Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Nādikā (bộ lạc Na-đề-ca) tại Giñjakāvasatha (nhà làm bằng gạch). Lúc bấy giờ, Thế Tôn thường hay tuyên bố về vấn đề tái sanh của những tín đồ đã sống, đã từ trần và đã mệnh chung trong các bộ lạc xung quanh như bộ lạc Kāsi (Ca-thi), Kosala (Câu-tát-la), Vajjī (Bạt-kỳ), Mallā (Mạt-la), Ceti (Chi-đề), Vaṃsa (Bạt-sa), Kuru (Câu-lâu), Pañcāla (Ban-giá-la), Maccha (Bà-sá-la) Sūrasena (Mậu-ba-tây-na):
- Vị này sanh ra tại chỗ này! Vị kia sanh ra tại chỗ kia. Hơn năm mươi vị tín đồ ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với năm hạ phần kiết sử đã được đoạn trừ, được hóa sanh (thiên giới) từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Hơn chín mươi vị ở Nādikā, đã từ trần, đã mệnh chung, với ba kiết sử đã được đoạn trừ, với tham, sân, si được giảm thiểu, chứng quả Nhất lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ tận diệt khổ đau. Hơn năm trăm vị Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung, với ba kiết sử đã được diệt trừ, chứng quả Dự lưu, nhất định không đọa ác đạo, đạt đến Chánh Giác.
2. Các vị tín đồ ở Nādikā được nghe: "Thế Tôn thường hay tuyên bố về vấn đề tái sanh của những tín đồ đã từ trần và đã mệnh chung trong các bộ lạc xung quanh, như bộ lạc Kāsi, Kosala, Vajjī, Mallā, Ceti, Vaṃsa, Kuru, Pañcāla, Maccha, Sūrasena: "Vị này sanh ra tại chỗ này. Vị kia sanh ra tại chỗ kia. Hơn năm mươi vị tín đồ ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với năm hạ phần kiết sử đã được đoạn trừ, được hóa sanh (Thiên giới) từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Hơn chín mươi vị ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với ba kiết sử đã được đoạn trừ, với tham, sân, si được giảm thiểu, chứng quả Nhất lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Hơn năm trăm vị ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với ba kiết sử đã được đoạn trừ, chứng quả Dự lưu, nhất định không đọa ác đạo, đạt đến Chánh Giác". Các vị tín đồ ở Nādikā được nghe Thế Tôn hỏi đáp như vậy, lấy làm hoan hỷ, tín thọ, an lạc.
3. Tôn giả Ānanda được nghe: "Thế Tôn thường hay tuyên bố về vấn đề tái sanh của những tín đồ đã từ trần, đã mệnh chung trong các bộ lạc xung quanh, như bộ lạc Kāsi, Kosala, Vajjī, Mallā, Ceti, Vaṃsa, Kuru, Pañcāla, Maccha, Sūrasena: "Vị này sanh ra tại chỗ này, vị kia sanh ra tại chỗ kia. Hơn 50 vị tín đồ Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với năm hạ phần kiết sử đã được đoạn trừ, được hóa sanh (thiên giới) từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Hơn chín mươi vị ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với ba kiết sử đã được đoạn trừ, với tham, sân, si được giảm thiểu, chứng quả Nhất lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Hơn năm trăm vị ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với ba kiết sử đã được diệt trừ, chứng quả Dự lưu, nhất định không đọa ác đạo, đạt đến Chánh Giác". Các vị tín đồ ở Nādikā được nghe Thế Tôn hỏi đáp như vậy lấy làm hoan hỷ, tín thọ, an lạc".
4. Rồi tôn giả Ānanda suy nghĩ: "Nhưng ở tại Magadha (Ma-kiệt-đà), có nhiều tín đồ đã tu hành lâu ngày và đã từ trần, mệnh chung, nhiều đến nỗi người ta tưởng hai xứ Aṅga (Ương-già) và Magadha đều trống không vì số tín đồ từ trần mệnh chung. Những vị này tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp và tin tưởng Tăng, và giới luật đầy đủ. Nhưng Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và sự mệnh chung của họ. Lành thay nếu gợi được một câu trả lời về họ, nhờ vậy nhiều người sẽ khởi lòng tin, và từ đó được sanh lên thiện giới.
