"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) »» Kinh Phật Tự Thuyết (Chương 1 đến chương 5) »»

Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) »» Kinh Phật Tự Thuyết (Chương 1 đến chương 5)

Donate

Udāna

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu

    
(Download file MP3
- 22.06 MB - Thời gian phát: 02 giờ,08 phút 30 giây.)

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

Chương Một
Phẩm Bồ Ðề

(I) (Ud 1)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhứt, khéo thuận chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Thật sự, khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì quản tri hoàn toàn,
Pháp cùng với các nhân.
(II) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết-già thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên thủ diệt; do thủ diệt, nên hữu diệt; do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
2. Thật sự khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm, hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì đã biết hoàn toàn,
Sự tiêu diệt các duyên.
(III) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi Kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt". Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức... Duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này. Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt... Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Thật sự khi các pháp
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Quét sạch các ma quân,
Vị ấy đứng, an trú,
Như ánh sáng mặt trời,
Chói sáng khắp hư không.
(IV) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây bàng ajapala, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy ra khỏi định. Có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Huhunka, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên lời chào hỏi, sau khi nói lời chào hỏi thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Bà-la-môn ấy nói với Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, cho đến như thế nào là Bà-la-môn, và những pháp nào tác thành Bà-la-môn?
Thế Tôn sau khi biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Vị Bà-la-môn nào,
Loại trừ các ác pháp,
Không kiêu, không uế nhiễm,
Tự ngã khéo chế ngự,
Vệ-đà được thông đạt,
Phạm hạnh được viên thành,
Vị Bà-la-môn ấy,
Có thể nói lên được,
Lời Phạm ngữ đúng pháp,
Vị ấy ở đời này,
Không hề có mạn tâm
Bất cứ ở nơi nào.
(V) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), khu vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahàmoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) Tôn giả Mahàkassapa (Ðại Ca-diếp), Tôn giả Mahàkaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahàkotthita (Ðại Câu-thi-la), Tôn giả Mahàkappina (Ðại kiếp-tân-na), Tôn giả Mahàcunda (Ðại-Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Revata (Ly-bà-đà), Tôn giả Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), Tôn giả Ananda (A-nan) đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy các Tôn giả ấy từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến. Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến.
Khi được nói vậy, một Tỳ-kheo, thọ sanh là Bà-la-môn, bạch Thế Tôn:
- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Bà-la-môn, và có bao nhiêu pháp, tác thành Bà-la-môn?
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Sau khi loại ác pháp,
Ai thường hành chánh niệm,
Kiết sử đoạn, giác ngộ,
Những vị ấy ở đời,
Thật là Bà-la-môn.
(VI) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa trú ở hang Pipphali, đang bị bệnh rất khổ đau, bệnh trầm trọng. Rồi Tôn giả Mahàkassapa sau một thời gian, thoát khỏi bệnh ấy. Rồi Tôn giả Mahàkassapa thoát khỏi bệnh ấy, suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi vào Vương Xá để khất thực ". Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nhân, đang cố gắng sửa soạn để Tôn giả Mahàkassapa nhận đựoc đồ ăn khất thực. Nhưng Tôn giả Mahàkassapa gạt bỏ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực, đi ngang những con đường những con người nghèo, con đường những người ăn xin, con đường những người thợ dệt.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Ai sống không nhờ người,
Không được người biết đến,
Sống tự mình chế ngự,
An trú trên lõi cây,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Sân hận được trừ diệt,
Vị ấy được Ta gọi,
Là vị Bà-la-môn.
(VII) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Pàtali tại Ajakalàpaka, chỗ ở của Dạ-xoa Ajakalàpa. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong đêm tối đen, và trời mưa từng hột xuống. Rồi Dạ-xoa Ajakalàpaka muốn làm cho Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ba lần nói lên gần Thế Tôn tiếng gào thét của mình là Akkulopakkulo: "Này Sa môn, có con quỷ cho Ông ". Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
7. Khi nào Bà-la-môn
Ðối với pháp của mình,
Ðã đạt được bờ kia,
Vị ấy vượt qua được,
Ác quỷ yêu ma này.
(VIII) (Ud 5)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đã đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nghe được tin Tôn giả Sangamàji đã đến Sàvattthi. Nàng liền dắt người con đi đến Jetavana. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đang ngồi dưới gốc cây đề nghỉ ban ngày. Rồi người vợ trước đây của Tôn giả Sangamàji, đi đến Tông Giả Sangamàji, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sangamàji, giữ im lặng. Lần thứ hai, người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ hai, Tôn giả Sangamàji giữ im lặng. Lần thứ ba người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ ba, Tôn giả Sangamàji vẫn giữ im lặng. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji đặt đứa nhỏ trước mặt Tôn giả Sangamàji rồi bỏ đi, nói rằng:
- Này Sa-môn, đây là đứa con trai của Sa-môn. Hãy nuôi dưỡng nó!
Tôn giả Sangamàji không có ngó đến đứa nhỏ ấy, cũng không nói gì. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji sau khi đi không xa, ngó lui lại thấy Tôn giả Sangamàji không ngó đứa con nhỏ ấy, cũng không nói; thấy vậy liền suy nghĩ: "Sa môn này không muốn ngó đến người con ". Nàng liền trở lui lại, bồng lấy đứa con rồi ra đi. Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy cử chỉ thô bạo như vậy của người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Không hoan hỷ, nàng đến,
Không sầu muộn, nàng đi,
Giải thoát khỏi ái phược,
Là Sangamàji
Ta gọi người như vậy,
Là vị Bà-la-môn.
(IX) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Gayà, tại Gayasisa. Lúc bấy giờ, nhiều kẻ bện tóc, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: "Với hành động này, được thanh tịnh ".
Thế Tôn thấy nhiều kẻ bện tóc ấy, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặng xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: "Với hành động này, được thanh tịnh ".
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Thanh tịnh không có nước,
Ở đây nhiều người tắm,
Trong ai có chân thật,
Lại thêm có Chánh pháp,
Người ấy là Thanh tịnh,
Người ấy là Phạm chí.
(X) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: "Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy ". Rồi một Thiên nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau:
- Này Bàhiya. Ông không phải là A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này Ông có thể trở thành A-la-hán hay đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán.
- Nhưng ai là những vị, trong thế giới này, với thế giới chư Thiên là những vị A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán?
- Này Bàhiya, có thành phố tên là Sàvatthi trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác. Vị ấy là bậc A-la-hán và thuyết pháp đưa đến quả A-la-hán.
Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang đi kinh hành giữa trời. Bàhiya Dàruciritya đi đến các Tỳ-kheo ấy, sau khi đến nói như sau:
- Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác ở đâu? Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.
Rồi Bàhiya Dàraciriva mau chóng ra khỏi Jetavana, đi vào Sàvatthi, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh. Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bàhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ hai Bàhiya Dàruciriya Bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn, hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Màhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ ba, Bàhiya Dàruciriya bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết... hạnh phúc lâu dài.
- Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Thế Tôn sau khi thuyết cho Bàhiya Dàruciriya lời giáo giới tóm tắt này, liền ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò con húc chết Bàhiya Dàruciriya. Thế Tôn sau khi khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi ra khỏi thành với nhiều Tỷ-kheo, thấy Bàhiya Dàruciriya bị chết, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, hãy lấy thân xác Bàhiya Dàruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỷ-kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, sau khi đặt xác thân của Bàhiya Dàruciriya lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, xây dựng cái tháp cho vị ấy, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thân xác của Bàhiya Dàruciriya đã được hỏa thiêu, tháp đã được xây dựng xong cho vị ấy. Sanh thứ cho vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy là gì?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là Bàhiya Dàruciriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỷ-kheo, Bàhiya Dàruciriya đã nhập Niết Bàn.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không chấp trước,
Tại đây sao không chói,
Mặt trời không chiếu sáng,
Tại đây trăng không chiếu,
Tại đây u ám không,
Khi ẩn sĩ Phạm chí,
Tự mình với trí tuệ,
Thể nhập vào Chánh pháp,
Vị ấy được giải thoát
Khỏi sắc và vô sắc,
Khỏi an lạc, đau khổ.
Lời cảm hứng này được Thế Tôn thuyết giảng và tôi được nghe như vậy.
Chương Hai
Phẩm Mucalinda

