Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)

Trang chủ »» Kinh Nam truyền »» Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) »» Chương VI - Phẩm Sáu Bài Kệ »»

Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) »» Chương VI - Phẩm Sáu Bài Kệ

Donate

none

Xem đối chiếu:

Dịch giả: Thích Minh Châu - Trần Phương Lan

Đại Tạng Kinh Việt NamKính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:

372. Chuyện Chú Nai Con (Tiền thân Migapotaka)
Sầu thương vật đã chết rồi.....,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ Viên) về một Trưởng lão nọ.
Chuyện kể rằng ông nhận một cậu thanh niên xuất gia vào Hội chúng, và Sa-di này sau một thời gian phục vụ thầy rất nhiệt tình, dần dần lâm bệnh và từ trần. Vị Trưởng lão tràn ngập ưu phiền vì cái chết của nam tử kia nên cứ đi quanh quẩn than khóc kêu gào. Tăng chúng không thể nào an ủi ông cho khuây khỏa được, liền đưa vấn đề ra thảo luận tại Chánh pháp Ðường:
- Vị Trưởng lão kia có một Sa-di từ trần, cứ quanh quẩn than khóc mãi. Do triền miên suy tư mãi về cái chết, chắc chắn vị ấy sẽ trở thành kẻ bơ vơ lạc lỏng.
Khi bậc Ðạo Sư bước vào, Ngài hỏi Tăng chúng hội họp để bàn luận đề tài gì, và khi biết được câu chuyện, Ngài bảo:
- Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa, Trưởng lão ấy cũng đi quanh quẩn than khóc khi thanh niên này từ trần.
Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta (Phạm Thọ) trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ (Ðế Thích). Thời ấy có một người sống trong quốc độ Kàsi, đi đến miền Himàlaya (Tuyết Sơn) và sống đời khổ hạnh với các loại quả rừng.
Một hôm vị ấy thấy một chú nai con mất mẹ. Vị ấy đem nó về thảo am, cho nó ăn và yêu quý nâng niu nó. Chú nai con lớn dần thành một con vật xinh đẹp thanh tao, và ẩn sĩ chăm sóc nó, đối đãi với nó như con đẻ mình vậy.
Một ngày kia, con nai chết thình lình vi bội thực, không tiêu hóa hết số cỏ quá nhiều. Vị khổ hạnh cứ lang thang gào khóc:
- Con ta chết rồi!
Lúc ấy Sakka Thiên chủ xem xét trần gian, nhìn thấy vị ấy, ngài nghĩ cách khuyến giáo ông, liền hiện xuống đứng giữa không trung và ngâm vần kệ đầu:
Sầu thương vật đã chết rồi,
Hỡi người khổ hạnh sống đời độc cư.
Thoát dây tục lụy xuất gia,
Giờ đây phát bệnh tâm tư buồn phiền!
Vị khổ hạnh vừa nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ hai:
Nếu người bầu bạn thú hiền,
Tâu ngài Ðế Thích ở trên cõi trời,
Buồn phiền vì mất bạn chơi,
Tuôn dòng nước mắt sẽ vơi nỗi sầu.
Thiên chủ Sakka lại ngâm hai vần kệ nữa:
Người đời lắm kẻ ước ao
Mỗi khi vật mất, kêu gào tiếc thương.
Thôi đừng khóc nữa, trí nhân,
Thánh hiền vẫn bảo hoài công thôi mà.
Nếu nhờ nước mắt tuôn ra
Chúng ta có thể vượt qua tử thần,
Thì ta quyết phải hợp quần
Ðể mà cứu mọi vật thân nhất trần.
Trong lúc Thiên chủ Sakka nói vậy, vị khổ hạnh nhận ra rằng khóc than cũng chẳng ích gì, liền ca ngợi tán thán Thiên chủ và ngâm ba vần kệ nữa:
Ví như ngọn lửa nóng hừng
Ðổ thêm bơ sữa cháy bừng thật cao,
Ðược vòi nước lạnh tưới vào,
Ngài vừa dập tắt nỗi sầu của ta.
Lòng ta nhức nhối xót xa
Vì tên sầu não xuyên qua kinh hoàng.
Ngài đã chữa trị vết thương,
Và ngài hồi phục đời thường cho ta.
Mũi tên vừa được nhổ ra,
Lòng ta tràn ngập an hòa vui tươi,
Lắng nghe Ðế Thích nhủ lời,
Ta không còn phải chơi vơi khổ sầu.
Sau khi đã khuyến giáo vị khổ hạnh như thế, Sakka Thiên chủ trở về cõi của ngài.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, vị Trưởng lão là nhà khổ hạnh, Sa-di là con nai, và Ta chính là Sakka Thiên chủ.
-ooOoo-
373. Chuyện Con Chuột (Tiền thân Mùsika)
Bọn chúng hỏi to: "Nó ở đâu?"....,
Câu chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm về vua Ajàtasattu (A-xà-thế).
Sự kiện đưa đến chuyện này đã được kể đầy đủ trong Tiền thân Thusa, số 338.
Ở đây bậc Ðạo Sư cũng quan sát nhà vua lúc ấy vừa chơi đùa với vương tử, vừa nghe Pháp. Như Ngài đã biết hiểm họa sẽ xảy đến cho vua vì vương tử này, Ngài nói:
- Thưa Ðại vương, vua chúa thời xưa đã nghi ngờ những gì đáng nghi ngờ, nên đã giam giữ các vương tử lại một nơi và bảo: "Hãy để cho các hoàng nhi cai trị sau khi thân xác chúng ta đã được hỏa táng".
Cùng với lời trên, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn và trở thành một giáo sư danh tiếng thế giới. Con vua Ba-la-nại tên là vương tử Yava (Lúa mạch). Sau khi đã chuyên tâm học tập đủ mọi ngành học thuật với ngài, chàng liền nóng lòng ra đi, và đến từ giã ngài. Vị giáo sư nhờ tài tiên tri biết trước rằng hiểm họa sẽ xảy ra cho vương tử do chính con trai vị ấy gây ra, liền suy xét cách thức làm thế nào diệt trừ mối hiểm họa này cho vương tử, và bắt đầu nhìn quanh để tìm một ví dụ chứng minh cho thích hợp.
Lúc bấy giờ ngài có một con ngựa, trên chân ngựa xuất hiện một vết thương đau nhức. Con ngựa được giữ trong chuồng để ngài chăm sóc vết thương cẩn thận. Gần đó có một cái giếng. Thời ấy, một con chuột vẫn thường bạo gan bò ra khỏi lỗ để gặm chỗ vết thương ở chân ngựa. Con ngựa không thể cản nó được và một hôm, không chịu nổi đau đớn, khi con chuột đến cắn nó, nó liền lấy móng chân đập chết con chuột và hất xác xuống giếng. Bọn chăn ngựa không thấy con chuột liền nói:
- Mọi ngày con chuột vẫn đến cắn vết thương, nhưng bây giờ không còn thấy nó nữa. Nó có chuyện gì vậy?
Bồ-tát đã chứng kiến mọi việc và tự nhủ: "Người khác không biết nên hỏi: Con chuột đâu rồi? Nhưng chỉ riêng mình ta biết con chuột đã bị ngựa giết và hất xuống giếng", và lấy ngay sự việc này làm ví dụ chứng minh. Ngài sáng tác vần kệ đầu rồi nói cho vương tử biết.
Trong khi nhìn quanh để tìm một ví dụ chứng minh khác, ngài lại thấy cũng con ngựa ấy, khi vết thương đã lành, liền chạy ra thẳng đến đồng lúa mạch để ăn lúa, rồi thọc đầu vào một lỗ trên hàng rào. Ngài lấy v dụ này làm vần kệ thứ hai và đưa cho vương tử.
Sang vần kệ thứ ba, ngài sáng tác theo trí thông minh của riêng mình và cũng đưa cho vương tử. Rồi ngài bảo:
- Này Hiền hữu, khi bạn đã an vị trong vương quốc rồi, buổi tối bạn đi đến bồn tắm, vừa ra phía trước cầu thang vừa ngâm vần kệ đầu. Rồi khi bạn bước vào cung thất mình cư ngự, hãy đi đến chân cầu thang và ngâm vần kệ thứ hai. Rồi sau đó, bạn đi lên đầu cầu thang và ngâm vần kệ thứ ba.
Cùng với các lời này, ngài bảo chàng ra đi.
Vương tử trẻ tuổi ấy về kinh đô làm phó vương, và khi vua cha băng hà, vị phó vương lên kế ngôi. Tân vương này chỉ có một con trai hoàng nam duy nhất, đến năm mười sáu tuổi chàng đã nôn nóng muốn lên làm vua. Khi đã có ý định giết cha, vương tử báo với đám hầu cận:
- Phụ vương ta vẫn còn trẻ. Ðến khi ta nhìn thấy giàn hỏa táng của ngài thì ta đã là già cả kiệt lực rồi. Lúc ấy mới lên ngôi thì có ích lợi gì cho ta nữa chứ.
Bọn chúng thưa:
- Tâu Ðiện hạ, ngài không thể nào tính chuyện ra biên địa làm một loạn thần được. Vậy ngài phải tìm cách này hay cách khác sát hại phụ vương và chiếm lấy quốc độ.
Vương tử chấp thuận ngay, vào buổi tối cầm kiếm đứng trong cung thất vua cha gần bồn tắm, sẵn sàng giết cha mình.
Tối hôm ấy, vua sai một nữ tỳ tên là Mùsika (chuột) đến và bảo:
- Ngươi hãy đi chùi bồn tắm, trẫm sắp đến tắm đấy.
Nữ tỳ đến đó và trong lúc chùi bồn tắm, nàng bắt gặp vương tử. Sợ âm mưu có thể bại lộ, vương tử lấy kiếm chặt nàng làm đôi và ném vào bồn tắm. Vua vừa đến nơi, mọi người bảo nhau:
- Hôm nay nữ tỳ Mùsika không trở về. Nó đã đi đâu rồi nhỉ?
Vua bước đến cạnh bồn tắm và ngâm vần kệ đầu:
Bọn chúng hỏi to: Nó ở đâu?
Chuột ơi, mày đã trốn nơi nào?
Việc này chỉ một mình ta biết
Nó đã chết nằm trong giếng sâu.
Vương tử nghĩ thầm: "Vua cha đã phát giác những việc ta làm", và vì quá kinh hãi, chàng chạy trốn về kể mọi việc cho đám hầu cận. Sau khoảng bảy tám ngày, bọn chúng lại thưa với chàng:
- Tâu Ðiện hạ, nếu Ðại vương biết thì ngài đã không giữ yên lặng. Những điều ngài nói chỉ có thể là lời phỏng đoán mà thôi. Xin cứ hành thích ngài đi.
Vì thế một hôm vương tử lại đứng cầm kiếm trong tay ở cầu thang. Khi vua đến, chàng cố tìm cơ hội đâm ngài. Ngài vưa bước vừa ngâm vần kệ thứ hai:
Giống như con vật đẩy xe đi,
Ngươi cứ xoay qua lại trở về,
Ngươi đã giết xong con Chuột ấy,
Nay thèm ăn Lúa mạch, ta nghi.
Vương tử nghĩ thầm: "Phụ vương đã thấy ta" và kinh hoảng chạy trốn.
Nhưng sau nửa tháng, chàng lại nghĩ: "Ta quyết giết phụ vương bằng một nhát xẻng". Thế là chàng lấy một dụng cụ giống như cái muỗng có cán dài và cầm nó sẵn sàng, đứng đợi. Rồi vua lên đến đầu cầu thang và ngâm vần kệ thứ ba:
Ngươi là thằng nhãi quá ngu ngơ
Như món đồ chơi với trẻ thơ,
Cầm vật cán dài hình chiếc muỗng,
Thằng kia, ta quyết giết bây giờ.
Hôm ấy, không thể nào trốn thoát được nữa, vương tử bò lết đến dưới chân phụ vương và thưa:
- Xin phụ vương tha mạng cho con.
Sau khi xem xét vương tử, vua truyền trói chàng lại bằng dây xích và thả vào ngục tối. Rồi trong lúc ngự trên vương tòa nguy nga lộng lẫy có che lọng trắng, ngài phán:
- Bậc thầy Bà-la-môn lừng danh của ta đã tiên đoán mối hiểm họa này xảy ra cho ta nên đã ban tặng ta ba vần kệ này.
Lòng tràn đầy hân hoan, trong lúc cảm hứng khởi lên cao độ, ngài ngâm nga luôn các vần kệ còn lại:
Ta chưa giải thoát tự do
Bằng đường lạc thú an cư cõi trời.
Hoặc nhờ hiếu hạnh sáng ngời;
Ðến khi con trẻ toan đòi mạng ta,
Cứu nguy nhờ mấy vần thơ,
Vậy cần học hỏi suy tư mọi điều,
Xét xem ý nghĩa cao siêu,
Dẫu chưa dùng, cũng lợi nhiều ngày sau
Những lời nghe được đã lâu.
Về sau, khi vua băng hà, vương tử được đưa lên ngôi báu.
*
Ðến đây, bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
- Thời bấy giờ, vị giáo sư lừng danh chính là Ta.
-ooOoo-
374. Chuyện Chàng Tiểu Xạ Thủ (Tiền thân Culladhanuggaha)
Bờ kia chàng đã bước lên....,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về sự cám dỗ một vị Tỷ-kheo do người vợ cũ của thời chưa xuất gia tu tập.
Khi vị Tỷ-kheo thú nhận chính vì người vợ này mà vị ấy đã từ bỏ Hội chúng và hối tiếc việc xuất gia, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ nữ nhân này mới làm hại ông. Ngày xưa cũng vậy, chính vì người này mà ông đã bị chặt đầu.
Rồi theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ. Thuở ấy, một thanh niên Bà-la-môn ở Ba-la-nại đã học xong mọi môn học thuật ở Ðại học Takkasilà, và sau khi thiện xảo môn bắn cung, chàng nổi danh là Tiểu xạ thủ thông minh. Lúc ấy vị giáo sư nghĩ thầm: "Thanh niên này đã đạt kỹ năng bằng ta", rồi đem gả con gái cho chàng. Chàng cưới vợ xong, lại muốn trở về Ba-la-nại, liền khởi hành.
Nửa đường có con voi tàn phá một vùng nọ, nên không ai dám đi lên chỗ ấy. Chàng Tiểu xạ thủ thông minh kia cứ đem vợ cùng trèo lên đường vào rừng, mặc dù mọi người cố cản ngăn. Khi chàng đến giữa rừng, con voi xuất hiện tấn công chàng. Xạ thủ bắn một mũi tên vào trán voi xuyên thủng ra phía sau đầu nó, con voi ngã xuống chết ngay tại chỗ.
Sau khi làm cho nơi ấy bình an, chàng lại lên đường qua cánh rừng khác. Tại đó năm mươi tên cướp đang phá hoại xa lộ. Cũng trên nơi này, mặc dù nhiều người cố ngăn cản, chàng cứ trèo lên cho đến khi tìm thấy một nơi bằng phẳng, bọn cướp đã giết nai đem nướng và ăn thịt sát bên xa lộ. Bọn cướp thấy chàng đi đến với cô vợ phục sức sang trọng rực rỡ, liền cố hết sức bắt lấy chàng.
Tên tướng cướp có tài đoán được tính tình người khác, chỉ vừa liếc nhìn chàng, đã nhận ra chàng là một anh hùng lỗi lạc, nên không chịu để cho bọn chúng nổi dậy chống lại chàng, dù chàng chỉ đơn thân độc kiếm. Còn chàng Xạ thủ thông minh bảo vợ đi đến bọn cướp và dặn:
- Nàng hãy đến bảo với bọn chúng cho ta một miếng thịt và đem về cho ta.
Thế là nàng đi đến và bảo:
- Cho tôi một miếng thịt.
Tướng cướp nói:
- Ông ấy là người quý tộc đấy.
Và y bảo bọn cướp cho nàng một miếng thịt. Bọn kia đáp:
- Sao? Nó lại đòi ăn thịt nướng của ta ư?
Rồi bọn chúng cho nàng một miếng thịt sống.
Chàng Xạ thủ vốn tự cao về mình, liền nổi giận vì bọn cướp cho chàng thịt sống. Bọn chúng bảo:
- Sao nữa? Chỉ mình nó là nam nhi, còn chúng ta là nữ nhi ư?
Thế là vừa hăm dọa chàng, chúng vừa vùng lên chống phá chàng. Chàng Xạ thủ bắn trọng thương ngã xuống đất bốn mươi chín tên cướp, trừ một tên, vì chàng không còn mũi tên nào để bắn tướng cướp kia. Trước đó trong bao tên của chàng chỉ có năm mươi mũi tên. Chàng đã dùng một mũi tên bắn chết con voi, nay chỉ còn số tên đủ để bắn cả bọn trừ một người.
Vì thế chàng đá tướng cướp xuống đất ngồi trên ngực y và bảo vợ mang kiếm đến để chặt đầu y. Ngay lúc ấy, nàng bỗng đem lòng say mê tướng cướp, liền đặt chuôi kiếm vào tay y và vỏ kiếm vào tay chồng nàng. Tướng cướp chụp chuôi kiếm, đưa kiếm ra và chặt đầu chàng Xạ thủ.
Sau khi giết chồng nàng xong, tướng cướp chiếm lấy người vợ và trong khi cả hai cùng lên đường, tướng cướp hỏi nguồn gốc, nàng bảo:
- Em là con gái của một giáo sư danh tiếng lẫy lừng thế gian ở Ðại học Takkasilà.
- Bằng cách nào hắn lấy nàng làm vợ được? Y hỏi.
- Cha em rất hài lòng vì hắn đã học được mọi nghệ thuật như bậc thầy nên đem em gả cho hắn. Và vì em yêu chàng nên em để chàng giết chồng hợp pháp của mình. Nàng đáp lại.
Tướng cướp suy nghĩ: "Nữ nhân này giờ đây đã giết chồng hợp pháp của nó. Vậy khi thấy một đàn ông khác, nó cũng sẽ đối xử với ta như vậy. Ta phải từ bỏ nó mới được".
Khi lên đường, tướng cướp thấy con đường bị chận ngang bởi con suối nhỏ thường ngày, nay lại ngập nước, y bảo:
- Này ái nương, có con cá sấu hung dữ trong suối này. Ta phải làm sao bây giờ?
- Tướng quân ôi - nàng đáp - xin lấy hết nữ trang em đang đeo buộc thành một bó trong áo chàng, đem sang bên kia bờ suối rồi trở lại đây đưa em qua.
- Tốt lắm. Y đáp lại.
Rồi cầm hết nữ trang của nàng, lội xuống dòng suối như thể một kẻ hết sức vội vàng, y đã lên bờ bên kia, bỏ rơi nàng và chạy trốn.
Thấy vậy nàng kêu to:
- Lang quân ơi, chàng đi như thể chàng sắp bỏ em vậy. Sao chàng lại làm thế? Hãy trở lại đem em cùng đi.
Và nàng ngâm vần kệ đầu bảo:
Bờ kia chàng đã bước lên
Với bao tài sản của em góp thành.
Mau mau quay trở lại nhanh
Mang em qua với bạn tình, chàng ơi!
Tướng cướp nghe nàng nói trong lúc y đứng ở bờ bên kia, liền ngâm vần kệ thứ hai:
Ý nàng dời đổi nhất thời
Từ lòng chung thủy luyện tôi bao lần
Ðến màn tình ái lông bông,
Chóng chầy nàng cũng thay lòng phản ta,
Nếu ta không kịp chạy xa
Từ đây nàng hỡi, đôi ta chia lìa.
Nhưng khi tướng cướp bảo:
- Ta quyết đi đây, nàng cứ ở lại nơi này.
Thì nàng kêu gào than khóc, còn y chạy trốn với tài sản tư trang của nàng. Ðó là số phận dành cho kẻ dại khờ tội nghiệp vì quá si mê tình ái.
Bỗng nhiên lâm cảnh bơ vơ khốn đốn như thế, nàng đành đến gần một bụi cây quế và ngồi khóc. Lúc ấy, Sakka Thiên chủ nhìn xuống trần gian, thấy nàng đắm say dục vọng giờ đây than khóc vì mất cả phu quân lẫn tình lang. Nghĩ rằng ngài sẽ đi khiển trách nàng và khiến cho nàng biết hổ thẹn, ngài đem Màtali, thần lái thiên xa, và Pancasikha, một nhạc thần, cùng đến bên bờ suối và bảo:
- Này, Màtali, thần sẽ biến thành con cá, Pancasikha sẽ biến thành con chim và ta sẽ biến thành chó rừng (Sigala). Rồi ngậm một miếng thịt, ta sẽ đi đến trước nữ nhân kia và khi thần Màtali thấy ta ở đó thì phải nhảy ra khỏi nước, rớt ngay trước mặt ta, ta sẽ nhả miếng thịt đã ngậm trong miệng và nhảy lên chụp con cá. Vừa lúc ấy, thần Pancasikha phải nhào đến chụp miếng thịt và bay lên không, còn thần Màtali lặn ngay xuống nước.
Thiên chủ Sakka dạy bảo các vị thần như thế, vị đáp:
- Tốt lành thay, tâu Thiên chủ.