Lại có vua Seniya Bimbisāra (Tư-ni-du Tần-bà-sa) xứ Magadha sống như Pháp, dùng Chánh pháp trị nước, có lòng thương tưởng các vị Bà-la-môn, Gia chủ, dân chúng thị thành và dân chúng thôn quê. Vua này được dân chúng xưng tán như sau: "Vị vua sống như pháp, dùng chánh pháp trị nước, đã làm cho chúng ta sung sướng, vị này mệnh chung. Chúng ta đã sống thật hạnh phúc dưới thời vua sống như Pháp và dùng Chánh pháp trị nước này.
Vị vua này cũng tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp, tin tưởng Tăng và giới luật đầy đủ". Và dân chúng cũng nói: "Cho đến khi mệnh chung, vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha luôn luôn tán dương Thế Tôn". Nhưng Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và mệnh chung của vị vua này. Lành thay, nếu gợi được câu trả lời về vị vua này, nhờ vậy nhiều người sẽ khởi lòng tin và từ đó được sanh lên thiên giới.
Lại nữa Thế Tôn chứng quả Bồ-đề tại Magadha. Thế Tôn đã chứng quả Bồ-đề tại Magadha. Thế Tôn đã chứng Bồ đề ở Magadha tại Magadha thì sao Ngài lại không nói đến về sự từ trần và mệnh chung của các tín đồ ở Magadha? Nếu Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và mệnh chung của các tín đồ ở Magadha thời các vị này sẽ đau buồn và nếu các vị này đau buồn thời sao Thế Tôn có thể không trả lời được?"
5. Sau khi đã suy nghĩ một mình, yên lặng, vì các tín đồ ở Magadha, tôn giả Ānanda sáng hôm sau thức dậy đến tại chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn con có nghe: Thế Tôn thường hay tuyên bố về vấn đề tái sanh của những tín đồ đã từ trần, đã mệnh chung trong các bộ lạc xung quanh, như bộ lạc Kāsi, Kosala, Vajjī, Mallā, Ceti, Vaṃsa, Kuru, Pañcāla, Maccha, Sūrasena: "Vị này sanh ra tại chỗ này, vị kia sanh ra tại chỗ kia. Hơn năm mươi vị tín đồ ở Nādikā đã mệnh chung với năm hạ phần kiết sử đã được nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Hơn chín mươi vị ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với ba kiết sử đã được đoạn trừ, với tham, sân, si được giảm thiểu, chứng quả Nhất Lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Hơn năm trăm vị ở Nādikā đã từ trần, đã mệnh chung với ba kiết sử đã được đoạn trừ, chứng quả Dự lưu, nhất định không đọa ác đạo, đạt đến Chánh Giác". Các vị tín đồ ở Nādikā được nghe Thế Tôn hỏi đáp như vậy lấy làm hoan hỷ, tín thọ, an lạc.
6. Bạch Thế Tôn, nhưng ở tại Magadha có nhiều tín đồ này tu hành lâu ngày và đã từ trần, mệnh chung, nhiều đến nỗi người ta tưởng hai xứ Aṅga và Magadha đều trống không vì số tín đồ từ trần mệnh chung. Những vị này tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp, tin tưởng Tăng và giới luật đầy đủ. Nhưng Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và mệnh chung của họ.
Lành thay nếu gợi được một câu trả lời về họ, và như vậy nhiều người sẽ khởi lòng tin, và từ đó được sanh lên Thiên giới. Bạch Thế Tôn, lại có vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sống như Pháp, dùng Chánh pháp trị nước, có lòng thương tưởng các vị Bà-la-môn, Gia chủ, dân chúng thị thành và dân chúng thôn quê. Vua này được dân chúng xưng tán như sau: "Vị vua sống như Pháp, và dùng Chánh pháp cai trị nước này. Vị Vua này cũng tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp, tin tưởng Tăng và giới luật đầy đủ". Và dân chúng cũng nói: "Cho đến khi mệnh chung, vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha luôn luôn tán dương Thế Tôn".
Nhưng Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và mệnh chung của vị vua này. Lành thay nếu gợi được câu trả lời về vị vua này, nhờ vậy nhiều người sẽ khởi lòng tin, và từ đó được sanh lên thiên giới.
Bạch Thế Tôn, lại nữa Thế Tôn đã chứng quả Bồ-đề ở Magadha. Thế Tôn đã chứng quả Bồ đề ở Magadha, thời sao Ngài không nói về sự từ trần và mệnh chung của các tín đồ ở Magadha. Nếu Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và mệnh chung của các tín đồ ở Magadha, thời các vị này sẽ đau buồn, và nếu các vị này đau buồn thời sao Thế Tôn có thể không thể trả lời được!