(I) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvela, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Mucalinda, khi Ngài mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn, trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên và trong bảy ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi thần rắn Mucalinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh bảy vòng thân của Thế Tôn, và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu (Thế Tôn) với ý nghĩ: "Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát ".
Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy. Rồi Mucalinda, vua các loài rắn, sau khi biết trời đã sáng tỏ, mây đã được thoát đi, cởi mở thân mình khỏi thân Thế Tôn, biến dạng thân sắc của mình, hóa hiện thân sắc một thanh niên đứng trước mặt Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Viễn ly là an lạc,
Với người biết tri túc,
Với người có nghe pháp,
Với người có chánh kiến
Không sân là an lạc,
Những ai ở trên đời,
Ðối hữu tình chúng sanh
Biết tự chế, ngăn ngừa.
Ly tham là an lạc,
Vượt các dục ở đời,
Ai nhiếp phục ngã mạn,
Ðây an lạc tối thượng.
(II) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỳ-kheo, sau bữa ăn, đi khất thực trở về, ngồi họp tại hội trườong, và câu chuyện này được khởi lên:
"Này chư Hiền, giữa hai vị vua này, vua Seniya Bimlisàra ở Magdha, và vua Pasenadi ở xứ Kosala, ai giàu có hơn, ai tài sản lớn hơn, ai kho tàng lớn hơn, ai quốc độ lớn hơn, ai xe cộ lớn hơn, ai sức mạnh lớn hơn, ai thần lực lớn hơn, ai uy lực lớn hơn? ". Rồi câu chuyện này giữa các Tỳ-kheo ấy chưa được chấm dứt.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, ở đây, nay các Thầy ngồi hội họp với câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa chừng chưa chấm dứt giữa các Thầy?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, đi khất thực trở về... câu chuyện này được khơi lên... ai uy lực lớn hơn " Câu chuyện này giữa chúng con, bạch Thế Tôn, chưa được chấm dứt thời Thế Tôn đã đến.
- Này các Tỷ-kheo, thật không thích đáng cho các Thầy, những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại nói câu chuyện như vậy. Này các Tỳ-kheo, khi các Thầy hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: Ðàm luận về Chánh pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Dục lạc gì ở đời,
Kể cả thiên lạc này,
Không bằng phần mười sáu,
Lạc do ái đoạn diệt.
(III) (Ud 11)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy, giữa Sàvatthi và Jetavana. Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy giữa Sàvatthi và Jetavana nhiều đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy.
Thế Tôn sau khi hiểu hết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Ai làm hại với trượng,
Kẻ tìm lạc cho mình,
Người ấy sau khi chết,
Không tìm được an lạc.
Ai không hại với trượng,
Kẻ tìm lạc cho mình,
Ðời sau tìm được lạc.
(IV) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tăng cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ấy không kham nhẫn được việc ấy Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng. Khi nào gặp các Tỷ-kheo ở làng và ở trong rừng, họ dùng những lời nói không tốt lành, thô ác, mắng nhiếc, phỉ báng, công kích não hại các Tỷ-kheo. Rồi một số đông Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng... dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính tôn trọng... dược phẩm trị bệnh nhưng các du sĩ ngoại đạo không được tôn kính, tôn trọng... dược phẩm trị bệnh. Rồi bạch Thế Tôn, các ngoại đạo du sĩ ấy không kham nhẫn được sự việc Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng... não hại chúng.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
4. Giữa làng, tại núi rừng,
Cảm thọ khổ và lạc,
Chớ quy về tự mình,
Chớ quy về người khác,
Các xúc được cảm thọ,
Là do duyên sanh y,
Với vị không sanh y,
Do đâu, xúc cảm thọ.
(V) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một nam cư sĩ tên là Icchànanga-laka đi đến Sàvatthi vì một vài công việc phải làm. Nam cư sĩ ấy, sau khi làm công việc xong ở Sàvatthi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nam cư sĩ ấy đang ngồi một bên:
- Ðã lâu rồi, này Nam cư sĩ, ông tạo nên cơ hội này, tức là đến đây!
- Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con muốn yết kiến Thế Tôn. Nhưng con bị bận bịu lợi bởi những công việc phải làm này nên con không thể đi đến yết kiến Thế Tôn được.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Ai lão luyện Chánh pháp,
Ðược nghe nhiều Chánh pháp,
Không xem bất cứ gì
Là an lạc của mình.
Hãy xem, não hại thay,
Những ai có sở hữu,
Khiến cho con người này,
Bị trói buộc người khác.
(VI) (Ud 13)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, thanh nữ trẻ Bà-la-môn, vợ của một du sĩ có thai sắp sinh. Vợ của du sĩ ấy nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo nói với nữ du sĩ:
- Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ hai, nữ du sĩ nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lần thứ hai du sĩ nói với nữ du sĩ:
- Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ ba, nữ du sĩ nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lúc bấy giờ, tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala, một Sa-môn hay Bà-la-môn có thể uống bơ hay dầu cho đến thỏa thích, nhưng không được mang đi. Người du sĩ ấy suy nghĩ: "Tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala... không được mang đi. Vậy ta hãy đi đến nhà kho của vua Pasnadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về đến nhà, mửa dầu ấy ra và ta cho nữ du sĩ dùng khi sanh con ". Rồi du sĩ ấy đi đến nhà kho của vua Pasenadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về nhà không có thể mửa lên hay mửa xuống; có cảm thọ khổ đau, nhói đau, đau khốc liệt thống khổ, lăn lộn qua lại.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy người du sĩ ấy cảm thọ khổ đau, nhói đau khốc liệt, thống khổ, lăn lộn qua lại. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
6. An lạc thay là người
Không có gì sở hữu,
Người chánh tri hiểu biết,
Không có gì sở hữu.
Hãy xem não hại thay,
Những ai có sở hữu,
Khiến cho con người này,
Bị trói buộc người khác.
(VIII) (Ud 14)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthaphindika. Lúc bấy giờ, con trai độc nhất của một nam cư sĩ, khả ái, đáng yêu bị mệnh chung. Rồi nhiều nam cư sĩ, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các cư sĩ ấy đang ngồi một bên.
- Này các Cư sĩ, sao các Ông, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, lại đến đây, trong lúc quá sớm như vậy?
Khi được nói vậy, người cư sĩ ấy thưa với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người con trai độc nhất của con khả ái, khả ý đã mệnh chung. Do vậy chúng con với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm đã đến đây trong lúc quá sớm!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
7. Bị khả ái, dễ thương
Trói buộc và chi phối,
Rất nhiều chư Thiên chúng,
Và nhiều hạng con người
Ðau khổ và héo mòn,
Bị thần chết nhiếp phục.
Ngày đêm không phóng dật,
Từ bỏ dung sắc đẹp,
Vị ấy đào gốc khổ,
Mồi nhử của ác ma,
Thật khó vượt qua được.
(VIII) (Ud 15)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kundiyàya, trong rừng Kunditthàna. Lúc bấy giờ, Suppavàsà, con gái của vua xứ Koliya có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ khổ đau, nhức nhối, khốc liệt, thống khổ, nàng vẫn duy trì ba niệm: "Thế Tôn thật là bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài thuyết pháp để đoạn tận đau khổ này. Chúng đệ tử của bậc Thế Tôn ấy là khéo hành trì. Chúng hành trì để đoạn tận đau khổ này. Thật sự an lạc là Niết-bàn, tại đây khổ đau này không có mặt ". Rồi Suppavàsà, con vua Koliya gọi ngưòi chồng của mình:
- Này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú và thưa: "-Bạch Thế Tôn, Suppavàsà con gái vua Koliya cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú ". Rồi hãy nói như sau: "Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ.... tại đấy khổ đau này không có mặt! "
- Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn,.... lạc trú.... tại đấy khổ đau này không có mặt.
- Mong rằng Suppavàsà, con gái vua Koliya được an lạc, không bệnh, sanh đứa con không có bệnh hoạn. Với lời nói này của Thế Tôn, Suppavàsà, con gái Koliya, được an lạc không bệnh, đẻ đứa con trai không bệnh.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Koliyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi trở về nhà của mình. Koliyaputta thấy Suppavàsà, con gái vua Koliya, được an lạc, không bệnh, sanh đứa con trai không bệnh, thấy vậy liền suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay, thần lực và đại uy lực của Thế Tôn, khiến cho Suppavàsà con gái vua Koliya này, với lời nói của Thế Tôn được an lạc, không bệnh, sanh con trai không bệnh!". Nghĩ vậy, Koliyaputta hoan hỷ, thích thú, tâm sanh hỷ lạc. Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, bảo người chồng mình:
- Hãy đi, này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đếnc nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: " - Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thú bảy. Nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo dùng cơm trong bảy ngày. Mong Thế Tôn hãy nhận lời thọ bảy bữa cơm của Suppavàsà với chúng Tỷ-kheo".
- Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và nói như sau: Suppavàsà, có thai đến bảy năm... đau đẻ đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo... với chúng Tỷ-kheo!
Lúc bấy giờ một nam cư sĩ khác đã mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là vị cầm đầu, ngày mai dùng cơm người cư sĩ ấy là người hộ trì cho Tôn giả Moggallàna. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Mogallàna:
- Này Moggallàna, hãy đến người cư sĩ, sau khi đến, nói với người cư sĩ ấy như sau: "Này Hiền giả, Suppavàsà con của vua Koliya.. có thai đến bảy năm... đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc.. Nay nàng muốn mời chúng Tỷ-kheo... với chúng Tỷ-kheo. Hãy để cho Suppavàsà tổ chức bảy ngày cơm trước. Sau sẽ đến lượt người hộ trì cho người".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!.
Tôn giả Mahà Moggallàna vâng đáp Thế Tôn rồi đi đến người cư sĩ ấy, sau khi đến nói với người cư sĩ:
- Này Hiền giả Suppavàsà... Hãy để cho Suppavàsà con của Koliya tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên Ông.
- Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con ba pháp về tài sản, về thọ mạng, về lòng tin, hãy để cho Suppavàsà, con gái của vua Koliya, tổ chức trước, rồi sau đến phiên con.
- Này Hiền giả, về hai pháp ta sẽ bảo đảm cho ông, về tài sản và về thọ mạng. Còn về lòng tin, thời ông phải tự bảo đảm!.
- Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con hai pháp, về tài sản và về thọ mạng, hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày con trước. Rồi sẽ đến phiên con.
Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna, sau khi thuyết phục được người cư sĩ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên người cư sĩ ấy.
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, trong bảy ngày mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là bậc dẫn đầu, tự tay mời và làm cho thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và khiến cho đứa trẻ đảnh lễ Thế Tôn và toàn thể chúng Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Sàriputta nói với đứa trẻ:
- Này Con, Con có kham nhẫn được không? Con có nuôi sống được không? Con có đau khổ gì không?
- Thưa Tôn giả, từ đâu con có thể kham nhẫn? Từ đâu con có thể nuôi sống? Từ đâu con không có đau khổ? Con đã sống bảy năm trong các ghè đầy máu!
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, nghĩ rằng: "Con ta đang nói chuyện với vị tướng quân về Pháp, hoan hỷ, tín thọ, với tâm hỷ lạc."
Rồi Thế Tôn nói với Suppavàsà, con gái vua Koliya:
- Này Suppavàsà. Con có muốn một người con trai khác như vậy không?
- Bạch Thế Tôn, con muốn có bảy người con trai như vậy!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này,ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Không vui, giả dạng vui,
Không ái, giả dạng ái,
Khổ đau, giả dạng lạc,
Nhiếp phục kẻ phóng dật.
(IX) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, ngôi lầu của mẹ Migàra.
Mẹ Migàra có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala và vua Pasenadi nước Kosala chưa có quyết định về việc ấy. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàra, vào buổi sáng sớm đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
- Này Visàkhà, Bà từ đâu đi đến sớm như vậy?
- Bạch Thế Tôn con có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala... về việc ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Mọi tùng thuộc là khổ,
Mọi chủ quyền là lạc,
Chung dùng làm não hại,
Trói buộc khó vượt qua.
(X) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ, Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, và thường hay nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Một số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi an lạc thay! ". Nghe vậy, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Không gì nghi ngờ chư Hiền, Tôn giả Bhaddiya con của Kàlighodha sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, vì trước khi còn ở gia đình được hưởng an lạc nhà vua, vì Tôn giả nhớ đến an lạc ấy, nên khi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây... thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kàligodha khi đi đến rừng... nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "... không có nghi ngờ gì nữa.. sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
- Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta nói với Bhaddiya, con của Kàligodha: "Thưa hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha:
- Thưa Hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Bhaddiya, Thầy đi đến khu rừng "... Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Do thấy mục đích gì đi đến khu rừng "... an lạc? ".
- Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng "... an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
10. Với ai, trong nội tâm,
Không có lòng phẫn nộ,
Vượt qua hữu, phi hữu,
Vị ấy thoát sợ hãi,
An lạc, không sầu muộn,
Chư Thiên không thấy được.
Chương Ba
Phẩm Nanda

