận cái chết, lắm khi ta hành động bất chánh và do đó, tạo những nghiệp bất thiện vô cùng tai hại mà trong nhiều kiếp sống chính ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nên nhớ rằng chết ở đây là tái sanh, sống ở một nơi khác, và khi rời bỏ cảnh giới hiện tại ta cũng lìa bỏ tất cả, chỉ mang theo cái nghiệp mà ta đã tạo. Trong quyển "The Buddha and His Teachings" Ngài Đại Đức Nàrada viết:

"Tài sản sự nghiệp mà ta trìu mến bao nhiêu, thân bằng quyến thuộc mà ta yêu quý bao nhiêu, sẽ không đi theo ta. Chắc chắn như vậy. Cho đến cái thân nầy mà ta gọi là "của ta" cũng vậy. Từ cát bụi nó đến, nó sẽ trở về với cát bụi. Danh vọng ảo huyền, vinh quang trống rỗng, tất cả đều tiêu tan theo mây, theo gió. Chúng ta đến đây một thân, một mình. Vẫn một thân một mình, chúng ta sẽ phiêu bạt trong cơn bão táp, giữa đại dương của vòng luân hồi, trôi giạt đó đây theo cái nghiệp ..."

2. Hiểu biết chân chánh về thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, về hậu quả của nghiệp đã tạo, về sự hiện hữu của những cảnh giới ngoài cảnh người, về sự hiện hữu của những năng lực siêu phàm.

Nghiệp là gì và tạo nghiệp bằng cách nào? Nghiệp là hành động có tác ý. Tạo nghiệp bằng ba đường lối là tư tưởng, lời nói và việc làm. Tất cả những hành động có tác ý, thực hiện bằng thân, khẩu, ý, dầu thiện hay bất thiện, đều tạo nghiệp. Những hành động không cố ý, không có chủ tâm, nghĩa là không có tác ý (cetanà), mặc dầu là đã biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay việc làm, đều không tạo nghiệp. Hành động thiện tạo thiện nghiệp và đưa đến hậu quả là hạnh phúc, tinh thần hay vật chất. Hành động bất thiện đưa đến quả đau khổ, vật chất hay tinh thần.

Ba hành động bằng thân tạo nghiệp bất thiện là: sát sanh, trộm cắp, và tà dâm.

Bốn hành động bằng lời nói tạo nghiệp bất thiện là: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, nói nhảm nhí.

Ba hành động bằng ý tạo bất thiện nghiệp là: tư tưởng tham lam, sân hận, và tà kiến.

Những hành động đối nghịch với mười điều trên, được biểu hiện qua ba đường lối thân, khẩu, ý, dầu nhằm mục đích tạo dựng tài sản, để sinh sống, hay để vun bồi kiến thức, đều được coi là thiện nghiệp.

Người có Chánh Kiến hiểu biết chân chánh rằng những hành động như bố thí vật thực cho thú, cho đến người cư sĩ, hay dâng cúng đến chư tăng, nếu làm với tâm từ, sẽ đem lại hậu quả tốt đẹp trong kiếp sống nầy và nhiều kiếp khác. Dầu cúng dường đông đảo chư tăng với nhiều lễ vật quý giá, hay bằng một món quà nhỏ mọn, nếu làm với tình thương, với tâm từ, vì lòng tốt muốn giúp người, vì lòng thành thật muốn đem phúc lợi đến người, hành động ấy sẽ đem lợi ích cho người làm. Cùng thế ấy, những hành động như giữ Bát Quan trong những ngày giới, hằng ngày trong sạch giữ gìn năm giới, hành thiền, quy y Tam Bảo v.v... đều là thiện nghiệp.

Hiểu rằng mọi hành động thiện hay bất thiện đều tạo quả; hiểu rằng phụng dưỡng cha mẹ , làm cho cha mẹ được hữu phúc, là tạo thiện nghiệp và sẽ được phước báu về sau; hiểu rằng thật sự có những chúng sanh hóa sanh, đột nhiên được sanh ra, bỗng nhiên xuất hiện mà không phải trải qua hình thức thai bào; hiểu rằng có cảnh giới nầy, mà cũng có những cảnh giới khác ... những hiểu biết như vậy là chân chánh. Người có Chánh Kiến cũng hiểu biết rằng trong thế gian có những bậc cao minh có khả năng siêu phàm như các bậc Thánh Tu-Đà-Huờn, Tư-Đà-Hàm, A-La-Hán.

3. Hiểu biết chân chánh về Tứ Diệu Đế.

Đến mức cùng tột, Chánh Kiến là hiểu biết chân chánh về Bốn Chân Lý Thâm Diệu trong thế gian (Tứ Diệu Đế): Khổ, nguyên nhân sanh khổ, chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ.

Chánh Kiến ở mức sơ khởi là hiểu biết đúng con đường. Như người kia lạc lối, bỡ ngỡ trước nhiều ngã đường vì không biết chọn ngã nào, may thay chợt nhận ra tấm bảng chỉ đàng bên cạnh một con đường mòn xưa cũ. Bảng chỉ đàng là Giáo Pháp của Đức Phật, khách lữ hành thênh thang lạc bước là phần đông chúng ta, những người sơ cơ. Đường mòn là con đường cũ xa xưa mà chư Phật và chư vị A-La-Hán đã trải qua. Giai đoạn đầu tiên của Chánh Kiến là nhận ra Con Đường, tức hiểu biết chân chánh đưa hành giả đến hành động trong sạch, tạo thiện nghiệp để thọ hưởng những trạng thái nhàn lạc trong vòng luân hồi. Rồi từ đó, đặt chân lên Con Đường, và tiến dần đến mức cùng tột là chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.

Cũng có người đã lãnh hội đầy đủ luật nhân quả, mà vẫn còn hạn chế ước vọng của mình trong những thành tựu của thế gian. Những người nầy có những hành động đạo đức thanh cao để tích trữ phước báu và thọ hưởng khoái lạc, danh vọng, quyền thế v.v... trần gian, trong cảnh người hoặc những cảnh trời nhàn lạc. Tuy nhiên, trong sự hiểu biết bằng lý trí -- Chánh Kiến ở tầm mức tại thế -- không có gì để đưa con người vượt khỏi định luật nghiệp báo, thoát ra khỏi vòng tạo nhân và gặt quả. Để giải thoát hoàn toàn ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, nhận chân thực tướng của vạn pháp, Chánh Kiến siêu thế.

Chánh Kiến cao siêu có khả năng đưa đến giải thoát là thấu đạt Tứ Diệu Đế. Đức Phật dạy:

"Bây giờ, Chánh Kiến là gì? Đó là hiểu biết đau khổ, hiểu biết nguyên nhân sanh đau khổ, hiểu biết sự chấm dứt đau khổ, và hiểu biết con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ." (Digha Nikàya, Trường A-Hàm, bài kinh số 22)

Bát Chánh Đạo bắt đầu với một khái niệm về Tứ Diệu Đế, chỉ hiểu biết mù mờ xuyên qua lý trí, rồi tiến dần đến tuyệt đỉnh là trực giác chứng nghiệm, thấu triệt những chân lý cao siêu thâm diệu ấy và trở nên hoàn toàn giác ngộ. Như vậy có thể nói rằng hiểu biết Tứ Diệu Đế là bước đầu mà cũng là mục tiêu tối hậu của con đường thoát khổ.