Tôn giả Ānanda, vì các tín đồ ở Magadha, sau khi đã trình lên trước Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, từ tạ ra đi.
7. Sau khi tôn giả Ānanda đi ra không bao lâu, Thế Tôn liền đắp y vào buổi sáng, tay cầm y bát, đi vào Nādikā để khất thực. Khi khất thực ở Nādikā xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực về và rửa chân, Ngài vào ngôi nhà bằng gạch, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, suy nghĩ, tư duy chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ ở Magadha: "Ta sẽ tìm ra chỗ thọ sanh của họ, vận mạng của họ. Các Hiền nhân này thọ sanh ở đâu, vận mạng như thế nào?"
Thế Tôn thấy được chỗ thọ sanh và vận mạng của các Hiền nhân tín đồ ở xứ Magadha này. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, sau khi tịnh niệm, bước ra khỏi ngôi nhà bằng gạch, rồi ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, dưới bóng ngôi nhà.
8. Rồi Tôn giả Ānanda đến tại chỗ Thế Tôn ở, lúc đến xong, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ngó thật là an tịnh; diện sắc của Thế Tôn như là sáng chói nhờ các căn thật sự thanh tịnh. Bạch Thế Tôn Thế Tôn hôm nay an trú có được hoan hỷ không?
9. - Này Ānanda, sau khi Ngươi, vì các tín đồ ở Magadha đã nói trước mặt Ta như vậy và đứng dậy ra về, Ta đi khất thực ở Nādikā xong, sau bữa ăn, khi đi khất thực về và rửa chân, Ta vào ngôi nhà bằng gạch, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, suy nghĩ tư duy, chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ ở Magadha: "Ta sẽ tìm ra chỗ thọ sanh của họ, vận mạng của họ. Các vị Hiền nhân này thọ sanh ở đâu, vận mạng như thế nào?" Rồi Ta thấy được chỗ thọ sanh và vận mạng của các Hiền nhân tín đồ ở xứ Magadha này.
Này Ānanda, lúc bấy giờ một vị Dạ-xoa (Yakkha) ẩn mình lớn tiếng nói rằng: "Bạch Thế Tôn, con tên là Janavasabha. Bạch Thiện Thệ, con là Janavasabha". Này Ānanda, Ngươi từ trước đã từng được nghe ai tên là Janavasabha (Xà-ni-sa) chưa?
- Bạch Thế Tôn, con từ trước chưa từng được nghe ai tên Janavasabha. Bạch Thế Tôn, khi con nghe tên Janavasabha, con có cảm giác râu tóc bị dựng ngược, Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ: "Vị Dạ-xoa này không phải là hạng tầm thường, vì đã mang tên Janavasabha".
10. - Này Ānanda, khi những lời ấy được nói xong, vị Dạ-xoa ấy hiện ra trước mặt Ta, nhan sắc thật phi thường và lần thứ hai, vị ấy nói:
"- Bạch Thế Tôn, con là Bimbisāra! Bạch Thế Tôn, con là Bimbisāra! Bạch Thế Tôn, nay là lần thứ bảy con được sanh vào giòng họ vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Con chết đi trong địa vị làm vua ở nhơn gian, nay được sanh trên thiên giới, làm bậc phi nhân.
Từ đây đến bảy lần
Từ kia đến bảy lần
Mười bốn lần tái sanh.
Như vậy con biết được,
Ðời quá khứ của con.
Bạch Thế Tôn, từ lâu con không còn đọa lạc vào ác thú vì con đã hiểu được ác thú, và nay con muốn trở thành bậc Nhất lai.
"- Thật hy hữu thay, Hiền giả Dạ-xoa Janavasabha! Thật kỳ diệu thay, Hiền giả Dạ-xoa Janavasabha đã nói với ta: 'Bạch Thế Tôn, từ lâu con không còn đọa lạc vào ác thú vì con đã hiểu được ác thú, và nay con muốn trở thành bậc Nhất lai.' Do nguyên nhân gì, Hiền giả Dạ-xoa Janavasabha tự biết mình đã đạt được địa vị cao thượng, thù thắng như vậy?"