(I) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo ngồi không xa Thế Tôn, ngồi kiết già, lưng thẳng, chịu đựng sự đau đớn, kết quả của nghiệp về trước, nhói đau, cực khổ, thống khổ, chánh niệm, tỉnh giác, không có sầu não.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Tỷ-kheo bỏ mọi nghiệp,
Tẩy sạch bụi làm trước,
An trú, không ngã sở,
Không cần nói với người.
(II) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàhapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả, tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, tôi không chịu nổi đời sống Phạm hạnh; sau khi bỏ học tập, tôi sẽ hoàn tục!" Một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau: "... Tôi sẽ hoàn tục ". Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta bảo Tỷ-kheo Nanda: "Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả ".
- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Nanda, sau khi đến nói với Tôn giả Nanda:
- Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Nanda vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda đang ngồi một bên:
- Có thật chăng này Nanda, Thầy nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... tôi sẽ hoàn tục!".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Nhưng này, không hoan hỷ cái gì, Thầy sống Phạm hạnh, khiến Thầy không chịu nổi sống Phạm hạnh, từ bỏ học tập, Thầy sẽ hoàn tục?
- Bạch Thế Tôn, khi con từ bỏ gia đình, một Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, với tóc chải mới nửa phần, ngó nhìn con và nói: "Quý tử hãy về gấp!" Bạch Thế Tôn, vì con không thể quên nàng, nên con sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, con không có thể chịu nổi đời sống Phạm hạnh, sau khi từ bỏ học tập, con sẽ hoàn tục".
Rồi Thế Tôn cầm tay Tôn giả Nanda như người lực sĩ duỗi bàn tay dang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, biến mất ở Jetavana, và hiện ra tại cõi trời Ba mươi ba. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nữ đi đến để hầu hạ Thiên chủ Sakka, và họ được gọi là "có chân như chim bồ câu". Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Nanda:
- Này Nanda, Thầy có thấy năm trăm Thiên nữ này, có chân như chim bồ câu không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này Nanda, Thầy nghĩ thế nào? Ai đẹp đẽ hơn, hay ai đáng ưa nhìn hơn, hay ai khả ái hơn, Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước hay năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này? ".
- Bạch Thế Tôn, ví như một con khỉ cái bị thương, tai mũi bị chặt đứt; cũng vậy là Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, nếu đem so sánh với năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này, không thể ước lường so sánh, không bằng một phần nhỏ, không thể so sánh với chúng. Năm trăm Thiên nữ này đẹp hơn, dáng ưa nhìn hơn, khả ái hơn.
- Hãy hoan hỷ, này Nanda! Hãy hoan hỷ, này Nanda! Ta đền cho Thầy năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu ấy!
- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đền cho con năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu, thời bạch Thế Tôn, con sẽ sống hoan hỷ trong đời sống Phạm hạnh.
Rồi Thế Tôn cầm cánh tay của Tôn giả Nanda, như người lực sĩ... đang duỗi ra, như vậy biến mất ở chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, hiện ra ở Jetavana.
Các Tỷ-kheo được nghe: "Tôn giả Nanda, em Thế Tôn, con của bà dì sống Phạm hạnh vì mục đích Thiên nữ. Họ nói Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ với chân như chân chim bồ câu". Rồi các Tỷ-kheo bạn của Tôn giả Nanda, gọi Tôn giả Nanda là người làm thuê, là người buôn bán: "Tôn giả Nanda là người làm thuê, Tôn giả Nanda là người buôn bán. Vì mục đích Thiên nữ, Tôn giả Nanda sống Phạm hạnh. Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu!" Rồi Tôn giả Nanda, bị bực phiền, tủi nhục, chán ngấy, bởi bị gọi là người làm thuê, là người buôn bán, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tự tin, không bao lâu, do mục đích mà thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ấy, ngay trong hiện tại vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không trở lui trạng thái này nữa". Tôn giả Nanda đã trở thành một vị A-la-hán.
Rồi một thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda con trai của bà dì, do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát.
Trí khởi lên nơi Thế Tôn: "Nanda, do đoạn trừ các lậu hoặc... vô lậu tâm giải thoát". Rồi Tôn giả Nanda, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Nanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có hứa đền cho con năm trăm Thiên nữ với chân như chim bồ câu. Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa cho Thế Tôn lời hứa đền ấy.
- Này Nanda, với tâm cuả Ta, Ta rõ biết tâm của Thầy: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại... tuệ giải thoát". Lại nữa một Thiên nhân có báo cho Ta tin ấy: "Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda... tuệ giải thoát". Vì rằng, này Nanda, tâm của Thầy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ, nên Ta được giải thoát khỏi lời hứa này.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, chính trong lúc ấy, nó lên lời cảm hứng này:
2. Ai vượt khỏi bùn này,
Ðè bẹp gai của dục,
Ðạt được si đoạn diệt,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không cảm thọ khổ lạc!
(III) (Ud 24)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Tỷ-kheo do Yasoja dẫn đầu, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy, trong khi chào thăm các Tỷ-kheo sở tại, sắp đặt sàng tọa, sửa soạn y bát, gây tiếng ồn ào to lớn. Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giật cá?
- Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này, dẫn đầu là Yasoja, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy... gây nên tiếng ồn ào to lớn.
- Này Ananda, hãy nhân danh Ta nói với các Tỷ-kheo ấy: "Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả ".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo ấy:
- Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
- Này các Tỷ-kheo, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giựt cá?
Tôn giả Yasoja bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỳ-kheo mới đến này... gây nên tiếng ồn ào to lớn.
- Này các Tỷ-kheo, hãy đi đi! Ta đuổi các Thầy, các Thầy không xứng đáng được sống gần Ta!
- Thưa vâng! Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Ngài, dọn dẹp, sàng tọa, cầm lấy y bát, đi đến dân chúng Vajjì, tiếp tục bộ hành giữa dân chúng Vajjì rồi đi đến con sông Vaggamudà; sau khi đến, dựng lên chòi lá trên sông Vaggamudà, an cư mùa mưa tại chỗ ấy. Rồi Tôn giả Yasoja, sửa soạn an cư bảo các Tỳ-kheo:
- Thưa các Hiền giả, Thế Tôn đuổi chúng ta, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng ta, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với chúng ta. Này chư Hiền, chúng ta hãy sống cho thật đúng pháp, chúng ta sống như thế nào để Thế Tôn có thể hoan hỷ!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Tôn giả Yasoja. Rồi các Tỷ-kheo ấy sống viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và trong thời gian an cư, tất cả đều giác ngộ ba minh.
Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Sàvatthi cho đến khi vừa ý, liền bộ hành đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành đến Vesàli. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn với tâm cuả mình tác ý đến tâm các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà, gọi Tôn giả Ananda: "Như có hào quang, này Ananda, là phương này, như có ánh sáng, này Ananda, là phương này. Tại phương ấy, các Tỷ-kheo đang sống trên bờ sông Vagumudà. Thật là không nhàm chán cho Ta nếu được đi và tác ý đến phương ấy. Này Ananda, hãy gửi một sứ giả đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà và nói: "Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả!".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến một Tỷ-kheo, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo ấy:
- Hãy đi, này Hiền giả, hãy đi đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo ấy như sau: "Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả!".
- Thưa vâng, Hiền giả.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy vị ấy biến mất ở ngôi nhà có nóc nhọn tại Ðại Lâm, và hiện ra trước mắt các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà. Rồi Tỷ-kheo ấy nói với các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà:
- Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, sau khi dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, ví như một nhà lực sĩ... co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy các Tỳ-kheo ấy biến mất ở trên bờ sông Vaggumudà, và hiện ra ở Ðại Lâm, tại nhà có nóc nhọn, trước mặt Thế Tôn. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi trong thiền định bất động. Các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Nay Thế Tôn đang an trú trong loại an trú nào?". Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Thế Tôn nay đang an trú trong loại an trú bất động".
Và tất cả các Tỷ-kheo ấy ngồi xuống trong định bất động.
Tôn giả Ananda khi đêm đã gần mãn, canh một đã gần qua, từ chỗ ngôi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Ðêm đã gần tàn, canh một đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã gần qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn. Canh giữa đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên, chắp tay hướng về Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu... Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến!