Màtali liền biến thành con cá, Pancasikha biến thành con chim và Sakka biến thành chó rừng. Vừa ngậm miếng thịt trong mồm, ngài đi đến ngay trước nữ nhân. Con cá nhảy lên khỏi nước rơi mình xuống trước chó rừng. Chó thả miếng thịt đang ngậm trong mồm, vùng lên bắt cá. Con cá nhảy nữa và rơi xuống nước, còn con chim chụp lấy miếng thịt bay vụt lên không. Như vậy, chó rừng mất cả thịt lẫn cá và ngồi ủ rủ nhìn về phía bụi quế. Nữ nhân thấy thế liền bảo:
- Vì quá tham lam nên chó mất cả thịt lẫn cá.
Và như thể nàng đã thấy rõ ý nghĩa trò đời trớ trêu này, nàng bật cười dòn dã.
Chó rừng nghe thế, liền ngâm vần kệ thứ ba:
Ai làm bụi quế ngân nga
Tiếng cười, dù chẳng múa ca tiệc tùng,
Vỗ tay thích thú? Hồng nhan,
Ðừng cười, khi phải khóc than buồn phiền.
Nghe vậy, nàng ngâm vần kệ thứ tư:
Chó ngu, mày phải ước nguyền
Giá đừng mất cá, thịt liền một khi.
Ðồ ngu, phải biết sầu bi
Những gì xảy đến, ngu si do mày!
Chó rừng liền đáp vần kệ thứ năm:
Lỗi người dễ thấy lắm thay,
Chắc là khó thấy: "Lỗi này của tôi".
Nàng nên tính giá thiệt thòi
Khi nàng mất hết cả đôi bạn đời.
Nghe thế, nàng lại đáp vần kệ này:
Cẩu vương, quá đúng như lời,
Nên ta quyết chí vội dời chân nhanh
Ðể tìm thêm bạn chung tình,
Cố làm người vợ trung thành khó chi!
Khi ấy Sakka Thiên chủ nghe những lời nói của nữ nhân bạc ác vô hạnh kia, liền ngâm vần kệ cuối cùng:
Kẻ nào ăm trộm cái ghè
Sẽ còn ăn trộm mai kia nồi đồng,
Người gây tai họa cho chồng
Vẫn tàn tệ vậy, hoặc còn tệ hơn!
Lời Sakka Thiên chủ làm cho nàng phải hổ thẹn và hốn hận ăn năn, rồi sau đó ngài trở về cõi của ngài.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, rồi tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc Sơ quá Dự Lưu.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, Tỷ-kheo thối thất này là chàng xạ thủ, người vợ mà vị ấy đã rời bỏ là nữ nhân kia, và Ta chính là Sakka Thiên chủ.
-ooOoo-
375. Chuyện Chim Bồ Câu (Tiền thân Kapota)
Ta đây mạnh khỏe, dạ an vui....,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Chuyện vị Tỷ-kheo tham lam này đã được kể đầy đủ theo nhiều cách. Ở đây bậc Ðạo Sư hỏi có thật ông tham lam chăng, và khi ông thú nhận quá đúng thế, Ngài bảo:
- Này Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa nữa, ông cũng tham lam và đã chết vì lòng tham ấy.
Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Bồ câu con và sống trong lồng kết bằng liễu gai ở nhà bếp của một phú thương thành Ba-la-nại.
Bấy giờ một con Quạ thèm ăn cá thịt lại làm bạn với Bồ câu này, và sống cùng chỗ ấy. Một hôm nó chợt thấy nhiều cá thịt liền nghĩ: "Ta sẽ ăn đám cá thịt này". Rồi nằm xuống rên rỉ trong lồng. Khi Bồ cầu đến bảo:
- Này bạn, ta cùng bay nhanh ra tìm mồi.
Quạ từ chối đáp:
- Tôi đang bị ốm liệt vì cơn đau bụng do bội thực, bạn đi đi.
Khi Bồ câu khuất dạng, Quạ tự nhủ: "Kẻ thù hay quấy phá ta đã đi rồi. Bây giờ ta muốn ăn thịt cá tùy thích". Nghĩ vậy, Quạ ngâm vần kệ đầu:
Ta đây khỏe mạnh, dạ an vui,
Vì chú Bồ câu đã biến rồi,
Ta muốn làm cơn thèm dịu xuống
Rau thơm cùng thịt khỏe thêm người!
Vì thế khi người đầu bếp chiên cá thịt xong, vừa bước ra khỏi bếp, vừa chùi mồ hồi chảy dòng dòng, con Quạ nhảy ra khỏi tổ và dấu mình trong chậu gia vị. Chậu ấy phát ra tiếng "cạch" khiến người đầu bếp vội quay lại, tóm lấy con Quạ vặt hết lông. Rồi xay một ít gừng tươi và hạt cải trắng, chú giả chung với chà là thối, bôi lên khắp mình con Quạ, vừa xát mạnh thân nó với một mảnh sành làm cho nó bị thương nặng. Sau đó chú lấy sợi dây treo mảnh sành lên cổ nó rồi lại ném vào thúng và bỏ đi.
Khi Bồ câu trở về thấy Quạ, liền bảo:
- Ông Hạc nào đây lại nằm trong thúng của bạn thân ta đó kìa? Bạn ta tính tình nóng nảy sẽ về giết chim lạ mặt này ngay.
Nói đùa thế xong, bồ câu ngâm vần kệ thứ hai:
Con Mây này với chiếc mào cao,
Ngài chiếm chỗ chim bạn tớ sao?
Ông Hạc, đến đây, thân hữu Quạ
Tính tình nóng nảy, biết không nào?
Quạ nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:
Bạn cứ cười to trước cảnh này,
Ta lâm hoạn nạn đáng thương thay!
Hỏa đầu quân vặt lông trần trụi,
Gia vị, chà là thối tẩm đầy.
Bồ câu vẫn còn muốn đùa, liền ngâm vần kệ thứ tư:
Tắm sạch, dầu thơm xát ngạt ngào,
No say ăn uống thỏa dường bao!
Cổ ông sáng chói đồ trang sức,
Ông đến Ba-la-nại đó sao?
Quạ ngâm tiếp vần kệ thứ năm:
Bạn thiết hay cừu địch của ta
Chớ đi Ba-la-nại bây giờ!
Mình trần chúng vặt, còn trêu ghẹo
Buộc mảnh sành trên ngực ấy mà!
Bồ câu nghe vậy, ngâm vần kệ cuối cùng:
Bỏ các thói hư tật xấu kia
Tính tình như Quạ khó làm ghê!
Chim nên thận trọng bay xa lánh
Thực phẩm loài người ăn thỏa thuê.
Sau khi khiển trách Quạ xong, Bồ câu không ở lại đó nữa mà giương đôi cánh bay đi nơi khác. Nhưng Quạ chết ngay tại chỗ.
*
Ðến đây bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo tham lam đã đắc Nhị quả (Nhất Lai).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thuở ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này và Bồ câu chính là Ta vậy.
-ooOoo-
376. Chuyện Người Lái Đò (Tiền thân Avàriya)
Ðừng bao giờ giận, hỡi Minh quân....,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người lái đò.
Người ta bảo kẻ này là phàm phu vô trí: y không biết được các đức tính của Tam Bảo và các bậc hiền nhân. Y nóng vội, thô lỗ và hung bạo. Một Tỷ-kheo ở vùng quê nọ muốn đi yết kiến đức Phật, vào buổi chiều đến bến đò trên sông Aciravatì và bảo người lái đò:
- Này chú, tôi muốn qua sông, chú cho tôi lên đò đi.
- Thưa Tôn giả, trời tối rồi, hãy ở lại đây.
- Này chú, ta không thể ở lại đây, cho ta qua sông.
Người lái đò bực tức nói:
- Vậy thì ngài Sa-môn hãy mau lên đi.
Rồi đưa vị Tỷ-kheo lên đò, nhưng y lái đò thật vụng về khiến nước văng vào mạn đò làm ướt y của vị Tỷ-kheo, và đến khi trời tối mới đưa được ông qua bờ kia.
Khi vị Tỷ-kheo đến tinh xá, ông không thể kịp yết kiến đức Phật ngay hôm ấy.
Hôm sau, ông đi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư đáp lễ và hỏi ông đến khi nào:
- Thưa hôm qua.
- Thế sao mãi hôm nay ông mới đến thăm ta?
Khi nghe rõ lý do, bậc Ðạo Sư bảo:
- Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa, kẻ ấy cũng thô lỗ, y làm phiền các trí nhân ngày xưa giống như đã làm phiền ông.
Rồi theo lời thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh vào một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài học tập đủ mọi môn nghệ thuật tại Takkasilà, rồi trở thành một vị khổ hạnh. Sau một thời gian dài sống toàn củ, quả rừng ở vùng Tuyết Sơn, ngài đi đến Ba-la-nại để tìm muối và dấm. Ngài ở trong vườn ngự uyển và hôm sau vào kinh thành khất thực. Từ sân thượng hoàng cung, vua thấy ngài và hài lòng trước tướng mạo oai nghi của ngài nên cho người triệu ngài vào cung và cúng dường thực phẩm. Vua hứa mời ngài an trú trong ngự uyển và hàng ngày vua đến tham kiến ngài.
Bồ-tát bảo:
- Thưa Ðại vương, một vị vua phải trị nước công bình, tránh xa Bốn ác đạo, đầy nhiệt tâm tinh cần, kham nhẫn, từ ái, lân mẫn toàn dân.
Với lời khuyến giáo thông thường như thế, ngài ngâm hai vần kệ đầu:
Ðừng bao giờ giận, hỡi Minh quân,
Chúa tể trần gian, chớ hận sân,
Ðừng lấy lòng sân bù mối hận
Quân vương như vậy đáng suy tôn.
Dù ở rừng xanh hoặc ở làng,
Ở trên bờ biển, giữa trùng dương,
Chớ bao giờ giận, ta khuyên nhủ
Mãi mãi từ nay, hỡi Ðại vương.
Như vậy, Bồ-tát ngâm đôi vần kệ ấy hàng ngày cho vua nghe. Vua hoan hỷ ban tặng ngài một ngôi làng có số lợi tức là một trăm ngàn đồng vàng, song ngài từ chối. Bồ-tát sống theo cách này suốt mười hai năm liền. Sau đó ngài nghĩ: "Ta đã ở đây quá lâu, nay ta muốn du hành qua quốc độ rồi trở về".
Thế là không báo với vua, ngài chỉ nói riêng với người giữ vườn:
- Này Hiền hữu, ta thấy chán, ta muốn du hành trong nước rồi trở về, nhờ bạn trình với đức vua.
Ngài đi ngay ra bến đò ở sông Hằng. Ở đó có gã chèo đò ngu ngốc tên là Avàriyapità, y không hiểu đạo hạnh của bậc hiền nhân, cũng chẳng biết luôn cả việc ích lợi hay thiệt hại của riêng mình. Khi dân chúng muốn qua sông Hằng, trước tiên y đưa họ qua rồi sau đó đòi tiền đò. Có khi họ không trả tiền, y liền gây sự với họ, rồi chỉ nhận được lời mạ lỵ và đấm đá chứ rất ít tiền bạc, y thật ngu dại mù quáng đến thế.
Về gã này, bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ ba phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của Ngài:
Chú A-và-ri-ya,
Thuyền lướt sóng Hằng Hà,
Trước tiên đưa du khách,
Rồi mới hỏi tiền phà,
Do vậy ăn đòn mãi,
Thật xui xẻo, dại khờ!
Bồ-tát đến gặp gã lái đò này và bảo:
- Hiền hữu, hãy đưa ta qua bờ kia.
- Này Sa-môn, ngài sẽ trả tiền cho tôi chứ? Y đáp.
- Này Hiền hữu, ta sẽ chỉ cho chú biết cách làm tăng trưởng tài lợi, an lạc và đức hạnh.
Gã lái đò nghĩ thầm: "Chắc chắn vị này sẽ cho ta một cái gì đó".
Rồi y đưa ngài sang sông và nói:
- Xin cho tôi tiền đò.
Bồ-tát bảo:
- Ðược rồi, này Hiền hữu.
Và thế là muốn dạy cho y biết trước tiên phải làm cách nào để tăng thêm của cải, ngài ngâm vần kệ này:
Hỏi tiền trước lúc chở qua sông,
Chớ đến bờ kia hỏi nhọc công,
Chú chở bá nhơn nên bá tánh,
Tánh tình thay đổi trước sau luôn.
Gã lái đò nghĩ thầm: "Ðây chỉ là lời vị ấy khuyên ta, nay phải cho ta thêm cái gì chứ". Song Bồ-tát bảo:
- Này Hiền hữu, chú đã có cách làm ra tiền rồi đấy, nay hãy nghe cách làm tăng an lạc cùng đức hạnh.
Rồi ngài lại ngâm vần kệ khuyến giáo:
Dù ở rừng xanh hoặc ở làng,
Ở trên bờ biển, giữa trùng dương,
Chớ bao giờ giận, ta khuyên chú
Mãi mãi từ nay, hỡi thiện nhân.
Như thế, sau khi đã dạy cách làm tăng trưởng an lạc và đức hạnh, ngài bảo:
- Vậy là chú có cách làm tăng an lạc và đức hạnh.
Nhưng gã ngu si kia không xem lời khuyến giáo của ngài ra gì cả, lại đáp:
- Này Sa-môn, đây là các thứ ngài cho tôi thế tiền phà đấy à?
- Ðúng vậy, Hiền hữu.
- Tôi không cần thứ ấy, cho tôi thứ khác kia.
- Này Hiền hữu, ngoài thứ ấy ta không có gì khác.
- Thế tại sao ngài lại đi trên thuyền tôi?
Y đáp, và ném vị khổ hạnh lên bờ, ngồi lên ngực ngài và đấm vào mồm ngài.
Bậc Ðạo Sư bảo:
- Các vị thấy khi nhà khổ hạnh khuyến giáo vua, thì nhận được ân tứ một ngôi làng, còn khi khuyến giáo như vậy với một gã lái đò ngu ngốc thì được vài cái đấm vào mồm. Cho nên khi khuyến giáo phải lựa người thích hợp, chớ nói với người không thích hợp.
Rồi Ngài ngâm vần kệ xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng trí của Ngài:
Vua nghe lời khuyến thiện, đã ban
Lợi tức phần ta cả một làng,
Chú lái đò nghe lời khyyến thiện
Lại đánh người cho ngã xuống đàng.
Trong khi gã kia đánh vị Sa-môn, vợ y đem cơm lại cho y, thấy vậy liền bảo:
- Này chàng, đây là vị khổ hạnh trong triều vua, đừng đánh ngài.
Y nổi giận đáp:
- Cô lại cấm ta đánh kẻ tu hành giả mạo này ư?
Rồi y nhảy lên đánh vợ ngã xuống đất. Ðĩa cơm đổ hết vỡ tan, còn vợ y phải trụy thai.
Quần chúng vây y lại và la lớn:
- Quân khốn nạn giết người.
Họ trói y lại đưa đến nhà vua. Ngài xử phạt y theo pháp luật.
Với Trí tuệ Tối thắng, bậc Ðạo Sư giải thích vấn đề qua vần kệ cuối cùng:
Cơm đổ, vợ y đánh tả tơi,
Thai nhi chết trước lúc ra đời,
Lời khuyên cho kẻ này vô dụng
Như vàng ròng tặng thú hoang thôi.
*
Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Khi kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu):
- Vào thời ấy, gã lái đò là chú lái ngày nay, vua là Ànanda và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
377. Chuyện Bà La Môn Setakeku (Tiền thân Setaketu)
Hiền hữu, hận sân chẳng lợi gì....,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lừa dối.
Hoàn cảnh câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền thân Uddàla, số 487.
-ooOoo-
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một giáo sư danh tiếng lừng lẫy và dạy thánh kinh cho năm trăm đồ đệ. Vị huynh trưởng trong bọn là Setakeku, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn miền Bắc, vốn rất tự cao về giai cấp mình.
Một hôm chàng ra khỏi thành phố cùng bè bạn, lúc trở về, chàng thấy một kẻ Chiên-đà-la (Candàla):
- Anh là ai? Chàng hỏi.
- Tôi là một Chiên-đà-la.
Vị ấy sợ ngọn gió sau khi chạm vào người kẻ Chiên-đà-la sẽ đụng vào thân mình, nên thốt lên:
- Ðồ khốn kiếp, này tên Chiên-đà-la xui xẻo kia, hãy tránh gió mau.
Rồi chành chạy nhanh về phía gió. Song kẻ Chiên-đà-la cũng nhanh chân bắt kịp chàng và đứng trước gió cản. Chàng lại càng phỉ báng mạ lỵ kẻ kia nhiều hơn nữa. Kẻ Chiên-đà-la hỏi:
- Ông là ai?
- Ta là một thư sinh Bà-la-môn.
- Tốt lắm, nếu vậy thì ông có thể đáp câu hỏi của tôi.
- Ðúng vậy.
- Còn nếu ông không đáp được, tôi sẽ kẹp ông lại giữa hai chân tôi đấy.
Vị Bà-la-môn đầy tự tin, bảo:
- Cứ làm ngay đi.
Kẻ Chiên-đà-la muốn làm cả hội chúng hiểu chuyện này, liền hỏi:
- Này thanh niên Bà-la-môn, các phương hướng là gì?
- Ðó là bốn phương: Ðông, Tây, Nam, Bắc.
Kẻ Chiên-đà-la bảo:
- Tôi không hỏi loại phương hướng đó, còn ông không biết ngay đến chuyện này, mà lại ghê tởm luôn cả ngọn gió đụng vào người tôi!
Thế là kẻ ấy chụp lấy vai chàng đè xuống kẹp vào giữa hai chân mình.
Các học trò kia đem chuyện ấy kể với thầy. Vị thầy bảo:
- Này cậu Setakeku, cậu đã bị kẹp giữa hai chân một kẻ Chiên-đà-la ấy à?
- Thưa thầy, vâng, thằng oắt con của một tên nô lệ đã kẹp đệ tử giữa hai chân nó và bảo: "Ông này không biết ngay các phương hướng". Nhưng nay đệ tử đã biết phải làm gì với nó rồi.
Và như vậy, chàng lại phỉ báng kẻ Chiên-đà-la một cách giận dữ. Vị thầy khuyên nhủ:
- Này cậu Setakeku, đừng giận nó, nó có trí tuệ cao đấy. Nó đã hỏi cậu về một loại phương hướng khác, chứ không phải loại này. Thứ mà cậu không thấy, không nghe, không hiểu, còn cao xa hơn thứ mà cậu đã thấy và nghe nữa.
Rồi ngài ngâm hai câu kệ để khuyến giáo:
Hiền hữu, hận sân chẳng lợi gì,
Trí cao vượt quá chuyện mình nghe:
"Một phương" phải hiểu là cha mẹ,
"Thầy giáo" được dùng chí hướng kia.
"Gia chủ" cho y phục, uống ăn,
Cửa thường rộng mở, chính là "phương",
Còn "phương" trong nghĩa cao siêu nhất:
"Trạng thái vô ưu, lạc Niết-bàn".
Như vậy, Bồ-tát giảng giải bốn phương cho thanh niên Bà-la-môn này, song chàng nghĩ: "Ta đã bị kẹp giữa hai chân một kẻ Chiên-la-đà", liền rời nơi ấy và đến Takksilà học đủ mọi môn nghệ thuật với một giáo sư danh tiếng lẫy lừng. Sau đó, được thầy cho phép, chàng rời Takkasilà, vừa du hành đây đó, vừa học tập mọi nghề thực tiễn.
Khi đến một làng biên địa, chàng gặp năm trăm nhà khổ hạnh sống gần đó và được thọ giới tu hành. Chàng học hỏi được mọi nghệ thuật, Kinh điển và các phương pháp thực hành, rồi tất cả cùng vị ấy đi đến Ba-la-nại
Hôm sau chàng đi vào cung đình khất thực. Vua hoan hỷ trước phong cách các vị khổ hạnh, liền cúng dường thực phẩm ngay tại cung vua, và mời các vị ở lại ngự viên. Một hôm vua bảo trong lúc cúng dường thực phẩm:
- Chiều tối nay trẫm sẽ đến đảnh lễ các Tôn giả ngay tại ngự viên.
Setakeku liền đến ngự viên, triệu tập các vị khổ hạnh và bảo:
- Các Tôn giả, hôm nay đức vua sẽ đến. Chỉ cần một lần hòa hợp với vua chúa, người ta có thể sống sung sướng suốt cả đời. Vậy bây giờ một số vị làm kiểu khổ hình bằng cách lắc mạnh người, một số vị nằm trên giường gai, một số vị chịu đựng năm ngọn lửa, một số thực hành khổ hạnh bằng cách ngồi xổm, một số nhào lộn, một số đọc kinh.