11- "Bạch Thế Tôn, không gì khác ngoài giáo lý của Ngài! Từ khi con nhất hướng quy y và tín ngưỡng Thế Tôn, từ khi ấy con không còn đọa lạc vào ác thú, vì con đã hiểu được ác thú, và nay con muốn trở thành bậc Nhất lai.
Bạch Thế Tôn, con được vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương) nhờ con đi đến vua Virūḷhaka (Tăng Trưởng Thiên vương) có chút công việc, giữa đường con thấy Thế Tôn vào ngôi nhà bằng gạch suy nghĩ tư duy, chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ ở Magadha: "Ta sẽ tìm ra chỗ thọ sanh của họ, vận mạng của họ. Các Hiền nhân này thọ sanh ở đâu, vận mạng thế nào? "Bạch Thế Tôn! Không thể kỳ diệu sao được khi con đối mặt tự thân nghe từ miệng vua Vessavana nói với hội chúng của mình, các Hiền nhân này thọ sanh ở đâu, vận mệnh như thế nào? Bạch Thế Tôn! Ta sẽ đề cập vấn đề với Thế Tôn!" Bạch Thế Tôn, đó là hai nguyên nhân khiến con đến yết kiến Thế Tôn!
12. "Bạch Thế Tôn, trong những ngày xưa, những ngày xa xưa, nhân đêm trăng rằm Bố-tát (Uposatha) trong tháng nhập an cư mùa mưa, toàn thể chư Thiên ở cõi Tāvatiṃsa (Tam thập tam thiên) ngồi họp hội tại Thiện Pháp đường (Sudhammā). Xung quanh có Ðại Thiên chúng ngồi khắp mọi phía, tại bốn phương hướng có bốn vị đại vương ngồi. Ðại vương Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên vương) vua ở phương Ðông, ngồi xây mặt hướng Tây, trước mặt Thiên chúng. Ðại vương Virūḷhaka (Tăng Trưởng Thiên vương), vua ở phương Nam ngồi xây mặt hướng Bắc, trước mặt Thiên chúng. Ðại vương Virūpakkha (Quảng Mục Thiên vương) vua ở phương Tây, ngồi xây mặt hướng Ðông, trước mặt Thiên chúng. Ðại vương Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương), vua ở phương Bắc, ngồi xây mặt hướng Nam, trước mặt Thiên chúng.
Bạch Thế Tôn, khi nào toàn thể chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên ngồi hội họp tại Thiện Pháp đường xung quanh có Ðại thiên chúng ngồi khắp mọi phía, và tại bốn phương hướng có bốn vị đại vương ngồi, như vậy là thứ tự chỗ ngồi của những vị này, rồi đến chỗ ngồi của chúng con. Bạch Thế Tôn, chư Thiên nào trước sống Phạm hạnh theo Thế Tôn và nay nếu sanh lên cõi Tam thập tam thiên, những vị này thắng xa chư Thiên khác về thân sắc và danh tiếng. Bạch Thế Tôn chư Thiên ở Tam thập tam thiên hoan hỷ, tín thọ, hỷ lạc sanh: "Thiên giới thật sự được tăng thịnh, còn A-tu-la giới bị hoại diệt".
13. "Bạch Thế Tôn, lúc bấy giờ Thiện chủ Ðế thích (Sakka Inda) thấy chư thiên ở Tam thập tam thiên hoan hỷ, liền tùy hỷ nói lên bài kệ như sau:
Chư Tam thập tam thiên,
Cùng Ðế-thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Cùng Chánh pháp vi diệu.
Thấy Thiên chúng tân sanh,
Quang sắc thật thù thắng,
Các vị sống Phạm hạnh,
Nay sanh tại cõi này.
Họ thắng về quang sắc,
Thọ mạng và danh xưng,
Ðệ tử bậc Ðại Tuệ,
Thù thắng sanh cõi này.
Chư Tam thập tam thiên,
Cùng Ðế-thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Cùng Chánh pháp vi diệu.
"Bạch Thế Tôn, chư Thiên ở Tam thập tam thiên lại càng hoan hỷ, tín thọ, hỷ lạc sanh hơn nữa và nói: "Thiện giới thật sự được tăng thịnh, còn A-tu-la giới bị hoại diệt".
