Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Tụng phẩm I
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú tại Magadha (Ma-kiệt-đà) phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà-la-môn tên Ambasaṇḍā, (Am-bà-la) trên ngọn núi Vediya (Tỳ-đà Sơn) phía Bắc ngôi làng, trong hang Indasāla (Nhơn-đà-sa-la). Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka (Ðế-thích) náo nức muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn.
Rồi Thiên chủ Sakka suy nghĩ: "Nay Thế Tôn ở tại chỗ nào, vị A La Hán, Chánh Ðẳng Giác?" Thiên chủ Sakka thấy Thế Tôn trú tại Magadha, phía Ðông thành Vương Xá tại làng Bà-la-môn tên Ambasaṇḍā, trên ngọn núi Vediya, phía Bắc ngôi làng trong hang Indasāla. Thấy vậy, Thiên chủ Sakka nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên:
- Này Quý vị, Thế Tôn trú ngụ tại Magadha, phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà-la-môn tên Ambasaṇḍā, trên ngọn núi Veidya, phía Bắc ngôi làng, trong hang núi Indasāla. Này quí vị, chúng ta hãy đến chiêm ngưỡng Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Xin vâng, mong an lành đến cho Ngài. - Chư Thiên ở Tam thập tam thiên trả lời Thiên chủ Sakka.
2. Rồi Thiên chủ Sakka, nói với Pañcasikha (Ngũ Kế), con của Càn-thát-bà:
- Này Khanh Pañcasikha, Thế Tôn nay trú tại Magadha, phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà-la-môn tên Ambasaṇḍā, trên ngọn núi Vediya phía Bắc ngôi làng, trong hang núi Indasāla. Này Khanh Pañcasikha, chúng ta hãy đến chiêm ngưỡng Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Xin vâng, mong an lành đến cho Ngài.
Pañcasikha, con của Càn-thát-bà, vâng lời Thiên chủ Sakka, cầm cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và đi theo Thiên chủ Sakka.
Rồi Thiên chủ Sakka, với chư Thiên ở Tam thập tam thiên tháp tùng xung quanh, với Pañcasikha, con của Càn-thát-bà đi trước, như người lực sĩ duỗi cánh tay co lại, hay co lại cánh tay duỗi ra, biến mất ở cõi Tam thập tam thiên, hiện ra ở Magadha, phía Ðông thành Vương Xá, tại làng Bà-la-môn Ambasaṇḍā và đứng trên núi Vediya, phía Bắc ngôi làng.
3. Lúc bấy giờ núi Vediya chói hào quang rực rỡ, ngôi làng Bà-la-môn Ambasaṇḍā cũng vậy, đều nhờ thần lực chư Thiên. Và dân chúng ở những làng xung quanh nói rằng:
- Núi Vediya hôm nay thật sự bị cháy, núi Veidya hôm nay thật sự có lửa đỏ rực, núi Vediya lại chói hào quang rực rỡ, làng Bà-la-môn Ambasaṇḍā cũng vậy.
Và dân chúng lo âu, lông tóc dựng ngược.
4. Rồi Thiên chủ Sakka nói với Pañcasikha, con của Càn-thát-bà:
- Này Khanh Pañcasikha, chư Như Lai thật khó lại gần đối với người như ta. Các Ngài nhập Thiền, hoan hỷ trong Thiền, và với mục đích ấy, an lặng tịnh cư. Vậy Khanh Pañcasikha trước tiên làm cho Thế Tôn hoan hỷ, sau sự hoan hỷ do Khanh tác động, chúng ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Xin vâng, mong an lành đến với Ngài.
Pañcasikha, con của Càn-thát-bà vâng lời Thiên chủ Sakka, cầm cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và đến tại hang núi Indasāla. Khi đến xong, Pañcasikha đứng lại một bên và suy nghĩ: "Ta đứng đây, không quá xa Thế Tôn, cũng không quá gần. Và tiếng sẽ được Ngài nghe".
Ðứng một bên, Pañcasikha, con của Càn-thát-bà gảy cây đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục:
5. Ôi Suriya Vaccasā!
Ta đảnh lễ Timbarū,
Bậc phụ thân của nàng,
Ðã sanh nàng thiện nữ,
Nguồn hạnh phúc của ta,
Như gió cho kẻ mệt.
Như nước cho kẻ khát,
Nàng là tình của ta.
Như pháp với Ứng Cúng,
Như thuốc cho kẻ bệnh,
Như đồ ăn kẻ đói,
Thiên nữ với nước mắt.
Hãy dập tắt lửa tình!
