Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
(Download file MP3 - 6.11 MB - Thời gian phát: 35 phút 34 giây.) Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
(LXVI) Ambapàlì (Therì. 147)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh dưới một gốc cây xoài trong vườn vua Vesàli và được gọi là Ambapàli. Nàng rất đẹp nên đến khi lớn lên nhiều vương tôn công tử cạnh tranh để chiếm đoạt nàng. Về sau để tránh những cạnh tranh ấy và cũng do nghiệp lực của nàng, nàng trở thành một kỹ nữ. Vì lòng tin đối với bậc Bổn Sư, nàng xây dựng một tinh xá trong ngôi vườn của nàng và cúng cho đức Phật và chúng Tăng. Khi nàng nghe con nàng, tức là Trưởng lão Vimalakondanna thuyết pháp, nàng triển khai thiền quán về lý vô thường, như thân nàng, chứng Tam minh và nàng nói lên những bài kệ sau đây:
252. Ðen như sắc con ong,
Tóc dài ta khéo uốn,
Nay biến đổi vì già,
Như vải gai, vỏ cây,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
253. Thơm như hộp ướp hương,
Ðầu ta đầy những hoa,
Nay biến đổi vì già,
Hôi như lông con thỏ,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
254. Như rừng khéo vun trồng,
Lược kim tu chói sáng,
Nay biến đổi vì già,
Tóc lơ thơ rơi rụng,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật
255. Trang điểm với bện tóc,
Sáng chói nữ trang vàng,
Tóc mềm mại êm dịu,
Thơm ngát với mùi hương,
Nay biến đổi vì già,
Rơi rụng đầu sói trọc,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
256. Trước lông mày của ta,
Chói sáng khéo tô vẽ,
Nay biến đổi vì già,
Nhăn nheo, rơi suy sụp,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
257. Mắt ta xanh và dài,
Sáng đẹp như châu báu,
Nay biến đổi vì già,
Hư hại không chói sáng,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
258. Lỗ mũi mềm và thon,
Sáng chói và trẻ măng,
Nay biến đổi vì già,
Héo khô và tàn tạ,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
259. Trước tai ta sáng chói,
Như vàng vòng khéo làm,
Nay biến đổi vì già,
Nhăn nhiu chảy xệ xuống,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
260. Trước răng ta sáng chói,
Như búp nụ chuối hoa,
Nay biến đổi vì già,
Bể gãy vàng như lúa,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
261. Ngọt là giọng nói ta,
Như chim cu hót rừng,
Nay biến đổi vì già,
Tiếng bể bị đứt đoạn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
262. Trước cổ ta chói sáng,
Mềm đầy đặn nhu nhuyến,
Nay biến đổi vì già,
Nhiều ngấn và khô cằn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
263. Trước cánh tay của ta,
Sáng như hai cột tròn,
Nay biến đổi vì già,
Như hoa kèn yết ớt,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
264. Trước bàn tay của ta,
Mềm mại như cành hoa,
Sáng như nữ trang vàng,
Nay biến đổi vì già,
Như rễ cây khô cằn,
Nhăn nhiu và thô nhám,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
265. Trước vú ta sáng chói,
Căng thẳng và tròn đầy,
Nay biến đổi vì già,
Trống rỗng treo lủng lẳng,
Như da không có nước,
Trống không, không căng tròn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
266. Trước thân ta chói sáng,
Như giáp vàng đánh bóng,
Nay biến đổi vì già,
Ðầy vết nhăn nhỏ xíu,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
267. Trước bắp vế của ta,
Sáng chói như vòi voi,
Nay biến đổi vì già,
Giống như những ống tre,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
268. Trước ống chân của ta,
Mềm mại như vòng vàng,
Nay biến đổi vì già,
Chẳng khác gậy cây mè,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
269. Trước chân ta chói sáng,
Với lông mềm như bông,
Nay biến đổi vì già,
Nứt nẻ đầy đường nhăn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
270. Thân này là như vậy,
Nay già chứa nhiều khổ,
Ngôi nhà đã cũ kỹ,
Vôi trét tường rơi xuống,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
Và vị trưởng lão Ni, thấy được những hình tướng vô thường trên thân của mình, nhận thức được tánh vô thường của ba giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, tâm tư quán triệt tánh Vô thường, Khổ, Vô ngã, và phát triển tuệ quán trên con đường tu tập chứng được quả A-la-hán.