14. "Bạch Thế Tôn, rồi với mục đích gì chư Thiên ở Tam thập tam thiên ngồi hội họp tại Thiện Pháp đường, các vị này suy tư thảo luận về mục đích ấy. Và tùy thuộc về mục đích ấy, bốn vị đại vương được thuyết giảng. Theo mục đích ấy, bốn vị đại vương được khuyến giáo, bốn vị này đều đứng một bên chỗ ngồi của mình.
Các đại vương chấp nhận
Lời giảng dạy khuyến giáo.
Thanh thoát và an tịnh,
Ðứng bên chỗ mình ngồi.
15. "Bạch Thế Tôn, rồi từ phương Bắc, một ánh sáng vi diệu khởi lên, một hào quang hiện ra, thắng xa oai lực của chư Thiên. Bạch Thế Tôn rồi Thiên chủ Sakka nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên: "Này các Thiện hữu, theo các hiện tượng được thấy, ánh sáng khởi lên, hào quang hiện ra như vậy báo hiệu Phạm thiên sẽ xuất hiện. Vì hiện tượng báo hiệu Phạm thiên xuất hiện là ánh sáng khởi lên và hào quang hiện ra".
Theo hiện tượng được thấy,
Phạm thiên sẽ xuất hiện.
Hiện tượng đấng Phạm thiên,
Là hào quang vi diệu.
16. "Bạch Thế Tôn, rồi chư Thiên ở Tam thập tam thiên ngồi xuống trên ghế của mình và nói: "Chúng tôi sẽ tìm hiểu hậu quả của hào quang này là thế nào sau khi được biết, chúng tôi sẽ đi gặp vị ấy".
"Cũng vậy, bốn vị đại vương ngồi xuống trên ghế ngồi của mình và nói: "Chúng ta sẽ tìm hiểu hậu quả của hào quang này là thế nào sau khi được biết, chúng tôi sẽ đi gặp vị ấy". Sau khi nghe vậy, chư Thiên ở Tam thập tam thiên đều đồng một lòng một ý: "Chúng ta sẽ tìm hiểu hậu quả của hào quang này là thế nào, sau khi được biết, chúng ta sẽ đi gặp vị ấy".
17. "Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanamkumãra (Thường Ðồng hình Phạm thiên) xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngài xuất hiện với một hóa tướng thô xấu. Bạch Thế Tôn, vì khi Phạm thiên tự nhiên hiện hóa, sắc tướng không đủ thù thắng để chư Thiên ở Tam thập tam thiên khâm phục. Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanaṅkumāra xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, vị này thắng xa chư Thiên khác về sắc tướng và danh xưng. Bạch Thế Tôn, như một hình tượng bằng vàng chói sáng hơn thân hình con người.
Cũng vậy, bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanaṅkumāra xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tham thiên, vị này thắng xa chư Thiên khác về sắc tướng và danh xưng. Bạch Thế Tôn, như một hình tượng bằng vàng chói sáng hơn thân hình con người, cũng vậy bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanaṅkumāra hiện ra trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, vị này thắng xa chư Thiên khác về sắc tướng và danh xưng.
Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanaṅkumāra xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, không một vị Thiên nào trong chúng này đảnh lễ, đứng dậy hoặc mời vị Phạm thiên ngồi. Tất cả đều yên lặng, chấp tay, không ngồi trên chỗ ngồi của mình và nghĩ: "Này, nếu Phạm thiên Sanaṅkumāra muốn gì với vị Thiên nào, thời hãy ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên ấy". Bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên nào, vị Thiên ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, như vị vua Sát-đế-lỵ vừa mới làm lễ quán đảnh và lên vương vị, vị ấy sẽ vô cùng sảng khoái, vô cùng hoan hỷ.
Cũng vậy, bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra (Thường Ðồng hình Phạm thiên) ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên nào, vị Thiên ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ.
18. "Bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra xuất hiện với hình tượng thô xấu, hiện thành một đồng tử tên là Pañcasikha (Ngũ Kế) trước mặt chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Bay bổng lên trời, vị này ngồi kiết-già giữa hư không. Bạch Thế Tôn, như một vị lực sĩ ngồi kiết-già trên một chỗ ngồi được trải bằng phẳng hay trên một mặt đất thăng bằng, cũng vậy bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra bay bổng trên trời, ngồi kiết-già trên hư không, thấy được sự an tịnh của chư Thiên ở Tam thập tam thiên liền nói lên sự hoan hỷ của mình bằng bài kệ sau đây:
Chư Tam thập tam thiên
Cùng Ðế-thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Cùng Chánh pháp vi diệu.