Sau khi ra lệnh xong, chính vị ấy ngồi tại cửa am thất với gối dựa, đặt quyển sách bao bìa sáng loáng trên một giá gỗ có sơn và giảng kinh cho đám học trò thông minh chừng bốn năm người. Vừa lúc ấy nhà vua đến, thấy họ đang diễn trò khổ hạnh giả dối này lại rất hài lòng. Vua đến gần Setakeku, kính vái chàng, rồi ngồi xuống một bên, sau đó ngâm vần kệ thứ ba nói chuyện với vị tế sư của hoàng gia:
Hàm răng bẩn, áo da dê, tóc bện,
Miệng thì thầm kinh thánh, dáng bình an,
Chẳng từ nan mọi phương tiện hiền nhân,
Chắc đã đạt Chân như và Giải thoát.
Vị tế sư nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ tư:
Một trí nhân có thể làm ác hạnh,
Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,
Ngàn câu Vệ-đà chẳng tạo an toàn
Khi việc hỏng, hoặc cứu người lâm nạn.
Khi vua nghe lời này, liền lấy lại mọi ân sủng dành cho đám khổ hạnh kia. Setakeku nghĩ thầm: "Nhà vua ham thích đám khổ hạnh, song tế sư này đã phá hoại như thể lấy rìu chặt ngang sở thích của vua. Ta phải nói chuyện với tế sư mới được". Do thế, chàng ngâm vần kệ thứ năm nói chuyện với tế sư:
Một trí nhân có thể làm ác hạnh,
Một trí nhân có thể chẳng chánh chân,
Ngài bảo Vệ-đà là vật không cần,
Chỉ tu tập điều thân là thiết yếu.
Vị tế sư nghe vậy, liền đáp vần kệ thứ sáu:
Không, Vệ-đà không hoàn toàn vô dụng,
Dù điều thân tu tập: đạo chánh chân,
Học Vệ-đà vẫn mang lại vinh quang,
Song ta đạt Tối an nhờ chánh hạnh.
Như vậy, vị tế sư bài bác giáo lý của Setakeku. Ngài khuyên cả đám khổ hạnh hoàn tục, cho họ gươm, giáo, mộc để làm quan thị vệ cao cấp hầu cận vua. Từ đó người ta bảo dòng dõi quan thị vệ cao cấp xuất hiện.
*
Khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, Setakeku là Tỷ-kheo lừa dối này, kẻ Chiên-đà-la là Sàriputta và tế sư của nhà vua chính là Ta.
-ooOoo-
378. Chuyện Bà La Môn Darìmukha (Tiền thân Darìmukha)
Dục lạc chỉ là đám bùn dơ bẩn..,
Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Ðại sự Xuất thế.
Sự tình dẫn đến chuyện này đã được kể trước kia.
*
Một thuở nọ, vua Magadha trị vì tại thành Rajagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh làm con của chánh hậu, được đặt tên vương tử Brahmadatta. Vào ngày ngài ra đời, vị tế sư của hoàng gia cũng sinh một nam tử, diện mạo tuấn tú, vì thế được đặt tên là Darìmukha (Miệng hang lớn). Cả hai cùng lớn lên trong cung đình và trở thành bạn thân. Năm mười sáu tuổi, hai vị đến Takkasilà học đủ mọi môn nghệ thuật. Sau đó muốn tạo được các kiến thức có công dụng thực tiễn và tìm hiểu phong tục trong nước, hai vị du hành qua nhiều thành phố, thôn làng khắp mọi miền.
Vì vậy, hai vị đến Ba-la-nại trú ở trong một ngôi đền và hôm sau vào kinh thành khất thực. Có một nhà trong kinh thành đã nấu xong cháo gạo và chuẩn bị chỗ ngồi để cúng dường phần thức ăn cho các Bà-la-môn. Khi họ thấy hai nam tử này khất thực, họ nghĩ: "Các Bà-la-môn đã đến", liền mời vào và trải một tấm khăn trắng trên ghế của Bồ-tát và một thảm đỏ dưới chân Darìmukkha.
Chàng quan sát điềm này và hiểu ngay thân hữu chàng sẽ làm vua ở Ba-la-nại và chính chàng sẽ làm đại tướng. Hai vị thọ thực xong phần mình rồi nói lời tùy hỷ công đức và ra đi về ngự viên. Bồ-tát nằm trên sàng tọa bằng đá của vua, còn Darìmukha ngồi xoa chân ngài.
Thời ấy, vua Ba-la-nại đã băng hà đã bảy ngày. Vị tế sư hoàng gia làm lễ hỏa táng xong liền đưa vương xa ra khỏi thành suốt bảy ngày vì chưa có ai kế vị ngai vàng. Lễ rước vương xa này sẽ được giải thích trong Tiền thân Mahàjanaka, số 539. Vương xa rời kinh thành và đến cổng ngự viên, được bốn đạo quân xa pháo mã tượng hộ tống và âm nhạc của hàng trăm nhạc khí trổi dậy vang lừng.
Darìmukha nghe tiếng nhạc, nghĩ thầm: "Vương xa đến rước thân hữu ta đó, ngài sẽ lên ngôi vua hôm nay, và phong ta chức đại tướng, song ta có nên làm người thế tục chăng? Ta muốn đi ngay làm ẩn sĩ khổ hạnh". Vì thế không nói gì với Bồ-tát, chàng chạy sang một bên đứng ẩn mình.
Vị tế sư ngừng xe trước cổng ngự viên, vừa bước vào thấy Bồ-tát đang nằm trên bảo tọa của hoàng gia. Vừa quan sát các tướng tốt trên chân ngài, ông nghĩ: "Ngài có đủ đức độ và xứng đáng làm vua cả bốn đại châu cùng với hai ngàn hải đảo vây quanh. Song lòng can đảm của ngài ra sao đây?".
Vì thế ông ra lệnh mọi nhạc khí đồng trổi dậy hết sức inh ỏi. Bồ-tát thức dậy, giở tấm khăn ra khỏi mặt và thấy đám đông. Rồi che mặt lại, ngài nằm xuống thêm chút nữa, xong trở dậy ngồi xếp bằng trên sàng tọa trong lúc xe vừa dừng lại.
Vị tế sư quỳ xuống, thưa:
- Tâu Chúa thượng, quốc độ được nhường cho Chúa thượng.
- Sao? Không ai kế vị à?
- Tâu Chúa thượng, không.
- Thế thì tốt lắm.
Vậy là ngài nhận lời thỉnh cầu và hội chúng làm lễ quán đảnh rảy nước thánh lên đầu ngài tại ngự viên. Trong giờ phút đại vinh quang ấy, ngài quên bẵng Darìmukha, ngài ngự lên vương xa đi giữa đám quần thần uy nghi diễu vòng quanh kinh thành. Sau đó dừng lại trước cung môn, ngài chỉ định vị trí của các triều thần, xong bước lên lầu thượng.
Cùng lúc ấy, Darìmukha thấy ngự viên đã vắng người liền bước ra ngồi trên bảo tọa trong vườn. Một ngọn lá khô rơi xuống trước mặt ngài. Thấy rõ các quy luật lão tử, ngài bừng ngộ Tam pháp ấn (Khổ, vô thường, vô ngã) và chứng đắc quả vị Ðộc Giác Phật (Paccekabodhi), liền reo mừng hoan hỷ làm vang dậy cả cõi trần. Ngay lập tức các đặc tính của một phàm nhân biến mất khỏi thân Ngài, một bình bát và một tấm y kỳ diệu từ cõi thiên rơi xuống khoác vào người và Ngài có đủ tám món cần thiết cùng tứ oai nghi hoàn thiện của một Sa-môn cả trăm tuổi, rồi nhờ thần lực, Ngài bay qua không gian đến tận động Nandamùla, nơi an trú của các vị Ðộc Giác Phật tại miền Tuyết Sơn.
Phần Bồ-tát trị nước rất chân chánh. Song cảnh đại vinh quang đã làm ngài say đắm suốt bốn mươi năm ròng. Ngài quên hẳn Darìmukha. Ðến năm thứ bốn mươi ấy ngài nhớ lại bạn và tự bảo: "Trẫm có thân hữu tên là Darìmukha, nay vị ấy ở đâu?". Ngài mong ước gặp lại bạn. Từ đó về sau, ngay trong hậu cung hay giữa quần thần, ngài thường bảo:
- Thân hữu Darìmukha nay ở đâu? Trẫm sẽ ban vinh hoa phú quý cho ai báo tin với trẫm về nơi bạn hiền cư trú".
Lại mười năm nữa trôi qua từ khi ngài thỉnh thoảng nhớ đến bạn. Còn Tôn giả Darìmukha đã trở thành Ðộc Giác Phật, sau năm mươi năm, suy xét lại và biết bạn cũng đang nhớ đến Ngài, liền nghĩ: "Nay bạn ta đã già và tăng thêm đàn con cháu, ta muốn đi thuyết Pháp và truyền giáo cho bạn".
Nhờ thần lực, Ngài bay qua không gian và hạ mình xuống vườn ngự uyển, ngồi xuống bảo tọa như một bức tượng vàng ròng. Người giữ vườn thấy Ngài, đi đến hỏi:
- Thưa Ngài, Ngài từ đâu đến?
- Từ động Nandamùlaka.
- Thế Ngài là ai?
- Hiền giả, ta là Phật Ðộc Giác Darìmukha.
- Thưa Ngài, thế Ngài biết đức vua của chúng tôi chăng?
- Ta biết. Ngài là thân hữu từ thời ta còn ở thế tục.
- Thưa Ngài, đức vua ước ao hội kiến Ngài, tôi xin đi trình báo đức vua rằng Ngài đã đến.
- Hiền hữu cứ đi làm như vậy.
Người làm vườn liền đi trình vua rằng Tôn giả Darìmukha đã đến và hiện đang ngồi trên thạch tọa. Vua phán:
- Thế là Hiền hữu của trẫm đã đến, trẫm sẽ đi hội kiến ngay.
Vì vậy ngài ngự lên vương xa cùng đám tùy tùng hộ tống đông đảo đến ngự viên, cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giác Phật và ngồi xuống một bên. Vị Ðộc Giác Phật bảo:
- Này Brahmadatta, Ðại vương nên trị nước chân chánh, đừng bao giờ theo ác đạo hay đàn áp dân chúng vì tiền bạc. Hãy làm mọi thiện sự với lòng nhân từ.
Và sau đó khi ân cần đáp lễ, Ngài bảo thêm:
- Này Brahmadatta, nay Ðại vương đã già đã đến lúc Ðại vương nên từ giã dục lạc và xuất gia.
Như thế, Ngài thuyết Pháp và ngâm vần kệ đầu:
Dục lạc chỉ là đám bùn dơ bẩn
"Nỗi kinh hoàng ba gốc" được gọi là,
Ta bảo rằng khói bụi với sương sa,
Hãy bỏ chúng, xuất gia lìa thế tục.
Nghe vầy, vua ngâm vần kệ giải thích ngài vẫn đang bị tham dục ràng buộc:
Trẫm say đắm, lún sâu bùn tham dục,
Bà-la-môn, dục lạc đáng kinh thay,
Song yêu đời, trẫm không thể bỏ ngay,
Trẫm xin nguyện suốt đời làm thiện sự.
Sau đó, mặc dù Bồ-tát bảo: "Ta không muốn thọ giới xuất gia", Tôn giả Darìmukha cũng không bài bác vua và khích lệ lần nữa:
Ai bác bỏ lời bạn hiền khuyên nhủ,
Thương xót và mong bạn tránh đọa đày,
Cứ tưởng rằng: "Cõi thế tốt lành thay",
Sẽ không dứt tái sinh đầu thai mãi.
Nơi đày đọa đáng kinh: phần kẻ ấy
Ðầy vật dơ, bị người thiện chê bai,
Kẻ tham kia dục vọng chẳng hề rời,
Thân xác chứa ngập đầy mầm nhục dục.
Như vậy, Ðộc Giác Phật Darìmukha nêu rõ sự khổ đau do nhập thai và vội vàng bày tỏ nỗi khổ đau vì sinh sản qua một vần kệ nữa:
Ðầu máu mủ, vật hôi tanh thế tục,
Mọi hữu tình đều phải chịu tái sinh,
Những vật gì xúc chạm suốt đời mình,
Chỉ cốt để đem khổ đau trần giới.
Ta nói lên những điều ta trông thấy,
Chứ không lo người khác nói ta nghe,
Ta nhớ rành các đời kiếp xưa kia.
Lúc bấy giờ với Trí tuệ Tối thắng, bậc Ðạo Sư bảo:
- Như thế vị Ðộc Giác Phật đã dùng thiện ngôn cứu giúp nhà vua.
Và Ngài ngâm nửa vần kệ kết thúc:
Da-ri-muk đã rót vào tai bạn
Su-me-dha lắm vần kệ ngọt ngào,
Hiển bày ra cả trí tuệ tối cao.
Vị Ðộc Giác Phật bày tỏ mọi khổ đau của tham dục và làm vua hiểu lời Ngài dạy xong, liền nói:
- Thưa Ðại vương, dù Ðại vương có thọ giới xuất gia hay không, ta cũng đã nói hết nỗi khốn cùng của tham dục và hạnh phúc của đời xuất gia, xin Ðại vương hãy tinh cần.
Rồi giống như một con kim nga vương, Ngài bay bổng lên không, lướt mây về đến động Nandamulaka. Còn bậc Ðại Sĩ đảnh lễ với mười ngón tay chắp vào nhau, và cúi đầu đứng yên cho tới khi Tôn giả Darìmukha khuất bóng. Sau đó vua từ bỏ dục lạc, trong lúc quần chúng đông đảo than khóc kêu gào, ngài đi đến vùng Tuyết Sơn dựng một lều lá và thọ giới làm ẩn sĩ. Chẳng bao lâu ngài thành đạt các Thắng trí và các Thiền chứng, rồi lúc mạng chung, Ngài được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật, sau đó nhiều Tỷ-kheo đắc sơ quả cùng các quả vị kia, và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy nhà vua chính là Ta.
379. Chuyện Núi Neru (Tiền thân Neru)
Hai chúng ta là loài chim ưu tú..
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một vị Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng vị ấy học được các phương thức hành thiền của bậc Ðạo Sư xong, liền ra một làng ở biên địa. Tại đó dân chúng hài lòng với phong cách của ông, nên cúng dường thực phẩm, dựng một thảo am ở trong rừng và yêu cầu ông ở lại đó rồi bày tỏ lòng tôn kính trọng vọng ông. Nhưng sau đó họ lại rời bỏ ông, để đi theo các đạo sư thuộc phái Thường kiến, rồi lại bỏ các vị này để theo giáo phái Ðoạn kiến, xong lại bỏ phái này để theo phái khổ hạnh lõa thể, vì đạo sư các phái này cứ lần lượt xuất hiện. Do thế vị Tỷ-kheo này rất phiền lòng khi sống chung với những người không phân biệt thiện ác kia.
Sau thời an cư mùa mưa và lễ Tự tứ (Pavàranà), vị ấy trở về hầu bậc Ðạo Sư và khi Ngài hỏi, ông kể lại những nơi ông đã cư trú trong mùa mưa vừa qua và ông đã phải phiền lòng ra sao vì những người không biết thiện ác. Bậc Ðạo Sư bảo:
- Các bậc trí ngày xưa, ngay khi còn là loài vật, cũng không sống chung một ngày với những kẻ không biết thiện ác, tại sao ông lại làm như vậy?
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một chim Thiên nga màu vàng óng. Ngài sống cùng em trai trên đỉnh núi Cittakuta và ăn lúa dại trên vùng Tuyết Sơn. Một hôm bay về Cittakuta, đôi chim thấy ngọn núi Neru màu vàng rực rỡ liền đến ở trên đỉnh. Chung quanh núi có nhiều loài chim và dã thú cùng sống để kiếm ăn trên bãi. Từ lúc bọn chúng đến đây, tất cả đều nhuộm màu vàng do ánh sáng từ núi chiếu ra. Chim em của Bồ-tát thấy vậy, song không hiểu lý do liền hỏi:
- Vì cớ sao ở đây lại như vậy?
Và chim cất tiếng ngâm hai vần kệ đầu nói chuyện cùng anh:
Hai chúng ta là loài chim ưu tú
Trên núi này bên đám quạ, diều hâu,
Cả mọi loài cùng chỉ có một màu:
Chó hạ liệt đua tranh cùng loài hổ,
Và với chúa sơn lâm: đàn sư tử
Vậy núi này có tên gọi là sao?
Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba đáp lại:
Ne-ru là tên gọi Núi tối cao,
Ở nơi đây muôn loài đều vàng óng.
Chim em nghe lời này liền ngâm ba vần kệ tiếp còn lại:
Hễ nơi nào thiện nhân không được trọng,
Hoặc ít hơn người khác, hãy đi liền,
Dẫu hiền ngu, can đảm hoặc ươn hèn,
Ðều nhất loạt được tôn sùng bình đẳng,
Thiện nhân chẳng thể cùng ngươi chung sống,
Hỡi Núi cao không phán đoán phân minh!
Dầu tối ưu, hạ liệt, hoặc trung bình,
Ne-ru cũng chẳng thể nào suy xét,
Vậy, hỡi ôi! Chúng ta đành từ biệt
Núi Ne-ru không biết lẽ biệt phân.
Cùng với lời này cả đôi chim bay về núi Cittakùta.
*
Khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo kia đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Thiên nga em là Ànanda, và Thiên nga anh chính là Ta.
-ooOoo-
380. Chuyện Thiên Nữ Àsankà (Tiền thân Àsankà)
À-sà-ti mọc trên vườn thiên giới..
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự cám dỗ một Tỷ-kheo do người vợ cũ gây ra.
Hoàn cảnh này sẽ xuất hiện trong Tiền thân Indriya, số 423.
Bậc Ðạo Sư nhận thấy vị Tỷ-kheo này thối thất do mơ tưởng đến người vợ cũ, vì thế Ngài bảo:
- Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đang làm hại ông, ngày xưa cũng vì kẻ ấy mà ông đã hy sinh cả bốn đạo quân và sống ba năm liền ở vùng Tuyết Sơn trong cảnh đầy gian khổ.
Nói xong Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn tại một làng trong xứ. Khi ngài lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Ðại học Takkasilà, sau đó trở thành một vị khổ hạnh đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, sống bằng củ quả ở rừng Tuyết Sơn. Vào thời ấy có một thiếu nữ đức hạnh vẹn toàn từ cõi trời Ba mươi ba giáng trần, đầu thai làm một thiếu nữ trong đóa hoa sen trên hồ nước. Trong khi các hoa khác già cỗi héo tàn, rơi rụng thì hoa ấy lớn dần và đứng thẳng trên cành.
Vị khổ hạnh đến tắm trong hồ nhận thấy thế, nghĩ thầm: "Các hoa khác rơi rụng, song hoa này cứ lớn dần ra và thẳng đứng, sao lạ thế này?" Ngài liền mặc áo tắm và lội đến đó, mở đóa sen ra, ngài trông thấy cô bé gái. Ngài cảm thấy thương yêu nàng như con mình, liền đem cô bé về thảo am, chăm sóc nuôi nấng. Nàng lớn dần đến năm mười sáu tuổi trở thành rất xinh đẹp, dung sắc nàng vượt hẳn dung sắc loài người, nhưng chưa đạt đến dung sắc chư Thiên.
Một hôm Thiên chủ Sakka hiện xuống hội kiến Bồ-tát. Thiên chủ thấy thiếu nữ này liền hỏi chuyện và được biết nàng ở đâu ra. Ngài hỏi:
- Nàng cần những thứ gì, thưa Tôn giả?
- Một chỗ cư trú, y phục nữ trang và thực phẩm, này Thiên chủ.
Ngài liền hóa hiện một cung bằng pha lê cho nàng ở, cùng với bảo tọa, y phục, nữ trang, thực phẩm thần và tiên tửu. Thiên cung này bay xuống trần gian và dừng lại ở nơi nàng đang sống. Khi nàng bước vào trong cung, nó lại bay lên đến giữa không trung. Nàng chuẩn bị đủ mọi thứ phụng dưỡng Bồ-tát trong khi nàng sống trong cung này.
Một người kiểm lâm thấy nàng liền hỏi ngài:
- Thưa Tôn giả, nàng ấy là gì của ngài?
- Con gái ta đấy.
Người ấy liền đi về Ba-la-nại trình vua:
- Tâu Ðại vương, tiểu thần vừa thấy trong vùng Tuyết Sơn cô con gái của một vị khổ hạnh có dung sắc tuyệt thế.
Vua bị cám dỗ khi nghe chuyện này vội bảo người kiểm lâm làm hướng đạo cùng đi với vua và bốn đạo binh về hướng ấy. Cắm lều trại xong, vua đem người kiểm lâm và đám cận thần đến thảo am. Vua kính chào Bồ-tát và bảo:
- Thưa Tôn giả, nữ nhân là thứ bất tịnh đối với đời tu hành, vậy để trẫm chăm sóc tiểu thư.
Bấy giờ Bồ-tát đã đặt cho cô gái tên Àsankà vì nàng được ngài đem về nuôi nhờ ngài lội qua hồ nước do lòng nghi hoặc (Àsankà): "Cái gì ở trong hoa sen này?". Ngài không nói thẳng với vua: "Hãy đem nàng đi", mà lại bảo:
- Thưa Ðại vương, nếu ngài biết tên con gái ta thì hãy đem nàng đi.