(LXVII) Rohinì (Therì. 150)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Vesali trong nhà một phú gia Bà-la-môn và được đặt tên là Rohinì (con bò đỏ, nâu). Ðến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở Vesali, nàng đến nghe pháp, chứng được quả Dự lưu. Rồi nàng giảng pháp cho cha mẹ, cha mẹ chấp nhận pháp và cho phép nàng xuất gia. Nàng khai triển thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Suy tư đến một cuộc đàm thoại về pháp với phụ thân, khi nàng mới chứng quả Dự lưu, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng với những bài kệ sau đây về nội dung cuộc đàm thoại:
271. Nàng chỉ cho ta thấy,
Ðây là một Sa-môn,
Nàng thức ta tỉnh dậy,
Ðây là một Sa-môn,
Nàng khen tặng Sa-môn,
Muốn thành nữ Sa-môn.
272. Nàng tìm cho Sa-môn
Rất nhiều đồ ăn uống,
Này hỡi, Rô-hi-ni,
Sao nàng quý Sa-môn?
273. Họ nhác không thích làm,
Sống với đồ người cho,
Họ ham lợi thích ngọt,
Sao nàng quý Sa-môn?
274. Cha thân đã lâu rồi,
Cha hỏi về Sa-môn,
Con sẽ tán thán họ
Tuệ giới hạnh tinh cần.
275. Họ thích làm không nhác,
Họ làm việc tối thắng,
Họ trừ bỏ tham sân,
Vì vậy con quý họ.
276. Ba cội gốc điều ác,
Họ quét sạch thanh tịnh,
Mọi điều ác đoạn tận,
Vì vậy con quý họ.
277. Thân nghiệp họ trong sạch,
Khẩu nghiệp họ cũng vậy,
Ý nghiệp họ trong sạch,
Do vậy con quý họ.
278. Không cấu uế giải thoát,
Như vỏ ốc trong sạch,
Trong sạch cả bên trong,
Trong sạch cả bên ngoài,
Công đức họ trắng tinh,
Do vậy con quý họ.
279. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Mạng sống đúng Chánh pháp,
Họ thuyết nghĩa thuyết pháp,
Do vậy con quý họ.
280-281. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Mạng sống đúng Chánh pháp,
Nhứt tâm giữ chánh niệm,
Lời sáng suốt khiêm nhường
Họ chấm dứt đau khổ,
Do vậy con quý họ.
282. Từ làng họ ra đi,
Không nhìn ngó vật gì,
Họ đi không mong chờ,
Do vậy con quý họ.
283. Không tìm cầu kho tàng,
Không kho chứa, kho cất,
Họ tầm cầu cứu cánh,
Do vậy con quý họ.
284. Họ không nắm giữ tiền,
Không nắm vàng, nắm bạc,
Họ sống với hiện tại,
Do vậy con quý họ.
285. Từ gia đình quốc độ,
Họ xuất gia khác nhau,
Nhưng họ thương kính nhau,
Do vậy con quý họ.
286. Hỡi này Rô-hi-ni,
Nàng sanh trong gia đình,
Nàng đem lại hạnh phúc,
Cho gia đình chúng tôi,
Nàng tin Phật, Pháp, Tăng,
Lòng tín kính sắc bén.
287. Nàng biết rõ cái này,
Là ruộng phước vô thượng,
Chúng tôi cùng tín kính,
Các vị Sa-môn này,
Tế đàn thiết lập đây,
Ðối với tôi rất lớn.
288. Nếu cha sợ đau khổ,
Nếu cha không thích khổ,
Hãy quy y Phật-đà,
Quy y Pháp và Tăng,
Hãy chấp nhận giới đức,
Cha sẽ được hạnh phúc.
289. Tôi quy y Phật-đà,
Quy y Pháp và Tăng,
Tôi chấp nhận giới luật,
Tôi sẽ được hạnh phúc.
290. Lúc trước ta chỉ là,
Bà con của Phạm thiên,
Nay ta thật chính là,
Một vị Bà-la-môn,
Ta chứng đạt Ba minh,
Ðược an toàn yên ổn,
Ba Vệ-đà chứng ngộ,
Ta tắm rửa thật sạch.