Thấy Thiên chúng tân sanh
Quang sắc thật thù thắng,
Các vị sống Phạm hạnh
Hay sanh tại cõi này.
Chúng thắng về quang sắc
Thọ mạng và danh xưng,
Ðệ tử bậc Ðại Tuệ,
Thù thắng sanh cõi này.
Chư Tam thập tam thiên
Cùng Ðế-thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai
Cùng Chánh pháp vi diệu.
19. "Bạch Thế Tôn, đó là nội dung lời nói của Phạm thiên Sanaṅkumāra. Bạch Thế Tôn, tiếng nói của Phạm thiên Sanaṅkumāra có tám đặc điểm sau đây: lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động. Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanaṅkumāra giải thích cho hội chúng với tiếng nói của mình, tiếng nói không vượt ra khỏi đại chúng. Bạch Thế Tôn, một tiếng nói có tám đặc điểm như vậy gọi là Phạm âm.
20. "Bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra, tự hiện hóa ba mươi hóa thân, mỗi thân ngồi kiết già trên mỗi chỗ ngồi của chư Thiên ở Tam thập tam thiên và nói với chư Thiên, này như sau:
"- Này Chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên, Quý vị nghĩ thế nào? Thế Tôn phục vụ cho hạnh phúc chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Chư Thiện hữu, những ai quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và giữ trọn giới luật, những vị này khi thân hoại mệnh chung, một số được sanh lên Thiên chúng Parinimmita-Vāsavatī (Tha Hóa Tự tại thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Nimmānaratī (Hóa Lạc thiên); một số được sanh lên Thiên chúng Tusitā (Ðâu-suất thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Yāmā (Dạ-ma-thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Tāvatimsā (Tam thập tam thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Cātummahārājikā (Tứ Thiên vương thiên), những ai phải điền vào cho đủ số hạ phẩm nhất được sanh vào chúng Gandhabba (Càn-thát-bà).
21. "Bạch Thế Tôn, đó là nội dung câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra. Bạch Thế Tôn, giọng nói của Phạm thiên Sanaṅkumāra về vấn đề này được nói một cách khiến mỗi vị Thiên nghĩ rằng: "Vị ngồi trên chỗ ngồi của ta, chỉ vị ấy nói mà thôi".
Chỉ một Phạm thiên nói,
Mọi hóa thân đều nói,
Chỉ một vị im lặng,
Tất cả đều im lặng.
Chư Tam thập tam thiên,
Cùng Ðế-thích nghĩ rằng:
Chỉ vị ngồi chỗ ta,
Chỉ vị ấy riêng nói.
22. "Bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra thâu nhiếp tất cả thân thành một thân, sau khi thâu nhiếp, liền ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka và nói với Thiên chúng ở Tam thập tam thiên:
"- Chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên, Quý vị nghĩ thế nào? Bốn pháp thần túc đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, khéo léo giải thích để thần thông được sung mãn, để thần thông được thuần thục, để thần thông được thi thiết.
Thế nào là bốn? Ở đây, vị Tỷ-kheo tu tập thần túc, câu hữu dục, thiền định tinh cần hành... tinh tấn thiền định... tâm thiền định... tu tập thần túc, câu hữu với tư duy thiền định, tinh cần hành.
Bốn pháp thần túc này đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác khéo léo giải thích để thần thông được sung mãn, để thần thông được thuần thục, để thần thông được thi thiết. Này các Thiện hữu, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã thưởng thức thần túc thông dưới một hay nhiều hình thức, tất cả đều tu tập và phát triển thần túc này. Này các Thiện hữu, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ thưởng thức thần túc thông dưới một hay nhiều hình thức, tất cả đều sẽ tu tập và phát triển bốn pháp thần túc này. Này các Thiện hữu, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong hiện tại thưởng thức thần túc thông dưới một hay nhiều hình thức, tất cả đều tu tập và phát triển bốn pháp thần túc này. Này chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên, Quý vị có thấy ở nơi tôi thần lực như vậy không?
"- Có như vậy, Phạm thiên!
"- Chư Thiện hữu, tôi nhờ tu tập và phát triển bốn thần túc này mà nay thành tựu đại thần lực như vậy, đại uy đức như vậy.