Như voi bị nắng thiêu,
Tẩm mình hồ nước mát,
Có cánh sen, nhụy sen.
Cũng vậy, ta muốn chìm,
Chìm sâu vào ngực nàng.
Như voi bị xiềng xích,
Hất móc câu, gậy nhọn,
Ta điên vì ngực nàng,
Hành động ta rối loạn.
Tâm ta bị nàng trói,
Di chuyển thật vô phương,
Rút lui cũng bất lực,
Như cá đã mắc câu.
Hiền nữ hãy ôm ta,
Trong cánh tay của nàng!
Hãy ôm ta, nhìn ta,
Trong ánh mắt dịu hiền.
Hãy ghì chặt lấy ta,
Thiện nữ! Ta van nàng!
Ôi Hiền nữ suối tóc,
Ái dục ta có bao!
Nhưng nay đã tăng bội,
Như đồ chúng La Hán!
Mọi công đức ta làm,
Dâng lên bậc La Hán,
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả cho ta.
Công đức khác của ta,
Ðã làm trên đời này!
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả của ta!
Vị Thích tử thiền tu,
Nhứt tâm và giác tỉnh,
Tìm cầu đạo Bất tử,
Cũng vậy ta cầu nàng!
Như người tu sung sướng,
Chứng Bồ Ðề tối thượng.
Kiều nữ, ta sung sướng,
Ðược nhập một với nàng,
Nếu Thiên chủ Sakka,
Cho ta một ước nguyện,
Ta ước nguyện được nàng,
Vì ta quá yêu nàng!
Như sa-la sanh quả,
Tuệ Nữ, phụ thân nàng!
Ta sẽ đảnh lễ ngài,
Vì sanh nàng vẹn toàn!
6. Khi được nghe vậy, Thế Tôn nói với Pañcasikha, con của Càn-thát-bà:
- Này Pañcasikha, huyền âm của Ngươi khéo hòa điệu với giọng ca của Ngươi, và giọng ca của Ngươi khéo hòa điệu với huyền âm của Ngươi. Này Pañcasikha, do vậy huyền âm của Ngươi không thêm mầu sắc cho giọng ca, hay giọng ca của Ngươi không thêm màu sắc cho huyền âm của Ngươi. Này Pañcasikha, Ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như vậy?
- Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn an trú ở Uruvelā, bên bờ sông Nerañjarā (Ni-liên-thiền), dưới gốc cây Ajapāla Nigrodha, khi mới thành Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, con yêu con gái của Timbarū, vua Càn-thát-bà, tên là Bhaddā với biệt hiệu Suriyavaccasā. Nhưng bạch Thế Tôn, thiếu nữ lại yêu một người khác, tên là Sikhaddhi, con của Mātali người đánh xe. Bạch Thế Tôn, con không có phương tiện nào khác để chiếm được thiếu nữ. Con cầm đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva, đến tại trú xá của Timbarū, vua Càn-thát-bà. Khi đến xong, con gảy đàn cầm bằng gỗ vàng Beluva và nói lên bài kệ này, liên hệ đến Phật, đến Pháp, đến A La Hán và đến ái dục:
7. Ôi Suriya Vaccasā!
Ta đảnh lễ Timbaru,
Bậc phụ thân của nàng,
Ðã sanh nàng thiện nữ,
Nguồn hạnh phúc của ta,
… Như sa-la sanh quả,
Tuệ Nữ, phụ thân nàng!
Ta sẽ đảnh lễ ngài,
Vì sanh nàng vẹn toàn!
Bạch Thế Tôn, sau khi nghe nói vậy, Bhaddā Suriyavaccasā nói với con như sau:
"Này Hiền giả, tôi chưa được thấy Thế Tôn tận mặt. Nhưng tôi có nghe đến Thế Tôn, khi tôi đến múa tại Thiện Pháp đường của chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Vì Hiền giả đã tán dương Thế Tôn như vậy, vậy hôm nay chúng ta sẽ gặp nhau".
Bạch Thế Tôn, rồi con được gặp nàng, không phải hôm ấy, nhưng về sau.
8. Rồi Thiên chủ Sakka suy nghĩ như sau:
"Pañcasikha, con của Càn-thát-bà hoan hỷ đàm luận với Thế Tôn. Và Thế Tôn đối với Pañcasikha cũng vậy".
Rồi Thiên chủ Sakka nói với Pañcasikha, con của Càn-thát-bà:
- Này Khanh Pañcasikha, hãy thay mặt ta, đảnh lễ Thế Tôn và nói: "Bạch Thế Tôn, Thiên chủ Sakka cùng với đình thần và thuộc hạ đầu diện tiếp túc đảnh lễ Thế Tôn".