Và vị Bà-la-môn sau khi thọ quy y và các giới, xin xuất gia và chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến sự chứng quả của mình, vị này nói lên những câu kệ cuối cùng để tỏ lộ sung sướng của mình.
(LXVIII) Càpà (Therì. 151)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Vankahàra, trong làng những người thợ săn đặt bẫy mồi, con người chủ thợ săn và được đặt tên là Càpà. Trong lúc ấy, Upaka một ẩn sĩ khổ hạnh, gặp đức Bổn Sư khi Ngài đi từ Bồ đề đạo tràng đến Ba-la-nại để chuyển pháp luân và hỏi ngài: 'Này Ngài, hình như Ngài được dồi dào sức khỏe. Da của Ngài thật trong sáng. Này Ngài, Ngài từ ai xuất gia? Vị Ðạo Sư của Ngài là ai? Hay ngài tin tưởng giáo lý gì?' Và bậc Ðạo Sư trả lời như sau:
Ta chinh phục tất cả,
Mọi sự việc, Ta biết,
Sống giữa vật không nhiễm,
Ta từ bỏ tất cả,
Mệnh chung, ác đoạn tận
Kiến thâm sâu, Ta chứng,
Ta chỉ ai cho ông,
Ta không có Bổn Sư,
Trên đời đứng một mình,
Không ai sánh bằng Ta.
Nay Ta đang đi đến,
Thành phố Ba-la-nại,
Ðể vận chuyển Pháp luân,
Quay bánh xe Chánh pháp
Thức tỉnh và hướng dẫn,
Quần chúng đang mê muội,
Ðánh tiếng trống bất tử,
Rưới cam lồ giải thoát.
Vị ẩn sĩ, biết được sự giác ngộ và sứ mệnh của Ngài nên nói: 'Này Ngài, mong rằng sự việc sẽ như Ngài nói, Ngài xứng đáng là bậc chiến thắng bất diệt'. Rồi Upaka đi con đường tắt đến Vankahara, và sống gần chỗ các người thợ săn. Người chủ thợ săn lo cung phụng cho Upaka. Một hôm, người chủ đoàn thợ săn đi bắn xa với các con trai và anh em, bảo Càpà lo cúng dường cho Upaka. Nhưng Càpà rất đẹp và khi Upaka đến tại nhà để khất thực, Upaka mê say sắc đẹp của nàng, đến nỗi ăn không được, phải đem thức ăn về nhà và nguyện thà chịu chết nếu không lấy được Càpà. Sau bảy ngày, người chủ thợ săn trở về hỏi vị A-la-hán của mình ở đâu, và được biết Upaka chỉ đến nhà mình một lần đầu rồi thôi không đến nữa. Người thợ săn tìm kiếm đến Upaka và Upaka than khóc thú nhận sự đắm say của mình. Người thợ săn hỏi Upaka có biết nghề gì không, Upaka trả lời là không và chịu đi lượm các loài chim thú bị bắt được và đem bán. Người thợ săn bằng lòng cho Upaka một cái áo khoác ngoài đưa về nhà và gả Càpà cho. Sau một thời gian Càpà sanh được một người con trai và đặt tên là Subhadda. Khi đứa con khóc, Càpà liền hát lên như sau để chế nhạo chồng mình; 'Con của Upaka! Con của vị ẩn sĩ! Con kẻ bán đồ săn! Chớ khóc, chớ khóc này con'. Cuối cùng Upaka tức quá trả lời: 'Này Càpà, đừng nghĩ rằng không có ai che chở cho ta! Ta có một người bạn, một vị chiến thắng bất diệt, ta sẽ đến với người bạn ấy'. Càpà biết chồng mình tức giận, nhưng vẫn trêu chọc chồng mình, cho đến một hôm Upaka cương quyết ra đi. Nàng cố cản ngăn nhưng không được và cuối cùng Upaka ra đi để gặp Thế Tôn ở Sàvatthi. Thế Tôn dặn các Tỷ-kheo khi nào có ai đến hỏi: 'Vị chiến thắng bất diệt ở đâu?' thời đưa người ấy vào gặp đức Phật. Khi Upaka đến tịnh xá và hỏi: 'Vị chiến thắng bất diệt ấy ở đâu?' Các Tỷ-kheo đưa Upaka đến gặp đức Phật. Ðức Phật cho Upaka xuất gia và cuối cùng Upaka chứng được quả Bất lai. Sau khi mạng chung Upaka được sanh lên cõi Trời Aviha, và khi tái sanh, Upaka chứng được quả A-la-hán.