- Thưa Tôn sư, nếu ngài nói ra thì trẫm sẽ biết..
- Ta sẽ không nói đâu, khi nào ngài biết tên ấy thì cứ đem nàng đi.
Vua chấp thuận, từ đó cứ suy xét cùng với đám cận thần: "Tên nàng là gì nhỉ?" và đưa ra đủ thứ tên khó đoán với Bồ-tát: "Những tên nọ tên kia là tên nàng". Song Bồ-tát bảo không phải và từ chối lời thỉnh cầu. Vì vậy một năm trôi qua trong khi vua xem xét tên nàng.
Sư tử và nhiều dã thú đến vồ lấy mọi người và binh sĩ của vua, lại thêm nhiều hiểm họa vì rắn rết, ruồi muỗi. Nhiều người khác chết vì lạnh. Vua bảo Bồ-tát:
- Trẫm cần gì nàng ấy nữa?
Và vua bỏ đi.
Thiếu nữ Àsankà hiện ra trên cửa sổ pha lê mở rộng. Vua thấy nàng liền bảo:
- Chúng ta không tìm ra tên nàng nên chúng ta sẽ ra đi, nàng cứ ở lại Tuyết Sơn này.
- Tâu Ðại vương, nếu ngài ra đi, ngài sẽ chẳng bao giờ tìm được một vương phi như thiếp nữa. Trên cõi trời Ba mươi ba, tại vườn Cittalatà, có một loài cây leo tên Àsàvatì. Trái của nó chứa một thứ tiên tửu, những ai uống rượu ấy một lần là phải say suốt bốn tháng nằm yên trên thiên tọa. Nó chỉ sinh trái một lần trong một ngàn năm, cho nên các Thiên tử, dù ham mê rượu nồng, vẫn chịu nhịn khát để đón chờ tiên tửu ấy. Họ bảo nhau: "Ta sẽ hái quả cây này", rồi cứ liên tục đến canh chừng cây ấy suốt cả ngàn năm và bảo nhau: "Cây mọc có tốt chăng?"
Còn Ðại vương, chỉ trong vòng một năm đã sinh lòng bất mãn, hễ ai hái được kết quả của niềm hy vọng là đạt hạnh phúc. Thiếp xin ngài khoan bất mãn vội.
Do vậy, nàng ngâm ba vần kệ đầu:
À-sà-ti mọc trên vườn Thiên giới
Một ngàn năm chỉ sinh trái một lần,
Chư Thiên hằng kham nhẫn mãi chờ trông.
Quá hy vọng, Ðại vương, đầy ngon ngọt,
Chim hy vọng không bao giờ tổn thất,
Nó đạt tròn mong ước dẫu xa vời.
Tâu Ðại vương, quá hy vọng ngọt bùi!
Cứ hy vọng, Ðại vương, hy vọng mãi.
Vua lại mê say vì lời nàng, rồi triệu tập quần thần một lần nữa và cố đoán tên nàng, cứ mỗi lần đoán mười tên mãi đến khi một năm nữa trôi qua. Song tên nàng vẫn không ở trong số mười lời phỏng đoán kia, nên Bồ-tát từ chối lời vua thỉnh cầu. Nàng lại hiện ra trên khung cửa sổ và vua bảo:
- Thôi nàng ở lại đây, trẫm sắp ra đi.
- Tại sao ra đi, tâu Ðại vương?
- Vì trẫm không thể nào đoán ra tên nàng.
- Tâu Ðại vương, tại sao ngài không thể đoán ra? Niềm hy vọng không phải là không có thành công. Một con hạc đậu trên đỉnh đồi cũng đạt được mong ước, tại sao ngài không thể đạt được chứ? Tâu Ðại vương, hãy kham nhẫn. Một chim hạc đã tìm nơi ăn trong một hồ sen, song nó bay lên tận đỉnh đồi. Nó ở lại đó hôm ấy và hôm sau tự nhủ: "Ta sống thật an lạc tại đỉnh đồi này. Nếu không cần xuống đồi, ta cứ ở đây tìm thức ăn nước uống và đậu tại đây hôm nay thật thích thú biết bao".
Chính ngay hôm ấy, Sakka Thiên chủ đã dẹp tan các thần Asura (A-tu-la) và làm chúa tể cõi trời Ba mươi ba, tự nhủ: "Mọi mong ước của ta đã đạt được đỉnh cao thành tựu. Hôn nay có ai trong rừng chưa đạt niềm mong ước chăng?" Suy xét như vậy ngài thấy con hạc và nghĩ: "Ta sẽ làm cho niềm mong ước của con hạc được thành tựu". Không xa con hạc đậu có một dòng suối, Thiên chủ đưa con suối đầy thức ăn lên đỉnh đồi, như thế chim hạc không cần đi đâu vẫn có cá ăn nước uống thỏa thích suốt ngày ở nơi ấy. Sau đó dòng suối đổ xuống và trôi đi xa. Tâu Ðại vương, con hạc đã đạt kết quả niềm hy vọng của nó như vậy, tại sao Ðại vương sẽ không đạt được kia chứ? Xin Ðại vương cứ hy vọng nữa, hy vọng mãi.
Nàng nói và ngâm vần kệ còn lại.
Vua nghe chuyện nàng kể, lại say mê sắc đẹp nàng, bị lời nàng lôi cuốn, nên ở thêm một năm nữa để phỏng đoán cả trăm tên nàng. Sau ba năm, vua tìm đến Bồ-tát và hỏi:
- Thưa Tôn giả, tên nàng có nằm trong trăm tên này chăng?
- Thưa Ðại vương, ngài không biết tên ấy đâu.
Vua vái chào Bồ-tát và bảo:
- Chúng tôi xin từ giã lên đường.
Và vua ra đi.
Thiếu nữ Àsankà lại đứng bên cửa sổ pha lê. Vua trông thấy nàng liền bảo:
- Thôi nàng ở lại, chúng ta sắp lên đường.
- Tại sao thế, tâu Ðại vương?
- Nàng làm ta đẹp lòng vì lời nói chứ không phải vì tình yêu của nàng. Ta say mê lời nói dịu ngọt của nàng, nên đã ở đây ba năm ròng, nay ta quyết ra đi.
Rồi vua ngâm các vần kệ sau:
Lời nói nàng nghe quả thật dịu êm,
Song hành động không thỏa lòng mong đợi.
Hoa hữu sắc vô hương là cỏ dại,
Lời hứa kia dẫu đẹp chẳng thi hành
Với bạn thân, ta phải ném cho nhanh,
Chẳng đem tặng, cứ để dành mãi mãi,
Tình bạn kia tất nhiên là suy thoái.
Ta chỉ nên hứa trước việc mình làm,
Ðừng hứa suông những việc chẳng đảm đang.
Nếu ta nói mà không làm phận sự,
Các trí nhân xét xem liền thấy rõ.
Ðạo quân ta hao tổn, cạn kho lương,
Ta hoài nghi đời sống đã suy tàn,
Ðã đến lúc ra đi, đành từ biệt.
Khi nàng Àsankà nghe lời vua liền đáp:
- Tâu Ðại vương, ngài biết tên thiếp rồi, ngài vừa nói ra tên ấy. Xin hãy nói cho phụ thân biết tên thiếp và đem thiếp cùng ra đi.
Nói vậy xong, nàng liền ngâm vần kệ:
Tâu Ðại vương, vừa nói ra tên thiếp,
Hãy đến ngay, cha thiếp nhận cầu hôn.
Vua đến gặp Bồ-tát và nói:
- Thưa Tôn giả, tiểu thư tên là Àsankà.
- Thưa Ðại vương, ngài đã biết tên nàng, vậy hãy đem nàng ra đi.
Vua kính lễ Bồ-tát và đến cung pha lê bảo nàng:
- Này, quý cô nương, phụ thân nàng đã gả nàng cho ta, vậy hãy đến đây ngay.
- Tâu Ðại vương, thiếp sẽ đi xin phép phụ thân. Nàng bảo.
Rồi từ cung pha lê, nàng bước xuống đảnh lễ Bồ-tát, được ngài ưng thuận và cho phép ra đi cùng nhà vua. Vua đem nàng về Ba-la-nại, cùng nàng sống hạnh phúc, sinh được thêm nhiều hoàng tử và công chúa. Còn Bồ-tát tiếp tục hành Thiền định và tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Àsankà là người vợ cũ kia, vua là vị Tỷ-kheo bất mãn này và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
381. Chuyện Chim Thứu Migàlopa (Tiền thân Migàlopa)
Ðường con bay bổng, hỡi con thân...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất tuân Giới luật.
Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo:
- Có thật ông bất tuân Giới luật chăng?
Vị ấy đáp:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bậc đạo sư bảo:
- Không phải ông bất tuân Giới luật lần đầu, mà xưa kia vì tính ngỗ nghịch không nghe lời khuyên của bậc trí, ông phải mạng vong và gặp cuồng phong Verambla.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm chim Thứu (kên kên) tên Aparanna, sống cùng đoàn chim thứu tùy tùng ở núi Gijjhapabbata (Thứu Sơn). Con ngài tên Migàlopa cường tráng dũng mãnh phi thường. Nó bay cao vượt mức độ các chim thứu khác. Chúng liền kể cho thứu vương nghe con ngài bay quá cao. Ngài gọi Migàlopa đến bảo:
- Này con, chúng bảo con bay quá cao. Nếu quả vậy, con tự gây tử vong cho mình đấy.
Ngài lại ngâm ba vần kệ:
Ðường con bay bổng, hỡi con thân,
Cha thấy chúng sao thật bất an,
Con vụt lên cao xa quá mức,
Vượt vùng ta sống thật an toàn.
Khi đất chỉ là một bãi vuông
Hiện ra phía trước mắt con trông,
Thì nên quay lại thôi con nhé,
Ðừng táo bạo bay vút giữa không.
Chim sải cánh bay tận cõi không,
Chúng thường gặp bão tố cuồng phong,
Khi đang nỗ lực lên cao mãi,
Vì chúng kiêu căng phải mạng vong.
Khinh lời khuyên nhủ thật khôn ngoan
Của đấng lão thân, gặp Hắc Phong,
Tên gọi Ve-ram-bha Bão tố,
Vợ con, gia sản phải tan hoang.
Do vậy những ai chẳng chú tâm
Nghe lời huynh trưởng vẫn khuyên răng,
Như chim kiêu mạn bay đi lạc,
Bất phục lệnh trên, gặp tử thần.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Migàlopa là Tỷ-kheo bất tuân Giới luật và Thứu vương Aparanna chính là Ta.
-ooOoo-
382. Chuyện Hai Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền thân Siri-Kàlakanni)
Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Từ thời ông được an trú vào quá Dự Lưu, ông hành trì Ngũ giới trọn vẹn. Tất cả vợ con gia nhân của ông đều làm như vậy.
Một hôm tại Chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu thảo luận xem ông Cấp Cô Ðộc và gia quyến ông có giữ Thánh đạo thanh tịnh chăng. Bậc Ðạo Sư bước vào và được Hội chúng trình bày đề tài ấy, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, các bậc trí thời xưa cũng đã giữ cho toàn gia quyến được thanh tịnh.
Và Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một thương nhân, bố thí, trì giới và toàn thể con cháu, gia nhân trong nhà cũng làm như vậy. Cho nên ngài được gọi là thương nhân Suciparivàra (Toàn gia Thanh tịnh). Ngài suy nghĩ: "Nếu có vị nào giữ đức giới thanh tịnh hơn ta đến đây, và ta mời vị ấy ngồi trên ghế của ta hay nằm trên giường của ta thì không thích hợp, mà ta phải mời ngồi trên bảo tọa thanh tịnh chưa ai dùng". Như thế ngài dặn gia nhân chuẩn bị một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên đặt vào một bên khách sảnh đặc biệt của ngài.
Vào thời ấy trên cõi trời Thiên vương có hai nàng tiên: Kàlakanni (Bất Hạnh), ái nữ của Virùpakkha (Quảng Mục Thiên vương) và Siri (Hạnh Phúc), ái nữ của Dhatarattha (Trì Quốc Thiên vương) cùng đem nhiều vòng hoa và hương liệu đi đến hồ Anotatta để vui chơi tại đó.
Bấy giờ tại hồ đó có nhiều chỗ tắm. Chư Phật có chỗ tắm riêng, các Ðộc Giác Phật có chỗ riêng, các Tỷ-kheo có chỗ riêng, các Thiên tử sáu tầng Dục giới (trong đó có Tứ Thiên vương an trú ở tầng thứ nhất) có chỗ riêng và các Thiên nữ có chỗ riêng.
Hai Thiên nữ này đến đấy và bắt đầu tranh cãi xem ai được tắm trước. Kàlakanni nói:
- Ta ngự trì cõi trần, ta tắm trước mới hợp lý.
- Ta cai quản con đường giới hạnh đem lại địa vị tối cao của nhân loại. Ta tắm trước mới hợp lý. Siri đáp.
Sau đó cả hai đều nói:
- Tứ Thiên vương sẽ biết giữa hai ta ai sẽ phải tắm trước.
Thế là hai nàng đi hỏi các Thiên vương rằng ai giữa hai nàng xứng đáng tắm trước tại hồ Anotatta. Hai Thiên vương Dhatarattha và Virupakkha đáp:
- Chúng ta không thể quyết định được.
Và hai vị giao phận sự ấy cho Virùlha (Tăng Trưởng Thiên vương) và Vesavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Hai vị này cũng bảo:
- Chúng ta không quyết định được, chúng ta muốn đưa chuyện đến bệ kiến Thiên chủ.
Rồi hai vị đưa chuyện đến Sakka Thiên chủ (Ðế Thích). Thiên chủ nghe chuyện, thầm nghĩ: "Hai này này là ái nữ của Thiên vương chư hầu của ta, ta không thể quyết định được chuyện ấy", và bảo hai nàng:
- Tại thành Ba-la-nại có một thương nhân tên gọi Suciparivàra, trong nhà vị ấy có đặt sẵn một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên, nàng nào có thể nằm ngồi ở chỗ ấy trước thì xứng đáng là người được tắm trước.
Kàlakanni nghe vậy lập tức khoác y phục màu xanh, tẩm dầu thơm màu xanh và tô điểm nữ trang màu xanh (Màu xanh tượng trưng điềm xấu). Rồi từ Thiên giới, nàng giáng trần trên một thạch bàn do chiếc cung thần bắn ra. Sau canh giữa đêm, nàng trụ trên không, tỏa ra một làn ánh sáng xanh, không xa vị thương nhân đang nằm trên một bảo tọa trong khách sảnh đặc biệt của lâu đài. Vị thương nhân nhìn lên thấy nàng, song đối với ngài, nàng không có vẻ nhân từ, khả ái. Ngài liền ngâm vần kệ đầu nói chuyện với nàng:
Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền,
Không khả ái đâu trước mắt nhìn,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi cô tiên?
Nghe lời này, Kàlakanni ngâm vần kệ thứ hai:
Quảng Mục Thiên vương chính phụ thân,
Kà-li là Bất Hạnh, tai ương,
Xin ngài cho một phòng lưu trú
Kề cận ngài như dạ ước mong.
Sau đó Bồ-tát đáp vần kệ thứ ba:
Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Nàng lại ngâm vần kệ thứ tư, giải thích các đặc tính của nàng:
Giả dối, buông lung, cáu kỉnh luôn,
Vong ân, tật đố, dạ xan tham,
Ác nhân, ta giúp thành công để
Thắng lợi làm cho chúng diệt vong.
Nàng còn ngâm thêm vần kệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy:
Sâu hận lại còn thân thiết hơn,
Giao tranh, phỉ báng, lẫn hung tàn,
Kẻ ngu không biết người lương thiện,
Oán ghét lời khuyên, lẫn thiện nhân.
Người nào hành động trí ngu si,
Bằng hữu thảy đều phải chán chê,
Kẻ ấy với ta là bạn đó,
Ta tìm lạc thú ở người kia.
Lúc ấy, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tám khiển trách nàng:
Kà-li, nàng hãy bước đi ngay,
Chẳng có gì vui thú ở đây,
Hãy đến các kinh thành xứ khác,
Biến nhanh ra khỏi chốn này.
Kàlakanni nghe vậy, buồn rầu ngâm vần kệ đáp lời:
Ta vẫn biết ngài rõ lắm thay,
Không gì vui thú ở nơi đây,
Những người ác tạo nhiều mưu kế,
Huynh đệ ta làm biến mất ngay.
Khi nàng đã đi rồi, Thiên nữ Siri xuất hiện, với y phục, dầu thơm, nữ trang toàn màu rực rỡ ngay trước cửa phòng khách, vừa tỏa ra một làn ánh sáng toàn màu vàng, nàng đứng trên đất bằng hai chân vững chắc và dáng điệu kính cẩn. Bồ-tát thấy nàng liền ngâm hai vần kệ đầu:
Ai đây màu sáng chói Thiên thần
Trên đất bình yên, dáng thật chân,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi tiên nương?
Siri nghe vậy liền đáp vần kệ thứ hai:
Trì Quốc Thiên vương chính phụ thân,
Ta là Hạnh Phúc, trí am tường,
Thế nhân tán tụng, xin an trú
Ðại sảnh cùng ngài dạ ước mong.
Sau đó ngài hỏi:
Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Siri đáp lại:
Người nào dù nóng, lạnh, phong ba,
Ðói khát, ruồi gây bệnh, độc xà,
Phận sự ngày đêm làm tròn vẹn,
Ta luôn quý mến sống cùng nhà.
Nhã nhặn, thiết thân, hạnh chánh chân,
Khoan dung, thẳng thắn, dạ bình an,
Tín thành, thiện cảm, đầy kham nhẫn,
Ta điểm tô thêm mọi phước phần,
Như sóng lan dần trên biển cả,
Một màu sáng chói ngập trùng dương.
Với bạn thân hay chẳng bạn thân,
Với người hơn, kém, hoặc ngang hàng,
Ác nhân hay cả cừu nhân nữa,
Dù tối trời hay giữa ánh quang,
Những kẻ nhân từ không ác ngữ
Tử sinh ta mãi kết thân bằng.
Song nếu kẻ ngu được mến thương
Lại sinh ngạo mạn với kiêu căng,
Con đường bất thiện đầy ngoan cố,
Ta tránh xa như một vũng bùn.
Họa, phúc nghiệp riêng mỗi bản thân,
Chẳng ai tạo nghiệp của tha nhân,
Một người không thể gây tai họa,
Hạnh phúc cho ai ở cõi trần.
Ðó là lời giải đáp của Siri khi được vị thương nhân hỏi. Bồ-tát hoan hỷ trước lời nàng, liền bảo:
- Ðây là sàng tọa thanh tịnh, xứng đáng dành cho nàng. Hãy nằm ngồi lên đó.
Nàng ở lại đến sáng hôm sau giã từ về cõi trời Tứ Thiên vương và tắm trước tiên tại hồ Anotatta. Sàng tọa được Siri dùng tên là Sirisaya. Ðó là nguồn gốc của từ Sirisayana (Bảo tọa, vương sàng) và vì lý do đó, nó được gọi như vậy cho đến ngày nay.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Vào thời ấy, Thiên nữ Siri là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và thương nhân Suciparivàra chính là Ta.
-ooOoo-
383. Chuyện Kê Vương (Tiền thân Kukkuta)
Chim có cánh hồng sáng rực sao...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo mơ tưởng đời thế tục,
Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Tại sao ông mơ tưởng đời thế tục?
- Bạch Thế Tôn, chính vì tham dục, con đã trông thấy một nữ nhân trang sức diễm lệ.
- Này Tỷ-kheo, nữ nhân cũng như mèo cái, thường dối lừa và tán tỉnh để làm hại kẻ nào đã rơi vào uy lực của họ.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Gà trống sống trong rừng với đoàn tùy tùng hàng trăm gà trống khác. Không xa đó có một con mèo cái. Nó đã dùng nhiều mưu kế dụ dỗ nhiều gà trống để ăn thịt ngoại trừ Bồ-tát, song Bồ-tát vẫn không rơi vào mãnh lực của nó. Mèo cái nghĩ thầm: "Con Gà trống này thật tinh khôn, song nó biết đâu là ta cũng tinh khôn và đầy phương tiện tinh xảo. Nếu ta dụ dỗ nịnh hót nó và bảo: "Thiếp muốn làm vợ chàng", rồi sẽ ăn thịt nó khi nó rơi vào tay ta thì tốt biết bao".
Mèo cái liền đến dưới gốc cây nơi Gà trống đậu và khẩn cầu Gà bằng giọng lưỡi tán tụng vẻ đẹp của Gà trống, vừa ngâm vần kệ đầu:
Chim có cánh hồng sáng rực sao,
Mồng cao rũ xuống đẹp dường bao,
Thiếp nay ước muốn nên chồng vợ,
Bỏ cây xuống với thiếp đây nào!
Bồ-tát nghe vậy suy nghĩ: "Nó đã ăn thịt tất cả họ hàng nhà ta, nay nó lại muốn phỉnh nịnh ta để ăn ta luôn. Ta quyết tìm cách tống nó đi". Vì thế ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Cô nàng quyến rủ, đẹp xinh ôi!