- Xin vâng, mong an lành đến cho Ngài.
Pañcasikha, con của Càn-thát-bà vâng theo lời dặn của Thiên chủ Sakka, đảnh lễ Thế Tôn và nói:
- Bạch Thế Tôn, Thiên chủ Sakka cùng với đình thần và thuộc hạ, đầu diện tiếp túc đảnh lễ Thế Tôn.
- Này Pañcasikha, mong hạnh phúc đến với Thiên chủ Sakka, với các đình thần và các thuộc hạ! Chư Thiên, loài Người, Asurā, Nāgā, Gandhabba, đều ao ước hạnh phúc. Các loại chúng sanh khác cũng vậy.
Như vậy, các Như Lai chào đón thượng chúng. Ðược chào đón như vậy, Thiên chủ Sakka bước vào hang Indasāla của Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng một bên. Chư Thiên ở Tam thập tam thiên cũng bước vào hang Indasāla, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Pañcasikha, con của Càn-thát-bà cũng bước vào hang Indasāla, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.
9. Lúc bấy giờ, trong hang Indasāla, những con đường gồ ghề được làm bằng phẳng, những khoảng chật hẹp được làm cho rộng rãi, trong hang tối tăm có hào quang chiếu sáng, đó là nhờ thần lực của chư Thiên. Rồi Thế Tôn nói với Thiên chủ Sakka:
- Thật là hy hữu, Ðại đức Kosiya! Thật là kỳ diệu, Ðại đức Kosiya, tuy có nhiều trách nhiệm phải gánh vác, có nhiều công tác phải làm, mà vẫn đến đây được!
- Bạch Thế Tôn, đã từ lâu con muốn đến để yết kiến Thế Tôn, nhưng bị ngăn trở bởi các công việc này, công việc khác phải làm cho chư Thiên ở Tam thập tam thiên, và do vậy không thể đến yết kiến Thế Tôn được. Bạch Thế Tôn, một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá Vệ), tại cốc Salala. Bạch Thế Tôn, rồi con đến Sāvatthi để yết kiến Thế Tôn.
10. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi nhập định và Bhuñjatī, vợ của Vessavana đang đứng hầu Thế Tôn, đảnh lễ chắp tay. Bạch Thế Tôn, rồi con nói với Bhuñjatī:
- Này Hiền tỷ, hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Thiên chủ Sakka với đình thần và thuộc hạ đầu diện tiếp túc đảnh lễ Thế Tôn.
Ðược nghe nói vậy, Bhuñjatī nói với con:
- Thiện hữu, nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn đang an lặng tịnh cư.
- Này Hiền tỷ, khi nào xuất định, hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Thiên chủ Sakka cùng đình thần và thuộc hạ đầu diện tiếp túc đảnh lễ Thế Tôn."
Bạch Thế Tôn, không hiểu Bhunjãti có thay mặt con đảnh lễ Thế Tôn không? Thế Tôn có nhớ lời bà ấy nói không?
- Này Thiên chủ, bà ấy có đảnh lễ Ta. Ta có nhớ lời bà ấy nói. Chính tiếng bánh xe của Ngài đã khiến Ta xuất định.
11. Bạch Thế Tôn, có chư Thiên được sanh lên Tam thập tam thiên trước chúng con, chính chúng con tận mắt được nghe chư Thiên ấy nói như sau: "Khi Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, Thiên giới được hưng thịnh và Asura giới bị suy vong".
Bạch Thế Tôn, chính con có thể thấy và xác chứng rằng khi nào Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, thì Thiên giới được hưng thịnh và Asura giới bị suy vong.
Bạch Thế Tôn ở đây, tại Kapilavatthu, có Thích nữ tên là Gopikā, có lòng tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, và gìn giữ đầy đủ giới luật. Thích nữ này, loại bỏ tâm niệm đàn bà, tu tập tâm niệm đàn ông, khi thân hoại mạng chung được sanh lên Thiên giới, thiện thú, nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên, sanh ra làm con của chúng con. Và ở đấy, nàng được gọi là Thiên tử Gopikā, Thiên tử Gopikā.