Rồi Thế Tôn xuất khỏi định ấy bảo Tôn giả Ananda:
- Nếu Thầy có hiểu biết, này Ananda, Thầy sẽ không nói như vậy. Này Ananda, Ta và năm trăm Tỷ-kheo này tất cả đang nhập định bất động.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Ai đã thắng gai dục,
Nắng, gia hại, trói buộc,
Vị ấy đứng bất động,
Như núi vững an trú,
Vị Tỷ-kheo như vầy,
Lạc khổ không dao động.
(IV) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, rồi sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
4. Như ngọn núi bằng đá,
Không động, khéo an trú,
Cũng vậy vị Tỳ-kheo,
Ðoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị dao động.
(V) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, nội tâm khéo an trú thân hành niệm. Thế Tôn thấy Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng nội tâm khéo an trú thân hành niệm.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỷ-kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết Bàn.
(VI) (Ud 28)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Pilindavaccha, thường hay gọi Tỳ-kheo với danh từ bần tiện. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Pilindavaccha thường hay gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
- Hãy đi, này Tỷ-kheo, và nhân danh Ta, bảo Tỷ-kheo Pilindavaccha: "Này Hiền giả, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn đi đến Tôn giả Pilindavaccha, sau khi đến nói với Pilindavaccha:
- Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Pilindavaccha vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Pilindavaccha đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Vaccha. Thầy thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước của Pilindavaccha, liền bảo các Tỷ-kheo:
- Này, các Tỷ-kheo, chớ có bực phiền với Tỷ-kheo Pilindavaccha. Này các Tỷ-kheo, không phải vì trong lòng có sân hận mà Vaccha thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Vaccha trong năm trăm năm nối tiếp nhau đã sanh trong gia đình Bà-la-môn. Danh từ bần tiện đã lâu ngay được chứa chấp trong vị ấy. Do vậy, Vaccha thường gọi Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
6. Trong ai không man trá,
Không mạn, tham đoạn tận,
Không ngã sở, không dục,
Phẫn nộ được trừ diệt,
Tự ngã thành mát lạnh
Vị ấy là Phạm chí,
Là Sa môn Tỷ-kheo.
(VII) (Ud 29)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa, trú ở hang Pipphali, ngồi một thế ngồi kiết-già trong bảy ngày, sau khi nhập vào một loại thiền định. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau bảy ngày, xuất khỏi định ấy, Tôn giả Mahakassapa, sau khi xuất khỏi định ấy, suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi vào Ràjagaha để khất thực! ". Lúc bấy giờ năm trăm chư Thiên đang cố gắng lo cho Tôn giả Mahakassapa được đồ ăn khất thực. Rồi Tôn giả Mahakassapa sau khi khước từ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực.
Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka muốn cúng dường đồ ăn khất thực cho Tôn giả Mahakassapa, hóa thân làm người thợ dệt đang dệt chỉ Sujàta, thiếu nữ Asura đang làm cho đầy cái thoi. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau khi đi từng nhà khất thực ở Ràjagaha, đi đến trú xứ của Thiên chủ Sakka. Thiên chủ Sakka thấy Tôn giả Mahakassapa từ xa đi đến, sau khi thấy, liền ra khỏi nhà, tiếp đón, lấy bát từ nơi tay cầm đem vào nhà, bới cơm từ nơi nồi, đựng đầy bát và đưa lại cho Tôn giả Mahakassapa. Ðồ ăn khất thực ấy gồm có nhiều loại canh, nhiều loại món ăn, nhiều loại gia vị, món ăn trộn lẫn với nhau.
Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: "Ai là chúng sanh này, lại có thần lực uy lực như vậy? ". Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: "Chính là Thiên chủ Sakka", sau khi biết vậy, nói với Thiên chủ Sakka:
- "Này Kosiya, chính Ông đã làm sự việc này. Chớ làm như vậy nữa!".
- Thưa Tôn giả Kassapa, mục đích của chúng tôi là được phước. Ðiều chúng tôi cần làm là được phước.
Rồi Thiên chủ Sakka, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahakassaspa, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên trên hư không, và ở giữa hư không nói lên ba lần cảm hứng: "Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kasapa! ".
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe giữa hư không Thiên chủ Sakka nói lên ba lần lời cảm hứng: "Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Vị Tỷ-kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Thường an tịnh chánh niệm.
(VIII) (Ud 30)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi được nếm khả ái, thỉnh thoảng thân được cảm giác xúc khả ái.
Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo khất thực được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi đi khất thực. Vậy này chư Hiền, chúng ta hãy là ngưòi đi khất thực, thỉnh thoảng, mắt chúng ta được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai chúng ta được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi chúng ta được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi chúng ta được nếm vị khả ái, thỉnh thoảng thân chúng ta được cảm giác xúc khả ái. Chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi chúng ta sẽ đi khất thực".
Câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo ấy chưa được nói xong, thì Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy, đi đến rạp tròn có cây kareri, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, này các Thày ngồi ở đây nói câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa các Thầy chưa được nói xong?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri, và câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: "Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái... chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, khi chúng ta sẽ đi khất thực ". Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện giữa chúng con chưa được nói xong thì Thế Tôn đến.
- Này các Tỳ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các Thầy nói lên câu chuyện như vậy. Khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỷ-kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Vị Tỷ-kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Nhưng nếu Tỷ-kheo ấy,
Y tựa vào danh vọng,
Chư Thiên không có thương.
(IX) (Ud 31)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo... (như kinh trên)... câu chuyện này khởi lên: "Này chư Hiền, ai biết nghề gì? Ai học tập nghề gì? Nghề gì là tối thượng? "
Ở đây, một số người nói như sau: "Huấn luyện voi là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Làm xe là nghề tối thượng." Một số người nói như sau: "Nghề bắn cung là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề đao kiếm là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề ấn hiệu là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề tính toán là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề ước lượng là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề viết bài là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề làm thơ là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng". Ðây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều... (Xem III,8...) chưa được nói xong... "Ở đây, bạch Thế Tôn... khởi lên: "Này hiền giả ai biết nghề gì... nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng ". Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong, thì Thế Tôn đã đến".
- Này các Tỷ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy... khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Ai sống không nghề nghiệp,
Nhẹ nhàng, muốn lợi ích,
Các căn được chế ngự,
Toàn diện được giải thoát,
Không nhà, không ngã sở,
Không dục, giết ác ma,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Sống cô độc một mình.
(X) (Ud 32)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới thành Chánh giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết già, hưởng thọ giải thoát lạc. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày ấy, từ định ấy xuất khởi, nhìn đời với Phật nhãn, thấy các chúng sanh bị thiêu đốt với nhiều loại thiêu đốt, bị nhiệt não bởi nhiều loại nhiệt não, bởi tham, bởi sân, bởi si.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Ðời này bị thiêu đốt,
Chi phần bởi cảm xúc,
Tự mình nói rõ lên,
Chứng bệnh của chính mình,
Bởi vì nó nghĩ đến,
Do đó bị đổi khác,
Bị đổi khác vi hữu,
Bị lệ thuộc vì hữu,
Ðời này hữu chi phối,
Lại hoan hỷ với hữu,
Khi nào có hoan hỷ,
Ở đấy có sợ hãi,
Với ai có sợ hãi,
Ðấy tức là đau khổ,
Chính do đoạn diệt hữu,
Phạm hạnh này được sống.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.
Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.
Do duyên sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn diệt tất cả sanh y, khổ không có hiện hữu.
11. Hãy xem đời rộng này,
Bị vô minh chi phối,
Các sanh loại được sanh,
Ưa thích được sanh khởi,
Không thoát được sanh hữu.
Với ai đốt sanh hữu,
Tất cả mọi thời, xứ,
Tất cả sanh hữu này,
Vô thường khổ biến hoại,
Như vậy, thấy như thật,
Với chơn chánh trí tuệ,
Hữu ái được đoạn tận,
Phi hữu ái hoan hỷ
Ðoạn diệt ái hoàn toàn,
Ly tham, diệt, hoàn toàn,
Như vậy là Niết Bàn,
Tỷ-kheo ấy mát lạnh,
Không chấp thủ tái sanh,
Nhiếp phục được ma vương,
Trận chiến đã chiến thắng,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Vượt qua mọi sanh hữu.
Chương Bốn
Phẩm Meghiya