Nàng có bốn chân, tôi chỉ hai,
Chim, thú không bao giờ kết hợp,
Hãy tìm chàng khác thật cân đôi.
Mèo cái liền nghĩ: "Gà trống này tinh khôn khác thường, ta phải quyết dùng mưu này kế nọ dụ nó và ăn thịt nó mới được". Vì thế nó ngâm vần kệ thứ ba:
Thiếp dâng chàng sắc đẹp thanh xuân,
Lời nói dịu êm nhã nhặn luôn,
Làm vợ quý yêu hay thị nữ,
Tùy nghi đối xử hợp phu quân.
Sau đó Bồ-tát lại nghĩ: "Tốt nhất là phải mạ lỵ nó và tống cổ nó đi nơi khác", ngài liền ngâm vần kệ thứ tư:
Con Mèo hút máu họ nhà Gà,
Cướp giết bạo tàn thật xấu xa,
Vợ quý ư? Không hề quý trọng
Trong lòng Mèo lúc tán dương ta.
Mèo cái bị tống đi, từ đó không còn dám nhìn mặt Gà được nữa.
*
Vậy khi chúng thấy một anh hùng,
Cả bầy nhi nữ thật tinh khôn
Cố tìm cách để hòng lôi cuốn.
(Cứ xem Mèo cái với Kê vương).
Ai không đối phó trước nguy nan
Đành phải ngã dài ở dưới chân
Cúi mặt phục tùng ngay địch thủ,
Trong niềm uất hận lẫn đau buồn.
Người kịp thời xem xét sự tình
Gian nguy xảy đến số phần mình,
Như Gà trống lánh xa Mèo cái,
Cừu địch kia, cần tránh thật nhánh.
Ðây là các vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thuở ấy, Ta chính là Gà trống ấy.
-ooOoo-
384. Chuyện Pháp Ấn (Tiền thân Dhammaddhaja)
Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lừa dối.
Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, kẻ này không chỉ lừa dối lần đầu tiên.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một con chim. Khi lớn lên ngài sống giữa bầy chim tùy tùng của ngài trên một đảo giữa biển cả.
Một hôm có đoàn thương nhân đem theo một con Quạ và khởi hành ra khơi, đến giữa biển, tàu bị chìm. Con Quạ bay đến đảo này, nghĩ thầm: "Ðây có cả đàn chim lớn, nếu ta dùng kế lừa gạt chúng rồi ăn thịt cả trứng lẫn chim non thì hay biết bao". Thế rồi nó bay xuống giữa bầy chim, vừa há mỏ vừa đứng một chân trên mặt đất. Bầy chim hỏi:
- Thưa Tôn giả, ngài là ai?
- Ta là một Thánh giả.
- Tại sao ngài chỉ đứng một chân?
- Nếu ta đặt chân kia xuống, quả đất không thể chịu đựng nổi ta.
- Thế tại sao ngài vừa đứng vừa há mỏ?
- Ta không ăn thực phẩm gì cả, chỉ hút gió.
Cùng với lời này, Quạ gọi bầy chim lại bảo:
- Ta sẽ thuyết giáo cho các anh, hãy lắng nghe.
Rồi Quạ ngâm vần kệ đầu để giảng giáo lý:
Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh,
Cầu chúc chư huynh đệ phước lành!
Ta nói lại: hành trì đức hạnh
Ðời này, đời kế đạt an bình.
Ðàn chim không biết Quạ nói thế với âm mưu lừa dối chúng để ăn trứng chim, liền ca ngợi Quạ và ngâm vần kệ thứ hai:
Chim này chánh hạnh, phước ân tràn,
Thuyết giảng chỉ cần đứng một chân.
Bầy chim đầy tin tưởng con Quạ gian ác này, liền bảo:
- Thưa Tôn giả, ngài không cần thực phẩm gì cả, chỉ cần hút gió mà sống, vậy xin ngài canh chừng lứa trứng này và bầy chim non của chúng tôi.
Như thế, chúng bay đi đến nơi ăn thường lệ. Khi chúng đã đi xa, con Quạ độc hại này ăn đầy một bụng cả trứng lẫn chim non. Rồi khi bầy chim trở lại, nó liền đứng yên lặng trên một chân và há mỏ ra.
Ðàn chim không thấy lũ chim non khi bay về tổ liền kêu thét lên:
- Ai có thể ăn chúng rồi chứ?.
Song chúng lại bảo nhau:
- Ông Quạ này là một bậc Thánh mà!
Chúng không nghi ngờ gì con Quạ cả.
Sau đó, một hôm, Bồ-tát nghĩ thầm: "Trước đây không có gì nguy hiểm xảy ra, chỉ từ khi có con Quạ này đến mới bắt đầu có tai họa, vậy tốt hơn phải thử nó".
Vì thế ngài làm như thể sáp bay đi ăn cùng bầy chim kia, rồi ngài quay lại đậu một chỗ kín đáo. Con Quạ tin tưởng bầy chim đã bay hết liền đứng lên, đến ăn cả trứng lẫn chim non, xong lại đứng trên một chân, há mỏ ra như cũ. Khi bầy chim bay về, Chim chúa tụ tập chúng lại và bảo:
- Hôm nay ta đã quan sát mối hiểm họa đến với đàn con của chúng ta và ta thấy con Quạ gian ác này đã ăn thịt chúng, vậy ta quyết bắt nó.
Như thế ngài họp bầy chim vây quanh con Quạ và bảo:
- Nếu nó bay đi trốn, ta phải bắt lấy nó.
Rồi ngài ngâm các vần kệ tiếp theo:
Các con không biết tính chim này
Khi tán các con, ngu dại thay!
"Ðức hạnh" nó rao, "đức hạnh" mãi,
Rồi ăn cả trứng lẫn con bầy!
Những điều nó giảng, giọng thanh thanh,
Song bọn chúng không thể thực hành,
"Ðức hạnh" nó ồn ào trống rỗng,
Chánh chân của nó chẳng chân thành.
Giả dối trong tâm, lưỡi phỉnh phờ,
Nó là rắn hổ lén bò vô:
Nó nhờ áo khoác ngoài lừa gạt
Dân chúng, vì chúng quá dại khờ.
Lấy mỏ, cánh lôi nó đánh ngay,
Xé tan nó với móng chim này!
Ðời tàn cho đáng, tên hèn hạ
Phản bội niềm tin chính nghĩa đây.
Cùng với những lời này, chính Chim chúa vụt bay lên lấy mỏ đánh vào đầu Quạ và cả đàn chim cũng lấy mỏ và chân đánh Quạ cho đến chết.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy con Quạ là Tỷ-kheo lừa dối này, và Chim chúa chính là Ta.
-ooOoo-
385. Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ (Tiền thân Nandiyamiga)
Bà-la-môn, ngài có vào ngự uyển...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
Ngài hỏi vị Tỷ-kheo:
- Có thật là ông phụng dưỡng người thế tục?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn
- Họ là ai?
- Bạch Thế Tôn, đó là cha mẹ con.
- Tốt lành thay, tốt lành thay, này Tỷ-kheo, ông duy trì Giới luật của các trí nhân ngày xưa, vì các vị ấy ngay khi sinh làm súc vật cũng hy sinh tính mạng vì cha mẹ.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, lúc vua nước Kosala ngự trị dân chúng tại Saketa (tức là Oudh), Bồ-tát được sinh làm con nai. Khi lớn lên, ngài có tên là Nandiyamiga (Hỷ Lộc) với tính tình và đức hạnh ưu thắng, ngài phụng dưỡng song thân mình.
Vua Kosala có ý thích săn bắn, hằng ngày đi vào rừng cùng một đoàn tùy tùng đông đảo, vì thế dân chúng không thể làm nghề canh tác và nghề thương mãi của họ được. Họ tụ tập nhau bàn luận:
- Này các ông, đức vua của chúng ta đang hủy hoại nghề nghiệp của chúng ta, đời sống gia đình ta đang tàn tạ, nên chăng là chúng ta phải rào lâm viên Anjanavana lại, làm một cổng lớn, đào một hồ nước và gieo cỏ mọc lên, rồi vào rừng cầm gậy trong tay, đập vào các bụi rậm, như thế đuổi được bầy nai ra và đưa chúng đi vào lâm viên ở như bầy bò trong chuồng? Sau đó chúng ta đóng cổng lại, trình đức vua việc ấy và đi làm công việc của chúng ta?
- Ðó là cách ta phải làm. Họ bảo nhau.
Và họ đồng ý chuẩn bị lâm viên sẵn sàng, rồi vào rừng rào một khoảng rộng, mỗi bề một dặm. Lúc ấy Nandiya đã đem cha mẹ vào một bụi cây nhỏ và nằm xuống đất. Dân chúng cầm khiêng mộc, vũ khí bao vây bụi rậm kề sát nhau, một vài người bước vào tìm. Nai Nandiya thấy họ liền nghĩ: "Thật tốt là ta sẽ hy sinh tính mạng mình hôm nay để cứu cha mẹ". Như thế, nai đứng dậy chào cha mẹ và nói:
- Thưa cha mẹ, đám người này sẽ trông thấy cả ba chúng ta nếu họ vào trong bụi, cha mẹ chỉ có thể sống sót được bằng một cách duy nhất, và mạng sống cha mẹ là tối thượng: con sẽ hy sinh tính mạng của con vì cha mẹ, bằng cách đứng bên bờ bụi cây và chạy ra ngay khi họ đập vào bụi, sau đó họ sẽ nghĩ rằng chỉ có một con nai nhỏ trong bụi nhỏ này thôi, và sẽ không bước vào trong. Vậy cha mẹ hãy cố hết sức thận trọng.
Thế là nai xin được phép đứng lên sẵn sàng chạy ra.
Ngay khi bụi cây bị đám người đứng bên ngoài bờ đập mạnh và la hét, nai vụt chạy ra nên họ nghĩ rằng chỉ có một con nai trong ấy và không bước vào trong. Nandiya cùng đi với đám nai kia, được đám người ấy xua vào trong lâm viên, rồi họ đóng cổng lại và trình lên đức vua xong xuôi, họ trở về nhà.
Từ đấy, bao giờ vua cũng tự mình đi bắn nai, rồi hoặc vua mang nai về, hoặc truyền người đi tìm nó mang về.
Bầy nai chuẩn bị chờ đến phiên mình, con nào đến phiên phải đứng sang một bên, rồi họ mang nó đi khi nó đã bị bắn chết. Nandiya cứ uống nước trong hồ và ăn cỏ, nhưng chưa đến phiên mình. Nhiều ngày sau cha mẹ ngài mong muốn gặp con. Liền nghĩ: "Con ta Nandiya là Lộc vương, mạnh khỏe như voi và hoàn toàn tráng kiện. Nếu còn sống chắc chắn nó sẽ nhảy rào về thăm chúng ta rồi". Vì thế hai vị đứng bên vệ đường, vừa thấy một Bà-la-môn, liền hỏi bằng giọng người:
- Thưa Tôn giả, ngài đi đâu thế?
- Ði Sàketa. Vị ấy đáp.
Nghe vậy, hai vị muốn nhắn đôi lời cho con bèn ngâm vần kệ đầu:
Bà-la-môn, ngài có vào ngự uyển,
Khi ngài đi qua xứ Oudh, kinh đô,
Xin tìm Nan-di yêu dấu của ta
Và nhắn gửi một đôi lời chân thật:
Qua tháng năm cha mẹ già kiệt lực,
Lòng khát khao mong mỏi đợi con về.
Vị Bà-la-môn bảo:
- Ðược lắm.
Và ông nhận lời.
Ngày hôm sau ông đi đến Sàketa, vào vườn ngự uyển và hỏi lớn:
- Nai nào là Nandiya?
Nai chúa đến gần ông và bảo:
- Ta đây.
Vị Bà-la-môn nói lại lời nhắn kia, Nandiya nghe vậy đáp.:
- Này Bà-la-môn, ta có thể ra đi. Chắc chắn ta có thể nhảy rào trốn đi. Song ta đã thọ hưởng thức ăn nước uống đầy đủ của đức vua và việc ấy đối với ta như một món nợ. Ngoài ra, ta đã sống lâu nay với bầy nai này, thật không hợp lý nếu ta ra đi mà không làm ích lợi cho đức vua và bầy nai nữa, hoặc không chứng tỏ sức mạnh của ta. Vậy khi nào đến phiên ta, ta sẽ làm lợi ích cho cả người lẫn vật rồi an vui trở về.
Ðể giải thích điều này, ngài ngâm hai vần kệ:
Ta đội ơn vua, ăn uống tràn trề,
Chưa đi được, chờ khi làm ích lợi.
Trước cung vua, ta sẽ giơ sườn đợi,
Rồi về thăm cha mẹ để thanh minh.
Vị Bà-la-môn nghe lời này liền bỏ đi.
Sau đó, vào ngày đến lượt nai chúa, vua cùng đoàn tùy tùng đông đảo vào vườn ngự uyển. Bồ-tát đứng sang một bên. Vua bảo:
- Ta sẽ bắn nai này.
Và vua lắp một mũi tên nhọn vào dây cung. Bồ-tát chẳng bỏ chạy như các con nai khác khi sợ chết, mà lòng đầy can đảm và lấy từ ái làm kim chỉ nam. Ngài đứng yên phô bày bộ xương sườn thật cường tráng.
Do động lực của từ tâm ấy, vua không thể thả mũi tên ra. Bồ-tát bảo:
- Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương không bắn? Xin hãy bắn đi.
- Này Lộc vương, trẫm không thể bắn được.
- Tâu Ðại vương, thế thì xin hãy xem các công đức của người giữ giới hạnh.
Sau đó vua hoan hỷ với lời của Bồ-tát, liền thả cung xuống và bảo:
- Khúc gỗ vô tri giác này không biết đức độ của Nai chúa, chứ trẫm là người có tri giác lẽ nào không hiểu? Hãy tha thứ cho trẫm, nay trẫm cho Nai chúa được bình an.
- Tâu Ðại vương, ngài cho ta được bình an, song còn cả đàn nai trong ngự viên này thì sao?
- Trẫm cũug sẽ cho chúng bình an nữa.
Như vậy sau khi tạo được bình an cho tất cả bầy nai trong lâm viên, chim muông trên trời và bầy cá dưới nước, theo cách được miêu tả trong Tiền thân Nigrodhamiga (số 12), Bồ-tát làm vua an trú vào Ngũ giới và bảo:
- Tâu Ðại vương, tốt lành thay cho một đức vua cai trị quốc độ bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp (Mười đức tính của vị vua) và hành động chân chánh:
Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình,
Thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục,
Ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức
Ta thấy luôn vững chắc ở trong tâm.
Từ đó khởi sinh cả một từ ân
Thật hoàn thiện và nội thân an lạc.
Cùng với những lời này, ngài nêu rõ mọi đức tính của một vị vua hiền qua hình thức một lời kệ.
Sau vài ngày ở lại cùng nhà vua, ngài ra lệnh truyền một chiếc trống bằng vàng đi khắp kinh thành, công bố lời hứa bình an cho mọi loài. Sau đó ngài bảo:
- Xin Ðại vương hãy cẩn trọng hộ phòng.
Rồi ngài ra về thăm cha mẹ.
*
Xưa ta chính Lộc vương trong xứ Oudh,
Tánh và danh là Hoan hỷ, Nan-di
Muốn giết ta trong ngự uyển, ngày kia
Ðức vua đến, tên nằm trên dây sẵn.
Ta phơi sườn trước tên vua đòi bắn,
Rồi về thăm cha mẹ để thanh minh.
Ðây là những vần kệ phát sinh từ Trí tuệ Tối thắng (của đức Phật).
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, song thân là phụ vương và mẫu hậu trong hoàng gia, vị Bà-la-môn là Sàriputta, vua là Ànanda và ta chính là Lộc vương.
-ooOoo-
386.Chuyện Con Lừa (Tiền thân Kharaputta)
Bậc trí bảo Dê quả thật ngu...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về sự cám dỗ của người vợ cũ đối với một Tỷ-kheo.
Khi Tỷ-kheo ấy thú nhận rằng mình đang mơ tưởng đời thế tục, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đang làm hại ông, ngày xưa ông cũng đã nhảy vào lửa vì kẻ ấy, và đã được các trí nhân cứu mạng.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vị vua mệnh danh Senaka trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ, vua Sekana kết thân với một vua loài Nàga (Rắn thần).
Tương truyền vị vua rắn Nàga này thường rời thế giới Nàga đi quanh quẩn trên cõi đất kiếm mồi. Bọn trai làng thấy vậy bảo nhau:
- Ðây là con rắn.
Rồi chúng lấy đất đá đập rắn. Nhân lúc vua đang du ngoạn trong ngự viên thấy chúng và nghe chúng đang đánh một con rắn, liền bảo:
- Ðừng cho chúng đánh rắn, đuổi chúng đi.
Và lệnh này được thi hành ngay.
Do đó vua Nàga được cứu mạng, khi trở về thế giới Nàga, vị ấy lấy nhiều châu báu, rồi nửa đêm đi đến cung thất vua dâng các tặng vật và thưa:
- Tiểu thần được ngài cứu mạng.
Từ đó vị ấy kết giao với vua nên cứ lui tới yết kiến ngài.
Vua rắn Nàga truyền lệnh cho một cung nữ Nàga, vốn tham đắm dục lạc vô độ, đến hầu cận vua và bảo vệ ngài. Vua rắn còn cho ngài một câu chú thần và bảo:
- Hễ khi nào ngài không thấy nàng ấy, xin cứ đọc chú thần này.
Một hôm vua vào ngự viên cùng với cung nữ Nàga và vui đùa trên hồ sen.
Cung nữ Nàga nhìn thấy một con rắn nước, liền bỏ lốt người và tình tự với rắn nước. Vua không thấy cô gái, liền hỏi:
- Nàng đi đâu rồi?
Và vua đọc thần chú. Ngay lúc đó vua thấy tà hạnh của nàng nên lấy gậy tre đánh nàng. Nàng tức giận bỏ về thế giới Nàga và khi được hỏi:
- Tại sao nàng trở về?
- Thân hữu của ngài đánh thiếp trên lưng vì thiếp không tuân lệnh.
Nàng đáp và chỉ vết thương.
Vua Nàga không biết sự thật, liền gọi bốn thanh niên Nàga ra lệnh cho họ vào vương thất vua Senaka và dùng hơi độc thoát ra từ lỗ mũi để giết vua tan như trấu. Họ vào cung thất đúng giờ đi ngủ. Khi họ vừa đến, vua nói với hoàng hậu:
- Này ái hậu, nàng có thấy cô gái Nàga đâu không?
- Tâu Ðại vương, thiếp không thấy.
- Hôm nay lúc chúng ta đang tắm trong hồ, nàng Nàga ấy bỏ lốt người và ân ái với một con rắn nước. Ta bảo đừng làm vậy, rồi đánh cho nó một gậy tre để trừng trị nó, nay ta sợ nó đã có thể trở về cõi rắn Nàga và nói dối trá với thân hữu ta, tiêu hủy luôn thiện chí của vị ấy đối với ta.
Các thanh niên Nàga nghe vậy liền quay về cõi rắn Nàga lập tức và tâu trình vua rắn. Vị ấy xúc động liền đến ngay vương thất kể lại mọi chuyện và được vua tha thứ. Sau đó vị ấy nói:
- Xin cho tôi chuộc lỗi và đền bù bằng cách này.
Rồi trao cho vua một thần chú biết được mọi thứ âm thanh:
- Tâu Ðại vương, đây là một thần chú vô giá, nếu ngài cho ai thần chú này, lập tức ngài sẽ nhảy vào lửa mà chết.
- Quý báu thay. Vua đáp và nhận thần chú.
Từ đó vua hiểu được mọi tiếng nói, thậm chí cả tiếng loài kiến. Một hôm ngài ngự trên bảo tọa ăn các thứ bánh cứng với mật ong và mật mía. Rồi một giọt mật ong, một giọt mật mía và một miếng bánh rơi xuống đất. Một con kiến thấy vậy liền kêu lên:
- Bình mật ong của vua bị vỡ trên bảo tọa rồi, xe mật mía và xe bánh đổ rồi. Mau mau đến ăn mật ong, mật mía và bánh ngọt, các cậu ơi.
Vua nghe tiếng kêu ấy bật cười lớn. Hoàng hậu ngồi gần nghĩ thầm "Chúa thượng thấy gì khiến ngài cười to vậy?"
Khi vua đã ăn phần thực phẩm cứng ấy, đã tắm mát xong, lại ngồi xếp bằng, một con ruồi bảo vợ nó:
- Này nàng ơi, chúng ta hãy ân ái cùng nhau.
- Này phu quân, xin hãy thứ lỗi cho thiếp, một lát nữa, nô tỳ đang đem hương liệu đến dâng đức vua, trong khi ngài xoa thân thể, một vài bụi phấn sẽ rơi xuống chân, thiếp sẽ đậu ở đó cho thơm tho rồi chúng ta sẽ ân ái cùng nhau trên lưng ngài. Vợ nó đáp.
Vua nghe tiếng ruồi liền bật cười lần nữa. Hoàng hậu lại nghĩ: "Ngài đã trông thấy gì khiến ngài cười lớn vậy?".