Bạch Thế Tôn, lại có ba Tỷ Kheo khác sống phạm hạnh với Thế Tôn và sanh vào Càn-thát-bà giới hạ đẳng. Họ sống được bao vây thọ hưởng năm món dục tăng thịnh và thường hay đến hầu hạ săn sóc chúng con. Chúng con được họ đến hầu hạ và săn sóc chúng con như vậy, Thiên tử Gopikā mới trách la họ như sau: "Chư Thiện hữu, tai các Người ở đâu mà không nghe Pháp của Thế Tôn. Chính ta xưa là đàn bà, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, gìn giữ giới luật, loại bỏ tâm niệm đàn bà, tu tập tâm niệm đàn ông, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, nhập chúng với chư Thiên ở Tam thập tam thiên, làm con của Thiên chủ Sakka và được gọi là Thiên tử Gopikā.
Chư Thiện hữu, các Người tu hành phạm hạnh với Thế Tôn, được sanh vào Càn-thát-bà giới hạ đẳng. Thật là điều không mấy tốt đẹp, khi chúng con thấy những vị đồng môn lại phải sanh vào hạ đẳng Càn-thát-bà giới. Bạch Thế Tôn, trong chư Thiên bị Thiên tử Gopikā trách mắng như vậy, hai vị Thiên, ngay trong hiện tại, chứng được chánh niệm và sanh làm phụ tá cho Phạm thiên. Còn một vị Thiên sống thọ hưởng dục lạc.
12
Ta đệ tử pháp nhãn,
Tên gọi Gopikā,
Ta tin Phật, Pháp, Tăng.
Tâm niệm rất hoan hỷ.
Nhờ Thiện pháp chư Phật,
Sanh con Thần Sakka,
Hào quang, sanh Thiên giới,
Ðược tên Gopikā.
Ta thấy ba Tỷ Kheo,
Hạ sanh Càn-thát-bà!
Ðệ tử Gotama,
Trước sanh làm con Người,
Ta cúng dường ẩm thực,
Hầu hạ trú xứ ta.
Mắt Hiền giả ở đâu?
Không nắm giữ Pháp, Phật,
Chánh pháp tự giác hiểu,
Bậc Pháp nhãn khéo giảng.
Ta chỉ hầu Quý vị,
Ðược nghe Pháp bậc Thánh.
Ta là con Sakka,
Có thần lực hào quang,
Ðược sanh lên Thiên giới.
Các người hầu Thế Tôn,
Sống phạm hạnh tối thượng,
Nay phải sanh hạ thân,
Mất thượng sanh hạ phẩm.
Ta nhìn thật khó chịu,
Thấy đồng môn hạ sanh
Với thân Càn-thát-bà,
Phải hầu hạ chư Thiên.
Từ địa vị cư sĩ,
Ta thấy rõ khác biệt.
Trước bà, nay đàn ông.
Ta sanh Thiên, hưởng dục.
Bị Gopikā trách mắng,
Ưu phiền đồng phát nguyện,
Phải thăng tiến nỗ lực,
Không nô lệ cho ai!
Hai trong ba vị này,
Bắt đầu hành tinh tấn,
Nhờ Gotama dạy,
Chúng tẩy sạch tâm uế,
Thấy nguy hiểm dục vọng.
Như voi bỏ dây cương,
Các vị vượt Tam thiên,
Vứt bỏ dục kiết sử,
Quỷ triền phược khó vượt,
Cùng Sakka, Pajāpati.
Hội chúng Thiện Pháp đường
Vượt quá vị đang ngồi,
Anh hùng ly dục cấu.
Thấy chúng khỏi lo ngại,
Vasava giữa Thiên chúng,
Xem chúng sinh hạ phẩm,
Nay vượt qua Tam thiên.
Suy tư lời ưu phiền,
Gopaka với Vāsava:
Ðế Thích ở nhân giới,
Ðức Phật gọi Thích Ca
Ðã chinh phục dục vọng.
Chúng là con của Ngài,
Thất niệm khi mệnh chung,
Nhờ Ta lấy chánh niệm.
Một trong ba vị ấy,
Mang thân Càn-thát-bà.
Hai vị hướng Chánh giác,
Bỏ Thiên giới, nhập thiền.
Ðừng đệ tử nào nghi,
Vị ở đây chứng pháp.
Chúng ta đảnh lễ Phật.
Vị vượt khỏi bộc lưu,
Ðã diệt trừ nghi ngờ,
Bậc chiến thắng muôn loài.
Chính ở đây, chứng pháp,
Tấn bước đạt thù thắng,
Hai vị đạt thắng vị,
Hơn phụ tá Phạm thiên,
Ôi Thiện hữu chúng tôi.
Ðến đây để chứng pháp.
Nếu Thế Tôn cho phép,
Chúng con hỏi Thế Tôn.
13. Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Ðã lâu, Sakka này sống đời trong sạch. Câu hỏi gì Sakka hỏi Ta, đều hỏi có lợi ích, không phải không lợi ích. Câu hỏi gì hỏi Ta, Ta sẽ trả lời; và Sakka sẽ hiểu một cách mau chóng".