(I) (Ud 34)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà Lúc bấy giờ Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con muốn vào làng Jantu để khất thực.
- Này Meghiya, hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, khi khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàkà, sau khi đến, bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy Tôn giả Meghiya suy nghĩ: "Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần. Nếu Thế Tôn cho phép ta, ta sẽ đến rừng xoài này để tinh cần hành trì". Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở Jantu xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà, sau khi đến, con bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy, con suy nghĩ: "Thật tươi đẹp thay, khả ái thay là rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần". Nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần hành trì.
Ðược nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
- Hãy chờ đợi, này Meghiya. Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỳ-kheo khác đến!.
Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm. Nhưng đối với con, bạch Thế Tôn, có việc cần phải làm thêm nữa, có việc cộng thêm vào việc đã làm. Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần tu hành.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
- Hãy chờ đợi này Meghiya! Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến.
Lần thưa ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm... con sẽ đi đế rừng xoài này để tinh cần tu hành.
- Này Meghiya, khi Thầy nói tinh cần, thời Ta có thể nói gì được! Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài đi đến rừng xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài và ngồi trú ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tâm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.
Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay, thật hi hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại bị ba tâm ác, không thiện này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm". Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con sống trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tầm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, rồi con suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay... hại tầm".
- Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm? Ở đây thiện bạn hữu, thiện thân hữu là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thực. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokha, đầy đủ uy nghĩ chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có thể được không có khó khăn, có thể được không có mệt nhọc, có thể được không có phí sức. Ðây là giải pháp thứ ba, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Ðây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp thứ năm. Này Meghiya, khiến tâm thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.
Này Meghiya, với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu tập trong các học pháp. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự... tu tập trong các học pháp, được chờ đợi là phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến; những câu chuyện như vậy có thể có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sống tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Với vị Tỷ-kheo thiện thân bằng hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị Tỷ-kheo sẽ có trí tuệ, đầy đủ trí đi đến thẩm sát sanh diệt với thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau.
Lại nữa, này Meghiya, với vị Tỷ-kheo khéo an trú trong năm pháp này, bốn pháp cần phải tu tập thêm: Bất tịnh cần phải tu tập để đoạn tận tham; Từ cần phải tu tập để đoạn tận sân; Niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải tu tập để trừ khử tầm tư; Vô thường tưởng cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn, tôi là. Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Các tầm nhỏ tế nhị,
Hiện hành ý hoan hỷ,
Do không biết đến chúng,
Tâm động chạy nhiều đời,
Nếu biết chúng tầm tư,
Nhiệt tâm và chánh niệm,
Chế ngự được tư tưởng,
Khi ý không hoan hỷ,
Bậc Chánh giác bỏ chúng,
Không còn chút dư tàn.
(II) (Ud 37)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại Upavatama, trong ngôi rừng Pàla của dân chúng Mallà. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo, đang sống trong những cốc ở trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giấc, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Thế Tôn thấy số đông các Tỷ-kheo ấy, đang sống trong những cốc ở trong rừng, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Với thân không hộ trì,
Với tà kiến chi phối,
Bị hôn trầm thụy miên,
Nhiếp phục và chế ngự,
Kẻ ấy bị rơi vào
Uy lực của Ma vương
Do vậy hộ trì tâm,
Sở hành chánh tư duy,
Ðặt chánh kiến hàng đầu,
Rõ biết tánh sanh diệt,
Nhiếp phục và chế ngự,
Hôn trầm và thụy miên
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Từ bỏ mọi ác thú.
(III) (Ud 38)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn từ con đường bước xuống, đi đến một gốc cây, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Hỏi một kẻ chăn bò đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ người chăn bò đang ngồi một bên ấy. Rồi người chăn bò ấy, sau khi được Thế Tôn, với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho phấn khởi, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời, ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo". Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi người chăn bò ấy, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi người chăn bò ấy, sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi dự trữ sẵn sàng một số lớn cơm sữa đặc và bơ tươi và báo thời giờ cho Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của người chăn bò ấy, với chúng Tỷ-kheo, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Người chăn bò ấy, tự tay mời, làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, với cơm sữa đặc và bơ tươi. Rồi người chăn bò, khi đức Phật đã dùng xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp, ngồi xuống một bên, Thế Tôn với pháp thoại, trình bày, khích lê, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, người chăn bò đang ngồi một bên, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, có ngưòi đoạt mạng sống người chăn bò ấy tại biên giới của làng. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị dẫn đầu đã được người chăn bò ấy tự tay mời ăn và làm cho thỏa mãn với cơm sữa đặc và bơ tươi. Người chăn bò ấy, bạch Thế Tôn, đã bị một người đoạt mạng sống tại biên giói của làng.
Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
3. Nếu có độc ác gì,
Kẻ thù hại người thù,
Tâm định hướng tà vạy,
Còn làm ác hơn nữa.
(VI) (Ud 39)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggallàna trú ở động chim bồ câu. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới được cạo xong, đang nhập định. Có hai Dạ-xoa là bạn với nhau đang đi từ phương Nam lên phương Bắc vì một vài công việc. Các Dạ-xoa ấy thấy Tôn giả Sàriputta trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới cạo xong.
Thấy vậy, một Dạ-xoa nói với Dạ-xoa thứ hai: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này". Ðược nghe nói vậy, vị Dạ-xoa này nói với Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn! Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực " Lần thứ hai, vị Dạ-xoa ấy nói vị Dạ-xoa này: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này". Lần thứ hai, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn!. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực". Lần thứ ba, vị Dạ-xoa ấy, nói với vị Dạ-xoa này: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu của vị Sa-môn này". Lần thứ ba, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực".
Rồi Dạ-xoa ấy không nghe theo, Dạ-xoa này liền đánh trên đầu Tôn giả Sàriputta. Với cái đánh này, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao hay làm bể tan ngọn núi lớn. Ngay lúc ấy, Dạ-xoa ấy hét lớn: "Tôi bị cháy! Tôi bị cháy! " và rơi vào đại địa ngục.
Tôn giả Mahà Moggallàna với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy Tôn giả Sàriputta bị đánh trên đầu, thấy vậy liền đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:
- Mong rằng Hiền giả có thể kham nhẫn! Mong rằng Hiền giả có thể chịu đựng. Mong rằng Hiền giả không có đau đớn!
- Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Hiền giả Moggallàna, nhưng đầu tôi có đau.
- Thật vi diệu thay, Hiền giả Sàriputta!. Hiền giả Sàriputta thật có thần lực lớn, thật có uy lực lớn! Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có con Dạ-xoa đánh trên đầu Hiền giả, đánh thật mạnh. Với cái đánh ấy, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao, hay làm bể tan ngọn núi lớn và Tôn giả Sàriputta đã nói như sau: "Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Nhưng tôi có hơi đau đầu!" Thật vi diệu thay, Hiền giả Moggallàna! Thật hy hữu thay Hiền giả Moggallàna! Có đại thần lực là tôn giả Mahà Moggallàna, có đại uy lực, vì rằng Hiền giả có thể thấy được Dạ-xoa, nhưng tôi này không thấy được một con quỷ đói.