Còn Càpà, đau buồn vì chồng bỏ đi, giao con lại cho ông ngoại đi theo Upaka, xin được xuất gia và chứng được quả A-la-hán và lấy bài kệ của Upaka, hợp chung với bài kệ của mình, nàng nói lên sự phấn khởi của mình:
Upaka nói:
291. Ta trước tay cầm gậy,
Nay ta thành thợ săn,
Sa lầy đầm khốn cùng,
Ta không đến bờ kia.
292. Càpà chọc đứa con,
Mỉa mai ta say đắm,
Chặt trói buộc Càpà,
Ta nay đã xuất gia.
Càpà nói:
293. Chớ có tức giận em,
Hỡi bậc đại chiến thắng,
Chớ có tức giận em,
Hỡi bậc đại ẩn sĩ,
Kẻ bị giận chi phối,
Khổ hạnh khó thanh tịnh.
294. Ta sẽ rời Nàlà!
Ai ở lại Nàlà,
Khi nếp sống đúng pháp,
Tại đấy vị Sa-môn,
Bị sắc đẹp nữ nhân,
Trói buộc vào quyến rũ.
295. Hãy trở lui thưa chàng,
Chàng mắt đen của thiếp,
Hãy hưởng thọ dục lạc,
Như trước chàng đã hưởng,
Thiếp xin phục tùng chàng,
Lại còn bà con thiếp.
296. Này Càpà phần tư,
Ðiều nàng đã nói lên,
Ðôi kẻ say mê nàng,
Có thể thành lớn mạnh.
297. Chàng mắt đen của thiếp,
Thiếp chẳng đẹp hay sao,
Như cây lựu nẩy mầm,
Nở hoa trên đầu núi,
Như giây leo giăng hoa,
Hay như bông thổi kèn,
Trong nội địa hoang đảo,
Hãy nhìn sắc đẹp thiếp.
298. Ướp thơm với mùi hương,
Hương chiên đàn đỏ thắm,
Thiếp mang lụa Kàsi,
Lụa Kàsi tối thượng,
Thiếp đẹp như thế này,
Sao chàng bỏ rơi thiếp.
299. Như thợ săn bắt chim,
Muốn dùng mồi bắt chim,
Dầu bủa giăng sắc đẹp,
Nàng không trí ta được!
300. Còn quả con trai này,
Do chàng sanh ra thiếp,
Chàng mắt đen của thiếp,
Sao chàng lại từ bỏ,
Ðứa con trai của thiếp,
Ðứa con trai của chàng.
301. Bậc trí bỏ con trai,
Bỏ bà con, tài sản,
Bậc đại hùng xuất gia,
Như voi biết trói buộc.
302. Con trai này của chàng,
Nay thiếp dùng gậy dao,
Ðánh ngã nó trên đất,
Hãy tự cứu cho chàng,
Vì sầu muộn đứa con,
Chàng không thể bỏ đi.
303. Nếu nàng quăng con trai
Cho chó sói, loài chó,
Kẻ sanh con trai ta,
Không động lòng trắc ẩn,
Nàng sẽ không làm được,
Khiến ta trở lui lại.
304. Nay mong chàng tốt lành,
Chàng mắt đen của thiếp!
Chàng sẽ đi đến đâu?
Làng nào, thị trấn nào,
Chàng đi thành phố nào?
Chàng đi kinh đô nào?
305. Xưa đời sống chúng tôi,
Tổ chức thành đồ chúng!
Không phải là Sa-môn,
Chúng tôi tưởng Sa-môn!
Chúng tôi sống bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Sống trong những thành phố,
Cũng như tại thủ đô.
306. Nay thật Thế Tôn này,
Dọc bờ sông Ni-liên,
Ngài thuyết giảng Chánh pháp,
Cho các loài hữu tình,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Ta nay đi đến Ngài,
Ngài sẽ là Ðạo Sư,
Ðạo Sư của chúng ta.
307. Nay chàng đi đảnh lễ,
Bậc Thế Tôn vô thượng!
Ði hữu nhiễu quanh Ngài!