Rồi Thế Tôn nói bài kệ sau đây với Thiên chủ Sakka:
Vāsava hãy hỏi Ta,
Những gì tâm Ngươi muốn!
Mỗi câu hỏi của Ngươi,
Ta làm Ngươi thỏa mãn.
Tụng phẩm II
1. Sau khi được phép, Thiên chủ Sakka hỏi Thế Tôn câu hỏi đầu tiên:
- Bạch Thế Tôn, do kiết sử gì, các loài Thiên, Nhân, Asura, Nāga, Càn-thát-bà, và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: "Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù". Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù?
Ðó là hình thức câu hỏi thứ nhất, Thiên chủ Sakka hỏi Thế Tôn. Và Thế Tôn trả lời câu hỏi ấy như sau:
- Do tật đố và xan tham, các loài Thiên, Nhân, Asura, Nāga, Càn-thát-bà và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: "Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù". Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù.
Ðó là hình thức Thế Tôn trả lời cho câu hỏi Thiên chủ Sakka. Sung sướng, Thiên chủ Sakka hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con diệt tận, do dự của con tiêu tan.
2. Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ câu trả lời Thế Tôn, liền hỏi câu hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, tật đố, xan tham, do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì tật đố, xan tham có mặt? Cái gì không có mặt, thì tật đố xan tham không có mặt?
- Này Thiên chủ, tật đố và xan tham do ưa ghét làm nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng sanh khởi, ưa ghét khiến chúng hiện hữu, ưa ghét có mặt thì tật đố, xan tham có mặt; ưa ghét không có mặt thì tật đố, xan tham không có mặt.
- Bạch Thế Tôn, ưa ghét do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì ưa ghét có mặt? Cái gì không có mặt thì ưa ghét không có mặt?
- Này Thiên chủ, ưa ghét do dục làm nhân duyên, do dục làm tập khởi, dục khiến chúng sanh khởi, dục khiến chúng hiện hữu. Dục có mặt thì ưa ghét có mặt; dục không có mặt thì ưa ghét không có mặt.
- Bạch Thế Tôn, nhưng dục do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến dục sanh khởi, cái gì khiến dục hiện hữu? Cái gì có mặt thì dục có mặt? Cái gì không có mặt thì dục không có mặt?
- Này Thiên chủ, dục do tầm làm nhân duyên, do tầm làm tập khởi; tầm khiến dục sanh khởi, tầm khiến dục hiện hữu. Tầm có mặt thì dục có mặt; tầm không có mặt thì dục không có mặt.
- Bạch Thế Tôn, tầm lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi? Cái gì khiến tầm sanh khởi, cái gì khiến tầm hiện hữu? Cái gì có mặt thì tầm có mặt? Cái gì không có mặt thì tầm không có mặt?
- Này Thiên chủ, tầm lấy cái loại vọng tưởng hý luận làm nhân duyên, lấy các loại vọng tưởng hý luận làm tập khởi. Các loại vọng tưởng hý luận khiến tầm sanh khởi, các loại vọng tưởng hý luận khiến tầm hiện hữu. Do các loại vọng tưởng hý luận có mặt thì tầm có mặt. Do các loại vọng tưởng hý luận không có mặt thì tầm không có mặt".
3. Bạch Thế Tôn, vị Tỷ Kheo phải chứng đạt như thế nào? Phải thành tựu con đường nào thích hợp và hướng dẫn diệt trừ các loại vọng tưởng hý luận?
- Này Thiên chủ, Ta nói hý luận có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói ưu cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.
Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy? Ở đây, loại hỷ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời hỷ ấy cần phải tránh xa. Ở đây loại hỷ nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời hỷ ấy nên thân cận.
Ở đây, có hỷ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ; có hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.
Này Thiên chủ, Ta nói hỷ có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, Ta nói ưu cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy? Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời ưu ấy cần phải tránh xa. Ở đây, loại ưu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với ưu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời ưu ấy nên thân cận. Ở đây, có ưu câu hữu với tầm, câu hữu với tứ, có ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại ưu không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.
Này Thiên chủ, Ta nói ưu là hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy, là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì, tuyên bố như vậy? Ở đây, loại xả nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thời xả ấy cần phải tránh xa. Ở đây, loại xả nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với xả này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thời xả ấy nên thân cận. Ở đây, có xả câu hữu với tầm, câu hữu với tứ, có xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại xả không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng xả có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, vị Tỷ Kheo phải chứng đạt như vậy, phải thành tựu con đường như vậy, mới thích hợp và hướng dẫn đến sự diệt trừ các vọng tưởng hý luận.