Lần khác, khi vua đang dùng bữa tối, một cục cơm rớt xuống đất, bầy kiến kêu to:
- Một xe cơm đã đổ trong cung vua, thế mà chẳng có ai ăn hết.
Vua nghe vậy lại cười lớn, hoàng hậu cầm chiếc muỗng vàng dâng thức ăn cho vua, suy nghĩ: "Có phải vì thấy ta mà Chúa thượng cười ta chăng?". Bà về hậu cung với nhà vua và đến giờ ngủ, bà hỏi:
- Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương cười lớn ban nãy?
- Nàng có liên hệ gì đến việc ta cười ư?
Song cứ nghe hỏi đi hỏi lại mãi, vua đành kể chuyện cho bà. Sau đó bà bảo:
- Cho thiếp thần chú hiểu biết âm thanh đó đi.
- Không thể được. Ngài đáp.
Song dù bị từ chối nhiều lần, bà vẫn thúc giục vua. Vua đáp:
- Nếu ta cho nàng thần chú này, ta sẽ chết mất.
- Dù Ðại vương có từ trần đi nữa, cũng cứ cho thiếp thần chú ấy đi mà.
Vua bị mãnh lực nữ nhân thôi thúc, đành chấp nhận bảo:
- Thôi được.
Rồi vua ngự lên vương xa, đi vào ngự viên và nói:
- Ta sẽ nhảy vào lửa sau khi cho thần chú này.
Ngay lúc ấy, Sakka Thiên chủ nhìn xuống cõi đất và thấy việc này, ngài bảo:
- Hôn quân si ám này biết mình sắp nhảy vào lửa do áp lực nữ nhân, hiện đang ra đi, vậy ta hãy cứu mạng vua ấy.
Vì thế ngài đem theo Sujà, ái nữ của vua loài Asura (A-tu-la) cùng xuống thành Ba-la-nại. Ngài biến thành Dê đực, còn Sujà biến thành Dê cái, rồi quyết định tránh cho dân chúng khỏi thấy hai vị, ngài đứng ngay trước vương xa. Vua và các con Lừa Sindh trông thấy ngài, ngoài ra không ai thấy được. Ðể khởi đầu câu chuyện, ngài làm như thể ngài đang tình tự với con Dê cái. Một con Lừa Sindh kéo xe bảo:
- Này bạn Dê, trước kia chúng ta từng nghe chứ chưa từng thấy, rằng loài dê thật ngu xuẩn và vô liêm sỉ. Còn nay bạn đang làm việc ấy ngay trước mắt chúng ta nhìn, cái việc phải làm nơi kín đáo, riêng tư và không phải xấu hổ vì nó. Những gì chúng ta đã nghe trước kia thật phù hợp với điều chúng ta đang thấy.
Và vì thế, Lừa liền ngâm vần kệ đầu:
Bậc trí bảo dê quả thật ngu,
Những lời chân thật tự bao giờ,
Dê này không biết mình phô diễn
Những việc phải làm kín đáo ư?
Dê nghe vậy, đáp lại hai vần kệ:
Này ông Lừa hỡi, nghĩ xem nào,
Rồi thấy là ông ngốc biết bao,
Ông bị buộc dây thừng trói chặt,
Hàm ông tréo, mắt chẳng nhìn cao.
Khi được thả ra chẳng chạy ngay,
Vì ông quen thói thật ngu thay,
Vua Se-nak ấy ông chuyên chở
Còn thật ngu hơn cả chú mày!
Vua nghe hiểu câu chuyện giữa hai con vật, liền bảo xe chạy thật nhanh. Con Lừa nghe Dê nói chuyện liền ngâm vần kệ thứ tư:
Vậy này Dê chúa, dám thưa ngài,
Tôi đại ngu, ngài hiểu quá rồi,
Còn chuyện vua Se-nak xuẩn ngốc,
Làm ơn giải thích rõ cho tôi.
Dê ngâm vần kệ thứ năm giải thích việc này:
Vua có một kho báu hiển linh,
Lại vì hoàng hậu ném cho nhanh,
Không khuyên hoàng hậu trung thành được,
Ðành phải hy sinh tính mạng mình.
Vua nghe lời ấy, liền bảo:
- Này Dê chúa, chắc chắn ngài sẽ làm ích lợi cho ta, vậy hãy cho ta biết phải làm gì bây giờ?
Dê đáp:
- Tâu Ðại vương, đối với mọi loài hữu tình, không ai thân thiết hơn bản thân mình. Hủy hoại mình và hy sinh danh dự mình đã tạo được vì một vật thân thiết nào đó điều không ích lợi gì cả.
Rồi Dê lại ngâm vần kệ thứ sáu:
Như ngài ở địa vị vương quân
Có thể mang nhiều nỗi ước mong,
Song phải bỏ ngay niềm ước vọng,
Nếu thân ngài phải chịu thương vong.
Ðời người quả thật là quan trọng
Còn kiếm gì cao hơn bản thân?
Nếu tính mạng duy trì trọn vẹn,
Thì không cần ước vọng cầu mong!
Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy. Vua hoan hỷ, hỏi:
- Này Dê chúa, ngài từ đâu đến đây?
- Thưa Ðại vương, ta là Sakka Thiên chủ, đến cứu ngài khỏi chết vì thương tưởng ngài đó.
- Tâu Thiên chủ, trẫm đã hứa cho hoàng hậu thần chú. Vậy nay trẫm phải làm gì?
- Không cần phải làm gì tổn hại đến hai vị. Chỉ cần ngài bảo: "Ðây là cách được thần chú", rồi sai người đánh bà ấy vài roi, nhờ cách này, bà ấy sẽ không đòi nó nữa.
- Tốt lắm! Vua bảo và đồng ý ngay.
Sau khi khuyến cáo vua xong, Bồ-tát trở về cõi trời. Còn vua vào ngự viên, triệu hoàng hậu đến chầu và bảo:
- Này Hoàng hậu, nàng muốn có thần chú chăng?
- Tâu Chúa thượng, vâng.
- Vậy thì hãy theo thông lệ này.
- Thông lệ nào thế?
- Một trăm roi trên lưng nhưng không được kêu la.
Bà hoàng đồng ý vì quá ham mê thần chú. Vua bảo các nữ tỳ lấy roi đánh hai bên hông bà. Bà chỉ chịu được hai ba roi rồi kêu lớn:
- Thiếp không muốn thần chú nữa!
- Nàng đã có thể giết ta chỉ vì muốn có thần chú ấy. Vua bảo.
Rồi vua tự tay đánh trầy da lưng hoàng hậu và đuổi đi. Từ đó về sau bà chẳng dám nói đến chuyện ấy nữa.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vua là vị Tỷ-kheo bất mãn, hoàng hậu là vợ cũ vị ấy, con lừa là Sàriputta và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
387. Chuyện Cây Kim (Tiền thân Sùci)
Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự thành tựu Tối thắng Trí.
Hoàn cảnh câu chuyện sẽ đọc kể trong Tiền thân Mahaummagga, số 546. Bậc Ðạo Sư bảo chúng Tăng:
Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu tiên Như Lai có trí tuệ và nhiều phương tiện thiện xảo.
Rồi ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh ở quốc độ Kàsi trong nhà một thợ rèn và khi lớn lên, ngài rất tinh thông nghề này. Cha mẹ ngài rất nghèo. Không xa làng này có một làng khác gồm một ngàn nhà. Người trưởng nghiệp đoàn của cả ngàn thợ rèn này là người được vua ân sủng, giàu tiền của và thế lực. Con gái vị này cực kỳ diễm lệ, chẳng khác nào một Thiên nữ, đầy đủ mọi hảo tướng cát tường của một mệnh phụ phu nhân. Nhiều người từ các làng chung quanh đến nhờ rèn dao kiếm, rìu búa, lưỡi cày, gậy nhọn... đều trông thấy nàng.
Khi họ trở về làng, họ ca tụng sắc đẹp của nàng ở những nơi có đàn ông tụ tập và nhiều nơi khác. Chỉ mới nghe nói về nàng thôi, Bồ-tát đã cảm thấy say mê và nghĩ thầm: "Ta sẽ lấy nàng làm vợ". Vì thế ngài lựa thứ sắt tốt nhất, làm một cây kim thật cứng và mạnh có thể đâm thủng con súc sắc và nổi trên nước. Rồi ngài làm một cái bao bọc ngoài nó cùng thứ sắt ấy và cũng đâm thủng con súc sắc với bao kim kia.
Theo cách ấy, ngài làm bảy cái bao kim, phương pháp Ngài làm chúng ra sao không được tiết lộ, vì việc ấy thành tựu nhờ trí tuệ hiểu biết vĩ đại của ngài. Sau đó ngài đặt kim vào ống và để ống vào một cái hộp, ngài đi vào làng kia, hỏi đường đến nhà trưởng phường thợ rèn. Rồi đứng tại cửa nhà ấy, ngài hỏi:
- Ai muốn mua cây kim loại đặc biệt này của tôi đổi lấy tiền chăng?
Và vừa đứng cạnh nhà ông trưởng phường thợ rèn, ngài ngâm vần kệ miêu tả cây kim:
Xâu nhanh, trơn láng, thẳng ngay,
Ðược bôi bóng nhoáng bột mài xanh xanh,
Ðầu kim sắc nhọn, thanh thanh,
Kim đây, ai muốn mua mình trao tay?
Sau đó ngài lại ca tụng cây kim lần nữa qua vần kệ thứ hai:
Xâu nhanh, vững mạnh, thẳng ngay,
Thân kim khèo luyện tròn đầy đẹp sao!
Sắt kia cũng sẽ xuyên vào,
Kim đây ai muốn mua nào ai ơi!
Lúc ấy cô gái đang quạt cho cha bằng chiếc quạt lá thốt nốt trong lúc ông nằm trên chõng tre để được thoải mái sau buổi điểm tâm. Khi nghe giọng ngọt ngào của Bồ-tát, nàng đã cảm thấy buồn nôn như thể nuốt một miếng thịt sống, và phải làm cho sự khó chịu ấy tan biến bằng cả ngàn ấm nước, nàng bảo:
- Người nào đây lại có thể rao bán kim với giọng ngọt ngào như thế trong một làng thợ rèn? Nguời ấy đến đây vì việc gì? Ta phải tìm xem sự việc ra sao.
Vì thế nàng đặt cây quạt xuống và bước ra bên ngoài, đứng ở hành lang. Mục đích của chư Bồ-tát luôn đạt thành tựu: chính vì nàng mà ngài đã đến ngôi làng này. Nàng bảo ngài:
- Này cậu, dân chúng trong nước đều đến làng này mua kim và các vật dụng tương tự. Còn cậu lại muốn bán kim trong làng thợ rèn thật là điên rồ! Dù cậu có ca tụng kim của cậu suốt ngày, cũng không ai mua hàng của cậu đâu. Nếu cậu muốn được giá thì qua làng khác.
Thế rồi nàng ngâm hai vần kệ:
Móc câu ta đã bán rồi,
Làng trên xóm dưới ai người chẳng hay?
Thợ rèn ta ở thành này,
Còn ai bán được kim may nữa à?
Nghề rèn nổi tiếng chúng ta,
Việc làm khí cụ ai mà sánh ngang?
Thợ rèn ta ở trong làng,
Ai còn đem bán kim mang tới mình?
Bồ-tát nghe lời nàng, vội đáp:
- Thưa cô nương, cô nói vậy là do không hiểu biết gì cả đó.
Rồi ngài ngâm hai vần kệ:
Thợ rèn ta ở trong thành,
Nhưng người tài bán kim mình mới hay!
Tổ sư nghề sẵn trong tay,
Món hàng đệ nhất mua ngay kẻo hoài!
Một khi nghiêm phụ biết rồi
Cây kim này đã do tôi tự làm,
Tôn ông chắc chắn sẽ ban
Gia tài sản nghiệp cùng nàng cho tôi!
Người trưởng phường rèn nghe toàn thể câu chuyện, liền gọi con gái vào hỏi:
- Con đang nói chuyện với ai đó?
- Thưa cha, một cậu trai bán kim.
- Thế cho gọi cậu ấy vào đây.
Nàng ra gọi ngài vào. Bồ-tát kính chào vị trưởng phường rèn xong, đứng sang một bên. Ông hỏi:
- Cậu ở làng nào?
- Thưa Tôn ông, tôi ở làng nọ, là con trai gia đình thợ rèn kia.
- Tại sao cậu đến đây?
- Thưa, để bán kim.
- Nào, đưa ta thử xem kim của cậu.
Bồ-tát mong muốn công bố mọi đặc tính của ngài giữa nhiều người, liền nói:
- Một vật được nhiều người xem lại chẳng tốt hơn chỉ được một người xem hay sao?
- Này bạn, đúng lắm.
Vì thế vị phường trưởng tập hợp tất cả thợ rèn lại và đứng giữa đám đông, ông bảo:
- Nào bạn, hãy lấy kim ra đây.
- Thưa Tôn ông, xin hãy bảo lấy một cái đe và một cái dĩa bằng đồng đựng đầy nước ra đây.
Việc ấy được thực hiện ngay. Bồ-tát lấy cây kim ra khỏi hộp đưa cho đám kia xem. Ông trưởng phường rèn cầm lấy và hỏi:
- Ðây là cái kim chăng?
- Không, đó không phải là cái kim, mà là cái bao.
Ông phường trưởng quan sát kỹ cũng không thấy đầu đuôi gì cả. Bồ-tát lấy lại, dùng móng tay rút cái bao ra và chỉ cho mọi người:
- Ðây là cây kim, đây là cái bao.
Ngài đặt cây kim trong tay ông phường trưởng và cái bao dưới chân. Ông phường trưởng lại bảo:
- Ta chắc đây là cây kim rồi.
Ngài đáp:
- Ðây cũng chỉ là cái bao kim.
Rồi ngài lấy móc tay đánh bật nó ra và cứ thế ngài đặt sáu cái bao liên tiếp dưới chân vị phường trưởng và nói:
- Ðây là cây kim, và đặt kim vào tay vị kia.
Cà ngàn người thợ rèn búng ngón tay một cách thích thú và bắt đầu vẫy khăn tung hô. Sau đó vị trưởng phường hỏi:
- Này bạn, thế cây kim này có sức mạnh thế nào?
- Thưa Tôn ông, hãy bảo một người lực lưỡng nâng nghiêng cái đe này lên và đặt chậu nước dưới cái đe. Sau đó đâm thẳng cây kim vào cái đe.
Ông bảo làm đúng như vậy và đâm đầu nhọn của kim vào cái đe. Cây kim xuyên thủng cái đe và nằm ngang mặt nước không nhếch lên hay lệch xuống tý nào dù chỉ bằng một sợi tóc.
Mọi người thợ rèn đồng thanh bảo:
- Chúng ta chưa từng bao giờ nghe thậm chí qua lời đồn đại hiện có những người thợ rèn tài giỏi như thế này.
Như thế họ lại búng ngón tay và tung vẫy cả ngàn chiếc khăn. Ông phường trưởng gọi cô con gái vào, và đứng giữa đám đông ông bảo:
- Ðây là cô gái xứng đôi với cậu.
Ông liền rót nước giao kết trên tay hai vị và trao nàng cho ngài đem đi. Về sau khi vị trưởng phường qua đời, Bồ-tát trở thành trưởng phường rèn trong làng ấy.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, con gái người trưởng phường rèn là mẫu thân của Ràhula (La-hầu-la), và chàng thợ rèn thông minh chính là Ta.
-ooOoo-
388. Chuyện Con Heo Mõm Dài (Tiền thân Tundila)
Em lo chuyện lạ hôm nay...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo sợ chết.
Vị ấy là một thiện gia nam tử ở thành Sàvatthi (Xá vệ) và được thọ giới trong Ðạo pháp, song ông sợ chết và thậm chí nghe một bụi cây hơi lay động, tiếng cành khô rơi hay tiếng chim, tiếng thú, ông cũng hoảng kinh vì sợ chết rồi bỏ chạy, run rẩy toàn thân như con thỏ bị thương ở bụng. Tăng chúng trong Chánh pháp đường bắt đầu bàn luận, bảo nhau:
- Này, các Hiền giả, vị Tỷ-kheo kia sợ chết, cứ run rẩy bỏ chạy khi nghe chỉ một tiếng động nhỏ. Giờ đây đối với mọi loài trên thế giới, chết là việc tất nhiên, đời sống không có gì vững bền cả, điều này lại chẳng nên sáng suốt ghi nhớ trong tâm trí hay sao?
Bậc Ðạo Sư bước vào thấy đây là đề tài của chư vị, và vị Tỷ-kheo kia công nhận mình hay sợ chết, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu vị ấy sợ chết đâu.
Và ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai một heo rừng. Khi đến kỳ, heo mẹ sinh hai con heo đực. Một hôm heo mẹ đem hai con vào nằm trong cái hố. Một bà già ở trong làng tại cổng thành Ba-la-nại đi về nhà với một thúng đầy bông vải hái ngoài đồng và gõ cây gậy xuống đất kêu lóc cóc.
Heo cái nghe tiếng động, sợ chết liền bỏ hai con chạy trốn. Bà già thấy hai heo con cảm thấy thương yêu như thể con đẻ mình, liền bỏ chúng vào thúng và mang về nhà. Sau đó bà đặt tên heo lớn là Mahàtundila (Heo lớn mõm dài) và heo nhỏ là Cullatundila (Heo bé mõm dài), rồi nuôi nấng chúng như con đẻ.
Theo thời gian, chúng lớn dần và mập mạp. Khi bà già được ai hỏi bán heo để lấy tiền, bà đáp:
- Chúng là con tôi đấy.
Và bà không muốn bán.
Vào một ngày hội có đám đàn ông thô tục đang uống rượu nồng, và khi thịt đã hết, họ tìm xem nơi nào có thể mua thịt. Khi thấy có heo trong nhà bà già, họ đem tiền tới nói:
- Mẹ ơi, lấy tiền này rồi cho chúng con một con heo đi.
- Thôi vừa rồi các chú, có ai lại muốn bán con mình cho người ăn thịt chăng? Bà đáp rồi từ chối bọn họ.
- Mẹ ơi, heo làm sao thành con của người được? Xin mẹ cho chúng con đi nào.
Họ nói thế nhưng cũng không mua heo được, dù cứ hỏi đi hỏi lại mãi.
Sau đó họ cho bà già uống rượu mạnh, đến khi bà đã say, họ nói:
- Này mẹ, mẹ định làm gì với đám heo này? Lấy tiền đi mà tiêu xài chứ.
Họ dúi số tiền vào tay bà già. Bà nhận tiền và bảo:
- Ta không thể cho các cậu con heo Lớn, hãy bắt Heo nhỏ đi.
- Nó đâu rồi?
- Nó nằm trong bụi cây kia.
- Gọi nó đi.
- Ta không có thức ăn để gọi nó.
Họ liền bảo đi mua một chảo cơm đem tới ngay. Bà già cầm chảo cơm, đổ đầy vào máng cạnh cửa lớn và đứng đợi gần đó. Ba mươi người đứng gần đó với thòng lọng trong tay. Bà già gọi:
- Này đến đây, Heo bé mõm dài, đến đây.
Heo lớn nghe thế, thầm nghĩ: "Lâu nay mẹ chưa hề gọi Heo bé như thế, bao giờ mẹ cũng gọi ta trước. Chắc chắn có gì nguy hiểm xảy ra cho chúng ta hôm nay". Heo lớn bảo em:
- Này em, mẹ đang gọi em, hãy ra tìm xem.
Heo bé đi ra, thấy đám người đang đứng cạnh máng ăn, liền nghĩ: "Hôm nay chắc ta chết mất". Thế rồi vì sợ chết, nó run rẩy quay lại với anh, và khi đã trở về chỗ cũ, nó cũng không kiềm chế được mình nên cứ quay cuồng run rẩy mãi. Heo lớn thấy vậy bảo:
- Này em, hôm nay em run rẩy quay cuồng nhìn chằm chằm về phía cổng. Tại sao em làm vậy?
Heo bé ngâm vần kệ đầu giải thích sự việc nó đã thấy:
Em lo chuyện lạ hôm nay,
Mẹ mình đứng cạnh máng đầy thức ăn,
Người cầm thòng lọng đứng gần,
Ðến ăn chắc hẳn hại thân mình rồi.
Bồ-tát nghe thế bảo:
- Này em Heo bé, mục đích mẹ ta nuôi heo bấy lâu nay đến giờ đã thành tựu, thôi đừng buồn khổ nữa.
Rồi với giọng ngọt ngào và vẻ bình thản của một vị Phật, ngài thuyết Pháp qua đôi vần kệ:
Hãi kinh, cầu cứu, run hoài,
Không ai cứu giúp em đòi trốn đâu?
Ăn đi, Heo bé chớ sầu,
Mẹ nuôi ta béo vì cầu thịt heo!
Nhào vô ao nước trong veo,
Mồ hôi cấu uế thật nhiều, rửa đi!
Rồi em sẽ thấy diệu kỳ,
Dầu thơm mát dịu không hề biến suy.