Dâng Ngài lòng cung kính.
308. Càpà, như nàng nói!
Lợi ích cả hai ta!
Nay ta thay mặt nàng,
Lễ Thế Tôn vô thượng,
Ði hữu nhiễu quanh Ngài,
Ta dâng lòng cung kính.
309. Rời Kàla ra đi,
Dọc sông Ni-liên-thiền,
Thấy bậc Chánh Ðẳng giác,
Thuyết pháp đạo bất tử.
310. Thuyết khổ, khổ tập khởi!
Vượt qua sự dau khổ,
Thuyết đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ tịnh chỉ.
311. Ðảnh lễ chân Ngài xong,
Hữu nhiễu quanh Ngài xong,
Trình lên lời ước nguyện,
Của Càpà vợ chàng!
Rồi chàng xin xuất gia,
Sống đời không gia đình,
Chứng đạt được Ba minh,
Làm xong lời Phật dạy.
(LXIX) Sundàrì (Therì. 153)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Benares (Ba-la-nại), con cái của Sujata, một Bà-la-môn. Vì thân nàng đẹp đẽ, nàng được gọi là Sundarì, khi nàng lớn, em trai nàng chết. Cha nàng quá đau khổ đi lang thang và gặp Trưởng lão Ni Vasitthi. Khi Trưởng lão Ni hỏi cha nàng bị đau khổ gì, cha nàng trả lời bằng hai câu kệ đầu. Ðể làm nhẹ bớt đau khổ, Trưởng lão Ni nói hai câu kệ tiếp, và nói lên tâm trạng giải thoát khỏi đau khổ của nàng. Vị Bà-la-môn hỏi làm sao Trưởng lão Ni lại được giải thoát khỏi đau khổ như vậy. Vị Trưởng lão Ni trả lời về Ba ngôi báu và quy y. Khi được biết bậc Ðạo Sư nay ở Mithilà, vị Bà-la-môn đánh xe đến Mithilà, yết kiến đức Phật. Ðức Phật thuyết pháp, vị Bà-la-môn khởi lòng tin, xin xuất gia, vào ngày thứ ba chứng quả A-la-hán, sau khi tinh tấn, tinh cần phát triển thiền quán.
Người đánh xe, đánh xe về nhà Bà-la-môn và nói cho nữ Bà-la-môn sự việc đã xảy ra. Sundarì nghe vậy, nàng xin mẹ xuất gia. Bà mẹ nói nay toàn thể tài sản đều thuộc của nàng, hãy thọ hưởng tài sản ấy. Sundarì nói tài sản không có nghĩa gì đối với nàng, nàng chỉ muốn xuất gia. Sau khi được bà mẹ bằng lòng, nàng bỏ cả tài sản như những vật vô giá trị. Nhờ tinh cần tinh tấn, nhờ chủng tử tốt lành, nhờ trí tuệ chín muồi, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Sống trong sự an lạc giải thoát, nàng nghĩ: 'Ta sẽ rống lên tiếng rống con sư tử trước mặt bậc Ðạo Sư!'. Sau khi xin phép bậc thầy của mình nàng rời khỏi Benares, với một số đông Tỷ-kheo-ni, và cuối cùng đến Sàvatthi, yết kiến đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi đứng một bên. Nàng nói lên chánh trí của nàng, xem nàng như là con gái sanh ra từ miệng đức Bổn Sư. Và tất cả bà con nàng, bắt đầu từ mẹ nàng và các người hầu cận đều xuất gia. Suy nghĩ đến quả chứng của mình và dùng lời tuyên bố của người cha, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng như sau:
Sujàta:
312. Hỡi nữ Bà-la-môn,
Những con nàng đã chết,
Trong thời gian quá khứ,
Thần chết ăn nghiến chúng,
Cả ngày và cả đêm
Khổ đau nung nấu nàng.
313. Nay có đến bảy con
Bị thần chết vồ lấy,
Nhưng này Vàsitthi
Chính vì lý do gì?
Nàng không bị đau khổ,
Não hại và nung nấu?
Vàsitthi:
314. Nhiều trăm con trai ta
Hàng trăm chúng bà con,
Ðã bị thần chết ăn,
Của ta và của ngươi!
315. Ta biết đường giải thoát,
Khỏi sanh và khỏi chết,
Ta không sầu, không khóc,
Ta không bị nung nấu.