Ðó là hình thức câu trả lời Thế Tôn cho câu hỏi Thiên chủ Sakka. Sung sướng, Thiên chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con được diệt tận, do dự của con được tiêu tan.
4. Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ tín thọ câu trả lời của Thế Tôn liền hỏi câu hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, vị Tỷ Kheo phải thành tựu như thế nào, phải thành tựu biệt giải thoát luật nghi như thế nào?
Này Thiên chủ, Ta nói rằng thân hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng khẩu hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói rằng tầm cầu có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng thân hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy? Ở đây, loại thân hành nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với thân hành này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thì thân hành ấy cần phải tránh xa. Ở đây, loại thân hành nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với thân hành này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thì thân hành ấy cần phải thân cận.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng thân hành có hai loại, một loại cần thân cận, một loại cần tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng khẩu hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy? Ở đây, loại khẩu hành nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với khẩu hành này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thì khẩu hành ấy phải tránh xa. Ở đây, loại khẩu hành nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với khẩu hành này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thì khẩu hành ấy cần phải thân cận.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng khẩu hành có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy, là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng tầm cầu cũng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy? Ở đây loại tầm cầu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận với tầm cầu này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm", thì loại tầm cầu ấy cần phải tránh xa. Ở đây, loại tầm cầu nào có thể biết được: "Khi tôi thân cận loại tầm cầu này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng", thì loại tầm cầu ấy nên thân cận.
Này Thiên chủ, Ta nói rằng tầm cầu có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Sở dĩ có lời tuyên bố như vậy là do nhân duyên như vậy.
Này Thiên chủ, vị Tỷ Kheo phải thành tựu như vậy, phải thành tựu biệt giải thoát luật nghi như vậy!
Ðó là hình thức Thế Tôn trả lời câu hỏi Thiên chủ Sakka. Sung sướng, Thiên chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Sau khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ con được diệt tận, do dự con được tiêu tan.
5. Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn liền hỏi câu hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, vị Tỷ Kheo phải thành tựu như thế nào, phải thành tựu hộ trì các căn như thế nào?
- Này Thiên chủ, sắc do mắt phân biệt. Ta nói rằng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa. Này Thiên chủ, tiếng do tai phân biệt... hương do mũi phân biệt... vị do lưỡi phân biệt... xúc do thân phân biệt... Này Thiên chủ, pháp do ý phân biệt, Ta nói rằng có hai loại, một loại nên thân cận, một loại nên tránh xa.
Ðược nghe như vậy, Thiên chủ Sakka bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, vấn đề Thế Tôn nói một cách tóm tắt được con hiểu một cách rộng rãi. Bạch Thế Tôn, loại sắc do mắt phân biệt, khi con thân cận mà bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời loại sắc do mắt phân biệt ấy nên tránh xa. Bạch Thế Tôn, loại sắc nào do mắt phân biệt, khi con thân cận, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời loại sắc do mắt phân biệt ấy nên thân cận.
Bạch Thế Tôn, loại tiếng nào do tai phân biệt... loại hương nào do mũi phân biệt... loại vị nào do lưỡi phân biệt... loại xúc nào do thân phân biệt...
loại pháp nào do ý phân biệt, khi con thân cận, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm, thời loại pháp ấy nên tránh xa. Bạch Thế Tôn, loại pháp nào do ý phân biệt, khi con thân cận, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng, thời loại pháp ấy nên thân cận.
Bạch Thế Tôn, vấn đề Thế Tôn nói một cách tóm tắt, được con hiểu một cách rộng rãi. Sau khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con tiêu tan, do dự của con diệt tận.
6. Như vậy sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn, Thiên chủ Sakka lại hỏi câu hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà-la-môn đều đồng một tư tưởng, đồng một giới hạnh, đồng một mong cầu, đồng một chí hướng?
- Này Thiên chủ, tất cả Sa Môn, Bà-la-môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng!
- Bạch Thế Tôn, vì sao cả Sa Môn, Bà-la-môn không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng?
- Này Thiên chủ, thế giới này gồm có nhiều loại giới, nhiều giới sai biệt. Trong thế giới gồm có nhiều loại giới và nhiều giới sai biệt này, các loại hữu tình tự nhiên thiên chấp một loại giới nào, và khi đã thiên chấp, trở thành Kiên trì, cố thủ, với định kiến: "Ðây là sự thật, ngoài ra toàn là si mê". Do vậy, tất cả Sa Môn, Bà-la-môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một cứu cánh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng.
- Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà-la-môn đều đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích?
- Này Thiên chủ, tất cả vị Sa Môn, Bà-la-môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích.
Bạch Thế Tôn, vì sao tất cả Sa môn, Bà-la-môn, không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích?
- Này Thiên chủ, chỉ những vị Sa môn Bà-la-môn nào đã giải thoát tham ái, những vị ấy mới đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích. Do vậy, tất cả vị Sa môn, Bà-la-môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích.
Ðó là hình thức câu trả lời Thế Tôn cho câu hỏi Thiên chủ Sakka. Sung sướng, Thiên chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Sau khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ con được diệt tận, do dự con được tiêu tan.
7. Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn liền hỏi câu tiếp:
- Bạch Thế Tôn, tham ái là bệnh tật, tham ái là mụn nhọt, tham ái là mũi tên, tham ái dắt dẫn con người tái sanh đời này, đời khác, khiến con người khi cao, khi thấp. Bạch Thế Tôn, trong khi các Sa môn, Bà-la-môn khác ngoài giáo phái của Ngài không cho con dịp để hỏi những câu hỏi, thời Thế Tôn lại trả lời những câu hỏi ấy cho con, giảng giải rất lâu cho con, khiến mũi tên nghi ngờ, do dự của con được Thế Tôn rút nhổ đi.
- Này Thiên chủ, Ngươi có biết những câu hỏi ấy cũng được Ngươi hỏi các vị Sa môn, Bà-la-môn khác không?
- Bạch Thế Tôn, con được biết những câu hỏi ấy cũng được con hỏi các vị Sa môn, Bà-la-môn khác.
- Này Thiên chủ, những vị ấy trả lời với Ngươi như thế nào, nếu không gì trở ngại hãy nói cho biết.
- Bạch Thế Tôn, không gì trở ngại cho con, khi Thế Tôn ngồi nghe hay những vị như Thế Tôn.
- Này Thiên chủ, vậy Ngươi hãy nói đi.
- Bạch Thế Tôn, những vị Sa môn, Bà-la-môn mà con nghĩ là những vị sống trong rừng an tịnh, xa vắng, con đi đến những vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị này không trả lời cho con, không trả lời lại hỏi ngược con: "Tôn giả tên gì?" Ðược hỏi vậy con trả lời: "Chư Hiền giả, tên là Thiên chủ Sakka." Rồi những vị ấy lại hỏi thêm con câu nữa: "Do công việc gì Tôn giả Thiên chủ lại đến chỗ này?"
Con liền giảng cho những vị ấy Chánh pháp như con đã được nghe và đã được học. Chỉ được từng ấy, các vị hoan hỷ và nói: "Chúng tôi đã được thấy Thiên chủ Sakka. Những điều gì chúng tôi hỏi, vị ấy đều trả lời cho chúng tôi." Không những vậy, các vị này trở thành đệ tử của con, chớ không phải con là đệ tử của các vị ấy. Bạch Thế Tôn, nhưng con là đệ tử của Thế Tôn, đã chứng Dự lưu, không còn bị rơi vào đọa xứ, chắc chắn sẽ được giác ngộ.
- Này Thiên chủ, Ngươi có biết trước kia Ngươi không bao giờ có sự thoải mái như vậy, có được sự hỷ lạc như vậy?
- Bạch Thế Tôn, trước kia con không bao giờ có sự thoải mái như vậy, có được an lạc như vậy.
- Này Thiên chủ, như thế nào, Ngươi biết được trước kia không bao giờ có sự thoải mái như vậy, có được sự hỷ lạc như vậy?
- Bạch Thế Tôn, thuở xưa, một trận chiến tranh xẩy ra giữa chư Thiên và các vị Asura. Bạch Thế Tôn, trong trận chiến tranh này, chư Thiên thắng trận, các loài Asura bại trận. Bạch Thế Tôn sau khi thắng trận, con là người thắng trận, con suy nghĩ: "Nay cam lồ của chư Thiên và cam lồ của Asura, cả hai loại cam lồ, chư Thiên sẽ được nếm."
Bạch Thế Tôn, thoải mái ấy, hỷ lạc ấy do gậy trượng đem lại, do đao kiếm đem lại, không đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết bàn. Bạch Thế Tôn, thoải mái này, hỷ lạc này nhờ nghe Chánh pháp Thế Tôn đem lại, không do gậy trượng, không do đao kiếm, sẽ đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và Niết bàn.