Chánh Kiến về Tứ Diệu Đế phát triển qua hai giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên được gọi là Chánh Kiến phù hợp với chân lý (saccanulomika sammàditthi. Sammàditthi là chánh kiến. Sacca là chân lý. Anuloma là thuận chiều với, đúng với, phù hợp với). Giai đoạn thứ nhì là chánh kiến thâm sâu vào chân lý, thấm nhuần chân lý (saccapativeda sammàditthi. Pativeda là đi sâu vào, tiến thâm sâu vào bên trong). Chánh Kiến phù hợp với chân lý là hiểu biết rõ ràng ý nghĩa của bốn chân lý cao siêu thâm diệu của đời sống (Tứ Diệu Đế). Sự hiểu biết nầy phát sanh do nhờ học hỏi và nghiên cứu những chân lý ấy (văn tuệ). Sau đó, nhờ suy tư sâu vào mà ánh sáng của kinh nghiệm rạng chói dần dần đến lúc vững chắc tin tưởng như vậy (tư tuệ).

Tuy nhiên, đến mức độ nầy hành giả cũng chưa hoàn toàn thấm nhuần chân lý. Sự hiểu biết của hành giả đến lúc bấy giờ chưa tuyệt đối là hoàn bị, vì đó chỉ là một quan niệm rõ ràng, thay vì là tri giác. Muốn tiến đến mức độ thật sự chứng nghiệm phải trải qua thời gian tu tập, thực hành pháp môn hành thiền (tu tuệ). Trước tiên, an trụ tâm vững chắc, và sau đó, trau giồi và phát triển tuệ Minh Sát (vipassanà nàna).

Tuệ Minh Sát phát sanh do công trình quán chiếu và sáng suốt suy niệm về ngũ uẩn, những yếu tố của kiếp sinh tồn, nhằm phân biện rõ ràng những đặc điểm của nó. Đến mức tuyệt đỉnh của công trình suy niệm nầy hành giả tách rời cái nhìn của mình ra khỏi những hiện tượng hữu lậu của ngũ uẩn và nhắm vào trạng thái vô lậu, Niết Bàn. Lúc bấy giờ, nhờ tuệ Minh Sát đã trở nên sắc bén thâm sâu, hành giả có thể thành tựu mục tiêu, chứng ngộ Niết Bàn. ái dục chấm dứt. Trí tuệ bừng sáng và hành giả rõ ràng thấy rằng ái dục thật sự là nguyên nhân của mọi hình thức đau khổ và Bát Chánh Đạo thật sự là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. Như vậy, Chánh Kiến thấm nhuần Tứ Diệu Đế phát sanh vào giai đoạn cuối cùng của con đường chớ không phải vào lúc sơ khởi.

Giai đoạn đầu tiên của người có Chánh Kiến là nhận ra Con Đường. Rồi từ đó, đặt chân lên Con Đường và nhờ Chánh Kiến soi đường chỉ lối, tiến dần đến mục tiêu cùng tột, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.

Chánh Tư Duy

Chi thứ nhì của Bát Chánh Đạo là Chánh Tư Duy, suy tư đúng đắn (sammà sankappa. Sammà là đúng, chân chánh. Sankappa là suy tư, ước nguyện, có ý định). Chánh Tư Duy (sammà sankappa) là suy tư chân chánh, trong ý nghĩa có những tư tưởng hướng đến hành động chân chánh, hay quyết định, lập tâm quyết đến hành động tạo thiện nghiệp.

Khi căn bản của sự hiểu biết đúng đắn và vững chắc, ta suy tư đúng đắn. Như vậy, Chánh Kiến dẫn đến Chánh Tư Duy. Tư tưởng chân chánh bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chánh, và dẫn đến hành động chân chánh.

Người hiểu biết chân chánh (Chánh Kiến) ắt suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy). Đàng khác người suy tư chân chánh cũng hiểu biết chân chánh. Hai chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo liên quan với nhau rất mật thiết và ảnh hưởng với nhau rất chặt chẽ. Tri kiến thâm diệu về bản chất thật sự của kiếp sinh tồn được hoàn mãn thành tựu nhờ suy tư sâu sắc, và quán trạch tận tường, suy tư cặn kẻ sẽ đưa đến giá trị tinh thần hướng đến hành động chân chánh tương xứng với tri kiến. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy hợp thành giai đoạn "Tuệ" của Con Đường Giải Thoát.

Chánh Tư Duy nằm khoảng giữa, nối liền một bên là Chánh Kiến và bên khác là bộ ba Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Do hiểu biết chân chánh phát sanh những tư tưởng chân chánh, tư tưởng chân chánh dẫn đến hành động chân chánh biểu hiện bằng lời nói chân chánh, tạo nghiệp chân chánh và nuôi mạng chân chánh. Điều nầy cho thấy rằng Chánh Tư Duy không phải là những suy tư riêng rẻ, độc lập, mà là suy tư bắt nguồn từ hiểu biết chân chánh và đưa đến hành động chân chánh.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Tuy nhiên, cho đặng đi đến hành động bằng thân phải có ý muốn hành động, trước khi nói ra lời phải có tư tưởng. Như vậy, chính cái tâm là nơi bắt nguồn tất cả hành động tạo nghiệp. Do đó Kinh Pháp Cú bắt đầu bằng hai câu,

"Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả.
Nếu nói hay làm với tâm bất thiện, đau khổ sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò." (câu 1)

"Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả.
Nếu nói hay làm với tâm trong sạch, hạnh phúc sẽ theo liền với ta như bóng không bao giờ rời hình." (câu 2)

Theo triết học Phật Giáo, một hành động biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, chỉ tạo nghiệp khi nào hành động ấy được thực hiện với "ý muốn làm", hay nói cách khác, được thực hiện với tâm sở "tác ý" (cetanà). Một em bé cầm giàn thun nhắm bắn trái xoài trên cây. Rủi ro cục đá không trúng trái xoài mà bay thẳng, trúng ngay vào con chim đậu gần đó. Chim chết, nhưng em bé không tạo nghiệp sát sanh. Tại sao? Vì em không cố tình bắn chết con chim, trong tâm của em lúc ấy không có tâm sở "tác ý", em không cố ý sát hại một sinh vật. Một người khác, khoét vách, đào ngạch, định vào trộm của trong nhà kia. Chủ nhà hay được, người ấy bỏ chạy. Tuy không lấy trộm được gì nhưng người ấy đã tạo nghiệp trộm cắp vì lúc ấy anh cố tâm trộm cắp. Trong tâm anh lúc ấy có tâm sở "tác ý" lấy trộm của người.

Vi Diệu Pháp cũng dạy rằng trong một loại tâm, có một số nhiều hay ít các tâm sở đồng phát sanh, đồng hoại diệt, và cùng hướng về một đối tượng. Như vậy, khi Đức Phật dạy rằng "tâm dẫn đầu các pháp", một cách chính xác ta nên hiểu rằng "tâm dẫn đầu các tâm sở". Thí dụ như khi mắt (nhãn căn) nhìn một tượng Phật (nhãn trần), tức có sự thấy (nhãn thức). Nhãn thức chỉ là "sự thấy", không có sự phân biệt. Chính tâm sở "thọ" phân biệt hình dáng, màu sắc v.v... mà không hiểu biết đó là gì, và tâm sở "tưởng" nhận ra, hay biết đó là tượng Phật. Cùng lúc, trong số 50 tâm sở còn lại (ngoài thọ và tưởng), có một số tâm sở đồng phát sanh như: tín, niệm, xả, an khinh, tinh luyện, nhu thuận, tác ý, v.v... và trong số các tâm sở nầy chính cetana, tâm sở "tác ý", tạo nghiệp. Do đó Đức Phật dạy: "Như Lai tuyên bố, chính tác ý là nghiệp." Trong trường hợp câu Pháp Cú số (1) -- tâm dẫn đầu các pháp -- danh từ "pháp" có nghĩa là những tâm sở bất thiện, và trong câu (2), pháp là tâm sở thiện. Nếu không có tâm, ắt không có sự thấy tượng Phật (nhãn thức), tức nhiên các tâm sở khác như thọ, tưởng, tín, niệm, tác ý, v.v... không phát sanh. Do đó tâm là cái đến trước. Tâm dẫn đầu tất cả những tâm sở thiện và bất thiện. Và trong số ấy, tâm sở tác ý, hay ý muốn làm, là quan trọng hơn tất cả vì chính tác ý tạo nghiệp. Tâm dẫn đầu mọi hành động và tác dụng như thành phần chánh yếu trong khi tác hành cũng như trong khi quyết định tác động. Chính tâm điều khiển và tạo tác hành động -- biểu hiện dưới hình thức thân, khẩu, hay ý.