Sujàta:
316. Hỡi nàng Vàsitthi
Vi diệu thay, lời người!
Nàng biết pháp của ai,
Nàng nói được như vậy?
Vàsitthi:
317. Hỡi này, Bà-la-môn,
Bậc Chánh Ðẳng Giác này,
Ở thành Mithìla,
Ngài thuyết cho hữu tình,
Chánh pháp thật vi diệu,
Ðoạn tận mọi khổ đau!
318. Hỡi này Bà-la-môn,
Ta nghe La-hán ấy,
Thuyết pháp không sanh y,
Ở đây nhờ hiểu rõ
Ta biết pháp vi diệu
Sầu vì con quét sạch.
Sujàta:
319. Con sẽ đi ngay đến
Thành phố Mithìla!
Mong bậc Thế Tôn ấy,
Giúp con thoát mọi khổ,
Bà-la-môn thấy Phật,
Bậc giải thoát mọi khổ.
320. Bà-la-môn thấy Phật,
Bậc giải thoát vô sanh
Bậc Mâu-ni, vượt khổ
Thuyết pháp cho vị ấy.
321. Thuyết khổ, khổ tập khởi,
Vượt qua sự đau khổ,
Thuyết Thánh đạo tám ngành,
Con đường lắng dịu khổ.
322. Ở đây, hiểu Diệu pháp,
Hoan hỷ chọn xuất gia,
Sujàta ba đêm,
Chứng đạt được Ba minh.
323. Hãy đi, người đánh xe,
Ðánh xe này về nhà,
Chức nữ Bà-la-môn,
Ðược sức khỏe, không bệnh,
Và nói vị Phạm chí
Nay đã xuất gia rồi,
Sujàta ba đêm,
Chứng đạt được Ba minh.
324. Người đánh xe lấy xe,
Cùng với ngàn đồng tiền,
Chức nữ Bà-la-môn,
Ðược sức khỏe, không bệnh
Và nói vị Phạm chí,
Nay đã xuất gia rồi,
Sujàta ba đêm
Chứng đạt được Ba minh.
Mẹ của Sundarì:
325. Hỡi này người đánh xe,
Xe ngựa, ngàn tiền này,
Khi nghe vị Phạm chí
Ðã đạt được Ba minh,
Ta cho người đầy bát
Cả xe và ngàn tiền.
326. Hỡi nữ Bà-la-môn!
Hãy giữ lại cho người,
Xe ngựa và ngàn tiền,
Tôi sẽ đi xuất gia,
Sống thân cận gần gũi
Bậc trí tuệ tối thắng.
327. Voi, trâu bò và ngựa,
Châu báu và vòng vàng,
Những gì làm gia tài,
Trở nên giàu có này,
Cha con đã xuất gia,
Ðã bỏ lại tất cả....
Này con Sundarì,
Con thừa tự gia đình,
Hãy thọ hưởng tài sản,
Của đại gia đình này,
328. Voi, trâu bò và ngựa,
Châu báu và vòng vàng,
Những gì làm gia tài,
Trở nên cám dỗ nàng;
Sầu khổ vì đứa con,
Cha con đã xuất gia,
Ðã từ bỏ tất cả
Gia sản sự nghiệp này,
Con nay sẽ xuất gia,
Sầu khổ vì anh con
329. Hỡi này Sundarì
Nếu đấy ước nguyện con,
Mong rằng tâm tư ấy,
Ðược thành tựu viên mãn;
Nuôi sống bằng đồ ăn,
Tích lũy nhờ khất thực,
Y áo được tác thành,
Với miếng vải lượm lặt,
Những nếp sống như vậy,
Ðược thành tựu viên mãn,
Khiến lậu hoặc đoạn tận,
Trong thế giới đời sau.
Sundarì:
330. Kính thưa Trưởng lão Ni,
Con đã học, tu tập,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Con biết các đời trước,
Tại chỗ con được sống,
Trước kia như thế nào.
331. Nhờ Ni sư, con được
Ôi, bạn lành của con!
Bậc sáng chói tốt đẹp,
Trong chúng Trưởng lão Ni!
Ba minh đã chứng đạt,
Lời Phật dạy, làm xong.
332. Ni sư hãy cho phép
Con đi đến Xá Vệ!