8. - Này Thiên chủ, khi Ngươi cảm thọ sự thoải mái và hỷ lạc như vậy, Ngươi cảm thấy những lợi ích gì?
- Bạch Thế Tôn, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy, con cảm thấy có sáu lợi ích như sau:
Nay con đứng tại đây,
Với thân một vị Thiên.
Con thấy được tái sanh,
Bạch Ngài, hãy biết vậy.
Bạch Thế Tôn đó là điều lợi thứ nhất con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái hỷ lạc như vậy.
Sau khi chết con bỏ,
Thân chư Thiên, phi nhân,
Không muội lược, con đi,
Ðến bào thai con thích.
Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ hai, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.
Câu hỏi được đáp rõ,
Hoan hỷ trong Chánh giáo.
Con sống với Chánh trí,
Giác tỉnh và Chánh niệm.
Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi thứ ba, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.
Con sống với Chánh trí,
Sẽ được quả Bồ đề,
Sống làm vị Chánh giác,
Ðời này đời cuối cùng.
Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ tư, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.
Chết từ thân con Người,
Con từ bỏ thân Người,
Con sẽ thành chư Thiên,
Trong Thiên giới vô thượng.
Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ năm, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái, và hỷ lạc như vậy.
Thù thắng hơn chư Thiên,
Akanittha danh xưng,
Sống đời sống cuối cùng,
Như vậy nơi an trú.
Bạch Thế Tôn, đó là điều lợi ích thứ sáu, con cảm thấy, khi con cảm thọ thoải mái và hỷ lạc như vậy.
9. Tâm tư không thỏa mãn,
Nghi ngờ và do dự,
Con sống cầu Như Lai,
Thời gian khá lâu dài!
Con nghĩ các Sa môn,
Sống một mình cô độc,
Là bậc Chánh Ðẳng Giác,
Nghĩ vậy con tìm gặp.
Làm thế nào thành công?
Làm thế nào thất bại?
Ðược hỏi câu hỏi vậy?
Không thể chỉ đường hướng.
Biết con là Sakka,
Bậc Thiên chủ, đã đến!
Họ liền gạn hỏi con,
Ðến đây có việc gì?
Con liền giảng Chánh pháp,
Con cho họ được nghe.
Hoan hỷ, họ bèn nói:
"Vāsava làm họ thấy!"
Khi con được thấy Phật,
Nghi ngờ đều tiêu tan.
Nay con sống vô úy,
Hầu hạ bậc Chánh Giác.
Mũi tên độc tham ái,
Ðấng Chánh Giác nhổ lên,
Con đảnh lễ Ðại Hùng,
Bậc thân tộc mặt trời.
Tôn giả như Phạm thiên,
Nay con đảnh lễ Ngài,
Nay con kính lễ Ngài!
Ngài là bậc Chánh Giác,
Bậc Ðạo Sư vô thượng,
Trong đời kể chư Thiên,
Không ai so sánh Ngài!
10. Rồi Thiên chủ Sakka nói với Pañcasikha, con của Càn-thát-bà:
- Này Khanh Pañcasikha, Ngươi đã giúp ta nhiều việc. Trước nhờ Ngươi làm Thế Tôn bằng lòng, sau khi Ngươi làm cho bằng lòng, ta mới đến yết kiến Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Ta sẽ đóng vai trò thân phụ cho Ngươi, Ngươi sẽ là Vua loài Càn-thát-bà. Ta sẽ cho Ngươi Bhaddā Suriya Vaccasā, người mà ngươi ao ước.
Rồi Thiên chủ Sakka, lấy tay sờ đất, đọc lên ba lần bài kệ cảm hứng như sau:
Ðảnh lễ đấng Thế Tôn,
Bậc La hán, Chánh Giác!
Ðảnh lễ đấng Thế Tôn,
Bậc La hán, Chánh Giác!
Ðảnh lễ đấng Thế Tôn,
Bậc La hán, Chánh Giác!
Khi lời tuyên thuyết này được tụng đọc, pháp nhãn thanh tịnh vô cấu, khởi lên cho Thiên chủ Sakka: "Phàm pháp gì tập sanh, pháp ấy sẽ bị hoại diệt." Ngoài ra, tám vạn chư Thiên cũng chứng quả tương tợ.
Ðó là những câu hỏi, Thiên chủ Sakka được mời hỏi và được Thế Tôn trả lời. Do vậy, cuộc đối thoại này cũng được gọi là Những Câu Hỏi Của Sakka (Ðế-thích sở vấn).
Hết phần 21. Kinh Đế-Thích Sở Vấn (Sakka-panha sutta) (Lên đầu trang)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.186.26 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (126 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.