Trong cặp song yếu nầy Đức Phật nhấn mạnh vào vai trò rất quan trọng của tâm suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy) trong kiếp sống con người. Và từ đó Đức Thế Tôn giải thích bằng cách nào hành động có thể trở nên thiện hay bất thiện, tùy theo các tâm sở đồng phát sanh đưa đến hành động. Cuối cùng Ngài nhắc đến hậu quả dĩ nhiên phải có của những hành động tương tợ.

Tâm có khả năng kiến tạo vô bờ bến, mà cũng có sức phá hoại không thể lường được. Tâm tạo thiên đàng mà cũng tâm, tạo địa ngục. Tâm có thể dẫn dắt ta đi rất xa trên con đường thiện, mà cũng có thể đưa ta xuống thật sâu trong vực thẩm của tội ác. Giống như lưỡi dao bén. Ta có thể dùng nó để tự cạo râu tóc hay tự khứa cổ mình. Chính ta phải quyết định dùng nó vào việc nào. Chánh Tư Duy là có tư tưởng đúng, là quyết định chân chánh, có tâm hướng thiện. Chánh Tư Duy gồm ba loại:

1) Tâm dứt bỏ. Đức Phật dùng danh từ nekkhama, có nghĩa là xuất gia, hàm xúc sự từ khước những dục vọng trần tục, và nghịch nghĩa với tham dục, tâm luyến ái, vị kỷ, bám níu vào tư sản.

2) Tâm không thù hận, avyàpada, tức từ ái, thiện ý, hảo tâm, nghịch nghĩa với sân hận, ác ý, oán ghét.

3) Tâm không hung bạo, avihimsa, tức ôn hòa, hiền lương, lòng bi mẫn, không hung ác, bạo tàn.

1. Tâm dứt bỏ

Nguồn gốc của đau khổ là ái dục, và luyến ái là một hình thức ái dục. Do đó loại tư tưởng chân chánh đầu tiên là khước từ, dứt bỏ, không luyến ái.

Do màn vô minh che lấp, chúng ta tự đồng hóa với ngũ uẩn, và lầm lạc chấp rằng thân nầy là "ta", thọ nầy là "ta" v.v... "ta" là thân nầy, "ta" là thọ nầy v.v... và từ vô lượng kiếp chúng ta gia công vun quén đấp bồi cái ảo kiến "ta" một cách kiên cố. Chúng ta thỏa thích thọ hưởng những gì thuận ứng với những đòi hỏi của cái được gọi là "ta", và bám chặt, ôm sát, níu chắc, những dục vọng. Chúng sanh mê muội trong đám mây vô minh, lấy cái "ta" làm trung tâm của mọi sự vật và cố đem vào càng nhiều càng tốt, bám lấy càng chặt càng hay.

Nhưng khổ thay! dục vọng không bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn, vì bản chất tham dục của con người là không bao giờ biết đủ. Khi một điều mong muốn được thành đạt, thì có một mong muốn mới phát sanh. Con người luôn luôn chạy theo những thích thú tạm bợ mới, cố rượt theo để bám lấy những ảo ảnh, để cố chụp cho được cái mà thật sự chỉ là những hình bóng ảo huyền, và như thế con người luôn luôn châm nhiên liệu để dưỡng nuôi và bảo trì ngọn lửa tham ái của kiếp sinh tồn. Chính sự tham muốn ích kỷ, sự luyến ái vô độ lượng, và sự bám níu đam mê dính chặt vào những sự vật trên thế gian đã lôi cuốn con người mãi mãi lặn hụp trong biển trầm luân. Vì thế, món thuốc đầu tiên để làm giảm suy căn nguyên luyến ái của chứng bệnh đau khổ là tâm dứt bỏ, khước từ, mà danh từ được Đức Phật dùng là nekkhama, xuất gia, hàm ý là từ khước những dục lạc trần tục để chọn lấy đời tu sĩ.

Dĩ nhiên, nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền, và thú vui trần tục không tạo hạnh phúc thật sự, rồi tự nguyện lìa bỏ tất cả sự nghiệp trên đời để khoác lấy tấm y vàng làm người không nhà cửa, không gia đình, tự ý sang đời nghèo nàn, đơn giản, để cố gắng sống hoàn toàn trong sạch, là hình thức khước từ cao thượng nhất. Tuy nhiên, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy tất cả mọi người đều nên ly gia cắt ái. Ngài chỉ dạy rằng dầu xuất gia hay tại gia cư sĩ, chúng ta nên thận trọng nhận thức mối nguy hại của nhục dục ngũ trần mà Ngài ví như cục xương khô, như ngọn đuốc mà ta cầm đi ngược chiều gió, như hầm than cháy đỏ, như vật vay mượn, như một giấc mơ v.v... và Ngài dạy:

"Nầy chư tỳ khưu, thú vui của nhục dục ngũ trần quả thật là tạm bợ, vô thường, là trống rỗng, giả tạo, là không thực ... "

Có những tư tuởng buông bỏ, từ khước những dục vọng trần tục, không vị kỷ luyến ái tài sản sự nghiệp, xa lánh cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, không bám níu vào cái "ta", không đeo níu theo đời sống, là loại Chánh Tư Duy đầu tiên.

Đức Phật mô tả giáo lý của Ngài là con đường ngược chiều với thế gian.

"Chắc như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc trần gian là một, và con đường dẫn đến Niết Bàn là con đường khác. Thông hiểu như vậy, thầy tỳ khưu đệ tử Phật không nên thỏa thích trong mùi danh bã lợi của thế gian mà phải trau giồi hạnh buông xả." (Kinh Pháp Cú, câu 75)

Con đường của thế gian là con đường tham ái, dục vọng. Con người thế gian đi dài, thuận chiều theo con đường ấy, nhằm mưu tìm hạnh phúc trong sự thỏa mãn nhục dục của mình. Giáo Huấn Buông Bỏ mà Đức Thế Tôn ban truyền kháng cưỡng, chống lại sức lôi cuốn như thác lũ của tham vọng, đi dần đến mức chấm dứt ái dục và tìm hạnh phúc, không phải trong sự thỏa mãn, mà trong sự dứt bỏ, khước từ ái dục.

Dầu là bậc xuất gia hay hàng tại gia cư sĩ, nguyên tắc chỉ đạo chánh yếu vẫn được ghi nhận là phải hoàn toàn tận diệt mọi hình thức tham ái mới có thể trọn vẹn thành tựu mục tiêu giải thoát. Biết rằng ái dục là nguyên nhân phát sanh đau khổ (tập đế), và biết rằng chấm dứt hay làm giảm suy đau khổ đến mức độ nào tùy thuộc ở sự chấm dứt hay mức độ làm giảm suy ái dục, người Phật tử thuần thành cố gắng phát triển tâm buông bỏ.