23. "Bạch Thế Tôn, đó là nội dung câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra. Bạch Thế Tôn, sau khi nói xong, Phạm thiên Sanaṅkumāra nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên:
"- Chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên, quý vị nghĩ thế nào? Ba con đường tắt hướng đến an lạc đã được Thế Tôn bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ. Thế nào là ba?
"Chư Thiện hữu, ở đây có người thân cận dục lạc, thân cận bất thiện pháp. Sau một thời gian, vị nào được nghe Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp. Và khi nghe được Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp vị này sống không thân cận dục lạc, không thân cận bất thiện pháp. Nhờ sống không thân cận dục lạc, không thân cận bất thiện pháp, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên. Chư Thiện hữu, như từ thoải mái, hỷ duyệt sanh, cũng vậy, Chư thiện hữu nhờ sống không thân cận dục lạc, không thân cận bất thiện pháp, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên. Chư Thiện hữu, đó là con đường tắt thứ nhất hướng đến an lạc đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ.
24. "Chư Thiện hữu, lại nữa ở đây có người thân hành thô lậu, chưa được an tịnh, khẩu hành thô lậu... ý hành thô lậu chưa được an tịnh, sau một thời gian vị này được nghe Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp. Sau khi được nghe Thánh pháp, thân hành thô lậu của vị này được an tịnh, khẩu hành thô lậu của vị này... ý hành thô lậu của vị này được an tịnh, khẩu hành... ý hành thô lậu của vị này được an tịnh, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên. Chư Thiện hữu, nhờ từ thoải mái, hỷ duyệt sanh, cũng vậy chư Thiện hữu, nhờ thân hành thô lậu của vị này được an tịnh, khẩu hành... ý hành thô lậu của vị này được an tịnh, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên. Chư Thiện hữu, đó là con đường tắt thứ hai hướng đến an lạc đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ.
25. "Chư Thiện hữu, lại nữa ở đây có người không như thật biết: "đây là thiện", không như thật biết: "đây là bất thiện", không như thật biết: "đây là có tội", "đây là không tội", "đây cần phải thuận theo", "đây cần phải né tránh", "đây là hạ liệt", "đây là cao thượng", "đây là đen trắng đồng đều". Sau một thời gian, vị này được nghe Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp. Sau khi được nghe Thánh pháp, như lý tác ý, chứng đắc Chánh pháp và tùy pháp, vị này như thật biết: "đây là thiện", như thật biết: "đây là bất thiện", như thật biết: "đây là có tội", "đây là không tội", "đây cần phải thuận theo", "đây cần phải né tránh", "đây là hạ liệt", "đây là cao thượng", "đây là đen trắng đồng đều".
Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, vô minh của vị này được trừ diệt, minh được sanh khởi. Vị này nhờ vô minh được trừ diệt và minh sanh khởi, an lạc khởi lên, và hơn cả an lạc, hoan hỷ khởi lên.
Chư Thiện hữu, đó là con đường tắt thứ ba hướng đến an lạc, đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ.
"Chư Thiện hữu, đó là ba con đường tắt hướng đến an lạc đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ.
26. "Bạch Thế Tôn, đó là nội dung câu chuyện Phạm thiên Sanaṅkumāra. Bạch Thế Tôn, sau khi nói xong, Phạm thiên Sanaṅkumāra nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên:
"- Chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên, Quý vị nghĩ thế nào? Bốn Niệm xứ hướng đến chơn thiện đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ.
Thế nào là bốn? Chư Thiện hữu, ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Nhờ sống quán thân trên nội thân vị này được chánh định và chánh an tịnh. Nhờ tâm chánh định và chánh an tịnh ở nơi đây, tri kiến được sanh khởi đối với các thân khác ngoài tự thân.
Vị Tỷ-kheo sống quán các cảm thọ từ nội thân... quán tâm... quán pháp đối với các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Nhờ sống quán pháp đối với các pháp, tâm được chánh định và chánh an tịnh. Nhờ tâm chánh định và chánh an tịnh ở nơi đây, tri kiến được sanh khởi, đối với các pháp khác.
"Chư Thiện hữu, bốn Niệm xứ này hướng đến chơn thiện đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ".
27. "Bạch Thế Tôn, đó là nội dung câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra. Bạch Thế Tôn, sau khi nói xong, Phạm thiên Sanaṅkumāra nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên:
"- Chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên, Quý vị nghĩ thế nào về bảy pháp Ðịnh tư lương (Samādhi-parikkhārā) để tu hành chánh định, để kiện toàn thiền định, đã được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác chứng ngộ? Thế nào là bảy? Như chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.