Con sẽ rống vang lên,
Tiếng rống con sư tử!
Trước mặt bậc Giác ngộ,
Phật-đà, bậc tối thượng.
333. Hỡi này Sundarì,
Nàng thấy bậc Ðạo Sư,
Màu da, sắc màu vàng,
Như vàng ròng sáng chói!
Bậc Chánh Ðẳng, Chánh giác,
Không điều gì sợ hãi,
Bậc đã điều phục được,
Kẻ chưa được điều phục.
334. Ðang đi đến trước Ngài,
Ngài thấy Sundarì!
Ly tham không hệ lụy,
Giải thoát, không sanh y,
Ðã làm việc phải làm,
Không còn các lậu hoặc.
335.Từ thành Ba-la-nại!
Con đã bước ra đi!
Con đến bậc Ðại hùng.
Con là Sundarì,
Con chính đệ tử Ngài!
Con đảnh lễ chân Ngài.
336. Ngài là bậc Giác ngộ!
Ngài là bậc Ðạo Sư!
Con là con gái Ngài
Ôi bậc Bà-la-môn!
Con sanh từ miệng Ngài!
Ðã làm việc phải làm,
Không còn có lậu hoặc,
Con là Sundarì
337. Hiền nữ, Ta mừng con
Ðường còn lại, không xa!
Như vậy, bậc Tự điều,
Ðảnh lễ chân Ðạo Sư!
Bậc ly tham, ly hệ,
Không hệ lụy trói buộc,
Ðã làm việc phải làm,
Không còn các lậu hoặc.
(LXX) Subhà, Con Người Thợ Vàng (Therì. 156)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con gái một người thợ vàng. Vì nàng rất đẹp, nên được gọi là Subhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở tại Ràjagaha, nàng đến yết kiến Ngài, khởi lòng tin tưởng, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư biết được căn cơ tâm tư thuần thục của nàng, tùy theo ý nguyện của nàng, Ngài thuyết pháp cho nàng về ly Bốn sự thật và nàng chứng được quả Dự lưu. Về sau, nàng nhận thấy sự khó khăn sống trong gia đình, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati Gotamì, hướng tâm đến con đường siêu thoát. Thỉnh thoảng, các bà con của nàng mời nàng trở lại với đời, nói lên sự hấp dẫn của đời. Một hôm nàng thuyết pháp cho bà con của nàng, nói lên những nguy hiểm của đời sống cư sĩ, và ở đời thuyết pháp cho họ với hai mươi bốn bài kệ như sau và chữa cho họ thoát khỏi bệnh tham vọng. Rồi nàng phát triển thiền quán, gột sạch các căn cuối cùng nàng chứng được quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, nàng nói như sau:
338. Ta trước mặc áo trắng,
Ðược nghe giảng Chánh pháp,
Do ta không phóng dật,
Chứng tri được chân lý.
339. Nhờ vậy đối mọi dục,
Không còn tham muốn lớn,
Thấy sợ hãi thân kiến,
Ta mong muốn viễn ly.
340. Ta bỏ chúng bà con,
Bỏ lao công, nô tỳ,
Làng ruộng đất phì nhiêu,
Khiến người thích hân hoan,
Từ bỏ, ta xuất gia,
Gia sản đâu có ít.
341. Nhờ diệu pháp khéo thuyết,
Ra đi, với lòng tin,
Ta không thể hy cầu
Vật gì thuận gia sản
Vàng bạc ta đã bỏ,
Sao lại đi đến chúng?
342. Vàng bạc không giác ngộ,
Không làm người an tịnh,
Không hợp hạnh Sa-môn,
Không phải tài sản thánh.
343. Chính vàng hay bạc này
Làm tham ái, đắm say,
Làm con người ngu si,
Làm tăng trưởng bụi trần,
Nguy hiểm nhiều ưu não,
Ðây, không gì trường cửu.
344. Ðây, loài Người tham đắm,
Phóng dật, tâm uế nhiễm,
Chống đối thù địch nhau
Rộng đường đấu tranh nhau.
345. Giết hại, trói, tra tấn,
Hao tài sầu, ưu tư
Những ai chìm trong dục,
Gặp phải nhiều tai họa.