Nhưng chính tại điểm nầy ta gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ từ bên trong. Từ lâu, tâm của chúng ta đã quen thâu thập, cố bám, nắm giữ, và tích trữ. Thói quen ấy đã trở thành bản tánh tự nhiên, không dễ gì dùng ý chí mà thay đổi. Dầu lý trí có ưng thuận buông bỏ nhưng tâm, chịu ảnh hưởng của ái dục, vẫn khư khư chấp thủ, không khứng chịu khước từ. Do đó vấn đề bây giờ là làm thế nào để gỡ cái tâm ra khỏi sự chi phối của ái dục. Đức Bổn Sư không dạy phải đè nén hay cưỡng bách, xua đuổi ái dục ra khỏi tâm, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Công cụ mà Đức Thế Tôn trao truyền để diệt trừ ái dục là tri kiến, hiểu biết chân chánh bản chất của sự vật, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Dứt bỏ, từ khước, thật sự không phải là vấn đề tự ép buộc mình cố gắng buông bỏ những gì mà sâu kín trong lòng mình vẫn còn tưng tiu, ôm ấp, mà là vấn đề tự mình thay đổi quan kiến của mình, nhìn sự vật dưới ánh sáng trí tuệ. Khi chúng ta quán trạch tận tường và thấu triệt đầy đủ bản chất thật sự của ái dục và những đối tượng của nó thì chính nó sẽ tan biến mà không cần phải chiến đấu.

Một em bé đang say mê giữa đám đồ chơi của em. Nếu có ai đến xin, hoặc giựt của em một món, ắt là em khóc la và tranh đấu cố giành lại cho kỳ được. Nhưng khi em bé lớn dần. Đến một ngày nào, em sẽ không còn bám níu vào những món đồ chơi ấy nữa, mà để mặc tình ai lấy đi hay làm gì cũng được.

Tại sao? -- Vì em đã trưởng thành.

Cũng dường thế ấy, ngày nào ta nhận thức rằng ái dục là nguồn gốc của đau khổ, và đau khổ luôn luôn dính liền với ái dục, bởi vì ái dục là khát khao và bám chặt vào một cái gì không ngừng biến chuyển, một cái gì không thật sự có, thì làm sao tránh khỏi sầu muộn, đau buồn, thất vọng. Đến chừng ấy ta sẽ không còn luyến ái và cố bám, cố giữ những gì mà lúc nào tưởng chừng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất trên đời.

Ta có thể tưởng tượng rằng từ bỏ ham muốn để vượt đến buông bỏ là một hình thức khổ hạnh, là từ hoàn cảnh sung sướng trở thành gian khổ, từ phong phú dồi dào trở nên nghèo nàn thiếu thốn, từ hạnh phúc thành sầu muộn. Nhưng trong thực tế đó là đi từ thỏa thích thô kịch đến hạnh phúc tinh vi tế nhị, êm dịu và thâm trầm, từ những thú vui đầy phiền lụy và cạm bẩy đến an lạc, thanh bình và thật sự châu toàn -- từ nô lệ đến tự do.

Biến chuyển nầy không xảy diễn một cách nhanh chóng hay đột ngột. Nhưng nếu ta chuyên cần tu niệm ắt một ngày nào nó sẽ đến ... như một ngày nào em bé trưởng thành.

2. Tư tưởng không thù hận

Tư tưởng không thù hận hàm ý là tâm từ. Tâm từ trong Phật Giáo không có bất luận giới hạn hay sự phân biệt nào mà cũng thâm diệu đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà.

Có những lời dạy nên thương người láng giềng, người đồng đạo, người đồng chủng, người đồng hương, người đồng chí, người đồng loại v.v... Tất cả những tình thương ấy đều trong sạch, tốt đẹp, và cần thiết trong xã hội. Nhưng đó không phải là tâm từ trong Phật Giáo, vì có sự phân biệt và có giới hạn trong tình thương. Đó là những thứ tình thương giới hạn trong ý nghĩa có cái gì "đồng ..." Đây là "ta". Giữa đây và chúng sanh nào đó ... có một điểm gì chung, một điểm gì "đồng" với "ta" thì có tình thương. Đồng thời có sự phân biệt với những người khác, những người không có gì "đồng". Thương người láng giềng của "ta", người có chung một tôn giáo với "ta", cùng một chủng tộc với "ta", cùng xứ sở với "ta" v.v... Lấy cái "ta" làm trung tâm điểm, rồi từ đó tình thương phát tủa ra như ánh sáng một ngọn đèn trong căn phòng, giới hạn bên trong bốn vách. Đó là bản chất tự nhiên của con người. Tình thương vẫn là tình thương, với tất cả những gì tốt đẹp, dịu hiền, dễ mến của nó. Xã hội không thể tồn tại nếu không có những tình thương ấy. ở đây chỉ muốn nói rằng tâm từ trong Phật Giáo không phải như vậy. Tâm từ trong Phật Giáo bao trùm toàn thể chúng sanh, toàn thể càn khôn vũ trụ, vô lượng vô biên, không có sự phân biệt nào. Người có tâm từ phải vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư, không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, mà nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình, và mỗi người, mỗi chúng sanh, là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật. Người có tâm từ hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, xem vạn vật và mình là một.

Một loại tâm như vậy quả thật là cao thượng. Nhưng cũng rất khó thực hành. Đúng như vậy. Vì lẽ ấy chúng ta còn là phàm nhân. Chúng ta còn phân biệt đây là "ta", kia là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con, là cháu "của ta". Cái nầy là tiền của, sự nghiệp, cái kia là danh vọng, quyền thế "của ta" v.v..., chư vị A La-Hán đã tận diệt ngã chấp. Tâm của các Ngài như vừng thái dương, bao trùm vạn vật mà không có sự phân biệt nào. Đức Phật là kết tinh, là hiện thân của tâm từ vô lượng vô biên ở mức độ cùng tột. Đó là những gương lành trong sạch để ta noi theo, là lý tưởng thanh cao tuyệt đỉnh để ta hướng tâm về. Suy tư nào, tư tưởng nào hướng về tâm từ vô lượng ấy là Chánh Tư Duy.

3. Tư tưởng không hung bạo

Hung bạo là gây tổn thương cho người khác mà không xót thương, không động lòng trắc ẩn trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch nghĩa của hung bạo là bi mẫn, động lực làm cho ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là cái gì thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người lâm nạn thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là tâm bi.

Cũng như tâm từ, tâm bi phải vô lượng vô biên, không bị hạn định trong một gia đình, một xóm, một làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp, hay một loại chúng sanh nào.

Đối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh -- chúng sanh khổ và chúng sanh không khổ -- mà không có sự phân biệt. Đối tượng của tâm bi là những chúng sanh xấu số đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi sáng người tối tăm, lầm đường lạc nẽo.

Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than. Đó không phải là tâm bi, mà giống như "người thù mang lốt bạn" của tâm bi. Tâm bi trong Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt nhỏ suông trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tánh của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ, chớ không phải là phiền muộn âu sầu với họ. Thọ ưu (domanassa, cảm giác buồn khổ) thuộc về tâm sân (dosa hay patigha) một trong ba căn bất thiện.

Tâm bi giống như tình thâm của bà từ mẫu thương xót đứa con đang lâm bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói, và hành động đều tập trung lại để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ. Lòng của người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa mềm mại, không bao giờ hành động hay làm điều chi gây tổn hại cho người khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác, và luôn luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn đáp nghĩa. Có những suy tư hướng về tâm bi là Chánh Tư Duy.

Bản chất của chúng sanh là tham lam, sân hận và hung bạo, phát sanh do ái dục, vì khư khư cố chấp đây là "ta", cái nầy là "của ta". Chúng ta vui thích với những gì vừa ý, và ghét bỏ những gì phật lòng cái "ta". Vui thích thì đâm ra luyến ái, đeo níu, cố bám chắc, tức tham. Phật lòng thì bất mãn, xua đuổi, giận dữ, oán ghét, tức sân, lắm khi đưa đến hung bạo, tàn ác.

Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bản chất rỗng không của cái gọi là "ta". Chừng ấy tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ cho tâm buông bỏ, khước từ, tâm từ và tâm bi.

Chánh Ngữ

Chánh Ngữ là có lời nói chân chánh, tức không tạo nghiệp bất thiện bằng lời nói, trái lại, trau giồi thiện khẩu nghiệp.

Lời nói là một khả năng của con người có giá trị vô cùng trọng đại. Bằng lời nói, ta diễn đạt những tư tưởng thầm kín để chia xẻ với người khác. Người có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tức nhiên cũng có Chánh Ngữ. Những người khác, dầu chưa đạt đến mức cao thượng ấy, vẫn có thể tu tập, thận trọng chú tâm vào những gì mình sắp nói. Nếu con người có thể kiểm soát cái lưỡi không xương của mình, nhân loại ắt tránh khỏi bao nhiêu phiền phức, và đời sống trên thế gian sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu. Lời nói trong sạch sẽ không đượm nhuần những tâm sở bất thiện như tham lam, sân hận, ganh tỵ, ngã mạn, ích kỷ v.v...

Bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn và nói nhảm nhí.

1. Không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật đức hạnh đầu tiên của Chánh Ngữ. Người nghiêm trì giới nầy cố tránh nói lời giả dối, tức chuyện có nói không, chuyện không nói có. Người ấy nói lời chân thật, sống chân thật, đáng được tín cẩn. Tâm sở bất thiện nằm phía sau lời nói giả dối, cố tình làm cho người khác hiểu sai sự thật, có thể khác nhau, như khi nói dối để được lợi về tài sản vật chất, địa vị xã hội, quyền thế, danh vọng v.v... cho mình hay cho người thân mình, thì đó là tâm tham. Nói dối với ý định làm hại người khác là tâm sân v.v...

Nói lời giả dối tác hại cho người mà cũng làm hại chính mình. Xã hội chỉ có thể tồn tại êm thấm trong sự tín cẩn lẫn nhau, khi mà người nầy có lý do để tín nhiệm người khác. Tật nói dối còn ảnh hưởng tai hại đến tâm tánh tự nhiên của mình. Khi đã nói dối một lần ta bị bắt buộc phải nói dối nữa để che đậy cái dối trước và như vậy, gài chặt người nói dối vào một loại cạm bẩy rất chằng chịt, không lối thoát, Lắm lúc, đến độ nào, chính người nói dối cũng không còn biết sự thật.

Giả dối là một trở ngại quan trọng trên đường giác ngộ, vì giác ngộ là thấu triệt chân lý, thấy rõ thực tướng của sự vật, còn nói dối là nói sai sự thật, cố tình làm cho người khác hiểu sai sự thật. Chứng ngộ Chân Lý là trọn vẹn tự hòa đồng với sự thật, tự đồng hóa với cái gì thật sự là như vậy. Người giả dối nghĩ một đàng nói ra một nẻo, lấy giả làm thật. Con đường giả dối hẳn ngược chiều với con đường giác ngộ. Vấn đề ở đây là trọn vẹn hòa đồng với Chân Lý.

Đến mức cùng tột, chân thật là một parami (ba la mật), tức một trong mười pháp có khả năng đưa người thực hành thuần thục, từ bờ mê đến bến giác (sacca parami, ba-la-mật chân thật). Một vị Bồ Tát luôn luôn chân thật, trong sạch, và chánh trực. Phương châm của Ngài là, "Yathàvàdi tathàkàri. Tathàkàri yathàvàdi", "Nói sao làm vậy. Làm sao nói vậy". Không bao giờ có sự chênh lệch giữa hành động và lời nói. Theo Túc Sanh Truyện Harita Jàtaka (số 431) Bồ Tát không bao giờ thốt ra lời nào mà chính Ngài không nghĩ như vậy. Túc Sanh Truyện Mahà Sutasoma Jàtaka (số 537) cũng ghi lại tích chuyện Bồ Tát tự hy sinh mạng sống để giữ lời hứa.

"Giống như sao mai mà ta thấy trên trời vào buổi sáng. Ngày nào như ngày nấy, lặng lẽ xuất hiện nơi vị trí của nó, không mảy may sai chạy. Năm tháng trôi qua, sao mai vẫn y hẹn. Lời nói của bậc thiện trí cũng phải đúng như vậy, không khi nào lệch khỏi sự thật. Không bao giờ sai hẹn."

Một chuyện khác thuật rằng sau khi Ràhula [10] xuất gia, bài pháp đầu tiên mà Đức Thế Tôn dạy chú sa-di bảy tuổi ấy là bài Ambalatthika Ràhulovàda Sutta, được ghi lại trong bộ Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, số 61. Chuyện rằng ngày kia thấy Đức Phật từ xa đến, sa-di Ràhula dọn dẹp chỗ ngồi và để sẵn nước cho Ngài rửa chân.

Khi rửa xong, Đức Phật chừa lại một ít nước trong thau và hỏi, "Ràhula, con thấy còn lại một chút nước trong thau không?

-- Bạch Đức Thế Tôn, có.

-- Cùng thế ấy, nầy Ràhula, đời sa-di quả thật không nghĩa lý gì, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn.

Rồi Đức Phật tạt hết nước trong thau ra và dạy,

"Đời sa-di quả thật như bỏ đi, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Rồi Đức Phật lật úp cái thau xuống và dạy,

"Đời sa-di quả thật đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Cuối cùng, Đức Phật lật cái thau trở lên, để ngay ngắn rồi dạy,

"Đời sa-di quả thật rỗng không và vô vị, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố, không có điều tội lỗi xấu xa nào mà người ấy có thể không làm. Do đó, Ràhula, con phải cố gắng lập tâm: Dầu trong lúc chơi đùa, tôi cũng không nói dối."

Dầu có phải hy sinh mạng sống, Bồ Tát không hề nói lời giả dối. Chư vị Bồ Tát rất quan tâm đến lời chân thật vì ảnh hưởng của sự giả dối rất sâu đậm.

2. Không nói đâm thọc mà chỉ có những lời đem lại tình thân hữu, sự hòa hợp. Danh từ "pisunàvàcà" được Đức Thế Tôn dùng ở đây có nghĩa là lời nói nhằm bẻ gảy tình bằng hữu. Thành ngữ mà người thế gian thường dùng là "đâm bị thóc, chọc bị gạo", trong ý nghĩa đi đầu nầy nói xấu đầu kia rồi trở lại đầu kia đặt chuyện dèm pha người nầy, nhằm tạo tình trạng thù hằn, hờn giận hay chia rẽ. Đức Phật dạy:

"Người trì giới nầy cố tránh và kiêng cữ, không dùng lời lẽ có tánh cách đâm thọc. Điều gì nghe ở đây người ấy không lặp lại ở nơi khác nhằm tạo chia rẽ, hoặc nghe ở nơi khác, người ấy không lặp lại ở đây với ý định làm cho hai đàng hờn giận lẫn nhau. Người ấy đoàn kết những ai chia rẽ và khuyến khích những ai đoàn kết. Không khí thuận hòa là niềm vui của người ấy. Người ấy hoan hỷ thỏa thích và phấn khởi trong sự hòa hợp, và bằng lời nói, cố gắng gieo trồng mầm mống thuận hòa." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, 176)

Động cơ thúc đẩy đưa đến lời nói đâm thọc thường là tâm bất mãn, sân hận, hay ganh tỵ. Thấy ai thành công hay thấy người có giới đức được tôn trọng thì sanh tâm muốn hạ uy tín hoặc làm giảm suy giá trị. Đôi khi vì muốn ám hại hay muốn lấy lòng một người, cũng có khi chỉ vì thỏa thích muốn thấy người ta giận dỗi cấu xé lẫn nhau.