Trong khi ngài xem xét Thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt Từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam và ngâm hai vần kệ đầu, giọng ngài lan xa tận Ba-la-nại khắp cả mười hai dặm. Ngay lúc nghe giọng ấy, toàn dân Ba-la-nại từ quốc vương, phó quốc vương trở xuống đều đi đến đây, cùng những ai không đến đều đứng nghe trong nhà họ.
Quân sĩ nhà vua chặt hết bụi cây, san bằng mặt đất và rải cát lên. Ðám người thô tục đã tỉnh cơn say rượu, liền quăng bỏ thòng lọng và đứng nghe Pháp, bà già nọ cũng tỉnh rượu luôn. Bồ-tát bắt đầu thuyết Pháp cho Heo bé giữa đám quần chúng.
Heo bé nghe ngài, nghĩ thầm: "Anh ta bảo như vậy với ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ có thói quen nhảy vào ao nước, rồi nhờ cách tắm rửa mồ hôi cho sạch thân thể và sau khi tẩy cấu uế cũ, liền tẩm dầu thơm mới vào: tại sao anh ta lại bảo vậy với ta?". Do đó Heo bé ngâm vần kệ thứ tư:
Gì là ao nước pha lê,
Mồ hôi cấu uế nói về điều chi?
Dầu xoa kỳ diệu là gì?
Mùi hương ngào ngạt chẳng khi nào tàn?
Bồ-tát nghe vậy liền bảo:
- Hãy lắng tai nghe đây.
Và ngài ngâm các vần kệ thuyết Pháp với dáng an tịnh của một vị Phật:
Pháp là ao nước trong ngần,
Mồ hôi cấu uế lỗi lầm mê si,
Dầu thơm đức hạnh tẩm đi,
Mùi hương mãi mãi chẳng hề tàn phai.
Người không sinh mạng là vui,
Người còn sinh mạng bời bời lo toan.
Con người phải chết, chớ buồn,
Hãy vui như hội trăng tròn quanh năm.
Như vậy bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp bằng giọng ngọt ngào với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Ðám đông hàng ngàn người búng ngón tay, vẫy khăn tung hô và bầu không khí vang dậy tiếng reo:
- Tốt lành thay, tốt lành thay!
Vua Ba-la-nại tôn kính mời Bồ-tát lên vương tọa, và làm cho bà già vinh hiển bằng cách truyền tắm hai chú Heo với nước tẩm hương, mặc lễ phục, trang điểm vàng ngọc trên cổ và ban cho địa vị các vương tử trong kinh thành. Vì thế vua bảo vệ hai chú Heo với một đoàn quân hộ tống đông đảo.
Bồ-tát dạy Ngũ giới cho vua và tất cả dân chúng ở Ba-la-nại cùng Kàsi đều giữ Ngũ giới. Bồ-tát thuyết Pháp cho dân chúng vào các ngày trai giới (mồng tám và rằm) và ngồi xử án. Trong thời gian còn tại thế, không có người nào chịu bản án bất công cả. Sau đó vua băng hà, Bồ-tát cử hành tang lễ của vua, rồi ngài truyền viết một sách ghi đủ các phán quyết và bảo:
- Các vị phải theo sách này để xử án.
Sau khi thuyết Pháp cho quần chúng với nhiệt tâm, Ngài cùng chú Heo bé đi vào rừng trong lúc quần chúng than khóc kêu gào. Lời thuyết giảng của Bồ-tát lưu truyền suốt sáu mươi ngàn năm sau.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo sợ chết đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vua là Ànanda, Cullatundila là Tỷ-kheo sợ chết, quần chúng là Giáo hội và Ta chính là Mahàtundila.
-ooOoo-
389. Chuyện Con Cua Vàng (Tiền thân Suvannakakkata)
Một chú càng vàng với mắt lồi...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này lúc trú tại Trúc Lâm về việc Tỷ-kheo Ànanda hy sinh tính mạng vì Ngài.
Hoàn cảnh này đã được kể trong Tiền thân Khandahàla về việc thuê đám xạ thủ và trong Tiền thân Cullahamsa, số 533 về tiếng rống của con voi Dhanapàla (Tài Hộ). Khi Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong Chánh Pháp Ðường:
- Này các Tôn giả, có phải Trưởng lão Ànanda, vị Thủ kho Chánh Pháp đã đắc trí tuệ của một vị hữu học, đành hy sinh tính mạng vì đức Phật tối thắng khi con voi Dhanapàla xông đến?
Bậc Ðạo Sư bước vào và được kể lại đề tài thảo luận, Ngài bảo:
- Này các Tỷ-kheo, ngày xưa Ànanda cũng đã từng hy sinh tính mạng vì ta.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, có một làng Bà-la-môn tên là Sàlindiya ở phía đông thành Ràjagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh ở ngôi làng ấy trong một gia đình Bà-la-môn làm ruộng. Khi lớn lên ngài lập nghiệp và canh tác trang trại khoảng một ngàn harisa (khoảng 8000 mẫu) trong một huyện ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) về phía Ðông Bắc làng ấy.
Ngày kia ngài cùng gia nhân ra đồng bảo họ cày cấy xong, ngài đi đến một ao lớn cuối cánh đồng để rửa mặt. Trong ao ấy có một con Cua màu vàng óng ả, xinh đẹp, khả ái.
Bồ-tát bước xuống ao sau khi xỉa răng. Khi ngài rửa miệng, con Cua đến gần, ngài liền nhấc con Cua lên và đặt nó nằm trong áo khoác ngoài. Sau khi làm việc đồng áng xong, ngài đặt con Cua xuống ao như cũ và đi về nhà. Từ đó hễ mỗi lần ra đồng, ngài thường đến ao ấy trước tiên, đặt Cua lên áo ngoài rồi ra đi làm việc. Vì thế một tình cảm tin cậy thắm thiết nảy sinh giữa người và vật. Ngày ngày Bồ-tát vẫn đi làm ruộng đều đặn.
Bấy giờ trong mắt ngài có năm vẻ đẹp và ba vòng tròn trong vắt. Một con Quạ cái trên cây thốt nốt ở góc cánh đồng trông thấy mắt ngài, muốn ăn chúng, bèn bảo Quạ Ðực:
- Này chàng, em có một điều ước.
- Nàng ước chuyện gì?
- Em ước được ăn đôi mắt của một vị Bà-la-môn.
- Ðiều ước của nàng thật chẳng hay ho tí nào. Ai có thể lấy đôi mắt ấy cho nàng chứ?
- Em biết chàng không thể lấy được, song ở tổ kiến gần cây này có một con Rắn hổ đen, chàng hãy đến hầu hạ nó, rồi nó sẽ cắn vị Bà-la-môn để giết ông, sau đó chàng mổ mắt ông ra và mang về cho em.
Quạ đực đồng ý, sau đó nó đến hầu hạ con Rắn hổ. Con Cua cũng to lớn dần vào thời hạt giống do Bồ-tát gieo đã nẩy mầm.
Một hôm con Rắn bảo Quạ:
- Này bạn, bạn luôn phục vụ tôi, vậy tôi có thể làm gì cho bạn?
- Thưa Tôn ông, nữ tỳ của ngài đã mang niềm ao ước có được đôi mắt của vị chủ đám ruộng này. Tôi đến hầu hạ ngài chỉ cốt hy vọng nhờ ngài ban ân lấy cho được đôi mắt ấy.
Rắn bảo:
- Ðược lắm, việc ấy không khó, bạn phải được đôi mắt kia.
Con Rắn còn khích lệ con Quạ như thế.
Hôm sau, con Rắn nằm đợi vị Bà-la-môn đến, nó ẩn mình dưới đám cỏ, cạnh bờ ruộng ngài sắp bước tới. Bồ-tát xuống ao rửa miệng, cảm thấy mối thân ái với con Cua, nên ôm lấy nó đặt vào áo ngoài ra đồng.
Con rắn thấy ngài đến liền lao tới cắn vào bắp vế ngài khiến ngài ngã xuống ngay tại chỗ, rồi nó trốn trong tổ kiến. Sự kiện Bồ-tát ngã xuống đó, con cua vàng nhảy ra khỏi áo và con Quạ sà xuống đậu trên ngực Bồ-tát diễn ra liên tiếp nhau.
Con Quạ vừa đậu xong, liền lấy mỏ chụp đôi mắt Bồ-tát. Con Cua suy nghĩ: "Chính vì con Quạ này mà hiểm họa đã xảy đến với vị thân hữu của ta. Nếu ta kẹp lấy nó thì con Rắn sẽ bò tới". Vì vậy con Cua kẹp ngay cổ Quạ với chiếc càng xiết chặt như thể gọng kềm, khiến nó mệt phải nới lỏng ra đôi chút. Con Quạ cầu cứu con Rắn:
- Này bạn, tại sao bỏ rơi tôi mà chạy trốn? Con Cua này phá hại tôi. Hãy đến ngay trước khi tôi chết mất.
Rồi Quạ ngâm vần kệ đầu:
Một chú càng vàng với mắt lồi,
Ở hồ, trần trụi, bọc xương mai,
Chụp tôi, nghe tiếng tôi kêu thét
Sao bỏ bạn thân quý mến ngài?
Con Rắn nghe tiếng, giương mào rộng bò đến an ủi con Quạ.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ nhì phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của ngài, giải thích sự việc này:
Con Rắn bỗng nhào lên chú Cua,
Nó không muốn bỏ bạn bây giờ:
Rắn giương mào rộng vừa lao đến,
Cua tấn công ngay chú Rắn bò.
*
Con Cua mệt mỏi nới lỏng quạ ra đôi chút, con rắn suy nghĩ: "Loài cua chẳng hề ăn thịt quạ hay Rắn, vậy vì lý do gì con Cua này chụp chúng ta?" Rồi nó ngâm vần kệ hỏi Cua:
Chẳng phải vì lo kiếm miếng mồi
Mà Cua bắt Rắn, Quạ trên trời,
Mắt lồi hãy nói cho tôi biết
Sao chú lại kềm kẹp chúng tôi?
Nghe vậy, Cua ngâm hai vần kệ giải thích lý do:
Ngài đem ta tự dưới ao kia,
Bày tỏ ân cần, quý mến ta,
Nếu chết, thời ta đây khổ não,
Ngài và ta, chỉ một thôi mà.
Thấy ta nay đã lớn lên dần,
Ai nấy đều mong giết hưởng phần:
Cua mập ngọt ngon đầy mỹ vị,
Nhìn ta, Quạ muốn xé tan thân.
Nghe vậy Rắn suy nghĩ: "Ta phải dùng mưu kế lừa nó, rồi ta và Quạ thoát thân". Vì thế nó ngâm vần kệ thứ sáu để lừa Cua:
Nếu Cua kẹp Rắn, Quạ vì ngài,
Ta sẽ rút chất độc ấy thôi,
Ngài tỉnh dậy, mau tha Rắn, Quạ,
Thấm sâu chất độc, ắt tàn đời.
Nghe vậy, Cua suy nghĩ: "Con Rắn này muốn làm cho ta thả cả hai ra bằng mưu kế lừa bịp rồi bỏ chạy, nó không biết tài năng khôn khéo của ta. Nay ta muốn nới càng đôi chút để con Rắn có thể nhúc nhích, nhưng ta không thả con Quạ đây". Rồi nó ngâm vần kệ thứ bảy:
Ta thả Rắn, không thả Quạ đây,
Con tin là Quạ buộc nơi này,
Ta không thả nó đi nơi khác,
Cho đến khi an ổn với ngài.
Nói xong Cua nới lỏng càng để cho Rắn bò đi tự do. Con Rắn thu hồi nọc độc và thân thể Bồ-tát thoát khỏi nọc Rắn. Ngài đứng dậy vững vàng trong sắc thái tự nhiên.
Con Cua suy nghĩ: "Nếu hai con vật này bình an, chắc chắn bạn thân của ta không được thịnh vượng. Ta muốn giết cả bọn chúng", rồi lấy càng chà nát đầu chúng cho chết đi.
Con Quạ mái liền bay đi trốn mất khỏi chỗ ấy. Bồ-tát lấy gậy đâm qua mình Rắn ném vào bụi, để Cua vàng bò xuống ao nước rồi tắm rửa và trở về Sàlindiya. Từ đấy tình thân hữu càng thấm thiết hơn giữa ngài và con Cua ấy.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân qua những vần kệ cuối cùng:
Con Rắn hổ là chính Ác ma,
Đề-bà-đạt, ấy Quạ đen kia,
A-nan thiện hạnh là Cua nọ,
Ðiền chủ La-môn ấy chính Ta.
Khi các Sự Thật kết thúc, nhiều vị đắc Sơ quả (Dự Lưu) và các đạo quả khác. Con Quạ cái chính là Cìncamànavikà, mặc dù điều này không được nhắc đến trong vần kệ cuối cùng.
-ooOoo-
390. Chuyện Chim Mayhaka (Tiền thân Mayhaka)
Nếu hoan hỷ khi mong cầu bố thí...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về một thương nhân lạ thường.
Tại thành Xá-vệ, có một thương nhân lạ thường, giàu tiền của và đầy thế lực. Song ông không thọ hưởng giàu sang cũng không cho ai cả. Nếu các món cao lương mỹ vị được dọn lên, ông cũng không muốn dùng mà chỉ ăn cháo cám với tương chua. Nếu y phục lụa tơ tẩm hương chiên-đàn được mang đến, ông bảo đem cất đi và chỉ mặc loại áo quần vải thô bằng lông để lọc đường. Nếu xe ngựa được trang hoàng ngọc vàng do giống ngựa thuần chủng kéo đến mời, ông bảo đem cất đi và chỉ đi chiếc xe cũ kỹ ọp ẹp với chiếc dù lá cây che đầu. Suốt đời ông không làm bố thí hay công đức gì cả nên khi chết bị tái sinh vào ngục Roruva. Gia sản của ông không người thừa kế, quan quân nhà vua liền chở vào cung suốt bảy ngày đêm. Khi của cải ấy được chở vào, vua đi đến Kỳ Viên sau buổi điểm tâm và kính bái bậc Ðạo Sư. Khi được hỏi tại sao không đến yết kiến đức Phật đều đặn, vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, một thương nhân thật lạ thường vừa qua đời ở Xá-vệ. Suốt bảy ngày liền tài sản vị ấy được chở vào hoàng cung vì không người thừa kế. Tuy tài sản nhiều như vậy, trước kia ông không hề hưởng thụ phú quý cũng không đem cho ai cả. Tài sản ấy như thể một hồ sen được ác quỷ canh giữ. Một hôm ông lăn đùng ra chết sau khi đã từ chối hưởng thụ cao lương mỹ vị suốt đời. Tại sao một người ích kỷ và đáng chê trách như vậy lại tạo được nhiều tài sản thế kia và duyên cớ gì ông không hề nghĩ đến việc thụ hưởng phú quý?
Ðấy là câu hỏi mà vua nêu lên với bậc Ðạo Sư.
- Thưa Ðại vương, lý do tại sao vị ấy tạo được tài sản, tuy thế lại không hưởng thụ nó, chính là đây.
Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vị vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, có một thương nhân ích kỷ, không mộ đạo ở kinh thành. Ông không hề bố thí hay cung cấp vật gì cho ai. Một hôm đang đi chầu vua, ông thấy một vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha) tên là Tagarasikhi đang khất thực, liền đảnh lễ và hỏi:
- Thưa Tôn giả, ngài đã khất thực chưa?
- Này thương nhân, ta chưa khất thực. Vị Ðộc Giác Phật đáp.
Vị thương nhân ra lệnh cho người nhà:
- Này, đưa ngài về nhà ta, mời lên sàng tọa của ta và dâng một chén cơm đầy thức ăn dành cho ta.
Kẻ gia nhân đem ngài về nhà, mời ngồi xong, trình báo bà vợ thương nhân. Bà ấy dâng ngài một chén cơm đầy cao lương mỹ vị. Ngài cầm thức ăn rời khỏi nhà kia và ra đi.
Vị thương nhân từ triều đình trở về nhà, gặp ngài lại vái chào và hỏi thăm ngài đã nhận được thực phẩm chưa.
- Này thương nhân, ta đã nhận rồi.
Vị thương nhân nhìn vào bát và không thể nào đồng ý việc ấy, lại suy nghĩ: "Giá như gia nô của ta ăn bát cơm này, chúng sẽ làm cho ta biết bao nhiêu việc nặng nhọc, ôi! Ðấy thật là thiệt thòi cho ta!" và ông không thể nào làm cho tư tưởng sau khi bố thí được hoan hỷ trọn vẹn. Vậy bố thí cúng dường chỉ sinh kết quả phong phú với kẻ nào biết làm cho tư tưởng sau khi bố thí được hoan hỷ trọn vẹn.
Nếu hoan hỷ khi mong cầu bố thí
Thì hãy đem bố thí, dạ an vui,
Ðừng tiếc chi khi ta sống ở đời,
Ðàn con cháu chẳng bao giờ vong mạng.
Trước khi cho, niềm vui đầy tâm trạng,
Từ đó về sau tư tưởng hân hoan,
Bố thí kia đem phước đức vẹn toàn.
Như vậy thương nhân kỳ dị này được nhiều tài sản do đã cúng dường Ðộc Giác Phật Tagarasikhi, song lại không thể hưởng thọ phú quý vì đã không làm cho tư tưởng được thanh tịnh sau khi bố thí.
- Bạch Thế Tôn, tại sao vị ấy không có con cái?
Bậc Ðạo Sư đáp:
- Thưa Ðại vương, đây là duyên cớ vị ấy không có con.
Và theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình thương nhân giàu có đến tám trăm triệu đồng tiền. Khi trưởng thành, cha mẹ qua đời, ngài cung cấp tài sản cho em ngài và điều hành việc nhà. Ngài lập một bố thí đường tại cổng nhà và làm gia chủ chuyên tâm bố thí. Khi con ngài biết đi chập chững, ngài nhận thấy nỗi khổ của tham dục và phước đức của đời xuất gia, liền giao hết tài sản cùng vợ con cho người em trai, khuyến khích em tiếp tục bố thí tinh cần. Rồi ngài trở thành vị khổ hạnh, đạt được các Thắng trí và các thiền chứng và sống ở vùng Tuyết Sơn.
Em trai ngài nhận nuôi đứa cháu duy nhất ấy, song thấy nó lớn khôn, ông nghĩ: "Nếu con của anh ta sống, tài sản sẽ bị chia hai, ta muốn giết con anh ta". Vì thế một hôm, ông dìm cháu xuống sông cho chết. Sau khi tắm xong về nhà, chị dâu hỏi:
- Con trai tôi đâu?
- Nó chơi đùa dưới sông. Tôi tìm mãi nhưng không thể thấy nó đâu cả.
Bà chị chỉ khóc nhưng không nói gì cả. Bồ-tát biết việc này liền suy nghĩ: "Ta sẽ công bố chuyện này". Rồi du hành qua không gian, hạ xuống thành Ba-la-nại trong thượng y và hạ y chỉnh tề, ngài đứng ngay tại cửa, không thấy bố thí đường, ngài suy nghĩ: "Kẻ độc ác kia đã phá hủy bố thí đường".
Người em nghe tin ngài về, bước ra đảnh lễ Bồ-tát và mời ngài lên thượng lầu đãi tiệc thịnh soạn. Khi cơm nước xong, ngồi nói chuyện thân mật, ngài hỏi:
- Con trai ta không đến, nó đâu rồi?
- Thưa Tôn giả, nó chết rồi.
- Bằng cách nào?
- Tại một bến tắm, nhưng tiểu đệ không biết rõ cách nào.
- Không biết à? Này kẻ độc ác kia, hành động của chú đã dược ta biết rõ: chú đã không giết nó bằng cách ấy hay sao? Thế chú có đủ sức gìn giữ gia sản khi bị vua chúa, đạo tặc hay nhiều người khác đến phá hại chăng? Thế có gì khác nhau giữa chú và con chim Mayha đâu?
Như vậy Bồ-tát ngâm vần kệ này thuyết Pháp với vẻ an tịnh của một vị Phật:
Có con chim được gọi May-ha,
Nó sống trong hang dưới núi xa,
Trái chín trên cây sung cổ thụ,
"Của ta, ta nữa", nó kêu la.
Bầy chim kia lúc nó kêu vang,
Tụ tập chung quanh cả một đàn,
Ăn trái thỏa lòng tuy thấy thế,
May-ha vẫn cất tiếng kêu than.
Cũng vậy, người kia lắm bạc vàng,
Nhưng không chia sẻ giữa thân bằng,
Cũng không thọ hưởng lần nào cả
Y phục và luôn các thức ăn,
Hương liệu cùng vòng hoa rực rỡ,
Cũng không ân huệ với thân nhân.
"Của ta, ta mãi", kêu rền rĩ,
Nó giữ kho tàng thỏa dạ tham.
Vua chúa cường gian, các đứa con
Chỉ mong sao nó sớm từ trần,
Cướp tài sản nó, trong khi ấy
Kẻ bủn xỉn kêu khóc tiếc than.
Người có trí khôn được bạc vàng
Thường đem giúp đỡ các thân bằng,
Do vầy danh vọng trên trần thế,
Thiên giới đời sau được phước phần.