Chư Thiện hữu, nhứt cảnh tánh của tâm do bảy chi này sửa soạn, được gọi là thánh chánh định cùng với các y chỉ và dùng với các tư lương. Chư Thiện hữu, chánh tư duy vừa đủ để chánh tri kiến sanh khởi, chánh ngữ vừa đủ để chánh tư duy sanh khởi, chánh nghiệp vừa đủ để chánh ngữ sanh khởi, chánh mạng vừa đủ để chánh nghiệp sanh khởi, chánh tinh tấn vừa đủ để chánh mạng sanh khởi, chánh niệm vừa đủ để chánh tinh tấn sanh khởi, chánh định vừa đủ để chánh niệm sanh khởi, chánh trí vừa đủ để chánh định sanh khởi, chánh giải thoát vừa đủ để chánh trí sanh khởi.
"Chư Thiện hữu, nếu có người nói lời chánh ngữ sau đây: "Chánh pháp đã được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, pháp ấy có kết quả ngay trong hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, hướng dẫn đến đích, được những người có trí tự mình giác hiểu, cửa bất tử được rộng mở". Nói như vậy là chánh ngữ. Chư Thiện hữu, vì chánh pháp thật sự đã được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, pháp ấy có kết quả ngay trong hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, hướng dẫn đến đích, được những người có trí tự mình giác hiểu, cửa bất tử được rộng mở.
"Chư Thiện hữu, những ai tin tưởng Phật không có thối chuyển, tin tưởng Pháp không có thối chuyển, tin tưởng Tăng không có thối chuyển, đầy đủ giới hạnh khiến bậc Thánh hoan hỷ, tất cả những vị được hóa sanh được Chánh pháp hướng dẫn, hơn hai trăm bốn mươi vạn vị cư sĩ ở Magadha đã từ trần mệnh chung, những vị này đều diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn đọa vào ác thú, chắc chắn đạt đến chánh giác. Lại có những vị Nhất lai:
Với hạng chúng sanh này
Ước lượng phần công đức.
Không thể ước lượng được
Sợ phạm tội vọng ngữ.
28. "Bạch Thế Tôn, đó là nội dung câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra. Bạch Thế Tôn, được biết nội dung câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra, đại vương Vessavana khởi lên suy tư sau đây: "Chư Thiện hữu, thật là kỳ diệu! Chư Thiện hữu, thật là hy hữu, được có một Ðại sư thù thắng như vậy, một pháp thoại thù thắng như vậy, được một con đường đặc biệt như vậy".
"Bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanaṅkumāra tự tâm mình biết được tâm trí của đại vương Vessavana như vậy, liền thưa với đại vương:
"- Ðại vương Vessavana nghĩ như thế nào? Trong thời quá khứ đã có một Ðại sư thù thắng như vậy, một pháp thoại thù thắng như vậy, đã được trình bày một con đường đặc biệt như vậy... Trong thời gian tương lai, sẽ có một Ðại sư thù thắng như vậy, một pháp thoại thù thắng như vậy, sẽ được trình bày một con đường đặc biệt như vậy".
29. Ðó là nội dung câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Ðại vương Vessavana sau khi tự thân nghe, tự thân chấp nhận câu chuyện của Phạm thiên Sanaṅkumāra nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên, liền nói với chúng của mình. Dạ-xoa Janavasabha sau khi tự thân nghe, tự thân chấp nhận câu chuyện của đại vương Vessavana nói với hội chúng, liền bạch lại với Thế Tôn. Thế Tôn sau khi tự thân nghe, tự thân chấp nhận câu chuyện của Dạ-xoa Janavasabha, và sau khi tự mình chứng tri liền nói lại cho tôn giả Ānanda. Tôn giả Ānanda sau khi tự thân nghe, tự thân chấp nhận câu chuyện của Thế Tôn liền nói lại cho chúng Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ.
Phạm hạnh này được hưng thịnh, được quảng bá, được truyền rộng cho đại chúng càng ngày càng đông, vì được khéo léo trình bày cho loài Người.
Hết phần 18. Kinh Xà-ni-sa (Janavasabha sutta) (Lên đầu trang)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.144.109 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (222 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.