Đứng về phương diện nghiệp báo, quả của lời nói đâm thọc rất là tai hại. Tâm sân, làm nguyên nhân cho lời nói đã là một căn bất thiện rồi, người có ác ý cố gây chia rẽ thường nghiền ngẫm suy tư, tìm lời để châm chích cho đúng lúc, đúng tâm lý v.v... Càng dưỡng nuôi ấp ủ trong lòng, nghiệp ác càng chồng chất. Nếu cố tâm bày điều giả dối để thêm bớt thì lại còn tạo thêm khẩu nghiệp giả dối. Cả hai, lời nói đâm thọc và lời nói giả dối, phối hợp lại tạo thành khẩu nghiệp bất thiện vô cùng tai hại.

Người nói đâm thọc giống như loài muổi, hút nọc độc đầu nầy rồi đến ve vãn đầu khác, hút một ít máu và trong lúc ấy, không quên để lại phần nào nọc độc. Miệng nói ngọt ngào như mật, nhưng tâm đượm nhuần chất độc. Lời chân chánh (Chánh Ngữ) không tạo phiền phức cho ai mà chỉ đem lại hòa hợp và an tĩnh. Thay vì gieo rắc mầm mống chia rẽ, người ấy luôn luôn tạo hòa khí giữa những người bất đồng ý kiến, xây dựng tình bằng hữu giữa những người thù nghịch.

Trong xã hội loài người, chúng ta không thể sống riêng rẽ một mình mà phải tùy thuộc lẫn nhau. Vậy, trong sự lợi ích kế cận nhất của mỗi người, chúng ta hãy cố gắng tập sống chung với nhau trong bầu không khí thuận hòa, trong tình huynh đệ, và trong sự điều hòa.

3. Không nói lời thô lỗ cộc cằn, mà chỉ ăn nói thanh tao nhã nhặn,đức hạnh thứ ba trong Chánh Ngữ.

Lời thô tiếng cộc biểu lộ ra ngoài tâm hung bạo thô tục lỗ mãng bên trong, và được thốt ra trong cơn nóng giận. Tánh cách thô bạo của lời nói như thế có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như la rầy, mắng nhiếc, chưởi rủa hay nói xiêng nó xỏ, soi bói v.v... tất cả đều phát sanh từ tâm bất mãn, sân hận và nhằm gây phiền muộn khổ đau cho người khác. Những cơn nóng giận thường bộc phát đột ngột, không có sự nghiền ngẫm suy tính, do đó hậu quả không đến nỗi trầm trọng lắm. Tuy nhiên, vì nó có khuynh hướng tái diễn, nếu chúng ta lơ đểnh để lặp đi lặp lại thành thói quen và từ đó trở thành tâm tánh sân hận, hung bạo, mỗi lần mở miệng là thốt ra những lời cộc cằn thô tục thì đó rõ ràng là một hiểm họa. Lời nói thô bạo biểu lộ sự nóng giận, lúc nào cũng là một tai hại cho người nghe cũng như cho người nói, trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Vào thời Đức Phật có vài vị tỳ khưu thường nặng lời lăng mạ một vị khác, và vị nầy trả lời lại. Đức Phật khuyên: "Không nên dùng lời thô lỗ cộc cằn. Người bị nói cộc sẽ trả lời thô. Những lời gây thù trả oán thô tục thật là đau đớn. Lời qua tiếng lại sẽ làm tổn thương như gây thương tích." (Kinh Pháp Cú, câu 133)

Ngài dạy về lợi ích của người biết giữ im lặng trước những lời lăng mạ của kẻ khác như sau: "Nếu có thể giữ im lặng như cái mỏ bể, con đã đắc Quả Niết Bàn", ý nói người hành đúng như vậy, dầu còn tại thế, cũng được xem là cao thượng như đã chứng đắc Niết Bàn.

Tự kềm chế, cố tránh, và kiêng cữ những lời thô bạo trong cơn nóng giận là trau giồi hạnh nhẫn nhục, cũng là một ba-la-mật -- khanti paramita, ba-la-mật nhẫn nhục. Đó là nhẫn nhục chịu đựng những lời khiển trách khắt khe và khoan hồng bỏ qua những sai lầm của người khác, tôn trọng những quan điểm dị đồng và cảm thông những thiếu sót của người. Tự kiểm soát thân tâm là cái chìa khóa mở cửa đưa vào hạnh phúc và để cho những cảm xúc vô độ lượng, vô trật tự, đượm nhuần sân hận, điều khiển mình, tức là tự đặt mình vào tình trạng nô lệ tệ hại nhất.

Túc Sanh Truyện số 269 có thuật chuyện Bồ Tát, tiền thân của Đức Thế Tôn, là vua xứ Benares (Ba La Nại) trong một kiếp sống. Đức Hoàng Thái Hậu mẹ Ngài là người hiền lương nhưng đôi khi ăn nói cộc cằn. Hôm nọ, Vua cùng đi với Hoàng Thái Hậu và đoàn tùy tùng, dạo chơi trong ngự uyển. Bên đàng có con chim ác là, màu sắc xanh tươi lộng lẩy, nhưng mỗi khi cất tiếng lên thì giọng kêu chát chúa, ai nấy cũng bịt tai, ngoảnh mặt than phiền. Một lúc sau đến nơi khác, có con chim chích chòe, lông đen xấu xí mà tiếng hót lãnh lót thanh tao dịu ngọt, ai cũng thích nghe, ai cũng trông cho nó hót thêm nữa để nghe.

Nhân cơ hội, Vua mở lời khuyên nhủ mẹ:

"Kính thưa Mẫu Hậu thân mến, tiếng kêu của con chim ác là thật chát chúa khó chịu, ai cũng muốn xa lánh. Thật không ai thích nghe lời thô lỗ. Chim chích chòe trái lại, mặc dầu đen đúa xấu xa nhưng đã thu hút được mọi người bằng giọng hót thanh nhã dịu hiền. Như vậy, lời nói của ta phải là cẩn ngôn, êm dịu, hiền lành, đầy ý nghĩa v.v..." Do lời khuyên của người con sáng suốt, kể từ đó về sau Hoàng Thái Hậu giữ gìn lời ăn tiếng nói và trở nên thanh nhã dịu hiền.

4. Không nói nhảm nhí mà chỉ nói lời hữu ích. Pháp học nầy được Đức Phật dạy như sau:

"Người (nghiêm chỉnh thọ trì phẩm hạnh nầy) cố tránh và kiêng cữ nói lời nhảm nhí, vô ích. Người ấy nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói những lời hữu ích, nói về Giáo Pháp và Giới Luật. Lời nói của người ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu lý, hòa nhã, và đầy ý nghĩa." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, số 176)

Lời nói nhảm ắt vô ý nghĩa, nông cạn và không mang lại lợi ích nào. Những lời lẽ như thế chỉ khơi động vọng tâm. Đức Phật khuyên nên hạn chế những ngôn từ thuộc loại nầy. Đối với bậc xuất gia, lời nói phải thật là cẩn ngôn, phải được chọn lọc, và chỉ nói những gì thích hợp với Giáo Pháp.