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, nghe được câu chuyện như vậy giữa hai vị long tượng ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Tâm ai như tảng đá,
An trú không dao động,
Không tham vật khả ái,
Ðáng phẫn nộ, không sân,
Tâm ai tu như vậy,
Từ đâu khổ đến được?
(V) (Ud 41)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vuờn Ghosita. Lúc bấy giờ Thế Tôn sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo quấy rầy, bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay Ta sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni... quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời đại chúng".
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, liền dọn dẹp sàng tọa của mình, cầm y bát, không nói cho thị giả biết, không báo cho chúng Tỷ-kheo biết, một mình không có người thứ hai ra đi, bộ hành hướng đến Pàlileyyaka, tiếp tục bộ hành và đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn sống ở Pàlileyyaka, khóm rừng Rakkhita, dưới gốc cây Sàla Bhadda.
Rồi một con voi, bị các con voi, các con voi cái, các con voi con, các con voi còn bú quấy rầy, ăn cỏ với đầu ngọn bị cắt đứt, ăn các cành cây bị gẫy, uống nước bị vẩn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước nó bị các con voi cái cọ xát thân hình, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi con voi ấy suy nghĩ: "Ta bị các con voi, các con voi cái... Ta vì bị phiền quấy rầy nên khổ, không có thoải mái, an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời khỏi đàn voi".
Rồi con voi ấy, rời khỏi đàn voi, đi đến Pàlileyyaka, tại khóm rừng Rakkita, ở gốc cây sàla Bhadda. Tại đấy, con voi ấy tại chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy nó dọn sạch cỏ với cái vòi của mình, đem nước uống, đồ ăn để Thế Tôn dùng.
Rồi Thế Tôn trong khi sống độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: "Ta trước đây bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni... quấy rầy không có thoải mái an ổn. Nay Ta sống không có bị các Tỷ-kheo... không có bị các ngoại đạo, đệ tử các ngoại đạo quấy rầy, vì không bị quấy rầy, Ta sống an lạc thoải mái".
Còn con voi ấy cũng khởi lên suy nghĩ như sau: "Trước đây ta sống bị các con voi.. quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Nay ta sống không bị các con voi... quầy rầy. Ta ăn cỏ với đầu ngọn không bị cắt đứt, ăn các cành cây không bị bẽ gãy, uống nước không bị vẫn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước, ta không bị các con voi cái cọ xát thân hình, ta không bị quấy rầy nên sống an lạc, thoải mái an ổn".
Rồi Thế Tôn, sau khi biết hạnh viễn ly của mình, với tâm của mình biết được tâm của con voi ấy, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Ðây là voi với voi,
Với voi có ngà lớn
Với tâm điều phục tâm,
Một mình vui thích rừng.
(VI) (Ud 42)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, sống ở rừng, đi khất thực, mặc y lượm từ đống rác, chỉ mang ba y, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa thích hội họp, tinh cần tinh tấn, nói hạnh đầu đà, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng... chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Không mắng, không gia hại,
Chế ngự trong giới bổn,
Tiết độ trong ăn uống,
Nằm ngồi chỉ một mình,
Chú tâm vào tăng thượng,
Chính lời chư Phật dạy.
(VII) (Ud 43)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, kiết-già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, kiết già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Tâm tăng thượng ẩn sĩ,
Không phóng dật, tu tập,
Trên con đường chánh trí,
Vị ấy không cầu muộn,
Luôn luôn được an tịnh,
Thường nắm giữ chánh niệm.
(VIII) (Ud 44)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lể, cúng dường, tôn kính nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường tôn kính, cũng nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính... Cũng không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ngoại đạo ấy, không có thể chịu nổi sự cung kính đối với Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo, đi đến nữ du sĩ Sundari, sau khi đến, nói với nữ du sĩ Sundari:
- Này chị, chị có thể làm lợi ích cho các bà con?
- Thưa các Tôn giả, con có thể làm gì? Việc gì con có thể làm được? Ðời sống của con là một vật hy sinh cho các bà con.
- Vậy Chị hãy thường đi đến Jetavana.
- Thưa vâng, các Tôn giả.
Nữ du sĩ Sundari, sau khi vâng đáp các du sĩ ngoại đạo ấy thường xuyên đi đến Jetavana. Khi các du sĩ ngoại đạo ấy được biết rằng nữ du sĩ Sundari được nhiều người thấy thường xuyên đi đến Jetavana, họ đoạt mạng sống của nữ du sĩ Sundari, tại đấy, chôn nàng vào cái hố trong các mương của Jetavana, rồi đi đến Vua Pasenadi nước Kosala, sau khi đến thưa với vua Pasenadi nước Kosala:
- Thưa Ðại vương, nữ du sĩ Sundari không được thấy nữa.
- Nhưng các Người nghĩ ở tại đâu?
- Ở tại Jetavana, thưa Ðại vương.
- Vậy hãy đi tìm ở Jetavana.
Các du sĩ ngoại đạo ấy đi tìm ở Jetavana, đào mương tại chỗ đã quăng nàng xuống, đặt nàng trên giường, đi vào Sàvatthi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba đường này đến ngã ba đường khác, họ làm cho dân chúng tức giận nói rằng: "Các Ông hãy xem công việc làm của các Thích tử! Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp, nói láo, không Phạm hạnh họ tự cho là sống đúng pháp, sống thăng bằng, sống Phạm hạnh, nói lời chân thật, giữ giới, theo thiện pháp. Không có Sa-môn hạnh trong những vị này. Không có Bà-la-môn hạnh trong những vị này. Từ đâu họ có Sa-môn hạnh? Từ đâu họ có Bà-la-môn hạnh? Sa-môn hạnh của họ đã đi mất. Sau khi làm xong phận sự của đàn ông, họ đoạt mạng sống của nữ nhân này".
Lúc bấy giờ, các người ở Sàvatthi, khi thấy các Tỷ-kheo, với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não nói rằng: "Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp... họ đoạt mạng sống của nữ nhân này".
Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đáp y cầm bát, vào Sàvatthi để khất thực, khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Nay các người ở Sàvatthi khi thấy các Tỷ-kheo... họ đoạt mạng sống của nữ nhân này.
- Này các Tỷ-kheo, tiếng đồn này sẽ không còn tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất.
Này các Tỷ-kheo, những ai thấy Tỷ-kheo... bức não, các Thầy hãy chỉ trích lại với bài kệ này:
8. Ai nói lời không thật,
Phải đi đến địa ngục,
Ai có làm lại nói
Việc ấy tôi không làm,
Cả hai sau khi chết,
Sẽ đồng đẳng như nhau.
Họ là những hạng người,
Làm các hạnh hạ liệt,
Trong một đời sống khác.
Rồi các Tỷ-kheo ấy sau khi học thuộc lòng bài kệ này từ nơi Thế Tôn, nếu có những người thấy các Tỷ-kheo với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não, các vị liền chỉ trích lại với bài kệ này: "Ai nói lời không thật... Trong một đời sống khác ", những người suy nghĩ như sau: "Các Thích tử Sa-môn không có phạm tội. Sự việc ấy không phải do họ làm. Các Sa-môn Thích tử này đã thề như vậy." Và lời nói ấy không có lâu dài, lời nói ấy chỉ có tồn tại có một tuần, sau một tuần được biến mất. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, thật là khéo nói, lời này của Thế Tôn: "Này các Tỷ-kheo, tiếng đồ này sẽ không tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất". Bạch Thế Tôn, tiếng đồn ấy đã biến mất.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Người không biết chế ngự,
Với lời đâm người khác,
Giống như voi bị đâm,
Khi tham gia chiến trận.
Nghe những lời thô ác,
Tỷ-kheo hãy chịu đựng,
Giữ gìn không nói lên,
Tâm không có hiềm hận.
(IX) (Ud 45)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Upasena Vangantaputta trong khi độc cư thiền định, ý nghĩa như sau được khởi lên: "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, bậc Ðạo sư của ta, bậc Thế Tôn của ta là bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Chúng ta được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong Pháp Luật khéo nói. Các vị đồng Phạm hạnh với ta là những người có giới, theo thiện pháp. Chúng ta là những người làm đầy đủ trong giới luật. Chúng ta có thiền định. Chúng ta có nhất tâm, là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, chúng ta có đại thần lực, đại uy lực. Hiền thiện là mạng sống của ta. Hiền thiện là sự chết của ta."
Rồi Thế Tôn với tâm của mình, biết được tâm của Tôn giả Upasena Vangantaputta, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
10. Ai sống không nhiệt não
Khi chết không sầu muộn,
Bậc trí nếu thấy đường
Giữa sầu, không sầu muộn,
Tỷ-kheo đoạn hữu ái,
Tâm tư được an tịnh,
Luân hồi sanh tử tận,
Vị ấy không tái sanh.
(X) (Ud 46)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriuptta, ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
11. Tỷ-kheo tâm an tịnh,
Chặt đứt dây sanh tử,
Luân hồi sanh tử tận,
Thoát khỏi ma trói buộc.
Chương Năm
Phẩm Trưởng Lão Sona