Như thế bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp khiến cho người em tiếp tục thực hành việc bố thí, rồi ngài trở về Tuyết Sơn tu tập Thiền định không ngừng và đời sau sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo:
- Như vậy, thưa Ðại vương, thương nhân kỳ dị kia không có con trai con gái gì cả vì người ấy đã giết con của anh mình.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Người em là thương nhân kỳ dị và người anh chính là Ta.
-ooOoo-
391. Chuyện Vị Tà Thuật Sư (Tiền thân Dhajavihetha)
Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu ...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Ngài xuất gia vì lợi lạc của quần sinh.
Hoàn cảnh của câu chuyện sẽ xuất hiện trong Tiền thân Mahàkanha, số 469. Lúc ấy, bậc Ðạo Sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai xuất gia vì ích lợi cho cả cõi đời.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Sakka Thiên chủ. Thời ấy có một tà thuật sư dùng thần lực nửa đêm xâm phạm tiết hạnh của chánh cung hoàng hậu ở Ba-la-nại. Các cung nữ của bà đều biết chuyện này. Chính hoàng hậu đến yết kiến vua và trình:
- Tâu Chúa thượng, có kẻ lạ mặt đột nhập cung thất và xúc phạm thần thiếp.
- Thế hoàng hậu có thể làm một dấu hiệu nào đó lên kẻ ấy chăng?
- Tâu vâng, thiếp có thể.
Do đó bà bảo lấy chén son đỏ thắm, khi kẻ ấy đến nửa đêm và ra đi sau cuộc truy hoan, bà hoàng liền in năm dấu ngón tay bà vào lưng y và sáng hôm sau trình vua. Ngài ra lệnh đám vệ sĩ đi tìm khắp nơi mang về kẻ nào có dấu son đỏ trên lưng.
Bấy giờ, sau khi phạm tà hạnh ban đêm, tà thuật sư đứng giữa ban ngày ở nghĩa địa thờ phụng mặt trời, quân nhà vua thấy được, bao vây y, song y tưởng rằng hành động của y đã bị mọi người phát giác, liền dùng tà thuật bay lên không. Vua hỏi đám vệ sĩ sau khi chứng kiến việc ấy trở về:
- Các ngươi thấy y chăng?
- Tâu Chúa thượng, chúng thần có thấy.
- Y là ai?
- Tâu Chúa thượng, một đạo sĩ.
Sau khi phạm tà hạnh ban đêm, y giả dạng làm đạo sĩ ban ngày. Vua nghĩ thầm: "Những kẻ này ban ngày đi quanh quẩn trong chiếc y khổ hạnh, còn ban đêm lại phạm tà dục".
Do đó vua đâm ra phẫn nộ với các đạo sĩ và chấp thủ tà kiến liền truyền công bố khắp kinh thành bằng trống lệnh rằng mọi đạo sĩ đều phải rời vương quốc, và sẽ bị quân sĩ trừng phạt nếu bị bắt gặp bất kỳ ở đâu.
Mọi đạo sĩ khổ hạnh đều chạy trốn khỏi vương quốc Kàsi rộng ba trăm dặm và đến trú ở các kinh thành khác. Do đó không có Sa-môn hay Bà-la-môn chân chánh nào thuyết Pháp cho dân chúng Kàsi, và vì không nghe được Chánh Pháp, họ trở nên tàn bạo, ghét bỏ bố thí và trì giới, phần lớn phải tái sinh vào đọa xứ lúc mạng chung và không được sinh thiên.
Sakka Thiên chủ không thấy một vị Thiên tử mới nào xuất hiện, liền xem xét lý do gì và thấy chính vì việc tống xuất các Sa-môn, Bà-la-môn ra khỏi vương quốc do vua Ba-la-nại chấp thủ tà kiến trong lúc phẫn nộ vị tà sư. Sau đó ngài suy nghĩ: "Trừ ta không ai có thể phá hủy tà kiến này của vua. Ta muốn cứu giúp vua và thần dân của nước này".
Vì vậy ngài đến gặp các Ðộc Giác Phật tại động Nandamùla và bảo:
- Này các Tôn giả, hãy cho ta một vị Ðộc Giác Phật Trưởng lão, ta muốn đi cảm hóa quốc độ Kàsi vào đạo.
Ngài mời một vị Trưởng lão trong các vị ấy ra đi. Khi ngài đã cầm y bát của vị ấy, Thiên chủ Sakka mời vị ấy đi trước, ngài theo sau với dáng điệu cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật, ngài biến mình thành một Sa-môn trẻ tuổi, tươi đẹp đi ba vòng quanh thành phố từ đầu đến cuối, rồi đến trước cổng hoàng cung, ngài đứng trên không. Quân canh đến trình với vua:
- Tâu Hoàng thượng, có một Sa-môn trẻ đầy hảo tướng cùng với một Sa-môn đang đứng trên không trung tại hoàng môn.
Vua từ bảo tọa đi ra và đứng ở lầu thượng hỏi:
- Này đạo sĩ trẻ, tại sao ông tuấn tú như vậy lại cung kính cầm y bát cho một Sa-môn dị tướng thế kia?
Rồi vua ngâm vần kệ đầu nói chuyện với ngài:
Dung mạo thanh cao, lại cúi đầu,
Sau người dị tướng, bước theo hầu,
Người này hơn, kém, hay bình đẳng,
Xin nói tánh danh, trẫm thỉnh cầu.
Thiên chủ đáp:
- Tâu Ðại vương, các Sa-môn ở địa vị của bậc Ðạo Sư, vậy nếu ta nêu danh tánh ngài thì thất lễ, nhưng ta sẽ nói cho Ðại vương biết tên ta.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Chư Thiên không nói họ cùng tên
Của thiện nhân toàn hảo, Thánh hiền,
Riêng chỉ phần ta nêu tước hiệu
Sak-ka Thiên chủ của chư Thiên.
Vua nghe vậy, liền ngâm vần kệ thứ ba hỏi phước đức gì trong sự tôn sùng Ðạo Sư:
Người kính yêu hiền Thánh vẹn toàn
Sau ngài, tiến bước dáng nghiêm trang,
Phần gì thừa hưởng, này Thiên chủ,
Phước đức đời sau sẽ phát ban?
Thiên chủ đáp lại vần kệ thứ tư:
Người kính yêu hiền Thánh vẹn toàn,
Sau ngài, cất bước dáng nghiêm trang,
Tiếng khen trần thế nay thừa hưởng,
Thiên giới đời sau lúc mạng chung.
Vua nghe lòi Thiên chủ liền dứt bỏ mọi tà kiến và hoan hỷ ngâm vần kệ thứ năm:
Mặt trời số phận chiếu hôm nay,
Mắt trẫm nhìn Thiên chủ hiển bày
Bậc Thánh xuất trần, này Ðế Thích,
Trẫm làm thiện sự kể từ rày.
Sakka Thiên chủ nghe vua tán thán vị Ðạo sĩ của ngài, liền ngâm vần kệ thứ sáu:
Chân chánh thay sùng bái Thánh nhân,
Tâm tư hướng đến trí cao thâm,
Giờ đây long nhãn đã chiêm ngưỡng
Thiên chủ Sak-ka với Thánh nhân,
Mong ước từ nay nhiều phước nghiệp
Sẽ là phận sự của minh quân.
Nghe vầy, vua ngâm vần kệ cuối cùng:
Tư tưởng mang đầy đủ phước ân,
Từ nay lòng dạ trẫm ly sân,
Lắng tai nghe ngoại nhân cầu thỉnh,
Trẫm nhận lời khuyên nhủ chánh chân,
Trẫm sẽ diệt tan lòng ngã mạn,
Phụng thờ Thiên chủ, dạ tôn sùng.
Sau khi nói xong, vua từ thượng lầu bước xuống, đảnh lễ vị Ðộc Giáo Phật và đứng một bên. Vị Ðộc Giáo Phật ngồi bắt chéo chân trên không và nói:
- Thưa Ðại vương, tà thuật sư không phải là đạo sĩ. Từ rày phải nhận thức người đời không phải toàn giả dối, còn có các Sa-môn Bà-la-môn chân thiện, do vậy hãy bố thí, tuân thủ Giới luật và thành trì các ngày trai giới (Bố-tát).
Ngài thuyết Pháp cho vua như vậy, còn Sakka Thiên chủ cũng dùng thần lực đứng trên không thuyết Pháp cho quần chúng:
- Từ nay về sau, hãy nhiệt tâm tinh cần.
Ngài truyền ban hồi trống ra lệnh khắp kinh thành cho các Sa-môn, và Bà-la-môn đã đi trốn phải hồi hương. Sau đó cả hai vị trở về cõi của mình. Còn vua tuân thủ lời khuyến giáo và thực hành các phước nghiệp.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, vị Ðộc Giáo Phật đắc Niết-bàn, vua là Ànanda và Ta chính là Sakka Thiên chủ.
-ooOoo-
392. Chuyện Củ và Hoa Sen (Tiền thân Bhisapuppha)
Ngài không được phép ngửi hương hoa...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng vị Tỷ-kheo ấy đã rời Kỳ Viên và trú tại quốc độ Kosala gần một khu rừng. Một hôm ông xuống hồ sen, khi thấy một hoa sen, ông đứng tránh gió và ngửi mùi hương sen. Vị nữ Thần ở trong khu rừng ấy đe dọa ông:
- Này Tôn giả, ngài ngửi trộm hương, đây là một hình thức trộm cắp.
Ông hoảng sợ trở về Kỳ Viên, đến vái chào bậc Ðạo Sư và ngồi xuống một bên.
- Này Tỷ-kheo, lâu nay ông ở đâu?
- Bạch Thế Tôn, ở trong rừng nọ, và vị nữ Thần đe dọa con như vậy.
Bậc Ðạo Sư bảo:
- Ông không phải là người đầu tiên bị nữ Thần đe dọa khi ngửi hương hoa. Các bậc trí ngày xưa cũng đã từng bị đe dọa như vậy.
Và theo lời thỉnh cầu của vị Tỷ-kheo, ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở Kàsi. Khi lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Ðại học Takkasilà và sau đó trở thành nhà khổ hạnh sống gần một ao sen. Một hôm ngài bước xuống ao và đứng ngửi một đóa hoa đang nở, một nữ Thần ở trong hốc cây gần đó ngâm vần kệ đầu đe dọa ngài:
Ngài không được phép ngửi hương hoa,
Dù chỉ một hoa mới nở ra,
Ðó thật là hình thức đạo tặc,
Sa-môn, ngài trộm ngửi hương hoa.
Bồ-tát liền ngâm vần kệ thứ hai:
Ta chẳng hái, không bẻ gãy hoa,
Mùi hương ta ngửi tự đằng xa,
Ta không thể bảo nào duyên cớ
Nàng nói ta đang ngửi trộm hoa.
Cùng lúc ấy, có một người đang đào bới ngó sen và củ sen, làm gãy nát thân cây sen. Bồ-tát thấy thế, liền nói:
- Nàng gọi một người ngửi mùi hương từ đàng xa là ăn trộm. Sao nàng không nói vậy với người kia?
Thế là ngài ngâm vần kệ thứ ba để nói chuyện này:
Kẻ nọ đang đào bới củ sen,
Phá thân cây gãy, đó nhìn xem,
Sao nàng không bảo cách hành động
Kẻ ấy là bừa bãi, thấp hèn?
Nữ Thần liền ngâm vần kệ thứ năm và thứ sáu giải thích tại sao nàng không nói với kẻ kia:
Những người phóng túng sống buông lơi,
Như áo vú em, đáng chán rồi,
Ta chẳng nói năng gì kẻ ấy,
Song ta chiếu cố nói ngài thôi.
Khi bỏ dục tham của thế nhân,
Và đi tìm cách tịnh thân tâm,
Tội dù chỉ nhỏ như đầu tóc
Chẳng khác trên trời đám hắc vân!
Nghe nữ Thần cảnh báo như vậy, Bồ-tát xúc động ngâm vần kệ thứ sáu:
Hiển nhiên Thần nữ hiểu tinh tường,
Nên với ta, nàng đã đoái thương,
Nếu thấy ta rày còn tái phạm,
Xin nàng nói nữa, khẩn cầu nàng.
Sau đó, nữ Thần ngâm vần kệ thứ bảy:
Ta chẳng sống đây phụng sự ngài,
Chúng ta không ở mướn cho ai,
Xin ngài tự kiếm đường đi tới
Hạnh phúc tối cao giữa cõi đời.
Khích lệ ngài như thế xong, nữ Thần trở về nơi cư trú của nàng. Còn Bồ-tát nhiệt tâm nhập đại định về sau tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, nữ Thần là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-
393. Chuyện Món Tàn Thực (Tiền thân Vighàsa)
Hạnh phúc là ai sống giữa đời...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Ðông Viên liên hệ đến một số Tỷ-kheo thích lạc thú.
Trưởng lão Mahamoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) đã làm rung chuyển cả trú xứ của họ và cảnh báo họ. Tăng chúng bắt đầu bàn luận về lỗi lầm này tại Chánh pháp đường. Bậc Ðạo Sư được kể sự việc trên, liền bảo:
- Ðây không phải là lần đầu tiên họ thích lạc thú.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ. Có bảy anh em trong một làng ở Kàsi nhận thấy tai hại của lòng tham dục, liền rời bỏ thế tục và trở thành ẩn sĩ. Họ sống tại Mejjhàrannã, nhưng vẫn ham thích các lạc thú, không chuyên tâm tu tập và chỉ làm theo thói quen của vật chất.
Sakka Thiên chủ bảo:
- Ta muốn đi cảnh báo bọn này.
Do đó ngài biến mình thành chim Anh vũ (két) đến trú xứ của họ, vừa đậu trên cây vừa ngâm vần kệ đầu cảnh báo họ:
Hạnh phúc là ai sống giữa đời
Bằng tàn dư bố thí mà thôi,
Ðược người tán thán trên trần thế,
Số phận đời sau: lạc cõi trời.
Khi ấy, một người trong bọn họ nghe tiếng chim Anh vũ, liền gọi đám kia lại và ngâm vần kệ thứ hai:
Bậc trí phải chăng nên lắng tai
Khi Anh vũ nói giọng như người,
Hãy nghe, các bạn, chim ca tụng
Bọn chúng ta đây, rõ tuyệt vời!
Anh vũ liền ngâm vần kệ thứ ba phủ nhận điều này:
Chẳng phải ta ca tụng các thầy,
Bọn ăn xác chết, hãy nghe đây:
Các thầy ăn món đồ thừa thải,
Chẳng phải tàn dư bố thí này.
Khi nghe chim nói, họ đồng thanh ngâm vần kệ:
Xuất thế bảy năm, cạo tóc đen,
Nơi đây ta sống tháng ngày liền,
Ăn đồ tàn thực, sao chim trách,
Vậy thế ai người thật đáng khen?
Bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ năm khiển trách để họ phải ăn năn hối cải:
Món thừa sư, hổ, thú săn mồi,
Là thứ cần dùng của các người,
Quả thật chúng là đồ phế thải
Dù người gọi "chỉ tàn dư thôi".
Nghe vậy, các vị ẩn sĩ lại hỏi:
- Nếu chúng ta không phải là người sống bằng tàn thực, thì xin cho biết họ là những ai?
Ngài liền ngâm vần kệ thứ bảy nêu rõ ý nghĩa đích thực của việc này:
Người nào bố thí các Sa-môn,
Ðể đáp ứng ngay mọi thứ cần,
Rồi thọ những gì còn để lại,
Sống nhờ của bố thí dư tàn.
Như vậy Bồ-tát làm cho họ ăn năn hối lỗi rồi trở về cõi của ngài.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, bảy ẩn sĩ kia là các Tỷ-kheo thích lạc thú này và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
394. Chuyện Chim Cút (Tiền thân Vattaka)
Bơ, dầu đủ món cao lương...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Khi thấy vị ấy tham lam, bậc Ðạo Sư bảo:
- Ðây không phải lần đầu ông tham lam, ngày xưa có lần do tham lam, ông không thỏa mãn với các xác voi, bò ngựa và hy vọng kiếm được nhiều thức ăn ngon hơn, ông đã vào rừng sâu.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con chim Cút sống ở rừng sâu bằng cỏ khô và hạt cây. Thời ấy tại Ba-la-nại có một con Quạ tham ăn, không hài lòng với các xác chết của voi, ngựa và nhiều súc vật khác, liền vào rừng kia với hy vọng tìm nhiều của ngon vật lạ hơn. Trong lúc ăn trái rừng, nó chợt thấy Bồ-tát liền nghĩ thầm: "Con chim Cút này rất mập, ta đoán nó ăn nhiều thức ngon ngọt, ta muốn hỏi nó về món kia và ăn để ta cũng mập hơn".
Quạ đậu trên bụi cây cao hơn Bồ-tát, dù nó không hỏi, Bồ-tát vẫn chào nó và ngâm vần kệ đầu:
Bơ, dầu đủ món cao lương,
Chú ơi, thực phẩm chú toàn thơm ngon,
Cho tôi biết rõ nguồn cơn
Tại sao chú phải gầy mòn thế ư?
Nghe lời nầy, Quạ ngâm ba vần kệ đáp lại:
Ta đang sống giữa kẻ thù,
Lòng ta cứ phải ưu tư rã rời,
Hãi kinh đi kiếm miếng mồi,
Muốn thành béo mập, Cút ơi, cách nào?
Suốt đời Quạ sống lo âu,
Trí luôn cảnh giác, đương đầu nguy nan,
Miếng mồi kiếm chẳng đủ ăn,
Cút ơi, vì thế gầy mòn thân ta.
Cỏ khô, hạt thóc quả là
Thức ăn của Cút chẳng no béo gì,
Vì sao Cút mập thế kia,
Lại ăn ít ỏi, nói đi, bạn vàng!
Bồ-tát nghe vậy, ngâm các vần kệ giải thích lý do béo mập của mình:
Ta mong vừa đủ an nhàn,
Thong dong bay lượn quãng đường ngắn kia,
Kiếm ăn bất cứ vật gì,
Nên ta béo mập khó bì, Quạ ơi!
Tràn đầy hạnh phúc, an vui,
Trong lòng biết đủ, thảnh thơi tháng ngày,
Mục tiêu dễ đạt lắm thay,
Ðây phần ưu thắng đời này ta theo.
*
Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này và chim Cút chính là Ta.
-ooOoo-
395. Chuyện Con Quạ (Tiền thân Kàka)
Ông bạn cũ ơi, hãy ngắm xem...,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam. Hoàn cảnh này cũng giống như trên.
*
Ngày xưa, khi vua Brahamadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là chim Bồ câu sống trong cái thúng ở trong nhà bếp của một thương nhân Ba-la-nại. Một chú Quạ đến kết thân với Bồ câu và cùng sống ở đó. Ðến đây câu chuyện cần được trình bày đầy đủ chi tiết hơn. Người đầu bếp nhặt hết lông Quạ, rắc bột lên rồi chọc thủng một vỏ ốc bóng loáng đeo trên cổ Quạ và ném nó vào thúng.
Bồ-tát bay từ rừng về, thấy vậy, và ngâm vần kệ đầu để trêu ghẹo Quạ:
Ông bạn cũ ơi, hãy ngắm xem,
Nữ trang sáng rực rỡ đeo lên,
Bộ râu tỉa gọn oai ra phết,
Trông bạn thật tươi trước mắt nhìn!
Quạ nghe lời nầy, liền đáp vần kệ thứ hai:
Các lông, móng cứ mọc nhanh ghê,
Làm vương víu ta khắp mọi bề,
Thợ hớt tóc sau cùng bước tới,
Nên ta thoát lớp vỏ xù xì!
Sau đó Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba:
Dĩ nhiên Quạ được vặt lông đen,
Chú thợ cạo kia thật khéo khen!
Quanh cổ thì sao, xin nói rõ,
Cái gì lúng lẳng tựa chuông reng?
Tiếp theo Quạ ngâm hai vần kệ nữa:
Những người thanh lịch vẫn đeo hoài
Quanh cổ ngọc châu, thói ở đời,
Muốn bắt chước người, ta cũng vậy,
Bạn đừng tưởng đó chuyện đùa chơi!
Còn nếu bạn ganh tỵ bộ ria
Ðược khéo điểm tô chải chuốt kia,
Ta sẽ nhờ người này cạo giúp,
Rồi đeo ngọc, bạn cũng như ta.
Bồ-tát nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ sáu:
Không, chính ông phù hợp nhất đời
Với râu và ngọc khéo ra oai,
Thấy ông hiện diện gây phiền toái,
Ta giã biệt ông, cất bước thôi!
Cùng với các lời này, Bồ câu bay đi nơi khác, còn Quạ chết ngay tại chỗ ấy.
*
Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Tam quá (Bất Lai). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, con Quạ là vị Tỷ-kheo tham lam này, còn Bồ câu chính là Ta.
-ooOoo-
- Hết Tập VI, Tiểu Bộ Kinh -
Hết phần Chương VI - Phẩm Sáu Bài Kệ

(Lên đầu trang)


Tập VI - Chuyện Tiền Thân Đức Phật (3) có tổng cộng 4 phần.
Xem phần trước           ||


Tải về dạng file RTF
_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Phù trợ người lâm chung


Giọt mồ hôi thanh thản

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.216.11.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (93 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...