Ngài dạy: "Nầy chư Tỳ Khưu, khi các con tụ họp đông đảo thì chỉ có hai việc nên làm: hoặc thảo luận về Giáo Pháp, hoặc giữ im lặng cao thượng." (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, số 26)

Thảo luận Giáo Pháp là đề cập đến bản chất thật sự của vạn pháp, của Con Đường dẫn đến chứng ngộ Chân Lý cùng tột, Niết Bàn, và do đó quả thật là hữu ích. Đàng khác, trầm lặng là một hình thức nhàn lạc của kiếp sinh tồn. Lại nữa, khi ẩn rút trong im lặng ta hoàn toàn đơn độc để nhìn vào bên trong chúng ta, vào bản chất thật sự của chúng ta, để tận tường thấy rõ mình như thật sự mình là vậy. Chừng đó ta có thể học được phương cách vượt qua những khuyết điểm và giới hạn của cuộc sống bình thường. Hàng cư sĩ tại gia, vì nhu cầu xã hội, còn phải cần nói năng lịch thiệp trong câu chuyện giao dịch hằng ngày. Mặc dầu vậy, Đức Phật dạy không nên lơ đễnh để buông trôi quá xa, vì người có ý nguyện đi trên con đường giải thoát phải hết sức thận trọng phân biện điều nào sẽ dẫn đi đâu và phải chuyên cần canh chừng "anh chàng nói dối", sâu ẩn lẫn trốn bên trong chúng ta một cách rất là kín đáo.

Không nên nói nhảm nhí mà luôn luôn có lời hữu ích. Vào thời Đức Phật, có tên sát nhân khát máu nọ gia nhập vào đảng cướp, gây nhiều tội ác và về sau trở thành đao phủ thủ của triều đình. Nhờ Đức Sàriputta cảm hóa, tánh tình anh đổi hẳn từ hung tàn bạo ngược trở nên hiền lành lương thiện và sau khi chết, tái sanh vào cảnh trời. Đức Phật giải thích rằng sở dĩ anh tái sanh tốt đẹp là nhờ lời khuyên hữu hiệu đượm nhuần từ bi của bậc đạo đức cao thượng. Ngài dạy:

"Chỉ một lời nói hữu ích, làm cho người nghe an tĩnh,
còn quý hơn cả ngàn tiếng nói vô ích." (Kinh Pháp Cú, câu 100)

Không phải nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học rộng biết nhiều. Cũng không phải nói nhiều mà mình tạo lợi ích cho mình hoặc cho ai khác. Kinh sách Tây Tạng có lời dạy rằng nói nhiều lắm khi đưa đến hậu quả tai hại, như trường hợp con két, vì ham nói mà phải chịu cảnh chim lồng.

Chánh Nghiệp

Chánh Nghiệp là tạo nghiệp chân chánh, tức không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm, ba điều tu tập đầu tiên trong ngũ giới. Giới thứ tư, vọng ngữ, đã được đề cập đến trong phần Chánh Ngữ. Phần lớn các kinh sách không đề cập đến giới thứ năm -- không dùng chất say -- trong Chánh Nghiệp. Nên biết rằng không dể duôi uống rượu và dùng các chất say là giữ gìn tâm cho được luôn luôn sáng suốt để luôn luôn quyết định chân chánh.

1. Không sát sanh, là không cố ý cắt đứt, ngăn chận, tiêu diệt, hay làm trở ngại sức tiến triển của năng lực một đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy, là không làm tổn thương cuộc sống của bất luận sinh vật nào, cũng không sai biểu, xúi giục hay quyến dụ người khác làm những điều nầy. Trong hình thức thô sơ nhất, hành động sát sanh gồm đủ năm yếu tố là: Có một sinh vật đang sống; có sự hiểu biết rằng sinh vật ấy đang sống; có ý định cắt đứt sự sống của sinh vật ấy; có sự chú tâm cố gắng làm cho con vật chết; và chính tác động sát sanh. Đức Phật dạy: "Ai cũng run sợ trước gậy gộc. Tất cả đều quý trọng đời sống. Hãy lấy bụng ta suy lòng người. Không nên giết, cũng không nên làm cho người khác giết." (Kinh Pháp Cú, câu 129)

Một ngày nọ, khi vào thành Sàvatthi (Xá Vệ) để trì bình, Đức Phật thấy một nhóm trẻ con cầm gậy xúm đập một con rắn. Ngài dừng chân lại hỏi,

-- Nầy các con, các con đang làm gì đó?

-- Bạch Ngài, chúng con đập con rắn.

-- Tại sao các con đập nó?

-- Bạch Ngài, vì chúng con sợ nó cắn.

Đức Phật mở lời khuyên rằng trong khi làm đau đớn con rắn, các con hãy nghĩ đến chính các con. Hành động hung bạo nầy sẽ làm tổn thương đến hạnh phúc của các con trong tương lai. Người nào muốn tìm hạnh phúc cho mình chớ nên đánh đập kẻ khác. Và Ngài dạy: "Kẻ nào tìm hạnh phúc cho chính mình bằng cách hành hạ chúng sanh khác, cũng ưa thích an lạc, kẻ ấy sẽ không được hạnh phúc."

Khi giảng về ba-la-mật Trì Giới (sila paramita) Ngài Nàrada có lời khuyên như sau: "Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác. Bồ Tát rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát hại, hoặc làm tổn thương một sinh vật nào. Con người vốn sẵn có một thú tánh xúi giục giết hại những chúng sanh khác để ăn thịt mà không chút thương hại. Cũng có khi sát sanh, như săn bắn hay đi câu, để tiêu khiển thì giờ. Dầu để nuôi sống thân mạng mình hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sanh linh hay làm bất luận cách nào khác để cho một sanh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là "nhân đạo" để sát sanh. Nhưng làm đau khổ một chúng sanh khác là thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là hành động bất chánh, nói chi đến giết một người, mặc dầu nhiều lý do đã được viện ra gọi là chánh đáng, có khi gọi là cao quý, để con người tàn sát con người."

Để giải thích cho một thanh niên tên Subhà, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, Đức Phật dạy:

"Nếu người kia trọn đời chỉ biết sát sanh, người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẩm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương. Do tánh hiếu sát ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ yểu mạng.

"Nếu người kia luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến cuộc sống của ai, sống xa gươm đao giáo mác và các loại vũ khí, lấy lòng từ ái đối xử với tất cả chúng sanh. Do sự không sát sanh ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ trường thọ.

"Nếu người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung dữ bạo tàn ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ương yếu bệnh hoạn.

"Nếu người kia không bao giờ làm tổn thương ai. Do đức tánh hiền lương nhu hòa ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ mạnh khỏe ..." (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, Kinh Cullakammavibhanga Sutta, số 135)

Quả của nghiệp sát sanh nặng hay nhẹ tùy theo tầm quan trọng của chúng sanh bị giết, vì sự cố gắng để thực hiện hành động sát sanh và tai hại gây ra khác nhau. Sát hại một người thánh thiện hẳn là gây nhiều tai hại hơn là giết một tướng cướp.

2. Không trộm cắp là không có ý lấy, hoặc xúi giục người khác lấy một vật có chủ mà không được cho đến mình. "Lấy một vật không được cho đến mình" có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như trộm cắp, tức lén lút lấy của người; như móc túi, khoét vách đào ngạch vào nhà lấy trộm v.v... ; như cướp giựt, tức công khai lấy của người bằng võ lực, hoặc bằng cách hăm dọa, hoặc lẹ làng giựt lấy một món đồ rồi bỏ chạy, làm cho người ta không kịp trở tay; như gian lận, giả dối tráo trở giành quyền sở hữu của một người khác; như lường gạt, buôn bán của ít nói nhiều, giá thấp nói cao, đo lường cân thiếu, của hư xấu nói tốt v.v... Tất cả những hình thức trên đều tạo nghiệp trộm cắp.

Một khi đã gieo nhân ắt có ngày phải gặt quả, sớm hay chầy, nơi nầy hay nơi khác. Theo đúng giáo huấn của Đức Bổn Sư, không thể van lơn cầu cạnh, hối lộ hoặc gian lận bằng bất luận phương cách nào mà ta có thể biến chuyển được định luật nhân quả, cũng không thể lẫn trốn nơi nào, dầu bay lên trời rộng mênh mông, giữa đại dương sâu thẩm, hoặc ở nơi thâm sâu cùng cốc, mà ta có thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp bất thiện đã tạo. Không có vị trời nào, chí đến Đức Phật đi nữa, có thể can thiệp vào sự báo ứng của nghiệp. Quả của nghiệp trộm cắp là nghèo nàn thiếu thốn, khốn khổ, thất vọng, và làm thân nô lệ.