(I) (Ud 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà trên lầu thượng của hoàng cung, rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:
- Này Mallikà có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?
- Thưa Ðại vương, không có khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?
- Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bê. Ngồi xuống một bên, vua Pesenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng của hoàng cung với Hoàng hậu Mallikà và con nói với Hoàng hậu Mallikà: "Này Mallikà, có ai khác thân ái với Hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?".
Khi được nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hoàng hậu Mallikà trả lời với con: "Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ai với Thiếp hơn là tự ngã của Thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương? " Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho Hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta".
Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
1. Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã,
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.
(II) (Ud 48)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, chỗ khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Thật hi hữu thay, bạch Thế Tôn. Thọ mạng ít thay, bạch Thế Tôn, là mẹ của Thế Tôn! Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu-suất".
- Chính là như vậy, này Ananda! Thọ mạng ít thay là mẹ vị Bồ Tát. Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu suất! Thọ mạng ít thay là các bà mẹ của các Bồ Tát. Sau khi sanh bảy ngày, các bà mẹ của Bồ-tát mệnh chung, và được sanh lên cõi trời Ðâu suất.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời kệ:
2. Tất cả hữu tình nào,
Sẽ có mặt ở đời,
Tất cả chúng sẽ đi,
Sau khi bỏ sắc thân,
Hiểu tất cả là vậy,
Bậc thiện sanh nhiệt tâm,
Sống đời sống Phạm hạnh.
(III) (Ud 49)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bị bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddha thấy từ đàng xa đại chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: "Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm". Rồi người hủi Suppabuddha đi đến đại chúng ấy.
Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây xung quanh, thấy vậy liền suy nghĩ: "Ở đây không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng. Vậy ta hãy nghe pháp". Tại đấy, người hủi ngồi xuống và nghĩ: "Ta sẽ nghe pháp".
Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng tác ý rằng: "Ở đây, ai có thể hiểu được pháp". Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: "Ở đây, ngưòi này có thể hiểu pháp".
Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm cuả các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppabuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Cũng như tấm vải thuần bạch, được gội rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: "Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt". Khi ấy người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của đức Bổn Sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Supabuddha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích, Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi một con bò húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng,, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ đã mạng chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tuỳ pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Ràjagaha khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy đức Phật Ðộc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: "Ai là người hủi này lại đi dạo chơi " và vị ấy nhổ nước miếng và xây lưng phía trái rồi bỏ đi. Do hành động này của vị ấy được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do sự thanh thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Ràjagala này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay vị ấy do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Như người có mắt nhìn,
Cố gắng tránh lồi lõm,
Cũng vậy kẻ trí tránh,
Ðiều ác giữa đời này.
(IV) (Ud 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana, đang hành hạ các con cá. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana đang hành hạ các con cá, thấy vậy đi đến các thiếu niên ấy, sau khi đến nói với chúng:
- Này các Thiếu niên, các Em có sợ đau khổ không? Các Em không ưa thích khổ phải không?".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Nếu con không ưa khổ,
Dầu bất cứ chỗ nào,
Chớ làm các nghiệp ác,
Trước mặt hay sau lưng
Nếu Con làm, sẽ làm,
Các nghiệp ác, bất thiện,
Con không giải thoát khổ,
Dầu nhảy vọt và chạy.
(V) (Ud 51)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Dubbarà, trong lầu mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày trai giới đang ngồi có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh một sắp qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến Thế Tôn, và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã sắp qua, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã sắp qua. Chúng Tỳ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng đêm đã nở nụ cười, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến rồi bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Này Ananda, hội chứng không thanh tịnh. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna suy nghĩ: "Vì người nào mà Thế Tôn nói: 'Này Ananda, hội chúng này không thanh tịnh'?" Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Mahà Moggallàna thấy một người ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy, không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo, thấy vậy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến nói với người ấy:
- Hiền giả hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Moggallàna nói với người ấy:
- Hiền giã hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahà Moggallàna. Lần thứ ba, Hiền giả ấy im lặng. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nắm tay người ấy, dắt tay khỏi ngoài cửa, gài then cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Hiền giả ấy đã bị con đuổi ra rồi. Hội chúng nay thanh tịnh Bạch Thế Tôn. Thế Tôn hãy thuyết giảng giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Thật vi diệu thay, Moggallàna! Thật hy hữu thay, Moggallàna! Cho đến khi bị cầm tay, người ngu si mới đi ra.
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay Ta sẽ không làm Uposastha nữa, Ta sẽ không tụng đọc giới bổn Pàtimokkha nữa. Bắt đầu từ nay, các Thầy hãy làm Uposastha, các Thầy hãy tụng đọc giới bổn. Sự kiện không có được. Này các Tỷ-kheo, cơ hội không có được là Như Lai có thể làm Uposastha với hội chúng không thanh tịnh, có thể đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, biển lớn có tám pháp vi diệu hy hữu này, do thấy chúng như vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẩm. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Vì rằng phàm có con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo vì rằng, phàm có dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu, chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loài sinh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, biển lớn là trú xứ các sanh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có tám pháp, vi diệu chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp và tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thực là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo, vì rằng các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ kheo trong Pháp và Luật này, đây là Pháp vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú, trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng này các Tỷ-kheo, người ấy là ác giới, theo ác pháp... tánh tình bất định... và chúng Tăng sống xa vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn có giảm tăng. Cũng vậy này các Tỷ Kheo, nếu có những vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới, không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy được thấy có giảm tăng. Này các Tỳ Kheo, nếu có nhiều vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy, được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, ở đấy có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xà-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã-não. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu này như Bốn niệm xứ... Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loại sinh vật lớn, tại đấy có những sinh vật như các con timi, timigalà, timiramingalà, những loại Asurà, các loài Nàgà, các loài Gandhabbà. Trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này là trú xứ của các loại sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này. Bậc Dự lưu, bậc đang hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả; bậc Nhất lai, bậc đang hướng đến chứng Nhất lai quả; bậc Bất lai, bậc đang hướng đến chứng Bất lai quả;bậc A-la-hán, bậc đang hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này... quả A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong khi ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Che kín, trời có mưa,