346. Vì sao bà con ta
Giống như kẻ thù ta,
Lại trói buộc ta vào,
Trong vòng các dục lạc,
Hãy biết ta xuất gia,
Vì thấy dục đáng sợ.
347. Bạc, vàng không có thể
Ðoạn được các lậu hoặc,
Các dục là thù địch,
Sát nhân, chuyên giết hại,
Chúng là kẻ oán thù,
Là mũi tên, dây trói.
348. Vì sao bà con ta
Giống như kẻ thù ta,
Lại trói buộc ta vào
Trong vòng các dục lạc,
Hãy biết ta xuất gia,
Cạo tóc đắp đại y.
349. Nuôi sống bằng đồ ăn,
Tích lũy nhờ khất thực,
Y áo được tác thành
Với miếng vải lượm lặt
Sống vậy, thích hợp ta,
Cơ bản, sống không nhà.
350. Dục đại sĩ từ bỏ
Dục loài Trời, loài Người,
Trú an ổn, giải thoát
Không dao động an lạc.
351. Chớ để ta đến dục,
Trong dục, không an toàn,
Dục, thù địch sát nhân
Gây khổ, dụ đống lửa.
352. Ðường hiểm, đầy sợ hãi,
Ðầy khổ hoạn, gai góc,
Tham ái đường gập ghềnh,
Hoang si mê rộng lớn.
353. Tai họa đầy hãi hùng,
Các dục dụ đầu rắn,
Kẻ ngu thích thú dục,
Kẻ mù lòa phàm phu.
354. Chúng sanh chìm bùn đục,
Những kẻ không thấy đời,
Họ không có rõ biết,
Sự chấm dứt sanh tử.
355. Loài Người vì nhân dục,
Con đường đến ác thú,
Phần nhiều đi đường ấy,
Khiến tự ngã bệnh hoạn.
356. Như vậy dục sanh thù,
Nung nấu, làm uế nhiễm,
Dục thuộc về thể vật,
Trói người vào tử vong.
357. Dục làm cho diên cuồng,
Loạn ngôn tâm thác loạn,
Làm uế nhiễm chúng sanh,
Sắp rơi bẫy Ác ma.
358. Dục nguy hiểm không cùng,
Nhiều khổ, thuốc độc lớn,
Ngọt ít, tạo đấu tranh,
Héo tàn ngày tươi sáng.
359. Ta quyết định như vậy,
Không trở lui dục nhân,
Tác thành điều bất hạnh,
Luôn vui hưởng Niết-bàn.
360. Quyết đấu tranh với dục,
Chờ đợi, mát, lắng dịu,
Sẽ sống không phóng dật,
Ðoạn diệt kiết sử dục.
361. Ta đi theo đường ấy
Ðường đại sĩ đi qua,
Không sầu, không cấu uế,
An ổn, thẳng, Tám ngành.
362. Hãy xem Subhà này,
An trú trên Chánh pháp,
Con gái một thợ vàng,
Ðạt được không tham dục,
Ngồi hành trì thiền định,
Ở dưới một gốc cây.
363. Hôm nay, ngày mồng tám
Từ khi nàng xuất gia,
Với lòng đầy tin tưởng,
Sáng chói chân Diệu pháp,
Up-pa-la-van-na,
Huấn luyện giảng dạy nàng,
Nàng chứng được Ba minh,
Vượt qua được thần chết.
364. Nàng tự mình giải thoát,
Không còn có nợ nần.
Là vị Tỷ-kheo-ni,
Các căn được tu tập,
Ly hệ mọi khổ ách,
Việc cần làm làm xong,
Ðối với các lậu hoặc,
Nàng đoạn diệt hoàn toàn.
365. Sakka đến với nàng,
Cùng với chúng chư Thiên,
Với thần thông diệu dụng,
Chúng đảnh lễ Subhà,
Nàng chỉ là con gái,
Con một người thợ vàng,
Nhưng nay là hội chủ,
Của mọi loài chúng sanh.
Vào ngày thứ tám, khi nàng đã thọ giới, nàng chứng quả A-la-hán. Thế Tôn ngồi dưới một cành cây, nói lên bài kệ (362-364) để tán dương nàng và chỉ nàng cho các Tỷ-kheo biết. Câu kệ cuối cùng do các Tỷ-kheo thêm vào để tán dương Sakka đã đến đảnh lễ nàng.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.3.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (93 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.