Năm chi tạo nghiệp trộm cắp là: Có một vật thuộc sở hữu của người khác; mình hiểu biết như vậy; có ý định thâu đoạt vật ấy làm sở hữu của mình; cố gắng trộm cắp; và chính hành động trộm cắp.

Người thực hành Chánh Nghiệp lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là sự trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu hay vi tế, kín đáo, ẩn núp dưới một lớp gì khác. Trái lại, luôn luôn cố gắng phát triển những đức hạnh thanh bạch, liêm khiết, chân thật và chánh trực.

3. Không tà dâm, tức là giữ gìn đời sống gia đình trong sạch, không lang chạ phóng túng. Về phương diện luân lý, giới nầy nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để cho người ngoài xâm phạm vào tình trạng an lạc trong nhà, tạo sự tín cẩn lẫn nhau và siết chặt tình nghĩa giữa vợ và chồng. Về mặt đạo đức, giới nầy giúp làm giảm thiểu năng lực tự nhiên có chiều hướng lan rộng của dục vọng và đàng khác, tăng trưởng hạnh từ khước buông bỏ và tự chế của lối sống thanh cao. Lẽ dĩ nhiên, đời sống độc thân của các vị tu sĩ chân chánh là hình thức trong sạch đáng quý trọng nhất, vì các Ngài có thể tận dụng tất cả năng lực và thì giờ của mình để phục vụ kẻ khác. Tuy nhiên, Đức Phật là vị giáo chủ thực tế, Ngài không bao giờ trông chờ hàng tín đồ tại gia cư sĩ sống cuộc sống của các bậc xuất gia. Hiểu biết những kích thích của đời sống, khát vọng và những thúc giục của con người, Đức Bổn Sư không dạy bảo người Phật tử cư sĩ phải sống tuyệt đối độc thân như các vị tỳ khưu. Nhưng Ngài khuyên chúng ta nên thận trọng, đừng để sai lầm làm nô lệ cho cơ thể vật chất và do đó, làm giảm suy phẩm giá con người. Quả của nghiệp tà dâm là có nhiều kẻ thù và đời sống gia đình, giữa vợ và chồng, không có hạnh phúc.

Chánh Mạng

Chánh Mạng là hành nghề chân chánh để nuôi mạng. Kinh sách thường đề cập đến năm nghề không nên làm là: Buôn bán khí giới, chăn nuôi hay bán thú để làm thịt, buôn bán người để làm nô lệ, buôn bán độc dược, buôn bán rượu và các chất say. Tinh thần của năm điều kiêng cữ nầy là không nên nuôi mạng sống của mình bằng cách hành những nghề có thể trực tiếp hay gián tiếp làm cho ta tạo nghiệp bất thiện. Trong một bài thuyết trình về Tứ Diệu Đế V.F. Gunaratna viết:

"Cuộc chiến đấu để sống và những nhu cầu khẩn thiết được tạo nên để bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình bắt buộc con người phải xem công cuộc làm ăn sinh sống là một vấn đề quan trọng và do đó, có một thúc giục cấp bách đẩy con người đi dài theo kiếp sống để thành tựu điều nầy.

"Xét rằng những gì công bằng và lịch sự đều bị vứt bỏ, biến tan theo chiều gió, và xét rằng những hậu quả tai hại xảy đến cho kẻ khác sẽ bị lãng quên, không ai nghĩ tới hay nhắc đến, con người có thể bị quyến rũ đi vào con đường bất chánh. Đó là điều mà chúng ta phải thận trọng giữ mình, đừng để bị rơi vào những quyến rũ tương tợ. Bằng mọi giá chúng ta phải giữ cho Chánh Mạng của mình được trong sạch. Yếu tố Chánh Mạng dẫn đến giới đức trong sạch, người hành nghề theo đúng Chánh Mạng mới có thể nghiêm trì giới luật, bằng cách tránh xa sự buôn bán khí giới, bán thú để làm thịt, bán người làm nô lệ, bán rượu, bán độc dược.

"Thông thường ta nghĩ rằng phải tránh, không nên hành chỉ có bao nhiêu nghề đó để giữ cho Chánh Mạng được trong sạch. Không phải chỉ có vậy. Trong bộ Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, có đoạn ghi rằng hành những nghề có "sự lường gạt, nịnh bợ, mờ ám, chia rẽ, cố ăn", đều được xem là không Chánh Mạng. Một cách tổng quát, như có ghi trong Digha Nikàya, Trường A Hàm, Chánh Mạng được xem là tránh xa những lối sống bất chánh, và sống đời chân chánh."

Các vị tỳ khưu sống không nhà cửa, không gia đình, và tất cả tài sản chỉ bao gồm có bộ y và bình bát. Các Ngài không phải buôn bán hay làm lụng để sinh sống như người tại gia cư sĩ, nhưng cũng có giới Chánh Mạng. Đối với hàng tu sĩ, Ngài Ledi Sayadaw phân làm bốn loại Chánh Mạng là:

1. Tránh xa, không nuôi mạng bằng những phẩm hạnh sai lạc như phạm một trong ba thân bất thiện nghiệp và bốn khẩu bất thiện nghiệp.

2. Tránh xa sự nuôi mạng bằng những phương pháp bất chánh như nịnh bợ, đưa thơ từ qua lại v.v...

3. Tránh xa sự nuôi mạng bằng cách gạt gẩm người khác, như dụ dỗ người theo mình tu học để được thần thông, hay khoe khoang mình đã đắc Thánh Quả, hay nói cho người ta bực mình phải cho ra một vật gì để mình đi cho rồi, hoặc nữa, bỏ ra một món quà nhỏ để câu lấy một món quý giá hơn.

4. Tránh xa sự nuôi mạng bằng những kiến thức trần tục, như coi tướng số, bói quẻ v.v...

Tóm lại, Chánh Mạng tạo tình trạng điều hòa trong đời sống xã hội và đem lại trạng thái an lành hạnh phúc cho từng cá nhân. Nếu người sống tà mạng hằng ngày gạt gẫm, giết chóc, hoặc say sưa, trộm cắp, và do đó, gây xáo trộn cho toàn thể cộng đồng, thì người có Chánh Mạng đem lại tình trạng an toàn, hòa hợp, cho tất cả mọi người.

*

Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng hợp thành phân hạng "Giới", hay phần luân lý trong Bát Chánh Đạo. Giới là những quy tắc đạo đức có tác dụng như những tấm bảng màu đỏ dựng bên lề đường để cảnh báo hiểm họa sa đọa, những gì không nên làm, những điều nên tránh (varitta). Đàng khác, Giới cũng là nếp sống kỷ cương được xem như những tảng đá vững chắc cẩn trên con đường đưa đến an tĩnh hoàn toàn, hạnh phúc tuyệt đối, những gì nên làm (caritta).

Giới được ban hành nhằm tạo thân và khẩu nghiệp trong sạch, nhưng chính phẩm hạnh tuyệt hảo tự nó chỉ là phương tiện. Mục tiêu tối hậu của Giới -- hiểu theo Bát Chánh Đạo -- là thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của đời sống, và vượt đến hạnh phúc trường cửu, Niết Bàn.

-ooOoo-

Chú thích:

[10] Ràhula là con của Đức Phật khi còn là Thái Tử Siddhatta, xuất gia lúc bảy tuổi.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04.a | 04.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 22-02-2003