Mở rộng, trời không mưa,
Do vậy, hãy mở rộng
Cái gì bị che kín,
Như vậy sẽ không mưa.
(VI) (Ud 57)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna trú ở giữa dân chúng Avanti, gần Kuraraghara, trên ngọn núi tên Pavatta. Lúc bấy giờ nam cư sĩ Sona Kotikanna là thị giả của Tôn giả Mahàkaccàna. Rồi nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: "Như Tôn giả Mahàkaccàna thuyết pháp, thật không dễ dàng cho một người sống trong gia đình có thể thực hành một cách viên mãn Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Sona Kotikanna thưa Tôn giả Mahàakaccàna.
- Thưa Tôn giả, ở đây trong khi con độc cư thiền tịnh... sống không gia đình. Thưa Tôn giả, Tôn giả hãy cho con xuất gia.
Nghe nói vậy, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotikanna:
- Này Sona, thật khó thay đời sống Phạm hạnh, ăn một bữa ăn, nằm một mình cho đến trọn đời. Này Sona, tại đây hãy sống trong gia đình, chú tâm vào lời dạy của chư Phật, tạm thời hiện tại sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình. Như vậy lòng ham muốn xuất gia của nam cư sĩ Sona Kotikanna được giảm nhẹ bớt.
Lần thứ hai, trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình. Lần thứ hai nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna..."... Hãy cho con xuất gia". Lần thứ hai, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotipanna:
- Này Sona, thật khó thay... được giảm nhẹ bớt. Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình.
Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna và thưa "... Hãy cho con xuất gia". Rồi Tôn giả Mahàkaccàna cho nam cư sĩ Sona Kotikanna xuất gia. Lúc bấy giờ, tại Avantisudakhhinàpatha, có ít Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Mahàkaccàna, sau ba kỳ an cư mùa mưa, một cách khó khăn, một cách mệt nhọc tụ tập được một nhóm mười Tỷ-kheo và trao Ðại giới cho Tôn giả Sona.
Tôn giả Sona sau khi an cư mùa mưa cô độc thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Ta chưa được thấy tận mắt Thế Tôn, tuy rằng ta có nghe Thế Tôn là vị như vậy, như vậy. Nếu vị Giáo thọ sư của ta cho phép ta sẽ đi đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác". Rồi Tôn giả Sona vào buổi chiều từ độc cư thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahàkacàna rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Sona thưa với Tôn giả Mahàkaccàna:
- Thưa Tôn giả, trong khi con độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn... Chánh Ðẳng Giác".
- Lành thay, lành thay Sona! Hãy đi này Sona, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Này Sona, người sẽ thấy Thế Tôn khả ái, khởi dậy lòng tin, các căn an tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt được an chỉ chế ngự tối thượng, bậc long tượng được điều phục, hộ trì, các căn nhiếp phục. Sau khi thấy, hãy nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não nhẹ nhàng, khoẻ mạnh, an ổn không!.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Tôn giả Sona hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn giả Mahàkaccàna, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Mahàkaccàna, thân bên hữu hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng đến Sàvatthi, tiếp tục bộ hành đi đến Sàvatthi,Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sona bạch Thế Tôn:
- Bậc giáo thọ sư của con, bạch Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, hỏi thăm... có an ổn không?
- Này Tỷ-kheo, Thầy có kham nhẫn được không? Thầy có sống dễ dàng không? Ði đường đến đây có mệt mỏi không? Khất thực có mệt mỏi không?
- Bạch Thế Tôn, con có thể kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con có thể sống dễ dàng. Bạch Thế Tôn, con đi đường không có mệt nhọc! Khất thực không có mệt nhọc.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này.
Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thế Tôn bảo ta: "Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này". Như vậy Thế Tôn muốn ở chung một chỗ với Tỷ-kheo ấy. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung với Tôn giả Sona ấy". Nên chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy Tôn giả Ananda sửa soạn sàng tọa cho Tôn giả Sona. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi ở ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tịnh xá. Tôn giả Sona, sau khi ngồi ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào Tịnh xá. Rồi Thế Tôn, khi đêm đã gần sáng, thức dậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Sona:
- Hãy nói pháp cho các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng mười sáu phần của phẩm tám một cách đầy đủ. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Sona chấm dứt tụng đọc của mình, Thế Tôn cám ơn và nói:
- Lành thay, lành thay Tỷ-kheo! Tỷ-kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ mười sáu phần trong phẩm thứ tám. Người được đầy đủ thiện ngôn, minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác. Này Tỷ-kheo, Thầy có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?
- Bạch Thế Tôn, con có một tuổi an cư mùa mưa.
- Này Tỷ-kheo, vì sao Thầy lại để chậm như thế?
- Bạch Thế Tôn, đã lâu con thấy sự nguy hại trong các dục, sự bó buộc của đời sống gia đình, nhiều phận sự, nhiều công việc phải làm.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
6. Thấy nguy hại ở đời,
Biết pháp không sanh y,
Bậc Thánh không ưa ác,
Bậc tịnh không ưa ác!
(VII) (Ud 58)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kankharevata ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ. Thế Tôn thấy Tôn giả Kankharevata ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Phàm những nghi hoặc gì,
Ðời này hay đời sau,
Tự mình chưa cảm thọ,
Hay người khác cảm thọ,
Người hành thiền từ bỏ,
Hoàn toàn tất cả chúng,
Nhiệt tâm hành Phạm hạnh.
(VIII) (Ud 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda trong ngày trai giới, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực. Devadatta thấy Tôn giả Ananda đi khất thực ở Ràjagaha, sau khi thấy, đi đến Tôn giả Ananda và nói với Tôn giả Ananda.
- Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda, ta sẽ làm lễ trai giới và sẽ tác thành các tăng sự, khác với Thế Tôn, khác với chúng Tỷ-kheo.
Tôn giả Ananda, sau khi đi khất thực ở Ràjagaha, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Theá Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát, vào Ràjagaha để khất thực. Bạch Thế Tôn, Devadatta thấy con đi khất thực ở Ràjagaha, thấy vậy liền đi đến con và nói: "Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda.. khác với chúng Tỷ-kheo!". Hôm nay, bạch Thế Tôn, Devadatta sẽ phá hòa hợp Tăng, làm lễ trai giới và hành các tăng sự.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Dễ làm là việc lành,
Ðối với kẻ làm lành;
Khó làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm lành;
Dễ làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm ác;
Khó làm là việc ác,
Ðối với các bậc Thánh.
(IX) (Ud 60)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn bộ hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn, không xa Thế Tôn bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng vượt đà quá xa. Thế Tôn thấy nhiều thanh niên, không xa bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng, vượt đà quá xa.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Lời nói của kẻ trí,
Khi bối rối luống cuống,
Rơi vào nhiều đề tài,
Nhiều lãnh vực sai khác,
Họ muốn miệng mở rộng,
Cái gì dắt dẫn họ,
Họ đâu có biết rõ.
(X) (Ud 61)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
10. Với thân, tâm an trú,
Ðứng, ngồi hay nằm xuống,
Tỷ-kheo an trú niệm,
Trước sau được thù thắng,
Trước sau được thù thắng,
Vượt tầm mắt ác ma.
Hết phần Kinh Phật Tự Thuyết (Chương 1 đến chương 5) (Udāna)

(Lên đầu trang)


Tập I có tổng cộng 10 phần.
Xem phần trước           ||||           Xem phần tiếp theo


Tải về dạng file RTF
_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hoa nhẫn nhục


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Vì sao tôi khổ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.53.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...